●   Bản rời    

Stephen Hawking Khẳng Định Không Có Gót

Stephen Hawking Khẳng Định Không Có Gót (Thượng Đế)

By Chris Matyszczyk / Trần Tiên Long chuyển ngữ

http://sachhiem.net/TTL/TTLkh06.php

27-Sep-2014

Stephen Hawking đã công khai nói thẳng, ông là một người vô thần.

Lời người dịch

Bài viết này, tác giả Chris Matyszczyk cố tình gợi lên một vài ý tưởng phản bác lời tuyên bố “không có Gót” (Thượng Đế, Thiên Chúa) của Stephen Hawking bằng những luận chứng ngớ ngẫn. Thí dụ, vừa vào đề, tác giả cho độc giả biết ngay ông theo lập trường bắt cá hai tay (như Pascal) mặc dù ông biết là chẳng có Gót. Đó là thái độ tin vì lợi, bất chấp mọi lý lẽ, chứ chẳng phải vì đó là điều chân thật. Xin đọc thêm bài Tôi Không Theo Pascal để hiểu rõ hơn về một thái độ con buôn này, một thái độ đã tạo ra những kẻ có thể làm những điều gian lận, miễn sao có lợi. Họ cứ vô tư rao giảng những điều mà họ không tin, tất cả chỉ vì quyền lợi của cá nhân họ và phe nhóm.

Đọc bài này, chúng ta cần nên phân biệt giữa ý tưởng của Stephen Hawking và ý tưởng chủ quan của tác giả. (TTL)

-- o0o --

Nhà vật lý tuyên bố rằng khoa học ngày này giải thích thuyết phục hơn về sự hiện hữu. Ông là một nhà vô thần.

Nếu tôi là một nhà khoa học, tôi nên theo nguyên tắc của Goldman Sachs (công ty ngân hàng đầu tư đa quốc gia): cứ bắt cá hai tay.

Việc “tin vào khoa học và cùng tin vào Gót” có vẻ như bảo đảm cho mọi điều có thể xảy ra và cho bạn sự may mắn nhất về một cuộc sống hạnh phúc ở đời sau.

Có một thời, người ta đã nghĩ rằng nhà vật lý về vũ trụ học Stephen Hawking còn để một lỗ trống rất nhỏ cho một niềm tin vào thần thánh. Tuy nhiên, bây giờ thì ông đã công khai khẳng định rằng không có Gót.

Stephen Hawking đã dành cho tờ El Mundo của Y Pha Nho một cuộc phỏng vấn, ở đó ông đã trình bày về niềm tin chắc chắn của ông, rằng thế giới là kết quả của các hiện tượng có thể giải thích bằng khoa học, không phải bằng một hữu thể thiêng liêng.

Hawking bảo rằng: “Trước khi chúng ta hiểu về khoa học, việc tin vào Gót đã tạo dựng vũ trụ thì là việc tự nhiên. Nhưng ngày nay khoa học mang đến một sự giải thích thuyết phục hơn.”

Tôi không chắc có lúc nào đó khoa học đã dành phần giải thích về sự hiện hữu thần thánh. Tuy nhiên, tờ El Mundo đã ép ông về một gợi ý từ bài tiểu luận “Một Chút Lịch Sử Về Thời Gian” (A Brief History of Time), rằng một lý thuyết tổng hợp của khoa học có thể giúp nhân loại “biết được ý Gót”.

Ngày nay, Hawking giải thích: “Điều tôi có ý nói về câu ‘chúng ta có thể hiểu được ý Gót’ là như thế này, rằng chúng ta có thể biết được những gì Gót biết nếu thực sự có Gót. Nhưng Gót không có. Tôi là một người vô thần.”

Ông nói thêm: “Tôn giáo tin có phép lạ, nhưng các phép lạ này thì không tương hợp với khoa học.”

Có lẽ là vậy. Nhưng, thí dụ, có một số người nhìn vào con mắt rồi tự hỏi làm sao cái quả thạch cầu đó có thể tự có theo cách khoa học.

Hawking đang đi theo sự khẳng định mang tính tuyệt đối. Trong lần nói chuyện năm ngoái, ông đã đưa ra một giải thích thế giới tự hiện hữu chẳng cần Gót như thế nào. Ông đăm chiêu suy tưởng rằng: “Gót đã làm những gì trước khi có sự tạo dựng? Có phải khi đó Ngài đang chuẩn bị một địa ngục dành cho những người có các câu hỏi đó?”

Dẫu vậy, tôi nghi ngại về niềm tin vào nhân loại một cách ngọt ngào thần thánh của Hawking. Ông đã nói với tờ El Mundo: “Theo tôi, không có khía cạnh nào của thực tế nằm ngoài khả năng trí tuệ của con người.”

Nếu điều đó đúng thì trí tuệ của con người còn phải phát triển theo cấp số nhân để giải thích các biến cố hằng ngày, chẳng hạn như mạng lưới xã hội. Và rồi, Hawking nhấn mạnh rằng máy chuyển âm các bài nói chuyện của ông, làm cho ông có một giọng Mỹ rất đặc biệt, đã đưa đến kết quả: “Với giọng Mỹ, tôi đã có nhiều thành công đối với phụ nữ hơn.”

Chúng ta tuyệt đối cần có nhiều nghiên cứu nghiêm chỉnh hơn để giải thích điều đó.

Nguồn: http://www.cnet.com/news/stephen-hawking-makes-it-clear-there-is-no-god/#ftag=YHF65cbda0


Các bài của Trần Tiên Long »