Đọc Chuyện Ông Pétrus Ký Viết Cho Thiếu Nhi Lý Thái Xuân http://sachhiem.net/LTX/LyThaiLS12aa.php LTS: Trong bài giới thiệu Chuyện Đời Xưa Của Trương Vĩnh Ký, đăng trên trang nhà DNA Medical, tác giả Nguyễn Văn Sâm phê rằng: Bài Học Từ Sách Chuyện Đời Xưa Của Trương Vĩnh Ký – Người Giữ Lửa Cho Tiếng Việt Miền Nam, Chúng ta học được những bài học về luân lý, cách ứng xử trong đời sống. Quyển sách gửi gắm cho độc giả những bài học tốt, tránh xa kẻ xấu, không cho rằng mình giỏi hơn người khác và giữ trung thực trong hành động của mình. Vậy chúng ta thử đọc vài chuyện, để tìm luân lý, bài học tốt nào cho cách ứng xử,... trong đó như thế nào. (SH) [Loạt bài tóm lược về TVK của LTX: 1 . 2 . 3 . 4 ] Theo web vietmessenger này, cuốn Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký xuất bản lần đầu tại Sài Gòn năm 1866; sách được tái bản nhiều lần và được ghi trong chương trình các lớp trung học Bộ Quốc gia Giáo dục thời 1954-1975 (VNCH) Vào trang nhà DNA Medical, Ban Biên tập ca tụng: Quyển sách không chỉ giáo dục về đạo đức mà còn là một bản ghi chép văn hóa địa phương, góp phần giữ gìn và phát triển tiếng Việt miền Nam. Ở phần đầu bài giới thiệu, Ban Biên Tập của trang nhà DNA Medical ghi lại vị thế của các Chuyện đời xưa dưới thời Ngô Đình Diệm: "Khi đó những anh chị em học lớp Đệ Lục (tương đương lớp 7 bây giờ) như "Chàng rể bắt chước cha vợ, Bụng làm dạ chịu, Ba anh dốt làm thơ,... Nói là Chuyện đời xưa, nhưng thật ra toàn là những câu chuyện khôi hài thích hợp để đọc vui xả hơi...người nào tìm hiểu ngôn ngữ - văn chương Nam Bộ, hoặc biên soạn từ điển tiếng Việt, cũng cần đọc nó, vì bên trong chứa đựng rất nhiều tiếng địa phương độc đáo của miền Nam nước Việt, một thứ văn liệu qúy hiếm xác thực để làm việc.... Duy có điều khó hiểu là tại sao một cuốn sách hay, thú vị như vậy mà đến nay rất ít khi được tái bản? Trước năm 1975 ở miền Nam còn nhớ có một bản do Nhà Xuất Bản Khai Trí ấn hành, ... Từ đó về sau không thấy nữa. Tôi có nhắc lại tên sách với vài bạn trẻ đã học qua bậc đại học nhưng hầu như không em nào biết..." Tò mò về những "Công trình Văn hóa" ông Trương Vĩnh Ký để lại cho "đời" mà thiên hạ ca tụng hết lời như thế, chúng tôi tìm hiểu các chuyện ông viết cho thiếu nhi được in thành quyển Chuyện Đời Xưa của ông. Bài thứ nhất: CHÀNG RỂ BẮT CHƯỚC CHA VỢ. CÓ một thằng khờ khạo, ít-oi, không biết gì hết. Mà đến tuổi phải lo đôi bạn với người ta, mới tính đi cưới vợ. Đi coi rồi mượn mai-dong (1) đi nói. Đàng gái chịu gả, cho bỏ trầu cau. Mà phép hễ có miếng trầu miếng cau rồi, thì phải làm rể ; mà nó không biết làm rể là làm sao. Lấy làm khó lòng; mới hỏi thăm ông mai: Chớ làm rể phải làm làm sao? Ông mai mới dạy rằng: Đạo làm rể hễ thấy ông gia (2) làm giống (3) gì, thì phải giành lấy mà làm ; hễ thấy đi làm gì, thì phải làm theo như vậy. Bữa ấy tới nhà làm rể. Cơm nước rồi, cha vợ nó xách rựa đi đốn cây, nó cũng vác rựa mà đi theo. Ổng lại cây nầy, mới kê rựa vào đốn, thì nó lại nó nói: Cha, để tôi đốn cho. Cha nó nghe, thì để cho nó, qua cây khác. Nó cũng lại, nó nói làm vậy. Ông cũng để cho, ổng đi cây khác. Nó lại, cứ nó giành hoài. Ông gia nó thấy vậy, mới sanh nghi có khi nó điên chăng; nên giựt mình đâm đầu chạy đi. Ngó ngoái lại, thấy nó lăng-căng chạy theo, lại càng thêm nghi. Chạy rớt cái khăn mắc trên bụi tre. Nó thấy vậy, nó cũng lột cái khăn của nó, mà ném lại đó như cha vợ nó vậy. Ông gia nó mới tin chắc nó là điên thiệt; nên cong lưng chạy riết về nhà. Thở hào hễn chạy ngay vô nhà, thấy mụ ngồi trong bếp đang chỏng-chồng mông thổi lửa, mới đá mổng mụ một đá, biểu chạy trốn đi: Thằng rể nó điên thiệt. Chàng rể chạy xợt, thấy bà mẹ còn đó, cũng bắt chước giơ chơn đá mũ một đá như ổng vậy. Hai ông bà chạy chun núp dưới vựa lúa. Nó cũng chun theo. Hai ông bà thất kinh hồn vía, sợ dại nó có làm hung chăng, mới la làng lên. Nó cũng bắt chước la làng lên nữa. __________________ (1) mai mối (2) ông cha vợ, bố vợ (3) cái Nhận xét: Về mặt giáo dục: Câu chuyện chẳng có câu nào dạy đạo đức hay chứa đựng một triết lý nào cần cho cuộc sống, hoặc ít nhất là bài học tốt cho sự ứng xử là gì. Về mặt hợp lý: Câu chuyện rất vô lý vì đi xa ngoài thực tế. Bài chỉ nói lên cái ngu ngốc quá mức tưởng tượng của thằng rễ. Không có ai trên đời này ngu đến đỗi như thế ngoại trừ là khùng điên. Về mặt văn chương: Câu chuyện dường như thiếu xương sống, người nghe chưa rõ mục đích của tác giả. Cấu trúc của bài viết không có phần kết, nơi đó người ta thường đọng lại mục đích giáo dục, hay một triết lý sống, hay bài dạy ứng xử khôn ngoan, đem lại hạnh phúc, hay ít nhất là sự an vui trong đời sống gia đình hay xã hội. Về mặt giải trí: Nếu ông Trương Vĩnh Ký chỉ muốn "chọc cười" bạn đọc, thì đó là một cố gắng thất bại, vì câu chuyện càng về cuối càng vô duyên đến trơ trẽn. Kết luận: Một bài viết hoàn toàn vô giá trị.
Bài thứ nhì: CON CHỒN VỚI CON CỌP NGÀY kia con chồn đi kiếm ăn trong rừng, mắc hơ-hỏng (1) vô ý sẩy chân sụp xuống dưới hầm; chẳng biết làm làm sao mà lên cho được. Hết sức tính nữa. Than vắn thở dài, không bề tấn thối, như cá mắc lờ. Tưởng đã xong đời đi rồi. May đâu nghe đi thịch-thịch trên đất, mới lo mưu định kế, rồi lên tiếng hỏi rằng: - Ai đi đó? Chẳng ngờ là con cọp, thì làm bộ mừng rỡ, mới hỏi: - Chớ anh đi đâu? Đi có việc chi? Anh cọp nói: - Tôi đi dạo kiếm chác ăn ; mà anh xuống mà làm chi đó vậy? Thì anh chồn ta lại trở cách, mà nói rằng: - Ủa! vậy anh không có nghe đi gì sao? Người ta đồn đến mai nầy trời sập. - Cơ khổ thôi! nhưng tôi không hay một đều? Mà có thật như vậy, hay là người ta đồn huyễn vậy anh? - Ấy, không thật làm sao? Bởi thật tôi mới xuống đây mà núp, kẻo đến nữa, mà chạy không kịp, trời đè giập xương chết đi uổng mạng; mà anh, chẳng qua là nghĩ tình cũ ngãi xưa, tôi mới nói; chớ như không, thì ai lo phận nấy, tôi có nói làm chi. - Thôi, vậy thì xin anh cho tôi xuống đó với anh cho có bạn. - Ừ, mặc ý xuống, thì xuống. Anh cọp mới nhảy xuống, chuyện vãn một hồi, rồi anh chồn mới theo chọc lét anh cọp hoài. Cọp la không đặng. Cứ lẽo-đẽo theo khuấy luôn. Con cọp nổi giận mới hăm: Chọc, tôi xách cẳng, tôi ném lên cho trời sập đè giẹp ruột đi giờ. Anh chồn cũng không nao; càng ngăm (2) lại càng chọc hoài. Anh cọp hết sức nhịn, mới dồi quách anh chồn lên: Rắn mắt, nói không đặng, lên trển trời đè cho bõ ghét. Anh chồn mừng quá bội mừng, thấy mình gạt được anh cọp mắc-mớp. Mới chạy kêu người ta tới đâm cọp sa hầm. Thường kẻ xấu lâm nạn, thì lo phương gỡ mình dầu phải làm mưu cho kẻ khác mắc vòng lao-lý cực-khổ; miễn là cho mình khỏi thì thôi. Lại đôi khi cũng kiếm thế mà làm hại nó nữa. _______________ (1) lơ đểnh (2) hăm dọa Nhận xét: Câu chuyện chỉ nói được cái mưu kế quỷ quyệt của con cáo, mà không đưa ra một ý kiến giáo dục về đạo đức ở đời nào cả.
"Chuyện Đời Xưa" số 32: BỐN ANH THẦY CHÙA LÀM PHƯỚC MÀ PHẢI CHẾT Tôi tò mò đọc thử chuyện nói về các "thầy chùa" để xem ông Ký nghĩ gì về những thầy tu bên Phật giáo, cái tôn giáo mà đạo Chúa của ông Ký luôn tìm mọi cách chê bacheebija đặt để xúc phạm. Chuyện ông kể như sau: CÓ một thằng nài giữ voi, cắc-cớ cỡi voi đi ngang qua thấy buồng dừa xiêm nạo, đánh đòng đeo đó mà bẻ, chẳng ngờ con voi nó đi tuốt đi, bỏ anh ta lại tòn ten đó. May đâu bốn anh thầy sãi đi qua ; thằng chăn voi khóc la xin các thầy cứu. - Mô-phật! Biết sao bây giờ! Thôi, ta lấy áo nhựt-bình ta, mà nắm bốn người bốn chéo, cho nó buông xuôi xuống rớt vào trong ấy, thì khỏi giập xương. Nó ở trên nó buông tay rớt xuống, mắc cao quá, cái áo nó thụn lại mạnh quá, bốn cái đầu trọc đụng lại với nhau, đâu lại thêm cái buồng dừa rớt chụp lên trên, chết tươi đi cả bốn thầy. Thằng chăn voi sống, không biết làm sao, mới vác bốn cái thây ma đem về, để sau buồng. Đem ra một thầy nằm đàng trước ; chạy đi mướn người ta chôn. Giá cả xong rồi mới nói: Tôi nói trước với anh em, có chôn thì chôn cho tử-tế, huyệt cho sâu! Anh tôi sống chẳng lìa tôi, vì thương tôi quá, nay chết rồi, sợ có khi cũng không muốn lìa, lại ảnh là người tu, có khi có phép. Các ảnh vác mai vác xuổng đi ra đào ; nghề làm mướn trông cho mau rồi, về lấy tiền ; mới đào sơ-sài cạn-cạn vậy, vác quách ra dập lại, khỏa đất không dện. Lăng-căng về đòi tiền. Chủ đám ra đón nói: Cơ khổ! các anh làm tệ quá, tôi đã nói trước, làm cho người ta, thì làm cho đáng ăn đồng tiền người ta. Đó, về đó mà coi. Làm sao ảnh lót-cót về nằm đó? Các ảnh về thấy nằm đó. Lạ dữ nầy! Vác ra lịch-ịch, đào chôn nữa, mà trời đã gần tối, lật-đật lấp lại đó, bỏ về hỏi tiền. Mới quày về thấy anh chủ đám chạy ra kêu: Các anh thật bất-nhơn quá! Đó, chôn chưa kịp khỏa đất, ảnh đã trở về nằm trỏng. Vào đó mà coi. Các ảnh giận lụm-cụm, lại vác ra chôn nữa. Chôn vừa rồi, lại thấy chủ chạy ra la-lối om-sòm. Các ảnh nói: Lạ nầy, mấy tôi đào sâu dữ lắm mà, mà còn dậy mà về được? Vác ra. Đào huyệt sâu hơn sáu bảy thước mới bỏ xuống dện-diệt 1 tử-tế. Thôi, chuyến nầy chắc, dậy không được đâu. Kéo nhau về lấy tiền. Đi ngang qua cái cầu ngang, trời tối mờ mờ, thấy anh thầy sãi ở đâu ngồi ỉa đó. Nó giận đã sẵn, nó mới chưởi: Mẹ cha thử! Về làm sao, về hoài về hủy đi vậy cà! Đạp anh thầy cho một đạp, rớt chủm dưới sông, uống nước chết đi. Nhận Xét: Cũng như nhiều bài khác, chuyện của ông Ký kể cho trẻ con thường vô lý chỉ vì muốn tạo một sức thu hút bằng sự giả tạo đó. Về mặt hợp lý: Câu chuyện rất vô lý vì đi xa ngoài thực tế. Bài chỉ nói lên cái ngu ngốc quá mức tưởng tượng của thằng rễ. Không có ai trên đời này ngu đến đỗi như thế ngoại trừ là khùng điên. Về mặt giáo dục: Câu chuyện chẳng có câu nào dạy đạo đức hay chứa đựng một triết lý nào cần cho cuộc sống, hoặc ít nhất là bài học tốt cho sự ứng xử là gì. Về mặt văn chương: Câu chuyện dường như thiếu xương sống, người nghe chưa rõ mục đích của tác giả. Cấu trúc của bài viết không có phần kết, nơi đó người ta thường đọng lại mục đích giáo dục, hay một triết lý sống, hay bài dạy ứng xử khôn ngoan, đem lại hạnh phúc, hay ít nhất là sự an vui trong đời sống gia đình hay xã hội. Về mặt giải trí: Nếu ông Trương Vĩnh Ký chỉ muốn "chọc cười" bạn đọc, thì đó là một cố gắng thất bại, vì câu chuyện càng về cuối càng vô duyên đến trơ trẽn. Kết luận: Một bài viết hoàn toàn vô giá trị.
"Chuyện Khôi Hài" số 35 Nhà nghiên cứu kiêm soạn giả Cao Đức Trường trong bài Cần Tìm Hiểu Thêm Về Trương Vĩnh Ký (5) còn tìm thấy nhiều sai trái trong các chuyện trước tác của ông Ký. Trong "Chuyện Khôi Hài" số 35, Chuyện Ngô Thì Sĩ và Tán Lý Thường có mấy cái sai. Sai #1: Ông Thường (Đặng Trần Thường) ra vế đối, ông Ký lại viết là ông Ngô Thì Sĩ. Sai #2: Người đối lại với ông Thường là ông Ngô Thì Nhậm là con của Ngô Thì Sĩ. Ông Ngô Thì Sĩ đã chết năm 1780, tức 22 năm trước sự kiện ông Thường ra vế đối năm 1802. Đem chuyện của con gán cho tên cha trong vai trò đảo ngược, thật là tầm bậy. Sai #3: Hai câu đối bị viết sai tùm lum: a)- Câu đúng là: "Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai", thì ông Ký lại viết: "Ai công hầu, ai khanh tướng, lúc trần ai, ai dễ biết ai" b)- Câu đúng là: "Thế chiến chiến quốc, thế xuân thu, gặp thời thế, thế thì phải thế.", thì ông Ký lại viết "Thế chiến chiến quốc, thế xuân thu, gặp thì thế, thế nào thì thế." "Chuyện Đời Xưa" số 13: CHÁU NÓI LÁO HẠI CHÚ TRẢ THÙ. Cháu gạt chú để lấy của, chú giận bắt cháu đem giết, cháu gạt chú để khỏi bị giết, rồi gạt người vô tội bệnh phong cùi chết thay mình, cháu gạt người ta để cướp ngựa, cỡi ngựa về gạt chú để giết chú. Tóm lại, chuyện toàn là gạt gẫm, giết người. Kết quả là một người bị mất ngựa, hai người chết, trong đó có một người vô tội bệnh hoạn. Chuyện chỉ mới manh nha, muốn phê phán lòng tham của con người, nhưng diễn đạt toàn là trò lừa đảo, tâm địa ác độc, mà cho là "có ích" thì không thể nghe được. "Chuyện Đời Xưa" số 44: BÀI THƠ CÁI LƯỠI Chuyện kể rằng trong một dịp vua Tự Đức ban yến cho bá quan văn võ, trong lúc đang ăn bỗng dưng nhà vua cắn phải lưỡi của mình. Là một người hay chữ, giỏi ứng biến vua Tự Đức liền bảo với đình thần là ông muốn nhân việc này để mời các quan làm thơ với chủ đề ‘răng cắn lưỡi’. Ai làm thơ hay sẽ được ban thưởng. Dự yến tiệc hôm ấy có một vị quan tên là Nguyễn Hàm Ninh*, quê Quảng Bình. Ông xin đọc bài thơ do ông vừa ứng tác, tựa là Xỉ giảo thiệt (Răng cắn lưỡi) Sinh ngã chi sơ nhữ vị sinh/ Ông Ký ghi sai tên tác giả bài thơ. Thay vì Nguyễn Hàm Ninh*, ông lại ghi là con của ông Nguyễn-Đăng-Dai, nhưng không ghi tên là gì. Có tài liệu ghi tên tác giả là Nguyễn Đăng Hành, em của Nguyễn-Đăng-Giai, chứ không phải con, nhưng ông Hành chết năm 1862, trước khi bài thơ xuất hiện sau năm 1866. Ngoài ra, ông Ký ghi tên anh của Vua là Hoàng Bảo, nhưng đó là Hồng Bảo, anh của Hồng Nhậm (tức Vua Tự Đức). * Theo Tạp Chí Sông Hương tác giả bài thơ vẫn còn trong vòng nghi vấn. Tác giả Cao Đức Trường kết luận: Chri mới chạm vào một ít chuyện có tính phổ thông mà đã có quá nhiều chuyện tào lao, vô bổ. Có 2 lần chép lại giai thoại văn học, lại ghi sai tên các nhân vật, sai từ ngữ trong tác phẩm của các nhân vật, mà chúng ta đã bắt gặp nhiều sạn, sỏi đầy dẫy như vậy làm sao chúng ta có thể tin vào thực chất của một học giả?
TỔNG KẾT Để bao biện cho những lời văn thấp kém trong các chuyện đời xưa, Ban Biên tập trang nhà DNA Medical viết: Nó gần gũi với người đọc trong từng câu chuyện đã đành, nó còn không cách xa về ngôn từ để kén chọn độc giả như là những tác phẩm bác học kiểu Đoạn Trường Tân Thanh, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc, Tần Cung Nữ Oán Bái Công, Lưu Nữ Tướng, Dương Từ Hà Mậu, Kim Thạch Kỳ Duyên, Lôi Phong Tháp, Tây Du Diễn Truyện. Trong khi Nhà sách Khai Trí, dù muốn quảng cáo hết mình, cũng còn tỏ ra một chút ngượng ngùng về từ ngữ quá cổ, và văn chương không mạch lạc, như sau: "Sách viết cách nay cũng đã gần một trăm năm, trong lúc chữ quốc-ngữ còn phôi-thai, nên có nhiều đoạn chữ rất cổ, câu văn không được mạch-lạc, sáng sủa như hiện nay...." Nhà sách KHAI-TRÍ (xem dtv-ebook.com) Tóm lại, các Chuyện Đời Xưa của ông Trương Vĩnh Ký chẳng những không có một chút bổ ích nào mà còn chuyên chở các ý tưởng độc hại, vô văn hóa, thiếu nhân văn của hắn. Thế mà, trang nhà của Hội Ái Hữu Petrus Trương Vĩnh Ký Úc Châu, (https:// petruskyaus. net/) họ gọi ông TVK, nào là "uyên bác thông tuệ", nào là "tinh hoa nước Việt", nào là "Thập Bát Văn Hào", còn nhà văn Nguyễn Văn Sâm thì lại rất ưu ái tặng cho Ký danh hiệu là "Người Giữ Lửa Cho Tiếng Việt Miền Nam". Thật là những điều khó chứng minh. Về danh hiệu "Thập Bát Văn Hào", xin đọc sự thật trong bài Tìm hiểu danh hiệu «Thế giới Thập bát Văn hào» của Trương Vĩnh Ký, tác giả là TS Trần Thanh Ái, trên trang nghiencuulichsu.com (4). Bài báo tìm được nguồn tin trong quyển Trương Vĩnh Ký hành trạng (1927) của Đặng Thúc Liêng, trang 7 có sao chụp trang bìa của tài liệu bằng tiếng Pháp, tên ấn phẩm là: Le Biographe (Người viết tiểu sử), và các thông tin rất ít ỏi về danh sách 18 "văn hào thế giới" đó. Tác giả Trần Thanh Ái đặt ra nhiều thắc mắc như: - Ai tổ chức bầu chọn ? - Kết quả bầu chọn đã được công bố trong văn bản nào ? - Có đúng là đối tượng bầu chọn là văn hào toàn thế giới không ? - Nếu là văn hào thế giới, sao không có những nhà văn nhà thơ nổi tiếng của Pháp như V. Hugo, E. Zola, C. Baudelaire…, hay không có mặt các văn hào của các nước có nền văn học rực rỡ khác như Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha… ? Sau khi trình bày nhiều góc cạnh của vấn đề, tác giả kết luận: những nhân vật được tạp chí Le Biographe giới thiệu chỉ là những người được nhắc nhiều trên báo chí hoặc trong xã hội thời bấy giờ, nhất là trong các cộng đồng trí thức và văn nghệ sĩ.
___________ Tham khảo: 1- Chuyện Đời Xưa Của Trương Vĩnh Ký, trang nhà DNA Medical 2- Chuyện Đời Xưa - Trương Vĩnh Ký, trang nhà dtv-eBook 3- Trương Vĩnh Ký - Chuyện Đời Xưa https://vietmessenger. com/ 4- Tìm hiểu danh hiệu «Thế giới Thập bát Văn hào» của Trương Vĩnh Ký, nghiencuulichsu.com/ 5- Cần Tìm Hiểu Thêm Về Trương Vĩnh Ký - Cao Đức Trường, Văn Nghệ số 661,thứ năm 28-10-2021 Trang Lịch Sử |