●   Bản rời    

DÂN TA BỊ TRẤN LỘT THẾ NÀO TRƯỚC KHI XẢY RA NẠN ĐÓI?

DÂN TA BỊ TRẤN LỘT THẾ NÀO

TRƯỚC KHI XẢY RA NẠN ĐÓI?

- Nguyễn Mạnh Quang -

http://sachhiem.net/NMQ/HOSOTOIAC/NANDOI.php

05-Jun-2020

 

 

Bài I - Lời nói đầu

 

Sắc Chỉ Romanus Pontifex được ban hành vào ngày 8/1/1454 trong thời Giáo Hoàng Nicholas V (1447-1455) cho thấy rõ chủ đích của Giáo Hội La Mã là dùng vũ lực chinh phục toàn thể thế giới. Để bảo đảm cho việc này thành công, Giáo Hội cưỡng bách nhân loại phải theo đạo Ki-tô để làm nô lệ cho Giáo Hội.

Nội dung của sắc chỉ này đã được Linh-mục Trần Tam Tỉnh viết ở trang 14 và 15 trong cuốn Thập Giá và Lưỡi Gươm:

..., quyền lợi của Bồ Đào Nha đã được phân định rõ ràng trong sắc chỉ "Romanus Pontifex" do Đức (Giáo Hoàng) Nicholas V (1447-1455) ra ngày 8 tháng Giêng năm 1454. Theo quyền lực Chúa ban và quyền lực của Tòa Thánh, Đức Giáo Hoàng ban cho triều đình Lisbon (Bồ Đào Nha) "toàn quyền tự do xâm lăng, chinh phục, chiến đấu, đánh giặc và khuất phục tất cả các quân Sarrasins (tức người Ả Rập), các dân ngoại đạo và các kẻ thù khác của Giáo Hội, gặp bất cứ nơi nào: được toàn quyền chiếm cứ tất cả các vương quốc, lãnh địa, vương hầu, đất đô hộ và tài sản của chúng; toàn quyền chiếm đoạt tất cả của nổi và của chìm của chúng và bắt tất cả chúng nó làm nô lệ vĩnh viễn".

Khi ban quyền cho người Bồ Đào Nha được chiếm mọi thứ lợi lộc kể trên, Giáo Hoàng đồng thời cũng muốn mở mang nước Chúa sang các miền xa xôi. Và để nhà vua Bồ Đào Nha yên tâm hơn, Giáo Hoàng ra lệnh cấm không một ai khác được phép đặt chân tới các vùng đất ấy nếu không có phép của nhà vua, dành cho nhà vua độc quyền buôn bán và ra vạ tuyệt thông tức khắc cho bất kỳ ai dám hành động ngược lại."[1]

Sau đó, sắc chỉ này lại được nhắc đi nhắc lại nhiều lần bằng một loạt thánh luật khác. Đó là các thánh lệnh Inter caetera (1456) trong thời Giáo Hoàng Callistus III (1455-1458), Aeterni Regis (1481) Giáo Hoàng Sixtus (1471-1484), Examinae devotionis (ngày 3/5/1493), Inter caetera (ngày 3 và 4/5/1493) Dudun siquidem (ngày 23 [26?]/9/1454) trong thời Giáo Hoàng Alexander VI (1492-1503).[2]

Ngoài ra, còn rất nhiều sắc chỉ ban hành trong thế kỷ 16 đặc biệt chú trọng đến các xứ Đông Nam Á Châu. Linh mục Đỗ Quang Chính, Hai Giám mục Đầu Tiên tại Việt Nam, trang 11-24 viết:

Để thuận lợi hơn trong vấn đề truyền giáo, ngày 3 tháng 11 năm 1534, Giáo hoàng Phaolô III ban Sắc chỉ "Aequum Reputamus" thiết lập Giáo phận Goa (Hạt Đại diện Tông tòa Goa) khởi từ mũi Hảo Vọng (Nam Phi) đến Nhật Bản, bao gồm quốc gia Đại Việt.

Ngày 4 tháng 2 năm 1557, Giáo hoàng Phaolô IV ký Sắc chỉ "Pro Exellenti Praeminentia" thiết lập Giáo phận Malacca, bao gồm lãnh thổ Indonesia, Malaysia, Xiêm, Cam Bốt, Chàm, Đại Việt, Trung Hoa và Nhật Bản.

Đến ngày 23 tháng 1 năm 1576, Giáo hoàng Grêgôriô XIII ban Sắc chỉ "Super Specula Militantis Ecclesiae", thành lập Giáo phận Macao, tách ra từ Giáo phận Malacca, gồm lãnh thổ Trung Hoa, Đại Việt và Nhật Bản.

Năm 1614 những nhà truyền giáo dòng Tên theo chân các thương nhân người Bồ Đào Nha từ Macao, qua phía nam Trung Hoa, để đến Việt Nam. Các bề trên Dòng Tên còn thành lập hẳn một tổ chức truyền giáo tại Đàng Trong (la Mission de Cochinchine) năm 1615 [https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ng_gi%C3%A1o_t%E1%BA%A1i_Vi%E1%BB%87t_Nam#cite_ref-7]

Nói cho rõ hơn, Vatican vốn đã có chủ trương đánh chiếm Đông Dương rồi mới cho người đi vận động Pháp để liên kết. Cũng vì thế mà ngay từ khi khởi đầu liên minh với nhau, Pháp và Vatican là hai thế lực “đồng sàng nhưng dị mộng”.

Hơn bất kỳ dân tộc nào khác, dân tộc Pháp có kinh nghiệm đau thương với Tòa Thánh Vatican nhiều hơn cả và phải mất cả khoảng 15 thế kỳ mới quật khởi lên được. Hầu hết những thành phần làm chính sách tại chính quốc Pháp và cầm quyền tại Đông Dương là những người Pháp mang nặng tinh thần Cách Mạng Pháp 1789. Họ rất ghê tởm và khinh rẻ tập đoàn lưu manh trong Tòa Thánh Vatican và bọn giao sĩ truyền đạo tại Đông Dương. Cũng vì thế mà ngay từ khi tiến hành đánh chiếm Đông Dương, tập đoàn ăn cướp Vatican và bọn thực dân xâm lược Pháp đã hục hặc với nhau rồi.

Chủ trương của người Pháp là muốn biến Động Dương thành thuộc địa khai thác tài nguyên và thị trường tiêu thụ hàng hóa, biến nhân dân ta thành khối dân lao động rẻ tiền phục vụ cho các công trường khai thác quặng mỏ và trong các đồn điền cao su, trà, cà phê của bọn tư bản Pháp.

Trong khi đó thì chủ trương của tập đoàn lưu manh trong Tòa Thánh Vatican là muốn xé nhỏ Đông Dương thành nhiều tiểu quốc theo biên giới sắc tộc, địa lý, và tôn giáo rồi dùng một tên tín đồ Da-tô địa phương đưa lên làm bạo chúa, thiết lập một vương quốc Da-tô để thi hành "Kế Hoạch Da-tô Hóa". Với mục đích "diệt tận gốc, trốc tận rễ" tất cả những gì thuộc về tôn giáo và văn hóa cổ truyền của dân tộc Đông Dương, mục tiêu đầu tiên của Vatican nhắm tới là giới "Nho sĩ" và tất cả những gì thuộc về Nho giáo và đạo Phật. Kế hoạch Puginier do chính Giám-mục Puginier biên soạn là bằng chứng nói lên cho sự kiện này. [3]

Vì những lý do trên đây, hai thế lực xâm lược này luôn hục hặc với nhau và luôn luôn tìm cách hất cẳng nhau ra khỏi sân khấu chính tri tại Đông Dương. Nói về tình trạng “đồng sang dị mộng” giữa Giáo Hội La Mã và nhà cầm quyền Pháp tại chính quốc Pháp cũng như tại Đông Dương. [4]

Cũng may là trong suốt thời gian đánh chiếm và thống trị Việt Nam từ thập niên 1850 cho đến tháng 3 năm 1945, phe thực dân Pháp luôn luôn thắng thế trên sân khấu chính trị tại chính quốc cũng như tại Đông Dương và chỉ để cho Vatican được hưởng một số những đặc quyền về kinh tế cùng một số ưu thế trong xã hội Đông Dương và ưu tiên tuyển dụng bọn tín đồ Da-tô bản địa vào làm các công việc do thám chỉ điểm và tay sai đắc lực trong bộ mày đàn áp nhân dân ta. Còn kế hoạch Ki-tô hóa nhân dân ta thì bị những người Pháp có thế lực cầm quyền ở chính quốc cũng như ở Đông Dương chống lại và bác bỏ. Nhờ vậy mà trong thời kỳ này, Việt Nam ta tuy là bị chia làm ba miền Bắc, Nam, Trung, nhưng không bị biến thành các vương quốc Da-tô. Cũng vì thế mà nhân dân ta không bị cưỡng bách phải theo đạo Da-tô như chủ trương của Vatican.

Riêng về phần tu sĩ và tín đồ Da-tô người Việt, dù là đã muối mặt phản lại dân tộc, phản lại tổ quốc, làm tay sai cho Liên Minh Xâm Lược Pháp – Vatican, bọn người “thà mất nước, chứ không thà mất Chúa” này vẫn bi bọn quan thày người Pháp khinh rẻ, coi chúng như là thứ người phản phúc lưu manh đốn mạt. Sách Bước Mở Đầu Của Sự Thiểt Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp Ở Việt Nam 1858-1897 ghi lại như sau:

Chúng tôi chỉ có với mình”, Đô Đốc Rieunier sau này nói, “những giáo dân và bọn du thủ du thực”. “Bọn lang bạt bị trục xuất khỏi làng vì đói rét hoặc vì tội phạm,” Đại Tá Bernard viết, xô về đây với cái lưng mềm dễ uốn, họ tham sống sợ chết; họ hoàn toàn hững hờ với cuộc đấu tranh của dân tộc mình, sẵn sàng phụng sự bất cứ những ông chủ nào… Người ta sẽ tuyển dụng trong số họ tất cả nhân viên hành chính cần thiết cho nhà nước, hoặc những người giúp việc gia đình: làm đầy tớ, làm khuân vác, làm người chạy giấy và cả những tên phiên dịch, hoặc những người ghi chép được đào tạo thô sơ qua các nhà trường của Hội Truyền Giáo. Chính là qua sự tiếp xúc với những kẻ khốn nạn này mà bọn thực dân và công chức, vừa mới đổ bộ lên, làm quen với dân tộc Việt Nam …”Nhà sử học Cultru kết luận:

“Hoàn toàn hời hợt về cái gọi là giáo dục phương Tây mà họ đã được tiếp thụ, những thanh niên Việt Nam này đã trở thành những ông thông, ông phán, ông ký, kiểm soát, phiên dịch.. ấy lập thành tại xứ sở thuộc địa một tầng lớp những người tha hóa, chuyên lợi dụng địa vị chính thức của chúng để nhân danh chính phủ Pháp, lúc này không đủ biện pháp cai quản họ, để áp bức, đục khoét dân chúng, buộc lòng phải nhờ đến sự trung gian cuả họ…”

Tại Nam kỳ, chính là từ trong những người Công Giáo Annam mà người ta tuyển chọn những kẻ giúp việc cho chính phủ Pháp, Phạm Quỳnh đã viết, “Họ có tài cán gỉ? … Phần lớn là những tay dạy giáo lý Cơ Đốc, vì hạnh kiểm kém mà bị các giám mục đuổi về, và dưới một cái tên La Tinh (bởi vì họ nói lõm bõm tiếng La Tinh), là đại diện sơ lược của thủ đoạn, của sự vô trách nhiệm, và sự thoái hóa của Châu Á.”[5]

Vì bị Pháp chèn ép trong phạm vi chính trị và hành chánh, Giáo Hội La Mã đành phải nín thở chờ thời và dồn nỗ lực vào mục tiêu cướp đoạt tài nguyên quốc gia (chiếm đọat ruộng cày và đất trồng), cướp chùa xây nhà thờ, đúng như tinh thần Sắc Chỉ Romanus Pontifex:

“(Giáo Hội và giáo dân) được toàn quyền chiếm cứ tất cả các vương quốc, lãnh địa, vương hầu, đất đô hộ và tài sản của chúng (ta), toàn quyền chiếm đoạt của chìm của nổi của chúng (ta) và bắt tất cả chúng (ta) làm nô lệ vĩnh viễn.” (Như đã nói ở trên.)

Dưới đây là

thành tích bóc lột nhân dân và cướp đoạt tài sản của Vatican tại Việt Nam

trong thời kỳ 1862-1945:

Sự Kiện Thứ Nhất.- Vào năm 1858 cho đến năm 1862 khi triều đình Tự Đức ký Hòa Ước Nhâm Tuất, khi Quân Thập Tự của Liên Minh Thánh Pháp – Vatican bắt đầu tiến vào khai hỏa tấn chiếm Việt Nam, đất nước chúng ta chưa có một ngôi nhà thờ nào choán một vị trí ngon lành nhất và sang trọng nhất trong bất kỳ huyện lỵ, tỉnh lỵ nhỏ và trong các thị xã hay thành phố lớn nào cả. Thí dụ như những châu thành hay tỉnh lỵ như Sàigon, Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu, An Xuyên, Kiên Giang, Vĩnh Bình, Kiến Hoà, Long An, Sa Đéc, Long Xuyên, Tây Ninh, Biên Hòa, Bình Dương, Phước Tuy, Bình Tuy, Phan Thiết, Phan Rang, Phan Rí, Nha Trang, Tuy Hoà, Lâm Đồng, Đà Lạt, Qui Nhơn, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình, Phát Diệm, Nam Định, Phủ Lý, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Đông, Hải Dương, Kiến An, Hải Phòng, Quảng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Hoá, Hòa Bình, Sơn Tây, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Lao Kay, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, v.v… đều chưa có một ngôi nhà thờ nào cả, dù là ở vùng ngoại ô.

Sự Kiện Thứ Hai.- Trong thời gian đó, Giáo Hội La Mã cũng không có một thửa đất hay ruộng nào cả. Nếu có, số lượng ruộng đất này cũng rất ít do việc dựa vào quyền lực của chính quyền thời Nguyễn Ánh trong những năm còn kết thân với Giám-mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) mà có.

Sự Kiện Thứ Ba.- Cho đến tháng 7/1954, Giáo Hội La Mã đã chiếm hữu bao nhiêu ruộng đất trong trọt ở Việt Nam, và có bao nhiêu công ty hoặc xí nghiệp hay cơ sở kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam nói riêng, và Đông Dương nói chung.

Sự Kiện Thứ Tư.- Ngày nay, nếu chúng ta làm một chuyến thăm viếng quê nhà từ mũi Cà Mâu cho đến Ải Nam Quan, xuyên suốt các tỉnh, các huyện, các giáo khu Phát Diệm, Bùi Chu và tất cả các làng đạo hay xóm đạo trong toàn quốc để tìm xem. Chúng ta sẽ thấy có rất nhiều ngôi nhà thờ to lớn vĩ đại với tháp chuông cao chót vót, có bao nhiêu ngôi nhà thờ thuộc loại trung trung, có bao nhiêu ngôi nhà thờ thuộc loại nhỏ, Ngoài ra, có biết bao nhiêu chủng viện, bao nhiêu tu viện, bao nhiêu trường đại học, trung học, tiểu học, ... và bao nhiêu cơ sở khác thuộc Giáo Hội La Mã.

Theo thống kê của phía Công giáo, vào năm 1969, Giáo hội Công giáo ở miền Nam Việt Nam đã sở hữu 226 trường trung học, 1030 trường tiểu học, cô nhi viện, 48 bệnh viện, 35 viện dưỡng lão, 8 trại phong cùi và 159 phòng phát thuốc.

Từ bốn sự kiện trên đây, xin đặt vấn đề như thế này:

- Về các công trình kiến trúc, các cơ sở: Phải chăng Giáo Hội La Mã đã xuất tiền bạc của Vatican từ La Mã (Rome) đem sang Việt Nam để mua sắm vật liệu, thuê mướn kiến trúc sư vẽ hoạ đồ, thuê mướn những tay thợ chuyên nghiệp (thợ nề, thợ mộc, điêu khác gia, thợ sơn, hoạ sĩ) và thuê mướn nhân công để xây cất hàng ngàn công trình kiến trúc vĩ đại trên đây của riêng Giáo Hội La Mã tại Việt Nam?

- Về số lượng ruộng đất: Phải chăng Giáo Hội La Mã đã xuất tiền của Vatican từ La Mã (Rome) đem sang Việt Nam để tậu hay mua số lượng ruộng đất trồng trọt và thiết lập các cơ sở kinh doanh ở trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam mà Giáo Hội đã làm chủ vào thời điểm 1945, và ở miền Nam Việt Nam mà Giáo Hội làm chủ vào thời điểm 1975?

Chúng ta nên tìm hiểu cho đến nơi đến chốn những vấn đề đã nêu lên ở trên. Thiển nghĩ rằng Vatican đã cấu kết với người Pháp dùng bạo lực của chính quyền bảo hộ cưỡng chiếm đất đai, chiếm đoạt tài nguyên, ăn cướp của cải trong những chiến dịch hành quân, bóc lột nhân dân ta bằng chính sách thuế khoá và sưu dịch trong suốt thời kỳ 1862-1945 mới có thể xây cất được hàng ngàn công trình kiến trúc này và số lượng khổng lồ ruộng đất trồng trọt cùng tất cả các cơ sở kinh doanh như trên.

Xin đọc tiếp các chương sau đây để tìm hiểu vấn đề trên đây:

(xem tiếp: Chương 1: Tổng Quát Đời Sống Khốn Khổ Của Dân Ta Trong Những Năm Bị Pháp-Vatican Đô Hộ)



[1] Trần Tam Tỉnh, Thập Giá và Lưỡi Gươm (Paris: Sudestasie, 1978)., tr/ 14-15

[2] Nguyên Vũ, Ngàn Nam Soi Mặt (Houston, TX: Văn Hóa) 2002) tr. 389.

[3] Kế hoạch này được Tiến–sĩ Cao Huy Thuần ghi lại đầy đủ bằng tiếng Pháp trong cuốn Les Missionnaires Et La Politique Coloniale Francaise Au Vietnam 1857-1914 (New Haven, CT: Yale Southeast Asia Studies/CRISPA, 1990, pp. 287- 303, và bằng tiếng Việt trong cuốn Ðạo Thiên Chúa Và Chủ Nghia Thực Dân Tại Việt Nam (Los Angeles, CA: Hương Quê, 1988, tr. 397-414. Xin xem thêm Chương Bốn – Ngày Thứ Bốn nói về Những Đạo Vạt trong cuốn Phép Giảng Tám Ngày của Linh-mục Alexandre de Rhodes (Sàigòn: Tịnh Việt Văn Đoàn, 1961) 68-93.

[4] Vũ Ngự Chiêu. “Sự Hình Thành Phong Trào Quốc Gia Mới: Từ Trung Quân sang ái Quốc”. www.chuyenluan.com Tháng 6/2006.

Sử gia Vũ Ngự Chiêu viết như sau:

“Từ năm 1890, nếu không phải sớm hơn, một hiện tượng đặc thù xẩy ra làm sự rạn nứt giữa Hội truyền giáo và chính quyền thực dân Pháp, đưa đến những tranh chấp không ngừng, có thể gọi là “chiến tranh lạnh.”

“Cuộc chiến tranh lạnh này đã khởi đầu từ ngày chủ nghĩa Cộng Hòa và khuynh tả thống trị chính giới Pháp, và chỉ tạm hòa hoãn trong giai đoạn 1895-1899, thường được biết như thời kỳ “ralliement”– tức chiêu hồi hay liên kết giữa hai phe Ki-tô và Cộng Hòa trung dung, để ngăn chặn ảnh hưởng phe tả khuynh. Từ năm 1899, Quốc Hội Pháp trực diện tấn công Giáo Hội bằng các Sắc luật năm 1901, 1904 và 1905, chính thức giải thoát xã hội Pháp khỏi sự kềm tỏa của thần quyền Ki-tô từ nhiều thế kỷ. Dưới thời chính phủ Emile Combes (1902-1904) của Khối Tả phái (Bloc des Gauches), tinh thần chống Giáo hội ngày càng mạnh.

Tại Ðông Dương, những nhân vật Cộng Hòa hay tả khuynh cũng không ngừng đả kích Hội truyền giáo cùng chủ trương thống trị, “Ki-tô hoá và đồng hoá.” Ðối lại, Hội truyền giáo, giới quân sự và các nhóm viên chức thuộc địa bảo thủ cũng tạo thành một liên minh đánh phá Jean de Lanessan, đưa đến việc triệu hồi viên Toàn quyền này, dù thái độ của de Lanessan với Hội Truyền giáo khá thân mật. Năm 1893, chẳng hạn, khi tờ Le Courrier d' Haiphong cho đăng một loạt bài có vẻ đả kích chủ trương thống trị và đồng hóa mà Hội truyền giáo theo đuổi, các giáo sĩ không chịu yếu thế. Họ quyết dùng báo chí để phản công, xuất vốn mua tờ L'Avenir du Tonkin (Tương lai Bắc Kỳ) ở Hà Nội. Ngày 18/7/1893, de Lanessan phải viết thư cho Giám mục P. Gendreau–mới thay Puginier ở Tây Ðàng Ngoài–khuyên Gendreau đừng nên dính líu vào những cuộc bút chiến trên báo chí. Trong thư trả lời ngày 23/7/1893, Gendreau khẳng định rằng báo chí là phương tiện duy nhất để tự vệ.

Ít lâu sau, tới cuộc bút chiến giữa Linh mục J. B. Guerlach và Camille Pâris, một cựu viên chức bưu điện ở Tourane, sau chuyển sang khai thác đồn điền ở cao nguyên Trung Kỳ thuộc khu vực dân Sê-đăng. Pâris tố cáo Hội truyền giáo đã che chở cho tay phiêu lưu “Hầu tước de Mayréna” chiếm đoạt đất của dân Sê-đăng để thành lập một vương quốc với Giáo sĩ Ki-tô làm quốc sư.(118) Guerlach – một trong những cựu thủ lãnh “thập tự quân” – truy tố Pâris ra tòa về tội mạ lÿ. Tuy nhiên, Pâris được trắng án. Cuộc tranh chấp chỉ chấm dứt sau cái chết bí ẩn năm 1908 của Pâris tại đồn điền.

Các báo thuộc nhóm “Radical” (Cấp tiến) hay “Lodge” (Tam Ðiểm) khác như L'Indépendence tonkinoise (Ðộc Lập của Bắc Kỳ) của Alfred Levasseur, và Le Mékong (Cửu Long) của Ulysse Leriche cũng mở nhiều đợt tấn kích Hội truyền giáo. Trong số báo ra ngày 22/5/1897, chẳng hạn, Le Mékong loan tin một trong 10 nữ tu y tá đã bỏ tu hành nghề mãi dâm. Ngày 12/6/1897, Jean Marie Depierre, Giám mục Tây Ðàng Trong – người đã tổ chức quyên góp dựng tượng Pigneau de Béhaine ở Sài Gòn – khởi tố với Tổng Biện lý Assaud ở Sài Gòn. Trước đó, ngày 25/5/1897, Depierre còn viết thư cho Leriche, cáo buộc Le Mékong dối trá khi bình luận rằng Hội truyền giáo là “ổ chống đối sự thống trị của Pháp.”

Ngoài ra, các nhà in Rey, Curiol, và Francois H. Schneider cũng có lập trường chống Hội truyền giáo, đặc biệt hai tờ L'Univers (Vũ Trụ) và La Croix (Thập Tự Giá), cơ quan ngôn luận của Giáo hội.

Các nhóm tả khuynh còn vận động việc ban hành nghị định áp dụng ba đạo luật 1901, 1904 và 1905 tại Ðông Dương; nhưng Beau – trước sự đe dọa của các Giáo sĩ, và vì quyền lợi thuộc địa –không dám trực diện Hội truyền giáo. Thời gian này Hội truyền giáo đã phát triển và củng cố tổ chức chặt chẽ theo hàng dọc, từ các giáo phận xuống giáo xứ, họ đạo. Hầu hết các họ đạo tại các xã thôn đều do các giáo mục (curé) bản xứ trông nom. Mỗi giáo phận là một tiểu vương triều tự trị, với những luật lệ riêng. Dưới sự hướng dẫn của các linh mục, giáo dân trở thành kiêu dân, hoành hành bất kể luật pháp. Alphonse Louis Klingler ở Nghệ An và Martin ở Thanh Hoá chỉ là những thí dụ tiêu biểu.

Không những chỉ lấn áp dân chúng, đập phá chùa chiền, cướp đoạt ruộng đất, công điền công thổ tại các xã lẫn lộn người Lương và giáo dân, “thập tự quân” còn kéo nhau đi làm tiền cả thân nhân Từ Dụ Thái Hoàng Thái hậu, hay cựu Phụ chính Ðại thần Trương Quang Ðãn, vì tư gia họ đã dùng gỗ lim, mới bị ra lệnh cấm đẵn để dành độc quyền cho các nhà khai thác.

Các quan lại chẳng ai dám phản ứng, vì phạm lỗi với các giáo sĩ hay linh mục bản xứ sẽ lập tức bị cách chức, hay quở phạt.

Trước viễn ảnh rạn nứt khó tránh giữa chế độ Bảo hộ Pháp và Hội truyền giáo – đồng thời, để tạo áp lực với các viên chức “rối đạo” – các giáo sĩ tìm cách móc nối, ăn rễ vào Hoàng tộc và những phong trào kháng Pháp. Một mặt, giới quan lại xuất thân thông ngôn được yểm trợ ngày một thăng tiến nhanh trong triều đình, hầu gây ảnh hưởng với vua và Hoàng tộc. Mặt khác, một số tìm cách liên kết với tổ chức Duy Tân Hội của Phan Bội Châu và Cường Ðể, dòng dõi duy nhất của Hoàng tử Cảnh. Sự ủng hộ của số giáo sĩ, giáo dân từ Vinh tới Quảng Nam – kể cả nhóm Ngô Ðình Khả, Nguyễn Hữu Bài, Mai Lão Bạng, v.. v...– liên hệ không nhỏ với bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh giữa Giáo Hội và phe tả khuynh Pháp.

Tuy nhiên, tưởng cũng cần nhấn mạnh, khối giáo dân – hoặc ít nữa các nhóm thiểu số giáo sĩ và giáo dân tham vọng – không đoàn kết, nhất trí như có thể ngộ nhận. Ðường nứt rạn lớn nhất là giữa hai giáo phận gốc Espania – có liên hệ chặt chẽ với Manila (Philippines), và Roma – và các giáo phận của Hội Truyền giáo Pháp. Thêm nữa, ý thức chủng tộc cũng tách biệt dần giáo dân Việt và giáo sĩ ngoại quốc – đặc biệt là các giáo sĩ Pháp. Sau gần nửa thế kỷ được Pháp “giải phóng” (nói theo ngôn ngữ của Petrus Key năm 1859), giáo mục và giáo dân Việt vẫn bị xếp loại tín hữu hạng nhì. Triều đình Ki-tô Ðông Dương vẫn do các “cha triều” Pháp thống trị. Chưa một “linh mục triều” người Việt nào được lên chức Giám mục. Nói cách khác, Hội truyền giáo Pháp tự nó cũng là một tiểu vương triều “trắng” bảo hộ tiểu vương quốc Ki-tô “vàng.” Hội truyền giáo cũng không chỉ có con chiên người Việt. Các giáo sĩ bắt đầu mở mang họ đạo tới những vùng sơn cước ở Trung và Bắc Kỳ. Từ thập niên 1900, toàn thể Ðông Dương đã chia làm 7 giáo phận. Tại Bắc Kỳ, thêm giáo phận “Haut Tonkin” (Ðàng Ngoài Cao), để lo việc Ki-tô hoá dân thiểu số. Tại Trung Kỳ, hai giáo phận Ðông Ðàng Trong và Tây Ðàng Trong nỗ lực Ki-tô hoá các sắc tộc Ê-đê, Gia-rai, Sê-đăng, v.. v... trên cao nguyên.

[5] Nguyễn Xuân Thọ, Bước Mở Đầu Của Sự Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp Ở Việt Nam – 1888-1897 (Saint Raphael, Pháp: TXM, 1995), tr. 101-102.

 

© sachhiem.net