Tuyển Tập II: NGUYỄN TRƯỜNG TỘ - 12 bài biện chính

Bùi Kha

http://sachhiem.net/BUIKHA/BuiKha31m.php

29-Aug-2016

PHỤ LỤC 1:

MỘT KHÁM PHÁ BẤT NGỜ VỀ NGUYỄN TRƯỜNG TỘ

Nguyễn Xuân Phong

Mấy năm gần đây nhóm Giao Điểm (GĐ) cho ra đời một số sách thuộc loại "động trời" đối với cộng đồng người Việt hải ngoại và có lẽ cũng như ở trong nước.

Từ cuốn Đối thoại với giáo hoàng đến hai cuốn trả lời ông Dương Ngọc Dũng và ông Đỗ Mạnh Tri, hai người viết sách phê bình cuốn Đối thoại với giáo hoàng của nhóm này. Gần đây, nhóm GĐ lại xuất bản một cuốn sách "nặng ký" khác: Nguyễn Trường Tộ, thực chất con người và di thảo.

Về hình thức, đây là một cuốn sách in khá đẹp, bìa 4 màu do nhà văn kiêm họa sĩ Khánh Trường trình bày, sách dày 260 trang, giá bán phải chăng, 12 Mỹ kim.

Về nội dung, cuốn Nguyễn Trường Tộ, thực chất con người và di thảo sẽ làm bàng hoàng cho nhiều sử gia và các nhà nghiên cứu từ trước đến nay, nhất là gây bối rối khó xử cho Viện Khoa học Xã hội tại Sài Gòn, vì năm 1992, Trung tâm Hán – Nôm của viện này tổ chức hội thảo về Nguyễn Trường Tộ. Tập kỷ yếu của cuộc hội thảo gồm có 47 bài mà hầu hết đều ca tụng Nguyễn Trường Tộ là một nhà canh tân vĩ đại và một người yêu nước nồng nàn. Thêm vào đó, đối với hầu hết người dân Việt từ trước đến nay, ít nhiều được dạy hoặc được truyền tụng rằng, Nguyễn Trường Tộ là một nhà canh tân ái quốc, dám khuyên vua quan triều Tự Đức nên canh tân đất nước để theo kịp đà tiến hóa văn minh của nhân loại, nhưng các vua quan nhà Nguyễn quá thủ cựu, ngu muội và hẹp hòi không nghe lời khuyên của ông.

Có thể nói sự tin tưởng, ngưỡng mộ và đánh giá cao về Nguyễn Trường Tộ hầu như đã in đậm nét vào tâm khảm người dân Việt từ thôn quê đến thành thị, từ giới học sinh, sinh viên đến các giáo chức và sử gia, học giả kể cả những nhân vật lỗi lạc về phía bên này cũng như bên kia dòng chính kiến.

Nhưng, như một tiếng sấm sét đã giáng xuống bất ngờ làm giật mình cho giới học giả và sử gia từ trước đến nay. Nguyễn Trường Tộ theo nhóm GĐ trong Lời nói đầu của cuốn sách:

Bằng những sử liệu bất khả phủ bác, mà phần lớn là các tài liệu mật, và của các linh mục, giám mục, Nguyễn Kha và Trần Chung Ngọc đã cho thấy bản chất thực của Nguyễn Trường Tộ qua các bản điều trần mà hầu hết đều lạc dẫn, không tưởng và chỉ có lợi cho ngoại bang mà thôi.

Phải chăng lời khẳng định quả quyết này của nhóm GĐ là một đại ngôn thiếu căn cứ? Không hẳn. Hai tác giả của cuốn sách có những sử liệu chính xác và những lý lẽ của họ.

Bài viết của ông Trần Chung Ngọc hầu như để bổ túc cho bài của ông Nguyễn Kha. Ông Trần Chung Ngọc đưa ra ba ý chính trong bài viết dài 70 trang từ trang 191 đến 261.

Trước hết, ông Trần Chung Ngọc cho thấy chương trình đào tạo linh mục, giám mục của Giáo hội Công giáo như thế nào qua sử liệu quý giá của các vị linh mục. Thứ hai, qua chương trình đào tạo linh mục giám mục để biến họ trở thành một cái máy phóng thanh... như thế, thì có thể dùng họ vào việc canh tân đất nước được không? Như ông Nguyễn Trường Tộ đề nghị trong bản điều trần số 17. Điểm thứ ba là ông Trần Chung Ngọc nêu ra điều sai lầm của một số sử gia lúc cho rằng, Nhật Bản canh tân được mà Việt Nam thì không vì triều đình nhà Nguyễn ngu muội hẹp hòi cố chấp. Theo ông Trần Chung Ngọc, lý do chính là vì Việt Nam lúc bấy giờ đã có quá nhiều những con nội trùng nên cũng khó canh tân, giả sử các đề nghị của ông Nguyễn Trường Tộ có giá trị.

Những sử liệu mà Trần Chung ngọc đưa ra, phần lớn là của các vị chức sắc cao cấp của Tòa thánh La Mã, và của các sử gia nước ngoài nên có lẽ khó lòng để bác bỏ luận điểm của ông.

Tuy nhiên, một trong cái sai lầm của Trần Chung Ngọc là đầu óc luôn luôn bị ám ảnh bởi một mô hình không mấy tốt đẹp về các tôn giáo Tây Phương, nhất là lúc tôn giáo này truyền qua các nước Á châu, mà có lẽ qua kinh nghiệm bản thân đã làm cho ông thiếu thiện cảm chăng? Và có lẽ vì ít nhiều thiếu thiện cảm nên đã làm mất bớt tính chất của một sử gia cần phải có lúc viết về nguyễn Trường Tộ.

Bài của ông Nguyễn Kha chiếm hết hơn 2/3 cuốn sách dài 190 trang gồm 2 trang thư mục. Với lối hành văn không mấy chải chuốt và không được suôn sẻ cho lắm, Nguyễn Kha đã dùng khá nhiều tài liệu mật của các viên chức cao cấp Pháp thời thuộc địa, để đánh giá tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ qua một số bản điều trần quan trọng mà ông Nguyễn Trường Tộ gởi cho triều đình Tự Đức.

Có lẽ không phải là một nhà văn chuyên nghiệp, nên bài ông Nguyễn Kha thiếu tính văn chương, nhưng cách trình bày từ tốn, văn phong lịch sự, lời lẽ thành thật nên cũng dễ chinh phục được độc giả. Một trong những điểm son của Nguyễn Kha là không kết luận Nguyễn Trường Tộ như thế nào mà chỉ gợi ý và đưa ra dữ kiện để độc giả tự tìm cho mình một kết luận (tr. 40, 91). Mặc dầu lời lẽ có tính khiêm tốn và không quyết đoán của Nguyễn Kha, nhưng đọc xong từng đoạn từng phần, hay trọn bài viết, độc giả cũng có thể kết luận: Nguyễn Trường Tộ là một tên đại Việt gian, và các bản điều trần của ông là một sự lừa dối hào nhoáng.

Tuy nhiên, cũng như Trần Chung Ngọc, Nguyễn Kha vẫn vướng vào cái bệnh là kéo tên các vị chức sắc cao cấp của Giáo hội Công giáo vào nên ít nhiều làm cho bài viết giảm bớt tính vô tư của một sử gia. Dẫu vậy, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, không dễ dàng để viết về Nguyễn Trường Tộ, dẫu có uyên thâm về sử học nhưng thiếu kiến thức về Thánh Kinh đạo Công giáo và không am tường đường lối của Tòa thánh Vatican, thì khó mà hiểu được bản chất đích thực của Nguyễn Trường Tộ qua các bản điều trần. Và có lẽ vì điều này mà từ trước đến nay hầu hết các sử gia ngay cả những vị lỗi lạc cũng đều lầm nên ca tụng Nguyễn Trường Tộ không tiếc lời.

Do đó, Nguyễn Kha có lý lúc trình bày hơi dài dòng về tên tuổi của các linh mục, giám mục người nước ngoài, kể cả nhiều giáo hoàng và đường lối của Vatican, vì Nguyễn Trường Tộ là một con tép trong cả một biển tôm? Cuốn Nguyễn Trường Tộ, thực chất con người và di thảo là một đóng góp lớn cho sự đánh giá lại các nhân vật lịch sử nước nhà, đặc biệt là về Nguyễn Trường Tộ, từ một con người hầu như được cả quốc dân ca tụng qua nhiều thập niên nay bị hạ xuống bùn đen quả là một việc làm không dễ, nếu không có sự đối chiếu từ nhiều góc độ khác nhau của lịch sử như Nguyễn Kha.

Phải chăng vẫn còn quá sớm để định vị trí cuốn Nguyễn Trường Tộ, thực chất con người và di thảo đối với nền sử học nước nhà, chúng ta nên chờ xem nhiều ý kiến của độc giả và các sử gia xem sao.

California, tháng 6/1998

(Trích từ tạp chí Giao Điểm số 31)

PHỤ LỤC 2:

ĐIỂM SÁCH

Phạm Văn Minh

Nguyễn Trường Tộ và vấn đề canh tân là cụm từ không mới. Khoảng 150 năm qua người dân Việt ít nhiều ai cũng, hoặc công khai qua ngòi bút hoặc âm thầm truyền khẩu, đều hiểu Nguyễn Trường Tộ như một nhà canh tân yêu nước có tầm nhìn vượt thời đại.

http://giaodiemonline.com/2011/06/images/ngtruongto01.jpg

Nhưng trong cuốn sách, “Nguyễn Trường Tộ và vấn đề canh tân” tác giả Bùi Kha, xuất bản năm 2011, do Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học phát hành, là một đánh giá LẠ và MỚI. Tác giả đã đảo ngược nhận thức từ trước đến giờ, một cách có phương pháp và hệ thống, với các bằng chứng qua sử liệu mà hầu như khó cho những ai muốn phản biện sự nghiên cứu của ông.

Với ngòi bút sắc bén lúc mềm dẻo như nước lặng lờ trôi lúc quyết liệt như sấm chớp cuồng phong, Bùi Kha đã đưa người đọc đi từ ngạc nhiên này đến thú vị khác để chứng minh được rằng cái gọi là “canh tân” qua những bản “Điều trần” của Nguyễn Trường Tộ chỉ là một sự lừa dối hào nhoáng, là một bức màn lúc ẩn lúc hiện của một tên nằm vùng cho quyền lợi của ngoại bang.

Sự phản biện này tạo một cú sốc không nhỏ trong văn học sử nước nhà và cho những ai viết sử thiếu thận trọng; nhầm lẫn, vì thiếu sử liệu, điểm phấn tô son cho Nguyễn trường Tộ, để đưa tên tuổi ông ta vào “Danh nhân Từ điển” hoặc đã từng đặt tên đường tên trường cho một người mà đúng ra nên lên án để làm gương cho hậu thế.

Tác phẩm của Bùi Kha là một đóng góp lớn cho sử học nước nhà để định vị cho đúng sự hy sinh của những người dân có công trong việc dựng nước và giữ nước, chứ không thể sai lầm sắp các tên Việt-gian ngang hàng với những anh hùng dân tộc. Đại đoàn kết dân tộc, một cụm từ hiện được một số người dùng để ngăn cản những công trình sử học chân chính, chẳng khác nào phủ nhận cuộc kháng chiến thần thánh vĩ đại của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp và ngoại bang.

Nhà xuất bản VĂN HỌC có một quyết định đúng đắn mang tầm thời đại là tôn trọng sự thực mà lịch sử đã “cho thấy là”, để xuất bản một tác phẫm đi ngược dòng nước, lội ngược dòng đời nhưng đúng với những gì mà chính sử liệu đã minh chứng.

Trung tâm Nghiên Cứu Quốc Học trong những năm qua cũng đã đóng góp rất ấn tượng cho nền sử học nước nhà, sau bao năm bị thực dân xuyên tạc lịch sử, bằng cách góp phần chỉnh lại cho đúng vị trí của một số nhân vật được ca tụng sai lầm như Alexandre de Rhodes, Trương Vĩnh Ký và Phan Thanh Giản, v.v..

Tác phẩm của Bùi Kha đã phá bỏ những lối mòn nghiên cứu, hoặc thiếu sử liệu, họặc cố tình lạc dẫn những biến cố lịch sử. Chỉ chừng nấy cũng đủ thấy tác phẩm này của Bùi Kha có giá trị đến mức nào. Xin trân trọng cám ơn tác giả và nhà Xuất bản VĂN HỌC.

Nhà Nghiên Cứu Quán Như Phạm Văn Minh

(http://giaodiemonline.com/2011/08/diemsach01.htm)

Trang Đối Thoại