Đối Thoại Với Giáo Hoàng John Paul II

nhiều tác giả

http://sachhiem.net/DOITHOAI/GiaodiemDT5.php

20-Aug-2014

PHỤ LỤC A

QUAN ĐIỂM ĐẠO PHẬT  VỀ
GIẢI THOÁT VÀ PHỤNG SỰ CON NGƯỜI.

Lê Hiếu Liêm

Thần học Thiên Chúa giáo được xây dựng trên năm tín điều căn bản, như năm cột trụ chống đỡ toàn bộ giáo lý Thiên Chúa giáo, đó là:

1. Chỉ có một thế giới này thôi, trái đất này là thế giới duy nhất và là trung tâm duy nhất của vũ trụ, nó đứng yên và mặt trời quay xung quanh trái đất.

2. Thượng đế sáng tạo ra mọi sự hiện hữu, từ con người, xã hội, thế giới và vũ trụ.

3. Tất cả những cái gì xảy ra cho con người, cho xã hội, cho thế giới và vũ trụ là ý muốn của Thượng đế.

4. Con người không thể được giải thoát ngay trong thế giới này mà chỉ có thể được giải thoát sau khi chết đi và chỉ được giải thoát trong ngày phán xét cuối cùng và chỉ giải thoát sau khi được tuyển chọn để lên thiên đàng, Thiên quốc của Thiên Chúa.

5. Sự cứu rỗi chỉ có thể thực hiện qua trung gian của giáo hội Thiên Chúa Giáo La Mã (tòa thánh Vatiacan). Ngoài giáo hội này, con người, dù thánh thiện và chứng đắc cao siêu như thế nào, cũng không thể được cứu rỗi.

Ngược lại, quan niệm giải thoát theo Phật giáo được xây dựng trên năm nguyên lý căn bản sau đây:

1 – Trong vũ trụ có vô số thế giới, hằng hà sa số như cát sông Hằng và các thế giới này không ngừng biến dịch, sinh, diệt. Trái đất này không phải là trung tâm vũ trụ, và như mọi thế giới khác, mọi sự hiện hữu khác, nó không ngừng chuyển động và thay đổi.

2 – Không có một Thượng đế nào sáng tạo ra thế giới này hết. Vũ trụ được tạo ra do trùng trùng điệp điệp, vô số vô lượng nhân duyên yếu tố. Không một ai, không một vật nào, tự một mình nó, mà có thể hiện hữu. Tất cả đều liên hệ chặt chẽ với nhau. Con người, xã hội, thế giới, vũ trụ được hình thành, sinh hoạt, biến dịch độc lập với ý muốn của bất cứ  một cá nhân đơn độc nào, dù đó là Thượng đế, thần linh, trời Phật.

3 – Tất cả những gì xảy ra cho con người là do tâm ý, hành động của chính con người đã tạo ra trong vô lượng kiếp trước, hay trong quá khứ của kiếp này và đang tạo ra trong giờ phút hiện tại, chớ không phải do một ai khác. Và tất cả những gì xẩy ra cho xã hội, thế giới, vũ trụ là do vô số yếu tố tác động lẫn nhau mà thành, chớ không phải do sự quyết định của một Thượng đế nào cả.

4 – Con người có thể giải thoát ngay trong chính xã hội, ngay trong chính cuộc đời, chính thế giới này và ngay bây giờ, chớ không phải là một thế giới nào hết và trong một tương lai xa xôi nào hết. Sự giải thoát của con người là do chính con người chủ động thực hiện, bằng cách chấm dứt những ác nghiệp (tâm ý, lời nói, hành động tốt), thực tập tam huệ học – văn huệ, tư huệ, tu huệ và hành trì tam vô lậu học – giới, định, huệ – (chớ không phải do sự phán xét, cứu độ của bất cứ ai khác).

5 – Sự giải thoát không những có thể được thực hiện trực tiếp, mà còn phải được thực hiện trực tiếp bởi chính tự lực của con người, và lại càng không phải qua trung gian của bất cứ ai. Tha lực, của chư Phật, Bồ Tát, theo quan niệm giải thoát của Tịnh Độ tông hay Mật tông chỉ có tác dụng cứu độ – đưa con người đến cảnh giới cao hơn, thuận lợi hơn cho sự  tu tập, nhưng ở đó, chính con người, trong thế giới Tây Phương Cực Lạc, cũng phải tự  mình thực hiện sự giải thoát, bằng sự tự mình chứng đắc, giác ngộ, chớ không phải do ai ban cho sự giải thoát. Ngoài ra, tất cả mọi người, dù theo bất cứ giai cấp, tôn giáo nào hay không theo bất kỳ một tôn giáo nào cả, đều có thể thực hiện sự giải thoát ngay chính trong thế giới này và ngay bây giờ.

Ngày nay, khoa học và nhận thức thông thường của nhân loại đã phá hủy tận gốc và toàn diện tất cả năm cột trụ giáo lý của thần học Thiên Chúa Giáo. Ngày nay, dưới ánh sáng của lý trí, thực nghiệm và khoa học, những người trí thức được thông tin và hiểu biết ở mức độ trung bình đã có thể tự mình suy xét, so sánh và nhận định đâu là quan niệm giải thoát đúng đắn, có giá trị và có thể áp dụng để thành tựu sự giải thoát đích thực và đâu là những giáo điều hoang tưởng, huyền hoặc, phản lý trí và khoa học, nghĩa là những giáo điều mê tín dị đoan.

Quan niệm Thượng đế toàn năng toàn trí sáng tạo và quyết định tất cả, cũng như những quan niệm của các tôn giáo độc thần hay đa thần, khác biệt với quan niệm cho rằng mọi thứ xẩy ra trên đời này là do định mệnh hay do sự ngẫu nhiên, tình cờ. Nhưng cả ba quan niệm này (thuyết Thượng đế sáng tạo của Thiên Chúa Giáo, thuyết định mệnh an bài và thuyết ngẫu nhiên, tình cờ) cùng chung một đặc tính là tước đoạt sự tự do, sự chủ động và trách nhiệm của con người.

Trong khi đó thế giới quan và nhân sinh quan của Phật giáo, nhất là quan niệm về sự giải thoát con người của Phật giáo, thì như đã trình bày ở trên, có những đặc tính hoàn toàn khác hẳn cả ba quan niệm này, những đặc tính đó là cho con người, mỗi và mọi người, không loại trừ bất cứ một ai, tự do, sự chủ động và trách nhiệm đối với chính cuộc đời của mình, và trong  một chừng mực nào đó, đối với xã hội, với thế giới và cả với vũ trụ. Thật vậy quan niệm tự mình phải chuyển nghiệp, tự mình phải tu học, tự mình phải chứng đắc và giác ngộ, để đạt được sự giải thoát tối thượng, đã làm Phật giáo trở thành một tôn giáo, về mặt giáo lý, đưa con người lên vai trò chủ nhân thật sự của chính mình, kẻ sáng tạo thật sự cuộc đời của chính mình, vị chúa tể quyết định tối hậu tất cả những hành động và sự đau khổ hay hạnh phúc của chính mình. Và về mặt thực tiễn, đưa đạo Phật trở thành một tôn giáo tích cực nhất. Nó hoàn toàn không buông xuôi tất cả cho Thượng Đế, cho số mệnh  hay cho sự ngẫu nhiên, tình cờ. Nó đánh thức, kêu gọi và trang bị ý thức trách nhiệm và nỗ lực tự cứu, tự sống đạo, tự tu chứng, tự giải phóng của mỗi người.

Đạo Phật đã thật sự biến các tín đồ của mình bơi ngược dòng đời, không phó mặc số phận mình cho thần linh, phần số hay may rủi, trái lại, không ngừng phấn đấu để chuyển hóa nghịch cảnh, cải thiện số phận và thăng hoa cuộc đời. Đạo Phật đã thật sự biến mỗi Phật tử thành một chiến sĩ không những không ngừng thách đố, chuyển hoá, vượt thắng nghịch cảnh, mà còn tích cực, tinh tấn phụng sự tha nhân và xã hội. Vì người Phật tử tin rằng mình có thể thay đổi cuộc đời của mình, có thể đạt đến sự giải thoát  cao nhất, như Chư Phật, Bồ Tát, hay AlaHán, như quan niệm của Phật giáo nguyên thủy, và không những thế, có thể thay đổi thế giới, hay ít ra,  có thể xoa dịu, làm giảm bớt những khổ đau của đồng loại và của chúng sanh khác.

Chỉ cần đọc một phẩm nhỏ, trong rừng kinh sách Phật giáo, ví dụ như phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của kinh Hoa Nghiêm, ta có thể thấy những quan niệm giải thoát của Thiên Chúa giáo tiêu cực, thụ động và lầm lạc như thế nào và quan niệm giải thoát, cũng như quan niệm phụng sự, của đạo Phật tích cực, hùng tráng, siêu việt ra sao:

Này thiện nam tử, trong các thứ cúng dường, pháp cúng dường là hơn hết. Pháp cúng dường là: Tu hành đúng theo lời Phật dạy để cúng dường, LÀM LỢI ÍCH CHO CHÚNG SANH để cúng dường, CHỊU KHỔ THẾ CHO CHÚNG SANH để dúng dường, nhiếp thọ chúng sanh để cúng dường, siêng năng tu tập căn lành để cúng dường, không bỏ hạnh Bồ Tát để cúng dường, chẳng rời tâm bồ đề để cúng dường… Tôi từ vô thỉ kiếp về quá khứ, do làm tham lam, giận dữ, si mê khiến thân, khẩu, ý tạo vô lượng vô biên ác nghiệp. Nếu các ác nghiệp này mà có hình tướng thì khắp cõi hư không cũng chẳng thể chứa đựng hết được. Nay tôi đem trọn ba nghiệp trong sạch thường an trụ nơi pháp giới trong sạch đầy đủ công hạnh… Như  đấng Tỳ Lô Giá Na Phật ở cõiTa Bà đây, từ khi mới phát tâm tinh tấn không trễ lui, đem bất khả thuyết thân mạng ra mà bố thí, LỘT DA LÀM GIẤY, CHẺ XƯƠNG LÀM VIẾT, CHÍCH MÁU LÀM MỰC dùng biên chép kinh điển chất cao như  núi Tu Di, vì tôn trọng Chánh Pháp nên Phật không tiếc thân mạng ... BỒ TÁT TÙY THUẬN CÚNG DƯỜNG CHÚNG SANH TỨC LÀ TÙY THUẬN CÚNG DƯỜNG CHƯ PHẬT, TÔN TRỌNG, PHỤNG SỰ CHÚNG SANH TỨC LÀ TÔN TRỌNG, PHỤNG SỰ CHƯ PHẬT, LÀM CHO CHÚNG SANH VUI MỪNG TỨC LÀ LÀM CHO TẤT CẢ CHƯ PHẬT VUI MỪNG ... TẤT CẢ CHÚNG SANH  LÀ GỐC RỄ, BỒ TÁT LÀ HOA, PHẬT LÀ QUẢ. Dùng nước đại bi đượm nhuần gốc rễ chúng sanh thì có thể trổ bông Bồ Tát trí tuệ và kết thành quả Phật toàn giác. Vì sao thế? Bởi vì các Bồ Tát dùng nước đại bi làm lợi ích cho chúng sanh, thì thể thành tựu quả vô thượng chánh đẳng chánh giác. Cho nên QUẢ BỒ ĐỀ THUỘC VỀ CHÚNG SANH, VÌ NẾU KHÔNG CHÚNG SANH, TẤT CẢ BỒ TÁT TRỌN KHÔNG THỂ THÀNH ĐẠO VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC ... Nguyện cho tất cả chúng sanh thường được an lạc, không các bịnh khổ, muốn thực hành pháp ác thảy đều không thành, còn tu nghiệp lành thì đều mau thành tựu. ĐÓNG CHẶT CỬA CỦA TẤT CẢ ÁC THÚ, MỞ BÀY ĐƯỜNG CHÁNH, NGƯỜI, TRỜI ĐỀU CHỨNG NHẬP NIẾT BÀN. Nếu các chúng sanh nhơn vì trước kia nhóm các nghiệp ác nên chiêu cảm tất cả quả rất khổ, TÔI ĐỀU CHỊU THẾ CHO KHIẾN TẤT CẢ CHÚNG SANH ĐỀؕ ĐƯỢC GIẢI THOÁT, rốt ráo thành tựu quả vô thượng bồ đề ...”.

Chỉ cần đọc một đoạn nhỏ này, ta có thể biết rõ Phật giáo chủ trương “tiêu cực”, “xa lánh cuộc đời”, “hờ hững, lãnh đạm” với tha nhân, đồng loại, với xã hội và thế gian như lời phê bình của Giáo Hoàng hay không? Các tăng, ni trong khóa lễ tụng kinh buổi sáng mỗi ngày đều tụng bài kệ:

Trong cõi ác thú địa ngục đau khổ nhất, con nguyện vào đó trước tiên. Nếu có một chúng sanh nào chưa được giải thoát, con nguyện mãi mãi ở cõi địa ngục để cứu độ chúng sanh chớ không an hưởng trong cảnh niết bàn cực lạc”.

Nguyện lực cực kỳ dũng mãnh, hùng tráng và tuyệt đỉnh vĩ đại, cao thượng này đã đủ để chứng minh đạo Phật là yếm thế, an phận, hèn nhát, yếu  đuối, bi quan hay không?

Những nhận định của Đức Phật về con người và thế giới, là không ngừng chuyển dịch, thay đổi, là vô thường, là vô ngã, là khổ, là luân hồi vô tận ... chỉ là những nhận định khách quan, chính xác, xuất phát từ  tuệ giác, từ trí tuệ ngộ của Đức Phật mà không một ai có thể phủ nhận được.

Để kết thúc, ta hãy đọc một đoạn văn ngắn của nhà bác học lẫy lừng Albert Einstein:

IF THERE IS ANY RELIGION THAT WOULD COPE WITH MODERN SCIENTIFIC NEEDS, IT WOULD BE BUDDHISM. Buddhism requires no revision to keep it up to date with recent scientific finding. Buddhism needs no surrender its views to science, because it embraces science as well as goes beyond science. Buddhism is the bridge between religions and scientific thoughts, that stimulates man to discover the latent potentialities within himself and his environment. Buddhism is timeless”.

(Dịch thoát: Nếu có một tôn giáo nào có thể thích nghi với những nhu cầu của khoa học hiện đại, thì đó chính là Phật giáo. Phật giáo không cần duyệt xét quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ những quan niệm của mình để chấp nhận khoa học, bởi vì Phật giáo bao gồm khoa học, và đồng thời cũng vượt qua khoa học. Phật giáo là một chiếc cầu nối liền tôn giáo và những tư tưởng khoa học. Chiếc cầu Phật giáo (nối liền tôn giáo và khoa học) đã kích thích con người khám phá những tiềm năng lớn lao nằm sâu kín trong chính nó và trong môi trường sống xung quanh nó. Phật giáo siêu việt qua thời gian và mãi mãi có giá trị).

 

PHỤ LỤC B

Suy tư về nhận định đạo Phật bất toàn và tiêu cực

GIÁO LÝ NHÀ PHẬT VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Nguyễn Phúc Bửu Tập

Người Việt Nam chúng ta làm quen với danh từ  kinh tế từ thập niên Ba mươi, lúc cuộc khủng hoảng kinh thế giới 1929 thổi dần đến Đông dương, gây ra thất nghiệp đói kém, và lúc vua Bảo Đại lập Viện Cơ Mật mới, có một ông “Thượng thư Bộ Kinh Tế”. “Cụ Thượng kinh tế”, ông Nguyễn Khoa Kỳ, dung mạo giống như người tài tử thủ vai Bao Thanh Thiên trong phim “Bao Công kỳ án” bấy giờ, phương phi, có chòm râu dài rất đẹp, và có bà vợ dáng dấp đài các đi đâu cũng có ba bốn tì nữ cầm quạt theo phe phẩy. Hình ảnh kinh tế đối với người bình dân chỉ có vậy, trong lúc phải làm kinh tế tối mày tối mặt để kiếm ăn.

Thế Chiến Thứ  Hai kết liễu, các quốc gia nhược tiểu vùng dậy đổ máu giành tự chủ, và sau đó, tìm những mô hình để phát triển xứ sở. Ta mới có dịp làm quen thiết thực hơn với danh từ kinh tế trong năm mươi năm vừa qua. Trong phạm vi tìm hiểu đạo Phật, câu hỏi ta đặt ra là đạo của Thích Ca đã quan niệm phát triển kinh tế như thế nào. Những điều ràng buộc của đời sống giáo lý có làm trì hãm các mục tiêu nhằm thực hiện no ấm và phú cường cho nhà, cho nước hay không?

Trong bài này, trước ta tìm định nghĩa danh tự, kế tới sưu khảo các mối liên hệ lịch sử giữa kinh tế và giáo lý nhà Phật. Tiếp theo, ta sẽ tìm phân tích quan điểm của Đức Phật, qua đời sống hành trì của Ngài và qua kinh điển, đối với việc phát triển kinh tế. Các dữ kiện tìm được sẽ cho phép ta ước lượng ảnh hưởng trì hãm hay phù trợ của giáo lý nhà Phật với công cuộc phát triển kinh tế.

Để hướng việc tìm học đạo Phật vào hệ thống, trong bài sưu khảo này, ngữ vựng sẽ dựa vào cuốn Phật Học Tự    Điển của Thầy Minh Châu (Nhà Xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1991). Các danh từ chung hay riêng sẽ được cố gắng giữ hình thức chữ Sanskrit (S.) hay Pali (P.), dịch một lần qua chữ Nho hay tiếng Việt, đặt trong vòng đơn, trừ   trường hợp các danh từ quá thông dụng. Như vậy, hầu giúp được người đọc dễ theo dõi hoặc tra cứu các tài liệu Phật giáo bằng tiếng Anh, Pháp, Đức, … hiện hữu rất nhiều, lại chính xác, dễ đọc, dễ hiểu, so sánh với tài liệu bằng chữ Nho không còn ở trong tầm tay của người học Phật, nhất là bạn trẻ.

ĐI TÌM ĐỊNH NGHĨA KINH TẾ

Ngày nay không dễ gì tìm một định nghĩa thỏa đáng cho danh từ kinh tế (economics, Anh ; économie, Pháp). Trong xã hội bình dị, kinh tế có nghĩa là sử dụng dè dặt các phương tiện gia chánh, và chính Aristotle, triết gia Hy Lạp đến sau Đức Phật 300 năm cũng đã hiểu kinh tế là vậy, trong sách Politics ông để lại. Nghĩa này còn áp dụng gần đây tại các nước văn minh và chậm tiến, ngay tại trường học với các lớp Gia chánh (Home economics).

Thế kỷ Mười tám, các nhà làm chính trị và học giả như Adam Smith quan niệm kinh tế là tài sản, là nền phú cường của quốc gia. Ông viết cuốn sách căn bản về kinh tế, lấy tựa đề là An Inquiry into the Nature and Causes of Wealth of Nation (“Khảo sát về Bản Chất và Nguyên Nhân việc Phú Cường của các Quốc gia”). Một thế kỷ sau, John Stuart Mill định nghĩa kinh tế là “khoa học thực dụng về việc sản xuất và phân phối tài nguyên”. Nhờ áp dụng phát minh khoa học vào kỹ nghệ (chiếc máy chạy bằng hơi nước của James Watt phát minh cùng một năm với cuốn sách của Adam Smith, 1776 – bây giờ ta ở Mỹ, nói theo sách vở Anglo-saxon, ngày trước học theo Pháp, ta được dạy là máy hơi nước do Denis Papin chế tạo).

Âu Châu trở thành phú cường trong hai thế kỷ Mười tám, Mười chín, và kinh tế lại đổi nghĩa là mậu dịch và định giá hàng hóa. Đi theo kỹ nghệ là  những vấn đề xã hội: như đô thị hóa, như  lao động trong nhà máy, như giai cấp đấu tranh … kinh tế lại được định nghĩa theo an sinh xã hội, làm sao nâng cao mức sống con người lao động lên cho tương xứng với nền thịnh vượng chung. Một nhà học giả cấp tiến Alfred Marshall, trong sách Principles of Economics (“Nguyên tắc Kinh tế học”) lại đề nghị nhìn vào khía cạnh tâm lý, định nghĩa kinh tế theo tài nguyên và đồng thời theo hành trạng của con người, như việc dân số gia tăng qúa mức, như việc môi sinh bị hủy hoại không lường … Bây giờ kinh tế lại được nhìn dưới khía cạnh bảo trì tài nguyên thiên nhiên và lựa chọn phương thức khai hóa để vừa nuôi con người, vừa đảm bảo đời sống lâu dài của trái đất.

Như vậy nhìn vào quá trình đổi thay của quan niệm kinh tế, ta có thể tóm lược được một định nghĩa kinh tế vào thời bấy giờ là con người vì nhu cầu an sinh phải hành động nhằm vào các chức năng sản xuất, phân phối và tiêu thụ các tài nguyên thiên nhiên trong giới hạn môi trường họ được sử dụng. Nhu cầu bắt buộc phải hành động ; vì nhu cầu đa dạng nên buộc hành động phải đa hiệu, toàn bộ. Bởi lẽ đó mà hành động kinh tế thế nào cũng phải vượt ra khỏi phạm trù đạo đức. Tất nhiên, ta thấy hiện ra rõ ràng mối   mâu thuẫn giữa sự đòi hỏi phải hoạt động kinh tế để đảm bảo đời sống và những ràng buộc đạo đức ngăn cấm một phần các hoạt động kinh tế. Giáo lý nhà Phật dạy phải giải quyết mối mâu thuẩn này như thế nào?

ĐỜI  SỐNG KINH TẾ TẠI ẤN ĐỘ DƯỚI THỜI ĐỨC PHẬT

Các tôn giáo lớn thường đã thần thánh hóa các vị khai sinh ra đạo (Đức Chúa Trời, Thượng Đế …). Riêng đạo Phật thì không. Giáo lý dạy là có một người thầy đầy lòng nhân từ (gọi là mâu-ni), thuộc dòng họ Thích-Ca, sống cuộc đời bình thường, và chỉ hơn người thường ở chỗ tìm được giác ngộ. Lúc sinh thời, Thích Ca đã chấp nhận hệ thống kinh tế trong môi trường sinh sống của Ngài. Cách đây hai mươi sáu thế kỷ, trên bờ sông Gangas (Hằng Hà), nền kinh tế dựa theo nông nghiệp và chăn nuôi và đang chuyển dần tới một hoạt động mới là thương mại. Giai cấp quí tộc vẫn giữ nguyên quyền lợi làm chủ đất và làm chủ các dịch vụ cai trị, nhưng nền kinh tế buôn bán mới thành hình và bắt đầu dùng vốn liếng, tạo nên giai cấp của một số người sống với tư bản, buôn bán hay cho vay để người tiểu thương buôn bán. Giai cấp này tiếng Ấn Độ gọi là setthi (cụ Nguyễn Văn Vĩnh dịch là sét-ti), người bình dân trở thành công cụ của hai lớp người thống trị: quý tộc và chủ điền và người có tiền buôn bán cho vay, sét-ti.

Nhà học giả Phật giáo S.K.Nanagakkara dẫn chứng sự kiện kinh tế dưới thời Đức Phật trong đại tập Anguttara Nikaya (Tăng Chi Bộ Kinh), tóm lược bổn kinh Kutadanta Sutta, thuộc hệ thống Pali (Encyclopaedia of Buddhism, QIII). Tưởng cần nhắc lại cho các bạn chưa quen kinh Phật là, nói chung, kinh điển nhà Phật vô cùng phong phú (hơn 6500 bộ) chia làm hai hệ thống, Nam tông và Bắc tông. Kinh Nam tông được ghi lại bằng văn tự Pali, hệ thống rất chặt chẽ, và hầu hết đã được Hội The Pali Text Society dịch ra tiếng Anh. Kinh Bắc tông được ghi lại bằng văn tự Sanskrit, phong phú hơn kinh Pali, nhưng cho đến nay vẫn chưa được toàn quy luật hóa (homologation/codification).

Người Việt Nam ta học Phật qua kinh Sanskrit dịch sang chữ Nho, và một vài bộ, sang tiếng Pháp. Sinh thời Đức Phật, văn tự chưa được dùng, nên kinh được truyền tụng bằng lời. Hơn nửa thể kỷ sau Tây nguyên, kinh được chép qua văn tự. Hình thức các bổn kinh, Bắc tông hay Nam tông đều giống nhau. Đức Phật thường giảng dạy bằng parabôn dẫn ví dụ bằng một chuyện ngắn, và từ đó chuyển qua lời dạy.

Trong kinh Kutadanta, có đoạn mô tả tình trạng tổ chức kinh tế dưới thời Đức Phật. Một ông thầy cả, “guru” cố vấn của nhà vua (ông vua tưởng tượng), tâu lên nhà vua là:

Trong nhân gian có kẻ nào chăm lo cày cấy và chăn nuôi, xin Bệ hạ giúp đỡ phẩm vật và ban bố lúa giống cho họ. Trong nhân gian có kẻ nào chăm chỉđi buôn, xin Bệ hạ ban bố vốn liếng cho họ. Trong nhân gian có kẻ nào chí thú làm dịch vụ cho cộng đồng, cho nhà nước, xin Bệ hạ cấp bổng lộc cho họ”.

GIÁO LÝ NHÀ PHẬT VÀ KINH TẾ: MỘT LÝ THUYẾT KINH TẾ Ý NGOẠI

Vậy, một nền kinh tế mới đang tuần tự thành hình trong môi trường sinh sống của Đức Phật. Ngài phản ứng ra sao? Có hai điểm cực kỳ quan trọng chúng ta cần ghi nhận từ bây giờ. Một là, vì giáo lý của Đức Phật chú trọng vào đời sống tinh thần của con người và ít quan tâm đến đời sống vật chất, cho nên ta khó mà tìm được trong hành trì và kinh điển của Ngài một lý thuyết kinh tế học, một lời chỉ dạy cách thức làm giàu, làm được nhiều phúc lợi vật chất cho cá nhân, hay là một đường lối hướng dẫn việc phát triển kinh tế cho một quốc gia. Có chăng là một số nhận xét cấp thời – ad hoc – liên hệ đến một số sự việc đã xảy ra, và người đời sau học Phật chắp nối với các dữ kiện thiết thực trong lịch sử để suy diễn và ước lượng cái nhìn kinh tế của Đức Phật. Các nhà học giả thế hệ mới đã tìm ra được trong một số kinh điển những lời dạy có hệ thống của Đức Phật có liên hệ với đời sống kinh tế (ở sau, ta sẽ trình dẫn một số ít). Tuy nhiên, ngay cả khi Đức Phật dạy về đời sống làm ăn và kế hoạch phát triển, Ngài trình bày quan điểm nhắm vào mục đích xa và cao hơn là những việc thiết thực làm giàu, việc cụ thể khai phá canh tân. Các dữ kiện này phù hợp với chủ trương siêu thoát, thanh thản, nhưng cũng là đầu mối gây nên hiểu lầm là giáo lý nhà Phật tách con người ra khỏi cuộc đời.

Điểm thứ hai là, tuy những lời dạy của Đức Phật liên hệ tới sinh hoạt của một nền kinh tế phôi thai và giản dị, và có tính cách chắp nối như ta đã nói ở trên, nhưng gần 3 nghìn năm sau, ta học và nếu đem áp dụng vào đời sống hiện tại, ta vẫn thấy phù hợp với kinh tế hiện hữu. Hai điểm này sẽ chiếu ánh sáng vào những mục ta bàn thảo ở sau.

Liên hệ với điểm một – giáo lý nhà Phật không đưa ra một lý thuyết kinh tế trọn vẹn, Đức Phật chỉ có những lời răn dạy cấp thời khi Ngài sống trong những cộng đồng đang gặp khủng hoảng đói kém – ta nhận chân được là lập trường kinh tế của Ngài luôn luôn dựa trên kinh nghiệm thực tiễn. Học giả Phật giáo người Tích Lan W. G. Weeraratne dẫn chứng lời dạy của Đức Phật trong kinh Cakkhavattisihanađa (Cakkha, bánh xe ; vatti, quay ; shiha, sư tử, chỉ Đức Phật; nada, lời răn dạy; tức là bộ Phật Thuyết Cổ Kim Nhân Qủa Kinh c?a t?ng Pali, dᮨ s? 26 trong b? kinh Tru?ng B?). N?u d?c v࠴ìm hi?u k? ta s? th?y được quan điểm  nhà Phật trong mối tương quan giữa các yếu tố chánh trị, xã hội, đạo đức và đời sống kinh tế (E of B, Q III). Cũng như thường lệ, cách trình bày kinh, dưới hình thức truyền tụng, mỗi tình tiết nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nên rất dài.

Weeraratne lược dẫn là Đức Phật ngồi dưới bóng mát một gốc cây bên vệ đường thuyết giảng cho hàng tì kheo và chúng đệ tử. Đức Phật dùng sự tích một câu chuyện xưa làm ví dụ để răn dạy. Parabôn này nhắc tích vua Dalhameni biết cách trị nước, đem lại công ăn việc làm cho dân chúng, quốc gia trở thành phú cường. Trên hoàng cung, thấy hiện ra một bánh xe giáp luân rực rỡ, như để báo hiệu an lành. Một hôm bánh xe quay một vòng, đổi chỗ. Nhà vua xem đó là điều báo hiệu mình tận số, nên nhường ngôi cho con, đi tu khất thực. Khi vua con mới lên ngôi, bánh xe biến mất. Triều thần lo sợ, nhưng một vị đạo sĩ giải thích là ơn trên không phải cha truyền con nối được, nếu vua mới biết làm như vua cha, lo cho dân có công ăn việc làm và no ấm, thì bánh xe pháp luân lại trở về. Vua mới tuân lời, sửa sang chính trị, lo cho dân làm ăn, bánh xe hiện ra lại.

Lịch sử tiếp diễn lần nữa, đến đời cháu Dalhameni, vua trẻ hoang dâm, không nghĩ đến dân, bánh xe biến mất không trở lại. Nhân dân không có công ăn việc làm, đâm ra trộm cướp. Vua trẻ muốn tái lập kỷ luật, tăng cường quân đội và cảnh sát, mà lại quên không làm những biện pháp kinh tế. Vua ra lệnh kẻ cắp bắt được phải bị dùi xuyên qua tay. Quân gian phản ứng, tự tổ chức thành đoàn cướp, chống cảnh sát. Trong nước không còn đạo đức, kỷ luật. Dân chúng sinh ra đồi trụy, các tệ đoan như hiếp dâm (visama lobha), đồng tính luyến ái (michad hamma), loạn luân (adhamma raga) ... xảy ra hàng ngày. Nhà vua hoảng sợ, bỏ tiền trong ngân khố phân phát cho dân, hy vọng họ có vốn làm ăn. Dân chúng tự  nhiên được tiền lại càng lười biếng, đồi trụy hơn nữa. Một nhóm người thấy mối tai ương chung, không trông cậy nhà vua, đứng ra khuyên bảo người trong cộng đồng sống trở lại đạo đức. Kết quả trông thấy được là dần dần đời sống an bình được phục hồi.

Triết lý cao siêu của cuốn kinh, theo Weeraratne, là sự việc trong đời sống do định luật nhân quả quyết định. Muốn giải quyết một vấn đề, phải sáng suốt tìm hiểu nguồn gốc sự việc. Do đó, mà về phương diện hành trì cá nhân, đời sống luân lý và đạo đức phải do chính mình tu sửa, không thể trông cậy vào tha nhân hay một sức mạnh thần thánh bên ngoài, vì chính cá nhân muốn và tạo ra hành động (nghiệp). Cũng do đó mà trên bình diện xã hội, nước lấy dân làm gốc, nước loạn là vì dân  đói kém không có công ăn việc làm. Giải quyết trật tự không phải là tạo ra bộ máy áp chế, mà chính là phải tìm tự  lúc ban đầu phải có một kế hoạch kinh tế, sửa soạn và trù định áp dụng cho kịp thời, tránh các cơn khủng hoảng. Hai mươi lăm thế kỷ sau, Karl Marx mới nói tới “kinh tế quyết định” và cũng chỉ là lặp lại lời dạy của Đức Phật.

Điểm một, như trên đã nói, Đức Phật dựng lên tôn giáo của Ngài trong xã hội Ấn Độ đang do giáo sĩ Bà-la-môn thống trị. Xã hội được phân chia làm bốn giai cấp, mỗi giai cấp trách nhiệm một loại nghề nghiệp, và việc phân chia này dựa trên quyền lực của tôn giáo. Như vậy, nghề nghiệp (svadharma) sẽ được cha truyền con nối, không ai cãi được số phận nghề nghiệp của mình, việc thăng tiến trong xã hội không có cách gì thực hiện được, vì làm trái lại là chống quyết định của thần linh.

Đức Phật đến, Ngài xóa bỏ ý niệm svadharma. Ngài bảo là nghề nghiệp do nhu cầu xã hội tạo nên, không phải do thần linh sắp đặt. Nếu xã hội công bình, mỗi người được nuôi dưỡng và giáo huấn hoàn mỹ, thì bất cứ nghề nghiệp nào khó khăn đến mấy, cá nhân nào cũng có thể đảm đương được. Không ai có thể làm một cuộc cách mệnh tư tưởng lớn hơn, thay đổi toàn diện cái nhìn nhân dụng và số phận con người như  Đức Phật đã làm.

Điểm hai, mối liên hệ giữa chủ và người làm, ông xếp và người thợ, vấn đề then chốt của mọi cuộc tranh chấp từ lúc con người làm kinh tế ra ngoài phạm vi gia đình. Đạo Bà-la-môn muốn giữ quyền lợi độc tôn của giai cấp do thần linh quyết định. Như vậy là khẳng định quyền lợi của chủ (giai cấp trên) đứng trên quyền lợi của người làm công (thuộc giai cấp dưới), và chính Thượng đế đã cho người chủ thẳng tay bóc lột người làm công. Chịu đựng tới một mức nào, người làm công sẽ đứng dậy chống đối. Đấu tranh xã hội xảy ra vì nguyên do giản dị như vậy.

Trong kinh Sigalovada (Thi Ca La Việt), Đức Phật dạy phương thức tránh tranh chấp, đề ra một mô hình gương mẫu của một bổn luật về đạo dức nghề nghiệp. Kinh dạy người làm chủ phải sống đời sống đạo đức, tuân theo ngũ giới để tránh sa đọa, tránh bị sạt nghiệp (apayamukla) hại cho mình và cho người giúp việc mình. Kinh dạy người làm chủ phải lựa việc tương xứng với khả năng của người làm công ; không cho trẻ con làm việc nặng nhọc của người lớn, đàn bà làm việc nặng nhọc của đàn ông. Kinh dạy phải cho người làm ăn uống đầy đủ và phải trả tiền công tương xứng với việc làm. Lời dạy còn đi vào chi tiết, dặn là nhu cầu dinh dưỡng của người làm công độc thân hay đã có gia đình, trẻ tuổi hay người lớn tuổi, phái nam hay phái nữ đều khác nhau và người chủ phải lưu ý cấp dưỡng tương xứng.

Kinh cũng dạy là chủ có bổn phận cung cấp dịch vụ y tế cho người làm công. Y tế phòng ngừa như ăn mặc thích nghi, cho nghỉ ngơi theo hạn kỳ ; y tế điều trị như chuẩn bệnh, thuốc men. Lời dạy còn đi xa hơn, như đề nghị giờ giấc làm việc, nghỉ ngơi, trả thù lao khi làm ngoài giờ, cho quà cáp khi công tác hoàn mãn, cho công nhân tham gia các cuộc giải trí khi có hội hè lớn. Phật còn khuyên người chủ biết chia xẻ món ngọt bùi với người làm công để tạo nên mối ưu ái giữa chủ và thợ.

Được đối đãi như vậy, người làm công phải cư xử thế nào? Kinh dạy phải biết “thức khuya dậy sớm”, làm việc tận tình, không lừa đảo, trộm cắp của chủ, không nói xấu chủ. Tựu chung giáo lý dựng lên một bổn luật đạo đức nghề nghiệp của người làm công tương xứng với luật đạo đức của người làm chủ nói ở trên.

Lời răn dạy về đạo đức nghề nghiệp không phải để áp dụng riêng trong nhà mà còn để áp dụng cho cộng đồng xã hội, trong nước Ấn Độ trên đà biến thể từ kinh tế nông nghiệp (có tính cách gia đình) sang kinh tế thương mãi (đô thị hóa). Đạo đức nghề nghiệp này cũng áp dụng vào sinh hoạt hành chánh, nhằm vào thành phần thứ  ba trong xã hội Đức Phật ngày đó. Kinh Sigalovada Sutta nói rõ bổn phận của người làm công tác cai trị đối với dân và quyền lợi nhà nước (ở đây là ông vua) phải đảm bảo cho người dưới quyền để tránh việc tham nhũng, hà lạm. Mặt bên kia, kinh  dạy bổn phận cá nhân – tức là người dân – đối với nhà, với nước. Có lẽ duy nhất trong bài kinh Phật Thi-ca-la-việt mới có đoạn nói tới bổn phận người dân “phải đóng thuế” cho nhà nước hành sự.

ĐẠO PHẬT TRÌ  HÃM HAY KHUYẾN TRỢ PHÁT TRIỂN?

Ở trên ta đã nêu hai tiêu đề dẫn lối cho việc bàn luận đạo Phật và kinh tế. Tiêu đề một là lý thuyết kinh tế của Đức Phật hiện hữu tiềm tàng trong kinh điển, nhưng chỉ được trình bày một cách ngoại biên. Tiêu đề hai, ta bàn tới bây giờ, bởi lẽ đại đa số nhân dân Á đông và Đông-Nam-Á thờ đạo Phật và chịu ảnh hưởng của đạo Phật, mà ngày nay kinh tế lại phát triển mạnh trong vùng này, hiện tượng đó có cho phép ta kết luận là đạo Phật đã không trì hãm mà trái lại, đã phù trợ việc phát triển hay không?

Nhà học giả Thụy Điển Gunnar Myrdal, giải thưởng Nobel 1974, ước lượng chính sách phát triển kinh tế tại các quốc gia Đông-Nam-Á, nhìn vào hai khía cạnh chính: con người trong cấu trúc xã hội và kế hoạch phát triển kinh tế mỗi quốc gia đem ra áp dụng (Asian Drama: An Inquiry into the Poverty of Nations, Random House, New York, 1972). Trên bình diện cá nhân, kinh tế gia đo sức sống cần lao, kế hoạch tổ chức đời sống gia đình (tức là gia chánh), và tính cần kiệm để tạo vốn của mỗi người. Trên phương diện kế hoạch phát triển của quốc gia, học giả kinh tế ước lượng sự thích ứng và hiệu năng của chương trình kế hoạch, trình độ bảo toàn tài nguyên thiên nhiên, khả năng đầu tư vào những chương trình lợi ích lâu dài, và quan trọng hơn nữa là điều biết nhìn xa vào việc tăng cường phẩm chất đời sống nhân dân. Con người sống trong cấu trúc xã hội chịu ảnh hưởng của áp lực tập đoàn, áp lực kinh tế và bị chi phối bởi các ràng buộc về văn hóa tập tục, về tôn giáo. Một số học giả Tây phương sang Đông-Nam-Á nhìn qua hình ảnh người tu sĩ mặc áo vàng cầm bình bát đi xin ăn, kết luận là đạo Phật kềm hãm đà phát triển kinh tế. Trevor Ling trong World Development, Bộ VIII, nghiên cứu phát triển kinh tế tại Miến Điện khẳng quyết là đạo Phật đã làm đình trệ các chương trình phát triển tại quốc gia này. Tác giả cho rằng người Miến tin ở thuyết định mệnh luân hồi của Thích Ca, nhìn vào đời sống một cách bi quan, và cái nhìn này đi ngược lại với chính sách phát triển lúc nào cũng phải tích cực.

Tự bao giờ, người Đông phương vẫn phản ứng thụ động đối với cái nhìn khinh khi của người da trắng. Nếu ta nhìn kỹ vào kinh điển nhà Phật, ta sẽ có đủ mọi chứng cớ để chối bỏ những lời buộc tội hàm hồ nói trên. Đức Phật dạy là hạnh phúc an sinh hay là đau khổ suy tàn của mỗi cá nhân đề do chính thân, khẩu, ý mình tạo ra. Đức Phật nhắc đi  nhắc lại là sinh ra làm người phải biết cố gắng (viriya) và phải sống cho ra người (purisathana-purisakara). Muốn vậy, chỉ có một cách là tránh xa lười biếng. Kinh Thi-ca-la-việt đã nói ở trên, giải thích việc thất bại cá nhân vì không chuyên cần làm việc sẽ gây kết quả to lớn là tiêu nhà, hại nước.

Lại nữa, cái quan niệm tu Phật là xuất thế, đi ra khỏi cuộc đời, là một quan niệm do hoàn cảnh lịch sử tạo nên, đã gây ra hiểu lầm. Giáo lý nhà Phật, vào thời kỳ nguyên thủy, do Phật thiết lập nhằm vào việc tổ chức đời sống Tăng (sangha). Người xuất gia phải quên liên hệ với đời sống kinh tế, không làm việc và không sờ đến tiền bạc. Nhưng, ngay trong tăng đoàn, điều cấm kỵ này cũng đã đổi thay để giữ đạo. Một trăm năm sau Niết Bàn (năm Đức Phật mất), tăng đoàn chia làm hai khối vì bất đồng ý kiến trên mười điều cấm kỵ. Một trong những điểm không đồng ý quan trọng là tiền bạc. Phái thủ cựu (gọi là Therevada) duy trì lời dạy ban đầu của Phật, không sờ đến tiền ; phái mới Mahasanghika (sau là Mahayana) chủ xướng đổi thay. Vì sao? Đạo Thích Ca lớn mạnh trên lưu vực sông Gangas được vô số người cúng dường ruộng đất. Muốn duy trì tài sản cho chùa để phát huy đạo, tăng chúng buộc phải làm việc, làm kinh tế. Hiện tượng này càng thấy rõ hơn khi đạo Phật tràn sang Trung Hoa. Chỉ trong mấy thế kỷ, chùa trở thành một thế lực kinh tế giàu mạnh. Tăng chúng nước Tàu, lúc đầu cũng không làm việc, sau phải thay đổi giới luật, hoạt động kinh tế. Một nghìn năm sau Niết Bàn, trường Thiền trở nên hưng thịnh tại Trung Hoa và Nhật Bản, làm cách mệnh trong nội bộ tôn giáo, bỏ các hình thức phù phiếm tế lễ tụng niệm, quay về đời sống bên trong là suy tư, và làm việc. Phương châm của lối tu Thiền là “một ngày không làm việc là một ngày không được ăn”.

Vả chăng ta đừng quên là những điều cấm kỵ nói ở trên chỉ áp dụng trong tăng giới. Người tu đạo Phật không xuất gia và tín đồ bình thường, nói chung là đại đa số, vẫn phải hoạt động kinh tế như thường để sinh sống.

Giáo lý nhà Phật không cấm lao động mà trái lại Đức Phật còn dạy chuyên cần và trách nhiệm như kinh Sigalovada (Thi Ca La Việt) đã dẫn. Chuyên cần và trách nhiệm chưa đủ, Đức Phật còn dạy tiết kiệm (làm bốn, ăn một) tức là phương thức gây vốn – tư bản, đầu mối của việc xây dựng kỹ nghệ.

Đối với việc làm giàu, dựng vốn, giáo lý có đặc điểm nào? Kinh dạy là ngày nào còn một người nghèo khổ, ngày đó niết bàn chưa dựng được. Tuy nhiên, kinh cũng nói rõ là vốn phải tích lũy theo pháp luật của quốc gia và đúng theo Pháp của đạo (dharma). Ví dụ việc cho vay lấy lãi, nguyên tắc căn bản của tín dụng kinh tế. Trong khi không hề thấy cấm đoán việc lấy lãi, nhưng chỉ thấy lời răn dạy phải lấy lãi thật nhẹ. Đối với các chương trình công ích, Nhà nước đổ của công cho dân có vốn làm ăn, kinh còn dạy phải cấp bổ (grant) chứ không cho vay (loan). Khi vốn đã tích lũy được nhiều, không được đem ra vung xài hoang phí, mà phải bỏ vào việc công ích, đặc biệt là những công tác tinh thần như tôn giáo.

Kinh cũng dạy phải chọn nghề nghiệp, Phật giáo Nam tông cấm đoán năm nghề: buôn bán người (nô lệ, mãi dâm) và súc vật; buôn bán vũ khí; buôn bán thịt; buôn bán rượu và buôn bán độc dược. Giáo lý Bắc tông cũng giữ những điều cấp kỵ trên, nhưng cởi mở hơn với việc buôn bán vũ khí và rượu (Nakamura, “Buddhism and Economic Ethics”, in Young East Review, 1973).

Như vậy, rõ ràng là qua kinh điển, ta sắp xếp được một bổn Luật đạo đức nghề nghiệp cho cá nhân, nếu biết tuân theo sẽ được no ấm (atthi-sukha), tránh được nợ nần (anana-sukha) và tìm được thoải mái trong sung mãn (bhoga-sukha). Bổn luật đạo đức nghề nghiệp này còn đi rộng vào mối tương quan giữa người làm công và người làm chủ; nếu theo lời dạy này, tránh được tranh chấp chủ thợ, đầu mối của xung đột trong đời sống kỹ nghệ.

Đối với cộng đồng, Đức Phật dạy điểm đầu tiên là đời sống kinh tế phải có kế hoạch, như qua hai bổn kinh Cakkhavattisihanada và Kutadanta đã dẫn ở trên. Trong kinh điển tôn giáo, có lẽ chỉ thấy kinh Phật độc nhất nói tới bổn phận của quốc gia về nhân dụng, dùng người cho đúng khả năng, bổn phận của chính phủ phải cấp vốn cho dân lập nghiệp, bổn phận của chính phủ phải lo cho công bộc sống đầy đủ và được thăng thưởng để triệt bỏ tham nhũng. Kinh dạy là kế hoạch phải được thiết lập có phương pháp, không phải làm chắp nối, tùy hứng, chờ đợi lúc có biến cố mới tạo dựng. Thiết lập kế hoạch chỉ là một giai đoạn, thực thi kế hoạch và tra kiểm thường xuyên mới đến được thành công, cũng là lời giáo lý đã dẫn ở trên.

Điểm thứ hai, nhằm vào kinh tế cộng đồng, nhà Phật dạy phải bảo trì tài nguyên để đảm bảo phồn thịnh lâu dài. Nhà giàu làm nên nước mạnh; sinh hoạt tại gia cư và sinh hoạt quốc gia phải đặt trên nền tảng tiết kiệm; tiết kiệm sẽ gây lên vốn để đầu tư.

Điểm thứ ba Đức Phật dạy là cách dùng vốn vào những việc công ích. Từ đời Đường là lúc đạo Phật cực thịnh tại Trung Hoa, người Tàu dùng danh từ “bi điền” để chỉ hoạt động nhằm vào công ích của cá nhân và của cộng đồng (Kennth Ch’en: Buddhism in China: A Historical Survey, Princeton, 1973). Kinh Hán tạng Phật Thuyết Chu Đức Phúc Điền Kinh dạy là bi điền gồm có bảy mục: 1- Xây tháp dựng chùa; 2- Lập vườn trồng cây để có quả ăn và có bóng mát; 3- Chẩn trị bệnh; 4- Đóng ghe thuyền độ người sang sông; 5- Xây cầu; 6- Đào giếng; 7- Làm nhà vệ sinh. Trong bảy điều bi điền Phật dạy chúng sinh phải làm: chỉ có một điều hướng về đạo (xây tháp dựng chùa); sáu điều kia hướng về tha nhân và hướng về lợi ích ngắn hạn và dài hạn cho đời sống vật chất – tức là kinh tế – của cộng đồng xã hội. Như vậy đúng là gây vốn để dùng vào những việc nâng cao đời sống của chủng loại.

Thêm một câu chuyện nhỏ để chứng minh quan điểm kinh tế tích cực của nhà Phật, trong sách Tục Cao Tăng Truyện, thi hào Bạch Cư Dị ca tụng một nhà sư là Hòa thượng Minh Nguyên: “Đất Hoài Châu và Dự Châu mỗi năm trời làm lụt nên dân chúng bị mất mùa rất cơ cực. Ngài (hòa thượng) xin quan thái thú giúp cho trồng mười ngàn gốc cây. Cây cản gió, gây bóng mát và giữ đất, tránh được nạn lụt, bảo vệ mùa màng”. Từ nghìn năm trước, cái nhìn quán xuyến của người tu Phật đã đáp ứng đủ mọi khía cạnh của nhu cầu kinh tế: thông suốt kế hoạch ngắn và dài hạn, bảo vệ tài nguyên, và đầu tư lâu dài. Giáo lý Phật dạy phải trồng cây (bi điền số hai), ngày nay áp dụng vào đời sống kinh tế làm phương pháp chống lại uế nhiễm môi sinh, mối hiểm họa diệt vong đang đè nặng trên muôn loài sinh vật. Đúng là biết nhìn xa để nâng cao phẩm chất đời sống, đúng là biết làm kinh tế.

Cuối cùng là điểm liên hệ tới mục tiêu tối hậu của hoạt động kinh tế: dân giàu, nước mạnh để làm gì? Kinh điển nhà Phật dẫn chứng những cuộc hưng thịnh suy vong của nhà, của nước để dạy một điều quan yếu là tạo vật luôn luôn biến dời, đổi thay, và chỉ có một con đường cứu rỗi là hành thiện và hướng về tâm linh. Hoạt động cá nhân và hoạt động tập đoàn để phát triển, cuối cùng phải nhằm vào việc thực hiện những điều kiện nâng cao đời sống tinh thần và đời sống tâm linh – đạo – của con người.

Max Weber, nhà xã hội học lừng danh người Đức, thường được đưa ra đối chiếu với Karl Marx, nghiên cứu nguyên do chế độ tư bản Tây phương đã thành công, đặt câu hỏi là vì sao cùng một giải đất màu mè chưa khai thác là Châu Mỹ, mà người Âu Châu Latinh chinh phục phía Nam đã đem lại nghèo khổ và tình trạng chậm tiến, trong lúc người Âu Châu Anglo-Saxon chinh phục và định cư tại miền Bắc Châu Mỹ đã khai hóa lập nên một nền văn minh cao. Max Weber khẳng quyết là vì lý do tôn giáo: đạo Tin lành, phái Calvin, tôn giáo chính của những người đã từ bỏ đất Âu Châu đồi trệ về tín ngưỡng, sang sống cuộc đời hướng về đạo tại đất mới Bắc Mỹ. Đối với họ, chuyên cần làm việc, tiết kiệm để dựng vốn và quyết tâm thành tựu là sứ mệnh của mỗi con người trước Thượng đế. Cái “đạo đức Tin lành” (the Protestant ethic) của người Bắc Mỹ đã làm cho nước Hoa Kỳ trở thành bá chủ thế giới.

George Lodge, giáo sư trường đại học Harvard là một tư tưởng gia thuộc thế hệ sau Max Weber, cũng tin tưởng là nguồn gốc phát triển kinh tế trực thuộc tâm linh con người. Cùng với Ezra Vogel, (giáo sư đại học Harvard, tác giả cuốn sách nổi tiếng khắp thế giới Japan As Number One), ông nghiên cứu sự thành công phát triển kinh tế tại Đông-Á và đi đến kết luận là sở dĩ các quốc gia Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan đã bắt kịp các nước lớn ở Châu Mỹ và Châu Âu vì “cốt lõi giá trị tinh thần là cần lao, tiết kiệm và hy sinh”, những điều mà tôn giáo Á đông, trong bao nhiêu thế kỷ đã thấm nhuần vào tinh thể con người. Ngoài đức tính trên, tôn giáo còn nhào nặn con người Á đông trong tinh thần “tập đoàn” (communitarian) khác với tinh thần “cá nhân” (individualistic) của Tây phương, và đó cũng là yếu tố quyết định người Á đông thành công (George Lodge and Ezra Vogel: Ideology and National Competitiveness, Harvard University, 1989).

Thế mà, không phải ta đã chứng minh ở trên là đạo Phật dạy cần lao, tiết kiệm và hy sinh, và cái ý niệm tập đoàn là cốt lõi của đời sống hành trì trong đạo Phật hay sao?

Đạo Phật đã thấm nhuần vào tâm khảm của con người Á đông trong hơn hai ngàn năm. Hành trang của người Châu Á trên đường đi phát triển kinh tế bắt đầu từ cuối thế kỷ Hai mươi sang kỷ nguyên mới (thế kỷ Hăm mốt) để ngự trị kinh tế thế giới, chắc chắn phải mang nặng nền “đạo đức việc làm” (work ethic) của đạo Phật. Những người kết tội đạo Phật tiêu cực, làm trì trệ đà tiến triển của Châu Á, chắc chắn đã nhìn thấy cái khía cạnh phiến diện thụ động của đạo Phật mà không quên khảo sát cái chức năng cực động tiềm tàng trong giáo lý đạo Thích Ca.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1- The Encyclopaedia Britannica.

2- The Encyclopaedia of Buddhism, G.P.Maylalasekera, Ed., Sri-lanka.

3- The Encyclopaedia of Religion, Mircia Eliade, Ed., Me-Milan, New York, 1987.

4- The Encyclopaedia of Religion and Ethics, J.Hastings, Ed., Edinburg, 1918.

5- Kenneth Ch’en: Buddhism in China: A Historical Survey, Princeton, 1972.

6- George Lodge and Ezra Vogel: Ideology and National Competitiveness, Harvard University, 1989.

7- Hajime Nakamura: “Economic Ethics of Buddhism”, in Young East Review, 1973.

8- Padmasiri de Silva: The Search for Buddhist Economics, University of Ceylon, Peradentya, 1975.

 

PHỤ LỤC C

ĐẠO PHẬT TRONG MẮT TÔI

Nguyễn Tử Đóa

MỘT

Dân tộc Việt Nam đang tự cởi trói và vận động tự cởi trói, trong đó có Phật giáo. Vì vậy hòa khí giữa các tầng lớp dân chúng và các tôn giáo trong nước và ngoài nước là một điều cần thiết, tối ư cần thiết, một điều sinh tử của chúng ta. Do đó thay vì dùng từ ngữ “đối ngoại”, người viết chỉ xin trình bày “cái nhìn của mình về đạo Phật”. Mỗi tổ chức của con người trong vũ trụ qua mỗi thời, về đạo cũng như đời, đều có vấn đề của mình. Phật giáo có vấn đề của Phật giáo. Thiên Chúa giáo Vatican cũng có vấn đề của mình. Giáo Hoàng, vị chủ chiên cũng có vấn đề của Ngài và có cái nhìn riêng của Ngài. Ngài đang “lão và bệnh”.

Cái nhìn của kẻ viết bài này được căn cứ vào kim chỉ nam của Phật Thích Ca: “Suy nghĩ cho kỹ, thấy đúng rồi hãy theo”. Một số lý thuyết trừu tương và khô khan được chọn lựa, đãi lọc hoặc trình bày đơn giản với ước mong bạn đọc đặc biệt là những bạn không theo đạo Phật và độc giả thuộc thế hệ trẻ, nhìn thấy vấn đề như người viết đã cố gắng trình bày một cách khách quan.

HAI

Tây phương là nơi phát xuất và khai triển khoa học. Người Tây phương rất trọng tinh thần khoa học, luôn luôn tìm kiếm và phổ biến những điều mới lạ. Các nhà triết học Tây phương luôn luôn suy tư về tôn giáo. Nối gót họ là các văn hào và khoa học gia. Họ phân tách, chọn lựa, phê phán và phổ biến. Một số đã cổ vũ cho Phật giáo như điển hình dưới đây:

(1) Văn hào H.G.WELLS (1866 – 1946)

Lời giảng dạy căn bản của ngài Cồ Đàm, nghiên cứu từ cội gốc ngày nay đã trở nên rõ ràng, dễ hiểu và hoàn toàn phù hợp với những tư tưởng tân tiến. Đó là công trình của một khối óc thông minh tuyệt vời của thế giới. Hơn hết mọi ảnh hưởng khác trong lịch sử loại người, đạo Phật đã giúp nhiều nhất cho bước tiến văn minh và văn hóa nhân loại”.

(The fundamental teaching of Gautama, as it is being made plain to us by study of original sources, is clear and simple and in the closiest harmony with modern ideas. It is beyond all disputes the achievement of one of the most penetrating intelligences the world has ever known. Buddhism has done more for the advance of world civilization and true culture than anyother influence in the chronicles of mankind ...)

(2) Sau đó là văn hòa HERMAN HESSE (1877 – 1962) người đoạt giải văn chương Nobel. Ông đã nghiên cứu đạo Phật tận gốc Ấn Độ, suy tư và nhập thế:

Ta nhập thế bằng tình yêu bát ngát
Dù cuộc đời vẫn quằn quại thương đau

Ông viết:

Bất cứ ai, nếu chăm chú đọc một vài bài thuyết pháp của Phật (Thích Ca) cũng sẽ nhận thấy sự nhịp nhàng, sự yên tỉnh của tâm hồn, sự cao đẹp vui tươi, sự quyết tâm không mảy may lay chuyển, lòng yêu thương dạt dào và sự kiên trì không bờ bến. Nhưng thuyết pháp của Phật chỉ là một phần sự đóng góp của Ngài. Nửa còn lại là đời sống của Ngài, đời sống thực mà Ngài đã sống ... một sự rèn luyện tinh thần cao độ mà ngài đã hoàn tất và đem ra giảng dạy ... Thực vậy, Đức Phật đã hoàn tất việc rèn luyện chính mình và đem ra áp dụng cho các đệ tử. Ngài đã lựa chọn mục tiêu và đã đạt được những kết quả mà các nhà hành động chân chính nổi danh của Tây phương đã phải ngả mũ kính phục”.

(Whoever attentively reads a small number of the countless speeches of Buddha is soon aware of harmony in them, a quietude of soul, a smiling transcendence, a totally unshakable firmness, but also invariable kindness, endless patience ...The intellectual content of Buddha’s teaching is only half of his work, the other half is his life, his life as lived ... a training, a spiritual self training of the highest order was accomplished and is taught here ... Buddha accomplished a training for himself and his pupils, set up a goal, and produced results before which even the genuine heroes of European action can only feel awe).

(3) Về khoa học, tới nay chưa ai vượt qua được tên tuổi ALBERT EINSTEIN (1879 - 1955). Thiên tài khoa học này đã viết:

Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ (cosmic religion). Nó cần vượt qua một Thượng Đế cá thể, tránh những giáo điều và thần học. Bao gồm cả thiên nhiên, vật lý và tinh thần. Nó cần y cứ vào một ý niệm tôn giáo vươn lên từ kinh nghiệm của mọi thứ, kinh nghiệm về thiên nhiên (vật lý) và về tinh thần và vươn lên từ một nhất thể tràn đầy ý nghĩa (meaningful unity). Phật giáo bao gồm các thứ đó… Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng được yêu cầu của nền khoa học tân tiến, tôn giáo đó chính là Phật giáo”.

(The religion of the future will be a cosmic religion. It should transcend a Personal God and avoid dogmas and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sense arising from the experience of all things, natural and spiritual and a meaningful unity. Buddhism answers this descripition… If there is any religion that would cope with modern scientific needs it would be Buddhism).

(4) Ngày nay ngành phân tâm học thuộc tâm lý học phát triển rất mạnh, đi sâu vào Tâm Lý chiều sâu (psychologie de profondeur). Ông tổ của ngành này là bác sĩ CARL C.JUNG (1875 - 1961) một người nghiên cứu rất sâu sắc về Thiền học, là bạn thân của SUZUKI người nổi danh về Thiền học Nhật Bản. Bác sĩ Carl C.Jung đã viết:

Là một người nghiên cứu về tôn giáo tỷ giảo, tôi tin tưởng đạo Phật là đạo hoàn toàn nhất mà thế giới đã có. Triết thuyết tiến hóa và thuyết luân hồi cao đẹp hơn bất cứ niềm tin nào khác. Không phải lịch sử tôn giáo, cũng không phải việc nghiên cứu triết học mà chính nghề nghiệp y sĩ của tôi đã kéo tôi tới lãnh vực tư tưởng Phật giáo. Công việc của tôi là chữa trị sự đau khổ về tâm thần. Chính điều này đã đẩy tôi làm quen với quan điểm và phương pháp của bậc thầy vĩ đại của nhân loại mà đề tài chính yếu là sự trói buộc của đau khổ, già yếu, bệnh tật và chết chóc”.

(As a student of comparative religions, I believe that Buddhism is the most perfect that the world has ever seen. The philosophy of the theory of evolution and the law of karma was far superior to my other creed. It was neither the history of religion nor the study of philosophy that first drew me to the world of Buddhist thought but my professional it was this that impelled me to become acquainted with the view and methods of that great teacher of humanity, whose principal theme was the chain of suffering, old age, sickness and death).

(5) Về toán học, người đã đưa môn học này tới đỉnh cao chót vót của triết học là nhà bác học BERTRAND RUSSELL (1872 - 1970). Danh nhân này đã viết:

Trong các tôn giáo lớn của loài người, tôi chọn Phật giáo… Đạo Phật là sự phối hợp triết học suy cứu (speculative) và triết lý của khoa học. Nó áp dụng phương pháp khoa học để đi tới một cứu cánh hợp lý trong đó có những câu giải đáp cho những thắc mắc quan trọng của con người. Như: Tâm và Vật là gì? Cái nào quan trọng hơn? Vũ trụ có tiến tới một cứu cánh nào không? Cương vị của con người là gì? Có đời sống nào cao quý không? Đạo Phật giải đáp những điều mà khoa học không có khả năng giải đáp vì khoa học bị gò bó bởi phương tiện của nó. Đạo Phật có khả năng giải đáp những câu hỏi liên quan tới tinh thần”.

(Of the great religions of history I prefer Buddhism… Budddhism is a combination of both speculative and scientific philosophy. It advocates the scientific method and pursues that to a finality that may be called rationalistic. In it are to be found ansers to such question of interest as: “What is mind and matter? Of them which is of great importance? Is the universe moving towards a goal? What is man’s position? Is there living that is noble?” It takes up where science cannot lead because of the limitations of the latter’s instruments. Its conquests are those of the mind).

BA

Năm danh nhân trên đây tiêu biểu cho một số thức giả Tây phương sau khi đi tìm hiểu đạo Phật. Họ đã dùng lý trí để phân tách, phán đoán trước khi quyết định. Niềm tin của họ không phải tự nhiên mà có. Khối óc của họ mang tính chất duy lý (rationalism). Tôi chắc những người này cũng chẳng để ý tới kinh kệ hoặc tới chùa lễ Phật. Họ chỉ đọc sách, nghiền ngẫm, suy tư rồi quyết định. Thế thôi. Họ cũng chẳng bao giờ ngân nga như chúng ta: “Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha!”. Có thể một số đôi khi trầm tư và áp dụng lời Phật dạy. Thế thôi, rất đơn giản và rất thực tế.

Nếu đem so sánh những ý tưởng của năm danh nhân Tây phương trên đây, người viết xin chọn Bertrand Russell. Cách trình bày của ông khúc triết, gọn gàng, trong sáng như những con số trong bài giải đáp toán học. Đồng thời nó còn mang tính chất vừa phân tách vừa tổng hợp của một bài luận văn triết học.

Theo ông, Phật giáo vừa mang tính chất triết ký suy cứu vừa mang tính chất triết lý của khoa học. Chúng ta có quyền hoài nghi: cách đây gần 26 thế kỷ khi Phật Thích Ca tại thế, khoa học đâu đã có, đâu đã phát triển thì làm gì có triết lý của khoa học.

Riêng kẻ viết bài này khi mới đọc “Bát nhã tâm kinh” đã phải khựng lại vì mấy câu mở đầu:

Quán tự tại bồ tát hành thâm bát-nhã-ba-la-mật-đa, thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc; thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị” (Bồ tát Quán tự tại đi sâu vào bát-nhã-ba-la-mật-đa, nhìn thấy năm uẩn đều “không”, nên vượt qua được mọi điều đau khổ, Này! Ông Xá Lợi Tử: sắc chẳng khác “không”, “không” chẳng khác sắc, sắc tức là “không”, “không” tức là sắc; thọ, tưởng, hành, thức đều cũng như vậy).

Điều thắc mắc của tôi được giải tỏa sau khi biết được những điều trên đây cũng là những khám phá của khoa vật lý học hiện đại. Vì vậy Bertrand Russell gọi đó là triết lý của khoa học. Chúng ta hãy nghe ROBER J.OPPENHEIMER, nhà vật lý, cha đẻ ra trái bom nguyên tử đầu tiên của Hoa Kỳ viết:

If we ask, for instance, whether the position of the electron remains the same, we must say “NO”; if we ask whether the electron’s position changes with time, we must say “NO”; if we ask whether the electron is at rest, we must say “NO”; if we ask whether it is in motion, we must say “NO”. The Buddha has given such answers when interrogated as to the conditions of man’s self after his death; but they are not familiar answers for the tradition of seventeenth and eighteenth century science”.

(Ví dụ nếu hỏi âm điện tử có ở mãi một vị trí không, chúng ta phải trả lời là không; nếu hỏi vị trí của âm điện tử có thay đổi cùng với thời gian hay không, chúng ta phải trả lời là không; nếu hỏi âm điện tử có di động không, chúng ta phải trả lời là không. Đức Phật cũng trả lời như vậy khi được hỏi về tình trạng của bản thể con người sau khi chết. Những câu trả lời đó xa lạ đối với truyền thống khoa học thế kỷ 17 và 18).

Đạo học và khoa học là hai đứa con đẻ của loài người. Đạo học có cái nhìn phóng chiếu, soi sáng đường sống cho con người. Khoa học thì đi chậm chạp nhưng vững chắc, lần mò, chứng minh cái nhìn của đạo học đúng hay sai. Quan niệm của Đạo Phật “sắc” (form, matter) chẳng khác “không”, “không” chẳng khác sắc, không tức là sắc, đang được khoa học lần mò bước tới. Đó là luật bổ túc (complementarity) của Niels Bohr về ánh sáng: ánh sáng không là hạt cũng không là sóng, nó vừa là hạt vừa là sóng, cả hai thứ bổ túc cho nhau, nó vừa có, vừa là không. Trong tương lai khi luật bổ túc của Bohr được khai triển, chắc rằng quan niệm “sắc-sắc-không-không” của Phật giáo sẽ được trình bày rõ hơn trong khoa học. Cho tới nay giáo lý của Đạo Phật chưa có điều nào ngược lại với khoa học. Vì vậy chưa có khoa học gia nào phản đối đạo Phật. Những điều mà một số người gọi là huyền bí chỉ là những điều chưa được khoa học chứng minh mà thôi, chưa chứng minh không có nghĩa trái với khoa học.

BỐN

Phật Thích Ca Mâu Ni không phải là nhà khoa học. Nhưng Bertrand Russell đã nhìn thấy triết lý khoa học của Ngài. Nhà khoa học bậc thầy của thế kỷ 20, Albert Einstein lại đi xa hơn nữa bằng cánh xác quyết là Phật giáo là tôn giáo đáp ứng được những yêu cầu của nền khoa học tân tiến.

Ý nghĩa trên đây có thể dẫn chúng ta tới luận điểm: khi nghiên cứu bằng suy nghĩ (suy cứu), thái tử Tất Đạt Đa đã đạt tới một hệ thống lập luận vững chắc, khít khao, trong sáng, khúc chiết như ngày nay chúng ta tìm thấy trong những định lý về khoa học vậy. Vấn đề chúng ta cần tìm hiểu: Ngài đã áp dụng phương pháp nào để đạt tới mục tiêu đó?

Trước khi đi tu, ý tưởng muốn cứu khổ chúng sanh ám ảnh thái tử ngày đêm, ngày thì suy tư, đêm thì trằn trọc. Sau đó nó trở thành một vấn đề bắt buộc phải có giải đáp, nếu không, nó sẽ ám ảnh làm chàng mất ăn mất ngủ, nó dày vò, nó cắn xé, nó như đám mây đen từ chân trời lan rộng che kín mặt trời, làm u tối trái đất.

Tới một hôm thái tử nhìn thấy một đạo sĩ chống gậy đang chậm bước, nét mặt bình thản, không bợn chút khắc khoải lo  âu. Chàng quyết định: ta phải đi tu như đạo sĩ này, ta phải đi tu để tâm hồn lắng xuống, ta phải đi tu để dứt bỏ phiền não, ta phải đi tu để tìm ra giải pháp cứu khổ chúng sinh, trong đó có con người.

Thoát ly gia đình, thái tử bỏ đi xa, tới một vương quốc khác. Tuần lễ đầu, chàng nhịn ăn, thong thả bách bộ trong một rừng xoài. Lần lần những thói quen, những kỷ niệm những hình ảnh, những vướng mắc của 29 năm trời sống trong nhung lụa được từ từ gạt bỏ. Chàng hoàn toàn tự do trong tâm tưởng cũng như trong cuộc sống mới của một nhà tu hành. Còn lại một vấn đề duy nhất: suy tư tìm lời giải đáp cho bài toán cứu khổ. Suy tư bằng cách nào cho hữu hiệu? Tìm tòi bằng cách nào cho chính xác? Chàng đã tìm thấy giải đáp: Yoga.

Yoga là sản phẩm đặc biệt của dân tộc Ấn Độ cống hiến cho loài người. Yoga phát nguồn từ cổ xưa trước khi có kinh Vệ Đà của đạo Bàlamôn. Nó được truyền khẩu trong dân gian. Yoga có nghĩa đen là cái ách mà người dân quê khoác vào cổ trâu bò hoặc ngựa để hướng dẫn nó trong việc kéo xe hoặc cày bừa. Với con người, yoga là phương thức giúp ta làm chủ xác thân và tâm linh để tiến tới chỗ giác ngộ và hòa hợp cùng vũ trụ. Trước khi áp dụng yoga người hành giả phải gạt rửa cho thật trong sạch thể xác và tinh thần qua năm điều giới cấm và năm điều luật dưới đây:

5 giới cấm: (1)- Cấm sát sanh; (2)- Cấm nói dối; (3)- Cấm trộm cắp; (4)- Cấm dâm dục; (5)- Cấm tham lam ích kỷ.

5 điều luật: (1)- Trong sạch thể xác và tâm hồn; (2)- An phận sống an nhiên tự tại, diệt bỏ cái “ta”; (3)- Bình thản chịu đựng mọi khổ hạnh; (4)- Cố gắng tu hành và luyện tập; (5)- Tin kính, sùng bái Thượng đế Isvara của tôn phái Yoga.

Trong năm điều giới cấm, cấm dâm dục là điều quan trọng nhất. Sau khi giác ngộ, Thích Ca đã nói:

Nếu tu phép thiền định nhưng chẳng diệt trừ tâm ham muốn cũng ví như muốn nấu sạn đá thành cơm vậy. Dầu trãi đến trăm ngàn kiếp cũng chỉ gọi là sạn đá nóng chứ không thể gọi là cơm được. Nếu lấy cái tâm dâm dật mà cầu được diệu quả của Phật, dầu ngộ được nhiệm mầu, cũng đều là dâm căn. Căn bản đã là dâm tất phải trôi lặn trong ba đường khổ lụy chứ không đạt được tới giải thoát. Vậy phải bỏ cái dâm của thân và tâm mới mong diệu quả được bồ đề của Phật”.

Riêng điều luật thứ 5 (tôn kính, sùng bái thượng đế Isvara) đã trở thành một thứ ngăn cản thái tử Tất Đạt Đa thiền định tới mức giác ngộ. Thái tử cho rằng nó là một chướng ngại cho việc đi tìm phương thức cứu khổ loài người. Vì vậy Ngài đã chối bỏ không chấp nhận.

Sau khi rửa sạch thân và tâm mới tới 4 giai đoạn chính của YOGA:

(1) Chế ngự giác quan (PRATYAHARA)

(2) Tập trung quán tưởng (DHARANA)

(3) Thiền (DHYANA)

(4) Nhập đại định (SAMADHI)

Chính giai đoạn 3 (Thiền) và 4 (Định) đã xây dựng hệ thống triết học suy cứu và triết học khoa học như Bertrand Russell đã nêu. Thiền là tập trung quán tưởng vào một ý niệm nào đó. Thí dụ quán niệm về sự khổ đau của con người, người hành giả chú tâm suy tư về tất cả các sự việc liên quan tới khổ: khổ về thể chất, khổ về tinh thần, khổ về cái “”, khổ về cái “không”, khổ về sống, khổ về chết, khổ vì mình, khổ vì người…

Định (Samadhi) là trạng thái xuất thần và bất thần vươn tâm thức lên cao, thoát ra khỏi cái “” và cái “không”, đạt tới cội nguồn nơi phát sinh ra thần lực, tinh lực, Phật lực, Phật tánh, bát-nhã-ba-la-mật-đa hoặc bất cứ một danh từ nào khác. Nơi đó không có gì ngoại trừ tinh lực hoặc thần lực (force divine). Đạt được tới đó là giác ngộ, là SATORI. Thái tử Tất Đạt Đa đã tới được nơi đó nên tự gọi mình là “người tới được nơi đó hoặc người từ nơi đó lại” (Như Lai).

Theo VIVEKANANDA, một đạo sĩ nổi tiếng của Ấn Độ giáo thuộc đầu thế kỷ 20 này, người tu thiền định có thể khai thông được một nguồn tinh lực mới đầy năng động vẫn tiềm ẩn trong mỗi con người chúng ta. Hệ thống tinh lực này gồm có 7 trung tâm chứa đựng đầy tinh lực của vũ trụ. Với người thường, hệ thống này bị bế tắc, nhưng người tu thiền định có thể khai thông nó dễ dàng nếu được vị thiền sư có kinh nghiệm chỉ dẫn bí quyết.

(1) Trung tâm thứ nhất nằm phía dưới chót xương sống. Theo Vivekananda đó là nơi trú ngụ của con rắn lửa, người Tàu dịch là HỎA TAM MUỘI.

(2) Trung tâm thứ nhì nằm ở cuối bụng dưới.

(3) Trung tâm thứ ba nằm ở sau rốn.

(4) Trung tâm thứ tư nằm ở chỗ trái tim.

(5) Trung tâm thứ năm nằm ở nơi yết hầu.

(6) Trung tâm thứ sáu nằm ở giữa hai lông mày.

(7) Trung tâm thứ bảy nằm ở nơi đỉnh đầu.

Khi trung tâm (1) được khai thông, luồng hỏa tam muội sẽ lan sang các trung tâm kế tiếp. Khi nó lan tới đâu có thể bị nóng ran tới đó, nhiều khi mắt đổ hào quang; người hành giả nếu không được hướng dẫn có thể bị điên khùng hoặc đứt mạch máu trong óc.

Việc thực hành HỎA TAM MUỘI (TUMO YOGA) đã được khoa học Tây Phương trắc nghiệm. Năm 1979, khi đương kim Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng tới thăm Hoa Kỳ, bác sĩ HERBERT BENSON, khoa trưởng phân khoa y học hành xử (behavoural medicine) tại đại học Harvard có tới thăm và xin được nghiên cứu về trạng thái sinh lý của người thực hiện thiền định thuộc trình độ cao cấp. Được Đạt Lai Lạt Ma đồng ý, bác sĩ Benson với hai người phụ tá đã đem theo các máy móc đo lường tối tân để thử nghiệm mấy vị sư Tây Tạng hành thiền lửa tam muội tại Ấn Độ.

Theo Phật giáo, tâm thức (consciousness) của con người có nhiều lớp, trong đó có hai lớp chính: lớp thô sơ và lớp vi tế. Lớp thô sơ là phần nhận thức của mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Lớp vi tế là phần nhận thức rất siêu việt, tinh vi, chỉ phát hiện ra khi con người sắp chết. Khi người hành giả khai thông 7 trung tâm sinh lực, họ có thể kiểm soát và tạm ngưng lớp tâm thức thô sơ và đi vào sinh hoạt tâm thức vi tế. Khi này, thân nhiệt của hành giả gia tăng: bác sĩ BENSON đo được nó cao hơn nhiệt độ trung bình tới 18 độ Fahrenheit (hay 10 độ C). Bác sĩ đã đo cả ngoài da lẫn trong hậu môn. Nhiệt độ gia tăng này có thể làm khô tấm vải nhúng nước lạnh quấn quanh thân thể các nhà sư ngồi hành thiền dưới không độ. Ngay cả khi họ ngồi trên tuyết suốt đêm, thân nhiệt của họ cũng không giảm; ngoài ra họ đã giảm thiểu số lượng khí hít vào phổi, chỉ thở chừng bảy hơi trong một phút.

Thử nghiệm trên đây là bước đầu tiên Tây phương dùng phương pháp khoa học để tìm hiểu đạo học Đông phương. Họ tìm ra sự thực bằng con số nhưng không hiểu tại sao. Vì đó là cái vi tếcủa tâm linh.

Theo Phật giáo thế giới tâm linh gồm có 10 cảnh giới, theo từ dưới lên trên như sau:

10. Pháp giới địa (Phật giới)

9. Tịch diệt địa (A la hán, Bồ tát)

8. Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-định

7. Vô sở hữu xứ định.

6. Thức vô biên xứ định.

5. Không vô biên xứ định.

4. Tứ thiền.

3. Tam thiền.

2. Nhị thiền.

1. Sơ thiền.

Khi đạt tới cảnh giới 10, Phật Thích Ca không nói cảm tưởng Ngài thế nào. Ngài chỉ cho biết những gì ngài “nhìn” thấy:

Phật tánh là trong sạch và hoàn toàn, bao gồm tất cả nhưng không phân biệt cái này với cái khác. Nó không phải là cái đầu óc giới hạn, không phải là “khoảng-không-trống-rỗng”, không phải là đất, nước, gió; không phải là giác quan hay toàn cơ thể, không phải là cảm giác, không phải là cảm xúc, không phải lãnh vực của sự phân biệt của tri thức, không phải lãnh vực của ý thức tùy thuộc vào sự suy nghĩ… Bản chất của cái tuyệt diệu thông minh đó không thuộc về nhân quả, không thuộc về thiên nhiên hay hiện tượng, không thuộc về sự gút mắc của sinh vật hay không sinh vật, không thuộc về cái “không-có” hay “không-không-có”. Tuy nhiên nó bao gồm tất cả các hiện tượng”.

Tới cuối thế kỷ thứ 19 mới có người diễn tả cảm tưởng của mình khi đạt tới mức độ cao chót của đại minh. Người đó là RAMAKRISHNA, một đạo sư nổi danh của Ấn Độ giáo, giáo chủ của đạo sĩ VIVEKANANDA. Ramakrishna đã cho văn hào Pháp Romain Rolland biết ông đã nhập đại định tới tầng thứ 7. Sau đây là cảm tưởng của ông khi tới mấy tầng trời chót:

Tương tự như con voi đạp đỗ hàng rào, tâm thức tôi bay vào tầng trời thứ tư. Như ngọn đuốc, tâm hồn tôi cháy ngùn ngụt. Ánh sáng tỏa ra ra chung quanh. Tất cả hình như cất lên tiếng ca kỳ lạ. Sau đó ánh sáng lan rộng, sáng chói như một thái dương hệ. Đó là tầng trời thứ năm. Mỗi tế bào, mỗi nhịp đập của tim, mỗi ý nghĩa đều quyện lấy hào quang… Bỗng một hôm tâm thức tôi đột nhập vào tầng trời thứ sáu rồi tới tầng trời thứ bảy. Nơi đây không có lời nói của loài người. Linh hồn tôi trở thành tự tại, khoác chiếc màn hoàn toàn im lặng, chan hòa vào vũ trụ…

Tầng trời thứ bảy của Ramakrishna cao hơn hay thấp hơn Pháp giới địa của Phật Thích Ca? Tôi không biết, không tò mò vì tôi không có tham vọng đi sâu vào Thiền định, nhất là đại định

NĂM

Sau khi giác ngộ, Phật Thích Ca dành ra bảy ngày đi quanh cây bồ đề để sắp xếp tư tưởng thành một hệ thống suy luận khít khao, từ gần tới xa, từ thấp tới cao, từ cụ thể tới trừu tượng. Nếu có ai hỏi về đạo Phật, kẻ viết bài này với sự hiểu biết nông cạn chỉ xin được tóm lược bằng một vòng tròn với 4 chữ: sinh, lão, bệnh, tử.

Nếu vòng tròn đó bắt đầu từ đâu, xin trả lời: không bắt đầu từ đâu (vô thủy). Nếu hỏi tiếp: nó chấm dứt ở đâu, xin trả lời: không chấm dứt (vô chung). Vòng tròn đó là vũ trụ, là con người, là vạn sự vạn vật.

Con người và các sinh vật khác cũng đều theo luật vòng tròn đó: sinh ra, lớn lên, già nua rồi chết, rồi lại tái sinh và tiếp tục mãi như vậy. Sinh, lão, bệnh ai nấy đều trôi qua hoặc đã biết, đã nhìn thấy. Riêng hình cung từ Tử tới Sinh đối với Phật giáo là quan trọng nhất. Phật giáo quan niệm: chết không phải là hết vì sau chết chúng ta sẽ tái sinh (reborn) trong một thể xác khác hoặc một hình thức khác.

Năm 1992 tại Hà Nội, nhà văn trẻ Trần Huy Quang đã viết một truyện ngắn “Ám Ảnh Có Thật”, nội dung như sau: Có một cô gái nông thôn tên Thơm chồng chết sớm vì đi bộ đội. Cô gặp một anh lính giải ngũ. Hai người yêu nhau. Anh bí thư chi bộ cộng sản cũng yêu cô gái nên rất ghen tức, ngầm theo dõi. Một buổi tối trời anh lính giải ngũ và cô Thơm lén lút gặp nhau ngoài đồng. Bí thư chi bộ huy động dân quân lùng bắt. Anh lính giải ngũ thoát được vòng vây. Riêng cô Thơm bị giải về trụ sở để lấy khẩu cung. Cô không nhận tội. Anh bí thư chi bộ thét lên ra lệnh: “Con đĩ già mồm! Các đồng chí hãy khám xét nó thật kỹ. Có tinh dịch đàn ông “trong ấy” là nó trắng mắt ra”. Bị sĩ nhục, cô gái ngay đêm đó nhảy xuống ao làng tự tử. Hai năm sau bí thư chi bộ “tự nhiên hai con mắt nổ tung con ngươi ra ngoài. Đi khắp nơi không chữa khỏi…” bài báo thật ngắn gọn và thâm thúy. Số báo bị đảng ra lệnh tịch thu ngay. “Nổ con ngươi cho trắng mắt ra” là cái nghiệp quả do tội ác gây nên. Nghiệp quả do tội ác gây nên được đại sứ Ấn Độ Cưu Ma La Thập, cách đây 1600 năm dịch trong kinh Kim Cương Bát Nhã ra tiếng Trung Hoa là “tội nghiệp”.

Nghiệp” là một danh từ phổ biến nhất trong Phật giáo: nghiệp báo, nghiệp quả, nghiệp lực, thiện nghiệp, ác nghiệp, tội nghiệp. “Nghiệp” là kết quả tạo nên do ý nghĩ, lời nói hoặc hành động của một chúng sinh. Kết quả đó頣ó thể tốt hoặc xấu, nó có thể xảy ra khi chúng sinh tạo ra nó còn sống hoặc đã chết. Khi chúng sanh đó chết, “nghiệp” đó sẽ nhập vào một thể xác khác, trở thành tâm linh của chúng sinh đó trong kiếp sau. NGHIỆP được dịch từ tiếng Phạn: KARMA. Triết gia Hoa Kỳ William James (1842 - 1910) biết rất ít về đạo Phật nhưng cũng đồng ý về lý thuyết NGHIỆP QUẢ, Ông đã viết: “I am ignorant of Buddhism, but as I apprehend the buddhistic doctrine of karma, I agree in principle with that.

Sau danh từ NGHIỆP, phổ quát không kém là danh từ KIẾP, được dịch từ tiếng Sanskrit: SAMSARA. Danh từ SAMSARA cũng đã được quốc tế hóa. Xin các bạn trẻ hãy dở tự điển Hoa Kỳ (bất cứ tự điển nào) để biết về định nghĩa của danh từ SAMSARA (KIẾP).

Chúng ta đã từng nghe danh từ kiếp luân hồi (luân = bánh xe, hồi = trở lại). Đó là vòng tròn vô thủy vô chung mà ta đã đề cập trên đây.

Cái gì trở lại? – NGHIỆP; vì NGHIỆP có sức đẩy vô hình của nó, cũng như khi ta ném một hòn đá, tay đã buông ra nhưng hòn đá vẫn tiếp tục văng ra xa. Sức đẩy của NGHIỆP được gọi là NGHIỆP LỰC.

NGHIỆP trở lại đâu? Trở lại kiếp sau (SAMSARA).

Có kiếp sau hay không? Thay vì trả lời, xin đưa ra nhân chứng: Đương kim Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng và tiến sĩ ALEXANDER BERZIN (sinh năm 1944 tại New Jersey). Đương kim Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng sinh năm 1935 tại tỉnh Amdo tít phía Đông Bắc Tây tạng. Năm 1933 Đạt Lai Lạt Ma thứ 13, vị tiền nhiệm của ngài mất. Mấy năm sau một pháp sư niên trưởng đã nhìn thấy trên mặt hồ ở phía Nam Tây Tạng nổi lên mấy chữ Tây Tạng Ah, Ka, Ma. Tiếp theo đó là hình ảnh của một tu viện ba tầng với một đường mòn dẫn lên đồi. Sau đó là hình ảnh một căn nhà nhỏ có máng xối hình dạng kỳ cục. Vị pháp sư già tin rằng chữ A chỉ tỉnh Amdo, chữ K chỉ tu viện KUMBUM. Chính phủ liền cử một phái đoàn vi hành lên Amdo. Họ tới tu viện Kumbum. Họ đi tìm căn nhà có máng xối kỳ cục. Họ dấu kín mục đích đi tìm kiếm của họ. Họ chỉ xin ngủ lại một đêm. Suốt tối hôm đó vị trưởng phái đoàn lân la chơi với chú bé nhất trong nhà chừng 3 tuổi. Chú bé tươi cười, la lên: “SERA LAMA, SERA LAMA”. Mọi người trong gia đình không ai hiểu. Riêng nhân viên trong phái đoàn thì trố mắt ngạc nhiên và vui mừng vì chú bé nói tiếng thổ ngữ (dialect) của thủ đô Lhasa cách đó tới ba bốn ngày đường. Câu đó có nghĩa là “Lạt ma ở Sera”. SERA chính là tên tu viện của vị trưởng phái đoàn.

Mấy ngày sau phái đoàn trở lại, đem theo một số đồ dùng của vị Đạt Lai Lạt Ma tiền nhiệm, trộn lẫn với một số đồ vật trông tương tự nhưng không phải của ngài. Mỗi lần một vật nào được đưa ra chú bé đều vồ lấy đúng vật của vị Đạt Lai Lạt Ma tiền nhiệm và nói, “Của tôi! Của tôi!”. Cuộc trắc nghiệm này kết thúc việc lựa chọn: chú bé được công nhận là Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, hậu thân của Đạt Lai Lạt Ma thứ 13. Chú bé đó là đương kim Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng.

Nhân chứng thứ hai là một người Hoa Kỳ, tiến sỹ Alexander Berzin. Từ năm 1969 khi 25 tuổi, ông đã cộng tác với Trung tâm định cư Tây Tạng tại Ấn Độ, làm thông dịch viên cho nhiều vị thiền sư, trong đó có đương kim Đạt Lai Lạt Ma, ông đã nghiên cứu kinh sách Phật giáo Tây Tạng, học hỏi và phỏng vấn rất nhiều vị Lạt Ma. Theo chỗ ông biết được có chừng một ngàn vị Lạt Ma đã được công nhận và được chứng minh đã tái sinh. Khi một vị Lạt Ma nào già chết những người thân thuộc đi tìm kiếm xem vị Lạt Ma đó được tái sinh ở đâu, như trường hợp vừa kể trên đây về荊 đương kim Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng.

Tiến sĩ Berzin đã viết về trường hợp đại sư trưởng lão LING, vị thầy học, vị đỡ đầu, vị cố vấn của Đạt Lai Lạt Ma như sau. Đại sư luôn luôn sống gần Đạt Lai Lạt Ma. Năm 1968 khi ngài thở hơi thở cuối cùng, đại sư vẫn tiếp tục ngồi thiền định, tâm thức vi tế(subtle consciousness) vẫn tiếp tục sinh hoạt, kéo dài trong hai tuần lễ. Trái tim đại sư đã ngừng đập nhưng phía ngực bên trái vẫn ấm. Ngày thứ 15 khi đại sư ngưng thiền định đầu ngài nghiêng đi, vài giọt máu chảy qua lỗ mũi. Khi đó tâm thức ngài rời khỏi xác thân.

Tại trung tâm tỵ nạng Tây Tạng mỗi năm có chừng vài ba trường hợp tương tự.

Hóa thân của đại sư LING được tìm thấy qua cậu bé 21 tháng mới bập bẹ biết nói. Sau khi sinh được mấy tháng, mẹ cậu bé chết. Nhà nghèo, ông bố phải gửi hai anh em cậu vào Viện mồ côi. Anh cậu lớn hơn cậu chừng ba, bốn tuổi. Cậu anh này thường nói: "Em tôi là một vị Lạt ma (đại sư) đó. Đừng chòng nghịch em tôi."

Một bữa một vị thân cận của cố đại sư trưởng lão LING nằm mộng thấy hóa thân của ngài. Họ đi tìm. Họ đưa ra các đồ dùng cũ kỹ, chú bé vồ lấy những thứ do lão đại sư đã dùng lúc sinh thời. Họ đưa ra một tràng hạt, chú bé nhận lấy bằng hai tay và ngồi lần tràng cũng bằng hai tay như cố đại sư đã làm. Chú được rước về căn nhà cũ của đại sư. Chú nhận ra được mọi người trong nhà. Người ta bế chú lên chiếc ghế cao. Hai ba ngàn người tới chúc mừng và chào chú. Chú xếp chân bằng tròn trong một tiếng rưỡi đồng hồ, giơ hai tay nhận quà tặng của mọi người rồi trao cho người đứng phục dịch bên cạnh. Cử chỉ của chú thật đàng hoàng chững chạc như một vị đại sư. Chú ban phép lành cho mọi người. Sau đó Đạt Lai Lạt Ma dùng cơm trưa với chú. Hai người ăn chung nhưng rất ít nói, vì chú mới bập bẹ, đang học nói. Khi ăn xong Đạt Lai Đạt Ma từ biệt chú. Chú nắm lấy áo ngài, khóc, nhõng nhẽo đòi ngài ở lại... Ba năm sau, chú bé đã thuộc làu kinh kệ một cách dễ dàng.

SÁU

Thiền sư Huệ Trung là đệ tử của Lục tổ Huệ Năng. Sau khi ngài tu bốn mươi năm trên núi, vua Đường Túc Tông thỉnh ngài về kinh đô làm quốc sư. Một hôm Túc Tông hỏi ngài:

- Bạch thầy, thầy đã tu chứng tới mức nào rồi?

Thiền sư không đáp, mờivua ra ngoài sân chỉ lên trời, hỏi vua:

- Xin bệ hạ cho biết đám mây trên trời kia do đinh đóng vào hay do dây buộc lại?

Ngài chỉ trả lời có vậy. Nhưng Vua Túc Tông đã nhìn thấy rõ: đạo như mây bay, không chứng không đắc mà vẫn tự do tự tại.

Trong khi cầu học, kẻ viết bài này cũng ví mình như mây bay. Nhưng không bay về Hy Mã Lạp Sơn hoặc núi Thiên Thai. Chỉ mong được lơ lửng bay trên dãy Trường Sơn thân yêu từ Nam tới Bắc, rồi sà xuống thăm viếng ngôi chùa nhỏ Vũ Lâm thuộc tỉnh Ninh Bình, nơi cách đây chừng bảy thế kỷ Vua Trần Nhân Tông đã để lại một số bài thơ tràn đầy bóng thiền na:

Vũ Lâm cảnh

Họa kiều đảo ánh trám khê hoành
Nhất mạt tà dương thủy ngoại minh
Tịch tịch thiên sơn hồng diệp lạc
Thấp vân hòa lộ tống chung thanh.

Tạm dịch:

Cảnh Vũ Lâm

Ngang suối lung linh ngược bóng cầu
Nước in dìu dịu nắng đìu hiu
Núi im lìm, vèo bay lá úa
Thoáng mây đưa tiễn tiếng chuông chiều.

Mây bay và tiếng chuông thu không là hình bóng và âm thanh gắn bó với tiềm thức đối với ai đã sống và lớn lên nơi thôn dã Việt Nam, trong đó có kẻ viết bài này. Chính vì vậy người viết, mỗi ngày trước khi đi ngủ đều dành chừng nửa giờ để tụng kinh và nghe những hồi chuông nho nhỏ ngân vang do mình tạo ra để đi sâu vào quá khứ vang vọng nơi tiềm thức. Tụng kinh để tâm tư lắng đọng, vọng động chìm xuống để sống an nhiên tự tại như đám mây lơ lửng của thiền sư Huệ Trung. Đối với người viết, đó là Thiền. Đơn giản thế thôi. Người viết không bao giờ có tham vọng nhập đại định để đạt tới Như Lai. Chỉ mong theo Như lai để tu học làm người, mong kiếp sau lại được làm người, nhất là người Việt Nam.

Trước khi tụng kinh, thấp nén hương, nhìn khói bay, lòng ghi ơn Phật Thích Ca, vị hướng đường chỉ nẻo trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Tối hôm qua, sau khi tụng kinh, nhìn Phật Thích Ca mờ nhòa trong khói tỏa, lòng bỗng nhói đau. Từ nơi xa nghe vang vọng bài thơ mình đã dịch:

Cúi dâng bát cơm tù
Xin cúng dường Chư Phật
Thế gian dài hận thù
Phẩm dâng tràn nước mắt.

Nguyên bản bài thơ viết bằng chữ Nho, nguệch ngoạc viết từ ở trong tù:

Phụng thử ngục tù phạm
Cúng dường tối thắng tôn
Thế gian trường huyết hận
Bỉnh bát lệ vô ngôn.

Tác giả bài thơ là Tuệ Sỹ, một nhà sư mình chưa gặp nhưng tư tưởng rất gần gũi thân yêu. Bỗng lại văng vẳng nghe tiếp:

Phố trưa nắng đỏ cờ hồng
Người yêu cát bụi đời không tự tình
Sầu trên thế kỷ điêu linh
Giấc mơ hoang đảo thu hình tịch liêu
Hận thù sôi giữa nắng chiều
Sông tràn, núi lở nước triều mênh mông
Khói mù lấp kín trời Đông
Trời ơi tóc trắng rủ lòng quê cha
Con đi xào xạc tiếng gà
Đêm đêm trông bóng Thiên hà buồn tênh
Đời không cát bụi chung tình
Người yêu cát bụi quê mình là đâu?

Tối tắt đèn đi ngủ. Vừa nằm xuống bỗng thấy nước mắt tràn ra.

 

PHỤ LỤC D

NỖI ĂN NĂN THỐNG HỐI CỦA MỘT NGƯỜI THEO “CÔNG GIÁO

Phan Quốc Đông

Đọc xong cuốn sách Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng  của Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ II, tôi nhớ lại thời còn là một học sinh tiểu học, được gia đình ghi tên vào trường Puginier ở Hà Nội. Đây là một trường đạo thuộc Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Những bài giáo lý (catéchisme) tôi đều thuộc làu làu. Đạt được một số thành tích khả quan trong học vấn, tôi được nhiều vị sư huynh, nhiều vị linh mục xoa đầu khen ngợi. Cho tới khi tôi cảm thấy mê Thiên Chúa Giáo quá và sau khi được nhiều người khuyên bảo, tôi xin phép được rửa tội, được đặt "tên thánh". Cha tôi cũng rất hài lòng. Gia đình tôi là một gia đình Phật giáo, nhưng hầu như chưa ai nghiên cứu gì nhiều về những lời dạy của Đức Phật, chỉ thờ cúng tổ tiên một cách kính cẩn, mỗi năm đi chùa vài lần. Nay có tôi là người đầu tiên theo Công Giáo La Mã, tôi cảm thấy hãnh diện lắm, cảm thấy "văn minh" hơn anh chị tôi là những người học ở các trường Chu Văn An, Trưng Vương. Còn cha tôi thì cho rằng sau này, khi học hành xong, tôi sẽ dễ dàng kiếm được địa vị cao trong xã hội vì lú c đó nước ta vẫn còn bị đặt dưới ách đô hộ của thực dân Pháp.

Người Pháp tính kế lâu dài vì họ biết rằng phong trào giải phóng các dân tộc bị nô lệ đã lên cao. Việt Nam cầm lá cờ đầu trong phong trào này; chế độ thực dân cũ do sự cai trị trực tiếp của người Pháp đã lỗi thời. Họ tính xây dựng một chế độ thực dân mới tinh vi hơn, nghĩa là bề ngoài họ sẽ trao trả "độc lập" cho một số các nước thuộc địa, nhưng họ vẫn đứng đằng sau khống chế chính phủ, trong đó những người thừa hành không phải là người Pháp mà là những người bản xứ hoàn toàn nghe lời Pháp (thường là người theo Công giáo). Như vậy, các nước thuộc địa như Việt Nam trông có vẻ "độc lập" hơn.

Sau này gia đình tôi di cư vào Nam và khi đã khá lớn, tôi mới hiểu rõ vấn đề. Nhờ đọc sách tôi được biết Đức Cha Puginier là một ông Tây thực dân xâm lược đã từng cầm quân đi tiêu diệt các phong trào cách mạng Việt Nam, quân đội của ông hầu hết là giáo dân. Rất nhiều người Việt Nam yêu nước đã bị giết một cách tàn bạo bởi đạo quân này. Tôi cảm thấy xấu hổ đã học trường Puginier! Nhưng tôi vẫn còn là một con chiên ngoan đạo; bởi vì theo Công Giáo, tôi chỉ có một mục đích là khi chết sẽ được Chúa GiêSu bênh vực trong ngày phán xét cuối cùng và có thể sẽ cho tôi lên thiên đàng nếu tôi tuyệt đối tin tưởng ở Chúa Trời qua những lời dạy của Ngaiy trong cuốn Thánh Kinh và tuyệt đối nghe lời những người chủ chiên, những vị linh mục, giám mục là những người đại diện cho Chúa.

Những điều tiên đoán của cha tôi đã tỏ ra đúng: ngày tôi ra trường sau khi tốt nghiệp đại học, tôi dễ dàng kiếm được địa vị cao trong ngành tư pháp. Dưới thời hai chính phủ Công Giáo trị ở miền Nam Việt Nam trước kia, tôi thấy họ xét lý lịch rất kỹ những người ở cấp bậc chỉ huy. Người nào có đạo Công Giáo đều được dễ dàng. Người nào khai Phật giáo thường bị loại. Tuy nhiên, những người nào Phật giáo nhưng khai là có "đạo thờ ông bà" thì cũng có thể được trọng dụng gần bằng người Công Giáo.

Bởi thế, tôi thấy có nhiều người Phật giáo nhưng phải giấu diếm bàn thờ Phật ở tuốt trên lầu: họ lập một bàn thờ Chúa rất to, rất trang ngiêm ở ngay phòng khách cho mọi người nhìn thấy. Các xứ đạo tưng bừng nhộn nhịp được chánh phủ nâng đỡ tối đa. Vị cha xứ được dân chúng khúm núm tôn thờ như một ông thánh. Có những xứ đạo tự tạo ra những luật lệ riêng, bất chấp luật lệ quốc gia! Thí dụ như ở Hố Nai, nếu bạn lái xe qua mà vô tình cán chết một con chó của họ, bạn có thể bị giáo dân đánh chết mà không có luật pháp nào bênh vực bạn cả. Một người bạn tôi bị mất chiếc xe Toyota mới tinh. Anh ta tự điều tra và biết được chiếc xe của mình hiện ở trại di cư Hố Nai, nhưng không biết làm sao lấy chiếc xe ra được! Báo cảnh sát họ cũng lắc đầu! Sau cùng anh ta phải đăng báo chuộc lại chiếc xe theo "luật giang hồ"!

Gia đình tôi có 2 người con gái út, tuy không xinh đẹp lắm nhưng cũng vào loại "coi được", dầu rằng tính nết rất đanh đá. Ông anh tôi thường hay nói đùa: "Hai con em mình mà cũng có thằng nó "ngửi" được kể cũng lạ!" Một cô gả cho một ông bộ binh mang cấp bậc trung úy từ năm 1962, năm 1969 được thăng đại úy. Cho tới năm 1975 bò mãi cũng không lên được thiếu tá vì ông khai là Phật giáo. Trái lại cô em út lấy chồng Công Giáo, cô ta phải rửa tội theo chồng thì hôn nhân của hai người mới không bị cản trở. Cậu này năm 1962 mới đi sĩ quan Thủ Đức để rồi ra trường với cấp bậc chuẩn úy. Thế mà năm 1975 cấp bậc của cậu ta đã là trung tá.

Mỗi khi có một giới chức nào thuộc Tòa Thánh Vatican tới thăm Việt Nam, ông ta được đón tiếp theo thủ tục nghi lễ quốc gia một cách vô cùng trọng thể. Từng đoàn xe hộ tống dẫn đường, không khác gì xe của một vị quốc trưởng. Vào tới dinh Độc Lập, ông ta được các công chức cao cấp của chính phủ Việt Nam đón tiếp một cách kính cẩn và khúm núm. Bởi vì càng kính cẩn, càng khúm núm thì địa vị các công chức đó càng vững chắc, bổng lộc càng nhiều. Người ta còn để ý xem những người Công Giáo có địa vị cao trong chính phủ có đi lễ nhà thờ đều vào mỗi sáng chúa nhật không. Bởi vậy, cứ tới khu nhà thờ Đức Bà tại Sài Gòn vào mỗi sáng chúa nhật, ta sẽ thấy xung quanh đậu toàn những loại xe đắt tiền bóng loáng.

Các vị linh mục, giám mục nhiều khi trực tiếp can thiệp vào các công việc của ngành tư pháp, hành chánh, quân đội và lần nào cũng đạt được kết quả như ý muốn. Việt Nam được phong chức "Trưởng nữ của Tòa Thánh Vatican ở Á Châu", một chức vụ mà ngay cả Phi Luật Tân lấy Công Giáo làm quốc giáo cũng không có được. Tôi rất hãnh diện về chức vụ này, tuy tôi biết rằng tài chánh của nước Việt Nam được các Tổng Thống Công Giáo lấy đi đem gởi ở Vatican không phải là ít.

Cho tới năm 1975 khi quân đội miền Nam Việt Nam thảm bại một cách hết sức nhanh chóng sau khi bị quan thầy Mỹ bỏ rơi, tôi may mắn chạy ra được ngoại quốc nên tránh được cảnh tù đày. Chính trên đất Mỹ này, tôi học được một điều hết sức rõ rệt là: Người Công Giáo MỸ khác hẳn những người Công Giáo Việt Nam! Họ đặt quyền lợi tổ quốc của họ lên trên hết. Họ coi quốc gia nhỏ bé Vatican chẳng ra gì. Dù rất giàu có, họ không đóng góp một xu nào cho Vatican cả. Họ đang vận động thành lập Giáo Hội Công Giáo Tự Trị vì họ biết rõ những người lãnh đạo Vatican chỉ có cái bề ngoài có vẻ đạo đức nhưng bên trong là một tập đòan hết sức thối nát: Giáo Hoàng nào đã phạm giới, Hồng Y nào đã cấu kết với đảng Mafia ở Ý tạo được những tài sản kết sù, Giáo Hoàng nào đã bị ám sát vì tiền, họ đều biết rõ! Các vị giám mục, linh mục có liên hệ bất chính với đàn bà con gái, đều bị họ phanh phui trên báo chí một cách thẳng thắn. (Ở Việt Nam mà đụng tới các vị này thì chắc không khá!). Đọc báo Mỹ, ta thấy những chuyện này hầu như hàng ngày.

Dân chúng Mễ Tây Cơ còn đi xa hơn nữa: Họ ghi hẳn vào Hiến Pháp cấm chính phủ không được đặt liên hệ ngoại giao với Vatican, các linh mục không được mặc áo đen ra đường, không được mua ruộng đất, không được dạy học, không được kinh doanh! Người Tây Phương theo Công Giáo chỉ vì truyền thống từ ngàn xưa. Hỏi họ có tin vào những điều dạy trong Kinh Thánh không thì ít ai tin. Người Công Giáo Việt Nam đặt đức tin “cao” hơn nhiều.

**

Cũng chính trên đất Mỹ này tôi bàng hoàng nhận thấy điều vô cùng thiếu sót là: mặc dầu là người Công Giáo đã mấy chục năm, đi lễ đều đặn, say sưa trong câu kinh tiếng hát, tôi vẫn chưa bao giờ đọc hết 2 cuốn kinh Cựu Ước và Tân Ước cả! Có lẽ tất cả những người Công Giáo Việt Nam cũng đều như tôi: chưa đọc, bởi vì chưa có một bản dịch tiếng Việt nào thật đầy đủ 2 cuốn kinh đó. Nhiều bản tự nhận là dịch nguyên văn, nhưng so với bản tiếng Anh thì còn thiếu sót nhiều. Người ta cố tình chỉ dịch một số đoạn và chỉ cho phép con chiên được đọc những đoạn đó mà thôi.

Tìm hiểu sâu hơn tôi biết rằng tòa thánh Vatican đã từng ngự trị ở khắp Châu Âu suốt mười mấy thế kỷ và họ đã cấm con chiên không được đọc Kinh Thánh. Từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 14, các sử gia gọi là Thời Kỳ Đen Tối, người dân sống trong tăm tối và đầy sợ hãi với những Tòa án tôn giáo, những cuộc chiến tranh bẩn thỉu được mệnh danh là "Thánh Chiến", những cảnh cướp đất dành dân, nô lệ hóa con người của các vị lãnh chúa. Chỉ kể từ thời kỳ Phục Hưng trở đi, khi người dân cương quyết bác bỏ các giáo điều phản khoa học của Kinh Thánh để đi vào con đường khoa học thực nghiệm, Âu Châu mới khá lên dần dần. Tuy nhiên, Tòa Thánh Vatican vẫn còn muốn dạy dỗ con chiên của họ ở Á Châu (nhất là ở Việt Nam) theo kiểu mẫu Âu Châu thời Trung Cổ, bởi vì như thế thì họ mới có lợi, còn nếu tiến bộ như người Công giáo Mỹ thì dĩ nhiên họ chẳng được lợi gì. Các cán bộ của họ, các linh mục, giám mục vẫn đang tận tụy làm công việc này vì Việt Nam có khoảng 7 triệu người Công giáo có đức tin rất cao, sẽ là một lực lượng chánh trị và kinh tế quan trọng trong tương lai.

Nhờ có khả năng đọc được ngoại ngữ, lại có nhiều thì giờ rảnh rỗi, tôi quyết chí tìm hiểu cẵn kẽ, suy nghĩ từng chữ, từng câu của 2 cuốn Thánh Kinh này. Tôi cũng đọc kỹ lịch sử của Giáo hội Vatican, tiểu sử của từng vị Giáo Hoàng, các phương pháp bành trướng tôn giáo của họ tại các lục địa khác ngoài Aⵠchâu, phương pháp nào nhanh, phương pháp nào chậm. Phương pháp nhanh nhất được thực hiện bởi thực dân Tây Ban Nha tại các xứ thuộc Châu Mỹ La Tinh thật là vô cùng tàn ác: Họ dùng gươm súng giết hết những người đàn ông bản xứ, chỉ còn lại toàn đàn bà con gái thôi, để họ vừa bắt buộc theo đạo, vừa hãm hiếp đồng hóa. Số người bị giết lên tới mấy chục triệu. Đây là phương pháp truyền đạo của phái bộ truyền giáo Tây Ban Nha được Giáo Hoàng Alexander Đệ Lục hỗ trợ. Đi du lịch ở các xứ này ta chỉ thấy toàn những người lai mà thôi, hầu như không còn một người bản xứ nào sống sót. Tại Phi Luật Tân, họ cũng giết hàng triệu người, đập phá toàn bộ các đền thờ cổ, thủ tiêu hoàn toàn mọi chứng tích của nền văn minh cổ của xứ này. Ngôn ngữ, văn tự, truyền thống, văn hóa hoàn toàn mất hẳn.

Tại Việt Nam phương pháp truyền giáo được đảm nhiệm bơi렰hái bộ truyền giáo Pháp Quốc, tuy cũng dùng những cán bộ, những linh mục đi theo các đoàn quân viễn chinh, nhưng phương pháp này hơi chậm vì phải bưng bít, phải mua chuộc, phải dùng những người bản xứ làm tay sai, vì đạo quân viễn chinh đã bị dàn quá mỏng, không còn đủ sức. Không phải phái bộ truyền giáo Pháp thương xót gì người Việt Nam, nhưng nước Việt Nam ta có lúc ở trong một hoàn cảnh đặc biệt khiến họ không thể dở trò tàn bạo như ở Nam Mỹ:

- Dân chúng Nam Mỹ đã bị xâm lược từ thế kỷ thứ 16, trong khi Việt Nam chỉ thật sự bị xâm lược vào thế kỷ thứ 19.

- Dân chúng Nam Mỹ lúc đó chỉ là những bộ lạc lẻ tẻ, do đó không chống lại nổi. Trái lại, nước ta lúc đó đã là một quốc gia lớn, có chủ quyền, có truyền thống chống xâm lăng. Dù vũ khí của ta thô sơ, nhưng nếu chúng dở trò quá tàn bạo, chúng sẽ gặp sự chống cự mãnh liệt và không thắng nổi.

Lịch sử đã ghi rõ là Pháp chiếm được nước Việt Nam phần lớn là nhờ những người Việt Nam làm tay sai hợp tác với Pháp hơn là do sức mạnh của Pháp. Người Việt Nam đã sai lầm khi hợp tác với Pháp với khẩu hiệu “Thà mất nước chứ không mất Chúa”. Thật ra, nếu họ đặt đức tin một cách đứng đắn thì Chúa vẫn còn trong lòng họ, mà nước cũng không bao giờ mất.

Thực dân Pháp lúc xâm lăng nước ta đang ở trong vị thế rất suy yếu: đoàn quân viễn chinh bị đánh tan tành ở Mễ Tây Cơ. Khắp nơi hải quân Pháp bị hải quân Anh đánh bại. Ngay tại chính quốc, Pháp cũng bị Đức đánh bại (1870), thủ đô Paris bị xâm chiếm, Pháp phải đầu hàng, cắt đất cho Đức, và bồi thường chiến phí. Người Pháp đã định ngưng cuộc chinh phục Việt Nam nhiều lần, nhưng vì các linh mục tích cực vận động, lấy cớ chiếm nước Việt Nam chẳng tốn kém gì nhiều, vì đã có đạo quân thứ năm sẵn sàng hỗ trợ, do đó Pháp lại tiếp tục và hoàn tất cuộc xâm lăng.

Đọc cẩn thận hai cuốn kinh Cựu Ước và Tân Ước, tôi bàng hoàng tìm ra lý do vì sao Giáo hội Vatican đã cấm giáo dân không được đọc Kinh Thánh suốt mười mấy thế kỷ: Họ muốn giáo dân chỉ là những con cừu ngu muội để họ nói gì phải tin thế, không được thắc mắc gì cả. Họ nói “mặt trời quay chung quanh trái đất” cũng phải tin là “mặt trời quay chung quanh trái đất”. Nếu có người nào thắc mắc hoặc đưa ra những câu khỏi khó trả lời thì hãy coi chừng, người đó sẽ bị đưa ra các tòa án tôn giáo (gọi là tòa hình án: Inquisition) với những cực hình hết sức dã man: nào là đánh đập tàn nhẫn, nào là xẻo thịt, cắt lưỡi, cắt vú, lóc xương, rất nhiều người bị thiêu sống, vì không tin Chúa nên họ bị gán cho tội làm phù thủy. Tôi đã được coi các dụng cụ tra tấn của tòa hình án của Công Giáo tại một viện bảo tàng. Viện bản tàng này gọi là “Believe It or Not” được đặt trong một tòa nhà gọi là Cliff House, ở ven biển San Francisco. Vé vào cửa là 6 đô la, nhưng mỗi tháng có một ngày vào cửa miễn phí (ngày thứ tư đầu tiên trong tháng). Vào những ngày đó người ta tới coi rất đông. Các hội đoàn, các trường học cũng tổ chức những đoàn xe đưa học sinh đi coi có các thầy cô giáo hướng dẫn rất trật tự. Họ đến để nhớ lại quá khứ mà học bài học cho tương lai.

Người Mỹ đã nhất quyết cho con em học được biết tất cả những sự thực lịch sử về Đạo Thiên Chúa. Các giáo dân Việt Nam chắc chắn chưa được biết những sự thật này. Ngay cả tôi là người thích đọc sách, thích tìm hiểu, mà suốt mấy chục năm qua tôi cũng không biết gì! Nếu không có cơ hội sang Mỹ thì chắc tôi cũng như nhiều người khác chỉ được biết những gì các vị linh mục Việt Nam cho biết mà thôi. Nhiều khi chính các vị linh mục cũng không biết những sự thực này! Có bao nhiêu vị linh mục Việt Nam đã đọc các sách như Secters Of The Dead Sea Scrolls (một tài liệu khảo cổ hết sức giá trị), Vicars Of Christ: The Dark Side Of The Papacy của Peter De Rosa (tác giả là một cựu Tổng Giám Mục), Why I Am Not A Chirstian? Của Bertrand Russell (triết gia, giải thưởng Nobel), The Spanish Inquisition của John Wiley? Và hàng trăm cuốn sách tương tự khác?

Vốn là một con chiên ngoan đạo, tôi chưa bao giờ vắng mặt ở nhà thờ vào các ngày Chúa nhật dù có bận rộn tới đâu. Sự siêng năng của tôi với ước vọng mãnh liệt là sẽ được lên Thiên Đàng sau khi chết là điều tôi rất tự hào. Từ xưa tới nay, giáo hội Vatican đã tiên đoán bao nhiêu lần về ngày tận thế. Nhiều người đã bán cửa bán nhà, nhiều người đã bỏ cả công ăn việc làm để chờ Chúa đón. Nhưng tới ngày đó chẳng có gì xảy ra cả! Mặc dầu người ta đã cẩn thận dạy rằng “việc lên Thiên Đàng chỉ có sau khi chết” (nghĩa là điều không ai có thể chứng nghiệm được và cũng không có ai đã lên thiên đàng ròi về kể lại cho người khác nghe), nhưng đọc rất kỹ 2 cuốn Kinh Thánh tôi mới biết rằng điều đó chỉ là tưởng tượng. Vì sao? Bởi vì cái Thiên Đàng đó hoàn toàn không có! Bởi vì Kinh Thánh cũng không phải do Chúa viết ra mà chỉ là sản phẩm của những con người cũng trần tục như chúng ta với trí tưởng tượng và sự hiểu biết về khoa học có lẽ còn thua chúng ta nữa! Nếu cứ nhắm mắt tin bừa vào những tác giả đó thì chắc chắn ta sẽ đi vào hố thẳm! Lịch sử nhân loại đã ghi lại không biết bao nhiêu hố thẳm như vậy. Bởi thế nên khi đạo Công Giáo La Mã không còn đủ quyền lực để giết chết những người nói lên sự thực nữa thì các nhà thông thái đã mạnh dạn lên thuyết giảng về những sai lầm trong Kinh Thánh.

Triết gia Bertrand Russell, cựu giáo sư đại học Harvard của Hoa Kỳ, thì cho rằng hình ảnh Đức Chúa Cha được mô tả như một vị Thượng Đế đã sanh ra thế gian này chỉ là một bịa đặt bắt người khác phải tin bằng gươm súng. Ông đã dùng lý luận để bác bỏ những luận cứ của Giáo hội về vấn đề này. Vả lại trước thời Môisen, loài người cũng đã đưa ra hình ảnh của nhiều vị Thượng Đế khác nữa. Mỗi địa phương, mỗi giống dân, mỗi nền văn hóa lại đưa ra một vị Thượng Đế khác nhau. Đúng là loài người đã sanh ra Thượng Đế, chớ không phải Thượng Đế sanh ra loài người! Nhưng giống dân nào, địa phương nào cũng cho rằng Thượng Đế của mình là đúng, là nhân từ, là có nhiều quyền phép, còn các Thượng Đế khác chỉ là ngụy tạo, là sai lầm, là tà giáo. Do đó mà có những mâu thuẫn và người ta đem quân đi giết nhau về vấn đề này! Lịch sử đã ghi lại không biết bao nhiêu những cuộc chiến tranh như vậy (đến nỗi từ ngữ “Thánh Chiến” đã trở thành thuật ngữ riêng biệt của lịch sử bành trướng của Giáo Hội La Mã). Sự tàn phá những kinh thành, tàn sát cả những lương dân vô tội, đã gây ra không biết bao nhiêu điêu linh cho nhân loại. Như vậy, phát minh ra một vị Thượng Đế xem ra không có lợi cho loài người, có hại là đằng khác. Nếu ta không biết vũ trụ này khởi đầu ra sao thì ta cứ thành thật nói là không biết chứ không cần phải bịa đặt ra rằng có một ông Thượng Đế ở trên trời đã sanh ra nó. Bởi vì giải thích như thế chỉ có thể đánh lừa được một số người nhẹ dạ và ngu dốt mà thôi. Và sẽ không bao giờ hết được những thắc mắc.

Nhà văn Lâm Ngữ Đường, con của một vị mục sư, thì viết rằng mặc dầu cha ông là mục sư giảng đạo lâu năm, ông vẫn hoàn toàn không tin vào Kinh Thánh. Ông cho rằng nếu quả có một Đức Chúa Cha như đã được mô tả thì ông này thật vô cùng tàn ác! Ông đã giận dữ giết chết không biết bao nhiêu người. Adam và Eva do ông sinh ra chỉ ăn có một trái táo cấm thôi mà đã bị trừng phạt quá nặng nề. Nào là bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, nào là biết xấu hổ, biết đói rách, phải làm lụng vất vả để sinh sống. Tàn ác hơn nữa là tất cả con cháu của Adam và Eva cũng bị trừng phạt luôn! Nếu ai làm lỗi thì trừng phạt người đó thôi chớ sao lại trừng phạt cả con cháu người ta, tức là cả nhân loại ngày nay. Cho tới khi Đức Chúa Cha hối hận cho ông con độc nhất (là chúa Giêsu) xuống thế để cứu nhân loại, thì nhân loại lại giết ông con này một cách hết sức đau đớn. Thế mà Đức Chúa Cha không giận gì cả! Cho rằng Chúa Giêsu tình nguyện chịu đau đớn để “chuộc tội” cho nhân loại là một điều vô lý. Trên đời này không có ai chịu tội dùm được cho ai cả. Ai làm thì người ấy chịu mà thôi. Vả lại nếu Chúa Giêsu đã chịu tội cho nhân loại thì sau Chúa Giêsu nhân loại (kể cả những người Công giáo tin vào Chúa) phải hết tội, phải sung sướng lắm mới đúng chớ. Tại sao đau khổ đến thế? Người ta lại còn nhân danh Chúa đi chém giết nhau suốt bao nhiêu thế kỷ. Nếu Chúa có quyền phép, tại sao Ngài lại dung túng điều đó.

Điều đáng nói là những người Do Thái thì tin vào Cựu Ước, những người Công giáo thì tin thêm Tân Ước. Chỉ khác nhau có một chút vậy thôi. Thế mà họ đã giết nhau vô cùng khủng khiếp suốt gần 20 thế kỷ, không bỏ qua một thủ đoạn tàn độc nào để ám hại nhau.

Một trong những giáo điều ông cho là sai lầm nhất của đạo Cơ Đốc là sự hiện hữu của một địa ngục vĩnh cửu. Người nào bị trừng phạt ở đó thì sẽ bị lửa cháy đời đời hết sức đau đớn, muốn chết cũng không chết được nữa. Bạn thử đưa một ngón tay vào ngọn lửa cho nó cháy xem bạn đau đớn ra sao! Đàng này cả một thân thể bị thiêu cháy như ngọn đuốc với những đớn đau suốt từ ngày này sang tháng khác không bao giờ dứt. Ông cho rằng một người dù tội lỗi đến đâu thì sau khi bị trừng phạt rồi cũng có ngày được tha. Không có lý do gì trừng phạt người ta mãi mãi. Chỉ có những kẻ bệnh hoạn mới nghĩ ra cách trừng phạt như vậy! Thì ra tôn giáo này thường được đánh bóng bằng hình ảnh một vị Thượng Đế nhân từ bác ái, lại đặt nền tảng trên sự đe dọa đầy ác tính và vô lý!

Tiến sĩ Peter De Rosa sau khi từ bỏ chức vụ Tổng Giám Mục, ông âm thầm nghiên cứu các tài liệu cổ xưa về giáo hội Công Giáo La Mã để viết cuốn Vicars Of Christ: The Dark Side Of The Papacy. Ông kể lại những chuyện kinh hoàng của giáo hội với những cảnh giết người, cướp bóc, hãm hiếp, trụy lạc, vô đạo đức. Kinh Thánh viết rằng mặc dầu các vị Giáo Hoàng là do các vị Hồng Y bầu lên, nhưng luôn luôn các cuộc bầu cử đó đều được hướng dẫn bởi Đức Chúa Thánh Thần, và người được bầu vào chức Giáo Hoàng là do Chúa chọn. Do đó, các Giáo Hoàng là những người vô cùng đạo hạnh, tài năng xuất chúng và không bao giờ sai lầm cả. Thế nhưng, lịch sử còn ghi lại rằng: Giáo Hoàng Sergius III (904 - 911) có vợ là cô điếm Marozia; Giáo Hoàng John XI (931 - 936) đã từng loạn luân với em gái; Giáo Hoàng Leo VIII (963 - 964) bị chết vì thượng mã phong; Giáo Hoàng Boniface VII (984 - 985) cướp ngôi của Giáo Hoàng John XIV; Giáo Hoàng John XXIII (1410 - 1415) cưỡng dâm trên 300 nữ tu; Giáo Hoàng Pius II (1458 - 1464) có vợ và 2 người con; Giáo Hoàng Sixtus IV (1471 - 1484) loạn luân và có con với bà chị ruột, cấp giấy phép mở nhà điếm ở La Mã để thu vào 30,000 đồng tiền vàng mỗi năm và chính ông thành lập tòa án dị giáo năm 1478, tòa án giết hàng chục triệu người vô tội: Có khi chỉ trong một ngày có đến 100,000 người “dị giáo”, kể cả những người theo Tin Lành bị tàn sát. Giáo Hoàng Innocenti VIII (1484 - 1492) có vợ và bán đấu giá các chức vụ của giáo hội.

Nhưng khủng khiếp nhất vẫn là Giáo Hoàng Alexander VI thuộc giòng họ Borgia. Chính vị này là thủ phạm những vụ tàn sát kinh hoàng nhất trong việc bắt buộc theo đạo Công Giáo ở các lục địa Á Châu, Phi Châu và Mỹ Châu La Tinh. Số người bị giết lên tới 100 triệu. Vị này lại còn loạn luân với chính con gái mình, tức nàng Lucretia Borgia xinh đẹp, sau khi đã bậy bạ với mẹ cô ta và cả bà ngoại cô ta nữa (cả 3 thế hệ). Nàng Lucretia có một người tình là một sĩ quan hầu cận của Giáo Hoàng, nhưng anh nàng là Caesar Borgia không bằng lòng ông sĩ quan này nên cấm đoán. Mối tình trở thành vụng trộm. Một ngày kia Caesar Borgia thấy viên sĩ quan này quanh quẩn gần chỗ em gái mình, ông ta rút gươm đuổi theo. Sĩ quan này không dám chống cự, bèn chạy tới ôm lấy Giáo Hoàng để xin che chở. Nhưng Caesar Borgia đã không nể nang gì. Ông ta đâm viên sĩ quan này nhiều nhát đến nổi máu bắn đầu mặt Giáo Hoàng.

Càng đọc Kinh Thánh, tôi càng thấy những sai lầm nghiêm trọng. Thí dụ Kinh Thánh dạy rằng loài người mới có trên trái đất này khoảng 6000 năm. Ngày nay một cậu học sinh trung học cũng biết rằng loài người có mặt trên trái đất này cả triệu năm rồi. Còn sự diễn tả trời đất thì cho thấy tác giả là một người có trí tưởng tượng quá nghèo nàn và hạn hẹp. Ta hãy trích một đoạn Kinh Thánh nói về ngày thứ nhì lúc Chúa sinh ra trời đất:

Ngày thứ 2: dựng nên vòm trời (GEN.1:6) vòm trời đó cứng nhắc, có thể giữ nước ở phía trên, không cho rơi xuống trần gian. Nó có hình vòng cầu hoặc như cái chảo úp như ta thường trông thấy. Nó chắc chắn là phải hết sức cứng vì có thể chứa một lượng nước khổng lồ ở bên trên. Vòm trời đó theo JOB đã được đúc bằng đồng thay (JOB.37:18). Vòm trời đó có những cửa. Khi muốn có hồng thủy, những cửa trời đó sẽ được mở ra cho nước trên trời tuôn xuống (GEN.7:11). Mặt trăng, mặt trời và các vì sao là những đèm đóm đều nương vào nền trời đó y như những ngọn đèn trên trần nhà (GEN.1:17). Những ngọn đèn đó dĩ nhiên là nhỏ xíu, vì lúc tận thế, tinh tú sẽ rụng xuống trần gian như những trái cây vả chín rơi rụng khi cây vả bị dập vùi trong một trận cuồng phong (GEN.6:13). Cung đình Chúa Cha và tòa ngôi ngài đặt trên vòm trời đó (PSALM.11:4) vì Sáng Thế Ký đã định nghĩa cái vòm trời đó là Trời (GEN.1:8).
Chúa Giêsu cũng xác quyết Chúa Cha ở trên đó khi Ngài dậy cầu xin: Lạy Cha chúng con ở trên trời (MAT.6:9). Vòm trời đó có nhiều cột chống đỡ (JOB.27:11) và trái đất cũng có nhiều cột chống đỡ (JOB.9:6). Đất được Chúa đặt vững trên mặt nước (PSALM 136:6), muôn đời đứng yên một chỗ.

Nếu nói thêm về những sai lầm trong Kinh Thánh thì thật dài dòng. Trong một bài viết ngắn ngủi tôi không thể viết hết được. Các bạn nào muốn tìm hiểu sẽ đọc sách thêm. Trong cuốn Kinh Thánh Của Những Người Không Tin Chúa (The Bible Handbook For Atheists) của 2 tác giả, tiến sĩ G.W.Foote và W.P.Ball đã tìm ra tới 870 điều sai lầm trong Kinh Thánh. Bạn nào muốn đọc xin cứ tới các thư viện của Mỹ, hoặc gởi mua với giá 3.95 đô la theo địa chỉ American Atheist Press: 2210 Hancock Drive, Austin, Texas 78756. Kinh Thánh có nhiều sai lầm như thế nên nếu bảo rằng tin tưởng hoàn toàn ở cuốn sách đó sẽ được lên Thiên Đàng, chắc chắn cũng sai nốt.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ sinh trưởng trong một gia đình đạo gốc. Cũng như nhiều người Công giáo khác, ông được trọng dụng, được qua Mỹ du học từ sớm, được giữ chức vụ chỉ huy (Giám đốc Tổng Y Viện Duy Tân). Nếu ông không xin giải ngũ thì chức vụ Cục Trưởng Cục Quân Y đối với ông không khó khăn gì vì ông còn là đàn anh của nhiều vị Cục trưởng. Thế nhưng, ta hãy đọc lời ông viết:

Năm 36 tuổi, nhân khảo về Khổng giáo, tôi được một sự giác ngộ nội tâm, nên đã bừng tỉnh giấc Nam Kha và đã nhìn thấy rõ những sự sai trái thấp kém của Thiên Chúa giáo. Cho tới ngày nay, mỗi khi nghĩ lại sự mình thoát khỏi được Thiên Chúa giáo để đi vào chánh đạo giải thoát nội tâm, tôi cho là một đại hồng ân của trời đất.”

Trong một đoạn khác, ông viết rằng những người Thiên Chúa giáo không chịu đọc sách tìm hiểu nhiều, đều là những người đã “bị lừa bịp bởi một lời nói láo vĩ đại” (lời nói láo rằng “họ sẽ lên Thiên Đàng sau khi chết”).

Tôi may mắn chịu khó đọc sách nhiều nên cũng kịp thoát như ông. Thấy tôi không còn tin tưởng gì về cái Thiên Đường bánh vẽ nữa, một vị linh mục đã nói với tôi:

- Con đừng bỏ đạo vì chắc chắn con sẽ là một nhà lãnh đạo tương lai của nước Việt Nam. Bởi vì Công giáo sẽ nắm chính quyền là điều chắc chắn, và sẽ nắm vĩnh viễn! Đảng Cộng Sản cho dù giỏi lắm cũng chỉ tồn tại được 10, 15 năm nữa là cùng. Chúng ta không cần phải chống đối gì họ cho thiệt hại! Chỉ cần âm thầm củng cố lực lượng. Bởi vì, so sánh về tương quan lực lượng thì Công Giáo có 7 triệu Đảng viên hết sức trung thành, có đoàn ngũ, có kỷ luật, lại được hỗ trợ bởi tòa thánh Vatican với một tài sản khổng lồ (3000 tỉ đô la), được hỗ trợ bởi Mỹ, và các quốc gia Tây Phương hùng mạnh. Đảng Cộng sản chỉ có khoảng 2 triệu Đảng viên, lỏng lẻo và đang có triệu chứng rạn nứt sau khi bị Đông Âu bỏ rơi. Chúng ta chỉ cần tranh đấu (hoặc xúi người khác tranh đấu) cho một nền dân chủ đa nguyên là chúng ta sẽ thắng ngay. Bởi vì ở Mỹ như con biết, dù bầu cử tự do, nhưng ứng viên nào nhiều tiền chắc chắn sẽ thắng! Ở Việt Nam mặc dầu Phật giáo thường rêu rao rằng có tới 80% là Phật tử, nhưng những người theo Đạo Phật thực sự hiểu biết giáo lý có lẽ không tới 0.1%. Những Phật tử lưng chừng ta lôi kéo họ rất dễ, nhất là người Việt Nam nào cũng thường có tật bất mãn với chính quyền!

Thì ra chính tôi cũng đang bị mua chuộc bởi một chức vụ lãnh đạo trong tương lai! Nhưng tôi vốn là một con người suy tưởng. Tôi cho rằng khi ta già rồi, nhìn lại cuộc đời chỉ là một chuỗi ngày vất vả, tranh dành tiền bạc, tranh dành địa vị, tranh dành ái tình, thì thật là đáng buồn. Cuộc đời phải có một ý nghĩa gì khác nữa chứ. Nhiều người quan niệm một cách hời hợt rằng “đạo nào cũng tốt cả, cũng dạy người ta ăn hiền ở lành”. Nhưng đọc kỹ lịch sử nhân loại thì tôi không tin như vậy! Tôi sẽ tìm hiểu kỹ hơn. Lịch sử đã ghi rằng những đế quốc hhùng mạnh xưa kia như đế quốc Hy Lạp, đế quốc La Mã, đế quốc Ba Tư, đế quốc Mông Cổ, đến ngày sụp đổ là do những khủng hoảng nội tại chứ không phải do ngoại nhân đánh phá. Sự sụp đổ của đế quốc Cộng sản Liên Xô gần đây cũng không ra ngoài định luật này. Một khi những khủng hoảng nội tại không giải quyết được thì đế quốc sẽ sụp đổ.

Nước Mỹ hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng tinh thần hết sức trầm trọng, hậu quả khó lường. Theo thống kê chính thức của chính phủ Mỹ được công bố trên nhiều tờ báo, thì tại Mỹ hiện nay:

- Cứ 5 người thì 1 người có vấn đề thần kinh.

- Cứ 5 gia đình thì có 1 gia đình loạn luân (thường là sự giao hợp giữa người cha và con gái).

- 1 trong 4 người da đen ở trong tù. Số người da đen ở trong tù nhiều hơn số tốt nghiệp đại học.

- Mỗi ngày có 100,000 học sinh mang súng tới trường. Nghề dạy học ở Mỹ là nghề bạc bẽo nhất.

- Tỷ số tội phạm cao hơn 60 lần so với Nhật Bản.

Với những con số như trên, người Mỹ đang cố gắng đi tìm một cái phao để tự cứu vớt. Và họ đã tìm thấy: Đó là sự nghiên cứu và thực hành các đạo lý Đông phương. Các trung tâm THIỀN mọc lên như nấm ở khắp nước Mỹ. Các đạo sĩ Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam, Trung Hoa, Tây Tạng, sang Mỹ giảng đạo được người Mỹ xin làm đệ tử rất đông. Nhiều người được chính phủ Mỹ tài trợ mở cả trường đại học (như Ngài Maharishi ở Iowa). Riêng thành phố nhỏ bé Berkeley có tới 7 trung tâm Thiền. Nhiều đại học danh tiếng Mỹ (như Harvard, UC Berkeley ...) đã mở phân khoa Phật học. Các nhà trí thức Âu Châu cũng đang gia công nghiên cứu về Thiền và coi Thiền như một phương cách mang an lạc cho tâm hồn. Dân chúng Mỹ và Âu Châu đang đua nhau hành Thiề⮬ từ bỏ những giáo điều cũ đã trói buộc họ suốt bao thế kỷ, khiến Giáo Hoàng rất sốt ruột phải viết một cuốn sách để đả phá và xuyên tạc Đạo Phật. Ngài ngăn cấm các tín đồ Công Giáo không được hành Thiền. Nhưng ở đời cái gì càng ngăn cấm, người ta lại càng tò mò tìm hiểu.

Riêng tôi không a dua theo học để trở thành Phật tử một cách dễ dàng. Bởi vì tôi rất thận trọng và sẽ không theo một tôn giáo nào, nếu tôn giáo đó không hội đủ những điều kiện dưới đây:

- Tôn giáo đó đã có từ ngàn xưa và suốt giòng lịch sử xem ra có lợi cho nhân loại.

- Tôn giáo đó đem lại từ bi bác ái thật sự, không bao giờ truyền đạo bằng gươm súng, không giết người. Các tín đồ không bao giờ cho phép các vị lãnh đạo được dùng tôn giáo như một công cụ để chinh phục, để xâm lược bằng quân sự và ngoại giao.

- Tôn giáo đó phải đem lại sự an lạc trong tâm hồn mỗi người từ khi còn sống.

- Tôn giáo đó cho phép tín đồ được tự do nghiên cứu các tôn giáo khác.

- Khoa học càng tiến bộ thì những điều dạy trong kinh sách của tôn giáo đó càng được chứng minh, không bị đào thải.

- Và tôn giáo đó không bao giờ coi mỗi tín đồ như một khách hàng, không phải đóng tiền cho một giáo hội quốc tế.

Tôi chưa nghiên cứu kỹ đạo Phật qua những vấn đề kể trên, do đó trên nguyên tắc tôi vẫn là người Công giáo. Và tôi rất kính trọng Giáo Hoàng khi Ngài dạy rằng:

Bước sang thế kỷ 21, người Công giáo phải dọn mình công khai ăn năn sám hối về những tội lỗi mà những người Thiên Chúa giáo thuộc giáo hội La Mã đã phạm trong qúa trình lịch sử do việc bảo vệ đức tin một cách nhiệt thành và sai lầm”.

Tôi tin rằng Ngài là một con người có lương tâm trong trắng và tôi theo dõi xem những người Công giáo Việt Nam (trong đó có cả tôi và bạn bè tôi) sẽ ăn năn sám hối ra sao về những tội lỗi đã gây ra trên quê hương Việt Nam, một quê hương có quá nhiều đau khổ tủi nhục suốt 100 năm qua, kể từ khi người Công giáo tiếp tay cho thực dân xâm lược.

 

PHỤ LỤC E

VỀ SỰ CHÍNH XÁC CỦA MỘT DANH XƯNG QUAN TRỌNG

Vũ Huy Quang

Giáo hội Vatican ở La Mã lãnh đạo một lực lượng tín đồ quan trọng và nhất thống bậc nhất trên thế giới hiện nay. Tôn giáo của tinh thần Cơ Đốc có hàng nghìn năm ấy, văn tự Tây Phương đồng nhất với danh xưng Roman Catholic Church. Tín đồ Việt Nam theo đạo ấy, trước kia trong văn nói thường nhận mình là “người có đạo”, “người đi đạo”… - nhưng có lẽ tiếng ấy không được chỉnh – sau này thường nhận mình là người Công giáo. Không có tinh thần Catholic (phiên âm Ca-tô) trong danh xưng của tôn giáo mình.

Roman được hiểu là La Mã, Church được hiểu là Giáo hội, thì đã minh bạch. Nhưng Công để thay cho Catholic, thì danh xưng ấy gây ra nhiều băn khoăn: Dẫu rằng chúng ta có thể tự hào hiểu với nhau rằng “người Công giáo” là “người theo một tôn giáo lớn”; “Công giáo” là “đạo Chung” (Công) cho mọi người. Nhưng sao lại thay Roman Catholic Church bằng Giáo Hội Công Giáo La Mã? Thay như thế có ổn không? Chữ Công có thay thế hẳn được chữ Catholic; và ý nghĩa thần học có tương đương khi thay thế danh xưng như vậy không? Nếu chỉnh lại, chúng ta có mất mát gì, hay hãnh diện thêm?

CÔNG, có nhiều nghĩa (khéo léo, thợ, ông, tước vị, đực, khó nhọc, hiệu quả, thành đạt, lễ tang, đánh phá…), thường trong văn nói, công có nghĩa thông tục là Chung (công cộng, công chúng…).

Khi chuyển chữ CATHOLIC thành chữ Công giáo – để ám nghĩa là đạo CHUNG cho mọi người, cho hoàn cầu (?), hoặc để tiện ngôn ngữ bình dân – thì chỉ để người bình dân… thêm bình dân, mỗi khi muốn ý thức về đạo mình: Chả lẽ con người theo đạo này, vì đạo ấy là đạo chung, đông tín đồ, thế lực nhất… hay sao?

Khi mà đinh ninh như vậy, rồi nhiều tín đồ dù có bằng cấp chuyên môn cao, cũng sẽ không chịu suy xét tinh thần Catholic, là tinh thần cốt lõi của tôn giáo mình. Trên thực tế không thiếu tín đồ Vatican (Roman Catholic Church) chỉ xưng nhận mình là người Công giáo, không hề giải thích được, vì không hiểu ý nghĩa cao đẹp, bao la của chữ Catholic.

Chữ Catholic có từ lâu lắm, với hàm nghĩa lịch sử và thần học rất xúc tích. Từ 380 T.L, HOÀNG đế kiêm GIÁO chủ La Mã (Giáo Hoàng) Theodisius ĐỆ NHẤT, chính thức tuyên cáo tinh thần Catholic Christianity (Ca-tô Cơ-đốc) – để phân biệt với hai Hoàng đế đương thời khác – rằng đạo Ca-tô do Ngài quản nhiệm là Quốc giáo cho toàn Đế quốc La Mã (Roman Empire). Thế nên, chữ Catholic có ý nghĩa “một, duy nhất, thống hợp toàn cõi, chuyên nhất, thiêng liêng, thống truyền, tông đồ chính truyền, chân chính…

Nhưng tôn giáo là cái gì vừa bí nhiệm, vừa thế tục, vừa siêu linh, lại vừa chính trị. Chữ Catholic đẹp thế, nên nhiều tôn giáo khác giáo lý cũng nhận có tinh thần Ca-tô. (Chẳng hạn đạo Cơ-đốc Anh-cát-lợi Anglo-Catholic, cũng nhận là Ca-tô; đạo Cơ-đốc Tông-đồ-Truyền Catholic-Apostolic, cũng nhận là Ca-tô…). Cho nên Giáo hội Vatican, dùng danh xưng là Roman Catholic Church, để khỏi lẫn lộn, đạo Ca-tô này với đạo Ca-tô kia; đạo chung với đạo riêng; chính thống với tà đạo. Roman Catholic Church, Giáo hội Ca-tô La Mã, mới là danh hiệu chính xác của tôn giáo lớn từ Vatican đến Việt Nam lâu hơn hết.

Gần đây, chỉ có mỗi một vị linh mục Ca-tô La Mã người Việt, khi đến Mỹ, Ngài công khai xác nhận mình là người thuộc Vatican: Chính danh, là như vậy. Theo đường hướng ấy, từ nay nếu một tín đồ đồng đạo, đã hiểu và biết, thì để nhận là mình là “Tín đồ Ca-tô La Mã” cũng minh bạch tương đương. Có điều, phải chăng từ ngữ “Công giáo” dùng quen bấy lâu thành ra khó phổ biến? Làm minh danh điều thiếu sót bấy lâu dù khó đến đâu, chúng ta sẽ cùng nhau khắc phục được.

Minh bạch cùng đi với tinh vi, và đưa đến phong phú hóa ngôn ngữ. Điều này, chỉ con người làm được. Nếu ai nấy cùng nỗ lực về Chân Thiện Mỹ, nhất định chúng ta đổi được. Nhất là với tinh thần phê bình Giáo hội đề xướng. Chính xác, không những chỉ toán học áp dụng, mà cả văn hóa cũng thế. Lịch sử ngôn ngữ nước ta cũng từng chứng tỏ điều này.

* * *

Khi Thiên chúa  giáo La Mã được truyền vào Việt Nam, các danh xưng "đi đạo", "có đạo" … đã được loại bỏ dần (chả lẽ người Tin Lành, Cao Đài… không "đi" đạo, không "có" đạo?). Nhưng, khi người theo đạo Ca-tô Cơ-đốc La Mã, hiện dùng danh xưng "người Công giáo" – tuy là dưới hệ thống giáo thuyết nguyên thủy từ La Mã – thì vô tình, đã thu hẹp nghĩa bao la của ý hướng thần học của danh từ Catholic.

Như thế, không những đã không làm giàu cho ngữ vựng Việt – vì chỉ dùng những chữ cũ thay bằng tinh thần mới của Tây phương – mà còn làm mất tinh hoa của chữ Catholic mà chúng ta du nhập.

Cho nên, mỗi khi có sinh hoạt xã hội, tôn giáo nào của người Ca-tô Việt Nam (với Việt ngữ là "công giáo") thì báo chí Anh – Mỹ viết khác. Thí dụ Vietnamese Catholic Group (nhóm Ca-tô người Việt). Như thế, khác gì tái xác nhận sự sơ sót của chúng ta trong danh xưng "người công giáo" trong ngôn từ Việt. Chẳng lẽ danh từ trong văn nghĩa Tây phương nói về chúng ta, lại chính xác hơn chính chúng ta với nhau mãi sao?

Nên, một tín đồ Thiên chúa giáo La Mã, theo hệ thống Giáo hội Catô La Mã – để phân biệt với các tín đồ đạo khác trong văn hóa Việt cũng thờ Thượng đế – từ nay danh xưng "tôi là người Công giáo", nên thay bằng "tôi là người Ca-tô La Mã", không những đã rõ ràng, mà còn dễ hiểu hơn… giữa người Việt với nhau. Vì chính xác hơn.

Văn hóa thế giới lúc nào cũng thêm chữ mới, đến nỗi Tự điển của các nước tiền tiến lâu nay cũng phải điều chỉnh, thêm định nghĩa, thêm chữ mới, … lại hàng năm. Việt ngữ, đã có nhiều từ, nhiều ngữ nguyên, ngữ căn, ý nghĩa chữ đơn, chữ kép… đã không những bị bỏ sót, không được hiểu thấu đáo, lại ít tận dụng,… thật là một thiệt thòi cho kho tàng văn học của người Việt. Nay, với một danh xưng quan trọng của một văn hóa, tôn giáo lớn … Như đạo Cơ-đốc La Mã mà bỏ ý nghĩa chữ "Ca-tô", thay thế bằng chữ "Công"… thì Việt ngữ, khi diễn tả qua danh xưng một tôn giáo lớn và quan trọng bậc nhất thế giới tiếp tục mãi như thế, chỉ là một thiệt thòi lớn cho tất cả chúng ta.

Một ngôn ngữ sinh động là một ngôn ngữ luôn luôn có thêm từ ngữ mới, ý nghĩa mới. Sự chính xác, phân minh, liêm khiết của từ ngữ… đóng góp vào văn hóa dân tộc, làm thêm hãnh diện cho người Việt Nam – dù người ấy là tín đồ của bất cứ tôn giáo nào

nhiều tác giả

Nguồn Bản electronic do Hồng Quang gửi cho SH

_____________________________

Trở về đầu sách đối thoại hoặc các tác giả khác:

 1   2   3   4   5

Trang Thời Sự