Tây Dương Gia Tô Bí Lục

Ghi chép những chuyện kín của đạo Gia Tô Tây Dương

cùng soạn:

Phạm Ngộ Hiên, Nguyễn Hoà Đường, Nguyễn Bá Am và Trần Đình Hiên

nguồn: Tủ sách Talawas,  bản điện tử, đăng ngày 6/22/2007

http://sachhiem.net//TONGIAO/TDBL/TayDuongBiLuc6.php

07 tháng 10, 2007

Bấm vào số dưới đây để chọn bài đọc 

 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 

 

Nam Lục lão tẩu: Phạm Ngộ Hiên, Nguyễn Hoà Đường

Hải Châu hậu tẩu: Nguyễn Bá Am, Trần Trình Hiên

Ngô Đức Thọ dịch và giới thiệu

 

  

Quyển V

Nhờ viện quân Lâmbô, Jêsu hoá phép sinh yêu

Trúng mưu kế nữ thần, quân Jêsu đành thua trận

Chim bồ câu đã bay đi rồi, các môn đồ của Jêsu bèn chia nhau đi truyền đạo các nơi trong nước Jiuđê, tới cả những nơi Jêsu đã từng đến để thuyết dụ lại, chỉ có Jiuse cùng vợ là Maria ở lại nhà. Jêsu thường dẫn đoàn quỷ quân Lâmbô hiện lên giữa không trung, đi lại qua các làng lúc trước đã đến giảng đạo để khiến cho dân các làng ấy thêm tin [1] . Jêsu cũng dẫn quỷ quân hiện đến cả những làng chưa có người tin theo đạo mình. Vì vậy đâu đâu dân chúng cũng xôn xao kinh sợ. Những kẻ ngu nhát hễ trông thấy đã vội vàng vái lạy từ xa.

Trong tháng ấy, trên bầu trời nước Jiuđê, sao Chổi đi vào vị trí sao Phòng, ba tháng mới mất. Quan chiêm tinh [2] tâu với vua Hêrôtê Antipa rằng: “Hiện nay đồ đảng yêu tặc lại dấy lên, chỉ năm tháng nữa thì yêu binh sẽ kéo đến vây bức kinh đô”. Vua Antipa bèn hạ chiếu hễ bắt được các môn đồ tả đạo chuyên đi mê hoặc dân chúng làm rối loạn phong tục thì cho chém ngay không tha [3] .

Bấy giờ nước Jiuđê gặp nạn mất mùa đói kém, các môn đồ của Jêsu đi đến đâu cũng dọa chắc chắn rằng: “Chúa Trời giáng sinh làm người bị giặc giết hại [4] , cho nên mới xảy ra tai biến sao Chổi và nạn đói. Đó là do chúa Trời trừng phạt, ngày tận thế chỉ trong vòng ba mươi năm nữa mà thôi. Các người cần phải cùng nhau chung dốc một lòng”. Những kẻ ngu khờ nghe nói đều lấy làm sợ, càng bền lòng tin đạo hơn [5] . Các viên quản giáp và thầy cả thông giáo [6] thuộc 5 huyện [7] nghe tín đồ đảng tả đạo lại dấy lên, bèn trình lên quan tổng trấn Philatô [8] . Tổng trấn chuyển tâu lên triều đình. Bấy giờ vua Hêrôtê Antipa đã già, truyền ngôi lại cho con là Hêrôtê Agrippa [9] . Vua Agrippa hạ chiếu truyền cho dân chúng các nơi ai có công bắt diệt yêu đạo sau khi chết sẽ được phong làm thần. Kẻ nào chứa chấp che giấu thì phải tội tử hình [10] . Vì vậy dân chúng không dám che giấu, bắt được 6 người [11] giải về kinh. Vua Hêrôtê Agrippa phán rằng: “Gã con thợ mộc tiếm xưng là con chúa Trời, triều đình đã bắt xử tử, còn thì tha thứ hết cho bọn các ngươi. Thế mà nay các ngươi dám lôi kéo dân chúng của ta hùa theo đạo của nó, thật là coi thường phép nước!” Bọn 6 môn đồ bị bắt đều vái lạy xin được tâu bày, đoạn dâng thư mật [12] để nhà vua ngự lãm. Bọn họ nói nếu nhà vua thi hành các phép kín đã tâu thư thì cơ đồ bền vững muôn vạn năm, bờ cõi được mở ra rộng lớn. Vua Agrippa cho hội họp triều thần để cùng nghe đọc và nghị bàn về bức mật thư ấy. Đình thần là bọn Xani tâu rằng: “Hưng phế là số lớn của trời đất, xưa nay đều thế cả, bệ hạ hà tất phải bận tâm lo nghĩ chuyện năm trăm năm sau làm gì. Nếu theo giáo thuyết của bọn kia rồi ra không chừng chẳng còn đất mà táng mộ tổ!” Bọn 6 môn đồ thưa rằng: “Ý kín của thầy Jêsu chúng tôi là tuy nói cấm thờ cúng tổ tiên, nhưng chỉ ngăn cấm dân chúng mà thôi. Còn đối với vua quan thì các đời đều có đền miếu thờ phụng”. Vua Agrippa nghe xong mắng rằng: “Vua mà bắt dân bỏ việc thờ cúng là kẻ bất nhân còn nói gì đến việc gây dựng đất nước! Đã nghe lời thuyết giáo của hắn thì phải tôn hắn làm thầy, thế là bọn các ngươi dạy ta lập kế ngu dân nhưng kỳ thực muốn làm ngu ta trước hết [13] . Tên yêu tà rậm râu [14] thật quỷ quyệt thay! Chết rồi mà còn lắm mưu mô xảo quyệt!”

Lúc bấy giờ có viên thống binh ở trấn Jiuđia [15] tên là ĐôSaNùng nghe tin bắt được 6 tên yêu tặc cả mừng, vội vã về kinh dâng lời phản kháng xin nhà vua cho xử tử ngay, nếu tha cho chúng thì thiên hạ sẽ nói ra sao? [16] . ĐôSaNùng lại tâu mình biết phép kín yêu đạo kiêng kị nhất, xin cho được bí mật tâu riêng với vua, ĐôSaNùng tâu xong được vua cho phép theo kế mà thi hành [17] .

ĐôSaNùng sắp đặt mưu kế cấm ngục tốt không cho người ngoài và những kẻ làm nghề thầy lang qua lại dò la, ai trái lệnh bị tội chết. Sau đó đem quân bao vây các làng tả đạo, ra lệnh rằng: “Nay giết 6 tên giám mục tả đạo [18] , phanh thịt cho chó ăn, lệnh cho dân làng già trẻ, trai gái mỗi người phải nộp hai đồng tiền để mua chó”. Truyền lệnh xong, sai lính mở một cửa cổng thả xuống [19] cho dân làng đi ném tiền vào sọt. Khi ném tiền ai nấy đều phải nói to rằng: “Nộp tiền mua chó ăn thịt vít vồ”. Kẻ nào không tuân lệnh thì bắt về kinh trị tội. Khi mọi người đã ra hết rồi, hễ khám thấy kẻ nào còn trốn tránh thì chém đầu. Dân chúng cả sợ răm rắp tuân lệnh. Cứ thế ĐôSaNùng đem quân đi vây các làng tả đạo, thu được hơn ba trăm quan tiền [20] . Nguyên là phép cấm của Jêsu rất nghiêm, những kẻ đã nộp tiền giết giám mục thì hồn ắt bị đày xuống địa ngục không được chúa Trời nhìn nhận, vì thế họ không dám trở lại theo tả đạo nữa. ĐôSaNùng biết dân tả đạo sợ điều đó cho nên mới dùng kế ấy để phá phép.

ĐôSaNùng trở về kinh sai người đi mua 60 con chó bảo rằng đó cũng là một kế đánh vào điều kiêng kỵ của tả đạo [21] . Hồi đó ĐôSaNùng xin cho đắp một lũy nhỏ, lùa bọn 6 tên vào trong đó mà giết đi. Bọn 6 người nét mặt vẫn thản nhiên như không [22] , kẻ bị đâm bằng giáo, kẻ bị lột da hoặc bị hành hình trên bàn trác [23] hoặc bị cưa người ra từng khúc [24] . ĐôSaNùng cho quân bí mật bao vây quanh 6 lớp, sai phanh thây, xáo lộn hết rồi thả đàn chó vào ăn thịt. Bao nhiêu xương xẩu còn lại, ĐôSaNùng sai lính băm vụn ra vứt xuống sông, không mảy may để lại vết tích. Thầy trò Jêsu thường căn dặn dân đạo vét máu người tử vì đạo đưa về thờ [25] . Nay bị hào lũy ngăn cách có muốn lượm xác cũng không vào được, dẫu lặn xuống sông cũng không mò được. Quả nhiên dân tả đạo tìm đến, nhưng chỉ đành đứng nhìn mà khóc rồi về không [26] .

Còn 6 môn đồ của Jêsu chưa bắt được, vua Hêrôtê Agrippa xuống chiếu truy lùng khắp nơi, kẻ nào che giấu thì trị tội cả vợ lẫn chồng [27] . Vì vậy bọn 6 người sống sót đi đến đâu cũng không ai dám chứa.

Lần ấy Phêrô cải dạng lén đến gò núi có mộ tổ của vua Hêrôtê lừa phỉnh dân chúng đào một cái giếng ở chỗ có mạch đất rốn rồng. Việc chưa xong, Phêrô tình cờ nghe người chủ nhà bảo rằng: “Có chiếu truy lùng yêu tặc rất gấp, chẳng biết định bắt ai?” Phêrô thấp thỏm lo sợ, nhưng cuối đầu cười đáp: “Ai bắt được yêu tặc ắt được làm quan to” [28] . Hôm sau Phêrô hỏi thăm dân tả đạo ở kinh về, họ nói không thu nhặt được di tích gì, chỉ ghi được ngày tháng bị hành hình mà thôi. Phêrô bèn cải dạng làm ăn mày, bí mật đi tìm các môn hữu còn lại mà bảo rằng: “Phen này hết chỗ dung thân! Chúng ta phải mau thu gói sách vở cùng với mấy chiếc đinh và chiếc mũ gai là di vật của thầy, theo lời dặn mỗi người một ngả mà trốn sang nước Tây Dương [29] ”.

Mọi người đang ngồi bàn tính, bỗng thấy Jêsu hiện ra bảo rằng: “Nước này dân chúng hung tợn cứng đầu, đạo ta không thi hành được. Các ngươi hãy tạm lánh sang nước Italia chừng một năm để tìm cách báo thù cho ta, phải làm cho vua tôi nước ấy lập đền thờ ta cho kỳ được mới thôi, còn các việc khác về sau sẽ định”. Xong đó môn đồ Jêsu giả dạng ăn mặc như kẻ nông nô chia đường mà đi [30] .

Cha Jêsu là Jiuse tiếp được thư mật của Phêrô, xiết đỗi kinh sợ, vội đem vợ là Maria trốn sang nước Tây Dương. Vượt qua ba tầng núi non trùng điệp, gian nan khốn khổ vô cùng. Maria cùng với chồng nhìn nhau khóc mà nói rằng: “Từ khi Thiên Chúa Jêsu giáng sinh chỉ thấy chuốc cho nhà ta bao nỗi đau buồn”. Bỗng thấy Jêsu hiện lên an ủi rằng: “Ngày nay cực khổ một đời, nhưng sau sung sướng được thờ cúng muôn đời, mong đành lòng nén chịu”. Jiuse nói: “Triều đình đang truy lùng ráo riết, xin đức chúa Con đừng hiện lên nữa làm liên lụy đến hai người chúng tôi” [31] .

Jêsu dẫn đường cho vợ chồng Jiuse qua núi rồi bất ngờ biến mất.

Nói về Jêsu không đạt được chí lớn, cho cái chết của mình không phải do số mệnh định trước, nên vẫn ôm ấp hy vọng các môn đồ rồi ra sẽ thi hành được phép thuật của mình [32] . Nay thấy 12 môn đồ bị “giặc nước” giết mất một nửa, Jêsu hết sức căm giận quyết khiến yêu binh một phen dấy lên rửa hận báo thù. Jêsu bèn tụ họp quỷ quân LâmBô sai cầm giáo gậy cho cưỡi mây ngũ sắc kéo tới bao tỏa kinh thành Jêrusalem. Jêsu tay cầm cờ đỏ, miệng quát thét chỉ huy chúng quỷ khiêu khích quan quân xuất chiến. Ngày hôm sau, Jêsu phóng hỏa đốt cháy nhà cửa của dân chúng kinh thành. Chữa được đám cháy phía đông thì ngọn lửa lại bùng lên phía tây, dân chúng thật vô cùng cực khổ. Vua Hêrôtê Agrippa truyền cho quan chiêm tinh là CaGiTa bốc thẻ bói. Lời thẻ nói: “Tên giặc này khi còn sống bị 660 quân lính khảo đả. Vậy nay cũng xin dùng số 6 để mà chế ngự nó [33] . Lại phải dùng quỷ đánh quỷ thì mới thắng, phải dùng lửa mà dập lửa thì mới phá được phép thuật của nó. Nạn giặc này xem ra cũng phải hơn một năm mới dẹp được”.

Bấy giờ là có quan chiêm tinh tên Ipenso [34] tâu rằng: “Gió thổi về hướng sao Giốc rất độc, xin hoàng thượng lui về cung tạm lánh”. Bấy giờ thái thượng hoàng Hêrôtê Antipa băng hà, dân chúng kinh thành có phần xao xuyến. Quần thần tâu rằng: “Hiện nay yêu tặc mới dấy lên hoành hành, xin hãy quàn tạm”. Vua chuẩn tấu. Rồi đó triều đình tuyển chọn các thầy phù thủy phép thuật cao cường [35] . Thống binh ĐôSaNùng sau khi được vua Hêrôtê Agrippa ban chiếu cho phép tùy nghi hành động bèn sai mổ bò làm lễ lớn khao thưởng âm binh, hứa trọng thưởng cho kẻ nào bắt được Jêsu. Các pháp sư bèn bện cỏ làm quân [36] chất cao như núi, tiếng kêu la ăn uống ầm ầm. Một hồi trống lệnh vang lên, âm binh cầm cung kiếm chia đường tỏa đi chống giặc. Đi trước mỗi đạo âm binh đều có một lá cờ trứng đề chữ: “Vâng mệnh chúa Trời, chém đầu yêu tặc Jêsu”. Lại truyền cho dân chúng trong ngoài kinh thành vót tre làm cung tên giả, hễ thấy quỷ quân của Jêsu kéo đến lập tức reo hò bắn tên tới tấp. Lại có lệnh cấm không được bắn lầm vào dân, ai trái lệnh thì bị chém.

Bài bố đâu đó xong xuôi, ĐôSaNùng cũng phỏng theo phép của Jêsu, đầu đội mũ triều thiên, mặc áo Italiêng đính cườm, ngoài khoác áo liên châu dài vạt, một tay cầm cây gậy bạc, một tay vẫy cờ lệnh. Quân tiền đạo trương lá cờ đỏ lớn, giữa đề: “ĐôSaNùng, con Thiên Chúa vâng mệnh diệt trừ Jêsu giả danh con Thiên Chúa”, mười sáu chiếc lọng vàng vẽ hình mây che rợp đoàn quân, 660 tay cung nỏ hộ vệ ĐôSaNùng đi ra cửa nam kinh thành. ĐôSaNùng lên chòi cao trên cổng thành, cầm ống loa sắt gọi to: “Thây ma tên giặc Jêsu có giỏi hãy đến đây giao chiến!”. Vừa dứt lời bỗng thấy Jêsu đưa quân đến. Từ xe thấy cờ hiệp của ĐôSaNùng, Jêsu cả giận, từ trên mây quắc mắt nhìn xuống quát to rằng: “Chính ta mới thật là con chúa Trời. Ngươi sao dám tự xưng là con Thiên Chúa?” ĐôSaNùng cũng trừng mắt mắng rằng: “Chính ta mới thật là con chúa Trời, cớ sao ngươi dám mạo nhận?” [37] Jêsu quát đáp: “Nếu ngươi quả là con chúa Trời thì hãy lên trên mây này cùng ta giao chiến!” ĐôSaNùng cũng quát lại: “Ngươi quả là con chúa Trời thì hãy xuống đất đây giao chiến với ta!” [38] Thế là Jêsu phất cờ đỏ, lớn tiếng ra lệnh cho lính LâmBô [39] xuống đánh. ĐôSaNùng cũng vẫy cờ phép [40] hô âm binh: “Đánh!” Mười pháp sư gióng trống khua chiêng rầm trời nhắm lên các đám mây ngũ sắc mà chỉ trỏ làm dấu bắt quyết. Bấy giờ quân LâmBô của Jêsu cưỡi diều giấy bay lượn khắp nơi. Sáu phía kinh thành [41] trống nổi vang dậy. Dân chúng hò reo ầm ầm. Vua Agripa nghe huyên náo bèn ra trước cửa lầu đứng xem. Các quan tùy tùng vội tâu: “Quỷ quân bay lượn loạn xạ, xin thánh thượng lui vào trong cung”. Vua Agrippa đành phải nghe lời.

Hai Thiên Chúa con giao chiến mấy chục hiệp không phân thắng bại đều phải lui quân về [42] . ĐôSaNùng cho mổ trâu, giết bò khao thưởng âm binh.

Ngày hôm sau [43] , có đám mây đen từ hướng đông bay về phía phía kinh đô. ĐôSaNùng lại trương cờ dàn quân như hôm trước.

Ba hồi trống lệnh vừa dứt, mười pháp sư cấp tốc cho âm binh ra nghênh địch. Dân chúng kinh đô lại nổi trống reo hò vang trời, nhà nhà đều gương cung nhằm đám mây mà bắn loạn xạ. Lần này không thấy Jêsu hiện ra, chỉ thấy một vạt mây đen rắc xuống một lớp mưa bụi chỉ trong chốc lát rồi tan. Quân dân những ai bị mưa ướt phần lớn đều ốm nặng sưng nhọn lên mà chết. Trong kinh ngoài quận bị một nạn dịch lớn, dân chúng ai nấy đều kinh sợ, thì thào bàn tán Jêsu có phép thuật linh thiêng [44] . Lại có kẻ vụng lén làm lễ cầu đảo. Nhà vua biết chuyện sai treo một móc sắt và một thanh gươm ở mỗi ngả đường, rồi tung quân do thám đi khắp nơi, hễ bắt được kẻ nào phao tin đồn nhảm thì cắt lưỡi, cầu đảo vụng trộm thì chém đầu. Từ đó, dân chúng không dám ho he bàn tán gì nữa. Lại sai pháp sư vẽ mặt nạ hình trẻ con giao cho âm binh rước đi các nơi trừ tà đuổi quỷ, có qui định ban thưởng nhiều ít khác nhau.

Jêsu từ khi gây ra nạn dịch, thấy dân chúng kinh dị thì cho là nhà vua ắt cũng phải lo sợ. Tháng sau [45] , Jêsu lại cưỡi xe mây trương cờ sai sáu tướng đốc xuất 6 đạo quân LâmBô từ phía bắc kéo đến. Quân của ĐôSaNùng [46] trèo lên mặt thành nhận ra 6 viên tướng ấy đều là môn đồ của Jêsu. Thế là quân lính gương cung tới tấp bắn lên. Quân của Jêsu bối rối chuyển tránh không dám xuống đất. Jêsu lớn tiếng gọi rằng: “Hỡi Hêrôtê Agrippa, hãy mau mau dựng đền thờ phụng thầy trò ta!” [47] ĐôSaNùng đáp: “Mi là kẻ phạm tội, ta sẽ làm cái nhà xí quẳng mi vào” [48] . Jêsu cả giận nói rằng: “Ngươi không thương tiếc nước của ngươi hay sao? [49] Phen này ta phải giết hết dân chúng nước ngươi!” ĐôSaNùng đáp: “Sống chết có mệnh. Mi có giỏi cứ giết cả đi xem nào!” Jêsu càng tức giận nói rằng: “Sớm muộn cả nhà ngươi cũng phải đày xuống địa ngục!” ĐôSaNùng đáp: “Nếu có địa ngục mi cứ chỉ cho ta xem. Còn ta thì đã sẵn nhà ngục chờ mi từ lâu. Nay mi cứ đọ sức với ta, nếu ta chết có người khác kế tiếp, để xem mi có tác yêu tác quái mãi được hay không?” Jêsu chỉ quát hừm một tiếng rồi bỏ đi.

ĐôSaNùng khua trống thúc giục dân chúng bắn theo Jêsu. Lần ấy hai con chúa Trời không xáp trận giao chiến. Các tướng tùy tùng hỏi nguyên do tại sao, ĐôSaNùng đáp rằng: “Câu nói cuối cùng ta tỏ cho hắn hiểu ta đã biết chuyện kín của hắn [50] cho nên hắn phải bỏ mà đi”.

Năm ấy, nước Jiuđê bị nạn dịch rất nặng, nhà vua xuống chiếu khuyên dụ dân chúng trong kinh ngoài quận những nhà có người chết hãy tạm nén không than khóc, không mặc đồ tang, hò la đánh trống để xua đuổi ma quỷ [51] . Thống binh ĐôSaNùng tâu vua rằng: “Lần này Jêsu có thêm 6 tên môn đồ bị giết dạo trước, thế tất lại kéo tới đông hơn nữa, xin hoàng thượng hãy xuống chiếu triệu vời các vị đại linh sơn thần đem thần binh đến trợ chiến. Sơn thần vui mừng được đội ơn triều đình ắt sẽ chém đầu yêu tặc đem dâng. Còn 6 đạo quỷ binh của Jêsu, chúng ta sẽ chặn riêng từng ngả mà đánh đuổi thì bọn chúng phải tan chạy. Lại như lời quẻ nói rằng: “Dĩ hỏa xạ hỏa” (lấy lửa bắn lửa) xem ra cũng có lý: dạo trước tên Jêsu kia đã phóng hỏa đốt nhà dân, nay ta cũng đốt mồi lửa đầu mũi tên mà bắn xem yêu tặc đối phó ra sao”. Vua Hêrôtê Agrippa bèn hạn chiếu triệu 23 vị sơn thần xưa nay linh hiển đem thần binh đến trợ chiến, thần nào đánh thắng quân giặc thì được gia cấp phong thưởng [52] . Các thần vâng mệnh cưỡi mây về hội đều được lệnh đóng quân ở ngoài thành.

ĐôSaNùng ra lệnh cho dân chúng lấy tro trộn mỡ đắp vào mũi tên, hễ thấy quân LâmBô kéo đến liền châm lửa mà bắn để trợ chiến với thần binh [53] .

Một tháng sau, quả nhiên Jêsu lại dẫn quân LâmBô từ tám hướng rầm rộ kéo đến bủa vây kinh thành. ĐôSaNùng cắt cử nhiều võ quan đốc suất thần binh của các sơn thần và âm binh của các pháp sư ra trận. Một hồi trống lệnh vừa dứt, lửa cháy lóa trời như đèn đuốc. Các sơn thần múa rìu vung búa từ bốn phía xông ra. Thần binh ném tên tay [54] đầy trời như bướm. Dưới đất, dân chúng bắn hương đen lên tới tấp. Các pháp sư cầm gậy phép chỉ trò điều khiển âm binh.

Jêsu cầm cờ quát thét quân LâmBô đánh tới, nhưng bọn chúng thấy nguy không dám xuống, Jêsu cả giận quát giục 6 tướng môn đồ đốc quân vào đánh, lại tự mình dẫn một đội quân nhỏ sà xuống toan đoạt lấy cờ lệnh của ĐôSaNùng, bị một bộ tướng của ĐôSaNùng bắn rơi mũ triều thiên. Quân LâmBô vội nhặt dâng trả cho Jêsu. Jêsu vội làm dấu chữ thập để trấn áp. ĐôSaNùng cũng làm dấu thánh giá để trấn áp Jêsu. Các sơn thần giao chiến quyết liệt từ các phía, cờ lọng rợp trời như mây che, ngựa thần vun vút tung vó giữa không trung. Bỗng một đám mây mù bao tỏa dày đặc, trời đất tối đen như mực, chỉ còn nghe tiếng hò reo quát thét. Rồi chiêng trống nổi lên vang động kinh thành, đứng sát bên tai mà nói cũng không ai nghe tiếng. Trong khoảnh khắc, mây mù tan hẳn, ngước lên thấy sắt giăng khắp trời, Jêsu mắc lọt vào giữa lưới. Quân của ĐôSaNùng tưởng phen này sẽ được tóm cổ Jêsu, bèn ùa reo hò bắt. Bỗng 6 tướng môn đồ của Jêsu bay tới cầm ống lửa mà thổi. Lửa cháy rừng rực khắp trời nung chảy lưới sắt. Jêsu trốn thoát. Quân ĐôSaNùng khắp mọi phía hò reo giục trống chạy đến trợ chiến. Tiếng người tiếng trống rồn rập theo sau. Quân LâmBô của Jêsu bị một phen đại bại.

Bấy giờ vua Hêrôtê Agrippa mới lên ngôi chưa được bao lâu, gặp lúc trong nước bị trận đói lớn, lại thêm yêu tặc dấy lên. Vua cha vừa mới mất, yêu khí càng thêm tác quái. Hơn nữa, sau tám tháng hạn hán, quân dân ốm đau dịch bệnh thật là khốn khó trăm chiều, vua càng thêm buồn giận. Quốc sư Mensa [55] mới 18 tuổi là người thông minh mẫn tuệ giỏi thuật âm dương, tâu vua rằng: “Xin hoàng thượng cho đào mả Jêsu, nhặt lấy xương cốt cùng với giá câu rút, đinh sắt mũ gai của hắn đem đốt để hủy cho hết linh thiêng. Một mặt xuống lệnh bắt giam cha mẹ hắn để trị tội” [56] .

Chiếu vua truyền đến, dân chúng đưa đường cho quan quân, tới nơi thì thấy hang mộ không [57] . Lại cho tìm giá câu rút [58] thì dân địa phương nói rằng trên núi Gôgôtha có nhiều hình cụ xử tử vẫn vứt bỏ đấy không ai dùng đến. Chỉ cách đây bốn tháng có hai người ăn mày nói: vì bọn họ nghèo khổ cùng cực quá, xin cho nhặt mấy thanh gỗ ấy để bán cho người ta làm củi [59] . Quan quân tầm nã đến nhà Jêsu ở Nazaret thì chỉ thấy bốn vách mốc nên không thấy tang tích gì. Sự việc tâu lên, vua Agrippa cả giận nói rằng: “Tên yêu tặc này thật xảo quyệt nham hiểm”. Rồi vua hạ chiếu cấp bách truy nã các môn đồ của Jêsu còn đang trốn tránh, dân chúng kẻ nào giấu giếm bao che bị tru di ba họ [60] . Lại truyền cho các quan trấn thủ bất chợt phải đem quân đi bao vây các làng tả đạo, hễ bắt được thầy tu thì đem chém ngay khiến cho dân các làng tả đạo phải kinh sợ [61] . Lệnh truyền đã hơn một tháng nhưng vẫn chưa bắt được tên nào. Vua lại hạ chiếu truyền rằng: “Nay còn 6 tên yêu tặc lén lút trốn tránh, hễ ai bắt được một tên thì được thưởng vàng 50 lạng, được ban quan tước vào hạng chim phượng [62] , sau khi chết được phong làm thượng đẳng phúc thần, được lập đền thờ ở làng”. Từ đó quyền hào các nơi đua nhau thám thính lùng sục, nhưng vẫn không bắt được tên nào [63] .

Mấy tháng sau Jêsu lại đem quân LâmBô đến khiêu chiến. Vua hạ chiếu truyền cho 23 đại linh sơn thần [64] đem quân dàn trận chận giặc ở ngoài cửa bắc kinh thành. Một mặt truyền cho dân các làng thờ thần đều lập bàn thờ, đặt bồn hương, rước lọng thần cùng với áo mũ kiếm kích của thần đi hộ tống ở đằng sau. Vua Agrippa lên lầu cao duyệt trận địa thấy hương khói ngùn ngụt lan tỏa, cuối cùng bốc vọt lên mây như chiếc cầu vồng, hồi lâu không lay động, ngọn lửa tỏa sáng khắp bốn phía [65] . Đình thần tâu rằng: “Trận này xem chừng quân lính có phần lo sợ, ngờ Jêsu quả đúng là con chúa Trời. Xin hoàng thượng dự liệu cách trấn an”. Vua Agrippa bèn phỏng theo phép của thống binh ĐôSaNùng sai treo trước lầu ngự một lá cờ lớn có đề chữ: “Thiên Chúa Agrippa” [66] .

Các sơn thần vâng mệnh hiện ra trên không giữa ba ngày, tàn vàn cao vút, nghi vệ đường đường, mỗi thần đều cưỡi một con ngựa quý, lúc ẩn lúc hiện giữa các tầng mây. Thần binh đều mặc áo đỏ, ửng rực cả cánh đồng. Mười vị pháp sư cầm gậy phép niệm chú bắt quyết đốc thúc các đạo kỳ binh [67] tiến lên trước để thừa cơ xông trận. ĐôSaNùng làm phép yểm tà bằng cách lấy máu chó bôi lên chóp nón trận, trương cờ đại tướng đốc thúc quân lính tiến về phía các tướng môn đồ của Jêsu đang cầm ống sắt thổi lửa xuống đằng xa.

Bên phía quân LâmBô của Jêsu, đạo quân phía đông mặc áo trận màu đỏ, cầm giáo đỏ, cưỡi đám mây xanh. Đạo quân phía tây đội mũ trận màu bạc, trương cờ trắng, cưỡi mây vàng. Đi đầu là hai đội quân cung tên ngồi trên, dải mũ xanh. Tiếp theo sau là hai đội quân cầm giáo dài cưỡi mây trắng. Jêsu che lọng ngồi trên đám mây đỏ ở chính giữa, đầu đội mũ triều thiên, mặc áo thụng đính hạt cườm, tay trái khua cờ lệnh, tay phải cầm gậy bạc. Từ xa trông thấy lá cờ hiệu đề chữ: “Thiên Chúa Agrippa” trên lầu thành, Jêsu cả giận quát rằng: “Ngươi có phép thiêng gì mà dám tự xưng là Thiên Chúa thần linh?” ĐôSaNùng cũng quát đáp: “Thứ mi có uy linh gì mà khi còn sống dám tiếm xưng danh hiệu?” Jêsu không đối đáp được, bèn phất cờ lệnh thúc quân xông thẳng xuống lầu ngự của vua Agrippa. Lầu ngự bỗng nổi trống lệnh, tên bắn lên trời tới tấp như mưa. Jêsu không thể xáp xuống được, đành phải lượn vòng từ trong ra ngoài. Các sơn thần thấy quân LâmBô đánh áp vào lầu ngự vội từ phía sau lướt tới, cả ba mặt đánh xuống cùng một lục. Quân LâmBô của Jêsu kinh hoảng tan chạy. Môn đồ của Jêsu cưỡi xe mây chia đường đón đánh. Các sơn thần cũng chia quân bổ vây. Quân hai bên giao chiến, tiếng hò reo vang trời. Sáu tướng của Jêsu lượng sức không chống nổi, chỉ một lúc sau phải tìm đường tháo chạy rồi đột nhiên biến mất. Bỗng thấy các bồn hương thờ sơn thần bày giữa đồng xoay tròn chạy chụm vào nhau, gươm giáo dựng ngược chĩa lên trời, chỉ trong chốc lát đổ vỡ mất 10 bình hương. Dân chúng các làng vung gậy thúc trống đuổi theo, gặp lúc các sơn thần cũng vừa kịp đến tiếp ứng. ĐôSaNùng dẫn quân đuổi theo mà bắn. Jêsu ngồi trên mây quát: “Ngươi là ai mà dám đương đầu với ta?”. ĐôSaNùng lớn tiếng quát: “Ta chính là kẻ dạo nọ đã đâm thủng ngực mi!”

Jêsu cả giận, lại đốc thúc đội quân tùy tòng đánh xuống để giết ĐôSaNùng. Bọn quỷ binh đến gần ngửi thấy mùi máu chó tanh lợm, không dám xuống, đành chịu đứng khựng giữa lưng chừng trời. ĐôSaNùng thấy đội quân ấy đều có đuôi chim [68] bèn hô lớn: “Bắn chết bọn quân thiên thần đi! Bắn chết bọn quân thiên thần đi!” [69] Đoạn truyền lệnh châm lửa bắn, tên lửa tới tấp bay lên như đóm. Bọn quân “thiên thần” hoảng sợ bỏ chạy [70] . Kỳ binh của các pháp sư và thần binh của các sơn thần cũng vừa từ phía sau đánh áp tới. Chỉ trong khoảnh khắc, các đạo thần binh của các sơn thần và quân LâmBô của Jêsu đều biến mất, trên trời dưới đất yên ắng như không có chuyện gì.

Trận này dân chúng đứng xem chật ních như nêm. Vua Agrippa đứng trên lầu cao chỉ thấy âm binh xoay vòng, thấp thoáng ẩn hiện trong mây, giơ tay cả cười rằng: “Thật là việc lạ xưa nay chưa có!” Sau trận giao chiến, triều đình cho khao thưởng quân sĩ. Vua Agrippa hỏi ĐôSaNùng: “Nạn giặc này liệu đến bao giờ thì hết?” ĐôSaNùng tâu rằng: “Quân lính của yêu tặc Jêsu đều là những kẻ chết không phải do số mệnh định trước cho nên thường hay hung hăng táo tợn. Nhưng xem mấy trận giao chiến vừa rồi thì chỉ có đội quân ấy, ngoài ra không đáng kể. Những kẻ chết đúng mệnh thì uể oải không có nhuệ khí, Jêsu không thể điều khiển được chúng [71] . Đó chẳng phải ai khác ngoài những kẻ bị hành hình từ trước đến nay ở núi Gôgôtha, xác chết phi mệnh chồng chất lâu ngày cho nên mới hiện ra như vậy. Thần lại đã lo trước rằng bọn này dễ gây biến, vì vậy khi hành hình 6 tên môn đồ của Jêsu, thần đã phanh thây cho chó ăn thịt, đập nát xương vứt xuống sông là cốt để cho bọn chúng mất bớt đi linh thiêng, cho nên bọn chúng mỗi khi lâm trận thường bỏ chạy. Vì vậy thần mới liệu đoán rằng bọn 6 tên ấy cũng chẳng tác yêu tác quái được bao lâu nữa. Chỉ có tên Jêsu sẽ làm phiền hoàng thượng phải lo nghĩ”.

Từ đó cứ 10 ngày, Jêsu lại dẫn yêu binh đến quấy phá. Tướng sĩ canh giữ cẩn mật nhưng cũng chỉ vu vơ bắt gió mà thôi. Dịch bệnh vẫn lan truyền, dân chúng không ngớt bàn tán những lời phao đồn xằng bậy.

Vua Hêrôtê Agrippa rất lo lắng, bèn hội họp các đại thần để bàn bạc. Quan tả thừa tướng MiNê tâu rằng: “Quân Jêsu thế lực hùng mạnh, tuy chỉ có bấy nhiêu nhưng một địch được vạn. Hung ác như bọn giặc này xưa nay chưa từng nghe nói. Nay thần xin hoàng thượng hạ chiếu truyền cho các sơn thần trong cả nước không kể lớn nhỏ đều phải đem quân đến hội để bắt cho được yêu tặc Jêsu. Sau khi tan giặc, ai nấy đều sẽ được vẻ vang gia thăng phẩm trật. Như thế để xem yêu tặc giỏi thoát lối nào [72] . Lại xin hoàng thượng truyền chiếu cho thiên hạ biết: Ai hiến được kế lạ, người thì được phong quan cao chức trọng, quỷ thì được phong phúc phần”. Vua Agrippa khen phải, bèn sai thảo chiếu như lời tâu. Do đó các thần bốn phương đất nước cả mừng lũ lượt đưa quân về kinh triều cận. Đã có chiếu truyền: các thần binh đến nơi thì cho lên đường đi đánh ngay. Rồi đó vua ban tiệc lớn cho các thần. Từ đó dân gian khắp nơi nhìn lên trời bất chợt thấy những trận giao chiến không rõ thắng bại, bên nào thật bên nào giả cũng không phân biệt được.

Một đêm vua Agrippa đang ngủ, thấy một nữ thần nhẹ nhàng bước vào sụp lạy. Đi theo nữ thần là 10 thị nữ, tất cả đều mặc áo đỏ tay hồng. Nữ thần tâu rằng: “Thiếp là nữ thần ở núi nọ, nghe chiếu truyền xin đến dâng kế đánh yêu tặc”. Nói đoạn bưng chiếc hộp xà cừ dâng lên, trong hộp có 6, 7 thỏi nhỏ, một thỏi là diêm tiêu, một thỏi hoàng tiêu, một thỏi than đen, một đoạn ống sắt và một hòn đạn sắt. Nữ thần nói tiếp: “Ở núi thần ở có rất nhiều những thứ này. Trộn lẫn mấy chất đó nhồi vào ống sắt mà đốt thì phát ra tiếng nổ như sấm, khói bốc khét lẹt khiến cho khí ác không thể ngưng tụ được”. Rồi đó nữ thần nói rõ cách thức điều chế thuốc đạn cùng là cách chế tạo pháo thăng thiên và súng phun lửa. Nữ thần lại xin nhà vua cho đốt trụi ngọn núi nơi Jêsu chết và thiêu hủy hang mộ Jêsu khiến cho linh hồn Jêsu phải tan tác [73] . Vua Agrippa hứa làm theo lời tâu của nữ thần.

Sáng hôm sau vua ngự triều, sai người đi đốt núi Gôgôtha và phá hủy hang mộ Jêsu. Vua lại sai người tìm đến ngọn núi nữ thần đã nói, quả nhiên thấy một ngôi đền nhỏ. Trong đền có mấy cái hang rất nhiều diêm tiêu và hoàng tiêu, đào lên lại thấy một chiếc ống sắt lòng rộng bằng cái đấu, dài 4 thước, bên trong có nhiều lỗ nhỏ, quân lính bèn nhặt lấy đem về. Vua Agrippa sai người theo đúng lời dặn của nữ thần chế ra năm mươi cỗ súng lớn nhỏ, điểm hỏa bắn thử, quả nhiên phát ra tiếng nổ ầm vang như sấm động, các đồ dùng sành gốm rung chuyển vỡ choang.

Lại thử pháp thăng thiên: vừa châm mồi cả ống lửa liền bay vọt lên trời phun lửa ra như mưa. Thử tiếp súng phun lửa: mồi châm xong, đạn lửa bay ra như sao. Người đời sau có loại súng sắt bay lên trời khạc lửa là bắt đầu từ đó. Đến đời vua Lý Tông [74] phép chế súng truyền ra ngoại quốc, từ đó ở Trung Hoa mới có.

Các phép thuật đã đầy đủ, người ngoài không hay biết, vua Agrippa bèn triệu bốn vị thần có danh tiếng vào triều căn dặn những điều cơ mật. Chỉ trong chốc lát đã thấy bốn vị thần mặc áo vàng, đi hia rồng hiện ra trước ngự tọa. Vua truyền: “Nay quân ta có súng thần công trợ chiến, các thần cần báo cho nhau biết, cẩn thận chớ kinh sợ. Trận chiến sắp tới các thần hãy dàn quân ba mặt, giả vờ đánh thua, từ từ lui chạy, dụ cho yêu tặc đuổi theo chạy đến ngọn núi ĐôngLâmLiệt [75] . Các đạo quân gặp nhau mai phục dưới chân núi, cải dạng che giấu các hỏa pháo và xa pháo để cùng lúc nổi lên chặn đánh; bắt bọn yêu tặc Jêsu chính ở trận này”. Bốn vị danh thần vái lạy vâng mệnh rồi biến khuất.

Jêsu lại dẫn quân đến khiêu chiến, đứng giữa không trung quát to rằng: “Mau lập đền thờ cúng thầy trò ta! Bằng không phen này cả nước ngươi phải chết!” ĐôSaNùng vẫy cờ lệnh cho âm dương binh [76] tiến lên. Một tiếng thanh la vang dậy, vô số lọng thần [77] vụt ra khỏi mây lấp lóa đầy trời không đếm xuể. Chỉ nghe tiếng gươm giáo chạm nhau lanh lảnh, bóng cờ phần phật tung bay, khi chụm khi tan, lúc ẩn lúc hiện. Các thần xông sát quyết chiến, trăm quân bên dưới một lòng. Trên mặt thành, quân lính nổi trống khua phèng đinh tai nhức óc. Jêsu chống trái đỡ phải, cờ đỏ rập rờn, uy phong lẫm liệt. Bên quân của ĐôSaNùng, âm binh bị vây hãm, sấp ngửa chạy về thành. Mười pháp sư làm phù phép đốc thúc nhưng không thể xua chúng tiến lên. Bỗng thấy Jêsu vẫy cờ xám, lập tức lửa ngọn lả tả rơi xuống như sao, thiêu cháy lọng vàng của các thần. Quân LâmBô giáo mác tua tủa xúm đánh các thần nhỏ. Các thần nhỏ không chống cự nổi đều lăn nhào xuống đất. Quân LâmBô cả tiếng gào thét quát hỏi: “Các thần kia đã biết tài của con chúa Trời hay chưa?”. Các vị thần lớn vội quạt gió thổi mưa dập tắt các ngọn lửa cháy lọng. Thấy các thần nhỏ thua bại, các thần lớn nhất tề xông đến tiếp cứu. Jêsu hô lớn: “Kẻ nào không chịu tiến thì chém!” Rồi đó quân Jêsu từ hai phái áp đánh kinh thành. Khắp nơi sương mù vàng ợt, chỉ nghe tiếng trống “phầng phầng” không rõ phát từ đâu. Trời đất tối sầm, đôi bên vẫn chưa phân thắng bại. Bỗng thấy một đội quân “thiên thần” ào tới quần lượn trên trời, gặp lúc một đội thiết diện quân cũng vừa kéo đến xung kích xông vào giao chiến, quân “thiên thần” thua chạy. Rồi đó một vị sơn thần từ trên trời cưỡi ngựa hạ xuống báo với ĐôSaNùng: “Thần tôi vừa đi do thám về, thấy yêu tặc Jêsu có 6 đội quân ở đằng xa, mỗi đội đều trương một lá cờ lớn đề chữ “Vít vồ”, thanh thế rất hùng mạnh. Lại thấy dưới dân gian giáo đồ tả đạo phần nhiều đều theo bọn chúng, ngửa mặt nhìn lên trời mà vái lạy. Xin tướng quân tìm cách trấn an lòng người”.

Lúc ấy ĐôSaNùng đang ở trên lầu thành cửa đông, vội sai làm ngay 6 lá cờ đỏ, mỗi cờ cũng đều đề chữ “Vít vồ”. Rồi đó ĐôSaNùng sai người truyền loa gọi các thần trở về đón cờ đem đi. Thế là 6 ngọn cờ đỏ bay vút tận mây, dân chúng nhìn lên ai nấy đều trầm trồ cho là kỳ lạ. Giữa lúc giao chiến đang hăng, hai bên đều muốn cho quân lui nghỉ, chợt có một vị thần mặc áo vàng xông lên quát lớn: “Một trận thấy anh hùng!” Thế là quân hai bên lại xông vào hỗn chiến, chỉ thấy màu đỏ màu đen nhào lượn lên xuống, chiến bào phất bay, cờ đỏ rập rờn ngang dọc. Bỗng nghe một hồi trống đại, không rõ hiệu trống của bên nào, sau khoảnh khắc thấy 6 đội quân ào ạt lướt tới, mỗi đội đều trương cờ hiệu “Vít vồ”. ĐôSaNùng nghe dứt tiếng trồng bèn cầm loa truyền lệnh: “Các vít vồ bên ta nghênh chiến!” Lệnh vừa dứt bỗng thấy 6 lá cờ đỏ cùng lúc trương lên [78] . Quân hai bên xông vào hỗn chiến, giẫm đạp lên nhau, không phân biệt được quân vít vồ bên nào nữa. Bỗng thấy Jêsu hiện ra phất cờ hiệu đuôi nheo, đầy trời chớp lóa mắt. Thần binh sợ hãi bỏ hàng ngũ mà xô nhau tháo chạy. Các thần giả cách đánh thua lui chạy về dãy núi phía đông kinh thành rồi dàn quân ba mặt đóng giữ.

Quân LâmBô hò reo: “Bọn thần binh tan chạy rồi! Thần binh tan chạy rồi!” Jêsu được lướt thúc quân đánh vào kinh đô để vây tỏa hoàng cung, chẳng ngờ gặp sức kháng cự không phá được, phải quay ra khiêu chiến với cả ba phía thần binh. Đang lúc do dự cầm chừng, bỗng từ lầu ngự trên mặt thành nổi vang ba tiếng trống, các cỗ súng mai phục dưới chân núi nhất loạt phát hỏa, sấm vang chớp giật [79] , súng lớn súng nhỏ nổ vang, khói trắng bốc lên mờ mịt. Sáu tướng vít vồ tái mặt, dúi dụi ngã nhào trong mây. Jêsu kinh hoảng bỏ chạy. Quân LâmBô thấy vậy đều xô nhau tẩu thoát. Bỗng lúc ấy, lửa pháo thăng thiên từ dưới đất vọt lên, quân LâmBô hoảng hốt lăn nhào xuống đất. ĐôSaNùng hô quân ùa tới chém giết, chỉ thấy áo rách tơi tả vương đầy mặt đất. Cả đoàn quân LâmBô của Jêsu mất hút, không biết biến đi đằng nào.

Trong trận này, vua Agrippa cùng với các đại thần văn võ và các quan binh chỉ đứng trên mặt thành cầm quân đóng giữ, khua chiêng gióng trống trợ chiến từ xa. Dân chúng kinh thành hò reo vang dậy, thật là một phiên hội mừng náo nhiệt. Chẳng bao lâu trở lại yên tĩnh, mây tạnh trời quang.

Jêsu thua bại, dẫn tàn quân chạy về núi Gôgôtha, chỉ thấy tro bụi một bãi tro tàn không sót một lùm cây ngọn cỏ [80] . Jêsu cùng đám bại binh dắt díu nhau gào la mà chạy, ra đến vùng núi Cát [81] mới dám dừng lại nghỉ ngơi. Bỗng thấy các thần dẫn quân đuổi theo gần kịp đang tung lưới sắt bủa vây. Jêsu vội vứt cờ đỏ, rơi mũ triều thiên chạy bay về núi Cửa ải [82] nấp trốn trong một hang sâu. Các thần tới nơi lùng sục nhưng không bắt được [83] . Chợt có một con phượng hoàng xanh [84] vút lên không bay về kinh đô cất tiếng tâu rằng: “Yêu tặc Jêsu chạy trốn vào núi Cửa ải, bọn thần đã đem đội quân tới lùng soát nhưng chưa biết rõ chỗ ẩn nấp. Xin hoàng thượng nhân thời cơ ra uy trời đánh đuổi yêu tặc ra ngoài biên giới. Nếu không y sẽ quay lại gây phiền nhiễu cho triều đình phải lo nghĩ”. Vua Agrippa lập tức truyền lệnh cho ĐôSaNùng dẫn ba nghìn pháo thủ và đốc thúc các đạo thần binh đi lùng bắt, đến hơn 20 ngày mới quay về. Từ đó Jêsu không dám lẻn về quấy phá nước Jiuđê nữa, khí thế “thiêng liêng” vì vậy cũng hao tổn mất tám, chín phần.

Trong trận ấy, việc súng thần thật là một sự là từ xưa chưa từng nghe nói. Cùng lúc bắn lên […] [85] , thần binh của triều đình đã bị “ngã” mất đến nửa số. Nạn giặc Jêsu quấy phá quả nhiên trước sau phải mất đến hơn một năm mới dẹp yên. Lời tiên đoán “Dùng quỷ đánh quỷ, lấy hỏa trị hỏa” cũng được chứng nghiệm.

Các thần đánh bại quỷ binh của Jêsu, cắt được thủ cấp hơn 3 nghìn sọt, chở về đổ đống ở cánh đồng ngoài kinh đô. Binh lính và dân chúng tranh nhau chạy ra xem. Thoạt đầu thấy đúng là đầu người, hồi lâu nhìn kỹ thì hóa ra đều là xương đầu lâu. Vua sai xét nghiệm mới hay đó là xương sọ của kẻ tử tù. Trong triều ngoài quê bấy giờ mới biết âm hồn của những kẻ chết không phải do số mệnh ở núi Gôgôtha bị Jêsu lôi kéo, cho nên mới liều lĩnh hung hăng như vậy. Nay bị các thần chém đầu, phải hiện nguyên hình như cũ. ĐôSaNùng ra lệnh hỏa thiêu để diệt trừ oan khí [86] .

Vua Agrippa vì chuyện Jêsu dấy yên binh hại nước càng căm ghét tả đạo, truyền chiếu lùng bắt bọn vít vồ lánh trốn càng gấp hơn. Tả thừa tướng MiNê tâu rằng: “Từ nay nên cấm hẳn không cho dân ngu [87] năm huyện thờ tả đạo nữa”. Vua lại hỏi thống binh ĐôSaNùng phải làm cách gì để ngăn cấm? ĐôSaNùng tâu: “Dân bị mê hoặc đã sâu, phải có phép thật nghiêm mới sửa được. Nay ta phải dùng phép của hắn mà trị hắn thì công việc đỡ phiền phức mà có hiệu quả. Thần được biết Jêsu cấm người ta không được gọi đạo ta [88] là đạo chính và không được gọi thầy cả đạo ta là thầy, chỉ dành những tiếng ấy để xưng hô với hắn mà thôi. Bọn vít vồ đi đến đâu, dân ngu đều rải chiếu kín đất mà đón rước, những kẻ phú hào dẫn dân binh vác gậy đỏ xếp hàng hai bên đường nghênh đón. Bọn vít vồ ngồi xe son che lọng vàng, đàn ông đàn bà cầm nến sáp đi theo hoặc quỳ lạy nghẽn đường, già trẻ thảy đều tung hô hoan hỷ. Xem ra bọn họ chỉ biết tôn kính vít vồ mà khinh miệt quan lại của triều đình, bảo triều đình là quân vô đạo, bảo các thầy cả đạo ta là những kẻ làm phép ngụy. Đại khái bọn chúng mê hoặc lòng người, coi khinh phép nước như thế [89] . Hơn nữa chúng rao giảng toàn những điều có hại đến luân thường [90] . Nay xin hoàng thượng cho đổi cách xưng hô: gọi các cố đạo là thầy cả đạo chính, nắm quyền ngăn cấm tả đạo, như thế công việc thưa giản mà phép tắc được nghiêm hơn. Nếu cứ để như trước thì e rằng bọn nha lại tham tiền của đút lót thả lỏng cho bọn thầy tu tả đạo coi thường phong tục. Cần phải đặt lệ thưởng to phạt nặng, kiên trì vài bốn chục năm trở lên thì mới có thể uốn nắn bọn chúng trở về chính đạo”.

Vua Hêrôtê Agripa nghe xong lo ngại phán rằng: “Cha chả ghê thay kẻ hiểm tâm ngang ngạnh! Nay trẫm sẽ nghiêm cấm, truyền cho con cháu, vạn năm không được nới tay!” Rồi đó vua truyền lệnh lập sổ ghi tên dân tả đạo các làng trong nước trình lên để xem xét. Đổi gọi cố đạo các làng là thầy cả đạo chính. Tờ chiếu đại lược viết: “Bọn các ngươi tiêm nhiễm yêu ngôn đã lâu, quay lại khinh miệt cha ông khi còn sống thì không nuôi dưỡng, không cung kính; đến khi chết thì đào huyệt chôn sâu, không thờ cúng, không xót thương. Tuy gọi là loài người mà lòng dạ thật đúng là loài chó lợn. Nay trẫm truyền đổi tên cố đạo gọi là thầy cả đạo chính coi giữ phong tục các làng; một mặt đặt ra những điều lệ mới, ghi rõ cho mọi người đều biết như sau:

  • Điều 1: Các cố đạo trước đây từ nay đổi gọi là thầy cả đạo chính.

  • Điều 2: Chức thầy cả đạo chính ở mỗi làng lớn đặt 3 người, làng không lớn lắm đặt 2 người, làng nhỏ đặt 1 người, được cấp lương ấn có phân biệt các mức nhiều ít khác nhau.

  • Điều 3: Dân tả đạo mỗi khi có việc tang ma chôn cất đều phải đến trình để thầy cả đạo chính đích thân đến kiểm soát và chỉ bảo cho cách thức làm đám tang đúng theo phép nước.

  • Điều 4: Dân tả đạo mỗi nhà đều phải lập một bàn thờ, viết thụy hiệu tổ tiên từ 5 đời trở xuống mà thờ phụng.

  • Điều 5: Dân tả đạo đến ngày giỗ cha ông, tùy theo hoàn cảnh mỗi nhà giàu nghèo mà soạn lễ cúng, nhất thiết phải trình để thầy cả đạo chính và trưởng ấp đến tận nơi xem xét.

  • Điều 6: Các hương trưởng phải phân bổ cho dân tả đạo các nhà theo lệ đóng góp vào việc thờ thần của làng.

  • Điều 7: Viên hương trưởng nào mà phụ họa làm theo dân tả đạo thì bị xử trảm.

  • Điều 8: Dân tả đạo khi làm lễ cưới thì cả hai vợ chồng đều phải lạy bàn thờ tổ tiên nhà vợ cùng là lạy sống cha mẹ vợ, sau đó mới đón dâu về nhà chồng. Về đến nhà chồng thì phải lạy bàn thờ tổ tiên nhà chồng cùng là lạy sống cha mẹ chồng.

  • Điều 9: Ai cáo giác bắt được bọn đồ đảng yêu đạo thì được ban phẩm hàm quan tước, sau khi chết được phong phúc thần như đã nói trong chiếu chỉ năm ngoái.

  • Điều 10: Dân tả đạo kẻ nào không tuân theo những điều khoản trên đây thì thầy cả đạo chính và hương trưởng phải bắt dẫn lên quan trên xử trảm cả vợ lẫn chồng.

  • Điều 11: Thầy cả đạo chính kẻ nào tham tiền của đút lót mà ngấm ngầm làm theo tả đạo thì bị khép tội bất trung với mệnh vua, xử trảm.

  • Điều 12: Thầy cả đạo chính và hương trưởng nếu dốc lòng nghiêm cấm tả đạo và sửa đổi cho dân tả đạo trở lại quốc tục thì sau khi chết được phong làm thần làng.

  • Điều 13: Khi thầy cả đạo chính được sắc ban về làng, hết thảy dân tả đạo đều phải sửa soạn xe son lọng vàng, cầm gậy đỏ và đèn sáp xếp hàng hai bên vệ đường nghênh đón.

  • Điều 14: Thầy cả đạo chính và hương trưởng nếu không may bị thiệt mạng trong khi thừa hành chức vụ thì lập tức được gia phong, triều đình sẽ bổ ngay người khác đến thay thế [91] .

  • Điều 16: Kẻ nào cất giữ quần áo, chuỗi hạt, tranh ảnh, sách vở của yêu tặc, hạn trong một tháng phải đem đến nộp cho thầy cả đạo chính và hương trưởng để chuyển lên quan trên thiêu hủy. Sau hạn đó, khám xét thấy kẻ nào còn cất giấu thì xử trảm [92] .

Dân tả đạo từ trước chỉ tôn kính Jêsu cùng các vít vồ, đến nay nghe lệnh truyền xuống ai nấy sững sờ buồn thiu lo sợ bị đày xuống địa ngục. Bọn họ bàn tán với nhau không biết làm thế nào. Nhưng vì sợ phép nước, ai nấy đều phải tuân hành theo đúng chiếu thư. Các thầy cả đạo chính thì đều mong được phong thần, cho nên càng dốc lòng nghiêm cấm tả đạo. Cứ như thế trong khoảng hai chục năm mới tạm dẹp được tập tục tà giáo.

Xét việc bài trừ tả đạo ở nước Jiuđê, bất cứ điều gì cũng đều phải tuân theo phép của Jêsu mà phá thuật của Jêsu, chẳng hạn việc đề chữ trên cờ hiệu, đổi gọi cố đạo là thầy cả đạo chính, cùng là lệ phong thần, bổ nhiệm người thay thế để duy trì phép tắc cho nghiêm, v.v. Cách thức trấn áp những kẻ mù quáng như thế thật là rất diệu, đúng là “vỏ quýt dày, móng tay nhọn” vậy. Ngày nay bọn Tây Dương cũng vẫn phải sợ những phép ấy.

Sau khi dẹp xong yêu tặc, vua Agrippa xuống chiếu đại xá thiên hạ, chỉ trừ 6 tên giám mục môn đồ của Jêsu. Bấy giờ trong triều ngoài nội người ta đều cho rằng bọn chúng đã cải tà quy chính, tuyệt hẳn không dấy lên nữa. Nhưng chỉ một năm sau, trong dân gian có viên quản giáp tên là MaLa cùng với người làng TônNi tên là ANga bắt được một thầy tu tả đạo tên là MiNghi. Lại viên quản giáp tên là NôTư bắt được thầy tu tả đạo tên là TuânTê. Cả hai gã ấy chỉ mới ngoài 20 tuổi [93] . Bấy giờ hai gã đều giả dạng làm thầy lang đến chữa bệnh ở hai làng kia, hương trưởng lấy làm ngờ [94] dẫn tuần đinh bắt giữ xét hỏi: “Có phải ngươi là thuộc hạ của bọn vít vồ hay không?” Người ta đồn rằng nếu hai gã ấy là bè đảng ngụy đạo thì thế nào chúng cũng chối cãi. Chẳng ngờ hai gã kia tự nhận là đúng [95] . Thế là cả hai liền bị dẫn nộp lên tổng trấn. Quan tổng trấn tâu báo về triều, vua Agrippa cho lệnh giải về kinh. Tra khảo đầu đuôi, hai gã ấy mới phải khai rằng: “Cả 6 môn đồ của Jêsu đã trốn sang Tây Dương, lập thêm bọn chúng tôi làm thầy cả, tất thảy là 54 người, bảo ở lại lén lút trà trộn trong dân gian. Lại căn dặn rằng: Các ngươi phải vững lòng tin, rằng chờ ngoài mười năm, năm mươi năm nữa, kẻ kia dễ sống đại được nghìn tuổi không chết hay sao? [96] . Nó chết thì con nó nối ngôi hoặc giả đó là kẻ ngu tối, hoặc là gặp nhiều sự cố rắc rối, hoặc sẽ bị người của đạo ta trừ khử đi v.v. Do đó mà bọn chúng không lưu ý đến việc cấm đạo nữa. Các ngươi còn trẻ, đến lúc ấy khoảng sáu, bảy mươi tuổi, chắc là chưa chết hết, ít nhất cũng còn một phần ba sống sót. Lúc bấy giờ các ngươi sẽ bí mật lập đạo, cùng nhau đi thuyết dụ dân chúng, há lại không dụ được vài ba trăm nhà hay sao? Cứ đà ấy nhen nhóm gây dựng dần dần mà trỗi dậy. Lúc ấy bọn ta đã già yếu rồi, cho nên phải dặn trước để các ngươi nghe ngóng thăm dò, bốn phương tìm nhau tụ hội lại dần dần thì giáo dân hai nước [97] cũng như con một nhà vậy. Như thế bọn chúng nó làm gì được chúa Jêsu của chúng ta?” [98] .

Nghe lời khai của hai gã thầy tu, vua Agrippa cả kinh đập tay [99] xuống án phán rằng: “Bọn giặc này thật ngang ngạnh, cứng đầu! Đúng như tổ sư [100] của chúng vẫn nói là trên dưới một lòng, vững như sắt đá, kẻ trước chết người sau tiếp!” [101]

Liền đó vua sai ghi họ tên quê quán của bọn thầy tu tả đạo 52 tên còn lại đem niêm yết khắp nơi để lùng bắt. Một mặt sai quân tầm nã đến tận quê quán của từng tên bắt giam gia quyến và tịch thu mọi thứ lễ phục, giấy tờ, bằng sắc [102] . Lệnh truy lùng tả đạo càng gắt gao hơn trước, đến nỗi đàn bà con gái nhà giàu thường có những chuỗi ngọc trang sức nhưng đều phải tháo rời ra chẳng ai dám đeo, vì sợ người ta ngờ là chuỗi con niệm. Đồ đạc dụng cụ trong nhà, những thứ gì có hình dáng chữ thập cũng đều phá hủy hết. Những ai trùng tên với bọn thầy tu đang bị truy nã đều xin đổi tên. Rồi đó tả thừa tướng MiNê theo lời của ĐôSaNùng, sai trói ngược hai tên thầy tu tả đạo vào bó tre khô, tưới dầu châm lửa đốt cho cháy rụi thành than, xúc đổ xuống sông, còn lòng ruột không cháy thì vứt cho chó ăn [103] . Một mặt ban ngay sắc phong sinh thần [104] và lập đền thờ sống cho những người đã có công bắt giữ yêu tặc.

Năm mươi hai tên môn đồ ngụy đạo nghe tin gia quyến bị bắt tống ngục, trong vòng ba năm đều lục tục ra đầu thú, 20 tên quá sợ hãi xin hoàn tục về nhà lấy vợ, bèn triệu quản giáp, thầy cả và hương trưởng đến bảo lĩnh cho về, đều làm đúng lời hứa lấy vợ, ở yên tại quê nhà. Còn lại 22 tên [105] vẫn bền lòng không chịu bỏ đạo, vua truyền theo phép cũ đem thiêu sống đổ tro, vứt ruột cho chó ăn.

Hồi bấy giờ ở nước Jiuđê, số người bị dụ dỗ theo tả đạo, chỉ mới trong phạm vi 5 huyện, nhưng cũng chỉ rải rác, không phải toàn tòng. Đến khi quan quân bắt giết 6 môn đồ của Jêsu, rồi ra lùng bắt bọn 54 tên vừa nói thì pháp lệnh của triều đình cấm tả đạo được nghiêm khắc tuân phòng, người ta đều tưởng rằng dân tả đạo trong năm huyện đã kinh hồn bạt vía. Nhưng 24 năm sau, bỗng có tin người làng Xana bắt được 3 thầy tu tả đạo tên là Nicôla, Jêpêsô và Timông [106] . Ba người này lẩn trốn trong hang núi đã hơn một hai năm. Dân làng thấy bọn họ ở độc thân không lấy vợ, lấy làm ngờ, bèn bắt nộp quan trấn, quả nhiên đúng sự thực. Áp dẫn về kinh, vua Hêrôtê Agrippa càng thêm kinh lạ. Đến khi tra khảo duyên cớ tại sao sống độc thân thì Nicôla và Jepensô đều khai là vì nhà nghèo không dám lấy vợ, còn Timông thì nói vì bị bệnh lao nên cha y bảo đừng lấy vợ thì sống được lâu hơn [107] . Vua Agrippa quát rằng: “Nói láo cả! Chẳng giống tính người, cứ giao xuống cho tra khảo, chết bỏ!” Bấy giờ bọn Jepensô mới chịu khai: “Bọn chúng tôi không phải là thầy cả, mới chỉ là môn đồ do các giám mục lập sẵn để tiện trao chức về sau [108] . Giám mục dặn kín chúng tôi rằng: Nếu 54 thầy cả đều chết hết thì bọn các người tất cả 50 người hãy cầm lấy bằng sức tự lập làm thầy cả để thay thế”.

Vua Agrippa cả sợ nói rằng: “Cha chả! Bọn bay gốc sâu rễ bền!”. Nói đoạn hạ lệnh tịch thu hết bằng sắc và các thứ đạo phục. Tờ sắc đại khái viết như sau: “Thiên Chúa Jêsu ban sắc truyền rằng: thầy cả trước đã chết, nay trao chức cho khanh thay thế. Khanh hãy dốc lòng vỗ về khuyên bảo dân chúng, ngày sau khi qua đời cho khanh cùng được thiêng liêng” [109] . Lại có đoạn nói: “Thầy cả nào được vít vồ (tổng giám mục) nào truyền chức thì mang tên vít vồ ấy. Như vậy là để khi sống gọi tên mình là nhớ đến đạo, khi chết rồi thì theo linh hồn của vít vồ mình để cùng được thiêng liêng” [110] .

Vua Agrippa lại càng kinh lạ nói rằng: “Bọn giặc năm xưa chỉ nói 54 tên, không thấy khai rõ bọn này. Dự liệu dặn dò nhau từ trước, mưu mô bọn này thật xảo quyệt, hiểm độc biết bao! Tuy vậy, bắt thêm được một đồ đảng của yêu tặc ta lại có thêm một phép mới để trừng trị bọn chúng!”.

Rồi đó vua sai biên họ tên quê quán của bọn thầy tu dự bị, 45 tên còn lại truyền đi cho các địa phương truy nã. Bấy giờ 47 tên thầy tu dự bị vẫn sống ở quê quán, nhưng dân làng chẳng ai hay biết, chỉ lấy làm lạ là bọn ấy đã lớn tuổi vẫn không chịu lấy vợ mà thôi. Đến khi bọn chúng bị bắt thì mới vỡ lẽ. Chiếu vua truyền xuống: những kẻ thú tội chịu lấy vợ đều được tha, giao cho thầy cả đạo chính và hương trưởng bảo lĩnh giám sát như đã nói trước. Trong số đó chỉ có 5 tên trước sau vẫn không chịu bỏ đạo đều bị tử hình như đã nói. Một mặt cũng phong tặng cho người làng Xana như đã hứa trước [111] .

Vua lại xuống chiếu truyền rằng: dân chúng ai có việc đi đâu cần phải có giấy thông hành [112] cùng với tờ cam đoan [113] rằng mình không phải là dân tả đạo. Ai không có giấy tờ thì giao cho trưởng ấp nơi đến trú ngụ giữ lại xét hỏi [114] . Sau đó lại có chiếu truyền: hạn trong một năm, đàn ông đàn bà trong nước từ 20 tuổi trở lên nếu không lấy vợ lấy chồng đều coi như đồ đảng của yêu tặc, giao cho trưởng ấp đem trát đến bắt, không tha. Dân chúng đều lấy làm lo sợ, chẳng người nào dám ở độc thân không lấy vợ lấy chồng. Từ đó cái rễ Gia Tô mới dừng lại không bén được tấc nào [115] . Trước đó dân tả đạo trong 5 huyện tuy bề ngoài vẫn tôn phụng thầy cả đạo chính, nhưng trong lòng vẫn mong ngóng trông đợi, thường kiếm cớ đi xa để lén lút xin chịu phép ngụy đạo [116] . Nay thấy các vít vồ đã chết hết, thầy cả ngụy đạo đều bị dẹp láng, vĩnh viễn không có ái dám đứng ra làm phép giải tội, phép cưới, phép xức dầu, phép thụ bánh thánh v.v. đến bấy giờ dân tả đạo mới chịu răm rắp tuân theo phép nước.


[1]Thật là mưu trí!

[2]Nguyên văn: thái sử. Thời cổ, sử quan thường kiêm việc chiêm tinh (xem thiên văn để đoán nhân sự).

[3]Jêsu cấm không cho xem thiên văn chính là vì cớ ấy.

[4]Gọi vua nước mình là “giặc”, dân tả đạo nước nào cũng ăn nói như thế cả.

[5]Ngày nay các cố đạo dọa nạt người ta, đại khái cũng nói như thế.

[6]Thông giáo: đạo thờ chúa Trời của người Jiuđê (Do Thái giáo).

[7]Thuộc kinh thành Jêrusalem.

[8]Nguyên thư chép: PhiNùngTô, có lẽ chép nhầm. Đây vẫn là quan tổng trấn Philatô đã nói ở cuối Q. III.

[9]Nguyên thư phiên LiTê. Theo Sử ký Hội Thánh thì sự việc nói ở đầu quyển này thuộc về đời vua Hêrôtê Agrippa.

[10]Ngày nay người Tây Dương sợ phép này nhất.

[11]Không rõ tên là gì.

[12]Nguyên văn: Bí ý thư = thư trình bày các ý kín.

[13]Đúng thế!

[14]Chỉ Jêsu.

[15]Trấn ấy gần kinh đô. (Nguyên thư phiên: KhuDiA trấn. ND)

[16]Nguyên thư: kháng ngôn sát tha tử, tha thiên hạ vị hà? Chữ “tha” sau có lẽ phải hiểu theo nghĩa chữ nôm: tha = tha thứ, dung tha, thì câu văn mới thông nghĩa.

[17]Từ đây trở xuống là những việc làm theo lời ĐôSaNùng mật tâu với vua. Sử ký của nước Jiuđê nói việc này xảy ra khi vua EsoDi (Hêrôtê) còn tại vị, như thế so sánh này với sử ký nước Jiuđê có chỗ không giống nhau.

[18]Nguyên thư: Kim sát viết vô lục nhân (Nay giết 6 tên vít vồ). Bạn đọc theo dõi đến đây thì biết rằng 12 môn đồ lớp đầu của Jêsu chỉ có Phêrô được chọn làm vít vồ (tổng giám mục). Đây nói “6 vít vồ” thì không chính xác, xin tạm sửa là 6 giám mục.

[19]Nguyên văn: Khai nhất môn phóng hạ. Đây nói đến kiểu làng thời Trung cổ có hào sâu, cánh cổng mở ra thả qua hào kiêm làm cầu đi lại, khi đóng thì rút lên. Vì vậy nói “thả xuống”.

[20]Về sau người Tây Dương có lệ nộp tiền nhân danh là bắt đầu từ đó.

[21]Xem đoạn dưới sẽ rõ.

[22]Đó là làm theo phép của Jêsu.

[23]Bàn trác, chữ Nôm trong nguyên văn (ghép 1 từ Hán và 1 từ Nôm đồng nghĩa cái bàn). Tiếng địa phương một số nơi miền Trung ngày nay cũng có người vẫn quen gọi chiếc bàn dài khổ hẹp là bàn trác. Nguyên thư chú thích: “Bàn trác có một thanh dọc một thanh ngang, cũng như hình chữ thập, đóng đinh 4 chân tay để ngang trên đất”. Chú như vậy chúng tôi cho là có chỗ lầm ở đoạn trước.

[24]Nay trong ảnh các thánh tông đồ bên cạnh đều có vẽ các thứ hình cụ.

[25]Đã nói thể xác do đất vắt nên là vật hèn mọn thì vét máu về làm gì?

[26]Bọn Tây Dương rất sợ phép này.

[27]Thủ đoạn của bọn Tây Dương trước hết bảo với người vợ để vợ ngăn cản chồng. ĐôSaNùng làm theo phép đó, thật rất diệu!

[28]Quyệt lắm, làm thêm một dịp để nạt gia chủ.

[29]Tức Italia.

[30]Chia nhau mỗi người một ngả, kể cũng là mưu xảo đấy.

[31]Không dám tự xưng là cha mẹ, chỉ nói là “hai người chúng tôi”. Cha mẹ các cố đạo ngày nay cũng xưng hô như thế.

[32]Chính là cái ý: lúc sống không được làm vua thì sau khi chết cũng phải được làm thần.

[33]Tả đạo kiêng số 6 là vì vậy. ĐôSaNùng mua 60 con chó cũng do cớ ấy.

[34]Nguyên thư phiên là YBiênTa.

[35]Ai có phép làm cho những thuyền giấy bay lên trời là cao thủ được tuyển.

[36]Nguyên văn: thảo binh, nghĩa là binh lính bằng cỏ (rơm) tết lại. Đây nói về phép phù thủy bện cỏ làm âm binh.

[37]Hai vị “Thiên Chúa con” tranh nhau phân biệt thật, giả. Cách ĐôSaNùng trấn an lòng dân rất diệu!

[38]Bẻ lại tả đạo chỉ bằng một câu. Lời của ĐôSaNùng thật khoái trá tột diệu!

[39]Nguyên văn: LâmBô binh, nghĩa là lính âm phủ, cũng có thể dịch là “âm binh”. Nhưng như thế dễ lẫn với việc ĐôSaNùng cũng có đội “âm binh” (kết bằng cỏ) do các thầy phù thủy chỉ huy.

[40]Nguyên thư chép: Thập đạo sư huy pháp kỳ, lôi pháp cổ … Theo ý chúng tôi đúng ra phải là: Thập đạo pháp sư huy pháp ký (cách sau mấy câu sẽ có nói đến 10 pháp sư).

[41]Sáu phía (lục diện) = đông, tây, nam, bắc, trên trời, dưới đất.

[42]Jêsu nói chúa Trời có ba ngôi, đến trận đánh này mới hay chúa Trời lại có bốn ngôi (Ngôi thứ tư do ĐôSaNùng đóng giả. ND)

[43]Nguyên thư chép: thứ nguyệt (= tháng sau). Theo lối kể chuyện thông thường các mốc, Thánh thể không xác định, có lẽ “thứ nhật” (= ngày hôm sau) thì hợp lý hơn: tiếp tục cuộc giao chiến ngày hôm trước tạm lui quân.

[44]Bọn họ nói: Thượng hoàng băng hà dân chúng bị nạn dịch là do nhà vua cấm đạo Jêsu cho nên bị Jêsu trừng phạt.

[45]Nguyên thư chép: thứ nhật (= ngày hôm sau). Sau khi đã gây ra nạn dịch, có lẽ phải là “thứ nguyệt” (= tháng sau) thì hợp lý hơn. Chúng tôi tạm điều chỉnh mấy chữ (thứ nguyệt, thứ nhật) trong hai câu trên cho dễ theo dõi.

[46]Nguyên văn: Dương binh = quân dương gian do ĐôSaNùng chỉ huy, phân biệt với quân âm phủ của Jêsu. Cố nhiên trong huyền thoại đang kể đây, cái gọi là “quân dương gian” ấy, như bạn đọc đã biết, lại cũng là một thứ âm binh do các thầy phù thủy điều khiển.

[47]Hễ linh thiêng thì người ta sẽ lập đền thờ, cần gì phải cầu xin?

[48]Có ý nhắc đến việc Jêsu bị quẳng vứt vào đống phân tro.

[49]Tựa như lời lẽ đàn bà!

[50]Nguyên chú ở trên đã nhắc đến chuyện kín ấy.

[51]Cốt để thống nhất ý chí của dân chúng.

[52]Nước ấy nhiều núi nên có nhiều sơn thần linh thiêng. Lại thấy Jêsu thường dạy cho các môn đồ cắt yểm các mạch núi chẳng phải chỉ cốt làm ngu dân mà còn muốn làm ngu cả thần nữa. Đang tâm của Jêsu thật hiểm độc!

[53]Đời sau dùng hương đen là do sự tích ấy. Khi trước Jêsu bảo người ta bỏ việc thắp hương thờ cúng. Nay ĐôSaNùng lấy tro dùng hương mà bắn, thật là đối chọi chan chát. Người ta thường đồn nhảm rằng đạo Tây Dương kiêng dùng hương đen là bởi tích này.

[54]Nguyên văn: phóng thủ tiễn.

[55]Nguyên thư phiên là MiênSa.

[56]Jêsu cấm người ta đi học, ghét những người thông minh tái trí là cốt đề phòng trước những người như Mensa.

[57]Nguyên thư chép: Chiếu vua truyền đến làng Nazaret. Chúng tôi lược đi mấy chữ vì Nazaret là quê quán chứ không phải nơi Jêsu tử nạn. Địa danh này sẽ thêm vào ở cách mấy câu sau khi nói quan quân tìm đến nhà ở của Jêsu.

[58]Giá câu rút và hang mả Jêsu ở trên núi DiÔ (chữ tắt phiên âm tên núi Calavariô, tức Gôgôtha. ND).

[59]Chỉ còn lại 2 giá xử tội 2 tên tù cướp không ai nhận. Ngày nay bọn Tây Dương thuê người thu vét vết tích kẻ bị hành hình đại loại cũng như thế.

[60]Nay bọn trong đạo cũng sợ phép này.

[61]Nay bọn trong đạo cũng sợ phép này.

[62]Nguyên văn: phụng cấp. Quan hàm chim phượng thuộc hàng đại thần được mặc áo chầu ở ngực có thêu hình chim phượng, nguyên thư có chú thích là tương đương bậc tam phẩm.

[63]Nay bọn trong đạo cũng sợ phép này.

[64]Nguyên thư chép: sơn linh hỏa thần, đúng ra có lẽ là “đại linh sơn thần” vì các đoạn sau không thấy nói gì về hỏa thần.

[65]Đúng là bậc Thượng thượng đẳng tối linh thần.

[66]Phong tục xứ ấy còn man rợ không biết kiêng kỵ điều gì. Một đằng thì Jêsu giả danh chúa Trời, bọn vít vồ lại mượn danh Jêsu. Một bên thì ĐôSaNùng phỏng theo cách của Jêsu, vua LiTê (Agrippa) lại phỏng theo cách của ĐôSaNùng. Thật là phép diệu để uy hiếp yêu quái, trấn an lòng dân. Trong trận chiến lần trước thấy Thiên Chúa có bốn ngôi, đến trận này lại hóa ra 5 ngôi. Ha ha!

[67]Kỳ binh = đội quân có phép biến hiện kỳ lạ; ở đây chỉ âm binh (bện bằng cỏ) của các tay phù thủy.

[68]Nguyên thư chép: Nùng khán kiến giá bưu quân độ phủ vĩ… Thủ vĩ = đầu đuôi, trước sau: đặt trong câu này khiến cho cả câu bị phá vỡ, không hiểu được. Chúng tôi xác định ở vị trí chữ thủ đúng ra là chữ điểu. Huyền thoại Thiên Chúa giáo thường hay nói đến các thiên thần đầu người mình chim, như Thiên sứ Gabrien, Chúa Thánh Thần hiện xuống với hình chim bồ câu v.v. Đoạn văn trên mô tả đội quân hộ vệ của Jêsu là quân thiên thần đầu người đuôi chim (điểu vĩ). Ý đó phù hợp với các câu tiếp theo và cả với nguyên chú. Chữ điểu mà chép nhầm ra chữ thủ là do thói quen (thủ vĩ là từ thường dùng trong văn kể chuyện).

[69]ĐôSaNùng vốn biết tả đạo gọi đội quân ấy là “quân thiên thần”.

[70]Chim vốn sợ chó.

[71]Đoán đúng ý kín của Jêsu, ĐôSaNùng quả là viên tướng hiểu thấu lý lẽ.

[72]Ý chừng cũng chạy đằng trời?

[73]Nay thấy bọn chúng bắt bỏ việc thờ thần, cắt yểm sơn mạch chính là để mưu toan thi hành kế ấy (Lời chú này ở vị trí nói trên xem ra không hợp ý. ND).

[74]Tức Tống Lý Tông (Triệu Vân) vua thứ 5 nhà Nam Tống (1225-1265).

[75]Núi này phải phía đông kinh thành (Tên phiên âm trong nguyên thư. ND).

[76]Âm dương binh: Theo tác giả thì bên quân của ĐôSaNùng bao gồm cả nhân binh (người), thần binh (quân của cá sơn thần + nhân thần) và âm binh (ở đây cũng gọi là kỳ binh, quân của các pháp sư, bện bằng rơm), vì vậy ở câu trên nguyên thư gọi chung là “âm dương binh”.

[77]Nguyên thư chép: “vô số thần hội vân xuất…” không có nghĩa. Chúng tôi căn cứ vào chi tiết đã trần thuật ở các đoạn trên mà xác định đây là chữ cái (= cái lọng; thần cái = lọng thần). Hai chữ hội và cái viết chân thì khác nhau nhưng viết thảo thì có dáng chữ gần giống nhau. Có lẽ vì vậy người chép nguyên thư đã đọc sai và chép nhầm (xem mẫu đối chiếu chữ cái ở tờ 57b, dòng 2 trong nguyên thư).

[78]Đức chúa Con ở trên trời có 6 tướng vít vồ, Đức chúa Con dưới đất cũng có 6 tướng vít vồ. Đây lại là một trận giao chiến hết sức kỳ lạ nữa.

[79]Lấy sấm chọi với chớp, thật là kỳ diệu.

[80]Nguyên văn: toàn vô cố khí (hoàn toàn không còn khí sắc cũ).

[81]Nguyên văn: Sa sơn, có lẽ không phải là tên riêng, ý tác giả muốn nói đến những núi cát ở sa mạc Xinai?

[82]Nguyên văn: Ải sơn, có lẽ cũng không phải là tên riêng mà chỉ là dãy núi trong đó có cửa ải?

[83]Jêsu thường bảo các môn đồ: Nếu không trấn áp linh hồn bọn chúng thì chúng sẽ giết hết các ngươi. Nay xem Jêsu bị thua bại bởi mưu trí của vị nữ thần, mới hay rằng Jêsu biết lo xa tính toán.

[84]Nguyên văn: Thanh sồ. Sồ là con phượng hoàng còn non. Nguyên thư viết chữ Sồ với bộ mã (= người chăn ngựa hoặc cưỡi ngựa) có lẽ là chép nhầm vì hai chữ này đồng âm và có nửa chữ giống nhau.

[85]Nguyên thư chép: “Tề phát chi gian, triều chi thần binh bảo cư kỳ bản”, ngờ là bị sai thiếu vài chữ.

[86]Ngày nay có bức tranh Jêsu bị đóng đanh trên giá câu rút, bên dưới có đống sọ người, một là để mô tả sự tích núi Sọ người, hai là để ghi công những quỷ binh chết cũng như thế, nếu dốc lòng theo đạo thì sẽ được lên thiên đường. Bọn Tây Dương dẫu một chút việc nhỏ cũng có ngụ ý đe nạt người, một việc có ba, bốn ý nghĩa, không thể xem lướt qua mà hiểu ngay được. Có điều là vẽ hình xương sọ để ghi công bọn quỷ binh thì ngày nay họn họ giấu kín không nói vì sợ lộ chuyện quỷ binh của Jêsu thua to trong trận ấy.

[87]Nước Jiuđê gọi những kẻ theo tả đạo là muội dân (dân ngu).

[88]Nguyên thư chép: “Gia Tô cấm nhân hô tả đạo vi đại chính…” câu này dường như trái nghĩa, có lẽ do chép sai tân ngữ của động từ “hô”. Chúng tôi cho rằng chữ tả (tả đạo) trong câu này là chép nhầm do thói quen liên tưởng: hợp nghĩa có lẽ là ngộ đạo (= đạo ta) hoặc cựu đạo (= đạo cũ), đều chỉ Do Thái giáo.

[89]Xem ngày nay ở nước ta, những nơi xa cách quan quân, dân tả đạo đón rước các vít vồ quả nhiên đúng như thế chứ chẳng phải là nói ngoa.

[90]Vua nước Jiuđê đã xem sách Bí lục rồi, cho nên chỉ nói gọn một câu.

[91]Tức là theo đúng phép của Jêsu: người trước chết, người sau tiếp.

[92]Nguyên văn trước mỗi điều chỉ ghi một chữ “nhất” (tác dụng cũng như một gạch ngang đầu dòng), chúng tôi đánh số cho tiện theo dõi.

[93]Chọn những người trẻ tuổi làm thầy tu cũng là một ý kín.

[94]Hai làng này vốn không theo tả đạo. Đến khi làng làm lễ tế thần, hai gã kia không mang lễ vật đến lạy tế. Lại khi trong làng có nhà hào mục làm lễ giỗ tổ, hai gã kia không biết phận mình là khách trọ ở nhờ mà cứ đến dự.

[95]Làm theo lời Jêsu dạy: “Trên dưới một lòng, gặp nguy hiểm cũng không chối đạo”. Bọn cha cố ngày nay dù bị tra tấn vẫn một mực như vậy.

[96]Gọi vua là nó, thật là láo xược hết mức. Bọn thầy tu tả đạo ngày nay cũng vẫn thế, thật đúng như lời nói của ĐôSaNùng.

[97]Chỉ nước Tây Dương (Italia) và nước Jiuđê.

[98]Ngày nay tả đạo thường hay nói người cùng đạo như con một nhà, là bắt đầu từ đó. Môn đồ tả đạo kiên trì dai dẳng như thế, đâu phải chỉ 20 năm mà có thể cấm hẳn được!

[99]Nguyên thư chép: phụ thủ, với chữ phụ = thêm gần, thân cận, v.v. chắc là chép nhầm chữ phù thủ (phù = vỗ, đập).

[100]Chỉ Jêsu.

[101]Nhắc lại câu nói của Jêsu đã dẫn ở Q. IV.

[102]Phàm tả đạo các chức vít vồ, giám mục đều được cấp bằng sắc, chữ viết hàng ngang, rìa chữ uốn lượn như quả bầu.

[103]Đến nay tả đạo Tây Dương vẫn còn sợ phép này.

[104]Nguyên văn: sinh thần, nghĩa là được phong làm phúc thần khi đương sự còn sống.

[105]Trong đoạn văn trên đây có lẽ nguyên thư chép sót một nét làm thiếu 10 người (20 + 22 = 42)?

[106]Nguyên thư phiên NiCùLao (Nicola), ChiBiênTô (Jepensô), TêVọng (Tinmon).

[107]Bọn thầy tu tả đạo ngày nay khi bị bắt cũng nói như thế, là gốc ở đây.

[108]Tả đạo mỗi khi bị cấm thường lập người dự bị để thay chức thầy cả cũng là gốc ở đây.

[109]Chỉ nói “cùng được thiêng liêng” (đồng tính) chứ không nói lên thiên đường, như thế tức là Jêsu cũng tự biết không có chuyện ấy.

[110]Dân tả đạo đàn ông đàn bà mỗi người đều được mang một tên thánh là bắt đầu từ đó.

[111]Câu này trong nguyên thư chép chữ nhỏ như lời bình chú. Chúng tôi nhận thấy để liền với chính văn thì hợp lý hơn.

[112]Nguyên văn: phái tích.

[113]Nguyên văn: đoan tiên.

[114]Nguyên văn: ấp ti đề đặng tấn vấn. Việc soát khách trọ thường làm vào ban đêm, nhà chức trách địa phương xách đèn đến từng nhà xét hỏi.

[115]Nay tả đạo cũng rất sợ phép này. Sở dĩ phép ấy cấm đến cả đàn bà con gái để phá phép tu đồng trinh của tả đạo.

[116]Tức là các phép đạo sẽ kể ở đoạn văn sau.

Nguồn: Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1981.

Bản điện tử do talawas thực hiện, Sách Hiếm cho thêm hình ảnh đăng lại ngày 6/29/07.

Trang Tôn Giáo