●   Bản rời    

Người Không Tin Hay Người Vô Thần?

Người Không Tin Hay Người Vô Thần?

Mọi Sự Đều Có Nguyên Nhân Tự Nhiên

Trần Tiên Long

http://sachhiem.net/TTL/TranTL39.php

24-Feb-2013

LTS: Lâu lắm chúng ta mới được nghe một mẫu đối thoại tương kính lẫn nhau và phẩm chất nội dung của đôi bên khá tương đồng. Thoạt đầu do bài dẫn dưới đây được gửi ra diễn đàn. Nick hoang4eb là Bác sĩ Hoàng, chủ Diễn Đàn PhoNang@yahoogroups.com. Xin gửi bạn đọc để thưởng thức theo thứ tự : thư trước ở trên. (SH)

Dẫn:

2013/2/21 qtran

Hai Lối Chứng Minh Không Có Thượng Đế

Quentin Smith / Trần Tiên Long dịch

http://sachhiem.net/TTL/TranTL04.php


From: hoang4eb
Sent: Friday, February 22, 2013 8:06 AM
To: PhoNang@yahoogroups.com
Subject:
[PhoNang] THỈNH Ý VI HỮU TRẦN TIÊN LONG

Kính vi hữu Trần Tiên Long,

Suốt đời tôi học khoa học, do đó hoàn toàn tin vào khoa học và thuyết tiến hóa. Song có một vấn đề này tôi nghĩ chưa thông, rất mong được thỉnh ý vi hữu.

Theo khoa học thì vũ trụ đưọc phát sinh từ big bang, Có thể hiểu là ngay thời điểm thành lập, vũ trụ nhỏ vô cùng, sau đó phình lên như một cái bong bóng và tạo ra không gian mà ta đang sống.

Nếu nghĩ theo lẽ thường thì chung quanh cái bong bóng đó là gian phòng ta đang ở hay bầu không gian mà cái bong bóng nở ra, nhưng trong trường hợp của vũ trụ thì chính bản thân nó đã là không gian, chung quanh nó không có không gian.

Không có không gian thì có nghĩa là nhỏ hơn cả cái nhỏ nhất, hay nói cách khác là không có gì cả.

Điều tôi chưa hiểu đươc là tại sao một cái không có gì cả có thể chứa được một cái không gian vĩ đại. Làm sao một khối không gian vĩ đại lại có trong một cái không có gì cả. Cho dù là có lực gì dđ nữa khiến ta không thể đi tới bên giới giữa vũ trụ và cái hư không bên kia, nhung khi vũ trụ nở ra như cái bong bóng thì thể tích của nó phải có giới hạn, và tại sao bỗng nhiên ngoài cái giới hạn đó thì lại là không có gì cả, kể cả khoảng không?

Tôi chỉ e rằng chúng ta như những anh Peter Pan, Astroboy, trong computer. Nếu các nhân vật hoạt hình đó có được cái ý thức như ta có về không, thời gian, thì chúng sẽ nghĩ rằng, cho rằng, có cảm giác (gọi chung là thức) là chúng bay đi nơi này, bay đi nơi kia. nhưng kỳ thật chúng chẳng có bay đi đâu cả. tất cả chỉ là một cái thức chớ không phải là thực.

Ta bay từ Úc sang Mỹ, từ trái đất lên cung trăng, trong một cái mà ta gọi là không gian, nhưng kỳ thật cái không gian đó lại nằm trong một cái hư không. Astroboy bay cả Thiên hà, nhưng kỳ thực chỉ là tín hiệu trong computer mà thôi.

Đièu mà tôi muốn nói tới là những gì chúng ta luận chỉ gói gọn trong cái gọi logic mà ta có, nhưng phải chăng cái logic đó có thể diễn tả được cái cao hơn, bên ngoài cái logic.

Kính

Hoàng.

--------------------------------------

2013/2/22 qtran <qtran@ec.rr.com>

Mọi Sự Đều Có Nguyên Nhân Tự Nhiên

Kính Bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng,

Xin cám ơn bác sĩ đã tin tưởng và đã đặt ra những câu hỏi hóc búa này. Đó là những câu hỏi chẳng ai có thể trả lời, dĩ nhiên, kể cả tôi; bởi vì chúng ta là những con người hữu hạn trong một không gian giới hạn 3 chiều và thêm một chiều là thời gian. Ngoài cái không gian và thời gian này, chưa có ai trong chúng ta đã từng có kinh nghiệm ở một không gian khác để có thể biết gì về những điều có trước big bang.

Những kiến thức của con người, những giá trị, những nguyên lý mà chúng đặt ra để giải thích mọi hiện tượng thì chỉ có giá trị ở không gian và thời gian chúng ta đang sống. Bên ngoài cái hệ không-thời-gian này, những câu hỏi của Bác Sĩ đặt ra sẽ trở thành vô nghĩa. Ở cái điểm dị thường (singularity) trước khi có big bang thì chẳng có cái gì còn giá trị để có thể áp dụng làm thước đo. Phải cần một hệ thống giá trị khác để phán xét về một hệ không-thời-gian khác. Đó là cái thế kẹt, tiến thoái lưỡng nan của chúng ta.

Tại sao chúng ta không thể nghĩ vũ trụ này thì vô tận, nó phình ra rồi lại xụp lại theo một tiến trình vô tận (in series), nghĩa là big bang thì nằm trong tiến trình vô tận này. Hoặc vũ trụ thì song song, nghĩa là bên ngoài vũ trụ chúng ta đang sống còn có vô vàn vũ trụ khác, cũng phình ra rồi xụp đổ như vũ trụ của chúng ta? Hoặc tại sao chúng ta không nghĩ được vũ trụ thì vô biên, nghĩa là nó không có tận cùng của biên giới. Mọi sự chỉ là biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác. Nó vốn vô thủy vô chung là như thế.

Hoặc nữa, tại sao chúng ta không thể nghĩ tới toàn thể vật chất mà chúng ta nhìn thấy hoặc cảm nhận được trong vũ trụ này thì chỉ là không, một số không to tướng; bởi vì vật chất (matter) nếu gặp phản vật chất (anti matter) sẽ tự động biến mất. Vũ trụ có hình tướng nhưng thực ra lại chẳng có hình tướng gì. Sắc tức thị không hay không tức thị sắc là như vậy. Có duyên thì thành, không duyên thì hoại. Nếu vậy thì việc vũ trụ tự sinh thì cũng không có gì khó hiểu vì nó cũng có thể tự hủy.

Thưa Bác Sĩ, đối với những vấn đề chưa có sự giải thích thì chúng ta chỉ có thể khiêm nhường trả lời rằng chúng ta không biết. Nhưng không biết thì không có nghĩa là sẽ chẳng bao giờ biết. Khoa học khẳng định rằng mọi sự đều có nguyên nhân tự nhiên. Chưa biết nguyên nhân không có nghĩa là không có nguyên nhân. Chính điều khẳng định này đã phát sinh ra khoa học. Ngược lại, những nhà hữu thần thì tin còn có những sinh vật thiêng liêng đằng sau những hiện tượng không có lời giải thích. Đó là một niềm tin mâu thuẫn với khoa học, bởi lẽ nếu ai ai cũng tin như vậy thì đã chẳng có khoa học.

Trân trọng,

Trần Tiên Long

--------------------------------------

From:hoang4eb
Sent: Saturday, February 23, 2013 7:31 AM
To: Pho Nang
Subject:
Fwd: Góp ý về THƯỢNG ĐẾ VỚI VI HỮU TRẦN TIÊN LONG [PhoNang] Mọi Sự Đều Có Nguyên Nhân Tự Nhiên / THỈNH Ý VI HỮU TRẦN TIÊN LONG

Kính vi hữu Trần Tiên Long, Cám ơn vi hữu hồi đáp. Trong phần hồi đáp này, có đôi lần vi hữu nhắc đến khái niệm "trước khi có big bang ( trích "những điều có trước big bang", hay "trước khi có big bang") Theo thiển ý thì khái niệm "trước big bang" không hiện hữu vì thời gian (và không gian) được tạo ra, phát sinh, phát khởi từ big bang. Khi có big bang rồi thì mới có chuyện trước và sau. Có những người bênh vực thuyết sáng tạo cho rằng thưọng đế tạo ra big bang. Tính chất của sự tạo ra là có trước, có sau, nhưng khi không có big bang thì làm gì có thời gian mà trước với sau, mà tạo ra với không tạo ra. Không có bao nhiêu người tìm hiểu sự thành hình, phát khởi của thời gian và họ chỉ nói đâm hơi. Có lẽ những khái niệm căn bản như redshift họ cũng chưa hề biết qua, nhưng lại giành quyền giải thích về thượng đế. Khoảng 13 năm trước, trong lúc dưỡng bệnh, Hoàng có thời gian suy nghiệm và cho rằng thời gian liên quan đến sự chuyển động và kết luận là big bang tạo ra thời gian. May mắn thay, sự suy nghiệm này cũng giống như kết luận của Hawking. Ông nói: "You can't get to a time before the big bang because there was no before the big bang. We have finally found something that doesn't have a cause because there was no time for a cause to exist in. For me, this means there is no possibility of a Creator because there is no time for a Creator to have existed."

"Since time itself began at the moment of the big bang, it was an event that could not have been caused or created by anyone or anything."

http://www.christianpost.com/news/stephen-hawking-something-out-of-nothing-is-possible-53589/

Thật là tâm đắc.

"We have finally found something that doesn't have a cause because there was no time for a cause to exist in". Câu này không tương hợp với tiêu đề "Mọi Sự Đều Có Nguyên Nhân Tự Nhiên" bên dưới.

Thế nhưng Hawking cũng chỉ là một nhà vật lý.

Tại sao tôi lại dùng chữ "chỉ là"?

Lý do là mọi nhận thức vạn vật, không gian, thời gian của chúng ta đều được lọc qua cái "thức" của chúng ta. Do đó, mọi sự diễn tả về thế giới bên ngoài đều theo chủ quan của cái thức. Muốn có một thế giới quan khách quan hơn, vượt ra ngoài cái mà các nhà vật lý như Hawking hiểu, thì điều tiên quyết là phải hiểu về cái thức này. Cái thức có thể tạo ra mọi sự.

Lấy một ví dụ cho dễ hiểu. Một cái camera có ống kính màu hồng. Khi nó thu hình thì cái gì cũng hồng. Bộ computer bên trong dùng cái dữ kiện hồng đó mà phân tích và do đó sẽ không khách quan. Đó là chưa nói tới những khiếm khuyết trong program bên trong camera. Do vậy, muốn hiểu được bên ngoài một cách chính xác thì đầu tiên phải biết được cái lense, cái program bên trong. Vật lý gia chỉ "biết người mà không biết ta", nên tuy họ rất thông minh, logic, những điều họ tìm ra chỉ có tính chủ quan.

Nói dài dòng như vậy để ta đi đến kết luận là ở cấp của mình, chỉ nên nói về điều mình biết. Những người nói có thượng đế mà chưa hiểu vật lý, não khoa, thì còn tệ hơn mù sờ voi. Nhưng cả người hiểu về các thứ đó mà chưa có được hết những câu trả lời mà bảo không có thượng đế thì cũng chưa được.

Điều tôi đồng ý với vi hữu Trần Tiên Long là lập luận của những người theo thuyết sáng tạo thiếu logic, theo tôi là dưới mức được xem là thô thiển. Họ "sáng tạo" ra thượng đế theo cái hiểu biết của họ. Thế nhưng không vì họ tào lao mà ta bác bỏ khái niệm thượng đế. Giả dụ như một thần đồng điện toán nào đó tạo ra được cái thức cho Astroboy, cho những nhân vật hoạt hình trong máy game của y, thì các nhân vật ấy sẽ nghĩ mình bay đi bay lại, tính toán, đo lường, nhưng kỳ thật tất cả chỉ là ảo. Thần đồng đó chính là thượng đế của các nhân vật hoạt hình. Mà ta cũng có thể là các nhân vật hoạt hình này.

Kết luận hôm nay của Hoàng là chúng ta chỉ có thể bác bỏ cái thượng đế mà con người "sáng tạo" ra thôi.

Kính,

Hoàng

--------------------------------------

Subject: Người Không Tin Hay Người Vô Thầ n? / Góp ý về THƯỢNG ĐẾ VỚI VI H ỮU TRẦN TIÊN LONG [PhoNang] Mọi Sự Đều Có Nguyên Nhân Tự Nhiên / THỈNH Ý VI HỮU TRẦN TIÊN LONG
From: "qtran"
Date: Sat, February 23, 2013 8:58 am

Người Không Tin Hay Người Vô Thần?

Kính Bác Sĩ Nguyễn Văn Hoàng,

Một lần nữa, xin chân thành ý kiến đóng góp của Bác Sĩ.

Khi chúng ta đề cập đến trước big bang là chúng ta đang dùng những giá trị của hệ không-thời-gian chúng ta đang sống để nói về một hệ không-thời-gian khác. Đó là một sự sai lầm không thể không có bởi vì chúng ta cũng chỉ là những con người có giới hạn, hoàn toàn mù tịt về những gì liên quan đến không-thời-gian đó. Xin cám ơn Bác Sĩ đã trưng điều này ra.

Tôi cũng đồng ý với Bác Sĩ về vấn đề nguyên nhân, nhưng cần phải bàn thêm một chút. Vấn đề này có nguồn gốc từ lập luận Thiết Kế Thông Minh (Intelligent Design) của các nhà hữu thần. Họ bàn về một nguyên nhân đầu tiên (first cause) để chứng minh Thượng đế phải hiện hữu như là tác nhân cho nguyên nhân đầu tiên đó. Ngày nay, các nhà khoa học khẳng định rằng vũ trụ có thể tự sinh, chẳng cần một tác nhân như Thượng đế để khích động như là một nguyên nhân đầu tiên. Tôi hiểu rằng khi Hawking khẳng định vũ trụ có thể tự sinh, không cần một nguyên nhân đầu tiên khích động, thì ông đang nói về cái nguyên nhân Thượng đế này. Còn cái nguyên nhân tự nhiên vẫn còn đó, đó là các định luật của thiên nhiên. Chính nhờ những định luật đó mà vũ trụ tự sinh, tự tồn, tự hủy, rồi lại tự sinh.

Xin trở lại vấn đề có hay không có Thượng đế. Trong quá khứ, nhóm người không tin được chia ra làm hai loại. Loại thứ nhất là người không tin (agnostic). Họ không khẳng định Thượng đế không hiện hữu. Họ chỉ không tin Thượng đế hiện hữu vì dựa trên những chứng cứ hiện tại đang có. Những chứng cứ đó thì không có giá trị và thuyết phục nên họ không tin. Mai mốt, nếu ai đưa chứng cứ có giá trị hơn, thuyết phục hơn thì họ sẽ tin. Còn người vô thần (atheist) thì xác quyết chắc chắn rằng không có Thượng đế. Nhưng khi chúng ta nhìn vào lịch sử, chúng ta sẽ nhận ra ngay rằng vào thời điểm còn có các tòa án xử dị giáo, những người không tin đều không ai tự nhận mình là người vô thần. Ý nghĩa vô thần một thời được gắn liền với những điều vô luân, vô đạo đức. Ngày nay, thiên hạ còn gắn vô thần với cộng sản. Người không tin chỉ muốn được gọi là người không tin để tránh bị bắt bớ, trù dập bởi một thế lực tôn giáo đầy uy quyền. Trong bản chất, người không tin cũng chính là người vô thần ở điểm tất cả đều không tin có Thượng đế.

Như vậy, khi tôi khẳng định rằng không có Thượng đế là tôi đang dựa vào những chứng cứ hiện tại tôi có được do những người hữu thần cung cấp. Đối với tôi, những chứng cứ đó thì đầy dẫy, nhưng hoàn toàn vô giá trị nếu được thẩm định theo các phương pháp khách quan của khoa học. Nếu mai này có ai lập luận thuyết phục hơn, có những chứng cứ rõ ràng, minh bạch hơn, thì tôi vẫn có cơ hội để đổi ý. Người vô thần không nhắm mắt tin và suốt đời phải cầu xin Chúa để giữ vững đức tin như người hữu thần. Chẳng có ai bắt buộc họ, và cũng chẳng có cái gì để dụ khị (thiên đàng) hay hù dọa (địa ngục) họ. Họ chỉ hành động theo lý trí suy xét, cho dù lý trí cũng có đôi khi sai lầm vì chẳng có thứ gì là tuyệt đối.

Câu kết luận của Bác Sĩ rằng,

“Kết luận hôm nay của Hoàng là chúng ta chỉ có thể bác bỏ cái thượng đế mà con người "sáng tạo" ra thôi.”

là để dành chỗ cho một Thượng đế khác, nhưng bác sĩ lại không cho đọc giả biết là Thượng đế khác đó như thế nào. Mọi sự đều có thể, nhưng chúng ta cần xác định tính xác suất của điều có thể đó là cao hay thấp. Cũng có thể có ông kẹ, ông táo, ông già Noel… bởi lẽ chẳng có ai chứng minh phủ định được những sinh vật tưởng tưởng này. Thượng đế nào cũng vậy, chẳng khác gì ông táo, ông kẹ, ông già Noel.. mà đôi khi chúng ta cũng có cảm nghiệm mơ hồ, nhất là khi còn ở tuổi vị thành niên, chưa đầy đủ trưởng thành. Kết luận của Bác Sĩ chỉ là một kiểu cách nói để làm vấn đề nhẹ nhàng hơn thôi, chứ trong thực chất thì chúng ta chẳng có khác gì nhau.

Bác Sĩ có bàn sơ qua về thức, nhưng theo tôi, cái thức đó cũng tan biến khi con người nằm xuống, bởi vì nó hoàn toàn lệ thuộc vào khối óc của con người. Cũng có lần Bác Sĩ Nguyễn Hoài Vân bàn về ý thức (consciousness) nằm trong mọi vật. Tôi cũng đã có trao đổi trong bài Trao đổi với ông Nguyễn Hoài Vân.

Thường khi chúng ta bàn về Thượng đế thì trước tiên chúng ta cần phải xác định là Thượng đế nào. Có đủ thứ hầm bà lằng Thượng đế nên dễ bị lộn tùng phèo, đưa đến việc ông nói gà, bà nói vịt. Những gì tôi viết và bàn về Thượng đế chính là Thượng đế của Độc Thần giáo mà người tín hữu Ca-tô gọi là Thiên Chúa. Bài Hai Lối Chứng Minh Không Có Thượng Đế tôi đưa ra trong chuỗi điện thư này cũng là về Thượng đế đó. Đó là một Thượng đế toàn năng, có đầy đủ nhân tính hỉ, nộ, ái, ố của con người trong Thánh Kinh (personal God).

Trân trọng,

Trần Tiên Long