Những Ngộ Nhận Về Ông Trương Vĩnh Ký Hồng Điểu http://sachhiem.net/LICHSU/H/HongDieu.php Ngày 24/3/2015 vừa qua, trong dịp trao giải thưởng Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh, Ông Nguyên Ngọc đã nêu ý kiến: Xây “Ngôi đền tinh hoa văn hóa Việt Nam” nhằm tôn vinh những nhân vật kiệt xuất có công đối với văn hóa Việt Nam. Trong số ba nhân vật đầu tiên được đề cập đến có tên ông Trương Vĩnh Ký, cũng gọi là Petrus Ký. Gồm các mục: - II. NHỮNG ĐIỂM ĐÁNG QUAN TÂM TRONG “CUỐN SỔ BÌNH SANH” TRƯƠNG VĨNH KÝ Trương Vĩnh Ký là ai ? Nhân vật này đã có công lao kiệt xuất gì mà được ông Nguyên Ngọc quan tâm muốn đưa vào “Ngôi đền tinh hoa Văn hóa Việt Nam” do ông dự kiến xây ? Trương Vĩnh Ký lúc nhỏ có tên Trương Chánh Ký, sinh năm 1837 ở ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, Tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Năm ông 8 tuổi, cha ông là Trương Chánh Thi bị bệnh mất ở Cao Miên (Campuchia) trong một chuyến đi công tác cho Triều Nguyễn. Linh mục Tám, người được ông Thi che chở khi triều đình cấm Đạo, đã dề nghị mẹ ông cho ông theo Đạo Công giáo, lấy tên là Jean Baptiste Trương Chánh Ký (sau đổi là Trương Vĩnh Ký, gọi tắt là Petrus Ký). Khi linh mục Tám mất, linh mục Long (người Pháp, mới qua Việt Nam), đã tiếp dạy Trương Vĩnh Ký chữ La-tinh, rồi giới thiệu ông cho linh mục Hòa (tên Pháp là Belleveaux) đang dạy tại trường Đạo Pinha-lu ở Phnom Penh. Trương Vĩnh Ký theo học trường này, nhờ đó có dịp học thêm tiếng Miên, Lào, Miến Điện, Trung Quốc…với nhiều học sinh cùng trường. Năm 1851, Trương Vĩnh Ký được gởi vào ngôi trường đặc biệt - trường Dulalma - của các thừa sai dòng Tên (Jésuites) và Đa Minh (Dominicains) ở Penang (Mã-Lai), là nơi đào tạo những nòng cốt cho việc truyền giáo và xâm nhập các nước Châu Á của liên minh Công giáo-quân sự Châu Âu ở Viễn Đông. Trong thời gian học tại đây (1851-1858) Trương Vĩnh Ký học thêm tiếng Ấn Độ, Anh, Tây Ba Nha, Mã Lai, Nhật, Hy lạp, Thái, Pháp… Năm 1858 (21 tuổi) Trương Vĩnh Ký về nước. Cũng năm ấy quân Pháp đánh Đà Nẵng, nên chánh sách cấm Đạo của triều đình càng gay gắt. Trương Vĩnh Ký không thể ở quê Cái Mơn được, chuyển qua dạy học ở Trường đạo Cái Nhum của cố Hòa. Năm 1860 Ông được linh mục người Pháp Dominique Lefèbvre giới thiệu đến giúp làm thông ngôn cho viên Trung tá Hải quân Pháp Jean Bernard Jauréguiberry đang chỉ huy địa hạt Gia Định thay Tổng tư lệnh Rigault de Genouilly đang đưa quân trở ra Đà Nẵng. Thời gian này Trương Vĩnh Ký cũng có dịp làm thông ngôn cho các tướng lĩnh Pháp Charner, Page, Bonard khi các tướng này lần lượt hạ các đồn Chí Hòa, Thuận Kiều, Mỹ Tho, Biên Hòa…Ông lập gia đình và xây nhà riêng ở quê vợ vùng Chợ Quán-Sài Gòn. Năm 1862 ông làm thông ngôn cho phái đoàn Pháp ra Huế nghị hòa, buộc Triều Nguyễn ký Hiệp ước Nhâm Tuất (1862) ở Gia Định nhượng 3 tỉnh Miền Đông Nam Kỳ cho Pháp. Sau đó Trương Vĩnh Ký được Pháp cử vào phái đoàn Pháp, cùng phái đoàn Phan Thanh Giản sang Paris nhằm thương lượng chuộc lại 3 tỉnh Nam Kỳ (1863). Cuộc thương lượng bất thành, nhưng dịp này Trương Vĩnh Ký được các chính phủ Pháp, Tây Ba Nha ưu ái cho đi tham quan nhiều nước châu Âu. Năm 1864 Trương Vĩnh Ký trở về nước tiếp tục làm thông ngôn cho soái phủ Pháp ở Nam Kỳ. Năm 1865 ông làm trợ tá cho một quan chức người Pháp - Ernest Potteaux - xuất bản tờ Gia Định Báo, tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam . Nhưng phải đến năm 1869, chuẩn Đô đốc Ohier mới ký quyết định giao cho Trương Vĩnh Ký làm Giám đốc Gia Định Báo (Huỳnh Tịnh Của làm Chủ bút). Trong thời gian làm báo, ông vẫn là giáo sư nhiều trường do Pháp mở, như Trường Thông ngôn Sài Gòn (Collège des interprètes, tức trường Adran cũ), Trường của Sở Công vụ người bản xứ (Services des affaires indigènes), Trường đào tạo nhân viên cho Văn phòng Trung ương An Nam (Bureau Central Annamite, do linh mục Legrand de la Liraye điều khiển). Năm 1870, sứ thần Tây Ba Nha Patocot xin Pháp “cho mượn” Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn trong chuyến đi Huế thương thảo với Nam triều về một hiệp ước thương mại và giao hảo. Thời gian này ông có dịp đi Hong Kong, Ma Cao, Quảng Đông, Quảng Tây… Nhưng cũng chính chuyến đi giúp Tây Ba Nha của Trương Vĩnh Ký đã là duyên cớ sau này một số quan chức Pháp sinh lòng đố kỵ Năm 1872, Trương Vĩnh Ký được thăng hàm Tri huyện hạng nhất, đồng thời được bổ làm Đốc học (Giám đốc) Trường Sư phạm, kiêm chức Thư ký Hội đồng châu thành Chợ Lớn. Năm 1874, ông là giáo sư Trường Hậu bổ (Collège des stagiaires) - tức trường đào tạo quan Tham biện cho bộ máy trực trị của Pháp; rồi sau thay Eliacin Luro làm Giám đốc. Lương ông lúc đó đã đứng hàng thứ ba ở Đông Dương. Ông còn là hội viên của “Hội đồng học chính cao cấp”(còn gọi là “Thượng Hội đồng Giáo dục”), một tổ chức phụ trách việc tiến hành cuộc “chinh phục tinh thần” người dân bản xứ, tiếp theo cuộc “chinh phục bằng vũ lực”. Năm 1876 ông được Thống Đốc Nam Kỳ cử ra Bắc Kỳ dò xét tình hình báo cáo cho Pháp, chuẩn bị cho cuộc xâm lược Bắc Kỳ sau đó. Năm 1877 Đô đốc Duperré chọn Trương Vĩnh Ký - người An Nam đầu tiên và duy nhất - cử vào làm Ủy viên Hội đồng Cai trị Sài Gòn. Năm 1883, ông được Hàn Lâm Viện Pháp phong chức Viện sĩ. Năm 1886 nhận Bắc Đẩu Bội Tinh Ngũ Đẳng. Đặc biệt năm 1886, Tổng trú sứ Trung Kỳ và Bắc Kỳ Paul Bert vừa sang nhậm chức, đã mời ông ra Huế giúp việc. Ông nhận hàm Tham tá Đệ tam phẩm, sung Hàn Lâm viện thị giảng học sĩ, được bố trí đứng chân trong Cơ Mật Viện của vua Đồng Khánh, ông vua do Pháp dựng lên sau biến cố ở Huế 5/7/1885, Vua Hàm Nghi cùng cận thần Tôn Thất Thuyết… phải lánh ra Quảng Trị ban Chiếu Cần Vương. Với vai trò đó Trương Vĩnh Ký đã góp phần quan trọng giúp Paul Bert đập tan phong trào Cần Vương của vua Hàm Nghi. Paul Bert chết đột ngột vào cuối năm 1886. Trương Vĩnh Ký không được người kế tục Paul Bert tin dùng. Trương Vĩnh Ký lui về Sài Gòn tiếp tục dạy học ở trường đào tạo tham biện (Trường Hậu Bổ), và viết sách… Lương của ông Trương Vĩnh Ký được ưu ái trả bằng tiền franc, lên đến 9.000 phờ-răng (franc), lúc đó tỷ giá 1 đồng bạc Đông Dương = 4 đồng franc ; chuyển đổi ra đồng bạc Đông Dương là một số tiền lớn; trong khi lương Tri huyện thời đó là 30 đ/tháng; lương Lại dịch (viên chức thường) là 10 đ/tháng ! Riêng thời gian Trương Vĩnh Ký dành cho việc hoạt đông văn hóa là từ khi ông còn rất trẻ, từ năm 1864 đến năm 1894 (30 năm). Trong lĩnh vực này ông soạn sách dạy chữ Quốc ngữ, phiên âm tác phẩm chữ Nôm, dịch sách chữ Hán ra Quốc ngữ, nghiên cứu các vấn đề về phong tục, lịch sử, xã hội, khoa học tự nhiên… của xứ Nam Kỳ và nhiều địa phương khác phục vụ việc tìm hiểu xứ sở, người dân vùng đất mới chinh phục của thực dân Pháp. Trương Vĩnh Ký mất năm 1898. Phần mộ chôn ở Chợ Quán, nay thuộc Quận 5, góc đường Trần Hưng Đạo -Trần Bình Trọng. ▪ II. NHỮNG ĐIỂM ĐÁNG QUAN TÂM TRONG “CUỐN SỔ BÌNH SANH” TRƯƠNG VĨNH KÝ 1/ Tính chất con người Trương Vĩnh Ký trong thời gian cộng tác với Pháp về chính trị (dưới danh nghĩa “Thông ngôn”) 1860-1886. Thời gian này có 3 mốc quan trọng :
Chính Trương Vĩnh Ký đã nói rõ vai trò bí mật của mình ở Cơ Mật Viện trong một thư gởi viên Giám đốc nội vụ Noel Pardon (sau khi Paul Bert chết) : “…Về phần tôi, xâm nhập vào Cơ Mật Viện của nhà vua, vai trò của tôi là làm cho nhà vua và triều thần hiểu được các ý tốt (sic) của chính phủ Pháp cũng như điều động chính sách của chính phủ An Nam đi gần với chính sách của nước Pháp” (Thư ngày 19/1/1887, trình cho Bihourt, người kế vị Paul Bert, qua viên Giám đốc nội vụ Noel Pardon). Người ta thường gọi vai trò này là loại “điệp viên của Pháp”. Qua những cột mốc lớn trong vòng đời của ông, ta có thể kết luận : người “TRÍ THỨC” Công giáo Trương Vĩnh Ký theo phục vụ cho giới lãnh đạo cao cấp của đội quân xâm lược Pháp khi tuổi ông còn rất trẻ, ngay từ những ngày đầu chúng đến Việt Nam; và duy trì tính chất Việt gian phản quốc đó liên tục qua nhiều vai trong suốt cuộc đời, cho đến ngày bị thất sủng sau khi Paul Bert, người bảo trợ chính của ông đột ngột qua đời (1887). và cho đến ngày ông mất (1898). ▪ III. HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA CỦA TRƯƠNG VĨNH KÝ Hoạt động văn hóa của Trương Vĩnh Ký cũng không ra ngoài quỹ đạo của chính sách thực dân Pháp tại Việt Nam. 1/ Chúng ta trở lại bối cảnh tình hình năm quân Pháp vừa đến Nam Kỳ : Sau khi chiếm được Nam Kỳ bằng vũ lực (1860), thực dân Pháp đã nghĩ ngay đến việc thiết lập thể chế cai trị dân bản xứ. Có hai khuynh hướng tổ chức chế độ cai trị : Phe Aubaret – Philastre chủ trương chỉ đô hộ về quân sự và kinh tế. Phe Lagrandìère, Chasseloup Laubat, - thắng thế, chủ trương trực trị, đồng hóa, tức Pháp sẽ đặt sĩ quan Pháp ở tất cả các cấp chính quyền. Người bản xứ thì cần thiết cho việc hầu hạ như cu ly, bồi bếp, chạy giấy, thông ngôn, ký lục…Viên Thanh tra sự vụ bản xứ (Affaires Indigènes) Eliacin Luro thành lập Trường Tham biện (Collège des stagiaires, cũng gọi là Trường Hậu bổ) dạy cho số người Pháp (từ Pháp sang) “nghề” làm quan chức cai trị. Mặt khác, khi thời kỳ chinh phục bằng vũ lực đã qua, đến thời kỳ “nghiên cứu để cai trị”, Pháp cần sử dụng nhiều “thông ngôn” người bản xứ để giúp Pháp tìm hiểu đất nước và con người bản xứ, giúp trang bị kiến thức thông thường cho số người Pháp trong bộ máy cai trị thực dân. Cho nên Tướng Charner lập trường Adran từ rất sớm, sau đổi thành Trường Thông ngôn (Collèges des interprètes). Tướng Bonard chủ trương giữ nguyên cơ cấu tổ chức xã hội Việt Nam ở làng. Viên Giám đốc nội vụ Paulin Vial nói thẳng :”Đó là phương pháp duy nhất thích hợp với sự an toàn của chúng ta (người Pháp), vì nó chia rẽ dân bản xứ bằng cách thừa nhận họ tự trị các làng xã, một điều họ rất quan tâm…Nó mang an ninh cho nhà cầm quyền Pháp, không cho nhân dân có thể liên kết với nhau trong mọi hành động chung chống lại chúng ta.” (Paulin Vial, “L’Annam et le Tonkin”, trích dẫn bởi Vũ Quốc Thúc trong “Pháp chế sử Việt Nam”). Thực dân Pháp còn cho rằng, để triệt tiêu mọi ảnh hưởng của số sĩ phu lãnh đạo kháng chiến thì phải thay thế chữ Nho bằng chữ Quốc ngữ, dùng Quốc ngữ làm công cụ đắc lực cho chính sách trực trị, đồng hóa của chúng (Địa chí Văn hóa Tp HCM, Tập II, trang 200-201). Pháp mở trường dạy chữ Quốc ngữ, nhưng lúc đầu các trường này rất ít người học. Còn những người học xong thì cũng không có gì để đọc ngoài mấy quyển sách về tiểu sử các ông thánh. Cho nên yêu cầu về phiên âm, phiên dịch, viết sách Quốc ngữ là cấp thiết. Đó là bối cảnh chính trị-xã hội ở Nam Kỳ những năm sau Hòa ước Nhâm Tuất 1962 và khi Phan Thanh Giản đầu hàng Pháp năm 1967 (Pháp chiếm hết 6 tỉnh Nam Kỳ). 2/ Trương Vĩnh Ký là người phiên âm, dịch nhiều sách nhất trong những buổi đầu ấy. Nhà sử học Jean Bouchot, trong sách của ông (“Petrus Ký, Erudit Cochinchinois, (P.Ký, nhà thông thái Nam Kỳ) Jean Bouchot, Imprimerie Commerciale, 1925) đã khen cái ý thức, cái tài năng của Trương Vĩnh Ký :”Tất cả những gì ông (Trương Vĩnh Ký) đã dịch từ Hán ra chữ Quốc ngữ đều không có mục đích nào khác là làm cho người Nam chấp nhận mẫu tự La tinh và giảm bớt dùng chữ Hán”…”Việc đó ông Trương Vĩnh Ký đáp ứng đúng với yêu cầu của các vị Đô đốc-Thống đốc đã từng bày tỏ ngay từ lúc Pháp mới chinh phục Nam Kỳ, những điều mà ông Vial, Giám đốc nội chính đã nói lên và ông Vial đã đánh giá đó là những trở ngại do chữ Hán gây ra giữa người Pháp và người Nam” (ĐCVH Tp HCM, tập I, trảng 203). Luro đã viết trong phúc trình lên Thống đốc Nam Kỳ :”Từ lâu tôi đã thỉnh cầu một cách vô hiệu rằng người ta phải phiên dịch, dưới sự chăm sóc của một Hội đồng có đủ quyền hành, lịch sử nước An Nam và những sách cao quí của triết lý Trung Hoa. Người dân ít nghe tiếng quan thoại, vào trình độ họ sẽ rất sung sướng có được những cuốn sách dịch bằng ngôn ngữ thường ngày của họ một cách thanh nhã. (Taboulet, La geste francaise en Indochine, (Sự nghiệp lớn của Pháp ở Đông Dương) Tập II, trang 594 – Trích lại cùa Nguyễn Sinh Duy “Cuốn sổ binh sanh Trương Vĩnh Ký”,Nam Sơn xb, Sài Gòn , tháng 3/1975). Trên lĩnh vực này Trương Vĩnh Ký cũng cộng tác với Pháp rất sớm, từ 1864, và đeo đuổi suốt đời, đến năm 1894 (30 năm). Trong thời gian 30 năm ấy, theo chủ trương của Pháp, Trương Vĩnh Ký đã viết, dịch, phiên âm, khảo cứu hơn 124 đầu sách (theo Nguyễn Sinh Duy, Sđd), gồm 3 thể loại sau : 1)* Loại cẩm nang giao dịch : phần lớn là những giáo trình ông dạy ở Trường Thông Ngôn, Trường Hậu bổ (Tham biện); có thể kể : Abrégé de la grammaire annamite, 1867 (Tóm lược văn phạm tiếng An Nam ; Cours pratique de la langue Annamite, 1868 (Giáo trình thực hành tiếng An Nam); Mẹo luật dạy tiếng Pha-lăng-sa , 1869… 2)* Loại nghiên cứu truyền thống bản xứ : - Loại tài liệu nghiên cứu này đã được giáo sĩ Legrand de la Liraye soạn thảo từ khoảng năm 1844-1855, nhưng cũng chỉ là những ghi chép sơ sài. Trương Vĩnh Ký là người Việt đầu tiên lấp đầy những khiếm khuyết của nhà truyền giáo trên. Trong Lời tựa cuốn Cours d’Histoire annamite (Giáo trình Lịch sử xứ An Nam) Trương Vĩnh Ký nhấn mạnh :”Tôi muốn quí vị, bằng thứ tiếng Pháp hay ho và phong phú này sẽ làm quen với lịch sử của nước chúng tôi. Tôi hy vọng thiên thuật sự này được hiểu bằng một thứ ngôn ngữ mà quí vị đang theo học, sẽ giúp quí vị đi sâu vào tất cả những tinh tế của nó, đồng thời cho phép quí vị chọn lọc một cách thuận lợi cái đặc sắc trong đó” (Nguyễn Sinh Duy trích dẫn theo Bouchot, Sđd, trang 27). Dưới ngòi bút Trương Vĩnh Ký “cơ cấu xã hội Việt Nam được tập hợp một cách có phương pháp và hệ thống, đặc biệt rất quan trọng, rất chính xác cũng như rất khích lệ cho những yêu cầu đúng lúc đối với các nhà cai trị Pháp đương thời” (Nguyễn Sinh Duy, Sđd, trang 42). Các sách loại này có : Cours d’Histoire annamite(Giáo trình Lịch sử nước An Nam), Tập I, 1875- Tập II, 1877; Saigon d’autrefois (Sài Gòn xưa) 1882 ; Saigon d’aujourd’hui, 1885 (Sài gòn ngày nay); Ước lược truyện tích nước Nam, 1887; Annam politique et social (Chính trị và xã hội nước An Nam );… - Loại nghiên cứu chuyên đề : Trên các lĩnh vực địa lý, canh nông, thực vật học… Trương Vĩnh Ký làm việc cật lực, thậm chí với một nghị lực và lòng say mê “phi thường”, nhưng thực ra nó chỉ đóng góp cho yêu cầu cúa Ủy ban nghiên cứu phát triển Canh nông và Kỹ nghệ Nam Kỳ (Comité Agricole et Industriel de la Cochinchine) mà chủ đích là phục vu việc tận khai thác thuộc địa Nam Kỳ của thực dân Pháp. Nhiều sách, bản đồ loại này của Trương Vĩnh Ký đã được đưa vào loại tài liệu mật, như tập Dư đồ thuyết lược, mà trước đó những bản đồ của Dayot, Brun,Taberd… thế kỷ XVIII không đáp ứng được (Nguyễn Sinh Duy, Sđd, trang 46). 3)* Loại phổ biến chữ Quốc Ngữ : Từ sau năm 1862, khi Pháp đã chiếm 3 tỉnh Đông Nam Kỳ, chữ Quốc ngữ trở thành công cụ cho “chính sách thực dân bắng sách vở”, là văn tự chính thức cho các giấy tờ hành chánh, tư pháp và thương mại. Áp dụng và phổ biến chữ Quốc ngữ vào dân gian không gì hơn là chuyển ngữ ngay nền văn chương truyền khẩu. Trương Vĩnh Ký viết, phiên âm, dịch thuật… các sách thuộc loại này, như Sách vần Quốc ngữ, Chuyện đời xưa, Kim Vân Kiều, (1875), Đai Nam quốc sử diễn ca (1875), Sơ học vấn tân quốc ngữ diễn ca (1877), Gia huấn ca, Nữ tắc, Thơ mẹ dạy con, Lục Vân Tiên truyện, Tam tự kinh quốc ngữ diễn ca, Tam thiên tự giải âm, Minh Tâm Bửu giám, Trung Dung, Bất cượng, chớ cượng làm chi…. Sách Trương Vĩnh Ký đều do Chính phủ thuộc địa ấn hành và bao tiêu. Như vậy thực tế đã chỉ rõ, toàn bộ công trình biên tập và khảo cứu của Trương Vĩnh Ký đều được viết theo lệnh, hoặc gợi ý của nhà cầm quyền thuộc địa bấy giờ. Nhiều người gọi “Đó là công trình đào xới thuộc địa” của những Aubaret, Luro, Vial, Silvestre, Philastre, Schreiner, Liraye…được thể hiện bằng nhận định và cảm nghĩ xác thực của một con người bản xứ tay sai Trương Vĩnh Ký, điều mà các quan thực dân Pháp không thể có được. Sau này, những công trình đó trở thành những tài liệu nghiên cứu lịch sử, văn hóa của lớp người đến sau, đó là vấn đề hoàn toàn khác, là sự phát triển khách quan của công cuộc “Trở về cội nguồn” của nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nước; điều đó hoàn toàn nằm ngoài chủ đích của Trương Vĩnh Ký và các quan thầy của ông. Đặt cho Trương Vĩnh Ký những mỹ từ “Nhà bác học lớn” đầu tiên của Việt Nam (Jean Bouchot), một “thiên tài về ngôn ngữ học” v,v…(họ không biết rằng Trương Vĩnh Ký đến sau Lê Quý Đôn, Trịnh Hoài Đức… khá lâu), đó là những xưng tụng không đúng thực tế lịch sử, càng không đúng với bản chất, động cơ đích thực của Trương Vĩnh Ký. Nếu cần nói thì nên khẳng định một thực tế khác : khi kẻ tay sai phản phúc càng giỏi phục vụ kẻ cướp nước thì tai họa cho nhân dân càng lớn, nếu người dân, người trí thức chân chính Việt Nam không có bản lĩnh “tương kế tựu kế” lấy “gậy của ông đập lại lưng ông”, như các thế hệ nhân sĩ trí thức đầu thế kỷ XX sau này đã làm với chữ Quốc ngữ trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du, Minh Tân, Duy Tân …và các tên tuổi lớn Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh … Họ nối tiếp các giá trị tinh thần truyền thống của Dân tộc là Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, Khí phách kiên cường bất khuất, xả thân vì nghĩa lớn Giải phóng dân tộc, đặc biệt là Bản lĩnh Trí tuệ Việt Nam … chớ không phải nối tiếp sự nghiệp làm Văn hóa bán nước của Trương Vĩnh Ký . Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Trần Văn Giàu đã nói rất đúng :“Khi mà xâm lược và kháng chiến đang chọi nhau dữ dội, trên chiến trường Thắng (lợi) Thất (bại) chưa ngã ngũ hẳn, khi ấy mà ai đứng hẳn về phe địch thì nhà chép sử nào, dù có rộng xét mấy cũng không thể lấy bất kỳ số sách vở sáng tác hay phiên dịch nào để biện bạch và giảm nhẹ trách nhiệm tinh thần của một người dân nước, nhất là của một “Kẻ Sĩ” (Địa Chí Văn hóa Tp HCM,1985, Sđd, Tập II, trang 232). Cuối đời, khi bị thất sủng, Trương Vĩnh Ký có ba điểm đáng chú ý : * Một là, bài thơ phô bày tâm sự u ẩn của ông : Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai Xô đẩy người vô giữa cuộc đời, Học thức giữ tên : Con mọt sách Công danh rút cục : Cái quan tài Dạo hòn lũ kiến men chân bước Bò xối con trùng chắt lưỡi hoài Cuốn sổ bình sanh công với tội Tìm nơi thẩm phán để thưa khai. Đó là bài thơ ông làm khi sắp lâm chung, sau khi bị thất sủng, lui về vườn trong sự kỳ thị, mai mỉa của người dân, như ông thú nhận: “Trong con mắt của đồng bào tôi, tôi đã bị lên án nặng nề” (Jean Bouchot, Sđd, trang 66). Ông tự ví mình: “Về danh vọng bây giờ nó không còn cám dỗ con sư tử đã già dặn và mất hết sức mạnh” (Thư gởi bác sĩ Chavanne ngày 8/4/1887). Con sư tử già dặn và mất hết sức mạnh ư ? Người ta thường nói: lời người già trăng trối là thiêng liêng, thế nhưng trong lời thơ để lại, dù cố tìm cái gọi là “ý tại ngôn ngoại” chúng ta cũng không hề thấy dấu vết của “danh dự kẻ sĩ”, tức sự nối tiếp giá trị truyền thống dân tộc, là tấm lòng vì nước vì dân, ý chí độc lập tự chủ, kiên cường bất khuất, trí tuệ, bản lĩnh dân tộc trước sự hưng vong của đất nước, hay tối thiểu một nỗi ân hận về con đường đi theo “Giặc” của mình. Không ! Ông cũng tầm thường như bao kẻ tay sai, khi về già, bị bỏ rơi, ẩn dật (nhưng không hề nghèo với đồng lương như ta đã biết) : chán đường công danh, công tội với đời chờ sự phán xét của “bề trên”, đó là tâm sự của ông lúc cuối đời. Vì bản thân có lẽ ông tự cho là công nhiều hơn tội, thậm chí không có tội gì ? * Hai là, ông lập lại câu nói người xưa : “Đi với họ mà không theo họ” (Cách ngôn La tinh : ‘Sic vos non vobis’, theo Wikipedia). Đúng là ông không vô “Dân Tây” và thường mặc áo dài, khăn đóng, nhưng thực tế thì ông lại “Tây” hơn Tây. Câu nói đầu lưỡi của ông trong các thư gởi quan chức Pháp cấp trên: “Người bầy tôi trung thành và tận tụy Trương Vĩnh Ký”; ở người khác có thể chỉ là sáo ngữ nhưng với Trương Vĩnh Ký câu đó phản ảnh đúng thực chất con ngưới. * Ba là, ông cho khắc trên mộ bia câu :“Xin hãy thương xót tôi , hỡi các anh chị là những người bạn tôi” (Miseremini Mei Saltem Vos Amici Mei). Đây là một câu văn trích ra từ Sách của Gióp (Job 19:21-27) trong Cựu ước, thuật lại chuyện Gióp bị Thượng đế và loài người lìa bỏ (Theo Wikipedia). Nguyên văn trong sách là :“Xin thương tôi, xin thương xót tôi, hỡi các anh là những người bè bạn, vì chính tay Thiên Chúa đã đánh tôi ! Tại sao các anh bắt chước Thiên Chúa mà đi săn đuổi tôi, và vẫn chưa no nê với máu thịt của tôi sao ? Ôi, những lời tôi nói đây, phải chi có ngừơi chép lại, phải chi có người ghi vào sách, có người đục bằng sắt, trám bằng chì, tạc vào đá cho đến muôn đời !”. Nếu hiểu đúng như nguyên văn thì đây không phải lời nói khiêm nhường. Trương Vĩnh Ký muốn cao hơn chăng ? Ghi vào sách, đục bằng sắt, trám bằng chì, tạc vào đá ? Ông Nguyên Ngọc đang muốn làm điều đó theo di trối của Trương Vĩnh Ký ? Thì đây, có một bài thơ đề tượng ông : ĐỀ TƯỢNG TRƯƠNG VĨNH KÝ Người Việt được Tây đúc tượng đồng Chúa ơi ! Vinh dự nhất là ông, Áo dài khăn đóng An-Nam đặc, Kim khánh mề đay Bảo hộ phong, Mưa nắng chẳng sờn gan sắt đá ; Búa rìu sá kể miệng non sông, Tay cầm quyển “Đit-son-ne” Pháp, Pháp rút đi rồi hỏi tiếc không ? Sài-Gòn – 1959 Cử Tạ Và xin gởi ông Nguyên Ngọc câu ca dao : “Trăm năm bia đá thì mòn, “Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. 4/2015 Hồng Điểu Nguồn: tác giả Nguyễn Hồng Điểu cung cấp Trang Lịch Sử |