●   Bản rời    

NƯỚC MẮT CỦA BIỆT ĐỘNG SÀI GÒN

NƯỚC MẮT CỦA BIỆT ĐỘNG SÀI GÒN

Nguyễn Quang Chánh

http://sachhiem.net/LICHSU/N/NguyenQuangChanh05.php

13-Jul-2023

(Trích từ tập sách Sống Để Kể Lại Những Anh Hùng của Nguyễn Quang Chánh.)

Trong 8 người hy sinh, chỉ biết được tên 3 người, còn 5 người chỉ có bí danh, không biết tên tuổi thật, quê quán của họ do đặc thù của hoạt động bí mật trong thành. Cha mẹ họ nếu giờ này còn sống cũng không biết con em mình giờ đang ở đâu, chiến tranh chấm dứt hơn nửa thế kỷ rồi mà sao giờ chưa thấy họ trở về? Chế độ chính sách cho liệt sỹ nếu họ hy sinh cũng không được hưởng vì không xác định được danh tính, đau lòng lắm.

Tôi quen biết bà đã lâu, được nghe bà kể về cuộc đời chiến đấu của mình và đồng đội ở thành phố Sài Gòn này trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước thật thích thú. Tên bà là Vũ Minh Nghĩa, bí danh Chính Nghĩa, người con gái Củ Chi gan dạ, chiến sỹ biệt động Đội 5 của Biệt động Sài Gòn khi xưa. Bà là người con gái duy nhất trong 15 chiến sỹ biệt động Sài Gòn của đội 5 đánh vào Dinh Độc Lập rạng sáng mùng 2 tết trong chiến dịch tổng tấn công xuân Mậu thân 1968.

Đã lâu, tôi chưa gặp lại bà. Hôm rồi có chút việc ở Gò vấp, tiện thể tôi gọi điện thoại cho bà, thấy bà đang ở nhà, tôi ghé qua thăm bà và tiện thể cũng muốn thắp cây nhang cho 2 người anh hùng biệt động mà tôi rất quý trọng được bà đang thờ cúng cùng với ông bà ở nhà: AHLLVTND Nguyễn Thanh Xuân (tức Bảy Bê) và AHLLVTND Lê Văn Việt.

Ông Bảy Bê là chồng bà, còn Lê Văn Việt được chồng bà coi như người em thân thương, gia đình thờ cúng con người này từ sau ngày giải phóng. Đội 5 là đơn vị rất thiện chiến của Biệt động Sài Gòn do ông Bảy Bê chỉ huy, đánh những trận để đời của biệt động thành như Toà đại sứ quán Mỹ năm 1965, cư xá Brink, khách sạn Caraven, khách sạn Metropol,... Lê Văn Việt là người tham gia trận đánh kinh hoàng của đội 5 vào toà nhà đại sứ quán Mỹ tháng 3/1965 ở đường Hàm Nghi do Bảy Bê chỉ huy. Khi ấy, ông Bảy Bê cầm lái ô tô chở khối thuốc nổ gần 300 kg lao vào cửa bên hông của tòa nhà, Lê Văn Việt từ trên xe gắn máy lao xuống nổ súng thu hút tụi địch về phía mình để ông Bảy Bê từ trong xe ô tô lao ra chạy thoát trong gang tấc sau khi khối thuốc nổ phát nổ, làm sập 1/3 tòa nhà. Giữa vòng vây của địch, Lê Văn Việt vừa chạy vừa bắn trả, ông bị thương và bị địch bắt, bị kết án tử hình, đày ra Côn Đảo, ở đó ông tổ chức vượt ngục nhưng không thành rồi bị tụi nó tra tấn tới chết.

Ngày trở lại thăm Côn Đảo, ông Bảy Bê đã bốc mấy nắm đất trên mộ của Lê Văn Việt đem về nhà cho vào hũ sành rồi lập bàn thờ để nhang khói cho người em dũng cảm. Đội 5 của biệt động thành với quân số vài ba chục người, ai hy sinh thì lại được bổ sung thêm, gia đình bà Chính Nghĩa có 3 người con là thành viên của đội 5. Đội 5 được Nhà nước tuyên dương 2 lần danh hiệu AHLLVTND ngay từ khi còn chưa kết thúc chiến tranh, có 8 thành viên được tặng và truy tặng danh hiệu AHLLVTND. Không dễ gì có thể có một đơn vị thứ 2 như vậy với mấy chục người mà vinh dự được tuyên dương AHLLVTND tới 2 lần.

Trở lại trận đánh dinh Độc Lập rạng sáng mùng 2 tết Mậu thân 1968 của đội 5, người chỉ huy trận đánh là ông Tô Hoài Thanh. Chiếc xe ô tô chở 200 kg thuốc nổ lao vào cổng bên hông của dinh ở đường Nguyễn Du nhưng rất tiếc do trục trặc kỹ thuật đã không phát nổ. Các chiến sỹ biệt động đã phải trèo qua hàng rào để lọt vào bên trong. Khẩu súng đại liên của địch trên nóc dinh đã vãi đạn như mưa vào đội hình, trong vòng ít phút, 4 chiến sỹ biệt động vượt qua được hàng rào vào trong dinh cũng bị trúng đạn hy sinh. Trong dinh bắn ra, hai đầu phố Nguyễn Du địch cũng điều quân tới ứng cứu khoá chặt đường rút của các chiến sỹ biệt động và vãi đạn vào đội hình của họ.

Cuộc chiến đấu không cân sức, bất lợi cho các chiến sĩ biệt động. Ông Tô Hoài Thanh trúng đạn hy sinh trên tay bà Chính Nghĩa. Họ cầm cự như vậy gần 2h nhưng không thấy quân ứng cứu của ta tới chi viện như hợp đồng trước trận đánh. Còn 8 người, hy sinh 7 người, trời đã gần sáng, họ rút vào cố thủ trong tòa nhà 5 tầng đang xây dựng giang dở ở góc đường Thủ Khoa Huân và Nguyễn Du. Tại đây, họ đã cầm cự được hơn một ngày, ông Lê Tấn Quốc hy sinh tại đây, hết đạn, rạng sáng mùng 3 tết họ theo đường ống máng xối thoát sang mái nhà mấy căn lân cận. Do đuối sức, phần ai cũng bị thương khắp người nên họ cũng không đi xa được, trưa hôm sau tất cả 7 người bị địch bắt. Địch kết án cả 7 người tù chung thân rồi đày ra Côn đảo sau đó. Họ chỉ trở về sau khi được địch trao trả sau hiệp định Paris trong 2 năm 1973-1974.

Hôm nay, được ôn lại trận đánh ác liệt hơn nửa thế kỷ trước, tôi hỏi bà Chính Nghĩa:

- Cô ơi, 8 người hy sinh trong trận đánh đó giờ có biết bia mộ của họ ở đâu không?

- Làm gì có bia mộ nào hả con?

Sau đó chúng ta cũng hy sinh nhiều lắm trong đợt 1, tụi nó gom xác các chiến sỹ của mình rồi đào hố chôn tập thể ở đâu đó, chẳng ai biết. Thân xác các đồng đội của cô giờ đã tan trong lòng đất như những chiến sỹ biệt động hy sinh vô danh vì Tổ quốc. Trong 8 người hy sinh, chỉ biết được tên 3 người, còn 5 người chỉ có bí danh, không biết tên tuổi thật, quê quán của họ do đặc thù của hoạt động bí mật trong thành. Cha mẹ họ nếu giờ này còn sống cũng không biết con em mình giờ đang ở đâu, chiến tranh chấm dứt hơn nửa thế kỷ rồi mà sao giờ chưa thấy họ trở về? Chế độ chính sách cho liệt sỹ nếu họ hy sinh cũng không được hưởng vì không xác định được danh tính, đau lòng lắm.

Tôi có nói với bà Chính Nghĩa, thỉnh thoảng con có đi ngang qua cổng sau đường Nguyễn Du của dinh Độc lập ngày xưa (nay đổi tên là Hội trường thống nhất), vẫn dừng lại bên bia tưởng niệm trên lề đường Nguyễn Du, muốn đốt nén nhang cho những người đã khuất mà khó quá? Có nhang nhưng chỗ để không được che chắn, nhang bị ướt nước mưa và mủn, nhiều khi cũng không tìm được bao diêm để đốt.

Phía bên kia đường, có cái miếu nhỏ dân họ làm 2 tầng, lúc nào cũng có nhang và hột quẹt gaz cho người qua đường dừng lại đốt nhang. Bà Chính Nghĩa giải thích cho tôi: cái miếu 2 tầng đó là gia đình chủ nhà làm ở gốc đa, nơi diễn ra trận đánh quyết liệt. Cả bên ta và bên địch hy sinh ở đây. Họ làm cái miếu 2 tầng có 2 bát hương là để hương khói cho tất cả những người đã mất ở đây của cả 2 phía. Người chết thì đã chết rồi, không phân biệt ai nữa. Còn bia tưởng niệm chúng ta khánh thành ở vị trí này được làm cuối năm 2017 để kỷ niệm 50 năm chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu thân 1968.

Bia tưởng niệm này cũng gây nhiều tranh cãi đó con, bà Chính Nghĩa nhìn tôi rồi tiếp: tụi cô hồi đó còn 4 người trong tổng số 7 người bị bắt (giờ chỉ còn sống 3 người, đều là thương binh) thế mà ngày khai trương họ cũng không mời tham dự. Nghe đâu, ông Tất Thành Cang là người thay mặt thành phố đọc diễn văn dài dòng, lủng củng lắm. Sau lễ khai trương 1-2 bữa gì đó, 4 người tụi cô đã mua hoa đem tới đây để tưởng nhớ đồng đội của mình. Cũng như con nhận xét đó, không có hộp kín để đựng nhang và hột quẹt gaz. Thành thử mưa xuống, nhang bị ướt hết. Còn ngôi sao ở phía trên được khắc nổi trên nền đá granite đen, trông rất phản cảm vì người ta cảm nhận đó là ngôi sao đen? Sau này góp ý dữ quá, người ta mới cho sơn vàng ngôi sao ấy hồi năm ngoái. Nhưng điều đáng nói ở đây là, tại sao trên bia tưởng niệm lại không cho khắc tên những người đã hy sinh? Cái này rất cần thiết để muôn đời con cháu mai sau nhớ mãi. Có tên 3 người thì ghi tên 3 người, 5 người có bí danh thì ghi bí danh. Các anh ấy đã ngã xuống anh dũng trong trận đánh lịch sử để rồi 2 người là anh Tô Hoài Thanh và Lê Tấn Quốc đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu AHLLVTND. Rồi cũng nhờ những hy sinh mất mát này mà đội 5 sau này được tuyên dương AHLLVTND lần thứ 2! Vậy tên tuổi của những người đã hy sinh có xứng đáng được khắc ghi trên bia đá tưởng niệm không?

Tôi thấy giọng bà Chính Nghĩa đã rất xúc động, mãi sau bà mới nói tiếp, năm tháng sẽ qua đi, rồi tất cả lại cũng rơi vào quên lãng, sẽ còn ai nhớ đến những người đã ngã xuống và hy sinh vì đất nước này nữa không?

Hôm 30/4 vừa rồi, anh Hôn (một trong 3 người còn sống của trận đánh ấy) từ Củ Chi có ghé xuống đây. Hai anh em chúng tôi có ra thắp nhang cho đồng đội ở bia tưởng niệm, sau đó tụi tôi có vào trong khuôn viên của dinh. Nhìn thấy cựu chiến binh nhiều lắm, họ là những người lính của Quân đoàn 2 vào dinh Độc lập sớm nhất, bắt giữ toàn bộ nội các Dương Văn Minh, dự lễ kỷ niệm ngày 30/4, sau đó liên hoan ở phía sau. Cũng mừng vì bây giờ Hội trường Thống nhất là di tích quốc gia được sắp hạng, ghi dấu ấn kết thúc cuộc chiến tranh gian khổ của dân tộc. Trưng bày xe tăng 843, 390, xe ô tô Jeep chở Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu sang đài phát thanh đọc tuyên bố đầu hàng. Anh Hôn có nói: Chính Nghĩa nè, hồi đó tụi mình với 15 người chỉ có AK, lựu đạn và B.40 nhưng đã chiến đấu hy sinh ở đây mất 8 người, đối đầu với hàng trăm tên giặc súng ống trang bị tận răng trên xe bọc thép, tiêu diệt được mấy chục tên và cũng trụ được hơn một ngày ở nơi này, đánh tới viên đạn cuối cùng, nhiều lúc phải lấy cả gạch đá trong toà nhà để chọi lại chúng nó, không ai đầu hàng giặc, chấp nhận hy sinh.

Ngày 30/41975, các ảnh trên xe tăng tiến vào dinh Độc lập, địch đã đầu hàng buông súng, không một phát đạn nào của địch bắn vào chúng ta, không một ai bị thương hay hy sinh tại đây, mọi thứ đều còn nguyên vẹn. Không có trận Mậu thân 1968 đầy hy sinh như thế thì sao có ngày 30/4/1975 như vậy nhỉ? Cớ sao cái bia tưởng niệm kia không được đặt ở một chỗ trang nghiêm trong khuôn viên này để cho mọi người tới đây thăm quan được biết, rằng đã có một trận đánh của biệt động Sài Gòn vào đây với bao mất mát hy sinh? Số phận hẩm hưu của cái bia đá trên vỉa hè làm đau lòng những người đã mất, chúng ta đã không tôn trọng xương máu của những người đã ngã xuống.

Tôi cũng thấy thật xót xa, một trận đánh không cân sức vào cơ quan đầu não của địch hy sinh 8 người, 7 người bị thương sa vào tay giặc phải chịu tù đày ở Côn Đảo, 2 người được truy tặng danh hiệu AHLLVTND, sao tất cả họ không xứng đáng được khắc tên trên bia đá nhỉ, tất cả họ đều là những người anh hùng !

Câu chuyện kể của bà Chính Nghĩa trong nước mắt làm tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Liệu những người đang sống như chúng ta hôm nay trong hoà bình có vô ơn trước anh linh của các anh hùng liệt sỹ không? Chúng ta đã thật sự sống tử tế với đời để tri ân những người có công với đất nước hay chưa? Có ai còn nhớ tới gia đình của những liệt sỹ đã hy sinh trong trận đánh oai hùng của đội 5 biệt động Sài Gòn vào dinh Độc lập rạng sáng mùng 2 tết Mậu thân 68 không? Họ cũng có tên, có tuổi, dù là bí danh nhưng sao chúng ta không nhắc tới họ khi chiến tranh đã lùi xa hơn nửa thế kỷ từ lúc họ hy sinh? Nghe nói, Bộ lao động và thương binh xã hội đang triển khai rầm rộ chương trình thay các bia đá ghi liệt sỹ vô danh tại các nghĩa trang thành bia đá ghi "liệt sỹ chưa xác định được thông tin" tốn kém hơn một nghìn tỷ đồng của ngân sách thì cũng nên để mắt tới tấm bia đá vật vờ được dựng sau bức tường của Hội trường thống nhất trên hè phố con đường Nguyễn Du, Quận 1 để khắc ghi tên tuổi của những người đã hy sinh, dù là bí danh, nên nhớ trong đó có 2 người được truy tặng danh hiệu AHLLVTND.

Những người đang sống hôm nay hãy trân trọng máu xương của cha anh đã đổ xuống cho sự thống nhất đất nước.

Xin được tri ân các anh hùng liệt sỹ nhân ngày 27/7../.

Nguồn FB Nguyễn Quang Chánh ngày 13 tháng 7, 2023

Trang Thời Sự