Động cơ nào khiến Trương Vĩnh Ký phản quốc? Lý Thái Xuân tổng hợp http://sachhiem.net/LTX/LyThaiLS12b.php LTS: Bài viết dưới đây trích một phần để lên tiếng đối với hiện trạng gần đây, khi nhân vật Trương Vĩnh Ký lại được đem ra rửa mặt, nhập nhằng văn hóa lịch sử với các anh hùng giữ nước chống ngoại xâm của nước nhà. Cám ơn các tác giả Bùi Kha và Hồng Điểu trong các tài liệu tham khảo dưới đây đã cung cấp các thông tin cần thiết. (SH) [Loạt bài tóm lược về TVK của LTX: 1 . 2 . 3 . 4 ] Người ta cảm thấy tiếc khi thấy một người có tài, thông minh, biết nhiều thứ tiếng như Trương Vĩnh Ký lại trở thành một tên đại Việt gian như thế. Tuy nhiên, khi nhận xét đạo đức của một người, người ta thường xem xét hoàn cảnh gia đình và nền giáo dục của người ấy hấp thụ. Họ Trương được sinh ra và nuôi dưỡng trong một gia đình theo đạo Chúa. Ai theo tôn giáo này đều phải gần như dành cả thời gian của con người để thờ phụng Thiên Chúa của họ. Vì thế, mặc dầu có học Tứ Thư Ngũ Kinh nhưng Trương Vĩnh Ký chẳng tiếp thu được tinh thần trung quân ái quốc.
1. Tuổi thơ. Sau đây là chuyện kể cuộc đời của Trương Vĩnh Ký theo tài liệu số 1 ở dưới. Trương Vĩnh Ký lúc nhỏ có tên Trương Chánh Ký, sinh năm 1837 ở ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, Tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) Cha ông là Trương Chánh Thi bị bệnh mất ở Cao Miên (Campuchia) trong một chuyến đi công tác cho Triều Nguyễn, lúc đó ông 3 tuổi! (nguồn: petruskyaus.net/) Mẹ ông tảo tần nuôi con và cho ông đi học chữ nho và đạo lý của Nho giáo với ông thầy đồ ở cùng xóm khi ông lên 5 tuổi (nguồn: petruskyaus.net/). Linh mục Tám, người được ông Thi che chở khi triều đình cấm đạo, đã đề nghị mẹ ông cho ông theo Đạo Ki-tô Rô-ma giáo, lấy tên là Jean Baptiste Trương Chánh Ký, lúc đó ông được 8 tuổi. [SH- Theo tài liệu số 3, trang web của người Rô-ma giáo: Khi ông chịu phép thêm sức, có thêm tên Pétrus, cho nên sau này tên đầy đủ là Petrus Jean Baptiste Trương Vĩnh Ký, thường gọi là Pétrus Ký]. Khi linh mục Tám mất, linh mục Long (người Pháp, mới qua Việt Nam), đã tiếp dạy Trương Vĩnh Ký chữ La-tinh, rồi giới thiệu ông cho linh mục Hòa (tên Pháp là Belleveaux) đang dạy tại trường Đạo Pinha-lu ở Phnom Penh. Trong thời gian học tại đây (1851-1858) ngoài tiếng La-tinh ra, Trương Vĩnh Ký còn được học thêm tiếng Ấn Độ, Anh, Tây Ba Nha, Mã Lai, Nhật, Hy lạp, Thái, Pháp để trao đổi giữa các bạn hoc ở khắp nơi… Năm 1851, Trương Vĩnh Ký được gởi vào ngôi trường đặc biệt - trường Dulalma - của các thừa sai dòng Tên (Jésuites) và Đa Minh (Dominicains) ở Penang (Mã-Lai), là nơi đào tạo những nòng cốt cho việc truyền giáo và xâm nhập các nước Châu Á của liên minh Công giáo-quân sự Châu Âu ở Viễn Đông. [SH- Theo tài liệu số 3, trang web của người Rô-ma giáo, đó là trường Giáo Hoàng (Collège constantinien), một trường nhà chung tối cao cho Á Đông (Seminaire Général) ở đảo Pulau] 2. Các trường chủng viện dạy những gì? Theo tài liệu số 2 dưới đây, Trương Vĩnh Ký là con của một gia đình đạo dòng, lại được một giáo sĩ thực dân nhận làm con nuôi, đưa vào đào tạo tại chủng viện Pinhalu (Nam Vang) rồi chủng viện Pénang (Mã Lai). Tại những nơi nầy, mà phần lớn do các cố đạo thực dân Pháp điều khiển, chương trình đào tạo nhằm 3 mục đích: - đào tạo cho Pháp một tập đoàn làm thông ngôn, làm thơ ký tại những vùng đã chiếm đóng, Để chứng minh, ta hãy xem hậu quả của nền giáo dục đó ra sao qua các câu nói của chính các viên chức chính quyền thực dân Pháp. - Thống đốc Nam kỳ (1861 to 1863) Louis Adolphe Bonard, chia sẻ: “Bị săn đuổi ra khỏi làng vì tội phạm hoặc sự khốn cùng, những kẻ lang thang đã đến đây với mộtcái lưng mềm dễ uốn, họ tham sống sợ chết; họ hoàn toàn hững hờ với cuộc đấu tranh của dân tộc, sẵn sàng phụng sự bất cứ những ông chủ nào... Người ta sẽ tuyển dụng, trong số họ, tất cả nhân viên hành chính cần thiết cho nhà nước, hoặc những người giúp việc gia đình: làm đầy tớ, làm khuân vác, làm người chạy giấy, và cả những tên phiên dịch, hoặc những người ghi chép, được đào tạo thô sơ qua các nhà trường của Hội truyền giáo, chính là qua sự tiếp xúc với những kẻ khốn nạn này mà thực dân và công chức, vừa mới đổ bộ lên, làm quen với dân tộc Việt nam..." (Cité par J. Chesneaux, trong cuốn Histoire de La Penetration Francaise au Vietnam, 1858-1897, p. 126-127). - Giám mục Puginier kể công với Pháp: "Không có các giáo sĩ và giáo dân thì người Pháp như cua bị bẻ gảy hết càng. Thí dụ như vậy, tuy tầm thường mộc mạc nhưng không kém phần chính xác và mạnh mẽ. Thật vậy, không có các thừa sai và giáo dân Ki Tô Giáo, người Pháp sẽ bị bao vây bởi toàn là kẻ thù, họ sẽ không thể tin cậy vào một ai, họ sẽ chỉ nhận được những tin tức tình báo sai lầm, cung cấp với ác ý để phá hoại tình thế của họ, họ sẽ bị đẩy vào tình trạng không thể hoạt động được gì và sẽ phải hứng chịu những thảm họa thực sự một cách nhanh chóng. Địa vị của họ ở đây sẽ không giữ nổi được nữa, và họ sẽ bị buộc phải rời khỏi xứ, nơi đây quyền lợi và ngay cả sự hiện hữu của họ sẽ bị nguy hại." (trích dẫn trong cuốn Catholicisme et Sociétes Asiatiques của Alain Forrest và Yoshiharu Tsuboi - viết trong cuốn “Bước Mở Đầu Của Sự Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp ở Việt Nam (1858-1897)”, tác giả Nguyễn Xuân Thọ tự xuất bản 1994). - Đô đốc Théogène François Page, cho biết: "Ngoài ra không một người Việt Nam nào theo Công giáo lại ngần ngại xin gia nhập làm lính dưới cờ Pháp, ông vua Việt Nam không theo đạo, không phải là vua của họ. Chắc bây giờ Ngài (Bộ trưởng) đã hiểu tại sao vua, quan đã coi các nhà truyền giáo là kẻ thù?" (Depêche de l'Amiral Page, du 14-12 et 25-12-1859. Archives Nationales, Fonds, Marine BB4-777. Cité par CHT, p. 129). Hiểm họa nội thù nầy càng làm cho triều đình Việt Nam thêm có lý do để "cấm đạo", và Trương Vĩnh Ký, một con chiên ngoan đạo, cũng càng có thêm lý do để ngã về Tây.
3. Niềm tin vào ý của Thượng Đế. (2 lá thư) Mặc dầu Trương Vĩnh Ký thông minh biết nhiều thứ tiếng, nhưng vì quá cuồng tín, bị các giáo sĩ thực dân tuyên truyền nên cứ nghĩ rằng việc Pháp chinh phục Viễn Đông, trong đó có Việt Nam, là do ý của Thượng Đế sai phái nước Pháp làm như vậy. Trong thư gởi ông Koenfen, giám đốc Viện Mỹ Thuật Paris, họ Trương viết: - "Các xứ Viễn Đông...già cổi đủ thứ nên đã đến lúc phải làm cho chúng tái sinh và cải cách chúng: song ai được giao phó cho cái quyền ủy nhiệm cao quí đó? Ấy chính là nước Pháp được Thượng Đế tín cẩn giao cho..." Trong thư gởi bác sĩ A. Chavanne, nói ở một đoạn trên, cựu giáo sĩ Trương Vĩnh Ký cũng viết: - "...cái vương quốc An Nam khổ sở nầy mà chính phủ Pháp sẽ làm giám hộ, là có một sự biến thuộc về Thiên ý kêu gọi đến..." Trương Vĩnh Ký, quá ngây thơ, không biết được rằng mục đích của các đế quốc Tây phương là lợi dụng tôn giáo và dùng Thiên chúa giáo như một lợi khí; để đi chiếm thuộc địa và xâm thực văn hóa bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào mà họ thấy có thể. Bởi vậy, một người Phi Châu, giám mục Anh giáo Desmond Tutu, được giải thưởng Nobel hòa bình năm 1984, đã cay đắng phát biểu: "Khi người da trắng đến, họ có cuốn Kinh Thánh, chúng tôi có đất đai. 4. Danh và Lợi. Chi tiết phần này nằm trong tài liệu số 2 ở dưới. Việc Trương Vĩnh Ký cong lưng làm tay sai cho Pháp cũng không loại bỏ một động cơ khác là vì danh và lợi. Năm 1858 (21 tuổi) Trương Vĩnh Ký về nước sau khi tốt nghiệp các trường chủng viện đào tạo tay sai cho "Chúa". Cũng năm ấy quân Pháp đánh Đà Nẵng, nên chánh sách cấm Đạo của triều đình càng gay gắt. Ông đã chọn con đường Danh và Lợi của chính quyền thuộc địa. Năm 1860 Ông được linh mục người Pháp Dominique Lefèbvre giới thiệu đến giúp làm thông ngôn cho viên Trung tá Hải quân Pháp Jean Bernard Jauréguiberry đang chỉ huy địa hạt Gia Định thay Tổng tư lệnh Rigault de Genouilly đang đưa quân trở ra Đà Nẵng. Thời gian này Trương Vĩnh Ký cũng có dịp làm thông ngôn cho các tướng lĩnh Pháp Charner, Page, Bonard khi các tướng này lần lượt hạ các đồn Chí Hòa, Thuận Kiều, Mỹ Tho, Biên Hòa… Năm 1862 ông làm thông ngôn cho phái đoàn Pháp ra Huế nghị hòa, buộc Triều Nguyễn ký Hiệp ước Nhâm Tuất (1862) ở Gia Định nhượng 3 tỉnh Miền Đông Nam Kỳ cho Pháp. Trong tài liệu thứ 3 bên dưới của Hội Ái Hữu Pétrus Trương Vĩnh Ký, họ viết nhập nhằng mục đích là để người đọc nhầm tưởng rằng ông Ký làm thông ngôn cho phái đoàn Phan Thanh Giản. Sau đó Trương Vĩnh Ký được Pháp cử vào phái đoàn Pháp, cùng phái đoàn Phan Thanh Giản sang Paris nhằm thương lượng chuộc lại 3 tỉnh Nam Kỳ (1863). [Chú ý ở điểm này, nhiều người hiểu lầm rằng Pétrus Ký làm thông ngôn cho phái đoàn Phan Thanh Giản của triều đình ta. - SH] Cuộc thương lượng bất thành, nhưng dịp này Trương Vĩnh Ký được các chính phủ Pháp, Tây Ban Nha ưu ái cho đi tham quan nhiều nước châu Âu. Năm 1864 Trương Vĩnh Ký trở về nước tiếp tục làm thông ngôn cho soái phủ Pháp ở Nam Kỳ. Năm 1865 ông làm trợ tá cho một quan chức người Pháp - Ernest Potteaux - xuất bản tờ Gia Định Báo, tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam. Nhưng phải đến năm 1869, chuẩn Đô đốc Ohier mới ký quyết định giao cho Trương Vĩnh Ký làm Giám đốc Gia Định Báo (Huỳnh Tịnh Của làm Chủ bút). Trong thời gian làm báo, ông vẫn là giáo sư nhiều trường do Pháp mở, như Trường Thông ngôn Sài Gòn (Collège des interprètes, tức trường Adran cũ), Trường của Sở Công vụ người bản xứ (Services des affaires indigènes), Trường đào tạo nhân viên cho Văn phòng Trung ương An Nam (Bureau Central Annamite, do linh mục Legrand de la Liraye điều khiển). Năm 1870, sứ thần Tây Ban Nha Patocot xin Pháp “cho mượn” Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn trong chuyến đi Huế thương thảo với Nam triều về một hiệp ước thương mại và giao hảo. Thời gian này ông có dịp đi Hong Kong, Ma Cao, Quảng Đông, Quảng Tây… Năm 1872, Trương Vĩnh Ký được thăng hàm Tri huyện hạng nhất, đồng thời được bổ làm Đốc học (Giám đốc) Trường Sư phạm, kiêm chức Thư ký Hội đồng châu thành Chợ Lớn. Năm 1874, ông là giáo sư Trường Hậu bổ (Collège des stagiaires) - tức trường đào tạo quan Tham biện cho bộ máy trực trị của Pháp; rồi sau thay Eliacin Luro làm Giám đốc. Lương ông lúc đó đã đứng hàng thứ ba ở Đông Dương. Ông còn là hội viên của “Hội đồng học chính cao cấp” (còn gọi là “Thượng Hội đồng Giáo dục”), một tổ chức phụ trách việc tiến hành cuộc “chinh phục tinh thần” người dân bản xứ, tiếp theo cuộc “chinh phục bằng vũ lực”. Năm 1876 ông được Thống Đốc Nam Kỳ cử ra Bắc Kỳ dò xét tình hình báo cáo cho Pháp, chuẩn bị cho cuộc xâm lược Bắc Kỳ sau đó. Năm 1877 Đô đốc Duperré chọn Trương Vĩnh Ký - người An Nam đầu tiên và duy nhất - cử vào làm Ủy viên Hội đồng Cai trị Sài Gòn. Năm 1883, ông được Hàn Lâm Viện Pháp phong chức Viện sĩ. Năm 1886 nhận Bắc Đẩu Bội Tinh Ngũ Đẳng. Đặc biệt năm 1886, Tổng trú sứ Trung Kỳ và Bắc Kỳ Paul Bert vừa sang nhậm chức, đã mời ông ra Huế giúp việc. Ông nhận hàm Tham tá Đệ tam phẩm, sung Hàn Lâm viện thị giảng học sĩ, được bố trí đứng chân trong Cơ Mật Viện của vua Đồng Khánh, ông vua do Pháp dựng lên sau biến cố ở Huế 5/7/1885, Vua Hàm Nghi cùng cận thần Tôn Thất Thuyết… phải lánh ra Quảng Trị ban Chiếu Cần Vương. Với vai trò đó, Trương Vĩnh Ký đã góp phần quan trọng giúp Paul Bert đập tan phong trào Cần Vương của vua Hàm Nghi. Paul Bert chết đột ngột vào cuối năm 1886. Trương Vĩnh Ký không được người kế tục Paul Bert tin dùng. Trương Vĩnh Ký lui về Sài Gòn tiếp tục dạy học ở trường đào tạo tham biện (Trường Hậu Bổ), và viết sách… Lương của ông Trương Vĩnh Ký được Pháp ưu ái trả bằng tiền franc, lên đến 9.000 phờ-răng (franc), lúc đó tỷ giá 1 đồng bạc Đông Dương = 4 đồng franc ; chuyển đổi ra đồng bạc Đông Dương là một số tiền lớn; trong khi lương Tri huyện thời đó là 30 đ/tháng; lương Lại dịch (viên chức thường) là 10 đ/tháng ! [Tác giả Bùi Kha viết Lương mỗi năm của Trương là 13.800 quan, kể cả tiền dạy học, trong lúc lương của ông Thống đốc Nam-kỳ cũng chỉ có 18.000 quan. Lương ông Tổng thư ký là 15.000 quan. Như vậy lương họ Trương đứng hàng thứ ba sau hai viên chức cao cấp nhất người Pháp.]
Kết luận Qua việc phân tích các yếu tố về giáo dục, môi trường, và niềm tin tôn giáo, ta thấy sự chọn lựa của Trương Vĩnh Ký gần như là định mệnh, vì nó đã định hình từ lúc ông mới có 8, 9 tuổi, lúc ông được một linh mục rửa tội. Thế rồi, qua tay hết linh mục này đến tay linh mục khác, họ cho ông đi đào tạo ở các chủng viện cho đến 21 tuổi. Ông Ký không thể nào có một chọn lựa khác hơn là tận tụy cho Giáo Hội và cho Pháp. Trương Vĩnh Ký theo phục vụ cho giới lãnh đạo cao cấp của đội quân xâm lược Pháp khi tuổi ông còn rất trẻ, ngay từ những ngày đầu chúng đến Việt Nam; và duy trì tính chất Việt gian phản quốc đó liên tục qua nhiều vai trong suốt cuộc đời, cho đến ngày bị thất sủng sau khi Paul Bert, người bảo trợ chính của ông đột ngột qua đời (1887) và cho đến ngày ông mất (1898). Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Trần Văn Giàu đã nói rất đúng: “Khi mà xâm lược và kháng chiến đang chọi nhau dữ dội, trên chiến trường Thắng (lợi) Thất (bại) chưa ngã ngũ hẳn, khi ấy mà ai đứng hẳn về phe địch thì nhà chép sử nào, dù có rộng xét mấy cũng không thể lấy bất kỳ số sách vở sáng tác hay phiên dịch nào để biện bạch và giảm nhẹ trách nhiệm tinh thần của một người dân nước, nhất là của một “Kẻ Sĩ” (Địa Chí Văn hóa Tp HCM,1985, Sđd, Tập II, trang 232).
Tài liệu nguồn 1- Những Ngộ Nhận Về Ông Trương Vĩnh Ký (Hồng Điểu) https://sachhiem.net 2- Trương Vĩnh Ký Phản Bội Tổ Quốc, Sao Gọi Là Nỗi Oan Thế Kỷ? (Bùi Kha) https://sachhiem.net 3- Trương Vĩnh Ký: Nhà Văn Hóa Lỗi Lạc (GS Nguyễn Vĩnh Thượng, Hội Ái Hữu Pétrus Trương Vĩnh Ký) http://petruskyaus.net/ _______________ PHỤ BẢN: Bài viết của Trung Tướng Nguyễn Thanh Tuấn FB Chân Lý giới thiệu ngày 9/2/2014. Gần đây trên Chuyên mục Khát Vọng Non Sông có phim ngắn hoạt hình “Tuổi thơ Trương Vĩnh Ký“ ca ngợi ông ta là người tuổi trẻ tài cao. Tôi xin đăng lại bài viết trước đây để mọi người có cách nhìn nhận đúng đắn về kẻ suốt đời làm tôi tớ cho ngoại bang. Trương Vĩnh Ký yêu nước hay bán nước, hiền tài hay ác tài ? Vừa qua Bảo tàng báo chí Việt Nam (trực thuộc Hội nhà Báo Việt Nam) đã tổ chức buổi Toạ đàm về “Nhà báo" Trương Vĩnh Ký, sau buổi Toạ đàm đó, rất nhiều báo chính thống của nước ta đã đưa tin, viết bài về buổi tọa đàm, có nhiều báo giật tít: Trương Vĩnh Ký yêu nước theo cách của mình ( Tuổi trẻ, Quảng Ninh), người có công đầu với chữ quốc ngữ (VOV5), nhà báo Trương Vĩnh Ký và những di sản thời khởi thủy báo chí tiếng Việt (Người lao động)... nội dung hầu hết các báo đều ít nhiều ca ngợi Trương Vĩnh Ký là người có công rất lớn trong buổi đầu hình thành báo chí ở nước ta, ông ta là người yêu nước (và yêu nước theo quan điểm của TTK Hội KHLS VN Dương Trung Quốc “yêu nước thì ai cũng yêu nước, đừng ai đòi độc quyền yêu nước. Chỉ là chủ nghĩa yêu nước của mỗi người khác nhau, thậm chí xung đột nhau về lợi ích“...) ; cùng với việc đánh giá về Trương Vĩnh Ký một số báo ca ngợi ông ta là người uyên bác, biết nhiều ngoại ngữ, viết được nhiều Sách, là nhà báo đầu tiên của VN, ... từ đó kết luận Trương Vĩnh Ký là nhà văn hoá lớn của dân tộc. Tóm lại theo họ Trương Vĩnh Ký là nhà yêu nước, một nhân tài đất Việt. Và với cách đánh giá này nên ở một số ít địa phương đã khôi phục lại Tên đường, đặt lại Tên trường, quyên góp dựng tượng đồng, và đặt ông ngan hàng với các nhà yêu nước VN như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Trung Trực, Trương Định, . .. Gần đây anh em bạn bè chiến đấu của tôi quê xã Hoà Châu đã thông tin rằng ở Đà Nẵng cũng đặt tên đường Trương Vĩnh Ký cho một con đường khá dài tại xã Hoà Châu với lý do Trương Vĩnh Ký là một nhân vật lịch sử của dân tộc. Khi phát hiện việc làm này các đồng chí cựu chiến binh xã Hoà Châu đã phản ứng và kiến nghị với cấp Thành phố cần xem xét lại việc này, nhân dân ở địa phương nói rõ xã Hoà Châu là xã anh hùng, có truyền thống yêu nước sâu sắc không chấp nhận lấy tên của kẻ phản quốc đặt tên đường ở địa phương mình. Và tôi cũng được biết không chỉ riêng Đà Nẵng mà còn một số địa phương khác cũng đã đặt tên đường cho Trương Vĩnh Ký (dưới đây gọi là Trương). Vậy Trương là người yêu nước hay bán nước, là hiền tài hay ác tài, là nhân vật lịch sử hay là tội đồ của dân tộc ? Để trả lời câu hỏi này tôi đã mất một một thời gian tra cứu và suy ngẫm về những gì mà tư liệu trên báo chí, trên mạng nói về Trương đặc biệt là các bài báo rất mới như bài: Không được đánh đồng công - tội đăng trên Tạp chí Tuyên giáo của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 5/01/2016, bài Về con người Trương Vĩnh Ký đăng trên Tuần báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh ngày 15/10/2021. .. Trước hết tôi cần phải nói rõ: tôi sinh ra ở Quảng Nam, học cấp tiểu học dưới thời ngụy quyền Sài Gòn, và thời đó Ngô Đình Diệm với tư tưởng đưa Thiên Chúa giáo lên thành quốc đạo, vẽ cho mình hình ảnh yêu nước và đã ra sức tuyên truyền về Trương (mà theo tôi thấy nội dung ca ngợi Trương của một số nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà khoa học hiện nay viết rất giống những gì thời ngụy nói về Trương) thế nhưng đồng bào yêu nước ở miền Nam lúc đó đã không chấp nhận Trương là nhà yêu nước cũng như không chấp nhận họ Ngô là nhà yêu nước . Để làm rõ vấn này theo tôi ta cũng cần nắm vững phương pháp luận Mác xít để đánh giá. Trước hết chúng ta cần khẳng định Trương là kẻ có tài (nhân tài), ông sinh ra ở một miền quê thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, cha là quan lại Triều đình Huế đã mất trong chuyến đi sứ thần sang Căm Pu Chia khi ông ta mới 8 tuổi (theo Tiểu dẫn - trang 12 của GS Phạm Thế Ngũ), đã được một linh mục Thiên chúa giáo đỡ đầu và cho học tập chữ quốc ngữ (như vậy Trương chỉ là người học chữ quốc ngữ), sau đó cho sang học ở Campuchia, Malaixia. Tại các trường này của Thiên chúa giáo, Trương được học chung với các học viên người Cămphuchia, Lào, Mianma, Ấn độ, Nhật Bản, Malai, .. nên ông ta học được nhiều thứ tiếng mà sau này có tài liệu nói Trương biết 27 thứ tiếng. Đây là tài năng rất đáng tự hào của ông ta, nó là cơ sở để Trương hoàn thiện vốn liếng Quốc ngữ, viết báo, viết sách, làm phiên dịch (thông ngôn) và làm đại quan cho Thực dân Pháp. Với tất cả tài năng như vậy ít có người Việt Nam đương thời bấy giờ có được như ông. (theo bài Những ngộ nhận về Trương Vĩnh Ký - Tuần báo Văn nghệ ngày 7/9/2015). Tuy nhiên tất cả tài năng của Trương đã dụng sai chỗ. Là một con chiên ngoan đạo, ông đã đặt lợi ích của Giáo hội lên trên tất cả, ông không coi trọng lợi ích dân tộc, là con người cơ hội ông cho rằng đây là thời cơ dựa vào Pháp để vươn đến đỉnh cao quyền lực nên ông đã bán rẽ lợi ích dân tộc. Ông tự nhận mình là “người bề tôi tận tâm và trung thành của nước Pháp" đã kêu gọi quân đội Pháp “xin đừng chần chừ gì nữa, hãy mở rộng bàn tay giải phóng“ (thư gởi Trung tá hải quân Pháp Jean Bernard). Không chỉ bằng lời nói mà Trương đã hăng hái hoạt động, lúc đầu là phiên dịch, sau là mật vụ, và cuối cùng là Đại quan của thực dân Pháp bên cạnh Triều Nguyễn: “tôi cũng đang lo tiếp xúc và cũng cấp cho ngài những tin tức chính trị hữu ích. Tôi hết lòng tán đồng dự án của ông Paul về công cuộc bình định thi hành bởi người bản xứ và ở đây tôi đang bám sát nhà Vua và Viện cơ mật. ..Tôi sẽ trấn áp tất cả các hãnh thần và bao vây nhà Vua, tôi sẽ kiếm những người thật sự có khả năng cho Viện cơ mật...” (Báo cáo của Trương gởi cho Paul Bert) đồng thời ông ta cũng đề xuất với Paul cách tiêu diệt lực lượng yêu nước Cần vương “.. hãy nhanh chóng thành lập các đoàn lạp binh ( thanh niên công giáo ) và võ trang cho họ “... Để bày tỏ lòng trung thành với nước Pháp Trương viết “lòng tôi luôn luôn thuộc về nước Pháp và những công việc nhỏ mọn của tôi cũng thuộc về nước Pháp" “Tôi càng tỏ ra biết ơn nước Cộng hòa Pháp không những công nhận tôi là đứa con nuôi lại cho tôi nhiều vinh dự, nhất là đã tin cẩn tôi lắm lắm … Nước Pháp mà tôi phụng sự và tôi hoàn toàn thuộc về nó“ (thư gởi toàn quyền Pháp). Và cuối đời ông ta cũng đã tự nhận ra suốt đời theo Pháp vì nước Pháp mà nước Mẹ Đại Pháp của ông vẫn chỉ coi ông là dân thuộc địa (con nuôi). Chỉ nêu lên chừng đó để chúng ta xem Trương yêu nước hay là bán nước, một kẻ cúc cung, tận tụy, cam tâm làm tay sai cho giặc thì sao có thể gọi là yêu nước, chỉ trừ những ai cố tình đảo ngược lịch sử đổi trắng thay đen. Còn ông ta là hiền tài hay ác tài, có thể khẳng định Trương là người có tài nhưng cả cuộc đời của ông cúc cung làm tay sai cho giặc thì đích thị ông là một ác tài, một tội đồ. Ông cha ta thường nói “hiền tài là nguyên khí quốc gia" một kết luận đúng đắn vô cùng. Thế nhưng ngày nay người ta lại hiểu sai thành nhân tài là nguyên khí quốc gia. Nhân tài có cả ác tài và hiền tài. Hiền tài là người tài năng, đức độ yêu nước thương dân, cống hiến sức mình cho dân tộc mới là nguyên khí của quốc gia. Còn người tài mà đem tài năng hại người, hại xã hội, hại đất nước đó là ác tài và Trương Vĩnh Ký là loại người tài như vậy, cũng giống như Hít-Le ai nói hắn không có tài, nhưng ác tài như hắn chỉ để lại tai họa khủng khiếp cho loài người. Cũng có người nói Trương là nhà khoa học, đã có nhiều sách biên soạn bằng chữ quốc ngữ góp phần để dân ta có chữ viết như ngày hôm nay nên ca tụng ông là nhà văn hoá lớn của dân tộc. Vậy trước hết các nhà truyền giáo thực dân đẻ ra chữ Việt theo mẫu tự la tinh với mục đích của họ để làm gì ? Là để xóa đi nền văn hoá của dân tộc. Đây là thứ vũ khí văn hoá độc hại nhất để diệt chủng ; song đã được dân tộc ta xử dụng để chống lại giặc ngoại xâm và chúng ta đã chiến thắng. Đây là truyền thống lấy vũ khí giặc để đánh giặc của dân tộc ta. Rất tiếc núp dưới danh nghĩa Toạ đàm, Hội thảo khoa học, một số người đã lợi dụng xét lại lịch sử, đánh đồng công - tội, từ đó nâng công, xoá tội bôi đen lịch sử. Thế nhưng, Cơ quan quản lý vẫn im lặng, để truyền thông bồi bút tuyên truyền và để những kẻ xét lại lịch sử nâng công lên thành danh nhân đất Việt, đặt tên đường, tên trường, thật đáng lên án, thật đáng đau lòng. Thử hỏi các nghĩa binh Cần vương, thử hỏi cụ Đồ Chiểu, cụ Nguyễn Trung Trực, Trương Định. .. còn sống lại họ có thể ngồi chung một hàng với Phan Thanh Giản, Hoàng Cao Khải, Trương Vĩnh Ký. .. hay không ? Một câu hỏi mong rằng các Cơ quan hữu trách hãy nhanh chóng làm rõ để lòng dân, lòng cán bộ, đảng viên được yên, đừng để dân đau lòng thốt lên “xã chúng tôi là xã anh hùng không thể lấy tên của kẻ phản quốc đặt tên đường trên địa bàn xã“. Dân yên thì nước thuận, vận nước đi lên còn ngược lại cần phải nhanh chóng xử lý. Từ những phân tích trên có thể khẳng định, không bao giờ có cái gọi là yêu nước riêng của mỗi người lại mâu thuẫn với cái yêu nước chung của toàn dân tộc. Yêu nước của thời kỳ này là chung tay chống ngoại xâm giành lại độc lập cho đất nước và với mục tiêu đó có thể lúc đầu nhiều nhà yêu nước tìm chọn con đường, phương pháp khác nhau, song muốn giành thắng lợi thì chỉ có một con đường đoàn kết toàn dân chung một chí hướng tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn, và Đảng ta đã làm được việc đó. Còn nếu ai cũng cho mình cái quyền đi ngược lại cái chung, con đường chung là đánh đuổi ngoại xâm giành độc lập tự do cho đất nước thì làm sao cả nước một lòng toàn dân đánh giặc để làm nên lịch sử oai hùng của dân tộc là đã đánh bại mọi kẻ thù xâm lược? Ngày nay yêu nước là phải phấn đấu giữ cho đất nước được độc lập, hoà bình, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nếu có ai yêu nước đi khác mục tiêu đó làm sao cả nước đoàn kết đưa dân tộc ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu, bốn biển. Không và không bao giờ có cái yêu nước mâu thuẩn lợi ích và mục tiêu với nhau. Theo kiểu lập luận đó là cổ suý cho sự phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá đất nước ta. Chúng ta cần cảnh giác và đấu tranh loại bỏ.
Trang Lịch Sử |