VIỆT NAM ĐỆ NHẤT CỘNG HÒA TOÀN THƯ

Nguyễn Mạnh Quang

http://sachhiem.net/NMQ/VNCHTT/NMQ06.php

14-Apr-2018

0   1  2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22

CHƯƠNG 6

Phải Tìm Ra Đâu Là Sự Thật - Trường hợp Vua Minh Mạng

Ngay khi vua Minh Mạng vừa lên cầm quyền thì các nhà truyền giáo của Giáo Hội La Mã liền chĩa mũi dùi chính nhắm thẳng vào vua Minh Mạng và triều đình Huế để bêu riếu, sỉ vả, làm nhục và lên án đủ điều. Việc này được Linh-mục Phan Phát Huồn trình bầy đầy đủ trong bộ sách Việt Nam Giáo Sử của ông. Linh-mục Phan Phát Huồn gọi vua Minh Mạng là ”bạo chúa” và viết rằng nhà vua đã ”ăn ở với chị dâu” (vợ Hoàng Tử Cảnh) đến mang thai rồi giết cả hai mẹ con. Đây là vụ án lịch sử mà chúng tôi đưa ra làm đề tài trong gương sách này.
 

VUA MINH MẠNG: MINH QUÂN HAY BẠO CHÚA?

Để có được  lời giải đáp chính xác cho câu hỏi trên đây, chúng ta hãy đặt ra từng một câu hỏi như sau:

1.- Vua Minh Mạng có phải là một bạo chúa như các nhà truyền giáo và bọn sử nô tay sai của Giáo Hội La Mã thường rêu rao hay không?
2.- Có phải ”Vua Minh Mạng đã ăn ở với chị dâu, thế rồi vợ Hoàng Tử Cảnh, goá chồng mà lại có thai hay không”?... Và có phải “loạn Lê Văn Khôi là cách mạng” như ông Linh-mục Phan Phát Huồn đã viết trong bộ Việt Nam Giáo Sử của ông ta hay không?
3.- Tại sao bọn sử nô của Giáo Hội La Mã và bạo quyền Gia-tô Ngô Đình Diệm lại không đả động gì đến việc các Giáo Hội La Mã ban hành các sắc lệnh vào những năm 1436,  1452, 1454,  1456, và 1481 và 1493 ra lệnh cho tín đồ của Giáo Hội có nghĩa vụ đem quân đi cướp nước người ta rồi dùng bạo lực để cưỡng ép các dân tộc bản địa phải theo đạo.
4.- Tại sao bọn sử nô, tay sai của Giáo Hội La Mã lại không nói gì về sự liên hệ khắng khít giữa các nhà truyền giáo tại Việt Nam và ở Thái Lan với Lê Văn Khôi, và cũng không nói gì đến những đồng đảng của Lê Văn Khôi là những người tín đồ Gia-tô?
5.- Tại sao ông Linh-mục Phan Phát Huồn lại gọi loạn Lê Văn Khôi làcách mạng và bọn đồng đảng của Lê Văn Khôi là các đồng chí?”

Chúng ta hãy đem những đoạn văn do Linh Mục Phan Phát Huồn viết về loạn Lê Văn Khôi và về vua Minh Mạng để đối chiếu với những đoạn văn do các sử gia khác cũng viết về loạn Văn Khôi và về vua Minh Mạng để tìm ra xem đâu là sự thật. Linh-mục Phan Phát Huồn viết:

Trong những người ấy có Lê Văn Khôi trước kia tên là Nguyễn Hữu Khôi, người ở Cao Bằng, nhân có khởi binh làm loạn, quân hoàng gia đánh mới chạy vào Thanh Hóa, gặp Lê Văn Duyệt ở đó, Nguyễn Hữu Khôi xin ra thú, Lê Văn Duyệt tin dùng làm con nuôi đổi tên họ là Lê Văn Khôi rồi đem về Gia Định cất nhắc cho Khôi lên đến chức Phó Vệ Úy, chức này tương đương với chức trung tá. Bị bắt một cách bất công, Lê Văn Khôi muốn trả thù xứng đáng cho Lê Văn Duyệt phần sợ phải đền tội nên cùng với các đồng chí đứng lên dấy loạn. Đêm 18-5-1833, (Khôi) đem quân giết cả nhà Bạch Xuân Nguyên (Bố Chính), lúc ấy Nguyễn Văn Quế (Tổng Đốc) đem quân tới cứu viện, nhưng cũng bị giết nốt. Xong Lê Văn Khôi chiêu mộ anh em binh sĩ chống lại Minh Mạng, ... Cuộc cách mạng do Lê Văn Khôi hướng dẫn có mục đích truất phế bạo chúa Minh Mạng, và đặt lên ngôi người con của Hoàng Tử Cảnh tên là Đán, cháu đích tôn của Gia Long....” “Vậy theo lời truyền khẩu Minh Mạng vì sợ mất quyền, tìm kế làm tuyệt tộc nhánh Hoàng Tử Cảnh, Minh Mạng ăn ở với chị dâu, thế rồi vợ Hoàng Tử Cảnh, góa chồng mà lại có thai. Minh Mạng lên án cả mẹ lẫn con; nhưng vì là Hoàng tộc nên được ân huệ chọn cái chết của mình, ân huệ ấy là tam ban triều điển, người bị xử được chọn 3 thước lụa hồng, hoặc một chén thuốc độc hay là một thanh gươm.” (Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo Sử, Quyển I. Saigon: Cứu Thế Tùng Thư, 1965, trang 299-301).

Đang hăm hở bắt đạo tưởng rồi ra mau chóng diệt được ”Da Tô tả đạo” như chương trình đã phác họa. Không ngờ qua năm 1841 nhà vua bị ngã ngựa chết đem theo xuống mồ cái hận muôn đời không sao gột rửa được”. (Phan Phát Huồn. Sđd., trang 355).

Trong bộ sách Minh Mệnh Chính Yếu gồm 3 cuốn do Quốc Sử Quán Triều Nguyễn biên soạn và nhà xuất bản Thuận Hóa phát hành, (mỗi cuốn trên dưới 400 trang) đều nói Vua Minh Mệnh là một ông vua thông minh và sáng suốt, không có chỗ nào nói rằng vua Minh Mệnh là một bạo chúa và cũng không có chỗ nào nói rằng: ”Minh Mạng ăn ở với chị dâu, thế rồi vợ Hoàng Tử Cảnh, goá chồng mà lại có thai. Minh Mạng lên án cả mẹ lẫn con; nhưng vì là Hoàng tộc nên được ân huệ chọn cái chết của mình,... rồi bị ngã ngựa chết đem theo xuống mồ cái hận muôn đời không sao gột rửa được” như ông Linh Mục Phan Phát Huồn đã viết.

Cũng nói về loạn Lê Văn Khôi, cụ Trần Trọng Kim viết:

Bấy giờ Lê Văn Khôi bị bắt giam, phần vì tức giận, phần thì sợ tội, bèn mưu với ”mấy người đồng đảng” của nó để dấy loạn...”... ”Ông Silvester chép chuyện về Lê Văn Khôi khởi loạn ở Gia Định nói rằng trong 6 người thủ phạm phải đóng cũi giải về Huế, có một ông linh mục người Pháp tên là Marchand (bấy giờ gọi là cố Du), một người khác (Tàu) tên là Mạch Tấn Giai và một đứa con của Khôi mới lên 7 tuổi. Việc ông cố Marchand thì  đã nhiều người bàn đi bàn lại: người thì bảo ông ấy có ý muốn làm như ông Bá Đa Lộc, để giúp Lê Văn Khôi lập nên một nước theo đạo Thiên Chúa ở Gia Định, người thì bảo ông ấy bị Lê Văn Khôi bắt vào trong thành. Việc ấy phân vân không rõ hẳn ra thế nào”. (Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược (Quyển I). Sàigon: Bộ Giáo Dục, 1971, trang 206 và 208)

Tiến Sĩ Cao Huy Thuần viết về loạn Lê Văn Khôi như sau:

Vụ Lê Văn Khôi và nhiều vụ khác đã trình bày rõ rệt cho vua quan thấy rằng các người truyền giáo, thay vì đứng nguyên trong vai trò thiêng liêng của mình lại xen vào chính trị, tìm cách thúc đẩy các người đổi đạo chống lại chính quyền hợp pháp để chuẩn bị cho một chính phủ thân Thiên Chúa giáo lên cầm quyền. Khôi là con nuôi của Tổng Trấn Lê Văn Duyệt. Ông này là bạn và chiến hữu của Gia Long. Viên Tổng Trấn chống đối việc chọn Minh Mạng làm Đông Cung Thái Tử, cho nên khi lên ngôi, nhà vua đã thi hành những biện pháp cực kỳ nghiêm ngặt đối với Lê Văn Duyệt, người đã sống và chết cùng với dòng họ ông ta. Do đó, Khôi nổi dậy chống Minh Mạng từ 1833 đến 1835, chiếm toàn thể Nam Kỳ và bổ nhiệm quan lại. Các người truyền giáo và các con chiên rất tích cực vào cuộc nổi dậy này. Một bức thư bắt được trên chiếc tàu bị chặn ngoài khơi Phú Quốc, trong thư Lê Văn Khôi yêu cầu Giám Mục Taberd lúc đó đang trốn tránh tại Xiêm La trở lại Saigon. Những người đi Xiêm cầu viện là những tín đồ Gia Tô. Khi chiếm Saigon, triều đình thấy trong thành có Linh Mục Marchand, người đã được một linh mục Việt Nam dẫn từ Trà Vinh lên và chắc muốn đóng vai trò của Pigneau de Béhaine bên cạnh các người nổi loạn, với hy vọng biến Nam Kỳ thành một vương quốc ly khai đặt dưới quyền lãnh đạo của Gia Tô giáo. Linh Mục Marchand cùng năm người cầm đầu khác bị đưa về Huế và bị xử lăng trì”. (Cao Huy Thuần. Sđd., trang 53-54).

Tuần báo Người Việt Tây Bắc, trong bài Người Xưa Với Pháp Luật thì lại nói vua Minh Mệnh là một ông ”vua thông minh, cực kỳ nghiêm khắc, rất siêng năng cần mẫn, thận trọng, nghiêm túc tối đa...” Xin ghi lại nguyên văn bài báo này:

MINH MỆNH VỚI CHÍNH SÁCH ”THẬN PHÁP THỦ”.- ”Đầu tháng tư năm Đinh Hợi (1827) tỉnh đường Nam Định sôi động lên vì một bản án lớn. Kẻ phải chịu hình phạt không ai khác mà chính là quan án sát Phạm Thanh, kẻ thay mặt triều đình ”cầm cân nẩy mực” cho công lý, xưa nay chuyên xử người khác, và viên thư ký là Bùi Khắc Kham. Cả hai can tội ăn hối lộ. Nguyên nhân chính là một tên cường hào, vì muốn chiếm thửa ruộng của một anh nông dân gần ruộng nhà y để ”vuông ruộng nhà mình” đã giả mạo giấy tờ sở hữu ruộng rồi phát đơn kiện, đem tiền đút lót cho quan án. ”Nén bạc đâm toạc tờ giấy.” Án sát Phạm Thanh cùng viên thư ký của mình, sau khi vơ tiền vào bọc, đã xử cho kẻ chiếm ruộng thắng kiện. Bị mất ruộng oan, người nông dân vô cùng căm thù. Và dân làng thấy nếu cứ thế thì có ngày tên cường hào sẽ chiếm ruộng cả làng. Họ góp tiền cho anh ta đội (đem) đơn vào tận kinh (Huế) tố cáo. Biết chuyện, vua Minh Mệnh nổi giận ra lệnh phải lập tức điều tra. Chỉ một thời gian ngắn, sự việc sáng tỏ. Nhà vua quyết án ngay. Kẻ đại diện cho pháp luật mà tư lợi, bẻ cong pháp luật, ức hiếp dân lành thì phải chịu tội chém ngang lưng. Kẻ chiếm ruộng phải tù. Tất cả tài sản của chúng bị tịch thu đem phát cho dân nghèo. Án được thi hành khẩn cấp. Triều đại nào cũng có những ông vua anh minh, tài giỏi. Với triều Lý, đó là thời vua Lý Nhân Tông; thời Trần, có vua Trần Nhân Tông; triều Lê có vua Lê Thánh Tông... Và triều Nguyễn có vua Minh Mệnh. Đó là một ông vua thông minh, cực kỳ nghiêm khắc, rất siêng năng cần mẫn, thận trọng, nghiêm túc tối đa trong công việc triều chính và sử dụng nhân sự, việc gì cũng xem xét đến. Nhà vua tự soạn và ban hành ”10 điều huấn dụ”, quan trọng nhất là điều thứ 9. Đó là ”Thận Pháp Thủ” (cẩn thận mà giữ luật pháp nghiêm minh); điều đó được nhà vua thi hành triệt để. Vụ án xử viên án sát trên chỉ là một trong hàng trăm vụ xử những quan lại cấp cao tham nhũng, hối lộ. Quan tư vụ nội vụ là Nguyễn Đắc Tuyên ăn bớt nhựa thơm của công quỹ bị chặt tay. Tri-phủ Nguyễn Công Tuy quá bạo ngược, bị dân kêu lên triều đình, bị xử tử; Tri-phủ Phạm Thọ Vực, Tri-huyện Nguyễn Văn Nghiêm để nha lại làm điều tệ hại, đều bị cách chức... Các sứ giả phương Tây đều thừa nhận thời Minh Mệnh là một thời kỳ ”Kỷ luật nghiêm minh, trật tự quy củ, thưởng phạt đâu ra đó. Dù là hoàng thân quốc thích đi chăng nữa mà vô phận sự cũng không được lạm bàn việc chính sự. Bọn tham quan ô lại, dù là nhất phẩm đại thần, cũng bị trừng trị thẳng tay...“ Vua nghiêm, chính, cần, kiệm thì xã hội được yên, dân được bảo vệ, từ ngàn xưa vẫn vậy!” (Người Việt Tây Bắc, Seattle, Washington, Số 348 ra ngày thứ Sáu 6-8-1993).

Một tác giả khác nói về những đức tính và việc làm tốt của vua Minh Mệnh:

Tháng Giêng năm Canh Thìn (1820), Thái-tử Đảm lên ngôi ở tuổi 30, lấy niên hiệu là  Minh Mệnh. Vua Minh Mệnh tư chất thông minh, tinh thâm Nho học, lấy việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ làm mục tiêu hoạt động của đời mình. Vua Minh Mệnh đã thực hiện những mục tiêu ấy ra sao?
1.-  Tu thân: Ông rất ham học, ham hiểu biết. Sau khi tan chầu, nhà vua thường giữ lại một vài đại thần hỏi chuyện các nước, chuyện xưa nay. Nhiều đêm, vua ngồi bên đèn xem chương sớ đến canh hai, canh ba mới nghỉ. Nhà vua thường nói với triều thần: ”Làm người ai chẳng muốn được an nhàn, hay gì chuyện thay đổi chuyển di, những lúc trẻ khỏe mà không biết sửa sang mọi việc, đến lúc già yếu có mong làm gì được nữa. Bởi thế, Trẫm không dám lười biếng bất kỳ lúc nào...
2.- Tề gia.- Minh Mệnh…
3.- Trị quốc: Sự nghiệp trị nước của vua Minh Mệnh rất lớn. Xin nêu một số việc được người đời nhắc đến:
3.1.- Chính sách dùng người: Vua Minh Mệnh chỉ dùng người có học thức. Nhà vua tuyển quan lại bằng hai cách: tiến cử và khoa cử. Nhà vua đích thân đánh giá từng người được tiến cử. Nguyễn Văn Chương - quê làng Chí Long, Phong Điền, Thừa Thiên, là người có học thức nhưng không có học vị. Khi Chương được địa phương tiến cử về triều, vua Minh Mệnh đã hỏi chuyện và thấy ông có thực tài, nhà vua dùng ngay và ban tên là Nguyễn Tri Phương. Về sau, Nguyễn Tri Phương đã trở thành vị tướng lãnh tài năng và trung nghĩa, phục vụ tích cực cho 3 đời vua. Trái lại, Lê Văn Liêm được Thự Tiền Quân Nguyễn Văn Năng tiến cử là tri phủ Ninh Giang, vua gọi vào bệ kiến, hỏi chuyện, thấy Liêm sở học nông cạn, vua bèn bảo rằng: ”Tri phủ giữ chính lệnh trong một phủ, không học thì không rõ luật lệ, lỡ khi xử đoán sai lầm thì pháp luật khó dung. Như thế là làm hại, chứ không là yêu”. Thế là Liêm bị loại.  Muốn có đủ người có thực học ra giúp nước, vua Minh Mệnh cho mở rộng Quốc Tử Giám ở kinh đô, đặt chức đốc học ở Nam Bộ để khuyến khích người Miền Nam học hành....” (Nguyễn Đắc Xuân. Chín Đời Chúa Mười Ba Đời Vua Nguyễn. Huế: Nhà Xuất Bản Thuận Hóa, 1996, trang 83-86).

Nói về sự sáng suốt của vua Minh Mạng, ông Đào Huy Toàn viết:

”Vua Minh Mạng quả thật là tài đức. Ông là một vị minh quân, đưa ra nhiều cải cách tiến bộ, đánh dẹp giặc dã và xây dựng đất nước khá hùng mạnh. Trong khi củng cố vương quyền, ông nhìn xa thấy rộng, và thấy rõ âm mưu ăn cướp nước của ngoại bang. Nếu cứ để những giáo sĩ (những điệp viên trá hình) tự do tung hoành thì mất nước là điều chắc chắn. Do đó, ông đã đưa ra lịnh cấm đạo. Các giáo sĩ tức tối lắm. Họ chỉ còn cách vận động chánh phủ Pháp đánh chiếm nước ta. Bởi vì họ biết rằng không có chánh quyền trong tay, họ không hy vọng gì thuyết phục được người Việt Nam theo đạo bằng cuốn Thánh Kinh với những giáo điều đầy sai lầm, phản khoa học, tàn ác và loạn luân”. [Cửu Long Lê Trọng Văn. Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng Hay Đến Bờ Ảo Vọng.(San Diego, California: Mẹ Việt Nam, 1996,) trang IV].

Chúng ta thấy rằng cùng nói về Vua Minh Mạng và loạn Lê Văn Khôi, dưới ngòi bút của Linh Mục Phan Phát Huồn, vua Minh Mạng trở thành một tên ”bạo chúa”, ”ăn nằm với chị dâu đến mang thai, rồi bị ngã ngựa chết đem theo xuống mồ cái hận muôn đời không sao gột rửa được”. Trong khi đó thì các sách sử như cuốn Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim, Việt Sử Toàn Thư của ông Phạm Văn Sơn, Minh Mệnh Chính Yếu của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Chín Đời Chúa Mười Ba Đời Vua Nguyễn của Nguyễn Đắc Xuân, và Đạo Thiên Chúa Và Chủ Nghĩa Thực Dân Tại Việt Nam của Tiến Sĩ Cao Huy Thuần đều không hề gọi loạn Lê Văn Khôi là cách mạng, cũng không có chỗ nào nói đến việc vua Minh Mạng ăn ở với chị dâu, thế rồi vợ Hoàng Tử Cảnh góa chồng mà lại có thai, và cũng không hề có chỗ nào nói đến việc vua Minh Mạng ... chết đem theo xuống mồ cái hận muôn đời không sao gột rửa được.”

Sử gia Vũ Ngự Chiêu viết vè Vua Minh Mạng và chính  sách bài đạo Kitô như sau:

Mối quan tâm hàng đầu của vua thực ra không phải là vấn đề giáo lý, mà là chính các giáo sĩ ngoại quốc và cách tổ chức cộng đồng giáo dân. Minh Mạng lo sợ rằng các nhà truyền giáo - những người Tây Dương khó hiểu và nham hiểm, được điều động bởi một hệ thống bao trùm toàn cầu, và chắc chắn khó thoát khỏi những liên hệ thường tình của con người về danh dự cùng quyền lợi quốc gia hay dân tộc - sẽ trở thành gián điệp và phần tử xách động nguy hiểm cho những mưu toan xâm lăng Đại Nam. Ngoài ra, cũng có một mối tư  thù: Từ ngày được Gia Long chính thức đặt lên chức Đông Cung Thái Tử vào năm 1816, Minh Mạng đã trở thành đối tượng đánh phá của các giáo sĩ; vì theo họ, Minh Mạng đã đoạt ngôi của con Hoàng Tử Cảnh là Hoàng tôn Đán (sau cải danh là Mỹ Đường). Rồi 8 năm sau, Minh Mạng giết chết mẹ ruột Đán (Tống Thị Quyên) vì tội tư dâm với Đán, và gạt bỏ tên Đán cùng con cháu khỏi sổ tôn thất (ĐNCBLT, q.2,II:49), các giáo sĩ lại có thêm bằng chứng đả kích nhà vua. Phần các giáo dân, dù chỉ chiếm thiểu số trong xã hội, sau ba thế kỷ tồn tại và phát triển, đã tổ chức thành những cộng đồng khá chặt chẽ. Dưới sự chăn nuôi linh hồn và đôi khi yểm trợ về cả vật chất của các nhà truyền giáo đầy nhiệt tình và ngạo mạn, cộng đồng Ki-tô mang một sức mạnh chính trị đáng sợ nếu các giáo sĩ muốn chống lại triều đình.

Trên cả bình diện giáo lý và thực hành, Kitô giáo đều trở thành kẻ thù của một chế độ dựa trên căn bản chính trị/đạo đức Nho giáo. Một mặt, giáo lý Kitô - qua lời giảng mọi người đều bình đẳng trước Chúa Bl'ời [Trời] - thách thức trực diện chủ thuyết thiên mệnh, và vai trò nửa người, nửa thánh của bậc thiên tử. Mặt khác, trong đời sống thường nhật, các giáo sĩ và chức sắc đả phá việc thờ cúng tổ tiên, và khuyến khích những vi phạm lớn tục lệ và pháp luật cổ truyền Việt Nam. Bởi thế, khi khám phá ra rằng đạo Kitô đã xâm nhập cả giới chức binh đội, xương sống của chế độ, Minh Mạng quyết xuống tay với Kitô giáo (Woodside 1971:286)...

Tưởng cũng nên thêm rằng Minh Mạng không say máu đến mức độ đáng bị lên án là ác quỷ (démon) hay một Néron Việt Nam như các giáo sĩ Kitô cáo buộc. Vua cân nhắc, uyển chuyển giữa sự trừng phạt và giáo hóa. Năm 1837, chẳng hạn, vua đã tâm sự với các đại thần rằng có những kẽ hở trong việc thi hành lệnh cấm đạo. Các hương chức chẳng hạn, chỉ bắt trẻ chăn trâu không theo đạo bước qua thập tự giá cho có lệ. Riêng giới nữ vì không có điều luật bắt buộc và vì họ là những người cuồng tín, chắc chắn khó bằng lòng cho chồng con bỏ đạo... Hình phạt nặng nề như tử hình, ném xuống sông, xuống biển chỉ dành cho các giáo sĩ ngoại quốc - những phần tử đe dọa trực tiếp sự sống còn của chế độ. Với các giáo sĩ và giáo dân Việt Nam, vua vẫn mở cho cơ hội hoàn lương, vì ”dạy dân tất phải dần dần, đâu có thể muốn đổi mau chóng mà vội buộc bằng Pháp luật”  (ĐNTL,CB, Đệ nhị kỷ, q.185, XIX:249-50). Vũ Ngự Chiêu Các Vua Cuối Nhà Nguyễn 1883-1845 (Chương I), Sách sẽ in - Tác giả gửi riêng cho người viết).

Có lẽ khi viết những điều phỉ báng và mạ lỵ vua Minh Mệnh một cách trắng trợn và ác tâm, chính ông Linh Mục Phan Phát Huồn cũng nhận thấy rằng ông ta đã để lộ ra cái gian ý của ông cho nên ông mới thòng nhóm chữ ”Vậy theo lời truyền khẩu...” để cho những người sử nô của Giáo Hội thuộc thế hệ đàn em của ông có thể cãi cuội được. Không những thế, giọng văn của nhà tu hành này lại chứa đầy tính cách ”cay cú và hận thù”. Thí dụ như cụm từ và câu văn ”trả thù thích đáng”, ”Không ngờ qua năm 1841 nhà vua bị ngã ngựa chết đem theo xuống mồ cái hận muôn đời không sao gột rửa được”.

Chúng ta ai cũng biết rằng khi bị đóng đinh vào thập tự giá, chúa Jesus đã nói một câu rất là vô cùng nhân ái và khoan dung ”Ta tha thứ cho kẻ thù của ta”. Là đệ tử và cũng là nhà tu hành đem cái đạo bác ái của Chúa Jesus đi truyền đạo thì phải nêu cao gương bác ái của Chúa Jesus cho người đồng đạo. Nhưng tiếc rằng ông Linh Mục Phan Phát Huồn lại không đem lòng bác ái khoan dung của Chúa đi rao truyền để làm sáng danh Chúa, mà lại viết những điều gian dối, viết với giọng đầy cay cú, hằn học và hận thù khiến cho người dân khác đạo hiểu lầm cái đạo của Chúa. Viết sử với chủ tâm thêm vào và bớt ra nhằm mục đích ngụy tạo hay bóp méo lịch sử và viết trong tinh thần cay cú và hận thù do lòng cuồng tín gây nên, là phản lại sứ mạng của người viết sử, và phản lại tinh thần bác ái và đại lượng của Chúa Jesus, có phải không? Đồng thời, ông Linh Mục Phan Phát Huồn lại giấu nhẹm sự liên hệ chặt chẽ giữa các nhà truyền giáo với loạn Lê Văn Khôi (Tiến Sĩ Cao Huy Thuần đã trình bày như đã trích dẫn và ghi lại ở phần trên), và đã biến cụm từ ”đồng đảng” (như cụ Trần Trọng Kim viết) thành cụm từ ”đồng chí” của Lê Văn Khôi. Đoạn văn lịch sử trên đây của Tiến Sĩ Cao Huy Thuần cho chúng ta thấy rõ cái nguyên nhân và cũng là cái gian ý của ông Linh Mục Phan Phát Huồn trong việc sử dụng các cụm từ ”Cách Mạng” và ”đồng chí” thay vì ”nổi loạn” và ”đồng đảng” khi nói về cuộc nổi loạn Lê Văn Khôi.

Căn cứ vào những tài liệu lịch sử, chúng ta thấy rằng những người trong thành phần tu sĩ như ông Linh-mục Phan Phát Huồn hay những người đi truyền giáo thường hay có ý đồ bóp méo sự thật lịch sử với mục đích để chạy tội cho Giáo Hội La Mã và các đấng bề trên của họ. Họ thường hay bịa chuyện để làm sai lạc sự thật và làm hạ giá các nhà lãnh đạo chính quyền không phải là người cùng tôn giáo của họ. Điển hình như là ông Linh-mục Alexandre de Rhodes đã làm như vậy khi viết cuốn Phép Giảng Tám Ngày. Họ làm như vậy cũng chỉ là để lôi cuốn người dân chất phác ngây thơ tin theo họ. Chính Linh Mục Phan Phát Huồn khi viết bộ Việt Nam Giáo Sử cũng đã ghi lại cái bản chất thiếu ngay thẳng này của các ông giáo sĩ:

Phần đông các sử gia cho rằng những truyện của Giáo-sĩ thuật lại là những chuyện hoang ường, nhất là câu chuyện Chúa Nguyễn Hoàng theo đạo Công-giáo là một chuyện không thể có được”. (Phan Phát Huồn. Sđd., trang 39).

“Nhất sự bất tín, vạn sự bất khả tín.” Làm thế nào có thể tin được những gì các ngài viết ra khi mà các ngài đã nói dối nhiều quá đến nỗi ”phần đông các sử gia cho rằng những truyện của các ngài Giáo-sĩ thuật lại là những chuyện hoang đường”. Đây là một bài học cho việc dạy dỗ cho con em chúng ta. Trên đây mới chỉ là nói đến những sự kiện lịch sử xẩy ra vào những năm trong thời Vua Minh Mạng hay nửa đầu của thế kỷ 19.

 

Trang Nguyễn Mạnh Quang