Đối Thoại Với Giáo Hoàng John Paul II - Lời Mở Đầu

nhiều tác giả

http://sachhiem.net/DOITHOAI/GiaodiemDT0.php

20-Aug-2014

 1   2   3   4   5

 Nhân đọc cuốn BƯỚC QUA NGƯỠNG CỬA HY VỌNG

với các bài viết của: 

Phạm Trọng Chánh * Minh Chi * Nguyễn Tử Đóa * Phan Quốc Đông * Phan Tấn Hùng * Nguyễn Kết * Trần Văn Kha * Lê Hiếu Liêm * Vũ Trọng Minh * Trần Chung Ngọc * Hoàng Nguyên Nhuận * Đặng Nguyên Phả * Vũ Huy Quang * Nguyễn Phúc Bửu Tập * Hoàng Hà Thanh * Nguyễn Văn Thọ * Nguyễn Hoài Vân * Lý Khôi Việt

Xuất bản: Tạp chí Giao Điểm, California Hoa Kỳ

Biên tập: Phan Mạnh Lương và Đỗ Hữu Tài

Bìa: Khánh Trường

Xuất bản lần thứ nhất 3000 cuốn, tháng 6-1995

Lần thứ hai 2000 cuốn, tháng 8-1995

Lần thứ ba 2000 cuốn, tháng 1-2000

Sửa bản vi tính lần 4, tháng 2-2005: Nguyên Định

- Lời mở đầu sách đối thoại

- Lý Khôi Việt: Phê bình cuốn “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng

- Nguyễn Kết: Ra và vào “ngưỡng cửa hy vọng”- đọc sách của GH Phao-lồ II

- Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ: Vài nhận định về tác phẩm “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng

- Hoàng Hà Thanh: Về nỗ lực bào chửa cho GH John Paul II của một tín đồ Kitô Rôma

- Trần Chung Ngọc: Bước qua ngưỡng của vô minh?

- Phan Tấn Hùng: Từ trong nhà, ra ngoài chợ

- Trần Văn Kha: Phật giáo và Giáo hoàng

- Phạm Trọng Chánh: Đối thoại “sở tri chướng” và “kinh tế thị trường

- Nguyễn Hoài Vân: Đạo nào nhập thế tiêu cực? đạo nào nhập thế tích cực?

- Vũ Trọng Minh: Thư ngỏ gửi GH John Paul II

- Minh Chi: Phật giáo có phủ định cuộc sống và thế giới hay chăng?

- Hoàng Nguyên Nhuận: Nói chuyện với ‘nửa phần hồn’ của tôi

Phần phụ lục :

- Lê Hiếu Liêm: Quan điểm đạo Phật về giải thoát và phụng sự con người

- Nguyễn Phúc Bửu Tập: Giáo lý nhà Phật và phát triển kinh tế

- Nguyễn Tử Đóa: Đạo Phật trong mắt tôi

- Phan Quang Đông: Nỗi ăn năn thống hối của một người theo “Công giáo

- Vũ Huy Quang: Về sự chính xác của một danh xưng quan trọng


LỜI NÓI ĐẦU

Trong phần mở đầu của tác phẩm Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng (BQNCHV) mà nguyên bảng là tiếng Ý (với hai bản dịch được phổ biến rộng rải nhất bằng Pháp ngữ, Entrez Dans l’Espérance, và Anh ngữ, Crossing The Threshold of Hope), nhà văn Ý Vittorio Messori, người thực hiện cuốn sách, có viết:

Bây giờ là lúc mà những chuyên gia về thần học và phân tích gia về việc hành đạo  của Giáo Hoàng phải đương đầu với công việc phân định thể loại cho quyển sách này,  quyển sách mà thể loại của nó chưa từng có trong lịch sử của Tòa Thánh, và vì thế quyển  sách này đang đặt ra nhiều khía cạnh khả dĩ mới cho Tòa Thánh.

Khía cạnh mới mà ông đề cập ở đây chỉ là khía cạnh hình thức thể loại. Ba điểm “mới” hơn nhiều về khía cạnh thái độ, mới thật là điều đáng làm cho chúng ta thật sự quan tâm:

Thứ nhất là Giáo Hoàng công khai hóa những tư tưởng chiến lược mà Tòa Thánh đang đối trị với các cuộc khủng hoảng hiện tại; Thứ hai là thông qua những tư tưởng đó, hiển lộ lên bản sắc không giấu kín được của lãnh tụ một thế lực tôn giáo lớn; và thứ ba thái độ gần như thách thức bằng một cuộc đối thoại rộng rãi và trực tiếp, mà phần tham dự của những nguồn trí tuệ phi-Thiên Chúa giáo không phải là không quan trọng.

Mới vì ba điều này đều không nằm trong truyền thống và lịch sử của Giáo Hội Vatican cũng như của đại đa số các Giáo Hoàng tiền nhiệm, vốn bảo thủ, kín mật và giáo điều. Thông cảm và chấp nhận những điều mới đó, Giao điểm quyết định hình thành Tuyển Tập Đối Thoại này.

Chúng ta đều biết rằng Vatican là một quốc gia rất đặc biệt, nửa đạo nửa đời. “Công dân” ở khắp nơi và “biên giới” ở khắp chốn. Đặc biệt là mặt tư tưởng, có những cơ quan cao cấp và uyên bác chuyên nghiên cứu và đối thoại với các trào lưu học thuật lớn, như Mác-xit, hoặc các tôn giáo Đông phương. Cho nên tư tưởng mà Giáo Hoàng trình bày trong tác phẩm BQNCHV không phải là ngẫu nhiên, lại càng không phải là nông nỗi căn cứ trên một số nguồn tài liệu bất khả tin. Ngược lại, chúng được hình thành bằng một thái độ cẩn trọng, có nghiên cứu sâu sắc, và quan trọng hơn cả, có dụng ý chiến lược nhất định. Đó là những luận điểm đã được Giáo Hoàng, trực tiếp hay gián tiếp, thể hiện thành lập trường, chứng nghiệm bằng chính sách nhiều lần, cả trước lẫn sau lúc Ngài được bầu làm Giáo Hoàng từ 15 năm trước, vào ngày 22 tháng 10 năm 1978 (xem thêm Humanae Vitae, A Sign of the Contradiction, Sollicitudo Rei Socialis, Catechism of the Catholic Church…). Đặc biệt, chúng đã được xác nhận một cách công khai, chi tiết và không khoan nhượng trong các bài giảng hoặc diễn văn, đọc trong hơn 60 chuyến du hành khắp thế giới, tại các điểm “nóng”, nơi mà nền móng tín lý và cơ cấu tổ chức của Giáo Hội đang bị chao đảo hoặc đang bị đe dọa.

Từ tháng 10 năm 1993, khi chấp nhận một buổi phỏng vấn trực tiếp truyền hình, cho đến tháng 4 năm 1994, khi Trưởng phòng Báo chí Tòa Thánh Joaquin Navarro trao lại cho ông Vitorio thủ bút 35 câu trả lời (với những đoạn cẩn thận gạch dưới để nhấn mạnh những ý chính), rồi sau đó lại đích thân lược duyệt và chấp thuận bản in, hẳn Giáo Hoàng cũng đã biết tác dụng to lớn của những điều Ngài phát biểu trong cuốn sách này.

Hơn nữa, ở cương vị của một nhân vật “đại diện cho Thiên Chúa”, chủ chăn của một Giáo Hội, lãnh đạo một thế lực tôn giáo mà thế quyền nhiều lúc còn mạnh hơn cả giáo quyền trong các biến động lớn, tác động lên cả toàn thế giới, Giáo Hoàng và những vị phụ tá chuyên ngành của Ngài chắc chắn đã dự kiến được những chấn động sâu sắc và lâu dài trên lịch sử Giáo Hội cũng như một phần khá lớn của nhân loại. Tại vì “khi một con bướm đập cánh ở Cấm thành Bắc Kinh thì nó đã thật sự gây ra những ảnh hưởng tương tác trên mô hình khí tượng tận xứ Ba Tây” (Theory of Chaos của Lorentz).

Do đó, dù đây là một Ex Cathedra, không phải như khi công bố một Giáo điệp (“Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội” của Giáo Hoàng Piô IX hay “Đức Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác” của Giáo Hoàng Piô XII chẳng hạn), thì tính không sai lầm (infaillibility) của Giáo Hoàng cũng mang sức mạnh áp đảo lên trên nhận thức - và do đó, lên trên ứng xử - của gần một tỉ tín đồ trực thuộc Giáo Hội La Mã và rất nhiều thành phần khác xa lạ với những chủ đề mà Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ II đề cập đến. Một trong những chủ đề đó là Đức Phật và đạo Phật (7 trang của chương 14, và 6 trang khác rải rác trong tác phẩm).

Những chủ đề khác liên hệ đến ba cuộc khủng hoảng Giáo lý, khủng hoảng Giáo chế và khủng hoảng Giáo quyền của Giáo Hội La Mã (minh nhiên đàng sau những câu hỏi hơn là lộ diện trong những câu trả lời) xin để cho các thức giả về lãnh vực này, hoặc các thành phần liên hệ trực tiếp đến ba cuộc khủng hoảng đó, góp ý. Riêng tuyển tập này của Giao Điểm, chúng tôi chỉ giới hạn trong những nhận thức cá nhân của một số học giả Việt Nam về những quan điểm của Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ II khi đề cập đến đạo Phật mà thôi.

* * *

Có ba lý do khiến Giao Điểm cần đối thoại với Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ II:

Thứ nhất là về mặt thái độ. Chúng tôi quan niệm rằng đối thoại là bước đầu tiên của cuộc trường chinh tìm kiếm Hòa Bình và Phát Triển, và chúng ta thật sự đang ở hồi chung cuộc của một cuộc thách thức lớn, trong đó, nhu cầu, ý chí, và khả năng đối thoại giữa người với người, giữa quốc gia với quốc gia, giữa trào lưu với trào lưu, đã cỡi lên được đầu sóng của cơn bùng nổ thông tin để đạt đến mức độ cao nhất. Thoát ra được những ốc đảo thiên kiến, những ghetto vô minh, chúng ta sẽ an lạc và tỉnh thức để phát triển trong hòa bình. Không thoát ra được, chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của sự thui chột trí tuệ trong hận thù và thoái hóa. Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ II đã ngoạn mục hé mở cánh cửa đối thoại về đạo Phật, đã công khai và rộng rãi trình bày những quan điểm của mình về đạo Phật, và cụ thể và rốt ráo hơn, đã quy định chiến lược đối phó với Đạo Phật cho các tín hữu Thiên Chúa giáo của Ngài. Do đó, Giao Điểmsẽ mở toang cánh cửa đã mở này và bước vào đối thoại với Ngài. Thái độ này hoàn toàn phù hợp với sự vận hành của Lý Duyên Sinh và Luật Nhân Quả của Đạo Phật cũng như nhu cầu đối thoại của thời đại.

Thứ hai, mọi cuộc đối thoại là tìm ra chân lý, và, quan trọng hơn cả, vận dụng chân lý đó vào việc thăng hoa cuộc sống. Chúng tôi cho rằng Giáo Hoàng đã có những ngộ nhận, thậm chí có những trường hợp còn xuyên tạc, nội dung của Giáo Pháp đạo Phật. Như đã trình bày ở trên, chúng tôi không nghĩ rằng Ngài và các phụ tá của Ngài hiểu biết nông cạn về một tôn giáo mà, qua tác phẩm BQNCHV, bị xem như là đang tranh giành một cách có hiệu quả ảnh hưởng của Tòa Thánh tại các xã hội Tây phương. Hơn nữa, Gioan Phao Lồ II, ở cương vị giáo chủ một Giáo Hội, nguyên thủ một siêu quốc gia, dĩ nhiên sẽ không tuyên bố một điều mà mình không biết rõ. Ngoại trừ Ngài cố tình như vậy.

Nhưng dù là ngộ nhận hay xuyên tạc, vô tình hay cố ý, thì cả triệu ấn bản (bằng hơn 20 ngôn ngữ khác nhau) cũng đã được phát hành cho nhiều người đọc trên thế giới rồi. Giao Điểm không làm chuyện giải hoặc luận điệu của Ngài để tranh thủ những người đó. Giao Điểmchỉ muốn trình bày lại sự thật như nó là thế. Đạo Phật không có truyền thống tranh thắng, chỉ có nỗ lực đi tìm chân lý. Lời dạy của Đức Phật vừa khế lý (đúng với chân lý) lại vừa khế cơ (hợp với căn cơ), không phải chỉ vì một câu nói của một người, dù đó là Giáo Hoàng Thiên Chúa Giáo “đại diện cho Thiên Chúa” chăng nữa, mà mất tính khế lý và khế cơ của Phật Pháp.

Thứ ba, và đây có lẽ là điều thiết thân nhất của Giao Điểm, là tình cảm xót xa của những người Việt Nam có sống một phần và có hiểu biết một cách lương thiện về lịch sử cận đại của đất nước mình. Một chuỗi lịch sử được nối kết bằng những đợt sóng chống ngoại xâm bi hùng, trong đó, vai trò của những nhà truyền giáo phương Tây và các sản phẩm bản địa của họ, tác hại của những chính sách xâm thực văn hóa đến những trung tâm quyền lực Thiên Chúa Giáo Âu Châu (mà tài liệu chắc chắn còn được lưu trữ trong văn khố của Tòa Thánh Vatican) đến nay vẫn còn di hại sinh lực của Tổ quốc.

Trong gần 300 năm cuồn cuộn đó, đạo Phật và Phật tử chưa bao giờ đứng ở phía cường quyền, lại càng chưa bao giờ đếm xỉa đến những ân huệ của quân ngoại xâm. Ngược lại, đạo Phật và Phật tử Việt Nam đã tận tình cống hiến cho sự nghiệp cứu nước và dựng nước của dân tộc để rồi lại trở thành nạn nhân của những thế lực vừa phi dân tộc vừa phản dân tộc. Nạn nhân ấy cho đến kể cả giờ phút này, trải dài từ quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican cho đến phố Bolsa của Little Saigon.

Với tâm cảnh đó, và trong nổ lực tháo gỡ những gọng kềm oan trái của lịch sử, Giao Điểmthấy cuốn BQNCHV không những đã không đóng góp gì cho tiến trình hàn gắn một trong những vết thương chí tử của dân tộc mà lại còn, từ nhân vật cao cấp nhất và có thẩm quyền nhất của Giáo Hội Thiên Chúa Giáo La Mã, xé nát thêm tình nghĩa đồng bào trong một quả địa cầu mà biên giới quốc gia và đạo nghĩa dân tộc càng lúc càng bị mờ nhạt. Vì vậy mà ngoài tư cách Phật tử, Giao Điểmcòn đứng trong vị thế của một người Việt Nam để đối thoại với Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ II nữa.

Vì hai tư cách đó quấn quít với nhau như trầu với cau nên bạn đọc sẽ thấy các bài viết trong Tuyển Tập Đối Thoạinày đan bện cả tình lẫn lý. Cho nên dù lĩnh vực biện giải là Đạo học hay Sử học, dù hình thức trình bày là thảo luận hay hồi ức, thì mục đích của những bài viết vẫn là làm sáng tỏ những ngộ nhận, làm triệt tiêu những xuyên tạc về Đức Phật và Đạo Phật trong tác phẩm BQNCHV. Lẽ dĩ nhiên, tùy căn cơ và duyên nghiệp, tuy mức độ tu học và kinh nghiệm hành trì, các tác giả có những phương cách tiếp cận khác nhau và có những cách thế lý giải khác nhau. Nhưng dù là cách nào, thì cuối cùng đạo Phật cũng sẽ được hiểu không những khác mà còn ngược lại với cách mà Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ II đã trình bày trong tác phẩm của Ngài. Tính đa diện đó, vì vừa bất biến vừa tùy duyên, là đặc tính tất yếu của một Đạo Phật, vốn lấy trí tuệ làm rường cột tu học và lấy tự do độc lập tư duy làm nền móng hành xử.

Tuyển tập này, do đó trước hết là để đối thoại với Giáo Hoàng bằng cách gửi đến cá nhân Ngài một ấn bản để tham cứu và trả lời. Sau đó là chủ yếu nhắm vào thành phần độc giả muốn có một cái nhìn đối chiếu về Đạo Phật, với tinh thần tư duy độc lập, làm đối tượng. Đặc biệt nó cũng được trao gửi cho những đồng bào Thiên Chúa giáo tiến bộ còn quan tâm đến và còn muốn duy trì một bản sắc văn hóa đặc thù của dân tộc ta.

Và cuối cùng, là cho những đồng đạo Phật tử Việt Nam, để được thông tin về một sự cố có liên quan đến tôn giáo của mình, dù, như Kinh Kim Cương đã biện chứng: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”.

Vào thế kỷ thứ 13, tại Việt Nam đời nhà Trần, chúng ta có Thiền Sư Tuệ Trung Thượng Sĩ, người mà tư tưởng hành trạng đã vượt lên trên những kích thước của thời đại ông, đã đập vỡ những khuôn phép trần thế của chính tôn giáo ông, đã thể hiện sáng chói tính rỗng không của hai phạm trù đối đãi Xuất thế và Nhập thế.

Ông có một tài Tụng Cổ mà Huệ Chi đã diễn ngữ như sau:

Một phen phất áo bước thong dong
Tháp chủ trừng trừng, giận chẳng xong
Phật, Tổ rốt cùng đều chẳng lễ
Ngọc ngân khe sớm, ánh thu trong.

An trụ trong phong thái “phất áo bước thong dong” đó, Giao Điểmxin mời độc giả vào cuộc Đối Thoại.

Giao Điểm

31.5.1995

nhiều tác giả

Nguồn Bản electronic do Hồng Quang gửi cho SH

Trang Thời Sự