●   Bản rời    

VATICAN:CH31- Hai Cảnh Đời Trái Ngược (Nguyễn Mạnh Quang)

GIÁO HỘI LA MÃ:

LỊCH SỬ VÀ HỒ SƠ TỘI ÁC

- Nguyễn Mạnh Quang -

http://sachhiem.net/NMQ/HOSOTOIAC/CH31.php

14 Jan, 2008

Các Chương trong Mục X: Lời đầu  26  27  28  29  30  31 


CHƯƠNG 31


HAI CẢNH ĐỜI TRÁI NGƯỢC


 

Chính sách cai trị tham tàn và bạo ngược của chính quyền Liên Minh Pháp Vatican đã khiến xã hội Việt Nam ta rơi vào hai cảnh đời trái ngược:

1.- Một bên là đại khối nhân dân Việt Nam bị trị, bị áp bức và bị bóc lột tàn nhẫn đến độ phải rơi vào thảm cảnh đói khổ triền miên, phải sống trong cảnh nhà tranh vách lá không đủ chống đỡ với những cơn mưa giông gió bão, không có đủ cơm để ăn, không có đủ áo mặc để chống lạnh dù là suốt quanh năm 12 tháng, ngày nào cũng như ngày nào họ đều phài làm lụng cực nhọc quần quật từ lúc sớm tinh sương cho đến khi màn đêm buông xuống mới ngơi tay làm.

2.- Một bên là giai cấp thống trị gồm một nhóm thiểu số người Pháp, nhóm thiểu số tu sĩ và tín đồ Da-tô cùng với bọn quan lại Việt gian làm tay sai cho Nhà Nước Bảo Hộ. Những người này sống biệt lập với đại khối nhân dân bị trị. Nhóm người Pháp, bọn tu sĩ chức sắc Da-tô và bọn quan lại Việt gian sống trong những căn nhà to lớn, rộng rãi thênh thang như lâu đài hay dinh thự hoặc biệt thự ở trong những khu phố riêng biệt dành cho những người có thế lực vừa giầu có, vừa nắm giữ những chức vụ cao trọng trong chính quyền cũng như trong tất cả các ngành sinh hoạt ở ngoài xã hội. Ở bất kỳ ngành sinh hoạt nào, họ cũng là những ông chủ được nhà nước Bảo Hộ Pháp – Vatican đứng sau bảo trợ. Nhóm thiểu số tín đồ Da-tô sống trong các xóm đạo hay làng đạo hoặc giáo khu riêng rẽ biệt lập, tách rời hẳn cộng đồng dân tộc theo tam giáo cổ truyền. Sự kiện này được Linh mục Trần Tam Tỉnh ghi lại sự kiện này trong cuốn Thập Giá và Lưỡi Gươm như sau:

"Ngọai trừ các cụm nhà thành thị dân chúng sống lẫn lộn, người Công Giáo thường được tập trung lại thành làng xóm riêng, tách rời khỏi người lương, sống chen chúc quanh tháp nhà thờ xây theo kiểu Tây, chọc lên trời, cao vượt khỏi lũy tre. Bị đóng khung và được đòan ngũ hóa bởi hàng giáo sĩ, họ trở thành một lực lượng quần chúng, một lực lượng đáng ghê sợ khi cha xứ kêu gọi họ đứng lên bảo vệ đức tin, bảo vệ nhà thờ. Hệ thống ốc đảo đó tách biệt và cô lập phần lớn giáo dân khỏi liên hệ với đồng bào, thúc đẩy họ từ khước, tẩy chay bất cứ điều gì không được Giáo Hội chính thức phê chuẩn, chẳng hạn sách Truyện Kiều, một kiệt tác văn thơ cổ điển của Việt Nam, hoặc các tài liệu cách mạng đều bị cho là ngược với đạo. Các sách của Voltaire, Montesquieu, khỏi nói tới Các Mác, vừa bị nhà nước thuộc địa cấm, vừa bị giáo luật khai trừ, nhưng ngay cuốn sách thánh đã dịch ra tiếng bản xứ mà cũng chẳng ai được biết đến (có một bản sách thánh in bằng hai thứ tiếng La Tinh và Việt ngữ, khổ lớn, nằm trong thư viện các chủng viện và một vài cha xứ, còn giáo dân thì không thể rờ tới)”[66]

 

A.- CẢNH ĐỜI ĐÓI KHỔ CỦA DÂN TA TRONG THỜI 1858-1945

Phần trình bày trong các Chương 27, 28, 29, 30 và mấy đoạn văn ở trên trong Chương 31 này cho chúng ta thấy rõ thảm cảnh đói khổ của dân ta trong thời 1858-1945 và càng về sau, dân ta càng khốn khổ hơn trước. Thảm cảnh này càng ngày càng trở nên trầm trọng. Trầm trọng nhất là thảm cảnh chết đói của dân ta vào mấy tháng mùa xuân năm Ất Dậu 1945. Nói về nạn đói này, tác giả Nam Trực ghi lại trong cuốn Việt Nam Khúc Quanh Lịch Sử 1995 như sau:

"Ký ức về tuổi ấu thơ của tôi được đánh dấu bằng nạn đói khốc liệt tháng 3 năm Ất Dậu 1945, hình ảnh của những em bé như tôi nếu được ghi lại có lẽ không khác gì với những em bé Somalie khốn khổ mà ta thấy trên đài truyền hình mới đây. Các em Somalie ấy còn khá hơn chúng tôi rất nhiều vì thế giới còn ra tay giúp đỡ để sớm chấm dứt nạn đói, chúng tôi thì không.

Nếu không có sự giúp đỡ của người chị họ cũng chỉ hơn tôi mấy tuổi, có lẽ tôi đã là con số 2.000.000.1 vô nghĩa hồi 1945 rồi. Cái ơn ấy tôi chưa trả được. 35 năm sau gặp lại, bà chị họ vẫn chân lấm tay bùn. Thật tội nghiệp."[67]

Ông Phạm Văn Liễu ghi lại cảnh người chết đói này trong cuốn Trả Ta Sông Núi với nguyên văn như sau:

"Từ dịp Tết Nguyên Đán Ất Dậu (13/2/1945), nạn đói bắt đầu hoành hành nặng ở Bắc và Bắc Trung Việt. Mấy tỉnh Phủ Lý, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, người chết như rạ. Có làng chết không còn một người nào. Người ta kéo nhau bỏ làng xóm đi xin ăn. Thoạt tiên là những làng khá giả lân cận. Rồi đến những phố chợ, huyện lỵ, phủ lỵ, nơi có tin đồn đang được phát chẩn, hay có các kho thóc đầy ắp. Dọc đường dẫn đến các thị trấn, tỉnh lỵ, hay các thị xã Hải Phòng, Hà Nội, thây người chết nằm lẫn với bộ xương bọc da đang thoi thóp, ngắc ngoải, chỉ còn lại những cặp mắt trắng dã đờ đẫn chìm khuất trong hốc mắt tối tăm u ám như địa ngục, những ngón tay cong queo, khô cứng quá mệt mỏi, lả đuối đến độ không còn đủ tàn lực đưa lên xua đuổi những bầy ruồi nhặng đang vo ve bay đáp lên mặt mũi, đầu óc như bầy thiên thần xúm xít quanh những lễ vật gia đình Noah [Nô-e] sau cơn hồng thủy. Đó đây có những cảnh thương tâm như mấy đứa trẻ chừng 1, 2 tuổi xanh xao, còm cõi, thoi thóp nhai bú bầu sữa xẹp lép của người mẹ mà tử thi đã chớm lên mùi.

Tại Hà Nội, những bộ xương biết đi của nông dân các tỉnh miền Nam (Bắc Kỳ) tha phương khất thực nằm chết la liệt trên vỉa hè, ngoài đường phố, trước cửa nhà. Sáng sáng, chủ nhà vừa mở cửa là thấy ngay vài ba thây ma. Nhiều khi cả một gia đình già trẻ lớn bé, nằm co quắp trước hàng hiên. Việc duy nhất có thể làm là chờ xe xúc xác đi qua, cho người xối gội nước cho tạm sạch sẽ. Và chờ đợi những thây ma mới đêm sau, hay đêm sau nữa. Theo thông cáo của giới thẩm quyền hồi đó, vào khoảng tháng 6/1945, đã có hơn một triệu người chết đói.."[68]

Cụ Đoàn Thêm ghi lại thảm cảnh trong cuốn Những Ngày Chưa Quên như sau:

"Từ tháng chạp (1944) không thấy bóng chị hàng sáo quen vẫn quẩy gạo trắng từ ngoại ô vào Hà Nội bán cho gia đình tôi; nghe nói thôn quê không còn dư để cung cấp cho thành phố nữa. Nên người nhà tôi phải đi đong gạo tiếp tế vừa đỏ vừa rắn, lại phải mang thẻ phân phối đứng nối đuôi dài trước tiệm buôn lẻ và chầu chực hàng giờ; có khi đợi lâu quá, đành trả một vài hào cho người đến trước để được nhường chỗ. Chỗ đứng cũng bị đầu cơ do những kẻ chuyên đi choán chỗ sớm để buộc người nóng ruột bỏ tiền ra mua quyền ưu tiên.

Dù sao, cũng còn đủ cơm; một sự quá tầm thường như vậy đã thành sự may mắn đáng ghi, vì càng ngày càng đói kém, càng bi đát. Lắm nhà đông con phải thải bớt đầy tớ, dè sẻn gạo, bữa cơm bữa cháo. Trẻ nghèo bới đống rác nhặt mẩu xương hay miếng cháy. Có đứa rình trước tiệm bánh mì, gặp trẻ khác mua được một khúc, thì cướp, rồi vừa chạy vừa nhai nghiến ngấu. Dân quê rủ nhau đến Hà Nội kiếm ăn, vì tưởng ràng ở đây thừa gạo dự trữ; nhiều người chỉ xin làm việc không lương, miễn là được mỗi ngày hai bữa, nhưng chẳng ai dám mượn. Các hội thiện phải lập những trại tạm trú ở quanh thành phố, như tại xã Giáp-nhất, Giáp-nhì, Gíáp-bát, bãi cát Phác-xá bên sông Nhị Hà: hàng ngàn người cầu thực được chứa tại đó, và cấp cháo nấu bằng gạo lạc quyên. Nhưng số người cứ tăng mãi, cứu tế làm sao cho đủ? Bao hành khất hốc hác như bộ xương ma, được đồng tiền không lấy, chỉ xin cơm. Một ông già đã quá đuối sức vừa nhận được nắm xôi chưa kịp bỏ vào mồm, đã lả ra tắt thở. Nhiều thây gục chết ở đầu hè, góc chợ, được chở vô nhà xác thủ đô. Ở nhiều vùng, dân chết cả nhà, cả xóm, hay gần cả làng. Hết gạo, hết khoai, hết chó mèo, hết chim, hết chuột, hết củ chuối, người ta làm thịt con nít. Sự thảm khốc này, dĩ nhiên là khó tin. Nhưng tới năm 1947, nhân dịp tản cư chạy về hạt Xuân Trường, tỉnh Nam Định, tôi đã có lần bước vào một ngôi nhà trống. Hỏi vì sao nơi đây hoang vắng, thì được mách rằng không ai dám đến ở, vì cả gia đình khổ chủ đã chết từ năm 1945, sau khi nấu một đứa con nhỏ làm món "nhựa mận" ăn cho đỡ đói.

Trời ra tai, trời gieo tai! Tôi đã từng nghe kêu than như vậy hồi 1926, khi bệnh dịch tả sát hại hàng vạn người, khi bao nấm mồ rắc vôi bột mọc trắng trên các cánh đồng. Những lời thống thiết kia, tới năm thần đói đã qua, còn vẳng một dư âm khủng khiếp gấp bội, trước một thảm họa chưa bao giờ gặp trong một xứ đầy ruộng lúa mênh mông.

Số nạn nhân đã lên ước chừng một triệu, hai triệu, riêng tôi tưởng không biết bao nhiêu mà kể. Giới cầm quyền hồi đó vì che đậy, đã gán lỗi cho thiên tai....".[69]

Ngòai những bài viết trên đây hay những bài viết khác nói về thảm cảnh chết đói này, còn có một bài hát với tựa đề là "Con Đò Đua Xác" (lời của Nguyễn Văn Đức, nhạc của Ngọc Bích), nói lên cái tâm trạng đau xót của một ông già dùng một con thuyền làm xe tang chở xác người con thân thương trong một đêm trăng trên một dòng sông vắng lạnh. Độc giả có thể tìm nghe bản nhạc này để biết thêm về nỗi lòng đau xót của nhân dân ta trong thảm cảnh này vào lúc đó.

Nói về thảm trạng chết đói trong mùa xuân năn Ất Dậu 1945, chính mắt người viết đã chứng kiến ngay tại tổng Tô Xuyên, những người đói rách chống gậy đi ăn mày: Người thì lang thang lếch thếch, kẻ thì mệt lả ngã gục bên đường. Hầu như ở đâu cũng thấy có người chết đói: Ngày nào cũng như ngày nào, từ vỉa hè, góc chợ, thềm đình, góc quán, nơi nào cũng có xác người chết thảm thương. Mỗi sáng, phu tuần phải đi tuần tra tất cả những nơi nào khả nghi có thể có người ăn xin đã chết trong đêm hôm trước. Mới đầu, mỗi ngày chỉ có hai hay ba người chết. Với con số ít oi như vây, anh em phu tuần còn có thể đào chôn mỗi người một lỗ huyệt và còn có được một hay hai tầu lá chuối lót thay làm quan tài. Nhưng rồi khi con số người chết tăng lên đến sáu hay bảy người một ngày, anh em phu tuần không còn đủ sức lực để đào chôn mỗi người một lỗ huyệt và cũng không thể kiếm được một tầu lá chuối lót thay cho quan tài. Họ chỉ còn đủ sức đào một cái lỗ lớn để sẵn, rồi chia nhau đi lục lọi những nơi nào khả nghi, lượm được xác chết nào thì họ khiêng ra bỏ vào cái lỗ đó. Chờ đến tối mịt, không còn lượm thêm được xác chết nào nữa, họ mới lấp đất phủ lên, chôn tập thể. Tình trạng này kéo dài từ tháng cuối tháng 2 cho đến cuối tháng 5 năm 1945, khi có thu hoạch mùa lúa Chiêm mới chấm dứt.

Tình cảnh dân ta trong thời 1858-1945 khốn nạn là như vậy!

Vì đâu mà dân ta lại điêu đứng, khốn khổ và chết đói thảm thương như vậy?

Có phải là do Liên Minh Thánh Pháp – Vatican đã đem “Tin Mừng” và “Hồng Ân Thiên Chúa” đến Việt Nam “khai hóa văn minh” cho dân ta cho nên người Việt Nam ta mới lâm vào thảm họa điêu đứng, khốn khổ, chết đói đầy đường như vậy?

 

B.- CẢNH SỐNG HUY HOÀNG CỦA TU SĨ VÀ TÍN ĐỒ DA TÔ

Trong khi đai khối nhân dân ta kéo lê kiếp sống điêu đứng khốn khổ và chết đói đầy đường như vậy, thì những tu sĩ và tín đồ Da-tô ở trong những xóm đạo vẫn thản nhiên tổ chức những cuộc lễ lạc, hội hè từng bừng, ăn uống ê hề với những thứ cao lương mỹ vị, cơm gà cá gỏi, uống những thứ ruợu thượng hảo hạng nhập cảng từ bên Pháp bên Ý. Tình trạng này Linh-mục Cao Vĩnh Phan kể lại như sau:

"3.- Sai đường lối.- Phúc âm nói về "Tám Mối Phúc Thật", cũng được gọi là cái tên khá hấp dẫn là "Hiến Chưong Nước Trời". Đã 2000 năm rồi, không biết "Hiến Chương" ấy được đánh giá cao thấp như thế nào. Chiếu theo bản "Kinh bảy nhân đức" chống lại "bảy nết xấu căn bản" của Đạo Chúa và nhìn vào thực tế, thì không biết phải có cái nhìn lạc quan hay bi quan? Chúng tôi còn nhớ trong một lớp học giáo lý nọ, có người dám phát biểu đại khái như thế này.

Tôi là một người bên lương, tòng giáo mới 18 tuổi và kết hôn với vợ tôi được 40 năm nay... Tôi rất buồn và coi như một "xì căng đan" lớn khi thấy bên công giáo nói là ăn chay, hãm mình, đền tội hình thức mùa chay mà thôi, còn ngoài ra thì ăn uống xả láng. Tôi thấy nhiều địa phương, nhiều giáo xứ, giáo hạt, giáo phận quanh năm ngày tháng, không biết bao nhiêu là tiệc tùng lễ này lễ nọ:

1.- Tiệc mừng Bổn mạng Cha xứ, Cha phó.

2.- Tiệc mừng Ngân Khánh 25 năm, 40, 45 năm.

3.- Tiệc mừng Kim Khánh 50 năm Cha xứ, rồi Cha phó.

4.- Tiệc mừng Kim Khánh, Ngọc Khánh giám mục giáo phận.

5.- Tiệc mừng Đức Giám Mục đến ban phép Thêm Sức.

6.- Tiệc mừng sinh nhật Cha xứ, Cha phó 50, 60, 70, 80, 90... tuổi.

7.- Tiệc mừng thượng thọ các giám mục giáo phận.

8.- Tiệc mừng tiễn Cha xứ đổi đi, rồi tiệc mừng cha xứ mới đến.

9.- Tiệc mừng các thầy thăng chức phó tế, rồi tiệc mừng các tân linh mục.

10.- Tiệc mừng lễ mở tay tạ ơn.

11.- Tiệc mừng đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ.

12.- Tiệc mừng xây xong nền móng.

13.- Tiệc mừng xây xong tường.

14.- Tiiệc mừng xong kèo.

15.- Tiệc mừng xong mái.

16.- Tiệc mừng khánh thành bàn thờ.

17.- Tiệc mừng khánh thành và cung hiến nhà thờ.

18.- Tiệc mừng lầu chuông.

19 - Tiệc mừng làm phép chuông.

20.- Tiệc mừng làm phép tường này tường nọ.

21.- Tiệc mừng đặt viên đá đầu tiên xây nhà xứ.

22.- Tiệc mừng khánh thành nhà xứ.

23.- Tiệc mừng nghĩa tử Cha xứ thụ phong phó tế.

24.- Tiệc mừng nghĩa tử làm linh mục.

25. Tiệc mừng ... và tiệc mừng.

Nói tóm lại, ít ra (mỗi năm) cũng có vài ba bốn chục tiệc mừng lớn nhỏ. Mỗi lần tiệc như thế, người ta nhìn thấy đủ loại bia, ruợu hảo hạng nhập cảng từ nước ngoài và đủ thứ cao lương mỹ vị... Chính mắt tôi thấy không biết mấy lần (đếm không hết) cảnh người giáo dân mừng Cha chánh, Cha phó, hai bên mừng nhau với những ly rượu sâm banh cụng nhau rồi uống một hơi "dô 100%, hai bên mặt đỏ "như gà tây!" Tôi cũng đã hơn một lần nghe kể Cha xứ nọ mở tiệc mừng lễ bổn mạng của mình và mời 300 đại biểu chính thức ăn tiệc chưa kể bổn đạo được mừng ké. Thật ra các tôn giáo bạn cũng có đôi lúc tiệc tùng như vậy, chẳng hạn Hồi giáo mỗi năm có dăm ba lần, không nhớ rõ tên lễ gì, Bên Phật giáo có hai lần lễ lớn: Lễ Phật và lễ Vu Lan, nhưng tuyệt đối không bao giờ có cảnh "dô 100%" chướng tai gai mắt như thế và ăn uống tưng bừng giữa cảnh đồng bào nghèo đói như vậy."[70]

Trong cuốn Nếp Cũ: Hội Hè Đình Đám Việt Nam - Quyển Thượng (Sàigon: Nam Chi Tùng Thư, 1969), nơi các trang 285-295, tác giả Toan Ánh ghi nhận đầy đủ về cuộc đại lễ tấn phong Giám Mục và gắn huy chương cho Giám-mục Nguyễn Bá Tòng được tổ chức cực kỳ trọng thể vào ngày 3 tháng 12/1940 tại Phát Diệm. Trong cuộc đại lễ này, có Toàn Quyền Decoux và hầu hết các quan lớn, quan nhỏ trong bộ máy cai trị Đông Dương cả đạo (thần quyền) lẫn đời (thế quyền), cả người Pháp, người Tây Ban Nha và các quan Việt gian tham dự. Vì giới hạn của tập sách ngày, người viết không thể đưa bài viết đó vào chương sách này được. Tuy nhiên, độc giả có thể tìm đọc cuốn sách trên đây để tìm hiểu và nhìn thấy một khía cạnh trong nếp sống huy hoàng của các ông tu sĩ và tín đồ Da-tô người Việt ở trong lòng đại khối nhân dân nghèo đói khốn khổ trong thời “trăm năm năm nô lệ giặc Tây” của dân ta.

Nếp sống huy hoàng của nhóm thiểu số tín đồ Da-tô người Việt.- Trên đây là nói về nếp sống huy hoàng của các ông tu sĩ Da-tô thường xuyên được tổ chức với những yến tiệc ăn uống phủ phê, ê hề ở trong các xóm đạo hay giáo khu của họ. Dưới đây là mấy đoạn văn nói về sự giầu có và những bữa ăn cơm trắng với thịt gà luộc sang trọng (điển hình) của một gia đinh Da-tô "sống đạo theo đức tin Kitô" mà họ vẫn cho là bữa ăn tầm thường "chỉ có cơm và mấy miếng gà luộc". Mấy đoạn văn này do chính họ viết ra và nói rằng trong khi họ ăn uống cơm trắng với thị gà luộc như vậy thì đồng bào ta vây quanh ngồi nhìn họ ăn và chờ đợi họ nhả ra một cái xương gà quăng xuống để chộp lấy. Xin mời độc giả theo dõi mấy đoạn văn này do ông Da-tô Nguyễn Tiến Hưng ghi lại trong cuốn Hồ Sơ Bí Mật Dinh Độc Lập với nguyên văn như sau:

"Năm ấy Hưng mới lên chín. Cứ mỗi sáng chủ nhật, thân phụ anh sai anh ra đứng ngoài cổng để giữ trật tự cho đám nông dân đói kéo từng đợt vào sân để xin ăn. Mỗi người, bất kể tuổi tác, được phát một tô cháo loãng ăn cho có sức để đi tiếp sang một làng khác và tìm đến một nhà hảo tâm khác. Có người yếu quá không còn lết được đến làng bên cạnh nữa.

Hưng còn nhớ một buổi tối, sau khi đã cho người nghèo đói ăn, anh ngồi ăn cùng gia đình. Bữa ăn chỉ có cơm và mấy miếng gà luộc. Nguời em trai anh ném một miếng xương xuống đất. Bỗng nhiên, từ ngoài cổng có một cụ già gầy yếu nhẩy qua hàng rào chạy tới và giật khúc xương rồi chạy đi. Hình ảnh đó đã in sâu vào trí óc anh."[71]

Những bản văn trên đây giúp cho chúng ta nhìn thấy rõ hai cảnh đời trái ngược giữa một bên là giới tu sĩ, tín đồ Da-tô và bọn quan lại Việt gian bán nước cho quân cướp xâm lăng là Pháp và Vatican và một bên là tình cảnh đói khổ, khốn cùng của đại khối nhân dân ta trong thời bấy giờ.

Trong khi Giáo Hội La Mã dựa vào chính quyền bảo hộ dùng đủ mọi thủ đoạn bất chính để cướp chùa, chiếm đất xây cất hàng ngàn ngôi nhà thờ vĩ đại với những gác chuông cao chót vót đến tận lưng trời, xây cất hàng trăm cơ sở với những toà nhà to lớn đồ sộ nguy nga tráng lệ, những chủng viện và tu viện rộng lớn bao la bát ngát, thì nhân dân ta bị cưỡng bách bách phải đóng hàng chục thứ thuế trong đó có thuế thân, thuế muối, thuế môn bài, thuế rượu, và bị cuỡng bách phải làm lao nô phục dịch cho các công trường xây cất những thứ vĩ đại trên đây của Giáo Hội mà đối với đất nước và dân tộc ta chỉ là những biểu tượng của những gì nhục nhã của một thời vong quốc. Trong khi Giáo Hội La Mã dựa và chính quyền bảo hộ chiếm đoạt tới trên 25% diện tích ruộng đất trồng trọt thuộc loại bờ sôi ruộng mật để làm của riêng, thì đại khối nhân dân ta rơi vào tình trạng bần cố nông không có ruộng cày để nuối thân. Trong khi nhóm thiểu số người Pháp, thiểu số tu sĩ Da-tô và bọn quan lại Việt gian sống trong những căn nhà cao cửa rộng nguy nga tráng lệ như những lâu đài và dinh thự với đủ mọt thứ tiện nghi hiện đại nhất, thì đại khối nhân dân ta chen chúc nhau sống trong những căn nhà lụp xụp như ổ chụôt ở trong các xóm nghèo trong các thành phố hay trong những túp lều tranh vách đất ở làng quê. Trong khi giáo dân trong các họ đạo dựa vào thế chính quyền bảo hộ Pháp - Vatican làm giầu trên mồ hồi nước mắt và xướng máu của nhân dân ta mà được ăn uống phủ phê, ê hề, hết tiệc này đến tiệc nọ với những thức ăn cao lương mỹ vị, uống toàn những thứ rượu Tậy, rượu Ý, thì đại khối nhân dân ta kéo lê kiếp sống điêu đứng, khốn khổ, lầm than và rơi vào thảm họa chết đói tủi nhục như vậy.

Phải chăng tình cảnh khốn khổ này của nhân dân ta là “Tin Mừng” hay “Hồng Ân Thiên Chúa” mà Giáo Hội La Mã đã đem đến “khai hóa văn minh” cho đất nước Việt Nam chúng ta?

Dân ta đã lâm vào thảm trạng đói khổ triền miên từ nhiều năm, và chỉ trong mấy tháng mùa xuân năm Ất Dậu 1945, con số người chết đói lên hơn hai triệu người. Những người đói khổ và chết đói này đều là những nông dân nằm trong các thành phần giai cấp trung nông, bần nông và cố nông. Cũng vì thế mà khi ngọn cờ giải phóng được phất lên thì những thành phần nông dân thuộc các các lớp người này đã hăng hái đi theo kháng chiến và quyết tâm liều chết chiến đấu cho đến hơi thờ cuối cùng để giải phóng quê hương. Sự kiện này được ông Hòang Văn Đào ghi nhận trong cuốn Việt Nam Quốc Dân Đảng với nguyên văn như sau:

Sau 80 năm bị lệ thuộc, dân tộc Việt Nam chỉ thèm khát độc lập, và không biết gì đến khuynh hướng chính trị của phe này với nhóm khác. Người dân Việt Nam nghĩ rằng: miễn là nước được độc lập, còn đảng phái nào lãnh đạo cuộc tranh đấu giành độc lập hay cầm chính quyền cũng vậy, cốt là “Nước Việt Nam của người Việt Nam!”

Một yếu tố khác nữa, ngót hai triệu đồng bào chết đói vừa qua, là chết để đem linh hồn thức tỉnh ý chí những kẻ còn sống cũng phải phục thù rửa hận cho toàn dân. Đó là hoàn cảnh tạo nên cuộc cách mạng âm ỷ trong đầu óc mọi người dân Việt, khác nào như một kho thuốc nổ, chỉ còn đợi người nào hoặc đoàn thể nào châm ngòi lửa là nổ bùng. Lò thuốc súng đã có người châm, ngòi đã nổ, quần chúng ùa chạy theo Việt Minh Cộng Sản.”[72]

Khi ghi lại những thảm cảnh này, hình ảnh những ngày đầu tháng 8 năm 1945 như hiện rõ lại trong trí nhớ người viết. Ngày đó, một đội Tuyên Truyền của Mặt Trận Việt Minh của huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình về làng Tô Xuyên tổ chức một buổi họp tại sân Quán Lồ để nói về Phong Trào Cạch Mạng tức Mặt Trận Việt Minh vùng lên đánh Tây đuổi Nhật, đòi lại chủ quyền độc lập cho dân tộc và giành lại cơm áo cho nhân dân.. Buổi họp này có cả nhiều trăm người tham dự trong đó người viết cũng có mặt.

Lúc đó, người viết ở vào cái tuổi chăn trâu (tuổi nhi đồng) cũng có mặt trong buổi họp này. Đây là lần đầu tiên người viết được biết, được chứng kiến và được tham dự một cuộc họp với những người lớn để được nghe nói về đại cuộc đuổi giặc cứu nước, giải phóng dân tộc.

Sau phần giới thiệu chương trình và thủ tục chào cờ, người điều khiển buổi họp giới thiệu thành phần diễn giả. Một vị diễn giả được giới thiệu là anh Nguyễn Văn Nhượng lên trình bày về tình hình Việt Nam (lúc bấy giờ), tình hình thế giới ảnh hưởng đến Việt Nam, nhiệm vụ của Mặt Trận Việt Minh và trách nhiệm của người dân trong sứ mạng giải phóng đất nước. Anh Nhượng nói rất lưu loát, những câu nói của anh rất ngắn gọn và rõ ràng minh vạch, rạch ròi, nói đâu ra đó, nêu ra những vấn đề cấp bách của đất nước với những thí dụ cụ thể cho mọi người nhìn thấy những gì anh đang nói và những gì anh muốn nhấn mạnh. Mỗi lần nói xong một đọan, thì anh ngừng lại để lấy hơi, và mỗi lần như vậy thì những tiếng vỗ tay vang lên kéo dài trong nhiều phút như không muốn dứt.

Bài nói chuyện của Anh Nhượng khá dài, anh nói về thời cuộc và những công việc Mặt Trận Việt Minh phải làm. Thời gian anh nói kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Với cái tuổi vừa còn nhỏ, vừa ít học, người viết không thể nào nhớ hết những gì anh đã nói. Tuy nhiên, có mấy điểm có lẽ là quan trọng nhất đã in sâu vào trong trí nhớ, cho đến bây giờ, khi viết những trang giấy này, người viết vẫn còn nhớ rõ từng lời nói của anh ấy. Đại để anh nói rằng:

"Nước chúng ta là nước nông nghiệp. Hơn 98 phần trăm nhân dân ta sống trong nông thôn. Dân ta, quanh năm bốn mùa, dù là trong những tháng hè oi ả, trời nắng chang chang, dù là trong những ngày đông tháng giá, mưa dầm gió Bắc, rét lạnh căm căm, ngày nào cũng như ngày nào, hai sương một nắng, từ 5 giờ đã thức dậy, chuẩn bị đi ra đồng làm ruộng. Cứ như vậy cho đến khi lúa đã xanh mầu. Lúc đó lại lo làm những việc làm cỏ, bón phân, dẫn nước vào ruộng cho lúa được tiếp tục xanh mầu cho tới lúc trổ bông. Hầu như quanh năm, người nông dân ta không được mấy ngày nghỉ ngơi dưỡng sức. Nhờ vậy mà số lượng gạo nước ta xuất cảng đứng vào hàng thư nhất thứ nhì trên thế giới. Ây thế mà dân ta vẫn phải sống trong cảnh cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc; những ngày đông giá lạnh phải căn răng chịu rét chịu lạnh, và phải chui rúc trong những cân nhà lụp sụp. Khốn khổ hơn nữa là dân ta lại bị bóc lột và bị đày đọa vào thảm cảnh chết đói tới cả hai triệu người. Tủi nhục hơn nữa là chính những anh em nông dân sản xuất ra lúa gạo lại là nạn nhân trong thảm cảnh chết đói này trong khi nhà nước “đem lúa đốt thay củi ở trong các nhà máy điện” và đem đi bán cho nước ngoài.

Không thể khoanh tay ngôi yên để cho dân ta tiếp tục bị đày đọa như vậy, Mặt Trận Việt Minh đã ra đời để tiếp nối và hòan thành công cuộc kháng chiến của nhân dân ta mà tiền nhân của chúng ta chưa hoàn thành. Mặt Trận thiết tha kêu gọi đồng bào toàn quốc hãy đúng lên cùng Mặt Trận để đòi lại di sản của tiền dân, giành lại chủ quyền của đất nước và giải phóng dân tộc thoát khỏi những gông cùm của bọn đế quốc thực dân xâm lược và xiềng xích của bè lũ vua quan phong kiến lỗi thời. Có như vậy, nhân dân ta mới hy vọng thóat khỏi thảm cảnh bị áp bức, bị bóc lột, và có như vậy cái thảm họa chết đói như đã xẩy ra trong mùa Xuân vừa qua không còn tái diễn được nữa..."

Anh Nhượng vừa nói đến đây thì ngưng lại, nhường cái bục đứng cho một ca sĩ trong phái đoàn Việt Minh đứng lên vừa gẩy đàn Guitare vừa trình diễn bài hát "Con Đò Đưa Xác". Tiếng nhạc và tíếng hát vang lên như xoáy vào tim thính giả khiến cho toàn thể những người có mặt đều cúi đầu im phăng phắc. Hình như tất cả mọi người cùng cảm thấy đau đớn xót xa cho thân phận dân tộc ta không may đã bị quân cướp ngọai thù thống trị trong gần một thế kỷ. Hình như mọi người cùng cảm thấy uất ức căm thù quân giặc xâm lăng và cùng muốn quyết tâm gia nhập Mặt Trận Việt Minh lên đường đi đòi lại quyền làm người cho chính bản thân và cho sự trường tồn của dân tộc.

Anh Nhượng đã nói đúng và đã nói lên được mối nhục vong quốc, mối nhục đã bị khinh rẻ, bị miệt thị là "dân bán khai", là "dân dã man và mọi rợ", bị khinh miệt là “quân tà đạo”. Lời nói của anh như khơi động niềm đau sót tủi nhục của người dân bị đè đầu cỡi cổ, bị áp bức và bị bóc lột đến tận xương tận tủy, bị bóc lột tàn ác đến nõi dân ta phải rơi vào thảm họa chết đói như trên.

Đoàn tuyên truyền lần lượt đi hết làng này làng khác và đều có những buổi họp nói chuyện tương tự như vậy. Họ đi đến đâu cũng đều được dân làng hân hoan chào mừng và nhiệt liệt ủng hộ. Hình như, trước khi về làng nói chuyện, họ đã có sẵn người có tâm huyết ở địa phương sắp đặt, cho nên, sau buổi nói chuyện, những người địa phương này trở thành cán bộ ở lại làng tiếp tục làm việc, tổ chức thâu người gia nhập vào tổ chức Mặt Trận Việt Minh. Quả thật là Việt Minh đi đến đâu là người dân ở đó hân hoan đón chào và nô nức rủ nhau đi theo họ. Nhờ vậy mà trong thời 1940-1945, so với các đảng phái chính trị khác, Việt Minh đã trở nên môt thế lực hùng mạnh nhất và có uy tín nhất đối với toàn thể nhân dân trong nước và đối với quốc tế. Ở trong nước, họ biết lợi dụng tư thế yếu kém trước sức mạnh của quân Nhật và có khả năng cho phát động những vụ nổi dậy lấn át quân Nhật và sau đó họ đã huy động được toàn dân tham gia Mặt Trận để đương đầu với quân Pháp tại khắp nơi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Phần trình bày trên đây cho thấy rõ hai cảnh đời trái ngược giữa một bên tạm gọi là giai cấp thống trị gồm nhóm thiểu số người Pháp, nhom thiểu số tu sĩ và tín đồ Da-tô, nhóm quan lại và nhóm thiều số phú hào ở trong nông thôn và một bên là giai cấp bị trị gồm đại khối nhân dân ta mà hầu hết là nông dân.

Những thành phần nằm trong giai cấp thống trị thì sống trong cảnh huy hoàng, ở trong những tòa nhà to lớn, sang trọng, có kẻ hầu người ha, đi một bước là võng lọng nghênh ngang, không mấy ngày là không có lễ lạc, yến tiệc linh đình, ăn uống phủ phê ê hề, uống toàn những thứ rượu thượng hảo hạng nhập cảng từ Âu Châu, ăn toàn những thứ cao luơng mỹ vị, ăn cơm gà cá gỏi mà còn cho là tầm thường. Trong khi đó, thì đại khối nhân dân ta phải chui rúc trong những căn nhà lụp xụp như ổ chuột, áo không đủ mặc, cơm không đủ ăn, khốn cùng và đói khổ đến độ chầu chực cho tới khi người ta vứt ra miếng xương gà thì nhào vào giành giật trước con mắt khinh rẻ của kẻ ném miếng xương xuống đất. Nhục nhã như vậy đó!

Bởi thế cho nên, khi Mặt trận Việt Minh dấy lên kêu gọi nhân dân vùng lên gia nhập bộ đội để giải phóng quê hương thì người người hân hoan hết lòng ủng hộ, lớp lớp người hồ hởi lên đường đi cứu nước, trong đó có nhiều em còn ở tuổi vị thành niên và có cả những thiếu nhi chưa đến tuổi 15

Trong mắt tôi đã thấy,

Dân tôi:

Người trước nối người sau,

Tay trong tay kết chặt một vòng,

Đi đòi lại núi sông trong tay giặc

"Thế giặc mạnh lấy gì mà chống đỡ?"

Lời Diên Hồng vạn tiếng quyết tâm.

Phải trải xương,

Phải đỏ máu với quân thù

Phải đoàn kết triệu bước chân dấn bước,

Từ sông Hồng xuôi về sông Cửu,

Từ đồng bằng nối mãi tới Trường Sơn.

Khắp non sông vang dội bước quân hành

Tay giáo mác và con tim sôi máu.

Trong ánh mắt triệu niềm tin rực sáng

Buổi quân về giải phóng Việt Nam.

Quê hương tôi hôm nay đã thấy

Những mẹ già chị gái

Làm hậu cần nuôi quân,

Những thanh niên hôm nay

Đã làm anh kháng chiến,

Những em bé mười lăm

Gánh vai trò liên lạc.

Cả nước đồng một lòng

Đứng lên tiêu diệt giặc.

Lời réo gọi của non sông đất nước:

Các anh

Xin đứng dậy

Lên đường!

Nguyễn Tố Chi

Bài thơ trên đây cho chúng ta thấy rõ sự thật đã xẩy ra đúng như lời ông Hoàng Vàn Đào ghi nhận ở trong cuốn Việt Nam Quốc Dân Đảng của ông.

 

--- HẾT PHẦN III ---



[66] Trần Tam Tỉnh, Sđd., tr. 54.

[67] Nam Trực, Việt Nam Khúc Quanh Lịch Sử (San Jose, California: Viet Publíshing, 1995), tr. 12.

[68] Phạm Văn Liễu, Trả Ta Sông Núi (Houston, Texas: Văn Hóa; 2002), tr 59-60.

[69] Đoan Them. Những Ngày Chưa Quên. (Saigon: Nam Chi Tùng Thu (không đề năm xuất bản), tr 28-30.

[70] Việt Thường. "Điểm Qua Một Tiểu Đoạn Trong Cuốn Sách Của Linh-mục Cao Vinh Phan." Tháng 9/2002. http://giaodiem.com Ngay 23/4/2001.

[71] Nguyễn Tiến Hung & Jerrold L. Schecter, Hồ So Mật Dinh Độc Lập (Los Angeles, CA:: C & K Promotions Inc., 1986), tr. 24.

[72] Hoàng Van Ðào, Sđd., tr. 255-256.

© sachhiem.net