●   Bản rời    

Quyền Được Xét Lại

Quyền Được Xét Lại

TT Thích Chân Quang

Link http://sachhiem.net/TONGIAO/tgTH/ThChanQuang.php

11-Apr-2017

Hôm nay, trong bài nói chuyện “Quyền được xét lại” giáo lý của các tôn giáo, ta đã mạnh dạn đề xuất đối với thế giới hãy cho con người Quyền được xét lại đối với các tôn giáo. Thậm chí ngay cả người tín đồ của một tôn giáo cũng phải có quyền xét lại tín điều giáo lý tôn giáo của họ. Và trong khi xét lại, ta có đề xuất một số tiêu chuẩn đạo đức chung mà các tôn giáo phải hướng về. (TCQ)

1. Dẫn nhập

Như thường lệ, Thầy sẽ giảng từ 30 giao thừa đến Mùng 6 Tết. Thầy và Quý Thầy Cô giảng vào buổi sáng. Buổi tối Quý Thầy Cô giảng.

2. Trong một xã hội văn minh, con người phải có quyền được xét lại những điều mà từ trước được xem là đúng.

Hôm nay, chủ đề bài giảng của Thầy là “Quyền được xét lại”. Đề tài này hơi khó nghe, Quý Phật tử cố gắng chú ý một chút. “Xét lại” có nghĩa là có những nguyên lý, nguyên tắc, định kiến, thành kiến, luật lệ, lề thói từ đời xưa đã in đậm vào con người và đời sống ta. Và có những điều không phải luôn luôn tốt. Nên sẽ đến lúc ta phải xét lại. Nhưng tại sao ta phải đòi hỏi có “Quyền” được xét lại? Tại vì sự xét lại khó khăn quá. Mỗi lần ta muốn xét lại điều gì xưa cũ, ta cứ bị đụng chạm với những thành trì, những sự ngăn cản, kết tội, lên án cho nên ta không dám xét lại. Nên hôm nay ta đặt vấn đề rằng con người phải có quyền được xét lại. Trong một xã hội văn minh, con người phải có quyền xét lại những điều mà trước đây tưởng như là đã đúng, bây giờ phải xem lại có đúng thật hay không.

3. Xét lại quan điểm về thể chế chính trị

Đầu tiên, ta nói về thể chế chính trị trước. Trong thời phong kiến quân chủ, có quan điểm như thế này: “Tất cả tài sản trong quốc gia là của vua”. Thời phong kiến là như vậy, dân là của vua, đất là của vua, tài sản là của vua, vua muốn gì được nấy. Ai chống lại lệnh vua, dối vua hay xem thường vua, là phạm tội “khi quân” có thể bị chém đầu. Người nào phạm tội nặng hơn chút nữa có thể bị tru di tam tộc, giết tới ba dòng họ. Để bảo vệ cho định kiến “tất cả là của vua”, đã có không biết bao nhiêu là đầu rơi, máu đổ, bao nhiêu là thảm cảnh tan nát. Một ông vua như vậy, ổng có tam cung lục viện, không biết bao nhiêu là thê thiếp. Rồi có những người cung nữ chôn mình trong cuộc sống cung đình, tưởng là vinh hoa phú quý sẽ hạnh phúc nhưng kì thật cuộc sống của một con người đã bị đánh mất, không còn gì hết, xa hết gia đình, xa hết những tình cảm thiêng liêng, thiên nhiên, sự giản dị, phải sống một đời kiểu cách chỉ để phục vụ cho một con người mà nhiều khi 10 năm mình không thấy mặt. Khi quan niệm xã hội nghĩ rằng “tất cả đều là của vua” thì lòng tham của ông vua trở thành vô độ, cái gì cũng vơ vét về cho mình, nhiều khi đẩy dân tình vào cảnh khốn khổ.

Chế độ quân chủ cũng có cái hay, khi mà ông vua nắm toàn quyền như vậy mà nếu đó là một Thánh quân, một ông vua mà như một ông Thánh, thì đất nước tiến cực nhanh. Vì ông giỏi quá, ông tốt quá, ông chỉ đạo đâu đúng đó. Xây dựng đất nước tiến lên ào ào. Đã từng trải qua những thời đại mà chế độ quân chủ chứng minh được sự ưu việt của mình. Nhưng mà tiếc rằng, cứ 10 ông vua thì được chừng 1,2 ông là tốt. Còn lại 8 ông quậy phá. Nên thường, trong phần lớn lịch sử, người dân phải sống trong cảnh lầm than. Vì vậy, đến lúc con người phải xét lại. Ngày xưa mà có ai đó dám nghi ngờ và đòi xét lại khái niệm “tất cả là của vua”, thì bị chém đầu liền. Nhưng rồi cảnh khổ của người dân cứ kéo dài. Có những hôn quân vô đạo cứ đày đoạ, vơ vét làm cho dân tình lầm than khổ sở. Cho nên, con người bắt đầu phải xét lại. Những người tiên phong trong việc xét lại này là những người ở Âu Châu, nhiều nhất ở Pháp. Nổi tiếng nhất là nhà văn Voltaire, kế đó là nhà xã hội – chính trị học Rousseau. Những ông này viết nhiều cuốn sách bài bác chế độ quân chủ, bài bác quan điểm rằng “vua là do Trời sai xuống, vua là chủ của đất nước này”. Họ cho rằng quan điểm đó không phải do con người đặt ra mà là do mấy ông vua đặt ra, để phục vụ cho quyền lợi của mình cũng như cho quyền lợi của tầng lớp phong kiến lãnh đạo. Họ nói rằng phải xét lại. Chính vì có những người khơi gợi, cứ tác động riết vào dư luận, vào tâm tình, vào tâm hồn của người dân trong xã hội, qua sự tích luỹ của thời gian, đã nổ ra một phong trào mới, lật ngược hoàn toàn 180 độ quan niệm trước đó, hình thành một quan niệm mới “đất nước này là của dân” chứ không phải của vua. Từ niềm tin vào khái niệm quân chủ, người ta đã lật ngược hẳn quan điểm lại, thành ra dân chủ. Và dĩ nhiên, để quan điểm mới này có thể được chấp nhận, bao nhiêu là xác người phải nằm xuống. Vài trăm năm gần đây, con người dần hiểu rằng “người dân mới là người làm chủ đất nước, chứ không phải do ông vua nào làm chủ đất nước cả”. Tuy nhiên, quyền hành vẫn thuộc về một nhóm người ưu tú được bầu cử một cách minh bạch công bằng hoặc bằng thủ đoạn luồn lách leo lên mà thôi. Tầng lớp lãnh đạo vẫn là một số ít người, mặc dù theo Hiến pháp, Pháp luật thì người dân làm chủ đất nước. Khái niệm Dân chủ là như vậy.

Bây giờ ai mà mở miệng nói ngược lại khái niệm Dân chủ thì người đó bị kết đủ thứ tội liền vì ngày nay Dân chủ được coi là chân lý. Ta không thể biết được rằng vài mươi năm sau, vài trăm năm sau, sẽ có một người nào đó lên tiếng lý luận rằng quan niệm Dân chủ cũng là sai, thuyết phục được thế giới tin rằng Dân chủ cũng chưa phải là hoàn hảo. Biết đâu lúc đó lại có một thể chế mới cho nhân loại, không phải quân chủ, cũng không phải dân chủ. Nhưng mà hiện nay thì ta đang sống trong thời đại Dân chủ, mọi người vẫn tin rằng khái niệm Dân chủ là chân lý. Chưa có ai dám xét lại, dù có khi người ta thấy nó hay, và cũng có khi người ta thấy nó dở.

4. Tình cảm mà con người dành cho tín ngưỡng, tôn giáo là rất mãnh liệt, đến nỗi quyền lực chính trị của nhà nước pháp quyền cũng phải kiên dè, tôn trọng

Bây giờ ta nói qua vấn đề tôn giáo. Ta đang ở trong thời kì mà cả thế giới, trong đó có Việt Nam ta, đều xem quan niệm “tự do tín ngưỡng” là chân lý. Vì quan niệm tự do tín ngưỡng này mà luật pháp quy định rằng con người được quyền tự do chọn lựa sẽ trở thành hay không trở thành tín đồ của một tôn giáo, tín ngưỡng mà không ai được quyền ép buộc, cưỡng bức. Quyền tự do tín ngưỡng giúp cho xã hội yên tâm hơn vì người dân có thêm công cụ để bảo vệ mình trước sự lôi kéo, doạ nạt, bức hại của những tôn giáo truyền đại bằng thủ đoạn và bằng bạo lực, cũng như không còn có chuyện cha mẹ ép con cái phải theo một đạo để nối tiếp truyền thống của gia đình. Hiện nay dường như tất cả mọi người đều cho rằng quan niệm này là chân lý. Luật pháp buộc phải tôn trọng tình cảm mà con người dành cho thần thánh của họ. Tín ngưỡng bao gồm hai phần chính là lòng tin kính thần thánh và giáo lý. Ví dụ như ta theo Đạo Phật thì ta tin kính Đức Phật, còn người theo đạo Thiên Chúa thì tin kính Chúa. Lòng tin kính của con người đối với thần thánh là một tình cảm cháy bỏng mãnh liệt, mà nhà nước pháp quyền cũng phải nhượng bộ, tôn trọng, không dám đụng đến. Ví dụ như ta tin kính Đức Phật, dù sự thật là chúng ta chưa từng gặp Đức Phật vì Ngài đã nhập diệt hơn 2500 năm trước. Nhưng mà khi ta đọc những lời dạy, khi ta chiêm ngưỡng cuộc đời của Ngài, ta thực hành theo Ngài, ta dâng lên Ngài niềm tin kính tuyệt đối, thì có khi ta bỏ gia đình mình được, bỏ cha mẹ mình được để trở thành người xuất gia tu hành chân chính, chứ không bỏ Đạo, bỏ Phật được. Thậm chí, một người lúc bình thường có nhiều nỗi sợ: sợ chết, sợ bị đụng xe, sợ bị ngộ độc thực phẩm, sợ bị nghèo… nhưng có khi lúc nào đó họ buộc phải chết vì Phật, để bảo vệ Phật Pháp thì họ lại không hề sợ hãi, do dự. Nên tình cảm mà con người dành cho thần thánh thật là lớn, khiến ai cũng phải kiêng dè không dám đụng chạm đến. Các nhà làm luật, các nhà làm chính trị cũng tránh đụng đến tình cảm mà con người dành cho tín ngưỡng, chỉ cần các tín ngưỡng, tôn giáo đừng gây ra xung đột, đừng chống lại lợi ích quốc gia, đừng chống các đạo khác, đừng gây mâu thuẫn xã hội là được. Có những người không có tín ngưỡng, họ không theo đạo nào hết và cũng không tin vào đạo nào hết, thì họ cũng không dám nói mạnh quan điểm đó của mình vì e dè sự đụng chạm đến tình cảm mãnh liệt mà những người khác dành cho tôn giáo của họ.

5. Dù cho khoa học có tiến bộ đến đâu, nhu cầu về tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh của con người vẫn còn đó.

Có một giai đoạn mà Karl Marx, một người Đức, đưa ra một triết thuyết là duy vật vô thần. Nhiều người đã nhầm lẫn khi cho rằng Marx là người sáng lập chủ nghĩa vô thần, nhưng sự thật không phải vậy. Tư tưởng vô thần đã có từ thời rất xa xưa ở Trung Hoa, Ấn Độ, Âu Châu, Hy Lạp … Marx không phải là người đầu tiên. Marx chỉ là người lặp lại và lý luận cho có bài bản chủ nghĩa vô thần phủ nhận niềm tin đối với tôn giáo. Vì lúc đó Marx không biết Đạo Phật, điều khiến Marx bất mãn đến nỗi dựng lên một hệ thống lý luận phủ nhận niềm tin đối với tôn giáo là nhà thờ Thiên Chúa Giáo. Vì Marx không biết Đạo Phật nên Marx không chống Đạo Phật. Cho đến ngày nay, Marx được xem là người đã nói lên rất mạnh quan điểm rằng không chấp nhận niềm tin vào tín ngưỡng, tôn giáo.

Nhiều người nghĩ rằng do thời xa xưa con người nghèo khổ quá, thiếu thốn tiện nghi vật chất nhiều quá, nên mới xuất hiện niềm tin vào thần thánh để có một chỗ nương tựa, an ủi nên tôn giáo mới xuất hiện và tồn tại. Họ dự đoán rằng khi khoa học tiến bộ, sự tổ chức xã hội của con người chặt chẽ hơn, đời sống nhiều tiện nghi vật chất, nhiều tri thức, văn minh hơn thì hẳn là con người sẽ mất dần cho đến lúc chấm dứt hoàn toàn niềm tin vào các tôn giáo, và các tôn giáo sẽ biến mất.

Tuy nhiên, có một sự thật rằng ngày nay, ở thế kỉ XXI này, khi khoa học đã rất tiến bộ, cộng thêm việc Marx đã dựng lên một hệ thống lý luận chống tôn giáo, những tưởng con người sẽ dần dần rời bỏ niềm tin vào tôn giáo để tin vào nơi khoa học vì chỉ cần khoa học thôi đã đủ để xây dựng cuộc sống, thế giới tốt đẹp hơn, và thật sự khoa học cũng đã cải tiến đời sống vật chất của con người rất nhiều. Nhưng không, con người vẫn tiếp tục tin vào thần thánh để tìm một chỗ nương tựa, an ủi cho tâm hồn, tôn giáo vẫn tiếp tục phát triển, thậm chí là phát triển mạnh hơn. Đến nỗi xuất hiện những tín ngưỡng kì quái như tín ngưỡng “người ngoài hành tinh”. Tín ngưỡng đó nói rằng nền văn minh của loài người được điều khiển bởi những người ngoài hành tinh với kỹ thuật rất cao và sức mạnh tâm linh đặc biệt. Rồi họ rủ nhau uống thuốc độc tự tử để linh hồn của họ được theo đĩa bay trở về với hành tinh xa xôi tốt đẹp nào đó.

Nên, sau khi quan sát tâm lý con người trên khắp thế giới, các nhà xã hội học mới đưa ra một tiên đoán: Thế kỷ XXI là thế kỷ của tâm linh, các tôn giáo sẽ phát triển ồ ạt, con người sẽ đổ xô đi theo tôn giáo, nghiên cứu về tôn giáo; các tôn giáo sẽ cạnh tranh gay gắt, khốc liệt với nhau, thậm chí, có thể xảy ra chiến tranh tôn giáo.

Và thực tế, ta cũng thấy đúng như thế, rằng các tôn giáo đang ra sức lôi kéo tín đồ. Có những tôn giáo lại bí mật dùng những biện pháp thời phong kiến, ai đụng đến tôn giáo của họ, họ tử hình liền. Ai nói xấu tôn giáo của họ, họ tử hình. Ai bỏ đạo hay vi phạm một số luật lệ quan trọng trong tôn giáo thì gia đình người đó phải giết người đó đi. Nếu gia đình đó không giết, gia đình đó sẽ bị trừng phạt nặng nề. Thật khó hiểu khi trong thời đại văn minh ngày nay, vẫn còn những tôn giáo áp dụng những biện pháp của thời Trung Cổ đầy bạo lực để bảo vệ, phát triển tôn giáo của mình.

Chúng ta thấy rõ đó là những nguy cơ để điều ác xuất hiện từ nơi tôn giáo. Vì con người quá tin, dành quá nhiều tình cảm cho những tín điều, thần thánh của mình mà họ sẵn sàng dùng điều Ác để bảo vệ điều mà họ cho là Thiện. Điều này thật là nghịch lý, thật là buồn cười khi con người vì tin một điều nào đó là Thiện để rồi sẵn sàng dùng điều Ác để bảo vệ điều đó. Rất là lạ, không hiểu được tại sao.

6. Ai là người đầu tiên trên thế giới đặt ra vấn đề rằng con người phải có Quyền được xét lại?

Tuy nhiên, sự tiến bộ của nhân loại đã đến lúc bắt buộc con người phải xét lại tất cả. Đó là một trong những Nhân quyền – quyền của con người. Nếu ta tin rằng con người có cái gọi là Nhân quyền, thì bên cạnh những quyền mà các nhà chính trị, các nhà xã hội đã nêu ra, ta xin được đóng góp thêm một ý kiến nữa:

“Ngày hôm nay, chùa Phật Quang ta nói riêng, đạo Phật ta nói chung mà cụ thể là các Phật tử đang ngồi ở đây, rằng, bên cạnh những quyền đã có của con người, xin hãy ghi thêm một điều: Đó là quyền được xét lại tất cả tín điều, giáo điều của các tôn giáo trên thế giới.”

[Phật tử vỗ tay vang dội] Ai vỗ tay nghĩa là người đó đã ký tên vào văn bản đề nghị này nha. Quý Phật tử có dám không ạ? Người nào dám, người đó gan cùng mình. Chúng ta đang làm một cuộc cách mạng mới, xin bổ sung thêm Quyền được xét lại vào quyền của con người. Con người không phải là một cỗ máy hay một loài vật ngu si mà hễ ai áp đặt điều gì là ta buộc chấp nhận điều đó.

Người đầu tiên đề nghị Quyền được xét lại mọi chủ thuyết, giáo lý, tín điều là một người cao khoảng 2 thước, có nước da rất sáng đến độ nhìn từ xa trong đêm sẽ thấy phát ra hào quang, tóc xoăn từng lọn từng lọn, đôi mắt cực kì từ ái sáng ngời mà khi nhìn tới ai thì người đó chỉ có nước quỳ xuống, giữa hai chân mày có một xoáy màu bạch kim, người đó bước đi trầm hùng an tịnh như một con voi chúa, người đó mất cách đây khoảng 2500 năm… mà ngày nay ta quỳ lạy tôn xưng là Đấng Giác Ngộ. Đó là người đầu tiên trên thế giới đưa ra đề xuất đối với nhân loại là con người phải được quyền xét lại tất cả. Trong bài kinh “Kalarma”, Đức Phật có nói:

- Này các vị Kalarma, đừng bao giờ tin bất cứ điều gì do người khác nói cho mình nghe. Dù đó là Thầy mình, dù đó là ông bà tổ tiên mình. Ngay cả khi điều đó do người có vẻ có uy tín nói ra. Hay là một điều đã được quy định, bắt buộc từ nghìn đời. Phải xét lại tất cả sau khi đã nghiên cứu, nghiền ngẫm, thực hành, ứng dụng vào trong cuộc sống của mình. Chỉ khi nào ta thấy điều đó có kết quả, mang đến sự ích lợi, thiết thực thì ta hãy chấp nhận điều đó.

CLB "Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang" tại Hà Nội, những người “vá đường” không công

Bài kinh thật vĩ đại! Cho nên hôm nay khi chúng ta yêu cầu rằng quyền được xét lại giáo lý của tất cả tôn giáo phải trở thành quyền của con người được ghi vào Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, nhiều người sẽ cho rằng ta đang làm một cuộc cách mạng mới, nhưng không, cuộc cách mạng này Đức Phật đã làm rồi, chúng ta chỉ lặp lại mà thôi.

Nên hôm nay, xin được thông báo với loài người, chúng tôi, theo lời dạy của Đức Phật từ hơn 2500 năm xưa, xin được đề bạt với các nhà chính trị xã hội trên thế giới hãy ghi thêm vào Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.

7. Ba thái độ của con người khi đối diện với những tín điều, giáo lý của các tôn giáo.

Bây giờ, ta nêu ra một số điểm như thế này về quyền được xét lại tất cả lý thuyết của các tôn giáo. Tôn giáo và khoa học có điều ngược nhau như thế này: đối với khoa học thì cái gì càng mới càng hay, càng ưu việt. Khi mua một cái máy, ta hỏi cái máy này đời nào để biết xem nó có phải đời mới hay không. Đối với khoa học thì những phát hiện mới chừng nào, thì càng yên tâm chừng nấy. Còn tôn giáo thì ngược lại, cái gì càng xưa cũ chừng nào, càng được xem là hay chừng nấy, giống như người giàu có yêu đồ cổ sẵn sàng bỏ mấy tỉ đồng để mua một chiếc bình cổ, quý.

Do tính chất ngược với khuynh hướng khoa học này của tín ngưỡng, khiến ta phải e dè xét lại, liệu, những điều được cho là đã được nói cách đây mấy nghìn năm có thật đúng hay không? Nên ngày hôm nay ta phải gan dạ xét lại điều này như lời Phật dạy.

Lý thuyết của hầu hết tôn giáo, ngoại trừ Đạo Phật, hầu như đều bắt đầu bằng một kiểu mẫu như thế này:

- Có một con người có thật trong lịch sử tuyên bố rằng mình được tiếp xúc với thần linh, Thượng Đế nên về truyền đạt lại cho con người lời của thần linh, Thượng Đế nói với con người qua trung gian của người đó.

Tất cả tôn giáo đều giống nhau như vậy, trừ Đạo Phật. Đạo Phật bắt đầu bằng một con người có thật trong lịch sử. Và người này tự mình tu, tự mình giác ngộ, tự mình tìm thấy và hoằng dương giáo lý, tự mình chịu trách nhiệm với giáo lý mình nói ra chứ không đổ thừa cho thần thánh nào khác. Chỉ duy nhất trong Đạo Phật có trường này, còn hầu hết các tôn giáo khác đều bắt đầu bằng con người có thật nhưng con người này được tiếp xúc với thần linh, Thượng Đế nên người đó không phải chịu trách nhiệm với giáo lý mà mình nói ra. Chịu trách nhiệm với giáo lý là Thượng Đế, mà Thượng Đế là ai, không ai biết. Và điều mà người đó nói là họ được Thượng Đế tiếp xúc để về nói lại với những người chịu tin, là điều, không thể kiểm chứng được, khiến con người chỉ có thể ráng tin vào một lời kể mà thôi. Đó là sự khác biệt giữa Đạo Phật so với các tôn giáo khác.

Ngày hôm nay, khi đọc các bản kinh cổ trong các tôn giáo thần quyền kể rằng “có một vị nào đó trong một cơn xuất thần đã tiếp xúc được với thần thánh nên nói lại lời của thần thánh”, thì giữa thế giới 7 tỉ người này, xuất hiện 3 thái độ:

- Thái độ thứ nhất là tin hết mình, tin sái cổ, không nghĩ đến chuyện xét lại, không chấp nhận chuyện xét lại

- Thái độ thứ hai ngược hẳn lại với thái độ thứ nhất, là không tin, phủ nhận hoàn toàn, cho rằng điều đó chỉ là bịa đặt. Chính thái độ này làm phát sinh ra khuynh hướng vô thần trong loài người kéo dài suốt mấy ngàn năm cho đến ngày nay. Chứ không phải Karl Marx là người đầu tiên. Khuynh hướng vô thần đã có từ thời xa xưa.

- Thái độ thứ ba là thái độ văn minh, khôn ngoan nhất. Đó là xét lại từng điểm. Bây giờ nếu như nói rằng có người nào đó có thật trong lịch sử, trong một cơn xuất thần nào đó được tiếp xúc với Thượng Đế, nên họ đã thuật lại những điều như thế này. Thì người thuộc nhóm có thái độ thứ ba sẽ nói rằng “tôi chưa xét lại nên làm sao tôi có thể quyết định tin hay không tin”. Vì nếu có những điều hợp lý, tôi sẽ tin. Còn điều gì không hợp lý, tôi sẽ không tin. Nên hãy cho tôi quyền được xét lại từng điểm.

Quý Phật tử nào chấp nhận chọn thái độ thứ ba, nghĩa là đã đồng quan điểm với bài giảng ngày hôm nay của Thầy về Quyền được xét lại tất cả giáo lý của các tôn giáo một cách chi li từng điểm một, xem có thật là đúng, là hợp lý, là đạo đức hay không?

Hôm vừa rồi, Thầy có xem một phim tài liệu trên truyền hình về Phi Châu, thấy một đoạn có nhà khoa học nói như thế này, “mảnh đất Phi Châu là mảnh đất của ancestor of human kind (nghĩa là tổ tiên của loài người đã xuất hiện đầu tiên ở đây), tổ tiên của loài người đã walk in this land (nghĩa là đã đi bộ trên mảnh đất này)”. Thầy nghe điều đó thấy rất tức cười. Vì sao có nhà khoa học cho rằng tổ tiên ban đầu của loài người xuất hiện ở Phi Châu rồi mới lan đi khắp thế giới? Lý do được đưa ra là vì các nhà khảo cổ học tìm được xương sọ cổ xưa nhất của con người ở Phi Châu! Chưa bao giờ các nhà khoa học lại suy luận một cách vô lý như vậy. Thầy không dám nói các nhà khoa ngu, nhưng suy luận như thế là cực kì vô lý. Chỉ vì nó lâu đời nhất, mà kết luận nó là hộp sọ của tổ tiên của cả loài người thì không hợp lý, không logic, không khoa học chút nào, cực kì hồ đồ. Vậy mà suốt gần một trăm năm qua, họ tin như vậy. Khoa học vẫn bị mê tín, khoa học vẫn bị kết luận vội vàng. Vì cứ cho là hộp sọ tìm được ở Phi Châu là cổ xưa nhất đi, nhưng nếu loài người có chung một nguồn gốc như thế thì loài người đã tuyệt chủng vì bệnh đồng huyết. Thật sự, con người xuất hiện trên trái đất ở nhiều nơi, nhiều châu lục và tại nhiều thời điểm khác nhau.

Một cái mê tín của khoa học nữa là thế này. Khi quan sát vũ trụ bằng kính thiên văn, các nhà thiên văn thấy những ngôi sao dần dần rời xa khỏi nhau. Họ bèn kết luận rằng đi ngược lại thời gian trước đó thì những ngôi sao sẽ ở càng gần nhau hơn, và khởi đầu của vũ trụ là từ một điểm nổ tung ra để các ngôi sao, các thiên hà khởi động một hành trình rời xa nhau. Từ đó mà có lý thuyết “vũ trụ bắt đầu từ một vụ nổ” (Big Bang). Một kết luận quá hồ đồ, quá vội vàng. Thế gian này đầy những điều mà con người ta kết luận vội như vậy.

Nên đã có những người bị kết tù oan. Như có một ông thầy giáo, khi xảy ra một vụ án mạng, công an ập đến điều tra, phát hiện dấu tay của ông ở gần hiện trường vụ án. Rồi bắt ông đi ở tù luôn 15 năm cho đến khi tìm được thủ phạm đích thực. Chỉ vì có dấu tay ở gần hiện trường mà kết luận người ta giết người…

Chúng ta phủ nhận hoàn toàn giáo lý của các tôn giáo, hay chúng ta tin theo hoàn toàn giáo lý của các tôn giáo đều là những cực đoan. Thái độ bình tĩnh xét lại từng giáo lý của các tôn giáo là thái độ văn minh nhất. Chúng ta phải chấm dứt quá khứ tăm tối của loài người khi đã từng bảo vệ tín điều, giáo lý của các tôn giáo bằng bạo lực hoặc bằng cảm tính. Ngày nay, chúng ta phải can đảm đối diện với từng giáo lý của các tôn giáo để xét lại hết, và nếu phải bảo vệ tín điều, giáo lý nào thì cũng chỉ vì tín điều, giáo lý đó là hợp lý, đúng đắn, đạo đức, lương thiện, sự thật.

8. Sự xét lại khách quan mọi tín điều, giáo lý của các tôn giáo sẽ giúp loài người tìm ra được những tiêu chuẩn đạo đức chung của nhân loại mà các tôn giáo phải chấp nhận hướng theo.

Sự xét lại khách quan này sẽ giúp loài người tìm ra được những tiêu chuẩn đạo đức chung cho nhân loại. Không còn để cho tình trạng mỗi đạo có mỗi quan điểm đạo đức riêng mà có khi thống nhất với nhau, và cũng có khi ngược hẳn nhau.

Chân lý chỉ là một. Nếu hai tôn giáo nói một điều ngược nhau thì hoặc là một trong hai tôn giáo đó đúng, hai là cả hai tôn giáo đó cùng sai.

Đã đến lúc nhân loại phải tìm lại những chuẩn mực đạo đức chung của con người. Tôn giáo nào hợp với những chuẩn mực đạo đức này thì mới được chấp nhận. Tôn giáo nào không phù hợp với những chuẩn mực đạo đức này thì ta loại bỏ, phải loại bỏ không thương tiếc những giáo điều của các tôn giáo mà không phù hợp với những chuẩn mực đạo đức chung của nhân loại.

Chúng ta làm vậy để các tôn giáo từ bỏ được những dị biệt để tìm được sự chung đồng, nhờ đó, nhân loại sẽ đoàn kết hơn. Vì hễ ngày nào các tôn giáo còn khác nhau và khác với chuẩn mực đạo đức chung của loài người, thì ngày đó các tôn giáo sẽ còn âm ỉ sự xung đột, chống đối lẫn nhau. Loài người ở thời đại văn minh không còn chấp nhận điều đó nữa nên đã đến lúc mang các tôn giáo ra mổ xẻ xét lại từng giáo điều, để các tôn giáo trở thành chất xúc tác cho sự đoàn kết, hoà thuận của loài người chứ không phải là những thành trì chia cắt con người với nhau. Nhờ vậy mà các tôn giáo sẽ từ từ giống lại với nhau. Điều này rất khó làm nhưng buộc phải làm vì rất cần thiết cho nền hoà bình của thế giới.

Ta đưa ra vài tiêu chuẩn như thế này.

Thứ nhất. Hễ là hoạt động tôn giáo thì phải hiền lành, không được dùng bạo lực, giết người. Nếu anh đã đăng ký là tổ chức tôn giáo, thì anh không được sử dụng vũ khí. Còn nếu anh có sử dụng vũ khí giết người thì anh không được xem là tôn giáo. Hễ anh cầm súng lên, anh sẽ bị coi là một tổ chức chính trị, tổ chức quân sự sử dụng bạo lực; một đoàn quân, một đoàn lính có tín ngưỡng; một băng đảng xã hội đen. Đây là điều kiện đầu tiên.

Thứ hai. Nếu là một tôn giáo thì phải ngăn cấm những tội lỗi như trộm cắp, nghiện ngập, dối trá, tà hạnh… Đây là điều gặp nhau giữa tuyệt đại đa số các tôn giáo.

Thứ ba. Hễ là tôn giáo thì phải nhấn mạnh tính công bằng của thiện và ác. Ai thiện thì được thưởng, ai ác phải bị phạt. Thần thánh không được quyền thiên vị. Loài người văn minh, có trí tuệ và lương tâm, không chấp nhận những giáo lý nói rằng dù tín đồ có làm nhiều điều tội, chỉ cần quỳ gối dập đầu xin Ơn Trên xá tội là được hết tội. Đức Phật của chúng ta không can thiệp vào nhân quả. Mọi người phải gieo nhân lành thì mới được quả báo lành. Còn gieo nhân xấu thì phải chịu quả báo xấu.

Thứ tư. Hễ là tôn giáo thì phải nhấn mạnh đạo đức vị tha, dạy con người từ bỏ sự ích kỷ cố hữu trong lòng mình để sống một đời sống vị tha, xa dần cái “tôi” (bản ngã) của mình, và thậm chí phải có lý tưởng cực độ là hướng về vô ngã.

Thứ năm. Hễ là tôn giáo thì phải nhấn mạnh những đạo đức như nhẫn nhục, không đố kỵ, khiêm tốn, từ bi, bác ái, bao dung, độ lượng… đối với người cùng tôn giáo và với cả người khác tôn giáo. Khi gặp người của tôn giáo bạn phải tôn trọng và thương quý trước khi có cơ hội mổ xẻ xem giáo lý nào đúng hơn.

Thứ sáu. Hễ là tôn giáo thì phải dạy cho tín đồ mình lòng yêu nước làm nền trước khi dạy lòng yêu nhân loại đại đồng. Một tôn giáo không được quyền chống lại, chối bỏ lòng yêu nước. Nếu tôn giáo nào chống lại, chối bỏ lòng yêu nước thì không còn được xem là tôn giáo mà đã là một tổ chức chính trị phản động.

Thứ bảy. Tôn giáo không được phép đi ngược lại những điều căn bản trong khoa học, vì đi ngược lại những điều này là mê tín.

Thứ tám. Bất cứ tôn giáo nào cũng hứa hẹn cho tín đồ mình những hạnh phúc ở tương lai, nhất là sau khi chết. Đạo Phật cũng vậy. Đạo Thiên Chúa cũng vậy. Đạo Hồi cũng vậy. Đạo nào cũng vậy hết. Vì nếu không hứa hẹn một hạnh phúc tương lai sẽ không có ai còn theo tôn giáo nữa. Nên một trong những đặc điểm của tôn giáo là sự hứa hẹn. Nhưng có những lời hứa đáng tin cậy và có những lời hứa không đáng tin cậy. Một lời hứa hẹn được xem là đáng tin cậy khi mà cái hạnh phúc ở tương lai, bên kia cõi chết đó phải thoả mãn ba tiêu chí:

Một là khác với hạnh phúc của trần tục, không thể chấp nhận cái hạnh phúc của tâm linh cao siêu lại giống hệt như cái hạnh phúc tầm thường của thế gian được.. Ví dụ như hạnh phúc đó không được là sự thoả mãn về tính dục thấp hèn… Hạnh phúc mà tôn giáo hứa hẹn phải cao cả hơn, phải trong sạch hơn, phải thanh khiết hơn, phải phù hợp với đạo đức, làm cho tâm hồn bình an hơn và hướng về vô ngã. Hạnh phúc này phải do sự từ chối hưởng thụ mà có, chứ không phải do hưởng thụ mà có. Chúng ta không chấp nhận hạnh phúc mà tôn giáo hứa hẹn lại là những điều làm cho tâm hồn con người trở nên loạn động, thấp hèn, đen tối. Nên nếu một tôn giáo mà lại giới thiệu, hứa hẹn những cái gọi là hạnh phúc đầy tầm thường, loạn động, ô nhiễm, … thì phải loại ra khỏi danh sách tôn giáo. Đó không phải một tôn giáo chân chính đúng nghĩa, mà chỉ là một câu lạc bộ, thậm chí là một tổ chức lừa đảo. Chúng ta phải xét lại mạnh mẽ điều này để buộc các tôn giáo phải cao thượng hơn, phải chân chính hơn, từ từ tiến đến sự đồng nhất với nhau chứ không còn quá khác biệt nữa.

9. Bốn hạnh phúc mà Đạo Phật đề xuất như một mẫu số chung cho tất cả các tôn giáo.

Và, sau những đề xuất này, ta thấy giáo lý của Đạo Phật thật tuyệt vời vì Đạo Phật có cả một triết lý lớn về hạnh phúc.

Hạnh phúc đầu tiên mà Đạo Phật đề xuất là hạnh phúc đến từ một tâm hồn, một đời sống nép mình trong giới luật, không làm điều gì sai, không hưởng thụ lạc thú. Nghe câu này ta sẽ thấy hơi lạ. Nhưng nếu ai đã từng giữ giới hạnh sạch trong, không làm điều gì sai sẽ thấy lòng mình đầy tràn hạnh phúc, vững vàng và tự tin vô cùng, đi đến đâu cũng nhìn thẳng vào ánh mắt người khác mà không có gì phải hổ thẹn, khi chết thì bình yên, thanh thản ra đi.

Hạnh phúc thứ hai mà Đạo Phật đề xuất là hãy sống một đời vị tha, quên mình giúp đỡ mọi người, cố gắng làm thật nhiều điều thiện, điều tốt cho con người. Một điều thật rõ ràng rằng khi ta mang được niềm vui đến cho người khác, lòng ta cứ vui hoài. Những ai đã từng làm điều thiện, đã từng giúp người đều hiểu được cảm giác hạnh phúc này. Khi người vui sướng thì lòng ta cũng an vui.

Hạnh phúc thứ ba mà Đạo Phật đề xuất là hạnh phúc đến từ Thiền định. Có một hạnh phúc rất kì lạ là khi tâm ta nhập được vào định rồi sẽ cực kì hạnh phúc. Đây là hạnh phúc chính yếu của tôn giáo mà dù là tín đồ của tôn giáo nào cũng nên được biết lắng tâm trong thiền định, từ chối những vọng tưởng để đi tìm niềm bình an, sâu xa kỳ diệu, vô giá, cao quý của nội tâm rỗng sáng hư vô.

Hạnh phúc thứ tư mà Đạo Phật đề xuất là hạnh phúc đến từ nội tâm vô ngã hoàn toàn. Tất cả chúng ta đều còn chịu sự chi phối bí mật của một bản ngã. Chính cái bản ngã này hay xúi ta làm bậy khiến tâm hồn ta động loạn, xúi ta gieo ác nghiệp để ta đoạ ác đạo. Nên Đạo Phật đề xuất rằng tín đồ của các tôn giáo hãy tu tập đến khi tiêu diệt được hoàn toàn cái bản ngã này, thì trong một nội tâm không còn bản ngã đó, hạnh phúc là tối thượng, tuyệt đối.

Đạo Phật đề xuất 4 hạnh phúc này để có thể làm mẫu sỗ chung cho tất cả tôn giáo trên thế giới.

10. Tổng kết

Hôm nay, trong bài nói chuyện “Quyền được xét lại” giáo lý của các tôn giáo, ta đã mạnh dạn đề xuất đối với thế giới hãy cho con người Quyền được xét lại đối với các tôn giáo. Thậm chí ngay cả người tín đồ của một tôn giáo cũng phải có quyền xét lại tín điều giáo lý tôn giáo của họ. Và trong khi xét lại, ta có đề xuất một số tiêu chuẩn đạo đức chung mà các tôn giáo phải hướng về. Ví dụ như hễ anh là tôn giáo thì không được đụng đến vũ khí. Anh đụng đến vũ khí thì anh không còn được xem là tôn giáo, mà anh là một tổ chức quân sự có tính chính trị. Hễ anh là tôn giáo thì phải xây dựng cho con người lòng yêu nước và lòng yêu thương nhân loại đại đồng, chứ không được cạnh tranh, chối bỏ lòng yêu nước. Nên tôn giáo không bao giờ được phép chống ngược lại quyền lợi của một quốc gia.

Hạnh phúc mà tôn giáo hứa hẹn không được giống với hạnh phúc của trần tục. Nếu giống thì anh chỉ là một câu lạc bộ, một tổ chức giải trí tầm thường mà thôi.

Và ta cũng giới thiệu 4 đề nghị của Đạo Phật về hạnh phúc, là: không làm điều sai, luôn luôn làm điều thiện giúp người, hãy tu tập thiền định, và hãy chứng dạt Vô Ngã.

Hôm nay, trong những ngày Tết, chúng ta nói với nhau về “Quyền được xét lại”, và hi vọng rằng kể từ ngày hôm nay, tiếng nói của chúng ta sẽ được nhiều người lắng nghe. Và thế giới sẽ mạnh dạn đứng lên xét lại tất cả. Để tìm lại được những giá trị chung kéo con người xích lại gần nhau hơn, thương yêu nhau hơn trong tình nhân loại đại đồng.

Xin kính chúc tất cả Quý Phật tử một năm mới nhiều hạnh phúc, tiến bộ, tinh tấn, may mắn, thịnh vượng. Và vì là năm Sửu nên ta khoẻ như trâu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

bài giảng của Thầy Chân Quang.

(Phan Hưng Duy đánh máy từ video đăng ngày 18 tháng 11, năm 2014: https://www.youtube.com/watch?v=Jrs90tCyxoI)

Trang Tôn Giáo




Đó đây


2024-04-19 - 80 Năm Thực Dân Pháp Đô Hộ Việt Nam - Văn minh hay bóc lột? -

2024-04-19 - HOÀNG NAM: DÂN TA ĐÃ QUÁ NHÂN TỪ VỚI HỌ NGÔ - Gửi Hoàng Nam, chủ kênh Challenge Me.

2024-04-18 - "THUẾ THUỘC ĐỊA" - 60 NĂM CHÂU PHI VẪN LÀ BÒ SỮA NUÔI BÉO NƯỚC PHÁP -

2024-04-18 - Ổi Xanh: 274. Ông Võ Văn Thưởng từ chức. Thái độ của HDH và một số YouTuber... bố đời. -

2024-04-17 - Sidney, Úc: 1 Giám mục bị đâm trong lúc làm lễ - Không biết Chúa làm gì mà bắt các giám mục của Chúa phải đổ vỏ! Các đây mấy năm, có viên chức chính phủ đề nghị treo bảng ở các nhà thờ "Đây là nơi nguy hiểm cho trẻ con"

2024-04-16 - Đọc báo QĐND - Bài viết: Không "chính trị hoá" các vụ án kinh tế -

2024-04-14 - Trực tiếp tại Ấp Chiến Lược Bolsa? Quê hương Nhà dâm chủ cuội Nguyễn Văn Đài Rè - Bạn có tin ở đây là Hưng Yên, gần Hà Nội? Cứ tưởng như một thành phố ở Châu Âu!

2024-04-13 - Nhận Diện Cách Mạng Màu Tại Việt Nam -

2024-04-12 - 326-2: Vì Sao Không Thể Đặt Tên Đường Lê Văn Duyệt Ở Quãng Ngãi? -

2024-04-12 - 326-1: Người Việt Theo Đạo Ki-tô La-mã Nhớ Ơn Lê Văn Duyệt -



▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 >>>




Thư, ý kiến ngắn
● 2024-04-16 - Bất bình trước sự san bằng, trộn lẫn CHÍNH /TÀ của những người mù sử: HOÀNG NAM - Chủ kênh Challenge Me - FB Lý Thái Xuân -

● 2024-04-01 - Phim ĐÀO PHỞ & PIANO -Tại sao không nên đánh dấu người yêu nước bằng biểu hiệu của một tập thể thiểu số - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-21 - CHỐNG CỘNG: Chuyện cười ra nước mắt ở Sở Học Chánh Tacoma, Wa - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-09 - Tổng thống Nga, Vladimir Putin đọc thông điệp gửi Quốc hội Liên bang (29/2/2024) - Gò Vấp -

● 2024-03-09 - Các hoạt động của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc trong những năm 1942-1954 - trích Hồi ký Nguyễn Đình Minh -

● 2024-03-08 - Hồi ký lịch sử 1942-1954 - Liên Quan đến Giám mục Lê Hữu Từ, Khu tự trị Phát Diệm, Công Giáo Cứu Quốc - VNTQ/ Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư -

● 2024-02-15 - Trương vĩnh Ký dưới con mắt của người dân - Trần Alu Ngơ -

● 2024-02-14 - Các nhà hoạt động ẤN ĐỘ GIÁO phản đối chuyến viếng thăm của Giáo hoàng John Paul II - FB An Thanh Dang -

● 2024-02-09 - “KHÁT VỌNG NON SÔNG” của VTV1 và chuyện Trương Vĩnh Ký - Nguyễn Ran -

● 2024-02-05 - Góc kể công - Đồng bào Rô ma giáo cũng có người yêu nước vậy! Đúng. - Lý Thái Xuân -

● 2024-02-01 - Câu Lạc Bộ Satan Sau Giờ Học Dành Cho Trẻ 5-12 Tuổi Sắp Được Khai Trương Ở Cali, Hoa Kỳ - Anh Nguyen -

● 2024-01-29 - Giáo hội Rô ma giáo Đức "chết đau đớn" khi 520.000 người rời bỏ trong một năm - The Guardian -

● 2024-01-29 - Một tên Thượng Đế-Chúa ngu dốt về vũ trụ, nhưng thích bốc phét là tạo ra vũ trụ - Ri Nguyễn gửi Phaolo Thai & John Tornado -

● 2024-01-29 - Kinh "Thánh" dạy Con Chiên Giết Tất Cả Ai Theo Tôn Giáo Khác - Ri Nguyễn vs John Tomado -

● 2024-01-29 - Nhân Quyền Ở Nước Mỹ: Vụ Án Oan, 70 Năm Sau Khi Tử Hình Bé George Stinney - - Giác Hạnh sưu tầm -

● 2024-01-29 - NOEL - Ba Giáo Hoàng John Paul II, Benedict XVI, Francis I Thú Nhận Đã Bịp Chiên- Cừu Chuyện Jesus Ra Đời - Ri Nguyen -

● 2024-01-29 - Một dàn đồng ca, ngày càng đặt câu hỏi về quyền lực của Giáo hoàng - John L. Allen Jr. -

● 2024-01-29 - Tỷ lệ phá thai nơi người công giáo lại cao hơn nơi người ngoài công giáo! - Lê Hải Nam -

● 2024-01-29 - Kinh Khải Huyền Cho Biết Jesus Là Một Tên Ác Qủy Đê Tiện, Man Rợ - Ri Nguyễn -

● 2024-01-29 - Vatican Cho Phép Linh Mục Hiếp Dâm Trẻ Con - Đó là chính sách! - Ri Nguyen -


▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 >>>