●   Bản rời    

Beyond Belief - Làm Sao Đối Đáp Với Những Nhà Truyền Đạo Công Giáo Và Tin Lành

TIN KHÔNG NỔI !

Một phê bình Thiên Chúa Giáo Từ Góc Độ Phật Giáo

Trí Tánh Đỗ Hữu Tài dịch từ

Beyond Belief - A Buddhist Critique of Fundamentalist Christianity

của A.L. de Silva

http://sachhiem.net/SACHNGOAI/BEYOND/BYDBLF08.php

¿ Mục lục bản in |  ngày 04 tháng 11, 2009

CHƯƠNG 8 (*)

Làm Sao Đối Đáp Với Những Nhà Truyền Đạo Công Giáo Và Tin Lành

Như là một phần trong nỗ lực truyền đạo hoặc cải đạo, những tín đồ Thiên Chúa giáo thường hỏi Phật tử các câu hỏi để làm cho Phật tử bối rối hay ngã lòng hầu mất niềm tin vào Phật giáo. Chúng ta sẽ xem xét và bình luận vài câu hỏi, đồng thời đưa ra những câu trả lời hữu hiệu của Phật giáo.

(SH chú thích: câu hỏi trên tựa màu đỏ dưới đây là lý luận của các nhà truyền đạo Chúa)

1. Các bạn không tin Chúa Trời vì thế các bạn không thể giải thích được thế giới đã bắt đầu như thế nào

Đúng là Thiên Chúa giáo có một giải thích về vũ trụ đã bắt đầu như thế nào. Nhưng giải thích đó có đúng không? Chúng ta hãy xem xét lời giải thích đó.

Kinh Thánh nói Chúa Trời tạo ra mọi thứ trong sáu ngày và Ngài nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy. Câu chuyện kỳ lạ này chẳng khác gì hơn là một chuyện thần thoại, nên cũng chẳng trung thực hơn chuyện thần thoại của Ấn Độ giáo vốn cho rằng các thần linh đã khuấy sữa lên để tạo dựng mọi thứ, hay chuyện cổ tích cho rằng vũ trụ đã nở ra từ một quả trứng khổng lồ.

Vài đoạn của chuyện sáng tạo thần bí này [của Thiên Chúa giáo] thì hoàn toàn ngớ ngẩn. Ví dụ như Kinh Thánh nói rằng ngày thứ nhất Chúa tạo ánh sáng và bóng tối nhưng tới ngày thứ tư ngài mới tạo ra mặt trời (Gen, 1:15-16). Làm thế nào có ngày và đêm mà không có mặt trời? Chuyện sáng tạo thần bí này còn mâu thuẫn với khoa học hiện đại vốn đã chứng minh vũ trụ bắt đầu như thế nào và cuộc sống tiến hoá như thế nào. Chẳng có một phân khoa thiên văn học hay phân khoa sinh vật học nào ở các đại học trên thế giới giảng dạy về chuyện sáng tạo thần bí này vì một lý do đơn giản là chúng không căn cứ trên sự thật. Vì vậy, tuy Thiên Chúa giáo thực sự có lời giải thích cho mọi sự đã bắt đầu như thế nào (giống như hầu hết các tôn giáo khác cũng đã tìm cách giải thích) nhưng giải thích đó chỉ là thần thoại mà thôi.

Thế thì Phật giáo nói về mọi sự đã bắt đầu như thế nào? Phật giáo ít nói về chủ đề này và vì một lý do đúng đắn. Mục đích của Phật giáo là phát huy trí tuệ và tình thương và do đó, có thể tiến đến Niết bàn. Biết về vũ trụ bắt đầu như thế nào chẳng đóng góp gì vào quá trình này cả. Có lần, một người đã yêu cầu Đức Phật nói cho y biết vũ trụ bắt đầu như thế nào. Đức Phật bảo người đó:

Ngươi như kẻ đã bị tên độc bắn, và khi thầy thuốc đến để lấy mũi tên ra ngươi bèn hỏi ‘Khoan! trước khi lấy mũi tên ra, tôi muốn biết tên người đã bắn nó là ai, họ đến từ bộ lạc nào, sinh ra ở làng nào. Tôi muốn biết loại gỗ làm ra cây cung đó, lông trên mủi tên là lông gì, những mủi tên dài bao nhiêu v.v. và v.v.’ Người đàn ông đó sẽ chết trước khi các câu hỏi được trả lời. Công việc của ta là giúp ngươi lấy mủi tên đau khổ ra khỏi cơ thể ngươi (Majjhima Nikaya, kinh số 63).

Phật giáo tập trung giúp đỡ chúng ta giải quyết các vấn đề thực tế của cuộc sống – không cổ vũ các suy đoán vu vơ. Và nếu một Phật tử muốn biết vũ trụ bắt đầu như thế nào và khi nào thì hãy đi hỏi các nhà khoa học.

2. Phật giáo không thực tế vì bảo bạn dù một con kiến cũng không được giết

Trước khi bênh vực cho việc cáo buộc Phật giáo không thực tế, chúng ta hãy xem Thiên Chúa giáo liệu có thực tế không. Theo Giê-su thì nếu ai tát má chúng ta, chúng ta phải chìa má bên kia để họ tát tiếp (Matt, 5;25). Nếu chúng ta phát hiện ai lấy cắp cái quần của chúng ta thì chúng ta ra đưa nốt cho kẻ trộm cái áo của chúng ta (Matt, 5:40). Nếu chúng ta không ngăn chận được ý muốn trộm cắp đồ đạc của người khác thì chúng ta phải chặt tay chúng ta (Matt, 5:30). Chúng ta có thể cho những lời dạy dỗ này là thiếu thực tế, tuy nhiên những tín đồ Thiên Chúa giáo thì lại thích gọi đó là những thử thách. Và dĩ nhiên là họ đúng khi bảo chỉ là những thử thách. Đưa má bên kia khi người ta tát vào má mình thật không phải dễ. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải kiềm chế giận dữ và khi làm được như thế, chúng ta phát huy được tính kiên nhẫn, tính khiêm nhường, thói quen không trả đũa và lòng yêu thương. Nếu chúng ta không được thử thách thì chúng ta chẳng bao giờ trưởng thành.

Đức Phật yêu cầu chúng ta tôn trọng mọi sự sống, dù cho chúng là những sinh vật thấp hèn. Cũng như việc chìa má bên kia, điều đó không phải luôn luôn dễ làm. Như đối với một số người, những sinh vật như kiến cũng có thể làm ta khó chịu phiền phức. Khi chúng ta chấp nhận không giết chóc và cố tu tập, chúng ta đã chấp nhận thử thách để phát huy kiên nhẫn, khiêm nhường, tình thương v.v… Như vậy, khi Phật giáo đòi hỏi chúng ta tôn trọng sự sống, Phật giáo cũng chẳng “không thực tế” gì hơn Thiên Chúa giáo sao ?

3. Đức Phật đã chết nên Ngài không thể giúp gì được chúng ta cả.

Phật tử đôi lúc khó trả lời một cách hiệu quả khi tín đồ Thiên Chúa giáo hỏi họ câu này. Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu rõ Phật Pháp thì chúng ta sẽ dễ dàng bác bẻ điều này bởi vì, cũng giống như mọi khẳng định khác của tín đồ Thiên Chúa giáo về Phật giáo, họ đã căn cứ trên những hiểu lầm về Phật giáo.

Trước tiên, Đức Phật không chết. Ngài đã đạt đến cõi Niết bàn, một trạng thái vô cùng an lạc và giải thoát. Đức Phật đã gọi một tên khác của Níêt bàn là Trạng Thái Bất Tử (Amata) bởi vì khi con người đạt đến trạng thái đó thì họ chẳng còn lệ thuộc vào sinh tử nữa. Dĩ nhiên Niết bàn không phải là “cuộc sống vĩnh hằng” thô thiển mô tả trong Kinh Thánh, với xác chết được hồi sinh và thiên thần suốt ngày ca hát. Thật ra trạng thái nầy rất vi diệu và không dễ mô tả. Tuy nhiên, nó không phải là một trạng thái phi hiện thực như Đức Phật đã từng giảng rõ ràng (Majjhima Nikaya, kinh số 72 và Sutta Nipata, câu 1076).

Cũng tương tự như thế, nói rằng Đức Phật không thể giúp đỡ chúng ta là nói không đúng. Trong suốt bốn mươi năm hành đạo của Ngài, Đức Phật đã giảng giải thật chi tiết và rất rõ ràng mọi thứ chúng ta cần làm để đạt được Niết bàn. Chúng ta cần làm theo chỉ dẫn của Ngài là quá đủ rồi. Những lời dạy của Ngài thì hữu ích và có giá trị ngày hôm nay cũng như hữu ích và có giá trị trong lần đầu Ngài giảng giải chúng. Tất nhiên, Đức Phật không giúp đỡ chúng ta giống cách thức tín đồ Thiên Chúa giáo khẳng định kiểu Giê-su giúp họ, và vì một lý do rất đúng đắn.

Nếu một học sinh biết rằng mình có thể hỏi thầy giáo các đáp án về câu hỏi trong kỳ thi thì học sinh này sẽ chẳng bao giờ chịu tự mình nghiên cứu gì cả, và hậu quả là chẳng bao giờ học sinh đó học được gì. Nếu một lực sĩ biết chỉ cần xin xỏ vị trọng tài để ông ta trao giải thưởng cho mình, thì lực sĩ nọ sẽ chẵng hề bận tâm đến chuyện rèn luyện và phát triển cơ thể. Cứ đơn giản cho người ta mọi thứ họ đòi hỏi thì đó không phải là giúp họ. Làm như thế, thực ra, còn chắc chắn làm cho họ duy trì sự yếu đuối, thói quen phụ thuộc vào người khác và tính luời biếng.

Đức Phật chỉ cho chúng ta đường đi đến Niết bàn và bảo chúng ta những thứ dự phòng mà chúng ta sẽ cần trong cuộc hành trình đó. Trong khi đăng trình, chúng ta sẽ học hỏi từ những kinh nghiệm và sai lầm của chúng ta, phát huy sức mạnh, sự chính chắn và khôn ngoan. Do đó, khi chúng ta hoàn tất cuộc hành trình, chúng ta hoàn toàn khác với con người của chúng ta lúc bắt đầu. Do sự giúp đỡ khôn khéo của Đức Phật chúng ta sẽ ngộ đạo.

Bảo rằng Đức Phật chết và không thể giúp đỡ các bạn thì không những chỉ sai lầm mà còn gợi ý về một sự tương phản, rằng Giê-su thì còn sống và có thể giúp đỡ các bạn.

Chúng ta hãy xem xét hai giả định này. Tín đồ Thiên Chúa giáo khẳng định Giê-su còn sống nhưng chứng cớ ở đâu về điều này ? Họ sẽ bảo Kinh Thánh chứng tỏ rằng Giê-su sống dậy từ cái chết. Đáng tiếc rằng những phát biểu này thì chỉ được một ít người viết ra cách đây hàng ngàn năm trước và chẳng chứng tỏ được điều gì cả. Một tuyên bố trong kinh Mahabharata (một trong những kinh sách của Ấn Độ giáo) nói rằng một vị thánh có chiếc xe bay được. Nhưng lời tuyên bố này, dù đến từ bộ kinh thiêng liêng của Ấn Độ giáo, có chứng minh được rằng người Ấn Độ cổ đã phát minh ra máy bay không? Tất nhiên là không.

Bản kinh cổ Ai Cập nói rằng thần Khnum sáng tạo mọi thứ bằng đất sét khi ngài nắn trên bàn xoay. Điều này có chứng minh được rằng mọi thứ hiện hữu hôm nay đều làm bằng bùn không? Dĩ nhiên là không. Một đoạn trong Cựu Ước bảo một người tên Balaam có con lừa biết nói. Liệu đó có phải là bằng chứng để kết luận rằng loài thú có thể nói tiếng người không? Dĩ nhiên là không.

Chúng ta không thể chấp nhận một cách thiếu phê phán các khẳng định trong Kinh Thánh ít hơn chấp nhận không phê phán những khẳng định trong các kinh sách khác. Khi chúng ta xem xét khẳng định trong Kinh Thánh rằng Giê-su được cho là phục sinh, chúng ta có đủ lý do để biết tại sao chúng ta không thể tin những chuyện đó (xem chưong 5, mục Phục sinh). Ngược lại là khác, chính Kinh Thánh đã thực sự chứng minh rằng Giê-su không còn sống. Ngay trước khi bị đóng đinh, Giê-su bảo các tông đồ của Ngài rằng Ngài sẽ quay trở lại trước khi người cuối cùng trong bọn họ chết đi (Matt, 10:23, Matt, 16:28 và Lk, 21:32). [“Người cuối cùng trong bọn họ” của thời đại Giê-su đã “chết đi” rồi], thế mà đã hơn 2000 năm trôi qua mà Giê-su vẫn chưa trở lại. Tại sao? Rõ ràng vì Ngài đã chết.

Giả định thứ hai là Giê-su luôn luôn đáp ứng khi các bạn cầu nguyện Ngài. Rất dễ chứng minh điều đó là không thật. Tín đồ Thiên Chúa giáo cũng chết vì bệnh tật, cũng đau khổ vì bất hạnh, cũng khó khăn về tình cảm, cũng sa vào cám dỗ v.v. như những tín đồ đạo khác dù họ đã nhiệt tình cầu nguyện Giê-su cứu giúp.


(trái) GH John Paul 2 trong bệnh viện - và (phải) khi ông già, bệnh, run lẩy bẩy.

Tôi có một người bạn từng là tín đồ Thiên Chúa giáo ngoan đạo nhiều năm. Dần dà anh ta nghi ngờ và yêu cầu mục sư của anh giúp đỡ. Vị mục sư hướng dẫn anh cầu nguyện và ngay cả toàn xứ đạo cũng cầu nguyện cho anh. Mặc cho những cầu nguyện xin thêm sức mạnh và ơn hướng dẫn, nghi ngờ của anh ta vẫn tăng lên và rốt cuộc anh ta rời bỏ giáo hội. Sau này anh ta trở thành một Phật tử. Nếu Giê-su còn sống và sẵn sàng cứu giúp thì tại sao tín đồ Thiên Chúa giáo cũng có nhiều vấn đề như những người theo đạo khác? Tại sao Giê-su đã không đáp ứng những cầu nguyện của bạn tôi và giúp anh ta vẫn giữ mình là một tín đồ Thiên Chúa giáo? Rõ ràng Ngài đã chết và chẳng thể cứu giúp gì được nữa.

Trả lời cho phản bác này, tín đồ Thiên Chúa giáo luôn luôn nói rằng họ có những người có thể chứng thực rằng những cầu nguyện của họ đã được đáp ứng. Nếu điều này là đúng, thì cũng đúng cả với tín đồ Hồi giáo, Lão giáo, đạo Sikhs, Ấn độ giáo, Do Thái giáo và những người sùng bái vật tổ vì họ cũng có thể nói điều tương tự. Khi tôi ở nước Ghana, tôi có viếng thăm đền thờ của một bộ lạc thờ cúng một vị thần của bộ lạc đó. Dân làng cầu nguyện và hứa sẽ cúng một tượng bằng đất sét cho thần nếu lời cầu xin của họ được toại nguyện. Có cả ngàn tượng đất sét như thế trong ngôi đền chứng tỏ cả ngàn lời cầu xin đã được toại nguyện.

4. Phật tử thờ cúng những ngẫu tượng vô hồn

Đây là một lời vu khống mà tín đồ Tin Lành thường hay ném vào Phật giáo và những tôn giáo khác. Dĩ nhiên là Phật tử không thờ ngẫu tượng, họ thờ tượng Phật như một biểu tượng và như một điểm tập trung giống như tín đồ Tin Lành tôn thờ cái thánh giá vậy. Đối với tín đồ Thiên Chúa giáo, sự sùng bái thần tượng là “một khát khao quá mức được dùng một vật, người, định chế hay ý thức hệ như một đối tượng của sự quan tâm và tình cảm rốt ráo nhất của con người” và tín đồ Tin Lành chống lại sự sùng bái nầy vì “Thiên Chúa thì không thể chứa đựng trong những hình thức do con người tạo ra” (Saving the Appearance, a Study of Idolatry, O. Narfield, 1957).

Nhưng trong khi tín đồ Thiên Chúa giáo bảo thủ mau mắn kết án tất cả người nào sùng bái thần tượng thì chính nhiều người trong họ cũng đã sùng bái ngôn từ không kém.

Đó chẳng phải là khi vị mục sư giơ cao cuốn Kinh Thánh và đọc to lời cầu nguyện sao ? Đó chẳng phải là khi họ ban ơn thánh bằng cách để Kinh Thánh trên đầu người bệnh sao ? Họ lên án người khác đã “chứa đựng Thiên Chúa trong những hình thức do con người làm ra” còn họ thì chứa đựng ngài trong ngôn từ - những ngôn từ khô cằn, bụi bặm mà họ rao giảng ngược xuôi gì cũng được, rồi lúc nào cũng trích dẫn như một câu thần chú. Nếu người khác thờ phụng gỗ và đá thì tín đồ Thiên Chúa giáo bảo thủ thờ phụng giấy và mực [của cuốn Kinh Thánh].

Nhưng ngoài chuyện đó ra, có gì sai khi hiển thị Thiên Chúa dưới dạng con người ? Đó chẳng phải là điều mà Thiên Chúa đã làm khi Ngài xuống thế thông qua Giê-su – mang trên mình thể chất con người, và mang vóc dáng vật chất ? Và khi một người đàn bà xức dầu thơm cho Giê-su thì có phải người đàn bà đó đã thờ phụng Chúa qua thân xác Giê-su không ? Và có phải chính Giê-su đã khen ngợi người đàn bà nầy không ? (Matt, 26:6)

5. Không như Thiên Chúa giáo, Phật giáo quá yếm thế

Theo tự điển Webster, yếm thế là “tin rằng cuộc sống có nhiều điều xấu hơn điều tốt”. Thật là thú vị khi tín đồ Thiên Chúa giáo lại cáo buộc Phật giáo thì yếm thế, tại vì ý niệm rằng cái xấu tràn lan nhiều hơn cái tốt lại là một trong những học thuyết trung tâm của Thiên Chúa giáo. Hai trong những trích dẫn được ưa chuộng của họ trong Kinh Thánh là: “Tất cả đều có tội, tất cả đều chẳng bao giờ với tới được vinh quang của Chúa Trời”(Rom, 3:10) và “Chắc chắn chẳng có một người ngay thẳng nào trên thế gian nầy chỉ làm điều tốt và chẳng bao giờ phạm tội” (Ecc, 7:20). Học thuyết Tội Nguyên Thuỷ dạy rằng mọi người đều là kẻ tội lỗi, không thể nào giải thoát ra khỏi tội lỗi của họ, và cái xấu trong chúng ta thì mạnh hơn cái tốt (Rom 7:14-24).

Tín đồ Thiên Chúa giáo sẽ nói rằng dù đấy là sự thực, chúng ta vẫn có thể thoát ra khỏi tội lỗi nếu chúng ta chấp nhận Giê-su. Có thể như thế thật, nhưng rồi họ vẫn cứ ở trong cảnh ngộ của tín đồ Thiên Chúa giáo cần đến Giê-su bởi vì quan điểm của họ về bản chất con người là cực kỳ yếm thế.

Phật giáo ngược lại có một quan điểm rất khác, nếu không nói là thực tiễn hơn, về bản chất con người. Trong lúc nhận thức rằng khả năng phạm điều xấu vốn tiềm tàng nơi con người, Phật giáo dạy rằng chúng ta có thể chế ngự cái xấu và phát huy cái tốt thông qua nỗ lực của chúng ta.

Từ bỏ cái xấu! Người ta có thể từ bỏ cái xấu! Nếu không thể bỏ cái xấu, ta sẽ không yêu cầu các người làm chuyện đó. Nhưng vì các ngươi có thể làm được điều đó, nên ta nói, “Hãy từ bỏ cái xấu!”

Trau dồi cái tốt! Người ta có thể trau dồi cái tốt! Nếu không thể trau dồi cái tốt, ta sẽ không yêu cầu các người làm chuyện đó. Nhưng vì các ngươi có thể làm được điều đó, nên ta nói, “ Hãy trau dồi cái tốt” (Anguttara Nikaya, Book of Ones).

Dù có đồng ý với niềm tin này hay không, chắc chắn người ta không thể nói niềm tin đó là yếm thế được.

6. Giê-su dạy chúng ta yêu thương nhưng Phật giáo khuyến khích chúng ta lạnh nhạt và buông xả

Điều này không đúng. Đức Phật dạy chúng ta phải phát huy một tình thương chăm sóc nồng ấm đối với mọi người.

Cũng như một người mẹ sẽ bảo vệ đứa con độc nhất dù có hiểm nguy tới mạng sống của mình, và còn hơn thế, ngươi phải vun đắp một tình thương vô điều kiện với tất cả mọi loài. (Sutta Nipata, câu thơ số 150)

Trong mọi ý nghĩa, tình thương là quan trọng trong Phật giáo cũng như trong Thiên Chúa giáo, và cũng được nhấn mạnh rất nhiều như nhau. Tuy nhiên, có cái gì đó đã làm hư đốn tín đồ Thiên Chúa giáo trong việc thực hiện tình thương. Họ cứ lớn tiếng khăng khăng rằng chỉ có họ mới yêu thương, rằng phẩm chất yêu thương của họ cao hơn của kẻ khác, và họ liên tục làm giảm uy tín và bôi nhọ nỗ lực của kẻ khác đang thể hiện tình thương, nhưng điều đó đã làm cho họ gây ác cảm nơi người khác. Một vài tín đồ Thiên Chúa giáo vì quá nhỏ mọn và ganh tỵ nên họ không thể tán dương hay đánh giá cao một phẩm chất tốt đẹp như tình thưong, trừ khi có “mác Giê-su” đóng lên đó.

7. Không giống như Phật giáo, Thiên Chúa giáo là một tôn giáo của tình thương. Kinh Thánh viết: “Vì Chúa Trời quá yêu thương thế gian nên Ngài đã ban cho loài người con một của Ngài để loài người khỏi chết và có sự sống đời đời”

Đây là một câu tuyên bố rất đẹp, nhưng với những người có đầu óc thì câu nầy chỉ làm rõ thêm những giới hạn và bất cập của tình thương của Thiên Chúa. Nếu Chúa quá yêu thương con người sao Chúa không đơn giản tha tội cho họ ? Như vậy tất cả mọi người đều được cứu rỗi và Giê-su không cần phải xuống thế để bị tra tấn và hành hình nữa. Nếu Chúa quá yêu thương con người sao Chúa không phái Giê-su xuống nhiều lần để cứu càng nhiều người càng tốt ? Nếu Chúa quá yêu thương con người sao Chúa không trừ bỏ bệnh tật, thiên tai, nghèo đói và cho phép con người được sống trong hòa bình và hạnh phúc ? Nếu Chúa quá yêu thương con người sao Chúa không bắt cơn sóng thần Tsunami ngừng lại, hay ít nhất cũng báo trước cho mọi người biết chuyện gì sẽ xảy ra ?

Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng kẻ có tội và người phi-Thiên Chúa giáo sẽ bị đày xuống Địa ngục đời đời. Nếu Chúa quá yêu thương con người sao Chúa không phạt họ vài thế kỷ thôi cũng được, rồi tha thứ cho họ để họ được lên Thiên đàng mà lại đày họ đời đời ? Nếu khả năng tha thứ của Chúa có giới hạn như thế thì khả năng yêu thương của Chúa cũng có giới hạn vậy.

8. Bạn khẳng định rằng khi chết chúng ta tái sinh, nhưng không có bằng chứng nào cả về chuyện này

Trước khi trả lời điều này chúng ta hãy xem xét lý thuyết về thế giới bên kia của cả Thiên Chúa giáo lẫn Phật giáo.

Theo Thiên Chúa giáo, Chúa Trời tạo ra một linh hồn mới mỗi khi người mẹ thụ thai một em bé để sống trọn đời mình, rồi chết đi. Sau khi chết, linh hồn sẽ vào thiên đàng vĩnh viễn nếu trước đó tin vào Giê-su, hay sa vào hỏa ngục đời đời nếu trước đó không tin vào Giê-su.

Theo Phật giáo, ta không thể truy tìm được sự khởi đầu tối thượng của sự sống. Mỗi chúng sinh sẽ sống cuộc sống của mình, chết đi và tái sinh vào một sự sống mới. Đây là một quá trình tự nhiên về cái chết và sự tái sinh, và sẽ tiếp diển mãi mãi trừ khi chúng sinh đó đạt được Niết bàn. Khi một chúng sinh đạt được Niết bàn trong một cuộc sống nào đó thì nhờ có trí huệ nên hành xử của chúng sinh đó biến đổi. Và sự biến đổi nầy sẽ làm thay đổi quá trình gây ra chu kỳ tái sinh. Vì thế, thay vì khi chết phải tái sinh vào một quốc độ mới [trong lục đạo], chúng sinh đạt được Vô dư Niết bàn. Niết bàn không phải là một hiện sinh (hiện sinh là phản ứng khi bị kích thích, là tăng trưởng và tàn lụi, là chuyển động trong thời gian và không gian, là kinh nghiệm về mình như là một bản ngã tách biệt, v.v.) và Niết bàn cũng không phải là một phi-hiện sinh, nghĩa là hư vô. Nói cách khác, hiện hữu của mỗi chúng sinh thì không có khởi đầu và không có kết thúc [vô thủy vô chung], trừ khi đạt đến Niết bàn. Và cho đến lúc đó, sự hiện hữu của chúng sinh chẳng có mục đích nào hơn là trôi lăn trong lục đạo [theo nghiệp lực của mình].

Rất it có chứng cớ để kiểm chứng cả hai thuyết này xem cái nào đúng cái nào sai. Tuy nhiên, trong thuyết Thiên Chúa giáo, ta thấy có nhiều vấn đề lý luận và đạo đức mà thuyết của Phật giáo không vướng phải, do đó đã làm cho thuyết của Phật giáo dễ chấp nhận nhiều hơn. Trong khi Thiên Chúa giáo thấy sự sống có khởi đầu nhưng không có kết thúc thì Phật giáo lại thấy đó là một sự tuần hoàn.

Thiên nhiên không cung cấp cho ta một ví dụ nào về một tiến trình có khởi đầu mà không có kết thúc cả. Ngược lại, mọi tiến trình thiên nhiên mà chúng ta quan sát đều có tính tuần hoàn. Các mùa ra đi rồi năm sau quay lại. Mưa rơi xuống, chảy ra biển, bốc hơi, rồi tạo thành mây để lại rơi xuống thành mưa. Cơ thể được tạo thành bởi nhiều yếu tố mà chúng ta tiêu hoá như thực phẩm; rồi khi chúng ta chết, cơ thể phân hoá và phóng thích các yếu tố vào đất, ở đó cây cỏ thú vật hấp thụ rồi chúng ta lại ăn chúng để tạo ra cơ thể. Các hành tinh chạy vòng quanh mặt trời và thậm chí giải thiên hà chứa hệ thống mặt trời chúng ta cũng xoay vòng. Lý thuyết Phật giáo về tái sinh thì hoà hợp ăn khớp với các quá trình tuần hoàn này mà chúng ta thấy qua thiên nhiên, trong lúc lý thuyết của Thiên Chúa giáo thì không.

Tín đồ Thiên Chúa giáo khẳng định rằng Chúa Trời tạo dựng ra chúng ta vì một mục đích – vì thế chúng ta có thể tin tưởng vào Ngài, vâng lời Ngài và được cứu rỗi. Nếu đúng như vậy thì thật khó giải thích tại sao, hàng năm, hàng triệu bào thai bị hủy diệt, và hàng triệu trẻ sơ sinh chết ngay hoặc chết trong hai năm đầu đời. Ngoài ra, có hàng triệu người sinh ra và sống trọn cuộc đời trí óc đần độn nghiêm trọng, không thể suy nghĩ dù những suy nghĩ đơn giản nhất. Làm sao tất cả những người đó thì thích hợp với kế hoạch đã định của Chúa Trời? Chúa Trời có mục đích gì khi sáng tạo ra một cuộc sống mới và rồi để nó chết đi, thậm chí còn cho chết đi trước khi hay ngay sau khi mới sinh? Và điều gì xảy ra cho các sinh linh đó? Họ đi lên Thiên đàng hay xuống Địa ngục? Nếu thực sự Chúa Trời tạo ra chúng ta với một kế hoạch trong đầu, chắc chắn kế hoạch đó không rõ ràng rành mạch. Lại nữa, vì đa số người trên thế giới không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo và vì không phải tín đồ Thiên Chúa giáo nào cũng sẽ được cứu rỗi, nên chắc chắn một tỷ lệ rất lớn các linh hồn mà Chúa Trời tạo ra sẽ đi vào Hỏa ngục. Kế hoạch cứu rỗi mọi người có vẻ như đi lệch trầm trọng. Vì thế, mặc dù chúng ta không thể chứng minh được lý thuyết bên kia thế giới của Thiên Chúa giáo và Phật giáo cái nào đúng, nhưng học thuyết của Phật giáo thì quyến rũ và dễ chấp nhận hơn.

9. Nếu chúng ta thực sự tái sinh, bạn giải thích thế nào về sự gia tăng dân số trên thế giới?

Khi chúng sanh chết đi, chúng sanh sẽ tái sinh nhưng không nhất thiết tái sinh thành cùng chủng loại. Ví dụ, con người có thể tái sinh thành ngưòi, thành thú, thậm chí thành một cá thể trên trời, tuỳ theo nghiệp của họ. Tình trạng gia tăng dân số đáng kể trên thế giới chỉ ra rằng nhiều thú vật, hay chủng loại trong các quốc độ khác, đã tái sinh thành người (có thể có một sự hạ giảm tương ứng với số lượng thú vật vì tuyệt chủng v.v.) và nhiều chúng sanh tái sinh làm người trở lại. Tại sao lại như vậy? Đúng là tại sao nhiều thú vật tái sinh thành người thật là khó nói. Nhưng lý do tại sao nhiều người tái sinh thành người thì không đáng nghi ngờ vì sự hiểu biết về giáo lý Phật giáo đã lan rộng. Ngay cả những nơi mà Phật Pháp không được thấu biết rộng rãi thì khả năng tạo ra ảnh hưởng tinh tế về điều thiện của Phật Pháp cũng đủ mạnh mẽ để làm con người sống thiện lành hơn. Tất cả những điều này giải thích cho sự gia tăng dân số.

10. Niết bàn là một mục tiêu không thực tiễn vì mất quá lâu để đạt được và rất ít người đạt được

Đúng là để đạt đến Niết bàn có thể phải rất lâu, nhưng mặt khác, sự tái sinh cho chúng ta nhiều thời gian và cơ hội. Nếu người ta không thực hiện được điều đó trong kiếp sống này, người ta có thể tiếp tục phấn đấu trong kiếp sống khác. Thực ra, nó có thể kéo dài đến chừng nào người ta muốn. Đức Phật nói nếu người ta thực sự muốn, người ta có thễ đạt đến Niết bàn trong vòng bảy ngày (Majjhima Nikaya, kinh số 10). Nếu như thế, tín đồ Thiên Chúa giáo sẽ hỏi, tại sao tất cả Phật tử đã không đạt đến đó? Vì một lý do đơn giản là cõi trần nầy vẫn duy trì một sự hấp dẫn lôi cuốn họ. Khi mà nội chứng và trí tuệ dần dần làm cho sự hấp dẫn đó bị phai nhạt thì con người sẽ từng bước, bằng chính bước chân của mình, đến được Niết bàn. Còn như khẳng định rằng chỉ một số ít đạt đến Niết bàn là không đúng. Trong khi ở Thiên Chúa giáo, một ngưòi có, và chỉ có, một cơ hội được cứu rỗi, thì giáo lý Phật giáo về tái sinh cho một người vô số cơ hội để đạt đến Niết bàn. Điều này gợi ý rằng rốt cuộc mọi người đều sẽ đuợc giải thoát. Như trong đoạn kinh Phật sau đây:

Nhiều người đã đạt được trạng thái bất tử này, và ngay hôm nay vẫn còn có thể đạt được cho những ai chịu nỗ lực. Nhưng sẽ không đạt được đối với những ai không chịu phấn đấu (Therigatha, câu thơ số 513).

11. Trong Thiên Chúa giáo, lịch sử mang một ý nghĩa và lịch sử đang tiến đến một mục tiêu đặc thù nào đó. Quan niệm tuần hoàn về sinh tồn của Phật giáo có nghĩa là lịch sử chẳng có ý nghĩa gì và điều này làm cho Phật tử phó thác vào định mệnh và thờ ơ với cuộc sống.

Đúng là theo Phật giáo thì lịch sử không tiến đến bất cứ một đỉnh cao nào đó. Nhưng những người đang đi trên con đường Bát Chánh Đạo thì đang tiến đến một cực điểm. Họ chắc chắn đang tiến đến an lạc và giải thoát của Niết bàn.

Như dòng sông Hằng trôi chảy về hướng đông, ai trau dồi và tu tập Bát Chánh Đạo cũng sẽ trôi chảy về hướng Niết bàn (Samyutta Nikaya, Great Chapter, kinh số 67)

Vì thế, thật là không đúng khi nói rằng quan điểm thực tiễn hơn về sự sống và về lịch sử của Phật giáo lại nhất thiết dẫn đến sự thờ ơ. Còn theo Thiên Chúa giáo thì lịch sử sẽ hướng đến cực điểm nào ? Đến sự Khải Huyền (Apocalypse), nơi phần lớn nhân loại và sản phẩm của con người sẽ bị phá huỷ bằng lưu huỳnh và lửa. Ngay cả một số ít may mắn được cứu rỗi cũng sẽ phải sống trong một viễn cảnh u ám về một thiên đàng vĩnh cửu mà biết rằng một số bà con và bạn bè của họ, cùng lúc đó, đang bị trừng phạt đau đớn dưới hoả ngục. Sẽ thật khó tưởng tượng được một tương lai chán nản hơn khi cứ phải ngồi hướng vọng về điều này.

12. Nếu Phật giáo là một tôn giáo tốt lành, vậy tại sao Phật giáo lại tàn lụi ở Ấn Độ là đất nước đã khai sinh ra Phật giáo ?

Ta cũng có thể hỏi câu hỏi nầy cho trường hợp của Thiên Chúa giáo: “Nếu lời dạy của Giê-su tốt lành, vậy tại sao Thiên Chúa giáo lại chỉ là một tôn giáo rất thiểu số tại Do Thái, Palestine và Thỗ Nhĩ Kỳ, là vùng đất khai sinh ra Thiên Chúa giáo ?”. Thậm chí chúng ta còn có thể hỏi thêm rằng “Nếu Giê-su là Hoàng tử của Hòa bình, tại sao vùng Do Thái và Palestine lại là vùng chiến tranh dữ dội nhất trên thế giới ?”. Dĩ nhiên là tín đồ Thiên Chúa giáo sẽ trả lời tại vì thời đại thay đổi, tại vì Hồi giáo tiến triển nên nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo trong vùng Trung Đông đã cải đạo và làm cho Thiên Chúa giáo gần như bị biến mất.

Hiện tượng nầy thì cũng đã xảy ra cho Phật giáo tại Ấn Độ. Vì những lý do chính trị, kinh tế và xã hội phức tạp, nhiều Phật tử Ấn Độ đã trở thành tín đồ Ấn Độ giáo. Sự kiện Phật giáo biến mất ở Ấn Độ không chứng tỏ rằng Phật giáo thì bất cập cũng như trường hợp Thiên Chúa giáo tại Trung Đông vậy.

13. Phật giáo sao chép ý niệm nghiệp và tái sinh từ Ấn Độ giáo

Ấn Độ giáo có giảng dạy một học thuyết về nghiệp và luân hồi. Tuy nhiên, nôi dung giáo lý của Ấn Độ giáo về cả hai điều này thì rất khác với Phật giáo. Ví dụ, Ấn độ giáo nói rằng chúng ta bị định đoạt theo nghiệp của chúng ta, trong lúc Phật giáo nói nghiệp thì chỉ trui rèn chúng ta. Theo Ấn độ giáo, một linh hồn bất diệt (atman) chuyển dịch từ một cuộc sống nầy đến cuộc sống khác, trong lúc Phật giáo từ chối rằng có một linh hồn (anatman) mà đúng ra, chỉ là một luồng năng luợng tâm linh luôn luôn biến đổi và sẽ được tái sinh. Đấy chỉ là hai trong nhiều khác biệt giữa Ấn Độ giáo và Phật giáo về nghiệp và tái sinh.

Tuy nhiên, ngay cả nếu giáo lý Phật giáo và Ấn Độ giáo có giống nhau chăng nữa thì điều này không nhất thiết có nghĩa là Phật giáo sao chép không suy nghĩ ý tưởng của kẻ khác. Nhiều lúc hai người, hoàn toàn độc lập với nhau, cùng khám phá một điều hoàn toàn giống nhau. Một ví dụ điển hình là sự khám phá về thuyết tiến hoá. Vào năm 1858, ngay trước lúc ấn hành cuốn sách nổi tiếng Về Nguồn gốc của Các chủng loại, Charles Darwin phát hiện có một người khác, Alfred Russell Wallace, đã nhận thức ra ý tưởng về tiến hoá giống y như ông. Hai ông Darwin và Wallace chẳng sao chép ý tưởng của nhau mà đúng hơn là bằng nghiên cứu cùng một hiện tượng họ cùng đi đến một kết luận hoàn toàn độc lập với nhau. Vì thế, dù những ý tưởng về nghiệp và tái sinh của Ấn Độ giáo có giống với Phật giáo chăng nữa (thật ra thì không giống) thì điều này cũng không phải là bằng chứng của sao chép. Sự thật là các nhà hiền triết Ấn Độ giáo, qua nội quán trong lúc quán tưởng, đã có được vài ý tưởng mơ hồ về nghiệp và tái sinh, hai điều mà Đức Phật sau này đã chiết giải đầy đủ và chính xác hơn.

14. Giê-su tha thứ tội lỗi của chúng tôi, nhưng Phật giáo nói bạn chẳng bao giờ thoát khỏi hậu quả của nghiệp do bạn gây ra.

Nói rằng Giê-su tha thứ tội lỗi thì chỉ mới đúng có một phần. Theo Thiên Chúa giáo, sau khi con người được tạo ra, họ sẽ được sống mãi mãi - đầu tiên là vài thập kỷ trên trần gian rồi sau đó sống vĩnh viễn hoặc trên thiên đàng hoặc dưới địa ngục. Giê-su sẽ tha thứ tội lỗi của con người chỉ trong thời gian họ còn sống trên thế gian nầy mà thôi, nhưng thời gian còn lại trong cuộc sống đời đời (dưới địa ngục chẳng hạn) Ngài sẽ từ chối không tha thứ nữa, dù các linh hồn trong địa ngục có kêu gọi tên Ngài thường xuyên và đau đớn thế nào đi nữa. Vì thế sự tha thứ của Giê-su chỉ hạn chế trong thời gian ngắn ngủi của cuộc sống vài chục năm của con người, sau đó Ngài sẽ thu hồi sự tha thứ đó lại. Vì thế đa số con người sẽ không bao giờ thoát khỏi những hậu quả của tội lỗi của họ.

Phật tử có thể thoát khỏi nghiệp của họ không? Học thuyết nghiệp dạy rằng mọi hành vi (nghiệp) đều có hậu quả (vipaka). Tuy nhiên hậu quả này không luôn luôn ngang bằng với nguyên do của chúng. Ví dụ, một người trộm cắp cái gì đó, hành vi này sẽ có một hậu quả tiêu cực. Tuy nhiên ví dụ sau đó kẻ cắp cảm thấy hối hận, trả lại món đồ đánh cắp, và thành tâm cố gắng sống thiện lành hơn trong tương lai, thì hậu quả tiêu cực của hành động trộm cắp có thể được giảm nhẹ. Sẽ vẫn còn một hậu quả tuy không mạnh bằng. Nhưng dù cho kẻ trộm không hối cải điều xấu chăng nữa thì y cũng sẽ thoát nghiệp lực sau khi nhận chịu hậu quả của nó. Vì thế, theo Phật giáo, chúng ta có thể giải thoát khỏi nghiệp của chúng ta, trong lúc theo Thiên Chúa giáo, tội lỗi của chúng ta chỉ được tha thứ trong một khoảng thời gian vô cùng hạn chế.

Có nhiều khía cạnh khác trong đó học thuyết về nghiệp thì hay hơn những ý niệm tha thứ và trừng phạt của Thiên Chúa giáo. Với Phật giáo, trong lúc một người có thể chịu những hậu quả tiêu cực của việc xấu xa mà họ đã làm (và điều này thì cũng công bằng thôi) thì điều này có nghĩa là người đó cũng sẽ thu nhận được những kết quả tích cực cho những điều tốt mà họ đã làm. Trong Thiên Chúa giáo thì không thế. Ví dụ một người không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo mà dù có sống lương thiện, nhân từ, đại lượng và tốt bụng đến đâu thì khi chết, người này vẫn sa vào địa ngục và không nhận được tưởng thưởng nào về những điều tốt lành họ đã làm. Thêm nữa, theo học thuyết về nghiệp, những hậu quả chúng ta được hay bị thì đều tỷ lệ thuận với nguyên nhân của chúng một cách rất công bằng. Một lần nữa, điều này không xảy ra trong Thiên Chúa giáo – tại vì dù một tín đồ có cực kỳ xấu xa chỉ trong đời này của họ, thế mà phải bị trừng phạt trong địa ngục đời đời thì thật là một hình phạt không cân xứng. Còn nếu một người đạo hạnh mà không theo Thiên Chúa giáo thì không biết hình phạt sẽ còn nhiều hơn bao nhiêu nữa? Quả thực ý niệm chịu phạt đời đời trong địa ngục, và ý tưởng người nào không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo thì bị phạt vào đó, là những giáo lý làm mọi người nghi ngờ một cách nghiêm túc về khái niệm một Chúa Trời công bằng và lòng lành.

15. Giê-su là một nhân vật mà bạn không thể không quan tâm đến. Cuốn sách nầy của bạn là một bằng chứng khác về sự quan tâm đó.

Xin đùng suy bụng ta ra bụng người. Có vài tỷ Phật tử và tín đồ tôn giáo khác sống rất hạnh phúc mà không cần phải quan tâm đến Giê-su. Trong số đó, có người còn không nghĩ gì đến Giê-su, có người còn không biết đến Giê-su là ai. Còn nếu có Phật tử nào để ý đến Giê-su thì không phải vì bản thân Giê-su, lời dạy của Giê su hay những khẳng định về Giê-su thì có gì hấp dẫn đáng lưu ý, mà vì những nhà truyền đạo Thiên Chúa giáo cứ dán vào mắt họ những tấm hình của Giê-su. Những kẻ truyền đạo nầy đã tiếp thị nhân vật Giê-su nhẫn nhục và hiền lành nầy như một thương hiệu kem đánh răng hay bột giặt.

16. Thật ra, trong thâm tâm, người Phật tử đang tìm kiếm Thiên Chúa và sự an bình mà chỉ Thiên Chúa mới ban cho được.

Đây là một ví dụ điển hình về sự nhỏ nhen mà tín đồ Thiên Chúa giáo bảo thủ, và ngay cả vài tín đồ Thiên Chúa giáo tiến bộ, thường cố gắng thuyết phục Phật tử cải đạo. Và đây cũng là một khẳng định vô nghĩa. Tại vì ta có thể đơn giản đảo ngược điều nầy và nói “Trong thâm tâm, thật ra các tín đồ Thiên Chúa giáo đang tìm kiếm Niết bàn và sự an bình mà chỉ Niết bàn mới mang lại”. Điều duy nhất mà một tuyên bố như thế lộ ra là tín đồ Thiên Chúa giáo thì không đủ khả năng để chấp nhận một thực tế là đa số loài người không phải là tín đồ của Thiên Chúa giáo và sẽ không bao giờ là tín đồ Thiên Chúa giáo. Trước thực tế nầy, những nhà truyền đạo Thiên Chúa giáo tự an ủi rằng ai từ chối Giê-su thì sẽ đáng để bị đày vào Địa ngục. Còn những tín đồ Thiên Chúa giáo có đầu óc hơn thì tự an ủi rằng người Phật tử đang đi tìm Thiên Chúa nhưng … chưa gặp được Ngài.

17. Thiên Chúa giáo chỉ bắt đầu với một vài người, và chỉ trong vòng 300 năm đã trở thành tôn giáo chính của đế quốc La Mã. Nếu nó đã có thể phát triển xa như thế và nhanh như thế, hẵn nó phải nằm trong một kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Chủ nghĩa Cọng sản bắt đầu từ chỉ một người ngồi trong Thư viện Hoàng gia Anh, và trong vòng 65 năm sau khi ông ta chết, đã trở thành triết lý chỉ đạo cho gần một phần ba nhân loại. Tông phái kỳ lạ tên là Mormon ở Mỹ cũng đã bắt đầu với một người cựu tù nhân, khẳng định rằng ông ta được một thiên thần trao cho cuốn sách vàng, và bây giờ đã trở thành một hội thánh phát triển nhanh nhất trên thế giới. Nhà tiên tri Mohammed vốn chỉ là một tiểu thương gia khiêm cung và không được đi học, nhưng chỉ trong vòng 200 năm, tôn giáo của ông đã trải dài từ Ấn Độ đến Tây Ban Nha và vươn lên như một nền văn minh xúc tích và thâm sâu. Đức Phật chỉ là một nhà tu khổ hạnh không của cải, thế mà chỉ sau 2 thế kỷ, giáo pháp của Ngài đã lan rông khắp Ấn Độ và đến những xứ xa xôi.

Vậy thì sự kiện Thiên Chúa giáo được chính quyền La Mã (vua Constantine) giúp phát triển nhanh và xa, tự nó, không nói lên được điều gì cả. Nhiều tôn giáo khác cũng đã phát triển như thế thôi.

18. Thiên Chúa giáo lan khắp hầu hết các nước trên thế giới và có nhiều người theo hơn bất cứ tôn giáo nào khác, như thế Thiên Chúa giáo phải là chân lý

Đúng là Thiên Chúa giáo đã trải rộng khắp thế giới nhưng điều này đã xảy ra như thế nào? Mải đến thế kỷ thứ 15, Thiên Chúa giáo vẫn chỉ giới hạn ở châu Âu. Sau đó, các đội quân châu Âu lan khắp thế giới để tìm thuộc địa và áp đặt tôn giáo của họ lên các dân tộc bị chinh phục. Trong hầu hết các nước bị chinh phục (như Tích Lan, Phi luật tân, Đài Loan và một phần Ấn Độ), luật pháp được ban hành để cấm đoán các tôn giáo phi-Thiên Chúa giáo. Khoàng cuối thế kỷ thứ 19, chính sách áp đặt thô bạo không còn được sử dụng để bó buộc tín ngưỡng nữa nhưng, dưới ảnh hưởng các nhà truyền giáo, các quan chức chánh quyền thuộc địa đã cố cản trở các tôn giáo phi-Thiên Chúa giáo càng nhiều càng tốt. Ngày nay, sự lan tỏa của Thiên Chúa giáo được hỗ trợ bởi sự ủng hộ tài chính hậu hỹ mà các nhà truyền giáo nhận được nhiều nhất từ Mỹ. Vì thế Thiên Chúa giáo lan tỏa không phải vì nội tại nó tốt hơn mà vì vũ lực trong quá khứ và sự giàu có ngày hôm nay.

Tuy nhiên, cho dù Thiên Chúa giáo có là tôn giáo lớn nhất trên thế giới thì cũng chỉ là vấn đề định nghĩa. Liệu chúng ta có thể xem những tín đồ đạo Mormon, Moonie và Jehovah’s Witnesses là Thiên Chúa giáo không? Liệu chúng ta có thể xem nhiều môn phái và giáo phái thờ Chúa lạ lùng nở rộ ở Nam Mỹ và Châu Phi, đã ghi nhận có nhiều triệu người theo, là Thiên Chúa giáo không? Hầu hết những tín đồ Tin Lành thậm chí còn không xem Công giáo La Mã là Thiên Chúa giáo ! Nếu chúng ta bỏ đi tất cả các “hội thánh Thiên Chúa giáo” dị giáo, không chính thống, mê tín và kỳ quái, không xem họ là Thiên Chúa giáo “thực”, thì có lẽ sẽ làm cho Thiên Chúa giáo là một trong những tôn giáo nhỏ nhất trên thế giới. Điều này cũng giải thích tại sao Kinh Thánh nói chỉ 144.000 người sẽ được cứu rỗi trong Ngày Phán Xét (Rev, 14:3-4).

Tuy nhiên, ngay cả Thiên Chúa giáo là tôn giáo lớn nhất thế giới chăng nữa thì điều này chứng tỏ được gì? Trong quá khứ gần đây thôi, sau gần mấy ngàn năm, hầu như mọi người vẫn còn tin quả địa cầu thì bằng phẳng, và họ đã lầm to. Một ý tưởng đúng hay sai thì không dính líu gì đến chuyện có bao nhiêu người tin vào ý tưởng đó.

19. Chúa Trời ban ơn cho kẻ nào tin Ngài. Vì vậy mà các nước Thiên Chúa giáo thì rất giàu có, còn các nước theo Phật giáo thì nghèo nàn.

Trong tất cả các luận cứ mà tín đồ Thiên Chúa giáo thường dùng để cố cải đạo người khác thì đây là điều ngờ nghệch nhất. Trước hết, ngay cả nếu Kinh Thánh có nói chuyện giàu có đó như vậy (nhưng thật ra thì ngược lại: Chúa Giê–su bèn phán cùng môn đồ rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, người giàu vào nước thiên đàng khó lắm. Ta lại nói cùng các ngươi, lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu vào nước Chúa Trời - Matt 19:23-24) thì hình như nếu Chúa Trời chỉ ban phúc cho châu Âu và châu Mỹ mà thôi thì thực ra đó chỉ là một lời nguyền rủa (khó được vào thiên đàng) được khéo ngụy trang mà thôi. Thứ hai, nếu sự sung túc thực sự là bằng chứng ân huệ của Chúa Trời thì có vẻ như Ngài thực sự thích những người Hồi giáo vì Ngài đã cho họ hầu hết tất cả mỏ dầu trên thế giới. Thứ ba, vài quốc gia Thiên Chúa giáo như Honduras và Phi Luật Tân rất nghèo trong lúc Nhật Bản, nước chủ yếu là Phật giáo, lại rất giàu. Và sau cùng, khi phát biểu như thế, tín đồ Thiên Chúa giáo đã lòi ra động cơ đích thực của họ về việc phụng thờ Chúa Trời – là ham muốn tiền bạc. Về phần Phật giáo, chúng ta được dạy rằng các phẩm chất như sự hài lòng, yêu thương, khoan hoà và an lạc nội tại thì quý hơn tiền bạc rất nhiều.

20. Khoa Khảo cổ học hiện đại đã chứng minh rằng nội dung của Kinh Thánh là trung thực.

Đây là một ví dụ điển hình về một “nửa-sự thật” mà những tín đồ Thiên Chúa giáo thường dùng để gây ấn tượng trên những người kém hiểu biết và/hoặc thiếu thông tin. Sự thật là Kinh Thánh chứa đựng khá nhiều thông tin lịch sử. Ví dụ sách Joshua kể lại chuyện dân Do Thái bao vây thành phố Jericho nhưng không chọc thủng được tường thành khá dày của thành phố nầy. Chúa Trời bèn hiện ra và dạy dân Do Thái đi vòng quanh thành 7 lần, nỗi kèn lên và thét một tiếng thật lớn thì bức thành sẽ sụp đổ. Dân Do Thái bèn làm theo lời Thiên Chúa và quả nhiên bốn bề thành liền sụp đổ và dân Do Thái chiếm được thành (Josh, 6:2-27). Những nhà khảo cổ đã đào xới và khảo sát thành phố cổ Jericho thì thấy thành nầy có tường lũy bao quanh, và đã có một lúc bị sụp đổ. Nhưng họ không tìm được một tí ti bằng chứng nào cho thấy thành bị sập vì dân Do Thái thổi kèn hay hay nhờ sự can thiệp của Chúa Trời. Ngược lại, họ tìm ra được bằng chứng là đã có một trận động đất làm sập vòng thành và cùng một lúc làm sập hầu hết các kiến trúc trong thành phố. Tất cả những điều nầy chứng minh rằng không có Chúa Trời trong vụ sập thành đó, mà thật ra là người thời xa xưa, khi phải giải thích các hiện tượng thiên nhiên, đã tin lầm là có sự can thiệp của thần linh.

Và nếu Kinh Thánh có chứa những dữ kiện lịch sử trung thực chăng nữa thì kinh sách của hầu hết các tôn giáo khác cũng vậy. Sách Iliad, sách Mahabharata và kinh sách Jain thì chứa đầy những thông tin lịch sử và địa lý trung thực. Vài kinh sách còn viết về thông tin địa chất chính xác nữa. Sách Swayambha Purana viết rằng thung lũng Kathmandu nguyên là một cái hồ cho đến khi Bồ Tát Manjusri dùng gươm cắt rặng núi cho nước trào ra ngoài. Ngày nay, các nhà địa chất học đã khảo sát và tìm thấy thung lũng Kathmandu nguyên là một cái hồ vào thời kỳ Pleistocene, và nước trong hồ đã cạn kiệt qua ngả khe núi Chobhar Gorge ở phía nam thung lũng. Kinh sách Phật giáo cũng chứa nhiều thông tin đã được các nhà khảo cổ kiểm chứng là thật. Kinh sách cho biết tu viện Veluvana, nơi Đức Phật thường lưu trú, thì nằm bên ngoài tường thành của thành phố Rajagaha. Và các nhà khảo cổ đã xác nhận chuyện nầy. Một trong những lời tiên tri hiếm hoi của Đức Phật là ngôi làng Patali sẽ phát triển để trở thành một thành phố lớn nhưng rồi bị lụt lội, hỏa hoạn và rối loạn xã hội (Digha Nikaya, kinh số 16). Khoa khảo cổ và ngành sử học đã chứng minh rằng Đức Phật nói đúng. Trong vòng 200 năm sau đó, ngôi làng Patali trở thành thủ đô của đế quốc Asoka, và trong một lần đào xới, các nhà khảo cổ đã tìm thấy các lớp bùn và tro khá dày chứng tỏ thủ đô nầy đã từng bị lụt lớn và cháy lớn trước đó.

21. Khắp thế giới, kể cả châu Á, Thiên Chúa giáo là một lực luợng tiến bộ trong lúc Phật giáo cải thiện rất ít cho xã hội

Trong lịch sử lâu dài của Thiên Chúa giáo, những điều đáng tự hào thì có lẽ cũng nhiều như những điều đáng xấu hổ. Hãy liệt kê vài ví dụ:

Ví dụ như chế độ nô lệ, một chế độ kinh khủng mà hầu hết mọi Giáo hội Thiên Chúa giáo đã ủng hộ mãi cho đến thế kỷ thứ 19. Sau khi tông đồ Paul cải đạo được kẻ nô lệ Oresimus vừa bỏ trốn, Paul đã thuyết phục y rằng vì y là một tín đồ Thiên Chúa giáo nên Oresimus phải quay trở lại với chủ mình, nhưng Paul lại chẵng bao giờ thuyết phục ông chủ phải thả người nô lệ của mình (Philemon, I: 3-20). Những người nô lệ Thiên Chúa giáo bị đòi hỏi phải duy trì những ràng buộc với chủ của họ, và những người chủ nô lệ thì không bị ép buộc nào phải giải phóng nô lệ. Kinh Thánh nói các nô lệ phải phục tùng chủ của họ dù có bị đối xử tàn tệ.

Các nô lệ phải ngoan ngoãn vâng lời chủ các ngươi với tất cả kính trọng, không phải chỉ với người chủ tử tế mà cả với người chủ hung dữ nữa. Vì ai chấp nhận Chúa Trời, người đó phải chịu đựng đau đớn trong khốn khổ dù không công bằng. Tại vì có công trạng gì đâu khi làm sai và bị đánh đập rồi chấp nhận một cách nhẫn nhục. Chỉ khi các ngươi làm đúng và khốn khổ vì điều đó mà các ngươi vẫn nhận chịu một cách nhẫn nhục thì lúc đó các ngươi mới được Chúa chấp nhận. (1 Pet, 2:18-20.)

Các nô lệ được chủ mua về phải ngoan ngoãn với chủ của họ và làm hài lòng chủ trong tất cả mọi lãnh vực, họ không được bướng bỉnh, cũng không được trộm vặt, mà phải bày tỏ lòng trung thành thực sự và trọn vẹn để trong tất cả mọi điều, họ tô điểm cho học thuyết của Chúa Trời, vị cứu rỗi chúng ta.(Tit, 2:9-10)

Vì thế, theo Thiên Chúa giáo, một nô lệ phải nhìn kẻ áp bức mình như là Chúa Trời vậy, và phải cho là bị đánh đập khi làm đúng thì tốt hơn là bị đánh đập khi làm sai. Những loại giáo lý như thế, dĩ nhiên, đã được các chủ nô lệ cổ vũ nồng nhiệt .

Bây giờ hãy xem trường hợp của khoa học. Quá trình phát triển khoa học ở phương Tây đã bị chậm lại do sự chống đối của giáo hội Thiên Chúa giáo (xem A History of the Warfare of Science with Theology in Christendom, 2 Vol, A.D.White, 1960). Sự chống đối của Thiên Chúa giáo đối với việc mổ xẻ xác chết đã làm cho y khoa và khoa giải phẩu chậm phát triển đến 300 năm. Sở dĩ Giáo hội chống đối là vì cho rằng việc mổ xác sẽ làm cho sau nầy, trong ngày Phán xét cuối cùng, các xác người sẽ không được phục sinh lành lặn. Giáo hội đã chống đối quan điểm mặt trời là trung tâm thái dương hệ và thậm chí còn đe doạ hành hình Galilleo vì ông nói quả đất quay quanh mặt trời. Khi Benjamin Franklin phát minh cột thu lôi để các toà nhà không bị sét đánh hư hại, giáo hội Tin Lành tại Mỹ đã làm ầm ỉ. Họ tin rằng với cột thu lôi, Chúa Trời sẽ không còn có thể trừng phạt những kẻ có tội bằng cách phóng lưởi tầm sét trực tiếp xuống nạn nhân nữa. Khi thuốc gây mê được phát minh, giáo hội từ chối không cho phép dùng để giảm đau lúc người đàn bà sinh nở. Kinh Thánh dạy và họ tin rằng đau đớn như thế là trừng phạt của Chúa Trời dành cho phụ nữ vì tội ăn trái táo của bà Eva.

Hãy xem sự lên án người Do Thái. Trong tất cả những trang sử ảm đạm của Thiên Chúa giáo, thì đây là trang sử ảm đạm và trơ trẽn nhất. Trong 2000 năm qua, tín đồ Thiên Chúa giáo đã tấn công, săn lùng, nhục mạ và tàn sát người Do Thái vì họ đã từ chối không tin vào Giê-su. Và trong lãnh vực này, Tin Lành cũng chẳng tốt gì hơn Công giáo La Mã. Năm 1986, một mục sư lãnh đạo Tin Lành ở Hoa Kỳ đã nói rằng “Chúa không thèm nghe người Do Thái cầu nguyện”. Martin Luther, người sáng lập ra đạo Tin Lành Phản thệ, đã viết một cuốn sách tên là “Về người Do Thái và những dối trá của chúng” (On the Jews and their lies), trong đó ông cổ vũ việc hành hạ người Do Thái tối đa trên cơ sở giống dân nầy đã không tin Giê-su. Cho nên ta không ngạc nhiên khi biết chính quyền Đức Quốc xã Nazi đã khuyến khích viếc ấn loát và phát hành cuốn sách nầy trong thời gian họ nắm quyền. Các bạn hãy thử tưởng tượng đi ! Trong vấn đề nầy, tên đồ tể Joseph Goebbels và vị mục sư Martin Luther thật tâm đầu ý hiệp. Tín đồ Tin Lành nói rằng mục sư Luther đã được “Chúa hướng dẫn”. Tại sao Chúa lòng lành không “hướng dẫn” ông Luther có một chút thương hại và bác ái đối với dân Do Thái tội nghiệp nầy ?

Chúng ta còn có thể tiếp tục xem nhiều trường hợp nữa, nhưng như thế cũng đã đủ rồi. Tuy nhiên, kể từ thế kỷ thứ 19, thật sự là đã có nhiều giáo hội Tin Lành bắt đầu hăng hái thừa nhận một cách nhìn tín ngưởng thế tục phóng khoáng hơn, và thu nhận cách nhìn nầy như của chính họ Vì thế, bây giờ tín đồ Thiên Chúa giáo thường đứng đầu trong các phong trào vì công lý, dân chủ và công bằng. Tuy nhiên, các phong trào nầy không kiếm được điều gì trong Kinh Thánh để biện minh cho các hành động của họ. Trái lại, Kinh Thánh đặc biệt nói rằng tất cả các nhà cai trị, dù những nhà cai trị bất công, đều đã thu nhận được quyền năng của họ từ Chúa Trời, nên chống đối họ là chống đối lại Chúa Trời.

Mọi người phải vâng phục các đấng cầm quyền trên mình; vì chẳng có quyền nào mà không đến bởi Chúa Trời, các quyền đều bởi Chúa Trời chỉ định. Cho nên ai chống cự chính quyền tức là đối địch với mạng lịnh Chúa Trời đã lập; và những kẻ đối địch thì chuốc lấy sự phán xét vào mình. (Rom, 13:1-2, xem thêm Jn, 19:11, Tit, 3:1, Pet, 2:13, Prov, 8:15-16 và 16:10)

Các bạo chúa, các hồng y và các giám mục đã trích dẫn các đoạn như thế hàng thế kỷ nay để biện minh cho sự cai trị của họ. Ngay cả những nhà thần học giải phóng cho đến ngày nay cũng đều im lặng về các đoạn Kinh Thánh như thế. Triết lý xã hội Thiên Chúa giáo không đến từ Kinh Thánh, mà đến từ truyền thống thế tục phương Tây mà giáo hội đã chống đối 400 năm qua. Bây giờ, họ cố nguỵ tạo rằng những giá trị đó thì bắt nguồn từ Giê-su (xem What the Bible Really Says, ed. M. Smith and R. S. Hoffman , 1989).

Phật giáo thì luôn luôn kém năng nổ và kém tổ chức hơn Thiên Chúa giáo . Điều này có nghĩa là ảnh hưởng của Phật giáo lên xã hội thì tinh tế, ít nhận thấy hơn, và thậm chí kém năng động hơn ảnh hưởng mà đáng ra Phật giáo phải có. Mặt khác, điều này cũng còn có nghĩa rằng sự khủng bố chống lại kẻ dị giáo, sự ngược đãi những kẻ không tin Chúa, và những cuộc chiến tranh tôn giáo đẫm máu, vốn là những thứ làm ô nhục lịch sử Thiên Chúa giáo, thì lại rất hiếm hay vắng bóng trong lịch sử của Phật giáo.

22. Tôi đã từng thăm viếng nhiều quốc gia Phật giáo, nhưng tôi ít thấy được cái giáo lý Phật giáo cao cả mà bạn nói đến. Những gì tôi thấy là sự thờ cúng những ác thần, các nhà sư thì xem bói toán, Phật tử thì tin vào quyền năng che chở của bùa phép và những hình thức mê tín dị đoan khác.

Thật là thú vị khi bạn đề cập đến chuyện nầy vì tôi đã từng ở Mỹ, một quốc gia được cả thế giới công nhận là đậm đà bản sắc Thiên Chúa giáo, nhưng tôi ít thấy được những lời dạy cao quý của Giê-su mà bạn nói đến .

Tôi thấy các nhà truyền đạo Thiên Chúa giáo trên truyền hình liên tục xin tiền tín đồ trong khi họ lãnh lương thật nhiều của hội thánh và ở trong những biệt thự lộng lẫy. Tôi đọc tin tức về Mục sư Jimmy Baker, một nhà truyền đạo nổi tiếng, bị tù 40 năm vì gian lận và trốn thuế. Tôi cũng quan tâm chuyện Mục sư nổi tiếng khắp nước Mỹ là Jimmy Swaggard đã mất chức khi người ta khám phá ra chuyện ông đi chơi đĩ và đọc dâm thư.

Tôi cũng thảng thốt khi biết đạo Mormon bắt vợ chồng phải sống với nhau suốt đời dù hoàn cảnh mâu thuẫn và đau khổ như thế nào, tín đồ không được uống trà và mỗi gia đình Mormon phải tích trữ nhiều đồ ăn trong nhà để chuẩn bị cho ngày tận thế. Khi du lịch về miền cực nam nước Mỹ, tôi cũng thấy tín đồ Tin Lành càng ngoan đạo bao nhiêu thì càng kỳ thị chủng tộc bấy nhiêu.

Tín đồ da trắng đi nhà thờ da trắng, tín đồ da đen đi nhà thờ da đen. Ngoài những điều xấu xa như thế, nghĩa là đạo đức giả và gian dối, điều làm tôi chú ý nhất là những tín đồ Tin Lành bảo thủ Mỹ sống trong sự kết nối không cách nào gở ra được giữa Thiên Chúa và của cải. Nhiều mục sư hình như chỉ giảng rằng thành tựu dưới thế, giàu sang, danh vọng, đạt được điều mình muốn, là Điều răn số một và điều răn quan trọng nhất. [Còn Công giáo La Mã ở Mỹ thì cũng tệ không thua gì Tin Lành. Bị phạt gần 2 tỷ Mỹ kim để đền bù cho hơn 1.000 nạn nhân bị sách nhiễu và xâm phạm tình dục, mà đa số nạn nhân là các em bé trai và bé gái còn nhỏ tuổi. Các linh mục phạm tội còn được Giáo hội Công giáo Mỹ bao che bằng cách giấu nhẹm hồ sơ, thuyên chuyển đi giáo phận khác, thậm chí còn cho họ ra nước ngoài để trốn toà án Mỹ.]

Có lẽ tốt nhất là bạn nên dọn sạch đống rác của bạn trước lúc xỉa xói vào những thất bại của người Phật tử. Giê-su nói đúng khi Ngài khuyên rằng: “Đồ đạo đức giả ! Hãy lấy cây đà ra khỏi mắt ngươi trước lúc dạy cho người láng giềng lấy mảnh dằm ra khỏi mắt họ

Tín đồ Thiên Chúa giáo lương thiện nào có thể bảo đảm rằng tất cả mọi tín đồ Thiên Chúa giáo thì trọn vẹn, chân thành và thấu hiểu sâu xa đúng theo giáo lý của Giê-su? Hãy đừng phán đoán một tôn giáo căn cứ trên số lượng những người không tu tập được.

 

Người dịch : T.T.

(*) [Trích từ Chương 8 của tác phẩm “Tin Không Nổi - Một Phê bình Thiên Chúa giáo Bảo thủ từ góc độ Phật giáo” (Beyond Belief – A Buddhist Critique of Fundamentalist Christianity) của A.L. de Silva.]

nguồn http://giaodiemonline.com/2009/07/phephan.htm

Trang Tôn Giáo




Đó đây


2024-03-28 - Chấn động người Việt ở #Thailand: Thiếu tướng GĐ CA tỉnh Gia Lai … xuất hiện … chuyện gì xảy ra …? -

2024-03-24 - Thiếu tướng Hoàng Kiền _BUỒN, VUI, "GIẢI OAN" VẤN ĐỀ CHỐNG LẬT SỬ - Đôi lời với ông Võ Văn Thưởng

2024-03-22 - Thật là buồn khi một người mình đặt nhiều kỳ vọng lại làm mình thất vọng -

2024-03-22 - Tá hoả tịch thu! Tòa án NY bắt đầu kê biên tài sản sân golf, dinh thự Seven Springs -

2024-03-21 - VKSND TP HCM: Bị cáo Trương Mỹ Lan không ăn năn - VKSND TP HCM nêu quan điểm bị cáo Lan phạm tội nhiều lần, phạm tội có tổ chức, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn cho nhà nước

2024-03-21 - NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA CHỦ NGHĨA DÂN TÚY Ở VIỆT NAM -

2024-03-20 - Toàn cảnh đề nghị mức án với vợ chồng Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân và đồng phạm -

2024-03-20 - Lý do đồng chí Võ Văn Thưởng có đơn xin thôi các chức vụ -

2024-03-20 - Trung ương đồng ý ông Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước - Ban Chấp hành Trung ương đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh nhiệm kỳ 2021-2026, theo nguyện vọng cá nhân

2024-03-18 - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng Tổng thống Putin tái đắc cử - Theo số liệu của Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga, kết quả kiểm đếm sơ bộ tính đến sáng 18/3 cho thấy Tổng thống Vladimir Putin giành được 87,32% số phiếu, tái đắc cử nhiệm kỳ thứ năm và sẽ lãnh đạo



▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 >>>




Thư, ý kiến ngắn
● 2024-03-21 - CHỐNG CỘNG: Chuyện cười ra nước mắt ở Sở Học Chánh Tacoma, Wa - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-09 - Tổng thống Nga, Vladimir Putin đọc thông điệp gửi Quốc hội Liên bang (29/2/2024) - Gò Vấp -

● 2024-03-09 - Các hoạt động của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc trong những năm 1942-1954 - trích Hồi ký Nguyễn Đình Minh -

● 2024-03-08 - Hồi ký lịch sử 1942-1954 - Liên Quan đến Giám mục Lê Hữu Từ, Khu tự trị Phát Diệm, Công Giáo Cứu Quốc - VNTQ/ Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư -

● 2024-02-15 - Trương vĩnh Ký dưới con mắt của người dân - Trần Alu Ngơ -

● 2024-02-14 - Các nhà hoạt động ẤN ĐỘ GIÁO phản đối chuyến viếng thăm của Giáo hoàng John Paul II - FB An Thanh Dang -

● 2024-02-09 - “KHÁT VỌNG NON SÔNG” của VTV1 và chuyện Trương Vĩnh Ký - Nguyễn Ran -

● 2024-02-05 - Góc kể công - Đồng bào Rô ma giáo cũng có người yêu nước vậy! Đúng. - Lý Thái Xuân -

● 2024-02-01 - Câu Lạc Bộ Satan Sau Giờ Học Dành Cho Trẻ 5-12 Tuổi Sắp Được Khai Trương Ở Cali, Hoa Kỳ - Anh Nguyen -

● 2024-01-29 - Giáo hội Rô ma giáo Đức "chết đau đớn" khi 520.000 người rời bỏ trong một năm - The Guardian -

● 2024-01-29 - Một tên Thượng Đế-Chúa ngu dốt về vũ trụ, nhưng thích bốc phét là tạo ra vũ trụ - Ri Nguyễn gửi Phaolo Thai & John Tornado -

● 2024-01-29 - Kinh "Thánh" dạy Con Chiên Giết Tất Cả Ai Theo Tôn Giáo Khác - Ri Nguyễn vs John Tomado -

● 2024-01-29 - Nhân Quyền Ở Nước Mỹ: Vụ Án Oan, 70 Năm Sau Khi Tử Hình Bé George Stinney - - Giác Hạnh sưu tầm -

● 2024-01-29 - NOEL - Ba Giáo Hoàng John Paul II, Benedict XVI, Francis I Thú Nhận Đã Bịp Chiên- Cừu Chuyện Jesus Ra Đời - Ri Nguyen -

● 2024-01-29 - Một dàn đồng ca, ngày càng đặt câu hỏi về quyền lực của Giáo hoàng - John L. Allen Jr. -

● 2024-01-29 - Tỷ lệ phá thai nơi người công giáo lại cao hơn nơi người ngoài công giáo! - Lê Hải Nam -

● 2024-01-29 - Kinh Khải Huyền Cho Biết Jesus Là Một Tên Ác Qủy Đê Tiện, Man Rợ - Ri Nguyễn -

● 2024-01-29 - Vatican Cho Phép Linh Mục Hiếp Dâm Trẻ Con - Đó là chính sách! - Ri Nguyen -

● 2024-01-28 - Quận Utah cấm Kinh Thánh ở các trường tiểu học và trung học cơ sở - Ri Nguyen -

● 2024-01-26 - Chiên Hô Hào Các Bạn Chiên Đừng Đọc Sachhiem.net: "Nhận Diện!" - SH vs Nguyễn Trọng Nghĩa -


▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 >>>