LTS: Rất hiếm thấy được một cuộc đàm thoại lành mạnh và trí thức như sau trên các hộp thư chung của người Việt ở hải ngoại. Lần đầu tiên trong quá nhiều năm, độc giả được nghe hai bên trao đổi trong một đề tài mà bản chất thường khó nằm gọn trong khuôn khổ của nó, triết học liên quan đến tôn giáo nhưng lại không bị đánh lạc sang góc độ nhạy cảm, và tuyệt nhất là được biệt lập khỏi lăng kính hay thái độ chính trị. Đây thật là một món quà vừa làm tươi mát cho cuộc sống trí tuệ, vừa đem lại thêm kiến thức cho một số độc giả, vừa làm gương tiêu biểu cho tư cách trong cuộc thảo luận. SH hân hạnh được đăng mẫu chuyện trao đổi đầy thú vị này. (SH)
Trước hết, tôi xin
chân thành cám ơn ông Nguyễn Hoài Vân (NHV) đã bỏ thì
giờ để đọc bài Tôi không theo Pascal và đặc biệt
đã chia sẻ những ý kiến trong tinh thần thân thiện liên
quan đến những gì tôi viết. Đối với tôi, trao đổi với
tất cả mọi người luôn luôn là một niềm vui và vinh hạnh.
Phần nhiều, những góp
ý của ông NHV là để đưa ra những quan điểm trái nghịch
nhưng không cho đọc giả chúng tôi biết ông theo quan
điểm nào, và tại sao. Tôi tin chắc là ông cũng không
theo những quan điểm mà ông đã đưa ra vì rõ ràng chúng
đã lỗi thời và đã từng bị nhiều triết gia vạch ra những
sai lầm. Chẳng hạn quan điểm của St. Augustino, một
thánh cả đã đặt nền tảng cho Thiên chúa giáo, về nhiều
vấn đề thần học như tội tổ tông, tín điều Đức mẹ vô
nhiểm nguyên tội, Chúa cứu thế, Thiên chúa ba ngôi; và
về những vấn đề xã hội như vị thế của người đàn bà trong
gia đình và xã hội, quan điểm về nô lệ, về tình dục v.v…
Tiểu sử cuộc đời của St. Augustino cho chúng ta biết ông
là một người sa đọa và có nhiều ám ảnh về tình dục, và
nhiều quan điểm của ông được người thời nay xem như là
hoang tưởng, hay tệ hại hơn, là trái nghịch với luân lý
và đạo đức.
Vấn đề Thượng đế là
một vấn đề nhạy cảm và hiếm khi có sự đồng thuận. Khi
chúng ta bàn về vấn đề này thì trước tiên chúng ta phải
xác định từ Thượng đế định bàn nằm trong ý nghĩa nào.
Bài Tôi không theo Pascal đã được viết về một
Thượng đế có nhân tính (personal God) của Thiên chúa
giáo còn được gọi là Thiên chúa.
Ông NHV bàn về rất
nhiều vấn đề trong một bài viết, vậy ở đây tôi chỉ xin
trả lời một cách vắn tắt, cố gắng đề cập đến nhiều vấn
đề ông đã nêu ra nên không thể đi sâu vào chi tiết.
Ý niệm về Thượng
đế
Tôi đã có dịp vào
trang nhà của ông và rất khâm phục những tư tưởng tiến
bộ và tự do của ông khi bàn về Thượng đế. Những gì ông
bàn về cầu nguyện như là “nhắc tuồng” một Thượng
đế toàn năng toàn trí, hay thực ra là “ta chỉ thờ ta”,
thì thật là chính xác, khó có thể phủ bác. Nhưng rõ ràng
ông vẫn cố ý vớt vát trong vô vọng về sự hiện hữu của
một Thượng đế, cho dù Thượng đế theo cách ông hiểu hoàn
toàn không phải là Thượng đế có nhân tính của Thiên chúa
giáo.
Sir Edward Tylor hình thành định nghĩa của vạn vật hữu linh (thuyết vật linh).
Quan điểm của ông về
ý thức (consciousness) nằm trong mọi sự vật có nguồn gốc
từ thuyết Duy linh (Animatism: the attribution of
consciousness and personality to natural phenomena such
as thunderstorms and earthquakes and to objects such as
plants and stones) hoặc thuyết Vật linh (Animism: the
doctrine that all natural objects and the universe
itself have souls; animism is common among primitive
peoples), những học thuyết của người sơ khai từ thời
Thượng cổ khi con người chưa biết khoa học. Khi suy diễn
cho tới một ý thức cuối cùng mà ông gọi là Ý Thức Thuần
Túy, ông đã xem đó như là Thượng đế. Đây chính là Thượng
đế của các nhà khoa học như là nguyên nhân đầu tiên mà
tôi đã trình bày trong bài Tôi không theo Pascal.
Quan điểm của tôi thì
hoàn toàn trái nghịch, vì tôi không tin có một ý thức
nằm trong sự vật. Ý thức là của con người gán cho sự vật
chứ chẳng có ý thức nào nằm trong sự vật, cho dù là tiềm
thức hay vô thức. Nếu con người không có khối óc vật
chất thì sẽ không có ý thức. Những hiện tượng thiên
nhiên như sóng thần, động đất, mưa bão, v.v… ngày nay
không còn được tin như là do chủ ý hay ý thức của một
siêu sinh vật nào nữa.
Hơn nữa, khi ông suy
diễn tới một ý thức cuối cùng thì rõ ràng ông đang áp
dụng lập luận thiết kế thông minh (intelligent design
argument), bởi vì ý thức cuối cùng đó, hay điều mà ông
gọi là Ý Thức Thuần Túy, lại nằm ngoài sự vật từ vô thủy
vô chung, trước khi vũ trụ và muôn loài được sáng tạo.
Như vậy, câu hỏi “ai đã tạo ra Thượng đế hay Ý Thức
Thuần Túy” vẫn chưa có câu trả lời. Tại sao vũ trụ cần
phải có nguyên nhân đầu tiên mà Ý Thức Thuần Túy không
cần phải có nguyên nhân đầu tiên? Tại sao Ý Thức Thuần
Túy có thể tự sinh mà vũ trụ không thể tự sinh? Vậy đây
chính là bình mới nhưng vẫn chứa rượu cũ. Chỉ cần đổi ý
thức thành phạm trù nhân quả (causation) và Ý Thức Thuần
Túy thành nguyên nhân đầu tiên (first cause) thì chúng
ta sẽ trở về với lập luận thiết kế thông minh, một phó
sản của thuyết sáng tạo.
Đức tin và Hồng
ân,
Thiên chúa giáo dạy
rằng đức tin là tặng phẩm hay hồng ân của Thiên chúa ban
riêng cho mỗi người. Đó là lý do tại sao khi chúng ta
được rửa tội, linh mục chủ tế hỏi chúng ta xin điều gì
từ Thiên chúa. Người đỡ đầu (god father) của chúng ta
trả lời rằng, xin nhân đức tin.
Quan điểm của tôi thì
cho rằng, đức tin là do giáo dục, chẳng phải là một tặng
phẩm cho không. Người ta có thể giáo dục một người tin
theo điều mình muốn rất dễ dàng nếu cứ tiếp tục nhồi sọ
họ ngay từ khi mới sinh ra. Nếu tôi sinh ra trong một
gia đình Công giáo và được giáo dục theo Công giáo thì
tôi sẽ có đức tin Công giáo. Hoặc nếu tôi sinh ra trong
một gia đình Phật giáo và được giáo dục theo Phật giáo
thì tôi sẽ là một Phật tử. Một điều, cho dù có vô lý đến
cỡ nào, nếu cứ được khéo léo tuyên truyền không ngừng
thì sẽ có vô số người tin theo.
Nếu hiểu đức tin do
hồng ân thì sẽ đưa đến rất nhiều vấn nạn không có giải
đáp. Tặng phẩm hay hồng ân là một quyền lợi, không phải
là một bổn phận, nên ai ai cũng có quyền từ chối. Vậy
tại sao Thiên chúa giáo dạy rằng những người tin Thiên
chúa thì sẽ được hưởng phần thưởng thiên đàng, còn những
người không tin thì sẽ bị đày xuống địa ngục đời đời
kiếp kiếp? Có bao giờ cha mẹ tặng một cái gì cho con cái
và dí súng dọa rằng nếu mày không nhận thì tao sẽ giết
mày? Chẳng lẽ Thiên chúa nhân từ vô cùng mà chúng ta tôn
thờ lại có trái tim độc ác hơn con người? Đó rõ rệt là
thủ đoạn đe dọa làm cho con người sợ hãi và chính nó là
nguồn gốc của đức tin.
Hơn nữa, nếu đã là
tặng phẩm hay hồng ân ban riêng thì sự thưởng phạt không
còn có ý nghĩa gì nữa, bởi vì sự thưởng phạt đã không
được đặt trên căn bản công trạng.
Khoa học và đức tin
Đức tin là tin vào điều vô lý và không có khoa học nào dạy chúng ta tin vào
những điều vô lý. Nếu không phải là điều vô lý thì chẳng
cần đến đức tin. Điều nguy hiểm nằm ở chỗ là bất kỳ tôn
giáo nào cũng có thể nại cớ đức tin để bắt tín đồ tin
theo bất cứ điều vô lý nào. Những cố gắng của những nhà
tôn giáo hữu thần biện minh cho đức tin tôn giáo của họ
đều có thể áp dụng để biện minh cho bất kể đức tin của
bất kỳ tôn giáo nào. Điều chúng ta đang tin có gì chân
thật hơn điều những người khủng bố ôm bom nổ đang tin?
Bởi vậy, tôi cũng có
thể bảo đảm được rằng, nếu chúng ta tôn thờ và cầu
nguyện nơi con kỳ lân mầu tím vô hình (pink invisible
unicorn) bằng một đức tin không lay chuyển như chúng ta
đang tôn thờ và cầu nguyện nơi Thiên chúa, thì chúng ta
cũng sẽ nhận được những điều từ con kỳ lân giống như
những điều chúng ta nhận được từ Thiên chúa. Điều đó cho
chúng ta biết rằng Thiên chúa chỉ là sản phẩm tưởng
tượng của con người, cũng giống như con kỳ lân, không
hơn không kém. Những lập luận cố gắng chứng minh cho sự
hiện hữu của Thiên chúa đều hoàn toàn có thể áp dụng để
chứng minh cho sự hiện hữu của con kỳ lân. Mặc dù vậy,
trên đời chẳng có ai tin con kỳ lân nhưng lại có vô số
người tin Thiên chúa. Vậy đó chính là kết quả của giáo
dục và tuyên truyền.
Các phép lạ, điều
trái nghịch với các định luật của thiên nhiên, thì ở
trong tôn giáo hay thần thoại nào cũng có. Đức tin trong
bản chất không thể đi đôi với khoa học. Những cố gắng
giải thích đức tin cho có vẻ khoa học thực ra chẳng có
chút gì là khoa học.
Vấn đề hạnh phúc
Vấn đề này tôi đã
minh xác ở phần kết luận trong bài Tôi không theo
Pascal. Điều rõ ràng không thể chối cãi là hiện nay
đang có những người vô thần sống rất hạnh phúc và đóng
góp rất nhiều cho phúc lợi xã hội; và ngược lại, cũng
không thiếu những người hữu thần lại có một cuộc sống
không hạnh phúc và làm hại cho xã hội. Hạnh phúc là một
vấn đề cá nhân, tại tâm, và người vô thần hay hữu thần
đều có cái tâm của một con người.
Người tốt thì làm
những điều tốt, còn người xấu thì làm những điều xấu.
Chỉ có tôn giáo hữu thần mới biến người tốt làm điều xấu
mà họ cứ tưởng là tốt lành vì nhân danh đức tin và tôn
giáo của họ. Chứng minh? Xin cứ nhìn những tên khủng bố
ôm bom nổ, các cuộc thánh chiến, tòa án xử dị giáo,
thiêu đốt phù thủy v.v… Tất cả đều phát xuất từ đức tin
của những người tốt lành theo Thiên chúa giáo hữu thần.
Đức tin và vấn đề
thiện ác
Ông NHV lập luận rằng
“Khi anh thích làm một chuyện được coi là "xấu",
thì vì lý do gì anh phải chọn hy sinh sự khoái lạc của
mình để làm điều tốt, thay vì làm điều xấu, nếu không
có một sự thưởng phạt mà anh không thể tránh được,
sẽ đuổi theo anh ngay cả sau khi chết ? Nếu cuộc sống
thực sự chấm dứt khi từ trần, ai cũng như ai, thì việc
gì tôi phải hy sinh cho bất cứ lý do gì?”
Xin trả lời: Đó là
vấn nạn của những người hữu thần, không phải của những
người vô thần. Người vô thần chẳng cần tin có sự thưởng
phạt sau khi chết mà họ cũng vẫn làm những điều tốt lành
cho xã hội. Hãy xem những việc làm từ thiện của Bill
Gates, chủ nhân của Microsoft Corp, một nhà vô thần đã
đóng góp tài chánh nhiều nhất cho những công việc bác
ái, từ thiện. Xin xem danh sách những nhà vô thần nổi
tiếng ở cái link sau:
Vậy chúng ta nên có
sự phân biệt giữa tôn giáo và đạo. Không phải ai ai cũng
có một tôn giáo để theo; nhưng tất cả mọi người đều có
một đạo, ít nhất là đạo làm người. Nếu đã xác định hạnh
phúc của chúng ta liên hệ mật thiết với hạnh phúc của
những người xung quanh thì hành động làm việc thiện của
các nhà vô thần thật dễ hiểu. Hạnh phúc đời này thì ai
ai cũng cảm nhận rành rành trước mắt, còn hạnh phúc đời
sau thì chỉ là chiếc bánh vẽ. Làm điều thiện vì bất cứ
lý do gì cũng đều đáng khuyến khích.
Vai trò của hiện hữu
phản vật chất
Ông NHV gọi
“anti-matter” là phi vật chất. Theo tôi, đúng
hơn, nên gọi đó là phản vật chất vì nó đi đôi với
vật chất như hình với bóng. Tĩnh từ “phi” làm cho người
ta hiểu lầm như là một thứ gì không có thật. Người ta đã
thử nghiệm chứng minh được sự hiện hữu của anti-electron
và anti-proton. Điều quan trọng ở đây là phản vật chất
cũng vẫn hoàn toàn tuân theo các định luật của thiên
nhiên, chẳng hạn như nguyên lý bảo tồn khối lượng, năng
lượng, momentum, định luật E=mc2 của
Einstein, chứ không có một siêu sinh vật nào can thiệp
vào tiến trình phản ứng của nó. Câu nói của Einstein
rằng “nếu bạn làm cùng một việc và theo cùng một cách
thức thì bạn sẽ luôn luôn có kết quả như nhau. Nếu bạn
có kết quả khác có nghĩa là bạn đã làm việc khác hoặc
theo một cách thức khác” cho tới ngày nay vẫn luôn
luôn đúng.
Những thứ mà ông NHV
đề cập, chẳng hạn như âm thanh, ngôn ngữ, ý thức, suy
tưởng, cảm nhận, trí nhớ… tất cả đều là những thuộc tính
(properties) của vật chất, hay sản phẩm của con người
vật chất, không phải là những thực thể (entities) độc
lập, riêng biệt. Những thứ đó chẳng chứng minh được rằng
có một siêu sinh vật đứng phía sau để điều khiển theo ý
muốn của siêu sinh vật đó mà chúng ta gọi là Thiên chúa.
Tất cả đều vận hành, tuân theo những định luật máy móc,
tự nhiên, mà nhà Phật gọi là duyên khởi. Chúng đều là
kết quả của vật chất trong thiên nhiên khi vận hành, chứ
không hề độc lập với vật chất.
Nếu ý thức độc lập
với vật chất thì nó phải có ý chí tự do. Cho đến bây
giờ, chưa có một bộ môn khoa học nào xác định được rằng
có những hiện tượng không tuân theo những những định
luật của thiên nhiên. Mọi sự xảy ra trong trời đất đều
có nguyên nhân tự nhiên, chẳng phải do ý muốn tự do của
một sinh vật thiêng liêng nào.
......Xin cảm ơn anh
Hoàng Thúc Long đã gửi cho bài viết giá
trị này. Xin có vài đóng góp với tác giả
Trần Tiên Long và quý anh chị quan
tâm đến vấn đề :
Đức Tin
và Luận Lý học - Quan điểm "Hồng Ân"
Về Đức Tin, người
Ky Tô giáo cũng biết là nó vô lý, nên
trên nguyên tắc thường không tìm cách lý
luận để chứng minh nó. Augustin nói :
"tôi tin (Chúa) vì điều ấy vô lý" (Je
crois parce que c'est absurde) hay :"Hãy
tin rồi sẽ hiểu, đức tin đến trước, trí
tuệ theo sau". Một câu khá bí hiểm của
Jean de la Croix cũng đáng được lưu ý :
"Với sự tăm tối của nó, Đức Tin làm sáng
lạn sự tăm tối của tâm hồn" ! (Nuits
obscures) (1)
Một cách bình
thường, chúng ta không « tin » vào sự
hiện hữu của màn hình máy vi tính trước
mặt mình. Chúng ta chỉ có thể « tin »
vào một điều đáng làm cho chúng ta nghi
ngờ, kiểu như « hiện có một người mặc
áo trắng thắt cà vạt đỏ đang ngồi ăn phở
trong một căn nhà màu xanh trên ... sao
Hỏa ! » ... Vì thế nhà Phật nhấn mạnh
đến Đại Nghi Tình (Đại nghi đại ngộ,
tiểu nghi tiểu ngộ, bất nghi bất ngộ)
trước Đại Tín Tâm (xem :
http://nguyenhoaivan.com/ default.asp?do=news_detail&id=132&kind=1
- chép dán link vào navigator).
Tuy nhiên, làm sao
để tin được một điều vô lý ? Làm sao một
sự tăm tối có thể soi sáng một sự tăm
tối, như lời Jean de La Croix ? Nói cách
khác, làm sao thắng được một sự hoài
nghi "hợp lý" ? (2) Để giải quyết vấn
nạn này, thần học đề ra khái niệm "hồng
ân". Theo Augustin, hồng ân được ban cho
một số (ít) người (massa praedestinati),
khiến họ có Đức Tin. Những người này sẽ
được cứu rỗi. Quý vị khác (massa
perditionis), được mời tham quan Hỏa
Ngục cho đến ... vĩnh cửu !
Đức Tin có tính
toán của Pascal không phải là một quan
điểm được Thần Học công nhận. Bản thân
Pascal cũng không giữ quan điểm ấy lâu
năm. Ông viết, ngày 23 tháng 11, 1654 :
"Lửa ! Thiên Chúa của Abraham, của
Jacob, của Isaac, không phải của các nhà
khoa học hay triết gia" (Feu. Dieu
d’Abraham, Dieu d’Isaac, Dieu de Jacob,
pas des philosophes ni des savants). Ông
đặt Thiên Chúa ra khỏi phạm trù lý luận.
Trường phái Jansenisme mà Pacal là một
thành viên cũng hướng theo quan điểm về
Hồng Ân như Augustin.
Vấn đề
Hạnh Phúc
Về sự « uổng phí
cuộc đời » nếu tin theo một tôn giáo là
một vấn nạn cổ điển. Đức Ky Tô đã khẳng
định vương quốc của ngài « không thuộc
thế gian này », rằng « vua của thế
gian » không ai khác hơn là Ma Quỷ ...
Tức là hạnh phúc không thuộc đời này, mà
ở đời sau. Tuy nhiên, quan điểm này khi
gặp gỡ trường phái Stoicisme thịnh hành
ở La Mã vào những năm đầu của công
nguyên, thì đưa đến ý niệm hạnh phúc
trong niềm tin, trong sự vâng phục Thiên
Chúa, bất chấp những khó khăn của sống,
tức là ngay trong hiện tại. Phái
stoicisme (khắc kỷ) từ chối mọi lạc thú,
coi việc can đảm làm đúng bổn phận của
mình là niềm vui. Hoàng Đế Marc Aurele
cho rằng sự buồn đau không phải là buồn
đau mà là niềm vui, niềm vui đã can đảm
chịu đựng được chúng (4). Thánh Paul
cũng khuyên người nô lệ nên tiếp tục làm
nô lệ, dù cho mình có thể thoát khỏi
tình trạng ấy, vì đó là ý Chúa (1
Corinthien,VII, 17-23). Như các nhà khắc
kỷ, Paul coi sự chấp nhận là hạnh phúc
... Người theo Ky Tô Giáo còn có một lý
do khác để cảm thấy hạnh phúc, đó là
« tin mừng » mà họ được đón nhận từ đức
Ky Tô. Niềm vui ấy được bổ xung bằng nỗ
lực chia sẻ nó với mọi người khác. Tâm
lý học cho biết chia sẻ một niềm vui với
người khác giúp tăng cường niềm vui ấy.
Khoa Học
trước Đức Tin
Thái độ phủ định
của khoa học trước vấn đề đức tin là
điều không cần thiết, vì nó hiển
nhiên. Chính những người mang Đức Tin
cũng công nhận là niềm tin của họ vô lý
(lời Augustin trích dẫn ở trên). Một
trong những thái độ thích nghi của khoa
học trước vấn đề Đức Tin, hay Thiên
Chúa, là khảo sát những vấn đề ấy trên
quan điểm nhân chủng, khảo cổ, xã hội và
tâm lý học, để tìm xem những gì quy định
chúng, và những quy luật vận hành chúng.
Đứng trên quan điểm khoa học, đó là
những hiện tượng, cần được khảo sát như
mọi hiện tượng, với những ảnh hưởng tiên
liệu được trên hệ thống tương quan xã
hội (xem TƯƠNG
LAI TÔN GIÁO TRONG XÃ HỘI HẬU TÂN TIẾN -
http://nguyenhoaivan.com/default.asp?do=news_detail&id=433&kind=10
- chép dán link vào navigator).
Đức Tin
và vấn đề Thiện Ác
Vấn đề "đạo đức" mà
tác giả đề ra trong bài, hoàn toàn chính
đáng. Người tin Chúa có thể tốt lành
được hay không ? Rất khó ! Vì người ấy
thực sự tốt lành, hay chỉ tốt lành vì sợ
bị Chúa trừng phạt, vì muốn dành một chỗ
tốt trên thiên đàng, hay vì muốn được
hưởng "ơn phước" nơi trần gian ? Ngược
lại, một người không tin Chúa có thể tốt
lành được không ? Cũng không phải dễ !
Kant nói : không ai làm điều xấu vì sự
xấu, mà vì sự khoái lạc của mình, tức là
một điều tốt (on ne fais pas le mal pour
le mal, mais pour son plaisir, ce qui
est un bien). Khi anh thích làm một
chuyện được coi là "xấu", thì vì lý do
gì anh phải chọn hy sinh sự khoái lạc
của mình để làm điều tốt, thay vì làm
điều xấu, nếu không có một sự thưởng
phạt mà anh không thể tránh được,
sẽ đuổi theo anh ngay cả sau khi chết ?
Nếu cuộc sống thực sự chấm dứt khi từ
trần, ai cũng như ai, thì việc gì tôi
phải hy sinh cho bất cứ lý do gì ? Có
thể nào một người lính Cộng Sản, vô thần
và duy vật « trong bản chất », luôn tin
tưởng rằng con người chỉ là « vật chất
động », sẽ chết như chó chết, lại sẵn
sàng xung phong trước lằn đạn của đối
phương ? Để làm gì ? Nhân chủng cũng như
khảo cổ học, cùng với thuyết tiến hóa,
và trong ngắn hạn, neuroscience, có thể
giải thích được phần nào điều này. Tôi
có trình bày sơ qua trong bài :
« Thượng Đế và Thần Linh được tạo ra
như thế nào ? » (http://nguyenhoaivan.com/default.asp?do=news_detail&id=388&kind=10)
Vai trò
của hiện hữu phi vật chất
Vấn đề một sự hiện
hữu phi vật chất cũng là một đề tài lý
thú. Vật chất vẫn còn nhiều bí ẩn đối
với khoa học. Ít nhất là ba vấn đề lớn
vẫn còn chưa được giải đáp : vấn đề
« phản vật chất » (3), vấn đề vật chất
« tối », và vấn đề năng lượng của chân
không. Tức là chúng ta chưa biết rõ vật
chất như thế nào (có khi nào thực sự
biết rõ được hay không ?), và cũng chưa
biết rõ những gì « bên cạnh » vật chất.
Ngoài ra, có những sự hiện hữu « phi vật
chất », nhưng lại có một vài trò rất
quan trọng. Thí dụ âm thanh là một hiện
tượng vật lý, nhưng muốn trở thành tiếng
Việt, tiếng Anh, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, thì
phải cần đến ngôn ngữ, là một hiện tượng
phi vật chất. Nếu không nắm được ngôn
ngữ, như trường hợp anh em chúng mình rủ
nhau nghe một chương trình phát thanh
bằng tiếng Swahili, thì âm thanh nhận
được chỉ là những tiếng động vô nghĩa,
không thể là một bài thơ, một câu
chuyện, một bản tin (5) ... Chúng ta
biết rằng ý thức, suy tưởng, cảm nhận,
trí nhớ v.v... đến từ những phản ứng
điện lực và hóa học của hệ thần kinh.
Thật ra những hoạt động có tính cách vật
lý ấy có đủ để tạo ra tất cả những gì
sinh hoạt tâm trí của chúng ta hay
không ? Phải chăng chúng cũng chỉ như
những âm thanh, còn cần phải có một
« ngôn ngữ », tức một cái gì phi vật
chất, để thực sự làm ra được tư tưởng,
cảm xúc, v.v... ? Tôi đã đề cập đến vấn
đề này trong bài « Ontogenese et
Phylogenese » (http://pagesperso-orange.fr/nguyen.hoai.van/ontogenese_et_phylogenese. htm)
sẽ được dịch sang tiếng Việt trong một
ngày gần đây (bản tóm tắt tiếng Việt :
http://nguyenhoaivan.com/default.asp?do=news_detail&id=118&kind=1
)
Một quan điểm về sự
đồng nhất giữa Thiên Chúa với vật chất
cũng cần được ghi nhận. Ấn Giáo cho rằng
mọi sự hiện hữu đều là thể hiện của
Brahma. Spinoza cho rằng Thiên Chúa là
toàn bộ thế giới tự nhiên (Deus sive
Natura). Như thế, nhà khoa học, khi
nghiên cứu vật chất, cũng chính là tìm
hiểu ... Thiên Chúa ! Dung hòa hai quan
điểm vừa kể, chúng ta có thể nghĩ rằng
vật chất và những gì quanh nó, là những
hiện tượng tương tự như âm thanh trong
một tiếng nói, còn cần đến một yếu tố
phi vật chất như ngôn ngữ để mang một ý
nghĩa, để trở thành cái thế giới mà
chúng ta thường cảm nhận hàng phút, hàng
giây ...
§§§§§§§§§
Các vấn đề này thực
sự không dễ, ít ra là đối với tôi. Nên
xin chia sẻ một cách rất khiêm nhượng
với quý anh chị, và đặc biệt với tác giả
Trần Tiên Long, nhân được đọc và cảm
phục bài viết của anh. Mong sẽ được đón
nhận những ý kiến của anh Long và quý
anh chị.
Nguyễn Hoài
Vân
8 tháng 1
năm 2010
Chú
thích :
(1) Câu này ngược
lại với surate "Noor al noor" (ánh sáng
của ánh sáng) của kinh Coran : ánh sáng
trí tuệ của Thiên Chúa soi sáng trí tuệ
của con người.
(2) Trên thập
giá, khi kêu lên "sao Chúa bỏ tôi ?",
đức Ky Tô cũng phát biểu một sự hoài
nghi to lớn, chứng minh cho nhân tính
của ngài (là người thật - và đồng thời
là Thiên Chúa thật - chứ không phải là
Thiên Chúa giả trang làm con người).
(3) Cơ quan CERN
vừa lưu giữ được trong 1 phần 10 của 1
giây, 38 phản nguyên tử Hyrogen. Nếu sự
tiến bộ này được duy trì thì người ta sẽ
có thể nghiên cứu những đặc tính của
phản vật chất, như ảnh hưởng của lực hấp
dẫn trên chúng (được « buông ra », chúng
sẽ « rơi xuống » hay sẽ « bay lên » ?)
(4) Ông viết, trên bờ sông Danube, giữa
một cuộc chinh chiến rất hãi hùng (phim
« Gladiator » với Russel Crowe hay « The
fall of the roman empire » với Sophia
Loren ...) : A
propos de tout ce qui provoque en toi la
tristesse, souviens-toi d'user de ce
dogme: non seulement ceci n'est pas un
malheur, mais c'est un bonheur de le
supporter avec courage - Marc Aurèle.
(5) Bất quá hiểu được câu « hakuna
matata » nhờ xem « Lion King » ...
From: thaoluan9@yahoogroups.com
[mailto:thaoluan9@yahoogroups.com] On
Behalf Of NGUYEN Hoai Van
Sent: Thursday, January 13, 2011
8:08 PM
To: nhiều địa chỉ và thư nhóm...
Subject: [Thaoluan9] Re:
[ChinhNghiaViet] Trao đổi với ông NHV về
bài "Tôi không theo Pascal"
Kính thưa anh Trần
Tiên Long,
Xin cảm ơn bài trả
lời của anh. Anh nghĩ đúng : tôi không
có một lập trường cố định, và những gì
tôi trình bày chỉ là sự liệt kê những
biện minh có thể có, cho các vấn đề được
đưa ra. Riêng tôi, thành thực mà nói là
tôi có thể đào xâu vài giả thuyết mà tôi
thấy thích thú, nhưng bảo là "theo", thì
đúng là một ngưỡng cửa mà tôi chưa bước
qua được !
Thí dụ hôm nay tôi
có nói chuyện về các cách chứng minh
Thượng Đế. Tôi trình bày các lập luận
như "preuve ontologique" (bằng chứng
"bản thể"), của Anselme, Descartes
v.v.., lập luận của Berkeley, ý tưởng về
"Thiên Chúa của Whitehead" (một nhà toán
học), ý tưởng về một "trạng thái tri
hành" gắn liền với vật chất ở mọi trình
độ, tôi suy ra từ cấu trúc chủ nghĩa và
lý thuyết của Saussure về ngôn ngữ, giả
thuyết "ý thức" độc lập với vật chất (có
khi tôi dùng đến trong tâm lý trị liệu),
và vài thứ linh tinh khác ... Chắc chắn
còn nhiều lý thuyết khác mà tôi
chưa được biết.
Lập luận để phủ
nhận Thượng Đế thì không có gì cần khai
triển nhiều, vì như anh đã cắt nghĩa,
chỉ cần tuân theo luận lý cơ bản.
Về "nhân tính" của
Thiên Chúa, chúng ta có thể ghi nhận
đóng góp tương đồng của Phật Giáo và Ky
Tô Giáo. Cả hai đều quan niệm Phật, hay
Chúa ở trong chúng ta. Câu "Chúng sinh
thị Phật" hay câu của Đức Ky Tô "con là
một với Cha, và họ làm một với con" đều
cho thấy một sự hợp nhất giữa con người
và Phật, Chúa. "Tin Mừng" của Ky Tô Giáo
chính là "khám phá" ấy ...
Antimatter tôi cũng
dịch là "phản vật chất". Nó cũng là vật
chất dù các đặc tính của nó chưa được
biết nhiều ...
Câu của Einstein mà
anh trích dẫn chỉ có giá trị cho những
cấu trúc vật chất ở trình độ cao. Trong
vật lý lượng tử thì có thể "vừa là thế
này, vừa là thế khác" (flou quantique -
Heisenberg - phương trình Schrodinger
...). Đối với sự sống, thì các nhà luận
lý học, từ Heraclite, và sau này Hegel
và Marx đưa ra luận lý biện chứng (sự
vật là và không là ...), thay cho luận
lý hình thức (hoặc là, hoặc không là -
nguyên tắc triệt tam của Aristote). Biện
chứng của Hegel đưa đến Thiên Chúa
(hợp đề tối thượng), trong khi Marx thì
... không :-)
Xin đồng ý với anh
về đạo đức phi tôn giáo. Vấn đề chỉ là
cắt nghĩa nó. Tôi đã viết về đề tài này
ở nhiều chỗ (đại khái : sự di truyền của
"ý thức hợp tác" nơi những cộng đồng
người nguyên thủy, từng giúp cho các
cộng ấy tồn tại, truyền đến ngày nay,
hóa thành ý thức "thiện ác"). Phim "Gran
Torino" đem lại một cái nhìn lý thú về
đề tài này. Xem :
http://nguyenhoaivan.com/default.asp?do=news_detail&id=243&kind=2
Tôn giáo có những
đóng góp của nó, và có thể tốt hay xấu,
tùy thời đại, tùy nơi chốn, tùy cấu trúc
xã hội, và tùy ... tôn giáo :-) Có những
quan điểm cho rằng tôn giáo là một thành
tố không thể thiếu trong một xã hội
(Emile Durkheim). Hay Max Weber cho rằng
Cách Mạng Kỹ Nghệ và Tư Bản Chủ Nghĩa
đến từ ... đạo Tin Lành ! (xem :
http://nguyenhoaivan.com/default.asp?do=news_detail&id=433&kind=10)
. Ngay đến Marx cũng công nhận vai trò
tích cực của tôn giáo trong nhiều trường
hợp ...
Về hạnh phúc, xin
thêm là : hạnh phúc đòi hỏi thời gian,
trong khi lạc thú là chuyện giai đoạn.
Thời gian luôn hủy diệt, làm hư hoại,
nên chúng ta có thể dễ có lạc thú, nhưng
nếu tin vào hạnh phúc thì chính là mù
quáng phủ nhận thời gian ... Nhiều tôn
giáo ý thức điều ấy nên dời hạnh phúc
sang "đời sau", khi thời gian không còn
ảnh hưởng, cho tiện đường dư luận !
Nói chung, tôi
không có gì để phản bác những lý luận
của anh. Có chăng là thêm thắt gợi vài
suy nghĩ cho vui thôi. Giả sử có được
chút hữu ích, thì chỉ là cho thấy trong
suốt dòng lịch sử, nhiều quan điểm đã
được đưa ra, nhiều cuộc hành trình tâm
trí đã được thực hiện. Chúng đều tuân
theo những quy luật và ưu tư rất
"người". Chúng ta có thể chia sẻ những
ưu tư, thắc mắc ấy, mặc dù không nhất
thiết đồng ý với những kết luận, những
điểm đến, của mọi suy nghĩ (*).
Vân
(*) đương nhiên là
phải chống lại những quan điểm cực đoan
quá khích ...