●   Bản rời    

Vấn Đề Phê Phán Tôn Giáo - Đáp Lời Ông Thinh Nguyễn

Vấn Đề Phê Phán Tôn Giáo -

Đáp Lời Ông Thinh Nguyễn

Trần Tiên Long

http://sachhiem.net/TTL/TranTL44.php

27-July-2013

Subject: Vấn đề phê phán tôn giáo / Có Cần Phải Xấu Che, Tốt Khoe?
From: "qtran" <qtran@ec.rr.com>
Date: Fri, July 26, 2013 8:51 pm

Kính ông Thinh Nguyen,

Xin cám ơn ông đã có những ý kiến trao đổi. Tôi nhận thấy quanh đi quẩn lại ý kiến của ông cũng vẫn là không muốn thiên hạ bàn đến tôn giáo vì đó là chuyện cá nhân, vấn đề của đức tin. Ông viết:

“Với khoa học, chúng ta có thể chứng minh, trình giải, có thể "quy nạp", nhưng với tâm linh, tôn giáo, chỉ có một đường độc đạo, tin hoặc không tin, chấm hết. Tin đạo nào thì cứ tuân thủ, hành xử giáo lý, kinh sách đạo nấy, tại sao phải đem kinh sách, giáo lý, tín lý của tôn giáo bạn ra để luận bàn ? Người đời thường nói, đạo mình lo chưa xong lại lo cho đạo khác. Thật là trái khoáy khi chuyện dưới đất chưa hiểu hết  lại đòi "thấu" chuyện trên Trời, không phải Trời của mình mà lại Trời của..........ai đó.” (Hết trích)

Đòi hỏi trên đây của ông cũng là đòi hỏi của những kẻ muốn dành độc quyền buôn thần bán thánh mỗi khi có ai chê bai món hàng họ đang rao bán. Dù muốn hay không, việc phê phán tôn giáo thì cũng đã và đang rất phổ biến ở các quốc gia văn minh có nền tự do, dân chủ. Tự do tín ngưỡng bao gồm cả tự do tin và tự do không tin. Nếu người tin có quyền rao giảng điều họ tin nơi công cộng thì tại sao người không tin lại không có cái quyền giải thích lý do họ không tin?

Tôi đã viết nhiều về chủ đề này, vậy nay xin trích lại một đoạn ngắn liên quan đến vấn đề phê phán tôn giáo trong bài Tôi Đọc Thiện Ý Nguyễn Văn Thắng (Tôn Giáo Là Một Phạm Trù Đức Tin và Là Một Dân Quyền Hiến Định Cần Được Pháp Luật Bảo Vệ) để phản biện lại quan điểm của ông.

Trân trọng,

Trần Tiên Long

Vấn đề phê phán tôn giáo

Người viết thực sự ngạc nhiên vì thấy tác giả đang cư trú tại thành phố Houston, Hoa Kỳ, một nước có tự do truyền thông gương mẫu, nhưng lại phàn nàn quốc gia này không có tự do tôn giáo. Không biết lời hô hào của tác giả đòi kiện Giao Điểm đã có kết quả tới đâu rồi, nhưng cho đến giờ phút này, chúng ta vẫn thấy tác giả cứ phải kêu gọi lại. Tác giả muốn biến một chế độ tự do dân chủ thành một chế độ thần quyền độc tôn Thiên Chúa giáo theo kiểu những quốc gia Hồi giáo, ở đó tất cả mọi phỉ báng niềm tin Hồi giáo đều có thể bị xử tội tử hình.

Phê phán tôn giáo là một trong nhiều lĩnh vực sinh hoạt văn hóa trí thức, một công việc học thuật, rất phổ biến ở các quốc gia có tự do dân chủ. Tuy nhiên, tác giả lại chống đối việc này dựa trên những quan điểm của một con chiên sống ở thời Trung cổ khi còn có các tòa án xử dị giáo, thời mà những quan điểm đối nghịch với Thiên Chúa giáo đều bị tuyệt đối ngăn cấm và bị kết tội là phù thủy hoặc dị giáo để có thể bị thiêu sống trên dàn hỏa.

Lập luận của tác giả TY NVT dựa trên tính cách cá nhân của đức tin, đại khái rằng bởi vì đức tin là vấn đề của cá nhân nên mọi người đều phải tôn trọng, không được bàn ra tán vào. Nếu đức tin tôn giáo chỉ đơn giản như các niềm tin mê tín dị đoan khác trong dân gian, ai tin cũng vậy, không tin cũng chẳng sao, thì đó lại là một vấn đề khác, chẳng ai mất thì giờ để phê phán. Nhưng tôn giáo không chỉ đơn giản là luân lý và đạo đức mà còn là phương tiện để khống chế mọi sinh hoạt của xã hội.

Lịch sử đã chứng minh Thiên Chúa giáo có một thời áp đặt niềm tin của họ để có thể là một quốc giáo ở toàn cõi Âu Châu. Bởi vì tư tưởng của con người cứ tiến hóa mãi nên đã có các phong trào Khai Sáng, Phục Hưng, Cách Mạng Pháp 1789… để hủy bỏ hệ tư tưởng thần quyền lỗi thời của Thiên Chúa giáo. Khi một niềm tin tôn giáo có ảnh hưởng rộng lớn đến mọi sinh hoạt trong xã hội và được hỗ trợ, cổ vũ, và rao bán bởi một thế lực quốc tế thì đó không còn là vấn đề cá nhân nữa. Những kẻ lợi dụng tôn giáo để buôn thần bán thánh thì ở đâu và ở thời đại nào cũng có. Nếu không có những tác giả làm công việc phê phán thì làm sao thiên hạ có thể phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả?

Hơn nữa, chúng ta cũng biết có nhiều niềm tin tôn giáo rất nguy hại cho sự an sinh xã hội. Chẳng hạn người khủng bố ôm bom nổ Hồi giáo tin rằng đó là con đường ngắn nhất đưa họ tới thiên đàng, nơi có nhiều cô trinh nữ đang chờ đón họ.

Đối với một niềm tin nguy hiểm như vậy, chúng ta có nên tiếp tục im lặng và kính trọng? Hoặc luật của giáo phái Tin Lành Mormonism cho phép người tín hữu được đa thê, hoặc không được truyền máu trong khi cần cấp cứu, có đáng được mọi người kính trọng chỉ vì đơn giản lý do tôn giáo? Hoặc luật của Ca-tô Rô-ma ngăn cấm các tín đồ không được dùng thuốc ngừa thai, kể cả một phương tiện tự nhiên như dùng bao cao su, cho dù có đến 95% những người đàn bà Công giáo ở thời có hoạt động tích cực tình dục đang dùng và sử dụng, có đáng để mọi người phải im lặng và kính trọng? Chẳng lẽ chỉ có luật sharia xử tử những kẻ dám có lời phỉ báng tiên tri Mohammed của Hồi giáo mới đáng để chúng ta bắt chước sao?

Mỗi tôn giáo có những quan điểm thần học khác nhau, đưa đến những niềm tin khác nhau, có khi còn mâu thuẫn lẫn nhau, không thể tất cả cùng đúng. Từ niềm tin khác nhau dẫn tới những cách hành xử hay luật lệ tôn giáo khác nhau. Vậy có nên đặt luật lệ của tôn giáo lên trên luật lệ của quốc gia? Nhưng nếu có sự mâu thuẫn thì tôn giáo nào phải đáng được tôn trọng hơn tất cả?

Tác giả TY NVT còn trưng ra lý do phạm trù khác nhau giữa đức tin và khoa học càng chứng tỏ cái não trạng muốn độc quyền buôn thần bán thánh, phục vụ cho quyền lợi của một thế lực quốc tế. Tác giả viết:

“Những gì mà ánh sáng khoa học (phạm trù tri thức) chưa soi rọi tới, thì ánh sáng tôn giáo (phạm trù Đức tin) sẽ soi rọi.” (Hết trích)

Tác giả không cho biết lý do nào mà ánh sáng tôn giáo sẽ soi rọi được những gì mà ánh sáng khoa học (phạm trù tri thức) chưa soi rọi tới. Các nhà khoa học hay tôn giáo cũng chỉ là những con người có xác phàm và có giới hạn như nhau. Trong học thuật, nếu một nhà tôn giáo có những tuyên bố về khoa học với những bằng chứng thuyết phục thì họ cũng được vinh danh như mọi nhà khoa học; nhưng ngược lại, tại sao chúng ta không thể chấp nhận những tuyên bố của các nhà khoa học về những vấn đề tôn giáo? Phạm trù khác nhau giữa hai bộ môn khoa học và tôn giáo chỉ để dễ dàng phân loại, không phải để kỳ thị. Ranh giới giữa hai phạm trù là do con người đặt ra, không có giá trị phân chia thẩm quyền. Bằng chứng là đã có nhiều nhà khoa học hiện đại đang được quần chúng hâm mộ nồng nhiệt. Sách của họ được liệt vào loại bán chạy nhất (best seller) vì những quan điểm của họ về tôn giáo, thượng đế. Một Richard Dawkins, giáo sư Sinh vật học thắng giải Nobel, nổi tiếng với cuốn Thượng Đế Hoang Tưởng (The God delusion). Hoặc một Stephen Hawking, giáo sư Vật lý học cũng thắng giải Nobel, cũng được nồng nhiệt hoan nghênh với cuốn Thiết Kế Lớn (The Grand Design). Họ đều là các nhà khoa học được người đời hâm mộ nhờ những bài tham luận và nói chuyện về những vấn đề thuộc tôn giáo, tâm linh.

Còn các ông thần học thì sao? Những gì mà họ đã khẳng định có thể gọi được là chân lý, ngoài những cãi vả ồn ào, chí chóe, vô bổ, và nhiều khi còn mâu thuẫn lẫn nhau? Hãy thử xét một quan điểm căn bản về đức tin mà Ca-tô Rô-ma giáo luôn luôn bảo vệ bằng bất cứ giá nào từ mấy ngàn năm nay.

Họ dạy rằng đức tin là một tặng phẩm, một hồng ân, hay một ân sủng của Thiên Chúa. Ngài chỉ tùy tiện ban cho những ai mà Ngài muốn. Lối giải thích này như một lá bùa hộ mệnh để gỡ thế bí cho những vấn đề đối nghịch với lý trí mà họ gọi một cách văn hoa là mầu nhiệm. Đó cũng là lý do tại sao họ muốn các tín đồ cứ việc nhắm mắt mà tin. Tin rồi thì bị mắc vào tròng mà không thể nhận ra chỉ vì lòng ham muốn cái bánh vẽ ảo tưởng thiên đàng và nỗi khiếp sợ hình phạt đời đời kiếp kiếp trong địa ngục.

Họ đâu có biết rằng nếu chấp nhận như vậy thì phần thưởng thiên đàng hay hình phạt địa ngục sẽ trở thành vô nghĩa, bởi vì chẳng có lý do gì nếu Chúa không ban cho tôi đức tin thì tại sao lại phạt tôi vào địa ngục vì không có đức tin. Chính Chúa của họ đã từng dạy họ rằng "Hãy mang những kẻ thù của Ta ra đây, những người không muốn Ta ngự trị trên họ, và giết chúng ngay trước mặt ta" (Bring here those enemies of mine, who did not want me to reign over them, and slay them before me - Luke, 19:27)

Có người còn lý luận chống chế rằng Chúa ban cho hết mọi người, nhưng vấn đề là bạn không chịu nhận. Ô hay! Có cha mẹ nào tặng con một vật gì mà lấy súng dí vào đầu nó rồi bảo nếu con không nhận thì ba mẹ sẽ bắn nát óc con? Hình phạt bị bắn chưa thấm thía gì nếu so với hình phạt đời đời kiếp kiếp trong lửa địa ngục.

Ân sủng, hồng ân hay tặng phẩm chỉ là những quyền lợi, chứ chẳng phải là bổn phận nên con người có toàn quyền từ chối nhận. Người ban tặng không có lý do gì để phạt người không nhận bằng cách quăng họ vào lửa đời đời. Ở điểm này, lòng bao dung và nhân từ của Thiên Chúa kém xa lòng bao dung và nhân từ của con người. Chuyện đó rõ như ban ngày, nhưng nếu ai đã tự nguyện nhắm mắt rồi thì ban ngày cũng như ban đêm.

Con người chúng ta đích thực là những con ếch ngồi dưới đáy giếng hoặc những thằng mù sờ chân voi nhưng lại thích bàn những chuyện trên trời. Có một điều lạ lùng và rất khôi hài là khi các nhà khoa học bàn chuyện trên trời thì người Ca-tô Rô-ma giáo gọi họ là những con ếch hay thằng mù; nhưng khi những con ếch hay thằng mù ngồi ở đáy giếng tận Vatican bàn chuyện trên trời thì họ lại gọi đó là lời Chúa. Rồi họ còn được dạy “phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người thế gian” (Cv 5, 29) cho dù cả cuộc đời họ chưa bao giờ nghe Thiên Chúa nói. Điều đó khôi hài đến nỗi Gs. Nguyễn Văn Trung đã nhận định rằng Tòa Thánh Vatican có đánh rắm thì các tín hữu vẫn cứ khen thơm.

Một đề nghị thẳng thắn

Tôn giáo là một trong nhiều lĩnh vực mà ai ai cũng có quyền phê phán trong tinh thần học thuật trí thức. Trong bất cứ lĩnh vực nào, chúng ta cũng đều bắt gặp những kẻ cuồng tín giáo điều, chỉ biết mạt sát và chửi bới bằng những ngôn từ hạ tiện, nhưng không thể vì thế mà chúng ta vơ đũa cả nắm để lên án cho cả một tổ chức. Nhưng người viết chưa thấy một tác giả Giao Điểm nào có những lời lẽ nặng nề, kết án vu vơ mà không đưa ra một bằng chứng rõ ràng. Họ luôn luôn tuyên bố rằng ai không đồng ý thì lên tiếng sau khi trình bày một vấn đề gì. Những nicks ma hay nicks quỷ thì ở đâu cũng có, chẳng liên hệ gì tới Giao Điểm.

Nếu quí vị Ca-tô cứ cho rằng đức tin có tính cách cá nhân thì hãy để nó ở nhà hoặc trong nhà thờ, đừng đem chuyện tôn giáo ra rao bán ở nơi chốn công cộng, kể cả các diễn đàn, đài phát thanh hay tivi, bởi vì các khán thính giả và đọc giả thì bao gồm đủ mọi thành phần, tin Chúa cũng như không tin Chúa. Họ có toàn quyền bàn ra, tán vào, phân bua, chê bai, phê phán, thử hàng trước khi quyết định mua bán.

Nhưng người viết dư biết lời đề nghị trên sẽ không thể thực hiện vì đó là quyền tự do tôn giáo, tự do truyền đạo. Quí vị đi cải đạo thiên hạ bằng những mỹ từ như truyền giáo, đem tin mừng cứu rỗi… là quí vị đang làm việc phê phán, chê bai đạo thiên hạ cho họ phải bỏ đạo. Những dèm pha của quí vị về đạo của thiên hạ đều có thể tìm thấy đầy dẫy trong kinh sách mà tác giả Charlie Nguyễn đã ghi lại trong bài Sách Kinh Công Giáo và Tác Hại của Nó.

Vậy nếu quí vị không muốn im lặng thì quí vị cũng nên tôn trọng quyền ăn nói của mọi người không có cùng tín ngưỡng như quí vị. Những thủ đoạn mánh mung, đánh phá tư cách cá nhân của các tác giả quí vị mang ra sử dụng hằng ngày trong các diễn đàn càng chỉ chứng tỏ chân lý quí vị đang rao bán là món hàng giả. Chính quí vị đã biết là hàng giả mà vẫn còn cố tình lừa thiên hạ. Nếu là hàng thật thì tại sao quí vị cứ phải sợ sự thật khi bị công luận trưng ra trước ánh sáng? Tại sao vàng thật mà lại sợ lửa? Quí vị đang có Chúa toàn năng bên cạnh mà sao cứ phải lo sợ một vài ông già bệnh hoạn gần đất xa trời?

Tôn giáo cũng chỉ là một trong nhiều định chế xã hội như bao định chế khác. Bên cạnh những điều tốt lành thì cũng có thể có những điều ác hại. Người làm công việc phê phán là những học giả có khả năng chuyên môn, bằng những phương pháp điều tra và nghiên cứu khoa học, có thể trưng ra cho chúng ta nhìn thấy được những mặt trái của một tổ chức. Như vậy, đả phá những sai lầm của một tổ chức không còn là đả phá nữa. Đó chính là xây dựng với ý muốn làm con người và xã hội tốt đẹp hơn. Bởi vì “không phải điều chúng ta không biết sẽ tác hại, mà tác hại chính là điều chúng ta tưởng đã biết nhưng thực ra chúng ta không biết.” — Will Rogers.

Người viết bài này vì lòng yêu mến chân lý nên đang làm công việc bảo vệ chân lý, chứ không phải lo việc bảo vệ tôn giáo mà chủ nhân ông là quốc gia ngoại tộc Vatican đã có nhiều tội ác đối với quốc gia và dân tộc VN nói riêng, và toàn thể nhân loại nói chung. Quí vị gán cho người viết cái tội “đánh phá tôn giáo”. Nhưng chẳng có tôn giáo nào cao trọng hơn sự thật, kể cả Thiên Chúa giáo.

Vậy cái tội đánh phá chân lý của quí vị hay cái tội đánh phá tôn giáo của người viết, nếu phải là tội, tội của ai là tội nặng hơn hết?

Trần Tiên Long   

_____________________________________

From: THINH NGUYEN
Sent: Friday, July 26, 2013 10:47 PM
Subject: [ChinhNghiaViet] Re: [GoiDan] Có Cần Phải Xấu Che, Tốt Khoe? / Gởi bác qtran / Vấn Đề Kính Trọng Một Niềm Tin / Tôn và Giáo
.

 

Thưa bác qtran,

Trước hết, em xin thưa với bác, em không phải là tín đồ Công giáo; do đó, việc có cần phải xấu che, tốt khoe như bác nêu ra, không ứng dụng. Thứ đến, bác cho là em đội mũ chống đối, đả phá lên tha nhân mỗi khi họ bàn về những điều tiêu cực liên quan đến Công giáo, điều nầy rất là "oan ơi ông địa".  Bác qtran cứ bình tâm, đọc kỷ lại những gì mà em đã viết để thấy là quan điểm, lập luận của em chỉ căn cứ vào "đức tin" của mọi tôn giáo, khách quan, không riêng cho tôn giáo nào cả. Đó cũng là "chung chung" mà bác từng nói và em cũng từng giải thích tại sao phải "chung chung", "lung khởi", khi đề cập tới vấn đề tôn giáo. Với khoa học, chúng ta có thể chứng minh, trình giải, có thể "quy nạp", nhưng với tâm linh, tôn giáo, chỉ có một đường độc đạo, tin hoặc không tin, chấm hết. Tin đạo nào thì cứ tuân thủ, hành xử giáo lý, kinh sách đạo nấy, tại sao phải đem kinh sách, giáo lý, tín lý của tôn giáo bạn ra để luận bàn ? Người đời thường nói, đạo mình lo chưa xong lại lo cho đạo khác. Thật là trái khoáy khi chuyện dưới đất chưa hiểu hết  lại đòi "thấu" chuyện trên Trời, không phải Trời của mình mà lại Trời của..........ai đó.

Hình như, qua bài viết dưới đây, bác qtran không còn tinh anh, sắc sảo như dạo trước. Bác không tìm được luận cứ để giải thích chính xác, trung thật vào những chi tiết mà em đã nêu ra. Căn cứ vào"chất" văn, em đoán là bác đang ở trong trạng thái phân tâm hoặc đang lo lắng, ưu tư điều gì.Từ xây dựng xã hội, con người tốt đẹp hơn  chuyển qua có cần phải xấu khoe, tốt che, bác bắt đầu dụng "mê ngữ" để đưa .......em vào hạ với giấc mộng.........hoang đường, huyễn hoặc. Bác còn viết: " Đối với tôi, tôn giáo cũng chỉ là một trong nhiều định chế xã hội do con người thiết lập và điều hành ....."

Chao ôi! Thoạt đầu, bác cứ "xoáy" vào Kinh Thánh Công giáo, cho là hoang đường, tàn ác, mê hoặc tín đồ, đó là bác đang nói chuyện trên Trời với tri thức hạn hữu của con người. Nay bác lại nói, với bác, tôn giáo được xem như là định chế do con người thiết lập và điều hành, thế thì còn gì là tâm linh, thiêng liêng, cứu rỗi. Trên phương diện thuộc thể, con người đặt ra định chế để giữ gìn an ninh, kỷ cương xã hội. Với thuộc linh, con người hoàn toàn tự do. Kinh thánh, sách vở, giáo điều, tín lý của tất cả các tôn giáo chỉ là " kim chỉ Nam" để định hướng trên hành trình  về miền Cực lạc, hoàn toàn không có định chế, không có tính cách cưởng bách, ép buộc.

Mọi người đều rõ, Phật dạy chớ sát sanh, Phật tử cứ ngã mặn, cứ thoải mái ăn thịt bò, heo, gà, dê.......vỉ ai đó sát sanh, hạ thịt, cắt tiết, riêng Phật tử không nhúng tay vào việc.....sát sanh. Phần Công giáo, Chúa phán là không được tà dâm, tửu sắc thì tín đồ, người chăn chiên vẫn hồn nhiên......phạm giới, không màng những..........định chế do bác qtran "dàn dựng".

Viết cho vui vậy thôi, bác qtran. Cuộc đời muôn hướng, muôn mầu, muôn vẽ, cái thân "nhục thể" biết "đọa" về đâu. Viết nhiều, nói nhiều cũng không "mở mắt" tha nhân được, không khéo lại đưa đến cuồng ngôn, vọng ngữ. Xin được chia tay bác bằng lời "phán" bất hủ của nhà đại triết gia Càn khôn vũ trụ Phạm công Thiện: " Mặt Trời "thủ dâm" sinh ra mặt Trăng và mặt Đất; mặt Trăng "giao cấu" với mặt Đất, sinh ra..... loài người".

Kính chúc bác qtran tâm an lạc, thân trường thọ, đạo đời viên mãn.

Kính

_________________________

From: qtran <qtran@ec.rr.com>
Sent: Thursday, July 25, 2013 9:32 PM
Subject: [GoiDan] Có Cần Phải Xấu Che, Tốt Khoe? / Gởi bác qtran / Vấn Đề Kính Trọng Một Niềm Tin / Tôn và Giáo.

Có Cần Phải Xấu Che, Tốt Khoe?

Kính ông Thinh Nguyen,

Tôi xin trả lời từng ý kiến của ông như sau:

Về vấn đề từ ngữ ở trong ngữ cảnh của chuỗi điện thư này, tôi hiểu, “đối nghịch” cũng giống như “bất đồng quan điểm”. Bởi lẽ, nếu không có những quan điểm “đối nghịch” thì còn lý do gì để “bất đồng quan điểm”? Chẳng lẽ chúng ta “bất đồng quan điểm” khi chúng ta đều có chung một quan điểm? Hận thù là do cái tâm của mỗi người. Quan điểm “đối nghịch” hay “bất đồng quan điểm” cũng đều có thể dẫn đến sự hận thù. Ăn thua là thái độ hành xử của chúng ta. Không nên đổ tội vì có “đối nghịch” quan điểm mà bắt buộc chúng ta phải hận thù nhau. Nhưng thôi, ông muốn gọi là “bất đồng quan điểm” cũng chẳng sao. Đó chẳng phải là một vấn đề lớn để mang ra tranh cãi. Có những khi chúng ta dùng những từ khác nhau để chỉ chung cho một ý tưởng. Ở đây, ông có một quan điểm khác với tôi, cho dù là “đối nghịch” hay “bất đồng”.

Cái quan điểm khác đó là ông đang sợ sự thực nên cứ mỗi khi thiên hạ bàn về những điều tiêu cực liên quan đến tôn giáo của ông thì ông sẳn sàng đội cho họ cái mũ “chống đối, đả phá” tôn giáo. Còn đối với tôi, tôn giáo cũng chỉ là một trong nhiều định chế xã hội do con người thiết lập và điều hành, có mặt trái và mặt phải, có những điều tiêu cực cũng như tích cực. Đó là sản phẩm của con người nên không thể miễn nhiễm sự phê phán. Vậy vấn đề là phê phán đúng hay sai, chứ chẳng phải là được quyền phê phán hay không.  Cha ông chúng ta dạy thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng. Những điều tiêu cực của một phe nhóm được mang ra trình bày trước công luận như là một sự nhắc nhở điều chúng ta cần phải ý thức và quan tâm hơn. Cái quan điểm này đối nghịch (hay bất đồng) với một quan điểm khác, rằng xấu che, tốt khoe. Nhưng nếu chúng ta đặt sự ích lợi lâu dài của toàn thể cộng đồng lên trên quyền lợi nhất thời của phe nhóm thì quan điểm xấu che, tốt khoe này chỉ có hại nhiều hơn là có lợi. Ông cứ nhìn những thiệt hại hiện nay đối với giáo hội Công giáo do các ông linh mục phạm tội ấu dâm thì sẽ rõ. Đó là hệ quả tai hại của quan điểm tốt khoe, xấu che, của lối giáo dục nhồi sọ như chống cha là chống Chúa của giáo hội Công giáo từ cả ngàn năm nay.

Tiếp đến, hai câu hỏi ông đặt ra thì có thể gom thành một. Nó liên quan đến con số “1 tỷ 200 triệu tín đồ Công giáo” mà đã có nhiều ông trí thức Ca-tô vẫn thường mang ra để khoe với thiên hạ. Thực ra, số đông không làm thành chân lý. Con số người theo tôn giáo luôn luôn biến đổi theo thời gian và không gian, chưa nói đến việc Công giáo đã một thời dùng đủ mọi thủ đoạn trấn áp để áp đặt tôn giáo đó trên toàn cõi Âu Châu. Chẳng hạn, chỉ cách nay mấy trăm năm, cả thế giới đều tin rằng quả đất thì phẳng và đứng yên, và mặt trời xoay quanh quả đất. Nhưng ngày nay, ai ai cũng biết cái số đông đó đã hoàn toàn sai lầm.

Sau đây, tôi xin chuyển lại một đoạn ngắn trong bài

Tôi Đọc Lữ Giang: Vọng ngữ: Con đường giải thoát

để phản bác cái con số vô nghĩa này.

Trân trọng,

Trần Tiên Long

Những con số vô nghĩa

Tác giả LG đưa ra con số thống kê 2,1 tỷ người theo Ki-tô giáo để biện minh cho sự chân thật của một tôn giáo mà không lý gì đến ý nghĩa thực sự của những con số đó, cũng như xu hướng bỏ đạo và phẩm chất của đám người đó. Đấy cũng là một kiểu cách lập luận ngụy biện dựa theo con số đông thường bắt gặp ở một số con chiên trong các diễn đàn.

Trong thực tế, con số 2,1 tỷ người là hệ quả tất yếu còn sót lại của một hoàn cảnh khi toàn cõi Âu Châu đều thuộc về Thiên Chúa giáo. Nhưng ngày nay, tình trạng này đã hoàn toàn thay đổi đến nỗi Giáo Hoàng John Paul II đã phải đau đớn thú nhận rằng người Âu Châu hiện đang sống như không cần Thiên Chúa.

Bởi vậy, trong bài viết Tại Sao Tôi Không Phải Là Người Ki-tô Giáo , Bertrand Russell đã phải loay hoay trong việc định nghĩa thế nào là người Thiên Chúa giáo (Christians). Thường trong dân gian, người ta vẫn cho rằng người Thiên Chúa giáo là những kẻ cố gắng sống một đời sống tốt lành. Nhưng chúng ta lại biết những người theo các tôn giáo khác cũng đang cố gắng làm điều đó, kể cả người Hồi giáo, Phật giáo, và Ấn giáo. Như vậy, con số thống kê này không còn có ý nghĩa của một sự kiện thực tế, rằng họ không phải là người Thiên Chúa giáo thực sự theo đúng nghĩa của Thiên Chúa giáo.

Vậy người Thiên Chúa giáo là ai? Tiêu chuẩn nào hay những điều kiện nào cần có và đủ để được gọi là người Thiên Chúa giáo? Theo Russell, họ là những người phải có ít nhất hai niềm tin: thứ nhất là tin có một Thượng đế sáng tạo và sự trường cửu của linh hồn nên phải có thiên đàng và địa ngục, những nơi mà con người phải đến để sống đời đời sau khi chết; thứ hai là tin Giê-su chính là Chúa Ki-tô. Bằng vào hai niềm tin tối thiểu và căn bản này, Russell đã khẳng định lý do tại sao ông không phải là người Thiên Chúa giáo. Và chính Giáo hoàng John Paul II cũng đã từng tuyên bố rằng không có thiên đàng ở trên chín từng mây và cũng chẳng có địa ngục ở trong lòng đất, nghĩa là ngài giáo hoàng chẳng có niềm tin thứ hai là tin có thiên đàng và địa ngục như là những nơi chốn mà linh hồn sẽ phải tới để sống đời đời sau khi chết như giáo lý Công giáo đã dạy từ hơn 2,000 năm nay. Thiên đàng hay địa ngục chỉ là những trạng thái của tâm hồn, chứ chẳng phải là những nơi chốn vật lý.[3] Vậy có lẽ Giáo hoàng John Paul II cũng không phải là người Thiên Chúa giáo nếu theo định nghĩa của Russell.

Ngoài ra, nghiên cứu thống kê của PEW ngày 25 tháng 2 năm 2008 cho biết số người bỏ Thiên Chúa giáo càng ngày càng tăng nhanh, và Công giáo có số tín đồ bỏ đạo cao nhất. Ở Mỹ, Công giáo chiếm tỉ lệ 31% nhưng hiện có tới 76% người Công giáo bỏ đạo. Chỉ có chừng 24% còn nhìn nhận họ là người Công giáo. (Nguồn: http://pewresearch.org/pubs/743/united-states-religion ). Đó là xu hướng đang thay đổi của một thực tại mà ít người Thiên Chúa giáo chịu nhìn nhận.

Nhưng cho dù là vậy, nhiều khi phẩm chất lại còn quan trọng hơn số đông. Ở Mỹ, có đến 90% dân chúng tin Thượng đế hiện hữu, cho dù khái niệm Thượng đế có như thế nào. Nhưng trong nhóm những người có học thức cao, con số tỉ lệ đó giảm xuống còn 40%, dưới mức trung bình. Nếu xét riêng tập thể của những nhà khoa học danh tiếng, con số tỉ lệ đó còn giảm xuống ở mức đáng ngạc nhiên hơn nữa.

Một cuộc nghiên cứu thăm dò của Larson và Witham, được đăng trong tạp chí Tự nhiên (Nature) năm 1998, ghi nhận rằng chỉ có 7% những nhà khoa học Mỹ có tên trong hội Hàn lâm Khoa học Quốc gia (National Academy of Sciences) là tin vào một Thượng đế có nhân tính; nghĩa là có đến 93% các nhà khoa học là những người vô thần. [4] Như vậy, con số tỉ lệ của những nhà khoa học hữu thần hiện có khuynh hướng giảm dần theo thời gian: từ 29% năm 1914 xuống 15% năm 1933, và chỉ còn 7% năm 1998[5]

Richard Dawkins tìm thấy một trang báo điện tử duy nhất liệt kê những nhà khoa học Thiên Chúa giáo thắng giải Nobel (Nobel Prize-winning Scientific Christians). Trang báo chỉ trưng ra được 6 khoa học gia trong số nhiều trăm khoa học gia đã thắng giải. Nhưng sau khi xem xét kỹ lưỡng, Dawkins nhận thấy 4 trong 6 vị đó chưa bao giờ thực sự thắng giải, và một vị, theo sự hiểu biết chắc chắn của Dawkins, là người-không-tin (non-believer) vì chỉ đi nhà thờ để thoả mãn nhu cầu giao tế xã hội.[6]

Một nghiên cứu có hệ thống của Benjamin Beit-Hallahmi còn ghi nhận rằng, “trong số những người thắng giải Nobel ở các lĩnh vực khoa học và văn chương, có một mức độ vô tín ngưỡng rõ rệt (remarkable degree of irreligiosity) sánh với đại chúng mà họ xuất phát”. [7]  

Tại Anh vừa có một cuộc nghiên cứu thăm dò về niềm tin của những khoa học gia trong hội Hoàng gia (Royal Society). Hội Hoàng gia này, tương đương với hội Hàn lâm Khoa học Quốc gia ở Mỹ, có uy tín và thẩm quyền tối cao trong lĩnh vực khoa học. Mặc dù cuộc nghiên cứu đã hoàn chỉnh nhưng kết quả hiện chưa được công bố chính thức. Elisabeth Cornwell và Michael Stirrat, là hai đồng nghiệp của Dawkins, đã cho phép Dawkins tóm tắt kết quả nghiên cứu trong cuốn sách của ông, “The God Delusion”, mới xuất bản năm 2006. Trong tất cả 1,074 khoa học gia của hội Hoàng gia (Fellows of the Royal Society) được gửi câu hỏi qua điện thư, có 23% khoa học gia đã trả lời. Đây là một con số tỉ lệ tương đối cao nếu so sánh với các cuộc nghiên cứu thăm dò khác. Trong bản thăm dò, để trả lời cho câu hỏi ông có tin một Thượng đế có nhân tính (personal God) tồn tại hay không, người trả lời phải chọn 1 trong 7 nấc thang tuỳ vào mức độ tin nhiều hay ít. Hoàn toàn tin thì số 7, còn hoàn toàn không tin thì số 1. Có 3,3% chọn số 7, nghĩa là hoàn toàn tin; và 78,8% chọn số 1, nghĩa là hoàn toàn không tin. Nếu định nghĩa những người vô thần là những người chọn số 1 và số 2, còn những người hữu thần là những người chọn số 6 và số 7, thì kết quả có 213 khoa học gia vô thần và 12 khoa học gia hữu thần. Như vậy, con số tỉ lệ của những khoa học gia vô thần của hội Hoàng Gia tại Anh quốc còn cao hơn con số tỉ lệ của hội Hàn lâm Khoa học Quốc gia ở Mỹ. Kết quả còn cho thấy có một khuynh hướng, mặc dù nhỏ nhưng lại có nhiều ý nghĩa, rằng những nhà sinh vật học thì vô thần hơn những nhà vật lý học. [8]  

Kết quả của các cuộc nghiên cứu thăm dò nêu trên đã xác định một khuynh hướng rất rõ nét, rằng càng có trình độ tri thức cao, hoặc càng có hiểu biết nhiều về khoa học, thì niềm tin vào sự tồn tại của một Thượng đế có nhân tính càng giảm theo tính lũy thừa. Đó là lý do tại sao chúng ta đang chứng kiến Thiên Chúa giáo chỉ còn thịnh hành ở những quốc gia chậm tiến, nghèo đói như Phi Châu hoặc Nam Mỹ.

Tóm lại, con số 2,1 tỷ người Thiên Chúa giáo là một con số vô nghĩa, hệ quả của thời Trung cổ khi còn có các tòa án xử người dị giáo và khi cả Âu Châu đều thuộc về Thiên Chúa giáo, bởi lẽ nếu chúng ta xác định rõ ràng định nghĩa thế nào là người Thiên Chúa giáo theo quan điểm của thời hiện đại thì con số đó sẽ phải giảm xuống một cách thảm hại.

____________________________

From: THINH NGUYEN
Sent: Wednesday, July 24, 2013 11:36 PM
Subject: [NguoiVietQuocGia] Gởi bác qtran / Vấn Đề Kính Trọng Một Niềm Tin / Tôn và Giáo.

Gởi bác qtran / Vấn Đề Kính Trọng Một Niềm Tin / Tôn và Giáo.

 

Thưa bác qtran,

Thuật dụng chữ của bác thật ngoạn mục. Bác qtran cho rằng quan điểm của bác và em đối nghịch, em thì cho rằng đó chỉ là bất đồng quan điểm, cho nhẹ bớt hành trang trên vai. Đối nghịch thường đưa tới hận thù, hủy hoại; bất đồng có thể hòa giải hoặc quên lãng cho đời bớt.......khổ. Theo thiển nghĩ của em, quan điểm thế nào là chống đối, đả phá và thế nào là xây dựng để con người và xã hội tốt đẹp hơn, trong lãnh vực tôn giáo, tùy thuộc vào nhận thức, phạm trù tâm linh  của mỗi người. Chống đối, đả phá rất dể dàng ngụy tạo, khuất lấp dưới tiêu đề xây dựng con người và xã hội tốt đẹp hơn.

 Đơn cử, bác qtran đổ bao công sức, thời giờ để sưu tập, tra cứu  lời kinh thánh Công giáo, nêu ra những điều hoang tưởng, phi lý, vô luân với mục đích, theo bác, để "mở mắt" cho số tín đồ vẫn còn mù quáng, u mê, để xây dựng con người và xã hội tốt đẹp hơn. Ngược lại, dưới nhãn quang của nhiều người, bác qtran chỉ là người kỳ thị tôn giáo, mang nặng thành kiến hận thù, nếu bác thật sự "viết" cho chính mình. Câu hỏi thật giản đơn nhưng rất thực tiển:

1- Thế giới có khoảng 1 tỷ 200 triệu tín đồ Công giáo, trong đó, như các tôn giáo khác, bao gồm nhiều thành phần, xuất xứ, trình độ......từ kẻ cùng đinh đến những nhà bác học, thông thái trên mọi lãnh vực, kể cả nhũng người được mệnh danh là "ăn cơm dưới đất mà lo chuyện trên Trời" ( cơ quan không gian NASA)".  Thử hỏi, so với những tín đồ bác học, tín đồ tỉ phú, tín đồ thần học thông thái, tín đồ ăn cơm dưới đất mà lo chuyện trên Trời ( thứ thiệt), tín đồ tổng thống , bộ trưởng, thế thì tri thức của bác qtran, đang nằm vào vị trí, thứ bậc, hạng loại nào  để đòi "mở mắt" họ?

2- Thứ đến, nếu thánh kinh, giáo điều Công giáo và đức Chúa  Trời là hoang đường, tàn ác, là nghịch lý, là vô luân, tại sao hàng tỉ tín đồ vẫn đặt để đức tin vào Đức Chúa Trời, vào tòa thánh Vatican, vào Đức giáo hoàng, dù có xãy ra bao biến cố "động trời" trong hàng giáo phẩm.  Phải chăng đó là thiệng liêng, đức tin, tin những điều không thấy và dù không thấy, vẫn đặt trọn đức tin . Hàng tỉ tín đồ Hồi giáo, Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Tam giáo ........đều đồng chung cảm nhận và chia sẻ về tâm linh, về đức tin, về những điều không thấy, về những điều mà bác cho là "hoang tưởng". Bác qtran làm thế nào để "mở mắt" hàng tỉ tín đồ nầy?

Đả kích, bôi bác Công giáo nằm đâu xa, chính là từ bác qtran qua những trích đoạn, câu văn, điển tích trong Thánh kinh Công giáo và cho rằng đó là hoang đường, phi lý, tàn ác mê hoặc lòng người. Đức Chúa Jesus trong tay bao quyền phép, sao lại bị đóng đinh, chịu chết thảm thương, tủi nhục. Đức Mẹ sanh nhiều lần mà vẫn được tôn thờ, tin là vẫn còn đồng trinh., Đức Chúa Trời công bằng, bác ái, sao lại tạo dựng Đại hồng thủy để hủy diệt loài người, do chính Ngài tạo ra..... ..Đại loại, người nào đó nêu lên sự tích Đức Phật Thích Ca khi mới sanh ra, bước liền 7 bước, dấu chân tỏa 7 đóa hoa sen. Trên trời, bạch tượng xuất hiện chầu, dưới đất vạn vật, cỏ cây muôn thú cất tiếng hoan ca, nào là luân hồi, đọa kiếp, nghiệp chướng........  và cho đó là thần thoại hoang đường, huyễn hoặc, mị dân, chính là đả kích, bôi bác Phật giáo vậy. Tương tự, ai đó viết rằng chìa khóa vàng mở cửa Thiên đàng và đời sống thần tiên cực lạc được trao cho kẻ "ôm bom tự sát" Hồi giáo là láo khoét, là không tưởng, là lường gạt, chính ai đó đang đả kích, bôi bác Hồi giáo. Thêm nữa,  nếu cho rằng là tàn ác, dã man khi giết hại, hủy diệt tất cả người theo tôn giáo khác vì đó là những người ngoại đạo (infidel) hoặc là tà đạo (paganism), chính là đả phá, bôi bác Hồi giáo vậy.

Về vấn đề nhận định của em, bác cho là "chung chung". Xin thưa với bác, cái "chung chung"  về lãnh vực tôn giáo đó là tất cả những gì thật tế đã và đang xãy ra dưới nhãn quan, dưới tri thức của con người. Miên man vào thế giới chữ nghĩa để biện dẫn tâm linh, muôn đời không thể "thuyết phục" . Thuyết phục một người tin đạo đã khó, thuyết phục một người bỏ đạo lại càng khó khăn muôn phần và nếu một người bỏ đạo thì lại có trăm người khác nhập đạo.

Nếu có tâm huyết, hoài bão để xây dựng con người và xã hội tốt hơn, theo ngu ý của em, thay vì cứ "xoáy" vào tôn giáo khác, bác qtran nên hoằng dương đạo pháp của mình, cầu nguyện ăn năn, sám hối, tu thân tích đức, hỉ xả vị tha, âu đó là đời, đạo viên mãn vậy.

Kính

_______________________________

From: qtran <qtran@ec.rr.com >
Sent: Tuesday, July 23, 2013 11:42 PM
Subject: [VN-TD] Trả lời ông Thinh Nguyen / Vấn Đề Kính Trọng Một Niềm Tin / Tôn và Giáo.

Kính ông Thinh Nguyen,

Tôi xin thành thực cám ơn những ý kiến của ông. Đây rõ ràng có sự đối nghịch giữa hai quan điểm. Chúng ta không có cùng quan điểm về vấn đề thế nào là đả phá, chống đối, và thế nào là xây dựng để con người và xã hội tốt đẹp hơn. Những nhận định của ông chỉ có tính cách chung chung nên tôi không thể trả lời rõ ràng hơn. Chẳng hạn, khi ông kết án tôi là “đả kích, bôi bác Công giáo” nhưng lại không nêu ra tôi bôi bác, đả kích ở chỗ nào. Những gì tôi viết thì đã viết và phần đông vẫn còn nằm ở trang nhà sachhiem.net. Đã có nhiều người phản bác những bài viết của tôi, kể cả ông Bắc Kỳ Di Cư Chu Tất Tiến, Tiến sĩ Hồng Lĩnh, bà Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh, Bác sĩ Nguyễn Hoài Vân, tác giả Lữ Giang… và tôi đã viết bài trả lời chi tiết từng ý kiến một. Cho tới ngày nay, tôi vẫn chưa nhận được bất cứ ý kiến nào khả dĩ thuyết phục, kể cả những ý kiến của ông viết trong chuỗi điện thư này.

Công giáo có một lịch sử áp đặt tôn giáo trên toàn cõi Âu Châu với 7 cuộc thánh chiến và các tòa án xử dị giáo. Ngày nay, thanh gươm và bó cũi không còn nằm trong tay họ nhờ có những người làm công việc phê phán tôn giáo. Tư tưởng dẫn dắt hành động. Nhưng sự tiến bộ của tư tưởng thì phải cần thời gian, không thể đến ngay một lúc.

Tại sao chỉ có TCG mới có thánh chiến? Hãy đọc những lời Chúa dạy họ thì sẽ hiểu tại sao: "Hãy mang những kẻ thù của Ta ra đây, những người không muốn Ta ngự trị trên họ, và giết chúng ngay trước mặt ta" (Bring here those enemies of mine, who did not want me to reign over them, and slay them before me - Luke, 19:27) 11. Phục Truyền luật lệ ký (Deut. 13:1-10) dạy rằng: Nếu có một tiên tri (hay giáo chủ) nào, người trong một thành phố nào, và anh em trong gia đình, con trai hay con gái, vợ hay chồng hoặc bạn thân hay sơ khuyến dụ ngươi đi theo các tôn giáo khác, thì ngươi phải giết chúng nó đi.

Những lời Chúa dạy họ thì bắt buộc người tín hữu theo Chúa phải cố gắng làm theo lời Chúa dạy. Như vậy, không phải tự do tôn giáo là thứ cho không. Đó là kết quả của một sự chiến đấu lâu bền qua nhiều thế kỷ. Phải đợi mãi khi có các phong trao Phục hưng, Khai sáng, Cách mạng 1789… thì hệ tư tưởng thần quyền của Thiên Chúa giáo mới bị phế bỏ dần dần sau mấy ngàn năm độc tôn.

Còn chuyện ông nêu vấn đề tôn giáo Á Đông thì chẳng có gì phải bàn thêm, vì đó là ý kiến riêng của tòa soạn sachhiem.net và họ có để rõ ràng trong mục Lời Tòa Soạn (LTS). Tôi rất tâm đắc với ý kiến của tòa soạn nhưng không hiểu ông phản bác dựa trên lý lẽ nào, bởi vì ông vẫn chưa cho đọc giả biết tại sao không thể có tôn giáo Á Đông. Nhưng dù sao, đó cũng chỉ là một bắt bẽ chẳng liên hệ gì với những ý chính trong bài của tôi.

Một lần nữa, xin cám ơn những ý kiến trao đổi của ông.

Trân trọng,

Trần Tiên Long      

___________________________

From: THINH NGUYEN
Sent: Tuesday, July 23, 2013 8:01 PM
Subject: [ChinhNghiaViet] Re: [VN-TD] Vấn Đề Kính Trọng Một Niềm Tin / Tôn và Giáo.

Thưa bác qtran,

Bài viết rất mạch lạc nhưng lập luận, biện dẫn chỉ phù hợp, có tính thuyết phục trong trường hợp bị áp chế, bị vũ lực đe dọa, bắt phải theo hoặc tin một tôn giáo nào. Chúng ta hoàn toàn có  tự do tôn giáo, không ai ép buộc hoặc cưởng bức chúng ta PHẢI theo hoặc đặt để đức tin vào một đấng tối cao nào. Từ đó, vấn đề chống đối, khích bác, chê bai tôn giáo khác đã trở thành "lộ điểm", bá tánh nhận ra ngay mục đích, ý đồ, dù cố tình che dấu dưới hình thức nào. Việc kính trọng một đức tin khác, một tôn giáo khác, thể hiện tính nhân bản, đạo đức và đồng thời thể hiện sự  tự tôn trọng đạo pháp của mình và duy trì truyền thống tự do.

Dưới chiêu bài "giải phóng tâm linh", tiêu trừ "nghiệp chướng", khai phá nhân tâm, bác qtran đã vận dụng "chiến đoàn chữ nghĩa" để tấn công, đả kích, bôi bác Công giáo trong một thời gian dài. Với thuật dụng ngữ khôn khéo, bác đưa ra những sự việc trái ngược, cho là bị  tôn giáo khác bịt mắt, bị bắt buộc phải tôn trọng, phải tin thờ.........Nhìn vào thật tế, không một tôn giáo nào bịt mắt tôn giáo bạn, không một tôn giáo nào bắt buộc tôn giáo bạn phải tin theo mình, không một tôn giáo nào buộc mình phải tin vào những truyền thuyết "hoang đường", nếu có, chỉ có bác qtran.

Ngay trong LTS, tác giả đã cho thấy đang "chất chứa" tư tưởng kỳ thị, chống phá Công giáo. Bên cạnh, từ ngữ "nhân quả, luân hồi" được cho là triết lý thực tiển của các tôn giáo Á đông ( chắc là tôn giáo mới do tác giả qtran "chế" ra). Như mọi người đều biết, Á đông, bên cạnh Công giáo và Tin lành, còn có nhiều tôn giáo khác như Phật giáo, Tam giáo, Ấn độ giáo, Hồi giáo , bên cạnh đó là.... Bò (bê) giáo, Tỵ ( rắn) giáo,  Tý (chuột) giáo, Dương (vật) giáo , Âm (vật )giáo, Nhũ (vú) giáo, lý do nào bác qtran lại tổng hợp để cho là Á đông giáo?

Không riêng gì Công giáo, một điều không ai có thể phủ nhận là tín lý, giáo điều, kinh sách của bất cứ tôn giáo nào trên mặt đất cũng có phần huyền thoại, siêu nhiêu, đôi lúc vượt quá sự hiểu biết hạn hẹp của con người. Nếu cho rằng "hoang đường" như bác qtran "phán", không riêng gì Công giáo, tất cả các tôn giáo khác đều là "hoang đường", chỉ trừ bác qtran là " "hiện thực". Có thể,  bác đã từng "diện kiến", bằng xương bằng thịt, tay bắt mặt mừng với đấng "Cứu rỗi Á đông" của bác tại một địa điểm bí mật nào đó, người "bình dân" khó lòng biết được.

Xin mời bá quan văn võ, vi hữu, đọc giả diễn đàn đọc LTS để thấy bác qtran đang "cáu" (chữ của bác qtran) vì bị  Công giáo bịt mắt, bị bắt phải tôn trong, bị "ép" dầu," ép" mỡ, bắt phải theo đạo Công giáo và phải tin theo những chuyên hoang đường.

LTS: Trong khi mọi người có thể lên án thoải mái những điều mê tín dị đoan trong xã hội Á Đông, thì không ai dám nói gì đến những niềm tin nhảm nhí của các đạo Chúa vì các tín hữu bảo vệ tối đa các niềm tin hoang đường của họ. Tại sao thế? Lý do đơn giản là những điều mê tín dị đoan của dân Á Đông không phải là những điều mà các tôn giáo Á Đông đặt làm căn bản, mà thật sự chính là những triết lý thực tiễn, như nhân quả, luân hồi, chẳng hạn,... . Trái lại, bên đạo Chúa, những chuyện hoang đường lại chính là cốt lõi trong giáo lý: Chúa lên trời, Đức Mẹ đồng trinh, Chúa ba ngôi, Chúa toàn năng, Chúa cứu chuộc, Đức Bà hiện ra ở Lộ Đức, ... đều là những điều mà Thiên Chúa giáo La Mã buộc tín hữu phải tin, và sẽ cáu tiết với những ai phê phán những chuyện hoang đường đó. Thật ra, nếu không tin những chuyện tào lao như thế, thì tôn giáo này không thể giải thích được gì cả cho những chuyện xảy ra trong đời thường của con người. (SH)

______________________________________

From: qtran <qtran@ec.rr.com>
Sent: Monday, July 22, 2013 8:39 PM
Subject: [VN-TD] Vấn Đề Kính Trọng Một Niềm Tin / Tôn và Giáo.

Xin chuyển một ý kiến liên quan đến vấn đề kính trọng một niềm tin.

Trần Tiên Long

Vấn Đề Kính Trọng Một Niềm Tin

Trần Tiên Long

http://sachhiem.net/TTL/TranTL16.php

24-Mar-20

 

_____________________________________

2013/7/22 THINH NGUYEN <huongtanthinh@yahoo.com>

Thưa bác DieuquangTran,

Là một đọc giả diễn đàn, lâu nay em có đọc loạt bài về tôn giáo và gần đây, bác chuyển hướng sang lịch sử Ngô triều. Em lên tiếng, bác cứ xem đây là tiếng cóc nhái, ểnh ương, vô bổ, nhưng ít ra cũng tin cho bá tánh biết trời đang mưa. Thứ đến, tài hèn sức mọn, tri thức hạn hẹp, em viết lan man, bác lượng thứ cho.

Thú thật, loạt bài về tôn giáo đã làm em cảm phục về sở học mênh mông, kiến thức uyên bác, nhận định, phân tích sắc bén của bác. Bác dành rất nhiều thì giờ để sưu tập, tra cứu tài liệu, báo chí, sách vở.......hầu đả phá, công kích Công giáo kịch liệt. Thời gian và công sức mà bác đổ ra cho "mục tiêu" khiến em kinh ngạc, một người bình thường không thể nào có đủ điều kiện "ắt có và đủ" để thực hiện công việc như bác.

Thật là đáng tiếc! Tất cả công lao, mưu đồ, ý định, cộng thêm tài năng thiên phú của bác đang trôi dần vào cõi........ta bà, tự diệt. Bác đã làm, vì quyền lợi hay tự nguyện, công việc đội đá vá Trời, ăn cơm dưới đất mà nói chuyện trên Trời. Từ thuở khai thiên lập địa cho đến ngày nay, trải qua bao biến cố, thăng trầm, xung đột, tàn sát, hủy diệt lẫn nhau qua thánh chiến, đức tin (faith) tôn giáo  được con người định nghĩa thật đích xác: " Đức tin là tin những điều không thấy". Thật vậy, nhân sinh tự cổ chí kim, chưa  ai một lần được diện kiến thánh nhan Thiên Chúa, Đức Phật, đấng Alah....bằng xương, bằng thịt, thảng hoặc, nếu có, chỉ trong kinh sách hoặc trong giấc chiêm bao. Kinh kệ, sách vở, giáo điều, tín lý của tất cả các tôn giáo hiện hữu trên mặt đất đều quy về một mục đích tối thượng: "Cứu rỗi". Con người, thọ tạo bởi Thượng đế, cây lau sậy biết suy nghĩ, tự do chọn lựa vị Thầy tâm linh trong cuộc hành trình vào nơi "Cứu rỗi". Từ khoảnh khắc cất tiếng khóc chào đời đến phút lâm chung, về phương diện tâm linh,  giai đoạn sống thuộc thể chỉ là khoảng trống mênh mông, vắng lặng của đời người. Hạnh phúc, khổ đau, giàu sang, nghèo hèn, công danh, sự nghiệp, tất cả chỉ là thoáng phù du, ảo ảnh. Không ai biết lý do mình hiện hữu và khi qua đời mình sẽ đi về đâu.

Bác DQT đề cập, viện dẫn nhiều trích đoạn, câu, sách để cho rằng có nhiều mâu thuẫn, nghịch lý, thậm chí là vô luân trong kinh thánh Công giáo. Bên cạnh, bác còn lập luận, chỉ trích, chê bai giáo hội Vatican "giáo quyền" và những con chiên "cuồng đạo". Đúng, không ai có thể phủ nhận những nghịch lý trong các trích đoạn do bác nêu ra từ Thánh kinh nhưng có điều, em e rằng với sự khôn ngoan của loài người, trong đó có bác, không thể nào thấu hiểu, lãnh hội hết lời của đấng Thiêng Liêng. Tam sao ức bổn, kinh thánh Công giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Ấn giáo.......đã được lưu truyền và dịch thuật ra hàng trăm ngôn ngữ khác nhau, chắc chắn không thể tránh khỏi sơ suất, sai sót. Hơn nữa, bên cạnh lời "trắng" (dể hiểu), lời "ẩn dụ" trong các kinh sách tôn giáo, theo những nhà nghiên cứu thần học trên thế giới, vẫn còn chứa đựng nhiều điều "khải thị" mà cho đến nay, con người vẫn chưa hiểu hoặc chưa luận giải được.

Nhân số toàn cầu lên đến hơn 7 tỉ, trong đó, tín đồ Công giáo khoảng 1 tỉ 200 triệu; Tin lành khoảng 900 triệu; Hồi giáo khoảng 1 tỉ 500 triệu; Ấn độ giáo khoảng 900 triệu; Phật giáo 400 triệu; đa thần và vô thần khoảng 1 tì 100 triệu, đạo truyền thống Trung hoa khoảng 400 triệu cộng thêm một một số tín đồ của các tôn giáo  nhỏ khác. Nhìn vào số liệu trên, câu hỏi được đặt ra là nếu Công giáo hoặc Tin Lành hay Phật giáo, Hồi giáo là "tà đạo" và kinh thánh, kinh sách của các tôn giáo đó là "không tưởng" hoặc phi lý, hóa ra là cả tỉ người đều sai lầm, mê muội, trầm mình vào chốn u minh ? Bên cạnh, còn có nhiều vùng tại Ấn độ, dân chúng thờ cả........chuột, bò, rắn, dương vật, vưu vật........Qua phim ảnh, bài vở ghi nhận các sinh hoạt, nghi thức thờ phượng của các tôn gióa nầy do đài Discover và tạp chí Natinonal Geographic phổ biến, làm thế nào bác DQT giải thích được sự "phi lý" cùng cực: "người "thờ" thú vật". Cũng may, nếu bác DQT sang các vùng đó mà "bày" ra chuyện kinh sách, cuồng đạo, các tín đồ sẽ "phóng" rắn hổ mang "phập" bác sùi bọt mép hoặc sẽ thả hàng ngàn con chuột ra cắn nát cái....của đời bác.

Kính