Tuyển Tập II: NGUYỄN TRƯỜNG TỘ - 12 bài biện chính

Bùi Kha

http://sachhiem.net/BUIKHA/BuiKha31e.php

29-Aug-2016

Bài 5

NGUYỄN TRƯỜNG TỘ, NHÀ THIẾT KẾ VĨ ĐẠI

Bùi Kha trao đổi với Giáo sư Nguyễn Đình Chú

Tuần qua một người quen gởi đến tôi bài của Gs Nguyễn Đình Chú có tựa đề “Nguyễn Trường Tộ nhà thiết kế vĩ đại của đất nước ở thế kỷ XIX”*. Tôi thấy lạ, đến lúc này mà vẫn có một giáo sư viết như thế sao ? Dưới đây là vài phản biện của tôi dựa trên sử liệu để thấy việc viết sai của Gs Nguyễn Đình Chú.

  1. Gs Nguyễn Đình Chú đưa ra luận điểm Indépendent (độc lập) và Interdépendant (phụ thuộc lẫn nhau) để đưa đến kết luận, Nguyễn Trường Tộ chủ trương hòa với Pháp là tốt ; để cứu nước.

- Bùi Kha: Từ cách chơi chữ indépendent và interdépendant để ca tụng NTT lên tột trời mây, nhưng Gs NĐC không thấy sự mâu thuẩn nội tại và sai thực tế trong các bài viết của NTT.

Thật vậy,  NTT trong bài chiêu dụ “Thiên hạ đại thế luận” (THĐTL) viết vào khoảng tháng 3-4 năm 1863, ông thúc dục triều đình nên hòa “đậm nét” hơn để đất nước không còn có thể ngóc đầu lên nỗi về sau. Ông hăm dọa:

 “Nay các nước phương Tây, đã bao chiếm từ Tây Nam cho đến Đông Bắc,...ở đâu thuận với họ thì phúc, chỗ nào trái với họ thì họa, ai hòa với họ thì được yên,…”. Ông tiếp: “Huống hồ nước Việt Nam ta là một nước nhỏ bé, tại sao lại muốn trái đạo trời mà làm những việc thiên hạ khó làm được” (Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ con người và di thảo (NTTCNVDT), NXB TP HCM 1988, tr.107)…Ông tiếp, “Tôi thường nghiên cứu sự thế trong thiên hạ mà biết rằng hòa với Pháp là thượng sách.”  (THĐTL, sđd, tr.108).

Rồi ông lại khuyên “Nên cho quân lính nghĩ ngơi ...để họ (Pháp) giữ bờ cõi cho mình, như có hổ báo trong rừng thì chồn cáo không dám bén mảng tới.” (TBC, sđd tr.111).

Xin hỏi Gs Nguyễn Đình Chú (NĐC) giải pháp hòa cuả NTT có cứu được nước không? Thực tế thì triều đình nhà Nguyễn đã hòa từ lâu. Nhưng kết quả của việc hòa với Pháp như thế nào? Chính NTT, chứ không phải người nào khác, đã cho thấy: “Hiện nay quân Pháp đã chỉnh cư thành Gia Định và các phủ huyện thuộc hạt, họ đào kinh đắp lũy trù kế lâu dài để tỏ ra không chịu đi, như hổ đã về rừng rồng đã xuống biển…”(TBC, NTTCNVDT, tr.108). Vì hòa mà Việt Nam mất từ ba tỉnh miền Tây, rồi ba tỉnh miền Đông và cuối cùng mất hết toàn vẹn lãnh thổ!

  1. Gs NĐC viết: “Với Nguyễn Trường Tộ là Interdépendant nhưng vẫn Indépendant. Mà Indépendant không vũ trang bạo động nhưng khi cần vẫn có vũ trang bạo động ít ra là trong ý đồ”.

- Bùi Kha: Gs NĐC hầu như đang nằm mơ? Cũng trong bài Thiên hạ đại thế luận mà ông có đọc, NTT đã kêu gọi cho lính nghỉ ngơi thì vũ trang như thế nào? Đó là chưa nói đến sự thế mỗi khi triều đình đã cho lính nghỉ ngơi thì những kẻ cướp bóc tự do lộng hành, cướp của giết người. Bên ngoài giặc Pháp bên trong côn đồ du đảng. Hai mặt giáp công. Một nhà “thiết kế vĩ đại” là thế mà vẫn có người ca tụng !

Thực ra, NTT là một người Pháp tay trong, ông biết rõ số phận nguy kịch của quân đội viễn chinh nên NTT ra tay cứu vớt, bằng cách kêu gọi triều đình cho lính nghỉ ngơi; còn tệ hơn là đầu hàng.

Tình trạng quân Pháp đang kiệt lực muốn bỏ về nước, đó là điều mà NTT không bao giờ muốn (xin xem thêm Bùi Kha, « Nguyễn Trường Tộ và vấn để chủ hòa », Hồn Việt số 30, tháng 12.2009). Ở đây chỉ đơn cử một trong nhiều sử liệu cho thấy điều đó: Trước tình hình nguy ngập, ngày 8-4-1859 một chỉ thị khác của Bộ Hải Quân và Thuộc Địa gởi cho Đô đốc R. de Genouilly, tôi dẫn lại như sau:

“…Vì thế Hoàng Thượng tin cậy ở kinh nghiệm và sự sáng suốt của Ông trong mọi quyết định, với lực lượng dưới quyền Ông điều khiển, có nên theo đuổi việc thiết lập nền bảo hộ trên Vương quốc An Nam không; hay chỉ nên cưỡng bức Chính phủ họ, nhờ vào việc chiếm đóng Đà nẵng và nhiều cứ điểm khác mà Ông đã chiếm hay sẽ chiếm được. Cùng với việc phong tỏa một hay nhiều cảng ở Nam Kỳ để đi đến sự ký kết một hiệp ước trên nền tảng kế hoạch 25-11-1857; hay cuối cùng là chúng ta đành bỏ các vị trí mà chúng ta chiếm đóng và từ bỏ hẳn mọi mưu toan rõ ràng ngoài tầm các phương tiện hoạt động mà Ông có.

Nguyên văn tiếng Pháp :  “Sa Majesté s'en rapporte donc à votre expérience et à votre sagacité pour décider si avec les forces placées sous votre commandement, il convient de poursuivre l'établissement de notre protectorat sur l'Empire annamite; s'il est préférable de se borner à peser sur son gouvernement par l'occupation de Tourane et de tels autres points dont vous avez pu ou  vous emparer, ainsi que par le blocus d'un ou de plusieurs ports de Cochinchine, pour arriver à conclure un traité sur les bases du projet du 25 Novembre 1857; ou enfin s'il faut nous résigner à abandonner les positions que nous occupons et à renoncer complètement à une entreprise, décidément hors de proportion avec les moyens d'action dont vous disposer”. (Instruction du Ministre de la Marine et des Colonies 8-4-1859, Archives Nationales, Fonds Marine, BB4 1045).

Tâm chất và kiến thức như thế mà cũng được Gs NĐC ca tụng: “Nguyễn Trường Tộ quả là một người theo đạo Thiên chúa hết lòng hết dạ với giống nòi và rất tự tin vào sự hiểu biết, vào “tài ứng dụng với đời” của mình”.

3. Nguyễn Đình Chú viết: “Ông là người đã sống trọn với chữ Nhẫn theo ý nghĩa chân chính nhất của nó, nhằm vượt qua những sự mè nheo của thế gian để đạt tới lẽ sống cao cả của mình”.

- Bùi Kha : Nhưng Gs NĐC lại không biết NTT chung sống với tên tình báo Gauthier đến 20 năm. Chẳng lẽ NTT lại không biết đó là tên tình báo. Vậy thì ông thông minh chỗ nào?

4. Nguyễn Đình Chú tiếp tục ca: “Cũng qua các bản điều trần, thấy ông hiểu phương Tây một cách khá toàn diện, không chỉ trên phương diện chính trị, xã hội mà cả các chuyên ngành khoa học, kỹ thuật, hiện đại từ chuyện lớn vĩ mô, đến chuyện vi mô cụ thể, ở thời đại của ông, không một người Việt Nam nào lại hiểu biết tình hình thế giới, khu vực được như ông”.

 - Bùi Kha: Gs NĐC viết đại như thế nhưng không thấy dẫn sử liệu. Dưới đây là vài sự kiện lịch sử :

- Về phương diện chính trị và tình hình thế giới: thì NTT phạm vô số sai lầm có hậu ý trong bài “Thiên hạ đại thế luận” và nhiều bài khác, khuyên cho lính nghỉ ngơi, … để thực dân Pháp khỏi rút về, là một trong vô số bằng chứng.

- Hiểu xã hội Tây phương: có thể đúng vì đi nước ngoài nhiều lần và sống với ông tình báo Pháp, Gauthier, đến 20 năm.

- Hiểu khoa học kỹ thuật như thế nào?  Ông NĐC nên xem cuốn Tôn Ngô Binh Pháp rồi đối chiếu với các đề nghị cải cách võ bị của NTT thì sẽ rõ (hoặc xem Bùi Kha “Ý kiến về bài: Nguyễn Trường Tộ với khát vọng canh tân” www.Honvietquochoc.com.vn  tháng 2.2010. Ông NĐC không đọc sử gì cả mà cứ viết như kiểu thầy bói!

5. Nguyễn Đình Chú: “Nguyễn Trường Tộ cũng là người có một khả năng tư duy đột khởi, hiếm lạ so với tầng lớp đại nho, đại thức đương thời,… Có khả năng tư duy nắm bắt những vấn đề vĩ mô, khái quát, chiến lược mà vẫn không xa rời những điều vĩ mô, cụ thể, chiến thuật. Ví dụ: bàn “Về việc tổ chức cho sứ bộ đi Pháp” (Di thảo số 32 ngày 12.3.1868) là đụng đến một đại sự của quốc gia mà không quên dặn “Sứ bộ ta đi Tây lần này, cách ăn ở, hễ đến đâu, phải làm như thế nào, tôi sẽ nói trước với quan chính sứ, bàn bạc phải chăng, tạm theo tục họ, để tránh sự chê cười. Còn như áo quần, đồ dùng cần phải tề chỉnh sạch sẽ…”

 - Bùi Kha : Gs Nguyễn Đình Chú làm như vua quan triều Nguyễn là những trẻ con không hề biết gì cả. Thực tế, họ đã từng đi sứ Trung Quốc nhiều lần và đi Pháp lần này không phải là lần đầu tiên. Đành rằng, tư cách, ăn ở cũng cẩn thận để tránh mất thể diện quốc gia, nhưng việc cần nhất là làm thế nào để đạt được mục đích trong sứ mạng đã được nhà vua tin tưởng giao phó. Do đó, nếu quả thật NTT có “đại thức” như NĐC ca tụng thì nên cố vấn cho phái bộ làm thế nào để đạt mục đích có lợi cho Việt Nam.

Trên phương diện ngoại giao, nếu mình mạnh thì người ta đến với mình mà mình không cần đến với người ta. Nhưng rất bất hạnh là NTT đã khuyên cho lính nghỉ ngơi để Pháp giữ bờ cõi cho mình. Nhưng chúng ta không thấy Pháp giữ bờ cõi cho ta, ngược lại, Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông (1862), rồi 3 tỉnh miền Tây (1867) (và cuối cùng chiếm trọn cả nước!). Như thế giải pháp hòa của NTT (1863) là yếu tố chính, nếu không nói là yếu tố duy nhất, làm cho đất nước kiệt quệ. Đã vậy, không biết ngượng, không biết hối hận, không biết tội bán nước, còn bày đặt khuyên phái bộ nên ăn mặc như thế nào lúc đi Pháp (1868); làm như mình là người yêu nước đến chi tiết như thế. Nhà thiết kế vĩ đại, mà Gs Nguyễn Đình Chú ca tụng, là thế đó!

6. Nguyễn Đình Chú: “Đọc lại di thảo của Nguyễn Trường Tộ, ta thấy rõ năng lực tư duy này. Ví như trong Tám việc cần làm gấp, (Tế cấp bát điều), bàn chuyện xây nhà ở kinh thành, phải xây gạch lợp ngói. Thì trong ý nghĩ của ông không chỉ là chuyện để có nhà ở mà còn là chuyện “phải xắp xếp lại phương hướng cho hợp với binh pháp. Như vậy mới có ích lợi lớn…”

- Bùi Kha : Gs NĐC đã không để ý rằng NTT viết bài Tế cấp bát điều ngày 15.11.1867, lúc 6 tỉnh Nam kỳ đã bị Pháp chiếm đóng. Cái họa này chưa biết làm sao gở? Sao lại bàn chuyện nhà trong kinh thành phải xây gạch lợp ngói? Thực tế, Kinh đô nhà Nguyễn đã xây gạch lợp ngói từ lâu, ít nhất là từ năm 1802 lúc Gia Long lên ngôi. Tức là 65 năm trước lúc NTT viết bài Tế cấp bát điều, và những ngôi nhà ấy vẫn tồn tại đến ngày nay. Do đó Gs NĐC nên cẩn thận trong lúc ca tụng sai lầm, tránh mất thì giờ của độc giả.

Image result for Hình Thanh Nội Huế ?

Một phần của Thành Nội Huế, xưa

7. Nguyễn Đình Chú lại ca tụng NTT về việc đề nghị “sửa sang cương giới”. Gs nên đọc Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, cuốn 2, Bộ giáo dục Trung tâm học liệu xuất bản, 1971, nhà XB Đại Nam Hoa Kỳ in lại. Rất đáng tiếc là Gs NĐC viết sử mà không đọc sử, viết theo ý riêng của mình.

8. Nguyễn Đình Chú:Bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ” (Thiên hạ đại thế luận), ông đã dựa vào triết lý về chữ Thế để mở đầu cho sự lập luận: “Trộm nghĩ việc trong thiên hạ chỉ có “Thế” mà thôi. Chỉ “Thế” là nói bao gồm cả thiên thời, nhân sự cho nên, người biết rõ “Thế” thì không trái trời, không mất thời, không hại người, không hỏng việc.”

    -Bùi Kha: Gs NĐC lại nhắm mắt ca tụng vô tội vạ mà không biết ông NTT luận về chữ thế với dụng tâm gì?  Gs nên đọc toàn bài Thiên hạ đại thế luận, ít nhất là đọc các trang 107,108 & 111 (TBC, Sđd) để thấy nhà thuyết khách cho Pháp, NTT, chỉ nhắm một mục đích duy nhất là khuyên triều đình và con dân Việt Nam nên bỏ súng xuống và hợp tác với Pháp. NTT dùng những chiêu lúc thì hăm dọa, lúc thì năn nỉ:

Ngày nay các nước phương Tây, đã bao chiếm suốt từ Tây Nam cho đến Đông Bắc, toàn lãnh thổ châu Phi…đến Mông cỗ, Mãn châu…ở đâu thuận với họ thì phúc, chỗ nào trái với họ thì họa…Huống hồ nước Việt ta là một nước bé nhỏ, tại sao lại muốn trái đạo trời mà làm những việc khó làm được?” (sđd, tr.107)… “Tôi thường nghiên cứu sự thế trong thiên hạ mà biết hòa với Pháp là thượng sách…không hòa mà chiến, khác nào cứu lửa đổ thêm dầu…(tr.108)…“Theo cách ngày nay, để lính nghỉ ngơi…để họ giữ bời cỏi cho mình…Thế nhượng một tấc đất mà nhân dân lợi vô cùng. Như thế chẳng phải là làm việc chung cho thiên hạ đó sao? Người xưa cũng làm như thế thôi. Không thể bỏ cách đó mà theo mưu khác được” (tr.111).

Rất nhiều những lập luận tương tự như thế để đạt được sự hòa hợp với Pháp 100%. Tại sao NTT làm thế? Như đoạn trên đã dẫn hai sử liệu trong nhiều bằng chứng cho thấy quân Pháp muốn rút khỏi Việt Nam vì không thể đương đầu với một trận đánh mà họ thừa nhận là: “Cuộc chiến tranh chống lại vương quốc An Nam còn khó hơn là cuộc chiến tranh chống lại Thiên triều” (Xin xem thêm, Bùi Kha, Nguyễn Trường Tộ với vấn đề chủ hòa, Hồn Việt, TP HCN, số 30, tháng 12. 2009).

Gs NĐC cũng nên lưu ý rằng việc chống lại quân Pháp là phong trào nhân dân, chứ triều đình thì đã hòa từ lâu. Vì hòa nên bị Pháp dần dà chiếm hết tỉnh này đến tỉnh khác. Người khuyên sai lầm có hậu ý như thế có nên nhốt vào ngục không? Hay nhắm mắt ca tụng vô tội vạ như Gs NĐC?

9. Nguyễn Đình Chú: lại nhắc đến bài “Giáo môn luận” của NTT để ca tụng tùy tiện. Xin hỏi là Gs NĐC có biết NTT viết gì trong Giáo Môn Luận không? Và trong THĐTL (Thiên hạ đại thế luận) chúng ta cũng thấy NTT viết sai có hậu ý. Ông viết “Còn như giáo sĩ thì họ chỉ lấy việc mở rộng đạo giáo chống lại gian tà làm trách nhiệm, chẳng liên quan gì đến việc tranh thành tranh đất cả” (TBC, tr.111).

Để tránh dị ứng, tôi lặp lại một số nhận xét của các Đô đốc Pháp để thấy những ý kiến và lập luận của NTT trong GML và trong THĐTL là hoàn toàn sai lầm, chỉ có lợi cho Pháp mà thôi.

a. Đô đốc Rigault de Genouilly than phiền về các giáo sĩ Pháp :

 “Không một nền cai trị nào, dù là phục vụ cho đạo Công Giáo, lại có thể dung thứ cho sự xâm phạm thường xuyên và ngu xuẩn vào các vấn đề chính trị, dân sự, và quân sự vốn không được và không phải thuộc quyền hạn của họ (các giáo sĩ, BK). Nếu cũng vì những yếu tố buộc tội đó mà Giám mục Pellerin bị nhà cầm quyền An Nam trục xuất thì báo chí của người truyền đạo lại kêu la om sòm là họ bị bạo hành”.

(Fut - elle au service de l'intérêt chrétien, ne pouvait tolérer leur intrusion permanente et insolente dans les affaires politiques, civiles et militaires qui ne sont et ne doivent pas être de leur ressorts. Si l'expulsion du Mgr Pellerin avait été prononcée, pour les mêmes chefs d'accusation, par une autorité Vietnamienne, la presse des missionnaires aurait crié partout persécution. (CHT “Christianisme et colonialism au Vietnam 1857-1914”, Paris France, 1968, ronéo copy. Correspondance, 29.1.1859, p.113).   

b. Một đoạn trong mật thư, ngày 24.7.1862, Đô đốc Bonard gởi cho Chasseloup Laubat như sau:

“Ai (các giáo sĩ, BK) cũng ôm ấp lý tưởng trở lại thời kỳ mà Giám mục Bá Đa Lộc được xem như ông vua thực sự của xứ An Nam, thời kỳ mà mọi việc chỉ có thể được thực hiện theo lời khuyến cáo của ông giám mục này, hoặc được ông cho phép. Để đạt mục đích đó, các nhà truyền giáo đã dùng kế hoạch sau đây: nếu những ai nối vị vua Gia Long mà không theo ý của các ông giáo sĩ, thì họ sẽ tìm cách phủ nhận tính chính thống của vua này, và khi lật đổ được triều đình hiện tại thì sẽ bầu lên một ông vua khác theo ý họ.””

Nguyên văn tiếng Pháp:

"Tous caressent l'idée de revenir au temp où l'Évêque d'Adran était le véritable souverain du royaume d'Annam, temps où rien ne se faisait que par ses conseils ou sa permission. Pour parvenir à ce but voici quels moyens ils ont employés: les unes et les autres, ne trouvant pas que les successeurs de la dynastie de Gia Long obtempérassent assez à leurs désirs, ont contesté la légitimité de ceux-ci et ont cherché à mettre en avant un candidat qui, s'il renversait la dynastie régnante, leur offrit plus de garanties pour arriver à leurs fins”. (Archives du Ministère des Affaires Étrangères, Asie, Mémoires et Documents, Vol, 28, Fol.85 - 88, p. 150).

c. Một đoạn khác trong thư đó viết về hành động của các giáo sĩ dòng Đô-Mi-Níc người Tây Ban Nha:

 “Còn tu sĩ dòng Dominique Tây Ban Nha thường chiếm cứ nhiều vùng miền Thượng Du Bắc Việt, họ lại còn bất trị hơn: hăng hái và quá cuồng tín, đa số trong bọn này phát xuất từ các đoàn du kích và phe Carlistes, họ rời bỏ Tây Ban Nha và sẵn sàng mang gươm, súng và thánh giá chữ thập dốc toàn lực tham dự vào các cuộc nổi loạn gây tai họa cho xứ Bắc Kỳ.””

Nguyên văn tiếng Pháp:

(Quant aux Dominicains espagnols qui occupent généralement le haut Tonkin ils sont beaucoup plus ingouvernables: ardents et fanatiques au dernier degré, un assez grand nombre d'entre eux sortant des bandes de guérillas et de carlistes ayant abandonné l'Espagne portent assez volontiers le sabre et le mousquet avec la croix et sont mêlés, et de coeur et le de corps, aux révoltes qui affligent le Tonkin (CHT, p. 152).

10. Nguyễn Đình Chú: Về “Bổ túc kế hoạch đánh úp Gia định”, Gs NĐC nên đọc Hồn Việt số 33 để tránh viết sai. Riêng đoạn ông ca tụng: “Cuối cùng việc chuẩn bị hoàn thành thì chuyển sang kế hoạch đánh úp, trước hết bằng cách nhân đêm khởi sự: phá đê ngăn nước để “Các thuyền Tây ở mặt dưới không kể lớn nhỏ đều bị chìm hoặc vùi xuống dưới bùn, hoặc trôi xuống ngã ba mà tan rã hết”.

- Bùi Kha: Gs NĐC cứ ca tụng NTT một chiều như vậy thật hết sức phi lý. Thời Bấy giờ và ngay cả thời Bây giờ, ở miền Nam có con đê nào không? Để NTT phá đê cho nước chảy. Giả thiết có đê, thì chương trình di dân như thế nào? Còn không dân trong vùng bị chết hết. Nhà cữa, ruộng lúa, hoa mầu như thế nào? Và lực lượng nào để phá đê? Lính thì NTT đề nghị cho nghỉ ngơi từ lâu rồi, và chưa có cuộc tổng động viên nào thì đưa cùi chõ đánh mà đánh với Pháp? Như thế, chỉ một mình NT cầm cuốc cán tre đi phá đê! Thế mà cũng được ca tụng. Hết chỗ chê nhĩ?

Cũng thế, bài “Ngôi vua là qúy chức quan là trọng” được viết lúc NTT bị triều đình nghi ngờ nên ông viết để tâng bốc chứ chẳng phải “Nguyễn Trường Tộ muốn có một chế độ Phong kiến trên chữ hòa” như Gs NĐC ca tụng không có cơ sở.

11. Nguyễn Đình Chú: Bang giao với Vatican: Trong chiêu dụ “Lục lợi từ” (Gs NĐC nên xem Hồn Việt số 31, tháng 1, 2010).     

Riêng việc NTT đề nghị bang giao với Vatican, thì sau đây là một số cạm bẩy nên tránh.

Thông hiếu với Giáo Hoàng: là chủ đích chính trong bài Lục lợi từ của Nguyễn Trường Tộ.

Một người “thông minh” như Nguyễn Trường Tộ tự khoe, chắc chắn ông đã biết rõ việc Pháp chiếm Việt Nam là do Giáo Đoàn Hải Ngoại Pháp và Y Pha Nho, mà chỉ thị hoặc ít ra là đã được Giáo- hoàng khuyến khích và đồng ý, vài sử liệu sau đây cho thấy điều đó.

a.- Giáo sĩ A. de Rhodes (tên Việt Nam là Đắc Lộ). Sau khi hôn chân Giáo hoàng và từ giã Roma ngày 11-9-1652 để đi Pháp vận động chính phủ Pháp chiếm Việt Nam.

Chúng ta nên để ý rằng giáo hội Công giáo là một tổ chức theo đẳng cấp tuyệt đối. Giáo Hoàng là người đại diện Chúa ở trần gian, và có tất cả quyền hành của một giáo chủ. Do đó, chúng ta hiểu rằng A. de Rhodes đã được Giáo hoàng đồng ý và cho phép qua Pháp vận động triều đình đánh chiếm Việt Nam.

b.- Gần hơn, cùng thời với Nguyễn Trường Tộ, chúng ta có thêm chi tiết sau đây:

"Bí thư của phái đoàn Pháp ở Trung Quốc, theo lệnh của Hoàng đế muốn tập trung tài liệu về các phái bộ truyền giáo ở Đông Dương, đã tiếp xúc với các đại diện Giáo Hoàng ở Thái Lan, Việt Nam và Kampuchia. Căn cứ vào các tin tức do những người này cung cấp, chính phủ Pháp đã quyết định phái Montigny thực hiện sứ mệnh trong vùng này. Nhưng đây là các vận động được hỗ trợ bằng sự can thiệp của các nhân vật quan trọng như Tổng Giám Mục Bonnechose ở Rouen và của chính Hoàng Hậu, bà này đã thuyết phục được vua, dù lúc đó vua không có kế hoạch thực dân nào rõ rệt. Các vận động này được thực hiện bởi hai người truyền giáo: Linh Mục Huc, hội viên Hội thánh Lazare, cựu đại diện Giáo Hoàng ở Trung Quốc, tác giả cuốn“Đạo Thiên Chúa ở Trung Quốc, Tartarie và Tây Tạng cùng nhiều tác phẩm khác về Trung Hoa, và Giám mục Pellerin đại diện Giáo Hoàng tại Bắc Nam Kỳ”.

Nguyên văn tiếng Pháp:

En 1855, de Courcy, secrétaire de la légation de France en Chine…, (Theo SĐD, trang 65 & 66). Tôi bỏ phần tiếng Pháp để giảm số trang.

c.- Linh Mục Huc và đặc biệt là Giám mục Pellerin vận động ráo riết với triều đình Pháp, ông trình bày với ủy ban thuộc địa, và sau ngày 21-5-1857, ông được vua Napoléon tiếp kiến. Đến tháng 11-1857 ông đi Rôma và được Giáo Hoàng Pie IX tán thành đường lối của ông. Dưới đây là sử liệu về vấn đề này:

Đến Pháp vào đầu tháng 5, ngày 16-5 ông trình bày trước Ủy ban và ngày 21-5 trao cho họ một bản trần tình chi tiết trước khi được Napoléon III tiếp kiến. Giám mục đã cho chúng ta thấy vài chỉ dẫn đáng lưu ý về cuộc hội kiến trong một bức thư gửi cho một người truyền giáo tại Tây Tạng: Nhà vua đã tiếp tôi rất niềm nở và còn ban cấp cho tôi nhiều hơn những điều tôi xin. Hoàng thượng hết sức sẵn lòng giúp đỡ các phái bộ và ý ngài muốn rằng các nhà truyền giáo Pháp phải được tự do khắp nơi, cần phải cầu nguyện Thượng Đế giữ lại người của Chúa ở lại trên ngôi. Các phái bộ của Ngài, ở Cao Ly, Nhật Bản, cũng sắp được tự do nay mai, phải hy vọng điều đó. Nước Pháp sẽ đứng vững tại các xứ đó và rồi sẽ không còn có sự đàn áp nữa”.

Nhưng sự việc hình như cứ kéo dài mãi, giám mục sốt ruột thấy là nên nhắc lại vấn đề với Napoléon III. Xin Chúa thượng, người ta đọc trong thư đề ngày 30-8-1857 của ông. Cho phép thần lại nói đến các người mới theo đạo khốn khổ ở xứ Cochinchine và các nhà truyền giáo ở nước An Nam, hiện giờ máu họ đang đổ và tình cảnh họ còn kinh khủng hơn từ cuộc vận động sau chót của nước Pháp. Nếu bây giờ người ta vẫn không làm gì cho bọn thần cả, e rằng đạo Thiên Chúa bị tận diệt ở tại các vùng hình như sẵn sàng tiếp đón lợi ích của đạo Thiên Chúa và nền văn minh. Thần đến xin Chúa Thượng đừng bỏ rơi bọn thần. Điều bệ hạ làm cho bọn thần sẽ khiến cho ân phúc cuả Chúa ban xuống cho bệ hạ và triều đại huy hoàng của bệ hạ...”

Kế đến tháng 11, Giám mục Pellerin đi Rôma, Giáo Hoàng Pie IX tán thành các vận động để giúp đỡ cho các phái bộ truyền giáo."

(SĐD, trang 67 & 68).

Qua một tài liệu khác, chúng ta cũng thấy vai trò quan trọng của Giám mục Pellerin trong việc vận động Pháp xâm lăng nước ta. Và đã được Giáo hoàng La Mã Pie IX chấp thuận:

 “Lợi dụng lý do truyền giáo, cấm đạo tại Việt Nam, thực dân Pháp qua trung gian Giám mục Pellerin đã đệ trình đề án kế hoạch xâm lược Việt Nam lên Giáo hoàng Pie IX và đã được La Mã chấp thuận”. (Xem A. Delvaux, Mgr. Pellerin, Nazattreth, Hồng Kông, 1937, tr. 54, nguyên văn: (Une des facteurs qui influèrent favorablement sur la mise en campagne de l'expédition de Cochinchine fut l'avis favorable de Pie IX qui avait approuvé pleinement les démarches de Mgr Pellerin lors de son voyage à Rome” (Phần tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, trích trong cuốn Phong Trào Nghĩa Hội Quảng Nam, tác giả Nguyễn Sinh Duy, nhà xuất bản Đà Nẵng, 1996).

Đến đây, có lẽ không ai có thể phủ bác được vai trò của nhiều Giáo Hoàng La Mã trong việc tán thành và hỗ trợ các vận động để Pháp xâm lăng Việt Nam ngay từ thời Linh mục A-lê-xăng-đờ-rốt, 1652. Thế mà nhà "thông thái” giáo sĩ Nguyễn Trường Tộ lại viết bản Điều Trần khuyên triều đình vua Tự Đức qua La Mã vận động Giáo Hoàng giúp là một trong những kế sách giúp Pháp cai trị và đồng hóa dân tộc ta dễ dàng hơn. Bất hạnh thay, âm mưu bán nước hại dân lại được thêm một giáo sư đại học ca tụng không tiếc lời. Đó là ông Nguyễn Đình Chú.

Kết luận :

Bài viết của Gs Nguyễn Đình Chú dài đến gần 11 ngàn chữ. Đưa ra những lập luận không có sử liệu nên phần lớn sai, vô nghĩa, làm cho độc giả mất thì giờ.

Nếu cho rằng “Nguyễn Trường Tộ nhà thiết kế vĩ đại của đất nước ở thế kỷ XIX” thì sau đây là một số “thiết kế vĩ đại” của ông mà chúng ta có thể nhận diện:

-Thiết kế 1: Việc Pháp chiếm Việt Nam là do Thượng đế an bày nên không chống lại được, NTT viết thế trong THĐTL.

-Thiết kế 2: Qua những lý luận cong quẹo sai lầm trong bài Thiên hạ đại thế luận, và nhiều bài khác, với mục đích đưa dân tộc ta vào tròng đô hộ của Pháp gần 100 năm. Nếu triều đình và toàn dân không bỏ súng và cho lính nghỉ ngơi (như NTT “cố vấn”) thì thực dân đã cuốn gói về nước ngay từ đầu, năm1859, và cơ hội thứ hai là lúc Pháp thua Phổ, năm 1870.

-Thiết kế 3: Hòa cho bằng được để thực dân Pháp khỏi đỗ máu trong việc xâm lược nước ta.

-Thiết kế 4: Lộng giả thành chơn, núp sau bức màn canh tân và cùng với ông tình báo Gauthier viết thư dối gạt triều đình.

-Thiết kế 5: Đề nghị dùng các ông Linh mục Việt gian vào việc canh tân. Và ông Lm Nguyễn Hoằng đã làm đến chức Hường Lô tự Khanh coi Cơ mật viện triều vua bù nhìn Đồng Khánh.

-Thiết kế 6: Núp bóng từ thiện để đưa các linh mục, bà xơ đến mỗi tỉnh điều hành viện dục anh và trại tế bần. Họ sẽ đổi đạo dân chúng trong vùng. Sau đó hô hào một cuộc tổng nổi dậy.

-Thiết kế 7: Lúc Pháp thua Phổ năm 1870, Pháp không có chính phủ, quân viễn chinh tại Nam kỳ mất tinh thần. Đó là cơ hội nghìn năm một thuở để đuổi Pháp về nước, nhưng NTT khuyên triều đình phải đợi 2 năm sau mới đánh. Hai năm sau, Pháp đã có chính phủ mới, quân Pháp đã củng cố lực lượng nên họ chỉ cần 167 (?) người lính mà cũng có thể chiếm được tỉnh Ninh Bình.

-Thiết kế 8: Đưa những tin sai lầm và núp dưới chiêu bài tín ngưỡng để Cơ đốc hóa nước ta, nhằm giúp Pháp dễ đồng hóa dân tộc Việt dễ dàng hơn.

-Thiết kế 9: Phỉnh gạt triều đình vụ mở trường kỹ thuật tại Huế.

-Thiết kế 10: Từ hành động cùng với các giáo sĩ Pháp đến cửa Mành sơn Đà nẳng (16.10.1858) làm reo để áp lực quân Pháp đánh chiếm Huế cho chóng dứt điểm, làm thư ký cho Tổng hành dinh quân viễn chinh Pháp để mở rộng vòng chiếm đóng tại Sài gòn (1861), đến việc ăn ở với một ông tình báo Pháp (Gauthier) đến 20 năm.

Dẫu ai cố tìm mọi cách để điểm phấn tô son cho NTT thì cũng khó biện giải 10 “thiết kế” mà tôi vừa nêu, nhất là hành động vai kề vai lòng cạnh lòng với một ông tình báo nước ngoài liên tục suốt 20 năm như thế.  

Đó là 10 trong số rất nhiều “thiết kế vĩ đại” của NTT được Gs Nguyễn Đình Chú bỏ công ca tụng. Thật đáng tiếc.

Nhưng để công bằng, chúng ta cũng thừa nhận rằng NTT cũng có một số ý kiến hay như trong 3 bài: Thảo Thư gởi Tây soái, Về việc cải cách phong tục, Về việc chỉnh đốn quân đội và quốc phòng. Nhưng rất tiếc, đó chỉ là một hạt gạo trong cả núi sỏi đá mà ông NTT đã âm mưu vấy vạ cho dân tộc. Giả thiết ông không có ý đồ xấu, nhưng ông phải hoàn toàn chịu trách nhiệm các ý kiến và hành động sai lầm có hậu ý của ông ta.

Bùi Kha,

22.4.2010

_____________________

* Hình như bài này đăng trên Việt study tháng 2. 2010; một website tôn giáo.

** Tôi có 6 tài liệu mật cho thấy Gauthier là một tên tình báo gộc. Có thể xem trên tạp chí Hồn Việt các số 30,31 và 34, hoặc xem bài Bùi Kha đối luận với ông Thanh Hải bên trên. Xem link

Trang Đối Thoại