Đọc bài Vọng ngữ: Con đường giải thoát? của tác giả Lữ Giang, người ta có thể dễ dàng nhận ra ngay được mục đích của bài viết là chỉ để đánh phá Phật giáo bằng những nhận thức rất chủ quan qua lăng kiếng của một con chiên theo kiểu suy diễn từ tôn giáo ta ra tôn giáo người. Tác giả là một “tên Cuồng Đồ Cuồng Tín Cần Lao Thiên Chúa Giáo” (chữ của ông Hoàng Anh Tuấn) nên tất cả những kết án trong bài đều có thể được tìm thấy đầy dẫy trong Thiên Chúa giáo. Từ nhãn quan đặc thù Thiên Chúa giáo đó, tác giả đã đi đến những sai lầm nghiêm trọng trong nhận thức để đi đến một kết luận phù hợp theo thành kiến chủ quan.
Thực vậy, ngay cái tên Vọng ngữ: Con đường giải thoát? của bài viết cũng đã cho chúng ta biết tác giả Lữ Giang đang cố tình gán ghép những điều không có trong giáo lý Phật giáo. Bằng những chứng cớ không minh bạch, cố tình bẻ cong các sự kiện, và các thí dụ khập khiểng cũng như những lập luận đầu Ngô mình Sở, tác giả đã vụng về biện minh cho điều mà tác giả cố ý đang xuyên tạc, rằng chính vọng ngữ là con đường giải thoát của Phật giáo. Kết quả của âm mưu đánh phá Phật giáo này đã đạt được một phần nào như ý muốn, ít ra có thể nhận thấy ở một vài nhà trí thức Công giáo. Chẳng hạn, bà Bác sĩ Tiến sĩ Trưng Triệu Nguyễn Thị Thanh thì khen rằng “Hết lòng cám ơn bài viết quá đúng, quá hay, bài viết thật tuyệt vời”, rồi lại “Xin Thiên Chúa trả công xứng đáng và chúc phúc lành cho anh Lữ Giang.”, làm như chuyện các con chiên đánh phá một tôn giáo bạn là có công phúc được Chúa ban ơn chúc lành, trong khi ở chỗ khác thì họ đang hô hào hòa giải liên tôn. Hoặc ông Nguyễn Đình Hoài Việt và nhiều con chiên khác thì vỗ tay bốc thơm, rằng “Bài viết rất có giá trị về nội dung…”.
Trước khi đi vào phần chứng minh những điều trên, người viết xin minh xác rằng người viết chưa hề quen biết tác giả Lữ Giang và tất cả những nhân vật hoặc các phe nhóm liên hệ trong bài viết của tác giả LG. Bài viết này hoàn toàn được dựa trên những gì tác giả LG đã viết và được chuyển vào trong các diễn đàn, nên đây chỉ là những nhận định cá nhân của một đọc giả bàng quan, không phải để biện minh cho bất cứ ai hay phe nhóm nào.
Sau đây, người viết sẽ lần lượt chứng minh những gì người viết đã khẳng định ở trên qua những tiết mục sau:
● Treo đầu dê, bán thịt chó.
● Những bằng chứng vu vơ.
● Cái xà trong mắt của Lữ Giang.
● Vọng ngữ trong Thiên Chúa giáo.
● Những con số vô nghĩa.
Người viết vốn bị tò mò bởi cái tựa của bài viết. Con đường giải thoát là một đề tài rộng lớn và chính yếu trong Phật giáo, cũng giống như con đường cứu rỗi trong Thiên Chúa giáo. Đó là một hệ thống triết lý bao trùm tất cả và là mục đích cuối cùng của những kẻ tầm đạo. Nhưng người viết thật thất vọng sau khi đã đọc xong bài viết, vì đó chẳng phải là điều tác giả LG muốn bàn tới..
Điều mà tác giả LG viết ngay ở đầu bài rằng:
“Trong bài “Nghiệp kéo đến như bánh xe lăn… phổ biến ngày 25.4.2013, chúng tôi có viết rằng từ năm 1963 đến nay, tức trong 50 năm qua, một số người đã nghĩ rằng có thể "cứu" Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang bằng hai cách, cách thứ nhất là đánh phá Công Giáo để đánh lạc hướng dư luận và cách thứ hai là dùng VỌNG NGỮ (Wrong speech) để “hóa giải” hay “giải nghiệp”. Hôm nay chúng tôi thấy cần nói rõ hơn: Mục tiêu của hai chiến thuật đó là gì? Nó đã được theo đuổi trong suốt 50 năm qua và trong tương lai nó sẽ còn được kéo dài đến bao lâu nữa? Xử dụng hai chiến thuật đó có đem lại “con đường giải thoát” cho Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang hay không?”.
thì không liên quan gì đến cái tựa mà tác giả đã khẳng định phía trên, bởi lẽ hóa giải hay giải nghiệp chắc chắn không phải là giải thoát. Giải thoát là chấm dứt, toàn vẹn, triệt để; trong khi hóa giải hay giải nghiệp là chỉ để áp dụng cho một sự việc, một biến cố riêng lẻ, một phần rất nhỏ của giải thoát. Có lẽ đã biết được điều này nên trong câu cuối cùng của đoạn vừa trích dẫn, tác giả đã để “con đường giải thoát” trong hoặc kép, điều mà ông nên làm ở ngay cái tựa của bài, ngụ ý phải hiểu theo nghĩa bóng.
Bởi vậy, chúng ta thấy những thí dụ mà tác giả LG đã mang ra bàn đều là những biến cố lẻ loi của những cá nhân riêng lẻ để hóa giải, nếu có, không phải để giải thoát. Như vậy, nội dung toàn bài là tác giả bàn về hóa giải, không phải về giải thoát như đã khẳng định ở tựa của bài viết. Đây chính là một xảo thuật ngụy biện treo đầu dê bán thịt chó. Tác giả đã treo giải thoát nhưng lại bán hóa giải hay giải nghiệp.
Ngoài ra, tác giả Lữ Giang đã không mấy lương thiện khi cố tình biến một người lẻ loi để bao gồm toàn thể các nhà lãnh đạo Phật giáo khi ông gom chung “một” vào “tất cả” trong đoạn văn sau:
“Ngay từ giai đoạn đầu, khi mới phát động cuộc tranh đấu, cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã báo cáo rằng các nhà lãnh đạo Phật giáo muốn “thiết lập một chế độ giáo quyền lãnh đạo thế quyền ở Nam Việt Nam” (he would like to establish a theocracy in South Vietnam).
[Intelligence Information Cable, TDCS 314/02342-64. Aug. 28, 1964. 8 p.]”(Hết trích)
Chúng ta hãy chú ý những chữ người viết đã cố tình tô đậm ở trên. Đại danh từ “he” trong tiếng Anh là để chỉ một người ở số ít, có thể được dịch là nó, hắn, ông ấy, hoặc ngài; trong khi tác giả LG lại dịch là các nhà lãnh đạo Phật giáo để chủ ý gài cả một tôn giáo vào trong cuộc. Câu tiếng Anh trong ngoặc đơn rõ ràng là về một người riêng biệt, đơn lẻ, không phải nhiều người như các nhà lãnh đạo Phật giáo mà tác giả LG đang cố gắng xuyên tạc. Tác giả đã để ý chính của đoạn văn trong ngoặc kép, kèm theo câu tiếng Anh trong ngoặc đơn, thì rõ ràng đó chính là một đoạn dịch, không phải một ý kiến riêng của tác giả.
Nhưng sự trí trá của tác giả còn tuyệt chiêu hơn nữa khi ông không những cố tình diễn dịch sai mà còn không chịu trích dẫn toàn câu văn, chủ ý vất bỏ ý chính của đoạn văn, cái ý mà ông cố tình giấu. Thực ra, ý chính của bản báo cáo mật mà tác giả LG trích dẫn đã khẳng định rằng
Trí Quang không phải là Cộng sản; ông ấy muốn thiết lập một nền chính trị thần quyền ở Nam Việt Nam.” (assessment is that Tri Quang is not a Communist; he would like to establish a theocracy in South Vietnam). [1]
Đó là sự khẳng định của CIA vào ngày 27 tháng 8 năm 1964 khi họ phân tích về thắc mắc liệu Thích Trí Quang có phải là Cộng sản, về tư cách, và về những mục tiêu theo đuổi của ông Trí Quang. Chữ “he” mà tác giả LG đã cố tình dịch sai là “các nhà lãnh đạo Phật Giáo” thì thật ra chính là để chỉ một mình con người Thích Trí Quang, không phải bất cứ một ai khác.
Những bằng chứng tác giả LG mang ra đều thuộc nguồn thứ yếu (secondary source), vu vơ, không có mấy giá trị nếu sánh với những bằng chứng chính yếu (primary source). Những trích dẫn lời nói của hòa thượng này, hòa thượng nọ là những thứ “nghe nói” (hearsay), không có mấy giá trị, thuộc loại thứ yếu. Những trích dẫn có nguồn gốc từ bản tường trình của CIA, có thể được liệt kê vào hàng chính yếu, thì có giá trị hơn những lời nói vu vơ,. Tuy nhiên, tác giả LG đã xuyên tạc và trí trá trong việc ông trình bày những bằng chứng chính yếu này như đã bàn ở trên.
Còn nữa, những bằng chứng mà tác giả LG đã mang ra để chứng minh lại chẳng liên quan gì tới vọng ngữ, điều mà tác giả đang cố gắng chứng minh.
Chẳng hạn, cho dù nếu “các nhà lãnh đạo Phật giáo muốn “thiết lập một chế độ giáo quyền lãnh đạo thế quyền ở Nam Việt Nam” thì chắc chắn đó không phải là một vọng ngữ để đem ra bàn. Ý muốn có một “chế độ giáo quyền” như thế nào là quyền tự do của mỗi người, không phải là vọng ngữ mà tác giả đang cố gắng chứng minh. Đó chỉ là một quan điểm hay thái độ chính trị hoàn toàn hợp pháp, mặc dù có thể cực đoan, không hợp lý ở cái thời điểm đó. Ở Mỹ, Công giáo hay Tin lành lúc nào cũng đang cố gắng có những hoạt động chi phối chính quyền, nhất là trong kỳ bầu tổng thống năm vừa rồi (2012). Đó là chuyện bình thường hằng ngày ở huyện ở trong bất cứ một quốc gia dân chủ nào.
Hoặc, cho dù ý kiến hay nhận định về chính trị của hòa thượng này (HT Thích Hộ Giác) có đối nghịch với nhận định hay ý kiến của hòa thượng kia (Phật giáo Ấn Quang), ở hai thời điểm và hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau, thì cũng chẳng phải là vọng ngữ. Tác giả trưng ra như vậy mà không biết rằng Công giáo thì chống Cộng triệt để và Giáo hội còn đe dọa rút phép thông công những người tín hữu nào hợp tác với Cộng sản; nhưng người viết đã từng chứng kiến nhiều nhà thờ đã giăng biểu ngữ chào mừng quân đội giải phóng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Còn ngày nay, Hội Đồng Giám Mục VN và Vatican đang đối xử với chính quyền CHXHCNVN như thế nào thì đã quá rõ ràng, hiển nhiên hằng ngày trước mắt, khỏi cần phải bàn thêm chi tiết.
Hoặc nữa, tác giả viết rằng:
“Để thực hiện mục tiêu đó, CIA nói rõ:
“Kể từ năm 1963, các Phật Giáo đấu tranh luôn luôn chống lại chế độ hiện hữu tại Nam Việt Nam, rõ ràng là không quan tâm đến các nhân vật hay vấn đề liên hệ.” [LBJ Library, Mendatory Review, Case # NLJ 92465, Document # 27, p. 9 - 10.]” (Hết trích)
Người viết không tìm được nguồn tin trích dẫn trên, nhưng nhận ra nó cũng chẳng liên quan gì tới vọng ngữ mà tác giả đang cố gắng chứng minh. Việc ủng hộ một nhân vật, một đảng phái, hay cả một chính quyền tùy theo một yếu tố đơn lẻ là chuyện bình thường, một quyền bất khả phủ bác của mọi người dân. Nếu theo dõi diễn tiến chính trị ở Hoa Kỳ, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra đã có vô số những người bỏ phiếu dựa trên một vấn đề riêng biệt, được gọi là bỏ phiếu chỉ vì một vấn đề duy nhất (one-issue voter), chẳng hạn như dựa trên ứng cử viên là Công giáo hay Tin lành, hoặc ứng cử viên chống hay ủng hộ phá thai, hoặc chống hay ủng hộ việc kết hôn của những người đồng tính luyến ái… Đó chắc chắn chẳng phải là vọng ngữ.
Cho dù là vậy, người viết còn tìm thấy một khẳng định của CIA hoàn toàn đối nghịch với câu mà tác giả LG đã trích dẫn ở trên:
“Được báo cáo là Phật tử đang có kế hoạch thiết lập một chính phủ bao gồm một Quốc hội được tuyển chọn bởi các Hội đồng Tỉnh để thảo hiến pháp và tổ chức tổng tuyển cử. Được báo cáo là ông Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương Kỳ và ông Chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia Thiệu đã đồng ý phân nửa để thay thế Hội đồng Tư vấn Xây dựng Dân chủ bằng một Quốc hội. Phật tử không ủng hộ việc lật đổ hay sự từ chức của chính phủ hiện tại bởi vì một chế độ quân sự có thể sẽ lên thay thế.”[2]
[the Buddhists reportedly have plans to install a new government composed of a national assembly, selected by provincial councils, which would write a constitution and organize general elections. PM Ky and Head of State Thieu have reportedly "half agreed" to abandon the present Advisory Council for Building Democracy in favor of a national assembly. Buddhists do not favor a coup or resignation of the present government because a military regime might replace it] [2]
Như vậy, những bằng chứng tác giả LG mang ra để cố gắng chứng minh Phật giáo Ấn Quang xử dụng vọng ngữ như là một con đường giải thoát thì chỉ là vu vơ, không chứng minh được điều gì, và nhiều khi còn hoàn toàn mâu thuẫn với những bằng chứng chính yếu của CIA mà tác giả đã cố tình xuyên tạc khi trích dẫn.
Người viết còn nhớ tác giả Lữ Giang đã từng tuyên bố rằng làm báo thì phải xạo. Lời tuyên bố này đã được nhiều người trình bày lại trong các diễn đàn. Ý tưởng thường dẫn dắt hành động. Một ý tưởng như vậy chắc chắn phải là kim chỉ Nam trong các bài viết của tác giả cho sự nghiệp làm báo hơn 40 năm qua.
Ngoài những điều gian dối cố ý khi tác giả trích dẫn như đã trình bày ở trên, người viết xin trưng ra một bài viết cũ, ngày 15 tháng hai năm 2013, liên quan đến vấn đề này:
Sự Lương Thiện Của Ông Lữ Giang
Kính thưa quí đọc giả,
Tôi thật sự không ngờ một vị cựu thẩm phán đã từng cầm bút cả hơn 40 năm nay, một trí thức Ca-tô đã từng có vô số bài viết trong các diễn đàn Công giáo như ông Lữ Giang mà lại dám viết những điều vu khống một cách trắng trợn như vậy. Về những điều vu khống đó, tôi đã có những bài phản biện, chẳng hạn như bài Một Sự Lừa Đảo Đáng Sợ, gửi vào diễn đàn ngày 2-2-2013, liên quan tới lời tố giác của Linh mục Juan Carlos Martos mà các con chiên điển hình như các ông Lữ Giang và Duyên Lãng Hà Tiến Nhất đã tung vào diễn đàn hoặc đã phụ họa bàn tới, và bài Một Thách Thức Cho Tác Giả Lữ Giang, gửi vào diễn đàn ngày 11-2-2013. Cho tới giờ này, tôi vẫn chưa nhận được bất cứ một bài phản bác nào của bất cứ ai về những gì tôi đã viết. Riêng bài tôi viết để thách thức ông Lữ Giang trong đó có đoạn như sau:
“Ông Lữ Giang viết:
“Mấy ngày qua tôi thấy bà đang thậm thụt với Trần Tiên Long, một biên tập viên chính của nhóm Giao Điểm, để xuyên tạc Công Giáo.”
Vậy nếu ông là một người lương thiện, có lương tâm của một người Công Giáo, cái tôn giáo mà ông vẫn thường biện giải và bênh vực tích cực, thì xin ông hãy trưng ra bằng chứng công khai với công luận, để chứng minh rằng:
1. Tôi, Trần Tiên Long, đang là một biên tập viên chính của nhóm Giao Điểm.
2. Và tôi, Trần Tiên Long, đã xuyên tạc Công Giáo ở chỗ nào.
Nếu ông không có bằng chứng để chứng minh điều ông đã viết thì tôi chỉ cần ông xin lỗi một lời công khai là đủ.” (Hết trích)
Như vậy, rõ ràng tác giả Lữ Giang không phải là mẫu người lương thiện muốn đối thoại ngay thẳng mà tôi đang mong đợi. Không những vậy, ông vẫn còn tiếp tục vu khống một cách vô trách nhiệm đối với những tác giả khác mà tôi chẳng có thích thú để bàn thêm.
Riêng trong bài Khi mặt nạ bị rơi xuống! này, ông Lữ Giang đã dành một phần lớn để bàn về “Catholic: Công Giáo hay Thiên Chúa Giáo?” Đó là chuyện của ông LG. Nhưng khi ông mang bài của tôi, bài Ki-tô Giáo Hay Thiên Chúa Giáo, ra để chỉ trích thì ông lại không trình bày được tôi sai ở điểm nào. Ông chỉ nói theo kiểu khơi khơi là tôi cương bừa để vu khống mà không cho đọc giả biết tôi vu khống những gì, ở điểm nào. Những gì ông viết về danh xưng Công giáo thì chỉ có tính khoe khoang kiến thức và hù dọa thiên hạ vì nó hoàn toàn nằm ngoài chủ đề của bài tôi viết, chứ chẳng phản biện được bất cứ chỗ nào.
Vậy xin chuyển lại cái link của bài Ki-tô Giáo Hay Thiên Chúa Giáo? vào diễn đàn để đọc giả nhận ra rằng ông Lữ Giang đang phản biện lạc đề như thế nào.
Như vậy, tác giả LG đang trông thấy cái rác nhỏ xíu, mặc dù chưa phải là rác, của thiên hạ rất rõ ràng nhưng lại không thấy được cái xà to tướng trong mắt của tác giả.
Dù không phải là một Phật tử, người viết có thể minh xác được rằng chẳng có kinh sách Phật pháp nào dạy con người dùng vọng ngữ như là một con đường để giải thoát. Tuy nhiên, giáo lý Thiên Chúa giáo lại công khai dạy và khuyến khích tín đồ gian dối để làm vinh danh Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao chúng ta không cần phải ngạc nhiên khi những con chiên như tác giả LG đã vọng ngữ nhiều lần mà không thấy lương tâm áy náy, hoặc ngạc nhiên vì một tôn giáo chuyên cổ vũ từ bi bác ái nhưng lại phải xưng thú 7 núi tội ác đối với đồng loại.
Thực vậy, chính thánh Phao-lô, tác giả đóng góp số lượng lớn nhất của cuốn kinh Tân ước, cuốn kinh mà người tín hữu xem đó như là sự linh ứng nhiệm màu và là lời của Chúa toàn năng, và là tác giả đã đặt nền móng cho Thiên Chúa giáo, đã dạy người tín hữu như sau:
“Nhưng nếu sự giả dối của tôi làm cho thấy rõ hơn Thiên Chúa là Đấng chân thật, và như vậy càng tôn vinh Người, thì tại sao tôi lại còn bị kết án là kẻ tội lỗi?” (For if the truth of God hath more abounded through my lie unto his glory; why yet am I also judged as a sinner?) (Romans 3:7)
Như vậy, mục đích làm vinh danh Thiên Chúa, đối với những người tín hữu Thiên Chúa giáo, có thể biện minh đầy đủ cho mọi phương tiện, kể cả một phương tiện vô đạo như là việc gian dối hay vọng ngữ. Đó mới đích thực là vọng ngữ. Hơn nữa, những sai lầm khác có thể tìm thấy đầy dẫy trong hai cuốn kinh Tân ước và Cựu ước cũng chính là những vọng ngữ mà Thiên Chúa giáo đã và đang cố tình theo đuổi trong suốt hơn 2,000 (2 ngàn) năm nay.
Đọc qua câu kinh thánh được trích dẫn trên, chúng ta sẽ không còn ngạc nhiên khi nhận ra rằng tại sao công việc làm vinh danh Thiên Chúa là một công việc đứng hàng đầu trong mọi công việc của người tín hữu Công giáo. Chứng minh?
Thưa, kinh Lạy Cha là kinh quan trọng nhất trong mọi kinh của Công giáo mà bất cứ người tín hữu nào cũng đều thuộc lòng. Mở đầu của câu kinh là “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời…” Hoặc nữa, kinh Sáng Danh hoàn toàn chỉ để mục đích làm rạng danh Thiên Chúa: “Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có đời đời, chẳng cùng. Amen”.
Tác giả LG đưa ra con số thống kê 2,1 tỷ người theo Ki-tô giáo để biện minh cho sự chân thật của một tôn giáo mà không lý gì đến ý nghĩa thực sự của những con số đó, cũng như xu hướng bỏ đạo và phẩm chất của đám người đó. Đấy cũng là một kiểu cách lập luận ngụy biện dựa theo con số đông thường bắt gặp ở một số con chiên trong các diễn đàn.
Trong thực tế, con số 2,1 tỷ người là hệ quả tất yếu còn sót lại của một hoàn cảnh khi toàn cõi Âu Châu đều thuộc về Thiên Chúa giáo. Nhưng ngày nay, tình trạng này đã hoàn toàn thay đổi đến nỗi Giáo Hoàng John Paul II đã phải đau đớn thú nhận rằng người Âu Châu hiện đang sống như không cần Thiên Chúa.
Bởi vậy, trong bài viết Tại Sao Tôi Không Phải Là Người Ki-tô Giáo, Bertrand Russell đã phải loay hoay trong việc định nghĩa thế nào là người Thiên Chúa giáo (Christians). Thường trong dân gian, người ta vẫn cho rằng người Thiên Chúa giáo là những kẻ cố gắng sống một đời sống tốt lành. Nhưng chúng ta lại biết những người theo các tôn giáo khác cũng đang cố gắng làm điều đó, kể cả người Hồi giáo, Phật giáo, và Ấn giáo. Như vậy, con số thống kê này không còn có ý nghĩa của một sự kiện thực tế, rằng họ không phải là người Thiên Chúa giáo thực sự theo đúng nghĩa của Thiên Chúa giáo.
Vậy người Thiên Chúa giáo là ai? Tiêu chuẩn nào hay những điều kiện nào cần có và đủ để được gọi là người Thiên Chúa giáo? Theo Russell, họ là những người phải có ít nhất hai niềm tin: thứ nhất là tin có một Thượng đế sáng tạo và sự trường cửu của linh hồn nên phải có thiên đàng và địa ngục, những nơi mà con người phải đến để sống đời đời sau khi chết; thứ hai là tin Giê-su chính là Chúa Ki-tô. Bằng vào hai niềm tin tối thiểu và căn bản này, Russell đã khẳng định lý do tại sao ông không phải là người Thiên Chúa giáo. Và chính Giáo hoàng John Paul II cũng đã từng tuyên bố rằng không có thiên đàng ở trên chín từng mây và cũng chẳng có địa ngục ở trong lòng đất, nghĩa là ngài giáo hoàng chẳng có niềm tin thứ hai là tin có thiên đàng và địa ngục như là những nơi chốn mà linh hồn sẽ phải tới để sống đời đời sau khi chết như giáo lý Công giáo đã dạy từ hơn 2,000 năm nay. Thiên đàng hay địa ngục chỉ là những trạng thái của tâm hồn, chứ chẳng phải là những nơi chốn vật lý.[3] Vậy có lẽ Giáo hoàng John Paul II cũng không phải là người Thiên Chúa giáo nếu theo định nghĩa của Russell.
Ngoài ra, nghiên cứu thống kê của PEW ngày 25 tháng 2 năm 2008 cho biết số người bỏ Thiên Chúa giáo càng ngày càng tăng nhanh, và Công giáo có số tín đồ bỏ đạo cao nhất. Ở Mỹ, Công giáo chiếm tỉ lệ 31% nhưng hiện có tới 76% người Công giáo bỏ đạo. Chỉ có chừng 24% còn nhìn nhận họ là người Công giáo. (Nguồn: http://pewresearch.org/pubs/743/united-states-religion ). Đó là xu hướng đang thay đổi của một thực tại mà ít người Thiên Chúa giáo chịu nhìn nhận.
Nhưng cho dù là vậy, nhiều khi phẩm chất lại còn quan trọng hơn số đông. Ở Mỹ, có đến 90% dân chúng tin Thượng đế hiện hữu, cho dù khái niệm Thượng đế có như thế nào. Nhưng trong nhóm những người có học thức cao, con số tỉ lệ đó giảm xuống còn 40%, dưới mức trung bình. Nếu xét riêng tập thể của những nhà khoa học danh tiếng, con số tỉ lệ đó còn giảm xuống ở mức đáng ngạc nhiên hơn nữa.
Một cuộc nghiên cứu thăm dò của Larson và Witham, được đăng trong tạp chí Tự nhiên (Nature) năm 1998, ghi nhận rằng chỉ có 7% những nhà khoa học Mỹ có tên trong hội Hàn lâm Khoa học Quốc gia (National Academy of Sciences) là tin vào một Thượng đế có nhân tính; nghĩa là có đến 93% các nhà khoa học là những người vô thần. [4] Như vậy, con số tỉ lệ của những nhà khoa học hữu thần hiện có khuynh hướng giảm dần theo thời gian: từ 29% năm 1914 xuống 15% năm 1933, và chỉ còn 7% năm 1998[5]
Richard Dawkins tìm thấy một trang báo điện tử duy nhất liệt kê những nhà khoa học Thiên Chúa giáo thắng giải Nobel (Nobel Prize-winning Scientific Christians). Trang báo chỉ trưng ra được 6 khoa học gia trong số nhiều trăm khoa học gia đã thắng giải. Nhưng sau khi xem xét kỹ lưỡng, Dawkins nhận thấy 4 trong 6 vị đó chưa bao giờ thực sự thắng giải, và một vị, theo sự hiểu biết chắc chắn của Dawkins, là người-không-tin (non-believer) vì chỉ đi nhà thờ để thoả mãn nhu cầu giao tế xã hội.[6]
Một nghiên cứu có hệ thống của Benjamin Beit-Hallahmi còn ghi nhận rằng, “trong số những người thắng giải Nobel ở các lĩnh vực khoa học và văn chương, có một mức độ vô tín ngưỡng rõ rệt (remarkable degree of irreligiosity) sánh với đại chúng mà họ xuất phát”. [7]
Tại Anh vừa có một cuộc nghiên cứu thăm dò về niềm tin của những khoa học gia trong hội Hoàng gia (Royal Society). Hội Hoàng gia này, tương đương với hội Hàn lâm Khoa học Quốc gia ở Mỹ, có uy tín và thẩm quyền tối cao trong lĩnh vực khoa học. Mặc dù cuộc nghiên cứu đã hoàn chỉnh nhưng kết quả hiện chưa được công bố chính thức. Elisabeth Cornwell và Michael Stirrat, là hai đồng nghiệp của Dawkins, đã cho phép Dawkins tóm tắt kết quả nghiên cứu trong cuốn sách của ông, “The God Delusion”, mới xuất bản năm 2006. Trong tất cả 1,074 khoa học gia của hội Hoàng gia (Fellows of the Royal Society) được gửi câu hỏi qua điện thư, có 23% khoa học gia đã trả lời. Đây là một con số tỉ lệ tương đối cao nếu so sánh với các cuộc nghiên cứu thăm dò khác. Trong bản thăm dò, để trả lời cho câu hỏi ông có tin một Thượng đế có nhân tính (personal God) tồn tại hay không, người trả lời phải chọn 1 trong 7 nấc thang tuỳ vào mức độ tin nhiều hay ít. Hoàn toàn tin thì số 7, còn hoàn toàn không tin thì số 1. Có 3,3% chọn số 7, nghĩa là hoàn toàn tin; và 78,8% chọn số 1, nghĩa là hoàn toàn không tin. Nếu định nghĩa những người vô thần là những người chọn số 1 và số 2, còn những người hữu thần là những người chọn số 6 và số 7, thì kết quả có 213 khoa học gia vô thần và 12 khoa học gia hữu thần. Như vậy, con số tỉ lệ của những khoa học gia vô thần của hội Hoàng Gia tại Anh quốc còn cao hơn con số tỉ lệ của hội Hàn lâm Khoa học Quốc gia ở Mỹ. Kết quả còn cho thấy có một khuynh hướng, mặc dù nhỏ nhưng lại có nhiều ý nghĩa, rằng những nhà sinh vật học thì vô thần hơn những nhà vật lý học. [8]
Kết quả của các cuộc nghiên cứu thăm dò nêu trên đã xác định một khuynh hướng rất rõ nét, rằng càng có trình độ tri thức cao, hoặc càng có hiểu biết nhiều về khoa học, thì niềm tin vào sự tồn tại của một Thượng đế có nhân tính càng giảm theo tính lũy thừa. Đó là lý do tại sao chúng ta đang chứng kiến Thiên Chúa giáo chỉ còn thịnh hành ở những quốc gia chậm tiến, nghèo đói như Phi Châu hoặc Nam Mỹ.
Tóm lại, con số 2,1 tỷ người Thiên Chúa giáo là một con số vô nghĩa, hệ quả của thời Trung cổ khi còn có các tòa án xử người dị giáo và khi cả Âu Châu đều thuộc về Thiên Chúa giáo, bởi lẽ nếu chúng ta xác định rõ ràng định nghĩa thế nào là người Thiên Chúa giáo theo quan điểm của thời hiện đại thì con số đó sẽ phải giảm xuống một cách thảm hại.
Chính trị và tôn giáo là hai lĩnh vực hoàn toàn khác biệt, mặc dù người ta vẫn thường hay lợi dụng tôn giáo để làm chính trị. Đó là chuyện thường ngày ở trong bất cứ một quốc gia nào, kể cả ở VN. Chính trị đồng nghĩa với thủ đoạn để đoạt cho được quyền lực. Khi đã đoạt được quyền lực thì thủ đoạn của mình sẽ dễ dàng được biện minh. Đó là lý do người làm chính trị có khi phải dùng những phương cách vô đạo, chẳng hạn như thà giết lầm còn hơn tha lầm của Cộng sản và mật vụ Cần lao Công giáo. Một lời vọng ngữ của một ông giáo hoàng, giám mục, linh mục, hay của một ông thượng tọa liên quan đến chính trị không phải là điều hiếm hoi, kể cả ở một đất nước có tự do dân chủ như Mỹ quốc.
Ngoài những mánh mung cố tình bẻ cong các sự kiện như đã trình bày ở trên, điểm sai lầm căn bản của tác giả Lữ Giang là ông cố gắng đi tìm những lời tuyên bố vu vơ, liên quan đến chính trị của một vài ông sư để dèm pha cả một tôn giáo. Nếu ông muốn phê bình một tôn giáo, như cái tựa mà ông đã đặt ngay nơi bài viết, thì tốt hơn ông nên trích dẫn những giáo lý căn bản của tôn giáo đó như là những bằng chứng để chứng minh điều ông muốn kết án. Bởi lẽ người ta tin đạo chứ không tin kẻ theo đạo.
Bởi cái tâm ý bất chánh của tác giả Lữ Giang muốn đánh phá vu vơ một tôn giáo nên những lập luận của ông không có điểm nào thuyết phục. Cái mặc cảm làm công cụ cho Mỹ cũng chỉ là một ảo tưởng, bởi nếu cả hai nền Đệ I và Đệ II Cộng hòa đều được nuôi dưỡng và trả lương bởi người Mỹ thì cả miền Nam VN đã là công cụ của Mỹ rồi, huống hồ chẳng có người Mỹ nào nuôi dưỡng và trả lương cho Phật giáo. Nếu cần phải hóa giải mặc cảm như tác giả LG hoang tưởng đòi hỏi thì tất cả người Việt Quốc gia chúng ta cũng cần phải hóa giải cái mặc cảm đó sao? Như vậy, việc ông LG kết án nhóm Giao Điểm và nhóm Đỗ Mậu dùng vọng ngữ đánh phá Công giáo để hóa giải cái mặc cảm không thật này thì không có cơ sở thuyết phục.
Hơn nữa, chúng ta cũng chưa thấy tác giả LG trình bày họ vọng ngữ ở chỗ nào ngoài việc đội cho họ cái nón cối Cộng sản, một thủ đoạn rẻ tiền của những kẻ đuối lý. Điều chúng ta quan tâm là thiên hạ đã làm những gì, chứ không phải cái nhãn hiệu mà chúng ta rất dễ dàng gán cho họ
Trần Tiên Long
Ghi chú:
[1]Title: An analysis of Thich Tri Quang's possible communist affiliations, personality and goals
Date of Creation: August 28, 1964
Date of Declassification: May 24, 1976
Type of Document: Intelligence information cable
Level of Classification: CONFIDENTIAL
Status of Copy: SANITIZED
Pagination, Illustration: 8 p.
Abstract: An Analysis of Thich Tri Quang's Possible Communist Affiliations, Personality and Goals: Situation Report as of 27 August 1964 (assessment is that Tri Quang is not a Communist; he would like to establish a theocracy in South Vietnam). Intelligence Information Cable, TDCS 314/02342-64. Aug. 28, 1964. 8 p. CONFIDENTIAL/NO FOREIGN DISSEM. SANITIZED copy. Released May 24, 1976.
Declassified Documents Reference System Location: 1976-22E
[2]Title: Buddhist political plans and discussions with government leaders
Date of Creation: March 16, 1966
Date of Declassification: October 11, 1979
Type of Document: Intelligence information cable
Level of Classification: NOT GIVEN
Status of Copy: SANITIZED
Pagination, Illustration: 6 p.
Abstract: Buddhist Political Plans and Discussions with Government Leaders [the Buddhists reportedly have plans to install a new government composed of a national assembly, selected by provincial councils, which would write a constitution and organize general elections. PM Ky and Head of State Thieu have reportedly "half agreed" to abandon the present Advisory Council for Building Democracy in favor of a national assembly. Buddhists do not favor a coup or resignation of the present government because a military regime might replace it]. Intelligence Information Cable, TDCS-314/03592-66. Mar. 16, 1966. 6 p. Security classification not given. SANITIZED copy. Released Oct. 11, 1979. Johnson Library, NSF, Countries, Vietnam, Vol. 48.