Ngô Đình Diệm: Nước Bại Theo Một Người
Hồ Sĩ Khuê
https://sachhiem.net/LICHSU/H/HoSiKhue.php
13-Oct-2016
LGT- Tác giả Hồ Sĩ Khuê là một trong những “mưu sĩ” của hai ông Diệm Nhu nhưng không nằm trong Nhóm “Tinh Thần” (Trần Văn Đỗ, Nguyễn Tăng Nguyên, Lê Quang Luật, …) và đã từng đóng góp một phần vào chánh sách trị nước của ông Diệm trong giai đoạn thành hình của Đệ Nhất Cộng hòa.
Sau 1954, ông soạn thảo một tiểu luận và trình bày với hai ông Diệm Nhu một quốc sách dựa vào sức mạnh của lòng dân “Nam kỳ” để xây dựng chiến lược đối phó với phương Bắc. Hai ông Diệm Nhu không nghe, lại dùng “kiêu dân Công giáo”(từ của Tạ Chí Đại Trường) di cư làm chủ lực, gây phân hóa cho miền Nam trên cả ba tuyến Địa phương, Tôn giáo, và Chính trị. Sau đó, khi được mời tham chánh, ông từ chối và trở về dạy học tại trường Jean Jacques Rousseau (Lê Quý Đôn sau nầy) và trở thành người “quan sát thời cuộc”.
Năm 1992, tại Pháp, với tư cách là chứng nhân và tác nhân thời cuộc, ông viết một loạt bài nhan đề “Ngô Đình Diệm và Hồ Chí Minh - Lịch trình Hình thành và Giải thể của Mặt trận Giải phóng Miền Nam” đăng trên báo chí hải ngoại. Loạt bài nầy, sau đó, được triễn khai và chi tiết hóa với nhiều tài liệu để được xuất bản thành sách “Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm và Mặt Trận Giải Phóng” (Văn Nghệ, Westminster, USA, 1992) để trình bày luận điểm lịch sử của ông và thất bại của chế độ Diệm trong giai đoạn lịch sử nầy.
Dưới đây là vài trích đoạn ...

Tác phẩm (Văn Nghệ, USA,1992) và Tác giả (1997)
Một Chế Độ Toàn Quyền
Người viết nắm giữ được một số
tài liệu liên hệ đến thời điểm khai sinh chính
quyền Ngô Đình Diệm, rơi rãi sau ngày lễ Các Thánh
1963. Theo các tài liệu này, có thể nêu lên một
số sự kiện ý nghĩa.
Trước tháng 7 năm 1954, khi Bảo
Đại chịu áp lực phải đưa Ngô Đình Diệm ra cầm quyền
ở miền Nam, và theo yêu cầu của ông Diệm, một người
miền Trung am hiểu “Nam kỳ” đã soạn cho ông Diệm
một tường trình tình hình chính trị Sài Gòn, thực
trạng và sức nặng chính trị của các giáo phái vùng
Đồng Nai, Cửu Long. Kết luận bản tường trình này
là đừng nhận thức các giáo phái theo quan điểm
tôn giáo, mà phải nhìn ảnh hưởng chính trị của
họ trong lòng quần chúng “Nam kỳ”. Phải nương theo
ảnh hưởng ấy mà đi vào lòng quần chúng “Nam kỳ”,
nhất thiết không nên để các giáo phái trở thành
đối nghịch. Càng không nên tìm cách chia rẽ giáo
phái và quần chúng ấy, để không gây kẽ hở tạo cơ
hội cho Cộng Sản chen vào.
Tháng 12 năm 1954, khi Chính phủ
Sài Gòn thu hồi dinh Độc Lập người Pháp vừa giao
lại, Ngô Đình Nhu có mời một số người trước đây
có thiện cảm với ông Diệm, nhưng vì lí do này khác,
đứng ngoài vòng không muốn cộng tác với chế độ
Diệm. Có người đã nói đến chuyện “tội tổ tông”
của chế độ mới và đặt vấn đề hóa giải, nếu muốn
miền Nam thoát khỏi ách Cộng Sản. Tóm tắt đề nghị
ấy là: khi người “Nam kỳ” không giữ quyền lãnh
đạo chính trị, phải chia quyền lãnh đạo ấy với
họ, đưa họ vào các trung tâm quyết định của nhà
nước, của quốc gia, đặt họ trước trách nhiệm cứu
nước. Ông Diệm chỉ nên giữ vai trò đảm bảo cho
các chính quyền miền Nam dân chủ và tự do, không
Cộng Sản.
Nhưng con người khó thoát khỏi
bản chất cố hữu của mình. Ngô Đình Diệm không
lột được xác quan lại cũ để vươn lên hàng một chính
khách đúng mức đáp ứng các vấn đề Việt Nam lúc
bấy giờ. Lại càng không đóng nổi vai trò lãnh
đạo trong hoàn cảnh phức tạp, tế nhị bên trong
cũng như bên ngoài đất nước. Cho nên ông không
xây dựng một chế độ chính trị mà chỉ thiết lập
một chế độ cai trị, hành chánh. Một chế độ
“toàn quyền” miền Nam, hệt như chế độ Toàn quyền
Đông Dương cũ của người Pháp. Nhà nước Sài Gòn
chỉ là một tổ chức quyền lực ghép lên dân chúng
trong cõi, như ván ghép ghép vào gỗ.
Hành chánh để cai trị dân thì
có. Dùng luật pháp để bảo vệ trật tự trên cơ sở
một tổ chức công an cảnh sát giàu phương tiện và
bất chấp nhân tình. Các ông huyện Tây học cũ của
triều đình Huế được tận dụng, người thì đi các
tỉnh lo việc củng cố thế lực còn mong manh của
lãnh tụ, người thì ở thủ đô, rập theo khuôn sáo
miền Bắc Cộng Sản, tổ chức liên gia, tố cộng, hòng
kiểm soát dân chúng.

Gia đình anh em Ngô Đình Diệm
Nhưng chính trị thì không ! Vì
coi nhẹ việc dung hợp nhân dân, ngờ vực dân Đồng
Nai Bến Nghé. Cho nên ông Diệm chỉ chọn lọc
kỹ lớp khuyển mã người Nam gọi dạ bảo vâng, rồi
tự mãn là dành nhiều địa vị cho người “Nam kỳ”
đúng theo sự đòi hỏi của tình thế.
Quan trọng hơn cả là việc đối
xử với thành phần cựu kháng chiến chống Pháp quay
về thành. Năm 1949, nhóm Tinh Thần gồm một
số trí thức Sài Gòn ủng hộ Ngô Đình Diệm, đã cưỡng ông
Diệm chấp nhận một số tuyên cáo cam kết với anh
em kháng chiến sẽ dành cho họ một địa vị, một
phần trách nhiệm đúng mức, khi họ trở về với chính
thể quốc gia độc lập về sau. Năm năm sau, quả ông
Diệm lên cầm quyền, và anh em kháng chiến trở
về thành đã chịu nhiều điêu đứng trong cái chế
độ cảnh sát trị của ông. (Đồng bào đang ở Pháp
có thể tìm gặp Trần Văn Đỗ, một thành viên của
nhóm Tinh Thần, để xác minh sự kiện).
Những hy vọng ban đầu của người
miền Nam dần dà tan biến. Chính từ đó người trong
nước mới bắt đầu ý thức về cái “tội tổ tông”
của chế độ Sài Gòn, một chế độ “toàn quyền” có
tính cách thống trị mà họ không thể nhìn nhận được.
Một chế độ họ không muốn chấp
nhận, sống trong đó họ chịu nhiều tai ương, nên
dễ mang tâm lý ly khai. Đây là thời kỳ đảng Cộng
Sản tích cực ly gián nhân dân và chính quyền. Tuy
vậy, người miền Nam cho là mình ở vào cảnh “trên
đe dưới búa”, tới dở lui cũng dở, mà thôi, Cộng
Sản chưa lôi cuốn được. Có nhận ra tâm lý ấy mới
hiểu sức mạnh của phong trào Phật giáo vào các
năm 60, lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Sức mạnh của
một quần chúng muốn thoát khỏi cảnh trên đe dưới
búa, cảnh phải chọn lựa giữa Cộng Sản và Ngô Đình
Diệm. Quần chúng ấy đã hội tụ trong phong trào
Phật giáo.
Tuy thế, đã có ly cách giữa chính
quyền và quần chúng Nam bộ, là có chỗ cho Cộng
Sản khuấy động, làm ầm ĩ chuyện Phú lợi, chuyện
Ấp Bắc, chuyện Đồng Khởi, một nói thành mười, thành
trăm, rồi nhân đó mà cho Mặt Trận xuất hiện công
khai năm 1960. Chứ thật tình thời cuộc lúc này
chẳng có chi mà sôi động bất thường, và cũng không
hề có một phong trào đi bưng ào ạt để thành hàng
ngũ cho Mặt Trận. Sức mạnh duy nhất lúc bấy giờ
là Phật giáo, không phải là Cộng Sản nép sau Mặt
Trận. Bằng cớ là trong tình hình chế độ Sài
Gòn sụp đổ đang chông chênh, đảng Cộng Sản không
thừa cơ hội mà thao túng nổi.
…….
Tình Hình Miền Nam Năm 1960
Để thi hành hiệp định Genève,
hai miền Nam Bắc phân định và được các cường quốc
chính thức đảm bảo. Kế đến, việc trưng cầu dân
ý để thống nhất năm 1956 bị hủy bỏ. Chế độ hai
miền đối nghịch nhau nhưng đều có căn bản pháp
lý vững vàng. Công cuộc tập kết hai bên đã thực
hiện khá tốt, mỗi bên đều bận bịu nhiều, trước
hết, vào việc tổ chức cơ cấu nhà nước, xây dựng
chế độ riêng, tuyên truyền cho đường lối của mình,
kết hợp quần chúng hòng thiết lập quốc gia, giải
quyết các nhu cầu cấp thiết của mỗi miền.
Trong hoàn cảnh ấy, và khi hiệp
định đã chấm dứt chiến tranh, súng đạn đã im tiếng,
thì các hậu ý bên này hay bên kia về một cuộc
tranh chấp bằng vũ lực tạm thời phải dẹp sang một
bên dành ưu tiên cho việc củng cố nền tảng của
chế độ.
Cho nên, hòa bình đã tái lập cứ
thế mà kéo dài. Và có thể nói là suốt chín năm
chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa, miền Nam đã sống thanh
bình, quần chúng miền Nam dành công sức để xây
dựng lại đời sống của mình, trong không khí thanh
bình ấy, ở các đô thị cũng như ở thôn quê.
Quần Chúng Miền Nam
Nói đến quần chúng miền Nam lúc
bấy giờ, là nói đến một hỗn hợp phức tạp.
Thành phần đông đảo hơn cả là
người “Nam kỳ”. Những người đang sống trên chính
đất gốc của mình, đất “Nam kỳ”, từ nay trở thành
nền tảng quốc gia: 65% dân số.
Tương lai của quốc gia từ vĩ tuyến
17 đổ xuống tất nhiên tùy thuộc vào đất “Nam kỳ”
và vào người “Nam kỳ”. Đất phì nhiêu đủ nuôi ăn
cả nước. Người có mức độ văn hóa, chuyên nghiệp
cao hơn nơi khác. Gồm sẵn một số cơ sở thương nghiệp,
kỹ nghệ có thể làm bước đầu cho việc phát triển
kinh tế lúc bấy giờ là một ưu tiên.
30% dân số khác của miền Nam gồm
người đất “Trung kỳ” bên dưới vĩ tuyến 17. Chật
vật nhiều xưa nay, nhưng vẫn không khỏi phải nhờ
đến lúa gạo “Nam kỳ” để có thể giáp mùa hàng năm.
Thành phần còn lại, 5%, là đồng bào Bắc Việt di
cư. Và một số vài ngàn người, từ Bắc từ Trung,
theo nhân vật lãnh đạo vào Nam thiết lập chế độ
mới. Gồm quan lại, công chức cũ, cùng tập đoàn
tay chân, sớm có muộn có, đã quây quần dưới trướng
ông Ngô Đình Diệm. Lấy thành phần di cư làm
căn bản quần chúng, lấy tay chân làm nòng cốt cho
chế độ Cộng Hòa.
Tương Quan Giữa Chế Độ Và Quần Chúng
Ngô Đình Diệm thiết lập chế độ
của mình trên những thành phần nhân dân phức tạp
như vậy mà nhất đán không gặp một khó khăn nào
từ quần chúng. Những khó khăn buổi đầu ông đã vấp
phải đều do nguồn gốc tương tranh quyền lợi
giữa ông và các thế lực đối đầu với ông (như Bình
Xuyên, như Nguyễn Văn Hinh), quần chúng miền Nam
nói chung không can dự vào.
Điều đáng nêu lên trước hết, là
tinh thần “Nam kỳ quốc”, trước kia thường được
nhắc đến để dè bỉu người Nam, xem như là một trở
ngại lớn cho tinh thần thống nhất dân tộc, nay
không thấy phát hiện. Tuy điều kiện để nó phát
hiện đã có đủ, nhất là khi quyền binh nằm trong
tay một người không phải gốc “Nam kỳ”.
Người “Nam kỳ” không đố kị chút
nào với chế độ mới, trong đó họ không được
dành một phân quyền lực xứng đáng với tầm quan
trọng của họ. Không đố kỵ chút nào với nhân vật
cầm đầu chế độ, họ chưa hề nghe nói đến tên tuổi,
mà nay làm chủ phần đất gốc gác của họ.
Người ta có thể thấy rõ thái độ
cởi mở ấy trong cách đồng bào miền Nam tiếp đón
đồng bào miền Bắc di cư. Sốt sắng, thân tình. Các
khu định cư người Bắc ở Cái Sắn, ở Biên Hòa, được
bà con địa phương nâng đỡ, chẳng bao lâu đã trở
thành những vùng an sinh phồn thịnh.
Thái độ tích cực ấy bắt nguồn
từ bản chất, từ tính tình của người Nam kỳ.
Đời sống thường dễ dãi, không hề phải lo đói,
nên họ có một tâm hồn thật cởi mở, thương người.
Tính tình phóng khoáng ấy khiến họ hầu như không
có tham vọng quyền bính. Lòng yêu nước thành
truyền thống từ thuở Trương Công Định, Nguyễn
Trung Trực, Thủ Khoa Huân cần vương, khiến họ
giữ được tinh thần dân tộc dù trải 80 năm thuộc
địa bị tách rời khỏi phần kia của đất nước 2 .
Không hề có đầu óc phân ly.
Người “Nam kỳ” không có đầu óc
phân ly như người Trung, người Bắc thường lo sợ.
Nhưng điều oái oăm là, với
chế độ Ngô Đình Diệm, tinh thần phân ly được
phát động mạnh mẽ và ngược chiều.
Thay vì người “Nam kỳ” phân ly
với chế độ cưỡng chế họ dưới quyền một người không
cùng gốc, thì chế độ này lại tự phân ly với người
“Nam kỳ” bằng chính sách Bắc trị trên đất Nam
kỳ.
Tính phân ly ngược chiều ấy
nằm trong bản chất của chế độ và bản chất của
nhân vật cầm quyền, ông Ngô Đình Diệm.
Nằm trong bản chất của người cầm
quyền chính, vì ông Diệm xem mình như đương nhiên
mang một thiên mệnh cứu dân, cứu nước. Tính
khổ tu và óc tôn giáo của ông đã khiến ông nhìn
đâu cũng chỉ thấy có tội lỗi. Càng thấy tội
lỗi rõ hơn ở những ai không đứng cùng một phía
với ông. Người khác đạo, người khác gốc, người
ngoài vòng gia đình, ngoài vòng thân thuộc của
ông, người nghĩ khác, nói khác ông, đều có thể
là những người tội lỗi. Quan niệm thiện ác được
ông mang áp dụng trọn vẹn và cứng ngắc ở phạm vi
quyền chính ông cầm trong tay. Nhưng thiện hay
ác do ông định nghĩa lấy. Thành ra ngờ vực là căn
bản sinh hoạt chính trị của ông. Coi thường người
khác là căn bản trong thái độ đối xử của ông. Cho
rằng ai cũng phải thần phục mình, trung thành với
mình, tôn thờ mình là căn bản suy tưởng của ông.
Từ bản chất ấy, từ thái độ ngờ
vực người khác ấy, từ quan niệm thiên mệnh ông
mang, ông đã tập họp rồi dung túng quanh ông một
lớp tay chân và một lớp khuyển mã, đau đáu giữ
gìn thế nào cho khỏi thất sủng, hơn là làm được
việc cho ông.
Thành ra một thứ triều đình, tách
rời chế độ và người cầm đầu chế độ xa lìa quần
chúng trong nước. Mà thành phần chủ yếu của quần
chúng này, như nói ở trên, là người “Nam kỳ”.
Phần khác, ưu tư tôn giáo, nhu
cầu củng cố thế lực, khiến ông Diệm xem thành phần
Bắc Việt di cư là căn bản chủ yếu của chế độ. Dùng
họ làm lực lượng hậu cần của chế độ, ông Diệm ly
khai hẳn với thành phần đa số là người Nam kỳ.
Từ tâm lý ly khai ngược chiều ấy, ông đi đến tâm
lý kỳ thị người Nam, xem họ không xứng đáng trong
cái nhìn “yêu nước” của ông.
Một Chế Độ Bắc Trị, Gia Đình Trị, Và Cảnh Sát Trị
Chế độ được thiết lập cũng mang
bản chất phân ly. Nhất thiết không có một người
“Nam kỳ” nào tham dự vào trung tâm quyết định nhà
nước, từ trung ương đến địa phương. ở thượng tầng,
của đáng tội, người Nam, người Trung hay người
Bắc đều bị kỳ thị hết. Chẳng có ai chen vào trung
tâm quyết định việc nước dành riêng cho các anh
em ông Diệm (người trong nước gọi chung là gia
đình trị). Nhưng ở các địa phương, hàng tỉnh
trưởng gồm toàn tay chân, thân tín người Bắc, người
Trung, không có lấy một người Nam nào (người trong
nước gọi là Bắc trị).

4 anh em Ngô Đình: Thục, Diệm, Nhu, Cẩn
“Nhà Ngô có bốn Gian hùng
Diệm ngu, Nhu ác, Cẫn khùng, Thục điên”
[Phong dao xứ Huế trong thập niên 1960’s, trích từ
Tinh Thần Trào Phúng trong Thi Ca Xứ Huế, Hoàng Trọng Thược, Sài Gòn, 1973]
Nhưng tai hại hơn cả là tính phân
ly của một thứ chế độ mà bản chất không phải là
chính trị mà là cai trị. Vấn đề chính của ông Diệm
nằm trong quan niệm phải củng cố rồi nắm vững quyền
bính cá nhân của mình để chống Cộng. Chứ
không phải xây dựng một miền Nam không Cộng Sản,
hưng vượng, phát triển tự do, để làm nổi bật những
giá trị văn hóa, xã hội, nhân sự, khiến ai cũng
thấy rõ một miền Nam đáng cho người chuộng tự do,
chuộng nhân phẩm chọn làm đất sống. Thành ra chế
độ không đặt nặng vấn đề phát triển kinh tế, văn
hóa, xã hội, mà đặt nặng vấn đề an ninh. Vấn đề
chính của ông Diệm là cai trị, không phải là chính
trị. Từ bản chất ấy, nền móng của chế độ là tổ
chức công an, mật vụ. Chi chít đến nỗi các anh
em của ông mỗi người đều có riêng một tổ chức mật
vụ hoạt động cho chủ mình, bất chấp luật pháp(người
trong nước gọi là cảnh sát trị).
Ghép lên tính phân ly của chế
độ, của người lãnh đạo, dần dà thái độ phân ly
của các bộ hạ tay chân. Nhất là ở các địa phương.
Từ đó nạn cường hào ác bá trở nên một tệ nạn cuối
cùng tách hẳn quần chúng “Nam kỳ” khỏi chính quyền. Ưu
tư của nhân dân và ưu tư của chính quyền từ đó
trở nên trái ngược với nhau, vấn đề của nhân dân
không phải là vấn đề của nhà nước, và ngược lại.
Lợi cho chế độ là hại cho dân, hại cho chế độ là
lợi cho dân. Sau cùng, đó là tâm lý thấy được của
người “Nam kỳ” trong các biến cố khuynh đảo chế
độ Ngô Đình Diệm các năm 1960 đến 1963. Cảnh hoan
lạc của nhân dân miền Nam ngày lễ Các Thánh năm
1963 biểu hiện rõ rệt sự phân cách hoàn toàn giữa
chế độ ông Diệm và quần chúng “Nam kỳ”. Cái
chết của ông Diệm, ông Nhu là nỗi vui chung của
cả nước, vui đúng, vui sai lại là chuyện khác.
Tình trạng phân ly giữa chính
quyền và nhân dân ấy đã tạo thời điểm cho phe Cộng
Sản đưa Mặt trận ra ánh sáng năm 1960.
…..
Ngô Đình Diệm Đánh Mất Dân Miền Nam
Phân Cách Giữa Chế Độ Và Nhân Dân Miền Nam (Trước 1975)
Hiệp định Genève, mang chữ ký
các cường quốc, đảm bảo cơ sở quốc tế công pháp
của Sài Gòn, đối diện với Hà Nội.
Chính quyền còn phải được thiết
lập, trên căn bản nhân vật lãnh đạo là người mới
muốn dứt khoát với thực trạng cũ mình không dự
phần. Nhằm mở một kỷ nguyên khác theo nguyện vọng
chung trong nước. Mọi việc phải bắt đầu lại trong
một bầu không khí vừa phấn khởi, vừa thiếu ổn định,
của một xã hội từ chiến tranh đi vào hòa bình.
Tình huống nhân dân còn lẫn lộn, phức tạp, tâm
trạng mọi người chưa lắng đọng kịp.
Mục tiêu dài hạn: xây dựng miền
Nam không Cộng Sản thành một quốc gia phát triển
vững mạnh, tự do, dân chủ, có đủ giá trị hấp dẫn,
chờ ngày thống nhất.
Ngô Đình Diệm, sau gần năm năm
sống ở ngoài, về nước cầm quyền tháng 7-1954 trong
hoàn cảnh nói trên. Với nhiều lẽ thuận, nhiều lẽ
nghịch, chủ quan có, khách quan có. Phải nhận ra
trước, để hiểu các sự việc về sau làm sụp đổ miền
Nam.
1. Lẽ thuận : Hậu thuẫn quốc
tế và quần chúng trong nước.
a. Quốc tế:
- Sức ủng hộ của Hoa Kỳ, dựa
trên thế lực Công giáo ở Mỹ, và của thế giới
tự do. Nhiều hứa hẹn viện trợ kinh tế, để phát
triển (chương trình Colombo, cơ quan USAID),
việc trợ kỹ thuật, viện trợ quân sự, để phòng
thủ (tổ chức Liên phòng Đông Nam Á SEATO).
- Pháp từ bỏ quyền bá chủ Việt
Nam. Quân đội Pháp trú đóng chỉ giữ nhiệm vụ trật
tự thi hành hiệp định, sớm muộn phải rút. Ba Lê
mong giải kết duyên nợ thuộc địa một cách thuận
lợi, hòng mưu cầu lợi ích kinh tế lâu dài sau đó.
- Các nước Đông Nam Á, nhất là
Cao Mên và Lào, đang lo ngại đà tiến của Cộng Sản,
xem miền Nam như một tiền đồn, sẵn sàng ủng hộ
một cách kín đáo.
- Chiến tranh nguội chia thế giới
thành hai khối: Cộng Sản và dân chủ tự do. Khối
các nước tự do chờ những kết quả sơ khởi của Sài
Gòn để ủng hộ và giúp đỡ cụ thể.
b. Nội Bộ:
- Ngô Đình Diệm là người mới,
không dính líu trong chế độ Quốc trưởng.
Lại được tiếng là yêu nước, đạo đức, liêm khiết,
các đức tính thời thượng lúc bấy giờ.
- Trong địa vị Thủ tướng, được toàn
quyền hành động, không chịu chỉ thị, không
có kiểm soát của Bảo Đại. Một năm sau làm Tổng
thống.
- Đất nước đi vào Hòa bình, nhân
dân náo nức, lạc quan. Ông Diệm không phải là
người có công mang lại hòa bình, nhưng được hưởng
cái lợi tâm lý do hoàn cảnh ấy tạo nên.
- Cuộc di tản vĩ đại của một triệu
đồng bào miền Bắc, bỏ mồ mả quê hương, vào Nam
tránh nạn Cộng Sản, chọn lựa miền Nam quốc
gia theo ông.
2. Lẽ Nghịch: Một thế giới
thiên vị và mù quáng.
a. Quốc tế:
- Miền Nam là đối tượng bành trướng
của quốc tế Cộng Sản, sau Trung Quốc (1949) và
sau miền Bắc Việt Nam (1954).
Chiến lược và mưu đồ xích hóa
thế giới nhằm việc thôn tính miền Nam đến cùng.
Nhiệm vụ tiền phương thuộc phần Hà Nội. Một nhiệm
vụ quốc tế, hoàn toàn không phải là một nhiệm vụ
dân tộc. Song song, Bắc Kinh giữ nhiệm vụ hậu cần.
Đầu não là Mạc Tư Khoa.
Thành ra, giữa Mỹ và Sài Gòn,
quan hệ chỉ có tính cách viện trợ phương tiện,
ủng hộ tinh thần, để bảo vệ tự do cho một quốc
gia nhỏ, trong mức độ tán đồng của dư luận nội
bộ Hoa Kỳ. Mà dư luận một nước dân chủ thì lại
dễ giao động đến có thể xoay ngược chiều. Việc
ủng hộ và viện trợ không thể vô giới hạn, cũng
không thể kéo dài mãi được, nếu không đạt kết quả
sớm. Hiệp định Ba Lê 1973 là một minh chứng.
Chính dư luận Mỹ đã buộc Hoa Thịnh Đốn bỏ rơi Sài
Gòn.
Trái ngược hẳn lại, giữa Liên
Xô và Hà Nội, quan hệ là chuyện phân chia công
tác và nhiệm vụ nhắm một cứu cánh chung : xích
hóa thế giới. Hà Nội đứng ở tuyến đầu. Bắc Kinh
tuyến hậu. Mạc Tư Khoa là trung tâm chỉ đạo và
lãnh đạo. Cho nên không phải là chuyện viện trợ
và ủng hộ. Mà là chuyện bành trướng của khối Cộng
Sản thế giới.
Nhiệm vụ này trường kỳ. Thế giới
từng bước một phải rơi vào tay Mạc Tư Khoa, nhân
danh cách mạng vô sản. Không giới hạn phương tiện
về công sức, về của cải. Không giới hạn về nhân
mạng, về tai ương của chiến tranh. Cho nên không
có chuyện Mạc Tư Khoa bỏ rơi Hà Nội vì lẽ này hay
lẽ khác, như Hoa Thịnh Đốn đã bỏ rơi Sài Gòn vì
quân đội Mỹ thiệt hại nhiều.
Nói cho cùng : Sài Gòn khác. Hoa
Thịnh Đốn khác. Nhất đán vì quyền lợi chung có
thể đi với nhau, nhưng vẫn là hai. Mạc Tư Khoa
và Hà Nội lại chỉ là một. Trong vấn đề Nam Việt
Nam.
Như thế, Sài Gòn không phải chỉ
đương đầu với Hà Nội, mà thực sự phải đương đầu
với toàn khối Cộng Sản, không những với Mạc Tư
Khoa mà còn cả với Trung Hoa, với Đông Âu.

Tạ
Quang Bửu, phía đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa, và tướng Pháp Henri Delteil, Quyền Tổng
Tư Lệnh Lực Lượng Liên Hiệp Pháp ở Đông Dương,
Phái đoàn Pháp đang ký Hiệp định đình chỉ chiến
sự tại Việt Nam. Ảnh https://vi.wikipedia.org/
- Trong khối các nước dân chủ
Tây phương, khái niệm cách mạng thế giới chống
tư bản chủ nghĩa đang hồi thời thượng. Giới
trí thức, nhất là tả phái, bị mê hoặc theo những
giá trị họ ngưỡng mộ là cách mạng, sẽ thay đổi
được thế giới, thay đổi được con người, tranh nhau
tán dương Cộng Sản, tâng bốc Liên Xô là thiên đường
hạ giới. Jean Paul Sartre đã không ngần ngại tuyên
bố: “Chỉ có là chó mới chống Cộng”. Vì thế,
trong vấn đề Việt Nam, họ luôn luôn về hùa với
Hà Nội. Solzhenitsyne chưa sang Tây Âu, ảnh hưởng
của họ có tính cách thời thượng, làm thiệt hại
nhiều cho miền Nam khi muốn vận động dư luận quốc
tế, vận động ngoại giao, để bênh vực cái thế của
mình.
Đến cả tướng De Gaulle, trong
tuyên ngôn ở Nam Vang của ông, trên đường công
du thuộc địa Nouvelle Calédonie, lên án Mỹ can
thiệp vào Việt Nam, cũng đã có một ảnh hưởng thật
tai hại cho Sài Gòn. Tuyên ngôn của ông đã được
xem là một trong các yếu tố đưa đến thất bại của
Hoa Kỳ ở miền Nam.
- Các nước Đông Nam Á chưa đạt
đến mức phát triển khả quan, nên tổ chức ASEAN
chưa hình thành được như hiện nay để có một tiếng
nói chung bênh vực Sài Gòn, mà thế giới không thể
không chú ý đến được.
- Các nước trong thế giới đệ tam,
tuy gọi là trung lập nhưng lại thiên Hà Nội vì
muốn gần Liên Xô.
- Ông Diệm thù người Pháp nên
không biết lợi dụng việc họ có mặt và ảnh hưởng
ở miền Nam, như quân đội Nhật đã làm từ 1941 đến
1945, như ông Hồ Chí Minh đã làm từ 1945 đến 1946.
b. Nội Bộ:
- Tội tổ tông của chế độ Ngô Đình
Diệm: Miền Nam chỉ là đất Nam kỳ mở rộng, ông
Diệm không phải gốc Nam kỳ và người Nam kỳ không
biết ông Diệm mà chỉ nghe đồn về ông mà thôi.
- Mặt tiêu cực trong con người
ông Diệm.
1. Thiếu tầm vóc:
Không có đủ tầm vóc một lãnh tụ
quốc gia, một chính khách quốc tế. Vì học thức
giới hạn, kiến thức thiếu sót, nên không am hiểu
đến nơi các biến chuyển lớn trong thế giới, sau
thế chiến thứ hai; không nhìn rõ được các vấn đề
đất nước, trong thời điểm thiếu ổn định về mọi
mặt sinh hoạt xã hội lúc bấy giờ, khi hòa bình
trở về và đất nước qua phân. Thành ra không phân
biệt được vấn đề chính, vấn đề phụ, và định sai
thứ tự ưu tiên các công việc phải làm.
2. Nhân sinh quan hẹp hòi:
Ông Diệm trọng đạo đức, thuần
thành về tín ngưỡng. Đau đáu lo giữ mình đến nỗi
quên người, nên sợ kẻ khác làm hỏng việc mình.
Thành ra không giám tin ai và thường ngờ vực tất
cả, hóa ra người lãnh đạo mà rất quả giao. Lẫn
lộn tốt, xấu, theo đạo đức bình thường, với điều
hay, dở, trong hành động nhà nước. Cuối cùng đi
đến độc tôn, độc đoán, mình cho là phải trái, không ai cãi được.
Nên không chịu nổi ai nói khác mình, không chấp
nhận đối lập.
3. Không dám tin người:
Thung dung được với người thân
tín sẵn, mà lúng túng với người chưa quen. Thành
ra chỉ biết có anh em, thân quyến trong gia đình,
chỉ gần tay chân bộ hạ. Khi lên cầm quyền, trong
vấn đề dùng người, chỉ chọn kẻ chịu làm tay sai,
không chọn người cộng tác ngang hàng.
4. Quan liêu gia đình:
Gia đình và thủ túc nhiều tham
vọng quyền lực, quyền lợi. Từ Trung, từ Bắc vào,
làm thêm nặng cái tội tổ tông của chính quyền Diệm.
5. Xung khắc về bản chất giữa
ông Diệm và dân Nam kỳ:
Nam kỳ dưới chế độ thuộc địa trực
trị có luật pháp rõ ràng, nên được đảm bảo ít nhiều
tự do. Nay kháng chiến thành công, dân tại chỗ
đòi dân chủ, không sẵn sàng chấp nhận một nhà nước
câu thúc quá đáng. Ông Diệm, xuất thân là đại thần
triều đình Huế cũ, cá tính con người ông không
để cho ông sử dụng quyền bính cách khác hơn là
quan liêu, lệnh từ trên ban xuống, không có đối
thoại, trao đổi với ai.
Người Nam kỳ tính phóng khoáng,
cởi mở, cả tin, không có tham vọng quyền bính,
không bận tâm chính trị mấy. Vì thế, mà sau kinh
nghiệm kháng chiến, họ không thích Cộng Sản, nhưng
đã từng tranh đấu với nhau, họ không chống Cộng.
Ông Diệm và tả hữu tay chân lấy việc chống Cộng
làm quốc sách, chê người Nam kỳ là ấu trĩ.
6. Không biết sử dụng thành
quả kháng chiến Dân Tộc:
Thành quả kháng chiến là niềm
tự hào của dân Nam kỳ. Nhưng lại là vết hằn trong
tâm thức ông Diệm. Quần chúng Nam kỳ kháng chiến
theo truyền thống Trương Công Định, Nguyễn Trung
Trực, Thủ Khoa Huân v.v... để giải phóng đất nước.
Không phải để theo Mác, theo Lênin. Họ xem kẻ thù
chính là thực dân Pháp.
7. Ông Diệm không tham dự kháng chiến.
Đứng ngoài vòng một thời, và một
thời gian sau đó xuất ngoại sang sống ở Hoa Kỳ.
Sự kiện lịch sử này có thể giải thích. Kháng chiến
do người Cộng Sản lãnh đạo. Quần chúng nhằm mục
đích ngắn hạn tranh thủ độc lập, không cần nhìn
xa hơn để ngờ vực, Cộng Sản mưu đồ cách mạng vô
sản thế giới, không cần chú ý đến mục đích dài
hạn của đảng Cộng Sản. Ông Diệm chống Cộng, kẻ
thù chính của dân tộc, trong con mắt ông, là Cộng
Sản. Ông không thể tham dự kháng chiến, không thể
tranh đấu dành độc lập chung với Cộng Sản. Một
phần vì ông không chấp nhận lãnh đạo Cộng Sản trong
kháng chiến. Phần khác, ông muốn tranh đấu giành
độc lập theo một đường lối khác. Thái độ ông khả
kính. Đường lối ông có giá trị. Nehru ở Ấn Độ,
Soekarno ở Nam Dương chứng minh nhận xét này. Và
có lẽ họ đã mở đường cho ông Diệm. Cho nên, nhất
thời, ông không thể để cho phong trào quần chúng
trong nước lôi cuốn vào cuộc kháng chiến mà ông
biết về sau tất nhiên bị Cộng Sản lợi dụng. Lịch
sử sẽ ghi nhận định của ông là đúng.
Kháng chiến thành công. Pháp phải
từ bỏ quyền bá chủ Việt Nam và ông Diệm được đưa
lên cầm quyền trên nửa phần phía Nam đất nước.
Trên đó Nam kỳ là địa cư chính và trọng yếu nhất.
Đây là cớ sự tạo một mặc cảm thật tế nhị, thật
phức tạp, trong tâm thức con người Ngô Đình Diệm.
Nam kỳ kháng chiến đã phần nào
ngược với chủ trương chống Cộng của ông. Nên ông mặc
cảm như phong trào này cũng chống ông. Nay
kháng chiến thành công trên mảnh đất Nam kỳ ông
trực tiếp tiếp thu kết quả. Trong tiềm thức ông,
ông thấy có chi đó bất ổn. Tâm lý tự xem mình là
người phi thường khiến ông hóa giải điều bất ổn
này một cách sai lạc. Đến chỗ đố kỵ người Nam kỳ.
8. Mặc cảm đố kỵ người Nam kỳ.
Những người từ nay bị đặt dưới
quyền ông, ông Diệm muốn thoát ngoài tình trạng
này bằng cách đặt mình lên trên lẽ thường của mọi
người. Cách xử sự này hợp với bản tính tự cao tự
đại của con người ông. Đưa ông đến việc cho mình
là người mang một sứ mệnh thần thánh cứu dân, cứu
nước, không cần phải theo sát tâm lý, nguyện vọng
“thiển cận” của nhân dân. Nhất là nhân dân Nam
kỳ, đương nhiên thuộc trách nhiệm lãnh đạo của
ông.
Tâm lý tự tôn để tự ổn này được
gia đình ông, tay chân bộ hạ ông cổ súy, phụ họa
vào. Cớ sự này đã tạo nên cho ông, cho tả hữu quanh
ông, một tâm trạng kẻ cả mà người miền Nam từng
biết rõ, và đã tạo ảnh hưởng nặng nề cho tư thế
lãnh đạo của ông.
Tâm trạng kẻ cả của ông Diệm,
của gia đình và tả hữu ông, đối với dân Nam kỳ,
có thể tóm tắt trên vài điểm chính:
- Người Nam kỳ thiếu ý thức
chính trị (hàm nghĩa: ồ ạt chạy theo Cộng
Sản để kháng chiến).
- Người Nam kỳ ấu trĩ về văn
hóa. Vụ tờ báo “Tự Do” của Phạm Việt Tuyền
nêu nhận định là “Nam kỳ không có văn chương”
đã một thời khiến dân Nam kỳ phẫn nộ.
- Người Nam kỳ đạo đức thấp.
Ông Diệm và thân quyến đã võ đoán như vậy khi thấy
xã hội Nam kỳ, dù muốn dù không, cũng chịu ảnh
hưởng sinh hoạt của người Tây phương nhiều hơn
đồng bào các nơi khác.
- Người Nam kỳ phản quốc.
Hàm ý họ hết theo Pháp thì theo Cộng. Ngô Đình
Nhu đã nói lên lời: “les Cochinchinois sont
des traitres” (dân Nam kỳ là phường phản
bội) với người viết, ngay tại sảnh đường dinh Độc
Lập. Và cũng chính Nhu đã muốn dựng lên Vụ án Tôn
Thọ Tường, giao cho một Hội Đồng Nhân Sĩ tay chân
tổ chức. Một người hiểu chuyện, đã bảo Nhu: “Người
Nam kỳ từng cùng Phan Văn Trị lên án Tôn Thọ Tường.
Tường làm việc cho thực dân 60 năm trước Ngô Đình
Diệm là phản quốc,vậy Diệm làm việc cho thực
dân 60 năm sau Tường, lại không phải là phản quốc
hay sao?” Việc làm lố bịch này phải dẹp
sớm, nên ít người biết.

Quần chúng Sài Gòn biểu tình chống “Gia Đình trị
Ngô Đình Diệm” trong chính biến 11-11-1960
của lực lượng Nhảy Dù và một số chính đảng Việt Nam
Nước Bại Theo Một Người
Chế độ miền Nam do ông Diệm thiết
lập, phải đương đầu với các lẽ thuận, lẽ nghịch,
được nêu ở phần trên. Và tùy thuộc vào các ưu điểm,
khuyểt điểm của con người Ngô Đình Diệm.
Những công trình nhân sinh cỡ
lớn không thể nhất thiết đòi hỏi đủ điều kiện thuận
lợi để tiến hành. Ông Diệm đi vào sự nghiệp ông
từng mong mỏi thực hiện, trong những điều kiện
nói chung khá tốt. Tương lai thành hay bại tùy
thuộc ông có biết khai triển đúng mức hay không
các lẽ thuận, giải tỏa các lẽ nghịch. Tùy thuộc
ông biết lợi dụng các ưu điểm của mình, biết khắc
phục các khuyết điểm của mình đến một mức hiệu
quả.
Ngô Đình Diệm có đủ lẽ để thành
công. Tiếc là ông đã thất bại đưa đến thất bại
chung của miền Nam. Rồi của cả dân tộc.
Ông Diệm đứng ra thành lập chế
độ miền Nam với các lẽ thuận, nghịch gắn liền vào
đó, như đã phân tích trong bài trước. Việc thành
hay bại tùy vào tâm mức lãnh đạo của ông, biết
hay không biết khai thác lẽ thuận, khắc phục lẽ
nghịch, tiên quyết không nhất định là thế nào được.
Thời thế có thể tạo anh hùng.
Nhưng người lãnh đạo giỏi đạp lên thời thế mà tiến
thành anh hùng. Kinh nghiệm đã qua cho thấy ông
Diệm không thuộc hạng lãnh đạo ấy. Không phải là
một “homme d’Etat”.
Từ bài này, người viết sử dụng
tài liệu một người bạn thân, vượt biển, gửi lại
vì không mang theo được. Tài liệu ghi nhận những
cuộc thảo luận giữa anh ta và anh em ông Diệm,
từ sau 1945 cho đến cuối năm 1954, khi họ bàn về
đường lối nên theo, và chính sách phải có, khi
ông Diệm nắm được quyền hành.
Người viết giữ việc trình bày
cho được mạch lạc, không can thiệp vào nội dung
tài liệu. Để bạn đọc có thể thấy có người đã đề
nghị với ông Diệm một đường lối lãnh đạo, một chính
sách cầm quyền khác những gì anh em ông đã làm,
nhưng lại đúng theo những gì ông Diệm đã tiên tri
và tiên liệu sẽ làm.
…..
Ba Điều Bất Hạnh Cho Đại Cuộc Việt Nam
1. Bất hạnh trong việc giải
phóng đất nước khỏi bàn tay ngoại bang.
Ông Diệm ở hải ngoại năm năm.
Kéo dài đến bốn năm trên đất Mỹ, sau đó mới sang
Âu Châu, ở Pháp và ở Bỉ. Ngoài ra, ông không đặt
chân lên một nước nào khác. Nhất là một nước Á
Châu.
Ở Hoa Kỳ, ông quanh quẩn trong
bóng tối thanh tu của các nhà dòng Công giáo. Sang
Pháp, sang Bỉ cũng thế. Ông không dấn thân hoạt
động đánh vào dư luận các nơi, không liên lạc,
giao thiệp với các chính khách quốc tế, không gần
gũi vận động kiều bào. Ông dành công việc chính
ông phải làm lấy cho các bào đệ Nhu, Luyện của
ông. Họa hoằn, nhờ có nhà dòng móc nối, ông giao
thiệp với một hai nhân vật Mỹ rất hiếm hoi, cỡ
Hồng Y Spellman, cỡ Thượng nghị sĩ Mansfield.
Tên tuổi ông, báo chí quốc tế
không thấy nhắc đến. Tiếng tăm ông chẳng vang dội
một nơi nào. Ông không hề xuất hiện trước dư luận
thế giới. Như Gandhi, Nehru, Sukarno đã từng làm,
khi họ còn phải tranh đấu cho độc lập của xứ sở
họ.
Thành ra khi người Mỹ dùng áp
lực đưa ông lên cầm quyền, thế giới không biết
ông là ai, không thấy ông có tầm vóc nào đáng kể,
nên xem ông chỉ là một lá bài của Hoa Kỳ. Người
trong nước, nhất là dân Nam kỳ, trừ những người
hiếm hoi biết ông trước kia là một vị Thượng thư
trẻ tuổi của triều đình Huế, chống Pháp mà từ chức,
đa số không biết ông là ai, chưa hề nghe nói đến
ông. Chỉ thấy có người Mỹ đưa ông lên.
Không trách được người trong nước,
người nước ngoài, xem ông là “một con cờ của
Mỹ”. Điều ông không hề muốn, nhưng lại là lỗi
của ông. Đúng hơn, điều biểu thị sự bất tài
của ông.
Và nhất là điều bất hạnh cho đại
cuộc miền Nam. Đại cuộc lúc này là việc giải phóng
đất nước khỏi tay ngoại bang. Nhất đán xuất hiện
là một “lá bài Mỹ”, đè nặng lên tương lai
của chế độ. Tuy vậy, điều bất hạnh này chưa có
ảnh hưởng ngay. Bởi lẽ, khi đã chia cắt, miền Nam
thấy cần có một cường quốc giúp đỡ, nhất là Hoa
Kỳ, để quân bình với miền Bắc, có Liên Xô và Trung
Quốc đứng sau. Miền Nam không thể tồn tại được,
nếu đứng lẻ. Thành ra, dù sao, ông Diệm cũng biểu
hiện cho một hi vọng. Thêm vào đó, ông không có
tai tiếng chi, nhờ đứng ngoài thời cuộc từ trước.
Dư luận miền Nam mặc nhiên chấp nhận ông. Chỉ mong
ông đừng để miền Nam trở thành phụ dung của Mỹ,
mà chỉ là thân Mỹ.

Mộ Ngô Đình Diệm (phải) bên cạnh mộ của bà mẹ (giữa) và của Ngô Đình Nhu (trái). Ảnh "baovecovang.wordpress.com"
2. Bất hạnh thiếu tài lương
đống
Ông Diệm biết mình có thể lên
cầm quyền, ba tháng trước. Ông lên cầm quyền ngày
7-7-54. Ngày 21-7-54 Hội nghị Genève kết thúc,
chia hai Việt Nam , và giao cho ông miền Nam.
Trong thời gian 4 tháng thật quyết
định ấy, ông vẫn ù lì như
suốt 4 năm ở Mỹ trước kia. Ông không đích thân hoạt động. Mọi việc giao
cho hai ông em, Nhu và Luyện, làm thay. Trong tinh
thần chung của gia đình này, họ chỉ liên lạc ngầm,
hoạt động trong bóng tối. Nên chỉ tiếp xúc với
một số người thật hạn hẹp.
Không thấy tấn công vào dư luận
thế giới, vào các cơ quan truyền thông quốc tế,
buộc họ phải nói đến ông, đến giải pháp ông đề
ra, và sẽ thực hiện. Không thấy công khai nêu lên
một đường lối, một chính sách nào. Để cho thế giới,
thông qua báo chí, biết đến một giải pháp Ngô Đình
Diệm. Cũng không thấy vận động kiều bào. Để làm
sáng tỏ tư cách một lãnh tụ quốc gia có hậu thuẫn,
có lập trường, có đường lối, có khả năng, hòng
tranh thủ cảm tình kiều bào đang bị Cộng Sản ve
vãn. Hình như Việt kiều phải tự mình nhận ra “sứ
mệnh cứu nước của Cụ”. Bằng không, họ chỉ là những
người thân Cộng, không cần mở mắt cho họ làm gì. Cho
nên, quanh quẩn chỉ tập họp một số kiều bào Công
giáo, một số ít “học trò cũ của Đức Cha”4
để chọn sẵn một mớ tay chân về sau.
Ngay chính trong nước cũng thế.
Phong trào “Đoàn Kết” Ngô Đình Nhu dựng
lên, quanh quẩn ở Sài Gòn, tập họp tay chân đã
có rồi, với một số thân hữu cũ trong nhóm “Tinh
Thần”, hờm sẵn như chờ chia một món gia tài.
Còn quần chúng trong nước, ở Đồng Nai, Bến Nghé,
Cửu Long hay ở Thăng Long, ở Thuận Hóa, phong trào không
thấy “đoàn kết” với ai khác, và cũng không mấy
người nghe nói đến.
Hoạt động của ba anh em ông Diệm,
ba tháng trước ngày cầm quyền, là cố gắng tìm
mọi cách gây tín nhiệm với Bảo Đại, để ông này
chịu ký Dụ trao quyền chính cho. Kể cả việc
tuyên thệ trung thành này nọ với Bảo Đại. Kể cả
sai Ngô Đình Luyện đi Cannes biếu Bảo Đại một chiếc
ô-tô sang trọng. Trong lúc Pháp cầu Hoa Kỳ, Mỹ
muốn là trời muốn. Bảo Đại không muốn cũng không
xong.
Khi lịch sử chận đứng kim đồng hồ
Rồi ngay cả thời gian lên cầm
quyền ngày 7 tháng 7, cho đến lúc Hội nghị Genève
kết thúc ngày 21-7, ông Diệm nhất thiết không hề
đích thân xuất hiện ở hội trường Genève, không
muốn tham dự thảo luận, không thấy phải cầm đầu
đoàn Việt Nam quốc gia. Mà gởi đến đó ông Ngoại
trưởng Trần Văn Đỗ về phía Việt Nam.
Ba mươi ngày cuối cùng của Hội
nghị, đủ cho cả thế giới và riêng nước Pháp thấy
thế nào là một “homme d’Etat”5. Trái lại, lịch
sử cận đại đã ghi thật đậm nét cho Mendès France.
Ông Mendès France đã dọa bỏ cuộc,
nếu không kết thúc được hội nghị vào đúng 24 giờ
ngày 21-7-54. Nhưng một giờ trước khi các lãnh
tụ thế giới tham dự hội nghị ký tên vào Hiệp định,
cho kịp hạn định ông Mendès France đưa ra. Phái
đoàn Cambốt đã nhân hạn định ấy mà đưa ra một đòi
hỏi mới, bênh vực cho quyền lợi nước mình. Để tránh
việc Thủ tướng Pháp bỏ cuộc, Molotov và Eden đồng
Chủ tịch Hội nghị, không những vận động các phái
đoàn thỏa mãn yêu sách bắt chẹt của Cambốt, mà
còn phải kéo lui kim đồng hồ cho đừng đổ vội 12
tiếng khuya 21-7, hòng có đủ thì giờ chữa lại bản
thảo hiệp định kẻo Mendès France rút lui.
Từ ông Diệm lên cầm quyền đến
Hội nghị chấm dứt có hơn 3 tuần lễ. Ông không thấy
(hay ông ngại) cơ hội để ông chen vai với các lãnh
tụ quốc tế khác. Cơ hội để ông đích thân tham dự
đến ngay hội trường mở một cuộc tấn công ngoại
giao, bênh vực quyền lợi đất nước, trình bày lập
trường quốc gia. Cho mọi người thấy được tầm vóc
quốc tế của ông, nếu quả ông có, ngang với Mendès
France, một Chu Ân Lai, một Eden, một Molotov,
một Foster Dulles. Như Phạm Văn Đồng. Để các cường
quốc biết đến ông là một sức mạnh khả tín. Mà ủng
hộ miền Nam, nếu họ muốn. Nếu họ thù nghịch, họ
biết là sẽ phải đối đầu với một sức mạnh.
Ông không chịu tham dự hội nghị.
Đây là bất hạnh thứ hai của đại cuộc miền Nam.
Vì ở hội nghị, người ta nhìn về phía Việt Nam,
chỉ thấy có Phạm Văn Đồng. Chỉ biết có phe Cộng
Sản. Chỉ biết có Hà Nội. Sài Gòn là một bóng mờ,
Ngô Đình Diệm là ai, người ta có nghe nói tên,
nhưng không ai nhắc đến, trong đám các lãnh tụ
tham dự hội nghị... Vì thế, dư luận các nơi cho
rằng miền Nam chỉ là một bóng ma làm cớ
để chấm dứt chiến tranh, không thể đứng vững được.
Nhiều lắm là hai năm, thời hạn định sẵn để trưng
cầu dân ý mà thống nhất về tay Hà Nội.
3. Bất hạnh coi thường dân
miền Nam, và thành phần kháng chiến dân tộc.
Ông Diệm lên cầm quyền trong hoàn
cảnh đúng như ông tiên tri từ 1948: Ông lãnh đạo
miền Nam, mà đất Nam kỳ là trọng tâm. Mỹ ủng hộ
ông, hứa viện trợ Sài Gòn, tức phải dính líu với
miền Nam.
Nói cách khác, các điều kiện ông
tiên liệu, ông muốn có, để tranh thủ với Cộng Sản,
nay ông hội đủ. Và con đường ông phải theo có thể
phác họa như sau:
1. Lấy đất Nam kỳ làm gốc cho
chế độ. Như Nguyễn Ánh đã làm hồi thế kỷ XVIII,
để tranh thủ với Tây Sơn.
2. Dùng nhân dân Nam kỳ làm
nguyên tố củng cố, xây dựng miền Nam. Dựa trên
quần chúng Nam kỳ làm thế ỷ dốc, để bảo vệ miền
Nam, giữ cho Cộng Sản miền Bắc không huy động
được dễ dàng các thành phần nằm vùng mà tuyên
truyền và quấy phá. Đồng thời, để phát triển
kinh tế, xã hội, với nhân lực, tài lực Nam kỳ.
3. Vinh danh thành tích kháng
chiến yêu nước. Vạch rõ mưu đồ Cộng Sản lợi dụng
nhu cầu giải phóng của đồng bào, để thực hiện
cách mạng vô sản.
Đề cao anh em kháng chiến quốc
gia. Xem chủ quyền miền Nam là thành quả kháng
chiến. Đúng theo tinh thần Tuyên ngôn 1951 nói
trên.
Kết hợp các thành phần kháng chiến,
phi kháng chiến vì hiểu thấu mưu đồ Cộng Sản, hoặc
vì một lý do khác, để tổ chức quyền chính miền
Nam.
Đó là con đường kết hợp nhân
dân, kết hợp kháng chiến vào chính quyền.
Để thu hút vào chế độ các thành phần quần chúng
nông thôn, đã từng là cơ sở trung kiên, suốt
chín năm qua, của tổ chức kháng chiến chống Pháp.
Sự kết hợp này có thực sự và chặt chẽ, sẽ đảm
bảo cho tương lai miền Nam.
Tất nhiên phải tùy thuộc vào một
chính sách thể hiện trung thành những gì ông Diệm
đã tiên tri từ 1948, thực hiện lời ông đã hứa trong
Tuyên ngôn năm 1951:
Dùng hai “Vú sữa”: quần chúng
Nam kỳ và thành phần kháng chiến quốc gia mà
nuôi dưỡng chế độ Sài Gòn.
Chính sách ấy, ngoài chuyện mình
trung thành với chính mình, còn là một chọn lựa
sáng suốt, vì nông dân Nam kỳ không chấp nhận,
thì chế độ tồn tại với ai và thế nào được. Trừ
phi bắt chước Cộng Sản, dùng các biện pháp độc
tài và đàn áp. Sáng suốt vì có nhìn nhận chủ quyền
thu hồi ở miền Nam là sự nghiệp kháng chiến quốc
gia, mới không để Hà Nội độc chiếm thành quả ấy
về phần Cộng Sản trên cả nước.
Can đảm vì đây là một chọn lựa
nguy hiểm. Nguy cơ tiềm tàng trong một chính sách
như vậy thật lớn, đòi hỏi một khả năng lãnh đạo
cao, một lòng tự tin lớn. Đòi hỏi một “homme d’Etat”.
Ông Diệm không có đủ khả năng
chính trị và tự tin, thành ra chọn lựa mà
ông đã tiên liệu và cho là thiết yếu từ 1948,
từ 1951, thì nay, lên cầm quyền, ông sợ là không
thiết thực. Nên đứng trên đất Nam kỳ để đối
đầu với miền Bắc, ông khoét mất ngay hai cái
“Vú sữa” của miền Nam! 
Hồ Sĩ Khuê
Trích từ “Lịch
trình Hình thành và Giải thể của Mặt Trận
Giải Phóng Miền Nam”, (Văn
Nghệ, USA, 1992)
(nguồn https://giaodiemonline.com/2012/10/ndd02.htm)