Thời Bi Tráng

- tiểu thuyết -

Nguyễn Văn Thịnh

 

CHƯƠNG CHÍN

Những ngày đầu một năm mới căng thẳng và ảm đạm trong giới chóp bu trước nguồn tin mới nhất: Tổng Thống Mỹ cử viên tướng bốn sao làm đặc sứ mang tối hậu thư tới Sài Gòn. Dù bít kín trong bao nhưng điều cốt yếu vẫn xì dò ra: Nếu Thiệu còn ương ngạnh thì Washington không nhân nhượng nữa. Họ sẽ ký hiệp định riêng với phía bên kia. Khi ấy sẽ lộ rõ ra ai cản trở hòa bình? Kết quả sẽ là sự chấm dứt đáng tiếc không thể tránh khỏi về nhiều mặt! Đó không còn là lời đe dọa. Chuyện gì đã xảy ra với một ông chủ có toàn quyền, mọi người từng biết!

Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở miền Nam Việt Nam, được bốn bên liên quan đồng ký.

Khi những người đại diện chưa rời Hội trường trung tâm của khách sạn Hoàng Gia trên đại lộ Kléber thì ở Sài Gòn, Tổng Thống Việt Nam cộng hòa đã lắc đầu, xua tay, công khai tuyên bố bốn không: Không hòa bình – Không liên hiệp – Không đối lập và Không chịu để mất một mảnh đất nào! Thực ra, quân đội cộng hòa đã được lệnh thực thi chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ” từ trước đó. Cờ quốc gia theo lính hành quân phơ phất khắp nơi: ngoài bờ ruộng, trên cây, trước sân, vẽ cả trên mỗi nóc nhà tôn. Chỗ nào có cờ là đất của quốc gia. Việt cộng làm sao chơi lại? Bà Nguyễn Thị Bình trả đũa: Nơi nào có tiếng đạn bom của các ông là lãnh địa của Mặt trận giải phóng. Chớ đất của quốc gia thì quân các ông hà cớ chi nổ súng?!

Ông Mười bí mật vào thành, gặp từng nội tuyến. Ông giáo Phú nhận định:

- Tuy giới cầm quyền có hoang mang nhưng họ còn tin vào những lời hứa hẹn của Nixon. Họ vẫn nghĩ miền Nam không thể bị bỏ rơi, cụ thể năm nay còn được nhận hai tỷ mốt Dollar viện trợ. Không ít người vẫn hy vọng dựa vào viện trợ Mỹ, quân lực Việt Nam cộng hòa sẽ được vực dậy, phía bên kia không làm gì nổi.

Vẫn tác phong điềm tĩnh, chậm rãi của người từng trải và bản lĩnh, ông Mười phân tích:

- Hiệp định có nhiều khoản, nhiều điều, nhưng cốt lõi là: Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta được quốc tế tôn trọng. Hoa Kỳ ngưng mọi hoạt động quân sự ở Việt Nam, đồng thời rút hết quân đội, cố vấn và sẽ không tiếp tục dính líu quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam. Không có chuyện miền Bắc rút quân. Lực lượng quân sự hai bên ở miền Nam án binh tại chỗ xen nhau như hình da báo. Mọi chuyện ở miền Nam là việc nội bộ do người Việt Nam cùng giải quyết. Vấn đề còn lại của ta là không để cho quân Mỹ viện bất cứ lý do gì để ỳ lại ở miền Nam và ở đây, các lực lượng yêu chuộng hòa bình và hòa hợp dân tộc phát triển nhanh và mạnh, hợp tác chặt chẽ với Mặt trận dân tộc giải phóng thành một lực lượng thống nhất, cô lập và áp đảo thế lực hiếu chiến bấy lâu nay đã gắn chặt với ngoại bang. Bây giờ là lúc ta phải mau chóng xây dựng lực lượng thứ ba đa dạng, đặc biệt là giới trí thức thành thị. “Chấn dân khí”đúng là lúc này đây!Những hoạt động phong phú của những người trí thức sẽ thức tỉnh tinh thần dân tộc và dấy lên lòng yêu nước ở mọi người.

Lúc này ông giáo mới hiểu vì sao khi hai bên trao trả tù binh, Thủy Tiên đã không chịu ở lại vùng giải phóng. Cô khăng khăng nhận chỉ là người yêu nước hoạt động tự phát trong giới sinh viên nên phải để cô ở lại Sài Gòn. Chuyện rắc rối mãi rồi nhà cầm quyền cũng đành chịu vậy. Ông bà Phú vì thương cháu nên không muốn cô ở lại thành phố bởi mình đã có tiền sự với người ta, chuyện gì sẽ xảy ra, sao lường trước được.

Sau ngày có Hiệp định, Văn Khoa với Bích Liên từ Paris bay về để gặp Thủy Tiên. Văn Khoa xoay được tấm thẻ Ký giả tự do của một tờ báo Pháp. Anh có mặt ở Hà Nội, bên bờ sông Thạch Hãn và Lộc Ninh, viết bài về trao trả tù binh. Anh thất vọng vì không thấy Thủy Tiên đâu. Nhận được tin của Bích Liên báo Thủy Tiên đang ở Sài Gòn, anh không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Ngày gặp bạn, anh cứ rối rít cả lên:

- Thật sự tôi không hiểu gì về cuộc chiến này. Ai là thù và ai là bạn?

Thủy Tiên cười:

- Kẻ thù là loài qủy dữ ngoại bang và những ai bán linh hồn cho qủy. Bạn là những người trong tim còn mang dòng máu Việt Nam và những ai yêu chuộng tự do, công lý.

Anh xúc động so sánh tù binh của ba phía trong ngày trao trả:

- Cũng là người Việt Nam của hai phía đánh nhau bị bắt vào tù. Xem về số lượng và mức độ tàn phế của những người tù thì bên giải phóng đông hơn nhiều, tới hơn ba chục ngàn người với những thân hình tàn tạ đáng thương lắm nhưng họ tỏ rõ khí phách của người chiến thắng kết thành một khối trở về đội ngũ chiến đấu của mình. Một bên thì trái lại, có hơn sáu ngàn người thôi với những khuôn mặt gượng gạo, từng tốp người rời rạc và những bước đi lạc lõng.

- Thế còn lính Mỹ? Bích Liên tò mò.

Anh Văn Khoa gật gù, trầm ngâm như một triết nhân:

- Ngồi tù mà họ không mất đi dáng dấp của lính công tử hoặc dân quí tộc. Gần sáu trăm tù binh thì hơn một trăm trao trả ở Lộc Ninh, còn hơn bốn trăm là những sỹ quan phi công bị bắt khi mang bom dội xuống đầu người ta bất kể người già, trẻ con hay phụ nữ. Họ không hồng hào tươi tốt như đồng đội của họ đến đón nhưng trông còn phong độ và khỏe mạnh hơn cả những sỹ quan và binh lính từng bắt và nuôi giữ họ. Ở phía Nam thì mỗi người được mặc bộ đồ bà ba khăn rằn tươm tất, nón tai bèo, dép râu và mang theo cây đèn dầu dã chiến. Ở phía Bắc thì khá hơn, mỗi người được đóng bộ civil vừa khổ, khoác áo ấm, mang giày da, túi xách trong chứa lỉnh kỉnh những kỷ vật: dép lốp, mũ rơm, mũ cối, quạt nan, mành trúc, tranh Đông hồ, bánh chưng… Một người giơ ra khoe chiếc ví cá nhân anh ta mang trong người từ ngày bị bắt tám năm về trước vẫn còn nguyên vẹn giấy tờ tùy thân, ảnh vợ con và cả một ít Dollar. Họ không lộ rõ vẻ vui buồn. Trước mắt họ hài lòng vì thoát chết, thoát cảnh tù giam vô vọng. Còn vương một nét gì đó của sự đắng cay nhưng không ra vẻ hận thù.

Mọi người mải nghe anh kể rồi ngồi lặng yên. Ông giáo Phú giơ lên tờ nhật báo với tít đề lớn và đậm nét: Ngày 27 tháng 3 năm 1973, tại sân bay Tân Sơn Nhất, tướng bốn sao Tổng tư lệnh liên quân Frederick Weyand và những sỹ quan cuối cùng của quân lực Hoa Kỳ rời khỏi Việt Nam. Kèm theo là tấm hình những viên sỹ quan cao lớn tay xách nách mang uể oải bước lên cầu thang, chui tọt vào lòng chiếc máy bay đề chữ U.S. AIR FORCE trước sự chứng kiến của những sỹ quan nhỏ bé của các lực lượng kháng chiến Việt Nam, đã làm tan đi không khí trầm lắng đó. Ông trang nghiêm nói như lúc đứng trên bục giảng:

- Lịch sử dân tộc mình lạ lắm. Bao nhiêu lần giặc đến mạnh như vũ bão mà tan cũng cấp kỳ. Người thắng chỉ cần đòi lại được vật gia bảo của mình – đó là chủ quyền dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, dù cho nhà cửa tan hoang. Kẻ thua lui gót trong sự tống tiễn hoan hỉ của  chủ nhà – Ông đọc một khúc trong Bình Ngô đại cáo:

Trời thử lòng trao cho mệnh lớn

Ta gắng trí khắc phục gian nan

Nhân dân bốn cõi một nhà,

                               dựng cần trúc ngọn cờ phất phới

Tướng sỹ một lòng phụ tử,

                               hòa nước sông chén rượu ngọt ngào

Thế trận xuất kỳ, lấy yếu thắng mạnh

Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn

          Lấy chí nhân để thay cường bạo…

Nét mặt hân hoan cảm xúc của ông lan sang mọi người.

Văn Khoa cảm động nắm tay Thủy Tiên:

- Anh đã lấy được bằng Tiến sỹ kinh tế học. Bây giờ anh muốn được em giao cho một việc gì vừa để giúp em, vừa khỏi phải xa em!

Thủy Tiên nép vào người bạn trai tin tưởng.

Thủy Tiên làm cô giáo dạy Văn ở trường tư thục Cổ Loa của ông giáo Kiến. Theo nghề dạy vừa có nhiều thời gian hoạt động, vừa có chỗ đứng nói và gây ảnh hưởng với quần chúng để tuyên truyền và được bảo vệ. Cô tham gia tổ chức Ủy ban phụ nữ đòi quyền sống.

- Cái Ủy ban ấy làm được những chuyện gì ? – Văn Khoa tỏ sự nghi ngờ.

- Trời ơi! Anh sống độc thân suốt đời thôi. Trên đời này có điều gì mà không liên quan đến đời sống của người phụ nữ đâu? Chiến tranh, chết chóc, điêu tàn, tù đày, tan vỡ… làm sao người phụ nữ ở yên được chớ? Phụ nữ phải được sống trong sự yên bình. Chỉ có chấm dứt chiến tranh, người phụ nữ mới yên tâm về chồng, về con, mới có hạnh phúc gia đình thật sự. Phụ nữ là người thiết tha với hòa bình hơn ai hết. Thực chất quyền sống của phụ nữ lúc này là hòa bình. Anh có ủng hộ không?

- Nhưng em nói có ai nghe không?

- Ông bà ta nói: “Ở phải cái phải nó theo”. Trước hết người trong nhà mình nói có lọt được vào lỗ tai nhau không đã? Thủ lĩnh của em là bà Ngô Bá Thành – một vị Giáo sư Tiến sỹ luật học rất giỏi và có lương tâm, được giới trí thức và sinh viên kính nể! Bà hoạt động nghề nghiệp nhiều năm ở Pháp, Anh và Mỹ, rất có tín nhiệm. Nhưng bà từ bỏ cuộc sống yên bình và mộng giàu sang, về nước, tích cực tham gia các phong trào đòi hòa bình cho xứ sở và quyền sống của người phụ nữ Việt Nam. Bà là người sáng lập đồng thời là linh hồn của phong trào và cũng là người phụ nữ trí thức tiêu biểu của thành phố hiện nay. Bà công khai đấu tranh trực diện quyết liệt lắm. Những lý lẽ bà đưa ra, nhà cầm quyền không bắt bẻ gì được. Nhưng họ vu cáo để bắt giam, cách ly bà ra khỏi phong trào yêu nước. Trong tù bà đã rút guốc đập nát tấm hình tên Tổng Thống bán nước. Tòa án binh kết án bà 5 năm tù vì tội phá rối trị an, lập hội bất hợp pháp, oa trữ tài liệu, ấn phẩm làm suy yếu tinh thần chiến đấu của quân đội. Em đã được sống chung với bà ở các nhà tù Chí Hòa, Thủ Đức, Tân Hiệp… Sức bà yếu nhưng nghị lực của bà như thép, bọn cai ngục ở đâu cũng phải nể phục. Tiếng nói của bà có sức cảm hóa với cả những vị chức sắc tôn giáo và những trí thức còn mơ hồ muốn tách mình ra ngoài cuộc. Chị em nữ tù coi bà là một tấm gương sáng về tinh thần đấu tranh thông minh, trí tuệ và bất khuất. Em coi bà như người thầy thần tượng. Giá mà có thật nhiều người trí thức biết hiến dâng như bà thì đất nước mình càng mau hòa bình thống nhất.

Văn Khoa xịu mặt xuống :

- Nhưng người ta có tin tôi không?

- Mình có làm thì người ta mới biết mà tin chớ!

- Tôi nghe nói cộng sản đố kỵ khắt khe lắm. Họ không tin ai ngoài người thuộc giai cấp họ!

- Người nọ đố kỵ người kia. Cứ đứng mà so đo ngại ngùng thì chẳng làm được gì. Mỗi người hãy xếp lại định kiến về nhau để nhìn hiện tình đất nước. Những người yêu nước chống ngoại xâm không phải tất cả đều là cộng sản. Tại sao ta không ngồi lại với nhau bàn chuyện hòa hợp, hòa giải sau bao nhiêu năm sống trong nghi ngờ đối kháng để cho dân tình điêu linh, đất nước chia lìa?

- Liệu tôi sẽ làm được điều gì ?

- Trong giới trí thức còn không ít người tự coi là thức thời vì chẳng theo ai! Họ có thấy một thực tế là đất nước mình bao nhiêu năm dưới sự thống trị của ngoại bang và cũng bấy nhiêu năm lớp hậu sinh vẫn tiếp bước tiền nhân không ngại hy sinh, quyết đấu tranh đòi chủ quyền dân tộc và thống nhất đất nước? Người trí thức có lương tâm mà sao dửng dưng được trước thời cuộc như thế mãi? Anh quen nhiều người trong giới ấy. Anh hãy nói sao để họ bỏ đi cái vỏ bọc trung lập mơ hồ, có thái độ dứt khoát tẩy chay cái chính quyền bợ đỡ ngoại bang phản dân hại nước này và sẵn sàng gia nhập lực lượng thứ ba, hợp tác với Mặt trận và Liên minh để thành lập một Chính phủ liên hiệp ba thành phầnnay mai. Với vai trò phóng viên, anh viết bài vạch trần âm mưu của người Mỹ đứng sau phá đám và tội ác của bọn người vong quốc chỉ biết lợi ích của riêng mình.

- Nhưng liệu có bị người ta làm rầy rà liên lụy hay không?

- Đụng tới nhà cầm quyền đương nhiên họ chẳng chịu để mình yên đâu. Còn tới mức độ nào thì làm sao em biết được? Có điều là mình dám chịu nổi không?

Văn Khoa suy nghĩ hồi lâu, trả lời từ tốn :         

- Dù sao giữa tôi với bên kia còn cách nhau một cái hố sâu. Phải có thời gian để cho hai phía hiểu nhau. Trước hết anh có thể làm những việc nào em cần đến.

Thủy Tiên cười :

- Mấy anh trí thức ăn cơm tây nhiều đa nghi qúa. Em cũng có phải là người của họ đâu. Nhưng thấy việc gì phải mà làm được là em xông vào. Anh có thấy chiến tranh liên miên, toàn đàn ông con trai chết trận, bao nhiêu goá phụ với bầy con nheo nhóc đang đói lả, bao nhiêu người già không nơi nương tựa đang âm thầm mòn mỏi trong các xóm vắng nhà hoang. Từ Trung phần tới miệt Lục tỉnh, tuy là đã có hiệp định hoà bình nhưng vẫn ngập tràn khói lửa, tang thương. Người ta vẫn chết. Người đói nhiều hơn! Liệu đất nước này sẽ tới đâu?

Văn Khoa được người bạn gái động viên, anh mạnh dạn dần lên trong công việc. Bác giáo và anh phối hợp với nhau làm được nhiều việc hữu ích. Nhận được những nguồn tin gốc từ bên Pháp, Mỹ, anh đều thông báo kịp thời cho bác. Những tin tức từ nghị trường bác cung cấp cho anh kịp thời đưa lên mặt báo khắp nơi. Cảnh sát và giới ký giả trong nước đều nhẵn mặt anh.

Một ngày cuối tháng Chín năm 1974, anh dự cuộc ra mắt của Mặt trận nhân dân cứu đói tại một ngôi chùa ở ngay quận Nhất. Trước mặt cả chục ngàn người, một nữ dân biểu xinh đẹp, tha thướt trong chiếc áo dài truyền thống, đã vén tay áo lên, bình thản dùng dao chích cho một dòng máu chảy vào một cái ly trên tay một nữ sinh phụ hứng. Với cây bút lông, tay tiên bão táp mưa sa viết nên dòng chữ máu trên mảnh lụa trắng cùng lúc một giọng Huế ngọt ngào vang lên lời tuyên chiến: Vì tự do, cơm áo và hoà bình của đồng bào. Chúng tôi đòi Tổng thống Thiệu phải từ chức! Còn hơn cái tát vào mặt kẻ phương diện quốc gia kia! Ngay lập tức, giới truyền thông tung ra toàn thế giới.

Ngày Ký giả đi ăn mày 10 tháng mười, Văn Khoa cũng đội nón lá, vai đeo bị cói, tay chống gậy đi bộ lẫn lộn trong đám hàng trăm ký giả với hàng ngàn người hưởng ứng từ công trường Lam Sơn tới chợ Bến Thành, vào dảo quanh khắp chợ. Bị của người nào người nấy đều căng phồng lên đủ thứ quà của dân chúng nồng nhiệt bố thí cho ký giả thất nghiệp vì một sắc luật khắt khe của nhà cầm quyền. Tối về, anh thật vui khoe với Thủy Tiên một việc làm đầy ý nghĩa của mình vì anh biết trong đám đông ấy có không ít người của phía bên kia. Sáng hôm sau anh có mặt sớm ở trụ sở Hạ nghị viện để phát huy thắng lợi. Nhưng lần này bị cảnh sát đàn áp thẳng tay.

Thủy Tiên tất tả vào bệnh viện Grall thăm anh. Văn Khoa mặt mày xây xát, nằm trên giường đang nói chuyện với bác giáo và một người bạn. Nhưng khi thấy Thủy Tiên xuất hiện, anh cảm thấy ngượng, vội quay mặt vào tường. Thủy Tiên tưởng anh đau đớn, cô cúi xuống vuốt tóc và lướt nhẹ môi trên má anh, an ủi :

- Anh bị thương ở chỗ nào? Có đau đớn lắm không?

Anh không trả lời mà lại giơ tay lên che mặt. Bác giáo cười kín đáo. Anh bạn mặt tỉnh bơ, nhìn cô gái đầy ý nghĩa :

- Bọn này phản phúc lắm. Nó nhằm thẳng vào “phủ đầu rồng”của người ta mà tấn công mới man rợ chớ!

Thủy Tiên dướn mắt lên nhìn hai người, rồi cũng hiểu ra. Mặt cô đỏ dừ lên, lặng lẽ ngồi xa ra, không dám hỏi han thêm một câu nào. Văn Khoa vẫn nằm yên cho tới lúc có một người lạ mặt đeo kiếng đen to tướng xuất hiện. Y đứng giữa phòng, cất tiếng oang oang hỏi trống không:

- Tôi hỏi ông Vũ Văn Khoa?

Điệu bộ ấy, mọi người đều đoán biết y là ai và đấy chỉ là câu hỏi chiếu lệ thôi vì không đợi có sự đáp lời, y tiến thẳng tới đầu giường người bệnh, đưa ra chiếc phong bì:

- Ông có quốc tích Pháp? Chỗ đau của ông sẽ hết trong vài ngày. Ông có lệnh phải rời khỏi Sài Gòn không qúa bảy ngày kể từ hôm nay!

Văn Khoa ngồi bật dậy:

- Tôi còn có quốc tịch Việt Nam !

Y cười khẩy:

- Nếu ông nhận quốc tịch Việt Nam thì chúng tôi càng dễ xử! – Y ném toạch chiếc phong bì xuống giường người bệnh và vênh vác đi ra.

Thủy Tiên nhìn Văn Khoa với ánh mắt dịu dàng, thương mến. Còn anh thì buồn rười rượi. Anh bạn lắc đầu tỏ ý bất lực :

- Không đùa dai với bọn này được đâu!

Trên đường về, ngồi trên xe, bác giáo hỏi cháu:

- Nó thương cháu lắm nên mới lăn vào cuộc?

- Cháu cũng cảm thấy như thế nhưng chưa dám nói thật với anh ấy!

- Bác tin là dù có phải đi nhưng nó vẫn chờ cháu đấy! Anh ta là người chân thật.

Thủy Tiên như nén lại điều gì, hồi lâu mới nói: 

- Bác ơi! Cháu coi bác như cha. Những ngày trong tù, chúng nó làm cho cháu không có khả năng sinh nở nữa! – Cô dụi vào vai bác, nước mắt đầm đìa.

Một tay nắm vô lăng xe, một tay ông giáo vỗ về an ủi cháu:

- Bác thật không ngờ sự đời tai nghiệt thế!

Thủy Tiên lấy lại sự bình tĩnh và nói ra một điều cô vẫn thao thức trong lòng:

- Cháu nghĩ sự thể như thế lại hay. Dù sao anh ấy vào cuộc cũng chưa được chuẩn bị kỹ càng.

Ông giáo nhìn đứa cháu gái gặp nghịch cảnh từ tuổi ấu thơ, cảm nhận một điều gì đó con bé chưa nói hết ra.

Nhân Tín và anh Chu cùng được vinh thăng cấp hàm đại tá. Là sỹ quan trẻ tin cẩn, Nhân Tín được giao trọng trách ở Phòng Hành quân – Bộ Tổng tham mưu. Bác giáo hỏi:

- Người Mỹ rút đi, đất nước mình đang diễn ra cảnh huynh đệ huých tường, các anh nghĩ làm sao?

Nhân Tín không cần suy nghĩ:

- Cháu chẳng nghĩ làm sao cả. Mình không huých thì người ta cũng huých mình. Như hai con dê đi ngược chiều nhau qua một cây gỗ làm cầu. Một sống, hai chết, thế thôi!

- Chả lẽ biết chết mà cũng cứ húc đầu vào?

- Làm sao người Mỹ bỏ mình chết được. Họ phải rút quân là để đối phó với dân tình nước họ. Không có nghĩa là họ để mặc xác mình. Từ ngày lập quốc, người Mỹ chưa chịu thua ai bao giờ!

Anh Chu cười trêu:

- Có thua là mình thua chớ người Mỹ có thua đâu? Họ đã rút hết quân rồi !

Nhân Tín đỏ mặt lên:

- Họ còn có danh dự là một siêu cường. Họ phải có trách nhiệm với cả thế giới tự do và là chỗ dựa tin cậy của các quốc gia đồng minh nữa. Nếu không thì ngay sau khi ký Hiệp định, Tổng Thống Nixon mời Tổng Thống Thiệu sang Mỹ làm gì?

Ông giáo cười khà khà:

- Chẳng những thế mà ông Nixon còn tâng ông Thiệu lên hàng một trong bốn vị Tổng Thống giỏi nhất thế giới hiện thời! Là sự vô tình hay ác ý vì mấy vị kia rồi có ra gì? Cũng giống như ông Johnson từng thổi ông Diệm như là Churchille của Châu Á rồi sau lại nói toạc ra với báo chí rằng “Hắn là thằng nhóc duy nhất mà chúng ta vướng phải” và để mặc cho ông ta chết thảm hại thế nào!

Ông giáo nhìn viên đại tá trẻ, như nói với một cậu học trò:

- Dân gian mình có câu “Cơn nước lớn  thuyền ai nấy lạo”, cháu có biết không?.

Nhân Tín hăng lên:

- Ngay khi ký Hiệp định, người Mỹ đã im lặng ủng hộ ta ngừng chiến nhưng không ngừng bắn. Chỉ để cho mấy anh nhà quê hai bên ấy ngồi lỳ trong sân bay Tân Sơn Nhất thôi. Còn ở các quân khu, tỉnh lỵ, tên nào ở rừng mới ló đầu ra đã bị ta cho ăn đạn, đều bỏ chạy tán loạn. Từ miền Trung vào tới trong này, quân lực Việt Nam cộng hòa chủ động tấn công, lấn chiếm đất đai, mở rộng lãnh thổ chiếm đóng đang làm cho họ co vòi lại đó! Duy có miệt từ Chương Thiện (Cần Thơ) tới U Minh, do cách trở và xa Sài Gòn qúa mà đối phương phản ứng quyết liệt, nên cục diện chưa có gì thay đổi. Sức mạnh của quân lực Việt Nam cộng hòa không dễ bị coi thường đâu!

- Liệu nó có gánh nổi sức nặng của hơn nửa triệu quân Mỹ và quân Đồng minh để lại đây không? – Ông giáo nghi ngờ.

Đại tá Chu giữ vẻ điềm đạm của người lớn tuổi:

- Với lệnh tổng động viên nam giới từ 18 đến 38 tuổi, quân số chủ lực hiện lên tới gần một triệu hai, đủ bù vào chỗ trống của quân Đồng minh để lại, cộng với gần hai triệu lực lượng bán vũ trang là Phòng vệ dân sự mà các đội Bình định nông thôn và Phượng hoàng thống kê lên.

Nhân Tín hớn hở cướp lời:

- Ba triệu người võ trang đầy đủ với 13 sư đoàn tinh binh, tinh nhuệ trên tổng số dân ở miền Nam này chưa tới 20 triệu người. Trên thế giới có quốc gia nào võ trang được như vậy không? Chưa kể việc người Mỹ hứa vẫn tiếp tục duy trì viện trợ quân sự và kinh tế, số máy bay chiến đấu, quân xa, tàu, thuyền phục vụ lực lượng Lục quân và Hải quân cùng những kho vũ khí khổng lồ các loại mà quân Đồng minh để lại đây. Sức mạnh của quân lực Việt Nam cộng hòa chỉ thua Hoa Kỳ, Nga Xô, Trung Cộng. Họ ăn nhằm gì. Chúng ta dư sức trường kỳ kháng chiến!

Bác giáo nhìn cháu lắc đầu:

- Mình chiến đấu bằng vũ khí người ta cấp, bằng cái dạ dày đầy rượu tây, thịt hộp của người ta cho, bằng cái đầu do người ta nghĩ hộ mà hai con mắt mình nhắm lại thì sớm muộn gì mình cũng chỉ còn là cái xác thôi!

Ông cười chua chát:

- Trong chiến tranh, vũ khí quan trọng thật. Nhưng điều quan trọng hơn là nó nằm trong tay ai? Cháu có sẵn sàng chết cho những ông tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng, nghị sỹ, chính khách, tướng tá các loại đang thi nhau vơ vét và tuồn tiền của ra nước ngoài, tậu sẵn biệt thự, nhà hàng, góp cổ phần kinh doanh ở các công ty, trong khi chiếc vé máy bay xuất cảnh nằm sẵn trong túi họ. Khi cần, ù một cái! Ai sẽ phơi thây trên chiến địa?

Anh Chu đứng dậy, chép miệng thở dài:

- Cứ đánh tới đâu thì tới! Suy cho cùng thì họ chỉ to mồm hò hét thôi. Thằng nào dại cứ xông lên. Được thì họ hưởng. Mà thua họ cũng chẳng mất gì!

Nhân Tín như pháo tịt ngòi, mặt bí xị.

Chu ra về, dừng lại nơi cửa, nói nhỏ với bác giáo:        

- Hôm trước cháu đưa vợ con ra chơi chợ Bến Thành. Tình cờ gặp đoàn quân sự bên Mặt trận giải phóng cũng tới đấy. Cháu đứng bên này đường, nhìn thấy một người giống anh Ba Phát qúa!

Ông giáo buồn rười rượi:

- Tôi chưa hiểu diễn biến sẽ ra sao? Nhưng cứ để tình hình này kéo dài mãi thì đau lòng lắm!

Thị trấn Lộc Ninh đã là thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Phố xá còn ngổn ngang đổ nát, những ngôi nhà mới dù tạm bợ đã mọc lên san sát. Nơi đây công khai trở thành cửa khẩu giữa hai bên. Chợ búa, đường phố, xen lẫn với dân, có không ít người mặc bộ đồ bà ba và quân phục màu cỏ úa mà trước kia ít thấy xuất hiện giữa chỗ đông người. Đôi lúc gặp cả phóng viên báo chí nước ngoài. Một số cơ quan dân sự của chính quyền cách mạng lộ diện không cần giấu giếm.

Trong khi ở nhiều nơi, kế hoạch tràn ngập lãnh thổ của quân đội Sài Gòn tưởng như hữu hiệu, Tổng Thống Thiệu tuyên bố: “Cuộc chiến tranh Đông Dương thứ ba bắt đầu”! Và cho quân đánh thẳng vào các vùng thánh địa của phía bên kia và kêu gọi tái chiếm Lộc Ninh! Tháng 10 năm 1973, hàng chục tốp máy bay chiến đấu dội bom, bắn phá thủ phủ Lộc Ninh. Người chết khắp nơi, trong nhà, ngoài đường, giữa chợ… Bệnh viện Lộc Ninh bị hủy diệt. Hàng trăm người bệnh lẫn lộn cán bộ, chiến sỹ và nhân dân bị thương vong.

Nhân Trí được biệt phái ra tăng cường cho bệnh viện phục vụ những người tù mới được trao trả, thoát chết nhờ anh đã từng trải qua những trận bom pháo ngoài chiến trường Quảng Trị. Quân giải phóng toàn miền Nam được lệnh đánh trả bất cứ hành vi nào của địch vi phạm Hiệp định Paris. Bộ đội đặc công Rừng Sát đánh vào khu kho dự trữ Nhà Bè, thiêu cháy hàng trăm triệu lít xăng, nhận chìm tàu chở dầu 12 ngàn tấn và phá hủy toàn bộ cơ sở lọc dầu ở đây.

Anh Ba Phát bị bắt trong chiến dịch Mậu Thân, được Nhân Tín giải thoát và gia đình ông giáo Phú giúp đưa về căn cứ, lại trở về đơn vị chiến đấu. Khi có Hiệp định Paris, anh được tổ chức công khai đưa về thành phố trong phái đoàn quân sự của Chính phủ cách mạng lâm thời. Với con mắt của người cán bộ trinh sát dày dạn đã từng tung hoành ở thành phố, anh ghi nhận những sự chuyển động của phong trào đô thị và thay đổi trong việc bố phòng khi quân Mỹ đã rút đi.

Trong tình thế mới, anh được gọi về căn cứ, báo cáo những điều mắt thấy, tai nghe:

- Quân ngụy tuy còn nhiều, vũ khí không thiếu nhưng không thể so sánh với quân đội Mỹ. Trước đây, khi hành quân chung với quân Mỹ, họ ỷ lại vào mọi sự từ trinh sát, chỉ huy, tới chi viện của hỏa lực phi pháo và cơ giới vô tội vạ. Bây giờ dù sao thì cũng là đội quân quen sống dựa dẫm vào người nên từ quan tới lính đều thấy lúng túng, hụt hẫng và thiếu thốn. Biểu lộ rõ sự mất tự tin từ dưới lên trên, đến cả chỗ dựa vào người Mỹ cũng bị lung lay ở cả trong hàng ngũ sỹ quan cao cấp và chính giới. Sở dĩ họ mở rộng được phạm vi chiếm đóng vì ngay từ đầu họ chủ trương không thi hành Hiệp định mà ta thì có phần e ngại quân Mỹ kiếm cớ lỳ ở lại hoặc ít ra cũng tăng cường viện trợ quân sự nhiều hơn. Nhưng bây giờ, quân Mỹ đã rút hết đúng theo tinh thần Hiệp định. Quốc hội Mỹ đã nản lòng nhận ra sự dính líu tới xứ sở xa xôi kỳ lạ này lợi ít, hại nhiều. Ta không có lý do gì để đối phương có thì giờ kích động lại tinh thần binh lính, bọn tướng tá và chính khách vong bản liên kết lại với nhau, củng cố chính quyền, đàn áp các phong trào yêu nước ở thành thị. Khi không còn quân Mỹ bỏ mạng ở đây, áp lực dư luận của công chúng Mỹ sẽ lắng xuống, chính phủ Mỹ có cớ để ủng hộ chính quyền tay sai, sẽ tranh thủ được dư luận quốc tế. Từ cuộc chiến tranh giải phóng sẽ chuyển hóa thành nội chiến và có thể kéo dài, càng gây thêm nhiều đau thương tang tóc cho đồng bào cả hai miền Nam-Bắc.

Vị cán bộ lãnh đạo thông báo trước hội nghị:

- Trung ương quyết tâm không để cho chiến tranh kéo dài tuy sức huy động nhân lực vật lực ở miền Bắc đã tới mức báo động. Dù sao vẫn hơn là để xảy ra nội chiến, ta sẽ gánh lên vai trách nhiệm nặng nề với lịch sử. Quyết không để cho quân ngụy có thì giờ lại sức sẽ gây khó khăn thêm. Ngay cả trên mặt trận đối ngoại cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, ảnh hưởng thiết thực tới sự chi viện cho ta. Các nước lớn vì những yêu cầu bức bách của họ nên có những thỏa hiệp ngầm coi rẻ quyền lợi dân tộc của các quốc gia dù là bè bạn. Đặc biệt với người bạn láng giềng, ý đồ bành trướng luôn thể hiện trong quốc sách mọi thời. Khi kết thúc Thế chiến thứ hai, lợi dụng danh nghĩa đồng minh sang giải giáp quân phát xít Nhật, quân đội Tưởng Giới Thạch ra chiếm hai đảo lớn là Phú Lâm ở Hoàng Sa và Ba Bình ở Trường Sa. Từ nguyên cớ đó sau này mới có chuyện đảo Phú Lâm thuộc Trung Hoa lục địa và đảo Ba Bình thuộc vùng lãnh thổ Đài Loan. Khi quân đội Pháp phải rời khỏi Đông Dương, người anh em lại thừa cơ giành thêm mấy đảo nữa ở tây Hoàng Sa từ tay chính quyền Sài Gòn lúc đó. Bây giờ qua “chính sách ngoại giao bóng bàn” hai nước lớn mặc cả với nhau cùng hợp tác khống chế sự phát triển của một cường quốc đang lên. Người Mỹ chịu để Trung Hoa lục địa được ngồi vào vị trí quan trọng của đảo quốc Đài Loan ở cơ quan Liên hiệp quốc đồng thời làm lơ để quân đội Trung Hoa chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong khi hạm đội VII vẫn chưa rút khỏi biển Đông. Phải thừa nhận ta thiếu nhạy bén trong mối quan hệ ngoại giao và trong công tác chỉ đạo vừa qua. Sau hiệp định Genève, ta chủ trương giải quân chôn súng chờ ngày tổng tuyển cử. Hậu quả là sự mất mát không sao lường được! Lần này sau hiệp định Paris, ta lơi tay súng trông vào hiệp thương hòa giải. Trong khi lực lượng vũ trang của ta gò cương vỗ béo thì đối phương ra sức lấn đất giành dân… Ta đồng thời phê phán thái độ hữu khuynh của các địa phương để mất đất, mất dân và biểu dương những địa phương chủ động sáng tạo đấu tranh giữ đất, giữ dân với địch và mở rộng khu giải phóng. Trung ương nhanh chóng củng cố và phát triển các đơn vị chủ lực làm quả đấm thép. Các địa phương cấp tốc tăng trưởng lực lượng quân sự và tổ chức quần chúng. Đặc biệt đẩy mạnh công tác binh địch vận vì lúc này ta có điều kiện thuận lợi để khơi dậy tinh thần dân tộc ở mỗi công dân, sẽ làm tan rã tinh thần sỹ quan, binh lính ngụy quyền khi thời cơ đến.

Anh Ba Phát được giao nhiệm vụ chỉ huy một trung đoàn bộ binh cùng trung đoàn tăng của trung tá Hoàng Tuấn trong đội hình một Quân đoàn mới hình thành trên chiến trường Nam Bộ.

Nhân Trí trở về đơn vị đúng vào lúc ấy.

Đại tá Nhân Tín không còn giữ được phong thái trẻ trung, lạc quan hồ hởi như trước nữa. Mặt anh lúc nào cũng khó đăm đăm, khó gợi chuyện, khó gần. Giữa năm 1974, Tổng Thống Mỹ Nixon buộc phải rời khỏi Nhà trắng giữa nhiệm kỳ vì vụ Water Gate vi phạm hiến pháp Hoa Kỳ. Ông thiếu tướng bố vợ đã về hưu nhận định:

- Con Diều hâu cốm nhất mà ông Thiệu còn hy vọng dựa vào đã bị gãy cánh rồi! Quốc hội Mỹ giảm tài khoản viện trợ xuống còn chưa tới một tỷ rưỡi Dollar, liệu có đủ sức nuôi quân và một bày ăn bám, lại còn bù vào số hao hụt của kho tàng dự trữ chiến tranh nữa hay không? Ông Thiệu rồi cũng nối gót thầy, sẽ phải rời khỏi phủ đầu rồng lúc chưa mãn nhiệm kỳ. Còn giữ được mạng là đại phúc!

Ông là người thức thời, cao tay, đã thu xếp đưa cả đại gia đình ra nước ngoài di trú trước. Ông giải thích cho con rể:

- Phong thổ đất nước mình không được là rồng. Chỉ nằm sau cái đuôi con rồng thôi. Sung sướng hay đau đớn, nó đều quậy tưng bừng là mình tanh bành tan nát! Mình ra đi lúc này là hợp thời khắc nhất, không bị tranh giành cướp giật và không ai chê cười gì được. Càng sớm lại càng dễ làm ăn.

Cái lon đại tá trên vai nhẹ hều mà khó gỡ. Anh tạm biệt vợ con, hy vọng ngày tái ngộ không lâu nhưng ở đâu thì ông thầy bói ranh mãnh lẩy một bài thơ cổ: Chàng tại Tương giang đầu / Thiếp tại Tương giang cuối / Cách nhau dòng sông sâu / Vạn cổ cảnh đeo sầu! Vợ anh đẫm nước mắt vì mấy câu thơ chết tiệt mơ hồ ấy. 

Còn lại một mình một bóng, ngoài giờ làm việc hay đi tiêu khiển với bạn bè, anh thường về nhà mẹ. Anh hỏi:

- Bác và mợ có định đi đâu không?

- Bích Liên nó nói nhớ mợ, đòi về nhà nghỉ hè nhưng mợ bảo chờ xem đã. Mợ thấy ông bà nhạc gia bên ấy tính vậy mà hay đấy. Mợ còn chờ ý của bác anh ?

Ông giáo gật gù, nói lấp lửng:

- Ra đi lúc này không sớm mà cũng chưa phải là muộn!

- Phía bên kia đang chuyển sang thế tấn công. Một loạt căn cứ trọng yếu Bù Đăng, Bù Đốp, Đồng Xoài và toàn tỉnh Phước Long, Phước Bình bị mất. Tây Nguyên bị đe dọa nghiêm trọng. Vậy mà các ông tướng ở Bộ Tổng tham mưu chẳng thấy có vẻ gì là bận tâm lo lắng cả. Còn Tổng Thống thì cứ ngong ngóng chờ ngoại viện! – Nhân Tín nhún vai.

Ông giáo trừng mắt lên: 

- Còn lo lắng nỗi gì? Chính ông tướng Tổng tham mưu trưởng khi bị các ngài dân biểu chất vấn đã nói trắng ra rằng: “Chúng ta không có trách nhiệm về cuộc chiến tranh này. Trách nhiệm chiến đấu ở đây là người Mỹ. Chính sách đó do họ đề ra. Chúng ta chỉ làm theo họ mà thôi”! Đủ các loại tướng lĩnh quan chức chiến tranh nổi danh của Mỹ còn bỏ cuộc, huống chi mấy ông tướng chỉ nổi danh tán gái, buôn lậu mà đánh trận thì cũng nổi danh chạy trước? Họ đang bận gom góp của cải lo cho vợ con tẩu tán hơn là lo việc quân, việc nước. Nền đệ nhị cộng hòa đang thở ngáp cá. Dù có xì cho chút khí oxy cũng chỉ cầm hơi thêm chút nữa thôi!

- Bây giờ thì cháu nghi ngờ vào lòng dạ của người Mỹ! Tài khóa viện trợ cho năm tới lại bị cắt giảm tới mức chỉ còn 700 triệu Dollar thôi. Dù rằng có mấy ông tru tréo lên đòi xin những 5 tỷ Dollar cho 5 năm viện trợ! Người Mỹ đổ vào đây cả ngàn tỷ Dollar rồi chứ? Họ hào phóng thật nhưng phải chi vào việc gì sinh lợi, chớ không tại sao họ phải bỏ cuộc giữa chừng trong khi tiềm lực họ còn dư sức? Chẳng lẽ họ cứ phải chi cho một lũ cáy tham nhũng từ đám chóp bu cho tới lũ nha lại đặc như ruồi hay sao? Quân đội trong tình cảnh ấy thì còn đánh đấm cái nỗi gì?

Lần đầu tiên, ông giáo nhận ra nỗi chán chường bế tắc ở đứa cháu một thời như con ngựa nhởn nhơ phi rỡn giữa đồng cỏ mênh mông. Ông vừa mừng, vừa thương, lựa lời an ủi:

- Cuộc thế như một bàn cờ. Lúc gặp thời, con tốt cũng làm nên chuyện. Lúc thất thế, xe, pháo cũng chẳng làm nên tích sự gì. Hay là cháu cùng đi với mợ?

- Cháu không phải thằng hèn! – Nhân Tín hét lên. Lần đầu tiên, anh nhìn bác giáo với đôi mắt giận dữ, hỗn hào như thế.

Bà giáo thương con trong cơn bế tắc, lại sợ chồng bị xúc phạm. Bà nhìn con :

- Từ xưa tới nay bác lúc nào cũng lo cho con!

Và quay sang chồng:

- Xin bác tha cho cháu! Chuyện nhà, chuyện quân làm cho nó quẫn trí lên.

Bà nắm tay con hướng sang bác giáo :

- Con xin lỗi bác đi!

Nhân Tín ngồi bịch xuống, vùi đầu giữa hai cánh tay, đầu tóc rối tung lên.

Ông giáo ngồi đối diện. Đôi mắt hiền từ nhìn đứa cháu trực tính mà nông nổi, không biết nói làm sao cho nó hiểu ý mình. Ông lắc đầu tỏ ra bất lực.

Mới sáng sớm đã nghe tiếng chuông reo lạ lùng hối thúc. Nhài chạy vội ra mở cổng. Một người phụ nữ dắt theo thằng bé chừng 6-7 tuổi lao thẳng vào. Cả hai mẹ con lảo đảo thất thần ngã sóng soài giữa cửa. Người đàn bà rũ rượi, quần áo nhàu nát bê bết bụi đường. Thằng bé ôm chặt lấy mẹ mà vẫn run lên vì sợ. Cả nhà dồn đến và nhận ra vợ con viên đại úy người Huế dạo nào chạy loạn vào đây tá túc.

Dù hồi tỉnh lại, cô giáo Dạ Lan vẫn chưa thoát cơn hoảng loạn. Mặt cô đờ đẫn. Đôi mắt ráo hoảnh và ngơ ngác. Đôi khi phát lên tiếng kêu hoặc rên la ú ớ. Thằng bé Bảo Thân đã dần quen với mọi người. Nó được tắm rửa sạch sẽ và cho ăn uống nhưng rồi cứ loanh quanh bên giường mẹ, hỏi gì nó cũng chỉ lắc đầu.

Cả nhà đều đoán ra sự có mặt của mẹ con cô ở đây vì làn sóng người di tản từ miền Trung, Tây nguyên lại đang đổ dồn về thành phố theo cơn lốc chiến sự mà người Sài Gòn cũng đang bồn chồn không biết lúc đến lượt mình sẽ chạy đi đâu? Nhìn cảnh thê thảm của mẹ con viên sỹ quan bạn của Nhân Tín lần này, không ai hình dung nổi nay mai rồi sẽ ra sao? Cả tháng nay không thấy Nhân Tín về nhà. Anh Chu bảo Nhân Tín ra vùng Một. Nghe chừng tình hình trên Tây Nguyên và ngoài miền Trung bi đát lắm. Bà giáo càng lo cho con.

Cô giáo Dạ Lan hoàn hồn, ghép lại sự việc :

- Thành phố đang yên mà sao tự nhiên ngoài ấy đánh to lắm. Họ từ Quảng Trị đánh vô, trên rừng đánh xuống. Không còn người Mỹ nữa thì không ai cản họ lại được đâu. Quân đội bỏ chạy trước. Dân chúng nháo nhào chạy theo. Lần này còn náo loạn hơn cả hai lần trước. Đường vô Đà Nẵng người xe đặc nghẹt. Từ đèo Hải Vân đến Phú Lộc đều bị bên ấy chặn đường. Xe đổ, xe cháy ngổn ngang. Người ta bỏ đường bộ, chạy ra cửa Thuận An, cửa Tư Hiền, các cửa phá Tam Giang… để thoát theo đường biển. Mạ em nhất quyết không chịu đi, ở nhà một chắc. Vợ chồng em đều biết mạ không muốn để con cháu vướng bận vì mình nên đành chịu thôi. Vất vả lắm mới ra được cửa Thuận, mặc cho pháo bên kia bắn chặn đường. Xác người, xác xe, đồ đạc… chồng chất lên nhau. Ra đến bãi biển còn đau đớn hơn nhiều lần nữa. Người ta ào xuống lội ra. Tàu nhỏ cũng không dám vô gần bờ vì người ta đua nhau trèo lên. Bao nhiêu tàu, thuyền đắm vì cảnh ấy. Mặt biển lềnh bềnh túi xách, va li, những đầu người trồi lên hụp xuống. Vợ lạc chồng, cha lạc con, không biết sống chết thế nào, réo gọi, kêu khóc thảm thiết. May mà chồng em gặp người bạn là sỹ quan hải quân nên được kéo lên tàu, chở ra khơi rồi được chuyển lên tàu lớn. Hàng ngàn con người chen lấn, xô đẩy nhau. Không ít người lại bị rớt xuống biển. Đứng trên boong thì nắng, chịu mãi hết xiết. Ngồi trong khoang thì ngạt thở. Mà ai ở đâu cứ nguyên đó thôi chớ cũng không nhúc nhích đi đâu được. Ai không chịu xiết thì chết, chỉ còn một cách quăng xác xuống biển thôi. Em chỉ biết ôm chặt lấy con và nhắm mắt lại, cầu Trời-Phật phò trợ cho thoát nạn. Lâu lâu lại nghe tiếng súng nổ, tiếng người kêu xin. Không ai còn sức thương ai nữa. Người ta hỗn độn, không còn phân biệt quan, lính, sang, hèn, già, trẻ… Đói khát, sợ sệt, khốn khổ, chỉ còn nghĩ tới cái chết, làm con người ta hóa thú! Đám lính đủ các sắc len lỏi lùng xục lục lạo đồ đạc, lần mò khắp người ta, không trừ ra đàn bà con gái. Chúng nó cướp giật trắng trợn và làm nhiều điều đồi bại ngay trước mắt mọi người mà không ai dám bênh vực cho ai. Người nào chống cự bị nó đẩy ngay xuống biển. Em vẫn đeo chiếc dây truyền mặt ngọc mà lúc đó cũng không nghĩ tới. Một thằng thấy được, giật lấy. Nhưng vì chiếc dây truyền lớn không chịu đứt ra làm em nghẹt cổ, ú ớ tưởng chừng tắc thở. Chồng em thấy thế liền rút súng ra. Mấy thằng lính giật súng lại, nhấc bổng anh lên, ném ngay xuống biển! Không ai dám có một lời thương xót! Em chết giấc đi… Không biết tàu lênh đênh trên biển bao lâu và đi mãi đâu. Em như cái xác không hồn theo sự dồn đẩy của người ta. Lên bờ mạnh ai nấy đi. Mẹ con em bơ vơ, trơ trọi, không biết là đâu. Hỏi ra mới biết là cảng Bạch Đằng. Em tìm về đây xin nương nhờ hai bác và các anh các chị. Trời ơi! Giá cứ ở lại ngoài nớ, chưa chắc đã nên nông nỗi này. Mà lỡ có sao cũng không đến nỗi chết mất xác giữa sông giữa chợ xa xứ xa quê. Trời-Đất-Qủy-Thần ơi!...

Nhân Tín từ miền Trung trở về, da xám xạm, mặt hốc hác bơ phờ, nghiến răng ken két:

- Một lũ ăn hại, ngu dốt vậy làm sao không thua? Ngay từ đầu năm đã có những tin tức tình báo đưa về Bộ Tổng tham mưu, lưu ý một số sự việc bất thường trên vùng cao nguyên. Nhưng mấy ông tướng đã chẳng thèm lưu tâm tới mà cũng chẳng ai chịu thua ai trong việc xác định mũi tiến công chủ yếu của đối phương, rồi để đấy, chỉ huyênh hoang chuyện phòng thủ Sài Gòn để vòi viện trợ! Khi Buôn Ma Thuột bị mất qúa dễ mới hốt hoảng cuống cuồng lên, lao vào tái chiếm, nướng sạch Sư đoàn 23 thổ địa trấn Tây Nguyên, đành câm như hến! Tổng Thống bay ra Nha Trang hội nghị tướng lĩnh. Ông nọ nhìn ông kia để rồi ra một cái lệnh chết người bỏ trống Tây nguyên, cụm về bảo vệ vùng đồng bằng ven biển miền Trung! Cuộc rút lui bất ngờ vội vã biến thành một cuộc tháo chạy, mở đầu cho sự tan rã dây truyền không cứu nổi của quân lực Việt Nam cộng hòa. Hàng tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn còn nguyên vẹn xe pháo, súng ống trong tay mà đùm đề vợ con và dân chúng líu ríu chạy theo, bỗng thành đám quân ô hợp chạy thục mạng trên con lộ 7 từ Gia Lai về Phú Yên hiểm trở hoang phế bấy lâu nay, như sạn đạo vô xứ Ba Thục ngày xưa. Đối phương thừa cơ truy đuổi, cắt cầu Sơn Hòa và chặn ở Củng Sơn, Phú Bổn (Cheo Reo) diễn ra bao thảm cảnh dày xéo lên nhau tan tác. Quân đoàn Hai coi như xóa sổ! Đối phương thừa cơ mở thêm gọng kìm phía bắc đánh thốc vào. Quân đoàn Một với những đơn vị tinh nhuệ như Sư đoàn Thủy quân lục chiến, Sư đoàn Dù, Sư đoàn Bộ binh số Một… mà cũng suy sụp tinh thần nhanh chóng, quan bỏ lính, lính mặc quan, mạnh ai nấy tìm đường thoát thân. Có ai dám nghĩ rằng căn cứ chiến lược tổng hợp khổng lồ Đà Nẵng mất một cách dễ dàng cấp kỳ như thế được không?! Chỉ một tháng Ba, toàn bộ Quân khu Hai Tây nguyên và Quân khu Một phía bắc Trung phần đã hoàn toàn lọt vào tay Cộng sản!

- Bây giờ các ông tướng tính thế nào? – Bác giáo hỏi.

- Họ đổ vấy cho nhau, đòi tống nhau vào quân lao. Nhưng chính là Tổng Thống ra lệnh “tùy nghi di tản” mới nên nông nỗi ấy chứ ai? Rồi cũng chẳng ai xộ khám! Lại quay ra bàn xây dựng tuyến phòng thủ phía bắc Sài Gòn Phan Rang – Xuân Lộc. Nhưng đám tàn quân bại tướng vô hồn như thế chỉ có thể bàn suông thôi chớ không làm được trò trống gì đâu!

- Liệu mọi sự rồi sẽ ra sao?

- Nhiều đứa bỏ dò lái rồi chớ đợi lúc chạy về cố thủ Sài Gòn chỉ còn ngồi chờ chết thôi sao? Cái cảnh quân hồi vô phèng đang diễn ra rồi đấy!

- Chờ người Mỹ chứ?

- Còn trông chờ gì ở người Mỹ nữa? Họ không dại gì quay lại nữa đâu! Lẽ ra mình phải sớm nhận ra điều ấy ngay từ ngày 9 tháng 7 năm 1969 khi đơn vị đầu tiên của quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam theo kế hoạch phi Mỹ hóa mà thực chất là Việt Nam hóa cuộc chiến tranh này! Giờ thì mình phải tự tìm con đường sống thôi! Cháu xuống Cần Thơ với người bạn làm Tư lệnh dưới miền Tây. Sài Gòn sẽ mất trước, mình có thể kéo cả lực lượng Hải quân và Không quân về đó, cố thủ một thời gian. Lúc cùng vẫn còn đường rút như vua Gia Long thuở trước từng qua nương náu ở Xiêm La.

Bác giáo nói để thuyết phục cháu:

- Hóa gì thì hóa, thực chất là “thay màu da những xác chết” như chính báo chí Mỹ vạch trần ra. Người Việt Nam chết lót đường cho quân Mỹ chạy!

Nhưng nó là đứa hiếu thắng lại đang lúc cùng đường.

Cô giáo Dạ Lan từ đầu yên lặng ngồi nghe chuyện đàn ông, đột nhiên kéo thằng con vào lòng, bật lên thút thít:

- Đại tá! Chồng em đi theo Đại tá bao lâu nay. Bây chừ mẹ con em cũng xin theo Đại tá!

Nhìn vợ con người đồng đội, giọng anh trầm xuống, chia sẻ và chân thật :

- Thiếu tá Bảo Lộc thật không may! Cô và cháu cứ tạm ở đây, thu xếp xong công việc tôi sẽ cho người về đón.

- Đại tá đừng bỏ rơi mạ con em hi! Em không còn biết nương dựa vào ai nữa.

- Dù hoàn cảnh nào tôi cũng không bỏ rơi mẹ con cô đâu!

Nhân Tín thở dài, mím chặt môi, mặt đanh lại, không còn sức nữa để mà buồn.

Đại tá Chu gặp bác giáo, vẻ mừng lo khó tả:

- Ông Thiệu gào tới khản cổ, kêu xin viện trợ khẩn cấp. Nếu Mỹ không tái đổ quân vào thì chí ít cũng phải tăng cường máy bay chiến đấu và pháo hạm, không loại trừ cả việc mang B52 sang nữa, mới có thể cản được bước Quân giải phóng.

- Ở Bộ Tổng Tham mưu đã có kế hoạch gì phối hợp với việc Mỹ quay trở lại hay không?

- Lúc bình thường thì ông tướng nào cũng ra vẻ ta đây tài ba lắm, cãi nhau như ăn vã mắm. Chỉ có người Mỹ mới bảo được họ thôi. Bây giờ người Mỹ muốn quay trở lại thì cứ ngồi ở lầu Năm Góc mà vẽ ra kế hoạch chứ mấy ông tướng này thì đã quen với việc người ta làm hộ nhưng mình phải có quyền!

- Anh thấy chiến sự diễn biến thế nào?

- Cấp kỳ… lạ lùng, không sao hình dung nổi. Thực ra mất Buôn Ma Thuột đã như đòn trời giáng, là dấu hiệu báo trước một thảm bại rồi. Cả một giải phòng ngự liên hoàn Trung phần mất gọn, quân đội đã như không còn sức đề kháng nữa! Không ai nghĩ  tình hình diễn biến nhanh đến thế! Trung tướng chỉ huy giữ cánh cửa thép Phan Rang quên ngay lời thề hy sinh đến giọt máu cuối cùng cho nền cộng hòa, đã bỏ thành chạy không kịp cuốn cờ! Muốn đánh vào Sài Gòn, bên Mặt trận phải huy động hàng chục sư đoàn, hàng chục vạn quân chưa chắc đã đủ đâu. Phải mất cả năm, họa chăng vài tháng trời mới kịp. Thế mà mới hơn một tháng, nhìn bản đồ chiến sự, Sài Gòn đang bị chia cắt, chung quanh dày đặc những đơn vị Quân giải phóng. Phòng tuyến sinh tử cuối cùng Xuân Lộc được Lầu Năm Góc phái tướng Weyand cấp tốc quay trở lại xây dựng và giao cho sư 18 cố thủ liệu có chịu nổi trước nhiều mũi tiến công? Đặc biệt trong tình thế trên dưới nhìn nhau, đều thấy rõ không còn chỗ dựa nữa rồi… Sài Gòn thoi thóp từng ngày!

Ông giáo gặng mãi:

- Liệu người Mỹ có quay trở lại không? Hoặc là họ lại nhúng tay vào tới mức độ nào?

- Người Mỹ rất thực tế. Việc họ rút được chân ra khỏi bãi lầy chiến tranh Việt Nam vừa là điều cay cú cũng vừa là điều mừng thoát nợ cho chính họ. Hao tốn tiền của chưa là điều để họ phải ngãng ra. Vấn đề là họ đã nhìn ra sự sai lạc nước cờ rồi. Ông Johnson, hồi còn là Thượng nghị sỹ đã quyết liệt phản đối Tổng Thống Eisenhower lúc đó định đem quân Mỹ vào thay quân Pháp ở Đông Dương. Thế mà mười năm sau ông ta lại là người ra lệnh đưa quân đội Mỹ sang đây để sự nghiệp của ông giữa đường đứt gánh, lúc chết vẫn còn tức tưởi. Tổng Thống Nixon là con diều hâu nắm quyền tối thượng trong tay mà cũng đành phải muối mặt dỗ ngọt không xong thì đe dọa một thằng con hoang bướng bỉnh cứ lẵng nhẵng bám mình vòi vĩnh mãi mới trút đi được của nợ này. Họ thừa hiểu để mất Tây Nguyên là mất hết mà họ vẫn làm ngơ!

- Nghĩa là người Mỹ một đi không trở lại?

- Cháu tin là như thế. Nhưng nghĩ cho cùng thì mình cũng bẽ bàng!

Ông giáo nhạy cảm với tâm trạng của anh.

Anh nhìn bác giáo, nét mặt buồn thiu:

- Gia đình bên vợ cháu đang chuẩn bị đi. Nghề buôn đã thành cái nghiệp gia truyền, không bỏ được!

- Cháu định thế nào?

- Cháu phân vân lắm, chưa biết tính sao!

Ông giáo cũng không vui :

- Cháu cứ suy nghĩ kỹ đi!

- Cháu suy nghĩ nhiều lắm. Một là cháu còn có trách nhiệm với vợ con. Hai là nghe có chuyện tắm máu

- Những ngày cuối thế chiến Hai, khi quân Mỹ từ các chiến hạm Thái Bình Dương ào ạt đổ bộ lên chiếm đảo Okinawa, đã có hàng trăm ngàn người kể cả binh sỹ và thường dân Nhật tự sát. Một phần sợ bị trả thù nhưng chủ yếu là người Nhật vốn có tinh thần võ sỹ đạosamurai truyền thống, từ nhỏ đã được dạy cách gọi là harakiri (tự mổ bụng) mỗi khi danh dự bị tổn thương. Tôi từng thấy cảnh ấy diễn ra ở Hà Nội 30 năm về trước trong đám quan lính Nhật hoàng bại trận. Ngay khi quân Đồng minh đặt chân lên kinh đô Tokyo, hàng ngàn phụ nữ tự nguyện phô thân đủ kiểu trước Hoàng thành, khuyến dụ kẻ chiến thắng không cho xúc phạm tới Nhật hoàng. Sau này người Nhật có nhiều Mỹ lai một phần là thế.

- Cháu không tin nhưng cũng hồ nghi. Bên Campuchia, lính Khmer đỏ đang “dọn sạch” các thành phố, đuổi người thành thị về nông thôn lao động! Trong lúc hỗn loạn, ai biết mình chỉ vì thời thế? Ai hiểu mình lòng dạ thế nào? Ba là dù có qua được cơn biến động này nhưng sau đó liệu mình có thích hợp với thể chế mới không?

- Tôi hiểu anh và không dám có ý gì vào chuyện ấy!

Trong lúc người ta đang bỏ Sài Gòn chạy đi thì anh Văn Khoa và Bích Liên lại từ Paris về Sài Gòn trước sự ngạc nhiên của mọi người. Văn Khoa cười hồn nhiên lắm:

- Lúc này không ai thèm kiểm soát người đến nữa. Họ quên tôi rồi!

- Nhưng anh về để làm gì? – Thủy Tiên ái ngại.

- Tôi biết lúc này Thủy Tiên bận nhiều việc lắm. Tôi muốn được ở bên để giúp đỡ Thủy Tiên!

Ông giáo hỏi dò:

- Hình như một số người đối lập, nhân dịp này về muốn tham gia vào lực lượng thứ ba?

- Có đấy! Có người rủ cháu nếu có thể thì tham chính!

- Tôi sợ muộn rồi.  Coi chừng bị vạ lây!

- Tôi trung lập. Không đảng phái. Không chính trị. Không thích thực dân, đế quốc. Ủng hộ một chính quyền của người Việt Nam độc lập dân chủ tự do.

- Anh có thái độ rõ ràng thế mà nói là không chính trị? – Thủy Tiên cười trêu.

Bích Liên chêm vào:

- Người như anh ấy không làm chính trị được đâu. Vì thế em mới bay theo về, nhân tiện đón mợ cùng sang. Em còn muốn xin cho người bạn đứa con nuôi, chứ qua bên ấy, người ta tranh giành nhau, khó lắm.

Anh Văn Khoa vẻ mặt đầy cảm kích, thật thà đưa ra một tờ báo Pháp đăng tin, in hình vụ tai nạn ngày 4 tháng tư của chiếc máy bay vận tải quân sự C5A chở hơn ba trăm người di tản trong đó có 154 cô nhi Việt Nam, không biết vì lý do gì vừa cất cánh rời sân bay ít phút thì phát nổ và bốc cháy, rớt trên cánh đồng An Phú Đông, làm gần hai trăm người tan xác kể cả 76 đứa trẻ xấu số:

- Khủng khiếp qúa! Thật tội nghiệp những sinh mạng nhỏ nhoi rất đáng thương như thế này.

Thủy Tiên nghiêm sắc mặt:

- Lúc này, những ai cần phải đưa đi trước hết ngoài người Mỹ ra? Họ không còn có việc gì ở đây nữa. Rồi đến những ai mà thiếu người Mỹ thì họ không sống nổi cùng với những kẻ chỉ biết sống dựa vào chiến tranh thôi. Còn những đứa trẻ đáng thương ấy, xã hội nào cũng phải có trách nhiệm bảo dưỡng và nâng đỡ chúng thành người. Anh từng nghe chuyện về những con chó sói, đười ươi đã nuôi đứa trẻ bị bỏ rơi nào đó cho đến lúc những người thợ săn tình cờ bắt được giữa rừng hoang đó thôi? Con vật vô tâm còn biết động lòng huống chi nữa là con người? Người ta đang mượn trẻ con để dựng lên những chuyện thương tâm giật gân như thế hòng đánh trống lấp đi những chuyện thê thảm của người lớn đang diễn ra trước mắt. Đấy mới là những hành động bất nhân cần phải làm rõ ra và lên án!

Ông giáo nói rõ hơn:

- Anh không thấy có sự liên quan giữa lời đồn đại về một cuộc tắm máu với những đứa trẻ mồ côi tội nghiệp đó sao? Người ta nói như thật rằng khi cộng sản tới đây, sẽ có hàng triệu người vì bất đồng chính kiến và tín đồ các tôn giáo sẽ bị trả thù. Cho nên người Mỹ đem quân vào Việt Nam là một việc làm nhân đạo. Bây giờ, dù phải ra đi họ vẫn không quên sứ mạng cao cả ấy!

Sân bay Tân Sơn Nhất nườm nượp máy bay lên xuống. Khách đến chỉ lèo tèo mấy người cập rập. Khác hẳn cảnh người đi chen lấn. Vợ con người Mỹ, các gia đình viên chức đương quyền, những người máu mê chính trị và người giàu có vội vã ra đi. Kèm theo cả những chuyến máy bay xuất khẩu cô nhi theo kế hoạch Babylift do Tổng Thống Mỹ quyết định một khoản tài trợ khẩn cấp bất thường cho bốn nghìn trẻ mồ côi di tản. Không thiếu các gia đình bên phía trời Âu dang rộng cánh tay đón nhận những đứa trẻ bất hạnh này một cách vô tư vì lòng nhân đạo. Nhưng ít ai nghĩ tới đó là một đòn hiểm đánh vào những người chủ nhân sắp tới của Sài Gòn. Bây giờ chúng là nhân chứng sống dễ động lòng trắc ẩn để mọi người thấy rằng những sinh linh nhỏ bé ấy cũng phải chạy tỵ nạn một chính quyền ghê sợ sắp tràn tới đây! Sau này chúng sẽ là ai một khi quê hương và đồng bào của chúng đã thành xa lạ? Cái chết thảm thương của gần trăm đứa trẻ bơ vơ côi cút đang cần sự chở che càng dậy lên mối thương cảm của nhiều người hằng tâm mà lẫn lộn trắng đen, khiến lòng họ nảy nỗi bất bình trước những giờ phút kết thúc cuộc chiến đẫm máu kéo dài.

Văn Khoa nhìn Thủy Tiên cảm kích, thành thật nói trước mọi người:

- Tôi thật qúa ngây thơ!

Tiếng nổ long trời và cột khói đen ngùn ngụt bốc lên từ phía chợ Sài Gòn cùng tiếng rít của chiếc máy bay chiến đấu làm mọi người liên tưởng tới cảnh ngộ bi thảm đã qua của nền Đệ nhất cộng hòa. Không lâu sau, khắp Sài Gòn đã đồn ầm lên chuyện nhân một chuyến bay không kích ra ngoài miền Trung, một phi công của không lực Việt Nam cộng hòa phản chiến, quay trở lại, ném bom xuống dinh Độc Lập và bay đi biệt tích! Tổn thất vật chất không đáng là bao nhưng bản thân Tổng Thống Thiệu đã nhìn ra cảnh ngộ bi đát của mình và làn sóng đòi ông ta từ chức bùng lên – chỉ trừ ra viên đại sứ Mỹ ở Sài Gòn vẫn khư khư ôm lấy! Người ta đồn hai người ấy có cùng mối thâm thù với phía bên kia, bởi một người là cha đẻ của đứa con trai bỏ mạng ở Khe Sanh hồi năm 1968 và một người sẽ mất đi cái ngai quyền lực đầy danh lợi.

Người mừng, người lo trước tiếng kèn tống biệt một chính quyền do Mỹ bảo trợ từ mấy chục năm nay vang lên ngày một rõ.

Bà giáo đã ra đi cùng con gái. Tâm trạng bà cứ rối bời bời. Bà không lo ông rơi vào cảnh bất trắc bởi bà biết việc ông làm. Suốt bao ngày đã qua, bà cứ thấp thỏm lo lắng cho chồng lỡ việc làm bị lộ ra. Nhưng bà không nỡ để ông ở lại đơn độc, không người thân thích trong một hoàn cảnh mới chưa biết hay dở thế nào. Và ông cũng thấu hiểu nỗi khó xử của bà, sẽ là vui ít buồn nhiều. Ông động viên để bà khỏi chần chờ:

- Bà cứ coi như một cuộc nghỉ hè đi thăm con cháu. Sau đó, nếu bà không muốn trở về thì tôi sẽ qua. Tình thế mỗi thời một khác.

Anh Văn Khoa đòi ở lại. Anh phân trần với Bích Liên:

- Lúc rời Hà Nội, tôi mới hơn mười tuổi. Đi, ở, nghĩ hay, nghĩ dở đều theo người lớn. Đây là cơ hội mà nhiều đời người không dễ gặp. Tôi muốn được làm một chứng nhân lịch sử.

Anh cũng nói với Thủy Tiên:

- Tôi muốn được nhận một việc gì giúp em!

Tuy nhiên cô chưa dám lộ ra công việc của mình, chỉ sang bác giáo:

- Nếu anh muốn làm chứng nhân thì đi theo bác giáo, sẽ biết được nhiều chuyện lắm.

Việc bà ra đi lúc này với ông vậy mà hay. Ông nhớ lại 29 năm về trước, ngày Hà Nội nổ súng kháng chiến chống Pháp, ông cũng thành người độc thân, lòng nhẹ nhàng, thảnh thơi,  không phải lo nghĩ  cho ai và cũng không bị ai ràng buộc. Tuy nhiên lần trước tương lai còn mù mờ nhưng ông còn trẻ khoẻ. Lần này, dù đang đặt chân tới lưng cái dốc bên kia của cuộc đời nhưng ông có thể giang tay đón ngày chiến thắng. Lòng ông khấp khởi vui mừng bởi đã trút bỏ được nỗi mặc cảm đeo đẳng bao lâu về phận sự dở dang của một người dân với nước.

Ông tất bật đi đó đi đây. Tiễn biệt bạn cũ, rộng lòng với những người bạn mới. Có người ướm hỏi ý ông. Ông chỉ xuống chân cười khôi hài:       

- Ngày trước, hai lần, tôi đều trong số những người cuối cùng rời khỏi thủ đô mà vẫn ung dung. Mình có đôi hài vạn dặm.

Ông thật ngạc nhiên khi thấy vợ chồng ông bạn Hiệu trưởng gọn gàng túi xách lên đường :

- Anh cũng đi sao?

Ông giáo Kiến sượng sùng lúng túng, mãi mới nói thật lòng mình:

- Chiến cuộc tàn rõ ràng rồi! Thực bụng tôi cũng mừng cho đất nước nhưng dạ lại phân vân… Mình đã bỏ chính nghĩa mà đi, bây giờ quay lại, thấy lòng thế nào!

- Anh đã đóng góp cho kháng chiến!

- Trong cảnh đất nước nghiêng ngửa như vậy, người lương thiện nào cũng làm được như mình…

Ông buồn bã chép miệng, lắc đầu:

- Một bên có cảm tình nhưng ngại. Một bên không thích nhưng sống quen rồi. Mình đã già, chẳng làm gì được nữa, lại khó thích nghi. Với lại sang bên đó còn có con có cháu. Dù sao mình cũng không hổ thẹn. Ra đi lúc này còn dễ –  Ông ngập ngừng siết tay người bạn.

Ông giáo Phú hiểu bạn lòng đầy tâm trạng dày vò, chỉ biết ngậm ngùi lặng lẽ chia tay nhau vội vã.

Trong hoàn cảnh nào ông giáo Phú cũng luôn giữ vai trung lập. Có người khen ông biết tự trọng. Có người chê ông hoạt đầu khôn khéo. Dù sao thì cả phe thân chính quyền lẫn phe đối lập đều muốn lôi kéo ông mà không được nhưng họ đều lắng nghe ý kiến của ông.

Cuối con đường mòn Hồ Chí Minh, cũng có một địa danh gọi là Ngã ba biên giới nhưng thực ra là vùng giáp ranh giữa tỉnh Moldolkiri của Campuchia với Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Ngọn núi Gun Lak và Nâm Nung như vị thần thiêng của bộ tộc M’Nông sống lâu đời ở đó. Nơi ấy cũng là nguồn của những con suối chảy đi nhiều ngả. Đất cũng như người, không có nước thì không sống được. Người già M’Nông kể rằng, từ thuở khai thiên lập địa, Giàng Jut dựng trụ đo trời, trụ cao qúa, phải có những giây giằng, nhưng cũng không chống nổi. Trụ gãy, còn lại chân là núi cao, ngửa mỏi cổ vẫn chưa nhìn thấy đỉnh. Giây giằng rớt xuống thành những con suối như Dak Hut, Dak Dam, Dak Nông, Dak Tík, Dak Lung, Dak Mil, Dak R’Lấp… đổ về sông Sêrêpok chảy qua Biển Hồ và sông Bé, sông Đồng Nai chảy ra biển Đông. Ông tổ M’Nông có nhiều vợ. Sau khi ông chết, mỗi bà dắt con ra ở riêng, thành các thị tộc người M’Nông Pré, M’Nông Noong, M’Nông Roong, M’Nông Sêtô, M’Nông Prưn, M’Nông Bih, M’Nông Ching, M’Nông Êgar… đều quần tụ quanh những dòng suối đó. Núi Nâm Nung bốn mùa mây phủ như sương. Dưới chân núi, nhiều dấu tích của tổ tiên người M’Nông còn để lại. Như suối Dak Vi, nước lúc nào cũng đục trắng, vì vợ con ông tổ tới đây vo gạo (Trước đây nghĩ rằng suối chảy qua địa tầng đất sét trắng. Sau phát hiện vùng này là mỏ bauxit khổng lồ). Lưng núi, một mảng đất truồi trơ màu đỏ sậm, là nương rãy của cụ tổ ngày xưa. Một trảng thông vốn là nương trồng cây thuốc. Đặc biệt một cây đa cổ thụ, tán lá xum xuê với những rễ cây tủa xuống, đêm ngày râm ran tiếng chim kêu vượn hú, là nơi bà tổ ngày ngày ngồi đấy ru con.

Những thứ thiết yếu cho đời sống đều được coi như những vật linh thiêng gọi là giàng: giàng paơ (lúa), giàng dak (nước), giàng un (lửa), giàng pri (rừng). Mùa khô, ra rừng phát rẫy bỏ hạt để đó. Về nhà nằm mơ thấy được ngủ với gái là tốt, thấy nước lũ về là xấu lắm. Đất rừng mênh mông nhưng các buôn tự giới hạn cho mình, không bao giờ có sự buôn này xâm phạm đất rừng của buôn kia.

Người M’Nông rất kín chuyện. Không thích ai thì không tiếp. Một cành cây treo ngược trước cửa là không muốn cho khách lạ bước vào nhà. Những ngày kiêng kỵ, không tiếp xúc với người ngoài. Tuy nhiên rất có bụng thương người. Khách từ phương xa tới, không biết tục lệ địa phương, đến hỏi xin thứ gì, người ta quăng ra thứ đó và bỏ đi. Người có nhu cầu biết ý cứ việc nhận lấy. Muốn hỏi điều gì, người ta quay mặt đi mà trả lời, kèm theo câu nói bâng quơ: “Ta nói cho cái cây của rừng, con nai của núi, con chim của giàng nghe thôi!” nhưng người nghe được giải đáp về điều mình cần biết.

Lính Sài Gòn đã bỏ chạy khỏi những đồn bót quan trọng từ bao lâu nay án ngự một vùng biên cương hiểm yếu này. Vậy mà bây giờ, giữa nơi thâm sơn cùng cốc ấy, bộ đội sao mà đông thế? Chúng nó giăng võng, ăn ngủ ngoài rừng, lúc con gà mới hát đã nghe chúng nó gọi nhau ríu rít như chim. Khi vào nhà, chủ, khách nói bằng miệng thì ít, nói bằng tay bằng mắt thì nhiều, cười đến chảy nước mắt ra. Chỉ có một kôn bu ur (đứa con gái) mà sao mặt nó buồn như lúc trời sắp tối. Mấy chị, mấy mẹ thương lắm, kêu nó vào nhà cho ngủ, hỏi:

- Bạ mày hằn? (mày đi đâu?)

Nhưng nó không biết tiếng mình, hỏi gì cũng lắc đầu, có khi nó khóc. Kôn bu klô (đứa con trai) bảo:

- Ur han rôkh sai! (vợ đi tìm chồng).

Mọi người lại càng thương.

Bộ đội cũng ít biết về cô gái. Chỉ biết cô ta người Hà Nội, có chồng vào Nam chiến đấu và bặt tin sau một thời gian. Cô xung phong vào đoàn cán bộ y tế đi B để tìm chồng. Mới tới binh trạm đầu của tuyến phía nam, cô bị ngã sái chân, phải vào nằm viện cả tháng trời. Bác sỹ bảo cô không có khả năng hành quân đường trường và cấp giấy chứng nhận cho cô trở lại hậu phương. Thời gian nằm trong bệnh viện và chờ đợi ở trạm thu dung cho cô vỡ ra chỉ có ở những nơi đó mới dễ dò ra dấu vết của chồng. Tình cờ gặp một giao liên, xem địa chỉ hòm thư, anh ta buồn bã bảo:

- Đây là đơn vị của tôi… Coi như bị xóa sổ rồi! Tôi chính là người khiêng cậu Nhân Trí ra khỏi trận địa và đưa vào viện quân y. Cậu ấy chỉ bị sức ép bom thôi. Nhưng bây giờ nhập vào đơn vị nào, đi ra hay đi vào cũng không biết nữa.

Yên Thịnh càng quyết tâm đi theo bộ đội ra mặt trận tìm chồng. Cô quyết định gặp đơn vị bộ đội nào đi vào phía nam là cô bám theo. Với tờ giấy thông hành đi vào “Ông cụ” và tờ giấy chứng thương, cô thật tình trình bày cảnh ngộ của mình:                                               

- Chúng em mới cưới nhau chưa được bao lâu thì anh ấy và đứa em trai ruột của em được gọi đi B. Hai anh em ở chung đơn vị. Thời gian đầu anh ấy gửi thư về nhà đều lắm. Nhưng rồi bặt tin luôn. Sau đó gia đính nhận được giấy báo tử của đứa em! Bây giờ em không biết anh ấy còn sống hay đã chết. Về nhà thui thủi một mình trong tâm trạng hy vọng thì ít, tuyệt vọng thì nhiều, em không sống nổi. Chi bằng cứ đi ra phía trước, không làm được việc lớn thì làm việc nhỏ và còn hy vọng. Lỡ có chết giữa nơi bom đạn hay nơi rừng sâu suối dữ em cũng cam lòng.

Để một người lạ nhập vào đội ngũ hành quân không dễ. Nhưng trước cảnh ấy, bộ đội dễ mủi lòng, cứ dấu ém chuyện đi ở các cấp tiểu đội, trung đội hay là đại đội. Cấp trên lỡ có biết thì cứ nói như một khách đi đường giao liên, tình cờ cho theo qúa giang một chặng đường. Tuy nhiên làm sao có được sự đồng nhất ở mọi người, cô phải sống trong tâm trạng phập phồng lo lắng. Không ít lần cô phải nhập vào đoàn khác hoặc vì đơn vị nọ hành quân rẽ ngang đường.

Anh lính tân binh Ngô Văn Xuân bỏ dở chương trình đại học, gia nhập đoàn quân giải phóng thẳng tiến vào Nam. Trong anh còn nguyên âm hưởng từ trong giảng đường những câu chuyện tình đã thành cổ tích hạnh phúc hoặc bi thương. Anh có những bài thơ vừa đi đường vừa sáng tác với bút danh Tầm Xuân. Đồng đội chê cái tên yếu như con gái nhưng anh giải thích:

- Hoa thường đồng nghĩa với mùa xuân. Người ta dễ lầm tưởng có hoa là mùa xuân đến với mình. Duy chỉ một thứ hoa đồng nội ấy nhắc con nhà nông chúng tôi mùa xuân mãi phải đi tìm. 

Nhân chuyện này, anh rung cảm làm bài thơ:

Giữa Trường Sơn tìm chồng

Trường Sơn mưa bom bão lửa

Núi cao xơ xác cây rừng

Bơ vơ một người thiếu phụ

Gót mòn rướm máu dặm dài

Ngẩn ngơ nhìn đoàn quân bước

Thẫn thờ mắt lệ tìm ai ?

Chồng em ra đi từ đó

Mỏi mòn trông một cánh thư !

Bằn bặt năm chờ tháng đợi

Sao anh đi mãi không về ?

Em tin rằng anh không chết

Vì em một dạ đợi chờ !

Em tin anh không hàng giặc

Bởi anh không biết sống hèn !

Em tin anh không đào tẩu

Bởi anh không chịu nhục đâu !

Em tin anh đang chiến đấu

Không rời đồng đội tuyến đầu !

Suốt đời anh vẫn yêu em

Sẽ về khi tan bóng giặc

Vợ chồng em mãi gần nhau !

Các anh cho em cùng bước

Thẳng ra phía trước tuyến đầu…

Gặp chồng em tặng nụ hôn

Lau sạch mồ hôi khói súng

Vá lành chiếc áo tả tơi

Chăm từng nắm cơm hạt muối

Em vui sống chết cùng chồng !

Nàng Mạnh Khương xưa tìm chồng

Bơ vơ Vạn lý trường thành

Áo bông chàng ơi… chống rét

Cho lòng thiếp đỡ tái tê…

Tủi phận mò kim đáy bể

Thôi đành thân gửi vực sâu !

Minh trinh thiên thu phiến thạch

Hóa người thiếu phụ hôm nay

Lặn lội Trường Sơn tìm chồng

Chung lưng đánh giặc giữ  nước

Tới ngày thống nhất non sông.

Cây trời che em mưa nắng

Đá mềm nâng gót chân em

Tay trong tay nhau nắm chặt

Cùng em ca khúc quân hành

Bài thơ là một đề tài bàn tán rôm rả trên đường hành quân. Có người bảo là thơ binh vận. Nhưng không ai nỡ bỏ rơi người thiếu phụ đáng thương ấy nữa.

Nghị quyết trung ương “Quyết tâm giải phóng miền Nam trong thời gian ngắn nhất” được triển khai xuống toàn thể các cơ quan Quân-Dân-Chính-Đảng. Trong bối cảnh này ai cũng cảm thấy như là điều phải đến, không bất ngờ cập rập như dạo tết Mậu thân. Nhưng liệu có là trận cuối cùng?

Song hành với quốc lộ 1 dưới đồng bằng là quốc lộ 14 trên phía thượng du. Phía Bắc từ Dakrông – Quảng Trị, nơi giao cắt con lộ 9, qua Thừa Thiên, Huế, Quảng Nam, xuyên dọc Tây Nguyên, tới miền Đông Nam bộ, giao cắt con lộ 13 ở Chơn Thành – Bình Phước, xuôi Bình Dương thẳng tới Sài Gòn. Các đơn vị bộ binh Quân giải phóng tập kết ở mấy buôn căn cứ địa đầu phía Nam này, học tập phối thuộc với binh chủng xe tăng thiết giáp ẩn trong rừng già, tiến hành trận đánh tổng lực giành thắng lợi cuối cùng. Sau khi triển khai phương án tác chiến cho cán bộ, Trung đoàn trưởng Hoàng Tuấn trực tiếp xuống từng đơn vị kiểm tra và động viên chiến sỹ:

- Lần này ta tổ chức chiến đấu trong đội hình các binh chủng hợp thành hành tiến với quy mô lớn trên toàn chiến dịch. Chiến trường rộng lại đòi hỏi vận động khẩn trương và hợp đồng chiến đấu chặt chẽ nhịp nhàng, khi cần phải kịp thời tạo thành những mũi nhọn chọc thẳng vào sào huyệt trung tâm của giặc. Lực lượng ta về quân số và hỏa lực được tăng cường đủ mạnh nhưng cán bộ chiến sỹ phải có quyết tâm cao và tinh thần dũng cảm chiến đấu, dám hy sinh giành thắng lợi trong từng trận đánh. Ưu thế của giặc là phi pháo nhưng lúc này bị hạn chế nhiều! Tuy nhiên ta không được chủ quan trước mọi phản ứng của kẻ cùng đường. Hành quân trong đội hình lớn việc giữ bí mật là khó thì các đồng chí càng phải đề cao tinh thần cảnh giác.          

Đơn vị cảm thấy không kham nổi người bạn đường đặc biệt nữa vì phải lệ thuộc vào đơn vị khác và kỷ luật của họ chắc chắn là chặt chẽ. Nhưng cô gái tỏ ra quyết tâm mạnh mẽ:

- Các anh đã giúp em thì giúp cho chót đi! Em có cách để không ai phát hiện ra được đâu.

Cô ghé vào tai anh Tiểu đội trưởng thì thầm. Anh ta nhảy dựng lên vỗ tay hưởng ứng:

- Em gái thông minh qúa! Tuyệt vời!

Ngay chiều hôm ấy, Yên Thịnh ngồi trên tảng đá bên bờ suối vắng, có người cảnh giới hai đầu, để cho anh Tiểu đội trưởng khéo tay tỉa đi bộ tóc. Tay kéo anh như thợ mà run rẩy ngập ngừng:

- Bộ tóc con gái đen dày đẹp quá thế này!

- Em chẳng tiếc đâu! Để nó làm gì? Anh cứ tỉa đi!

Tiểu đội trưởng cắt xong bộ tóc mà mồ hôi chảy ròng ròng.

Khi đội mũ xùm xụp với bộ quần áo nam giới dù rộng thùng thình, túi cứu thương lẵng nhẵng bên hông và cái ba lô chùm kín sau lưng, nếu không để ý cũng khó mà phát hiện ra đó là cô gái.

Đơn vị tiến công ở đội hình thê đội hai. Mỗi tiểu đội bộ binh ngồi trên một chiếc Môlôtôva chở kèm khí tài chiến đấu, bám theo xe tăng đi phía trước. Đường rộng, xe hành quân cấp tốc theo đà chiến dịch. Lúc đầu thấy sướng. Nhưng sau sóc lộn ruột lên, lính bộ binh hiểu ra hành quân bằng đôi chân mới thật là sướng vì chẳng phụ thuộc vào ai. Khi dừng lại nơi tạm nghỉ, cô gái nhanh chân chạy về chỗ đội hình bộ binh để khỏi bị lộ ra mình. Khi có lệnh hành quân, cô nhảy vội lên xe ngồi xen vào giữa, vừa đỡ xóc và kín đáo. Cứ thế, cô theo bộ đội đặt chân tới cửa ngõ Sài Gòn.

Các đơn vị bộ binh được lệnh tản xuống, bám sát xe tăng. Mỗi tiểu đội ngồi bám chặt hai bên thành xe để khi cần triển khai chiến đấu kịp thời. Lính bộ binh như bị hành rã người ra, chỉ muốn nhảy xuống khỏi xe thôi. Tiểu đội trưởng Thành lúng túng không biết giải quyết trường hợp cụ thể này ra sao. Cô gái biểu lộ quyết tâm :

- Xin các anh cho em được làm người lính cùng sống chết để giải phóng Sài Gòn. Nếu còn sống, nhất định em sẽ tìm  được chồng em. Nếu phải chết, em cũng cam lòng làm một người chiến sỹ vô danh!

Lúc này không thể để cô lại giữa một vùng giải phóng lướt qua hỗn độn địch nhiều, ta ít thế này. Tiểu đội trưởng suy tính làm sao thuyết phục được mấy anh lính xe tăng cho cô ngồi vào thùng xe.

Mỗi xe tăng biên chế năm người: một lái chính, một phụ lái, một thợ sửa xe, một xạ thủ và một tiếp đạn. Cố gắng ém thêm một người nữa vào cũng được, nhưng vấn đề là sức phụ nữ có chịu được không.

Đơn vị nhận lệnh đánh vào yếu khu Trảng Bom. Trung đội trưởng xe tăng đến từng xe nhắc nhở bộ binh cùng phối hợp nhịp nhàng. Thấy một anh lính nhỏ bé cứ lúng túng trèo lên trượt xuống dù có đồng đội kéo lên. Nhân Trí vừa tới đó, tay phụ đẩy đít anh lính bộ binh yếu ớt ấy lên vừa thét thật to trong tiếng động cơ xe nổ ầm ầm:

- Lính gì mà õng ẹo như con gái!

Cả thân hình người lính ấy ngã vật ra khiến anh phải nhanh tay đỡ lấy. Chiếc mũ tai bèo rơi xuống đất, lộ rõ ra khuôn mặt. Anh ta thất thần thõng tay xuống nhưng rồi lại kịp ôm chặt tấm thân ấy vào lòng, lay mạnh, hét lên:

- Yên Thịnh! Yên Thịnh! Có đúng là em không?

Cô gái run rẩy trong tay anh, chưa nói được gì. Anh tiểu đội trưởng bộ binh nhanh trí nhảy xuống, nhấc bổng cô gái lên giao cho mấy đồng đội ngồi trên xe, và thét vào tai anh trung đội trưởng xe tăng:

- Đừng để lộ ra mà hỏng việc… Cô ấy đi tìm chồng!

Nhân Trí kịp hiểu ra, vội nhảy theo lên, bế người con gái ấn vào thùng xe, nói vọng vào:

- Đây là vợ tôi!

Anh quay sang nói với các chiến sỹ bộ binh, giọng nhỏ hơn:

- Cảm ơn các đồng chí! Tôi không biết là chuyện thật hay mơ nữa?

Những đồng đội trong xe hiểu ra chuyện đều lặng lẽ đồng tình với trung đội trưởng của mình. Nhân Trí chạy về vị trí chiến đấu, vẫy tay thét lớn:

- Tiến!

Yên Thịnh trong tư thế nửa ngồi nửa nằm, mơ màng không tin vào chuyện xảy ra. Trong cái xóc lộn và hơi nóng hầm hập lẫn với tiếng đạn réo, người hét mà dường như thân xác, tâm trí không là của cô nữa. Nước mắt cô đầm đìa làm cho những người lính trong cảnh sắt lửa này cắn chặt răng im lặng.

Yên Thịnh dần tỉnh lại, cô nghe tiếng anh trưởng xe hét thật to lên:

- Đây là thị trấn Hố Nai. Dân hay địch mà đông thế?

Xe rú ga thật lớn mà vẫn đứng yên tại chỗ. Cô ngồi lên, nghển cồ nhìn theo người lái. Phía ngoài người ta đông lắm đứng cản mũi xe. Đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con, lẫn vào số mặc áo lính, đầu trần, tay chỉ trỏ la hét những gì dáng vẻ hung hăng lắm. Tiểu đội trưởng Thành chen tới trước mũi xe, nói những gì nhưng đám đông càng lấn tới xô đẩy khiến anh ngã dúi dụi. Anh giơ cao khẩu súng AK lên bắn chỉ thiên. Trong khói súng, Yên Thịnh thấy anh Thành ôm ngực ngã ngửa ra, chiếc áo đẫm máu. Cô gào lên và gục xuống! Tiếng quát tháo của những chiến sỹ trong xe, tiếng người ta náo loạn ngoài kia, tiếng rú ga khủng khiếp mà chiếc xe không chuyển động càng rung mạnh lên, lay thức cô tỉnh lại. Cô nghe rõ tiếng ai đó gào lên ngay trên tháp xe, vừa kêu gọi, răn đe, vừa ra mệnh lệnh:

- Đồng bào chú ý! Quân giải phóng chỉ đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược và bọn tay sai phản dân hại nước. Ai cản đường Quân giải phóng là chống lại tổ quốc và nhân dân, sẽ bị trừng trị. Các đồng chí! Hãy phân biệt rõ địch-ta. Quyết không để bị cản bước tiến quân về giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước!

Những chiếc xe tăng như thoát ra khỏi cơn giao động, rọi đèn thật sáng và rú ga thật lớn cùng nhích dần tiến lên, đồng thời những nòng súng đại liên, đại bác hạ tầm bắn thị uy. Đám đông chạy tán loạn, tiếng la khóc chìm trong tiếng súng. Bộ binh tản khai, trừng trị thẳng thừng những kẻ ngoan cố cản bước đường tiến quân. Đám người nháo nhào chạy lẩn đi khắp chốn. Những tiếng ồn lắng xuống, tan đi nhanh chóng. Vất vả lắm các chiến sỹ bộ binh mới theo kịp xe tiến lên. 

Khi đoàn xe vượt qua dãy phố xá thì tản ra, dừng lại. Vẻ mặt mỗi cán bộ chiến sỹ đều tỏ ra căng thẳng. Họ đau đớn đi gom xác đồng đội đã hy sinh trong thế tiến công mà sức đề kháng của kẻ địch đã tan rã hoàn toàn. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời chiến đấu những người lính dù từng trải và dày dạn mới trải qua. Họ đóng dã chiến bên ngoài thị trấn. Không ai muốn ăn mặc dù trong bụng rỗng không. Họ chỉ khát nước thôi. Nhưng trong tình cảnh này nước lã trong chum vại và giếng nước nhà dân cũng không ai dám uống.

Khi bộ phận thu gom thương binh, tử sỹ mang xác Tiểu đội trưởng Thành đi, Yên Thịnh thẫn thờ không muốn rời ra. Anh là người quyết tâm bảo vệ, che chở cho cô được đi theo đơn vị đến hôm nay. Nhân Trí cũng không biết nói gì để an ủi vợ. Chính trị viên tiểu đoàn và một cán bộ địa phương đến từng xe an ủi, động viên chiến sỹ:

- Đây là nơi tập trung những người công giáo phía Bắc di cư. Họ bị xuyên tạc về bộ đội giải phóng, đã trở thành căn cứ an toàn của địch từ bấy lâu nay. Các đồng chí phải bình tĩnh và kiên nhẫn. Không được vi phạm chính sách dân vận và tuyệt đối không được manh động. Chỉ có thời gian mới giúp đồng bào nhận ra sự thật.

Sửng sốt nhận ra có một chiến sỹ gái trong đơn vị, anh hỏi lớn:

- Tiểu đội trưởng đâu?

Bộ đội đứng yên nhìn nhau. Cô gái bước tới đứng trước người chỉ huy:

- Báo cáo... Anh Thành hy sinh rồi ạ!

Hai tay cô bưng mặt, nghẹn ngào:

- Có gì xin thủ trưởng cứ kỷ luật em đi… Em không làm gì cản trở công việc của các anh đâu!

Người cán bộ chỉ huy càng ngạc nhiên, nhìn sang trung đội trưởng tăng:

- Đồng chí có biết chuyện này không?

- Báo cáo… có biết! Nhưng là mãi sau lúc đơn vị đã triển khai đội hình chiến đấu! Không ngờ…

Chính trị viên càng ngạc nhiên hơn nữa khi nhà thơ Tầm Xuân lên tiếng:                                    

- Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân đấy, thủ trưởng ơi! Chúng tôi xin bảo lãnh cô ấy. Đảm bảo sẽ không ảnh hưởng gì tới sự hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị đâu!

Vừa lúc có liên lạc chạy tới nói gì với chính trị viên. Trước khi bước vội đi, anh còn gay gắt :

- Lệnh Tổng công kíchtoàn chiến dịch. Không được chậm trễ. Vi phạm kỷ luật chiến trường là coi chừng phải ra trước Tòa án binh mặt trận đấy!

Tuyến phòng thủ Hố Nai đã bị đập tan, tuy nhiên đám tàn quân địch còn lẩn trốn trà trộn trong dân, lẻ tẻ đánh trộm cũng gây thiệt hại nhưng không thể làm bộ đội ngừng bước tiến. Đơn vị nhận được lệnh khẩn trương phối hợp tiến công toàn chiến dịch, để lại cho đơn vị sau và địa phương giải quyết chiến trường.

Bộ đội trong đội hình hành tiến.

Chiến sự diễn ra giằng co quyết liệt ở ngã ba Tam Hiệp và đơn vị mau chóng vượt qua thị xã Biên Hòa. Hai chiếc xe tăng M41 của địch bị bắn cháy nằm cản giữa đường, trung đội của Nhân Trí được lệnh ủi gạt chúng sang một bên để lấy đường tiến quân. Lúc này, trên lộ Một nườm nượp xe của các mũi hội quân dồn về, vừa vui náo nức vừa hồi hộp. Hình ảnh các đồng đội hy sinh vừa qua thoáng hiện ra. Ở tuyến phòng thủ vành đai mà địch đã phản ứng dữ dội, liệu vào tận sào huyệt phản ứng của chúng sẽ thế nào? Hiểu được tâm trạng của bộ đội, Chính trị viên tiểu đoàn xuống từng trung đội động viên:

- Quân Mỹ đã rút chạy. Quân ngụy hoang mang cực độ và tan rã nhanh chóng. Giờ chiến thắng đã đến gần. Các gọng kìm đã xiết chặt và sẽ bóp nát hang ổ cuối cùng của địch. Các đồng chí! Vì thắng lợi cuối cùng, chúng ta sẵn sàng hy sinh tất cả! Không sức mạnh nào cản được bước tiến của đại quân ta.

Cùng lúc với chi khu Dầu Tiếng và thị xã An Lộc ở phía tây-bắc Sài Gòn. Các lộ 13, 14, 20, 22 tiến thẳng về Sài Gòn đã bỏ ngỏ. Trong khi Thiệu ra lệnh cho Sư 18 quyết tử thủ bảo vệ lá chắn thép Xuân Lộc thì Quân giải phóng đột ngột thay đổi ý đồ chiến thuật, một mặt giữ vững trận địa kìm chân đối phương, cùng lúc các mũi tiến công chuyển hướng đánh bọc ra phía sau, chiếm ngã ba Dầu Giây, uy hiếp yếu khu Long Thành – Trảng Bom và thành phố Biên Hòa. Lá chắn Xuân Lộc chơ vơ ngoài vòng đai phòng thủ Sài Gòn!

Trung tâm phái ông Ba già vào nội đô ở sát bên ông giáo Phú để nhận tin chính sự hàng ngày hàng giờ và góp ý với ông phương cách đối phó khi cần. Ông Ba người Việt gốc Hoa, có tính sởi lởi và thâm trầm tinh quái của người Tàu pha tính hài hước khôn ranh của người Việt, rất được trên tin tưởng. Ông giáo khéo ý bảo Nhài và mẹ con Dạ Lan qua ở trông nhà Đại tá Chu mới đi di tản. Chỉ còn ông với Thủy Tiên cũng ít khi có ở nhà. Ông Ba như một ông già quê chạy loạn đến xin giúp việc. Tình thế này chẳng ai còn lòng dạ nào để mà dòm ngỏ nhà nhau.

Ông giáo tóm lược:

- Có kẻ lăm le muốn đảo chính nhưng còn chờ xem Mỹ có ủng hộ không vì ai cũng hiểu đảo chính mà không có bàn tay người Mỹ nhúng vào là không xong đâu dù chính quyền này đã rệu rã lắm rồi. Nhà Trắng không thiết tha gì nữa, đang loay hoay vừa tìm cách kiềm chế bước chân của Quân giải phóng vừa tìm một con bài mới khả dĩ có thể nói chuyện được với phía bên kia. Có thể là chú gà trống Gaulois phóng đãng lẳng lơ, để lỡ duyên rồi muốn quay lại làm tình? Lại cả ông láng giềng bất đắc dĩ mạt cưa mướp đắng, miệng nam mô bụng một bồ dao găm cũng đang muốn nhảy vào… Nhưng Thiệu là kẻ mặt dày mày dạn – cố đấm ăn xôi!

Người Mỹ biết vai kịch giao cho kép Thiệu thủ chính từ kịch bản do họ soạn ra đã xong rồi. Quốc hội Mỹ dứt khoát không viện trợ thêm cho Sài Gòn nữa ngoài những khoản chi cho việc rút toàn bộ người Mỹ nhanh chóng ra khỏi miền Nam Việt Nam. Dù kép hát vẫn múa may trên sân khấu nhưng từ hậu trường đạo diễn Martin phẩy tay gọi phải vào ngay. Cùng với điềm gở chẳng lành là có kẻ chơi xấu làm kinh động chốn an nghỉ của đấng tiền nhân thân tộc ở quê nhà, Thiệu chợt tỉnh nhận ra người tiền nhiệm là ông Diệm cùng mang cốt tinh Tý và chết thảm đúng vào năm Mẹo, đến nay vừa tròn một chi con giáp, chẳng là tiền triệu báo mệnh đế vương của mình đến đây chấm dứt hay sao? Ngày 18 tháng tư, y ra lệnh cho quân chạy khỏi Xuân Lộc về giữ khu kho Long Bình và con lộ 51, lấy đường thoát ra biển Đông theo ngả Vũng Tàu dù hắn dư biết mất Xuân Lộc, Sài Gòn sẽ mất! Tướng Weyand thừa nhận: “Tình hình quân sự là tuyệt vọng”! Ngày 23 tháng tư, Tổng Thống Gerald Ford tuyên bố: “Cuộc xung đột ở Việt Nam của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ coi như đã chấm dứt!” được loan đi rất nhanh trên các phương tiện truyền thông. Thiệu hiểu ra đã đến lúc nhả ra cái ngai Tổng Thống quyền rơm vạ đá lúc này.

Từ cuộc họp ở toà nhà Quốc hội trở về, ông giáo đưa cho ông Ba già một xấp tài liệu, giọng bực tức nói oang oang dù có cả Thủy tiên và Văn Khoa ở đó:

- Không chỉ lưỡng viện mà cả tòa Đại sứ Mỹ đều bị bất ngờ! Thằng này gian hùng, mưu mẹo không thua gì Tào Tháo. Nó lấy cớ hợp hiến, giao lại quyền cho một lão phó già vô tướng bất tài thì làm sao có thể xoay chuyển được tình thế trong lúc lửa bỏng dầu sôi thế này? Nó không ăn được thì đạp đổ! Nó vừa chửi thằng thầy vừa hù dọa lão già kế nhiệm: “Nếu tôi không nói rằng các ông đã bị cộng sản Việt Nam đánh bại thì tôi cũng xin thưa rằng các ông cũng không thắng được họ. Nhưng các ông đã tìm được một lối tháo lui trong danh dự… Các ông bỏ chạy để mặc chúng tôi làm cái việc mà các ông làm không xong. Chúng tôi không có gì hết thế mà các ông lại muốn chúng tôi hoàn thành cái điều mà các ông không hoàn thành nổi. Các ông bắt chúng tôi làm một việc như lấp biển Đông”!

Thủy Tiên cười rúc rích nói chêm vào:

- Anh Văn Khoa vậy mà tiến bộ nhanh lắm. Giữa đông đảo bạn bè, anh ấy đọc to khúc này lên và chế thêm vào: Vậy thì người khoẻ mạnh, tài ba như ông mà lại bỏ cuộc giữa chừng thì làm sao một ông già gần đất xa trời, tài cán chỉ bằng một tên thượng sỹ, có thể gánh nổi trọng trách quốc gia lúc này? Ông đúng là một tên phá đám!... Mọi người vỗ tay hưởng ứng ầm lên.

Ông Ba già bảo:

- Thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước tới rồi. Không sức mạnh nào ngăn nổi nữa. Tin từ phái đoàn ta đang ở sân bay Tân Sơn Nhất báo ra, một viên sỹ quan trong phái đoàn Mỹ bắn tin với Hà Nội rằng: “Mỹ chịu thua rồi! Các ông đừng tấn công vào Sài Gòn làm nhục người Mỹ nữa”!

- Quốc hội Mỹ bác bỏ đề nghị viện trợ thêm cho chính phủ Việt Nam cộng hòa nhưng đồng ý cho chi 200 triệu Dollar để khẩn trương xúc tiến kế hoạch di tản toàn bộ người Mỹ kể cả quân sự lẫn dân sự nhanh chóng ra khỏi miền Nam Việt Nam. Sài Gòn đang vận động thành lập một chính phủ mở rộng để nói chuyện hòa giải với bên kia. Người ta nhắm có cả tôi trong đó? – Ông giáo hỏi ý ông Ba.

- Một ông bạn Pháp cũng muốn tiến cử anh Văn Khoa có chân trong đấy ? – Thủy Tiên cũng hỏi.

- Đừng dại gì đứng vào hàng ngũ của kẻ bại trận ! – Ông Ba xua tay.

- Nếu như có một chính phủ như thế? Người ta đang định cử một phái đoàn ra Hà Nội, nếu không được thì vào sân bay Tân sơn Nhất thương thuyết với đàng mình? – Ông giáo hỏi thêm.

- Vô ích! Lúc này, không ai có đủ quyền đại diện cho nhân dân miền Nam ngoài Chính phủ cách mạng lâm thời ra!

- Nhưng có cần thêm sự đổ máu của dân lành và sự tan hoang sụp đổ của Sài Gòn khi ta có khả năng hạn chế? Nghe nói ở Xuân Lộc–Long Khánh, nó cho thả hai quả bom khủng khiếp từ trước tới nay chưa từng dùng ở chiến trường miền Nam. Một số sỹ quan trí thức Phật tử thiện tâm cung cấp thông tin: Trái bom phát quang chứa 7.500 kilôgam chất nổ san thành bình địa phối hợp với trái bom ngạt sinh hóa CBU-55phân hủy oxy, có khả năng hủy diệt môi trường môi sinh trong phạm vi đường kính một kilômét! Nhóm dân biểu đối lập đã kịp thời phát tán văn bản tố cáo tội ác này ngay tại nghị trường Quốc hội. Tuy nhiên thật khó lường hết dã tâm của kẻ cùng đường vì có tin còn hai trái bom như vậy đã được chở đến sân bay Tân Sơn Nhất… – Ông giáo lộ vẻ lo lắng cả trong giọng nói và trên nét mặt.

- Ta chưa biết tác hại cụ thể của thứ vũ khí nguy hiểm mới này. Nhưng nhà Trắng và lầu Năm Góc đã giở hết bài rồi mới chịu xuôi tay bỏ cuộc thì tất cả đếu là qúa muộn. Lũ sát nhân vong bản theo đóm ăn tàn này dù có hung hăng nhưng cũng không thể nào cản được bước ta đi. Người cách mạng phải biết qúy trọng từng giọt máu của chiến sỹ và đồng bào mình. Nhưng chúng ta cũng không có quyền từ chối một thắng lợi toàn diện khi đã nắm chắc thời cơ chiến thắng trong tay và sẽ tránh được mọi trò gian manh phức tạp cản bước ta đi mà kẻ thù giở ra sau đó!

- Thời cơ đó là gì?

- Là Mỹ hoàn toàn không có khả năng quay lại miền Nam nữa! Là khí thế tiến công của toàn quân và dân ta đang dâng lên như nước vỡ bờ! Là tinh thần sỹ quan binh lính địch đang trong trạng thái hoàn toàn tan rã! Là sự sụp đổ của ngụy quyền các cấp từ trên xuống dưới như trong thế trận liên hoàn đôminô… Tình hình chiến sự đang diễn biến cực kỳ có lợi cho ta. Thời cơ do ta tích lũy và tạo thế từ bao lâu nay đã đến và chỉ có một dịp này. Như hồi Cách mạng tháng Tám tương quan ta địch khác nay nhiều mà Bác Hồ vẫn quyết tâm chỉ đạo dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải làm! Người cách mạng chân chính phải chấp nhận một sự hy sinh cần thiết cho thắng lợi trọn vẹn của sự nghiệp chung.

Ông giáo chợt nhớ hồi sau tết Mậu Thân mất mát đau thương bi quan là thế mà câu thơ của ông Mười – người chiến sỹ cách mạng gang thép kiên cường đã tiếp sức cho ông:

Ta dù hy sinh sẽ thành bất tử

Khi Tổ quốc ta về lại một nhà

Từ miền Trung cho tới đồng bằng Nam Bộ, mỗi ngày hừng hực vang lên lời tuyên bố của Ủy ban cách mạng các tỉnh tiếp nhau thông báo với đồng bào cả nước chính quyền nơi ấy đã hoàn toàn nằm trong tay những người yêu nước, phát đi lời kêu gọi khoan hồng với những người vì hoàn cảnh cá chậu chim lồng mà phải làm việc hoặc đi lính tay sai cho ngoại bang, nay thực tâm hối cải quay về với tổ quốc và nhân dân.

Tin Thiệu cùng viên Thủ tướng của y trốn chạy sang Đài Loan càng củng cố niềm tin mà ông Ba già đã nói ra. Sỹ quan, binh lính Sài Gòn công khai chửi khắp mọi nơi:

- Hắn là thằng nắm nhiều quyền và hưởng nhiều lợi nhất, từng nỏ mồm tuyên bố: “Nếu Mỹ không tiếp tục chiến đấu ở đây thì chúng tôi chiến đấu một mình cho đến khi hết phương tiện rồi chúng tôi chết”! Bây giờ máy bay, xe pháo, súng đạn… vẫn còn đầy nhưng những thằng trùm đều theo nhau cao chạy xa bay hết ráo!

Ông giáo thông tin:

- Phóng viên hãng AFP mới di tản khẩn cấp bằng trực thăng Mỹ về cho biết quân Khmer đỏ đã tràn ngập Phnompenh và tàn sát không thương tiếc những ai liên quan tới chính quyền cũ. Cựu thủ tướng Sirik Matak không chịu di tản theo lời mời của Mỹ.

Ông đưa ra mảnh giấy phôtô bức thư của Sirik Matak gửi cho viên đại sứ Mỹ ở Phnompênh vào giờ phút chót:

“… Tôi hết sức thành thật cảm ơn ông về đề nghị đưa tôi đến tự do. Tôi không bao giờ tin rằng vào lúc này, ông cũng như đất nước vĩ đại của ông lại có cái cảm nghĩ rằng mình đã bỏ rơi một dân tộc đã chọn tự do! Chúng tôi cần sự bảo vệ của các ông nhưng các ông đã từ chối! Chúng tôi không thể làm gì trước tình thế này! Rất tiếc thay, tôi không thể rời nơi đây một cách hèn nhát. Nhưng hãy khắc ghi rằng nếu tôi chết ngay ở nơi này, tại đất nước mà tôi yêu dấu thì cũng chẳng thành vấn đề vì rằng tất cả chúng ta sinh ra đều tử biệt. Tôi chỉ mắc mỗi sai lầm là đã tin các ông”!

Ông giáo cười khẩy:

- Nghe cùng một giọng với Nguyễn Văn Thiệu trước khi rời khỏi cái ngai Tổng Thống: “… Họ đã bỏ rơi chúng tôi. Họ bán rẻ chúng tôi. Thật vậy, họ đã phản bội chúng tôi. Một nước đồng minh lớn đã không làm tròn lời hứa với một nước đồng minh nhỏ. Đó là một hành động vô nhân đạo của một đồng minh vô nhân đạo”! Siric Matak đã từng học ở Sài Gòn nhiều năm và có không ít bạn bè ở đây mà cũng trong đám đầu sỏ tàn sát Việt kiều. Nhưng nói thật vô tư, cũng là kẻ lừa thầy phản bạn nhưng y còn biết giữ chút liêm sỷ cuối cùng hơn vị nguyên thủ cái quốc gia Việt Nam cộng hòa này!

Ông Ba kết luận:

- Đấy là bài học cay đắng thảm thương cho những kẻ đặt lợi ích cá nhân lên trên quyền lợi của quốc gia, dân tộc. Khi nhận ra đã lỡ gửi trứng cho ác rồi thì dù sống hay chết đều bị bia miệng liệt vào hàng phản dân hại nước – bất nghĩa bất trung!

Ông nhìn bạn vẻ đầy tự tin, đặt ra câu hỏi:

- Trong tình thế này, còn quan lính nào có tinh thần chiến đấu nữa chăng? Kẻ nào liều mạng chỉ là tự sát! Nhân dân ta đã, đang và sẽ ủng hộ Quân giải phóng. Một chính thể phản lại lợi ích của quốc gia dân tộc sẽ tan nhanh như bọt sà phòng! Sài Gòn  không sụp đổ mà đứng dậy tự hào!

Ông giáo gật đầu tươi nét mặt biểu ý đồng tình:

- Chắc đây là buổi họp cuối cùng của lưỡng viện vì như buổi chợ chiều rã đám. Chỉ lơ thơ còn chừng phân nửa, ai cũng nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa nghe mấy ông tướng kể nỗi tuyệt vọng về chiến sự. Đám tàn quân như hổ vô đầu, chắc có làm được chuyện gì không? Tàn cuộc rồi mới nặn ra cái nghị quyết trao quyền Tổng Thống cho ông Minh lớn, dù trong bụng ai cũng thấy đã là qúa muộn. Ông tướng đàn anh không thích Mỹ, từng lưu vong và bị đẩy về hưu sớm, nay đứng ra lãnh cái sứ mạng bi thảm vào phút chót của một chính quyền do người ngoại chủng dựng nên. Viên đại sứ Pháp gợi ý làm trung gian nhờ một quốc gia lớn có nhiều ảnh hưởng gỡ ra thế bí, ông ta chán chường từ chối: “Suốt đời tôi đã làm tay sai cho Pháp rồi cho Mỹ đều chuốc lấy thất bại. Bây giờ tôi không thể làm tay sai cho ai nữa để chống lại nhân dân và tổ quốc của tôi”! Bước ra khỏi phòng họp, lại một loạt tướng lãnh với nghị viên linh lỉnh theo kế tẩu vi thượng sách! Vậy mà trong buổi lễ bàn giao quyền lực, lão già qúa háo danh, bị phế truất còn muốn bày trò nghi thức có kèn trống tống tiễn cho oai! Hay là tiếc rẻ không được da ngựa bọc thây… già để lưu danh thiên cổ? Cuộc bàn giao thật chán phèo, buồn tẻ vì người giao nói suông vài câu kèm theo lời mai mỉa: “Nhiệm vụ của Đại tướng rất nặng nề”! Hàm ý chắc gì anh đã làm được hơn tôi? Và người nhận là ôm vào cả một cơ đồ đổ nát thảm thương mà không biết phải làm gì vì phía bên kia coi chính quyền này đã là một con số không thật sự.

Ông Ba hỏi:

- Anh nghĩ sao về bộ sậu mới này?

- Các nhân vật chủ chốt đều là những chính khách có vai vế tiếng tăm và ảnh hưởng lớn, từng tham chính với thái độ ôn hòa. Tướng Dương Văn Minh tỏ thái độ bất hợp tác với Mỹ từ lâu. Ông đã thẳng thừng từ chối món tiền cọc một triệu Dollar của người Mỹ, biến cuộc bàu cử Tổng Thống Việt Nam cộng hoà năm 1971 thành trò độc diễn vô duyên, làm nền dân chủ Mỹ bẽ bàng và vai Tổng Thống của Thiệu như một tên hề trơ trẽn lố lăng. Luật sư Nguyễn Văn Huyền là người đàng hoàng, lịch thiệp, tuy là công giáo nhưng không thuộc phái cực đoan, ông đã nhiều lần cãi bênh vực cho những người yêu nước trước tòa. Giáo sư Luật khoa Vũ Văn Mẫu thiên về kỹ trị hơn là chính trị, từng hai lần cạo trọc đầu tỏ thái độ công khai phản đối khi Diệm đàn áp những người Phật tử và khi Thiệu chống phá hiệp định Paris. Người có học vấn như ông mà giữ nguyên được cái nghiệp thầy thì thật là sáng giá, sao lại chen chân vào chuyện chính trường để chịu cảnh lên thác xuống ghềnh quả là đáng tiếc! Dù sao, họ đều là những trí thức tiêu biểu có uy tín, lớn tuổi và từng trải qua sự thăng trầm của đất nước. Không phải họ không thấy cái thế trứng để đầu đẳng giữa cơn loạn đả này đâu. Họ có thiện tâm, thiện chí.   

- Con thuyền mục đáy đến lúc nát vỡ rồi, nhất định chìm thôi, Trời cũng không cứu nổi! Ta ghi nhận tinh thần dân tộc trong họ vẫn có thể đóng góp cho đất nước.

Ngừng một lát, ông Ba nói giọng nhỏ đi nhưng nhấn từng ý như truyền đạt một quyết tâm:

- Lời Bác dạy “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” thật là ứng nghiệm! Quân Mỹ cuốn xéo hết đi, quân ngụy làm sao trụ nổi? Đã đến lúc giải giáp các lực lượng quân đội và cảnh sát tay sai, giải tán ngụy quyền Sài Gòn! Chính quyền hoàn toàn về tay nhân dân!

Trận mưa gió lớn và sấm rền chớp giật như báo trước vận mạng của chính quyền đã đến ngày tận số. Cuối ngày, kết thúc cơn mưa là một trận dội bom gậy ông lại đập lưng ông của một phi đội năm chiếc A37 mới lọt vào tay Quân giải phóng ở miền Trung. Sân bay Tân Sơn Nhất ngùn ngụt lửa khói, tanh bành thân xác hàng chục chiếc máy bay. Tiếp theo một đêm pháo kích. Không chiếc máy bay nào có thể cất cánh hoặc bén mảng tới sân bay nữa trong khi trên bản đồ chiến sự đã hình thành năm mũi tiến quân của Quân giải phóng đang khép chặt Sài Gòn.

Ông Ba già căn dặn :     

- Lúc này anh cố tìm cách tiếp cận với những người trong nội các mới. Chắc chắn không phải chỉ có một mình anh đâu. Nhưng mỗi người một việc, cố gắng tác động để trước hết họ khỏi bị ám ảnh bởi một sự trả thù mà bọn CIA và đám phản động trong khối tôn giáo dựng lên, đồng thời khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần dân tộc trong mỗi con người. Tất nhiên cần hạn chế tối đa những phản ứng qúa khích có thể gây thiệt hại đáng tiếc cho cả hai bên.

Ngày 26 tháng Tư, các đơn vị bộ đội được phổ biến lệnh trên cho mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh – trận đánh cuối cùng tiến thẳng vào trung tâm sào huyệt của Mỹ-ngụy, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử giải phóng miền Nam.               

Quanh Sài Gòn, các ngả đường từ các hướng Bắc, Tây Bắc, Đông, Đông Nam và Tây Nam những dòng xe, dòng người ào ào nhắm về một mục tiêu.

Một ngày sau khi nhậm chức, tân Tổng Thống chỉ có thể chủ động làm được một việc có ý nghĩa lịch sử là gửi thông điệp cho đại sứ Mỹ cùng lúc với tân Thủ tướng công báo trên đài phát thanh, chính thức yêu cầu toàn bộ người Mỹ còn lại phải rời khỏi Sài Gòn trong 24 tiếng đồng hồ! Một đội quân viễn chinh bị những người yêu nước đuổi đi là chuyện thường tình. Nhưng chuyện có một không hai trong lịch sử mà không ai nghĩ tới là một đội quân xâm lược nhà nghề hùng hậu đến thế vào giờ phút chót phải rời khỏi Việt Nam trong tình cảnh trớ trêu bị chính người cùng hội cùng thuyền xua đuổi vỗ mặt quyết liệt vội vàng như thế!

Người Mỹ đã thực hiện kế hoạch di tản gấp hơn sáu ngàn người còn lại từ ngày Thiệu nhả ra cái ngai quyền lực được họ ấn ngồi vào. Coi như cuộc chiến tranh do người Mỹ tự làm điêu đứng chính mình đến đây chấm dứt. Ngày đêm, những chuyến máy bay vận tải chở đầy người di tản nối nhau cất cánh rời sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng họ cũng không ngờ tình hình diễn ra xấu nhanh như thế. Trong khi sân bay thành vô dụng thì cái trát tống khứ cấp thời của người bạn từng đầu gối tay ấp thật qúa phũ phàng! Toà Bạch Ốc lập tức ra lệnh thiết lập một cầu hàng không đặc biệt từ các bãi đậu dã chiến kín đáo là những khoảng trống hoặc sân thượng của mấy dinh thự công sở ngay giữa lòng thành phố tới hạm đội Bảy áp sát ngoài khơi. Khắp Sài Gòn vang lên những tín hiệu đặc biệt riêng khẩn cấp cho những người Mỹ và một số nhân vật cộm cán ở Sài Gòn có mặt ngay tại các điểm tập trung ngầm giao hẹn trước để kịp thời được bốc đi bằng những chuyến máy bay trực thăng Chinook khổng lồ.

Đêm trước ngày nội các ra mắt quốc dân, ông giáo lẫn trong số dân biểu không di tản, theo tướng Minh vào trú tại dinh Tổng Thống. Mọi người tản ra các phòng, từng nhóm ngồi, nằm tạm bợ, không ai ngủ được.

Một đám lính mặc đồ dã chiến, đạn quấn cùng mình, lăm lăm tay súng như sẵn sàng nhả đạn, xông thẳng vào dinh mà không ai dám cản. Viên sỹ quan tiến đến trước Tổng Thống, dậm chân chào theo đúng phép nhà binh, giọng đầy bức xúc:

- Trình Đại tướng Tổng tư lệnh quân lực Việt Nam cộng hòa. Xin ngài cho chúng tôi được tử thủ bảo vệ Sài Gòn!

Hàng trăm con mắt dồn vào ngài tân Tổng Thống. Không ngờ vị Đại tướng cao to thường ngày oai vệ là thế mà trong giờ phút định mệnh này lại tỏ ra xúc động tưởng như là mềm yếu. Ông bước tới đặt tay lên vai viên sỹ quan vẫn trong tư thế nghiêm chờ lệnh. Giọng ông nhỏ nhẹ thân tình như muốn trên dưới cùng chia sẻ với nhau nỗi khó lúc này:                

- Cảm ơn các em! Là người lính, qua hiểu rõ sự vinh nhục của kẻ thắng người thua. Nhưng muộn quá rồi! Phải làm gì để anh em binh sỹ và nhân dân không phải đổ thêm máu ra vô ích và giữ cho thành phố Sài Gòn này không đổ nát!

Bao nhiêu tiếng thở dài do bị dồn nén lại cùng trút ra như một luồng gió làm dịu đi bầu không khí căng thẳng trong phòng dù không ai kịp nghĩ là điềm lành hay dữ nữa. Mấy người lính chúi nòng súng xuống cúi đầu lầm lũi bước ra.

Vào lúc khuya, một đám người nhốn nháo chạy ra sân cỏ trước dinh có đỗ hai chiếc phi cơ trực thăng dành riêng cho Tổng Thống. Họ vội vã mà kín đáo, rồi tiếng động cơ gầm lên, hai chiếc chuyên cơ lao thẳng vào đêm tối. Mọi người nhìn nhau muốn hỏi một điều gì. Viên sỹ quan tùy tùng trong dinh giải thích:

- Tổng Thống cho phép phi công di tản. Còn ổng thì ở lại!                                 

         Có người mừng vì hy vọng vẫn còn được người che chở. Có người tỏ ra nuối tiếc vì không biết trước nên chậm chân lỡ cuộc.

Lúc hừng đông ngày cuối tháng Chúa Phục sinh, viên Toàn quyền Martin tay ôm chiếc cặp chứa lá cờ quốc thể, tay ôm con chó cưng buồn bã và cay đắng leo lên chiếc trực thăng riêng trên sân thượng tòa sứ quán, có đám Thủy quân lục chiến súng trên tay sẵn sàng loại bỏ bất kỳ ai liều mạng bám theo. Cuộc rút chạy của những tên xâm lược Mỹ cuối cùng ra khỏi Việt Nam diễn ra như thế, mặc xác hàng ngàn người Việt Nam bán mình cho họ dù được ưu tiên lọt vào khuôn viên tòa đại sứ với lời hứa sẽ không bỏ lại một ai! Và ngoài bến cảng Bạch Đằng, quang cảnh còn thảm thiết hơn: cơ man nào người chìm trong những tiếng kêu la, khóc lóc, chửi thề, nguyền rủa… với những bộ mặt hoang mang, thất vọng, oán hờn nhìn theo những con tàu oằn lưng rẽ sóng chạy tít ra khơi như chiếc lá bay về phía chân trời!

Ông giáo Phú chợt nhớ tới câu nói lịch sử của Napoléon Bonaparte bên bờ sông Vistule năm nào: “Từ vinh quang đến lố bịch chỉ một bước thôi”! Ấy là sau trận Borodino trước cửa ngõ Moscow, mặc dù Cutudốp phải rút quân về Tula nhưng Bonaparte vẫn phải vội vàng kéo đám hùng binh hổ tướng tháo chạy khỏi nước Nga giữa mùa đông tuyết giá hoang tàn, để diễn ra bao cảnh thảm thương!

Qua phút xúc cảm xuất thần, ông giáo giật mình trở về thực tại: Đã không còn náo loạn tiếng máy bay trên trời nhưng trên đường phố Sài Gòn những tiếng thắng xe ghê rợn rít lên đây đó trước những người bị bỏ rơi thất thần, hốt hoảng trong bước đường cùng lẫn với một đội quân thừa cơ cướp bóc và đi hôi của ở các tiệm vàng, cửa hàng, các nhà giàu, các công sở, các dinh thự của người nước ngoài bỏ trống. Trong lúc hỗn loạn như thế mà không thấy bóng dáng viên cảnh sát nào. Đám lính bị bỏ rơi đã nhanh chóng biến thành lũ nặc nô hung hăng công khai cướp bóc. Người thành phố càng hoang mang rối loạn nghe đủ các tin đồn về một cuộc tắm máu trả thù sắp tới.

Tưởng là ngày hoàng đạo thì mọi chuyện đều êm đẹp nhưng ngay từ buổi sớm, trước tình thế vô phương cứu vãn, nội các mới hình thành dở dang, chỉ còn cách ra tuyên bố sẵn sàng bàn giao chính quyền cho Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đồng thời, tướng đại diện Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn ra lệnh cho các sỹ quan và binh sỹ chấp hành lệnh ngưng bắn ngay tại chỗ. Một nội các rã rời lèo tèo không quân, không tướng, không ai công nhận, ngồi chờ một biến cố phi thường đang ập tới mà chưa biết họa phúc thế nào!

Năm mũi tiến của Quân giải phóng từ các điểm hợp quân địa đầu nhằm vào các mục tiêu trọng yếu giữa nội đô.

Tiếng bom pháo hòa trong tiếng gầm rú của các loại xe tăng, giáp, pháo hạm… Bốn phương lửa khói ngút trời. 

Đoàn xe dằng dặc những tăng, giáp xen với các xe tải chở bộ binh và khí tài băng băng hối hả trên xa lộ Một…

Phía trước là chiếc cầu, mặt đường bị cày xới, chỗ đỏ quạch, chỗ nám đen khói đạn. Một cô gái bận bộ đồ bà ba đen, khăn rằn, nón tai bèo, khoác súng AK, tay đeo băng đỏ, tay giơ ngang ra lá cờ Mặt trận vẫy vẫy. Nhân Trí ra hiệu cho xe dừng lại, hét to lên:

- Đây là đâu?  

- Cầu Rạch Chiếc!... Kế là cầu Sài Gòn… vừa ngơi tiếng súng!… Chạy tới ngã tư lớn, quẹo trái… Qua cầu Thị Nghè… Thẳng miết tới dinh Độc Lập!

Nhân Trí chỉ những người đang lúi húi trên bờ, lặn ngụp dưới sông, cảnh giác:

- Những ai đang làm gì dưới hai bên chân cầu kia?

Giọng cô gái lạc đi:

- Mấy anh Giải phóng và du kích đang tìm tử sỹ... Hai hôm rồi ở đây đánh lớn. Sớm nay nó mới bỏ chạy đi!

Chiếc xe hồng hộc phun làn khói đen đặc giận giữ lao đi, thoáng đã nhập vào dòng xe hối hả.

Cầu Sài Gòn còn vương khói súng. Xác xe tăng trên cầu. Xác tàu chiến dưới sông. Mấy chiến sỹ đặc công có người còn băng trắng trên đầu, trên mình… nằm phục hai bên đường giương súng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đoàn xe. Mấy chiến sỹ đánh đu dưới thành cầu kiểm tra xem có mìn gài. Mặt đường đầy những súng bộ binh Mỹ, mũ nón, áo quần, giày dép lính ngụy tung tóe. Thấp thoáng những bóng người mình trần, quần cụt, chân đất hớt hải chạy tụt vào những bụi cây, con hẻm và những ngôi nhà… Những trận ác chiến hôm trước, hôm nay quyết liệt giành giật từng chiếc cầu, điểm yếu. Dù sao đó cũng chỉ là sự chống trả của lũ rắn mất đầu, rã rời trước sức tiến công ào ạt của Quân giải phóng trên mọi nẻo đường tiến vào thành phố.

Khi ổ đề kháng cuối cùng trên cầu Thị Nghè bị đập tan, xe của các đơn vị đan xen nhau chiếm lĩnh các vị trí được giao.

Đường phố vắng tanh. Nhà nhà đóng cửa. Những người lính ngồi trong tháp xe hay bám bên thành xe trong tư thế chiến đấu với tâm trạng vừa căng thẳng vừa hồi hộp, không hiểu phản ứng của dân chúng thế nào.

Trong khuôn viên dinh Độc lập người ta hỗn độn không ai kiểm soát được ai. Lính tráng đã được lệnh tập trung vũ khí, đề phòng một sự phản ứng cùng đường có thể gây nguy hại cho biết bao sinh mạng. Người bồn chồn, bứt rứt. Người rũ rượi ủ ê. Đám lính cởi trần nằm ngồi ngả ngốn ở các gốc cây không biết phải làm gì. Đám chính khách mặt mày sầu não, quần áo dù cố kéo cho thẳng nhưng vẫn nhàu nhĩ sau cả một đêm không ngủ và từ chiều hôm qua chưa có chút gì vào bụng. Có một số người lăng xăng vào ra như đang trông đợi. Ông giáo Phú nghĩ trong số những người hiện diện ở đây chắc chắn có không ít người đàng mình. Nhưng họ là ai? Ông lẳng lặng theo dõi, vẫn không bộc lộ mình ra. Lúc này, mỗi người nghĩ tới thân phận mình sẽ sao đây chứ không ai nghĩ tới anh này đối lập hay anh kia trung lập. Có người tỏ ra ân hận sao trù trừ trong khi trước đó có thể lo thoát sớm đi. Chính ông giáo Phú cũng thấy phập phồng, không hiểu rõ tâm trạng của mình ra sao nữa. Mừng thì có mừng. Nhưng vẫn có chút gì gờn gợn.

Khi tốp xe tăng lạ có in hình ngôi sao năm cánh lao tới ủi sập cánh cổng tiến vào sân. Có mấy người cầm súng, giương lá cờ nửa xanh, nửa đỏ có ngôi sao vàng ở giữa chạy vào thì ông như một cậu học trò không kìm được mình nữa, nhảy tưng lên, chạy ùa ra đón những chiến sỹ Quân giải phóng. Ông không biết từ đâu mình lại có lá cờ như thế trên tay và ông chạy ngược ra phía cổng. Một chàng thanh niên xịch đỗ chiếc xe gắn máy sát lại. Ông nhảy vội ngồi sau xe và giơ cao ngọn cờ lên vẫy vẫy trong khi người thanh niên vừa phóng vù vù, vừa hét thật to:

- Quân giải phóng chiếm dinh Độc Lập rồi!

Một già, một trẻ cứ như bay trên đường phố thông báo tin thắng lợi cuối cùng.

Cùng lúc các mũi tiến quân đã lao vào nhanh chóng chiếm lĩnh sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh biệt khu thủ đô, Tổng Nha cảnh sát…

Phố xá nhốn nháo lên. Người chạy bộ, người chạy xe tấp nập và mỗi lúc một đông hơn. Đoàn xe Quân giải phóng hành tiến chậm dần, có chỗ dồn lại. Bộ đội đứng trên xe, nhảy xuống đường cũng hét vang lên:                 

- Giải phóng Sài Gòn! Giải phóng miền Nam!

Các tiếng súng lớn, súng nhỏ nổ liên hồi. Lúc đầu có người sợ qúa chạy ngược vào nhà. Nhưng sau rồi nghe vui như pháo tết. Người ta lại túa ra đường đông hơn.

Trên một chiếc xe tăng, anh lính trẻ măng, mặt tươi rói, giơ cao khẩu AK khua khua trên đầu. Anh ta hét lớn lên những lời thơ ứng khẩu:

Ôi Tổ quốc giang sơn hùng vĩ

Đất anh hùng của thế kỷ hai mươi

Đứng hiên ngang trên tuyến đầu chống Mỹ

Có Việt Nam anh dũng tuyệt vời !

Việt Nam ta độc lập thống nhất rồi !

Bao nhiêu người bu lại quanh xe. Họ vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Nhiều chàng trai, cô gái đề nghị anh nói đi nói lại nhiều lần để họ nhập tâm vì trong lúc bất thần thế này không có gì để ghi chép lại. Lần đầu tiên người dân thành phố được nghe những lời ngợi ca hào tráng về một tổ quốc Việt Nam mà trước đây họ chỉ nghĩ tới những khốn khổ tang thương. Và cũng lần đầu tiên không ít người nhận ra mình là một bộ phận của dân tộc ấy, của tổ quốc ấy đáng tự hào đến thế.

Đang lúc phấn chấn, anh lính trẻ vươn người, ưỡn ngực, giơ cao hai tay lên, ngửa mặt nhìn trời và hét thật to:

Hòa bình – Hạnh phúc – Ấm no

          Cho CON NGƯỜI Sung sướng – Tự do!

Tiếng súng các loại cứ vang lên trong nỗi hân hoan chiến thắng để một phút người ta quên đi lẫn trong đó có cả những tiếng súng hận thù. Anh lính trẻ bỗng buông rơi cây súng, tay ôm ngực ngã chúi xuống đường.

Mọi người lại xô nhau bỏ chạy. Bộ đội tản ra trên đường. Nòng súng tăng hạ xuống nhắm về các ngôi nhà chung quanh. Trung đội trưởng Nhân Trí hét lên:

- Các đồng chí! Phải nhằm đúng đối tượng mà bắn. Đừng bắn lầm chết dân!

Nhưng đối tượng ở đâu? Nó đang lẩn khuất đâu đây? Mấy nòng súng đại bác, đại liên quay vòng như điên mà không dám phát hỏa. Mấy tay súng bộ binh chỉ dám giận dữ bắn chỉ thiên. Yên Thịnh từ trong tháp xe nhảy xuống ôm xác nhà thơ trẻ khóc oà lên từng hồi.

Lệnh hành tiến tiếp.

Một chiếc xe com măng ca trờ tới. Mấy chiến sỹ khiêng xác đồng đội lên xe. Yên Thịnh không chịu rời xa người bạn hồn nhiên thân thiết ấy. Chiếc xe phải vất vả lắm mới tách ra khỏi đám đông người bùi ngùi, xụt xịt trước cái chết của người chiến sỹ trong giờ chiến thắng. 

Chiếc xe chở tử sỹ về đến trạm quân y dã chiến đúng lúc mọi người đang túm tụm nghe đài Sài Gòn phát lời của Tổng Thống Dương Văn Minh kêu gọi quân đội cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng. Tiếp ngay đó, lời vị đại diện Quân giải phóng đanh thép, long trọng tuyên bố thành phố Sài Gòn đã được giải phóng, chấp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của đội quân tay sai và giải thể chính quyền do ngoại bang ngụy tạo kể từ giờ phút lịch sử này.

Trong khi mọi người nhảy lên vỗ tay reo mừng hoặc ôm nhau khóc khóc cười cười thì Yên Thịnh hai tay bưng mặt, càng khóc nức nở hơn.

Lúc đó vào buổi trưa ngày 30 tháng Tư năm 1975.

 

(trang 551)

 

Link http://sachhiem.net/NGVTHINH/NguyenvThinh_TBTh.php

ngày 24-Dec-2016

_________________

• Các bài của Nguyễn Văn Thịnh: link http://sachhiem.net/NGVTHINH/ListNVTh.inc.php

Trang Văn Học