Tâm Thư Gửi Nhà Nước Việt Nam

Nguyễn Mạnh Quang

http://sachhiem.net/NMQ/TAMTHU/NMQtt_05.php

| bản in | ¿ trở ra mục lục | 29 tháng 3, 2009

PHẦN II

(tiếp theo)

◎◎◎

CHƯƠNG 5

VATICAN TRONG NỖ LỰC THUYẾT PHỤC PHÁP ĐÁNH CHIẾM VIỆT NAM

Theo tinh thần sắc chỉ Romanus Pontifex được ban hành vào ngày 8/1/1454 trong thời Giáo Hoàng Nicholas V (1447-1455),  năm 1533, điệp viên đầu tiên được phái đến Việt Nam với danh nghĩa là nhà truyền giáo có tên là  Ini Khu với sứ mạng mở đường cho việc chuẩn bị kế họach đánh chiếm Việt Nam bằng cách móc nối với những người nghèo khổ và những phần tử bất mãn với chính quyền đương thời để dụ khị và mê hoặc họ vào đạo. Kể từ đó, càng về sau càng có nhiều điệp viện chuyên nghiệp cũng mang danh nghĩa là giáo sĩ hay truyền giáo đến Việt Nam để họat động cho mục đích này. 

Để cho việc thi hành các điệp vụ này được dễ dàng, họ gom những tín đồ Ca-tô bản địa vào sống chung với nhau trong cùng một khu vực riêng biệt gọi là xóm đạo hay làng đạo. Mục đích chính của việc làm này là biến các xóm đạo thành một sào huyệt của các tổ chức đạo quân thứ 5 nằm tiềm phục chờ lệnh truyền của Vatican để (1) thâu thập những tin tức tình báo  (2) lật đổ chính quyền đương thời, (3)  phá bỏ  cơ cấu  xã hội và (4) hủy diệt nếp sống văn hóa cổ truyền của dân tộc. Sự kiện này được Linh mục Trần Tam Tỉnh ghi lại trong cuốn Thập Giá và Lưỡi Gươm như sau:

"Ngọai trừ các cụm nhà thành thị dân chúng sống lẫn lộn, người Công Giáo thường được tập trung lại  thành làng xóm riêng, tách rời khỏi người lương, sống chen chúc quanh tháp nhà thờ xây theo kiểu Tây, chọc lên trời, cao vượt khỏi lũy tre. Bị đóng khung và được đoàn  ngũ hóa bởi hàng giáo sĩ, họ trở thành một lực lượng quần chúng, một lực lượng đáng ghê sợ khi cha xứ kêu gọi họ đứng lên bảo vệ đức tin, bảo vệ nhà thờ. Hệ thống ốc đảo đó tách biệt và cô lập phần lớn giáo dân khỏi liên hệ với đồng bào, thúc đẩy họ từ khước, tẩy chay bất cứ điều gì không được Giáo Hội chính thức phê chuẩn, chẳng hạn sách Truyện Kiều, một kiệt tác văn thơ cổ điển của Việt Nam, hoặc các tài liệu cách mạng đều bị cho là ngược với đạo. Cac sách của Voltaire, Montesquieu, khỏi nói tới Các Mac, vừa bị nhà nước thuộc địa cấm, vừa bị giáo luật khai trừ, nhưng ngay cuốn sách thánh đã dịch ra tiếng bản xứ mà cũng chẳng  ai được biết đến (có một bản sách thánh in bằng hai thứ tiếng La Tinh và Việt ngữ, khổ lớn, nằm trong thư viện các chủng viện và một vài cha xứ, còn giáo dân thì không thể rờ tới.)"[15]

“Trong thời gian Pháp xâm lăng Việt Nam, Nhà Chung đóng một vai trò quan trọng như ai cũng biết. Nhà Chung đã tổ chức một hệ thống tình báo hoàn bị, cung cấp tin tức cho biết tất cả những gì liên hệ tới những con người, những công ty, những công cuộc, những hành động và phương án chính trị tại Đông Dương. Nhà Chung đã đặt được người thân tín của mình vào tất cả các cơ quan, vào hầu hết các xí nghiệp tại các trung tâm lớn cũng như tận cùng những tỉnh xa xôi."

"Trong một báo cáo mật gửi lên Toàn Quyền Đông Dương, viên Thống-sứ Nam Kỳ đã trình với quan thầy rằng: "Không nên quên rằng từ những năm đầu cuộc chiếm đóng của chúng ta, Nhà Chung đã quan tâm chiếm cho được tại Nam Kỳ những tài sản khổng lồ. Nhà Chung có tất cả 28.500 hecta ruộng, không kể đất đai ở thành thị cũng như các bất  động sản và của cải khác. Tại miền Tây Nam Kỳ, Nhà Chung làm chủ vùng đất lớn rộng  tới ba bốn, hoặc sáu ngàn hecta". [Sàigon 14-12-1934.]”[16]

Như vậy là việc gom giáo dân vào sống chung với nhau ở trong xóm đạo chỉ là một phương cách hay kế sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc huấn luyện giáo dân thành một lực lượng xung kích để thi hành những kế sách của  Vatican trong  ý đồ đánh chiếm và thống trị Việt Nam.

Sau khi đã nhận được đầy đủ những tin tức tình báo chiến lược về Việt Nam, Vatican mới gửi người đến Paris uốn lưỡi Tô Tần thuyết phục chính quyền Pháp  xuất quân đánh chiếm Việt Nam theo một kế hoạch mà Vatican đã điều nghiên và hoạch định sẵn. Sự kiện này được sử gia Avro Manhattan ghi  rõ trong cuốn “Vietnam whydi we go?” như sau:

"Linh-mục Dòng Tên Alexandre de Rhodes đến Đông Dương vào năm 1610 (Có lẽ là năm 1624 thì mới đúng - NMQ)). Một thập niên sau,  ông gửi về Vatican và Pháp một bản báo cáo miêu tả rất chính xác về tiềm lực thương mại, chính trị và chiến lược. Dòng tên Pháp lập tức tuyển mộ nhân sự gửi sang Đông Dương giúp ông ta thực hiện hai việc: cải đổi dân bản địa theo đạo Da-tô và bành trướng thương mại. La Mã và Ba Lê xem những hoạt động này như là những bước đầu dẫn đến việc đánh chiếm và thống trị các quốc gia này cả về chính trị lẫn quân sự." ["Nguyên Văn: Jesuite priest Alexandre de Rhodes arrived in Indo-china in 1610. A decade later he sent back to the Vatican and to France a very accurate description of the commercial, political and strategic potential. French Jesuits were promptly recruited and sent to help him in his double work of converting to Catholicism and commercial expansion. Rome and Paris considered these activities as inseparable stepping stones leading to eventual political and military occupation of these countries.")[17]

Để thực hiện mưu đồ biến Việt Nam thành một vương quốc Kitô, giáo sĩ gián điệp Rhodes tích cực tuyển mộ một số lớn giáo sĩ để họat động ở Việt Nam và đạt được sự ủng hộ của Giáo Hội Pháp, ông quyên tiền từ giới quý tộc Pháp để thực hiện kế họach của mình và tìm được phương tiện vận chuyển từ các nhóm trông mong vào phần ăn chia của Pháp ở dịch vụ mậu dịch ở Á Châu.”  (After Rhodes had enlisted a great number of priests for work in Vietnam and had gained the support of the French Church, he also raised the money for his project from the aristocracy and secured the means of transportation from the circles on the lookout for a French share in the Aisan trade.)” [18]

Kế hoạch của Vatican tấn chiếm Việt Nam là một kế hoạch trường kỳ mai phục chờ  khi hoàn cảnh thuận lợi và có đủ một số tín đồ để xung vào các đạo quân thứ 5 làm lực lượng xung kích thì sẽ dấy loạn cướp chính quyền bằng cách:

1.- Hoặc là dùng tín đồ bản địa làm lực lượng xung kích nổi lên đánh phá tứ tung, gây rối xã hội bằng trăm phương ngàn kế tùy theo tình hình ở trong nước cũng như quốc tế rồi thừa thắng xông lên cướp chính quyền và thiết lập chế độ đạo phiệt Ca-tô. Đây là kế hoạch mà Vatican đã đạo diễn cho cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi ở Gia Định Thành vào những năm 1833-1835  và cuộc nổi loạn của Tạ Văn Phụng ở Bắc Bộ trong những năm đầu của thập niên 1860. Cả hai cuộc nổi loan này đều do bàn tay của Vatican ở đàng sau và đều thất bại.  Cũng nên biết gần đây, Vatican cũng tái diễn quái chiêu này mà chúng tôi đã nói rõ trong phần Dẫn Nhập ở trên. Xin ghi lai đây một lần nữa để độc giả dễ dàng nhận ra:

  a.- Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt xúi giục con chiên nổi loạn đánh phá tòa nhà công quyền tại số  142 Phố Nhà Chung, Hà Nội  trong thời gian từ 18/12/2007 cho đến ngày 30/1/2008 với chiều bài đòi chiếm lại khu đất này cho Vatican.

b.- Ông tổng giám mục này cùng với các Linh-mục Vũ Khởi Phụng, Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Ngọc Nam Phong, Nguyễn Văn Thật, Nguyễn Hữu Vinh xúi giục một số giáo dân cuồng tín gây bạo loạn đập tường, phá cổng tràn vào chiếm đóng Công ty may Chiến Thắng tại số 180 Đường Nguyễn Lương Bằng (Phương Đồn Đa, Hà Nội) từ ngày 18/8/2008 cho đến nay (30/8/2008). 

c.- Thái độ và lời lẽ ngang ngược (coi giáo luật đứng trên luật pháp Việt Nam)  có tính cách khiêu khích và thách đố trong văn thư số 10/GHVN đề ngày 25/9/2008 của Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Nhơn (chủ tịch Hồi Đồng Giám Mục Việt Nam)  trả lời văn thư số 1437/UBND-NC ngày 23/9/2008 của ông Nguyễn Thế Thảo (chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội).

d.- Thái độ và lời lẽ ngang ngược (coi giáo luật đứng trên luật pháp Việt Nam) trong lá thư phúc đáp của Tỉnh Dòng Cứu Thế Việt Nam đề ngày 19/12/2008 gửi ông Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội.

e.- Hành động dựng tượng Bà Maria ở xã An Bằng (Huế) kéo dài từ đầu năm 2008 cho đến ngày nay (Tháng 1/2009).

2.- Hoặc là dùng những đạo quân thứ 5 đã được đoàn ngũ hóa nằm tiềm phuc trong các  xóm đạo để chuẩn bị nổi lên tiếp tay cho đoàn quân viễn chinh của một đế quốc thực dân xâm lược Âu Châu liên minh với Vatican tiến vào tấn chiếm đất nước. Đây là kế hoạch mà Vatican đã sắp xếp trước khi cho người đến Paris vận động chính quyền Pháp liên kết với Vatican và xuất quân đánh chiếm Việt Nam. Theo sách sử, Vatican đã gửi các nhà thuyết khách đến Paris vận động chính quyền Pháp tất cả là 3 lần:

Lần thứ nhất được tiến hành vào khoảng mùa thu năm 1652,  người được Vatican phái đi làm thuyết khách là Linh-mục gián điệp Alexandre de Rhodes. Sách sử ghi lại sự kiện này như sau:

"Tôi  tin rằng", ông (Alexandre de Rhodes) viết, "Pháp là nước ngoan đạo nhất thế giới, sẽ cung cấp cho tôi nhiều binh sĩ để chinh phục toàn thể Phương Đông. Cũng như ở đó,  tôi sẽ có cách để chọn được nhiều giám mục vốn là các cha và các thầy của chúng ta ở trong các nhà thờ. Tôi rời La Mã ngày 11 tháng 9 năm 1652 với ý định đó." Nguyên văn:"J'ai cru que la France, écrivait il, étant le plus pieux royaume du monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l' Orient, que j'y trouverais moyen d'avoir des évêques qui fussent nos Pères et nos Maitres en ces Eglises. Je suis sorti de Rome à ce dessein, le 11 Septembre 1652."[19]

Tuy nhiến, sứ mạng Tô Tần của của Linh-mục Alexandre de Rhodes tại triều đình Vua Louis XIV (1643-1715) thất bại. Nguyên nhân là vì nước Pháp lúc lúc đó vừa ở trong tình trạng tài chính thiếu hụt do việc xây cất tòa lâu đài Versailles gây ra, vừa mới thoát ra cuộc chiến giữa các hệ phái Tin Lành và hệ  phái Ki-tô La Mã,  vừa đang chuẩn bị lao vào cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng với Tây Ban Nha  ở Bỉ và Hòa Lan, cho nên  không muốn để tâm đến những lời thuyết phục của Vaican.

Lần thứ hai. Lần này được tiến hành vào những năm 1785-1787 và người được Vatican phái đi thuyết phục chính quyền Pháp là Giám-mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc). Lần này tưởng như đã thành công vì vị giám mục này đã nhân danh tên Việt gian Nguyễn Ánh ký với chính quyền Pháp Thỏa Hiệp Versailles vào ngày  21/11/1787, theo đó thì Pháp sẽ  viện trợ quân sự cho Nguyễn Ánh để đánh bại nhà Tây Sơn, đổi lại Nguyễn Ánh phải chấp nhận một số điều kiện do Pháp đưa ra có lợi cho cả Pháp và Vatican theo như ý muốn của hai thế lực này.

Các nhà viết sử cho rằng hiệp ước này tạo lý do cho Liên Minh Pháp -Vatican sau này tiến quân đánh chiếm Việt Nam.

Thế nhưng, Thỏa Hiệp Versailles vừa mới ký xong, thì sang đầu năm 1788 (mùa đông), nước Pháp rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chánh, nhân dân Pháp đói khổ, xã hội Pháp rối loạn và tình hình chính trị  càng ngày càng trở nên bất ổn, rồi Cách Mạng Pháp 1789 bùng nổ. Vì vậy và Hiệp Ước Versailles không được Pháp thi hành. Đứng trước tình trạng này, Vatican dồn nỗ lực vận động  gây quỹ và bỏ tiền riêng của Vatican ra sắm tầu, mua khí giới và tuyển mộ lính thập tự đánh thuê đem sang giúp  Nguyễn Ánh để đánh bại Nhà Tây Sơn với dã tâm sẽ dùng Nguyễn Ánh hayà Hoàng Tử Cảnh làm con bài Ki-tô hóa Việt Nam theo hệ thống dọc từ trên xuống dưới, nghĩa là sẽ biến Nguyễn Ánh thành Constantine ở Việt Nam.

Nhưng rồi, “thiên bất dung gian”. Khi Nguyễn Ánh đang trên đà chiến thắng thì Bá Đa Lộc qua đời đột ngột vào ngày 9/10/1799 và Hoàng Tử Cảnh cũng đi theo bố nuôi (Godfather)  Bá Đa Lộc về nước Chúa vào ngày 20/3/1801 vì bị bệnh đậu mùa. Rồi khi thành công, lên ngai vàng tại Phú Xuân vào tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802), lấy đế hiệu là Gia Long, Nguyễn Ánh lại tìm cách lảng tránh các ông giáo sĩ Ca-tô đàn em của Bá Đa Lộc. Vì thế mà âm  mưu của Vatican định biến Nguyễn Ánh hay Hoàng Tử Cảnh thành một Constantine ở Việt Nam  bị thất bại.

Lần thứ ba: Như đã nói ở trên, đối với Vatican, việc đánh chiếm Việt Nam để tiến hành kế hoạch Ki-tô  dân ta từ trên xuống dưới là một kế hoạch trường kỳ mai phục. Cho nên, việc thất bại trên đây cũng không làm cho Vatican nản lòng chùn bước, và  vẫn tiêp tục theo đuổi mưu đồ bất chính này bằng một kế hoạch khác hết sức tinh vi:

1.- Kiếm chuyện trực tiếp can thiệp vào nội bộ triều đình nhà Nguyễn trong việc chọn người lên nối.

2.- Xúi giục giáo dân nổi loạn chống lại triều đình Huế bằng bất cứ giá nào và bằng đủ mọi phương tiện.

(Cả hai tiểu mục 1 và 2 trên đây sẽ được trình bày rõ ràng với nhiều chi tiếp trong Phần III,  Chương 16 có tựa đề là Kế Sách Trèo Cao Lặn Sâu Và Dùng Tín Đồ Để Gây Bạo Lọan Và Gây Bạo Đánh Phá Tổ Quốc Và Dân Tộc Việt Nam” ở sau.)

3.- Biên soạn một bản trần thuyết trình bày những những lợi điểm nếu đánh chiếm Việt Nam làm thuộc địa, và những điểm bất lợi cho nước Pháp nếu không đánh chiếm Việt Nam.

4.-  Gửi một binh đoàn thuyết khách hùng hậu đến tận triều đình Paris để uốn lưỡi Tô Tần  thuyết phục triều đình Paris chấp nhận đề nghị liên kết với Vatican và xuất quân đánh chiếm Việt Nam làm thuộc địa để cùng thống trị, cùng nô  lệ hóa dân ta,  cùng cướp đoạt tài nguyền và cùng chia nhau lợi nhuận.

5.- Gài người của Vatican vào chốn phòng the là Hoàng Hậu Eugénie Marie de Montijo de Guzman (1826-1920) để ỏn thót với Hoàng Đế Napoléon III chấp thuận đề nghị do các tay tổ thuyết khách của Vatican đưa ra. Đây là một sự thật lịch sử, và sự thật này được sách sử ghi lại như sau:

"Chính các vận động để được ủng hộ về sự can thiệp của các nhân vật quan trọng như  Tổng Giám Mục Bonnechose ở Rouen và của chính Hoàng Hậu, bà này đã thuyết phục được vua, dù lúc đó vua không có kế hoạch thực dân nào rõ rệt. Các cuộc vận động này được thực hiện bởi hai người truyền giáo: Linh Mục Huc, hội viên Hội Thánh Lazare (Tu Hội Lazariste), cựu đại diện Giáo Hoàng ở Trung Quốc, tác giả cuốn "Đạo Thiên Chúa ở Trung Quốc, (Tartarie và Tây Tạng, và Giám Mục Pellerin, đại diện Giáo Hoàng tại Bắc  Nam Kỳ."

“Trong văn thư đệ lên vua, Linh-mục Huc trình bày các mối lợi mà việc chiếm Việt Nam có thể mang lại cho Pháp. Lợi chiến lược….”  [20]  

Thất vọng vì sự thất bại của phái đoàn Montigny, theo lời khuyên của bạn bè, Giám-mục Pellerin quyết định “đi Pháp để trình bày với nhà vua tình trạng thê thảm của các đoàn truyền giáo do các biện pháp nửa vời gây nên”. Đến Pháp vào đầu tháng 5 (1857), ngày 16/5, ông trình bày trước Ủy Ban và ngày 21/5 ông trao cho họ bản thuyết trình đầy đủ chi tiết trước khi Napoléon tiếp kiến…

Nhưng sự vụ hình như kéo dài sốt ruột, Giám-mục (Pellerin) tin là nên nhắc lại Napoléon III:  “Thần xin Chúa Thượng, chúng ta thấy trong thư ngày 30/8/1857 của ông, cho phép thần nói đến các người mới theo đạo khốn khổ ở xứ Cochinchine và các nhà truyền giáo ở xứ An  Nam, hiện giờ máu họ đang đổ và tình cảnh của họ còn kinh khủng hơn từ cuộc vận động sau chót của nước Pháp không làm gì cho bọn thần, e rằng đạo Thiên Chúa sẽ bị tận diệt tại các vùng hình như sẵn sàng tiếp đón lợi ích của đạo Thiên Chúa và văn minh. Thần đến xin Chúa Thượng đừng bỏ rơi bọn thần. Điều bệ hạ làm cho bọn thần sẽ khiến cho ân phúc của Chúa ban xuống cho bệ hạ và triều đại huy hoàng của bệ hạ.

Kế đến tháng 11 (1857), Giám-mục Pellerin đi Rôme, Giáo Hoàng Pie XI tán thành các cuộc vận động ủng hộ cho các phái đoàn truyền giáo.”

Xuyên qua các cuộc can thiệp của Linh-mục Huc và Giám-mục Pellerin, chúng ta thấy ý tưởng chính sau đây: Cuộc viễn chinh của họ vận động, nhân danh  các người truyền giáo tại Việt Nam, không phải chỉ là cuộc biểu dương lực lượng đơn thuần hay là một cuộc chiếm đóng tạm thời một vài địa điểm của nước Việt Nam, mà hoàn toàn là một cuộc viễn chinh thực dân, vì nhằm xây dựng một thuộc địa Pháp vĩnh viễn ở góc đất này ở Đông Nam Á. Ý tưởng này được một người truyền giáo khác là Linh-mục Legrand de La Liraye trình bày mạnh mẽ hơn trong một bản trần trình mà y gửi cho Napoléon III vào khoảng tháng 2/1857.” [21]

Nhà biên khảo sử học Bùi Trần Phương ghi nhận như sau:

 "Quan hệ gắn bó giữa Thiên Chúa Giáo và chủ nghĩa thực dân Pháp là một thực tế lịch sử phong phú, hiển nhiên đến nỗi không cần lý lẽ biện luận, thuyết minh thêm. Chỉ xin nhắc lại đôi chút về vai trò các nhà truyền giáo trong việc hình thành và phê chuẩn kế họach của chính quyền Đế Chế II cử phó đô đốc Rigault de Genouilly mang hạm đội đến tấn công Đà Nẵng năm 1858. Các nhà truyền giáo như Linh-mục Huc, Giám-mục Pellerin, Linh-mục Legrand de la Liraye, Giám-mục Retord... bằng nhiều văn thư và cả sự có mặt trực tiếp của mình trong các cuộc họp của Ủy Ban Nam Kỳ, tham gia tích cực vào việc xây dựng  kế hoạch tấn công quân sự để đạt mục tiêu truyền giáo và xâm lược thực dân không chỉ ở một địa phương nào mà từng bước đi đến chinh phục toàn cõi Việt Nam (...). Các nhà truyền giáo đã "có công" đề xuất ý kiến vạch kế họach, cung cấp thông tin, hứa hẹn bảo đảm về hậu thuẫn  của dân chúng tại chỗ. Nói tóm lại, chẳng những hết lòng ủng hộ mà còn gây áp lực chính trị, tinh thần thúc ép các nhà nước tư bản Pháp, Tây Ban Nha tiến hành một kiểu "thánh chiến" bảo vệ đạo ở Việt Nam để mưu đồ cầu lợi ích chung của Giáo Hội Thiên Chúa Giáo và chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa tư bản. Trong họat động này, các nhà truyền giáo có một ưu thế rõ rệt: Họ là những người am hiểu nhất về tình hình các vùng đất - còn xa lạ với Phương Tây - nơi họ đã xây dựng và chuẩn bị lực lượng từ rất lâu đời thông qua những hoạt động  mang danh nghĩa là tôn giáo của nhiều thê hệ tu sĩ.  Tiếng pháo của hạm đội Rigault de Genouilly bắn vào Đà Nẵng làm bùng nổ một xung đột  đã âm ỉ từ lâu. Nó cũng phơi bày sự thật hiển nhiên về ý nghĩa chính trị rất "thế tục" của họat động "truyền giáo" của các giáo sĩ Phương Tây ở Viễn Đông từ mất thế kỷ trước."[22] 



CHÚ THÍCH

[15] Trần Tam Tỉnh, Sđd., tr  54.

[16] Trần Tam Tỉnh, Sđd., tr 77-78.

[17] Manhattan, Avro. Vietnam - Why Did We Go? (Chino, CA: Chick Publication, 1984), p. 139.

[18] Joseph Buttinger, Vietnam: A Dragon Embattled (New York:  Frederick . Praeger, 1967), p.217.

[19] Nhiều tác giả, Ki Tô Giáo: Từ Thực Chất Đến Huyền Thoại (Wesminster, California, Văn Nghệ, 1996), tr 331 và 334.

[20]Cao Huy Thuần, Sđd.,  tr 61.  

[21] Cao Huy Thuần Sđd., tr. 63-64.

[22] Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Mốt Số Vấn Đề Lịch ử? Đạo Thien Chúa Trong Lịch Sử Dân Tộc Việt Nam (Thành Phố Hồ Chí Minh: Ban Tôn Giáo, 1988), tr 179-180..

 

Trang Nguyễn Mạnh Quang