VIỆT NAM ĐỆ NHẤT CỘNG HÒA TOÀN THƯ

Trách Nhiệm Và Công Việc Của Các Nhà Viết Sử Chân Chính

Nguyễn Mạnh Quang

http://sachhiem.net/NMQ/VNCHTT/NMQ01.php

03 Jul 2015

0 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22

PHẦN I

Trong phần này, chúng tôi xin giới hạn, chỉ trình bày những động lực khiến cho các nhà viết sử chân chính phải lãnh trách nhiệm làm sống lại những sự thật trong lịch sử cũng như những công việc làm của họ. Phần I gồm các chương sau đây:

Chương 1: Trách Nhiệm Và Công Việc Của Các Nhà Viết Sử Chân Chính

Chương 2: Khuynh Hướng Sử Dụng Ngôn Ngữ

http://vietdaikynguyen.com/v3/25289-nhan-vat-lich-su-tu-ma-thien-tac-gia-bo-su-ky-day-du-dau-tien-ve-trung-hoa/

sử gia Tư Mã Thiên của Trung Hoa (Ảnh: Blue Hsaio/ Epoch Times)

CHƯƠNG 1

TRÁCH NHIỆM VÀ CÔNG VIỆC CỦA CÁC NHÀ VIẾT SỬ CHÂN CHÍNH

Trước khi nói đến trách nhiệm của các nhà viết sử chân chính, chúng tôi xin trình bày lý do tại sao chúng ta phải nên học lịch sử. Người xưa thường nói ”Ôn cố tri tân”, học lịch sử là rút tỉa kinh nghiệm từ trong quá khứ để có thể ứng xử với những gì bất trắc có thể xẩy ra bất ngờ và dự phóng cho những việc làm trong tương lai. Như vậy thì học lịch sử là làm cho con người thông minh hơn. Nhà giáo Diana Ravich viết:

Tại sao ta học lịch sử? Câu trả lời đơn giản nhất và đúng nhất là học lịch sử làm cho người  ta thông minh hơn. Lịch sử là công cuộc tìm hiểu những nguyên nhân của các sự kiện, là  phương cách để tìm xem làm thế nào mà thế giới đã xuất hiện và chuyển biến như ngày  nay. Không có lịch sử, chúng ta sẽ không có trí nhớ và cũng không có những lời giải thích  gì cả. Người không học lịch sử thì chẳng khác gì như một người hoàn toàn mất trí nhớ,  thiếu hẳn khả năng cảm nhận về những gì đã xẩy ra trong quá khứ, cho nên họ không có  khả năng phân biệt được sự khác biệt giữa nguyên nhân và hậu quả. Người học lịch sử có  thể đọc báo chí với cái nhìn xét nét sâu sắc, có thể thấu hiểu được những diễn biến của  một sự kiện hay một tình huống vì họ có cái nhìn toàn cảnh của vấn đề, nhờ vậy mà có thể  biết rõ được vị thế của chúng trong bối cảnh lịch sử, họ có thể loại bỏ những nhận xét sai  lầm, có thể chống lại những gì được xem như là nhồi sọ cũng như những gì bị coi như là  tuyên truyền. Khi dạy môn lịch sử, chúng ta không những dạy những gì đã xẩy ra trong quá  khứ, mà còn dạy cả những cách lý luận, cách cân nhắc những dữ kiện có sẵn, phân tách  sự liên tục và sự thay đổi, và lượng định những ý kiến trái ngược nhau. 

Tại sao lại học lịch sử? Học lịch sử để có những thói quen về việc sử dụng trí óc mà những  người muốn được tự do cần phải có”. (Hand-out distributed to history classes at Woodrow  Wilson High School, Tacoma School District, school year 1996-1997). [”Why study history? The simplest and truest answer is that the study of history make  people more intelligent. History is an investigation of causes; it is a way of finding out how  the world came to as it is. Without history, we are without memory and without  explanations. The person who knows no history is like an amnesiac, lacking of sense of  what happened before and therefore unable to tell the difference between cause and  effect... The person who as studied history can read the newspapers and magazines with  a critical eye; can understand new developments because he or she has a historical context   in which to place them; can mentally reject erroneous statements; and is resistant to  indoctrination and propaganda. When we teach history, we teach not only what happened  in the past, but how to reason, how to weigh evidence, how to analyze continuity and  change, how to assess contending ideas. Why study history? To gain the habits of mind and  the intellectual tools that are required to be a free person”.] (Hand-out distributed to  history classes at Woodrow Wilson High School, Tacoma School District, school year 1996-1997).

Sử gia David L. Bender, tác giả cuốn ”The Indochina War, Why Our Policy Failed”, ghi lại lời viết của George Santayana như sau:

Những người thờ ơ với lịch sử sẽ bị kết án trở lại. Có học lịch sử mới chuẩn bị cho tương lai, nhất là khi quá khứ lại là chứng tích của một sự thất bại lớn lao”. (Chu Bằng Lĩnh. Đảng Cần Lao. San Diego, CA: Mẹ Việt Nam: 1993, trang  XVII)].

Nói đến học lịch sử, một sử gia Tây Phương cho rằng dân tộc Trung Hoa là dân tộc ham viết sử và đọc sử hơn tất cả các dân tộc khác trên thế giới. Điều này được học giả Giản Chi Nguyễn Hiến Lê ghi lại như sau:

Ông Burton Watson cho rằng không có dân tộc nào ham viết sử và đọc sử như dân tộc Trung Hoa. Nhận xét đó đúng. Đời Chu cách đây ba ngàn năm, họ đã đặt ra chức sử quan  để chép lại những điển, mô, huấn cáo của vua tôi dạy bảo khuyên răn nhau trong đời vua  Nghiêu (2357-2256), vua Thuấn (2255-2206), nghĩa là chép lại những việc mà họ cho là  quan trọng trên ngàn năm trước. Hầu hết các học giả ngày nay còn nghi ngờ những tài liệu  về hai ông vua ấy, nhưng đó là một chuyện khác mà chúng tôi không bàn ở đây. Rồi từ đó  trở đi, việc chép sử thành một cái lệ. Ngay cả những nước chư hầu như Yên, Tống, Trung Sơn... cũng có sử quan. Nhờ vậy mà ngày nay ta hiểu về đời Xuân Thu, đời Chiến Quốc  hơn là người phương Tây hiểu về cổ sử Hy Lạp. Mà sử gia Trung Hoa như trên đã nói, rất  được tôn trọng: người ta buộc họ phải có đức, phải trọng sự thực, phải là ”uy vũ bất năng  khuất”. Cho nên nhiều sử gia không những là nhà bác học, nhà văn, mà còn là triết gia  nữa, chẳng hạn như Khổng Tử, Tư Mã Thiên, Tư Mã Quang.

Môn sử được tôn trọng đến  nỗi có bộ sử được gọi là kinh như kinh Thư. Còn loại truyện tưởng tượng thì bị khinh, gọi  là tiểu thuyết (tiểu thuyết bị coi như là ”tiểu đạo” (con đường nhỏ) để cho bọn ”tiểu trí ở  chốn quê mùa đọc”, ”không đáng được đưa lên hàng đại nhã, người quân tử không làm”  [đạo thính đồ thuyết giả chi sở tạo - lữ lí tiểu trí giả chi sở cập - bất túc dĩ đăng đại nhã chi  đường]); có lẽ vì vậy mà loại này phát triển chậm hơn (so với) ở phương Tây. Lại thêm  ngay từ thời Tiên Tần đã có những bộ sử đọc thú như tiểu thuyết, nên người Trung Hoa thời xưa càng không thấy cái nhu cầu đọc tiểu thuyết. Văn nhân thì ưa chép sử, mà dân chúng thì ưa đọc sử, nghe sử. Những bộ truyện lớn nhất, danh tiếng nhất, được truyền bá nhất, dân chúng thích nhất chính là những bộ Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Đông Châu Liệt Quốc, Tây Hán Chí... Một phần lớn các vở tuồng cũng mượn đề tài trong sử. Người ta kể sử cho nhau nghe ở dưới gốc cây hay bên bờ giếng; người ta diễn sử cho nhau xem ở trên sân khấu hay ngay ở trong sân một cái trại”. (Nguyễn Hiến Lê. Sử Ký của Tư Mã Thiên. Saigon: Lá Bối, 1972, trang 36-38).

Trên đây là nói về ích lợi hay lý do tại sao chúng ta lại học môn lịch sử. Những người học lịch sử, cảm thấy thích thú đến độ say mê môn lịch sử thường có khuynh hướng muốn viết sử. Những người viết sử như vậy là viết vì thích thú, chứ không phải là viết để thỏa mãn cá tính huênh hoang, hay viết với chủ đích bào chữa và lấp liếm những việc làm bất chánh của một thế lực mà chính họ là những người có liên hệ với thế lực đó. Tuy nhiên, thích viết lịch sử là một chuyện, có đủ khả năng để viết sử thì lại là một chuyện khác, và con đường từ học sử đến viết sử là một đoạn đường dài đầy cam go và đầy thử thách:

”Từ học tới nghiên cứu và viết sử còn cả một đoạn đường dài. Thông thường, tại Mỹ, sinh  viên ở bậc Cao Học (hoặc Tiến-sĩ Đệ Tam Cấp), nếu muốn, chỉ cần viết một tiểu luận  tổng hợp các nghiên cứu của các người đi trước. Nếu muốn lên cấp Tiến Sĩ - và nếu qua  nổi cửa ải sơ khởi là được nhận vào học - cần tìm ra điều gì mới lạ. Thời gian học từ Cử Nhân tới Tiến Sĩ - nếu may mắn được lên lớp, nếu đủ khả năng trí lực để qua các kỳ thi, và nếu xuất sắc để được cấp học bổng du khảo tại các văn khố hay quốc gia muốn nghiên cứu - cần khoảng mười (10) năm. Ra trường, chỗ làm hợp với ý không dễ kiếm. Ngoài ra, ai nấy đều tập trung vào việc sáng tác bằng ngoại ngữ mà mình thông thạo, hoặc của xứ sở mình đang sinh sống lập nghiệp. Những biên khảo giá trị hầu như chỉ để dành biếu tặng lẫn nhau. Bởi thế, có đủ đam mê và khả năng để bước vào ngành sử hay chăng là cả một vấn đề. Cũng ít ai có dư thì giờ viết bằng tiếng Việt theo đúng tiêu chuẩn chuyên môn. Sẽ không thiếu những nhà ”đại học... giả” bắt chụp lấy những công trình nghiên cứu hàng chục năm của người khác, chế biến qua loa, nhận vơ làm của mình, rồi nhắm mắt lại mà khen, chê. Hiện tượng trộm cắp công trình tim óc của người khác này là thông lệ hơn biệt lệ tại những xã hội nhược tiểu. Muốn tìm một biên khảo nghiêm túc bằng Việt ngữ để trích dẫn, bởi thế, cũng tựa như mò trăng đáy nước”. (Nguyên Vũ. Paris Xuân 96. Houston, Texas: Văn Hóa, 1997, trang 224-225).

Chúng ta biết rằng học lịch sử là học những bài học lịch sử do các nhà viết sử chân chính biên soạn, chứ không phải do bọn sử nô viết ra theo lệnh quan thầy hay theo bản chất cuồng nô để bênh vực cho quan thày. Nói đến các nhà viết sử chân chính có nghĩa là nói đến cái trách nhiệm phải ghi lại những sự kiện đã xẩy ra trong quá khứ một cách trung thực  để cho hậu thế biết đến mà học hỏi và suy ngẫm hầu có thể rút ra được những kinh nghiệm hữu ích để ứng xử với tình huống trước mặt lúc đương thời và dự phóng cho tương lai:

”Nhiệm vụ chính của người học sử là gì hơn tái tạo dĩ vãng càng gần với sự thực càng quí!  Người học sử chân chính chẳng khác gì vị thẩm phán lương thiện, chí công, vô tư. Sử gia  không thể gạt bỏ những chứng cớ hiển nhiên hầu che đậy việc làm sai lầm của các tác  nhân. Điểm khác biệt là vị thẩm phán chỉ xét xử những hành vi sai lầm và phạm pháp của  người đương thời dựa trên những luật lệ hiện có; người học sử đi tìm những sự thực trong dĩ vãng. Người học sử cũng không có được những tiện nghi như máy dò sự thực, những cuộc đối chất có tuyên thệ (confrontation và cross-examination), và cũng chẳng được ủy thác để xét xử các tác nhân. Việc duy nhất có thể làm là tái tạo sự thực gần nhất về dĩ vãng, dưới sự dìu dắt của lương tâm nghề nghiệp. Phần xét chung cuộc là hậu thế”  (Nguyên Vũ. Sđd., trang 222-223).

Trong cuốn Hơn Nửa Đời Hư, trong phần Thay Lời Tựa, cụ Vương Hồng Sển viết:

Duy những nét tốt, đức lành cũng như những tật xấu, thói nhơ, tiếng thơm, tiếng lành,  tôi cố giữ y như đã nghe - thấy - và - được - biết, và xin chép lại đúng sự thật gọi là ghi dấu  một thời buổi đã qua để làm gương cho hậu thế. Xin đừng lầm tưởng tôi có ý bêu riếu hoặc thừa dịp nói xấu một người nào. Tôi xin thưa chỉ muốn tôn trọng sự thật, và hoàn toàn không có ác ý. Xin độc giả đừng tìm hiểu xa hơn những gì tôi muốn nói và đã viết” 

Nói đến việc chép sử, người viết xin kể chuyện nhà viết sử Đông Hồ ghi lại cái chết của Tấn Linh Công. Trong thời Đông Châu Liệt Quốc, Tấn Linh Công hoang dâm bạo ngược, lấy việc tụ tập với đám nịnh thần cùng thi nhau nhắm bắn khách qua đường làm thú tiêu khiển và ai bắn trúng nhiều hơn thì sẽ được khen thưởng. Ngoài ra, trong cơn ngẫu hứng bốc đồng hoặc là vì không vừa ý một người nào vì lý do nào đó, ông ta ra lệnh cho con mãnh khuyển Linh Ngao săn đuổi và cắn chết. Quan Tướng Quốc nước Tấn lúc bấy giờ là Triệu Thuẫn, thấy vậy bèn cố gắng khuyên can, và khăng khăng đòi nhà vua phải sửa đổi. Chạm tự ái, lại không muốn sửa mình và cũng không muốn có kỳ đà cản mũi, Tấn Linh Công bèn âm mưu cùng với tên nịnh thần Đồ Ngạn Giả mưu giết Triệu Thuẫn cho rảnh mắt. Nhưng ”mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” và ”Thiên bất dung gian”. Trời xui đất khiến làm sao âm mưu này lại lọt đến tai Triệu Thuẫn, và ông ta phải vội vã chạy trốn ra ẩn náu ở Hà Đông, gần nơi biên ải, chỉ còn kịp dặn dò người cháu ruột là Triệu Xuyên ở lại tìm cách lo cứu nước và phải thận trọng kẻo mang vạ vào thân. Triệu Xuyên ở lại tìm cách mua chuộc Tấn Linh Công và được cho làm việc trong triều đình nước Tấn. Sau đó, Triệu Xuyên lập mưu giết tên hôn quân vô đạo giữa khi còn đang vui chơi yến tiệc với giai nhân ở vườn đào. Giết Tấn Linh Công xong rồi, Triệu Xuyên rước Triệu Thuẫn về lập vua mới và lo chỉnh đốn việc nước. Về đoạn sử này, nhà chép sử Đông Châu Liệt Quốc viết như sau:

Một hôm, Triệu Thuẫn bảo quan Thái-sử là Đông Hồ, đem bản thảo ra trình Triệu  Thuẫn. Triệu Thuẫn mở ra xem thấy chép như sau:  ”Mùa thu, tháng Bảy, năm Ất Sửu, Triệu Thuẫn giết vua Di Cao ở vườn đào”. Triệu Thuẫn giật mình nói: ”Quan Thái-sử lầm rồi, lúc đó ta chạy ra Hà Đông, cách kinh  thành hơn hai trăm dặm, ta có biết đâu đến việc giết vua?”  Đông Hồ nói: “Ngài làm quan Tướng Quốc trốn đi chưa khỏi địa giới nước nhà. Khi ngài  về lại không trị tội đứa phản loạn thì sao lại bảo mình không phải là chủ mưu?”  Triệu Thuẫn nói: ”Bây giờ có thể sửa lại được không?”  Đông Hồ nói: ”Đã là sử, bao giờ cũng mang tính chất thật tại, đâu phải uốn nắn theo ý  muốn của con người. Đầu tôi có thể rơi, nhưng đoạn sử không thể sửa đổi”.  Triệu Thuẫn buồn rầu nói: ”Thế mới biết quyền chép sử là một quyền tuyệt đối! Tiếc thay! Ta không làm tròn bổn phận để mang tiếng nghìn đời”. (Mộng Bình Sơn. Đông Châu Liệt Quốc (Quyển 2). Fort Smith, Arkansas: Sống Mới 1988 (không ghi năm), trang 541).

Chúng ta thấy rằng quan Thái-sử Đông Hồ là một nhà viết sử chân chính đã tỏ ra là người có lương tâm nghề nghiệp và đã có lòng can đảm nói lên sự thật của lịch sử. Nhưng tiếc rằng ông lại chỉ mới nói lên có ”một nửa sự thật”. Tại sao? Xin thưa khi chép rằng: ”Mùa thu, tháng bẩy, năm Ất Sửu, Triệu Thuẫn giết vua Di Cao (Tấn Linh Công) ở vườn đào”, Quan Thái Sử Đông Hồ mới có can đảm nói lên ”một nửa sự thật”. Nửa sự thật đó là việc giết vua Di Cao và cũng là phần trách nhiệm của quan Tướng Quốc Triệu Thuẫn trong việc vua Di Cao bi giết. Nhưng còn một nửa sự thật nữa ông lại không đả động tới. Đó là những việc làm tội ác của vua Di Cao khiến cho Triệu Thuẫn đã không truy tố Triệu Xuyên về tội giết vua Di Cao để cứu nguy cho nước Tấn. Đó  là chuyện Tấn Linh Công hoang dâm bạo ngược, tức là ở vào tình trạng ”quân phi quân”, không còn xứng đáng nắm quyền chủ tể quốc gia nữa. Đã không nghe lời can ngăn của Triệu Thuẫn, ông ta lại còn âm mưu giết hại Triệu Thuẫn. Như vậy là làm việc bất nghĩa, bất nhân và bất chính.

Ngồi trên ngai vàng, nắm quyền chủ tể quốc gia mà làm những điều bạo ngược và bất chính tức là ở vào tình trạng thượng bất chính, mà ”thượng bất chính” thì ”hạ tắc loạn”. Như vậy thì dân chúng có quyền và có bổn phận phải nổi lên giết đi để diệt trừ đại họa cho muôn dân. Làm như vậy là hợp với lòng dân và hợp với ý trời, không còn ai có thể buộc tội Triệu Xuyên và Triệu Thuẫn được. Quan Thái Sử Đông Hồ chỉ ghi phần ”Triệu Thuẫn giết vua Tấn Linh Công” mà không ghi phần ”Tấn Linh Công vô đạo và bạo ngược” tức là đã giấu đi một nửa sự thật nói về cái lỗi hay tội ác của người cầm quyền khiến cho bề tôi phải nổi loạn. Viết sử như thế thì có khác nào là gần như có dụng tâm ca ngợi kẻ mạnh hay che giấu tội ác của người cầm quyền. Có lẽ vì thế mà sử gia Vũ Ngự Chiêu đã đưa ra nhận xét của ông trong cuốn ”Paris Xuân 96” là:

 ”Lối chép sử với dụng tâm ngợi ca kẻ mạnh hay chế độ cầm quyền - hoặc chỉ nói lên nửa sự thực - đã lỗi thời”. (Nguyên Vũ. Sđd., trang 29).

Chúng ta biết rằng người viết sử là phải ”tái tạo sự thực gần nhất về dĩ vãng, dưới sự dìu dắt của lương tâm nghề nghiệp. Phần xét chung cuộc là hậu thế”. Nếu viết sử mà chỉ vì sự thúc đẩy của một thế lực để hùa nhau cùng viết như là một chiến dịch viết theo sách lược ”Cả vú lấp miệng em” và ”Tăng Sâm giết người” hoặc là ”cứ nói mãi sẽ có người tin” bằng cách viết thật nhiều sách để ca tụng chế độ và suy tôn cá nhân nhà lãnh đạo lên hàng anh hùng dân tộc thì được gọi là những tên ”sử nô” hay ”bồi bút”. Bọn sử nô hay bồi bút chỉ cần làm công việc thâu góp những thông cáo cùng những tài liệu tuyên truyền và luật lệ do chính quyền liên hệ ban hành, rồi căn cứ vào đó để hệ thống hóa và sắp xếp thành chương, thành mục trong tác phẩm lịch sử của mình. Người viết sử chân chính không thể làm như thế được, mà phải thận trọng và phải tham khảo càng nhiều tài liệu khả tín càng tốt để bảo đảm sự trung thực cho những nhận xét và kết luận của các đề tài trình bày trong sách. Nhà viết sử Ruth Pelzda viết:

”Người viết sử phải đọc nhiều sách sử, báo chí cùng các tài liệu lịch sử khác cũng như phải  tìm hiểu nhiều hình ảnh và các dụng cụ hay đồ vật khác. Tất cả những tài liệu này giống  như những mảnh vụn dùng làm dữ kiện cho việc tìm ra những lời giải đáp cho một ô đố  chữ. Người viết sử phải thâu thập càng nhiều dữ kiện càng tốt để rồi cố gắng sắp xếp những dữ kiện đó thành một câu chuyện về lịch sử của mình.” (Ruth Pelz. Our Region: The Pacific Northwest. Salt Lake City, Utah: Peregrine Smith Inc., 1987, page 128).

Tuy nhiên, không phải tất cả những nguồn tài liệu thâu thập được cũng đều có giá trị khả tín như nhau. Người Việt Nam ta thường nói ”Tam đẳng nhân, tam đẳng vật”. Tài liệu lịch sử cũng có đẳng cấp hay mức độ của khả tín của nó:

Trong số các tài liệu nghiên cứu sử học, dĩ nhiên, loại tài liệu được xếp hàng đầu là tài  liệu văn khố. Đây là những văn thư, tờ trình, báo cáo của các cơ quan chính quyền hay  quân sự. Tùy theo lãnh vực và đề tài nghiên cứu, người học sử sẽ làm việc trên các kho (fonds) tài liệu liên hệ. Nghiên cứu về kinh tế thời Pháp thuộc hay thời thí nghiệm Bảo Đại, chẳng hạn, tài liệu chính phải là văn khố Nha Kinh Tế (Services Économiques) Đông Dương. Thêm vào đó là các báo cáo định kỳ của các viên chức Pháp/Việt trong giai đoạn tương ứng. Muốn tìm hiểu về phương diện ngoại giao, phải làm việc ở Văn Khố Bộ Ngoại Giao. Nhưng những người học sử nghiêm túc thường phải làm việc trên nhiều kho tư liệu khác nhau, tại nhiều văn khố khác nhau.  Tài liệu hạng hai là là các nghiên cứu của những người nghiên cứu chuyên nghiệp. Các tác phẩm này thường có dẫn chứng các nguồn tài liệu, và được làm việc thận trọng. Những tập ”sử” không cước chú, không ghi tài liệu tham khảo, thường khó được xếp hạng là nghiên cứu. Tài liệu hạng ba là hồi ký của các tác nhân lịch sử. Những hồi ký này có ít nhiều giá trị, tùy thuộc ở sự trung thực của tác giả. Người học sử sẽ phải so sánh những điều viết trong hồi ký với các tài liệu văn khố, hoặc những tài liệu khả tín khác, như hình ảnh, phóng ảnh các văn thư, công điện, thư từ trao đổi được trích đăng trong những hồi ký đó. Hãy lấy vài ba thí dụ. Cuốn hồi ký Cuộc Đời Cách Mạng Cường Để do một ký giả Nhật viết và cần đặt nhiều dấu hỏi mỗi khi trích dẫn. Cuốn Le Dragon d'Annam (Con Rồng An-Nam) của vua Bảo Đạo do hai người Pháp viết, và từng có vụ tranh tụng tác quyền. Sách này nhiều chi tiết sai lầm. Cuốn Our Endless War (Cuộc Chiến Tranh Bất Tận của Chúng Tôi) của ông Trần Văn Đôn cũng chỉ có những giá trị nhất định. Tôi vẫn nghĩ tập hồi ký Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi của cựu Tướng Đỗ Mậu, nếu  bỏ ra ngoài những nhận định quá khích, còn xúc tích và xác thực hơn những bộ hồi ký vừa lược kể. Báo chí - cũng giống như truyền khẩu sử - cũng có giá trị nào đó; nhưng khá thấp, như kiểm chứng họ tên các tác nhân, cùng dư luận quần chúng. Tuy nhiên, sử dụng báo chí xuất bản tại Việt Nam, người nghiên cứu luôn luôn phải cực kỳ cẩn trọng. Nghề làm báo ở Việt Nam còn quá trẻ. Rất ít người làm báo được huấn luyện chuyên môn; và cũng có rất ít người đặt nặng vấn đề sự lương thiện cần thiết và lương tâm người cầm bút”. (Nguyên Vũ. Sđd., trang 92-94).

Có người cho rằng bất kỳ người nào có kiến thức về lịch sử và khả năng diễn đạt cũng đều có thể viết lịch sử. Đó là một quan niệm. Tuy nhiên, quan niệm này ngày nay không còn hợp lý nữa. Vạn vật biến chuyển không ngừng. Kho tàng kiến thức của nhân loại càng ngày càng trở nên phong phú và phức tạp nhiều hơn. Theo đà tiến hóa của nhân loại, bất kỳ ngành chuyên môn nào cũng phải được huấn luyện. Do đó, những người muốn hành nghề trong phạm vi chuyên nghiệp nào cũng phải qua một khóa huấn luyện chuyên môn để lãnh nhận một số khả năng kỹ thuật làm việc theo phương pháp khoa học. Nghề viết lịch sử cũng không tránh khỏi quy luật này. Ngoài khả năng nắm vững các nguồn tài liệu khả tín và khả năng diễn đạt tư tưởng, người viết sử chân chính còn cần phải được huấn luyện về ngành chuyên môn của mình, chứ không phải là chỉ làm công việc sao chép các thông cáo hay các bản văn tuyên truyền của chính quyền đưa ra như bọn gia nô của các chế độ độc tài đã từng làm và vẫn còn tiếp tục làm ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Tiến-sĩ Vũ Ngự Chiêu nói rõ vấn đề này như sau:

”Lối chép sử với dụng tâm ca ngợi kẻ mạnh hay chế độ cầm quyền - hoặc chỉ nói lên nửa sự thực - đã lỗi thời. Muốn giải thoát được quốc dân Việt Nam khỏi những gông cùm văn  hóa trung cổ và tàn tích phong kiến/thực dân, một trong những nhu cầu cấp bách là cần phát huy ngành sử học chân chính ở Việt Nam, ít nhất trong khuôn viên các đại học và trường ốc. Cho tới năm 1975, ngoại trừ các tác phẩm của các sử gia chuyên nghiệp ở hải  ngoại, những bộ ”sử” lưu truyền, phổ biến bấy lâu chỉ đủ tạm dùng ở cấp tiểu học hoặc trung học đệ nhất cấp, vì phần lớn dựa trên nguồn tài liệu hạng hai, hoặc hạng ba. Đó là chưa nói đến hệ thống kiểm duyệt của cả hai phe, di sản của các chế độ quân chủ chuyên chế và thực dân, cùng chính sách độc quyền tư tưởng và văn hóa theo kiểu tiếng chuông cho ăn của Pavlov hiện nay”.  ”Còn những người viết văn học sử miền Nam trước năm 1975, hay đang sống ở hải ngoại? Phần đông chỉ viết khen tặng lẫn nhau theo kiểu anh em bù khú; hay chỉ trích lung tung. Những loại sách này thường không những thiếu phương pháp nghiên cứu, mà còn thiếu cả phẩm lượng của văn công Cộng Sản trong nước. Điều này cũng chẳng đáng trách. Có người chỉ là ”nhà văn”, ít nhiều bị ảnh hưởng vì nghề nghiệp liên quan đến ”công dân vụ” hay ”chiến tranh chính trị”. Viết văn học sử, một công trình nghiên cứu nghiêm túc, thường đòi hỏi ít nữa cấp bằng Cao Học hay Tiến Sĩ - tức những người được huấn luyện  chuyên môn” (Nguyên Vũ. Sđd., trang 29 và 50).

Lối viết sử ca ngợi kẻ mạnh là việc làm của bọn sử nô. Đây là trường hợp được ông Chính Đạo đề cập đến trong tác phẩm ”Mậu Thân 1968: Thắng Hay Bại?”, trong đó tác giả nói rõ về tư cách và thái độ của ông Tôn Thất Thiện, ”một trong hai đệ tử thân tín của Ngô Đình Nhu”, về cái nhìn khinh miệt những người khác tôn giáo, vừa đánh bóng chế độ của quan thày vừa đề cao người đồng đạo một cách vô cùng ngạo mạn và hợm hĩnh. Sử gia Vũ Ngự Chiêu viết:

Tháng 3/1968, khi được khuyên bảo phải đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền. Thiệu quyết định đổi Tổng Nha Thông Tin thành Bộ Thông Tin... Tân Thủ Tướng Trần Văn Hương  chọn Tôn Thất Thiện thay Trần Văn Ân nắm Bộ Thông Tin. Theo tài liệu Mỹ, Thiện là một trong hai đệ tử thân tín của Ngô Đình Nhu. Thiện học ngành kinh tế, thông minh, có khả năng, nhưng ngành thông tin có rất ít liên hệ với kinh tế học. Thiện lại chủ trương chỉ có người Kitô giáo mới đủ tin tưởng để hoạt động trong bất cứ lãnh vực nào của xã hội. Bởi thế, dù bằng cấp cao hơn Ân, chính sách thông tin của Thiện - nếu có một chính sách - chỉ đặt trọng tâm vào việc phân phối bông giấy cho các chủ báo cùng phe đảng, và phục hồi tinh thần Ngô Đình Diệm” (Chính Đạo.Mậu Thân 68. Houston, Texas: Văn Hóa, 1998, trang 280). ”Tại hải ngoại, (Tôn Thất) Thiện tiếp tục chính sách đánh bóng chế độ Ngô Đình Diệm và đả kích những Tướng-lãnh làm đảo chính 1963. Thiện hay viết báo, dạy cách viết ”sử” hay phê bình ”sử” theo lối tuyên truyền nhồi sọ xưa cũ - dù chính Thiện có rất ít kiến thức về sử học. Ngoài ra, Thiện còn bí mật vận động gửi tiền về trong nước.” Chính sách ”hòa giải, hòa hợp” này, thực ra là con dao hai lưỡi. Mới đây, phe nhóm Thiện đã bị Nguyễn Hộ tố cáo là mạo danh ông ta lập ”mặt trận” ma. Những việc làm chẳng có gì là ”thông minh” như Lansdale nhận xét.” (Chính Đạo., Sđd., phần Phụ chú, số 40, trang 296).

Việc ông Tôn Thất Thiện cho rằng ”chỉ có người Kitô giáo mới đủ tin tưởng để hoạt động trong bất cứ lãnh vực nào của xã hội” cho chúng ta thấy rõ cái cung cách của ông ta chỉ nhằm một mục đích là làm vừa lòng những người Thiên Chúa Giáo, một khối dân có thế lực và được đế quốc Vatican hết lòng ủng hộ. Thực ra, chủ trương này là do đám quan thày của ông Tôn Thất Thiện đã theo đuổi từ hồi năm 1950. Mấy đoạn văn lịch sử dưới đây là bằng chứng:

Ngày 21/9/1950... William S. B. Lacy, Trưởng Nha Philippine và Đông Nam Á, tiếp (Ngô Đình) Diệm và (Ngô Đình) Thục. Theo Thục, phải lập một quân đội quốc gia, lấy giáo dân Ki-tô làm hạt nhân để không sợ quân lính  đào ngũ mang súng qua hàng Việt Minh. (FRUS, 1950, VI:884-6). (Chính Đạo. Việt Nam Niên Biểu 1939-1975 (Tập B: 1947-1954). Houston, Texas: Văn Hóa, 1997, trang 194).

Chủ trương này đã được chính ông Ngô Đình Diệm ấp ủ và hết lòng tin tưởng:

Sự kiện chín mươi phần trăm người dân Việt Nam không phải là tín đồ Thiên Chúa Giáo không làm cho ông Diệm quan tâm vì ông đã tuyên bố rằng ông ”tin tưởng vào quyền lực  của Vatican và ông chống Cộng cực lực, ”[COO, Tr. 242) (Lương Minh Sơn), Bài đã dẫn).

Nó vẫn được chính quyền Nguyễn Văn Thiệu (Chế độ Diệm không Diệm) theo đuổi:

”Đại đa số thanh thiếu niên tại thành phố quyết tâm chống Cộng hơn nữa. Họ hăng say tham gia các phong trào cứu trợ nạn nhân chiến tranh hay nhân dân tự vệ. Nhưng rồi cũng chỉ tựa ngọn lửa rơm. Sự mau nguội lạnh này phần vì lãnh đạo yếu kém, phần vì sự ghen tị, âm mưu độc quyền ”hoạt động” - và dĩ nhiên là độc quyền nhận tiền trợ cấp của Mỹ hay chính phủ của các lãnh tụ thanh niên Ki-tô. Tổng Giám Đốc Thanh niên (Lâm Quang Phòng) của chính phủ Nguyễn Văn Lộc phản ảnh trung thực ước muốn và chủ trương độc  quyền cai thầu chống Cộng này qua lời tuyên bố giữa một buổi họp tham mưu về kế hoạch tái thiết, dưới sự chủ tọa của Nguyễn Văn Thiệu, rằng chỉ có khối giáo dân Ki-tô mới cung cấp được ”những thành phần đáng tin cậy trong phong trào thanh niên” [Theo báo cáo đề ngày 9/4/1968 của Tướng Edward Lansdale gửi Đại Sứ Bunker; LBJL, NSF, Vietnam Country File, Box 107], (Phụ Nữ Việt Xuân Mậu Dần 1998, trang 140). ”Xem, chẳng hạn, báo cáo ngày 27/2/1968, Lansdale gửi Bunker; LBJL, NSF, Vietnam  Country File, Box 107. Tưởng nên ghi thêm, trong một dạ tiệc đưa tiễn Tướng Lansdale, một nhóm ”lãnh tụ” thanh niên và sinh viên Ki-tô từng cung cấp nhiều tin tức đầy sai lạc và độc ác về các tổ chức sinh viên không Ki-tô và thanh niên Phật-tử, tổ chức một buổi ca nhạc loại bỏ túi, trong đó có bài ”Từ biệt Ed. Lansdale.” (Chính Đạo. Sđd., trang 298).

Một sự kiện cần phải để ý là Tôn Thất Thiện ”là một trong hai đệ tử thân tín của Ngô Đình Nhu” thì dĩ nhiên là ông ta được đi du học bằng ngả đường ”con ông cháu cha”. Trong khi đó thì tất cả thanh niên đồng lứa tuổi với ông ta vào lúc đó, phải lăn xả vào cuộc chiến. Nhiều người có dư thừa khả năng về thông minh, kiến thức và tài chánh, muốn xin xuất ngoại du học cũng không thể nào được chấp nhận nếu không qua cửa ải của ông Linh-mục Cao Văn Luận. Cũng nên biết là trong thời chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa, ông Ngô Đình Nhu giao cho Linh-mục Cao Văn Luận phụ trách việc xuất ngoại du học của các sinh viên. Ai cũng biết là thời đó, chỉ có những người theo đạo Ki-tô hay những người thuộc loại  con ông cháu cha mới được xuất ngoại du học. Ông Tôn Thất Thiện ”học về ngành kinh tế”, nhưng khi hồi hương cũng như khi chạy sang Hoà Kỳ tỵ nạn, không thấy ai nói ông Tôn Thất Thiện hoạt động trong lãnh vực kinh tế. Tại sao lại như vậy? Tại các đại học lớn của Hoa Kỳ, môn học nào cũng được chia ra làm ba bậc:

a) Undergraduate school 4 năm. Sinh viên tốt nghiệp (không phải viết tiểu luận), sẽ lấy bằng BA hay BS.

b) Graduate School từ 18 tháng đến 3 năm. Sinh viên phải tham dự các buổi hội thảo về các đề tài chuyên môn, phải lấy một khóa học về research để học về phương cách sưu khảo cũng như cách thức viết tiểu luận và luận án. Khi đang theo học, sinh viên phải viết 2 hay 3 book reports và ít nhất 1 term paper (bài khảo luận) cho một môn học, phải luôn luôn có điểm GPA tối thiểu là 3.00 trở lên, và GPA tối thiểu là 3.00 mới đủ điểm tốt nghiệp. Nếu chỉ tính điểm chuyên môn, thì phải có GPA từ 3.50 trở nên mới được coi là sinh viên giỏi. Khi tốt nghiệp, thường thường sinh viên phải chọn một đề tài để viết một tiểu luận (thesis) về ngành chuyên môn của mình. Tốt nghiệp, sinh viên sẽ được cấp bằng MA hay MS.

c) Post-graduate phải học từ 3 năm trở lên (không quá 10 năm). Trường chỉ nhận những sinh viên có bằng MA hay MS thuộc loại khá, hay đã có những công trình nghiên cứu hoặc tác phẩm được coi là có giá trị. Sinh viên cũng phải theo học những khóa học thuần túy về ngành chuyên môn của mình, phải đi vào chi tiết nhiều hơn, và phải viết một luận án (dissertation) dài từ khoảng 120 trang đến 1000 trang tùy theo sở thích và khả năng.

Chúng tôi không biết ông Tôn Thất Thiện học trường đại học nào và đã học đến bậc nào trong ba bậc a, b, c trên đây. Việc ông ”(Tôn Thất) Thiện thường hay viết báo, dạy cách viết sửhay phê bình ”sử” theo lối tuyên truyền nhồi sọ xưa cũ - dù chính Thiện có rất ít kiến thức về sử học” làm cho người viết nhớ đến những câu châm ngôn của người Việt Nam: ”Câm hay ngóng, ngọng hay nói”, và ”Người dốt hay nói chữ”. Có lẽ cũng vì thế mà ông Trần Đạo mới viết trong mục LỘNG NGÔN, VỌNG NGỮ!!! trong Nguyệt San Người Dân, nói về cái tật ”dốt sử mà lại học đòi dạy cách viết sử” hay phê bình ”sử” theo lối tuyên truyền nhồi sọ ” của ông Tôn Thất Thiện như sau:

Lại lấy thí dụ bài ”Tổng Thống Ngô Đình Diệm Là Người Yêu Nước Đáng Kính Hơn Bất Cứ Nhân Vật Hiện Đại Nào Từ 1945 Đến Nay” của ông Tôn Thất Thiện giới thiệu cuốn ”Những Ngày Cuối Cùng Của Tổng Thống Ngô Đình Diệm” của Hoàng Ngọc Thành và Thân Thị Nhân Đức, cũng trong số báo (Người Việt ngày Chủ Nhật 2/11/ 1997) trên. Nguyên cái tựa bài đã là một sự hỗn hào đối với các người yêu nuớc Việt Nam từ năm 1945 đến nay. Cứ tạm đơn cử 18 vị trong nhóm Caravelle. Bất kỳ vị nào dù nhiều tuổi, dù ít tuổi, trong 18 người đó, thì ai là người có một chút ý thức đều thấy họ có thành tích yêu nước, có tư cách đáng kính gấp ngàn lần ông Diệm. Không ai có thể chấp nhận một điều  xấc-xược như thế, ngay cả những người thuộc Đệ Nhất Cộng Hòa, ngoại trừ một số ít oi loại ông Thiện, hay người trong gia đình ông Diệm, hay những người hưởng ân sủng của chế độ Ngô Đình Diệm. Chính ông Thiện cũng đã xác nhận khi viết ”mỗi người trong chúng ta thuộc Đệ Nhất Cộng Hòa, tuyệt đối phải có (cuốn Những Ngày Cuối Cùng Của Tổng Thống Ngô Đình Diệm) để làm bằng chứng của sự thành tâm của mình đối với Tổng Thống”. Chỉ những kẻ đó mà thôi, những kẻ thuộc ”Đệ Nhất Cộng Hòa”. Ông Thiện lại còn dám nhắc cả đến việc ”tìm ra sự thật lịch sử với thái độ hoàn toàn khách quan và công tâm” của các tác giả và công nhận với họ rằng họ ”chỉ là những giáo chức  chuyên nghiên cứu sử, không tham gia đảng phái nào trong thời ở quê nhà và không hoạt động chính trị” mà lờ đi chuyện vợ chồng tác giả này có liên hệ họ hàng với ông Diệm, bà Nhu không? Nói ông Diệm là người yêu mình, yêu gia đình ông, là người may mắn nhưng bất tài hơn bất cứ nhân vật hiện đại nào từ năm 1945 đến nay mà không kể tội ông đã là quá ư độ lượng rồi. Không biết ông Thiện năm nay bao nhiêu tuổi mà có thể hỗn hào như thế? Phủ nhận lòng dân oán ghét ông Diệm là một thái độ lưu manh. Ý chừng ông Thiện  cho luôn vụ Caravelle, vụ 1960, vụ ném bom Dinh Độc Lập và nhiều vụ âm thầm khác cũng hoàn toàn do ngoại bang hết. Và nỗi vui mừng của dân chúng biểu lộ trong hai vụ 1960 và 1963 là giả tạo?” (Nguyệt San Người Dân, Số 88, tháng 12, 1997, trang 6).

Nhìn lại cuộc đời của ông Tôn Thất Thiện, từ chỗ là tên đệ tử (gia nô ?) của tên bạo chúa khát máu Ngô Đình Nhu, một nhân vật quyền uy tột đỉnh của thời Đệ Nhất Cộng Hòa, rồi được khơi khơi cho ra ngoại quốc học về môn kinh tế. Khi về nứơc, ông ta lại không hoạt động trong ngành kinh tế, mà lại nắm giữ chức Bộ Trưởng Bộ Thông Tin trong thời chế độ Nguyễn Văn Thiệu; khi lưu vong, ông ta lại đòi dạy người đời cách viết ”sử”. Sự kiện này khiến cho chúng tôi nhớ tới đoạn văn bất hủ của kịch sĩ Beaumarchais nói với bọn qúy tộc Pháp trong thời Cách Mạng Pháp 1789 khi ông diễn vở kịch ”Le Mariage de Figaro”. Đoạn văn ấy như sau:

Bởi vì ông là một ông lớn quý tộc, nên ông vội tưởng ông là một đại thiên tài. Chức tước, tiền của, địa vị, ngựa xe, tất cả cái đó đã khiến cho ông hãnh diện! Nhưng quả thực, ông đã làm gì để xứng đáng với các thứ tốt đẹp đó? Ông chỉ làm được có một chuyện là lọt từ trong lòng mẹ ra mà thôi!” (Nghiêm Xuân Hồng. Cách Mạng và Hành Động. Saigòn: Quan Điểm 1964, tr 22).

Thực ra, không phải chỉ có ông Tôn Thất Thiện là người không có căn bản về sử học mà lại thích viết báo và viết lịch sử với mục đích là vừa để chê bai và khinh rẻ những người khác tôn giáo, vừa để đề cao khả năng ưu việt và mức độ khả tín của người Kitô giáo, và quan trọng hơn cả là để che giấu và lấp liếm những tội ác của những ông cha và quan thày đã từng tiếp tay cho quân xâm lăng Liên Minh Đế Quốc Thực Dân Xâm Lược Pháp-Vatican trong việc đánh chiếm và thống trị đất nước Việt Nam trước đây cũng như chạy tội và đề cao bạo quyền Ngô Đình Diệm. Những cuốn sách sử như ”Việt Nam Giáo Sử” của Linh-mục Phát Huồn, ”Việt Nam Chính Sử” của ông Nguyễn Văn Chức, ”Việt Nam Tôn Giáo Chính Trị Quan” của ông Linh-mục Vũ Đình Hoạt, ”Những Bí Ẩn Đằng Sau Cuộc Thánh Chiến Tại Việt Nam” của ông Lữ Giang, ”Việt Nam Huyết Lệ Sử” của ông Cao Thế Dung, ”Việt Nam Mất, Lỗi Tại Ai?” của ông Nguyễn Đức Chiểu đều là những tác phẩm của những người đồng đạo với anh em ông Ngô Đình Diệm. Tất cả các tác giả này đều không phải là những người được huấn luyện về ngành sử học. Tất nhiên, họ là những người không có căn bản kiến thức về sử học. Mặc dù là họ biết rằng họ là những người thiếu căn bản sử học và thiếu cả tính cách vô tư, nhưng họ vẫn cứ viết, viết ra với một mục đích duy nhất giống như mục đích của ông Tôn Thất Thiện đã theo đuổi. Sự kiện này được thể hiện rõ rệt nhất trong cuốn Việt Nam Huyết Lệ Sử. Trong cuốn sử này, ông Cao Thế Dung viết khá tỉ mỉ (trang 298-299), làm ra vẻ biết rất nhiều về cuộc kháng chiến của Nghĩa Quân tại Chiến Lũy Ba Đình dưới quyền chỉ huy của cụ Đinh Công Tráng, nhưng lại giấu nhẹm và cố tình không nói gì tới những hoạt động tình báo của ông Giám-mục Puginier và chuyện ông Linh Mục Trần Lục đem 5 ngàn giáo dân đến tiếp viện cho quân Pháp dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Metzinger để đánh tan lực lượng kháng chiến của nhân dân ta tại chiến lũy Ba Đình. Trong khi đó, cũng nói về Chiến Lũy Ba Đình, Linh-mục Trần Tam Tỉnh, một nhà viết sử chân chính có căn bản sử học, lại nói rõ chuyện này như sau:

Cho tới ngày chết, 25-4-1892, Giám-mục Puginier chẳng bỏ qua bữa nào mà không hoạt  động để củng cố thêm vị trí nước Pháp tại xứ sở con nuôi này của ông. Người ta đang giữ được hàng chục điệp văn và bản tin tình báo mang chữ ký của ông trong văn khố của Bộ Thuộc Địa. Và một phần nhờ ở các bản tin đó mà quân Pháp đã có thể đập tan cuộc kháng chiến vũ trang của người Việt Nam. Cuộc kháng cự hùng mạnh nhất đã xẩy ra tại Ba Đình, Thanh Hóa, dưới sự chỉ huy của Đinh Công Tráng. Bề ngoài, đó là một loại làng  được biến thành căn cứ, được lũy tre bảo vệ, có thành, có đường hầm và hệ thống giao thông hào được bố trí rất thông minh. Tinh thần các chiến sĩ lúc đó rất cao. Nhằm ”bình định” cứ điểm này, quân Pháp đã gửi tới một lực lượng gồm 2250 tên lính, 25 đại bác, 4 pháo hạm dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Metzinger. Cuộc tấn công ngày 16-12-1886 bị đẩy lui. Quân Pháp phải tổ chức bao vây để tìm hiểu chiến thuật mới. May cho chúng, vì có một sĩ quan trẻ, Đại Úy Joffre (sau này là thống chế Pháp trong Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất) nghĩ tới việc nhờ Linh-mục Trần Lục, quản xứ Phát Diệm và là Phó Vương, tiếp trợ cho cuộc bình định các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Ông Linh- mục này đã nhận phép lành của Giám-mục Puginier, rồi tiếp viện cho quân Pháp 5 ngàn giáo dân. Ba Đình đã thất thủ.” (Trần Tam Tỉnh. Thập Giá Và Lưỡi Gươm. Paris: Sudestasie: 1978, trang 45-46)

Một trong những điểm khác đáng nói nữa là cũng ở trong cuốn Việt Nam Huyết Lệ Sử, nơi trang 239, 240 và 241, ông Cao Thế Dung viết:

Giáo Sĩ Tây Ban Nha phản đối cuộc đánh chiếm Hà nội và Bắc kỳ. Francis Garnier gửi  thư cho Giám-mục Colomer, ”gạ gẫm” nhờ Giám-mục cho biết về tình hình Hải Dương, xem chính quyền địa phương có thù nghịch với các nhà truyền giáo hay không, y muốn đem quân vào lãnh thổ thuộc địa phận Đông Bắc kỳ ”có nhã ý bảo vệ các nhà truyền giáo”. Giám-mục Colomer từ chối sự ”hào hiệp muốn bảo vệ” của Francis Garnier, cho biết rằng ”cho đến bây giờ nhờ ơn Chúa chúng tôi được khá yên ổn, không sợ một chút nào về sự yên ổn ấy có thể bị phá”.  Giám-mục Colomer nói rõ ba điểm: ”Các nhà truyền giáo Tây Ban Nha không tán thành việc xâm lăng một nước không phải là đất nước của mình. Thứ hai, Giám-mục Colomer cho biết, đạo Thiên Chúa và cộng đoàn phụng sự Ngài được chính quyền Việt Nam coi trọng, đối đãi tử tế và rất kính trọng trái với luận điệu tuyên truyền của Giáo-sĩ Thừa-sai Pháp. Thứ ba, gian ý trong ”vụ Bắc-kỳ” là về phía người Pháp chứ không phải về phía người Việt”. Giám-mục Colomer cho F. Garnier biết, người Âu ở địa phận ông đã được các quan tỉnh đối đãi xứng đáng, cả Giám-mục Gauthier và nhiều người Pháp khác đã chứng kiến khi đến thăm các tỉnh thành vào tháng 11 năm ngoái (1872).

“Giám-mục Colomer cảnh cáo về những hành động thù nghịch chống lại dân bản xứ, như việc bất ngờ tấn công thành Hà Nội. Colomer nói: ”Người An Nam sẽ nghĩ như thế nào về các Giám mục truyền đạo và các người Âu khi thấy họ hành động khinh xuất như thế.” Giám-mục Colomer nói để rõ hơn với F. Garnier ”Lòng tôi đau đớn, thắt ruột khi được tin Hà Nội bị chiếm.”... Địa phận Hà Nội do Giám Mục Puginier cai quản là địa phận nhỏ, vùng trách nhiệm bao gồm cả tỉnh lỵ Nam Định, phần bên kia sông Nam Định (tức sông Vị Hoàng) thuộc địa phận đông do Giám-mục Colomer cai quản, tuy nhiên, Nho sĩ và dân không phân biệt Pháp hay Tây Ban Nha, lúc ấy không một ai biết, nước Pháp với đảng của Gambetta, Jule Ferry và Paul Bert đang quyết liệt chống Công Giáo và Giáo Hoàng La Mã, Giáo Hội Tây Ban Nha đang ngầm chống lại chính quyền Pháp nhưng người Việt Nam không phân biệt Tây Ban Nha hay Pháp đều là da trắng, quân Pháp và giáo sĩ ngoại quốc đều là da trắng,là Tây Dương bạch quỉ ngoại xâm. Tinh thần chống Tây đã tiêm nhiễm xâu xa trong tình cảm dân tộc. Do đó, Đạo đã gắn liền với Tây, Tây và Tả đã gắn liền với nhau nhất là sau khi thành Hà Nội thất thủ, Nguyễn Tri Phương bị thương, Giám-mục Puginier đến thăm, vị phò mã ái quốc mạt sát Puginier, thống trách ông đã chỉ đường cho Pháp xâm lăng, đoạt thành Hà Nội. Kể từ biến cố đau thương này, chống Tây là chống Tả, chống Tả là chống Tây, chống Tả trở thành một thứ tình cảm ái quốc trong giới Văn Thân sau khi Nguyễn Tri Phương tử tiết, ông trở thành thần tượng của lòng trung quân ái quốc tiết liệt, phong trào chống Tả lại phát xuất từ những sai lầm của Puginier”. (Cao  Thế Dung. Việt Nam Huyết Lệ Sử. New Orleans, Louisiana: Đồng Hương, 1995, tr 239-241).

 Khi viết những đoạn văn trên đây, ông Cao Thế Dung có ý muốn nói rằng việc xâm lăng đánh chiếm Việt Nam là do phe Cấp Tiến Thực Dân trong chính quyền Pháp và các nhà truyền giáo người Pháp, chứ không phải Giáo Hội La Mã và các nhà truyền giáo người Tây Ban Nha. Ông Cao Thế Dung viết như vậy là để chạy tội cho Giáo Hội La Mã bằng cách đổ lỗi cho phe Cấp Tiến Thực Dân trong chính quyền Pháp và các nhà truyền giáo người Pháp. Viết như vậy là ông Cao Thế Dung đã cố tình che giấu hay không biết gì về chính sách đế quốc cố hữu của Giáo Hội La Mã và không biết gì về lịch sử của Giáo Hội. Chuyện ông Cao Thế Dung viết sử đổ lỗi cho việc đánh chiếm Việt Nam là do ý của các nhà truyền giáo người Pháp, chứ không phải là chủ trương của Giáo Hội La Mã. Viết như vậy là ông Cao Thế Dung chủ ý lấp liếm hay không biết những sự kiện dưới đây:

1.- Ông Giám-mục Puginier là đại diện của Giáo Hội ở miền Tây Bắc Kỳ (Tonkin) trong đó có thủ đô Hà Nội và Nam Định đúng như Tiến-sĩ Cao Huy Thuần đã xác nhận: ”Giám-mục Puginier, đại diện Tòa Thánh tại Tây Bắc Kỳ, người đóng vai trò đầu não trong biến cố 1873.” (Cao Huy Thuần. Đạo Thiên Chúa và Chủ Nghĩa Thục Dân Tại Việt Nam. Los Angeles, California: Hương Quê, 1988, trang 240). Như vậy thì tiếng nói của Giám-mục Puginier mới là tiếng nói chính thức của Giáo Hội La Mã. Bất kỳ tiếng nói nào khác chỉ là phản ảnh quan điểm cá nhân, chứ không phải là quan điểm hay đường lối hoặc chủ trương của Giáo Hội La Mã. Việc ông Giám-mục Colomer chống lại việc đánh chiếm thành Hà Nội chỉ là chuyện thấy việc làm bất nhân thất đức đã khiến cho lương tâm ông ta sống lại mà hành động như vậy, nhưng một con én không thể nào mang lại được mùa xuân.

2.- Sự hiện diện của các đơn vị quân đội Tây Ban Nha trong đoàn quân viễn chinh đánh chiếm Việt Nam và các nhà truyền giáo Tây Ban Nha tại Việt Nam đều bắt nguồn từ những sắc lệnh của Giáo Hội La Mã đã được ban hành vào những năm 1449, 1452 và 1493. Tất cả những người Tây Ban Nha đến Việt Nam, dù là truyền giáo hay là quân đội, cũng đều là thi hành lệnh của Giáo Hội La Mã, và họ phải tuyệt đối tuân hành lệnh của người đại diện của Giáo Hội La Mã tại Việt Nam lúc bấy giờ là ông Giám-mục Puginier, giống như Giáo Hội đã dạy dỗ các tín đồ và giới tu sĩ của Giáo Hội là phải tuyệt đối vâng lời các đấng bề trên. Là tín đồ ngoan đạo của Giáo Hội La Mã, ông Cao Thế Dung há lại không biết điều này hay sao!

3.- Người Tây Ban Nha theo đạo Thiên Chúa La Mã là những người cuồng tín nhất trong người theo đạo Thiên Chúa La Mã. Điều này được sử gia Bernard B. Fall nói rõ trong cuốn The Two Vietnams khi nói về tính cách cuồng đạo của ông Tổng Thống Ngô Đình Diệm qua cuộc đàm thoại với một nhà báo người Pháp cũng là tín đồ Thiên Chúa La Mã. Câu chuyện như sau:

 ”Tính cách hiếu chiến của ông Ngô Đình Diệm thuộc loại như thế này. Lòng tin đạo của  ông ta đã biến ông ta thành con người hiếu chiến đến độ tàn nhẫn như một vị Đại Phán Quan của Tòa Án Giáo Hội trong thời Trung Cổ ở Tây Ban Nha, nó thiếu hẳn lòng tử tế của các vị tông đồ. Quan điểm của ông ta về chính quyền giống như quan điểm của một bạo chúa theo truyền thống phong kiến quan lại hơn là một ông Tổng Thống theo hiến định của một nước cộng hòa. Một người Pháp và cũng là tín đồ của Giáo Hội La mã nói chuyện với ông ta (ông Diệm) khi nhấn mạnh đến mối liên hệ với nền văn hóa Pháp bằng cách cao giọng những tiếng ”tín ngưỡng của chúng ta” thì ông Diệm đã thản nhiên trả lời rằng: ”Ông biết mà, tôi tự coi tôi như là một người tín đồ Thiên Chúa La Mã giống như  người Tây Ban Nha theo đạo Thiên Chúa La Mã,” thế có nghĩa là ông ta là đứa con tinh thần với niềm tin hung hăng, dữ tợn và hiếu chiến hơn là một người tín đồ dễ dãi và khoan dung giống như người Pháp theo đạo Thiên Chúa La Mã.” (Bernard B. Fall. The Two Vietnams. New York: Frederick A. Praeger, 1964, trang 236).

 Để biết thêm về niềm tin hung hăng, dữ tợn và hiếu chiến của người cuồng tín Tây Ban Nha đồng đạo với ông Ngô Đình Diệm, xin quý vị đọc thêm Bài Học Chiến Tranh Việt Nam Nhìn Từ Hậu Trường Chính Trị Hoa Kỳ của ông Lương Minh Sơn.

Cũng nên nói rõ là nước Việt Nam ta không may cho nên mới bị Liên Minh Đế Quốc Thực Dân Xâm Lược Pháp-Vatican chinh phục và thống trị gần một thế kỷ. Tuy nhiên, ”Tái Ông thất Mã”. Trong cái không may lại cũng có cái may. Cái may đó là nhờ có phe Thực Dân Cấp Tiến ở tại chính quốc Pháp cũng như ở Đông Dương ”với đảng của Gambetta, Jule Ferry và Paul Bert đang quyết liệt chống Công Giáo và Giáo Hoàng La Mã” và chống lại Kế Hoạch của ông Giám-mục Puginier, cho nên kế hoạch của ông Giám-mục Puginier mới bị chính quyền Pháp tại Đông Dương bác bỏ. Cũng nên biết là kế hoạch của ông Giám-mục Puginier có chủ trương xé nước Việt Nam ra là nhiều tiểu quốc, rồi sau đó, tại mỗi tiểu quốc này, họ sẽ đưa lên một tên bạo chúa để Ki-tô hóa dân tộc Việt Nam bằng bạo lực như họ đã làm ở các nước Châu Mỹ La Tinh và Phi Luật Tân. Tiến-sĩ Cao Huy Thuần nói khá rõ về Kế Hoạch Puginier từ trang 395 đến 412 trong cuốn Đạo Thiên Chúa và Chủ Nghĩa Thực Dân Tại Việt Nam”. Để hiểu rõ tình cảnh của các dân tộc Da Đỏ ở Mỹ Châu La Tinh và dân tộc Phi Luật Tân như thế nào, xin quý vị tìm đọc bài ”Nỗi ăn năn thống hối của một người theo Công Giáo” của ông Phan Quốc Đông, in trong cuốn ”Đối Thoại Với Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ II” (trang 350). Sách này do nhóm Giao Điểm xuất bản, địa chỉ mua sách: Giao Điểm P.O. Box 2188, Garden Grove, CA 92642. USA.

Trên đây, người viết chỉ nêu lên một vài sai lầm có chủ ý của ông Cao Thế Dung trong cuốn Việt Nam Huyết Lệ Sử. Nói cho cùng thì sẽ lạc đề với chủ đích của tập sách này. Các cuốn sách khác do những người Việt Nam cuồng tín của Giáo Hội La Mã viết để bênh vực cho bạo quyền Ngô Đình Diệm còn tệ hơn nhiều. Lý do rất dễ hiểu vì họ đều là những người:

1.-  Bị nhồi sọ thành cuồng tín chỉ biết tin và nghe theo Giáo Hội La Mã,
2.-  Không có căn bản kiến thức về môn sử học (không được huấn luyện),
3.-  Không phân biệt được sự khác biệt giữa ý kiến (opinions) và sự kiện (facts),
4.-  Không hiểu rõ được tình tự quê hương và dân tộc,
5.-  Không phân biệt được sự khác biệt giữa cá nhân người lãnh đạo với chế độ,
6.-  Không phân biệt được sự khác biệt giữa việc nhà với việc nước,
7.-  Nhập nhằng đem tôn giáo xen vào các công việc chính trị và chính quyền,
8.-  Không phân biệt được sự khác biệt giữa Chúa Jesus với Giáo Hội và giáo hoàng,
9.-  Đồng hoá cá nhân ông Ngô Đình Diệm với đạo Thiên Chúa,
10.- Không phân biệt được sự khác biệt giữa lòng ái quốc với những hành động phản quốc.
11.- Không thích nghi được với nếp sống dân chủ,
12.- Thiếu những đức tính cần thiết của một sử gia chân chính trong đó có tinh thần vô tư.
13.- Thiếu khả năng lý luận khi họ công nhận việc đánh chiếm và thống trị Việt Nam trước  đây của các đế quốc Âu châu là hành động xâm lăng và chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 là công lao của toàn dân Việt Nam, nhưng họ lại phủ nhận tội ác của Đế Quốc Vatican  chủ động việc chinh phục Việt Nam và đi thuyết phục chính quyền Pháp đem quân đánh  chiếm và thống trị Việt Nam, và họ lên án những người Việt Nam đi theo lực lượng kháng  chiến Việt Minh đánh giặc ngoại xâm, tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Phải chăng 13 lý do trên đây bắt bắt nguồn từ:

1.- Không đủ điều kiện về trình độ như Tiến-sĩ Vũ Ngự Chiêu đã viết:

Viết văn học sử, một công trình nghiên cứu nghiêm túc, thường đòi hỏi ít nữa cấp bằng Cao Học hay Tiến Sĩ - tức những người được huấn luyện chuyên môn” (Nguyên Vũ. Sđd. trang 50).

2.- Bị các nhà truyền giáo của giáo Hội La Mã nhồi sọ đến nỗi không còn biết đến đất nước  Việt Nam là quê hương đích thực của họ như ông Linh-mục Hoàng Quỳnh trong thập  niên 1960 đã hô hào và dạy dỗ con chiên của ông ta rằng ”Thà mất nước, chứ không thà  mất Chúa” và ông Linh-mục Trịnh Văn Phát đã tuyên bố thẳng thừng không biết ngượng mồm:

Tôi đã suy nghĩ và tự hỏi mình phải làm gì cho quê hương và giáo hội. Giúp quê hương không phải là bổn phận trực tiếp của tôi, nhưng tôi có bổn phận với giáo hội vì tôi là người của giáo hội và được đào tạo để sau này phục vụ cho giáo hội...” (Liên Lạc - Giáo hoàng Học Viện, Số 2 (tháng 7 năm 1995), Nhóm Úc Châu thực hiện, trang 72).

Để hiểu rõ điều này hơn, qúy vị hãy lấy kinh nghiệm bản thân về việc giao tiếp với những người cuồng tín đồng đạo với ông Ngô Đình Diệm. Lá thư dưới đây của Tiến-sĩ Nguyễn Xuân Thọ gửi cho cụ Lê Hữu Dản cho chúng ta biết cái nhìn lịch sử và quan niệm viết sử của những người cuồng tín:

NGUYỄN XUÂN THỌ

Résidence Estérel-Le Guynemer 2

Avenue du XVè Corps, 83700 SAINT RAPHAEL, FRANCE

Tél: 04 94 83 II 27

Saint Raphael, 31.10.1997.

Kính gửi Ông LÊ HỮU DẢN

Kính Ông

Tôi có nhận được thơ Ông, đề ngày 22.10.97, cho biết Ông đã nhận được 2 thơ tôi gởi ông. 

1) Theo đây, tôi xin gởi Ông, nhờ Ông bổ khuyết vào trang 438 của sách, vào đoạn cuối  cùng, để phù hợp với bản thảo Pháp văn của tôi. Đoạn này, như nhiều đoạn khác của sách  tôi, có một người tôi không hề quen biết, hay nhờ việc gì, tự cho mình có quyền, vì anh ta  là người Thiên Chúa Giáo, cựu sĩ quan của Diệm, cắt bỏ nhiều đoạn mà anh ta không  bằng lòng. Anh ta cắt bỏ lối 25, 30 trang tất cả. Những đoạn này khi nào tôi tái bản sách, sẽ được in lại để bổ khuyết những đoạn in thiếu kỳ trước, cho phù hợp với bản Pháp văn Les débuts de l'installation du système colonial francais au Vietnam (1858-1897).

2) Bản thảo Pháp văn này tôi đang tìm cách xuất bản, hoặc tại Pháp hoặc tại Mỹ.

3) Theo đây, tôi xin gởi qua ông vài hàng tôi viết và in trong tờ Bông Sen, số 29, tháng 4- 1997, về ”Dân chủ và Nhân quyền của Tây phương và Á Đông”. Nếu Ông xét được, tôi đề nghị Ông cho in lại trong Số Tết SỰ THẬT của Ông vài suy nghĩ này. Cám ơn Ông. Tôi xin kính chúc Ông và quý quyến nhiều phước lành.  

Ký tên: NGUYỄN XUÂN THỌ

Cũng vì những tệ trạng (xóa bỏ những gì không thích) của những cuốn sách sử do các ông cuồng tín đồng đạo với ông Ngô Đình Diệm biên soạn cho nên nhà báo Lê Thị mới viết:

 ”Cận đại và hiện đại lịch sử Việt Nam, là nơi chốn chúng ta cùng có mặt, cùng chịu đựng những cuộc chia cắt của đủ mọi thế lực đế quốc thực dân, muốn tẩy xóa lai lịch người Việt  Nam, muốn biến người Việt Nam thành một bầy nô lệ. Cái gia tài chúng ta hưởng thụ hôm nay là một chương mục rỗng tuếch, nhưng lại chứa đầy thù nghịch anh em. Viết sử cho nghiêm chỉnh, chính là nhu cầu sinh tử của người Việt Nam trong lúc này. Cho đến hôm nay, nhiều thế lực lớn vẫn còn muốn xóa bỏ cái gốc Việt Nam, để hủy hoại dân tộc và tổ quốc Việt Nam. Nhiều người mù lòa chạy theo miếng mồi trước mắt, đã phủ nhận lịch sử Việt Nam, đã bôi nhọ những truyền thống anh hùng Việt Nam bằng chiêu bài tái xác định lịch sử.”

”Một hiện tượng đáng chú ý là một số người đã ”viết sử” để biện minh cho những mục tiêu  chính trị, trong bối cảnh Việt Nam lưu vong này đầy phân hóa chính trị. Nhà báo Nguyễn  Ngọc Linh qua bút hiệu Râu Cáo đã viết trên báo Ngày Nay về hiện tượng này. Một số người làm văn hóa khác còn có những cố gắng phủ nhận lịch sử Việt Nam. Phủ nhận lịch sử dân tộc là phủ nhận những giá trị truyền thống của một dân tộc, là đập phá cái nền tảng chống đỡ dân tộc và tổ quốc Việt Nam. Trong quá khứ, nhiều thế lực đã cố gắng hủy hoại những giá trị truyền thống Việt Nam để đồng hóa dân tộc Việt Nam, để nô lệ hóa dân tộc Việt Nam. Hôm nay, vẫn có những thế lực đế quốc muốn làm tiếp một công tác cũ. Có những người Việt Nam, tự coi mình là trí thức, đã vô tình, đã cố ý tiếp tay cho người ngoài để làm hại chính đồng bào của mình, để làm hại chính tổ quốc mình.” (Tạp Chí PHỤ NỮ VIỆT - Đặc San Xuân Mậu Dần 1998, (7901 Westminster Boulevard, Westminster, California 92683, trang 75, 77).

(ảnh trang 36:)

https://www.ttxva.net/ngo-dinh-diem-va-cuoc-chien-kien-quoc/

Cuộc gặp gỡ cuối cùng của Tổng thống Ngô Đình Diệm với Đại sứ Hoa Kỳ Henry Cabot Lodge Jr. năm 1963 trước đảo chánh. Ảnh Life, ttxva.net

(ảnh trang 62:)

http://www.viettogether.com/diendan/showthread.php?4969-Nh%E1%BB%AFng-b%C3%B3ng-h%E1%BB%93ng-c%E1%BB%A7a-dinh-%C4%90%E1%BB%99c-L%E1%BA%ADp-(-T%E1%BB%AB-k%E1%BB%B3-1-6-)

Hình gia đình từ trái, hàng sau: ND Diệm, ND Nhu, ND Thục -
hàng trước: Lệ Xuân, Lệ Chi cùng các con của ND Nhu (khoảng 1951)

Ông Ngô Đình Luyện, em út của ND Diệm (ảnh 1979, https://www.youtube.com/watch?v=qgshNWfp38k)

(còn nữa)

Trang Nguyễn Mạnh Quang