Trước hết người viết xin khẳng định như bao lần trước rằng người viết là một đọc giả bàng quan, không có tư cách bênh vực cho bất cứ ai hoặc phe nhóm nào. Những gì người viết trình bày trong bài này đều dựa trên những gì các tác giả khác đã viết. Người viết chưa từng quen biết tác giả nào, kể cả các tác giả thuộc nhóm Giao Điểm hay Ca-tô Rô-ma giáo có liên hệ.
Ở trong một đất nước có truyền thông tự do, mọi quan điểm của bất cứ ai sau khi đã được đưa ra trước công luận thì nên có sự góp ý, trao đổi của công luận. Tác giả TY NVT đã khôn manh khẳng định một cách dư thừa rằng bài viết của ông không phải để“tranh luận hay bút chiến”, cũng chẳng phải để “đối thoại vô bổ”, nhưng “chỉ để trình bày một nhận thức cá nhân về tôn giáo”, nhưng một nhận thức cá nhân thì thường có nhiều sai lầm vì thành kiến chủ quan như bao nhận thức cá nhân khác. Tác giả TY NVT cũng chỉ là một con người thường hay sai lầm, không phải là thần thánh thông biết hết mọi sự, nên không thể được công luận đối xử như một biệt lệ.
Sau đây, người viết sẽ trình bày những quan điểm sai lầm của tác giả qua một vài tiểu mục chính yếu:
Hình như cái tật khó bỏ của những tín đồ Ca-tô Rô-ma là chuyên môn chụp mũ cộng sản cho bất cứ tác giả nào trưng ra những sự thật đối nghịch với những giáo lý căn bản của Thiên Chúa giáo. Giao điểm là một tổ chức từ thiện, có mục đích trừ tà, hiển chánh, và độ sinh. Người viết chỉ biết về Giao Điểm qua trang nhà của họ ở cái nguồn giaodiemonline.com và nhận thấy những bài viết của họ về tôn giáo hầu hết chỉ trình bày những sự thật rất khó phủ bác, dựa trên những lập luận và suy tư của các nhà thần học và khoa học danh tiếng trong thế giới. Những bằng chứng họ trưng ra đều có nguồn gốc đoàng hoàng, rất dễ kiểm chứng, chẳng phải là vu vơ, “không có cơ sở khoa học”.
Người viết tự hỏi, nếu Giao Điểm chỉ gồm “một vài ông già bệnh hoạn gần chết”, như nhà trí thức Ca-tô LG đã có lần khẳng định, thì tại sao những bài nghiên cứu của họ không có cơ sở khoa học mà các con chiên trí thức Ca-tô cứ phải ú ớ, không thể phản bác nỗi? Người viết đã từng sinh hoạt trong các diễn đàn gần 4 năm nay, nhưng chưa hề thấy có một tác giả Giao Điểm nào viết trong các diễn đàn để tranh luận như phần đông các nhà trí thức Ca-tô khác. Những bài của họ chỉ có đăng trong trang nhà của họ và không giữ bản quyền nên ai ai cũng có quyền mang vào diễn đàn nếu thấy có sự đồng cảm. Một ông trí thức Ca-tô BKDC CTT đòi tranh luận công khai, nhưng chẳng có ông Giao Điểm nào thèm tranh luận, rồi bây giờ lại có các ông trí thức Ca-tô khác công khai khẳng định “Chúng tôi đồng ý nên ngưng tranh luận với Giao Điểm”, sau khi đã hô hào rủ nhau nhốt họ vào cũi chó, xóa hoặc sửa bài vở của họ. Những phản ứng sợ sệt “một vài ông già Giao Điểm bệnh hoạn gần chết” như vậy chỉ để chứng tỏ người Ca-tô rất sợ sự thật. Và cái giải pháp cố hữu còn lại của họ là gì? Thưa, chính là tiếp tục chụp mũ Giao Điểm là cộng sản.
Nhưng có bằng chứng nào để gán cho họ cái mũ cộng sản? Bài Trao Đổi Với Tác Giả Lữ Giang sau đây có thể soi sáng được đôi điều về cái mà họ gọi là “bằng chứng”, đã được chuyển vào diễn đàn ngày 26 tháng 6 năm 2013:
Trao Đổi Với Tác Giả Lữ Giang
Thưa ông Lữ Giang,
Xin cám ơn ông đã trưng ra cái “giấy giới thiệu Giao Điểm của công an” mà ông tưởng là bằng chứng để vội kết án là“Sachhiem tức Giao Điểm đã được Bộ Công An giới thiệu là công cụ tuyên truyền của Đảng ta.”
Là một đọc giả bàng quan, xin thưa với ông một đôi điều:
Thứ nhất, ông vẫn chưa chứng minh điểm (1) là Sachhiem cũng tức là Giao Điểm theo thứ tự tôi đã yêu cầu trong điện thư dưới đây. Như đã nói trước, nếu không chứng minh được điểm (1) thì Sachhiem có liên hệ gì tới điều cáo buộc của ông? Tôi biết có nhiều trang nhà ngoại quốc có những bài chuyên vạch trần sai trái của Ca-tô Rô-ma giáo hoặc các tôn giáo khác, nhưng chắc chắn họ chẳng có liên hệ gì với nhau hoặc với cộng sản VN.
Thứ hai, cái giấy giới thiệu đó chỉ là để hỗ trợ ông Bùi Hồng Quang được mang 420 cuốn tạp chí Giao Điểm số 65 ra nước ngoài. Tôi có thể khẳng định được điều này bởi vì văn thư ghi rõ ông Quang sẽ mang 420 cuốn tạp chí đó ra nước ngoài vào ngày 23 tháng 12 năm 2007, và văn thư còn ghi rõ “chỉ có giá trị đến ngày 24 tháng 12 năm 2007”, có nghĩa là chỉ có giá trị trong một ngày ông Quang đi đường mà thôi.
Thứ ba, 420 cuốn tạp chí số 65 đó đã được phổ biến công khai ở hải ngoại, vậy ông Lữ Giang nhận thấy trong số tạp chí đó có điều gì có thể gọi được là “công cụ tuyên truyền của Đảng ta”? Văn thư còn ghi rõ “Đây là số tạp chí có nội dung thuần túy tôn giáo”. Nếu đã là “thuần túy tôn giáo” thì có điều gì sai trái ở đó?
Thưa ông Lữ Giang, tôi biết ông đã từng chụp mũ, xuyên tạc và vu khống nhiều người, kể cả tôi, bằng những luận chứng vu vơ, chẳng có gì là thuyết phục. Việc in ấn một số sách vở hoặc kinh sách thuần túy tôn giáo ở Việt Nam để tiết kiệm chi phí là một việc đơn giản, bình thường, chẳng phải là nghiêm trọng. Như vậy, cái “giấy giới thiệu Giao Điểm của công an” mà ông đã trưng ra không chứng minh được điều gì để hỗ trợ cho lời cáo buộc của ông, huống hồ trang nhà Sachhiem chẳng có dính dáng gì tới cái giấy đó. Thực khó mà tin đấy là lối chứng minh để buộc tội của một ông cựu Thẩm Phán Việt Nam!
Cũng cần ghi nhận thêm rằng vấn đề thường xuyên chụp mũ, vu cáo tổ chức Giao Điểm là của cộng sản, đã bị tòa Superior Court of California, 415 West Ocean Blvd, Long Beach, Ca 90802, Case No. # 009482, phạt ông Nguyễn văn Thạch (Thomas Nguyen) số tiền $75,228 đô. Tiền lời mỗi năm theo luật định là 10%. Từ April 5, 1993 đến nay đã 20 năm. Công ty chuyên đòi tiền nợ đang tìm kiếm đương sự.
Đó là chưa kể về hình thức cái “giấy giới thiệu Giao Điểm của công an” trên. Xem một bản sao với nhiều sửa đổi như vậy, chẳng có tòa án nào có thể chấp nhận đó là một bằng chứng có giá trị để buộc tội. Ngay cái tên Bùi Hồng Quang cũng đã bị sửa đổi với tên họ “Bùi” bằng chữ viết tay, còn tên “Hồng Quang” lại bằng chữ đánh máy. Chữ “MẬT” để trong khung cũng là chữ viết tay thêm vào sau. Chỉ cần một cái máy copier thì ai ai cũng có thể tự do thêm bớt được.
Như vậy, câu hỏi được đặt ra là nhóm Giao Điểm chỉ lẻ tẻ có đôi ba tác giả già yếu bệnh tật gần chết thì tại sao người Ca-tô phải sợ hãi đến nỗi đặt thành một vấn đề lớn? Đó cũng là thái độ lo sợ chung của một số đông người Ca-tô mà chúng ta thường bắt gặp trong các diễn đàn, điển hình là lời hô hào thành lập Ủy Ban Khởi Kiện Giao Điểm của bà Bác sĩ Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh và Giáo sư Thiện Ý Nguyễn Văn Thắng từ nhiều năm qua.
Có lẽ câu trả lời thuyết phục nhất là tại vì nhóm Giao Điểm chỉ có mục đích phục vụ chân lý; trong khi các tác giả khác chỉ biết lo bảo vệ tôn giáo của họ, bất chấp cả sự thật. Nhưng khổ nỗi cho họ là không có tôn giáo nào có thể cao trọng hơn sự thật, kể cả Thiên Chúa giáo
Một trong những mánh mung của tác giả TY NVT là liên kết vô thần với cộng sản để dèm pha tất cả những ai không tin vào Thiên Chúa. Hể cứ ai phê phán tiêu cực về Thiên Chúa giáo thì được đội cho cái mũ là cộng sản vô thần. Tác giả không nhận ra vô thần và cộng sản là hai phạm trù khác biệt, cho dù không hẳn là đối nghịch nhau. Chủ nghĩa cộng sản chỉ mới xuất hiện chưa đầy 200 năm nay, nhưng chủ nghĩa vô thần đã có từ khi có con người, được bàn đến bởi nhiều tác giả cỗ Hy lạp.
Vô thần là không tin có thần thánh, và những chủ nghĩa không tin có thần thánh bao gồm rất nhiều chủ nghĩa khác chủ nghĩa cộng sản, chẳng hạn như các chủ nghĩa nhân bản, thế tục, duy vật, thực dụng, hiện sinh, duy lý, duy khoa học, duy nhiên… Như vậy, người cộng sản có thể là vô thần hoặc hữu thần, bởi vì còn có cộng sản Ki-tô (Christian communism) cùng chung lý tưởng phế bỏ quyền tư hữu như cộng sản vô thần thế tục (atheist and secular communism); và người vô thần cũng không nhất thiết phải là cộng sản, bởi hiện có 14% dân Mỹ tự coi là vô thần nhưng không phải cộng sản. Người viết biết chắc chắn những nhà vô thần nổi tiếng lừng danh như Richard Dawkins, Sam Harris, Christopher Hitchens, Stephen Hawking, Bertrand Russell, Robert Green Ingersoll… đều không phải là cộng sản.
Cái búa được thay thế bằng cây thập giá để biểu tượng cho cộng sản Ki-tô
Vô thần hay hữu thần không phải là bản chất của cộng sản, bởi lẽ đó, hai chủ nghĩa cộng sản tuy khác nhau về vấn đề niềm tin tôn giáo nhưng lại hoàn toàn giống nhau ở những điểm căn bản khác. Chủ nghĩa cộng sản vô thần thế tục là con đẻ của chủ nghĩa cộng sản Ki-tô. Nó đến sau nhưng lại đã có một thời lấn áp, làm lu mờ cái nguồn gốc mà nó xuất phát.
Chủ nghĩa cộng sản Ki-tô là một hình thức chủ nghĩa cộng sản có tôn giáo được dựa trên tư tưởng thần học của Thiên Chúa giáo. Không ai biết chính xác ngày giờ nó được thành lập, nhưng người ta tin rằng căn bản tư tưởng của nó đến từ quan điểm, lối nhìn của đức Giê-su Ki-tô về cách sống của con người và phương thức tổ chức xã hội để hỗ trợ cho lối sống đó. Những bằng chứng trong Thánh kinh cho thấy những người tín hữu Thiên Chúa giáo và các thánh Tông đồ đã sống và tổ chức một xã hội vô sản sau khi đức Giê-su chết.
Về tổ chức, cộng sản chỉ đáng học trò của Vatican vì cũng có những tổ chức bắt chước y chang như Giáo hội Công giáo La mã. Theo Võ Thiện Bằng (bangthien@gmail.com), một cựu chủng sinh, Victoria, Úc châu, thì sự giống nhau trong tổ chức được tóm gọn như sau:
“Tôi nói điều nầy, nếu không đúng, các Bạn bỏ qua cho tôi nhé: CSVN và Giáo Hội Công Giáo VN, tổ chức chặt chẻ giống nhau, "khôn lanh" như nhau, “ngang cơ" nhau, nên rất "kỵ djơ" nhau. Tôi xin được dẫn chứng:
1. CSVN có trường Đảng / Công Giáo có Chủng Viện.
2. CS có Đảng Viên / CG có Linh mục.
3. CS có Thiếu Nhi Bác Hồ / CG có Thiếu Nhi Thánh Thể.
4. CS có Đoàn Thanh Niên / CG cũng có Đoàn Thanh Niên (Và các đoàn thể khác, tuổi nào hội đó).
5. CS có khai trừ ra khỏi đảng, đồng nghĩa với đói / CG cũng treo chén LM (không cho làm lễ), không có tiền cũng đói.
6. Mỗi tháng CS bắt học chinh trị / CG bắt tĩnh tâm.
7. Nếu có tội CS bị quần chúng cô lập / CG có dứt phép thông công.
Và nhiều nhiều nữa..........
Khi không khai trừ được nhau, lại thoả hiêp với nhau: Về VN quý vị để ý: Không có bữa nhậu nào (ở nhà dân CG) mà không có Công An và Cha Xứ... Sự im lặng khó hiểu của Hội Đồng Giám Mục VN trước những tệ nạn như tham nhũng, xuất cảng cô dâu sang Đai Loan, vụ Cha Lý vv… là điều ta nên để ý: ĐÃ LÀ CON NGƯỜI THÌ AI CŨNG SỢ MẤT CHỨC, CÀNG GIÀ CÀNG SỢ, THƯA QUÝ VỊ.” (Hết trích)
Cũng nên ghi nhận thêm rằng vào năm 1949 Giáo hoàng Pius XII đã ra lệnh rút phép thông công cho tất cả những ai cộng tác với chủ nghĩa cộng sản. (Decree against Communinism, nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Decree_against_Communism ). Nhưng ngày nay, Vatican đang cộng tác với nhà nước cộng sản VN và mong muốn thiết lập bang giao với họ. Và đương kim Giáo hoàng Francis đã khẳng định người vô thần cũng lên thiên đàng qua một lời tuyên bố hoàn toàn đối nghịch với giáo lý căn bản của Thiên Chúa giáo từ hai ngàn năm nay, rằng:
“Thiên Chúa đã cứu chuộc tất cả chúng ta, tất cả mọi người trong chúng ta, bằng máu của Đức Ki-tô: tất cả mọi người trong chúng ta, không phải chỉ những người Ca-tô thôi đâu, nhưng tất cả mọi người! “Lạy Chúa, còn những người vô thần thì sao?” Kể cả những người vô thần. Hết tất cả mọi người! Và chính máu này đã làm chúng ta trở nên con cái hạng nhất của Thiên Chúa. Chúng ta đã được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và máu của Đức Ki-tô đã cứu chuộc tất cả chúng ta. Và tất cả chúng ta có bổn phận phải làm điều tốt. Và, tôi nghĩ, mệnh lệnh tất cả chúng ta phải làm điều tốt này thì là một con đường đẹp đẽ để dẫn tới bình an. Nếu mỗi người trong chúng ta, mỗi người làm phần vụ của mình, nếu chúng ta làm điều tốt lành cho những người khác, nếu chúng ta gặp nhau ở điểm đó, làm điều tốt lành, và chúng ta đi từ từ, chậm rãi, mỗi ngày một ít, tất cả chúng ta sẽ gặp nhau: Chúng ta rất cần phải như vậy. Chúng ta phải gặp nhau khi làm điều tốt. “Nhưng, tôi không tin, lạy Chúa, tôi là một người vô thần!” Nhưng hãy làm điều tốt: Chúng ta sẽ gặp nhau ở đó.”
Truyền thông trên khắp thế giới đã lập tức tuyên bố rằng, “Ngay cả những người vô thần cũng có thể lên thiên đàng.”
"The Lord has redeemed all of us, all of us, with the Blood of Christ: all of us, not just Catholics. Everyone! 'Father, the atheists?' Even the atheists. Everyone! And this Blood makes us children of God of the first class. We are created children in the likeness of God and the Blood of Christ has redeemed us all. And we all have a duty to do good. And this commandment for everyone to do good, I think, is a beautiful path towards peace. If we, each doing our own part, if we do good to others, if we meet there, doing good, and we go slowly, gently, little by little, we will make that culture of encounter: We need that so much. We must meet one another doing good. 'But I don't believe, Father, I am an atheist!' But do good: We will meet one another there."
Headlines across the world immediately proclaimed, "Even Atheists Can Go To Heaven."
Cái mánh mung liên kết vô thần với cộng sản này, cũng thường bắt gặp ở những con chiên cuồng tín khác, chỉ có giá trị khích động lòng hận thù đối với các tác giả mà họ muốn dèm pha, tấn công. Họ không biết rằng cộng sản vô thần thế tục và cộng sản Ki-tô có chung một lý tưởng về các giải pháp kinh tế và xã hội.
Người viết thực sự ngạc nhiên vì nhận thấy tác giả đang cư trú tại thành phố Houston, Hoa Kỳ, một nước có tự do truyền thông gương mẫu, nhưng lại phàn nàn quốc gia này không có tự do tôn giáo. Không biết lời hô hào của tác giả đòi kiện Giao Điểm đã đi tới đâu rồi, nhưng cho đến giờ phút này, chúng ta vẫn thấy tác giả cứ phải kêu gọi lại. Tác giả muốn biến một chế độ tự do dân chủ thành một chế độ thần quyền độc tôn Thiên Chúa giáo theo kiểu những quốc gia Hồi giáo, ở đó tất cả mọi phỉ báng niềm tin Hồi giáo đều có thể bị tội tử hình.
Phê phán tôn giáo là một trong nhiều lĩnh vực sinh hoạt văn hóa trí thức, một công việc học thuật, rất phổ biến ở các quốc gia có tự do dân chủ. Tuy nhiên, tác giả lại chống đối việc này dựa trên những quan điểm của một con chiên sống ở thời Trung cổ khi còn có các tòa án xử dị giáo, thời mà những quan điểm đối nghịch với Thiên Chúa giáo đều bị tuyệt đối ngăn cấm và bị kết tội là phù thủy hoặc dị giáo để có thể bị thiêu sống trên dàn hỏa.
Lập luận của tác giả TY NVT dựa trên tính cách cá nhân của đức tin, đại khái rằng bởi vì đức tin là vấn đề của cá nhân nên mọi người đều phải tôn trọng, không được bàn ra tán vào. Nếu đức tin tôn giáo chỉ đơn giản như các niềm tin mê tín dị đoan khác trong dân gian, ai tin cũng vậy, không tin cũng chẳng sao, thì đó lại là một vấn đề khác, chẳng ai mất thì giờ để phê phán. Nhưng tôn giáo không chỉ đơn giản là luân lý và đạo đức mà còn là phương tiện để khống chế mọi sinh hoạt của xã hội. Lịch sử đã chứng minh Thiên Chúa giáo có một thời áp đặt niềm tin của họ để có thể là một quốc giáo ở toàn cõi Âu Châu. Bởi vì tư tưởng của con người cứ tiến hóa mãi nên đã có các phong trào Khai Sáng, Phục Hưng, Cách Mạng Pháp 1789… để hủy bỏ hệ tư tưởng thần quyền lỗi thời của Thiên Chúa giáo. Khi một niềm tin tôn giáo có ảnh hưởng rộng lớn đến mọi sinh hoạt trong xã hội và được hỗ trợ, cổ vũ, và rao bán bởi một thế lực quốc tế thì đó không còn là vấn đề cá nhân nữa. Những kẻ lợi dụng tôn giáo để buôn thần bán thánh thì ở đâu và ở thời đại nào cũng có. Nếu không có những tác giả làm công việc phê phán thì làm sao thiên hạ có thể phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả?
Hơn nữa, chúng ta cũng biết có nhiều niềm tin tôn giáo rất nguy hại cho sự an sinh xã hội. Chẳng hạn người khủng bố ôm bom nổ Hồi giáo tin rằng đó là con đường ngắn nhất đưa họ tới thiên đàng, nơi có nhiều cô trinh nữ đang chờ đón họ. Đối với một niềm tin nguy hiểm như vậy, chúng ta có nên tiếp tục im lặng và kính trọng? Hoặc luật của giáo phái Tin Lành Mormonism cho phép người tín hữu được đa thê, hoặc không được truyền máu trong khi cần cấp cứu, có đáng được mọi người kính trọng chỉ vì đơn giản lý do tôn giáo? Hoặc luật của Ca-tô Rô-ma ngăn cấm các tín đồ không được dùng thuốc ngừa thai, kể cả một phương tiện tự nhiên như dùng bao cao su, cho dù có đến 95% những người đàn bà Công giáo ở thời có hoạt động tích cực tình dục đang dùng và sử dụng, có đáng để mọi người phải im lặng và kính trọng? Chẳng lẽ chỉ có luật sharia xử tử những kẻ dám có lời phỉ báng tiên tri Mohammed của Hồi giáo mới đáng để chúng ta bắt chước sao?
Mỗi tôn giáo có những quan điểm thần học khác nhau, đưa đến những niềm tin khác nhau, có khi còn mâu thuẫn lẫn nhau, không thể tất cả cùng đúng. Từ niềm tin khác nhau dẫn tới những cách hành xử hay luật lệ tôn giáo khác nhau. Vậy có nên đặt luật lệ của tôn giáo lên trên luật lệ của quốc gia? Nhưng nếu có sự mâu thuẫn thì tôn giáo nào phải đáng được tôn trọng hơn tất cả?
Tác giả TY NVT còn trưng ra lý do phạm trù khác nhau giữa đức tin và khoa học càng chứng tỏ cái não trạng muốn độc quyền buôn thần bán thánh, phục vụ cho quyền lợi của một thế lực quốc tế. Tác giả viết:
“Những gì mà ánh sáng khoa học (phạm trù tri thức) chưa soi rọi tới, thì ánh sáng tôn giáo (phạm trù Đức tin) sẽ soi rọi.”(Hết trích)
Tác giả không cho biết lý do nào mà ánh sáng tôn giáo sẽ soi rọi được những gì mà ánh sáng khoa học (phạm trù tri thức) chưa soi rọi tới. Các nhà khoa học hay tôn giáo cũng chỉ là những con người có xác phàm và có giới hạn như nhau. Trong học thuật, nếu một nhà tôn giáo có những tuyên bố về khoa học với những bằng chứng thuyết phục thì họ cũng được vinh danh như mọi nhà khoa học;nhưng ngược lại, tại sao chúng ta không thể chấp nhận những tuyên bố của các nhà khoa học về những vấn đề tôn giáo?
Phạm trù khác nhau giữa hai bộ môn khoa học và tôn giáo chỉ để dễ dàng phân loại, không phải để kỳ thị. Ranh giới giữa hai phạm trù là do con người đặt ra, không có giá trị phân chia thẩm quyền. Bằng chứng là đã có nhiều nhà khoa học hiện đại đang được quần chúng hâm mộ nồng nhiệt. Sách của họ được liệt vào loại bán chạy nhất (best seller) vì những quan điểm của họ về tôn giáo, thượng đế. Một Richard Dawkins, giáo sư Sinh vật học thắng giải Nobel, nổi tiếng với cuốn Thượng Đế Hoang Tưởng (The God delusion). Hoặc một Stephen Hawking, giáo sư Vật lý học cũng thắng giải Nobel, cũng được nồng nhiệt hoan nghênh với cuốn Thiết Kế Lớn (The Grand Design). Họ đều là các nhà khoa học được người đời hâm mộ nhờ những bài tham luận và nói chuyện về những vấn đề thuộc tôn giáo, tâm linh.
Còn các ông thần học thì sao? Những gì mà họ đã khẳng định có thể gọi được là chân lý, ngoài những cãi vả ồn ào, chí chóe, vô bổ, và nhiều khi còn mâu thuẫn lẫn nhau? Hãy thử xét một quan điểm căn bản về đức tin mà Ca-tô Rô-ma giáo luôn luôn bảo vệ bằng bất cứ giá nào từ mấy ngàn năm nay.
Họ dạy rằng đức tin là một tặng phẩm, một hồng ân, hay một ân sủng của Thiên Chúa. Ngài chỉ tùy tiện ban cho những ai mà Ngài muốn. Lối giải thích này như một lá bùa hộ mệnh để gỡ thế bí cho những vấn đề đối nghịch với lý trí mà họ gọi một cách văn hoa là mầu nhiệm. Đó cũng là lý do tại sao họ muốn các tín đồ cứ việc nhắm mắt mà tin. Tin rồi thì bị mắc vào tròng mà không thể nhận ra chỉ vì lòng ham muốn cái bánh vẽ ảo tưởng thiên đàng và nỗi khiếp sợ hình phạt đời đời kiếp kiếp trong địa ngục.
Họ đâu có biết rằng nếu chấp nhận như vậy thì phần thưởng thiên đàng hay hình phạt địa ngục sẽ trở thành vô nghĩa, bởi vì chẳng có lý do gì nếu Chúa không ban cho tôi đức tin thì tại sao lại phạt tôi vào địa ngục vì không có đức tin. Chính Chúa của họ đã từng dạy họ rằng "Hãy mang những kẻ thù của Ta ra đây, những người không muốn Ta ngự trị trên họ, và giết chúng ngay trước mặt ta" (Bring here those enemies of mine, who did not want me to reign over them, and slay them before me - Luke, 19:27)
Có người còn lý luận chống chế rằng Chúa ban cho hết mọi người, nhưng vấn đề là bạn không chịu nhận. Ô hay! Có cha mẹ nào tặng con một vật gì mà lấy súng dí vào đầu nó rồi bảo nếu con không nhận thì ba mẹ sẽ bắn nát óc con? Hình phạt bị bắn chưa thấm thía gì nếu so với hình phạt đời đời kiếp kiếp trong lửa địa ngục.
Ân sủng, hồng ân hay tặng phẩm chỉ là những quyền lợi, chứ chẳng phải là bổn phận nên con người có toàn quyền từ chối nhận. Người ban tặng không có lý do gì để phạt người không nhận bằng cách quăng họ vào lửa đời đời. Ở điểm này, lòng bao dung và nhân từ của Thiên Chúa kém xa lòng bao dung và nhân từ của con người. Chuyện đó rõ như ban ngày, nhưng nếu ai đã tự nguyện nhắm mắt rồi thì ban ngày cũng như ban đêm.
Con người chúng ta đích thực là những con ếch ngồi dưới đáy giếng hoặc những thằng mù sờ chân voi nhưng lại thích bàn những chuyện trên trời. Có một điều lạ lùng và rất khôi hài là khi các nhà khoa học bàn chuyện trên trời thì người Ca-tô Rô-ma giáo gọi họ là những con ếch hay thằng mù; nhưng khi những con ếch hay thằng mù ngồi ở đáy giếng tận Vatican bàn chuyện trên trời thì họ lại gọi đó là lời Chúa. Rồi họ còn được dạy “phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người thế gian” (Cv 5, 29) cho dù cả cuộc đời họ chưa bao giờ nghe Thiên Chúa nói. Điều đó khôi hài đến nỗi Gs. Nguyễn Văn Trung đã nhận định rằng Tòa Thánh Vatican có đánh rắm thì các tín hữu vẫn cứ khen thơm.
Tôn giáo là một trong nhiều lĩnh vực mà ai ai cũng có quyền phê phán trong tinh thần học thuật trí thức. Trong bất cứ lĩnh vực nào, chúng ta cũng đều bắt gặp những kẻ cuồng tín giáo điều, chỉ biết mạt sát và chửi bới bằng những ngôn từ hạ tiện, nhưng không thể vì thế mà chúng ta vơ đũa cả nắm để lên án cho cả một tổ chức. Nhưng người viết chưa thấy một tác giả Giao Điểm nào có những lời lẽ nặng nề, kết án vu vơ mà không đưa ra một bằng chứng rõ ràng. Họ luôn luôn tuyên bố rằng ai không đồng ý thì lên tiếng sau khi trình bày một vấn đề gì. Những nicks ma hay nicks quỷ thì ở đâu cũng có, chẳng liên hệ gì tới Giao Điểm.
Nếu quí vị Ca-tô cứ cho rằng đức tin có tính cách cá nhân thì hãy để nó ở nhà hoặc trong nhà thờ, đừng đem chuyện tôn giáo ra rao bán ở nơi chốn công cộng, kể cả các diễn đàn, đài phát thanh hay tivi, bởi vì các khán thính giả và đọc giả thì bao gồm đủ mọi thành phần, tin Chúa cũng như không tin Chúa. Họ có toàn quyền bàn ra, tán vào, phân bua, chê bai, phê phán, thử hàng trước khi quyết định mua bán.
Nhưng người viết dư biết lời đề nghị trên sẽ không thể thực hiện vì đó là quyền tự do tôn giáo, tự do truyền đạo. Quí vị đi cải đạo thiên hạ bằng những mỹ từ như truyền giáo, đem tin mừng cứu rỗi… là quí vị đang làm việc phê phán, chê bai đạo thiên hạ cho họ phải bỏ đạo. Những dèm pha của quí vị về đạo của thiên hạ đều có thể tìm thấy đầy dẫy trong kinh sách mà tác giả Charlie Nguyễn đã ghi lại trong bài Sách Kinh Công Giáo và Tác Hại của Nó. (có đăng ở http://sachhiem.net/CHARLIE/CN_CGTBVT/CN_CGTBVT_9.php)
Vậy nếu quí vị không muốn im lặng thì quí vị cũng nên tôn trọng quyền ăn nói của mọi người không có cùng tín ngưỡng như quí vị. Những thủ đoạn mánh mung, đánh phá tư cách cá nhân của các tác giả quí vị mang ra sử dụng hằng ngày trong các diễn đàn càng chỉ chứng tỏ chân lý quí vị đang rao bán là món hàng giả. Chính quí vị đã biết là hàng giả mà vẫn còn cố tình lừa thiên hạ. Nếu là hàng thật thì tại sao quí vị cứ phải sợ sự thật khi bị công luận trưng ra trước ánh sáng? Tại sao vàng thật mà lại sợ lửa? Quí vị đang có Chúa toàn năng bên cạnh mà sao cứ phải lo sợ một vài ông già bệnh hoạn gần đất xa trời?
Tôn giáo cũng chỉ là một trong nhiều định chế xã hội như bao định chế khác. Bên cạnh những điều tốt lành thì cũng có thể có những điều ác hại. Người làm công việc phê phán là những học giả có khả năng chuyên môn, bằng những phương pháp điều tra và nghiên cứu khoa học, có thể trưng ra cho chúng ta nhìn thấy được những mặt trái của một tổ chức. Như vậy, đả phá những sai lầm của một tổ chức không còn là đả phá nữa. Đó chính là xây dựng với ý muốn làm con người và xã hội tốt đẹp hơn. Bởi vì “không phải điều chúng ta không biết sẽ tác hại, mà tác hại chính là điều chúng ta tưởng đã biết nhưng thực ra chúng ta không biết.” — Will Rogers.
Người viết bài này vì lòng yêu mến chân lý nên đang làm công việc bảo vệ chân lý, chứ không phải lo việc bảo vệ tôn giáo mà chủ nhân ông là một quốc gia ngoại tộc Vatican đã có nhiều tội ác đối với quốc gia và dân tộc VN nói riêng, và toàn thể nhân loại nói chung. Quí vị gán cho người viết cái tội “đánh phá tôn giáo”; thế nhưng chẳng có tôn giáo nào cao trọng hơn sự thật, kể cả Thiên Chúa giáo.
Vậy cái tội đánh phá chân lý của quí vị hay cái tội đánh phá tôn giáo của người viết, nếu phải là tội, tội của ai là tội nặng hơn cả?