●   Bản rời    

Vài Lời Với Cháu Phê Bình Sách Hiếm

Vài Lời Với Cháu Phê Bình Sách Hiếm

Trần Tiên Long

http://sachhiem.net/TTL/TTLkh05.php

22-Oct-2012

Bác định thôi, không trả lời những kiểu cách “phê bình” như cháu đang “phê bình” nữa, nhưng vì thấy cháu cứ tiếp tục gửi đi gửi lại trong mấy ngày nay cùng một bài viết gọi là “để dạy dỗ bác”, và còn được vài con chiên vỗ tay hoan hô nhiệt liệt tiếp tục chuyển vào diễn đàn, buộc lòng bác phải mất thêm thì giờ để trả lời cho cháu. Thôi thì bác cám ơn cháu đã có những lời “tử tế và nhân ái” đó.  Ở bài viết này, bác muốn trình bày những gì bác nghĩ về bài của cháu.

1. Cháu nên cần phân biệt giữa sự kiện và ý kiến. Sự kiện thì bao giờ cũng vẫn là sự kiện, hoàn toàn khách quan, cho dù nó có được lập lại từ bất cứ người nào, trong khi ý kiến thì chỉ có tính cách cá nhân, rất chủ quan, hoàn toàn tùy thuộc vào quan điểm và thành kiến của mỗi người.

Hai câu trích dẫn của con số [1] và [7] trong bài Những Ngụy Biện Của Các Nhà Biện Giải TCG Chống Phá Thuyết Tiến Hóa đều là trích dẫn về các sự kiện, chẳng phải là ý kiến của tác giả. Tác giả chỉ dựa vào sự kiện để đưa ra các ý kiến trong một bài viết. Câu bác trích dẫn ở số [1] là một lời tuyên bố của Hàn Lâm Viện Quốc Gia Hoa Kỳ như sau:

“Hàn Lâm Viện Khoa Học Quốc Gia Hoa Kỳ (U.S. National Academy of Sciences), một tổ chức cao cấp nhất và có tiếng nói quyết định trong các vấn đề khoa học, đã công khai xác quyết năm 1998 rằng,

“Trong cộng đồng khoa học, không còn có sự tranh luận về sự tiến hóa có xảy ra hay không, và không có bằng chứng nào chứng tỏ là sự tiến hóa đã không xảy ra.” [1]  ”

Lời tuyên bố của Hàn Lâm Viện Quốc Gia Hoa Kỳ như trên là một sự kiện bất khả phủ bác. Bác đã từng đọc lời tuyên bố này bằng tiếng Mỹ ở trong các bài viết khác mà bác không còn nhớ. Và câu trích dẫn ở con số [7] chỉ là một sự nhắc nhở với ông BKDC CTT về bàiNhững Thủ Đoạn Mánh Mung Chống Phá Thuyết Tiến Hóa (http://sachhiem.net/TTL/TranTL11.php) mà bác đã đưa vào diễn đàn. Việc bác đã viết bài đó và đã đưa vào diễn đàn cũng là một sự kiện bất khả phủ bác. Cái nguồn ở con số [7] dẫn ngay đến bài viết chỉ để tiện cho đọc giả dễ tìm kiếm. Nếu đó là những sự kiện thì không thể xem là “rác” chỉ vì duy nhất chúng đang nằm ở các nguồn mà cháu không thích.

Một lần nữa, bác muốn nhắc cháu rằng tốt hơn cháu nên trưng ra các bằng chứng để chứng minh những sự kiện đó không có thực, thay vì cứ lập luận theo kiểu vơ đũa cả nắm, thấy cái gì có liên hệ đến người mình không thích thì gọi là “rác”, còn từ người mình thích thì mới là chân thật.

2. Khi cháu “phê bình” thì cháu nên giới hạn những gì liên quan đến chủ đề và văn cảnh của một bài mà cháu muốn phê bình. Tiếc rằng những điều cháu nêu ra đều hoàn toàn lạc đề, không có gì để phản bác được bất cứ một luận điểm nào của tác giả, ngoài những suy diễn vu vơ, chẳng liên quan đến chủ đề của tác giả đang bàn, để từ đó cháu đưa ra kết luận “có hàng chục lỗi sai lầm cần phải sửa lại”.

Chẳng hạn, khi bác bàn về sự sống trên quả địa cầu thì cháu lại lạc đề bàn về entropy trong vũ trụ. Điều cháu đem ra bàn không biện minh được một góc cạnh nào của cái lối ngụy biện mang định luật II của Nhiệt Động Lực Học về entropy của các nhà biện giải Thiên Chúa Giáo để phản bác thuyết tiến hóa khoa học; bởi lẽ những nhà ngụy biện này đang áp dụng định luật II vào một hệ thống mở mà cứ tưởng là khép kín, và đó là chủ đề trong phần mà tác giả muốn bàn.

Bây giờ cháu lại khoanh tròn cả vũ trụ và gọi đó là hệ khép kín chỉ cốt để áp dụng định luật về entropy thì càng phản bác thêm cái lối ngụy biện của các nhà biện giải, bởi vì năng lượng entropy có thể thất thoát ra ngoài quả địa cầu để bay vào không gian của vũ trụ nên điều khẳng định của họ rằng sự hổn độn hay năng lượng entropy ở trái đất càng ngày càng gia tăng ngoại trừ có sự can thiệp của một hữu thể thiêng liêng là một điều khẳng định hoàn toàn sai lầm. Chẳng hạn, nếu những thứ hổn độn trong một căn nhà, điển hình như rác rưới, được quăng ra khỏi nhà thì sự ngăn nắp và sạch sẽ của căn nhà đó sẽ được duy trì. Như vậy, entropy trong căn nhà không tăng mãi theo thời gian, nhưng entropy ở ngoài sân lại cứ tăng dần. Ở trong toàn cõi vũ trụ, entropy chỗ này tăng thì có chỗ khác entropy lại giảm, bởi vì chỗ này không bị đóng kín, tách rời khỏi chổ khác. Đó là nguyên nhân giải thích tại sao có những ngôi sao phải xụp đổ. Mặt trời của thái dương hệ này cũng sẽ có ngày tắt. Vạn pháp biến đổi. Thành, trụ, hoại, diệt là lẽ vô thường của vạn vật.

Như vậy, việc cháu bàn về một vũ trụ đóng khép không giúp biện minh được lập luận ngụy biện của các nhà biện giải cho Thiên Chúa Giáo, nếu không muốn nói là càng phản biện trái ngược, và do đó, cũng không phản bác được lập luận của tác giả đang phản biện lại cái lối ngụy biện của họ. Vậy cái chủ tâm của cháu mang nó ra để làm gì trong một bài mà cháu gọi là “phê bình”, nếu không phải rõ ràng là lạc đề? Cháu có thể mang kiến thức của cháu để viết thành một bài riêng, vì cái kiến thức đó không ăn nhập gì với những lập luận của bác nếu cháu muốn phản bác, và của các nhà biện giải TCG nếu cháu muốn biện hộ cho họ.

Từ cái lối trình bày một vấn đề ra ngoài văn cảnh, chẳng ăn nhập gì với chủ đề của tác giả, không thể đi đến kết luận là bài viết “mới lướt sơ qua có hàng chục lỗi sai cần phải sửa lại”. Thiên hạ đang bàn về một trái táo chua, cháu lại bàn về một trái cam ngọt để rồi kết luận là thiên hạ sai vì trái cam của cháu ngọt. Việc khoanh tròn quả đất và việc khoanh tròn toàn cõi vũ trụ để áp dụng định luật II về entropy của Nhiệt Động Lực Học là hai bài toán hoàn toàn khác nhau, đưa đến những phương trình khác nhau.

3. Còn cái lối lập luận suy diễn khơi khơi của cháu gán cho tác giả cái ý tưởng mà họ không có là cái lối ngụy biện của một người rơm. Cháu cứ phải mất công dựng nên một người rơm rồi cũng chính cháu lại mất công quật người rơm đó xuống, chẳng liên hệ gì tới tác giả. Lập lại một ý tưởng trái nghịch với câu văn của tác giả cũng giống như khi có người đưa ra nhận định rằng Socrates là một nhà hiền triết đạo đức thì cháu lại phản biện kết án lại rằng người ta đang nói tất cả những người khác, không phải Socrates, là vô đạo đức. Cái nguy hiểm của lối lập luận suy diễn khơi khơi như vậy là thiên hạ có thể xuyên tạc nhau một cách rất dễ dàng về bất cứ vấn đề gì.

Cũng vậy, bác không thấy cháu kể đến những ngành kỹ sư khác cũng phải học môn Nhiệt Động Lực Học, chẳng hạn như kỹ sư điện, kỹ sư không gian, hoặc kỹ sư công chánh, hoặc còn vô số những ngành khác nữa mà chẳng ai muốn mất thì giờ kể ra, chẳng lẽ người ta lại bắt lỗi cháu như cháu đang bắt lỗi bác sao? Việc người ta không nhắc đến là một sự chọn lựa chủ quan để còn có chỗ bàn về những điều mà họ cho là cần thiết hơn, có liên quan đến lập luận của họ. Đó không phải là vấn đề đúng hay sai. Đối với cháu có thể là cần thiết, nhưng đối với thiên hạ thì họ không cho là cần thiết.

Có cần phải mang những chuyện lắt nhắt, nhỏ nhặt như vậy để làm cớ chửi rủa, mạ lỵ nhau giữa chốn công cộng không? Và chuyện ai đúng hay ai sai thì cũng nên để công luận phán xét. Ý kiến đối nghịch là chuyện bình thường ở một xã hội có tự do dân chủ. Chỉ vì ý kiến khác nhau mà phải chửi rủa, nhục mạ nhau thì bác sẽ không bao giờ muốn làm. Bác sẽ tranh đấu đến cùng để mọi người có quyền trình bày ý kiến của họ cho dù nhiều khi bác không đồng ý với những ý kiến của họ.

Trần Tiên Long

Havelock, NC

21 Oct 2012

 


Xin xem thư của PBSH ở đây -> Xin phép được dạy khôn ông Trần Tiên Long ....