●   Bản rời    

Tây Dương Bí Lục VII-Các vua đạo

Tây Dương Gia Tô Bí Lục

Ghi chép những chuyện kín của đạo Gia Tô Tây Dương

cùng soạn:

Phạm Ngộ Hiên, Nguyễn Hoà Đường, Nguyễn Bá Am và Trần Đình Hiên

nguồn: Tủ sách Talawas,  bản điện tử, đăng ngày 6/22/2007

http://sachhiem.net//TONGIAO/TDBL/TayDuongBiLuc8.php

07 tháng 10, 2007

Bấm vào số dưới đây để chọn bài đọc 

 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 

 

Nam Lục lão tẩu: Phạm Ngộ Hiên, Nguyễn Hoà Đường

Hải Châu hậu tẩu: Nguyễn Bá Am, Trần Trình Hiên

Ngô Đức Thọ dịch và giới thiệu

 

  
Quyển VII

Các vua đạo mượn Jêsu đối chứng

Bọn quan đạo bịa chuyện láo lừa dân

Bấy giờ tân Giáo hoàng đã lên ngôi. Qua năm sau ban chiếu truyền rằng: “Chúa Trời hiện xuống phán bảo: quan dân, đàn ông đàn bà, thảy đều phải bỏ cách ăn mặc theo kiểu cũ. Hạn trong một năm ai nấy đều phải may thường phục theo mẫu áo đã có phép qui định tức là kiểu Italiêng [1] để chứng tỏ sự nhất trí. Kẻ nào trái lệnh sẽ bị trị tội”. Trước đó có y phục của người Tây Dương đại khái cũng cùng một kiểu như người Jiuđê: vạt áo trước có đường xẻ, khi mặc thì xỏ tay cài khuy. Đến nay mọi người đều phải mặc kiểu áo thung chui đầu.

Tả thừa tướng Xumêi chết. Giáo hoàng Lôrenxô cho đem tượng truyền thần ra đặt trong điện thờ [2] . Về sau các quan sau khi chết đều được phong làm thánh, cho nên ngày nay mỗi thánh đều có một kinh riêng.

Qua năm sau, Giáo hoàng ban tên thánh cho các nhà thờ trong nước. Bấy giờ, đã lâu không thấy Jêsu hiện về, Giáo hoàng bèn phỏng theo sự tích hòn đá có vết đầu gối Jêsu ở vườn Ghêtsêmani, sai thợ lấy tấm đá vuông mỗi chiều rộng 1 thước rưỡi tạc nổi hình chúa Jêsu theo thân triên giá câu rút rồi bảo vít vồ đọc lời khấn rằng: “Nguyện linh hồn Chúa nhập vào tảng đá này để phù hộ cho vua tôi chúng con”. Lấy nến trát lên mặt ngoài bức tượng rồi dùng tấm khăn lụa che trùm lên. Mỗi nhà thờ đều phải có một tấm đá như thế, gọi là “Đá tàng hồn” (Tàng thần thạch). Đá thánh của tả đạo bắt đầu có từ đó.

Bấy giờ đã định xong các ngày lễ trong một năm, Giáo hoàng truyền chiếu: Một là [3] , cho mở cuộc thi lựa chọn các môn đồ [4] cho thăng làm giám mục hoặc thầy cả, người trúng tuyển đều được truyền phép, cấp bằng sắc. Hai là, dân chúng ai có ảnh thánh, tượng thánh, đến kỳ lễ Lá đều phải đem đến nộp để đạo quan rảy nước phép và niệm chú, như thế mới là ảnh tượng thiêng, đáng thờ phụng. Những ảnh tượng chưa được niệm chú thì chẳng khác gì gỗ đá, không đáng để thờ. Lời chú niệm rằng: “Cúi nguyền Đức chúa Jêsu giáng linh vào ảnh này tượng này để cho con chiên thờ phụng đặng giúp giữ ngôi báu cho Giáo hoàng” [5] . Niệm như thế ba lần, xong rảy nước phép, rồi mới giao cho giáo dân lãnh về thờ. Những ảnh tượng nào đã được niệm chú, nhưng quá lâu rồi cũng cần phải niệm lại. Lại răn dặn rằng: “Các ảnh, tượng đã qua lễ niệm chú đều thiêng liêng như bậc chân thánh, nếu lỡ chân mà bước qua tức là phạm tội như giày đạp lên cha mình, sau khi chết sẽ bị đày xuống địa ngục, không được tái sinh làm người”. Muốn cho mọi người một lòng tôn đạo, cho nên phải răn dặn để chớ khinh mạn coi thường” [6] .

Qua năm sau, Giáo hoàng lại truyền rằng: “Chúa Trời phán rằng mỗi làng phải dựng sẵn một ngôi nhà bỏ không để làm nơi thờ các đạo quan sau khi chết, phong gọi là thánh. Con chiên nam nữ trong làng người nào một lòng chuyên cần việc đạo, được đạo quan trình lên thì sau khi chết cũng được thờ chung trong nhà ấy [7] .

Bấy giờ đình thần vừa mới bàn định về việc cắt yểm mạch đất thì có 5 ngôi sao dữ mọc lên. Giáo hoàng Lôrenxô hội triều bàn bạc, sợ rằng dân chúng bói toán rồi lại thì thào bàn tán, bèn truyền cho các đạo quan phải đe doạ dân chúng rằng đó là điềm báo trước ngày tận thế đã đến gần, ai nấy phải dốc lòng thờ đạo như chúa Jêsu hằng dạy. Rồi đó lệnh truyền cho dân gian nhà nào còn cất giữ sách vở về các thuật bói toán, tướng số, v.v. trong hạn một tháng phải nộp hết cho đạo quan sở tại. Ngoài hạn ấy sẽ đi khám xét từng nhà, kẻ nào trái lệnh xử trảm chớ hối. Chiếu thư đại khái nói: “Các hình tượng hiện ra trên trời như thế nào đều do ý kín của chúa Trời, người trần không được nghị bàn vụng lén. Đến như việc chọn mạch đất tốt xấu là để cầu phúc há chẳng phải đều do Chúa định trước cả hay sao? Ai không tuân lệnh, tức là phạm tội bất kính, phải xử tội chết” [8] .

Các sách thuật số đã bị cấm, qua năm sau, Giáo hoàng lại xuống chiếu: “Chúa Trời phán rằng: Các vùng dân cư, nơi nào đường sá đi lại chưa thuận tiện thì giám mục sở tại phải xem xét cho mở thông hoặc lấp bỏ để cho dân chúng đi lại được dễ dàng”. Mặt khác, Giáo hoàng lại truyền dụ mật, bảo rằng: “Các đạo quan ai có mồ mả tổ tiên đang lúc phát thịnh thì phải trình ngay cho giám mục bề trên biết để được phép giữ nguyên. Ngoài ra, tất cả đồi gò các làng đều phải đào yểm long mạch. Những nơi núi cao đất rộng hãy đợi sẽ bàn định sau. Công việc làm xong, các đạo quan phải vẽ địa đồ dâng nộp”.

Thế là mạch đất tốt ở các làng đều bị cắt yểm, chỉ những nơi có mồ mả tổ tiên vua quan được giữ nguyên như cũ mà thôi [9] .

Qua năm sau, Giáo hoàng xuống chiếu truyền rằng: “Những ai có thiện tâm thờ đạo Chúa thì được lên tình hình, nhà vua vâng ý Chúa sẽ lầm đền thờ phụng. Những kẻ phản nghịch bỏ Chúa phải đày xuống địa ngục, nhà vua cũng vâng ý Chúa mà khép tội đóng đinh câu rút”.

Đạo quan các nơi dâng sớ tâu rằng: “Đàn bà con gái bàn tán với nhau rằng: chỉ thấy phong thánh đàn ông, chứ không thấy nói phong thánh đàn bà. Xin hoàng thượng xét định để yên lòng bọn họ”. Giáo hoàng Lôrenxô cùng đình thần bàn bạc rồi theo điều ghi trong sách Thực lục mà tôn phong cho Vêdonica và Alina là “Bà Thánh”, được thờ chung với đức mẹ Maria. Chỉ dụ của Giáo hoàng truyền rằng: “Đương khi chúa Jêsu chịu nạn, bà Vêdônica là một phụ nữ tôn quý đã có lòng thành trao chiếc khăn tay cho Chúa. Còn bà Alina nguyên là người gái điếm mà có lòng tặng Chúa chiếc váy đỏ. Chúa Trời chí nhân, phán cho trẫm biểu dương linh hồn hai vị ấy. Nay đã có tiếng chuông của Chúa giáng hiện, trẫm tôn phong hai vị là Thượng thánh. Vậy bảo cho phu nhân ai nấy đều biết mà yên lòng thờ Chúa để cùng được đội ơn phong thưởng”. Các đạo quan tuyên đọc chiếu thư, đàn bà con gái khắp nơi đều hân hoan vui mừng.

Đạo quan các nơi lại tâu rằng: “Đạo ta nói về chuyện thiên đường, người ta đều cho là khó mong lên được”. Rồi đó, một đình thần soạn ra bổn kinh Hoa viên (Vườn hoa), 1 quyển, in ra để ban hành trong nước. Kinh này khuyên dụ người ta hãy nên dốc lòng làm điều thiện để giũ sạch tội quí tiền khiến cho được lên thiên đường. Vì thế, dân chúng ai nấy đều vui lòng theo đạo.

Năm ấy các mạch núi đã bị cắt yểm hết, nạn dịch lớn lan tràn, người chết nằm gối lên nhau. Giáo hoàng mật truyền cho các đạo quan doạ phỉnh dân chúng rằng: “Sắp đến ngày tận thế, cho nên chúa Trời bắt dân chúng chịu khổ nạn để thử thách tin đạo. Ai nấy đều phải dốc lòng”. Đồng thời Giáo hoàng lại chiếu truyền rằng: “Chúa Trời phán: Sự lành sự dữ đều do Chúa định sẵn, từ thời thượng cổ đến nay đều thế cả. Kẻ nào phao truyền ngoa ngôn, sẽ giao cho quốc vương ném xuống địa ngục”.

Bấy giờ các đạo quan cũng nhiều người bị chết vì bệnh dịch, bề trên lập tức bổ nhiệm người khác đến thay. Lại cho vẽ một người có cánh như chim cầm giáo đâm xuống một con quỷ đầu sừng thân đuôi đang bị đè giẫm dưới chân. Đó là ảnh thánh Antô, được vẽ ra hàng loạt để ban cho thiên hạ, bảo dân chúng rằng: “Thánh Antô đêm qua từ trên trời xuống nói Thiên Chúa sai xuống đi bắt quỷ, vì thế các nhà đều phải treo ảnh thánh Antô”. Rồi đó lại soạn ra kinh Antô bảo mọi người tụng đọc. Ảnh thánh Antô [10] có từ hồi đó [11] .

Dịch bệnh hoành hành liền năm năm mới dứt, Giáo hoàng lại xuống chiếu lừa dối dân chúng rằng: “Chúa Trời phán: Vì dân nước ta tôn thờ đạo Chúa, cho nên ma quỷ căm ghét, tác quái sinh yêu làm hại dân ta. Vì vậy, trong dân gian các đều miến thờ cúng thần linh tạp nhạp lệnh cho chính quan và đạo quan sở tại phải thu dẹp phá huỷ hết, xong việc phải dâng biểu tâu lên”.

Thế là lại một phen dịch bệnh lớn, dân chúng chẳng ai dám hé răng.

Giáo hoàng Lôrenxô chết. Trải hai mươi năm thi hành bấy nhiêu sự việc đều không chút vội vàng. Lúc lâm chung, Giáo hoàng gọi thế tử và các quan đại thần đến mật truyền di chúc: “Các hạng thần linh tạp nhạp trẫm đã dẹp xong. Còn những thần linh có tiếng thì trong mười năm tới đây, các ngươi phải lo yểm diệt cho hết. Lại phải hai mươi năm sau nữa mới xuống lệnh cấm thờ cúng tổ tiên. Đến khi đó cả nước mới thực cùng chung một đạo”. Rồi đó thế tử Đôrixi [12] lên nối ngôi, xuất tiền bạc trong kho phát chẩn cho thiên hạ.

Chiếu truyền: “Trước đây sông ngòi nhiều nơi sụt lở. Nay sai sứ đi các nơi xem xét các làng bị ngập lụt, cho làm kè đá ngăn giữ, chiêu tập dân chúng trở về làm ăn để con chiên Chúa càng thêm đông đúc. Kẻ nào không tuân lệnh hoặc chiếm lợi riêng đều bị phép tội chém”. Từ đó ruộng đất bị sụt lở của các làng ven sông được khôi phục đủ số, lập thành định lệ lâu dài.

Năm thứ năm, Giáo hoàng Đôrixi xuống chiếu truyền rằng: “Các vị thần có danh tiếng cũng không trừ diệt được ma quỷ, vì thế các đồ khí mãnh thờ cúng đều phải thiêu huỷ hết”.

Năm thứ mười, truyền chiếu: “Chúa Trời phán bảo: Thần tức là quỷ, người há đi thờ quỷ hay sao? Từ xưa tới nay dân chúng thờ cúng quỷ thần nhưng chẳng được ích lợi gì cho sự thọ yểu giàu nghèo. Vì thế các đền thần phải thiêu huỷ hết không để sót mảy may”.

Bấy giờ các đền phần nhiều đã bị lính tráng phá huỷ, Giáo hoàng Đôrixi hội các đình thần lại bảo rằng: “Hơn ba mươi năm, các phép đạo đã được định lập đầy đủ. Nay cần phải có một phép gì đó khiến cho giáo dân thân thiết với đạo mà vẫn giữ được tôn nghiêm”.

Đình thần xét trong kinh Bởi trời chép ở Thực lục có câu: “Cha chúng tôi ở trên trời…”, bèn xin Giáo hoàng xuống chiếu truyền rằng: “Người ta có ba cha [13] . Cha bậc trên là chúa Trời, cha bậc giữa là vua, cha bậc dưới là cha đẻ ra mình. Cha bậc trên sinh ra cả cha bậc giữa và cha bậc dưới, cho nên mọi sự đều phải tuân theo cha bậc trên làm chính. Cha bậc giữa theo phép của cha bậc trên mà thi hành, kẻ nào không tuân theo tức là bất hiếu, phạm vào điều thứ 4 trong kinh Mười điều răn, bị phạt tội đày xuống địa ngục”. Cái thuyết Ba cha của ta đạo là gốc ở đó [14] .

Giáo hoàng lại bàn bạc với đình thần: “Phải làm sao cho dân chúng kính yêu ta như một khối không thể tách rời được?”.

Đình thần bàn định rồi xuống du phỉnh doạ dân chúng: “Chúa Trời phán rằng: linh hồn người ta do Chúa trao cho, chỉ có phần xác là do cha mẹ sinh ra. Vua và các đạo quan là cha cai quản phần hồn. Cha mẹ đẻ bế ẵm phần xác thì chỉ là cha mẹ phần xác. Cha cai quản phần hồn là tôn quý, còn cha cai quản phần xác thì thấp kém hơn. Từ nay về sau, dân chúng cần phải gọi các thầy cả là cha. Thầy cả thì gọi vít vồ (giám mục) bằng cha, giám mục thì gọi Giáo hoàng là cha. Ai không tuân theo sẽ trị tội”.

Giáo hoàng lại nói: “Tỏ tình thân bằng lời nói dù sao cũng không bằng tỏ tình thân bằng việc làm”. Rồi đó phỏng theo cung cách các đồ đệ của Jêsu có lệ hôn tay thầy, Giáo hoàng bèn định lệ: khi bãi chầu, các đại thần phải quỳ thành hai hàng nâng vạt áo của Giáo hoàng mà hôn. Đối với các đồ khí mãnh cũng thế. Giáo dân đàn ông đàn bà làm lễ xong, khi đạo quan ra về cũng phải nâng vạt áo mà hôn như thế [15] .

Phép gọi cha đã được thi hành. Qua năm sau, triều đình lại bàn cách huỷ bỏ tình cảm ruột thịt, không cho người ta quyến luyến người thân, chỉ một lòng tôn kinh Giáo hoàng và các đạo quan. Bàn định xong, xuống chiếu truyền rằng: “Người ta sau khi chết được chúa Trời cho lên thiên đường, vả lại trước sau ai cũng một lần chết, cho nên từ nay về sau không được kêu khóc người chết, không được để tang và khi mai táng thì phải đào huyệt chôn sâu. Chôn cất xong thì đọc kinh cầu nguyện, yên lặng làm ăn như cũ. Ai trái lệnh xử trảm”.

Từ đó người trong nước không được gọi cha đẻ mình bằng cha, mà phải tôn gọi Giáo hoàng và các đạo quan là cha thật của mình.

Giáo hoàng lại xuống chiếu truyền rằng: “Việc hôn nhân của mỗi người, chúa Trời đã định sẵn: cha mẹ không được loạn luân với con cái, anh em ruột cũng không được lấy nhau, anh em cùng cha khác mẹ cũng không được lấy nhau. Ngoài ra, nam nữ vừa ý nhau thì đều được kết hôn. Đạo quan cho ai được làm vợ chồng đều là vâng theo ý Chúa, cha mẹ đẻ không được ngăn trở. Ai không tuân lệnh sẽ trị tội”. Thế là từ đó trong dân gian những người cùng chung huyết thống cũng vẫn được phép lấy nhau làm vợ chồng.

Bấy giờ đình thần có người tên là RiSa [16] lại soạn dâng bổn kinh Sáu điều răn tâu rằng: “Bắt dân giữ đúng mấy điều dạy đó thì lòng sùng đạo càng thêm sốt sắng, ít biếng trễ”. Giáo hoàng xem xong hỏi rằng: “Lời kinh nói: chớ tham công việc phần xác thì được phúc đức phần hồn, là nghĩa thế nào?” RiSa thưa rằng: “Làm như thế thì hằng ngày trăm công nghìn việc phúc đức vậy”. Giáo hoàng lại hỏi: “Tại sao ngày thứ sáu và ngày thứ bảy hằng tuần lại kiêng ăn thịt?” RiSa thưa: “Chúa Jêsu đầu tiên gặp nạn vào ngày thứ sáu, sang ngày thứ bảy thì chết. Cho nên trong hai ngày ấy cần phải kiêng thịt, khiến cho giáo dân ai nấy đều phải xúc động trong lòng không quên”. Giáo hoàng khen ngợi và cho ban hành để thiên hạ tuân hành. Kinh Sáu điều răn và phép kiêng thịt ngày thứ sáu, thứ bảy bắt đầu có từ đó.

Qua năm sau, Giáo hoàng lại truyền xuống: “Chúa Trời phán rằng: dân chúng không được xem các sách vở của người Jiuđê, và cũng không được học các sách sử ký của bản quốc, chỉ được học sách thuốc để chữa bệnh mà thôi. Những ai làm nghề thầy lang đều phải tôn CôSiMô GiaMi [17] làm thầy, không được tôn sùng các tổ sư nghề y từ đời thượng cổ nữa”.

Bấy giờ triều đình bàn bạc, lấy làm lo lắng các sách vở của người Jiuđê thế nào cũng có nói tới việc Jêsu, cho nên trước hết xuống lệnh cấm. Đồng thời cũng cấm luôn cả việc học sử ký nước nhà, tức là phỏng theo lời dạy của Jêsu về việc hạn chế sự thông minh. Kẻ nào có hai loại sách ấy đều phải nộp cho thầy cả làng mình để chuyển lên đạo quan thiêu huỷ, ai trái lệnh sẽ bị đày xuống địa ngục.

Từ trước, vua quan nước Tây Dương ai cũng muốn lấy nhiều vợ để có nhiều con nối dõi. Nhưng từ khi việc hôn nhân một vợ một chống đã định thành phép tắc, bọn họ đâm ra lúng túng không biết xử trí thế nào. Xét trong sách Bí lục thấy ghi lời Jêsu dạy môn đồ về việc cấm thờ cúng chỉ là cấm dân chúng, còn vua quan thì vẫn có đền miếu phụng thờ, bèn định ra lệ mật: quốc vương được lấy 300 thị nữ, các quan cũng được lấy thiếu hậu vợ lẽ nhiều ít tuỳ theo cấp bậc. Chỉ ngại dân chúng vin cớ ấy mà không tuân theo phép một vợ một chồng, cho nên trước hết phải ban chiếu ấy để tiện thi hành lệ riêng. Từ đó vua quan muốn làm gì tuỳ ý, không ai dám hé răng oán than.

Giáo hoàng lại xuống chiếu cấm dân chúng không được qua lại buôn bán với nước Jiuđê. Bấy giờ đình thần bàn rằng người Jiuđê ắt biết việc Jêsu, cho nên phải cấm tuyệt không cho dân hai nước thông thương. Nhưng các thứ thuốc men đồ dùng của người Tây Dương đều phải mua ở nước Jiuđê, cấm hẳn cũng không ổn. Gia đình bèn cho lập ba cái chợ ở núi Cửa ải, truyền cho người ngoại quốc ai có hàng hoá thì đem đến bán, hết hàng thì trở về. Người trong nước cũng không được vượt núi sang buôn bán. Ai trái lệnh sẽ bị ném xuống địa ngục.

Từ khi cắt yểm các mạch đất thiêng, dân số trở nên thưa thớt, đến hồi này mới dần dần tạm yên. Giáo hoàng muốn biết số dân nhiều ít, bằng phỏng theo cách của ĐôSaNùng cho lính vây làng bắt dân nộp tiền, truyền bảo dân chúng rằng: “Nay dịch bệnh đã yên, thật nhờ ơn Chúa thương xót. Vậy nên làm lễ tạ ơn để xin Chúa phù hộ cho được bình yên. Đàn ông đàn bà các làng đều phải đến nhà thờ làm lễ, mỗi người nộp một đồng tiền chi dùng việc đèn nến”. Lại truyền mật chiếu cho các thầy cả để riêng bốn ống đựng tiền, ông già, trai tráng, trẻ nhỏ, đàn bà, mỗi hạng bỏ tiền vào một ống. Xong việc, dốc tiền đếm riêng từng ống thì biết rõ dân số mỗi hạng bao nhiêu người, kê nộp để Giáo hoàng ngự lãm. Ý nghĩa của việc ấy là để biết trước nước có bao nhiêu trai tráng có thể sung lính. Tả đạo có lệ nộp “tiền nhân danh” bắt đầu từ đó [18] .

Tiền nhân danh nộp đủ, dồn tính cả nước hạng tráng đinh được hơn 30 vạn người.

Đình thần trù tính đến lúc nên cất quân đi chinh chiến, bèn định phép dụng binh như sau: Khi sai tướng cầm quân ra trận, triều đình cấp luôn đồ khâm liệm. Hành vi của từng người có quan hệ đến tộc thuộc. Bại trận thì phải chịu chết, quay về tất bị bỏ rọ trôi sông. Quân sĩ thì xếp cha con, anh em và người làng vào cùng một đội để hết sức cứu giúp nhau. Lại truyền cho các làng đều phải dựng đền trung liệt [19] , khi trong làng có người tử trận thì làm bài vị ghi rõ họ tên đặt thờ trong đền, người trong nước chẳng ai không căm giận. Bấy giờ các đạo quan đều tâu rằng: “Mọi người hằng ngày đều đến nhà thờ xem lễ, chỉ còn những người ở lại giữ nhà là được chơi nghỉ tuỳ thích”. Giáo hoàng bèn truyền chiếu phỉnh rằng: “Chúa Trời đã phán: Chỗ nào cũng có ta, không nơi nào ta không thấy, những kẻ ở một mình mà vẫn chăm chỉ đọc kinh mới thật là thành tâm thờ Chúa”. Những kẻ ngu khờ đều cho là phải, dẫu bị giam hãm một mình dưới hầm sâu cũng chuyên cần đọc kinh, không dám trễ nải. Giáo đồ tả đạo đọc kinh tại nhà bắt đầu từ đó.

Rồi xảy ra việc Curiát [20] dấy binh. Hồi bấy giờ đạo Gia Tô [21] lừa dối dân nước Tây Dương đã trải ba đời vua rồi. Lòng dân uất ức, hoài tưởng chính đạo. Aten [22] nói rằng: “Đàn bà con gái trong gia đình chúng ta vì cớ gì mà phải rập đầu quỳ lạy để cho bọn chúng [23] sai khiến còn hơn con cái thờ cha mẹ? Hẳn là bên trong có chuyện mờ ám gì đây? Lại còn phải xưng tội, mọi việc đều phải cung xưng không chút giấu giếm. Đạo gì lại có thứ đạo như thế? Thì thào thậm thụt, không gian thì ắt là dâm!”.

Lời nói của Curiát lan truyền khắp các thành bang trong nước, dân chúng ai ai cũng đều nắm tay [24] căm giận. Chỉ trong một tháng đã tụ tập được hơn vạn người, cùng nổi lên giết bọn cha cố, giương cờ mở hội lên án tội trọng của Giáo hoàng và các đạo quan: “Cha con bọn thầy tu các ngươi trên dưới mượn tiếng chúa Trời lừa dối dân chúng, tôn sùng yêu tà Jêsu để mê hoặc lòng người”.

Giáo hoàng Đôrixi nghe tin lấy làm lo sợ, liền sai tướng đưa quân đi đánh dẹp, quân dân chết trận rất nhiều. Dân chúng các nơi cùng nổi lên mạnh mẽ hơn trước. Giáo hoàng xuống chiếu khuyến dụ: “Chúa Trời phán rằng: Kẻ phạm tội chỉ một tên Curiát mà thôi, ngoài ra những người theo hùa đều không bị kết tội”.

Trong sáu năm trời, quan quân đánh dẹp không nổi. Cuối cùng, Juachim [25] làm tướng cầm quân đi đánh. Khi ấy quân Curiát đã bị thương vong tổn thất nặng nề, phải rút vào hang núi. Juachim cho quân bao vây rồi tiến đánh, chém đầu Curiát đem về kinh dâng nộp.

Nhân vụ biến loạn Curiát, Giáo hoàng hội họp đình thần bàn cách giữ yên dân chúng. Viên quan tên là AnTrung [26] tâu rằng: Phàm các nơi có mạch đất quý xin dành riêng để táng mộ cho các quan triều đình, cấm dân chúng không được xâm phạm”. Giáo hoàng đập tay xuống bàn khen ngợi: “Hãy lắm! Hay lắm!” rồi truyền chiếu lừa phỉnh dân chúng rằng: “Thứ dân dẫu có tội lớn cũng được chúa Trời thương xót mà tha thứ. Còn những người có địa vị hiển vinh, dẫu phạm tội nhỏ cũng bị chúa Trời trừng phạt. Vì vậy các địa phương đều phải đặt một khu đất cấm làm nơi táng mộ các quan để đến ngày phán xét nghe Chúa gọi tên giữa trời thì lên trình diện ngay cho khỏi lộn xộn. Các giám mục phải đích thân đi dọn đất, xong việc tâu lên”.

Dân Tây Dương thờ đạo Gia Tô đến hồi này đã ba đời vua, sự học chẳng qua chỉ biết mấy quyển sách thuốc, sách kinh mà thôi, ngoài ra mù tịt chẳng hay biết gì khác. Đến lúc này, các nơi núi sông đất lớn có vượng khí đều bị cấm đoán, dân chúng chẳng biết tại sao. Khi chọn xong các khu đất cấm, đạo quan bèn cho vẽ địa đồ và cắm bảng yết thị rằng: “Đất cấm do Chúa chọn đặt, thường dân kẻ nào xâm phạm đào bới sẽ bị ném xuống địa ngục”.

Qua năm sau, Giáo hoàng Đôrixi ra lệnh cất quân đi đánh nước Jiuđê, bị thua lớn phải rút quân về. Trước đó, Giáo hoàng thấy quân dân trên dưới một lòng, muốn đưa lính đánh lấy nước Jiuđê, bèn xuống chiếu truyền rằng: “Chúa Trời phán dạy: Về sự việc trước đây, người Jiuđê thật vô đạo quá lắm. Nay đã có điềm mây xanh hiện lên trợ chiến, trẫm truyền cho hai vị giám mục và ba viên trấn tướng đem ba vạn quân sang đánh lấy nước Jiuđê”. Lại có mật dụ truyền cho quan quân đi đến đâu phải yểm phá cho hết các mạch đất thiêng ở đấy. Mật dụ nói: “Trẫm ở ngôi ba mươi năm, xuất quân ba mươi lần, đều cho làm như thế thì có thể thu gồm thiên hạ về một mối”.

Các tướng Tây Dương dẫn quân vượt qua núi Cửa ải, chỉ tay lên trời truyền bảo quân lính rằng: “Trên trời có mây xanh đến trợ chiến cho ta”. Quân sĩ nghe nói cả mừng, càng ra sức vây đánh cả 5 thành bang của nước Jiuđê.

Bấy giờ ở nước Jiuđê, vua Pania [27] vừa lên nối ngôi, truyền lệnh án binh bất động. Lính do thám báo về: bọn tướng Tây Dương đi đến đâu đều bắt dân Jiuđê gọi bằng cha. Vua Pania bèn sai truyền mật lệnh cho quản giáp các nơi. Ba ngày sau, quân Tây Dương đánh đến [28] , các cỗ súng thần nhất loạt nổ vang do các viên quản giáp chỉ huy nhất tề xông ra hô lớn: “Quân cha ta đã tới!” Các tướng Tây Dương khi ấy mới biết người Jiuđê không chịu hàng phục, xua quân hỗn chiến một phen rồi tan vỡ. Quân Jiuđê chém đầu một giám mục, các tướng khác sợ nghiêm lệnh của triều đình đều tự sát cả. Quân Tây Dương mất tướng chỉ huy, rối loạn tan chạy. Quân Jiuđê đuổi theo chém giết nhiều không kể xiết. Tra hỏi tù binh Tây Dương, bọn chúng đều khai về việc ở Tây Dương mọi người dân đều phải làm lính, về pháp lệnh sai tướng cầm quân ra trận [29] , về mưu kế cắt yểm các mạch đất thiêng.

Vua Pania nghe xong phải thốt lên: “Hiểm ác thay tên vua quỷ Tây Dương! Lại thêm yêu tà Jêsu! Bọn chúng muốn phen này nuốt trửng nước ta! Nhưng phép dùng binh vừa phải dùng uy vừa phải dùng ân. Nếu không được yên ổn làm ăn sinh sống, thì dân chúng chứa chất oán hờn, coi vua quan như kẻ cừu thù. Như vậy, khi xảy việc nguy cấp, dẫu lấy uy quyền mà hiếp bức, người ta cũng vứt bỏ giáo mác, thử hỏi vua quan Tây Dương lấy ai mà đánh? Đó là cái nguy cơ khiến cho nước chúng bại vong vậy”. Rồi đó truyền chiếu cho các nơi san lấp khôi phục các mạch đất thiêng đã bị quân Tây Dương cắt yểm. Vua nói với các đình thần: “Cứ xem ý định của bọn Tây Dương năm này qua năm khác, đánh đến đâu cắt yểm các mạch đất thiêng ở đó thì đủ biết bọn chúng muốn thi hành cái thuyết năm trăm năm thống nhất thiên hạ của yêu tà Jêsu tổ sư bọn chúng, có lẽ vì chúng không dụ dỗ được dân ta cho nên mới phải dùng đến mưu kế ấy. Không một phen dùng binh uy lớn thì không thể dẹp yên được. Nhưng phải đợi đến khi bọn chúng lại sang lần nữa, thì lúc ấy bên ta lý thẳng khí mạnh, ắt sẽ giành phần thắng”. Rồi đó xuống lệnh tuyển quân, luyện tập cung tên súng ống. Một mặt định lệ ghi tên phong thần, phỏng theo phép dùng binh của quân Tây Dương. Lời dụ các tướng có nói: “Tướng giặc Tây Dương ra trận chỉ được tiến, không được lùi, ấy là một điều nguy khiến cho chúng rất dễ bị bắt sống. Còn các ngươi, nếu thua trận vẫn được phép trở về. Trở về để tiếp tục đi đánh nữa. Ba lần xuất chiến đều bại trận cả mới chịu hình phạt theo quân pháp, mà chỉ một mình kẻ làm tướng cầm quân phải chịu hình phạt, không liên luỵ gì đến thân thích tộc thuộc”.

Tướng sĩ tung hô vui mừng nguyện một lòng tận trung báo quốc. Trong trận ấy, quân Jiuđê thu được súng ống đạn dược của quân Tây Dương vứt bỏ lại [30] . Tra hỏi tù binh, biết rõ cách thức chế tạo, vua Jiuđê bèn sai theo phép ấy mà đúc thêm súng đạn, xem ra càng tinh xảo hơn.

Qua năm sau, Giáo hoàng Đôrixi lại sai năm tướng đem năm vạn quân sang xâm lược nước Jiuđê. Bên quân Jiuđê, vua sai 10 tướng đưa 10 vạn quân ra trận. Tướng sĩ ai nấy đều mặc áo đội mũ của quân Tây Dương, súng ống khí giới cũng tựa như quân Tây Dương, ai nấy lặng lẽ ngậm tăm đi chặn địch. Lại một phen thắng lớn. Tướng Tây Dương đều phải tự sát. Vua Pania truyền lệnh cho các tướng đem quân chặn giữ núi Cửa ải. Tàn quân Tây Dương chạy về đó không còn một tên nào qua thoát. Các tướng Jiuđê thừa thắng cho quân đánh tràn sang nước Tây Dương.

Quân Jiuđê được lệnh kết bè sậy để vượt sông, luôn trong năm hôm đi suốt ngày đêm tiến đến kinh đô. Người Tây Dương trông thấy tướng là quân mình thắng trận trở về. Bất ngờ giữa ban ngày quân Jiuđê xuất hiện ở kinh đô Tây Dương, kéo thẳng qua cổng thành, chém đầu lính canh, nổ súng làm hiệu. Vua tôi Tây Dương trở tay không kịp, kinh hoàng tìm đường tẩu thoát. Quân Jiuđê đốt phá cung điện, nhà thờ, trại lính và các phố phường trong kinh thành. Hai con trai của vua Tây Dương bị bắt sống cùng với hơn 20 tên cha cố cai quản ở kinh đô và gái đồng trinh một vạn người. Ngoài số ấy, dân Tây Dương bị chém giết không đếm xuể. Quan quân Tây Dương nghe tin vua chạy trốn, ai nấy đều ngơ ngác kinh hoàng, cho nên mỗi lần giao chiến đều thất bại. Đến khi dâng nộp tù binh, thấy trong số gái đồng trinh có hơn hai trăm người mặc váy xoè [31] , quân Jiuđê tra hỏi mới hay bọn chúng đều là gái hầu trong dinh cấm của các quan đại thần Tây Dương. Vua Jiuđê truyền hỏi: “Ta nghe nói bên nước chúng bay theo phép một vợ một chồng kia mà?”. Bọn thị nữ Tây Dương tâu rằng: “Phép ấy chỉ để cấm đoán dân chúng mà thôi”. Vua Jiuđê và các đình thần cười vang. Rồi đó vua truyền phân chia các gái đồng trinh bán cho người không vợ ở các nơi trong nước, giá 5 lạng bạc, lấy số tiền đó dùng vào việc nuôi dưỡng quân sĩ. Riêng về số hai trăm thị nữ thì sung vào hầu trong cung.

Sau khi thua trận, thành tan quân vỡ, Giáo hoàng Tây Dương sợ mất lòng tin với dân chúng về chuyện mây xanh trợ chiến, bèn truyền chiếu dụ rằng: “Tên vua Jiuđê cố chấp mê muội thay! Vừa rồi chúa Jêsu cho mây xanh đi trợ chiến là có ý muốn cho vua tôi bọn chúng biết hối lỗi mà hàng phục, còn nếu bọn chúng vẫn u mê cố chấp thì chẳng cần phải đọ sức thắng bại. Trẫm cùng các bề tôi không hiểu ý Chúa cứ cho quân tiến thẳng sang đánh nước Jiuđê để đến nỗi thầy trò bươu đầu sứt trán! Chúa hiện xuống hai ba lần trách phạt, trẫm đã khấu đầu nhận lỗi. Chúa lại truyền rằng: Từ nay về sau không được cất quân đi đánh nữa, phải chờ ngày tận thế mới có thể cho bọn chúng biết đạo thật! Trẫm cho quân dân trong nước được nghỉ ngơi, không dám làm trái ý Chúa nữa”. Từ đó mới bỏ lệ triều cống.

Qua năm sau, phỏng theo cách Jêsu bịa chuyện ông Ađam và bà Evà để lừa bịp dân chúng, vua Đôrixi sai đình thần soạn bộ sách Giảng lục (ghi chép những lời rao giảng về đạo Gia Tô) gồm 15 quyển [32] , cũng đặt ra các danh hiệu, lời niệm nhẩm, mục đích làm cho dân chúng trên dưới một lòng. Mỗi khi muốn đề phòng nhắc nhở điều gì, sách đó lại thêu dệt một câu chuyện, đặt ra một tên người để cho người ta tin. Chẳng hạn: Giáo hoàng lo ngại các đôi vợ chồng trẻ đam mê ân ái mà biếng trễ sự đạo thì đặt một chuyện nói rằng: “Có ông thánh nọ cha mẹ dạm vợ cho, nhưng thánh ấy xin được sống độc thân. Cha mẹ không thuận, cứ đón dâu về nhà. Thánh ấy bèn trốn vào rừng chuyên tâm tu đạo. Sau ba mươi năm, người vợ hờ kia vẫn thủ tiết đồng trinh. Một hôm thánh ấy giả ăn mặc như kẻ ăn mày trở về nhà. Cha mẹ và người vợ hờ kia vì quá lâu ngày đã quên dáng mạo của thánh ấy cho nên không nhận ra. Mấy ngày sau, thánh ấy chết gục ngoài ngõ xóm. Đêm ấy có vầng hào quang toả sáng, cha mẹ thánh ấy ra xem, thấy nơi đai ngực có cài bức thư, xem xong mới biết người ấy là con mình. Sự việc tâu lên, nhà vua thân hành đến tận nơi xem xét. Thiên hạ kéo nhau đi xem chật đường, xe vua không sao vào được. Vua bèn sai lính ném vung tiền ra để dân tranh nhau nhặt tiền thì sẽ giãn lối cho vua vào ngõ. Nhưng dân chúng chẳng hề để ý đến tiền, vẫn chen nhau đứng chật ních như bức tường. Quan ngự đài phải đánh chiêng dẹp đường vua mới vào được. Vua bèn phong cho cả cha mẹ và vợ chồng người ấy là thánh” [33] .

Lại như Giáo hoàng lo dân kêu khổ mà bỏ đạo [34] thì viết vào sách Giảng lục một chuyện rằng: “Có vị thánh tên là Cơ [35] nhà rất giàu, có 10 con trai đều ngoan đạo, được chúa Trời yêu mến. Quỷ sứ vu rằng nhà ấy không thực bụng, chúa Trời bèn thử thách, sai quỷ phóng hoả đốt nhà, gia sản cháy tiêu, nhưng lòng mộ đạo của cha con nhà ấy trước sau như một. Chúa lại thử lần nữa: cùng một ngày cả mười người con đều chết. Lại thử gieo bệnh hủi cho người ấy, nhưng người ấy trước sau vẫn ngoan đạo. Rồi đó Chúa bèn trả lại gia tài cho người ấy, 10 người con đều sống lại và bệnh hủi người cha cũng khỏi hẳn. Về sau cha con nhà ấy đều được lên thiên đường, được quốc vương phong tặng hiệu thánh”.

Lại như việc Giáo hoàng lo ngại dân chúng nghi ngờ Phêrô bỏ Chúa trong lúc hoạn nạn, không xứng đáng được tôn thờ, sách Bí lục kể rằng: Phêrô về sau ăn năn hối lỗi, lo việc giảng đạo, rồi bị vua Jiuđê bắt giam cùm trong ngục. Chúa Jêsu ở trên trời ban cho Phêrô phép lạ khiến cho Phêrô tự tháo cởi trói được gông cùm. Đến khi Phêrô lên thiên đường quân Jiuđê không chém được.

Lại lo ngại dân chúng dị nghị về việc thánh Philipphê [36] vốn là một tên ăn cướp phạm nhiều tội ác thì làm sao lại được phong thánh? Sách Bị lục đặt chuyện rằng: Thánh Philipphê nguyên là một vị quan to ở nước Jiuđê, từng giết rất nhiều người theo đạo Chúa. Một hôm đang cưỡi ngựa thấy một lão ăn mày đứng nép bên vệ đường, Philipphê rủ lòng thương, bèn cắt một vạt áo vứt cho ông lão. Bỗng ông lão ăn mày biến mất, con ngựa sợ hãi chồm lên. Philipphê ngã ngựa vứt kiếm, hai mắt bỗng bị mù. Philipphê đấm ngực hối lỗi bày ngày liền, rồi đôi mắt được sáng lại như cũ. Từ đó Philipphê một lòng theo đạo, sau khi chết được Jêsu cho lên thiên đường” [37] .

Sách Giảng lục lại kể rằng: Có một ông thánh tên là Đôminicô [38] , khi người mẹ nằm đẻ thánh ấy có hai con chó ngao ngậm đuốc đứng hầu, cho nên ngày nay trong bức ảnh người mẹ bế thánh Đôminicô có vẽ hai con chó ngao ngậm đuốc [39] .

Sách Giảng lục đại khái lừa bịp người ta như thế.

Giáo hoàng Đôrixi lâm bệnh, sai đưa vào trong điện ngồi lên ngai thờ hồi lâu mới xuống. Rồi sai đem tượng truyền thần của mình ra đặt lên ngai. Đôi mắt tượng thỉnh thoảng lại nhấp nháy […] [40] . Giáo hoàng Đôrixi ngoái lại bảo hai đại thần đọc lời niệm rằng: “Cúi nguyện Giáo hoàng đến ngày thoát hồn thì dời nhập anh linh vào pho tượng ngự trên ngai quý này để muôn đời rỗi rang”. Hai viên cận thần cầu niệm như vậy ba lần, Giáo hoàng ba lần gật đầu hứa hẹn rồi trở về nội cung, căn dặn hoàng tử Piô [41] rằng: “Lệ cấm để tang chỉ cốt để cấm dân chúng, còn vua tôi sau khi chết đã có tượng thờ, chết cũng như sống, không cần phải để tang làm gì. Nhưng gia pháp nhà ta thay đổi đã ba đời hơn tám mươi năm, trách nhiệm hoàn thành công việc cho đến cùng chỉ trông cậy ở ngươi và bọn tôi liệu. Phải một phen sửa đổi lớn, đến khi con của ngươi lên nối ngôi mới có thể sai các đạo quan đi ra nước ngoài để mưu toan công việc nhất thống”.

Giáo hoàng Đôrixi nói xong thì tắt nghỉ. Thế tử Piô lên nối ngôi Giáo hoàng.


[1]Nguyên thư phiên: YđườngDiên. Xem chú thích 2 tr. 161.

[2]Các đại thần đều có tượng tạc sẵn để trong mật phòng. Việc đã nói ở Q. VI.

[3]Đoạn văn này trích thuật chiếu thư, nói về hai việc khác nhau, chúng tôi dịch thêm: “một là… hai là…” cho dễ theo dõi.

[4]Nguyên thư chép: Toại chiếu chư môn đồ kham vi viết vô, đạo câu…”. Xét ra chữ “chư” là do chép nhầm từ chữ “tuyển” (lựa chọn các môn đồ). Ở đây đang nói việc cho các tu sĩ thuộc cấp môn đồ thi lên cấp. Ở Q. VI có đoạn nói: “Mỗi làng cử ra 5 người làm môn đồ giúp việc cho các đạo quan; về sau sẽ có cuộc thi, ai làm bài trúng cách sẽ được xét phong chức đạo quan” . Xem thêm ở Q. VIII đoạn nói về Hiến luật có qui định chia môn đồ làm bảy hạng, môn đồ hạng thứ 7 được dự thi để thăng cấp thầy cả.

[5]Giáo hoàng = nguyên thư phiên là “BaBa”.

[6]Về sau các nước cấm đạo thường bắt cho giáo dân phải bước qua tượng ảnh Chúa, bởi vì các loại ảnh, tượng tuy khác nhau, nhưng cũng đều dùng một câu niệm chú ấy.

[7]Làm như vậy để dụ dỗ giáo dân vui đạo.

[8]Từ đó quan quân đi khám xét, bắn giết rất nhiều người.

[9]Từ khi tả đạo xâm nhập nước ngoài, đến đâu thường bảo đào giếng, đắp đài lũy, dân chúng nhiều người bị chết vì dịch bệnh đều gán cho đó là ý chúa Trời.

[10]Nên hiểu thêm: “… và kinh Antô…” cũng có thể hiểu ở vị trí chữ ảnh đúng ra là chữ kinh.

[11]Jêsu linh thiêng sao không xuống mà diệt trừ cho hết ma quỷ? Ấy chẳng qua cũng như các thầy phù thủy vẽ bùa Kỳ thiên độc cước (thần một chân) để trấn áp ma quỷ vậy thôi.

[12]Nguyên thư phiên là ĐốcDiTê.

[13]Chúa Trời có ba ngôi. Cha cũng có ba ngôi!

[14]Xem cách truyền bảo thì Giáo hoàng tuy mượn tiếng bảo dân tuân theo chúa Trời như kỳ thực là bắt tuân theo mình. Từ đó phép tắc truyền xuống, đời đời ràng buộc dân chúng các điều nghiêm cấm gắt gao.

[15]Ngày nay tả đạo cũng có phép hôn vạt áo.

[16]Nguyên thư phiên YkêDiXa, chưa rõ tên nguyên ngữ, tạm phiên là RiSa.

[17]Tên phiên âm trong nguyên thư.

[18]Ngày nay tả đạo phỉnh người ta rằng tiền ấy dùng để làm lễ cầu nguyện cho người nộp tiền được trường thọ.

[19]Nguyên văn: hiệu trung từ (đền thờ những người dốc lòng giúp việc nước).

[20]Nguyên thư phiên là CưDiÁt, chưa rõ tiểu sử.

[21]Nguyên văn: “Muội đạo”.

[22]Nguyên văn: Nhã thành (Nhã điển thành), tức Athène, kinh đô Hy Lạp, đường thời là thuộc địa của đế quốc La Mã.

[23]Chỉ bọn thầy tu.

[24]Nguyên văn: kháng thủ (giơ tay).

[25]Nguyên thư phiên: KhuAKinh.

[26]Tên phiên âm trong nguyên văn, chưa rõ nguyên ngữ.

[27]Tên phiên âm trong nguyên văn: BànGia.

[28]Nguyên thư chép: “Diêu binh tập chí…”. Chuyện đang nói việc quân Jiuđê phục kích chặn đánh quân Tây Dương, do đó hợp lý có lẽ là “Tây binh (hoặc Dương binh) tập chí…” chứ không phải là quân Jiuđê đánh đến, tạm sửa lại như trên.

[29]Chỉ phép dùng binh khi sai tướng ra trận thì cấp luôn đồ khâm liệm v.v. đã nói ở đoạn trên.

[30]Nguyên thư chép: Tây Dương đắc Diêu quân… (quân Tây Dương thu được của quân Jiuđê), chúng tôi cho là chép nhầm, ngược vị trí, hợp lý có lẽ là: “Diêu quân đắc Tây Dương…”, vì ở đây đang nói đến thắng lợi của quân Jiuđê, vả lại có việc thu được súng ống đạn dược của quân Tây Dương thì cách mấy câu sau mới có thể nói quân Jiuđê “mặc áo đội mũ của quân Tây Dương, súng ống khí giới cũng tựa như quân Tây Dương”.

[31]Nguyên văn: vân y.

[32]Sách này truyền vào nước nào đều có dịch ra chữ nước ấy.

[33]Bỏ cha mẹ mà trốn đi là bất hiếu với cha mẹ, làm sao còn giữ được đức tin với chúa Trời!

[34]Nguyên văn: “Khủng dân chi la khổ tất bất tùng đạo”. Chữ la ở đây nếu hiểu theo chữ Hán là cái lưới thì câu văn không có nghĩa gì. Đây là cách dùng xen chữ Nôm trong câu văn chữ Hán như từng thấy ở những văn bản Hán Nôm cuối thế kỷ XVIII – đầu XIX. La khổ = kêu khổ, kêu than cực khổ.

[35]Nguyên văn ghi tên là Cơ, chưa rõ tên nguyên ngữ. Có lẽ đó là cách ghi tên một người viết tắt bằng chữ C hoặc K.

[36]Nguyên thư phiên: BảoLộc.

[37]Vì vậy ngày nay trong bức ánh thánh Philipphê có vẽ một thanh gươm bên cạnh. Sách Giảng lục kể chuyện ấy cốt để đe dọa quan chức nước ngoài không được giết hại tả đạo. Lại cũng để lừa phỉnh giáo dân kiên lòng theo đạo.

[38]Tiếng Bồ: Domingo; tiếng Latinh: Dominic. Nguyên thư phiên ĐaMinhCô.

[39]Ngày nay người ta phần nhiều nói rằng Maria nằm với chó mà sinh ra Jêsu, có lẽ vì trông ở ảnh thánh Đôminicô mà nghi ngờ Maria cho nên đặt ra chuyện ấy để châm biếm cho thậm tệ. Nhưng có sách cho là chuyện nói về con gái của Tống Ca Tông. Đã là công chúa há lại không kiếm được một người chồng tử tế mà phải đi làm cái chuyện ô uế kia? Thật là chuyện vu vơ chẳng có căn cứ gì cả.

[40]Nguyên thư chép: “Mục tương dị thời cố vị nhị đại thần chú viết…”. Chúng tôi cho rằng ở đây có sai sót làm cho câu văn tối nghĩa. Tạm đoán ý dịch như trên.

[41]Nguyên thư phiên: PhấtNhi.

Nguồn: Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1981.

Bản điện tử do talawas thực hiện, Sách Hiếm cho thêm hình ảnh đăng lại ngày 6/29/07.

Trang Tôn Giáo




Đó đây


2024-04-25 - Phóng Sự: Thiếu Tướng Hoàng Kiền -Ahllvtnd Nói Chuyện Thời Sự Về Đường Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh -

2024-04-25 - CHẾ ĐỘ TAY SAI - BÀI VIẾT CỦA TIẾN SỸ MỸ T.P.WINKINSON -

2024-04-20 - KHÔNG BIẾT NHỤC - Nhóm Việt Nam vinh danh các liệt sĩ Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam - Chủ nhật ngày 17/3/2024, 1 nhóm Việt Nam đến viếng mộ 5.099 quân nhân Hàn chết trong chiến tranh ở Việt Nam. Dòng chữ trên một tấm có nội dung: “Bởi vì các chiến sĩ của các bạn yên nghỉ ở đây, đất nước chúng ta đứng vững với niềm tự hào.” Thật là không biết nhục!!

2024-04-19 - Israel Tấn Công Trả Đũa Iran -

2024-04-19 - 80 Năm Thực Dân Pháp Đô Hộ Việt Nam - Văn minh hay bóc lột? -

2024-04-19 - HOÀNG NAM: DÂN TA ĐÃ QUÁ NHÂN TỪ VỚI HỌ NGÔ - Gửi Hoàng Nam, chủ kênh Challenge Me.

2024-04-18 - "THUẾ THUỘC ĐỊA" - 60 NĂM CHÂU PHI VẪN LÀ BÒ SỮA NUÔI BÉO NƯỚC PHÁP -

2024-04-18 - Ổi Xanh: 274. Ông Võ Văn Thưởng từ chức. Thái độ của HDH và một số YouTuber... bố đời. -

2024-04-17 - Sidney, Úc: 1 Giám mục bị đâm trong lúc làm lễ - Không biết Chúa làm gì mà bắt các giám mục của Chúa phải đổ vỏ! Các đây mấy năm, có viên chức chính phủ đề nghị treo bảng ở các nhà thờ "Đây là nơi nguy hiểm cho trẻ con"

2024-04-16 - Đọc báo QĐND - Bài viết: Không "chính trị hoá" các vụ án kinh tế -



▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 >>>




Thư, ý kiến ngắn
● 2024-04-21 - KHÔNG BIẾT NHỤC - Một Nhóm Việt Nam vinh danh các lính Hàn trong chiến tranh Việt Nam! - SH sưu tầm -

● 2024-04-19 - “CỬA LÒ - KHÁT VỌNG TOẢ SÁNG” - Nguyễn Tiến Trung -

● 2024-04-16 - Bất bình trước sự san bằng, trộn lẫn CHÍNH /TÀ của những người mù sử: HOÀNG NAM - Chủ kênh Challenge Me - FB Lý Thái Xuân -

● 2024-04-01 - Phim ĐÀO PHỞ & PIANO -Tại sao không nên đánh dấu người yêu nước bằng biểu hiệu của một tập thể thiểu số - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-21 - CHỐNG CỘNG: Chuyện cười ra nước mắt ở Sở Học Chánh Tacoma, Wa - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-09 - Tổng thống Nga, Vladimir Putin đọc thông điệp gửi Quốc hội Liên bang (29/2/2024) - Gò Vấp -

● 2024-03-09 - Các hoạt động của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc trong những năm 1942-1954 - trích Hồi ký Nguyễn Đình Minh -

● 2024-03-08 - Hồi ký lịch sử 1942-1954 - Liên Quan đến Giám mục Lê Hữu Từ, Khu tự trị Phát Diệm, Công Giáo Cứu Quốc - VNTQ/ Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư -

● 2024-02-15 - Trương vĩnh Ký dưới con mắt của người dân - Trần Alu Ngơ -

● 2024-02-14 - Các nhà hoạt động ẤN ĐỘ GIÁO phản đối chuyến viếng thăm của Giáo hoàng John Paul II - FB An Thanh Dang -

● 2024-02-09 - “KHÁT VỌNG NON SÔNG” của VTV1 và chuyện Trương Vĩnh Ký - Nguyễn Ran -

● 2024-02-05 - Góc kể công - Đồng bào Rô ma giáo cũng có người yêu nước vậy! Đúng. - Lý Thái Xuân -

● 2024-02-01 - Câu Lạc Bộ Satan Sau Giờ Học Dành Cho Trẻ 5-12 Tuổi Sắp Được Khai Trương Ở Cali, Hoa Kỳ - Anh Nguyen -

● 2024-01-29 - Giáo hội Rô ma giáo Đức "chết đau đớn" khi 520.000 người rời bỏ trong một năm - The Guardian -

● 2024-01-29 - Một tên Thượng Đế-Chúa ngu dốt về vũ trụ, nhưng thích bốc phét là tạo ra vũ trụ - Ri Nguyễn gửi Phaolo Thai & John Tornado -

● 2024-01-29 - Kinh "Thánh" dạy Con Chiên Giết Tất Cả Ai Theo Tôn Giáo Khác - Ri Nguyễn vs John Tomado -

● 2024-01-29 - Nhân Quyền Ở Nước Mỹ: Vụ Án Oan, 70 Năm Sau Khi Tử Hình Bé George Stinney - - Giác Hạnh sưu tầm -

● 2024-01-29 - NOEL - Ba Giáo Hoàng John Paul II, Benedict XVI, Francis I Thú Nhận Đã Bịp Chiên- Cừu Chuyện Jesus Ra Đời - Ri Nguyen -

● 2024-01-29 - Một dàn đồng ca, ngày càng đặt câu hỏi về quyền lực của Giáo hoàng - John L. Allen Jr. -

● 2024-01-29 - Tỷ lệ phá thai nơi người công giáo lại cao hơn nơi người ngoài công giáo! - Lê Hải Nam -


▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 >>>