●   Bản rời    

Tại Sao Các Cuộc Khởi Nghĩa Trong Thời Pháp Thuộc Lại Thất Bại ?

Lý Do Tại Sao Các Cuộc Khởi Nghĩa Trong Thời Pháp Thuộc Lại Thất Bại

Nguyễn Mạnh Quang

http://sachhiem.net/NMQ/NMQ44_traloi.php

07-Oct-2013

 

LTS: Tháng trước có bạn đọc gửi thư cho trang nhà như sau.

Kính gởi Sách hiếm,

Tôi vô cùng biết ơn sự đóng góp của ban biên tập sách hiếm. Nhờ những bài viết trên mạng tôi có thể hiểu được những vấn đề về tôn giáo và xã hội, mà trong thời Diệm đã cố tình bưng bít.

Tiện đây xin GS Nguyễn Mạnh Quang cho độc giả biết những lí do sự thất bại của nhửng cuộc khởi nghỉa trong thời Pháp thuộc.

Trân trọng kính chào.

Nguyễn H.

Và hôm nay chúng tôi nhận được bài của GS Nguyễn Mạnh Quang về câu hỏi trên. Xin được đăng lên để bạn đọc cùng xem. Nếu có gì cần bổ túc, xin bạn đọc gửi thư tác giả nhờ sachhiem@sachhiem.net chuyển giao. Cám ơn (SH)


Hồi đáp:

Ngay từ khi Liên Minh Xâm Lược Pháp – Vatican xua quân tiến chiếm nước ta, không chỉ có triều đình Nhà Nguyễn cố gắng chống lại quân giặc, mà hầu như toàn thể nhân dân ta đều tìm cách tự động tổ chức các lực lượng nghĩa quân vũ trang chống giặc, hoặc là thành lập các đảng bí mật chống giặc, và  tổ chức các đảng cách mạng để tim phương cách đòi lại chủ quyền độc lập cho dân tộc. Thế nhưng, tất cả đều thất bại, cho đến khi Đảng Cộng Sản Viêt Nam và Mặt Trận Việt Minh ra đời. Để giải tỏa thắc mắc trên đây của độc giả Nguyễn H, trong bài viết này, chúng tôi sẽ nói đến những lý do khiến cho các lực lượng nghĩa quân,  các Đảng Bí Mật, và các Đảng Phái Cách Mạng thất bại. Về nguyên nhân khiến cho Triều Đình Huế thất bại thì đã được quá nhiều tài liệu đề cập, tưởng không cần phải lập lại. Bài viết này có nội dung như sau:

 

A.- Những Thời Kỳ Khác Nhau Của Các Tổ Chức Nghĩa Quân Kháng Chiến

Cuộc kháng chiến đánh đuổi liên minh giặc xâm lược Pháp - Vatican đã kéo dài hơn một thế kỷ với biết bao máu xương và tủi nhục của nhân dân ta, đặc biệt là của các nghĩa quân. Cũng như vạn vật biến chuyển để thích nghi với sự thay đổi của thời tiết hoặc khí hậu hay hoàn cảnh mới, mục tiêu cuộc kháng chiến đánh đuổi liên minh giặc xâm lược của nhân dân ta cũng đã phải thay đổi để thích nghi với trào lưu tiến hóa của nhân loại, với sự biến chuyển của tình hình thế giới, và với sự mở rộng kiến thức về các thể chế chính trị cũng như về các chủ thuyết xã hội và về lý tưởng cách mạng. Qua đó xin được chia các giai đoạn đấu tranh ra 4 thời kỳ như sau:

Thời kỳ 1 (1858-1905): Các tổ chức nghĩa quân kháng chiến vũ trang

Từ khi Liên Quân của Liên Minh Thánh Pháp – Tây Ban Nha – Vatican khai hỏa tấn công nước ta vào năm 1858 cho đến đầu thế kỷ 20, không kể triều đình Huế, dân ta đã tự động vùng lên quy tụ những người yêu nước và tổ chức thành nhiều lực lượng kháng chiến khác nhau tuỳ theo từng địa phương và tùy theo thời thế hay tình hình thế giới. Các tổ chức này, khởi đầu chỉ có chủ trương đánh đuổi kẻ thù xâm lược, bảo vệ chủ quyền độc lập của dân tộc, chứ không hề có ý định chống lại triều đình nhà Nguyễn. Nhưng dần dần về sau, vua tôi nhà Nguyễn có thái độ và hành động thỏa hiệp với giặc để duy trì quyền lợi của riêng cá nhân và gia đình qua việc ký nhận

- (1) Hòa Ước Nhâm Tuất (ngày 5 tháng 6 năm 1862),

- (2) Hòa Ước Giáp Tuất 1974,

- (3) Hòa Ước Giáp Thân 1884, và

- (4) bổ nhậm nhiều giáo dân Ki-tô Việt gian nắm giữ các chức vụ trọng yếu trong chính quyền.

Điển hình là con chiên Nguyễn Hữu Độ (1813-1888) được trao cho nắm giữ chức Kinh Lược Bắc Kỳ khi Liên Quân Pháp – Vatican tấn chiếm Hà Nội. Chính tên Việt gian này đã nhân danh Kinh Lươc Bắc Kỳ ký giấy dâng Chùa Bảo Thiên cho Vatican lấy đất xây Nhà Thờ Lớn và Tòa Khâm Sứ của Vatican. Vì thế mà càng về sau, các tổ chức nghĩa quân của nhân dân ta mới chuyển đổi muc tiêu cũ sang mục tiêu mới là “vừa chống giặc cứu nước vừa chống luôn cả triều đình Huế”.

Đinh Công Tráng: lãnh đạo nghĩa quân tại chiến lũy Ba Đình

Tiêu biểu cho các tổ chức nghĩa quân kháng chiến vũ trang trong thời gian từ 1860 cho đến đầu thế kỷ 20 là các lực lượng kháng chiến của các cụ Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Thiên Hộ Dương, Mai Xuân Thưởng, Đinh Công Tráng, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, v.v...

Thời kỳ 2 (1905-1920): Đây là thời kỳ các Đảng Bí Mật Yêu Nước hoạt động cứu nước:

(Đúng ra, các tổ chức này chỉ là một nhóm rất ít người tham gia, khó có thể gọi là một đảng được). Tới đầu thế kỷ 20, phong trào chống giặc dần dần chuyển hướng về chính trị, có khuynh hướng ngả sang chủ thuyết dân chủ, nhưng vẫn còn chưa dứt khoát thay đổi chế độ quân chủ cũng như các thói quen (a) về mối liên hệ giữa một ông vua với các “tôi thần” (mandarins), với “thần dân” (subjects), và (b) về cung cách xưng hô trong thời quân chủ phong kiến. Vì thế mà thời kỳ này được gọi là thời kỳ quá độ

Tiêu biểu cho thời kỳ quá độ này là các Phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục với các nhà ái quốc lãnh đạo như các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính, Lương Văn Can, v.v…. Cuộc nổi dậy của nhà cách mạng Lương Ngọc Quyến và ông Trịnh Văn Cấn là biểu tượng của khuynh hướng này. Chủ trương các phong trào ái quốc trong thời kỳ này là nâng cao dân trí, rèn luyện thanh thiếu niên thành những người có khả năng thích nghi với hoàn cảnh mới để chuẩn bị cho đại cuộc cứu nước đòi lại chủ quân độc lập cho dân tộc.

Các sĩ phu truowfng Đông Kinh Nghĩa Thục

Các sĩ phu trường Đông Kinh Nghĩa Thục (do cụ Lương Văn Can sáng lập). Ảnhhttp://hoainguyen_53.violet.vn

Kể từ đây, các phong trào chống giặc được mang một danh xưng mới là các đảng phái cách mạng cứu quốc hay các đảng bí mật. Gọi là các đảng bí mật là vì các tổ chức này không có chiến khu như Chiên Khu Ngàn Trươi của cụ Phan Đình Phùng hay Chiến Lũy Ba Đình của cụ Đình Công Tráng, mà phải hoạt động bí mật ở ngày trong lòng địch và phải tuyệt đối bảo mật để tránh những sự theo dõi của bọn mật vụ người bản địa đã bán linh hồn cho chính quyền bảo hộ Pháp – Vatican trà trộn vào trong nhân dân.

3.- Thời kỳ 3: Các đảng phái Cách Mạng

Đây là thời kỳ các đảng phái Cách Mạng chống Liên Minh Giặc Xâm Lăng xuất hiện: Tới giữa thập niên 1920, các phong trào cách mạng này mới thực sự chuyển hướng mạnh, cương quyết bước hẳn sang một khúc quanh lịch sử với chủ trương (1) nâng cao dân trí để có thể ý thức về chính trị và cách mạng bằng cách du nhập tư tưởng chính trị cùng các tư tưởng tiến bộ về các thể chế chính trị, (2) đuổi giặc giải phóng đất nước thoát khỏi ách thống trị của người ngoại bang, và (3) cởi bỏ cho nhân dân cái ách thống trị của chế độ quân chủ chuyên chế với những nghi thức phong kiến làm mất phẩm giá con người. Một trong những nghi thức phong kiến này đã được thi hào Cao Ba Quát ghi lại như sau (trong bài Tài Tử Đa Cùng Phú):

“Ngán nhẽ kẻ tham bề khóa lợi, mũ cánh chuồn đội trên mái tóc, nghiêng mình đứng chực cửa hầu môn –
Quản bao kẻ mang cái giàm danh, áo giới lân phủ dưới cơ phu, mỏi gối quì mòn sân tướng phủ. – Khéo ứng thù những bác quan trên - Xin bái ngoảnh cùng anh hàng phố...”

Nói cho rõ hơn, kể từ thời kỳ này, các đảng phái cách mạng có chủ trương phải đào sâu chôn chặt chế độ quân chủ lỗi thời để giải thoát cho nhân dân cái ách phong kiến phản tiến hóa, cởi mở cho nhân dân thoát khỏi cái nghĩa vụ của một thần dân (Subject) đối với một vị quân vương (monarch) trong một chế độ quân chủ (monarchy), dù là theo mô thức trung ương tập quyền (absolute monarchy) như quan niệm Nho giáo hay mô thức quân chủ lập hiến (constitutional monarchy) như nước Anh.

Song song với những cố gắng trên đây, các đảng phái cách mạng còn có chủ trương giáo dục người dân để họ ý thức được nếp sống trong chế độ dân chủ, trong đó người dân chỉ có nghĩa vụ với đất nước và dân tộc, mà không bị bắt buộc phải có nghĩa vụ đối với cá nhân nhà cầm quyền và cũng không phải tuyệt đối trung thành với cá nhân người lãnh đạo đất nước. Người dân chỉ phải trung thành hay tuân lệnh khi nhà lãnh đạo hành động đúng theo hiến pháp và luật pháp. Khi nhà lãnh đạo hành động trái với luật pháp hay hiến pháp, thì người dân có quyền chống lại, đòi hỏi phải sửa sai, nếu ngoan cố thì phải dứt bỏ bằng mọi giá. Họ cho rằng làm cách mạng cứu quốc là phải đem lại cho nhân dân một luồng sinh khí mới về chính trị và dân quyền.

Tiêu biểu cho các tổ chức này là Việt Nam Quốc Dân Đảng của ông Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính, Nhượng Tống, v.v…

Tượng đài Nguyễn Thái Học tại Khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái).

Tượng đài Nguyễn Thái Học tại Khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái)

Đảng cách mạng này rập khuôn theo đường lối “Tam Dân Dân Chủ Nghĩa” (Dân sinh hạnh phúc, dân quyền tự do và dân tộc độc lập) của Quốc Dân Đảng Trung Hoa do nhà ái Quốc Tôn Dật Tiên sáng lập. Chính đảng này cũng muốn thực thi cách mạng theo các giai đoạn (1) huấn chính: thời kỳ giáo dục nhân, nâng cao dân trí, (2) quân chính: quản lý nhân bằng kỷ luật quân sự và, (3) hiến chính: quản lý nhân dân theo tinh thần hiến pháp.

(Sau Tôn Dật Tiên qua đời vào năm 1925, quyền lực Quốc Dân Đảng Trung Hoa lọt vào tay Tưởng Giới Thạch. Cũng từ đó, chủ thuyết Tam Dân Chủ Nghĩa trên đây bị họ Tưởng lợi dung và biến thành một chế độ độc tài gia đình và đảng trị theo tuyền thống đạo Ki-tô.  Sách sử ghi nhận Tưởng Giới Thạch là một trong số 100 tên bạo chúa ác độc nhất trong lịch sử nhân loại.[1]  

Sau này, vào những năm 1935-1945, các chính đảng như Đại Việt Duy Dân của các ông Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long, Nguyễn Tiến Hỳ, Việt Quốc của các ông Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh ((Quốc Dân Đảng biến thể, hoàn toàn khác hẳn với Quốc Dân Đảng đầu tiên của nhà ái quốc Nguyễn Thái Học) và đảng Việt Cách dưới quyền lãnh đạo của ông Nguyễn Hải Thần cũng có khuynh hướng giống như đảng Việt Quốc, v.v.

Thời kỳ 4 (1930-1945).- Đảng Cộng Sản Việt Nam và Mặt Trận Việt Minh:

Đảng Cộng Sản Việt Nam do nhà ái quốc Nguyễn Sinh Cung mang tên là Nguyễn Ái Quốc thành lập vào ngày 3 tháng 2 năm 1930.  Đảng Cộng Sản Việt Nam thành lập Mặt Trận Việt Miinh vào ngày 19//5/1941 với chủ trương:

1.- Đánh đuổi Liên Minh Thánh Xâm Lăng Pháp – Vatican ra khỏi đất nước để giành lại chủ quyền độc lập cho dân tộc.

2.- Thực hiện một cuộc cách mạng chính trị để giải trừ cho nhân dân cái ách quân chủ chuyên chế phong kiến lỗi thời.

3.- Tiến hành một cuộc cách mạng xã hội, san bằng những bất công để lại về kinh tế gây nên cảnh một nhóm thiểu số dựa vào quyền lực của chính quyền bảo hộ, tóm thâu hầu hết các phương tiện sản xuất để bóc lột đại khối nhân dân đến tận xương tận tủy. Mục đích của cuộc cách mạng xã hội là để:

a).- Chấm dứt cảnh người bóc lột người như đời sống của anh em công nhân trong (1) các đồn điền cao su ở miền Đông Nam Bô và miền Nam Trung Bộ, (2) các công trường khai thác quăng mỏ, đặc biệt là tại các công trường khai thác than đá ở Hòn Gay, Cẩm Phả và Uông Bí và các nhà máy kỹ nghệ trong các thành phố lớn như Sàigòn, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, v.v…

b).- Chấm dứt thảm cảnh đói khổ của hơn 90% nhân dân mà hầu hết là anh em bần có nông sống ở trong các làng quê đã và đang bị bọn phú hào bóc lột hết sức dã man.

 

B.- Những Điều Kiện Cần Phải Có Để Cho Một Tổ Chức Lực Lượng Nghĩa Quân Hay Một Đảng Cách Mạng Thành Công

Bất kỳ tổ chức nghĩa quân vũ trang hay một đảng cách mạng nào có chủ trương theo đuổi đại cuộc đánh đuổi Liên Minh Xâm Lược Pháp Vatican nếu muốn thành công thì phải có đủ nhũng yếu tố hay điều kiện dưới đây:

01.- Có chính nghĩa vì dân tộc và tổ quốc, không do thế lực ngoại bang dựng nên và điều khiển.

02.- Có người lãnh đạo vừa đạo đức vừa tài giỏi (vừa tài vừa đức):

- Người lãnh đạo phải liêm chính, ngay thẳng, đặt quyền lợi tối thượng của dân tộc và của tổ quốc lên trên tất cả quyền lợi của cá nhân, gia đình, bà con thân thuộc. Về đạo đức, đây là đạo đức cách mạng, không có nghĩa là tín đồ ngoan của một tôn giáo hay đảng phái nào, sẽ nói thêm ở phần “được lòng dân” dưới đây.

- Tài giỏi có nghĩa là có tài về tổ chức, về tuyên truyền, (nhưng không nói láo mà chỉ quảng bá những sự thật cụ thể khiến cho mọi người có thể dễ dàng hiều được), tài giỏi về sử dụng nhân sự, và về ngoại giao, v.v…

03.- Có giai cấp cán bộ trong sạch, trung kiên, quyết tâm khắc phục những khó khăn gian khổ để theo đuổi đại cuộc cho đến khi thành công.

04.- Được lòng dân. Muốn được như vậy thì toàn bộ các thành phần trong tổ chức từ người lãnh đạo cho đến các cán bộ và những thành viên bạch đinh đều phải có đạo đức của một chiến sĩ nghĩa quân hay cách mạng. Cái đạo đức này đã được Nho giáo (chính Nho) dạy rằng “dân chi sở hiếu, hiếu chi; dân chi sở ố, ố chi;. sở vị dân chi phụ mẫu.”, nghĩa là phải biết cùng chia sẻ với nhân dân những nỗi đau niềm tủi.

Nỗi niềm của nhân dân ta lúc bấy giời là niềm tủi nhục vong quốc, tài nguyên đất nước bị cướp đoạt, nhân dân bị khinh rẻ, bị coi như là hạng người man di, mọi rợ, bì hà hiếp bóc lột đến tận xương tận tủy, và bị đầy đọa vào cảnh đói khổ khốn cùng triền miên, khốn cùng đến độ dân ta phải lâm vào nạn đói khủng khiếp nhất trong lịch sử, khủng khiếp đến độ chỉ trong mấy tháng mùa xuân năm Ất Dậu 1945, con số người chết đói đã lên đến hai triệu người. Trong khi đó thì ruộng vườn bị cướp đoạt, nếp sống văn hóa cổ truyền bị chà đạp, miếu đền, đình chùa ở các nơi đô thi, thành phố bị phá hủy để người ta lấy đất xây nhà thờ, chủng viện và tu viện. Nhà thờ lớn ở Hà Nội và Nhà thờ Đức Bà được xây cất trên nền của các ngôi chùa cũ của dân ta. Ở nhiều nơi khác cũng vây. Tình trạng này giống hệt như ở Mế Tây Cơ và Trung Nam Mỹ Châu. Vì đau buồn tủi nhục như vậy, người chiến sĩ nghĩa quân hay cách mạng không được phép hợm hĩnh, không được kiêu căng, thắng không kiêu, bại không nản.

Nói cho gọn, yếu tố người lãnh đạo và giai cấp cán bộ là quan trọng hơn cả. Người lãnh đạo và toàn bộ giai cấp cán bộ phải  (1) có cái tâm “vì dân tộc, liều chết cho đại cuộc giải phóng quê hương”, (2) có kiến thức chính trị và cách mạng, (a) phải biết nhận diện được kẻ thù nào nguy hiểm hơn, (b) hiểu thấu các chủ thuyết chính trị, chủ thuyết xã hội hay chủ thuyết cộng sản.

Phải biết rằng các chủ thuyết có thể là những phương tiện hay dụng cụ tốt được sự dụng để hoàn thành mục tiêu chính trị hoặc xây dựng một công trình, và có thể chỉ cần thiết trong giai đoạn đó mà thôi. Khi đã hoàn thành được mục tiêu, tương tự như sau khi xây cất xong một công trình kiến trúc, cái bàn, cái ghế, hay cái nhà,... thì người ta đem búa kìm, cưa, đinh vít, ... cất trong các hộp dụng cụ (tool box).

Đó là vì việc kế tiếp không giống như giai đoạn xây cất, mà là giai đoạn sống và hoạt động, như (1) nâng cao dân trí sao cho theo kịp với đà tiên hóa của nhân dân thế giới, (2) san bằng những bất công về chính trị, xã hội và kinh tế, và (3) xóa bỏ những đồ phế thải và tàn dư của liên minh giặc Pháp – Vatican còn tồn đọng rải rác ở khắp nơi trên toàn thể lãnh thổ, và (4) phải tính kế mang lại phúc lợi, tự do, no ấm nhân dân, và mang lại vinh quang cho dân tộc

C.- Những Lý Do Khiến Cho Các Tổ Chức Nghĩa Quân Và Các Tổ Chức Cách Mạng Thất Bại

Nói chung, sở dĩ các tổ chức nghĩa quân vũ trang kháng chiến cũng như các đảng phái bí mật và các đảng cách mạng (ngoại trừ Đảng Cộng Sản Việt và Mặt Trận Việt Minh) thất bại là vì các tổ chức này đều không có một nhà lãnh đạo và giai cấp cán bộ tài giỏi, thức thời với những đặc tính như đề cập ở phần trên.

I.- Các Tổ Chức Nghĩa Quân Vũ Trang và Các Đảng Bí Mật Yêu Nước

1). Các tổ chức nghĩa quân kháng chiến vũ trang - là các lực lượng kháng chiến dưới quyền lãnh đạo của các cụ Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Thiên Hộ Dương, Mai Xuân Thưởng, Đinh Công Tráng, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, v.v.... Có thể nói rằng các nhà ái quốc lãnh đạo các tổ chức nghĩa quân này không biết gì về các chủ thuyết chính trị mới và các chủ thuyết cã hội đã bùng lên ở Âu Mỹ từ mấy thế kỷ trước. Các cụ vẫn còn bám lấy tư tưởng quân chủ lỗi thời theo quan niệm của Nho giáo, hoặc là nếu đánh đuổi giặc ngoại xâm thì các cụ hoặc là lại thiết lập một chế độ quân chủ giống như triều đình nhà Nguyễn, hoặc là chỉ có mục tiêu giúp vua (nhà Nguyến) đuổi giặc ngọai xâm. Đó là Phong trào Văn Thân và Cần Vương.

Csac nghĩa quân Ba Đình  bị bắt

Các nghĩa quân ở Ba Đình bị Việt gian bắt cho giặc.

Dù rằng tất cả các nhà lãnh đạo và tất cả các thành phần tham gia trong các tổ chức này đều là những người chân thành yêu nước, nhưng họ vẫn có những nhược điểm như sau:.

a.- Lý tưởng nêu lên trong mục tiêu chiến đấu là “đuổi giặc ngoại xâm để giành lại chủ quyền độc lập cho dân tộc” chưa đủ hấp dẫn đối với toàn thể các thành phần xã hội khác nhau trong đại khối nhân dân.

b.-  Không có người lãnh đạo tài giỏi (như đã nói trong Phần B  ở trên) về chính trị, về quân sự, về tổ chức, thiếu kiến thức về lịch sử thế giới (để biết rõ Vatican là kẻ thù nguy hiểm hơn.) Trường hợp căn cứ Ba Đình của nhà ái quốc Đinh Công Tráng bị đánh bại vào giữa thập niên 1890 và vụ Hà Thành Đầu Độc do tổ chức nghĩa quân Yên Thế chủ mưu bị một giáo dân Ca-tô giáo báo cho Cố Ân nên bị thảm hại. Lãnh đạo cũng kém tài về địch vận, về ngoại giao, về dân vận để tuyên truyền lôi cuốn toàn dân trên toàn lãnh thổ cùng tham gia vào đại cuộc, v. v… Chính vì thiếu những khả năng trên, cho nên các tổ chức này chỉ thu gọn lại trong một phạm vi hoạt động nhỏ nhoi tại một đia phương.

c.- Không có giai cấp cán bộ tốt.

d.- Hoàn toàn có tính cách địa phương, không lối cuốn được toàn dân tham gia vào đại cuộc. Thiếu các căn cứ địa ở rải rác khắp nơi trong toàn quốc. Tình trạng này khiến cho quân địch có thể dồn toàn lực quân sự tiến đến tiêu diệt một cách hết sức dễ dàng.

Các nghĩa quân ở Yên Thế bị giặc xử chém một cách đau thương. Xem thêm bài về vụ Hà Thành Đầu Độc »

Hầu như tất cả các tổ chức này vẫn còn bám lấy tư tưởng quân chủ lỗi thời theo quan nhiệm Nho Giáo, không hề nói đến hai chữ “cách mạng”. Như vậy, vô hình chung, các tổ chức này  không thể thu hút được nhưng thành phần trí thức đã tiếp nhận được luồng sinh khí mới bắt nguồn từ  Cánh Mạng Pháp 1789 lan tràn ra khắp thế giới từ cuối thế kỷ 18.

2).- Những Lý Do Khiến Cho Các Đảng Bí Mật Yêu Nước Thất Bại

Tiêu biểu cho các đảng bí mật này là Quốc Dân Đảng dưới quyền lãnh đạo của nhà ái quốc Nguyễn Thái Học. Những lý  do khiến cho các đảng bí mật này thất bại vì họ cũng có những nhược điểm  gần giống như những nhược điểm đã nêu trên, dù rằng họ đã từ bỏ đường lối tôn quân và quân chủ theo quan niệm Ngụy Nho “quân xử thần tử,  thấn bất tử, bất trung” hay “quân tử bất sự nhi quân”, bắt đầu từ thời Hán Võ Đế (141 TTL – 87 TTL).

II. Đảng Việt Nam Quang Phục

Dù là do cụ Phan Bội Châu khởi xướng thành lập, nhưng những người lãnh đạo (Cường Để, Ngô Đình Diệm) và hầu hết các thành viên của Đảng Việt Nam Quang Phục là con chiên của Vatican. Vì thế mà  chính đảng này tự nó đã không có chính nghĩa. Lý do: (1) Vatican là thành viên của Liên Minh Xâm Lược Pháp – Vatiican đang thống trị đất nước ta lúc bấy giờ,  (2) các con chiên đều có nghĩa vụ phải tuyệt đối trung thành với Vatican và phài triệt để tuân hành lệnh truyền hay lời dạy của các đấng bề trên của họ. Một trong những lời dạy này được sách sử ghi lại với nguyên văn như sau:

"Người Công Giáo Việt Nam đừng thừa nhận quyền lực của Nhà Vua và luật pháp của nước họ. Đức Giáo Hoàng ở La Mã (Rome) mới là vị vua tối cao duy nhất của họ, họ chỉ phải tuân phục quyền lực của Tòa Thánh Vatican mà thôi.” [2]

Hơn thế nữa tổ chức này lại còn có những nhược điểm giống như những nhược điểm của các tổ chức thuộc nhóm A ở trên.

III. “Các Đảng Phái Quốc Gia” Trong Những năm 1940-1946

Giai đoạn này cần được phân tích chi tiết nhiều hơn.

Thứ nhất, vào tuần lễ thứ hai trong tháng 9/1945,  hai đảng Việt Quốc và Việt Cách đi cùng với các đạo quân Trung Hoa Quốc Dân Đảng theo hai tuyến đường từ Lao Cai và Lạng Sơn tiến vào Hà Nội. Cả Việt Quốc và Việt Cách đều dựa vào sức mạnh của các đạo quân Tàu thổ phỉ này để (1) đánh cướp chính quyền địa phương, (2) vào hùa với quân Tầu ô này để cướp của, hà hiếp nhân dân ta trên đường về tới Hà Nội.

Thứ hai là, khi vào tới Hà Nội, cà Việt Quốc và Việt Cách đều dựa vào sự hiện diện của các đoàn quân Tầu ô này gia tăng sức ép đối với  chính quyền ta  yêu sách đủ điều, vào hùa với quân tầu hà hiếp áp bức dân ta, gây nên tình thế vô cùng hỗn loạn. Trong lúc đó thì (1) ở miền Nam, quân Anh bao che cho Quân Pháp đổ bộ vào Sàigon và đánh chiếm các vùng lân cận cùng nhiều tỉnh ở miền Nam, (2) vào ngày 28/12/1945, đại diện của Tòa Thánh Vatican tại Huế ra mặt công khai chống chính quyền bằng thủ đoạn đưa Bảo Đại lên thành lập chính quyền bù nhìn làm tay sai cho Liên Minh Pháp – Vatican tái chiêm Đông Dương, (Vấn đề này đã được nói rõ trong Chương 50, sách Lịch Sử và Hồ Sơ Tội Ác của GHLM), (3) gần 2 triệu giáo dân nghe theo lời xúi giục của Vatican và bọn tu sĩ áo đen đang chuẩn bị chờ cơ hội thuận tiện nổi lên chống chính quyền. Tất cả đã làm cho đất nước đang ở trong tình thế vô cùng nguy hiểm lại càng trở nên nguy hiểm gấp bội phần.

Thứ ba, từ năm cuối năm 1946 trở về sau, có nhiều thành phần của hai chính đảng này lại cấu  kết với  Vatican hỗ trợ cho Giải Pháp Bảo Đại (do Vatican chủ xướng như đã nói ở trên) và tích cực hoạt động trong chính quyền Bảo Đại trong những năm 1948-1954 và các chính quyền miền Nam trong những năm 1954-1975, dĩ nhiên là mang trách nhiệm về những rặng núi tội ác chống lại dân ta do Giáo Hội gây ra trong thời gian 1946-1975.

nguyễn hải thần
Nguyễn Hải Thần (chủ tịch Đảng Việt Cách
- Việt Nam cách mạng đồng minh Hội
Ảnh http://tiengnoicuadan2012.blogspot.com

Để có thể có nói lên đầy đủ về những hành động bất chính của hai chính đảng này, người viết xin ghi lại một phần của Chương 6 (“Thực Chất Của Một Số Chính Đảng Chống Pháp Trong Những Năm  1930-1946”,) sách  Chân Dung Người Việt Quốc Gia như sau:

Có nhiều yếu tố đã khiến cho cả Việt Quốc và Việt Cách đều thất bại. Những yếu tố đó là:

1.- Không có những người lãnh đạo tài giỏi. Các lãnh đạo của Việt Cách và Việt Quốc đều là những người ưa thích huênh hoang phô trương thanh thế, nhưng không  có thực  tài,  đã thiếu các khả năng về chính trị, kỹ thuật tổ chức, lại cũng không có cả kinh nghiêm đấu tranh cách mạng. Vì thế mà hai đảng này mới ở trong tình trạng vừa luộm thuộm, vừa không có bộ phận điều nghiên và theo dõi  tình hình thế giới để khai thác và  hành động cho thích ứng với thời cuộc, và cũng không có những tổ chức hạ tầng cơ sở rải rác khắp nơi trên toàn lãnh thổ để khi có thời cơ thi dấy (bùng) lên khi hoàn cảnh thuận lợi.

2.- Căn bệnh tiểu tư sản và trưởng giả học làm sang. Hầu hết tất cả các ông lãnh đạo cũng như các cán bộ từ cao đến thấp và đảng viên đều ưa thích hưởng thụ, nặng tính cách làm dáng và lãng mạn. Vì cái đặc tính làm dáng và lãng mạn này mà họ gia nhập Việt Cách hay Việt Quốc hay theo cách mạng. Nếu vì lý tưởng cứu nước hay cứu dân, thì họ đã không gia nhập vào mấy đảng xôi thịt như vậy, mà phải gia nhập các chính đảng cách mạng có chủ trương rõ rệt đánh đuổi ngoại xâm để giành lại chủ quyền độc lập cho dân tộc, chứ không liên kết với những người có liên hệ chặt chẽ với Vatican hay với giới quan lại. Vì mang căn bệnh tiểu tư sản, họ lè phè, khệnh khạng và không quen với đời sống kham khổ. Vì thế họ không có khả năng chịu đựng những cảnh gian truân vất vả vào những khi cần phải chịu đựng. Tình trạng này khiến cho họ dễ dàng thoái chí và bỏ cuộc.

3.- Không có chính nghĩa hay không làm sáng tỏ chính nghĩa đánh đuổi ngoại xâm để giành lại chủ quyền độc lập cho dân tộc. Vì không có chính nghĩa, cho nên tất cả các nhân vật lãnh đạo và đảng viên của hai đảng này không có nhiệt tâm hăng say liều chết, quyết tâm nhẫn nhục, chịu khó, chịu cực để vừa học hỏi trau dồi kiến thức về chính trị, về cách mạng, về tổ chức và về kỹ thuật cách mạng đấu tranh cho đại cuộc. Vì không chịu đựng được những khó khăn và cực nhọc, cho nên họ không thể kiên trì xông pha lăn lộn vào đại khối dân nghèo khổ để giác ngộ họ và lôi cuốn họ nhập cuộc. Có thế mới tổ chức họ thành các đội ngũ làm hạ tầng cơ sở của đảng tại các địa phương. Những khối dân nghèo khổ có thể kể đến:

- (1) giới  công nhân lao động trong các đồn điền cao sư, đồn điền trà và các đồn điền cà phê ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, các công trường khai thác quặng mỏ ở  Hòn Gay, Cẩm Phả và Uông Bí (Bắc Bộ), các nhà máy kỹ nghệ ở trong các thành phố lớn như Sàigòn, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng,  và

- (2) hơn 90% anh em bần cố nông ở trong các vùng nông thôn.

4.- Không có hạ tầng cơ sở và không được đại khối  gần 99% nhân dân biết đến. Vì những lý do nêu trên, hai đảng này không được đại khối nhân dân tham gia, có nghĩa là không có thực lực hay không có lực lượng xung kích để chuẩn bị cướp chính quyền khi có thời cơ. Vì thế, các đảng phái xôi thit này mới theo chính sách "há miệng chờ sung rụng" và "cáo đội lốt hùm" hoàn toàn trông cậy vào sự sắp xếp hay lòng bố thí của các vị tướng lãnh chỉ huy các đoàn "Hoa Quân nhập Việt" của Quốc Quân Trung Hoa.Tình trạng này  của hai đảng Viết Quốc và Việt Cách trong những năm 1939-1945 giống y hệt như tình trang cúa  (1) Lê Chiêu Thống nhờ vào sức mạnh quân sự của triều đình Nhà Thanh trong những năm 1788-1789, (2) Đảng Việt Nam Quang Phục (còn gọi là Đại Việt Phục Hưng Hội)  của con chiên Cường Để và con chiên Ngô Đình Diệm dựa vào người Nhật  trong những năm trước ngày 9/3/1945, và (3) Ngô Đình Diệm và băng đảng Cần Lao dựa vào sức mạnh của Vatican và Hoa Kỳ (trong những năm 1954-1975).

Làm chính trị theo cái kiểu này được gọi làm chính trị "há miệng chờ sung rụng" . Nếu thành công, thì lại trở thành làm cái chuyện "đuổi cọp cửa trước, rước beo vào cửa sau". Đây là sự thật lịch sử không ai có thể phủ bác được.

Nói về tình trạng thê thảm của Quốc Dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Cách, sách Việt Sử Khảo Luận - Cuốn 4 ghi nhận như sau:

 “Về kinh tế, QDĐ không có một nguồn lợi kinh tế nào... Về võ khí được Trùng Khánh điện cho biết đến Bộ Tổng Tham Mưu của Lư Hán mà lãnh số võ khí của Nhật, nhưng "Tàu phù" lánh mặt... Đến khi họ sắp rút lui, mới gọi đến lãnh thì chỉ toàn là quần áo, giày, bít tất đã rách nát của quân Nhật bỏ lại mà thôi." [3]

"Các ông Việt Cách (Việt Nam Cách Mệnh Đồng  Minh Hội) ở Hoa Nam - mà ở rất xa cách nhau, tổ chức thì lỏng lẻo, tiền nong võ khí thì không, cũng như Sainteny ở Côn Minh, De Gaulle ở Paris, Tưởng Giới Thạch ở Trùng Khánh, Mountbatten ở Kandy đều không kịp trở tay. “ [4] .      

5.- Là những đứa con đỡ đầu của đạo quân Tầu ô.

Vì hoàn toàn trông cậy vào các đạo quân Quốc Quân Trung Hoa (nặng tính cách thổ phỉ ăn cướp) để đối phó với chính quyền Cách Mạng  Việt Minh (một chính quyền được toàn dân hết lòng thương mến, nhiệt liệt ủng hộ và tích cực tham gia), cho nên  đối với đại khối nhân dân, Việt Quốc và Việt Cách chỉ là những đứa con đỡ đầu của đạo quân Tầu ô thổ phỉ này,  giống như (1) băng đảng Lê Chiêu Thống là đứa con đỡ đầu của quân Thanh xâm lăng,  và (2) băng đảng Ca-tô là đứa con đỡ đầu của Liên Quân Xâm Lăng Pháp – Vatican. Cũng vì thế mà hình ảnh về hai đảng Việt Quốc và Việt Cách còn lưu lại trong lòng người dân là hình ảnh của những quân thổ phỉ ăn cướp, đúng như Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã nói:

Bọn Việt Nam Quốc Dân Đảng  do Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Tường Tam cầm đầu, đi theo Quân Đoàn 93 Vân Nam. Cũng dựa vào mũi súng của quân Tưởng, chúng tới đâu là tìm cách lật đổ chính quyền của nhân dân ta tại đó. Chúng lập trụ sở, tập họp bọn phản động ở địa phương, quấy nhiễu, phá phách, cướp của giết người. Thầy nào tớ ấy, bọn quân ô hợp của Long Vân hoạt động giống y như những tên thổ phỉ.” [5]  

Rõ ràng là Việt Quốc và Việt Cách hoàn toàn không có tinh thần dân tộc và không có lòng thương dân như Mạc Ngọc Liến đã để lại di ngôn cho Mạc Kính Cung như sau:

 “Nay họ Lê lại dấy lên được, ấy là số trời đã định; còn dân ta thì có tội gì, mà ta nỡ để khổ sở mãi về việc chiến tranh? Vậy ta nên đành phận lánh mình, chứ đừng có đem lòng cạnh tranh mà lại mời người Tàu sang làm hại dân nước minh.” [6]

Thực trạng này tất nhiên đưa đến hậu quả tiêu cực. Khi gần hai trăm ngàn Quốc Quân Trung Hoa phải rút về Tầu, thì cả Việt Quốc lẫn Việt Cách đều rơi vào tình trạng rã ngũ tan hàng. Một phần cuốn gói chạy theo đoàn quân Tầu ô thổ phỉ ăn cướp này sang Tầu sống lưu vong, một phần chạy sang hàng ngũ liên quân xâm lược Pháp – Vatican và chống lại đất nước và dân tộc ta, một phần còn có lương tâm và liêm sỉ, trở về với nhân dân  cùng với nhân dân chìm nổi với quề hương.

6.- Các lãnh tụ và thành viên của Việt Cách và Việt Quốc đều không biết gì về lịch sử thế giới, lịch sử Giáo Hội La Mã và về lịch sử Việt Nam trong thời cận và hiện đại. Vì  thế cho nên họ không biết rằng:

a.- Chính Giáo Hội La Mã vận động Pháp liên kết nhau thành một liên minh chính trị (bất thành văn), rồi xuất quân đánh chiếm Đông Dương làm thuộc địa để cùng thống trị, và cùng  cướp đoạt tài nguyên của đất nước ta.

b.- Vai trò của Vatican ở đàng sau Việt Nam Quang Phục hay Đại Việt Phục Hưng Hội.

c.- Chính Giáo Hội La Mã đề cử cựu Linh-muc Thierry d’ Argenlieu đảm trách việc tái chiếm Đông Dương.

d.- Không biết  hay biết mà vẫn tích cực và nhiệt liệt ủng hộ Giải Pháp Bảo Đại do Vatican chủ trương và được công khai hóa vào ngày 28/12/1945  qua lời tuyên bố của người đại diện của Vatican tại Huế là Giám Mục Antoni Drapier Sách  Việt Nam Niên Biểu 1939-1975 (Tập A: 1939-1946) viết:

"Ngày 28/12/1945: Huế:Tổng Giám Mục Antoni Drapier, đại diện Roma, tuyên bố: Gia đình Bảo Đại là gia đình thân Pháp bậc nhất trong dân chúng Việt Nam (la plus francophile de tous les annmites) và theo ý ông ta, nên cho Bảo Đại lên ngôi như trước ngày 9/3 (À mon avis, il serait avantageux pour le calm de rétablir le Roi comme chef régulier avant le 9 mars; DOM [aix], CP 125). Drapier cũng đưa ra giải pháp là có thể sau đó sẽ cho Bảo Long kế vị, và Nam Phương làm Giám Quốc [Phụ Chính].”[7]  

Sách sử cũng ghi rõ ràng rằng, đảng Việt Quốc tích cực ủng hộ đề nghị gian manh trên đây của Giáo Hội La Mã với nguyên văn như sau:

"Nhóm Quốc Dân Đảng (của Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, Nguyễn Tường Tam, v.v...) đòi thành lập ngay một Chính Phủ Liên Hiệp Kháng Chiến với Vĩnh Thụy làm chủ tịch. Nhiều cuộc biểu tình được tổ chức trước nhà  Vĩnh Thụy ở Đường Gambetta cũ, hoan hô cố vấn và đòi ông ra cầm quyền." [8]  

Cũng vì quát dốt nát về lịch sử thế giới, chính đảng này còn bênh vực Vatican qua việc lên án và chỉ trích thậm tệ chính quyền Việt Minh dùng biện pháp mạnh để đối phó với Vatican. Thực trạng thê thảm này được ông Nghiêm Kế Tổ, một thành viên quan trọng trong Việt Quốc, nói rõ trong tác phẩm Việt Nam Máu Lửa nơi trang 89  với nguyên văn như sau:

“Đối với Giáo Hội Gia-tô, lực lượng mạnh mẽ có tổ chức chặt chẽ, Việt Minh cũng không tha. Khẩu hiệu  thì Lương giáo đoàn kết, nhưng được thực hiện bằng cấm mở trường thần học của Giáo Hội, bằng đổ lỗi cho các cha cố đã làm gián điệp cho ngoại bang, ép họ vào tội tàng trữ khi bất hợp pháp...” [9]

Nói tóm lại, các nhân vật lãnh đạo và các thành viên của hai chính đảng Việt Quốc và Việt Cách đều là những “chính khách phòng trà" (chính khách salon). Họ là những nhà cách mạng tài tử, mang nặng tính cách lãng mạn, quen với nếp sống phong lưu, mưa không đến mặt, nắng không tới đầu. Họ không chịu dấn thân lăn lộn đi sâu vào đại khối nông dân và công nhân lao động nghèo khổ để tìm hiểu tình cảnh của họ, hầu có thể lôi cuốn họ nhập cuộc. Vì thế mà, các chính đảng này không có hạ tầng cơ sở và cũng không có các lưc lượng xung kích. Đây là những yếu kém chung của các "đảng phái Quốc Gia" mà điển hình là hai chính đảng  Việt Quốc và Việt Cách.

Những cái không biết trên đây của Việt Quốc và Việt Cách giống y như những cái không biết của các đảng Đại Việt thân Nhật và Việt Nam Quang Phục Hội hay Đại Việt Phục Hưng Hội.

Về mục tiêu tranh đấu, họ chỉ học lóm được một số những cụm từ rỗng tuếch lấy từ cương lĩnh của Quốc Dân Đảng Trung Hoa, đại khái như  “Tam Dân Chủ Nghĩa”, “dân tộc độc lập, dân sinh hạnh phúc, dân quyền tự do” và các giai đoạn thực thi cách mạng như  “quân chính, huấn chính và hiến chính”. Những cụm từ này được họ nói suông, nói cho sướng miệng,  làm ra vẻ họ là những nhà cách mạng chuyên nghiệp. Trong thực tế, họ không có chủ tâm tranh đấu để đạt được mục tiêu đã đề ra. Vì thế,  họ chằng bao giờ  dồn nỗ lực vào việc điều nghiên tìm ra những phương cách hay kế sách hành động cho có hiệu quả để đạt được mục đích mà họ đã đề ra và theo đuổi.

Kết Luận: Với tình trạng như trên, ta có thể nói các nhân vật lãnh đạo và các thành phần đảng viên của các đảng Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt (còn gọi là đảng quan lại) là những thành phần xuất thân từ giai cấp giầu có, quan liêu, thư lại, mang nặng các đặc tính của giai cấp tiểu tư sản và trưởng giả học làm sang, sợ khó, sợ khổ. Họ không thể chịu đựng được những khó khăn,  cực nhọc, gian truân giống như những người  nghĩa quân kháng chiến trong các tổ chức nghĩa quân của các cụ Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Mai Xuân Thưởng, Nguyễn Thiện Thuật, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, v.v... Vì thế mà khi Nhật đầu hàng Đồng Minh vào ngày 15/8/1945, các đảng cách mạng này không có một đội quân xung kích nào nhẩy lên cướp chính quyền dù rằng tình hình Việt Nam ở vào thời điểm này là cơ hội bằng vàng để chớp lấy mà xông lên giành lấy thắng lợi về cho họ.

Trong khi đó thì Mặt Trận Việt Minh có hệ thống tổ chức đảng rất là chu đáo, có bộ phận điều nghiên tình hình thế giới và theo dõi thời cuộc, luôn luôn nắm vũng được thời cơ để sẵn sàng ra lệnh cho các chi bộ nằm tiềm phục ở khắp nơi trong nước cùng tổng nổi dậy cướp chính quyền ngay khi chính quyền tại chính quốc Nhật đầu hàng đồng Minh vào ngày 15/8/1945. Nhờ vậy mà họ đã làm nên lịch sử:

“Chỉ có Hồ Chí Minh đang chiếm vùng Việt Bắc, là có thể nhanh chân, với sự ủng hộ của OSS Mỹ, chớp thời cơ về Hà Nội trước cướp được chính quyền.[10]

Nói về những nhược điểm của Việt Quốc và Việt Cách, Người trong chăn” là ông Nguyễn Tường Bách (em ruột ông Nguyễn Tường Tam), một nhân vật quan trọng trong Đảng Việt Quốc  ghi nhận như sau:

Tháng 8.1945, Việt Minh cướp chính quyền. Cùng với VN Cách Mệnh Đồng Minh Hội, VN Quốc Dân Đảng xuất hiện đấu tranh công khai. Tôi là ủy viên trung ương, phụ trách tờ Việt Nam để tuyên truyền chống CS. Mặt khác, tôi tổ chức Quốc gia Thanh niên Đoàn. Tháng 6/1946, Việt Minh tăng cường áp lực. Sau khi cầm cự lối nửa năm, đảng trưởng Vũ Hồng Khanh, tôi và Lê Khang, trong Bộ Chỉ huy, phải rút lên Việt Trì, rồi Yên Báy và Lào Kay. Lực lượng Đệ tam khu lúc đó gồm có lối một nghìn người: hai, ba trăm chí nguyện quân từ Trung Hoa về, cộng với một số cựu lính khố xanh của Pháp, võ trang khá thô sơ. Thành phần kể sau không có ý chí tranh đấu mạnh. Phía ta không có đài phát thanh, thiếu phương tiện quảng bá, chỉ có tờ báo Việt Nam. Quân ta đóng chốt tại các tỉnh lỵ nên bị Việt Minh bao vây.  

Việt Minh không đông nhưng có ảnh hưởng mạnh quần chúng vi họ có tổ chức, biết đoạt thời cơ, tuyên truyền sâu rộng và lôi cuốn đồng bào với các chiêu bài ăn khách như đả thực, chống đế quốc và áp bức. Phía quốc gia xích mích nội bộ, chủ quan, coi thường đảng CS và đặt hết niềm tin vào sự hỗ trợ của quân đội Trung hoa nên thua là phải. Tháng 7/1945, khi hay tin Việt Minh nhóm đại hội tại Thái Nguyên và Nhật bản sắp đầu hàng, cánh quốc gia đã không tổng hành động kịp thời, tiến tới khởi nghĩa. Bị kẹt giữa Pháp và Việt Minh, các đảng quốc gia không chiếm được địa bàn đủ rộng và không có đủ sức chống lại hai thế lực đó từ Nam ra Bắc.”[11] .

Trong cuốn Việt Nam 1945-1995, Giáo-sư Lê Xuân Khoa cũng nói rõ những nhược điểm của các Đảng Việt Quốc, Việt Cách (Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội) đảng Đại Việt và các chính đảng khác như sau:

"...Ngòai ra, VNQDĐ và VMCMĐMH là những đoàn thể cách mạng lưu vong ở Trung Hoa lâu đời và không có cơ sở họat động ở trong nước, do đó không có hậu thuẫn nhân dân. Riêng việc đi theo quân Tầu về để giành lấy chính quyền đã là một bất lợi chính trị rất lớn cho hai đảng này. Hồ Chí Minh trước đó cũng đã nhờ Trương Phát Khuê và Tiêu Văn giúp cho về nước với danh nghĩa VNCMĐMH mà Việt Minh là một thành viên, nhưng ông đã tẩy xóa được hình tích đó. Tổ chức chính trị đáng kể  họat động ở trong nước lúc bấy giờ là Đảng Đại Việt lại chia thành hai ba nhóm và không có thực lực để tiếp tay cho hai đảng quốc gia từ hải ngoại. Tất cả những đảng phái này, mặc dù hợp tác với nhau để cùng đối phó với đảng cộng sản, vẫn có những tị hiềm giữa cá nhân các lãnh tụ, vì vậy không có được một bộ máy chỉ đạo nhất trí và có kỷ luật như Mặt Trận Việt Minh. Chính vì sự chia rẽ giữa các lãnh tụ quốc gia mà VNCMĐMH đã gần như tan rã từ khi còn ở Liễu Châu, Trung Quốc, để cho Hồ Chí Minh được Trương Phát Khuê giao cho tổ chức lại VNCMĐMH và có cơ hội củng cố lực lượng Việt Minh ở trong nước....”[12]

Cái  gương về  thảm họa làm chính trị theo kế sách "há miệng chờ sung rụng" như Lê Chiêu Thống trông cậy vào nhà Thanh  hồi năm 1788-1789 cũng như cái gương của  Đảng Ca-tô Việt Nam Quang Phục của các ông Ca-tô Cường Để và Ngô Đình Diệm trong những năm trong thời Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945) trông cậy vào người Nhật còn rành rành trong sách sử  và  còn rõ mồn một trong trí nhớ người dân. Ấy thế mà các đảng Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt và các chính đảng khác  vẫn không học được bài học này. 

Cũng may là Lê Chiêu Thống, Việt Nam Quang Phục của Cường Để và Ngô Đình Diệm (thời trước năm 1945), Việt Quốc, Việt Cách và Đại Việt đều thất bại. Nếu họ thành công, thì chắc chắn là dân tộc và tổ quốc Việt Nam lại rơi vào cái cảnh "tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa" và lịch sử sẽ kết án họ vì quyền lợi riêng mà đã "rước voi về giày mã tổ". Hành động phản quốc của tên bạo chúa phản thần Ngô Đình Diệm thành công trong việc rước hai con voi Vatican và Hoa Kỳ về thay thế cho Liên Minh Pháp - Vatican để tiếp tục giày mả tổ Việt Nam trong những năm 1954-1975 là bằng chứng rõ ràng nhất cho sự kiện này. Chính vì thế mà sách sử mới khẳng định rằng Ngô Đình Diệm là một trong số 100 tên bạo chúa độc ác trong lịch sử nhân loại.[13]

__________________________

CHÚ THÍCH

[1] Nigel Cawthorne, Tyrants History’s 100 Most Evil Despots & Dictators (London: Arcturus, 2004), p. 146.

[2] Nguyễn Xuân Thọ, Bước Mở Đầu Của Sự Thiết Lập Thuộc Địa Pháp ở Việt Nam 1858–1897 (Saint Raphael, Pháp: TXB, 1995), tr.17.

[3] Hoàng Cơ Thụy, Việt Sử Khảo Luận – Cuốn 4 (Paris: Nam Á, 2002),  tr. 2029.

[4] Hoàng Cơ Thụy, Sđd., tr. 1964.

[5] Nguyên Giáp – Hữu Mai thực hiện, Những Năm Tháng Không Thể Quên (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Quân Đội Nhân Dân, 2001), tr. 33.

[6] Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược (Hà Nôi: Nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin, 2006), tr 303-304.

[7] Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu 1939-1975 (Tập A: 1939-1946) (Houston, TX: Văn Hóa, 1997), tr 295.

[8] Hoàng Cơ Thụy, Sđd.,, tr. 2076. 

[9] Nghiêm Kế Tổ, Việt Nam Máu Lửa  (Los Alamitos, CA: Xuân Thu, 1989), tr. 89.

[10] Hoàng Cơ Thụy, Sđd., tr. 1964.

[11] Nguồn: Tạp Chí Cách Mạng Số 52 Của Đại Việt Cách Mạng Đảng (www.daiviet.org) Ngày 29/6/2006

[12] Lê Xuân Khoa, Việt Nam 1945-1995  - Tập I (Bethesda, MD, Tiên Rồng, 2004)., tr. 71-74.

 

________________________

Xem bài kế tiếp: "Những Lý Do Khiến Cho Miền Nam Thất Bại" (sẽ đăng sau)