PHÚT THĂNG HOA

- tiểu thuyết -

Nguyễn Văn Thịnh

CHƯƠNG MƯỜI

Vào nửa đầu những năm 50, thế giới có hai cuộc Chiến tranh nóng có nguy cơ biến ngọn lửa âm ỉ của cuộc Chiến tranh lạnh toàn cầu bùng lên thành ngọn lửa chiến tranh thế giới mới mang tính huỷ diệt lớn lao hơn cuộc chiến tranh thế giới ở đầu thập niên truớc vẫn còn hằn sâu nét kinh hoàng trong ký ức của nhân loại: Đó là cuộc chiến tranh trên hai bán đảo đều ở khu vực Viễn đông là Triều Tiên và Đông Dương.

Cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra sau cuộc chiến tranh Việt Nam những 5 năm  nhưng đó là cuộc đối đầu trực diện giữa nước Mỹ với nước Trung Hoa mới và nó gián tiếp là sự đối đầu giữa Mỹ với Liên Xô mà thực chất là sự đối đầu giữa hai ý thức hệ không chấp nhận nhau, đều coi nhau là Đế quốc: Tư bản và Cộng sản. Cuộc chiến tranh giằng co đẫm máu và tốn kém mới có ba năm và cả hai bên đều thấy khả năng không thể thôn tính được nhau nên ngày 27 tháng 7 năm 1953 họ chịu ngồi lại tại Bàn Môn Điếm để ký kết Hiệp định đình chiến, chấp nhận trở về ranh giới cũ ở vĩ tuyến 38 như sự thoả thuận phân chia Nam Bắc Triều Tiên từ năm 1945 giữa Liên Xô và Mỹ khi họ cùng là đồng minh hợp tác với nhau đánh Nhật.

Đương nhiên cuộc chiến tranh ở Đông Dương bỗng nổi lên thành tiêu điểm để thế giới quan tâm đầy lo lắng. Đã thể hiện được mình ở phía Đông Bắc, người Trung Hoa muốn phát huy sức mạnh của mình ở phía Đông Nam để minh chứng một thời đại mới: Gió Đông thổi bạt gió Tây! Chưa tỏ được sức mạnh áp đảo ở khu vực Viễn Đông và Thái Bình Dương, người Mỹ vẫn muốn thế giới thần phục sức mạnh tuyệt đối của mình nhất là trong công cuộc ngăn chặn cơn triều đỏ! Nguy cơ ngọn lửa chiến tranh ở Việt Nam sẽ bùng lên thành cuộc chiến tranh khu vực hay là cuộc chiến tranh thế giới là sự thực.

Ngày 26 tháng 11 năm 1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tuyên bố: “Nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hoà bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà sẵn sàng tiếp ý muốn đó”.

Nước Pháp đã đuối sức. Binh lính Pháp chán chường không muốn ra mặt trận. Ngưới Pháp mệt mỏi ào ào công phẫn phản đối cuộc chiến tranh bẩn thỉu ở Việt Nam. Đảng Cộng sản Pháp đi đầu trong việc phát động cuộc đấu tranh đòi hoà bình rộng lớn trên toàn nước Pháp. Nhiều nam nữ thanh niên kiên quyết đấu tranh như Raymonde Dien – người con gái dũng cảm nằm ngang giữa đường xe lửa không cho chuyên chở binh lính sang chết ở Đông Dương; người lính thủy Henry Martin công nhiên phản chiến, thà chịu ngồi tù chứ nhất định không chịu sang tham chiến ở Việt Nam. Chính giới Pháp đứng trước áp lực mạnh của phái chủ hòa.          

Nhưng giới cầm quyền Pháp còn xoay xoả: Một mặt họ hiểu rằng nếu không nhận viện trợ Mỹ ngày một nhiều thì nước Pháp không đương nổi cuộc chiến tranh này nhưng họ lại không chịu để Đông Dương lọt vào vòng tay người Mỹ! Họ cố gắng tìm kiếm một thắng lợi quân sự trên chiến trường khả dĩ tạo điều kiện thuận lợi cho một giải pháp chính trị với đối phương theo ý đồ của họ.

Kế hoạch Navarre vào mùa Đông-Xuân 1953-1954 nhằm mục tiêu ấy: Trước hết tiếp tục bình định và xóa bỏ những căn cứ lõm của Việt Minh từ miền Trung trở vào phía Nam. Tiếp đến là mở cuộc tiến công chiến lược lớn ở phía Bắc.

Một sự tình cờ lịch sử như là định mệnh: cả hai bên đối địch đều chọn miền rừng núi phía Tây Bắc Việt Nam làm bãi chiến trường đọ sức. Với cụm cứ điểm Điện Biên Phủ, giới quân sự Pháp hy vọng sẽ là mồ chôn đại bộ phận quân chủ lực Việt Minh và với quân kháng chiến Việt Nam cũng quyết biến nơi đó thành mồ chôn mộng tưởng của quân xâm lược giống như Chi Lăng thuở trước.

Ông Thanh bị kẹt ở miền Trung bởi quân Pháp mở chiến dịch Hải âu đánh ra phía tây nam Ninh Bình giáp vào Thanh Hóa. Mãi tới gần cuối năm ông mới về tới “nhà”.

Không khí ở cơ quan thật khẩn trương. Anh em tập trung về từng đợt, chỉnh huấn rồi lại phân tán đi phục vụ chiến trường.

Ông Bí thư chi bộ phổ biến:

- Cuộc kháng chiến của nhân dân ta do Đảng lãnh đạo đang bước vào giai đoạn quyết liệt nhất có tính quyết định của cuộc chiến tranh. Ta không muốn kéo dài để mở rộng cuộc chiến, Đế quốc Mỹ sẽ nhẩy vào là điều bất lợi. Trong khi thế lực thực dân ở Pháp không thể huy động nỗ lực chiến tranh hơn nữa. Một giải pháp chính trị sẽ được quyết định bằng một chiến thắng quân sự cho cả hai bên đặt lên cán cân trên bàn đàm phán. Trung ương kêu gọi tất cả các tổ chức Đảng, mỗi đảng viên của Đảng dốc hết sức mình động viên toàn dân tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến giành thắng lợi. Khó khăn của ta là đất nước bị thực dân thống trị bóc lột hàng trăm năm, chế độ phong kiến có từ hàng ngàn năm nhưng phần lớn ươn hèn lệ thuộc, vì thế tiềm lực của ta có hạn. Nhưng bây giờ ta có chỗ dựa vững vàng là cả khối Xã hội chủ nghĩa to lớn làm hậu thuẫn. Nhiều vùng nông thôn giải phóng đang tiến hành “cải cách ruộng đất” làm cho người cày có ruộng đã tạo nên khí thế phấn khởi, càng tin tưởng vào Đảng ta, thanh niên hăng hái tòng quân, nông dân tích cực đóng góp sức người sức của… 

Ông Bí thư giao việc cho ông Thanh:

- Sẽ có hội nghị hoà bình. Anh Trịnh mắc bận trên chiến khu lo chuẩn bi, có chỉ thị về. Công việc phục vụ cho chiến trường lần này lớn lắm. Địa bàn rộng, huy động mọi tiềm năng sức người sức của. Ở nhà dự định kỳ này đồng chí về sẽ đi làm công tác Cải cách ruộng đất nhưng tình hình diễn biến đột xuất nên đồng chí sẽ làm công việc khác. Vất vả đấy, có chịu được không?

- Tôi thấy chẳng có công việc nào là nhàn cả nếu như chưa có hoà bình!

- Ông nói đúng đấy! Hoà bình là nguyện vọng thiết tha của chúng ta. Nói thật tình, ông đừng cười nhé, cho dù đến lúc yên hàn, vợ chồng gặp nhau liệu còn sức để có được một đứa con không?! Nhưng thôi bây giờ ta bàn công việc thiết thực. Cơ quan cử cậu sang bên “Tổng đội dân công hoả tuyến” vì công tác quần chúng cậu quen rồi và với các địa phương ông cũng có quan hệ tốt. Ông có thể huy động người từ cơ sở thành lập một bộ khung.                

Trên đường công tác, ông Thanh ghé thăm mấy chỗ thân quen.                         

Cô Bảo Ngọc vui vẻ chào đón ông nhưng cô Thảo Tâm buồn rười rượi:

- Chắc là học trò không ngoan nên cô giáo buồn?

Cô Thảo Tâm rơi nước mắt lặng thinh. Cô Bảo Ngọc trả lời đỡ cho:

- Nghỉ dạy rồi!

Cô thở dài nhìn người em chồng thương hại.

Chờ mãi, cô Thảo Tâm mới buồn rầu than thở:

- Không dưng đất bằng dậy sóng. Mấy đứa trẻ ngô nghê ấy biết gì mà vào lớp chúng nhìn mình cứ như nhìn con quái vật và em nói chúng nó chẳng chịu nghe nữa. Trước đây có thế đâu nào? Em buồn khổ lắm. Em tự xét mình vẫn giảng bài như mọi khi thôi. Em không đánh mắng đứa nào. Em cũng không làm điều gì sơ xuất trước mặt học trò. Hay là có ai xúi bẩy gì chúng nó không? Em vừa buồn vừa tức không ăn không ngủ được. Có một con bé em thương nó lắm. Ngày nào thu vở của học trò về nhà chấm bài nó cũng tự động mang đỡ cho em nhưng bây giờ nó không làm như vậy nữa. Trong lớp khi những đứa khác nhìn mình bằng con mắt kỳ quái thì con bé nhìn mình tội lắm, hình như nó thương mình, nó muốn trách mình mà không dám nói ra. Những lúc em phải ôm một tập vở lủi thủi về nhà, đột nhiên quay lại vẫn thấy con bé lẽo đẽo đi sau nhìn mình ngượng ngập. Em dừng lại rủ nó về nhà thì nó lại bẽn lẽn lủi biến đi. Một hôm tan lớp, chờ cho học trò ra hết mà con bé vẫn chần chờ chưa muốn bước ra, em vẫy nó lại: 

  - Tại sao các em không muốn gần cô nữa?

Nó yên lặng cúi đầu.

- Cô có làm gì để các em giận cô không? 

Nó ngước nhìn em, hai hàng nước mắt chảy ròng ròng, nó mếu máo trách em:

- Cô là… địa chủ. Sao cô giấu em?

Và nó chạy vụt đi.

Cô Thảo Tâm thút thít:

- Cha mẹ tôi làm địa chủ từ bao giờ và làm những gì tôi đâu có biết! Nhưng tôi có làm gì sai với chúng nó đâu? Mình hết lòng với nó mà nó lại hắt hủi mình thì còn sống với nhau làm sao được!

Cô khóc lên không kìm được nữa.

Cô Bảo Ngọc bùi ngùi giải thích:   

- Chả là một dạo có mấy người ở dưới xuôi đi dân công qua đây, tình cờ vào mua hàng. Họ nhận ra chúng em rồi chắc là họ kháo nhau. Tai vách mạch rừng, một hôm có ông du kích đến cửa hàng loanh quanh dòm dỏ mãi rồi hỏi em:

- Các cô quê ở đâu đến đây?                   

- Tôi ở Hà Nội. Ngày kháng chiến tôi chạy về quê chồng ở Vĩnh Yên. Nhưng ở đấy cũng không yên. Tôi cũng không muốn theo thằng Pháp nên chạy lên đây. Dạo nó đánh lên đây tôi theo người ta chạy vào rừng. Nó cút đi tôi lại về đây. Khi nào nó xéo khỏi quê tôi thì tôi lại về chứ ai muốn sống cảnh tha hương làm gì! 

Ông Thanh an ủi các cô: 

- Thôi, sông có khúc, người có lúc, mọi chuyện rồi sẽ qua hết. Hoà bình sắp đến nơi rồi, ráng thêm chút nữa là khoẻ thôi.

Trời xẩm tối rồi, ngoài đường từng tốp thanh niên trai gái đi họp tập đoàn, họ vừa đi vừa hát toáng lên hãnh diện lắm:

Nông dân là quân chủ lực… đội quân hùng mạnh / Không có nông dân thì kháng chiến ta không thể thành công / Nông dân bao năm tranh đấu xây nên nông thôn, yêu nông thôn và căm ghét bọn địa chủ dã man…

Suy nghĩ mãi ông bàn với các cô:            

- Cô Thảo Tâm mà cứ ở như thế này thì dấm dứt lắm. Hay là tôi xếp cô đi làm cán bộ dân công hoả tuyến cho nó khuây đi. Vậy thì chỉ còn Bảo Ngọc ở nhà liệu có được không?

Cô Bảo Ngọc ưng ngay:

- Tôi thấy cô nên thoát ly khỏi cảnh này một thời gian cho nó nguôi ngoai dần đi. Còn tôi thì chẳng phải lo gì đâu.

Cô Thảo Tâm còn lưỡng lự:

- Đi làm những việc gì em đâu có biết. Mà liệu có ai tin mình không?

Ông Thanh động viên:

- Làm daginan, trăm thứ… Mọi chuyện có làm mới vỡ dần ra. “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền” thôi!

Cô Bảo Ngọc cười vui vẻ:

- Miễn anh Thanh tin cô là được... Em giao cô ấy cho anh, nhỡ làm sao thì cứ bắt đền anh đấy!

Ông Thanh phân bua:

- Tôi chẳng là gì nhưng chủ trương kháng chiến lúc này là động viên toàn lực!

ô

Ông Thanh dẫn một đoàn người lên biên giới nhận hàng viện trợ để chuyển ra mặt trận. Tiện thể ông đến nơi công tác của Hương Giang. Gặp mấy bạn cũ của cháu ông, họ tận tình cho người hướng dẫn đến nơi:

- Hương Giang công tác tiến bộ vừa được Tổ chức rút lên cho sang bên Trung quốc học.

Rất may là Hương Giang lỡ chuyến xe còn nán lại. Cô mừng rú lên:

- Chú Phán! À… chú… Thanh!

Hai chú cháu vui mừng cảm động lắm. Sực nhớ ra điều gì, cô hớt hải báo tin:

- Chú ơi! Bác Trịnh Huy bị sốt rét nặng lắm. Đang nằm trong bệnh viện gần đây!

- Rồi chú sẽ qua thăm. Nhưng cháu được đi học về ngành gì đấy?

- Lớp chúng cháu đặc biệt lắm. Không phải như học sinh đi du học đâu. Cấp trên tuyển chọn kỹ lắm. Trẻ nhưng phải có quá trình thử thách. Cháu mới được kết nạp Đảng thì tổ chức rút lên. Chúng cháu qua bên Trung quốc tham quan xem nước bạn đã tiến hành “Thổ ty cải cách”  như thế nào để mình vận dụng. Đợt một Cải cách vừa qua bạn đánh giá ta làm chưa đạt yêu cầu.

- Cháu tiến bộ, chú mừng lắm! Chú bận nhiều việc quá nên đợt giảm tô và cải cách đều không tham dự được.       

- Đã đi kháng chiến thì tổ chức giao việc gì cũng phải làm thôi. Hoà bình rồi mới nói đến chuyện mình thích cái gì. Có phải thế không hả chú? Chú có nhận được tin của anh Nghĩa và của ba cháu hay không?     

- Chú bặt tin từ ngày Nghĩa đi! Xa xôi cách trở quá. Còn ba cháu thì chú  gặp hồi giữa năm nay. 

Ông nói loanh quanh luẩn quẩn đủ thứ chuyện rồi mới quay lại chuyện của ông Tham nhưng ông không thể nói ra cái nguyên do chính để ông Tham quay về:

- Ba cháu khổ tâm lắm nhưng tình nghĩa vợ chồng ai có rơi vào thực cảnh mới biết.

Hương Giang khóc lâu lắm, rồi cô nén lại:

- Lúc đầu cháu không nghĩ rằng ba cháu có thể đi theo kháng chiến được đâu.

Ông Thanh cắt ngang ngay ý nghĩ của cô:

- Cháu chưa hiểu hết ba cháu đâu!

- Tại sao chú đi theo Cách mạng thanh thản thế mà ba cháu thì… nặng nhọc?

- Các cháu còn thanh thản hơn cha và chú nhiều. Mấy năm qua chú có điều kiện sống gần gũi với nhân dân. Bà con lao động mình ở đâu cũng vậy: lam lũ, nhân hậu, chân chất, cả tin. Để được sống, họ làm việc hai sương một nắng thật là cực nhọc, lại còn gặp lắm nỗi đoạn trường. Bởi thiên tai, địch họa cũng có, lại còn bởi thói tham lam ích kỷ cố hữu của chính con người với nhau. Để họ được no cơm ấm áo là điều cần thiết nhưng lấy bát cơm manh áo làm mục tiêu kích thích thì xem chừng là ta hại họ. Hậu quả chưa biết thế nào. Làm sao cho hồn nước, hồn dân và lòng vị tha bác ái hòa đồng. Cảm hóa những người như ba cháu mới là điều khó!

- Trong đoàn cháu đi có anh Bí thư chi bộ rất trẻ tên là Trần Quyết Tâm, cũng người Hà Nội, có lẽ không hơn cháu mấy tuổi đâu nhưng trông già giặn và từng trải lắm. Anh ấy Nam tiến từ những ngày đầu, chiến đấu khắp từ miền Trung đến miền Đông Nam bộ lên tới Tây Nguyên rồi lại tháp tùng đoàn cán bộ cao cấp miền Nam ra Việt Bắc. Anh ấy kể chuyện đã từng được gặp cả tướng Nguyễn Sơn, Nguyễn Bình. Ở mặt trận Nam Trung bộ, trong khi chiến sỹ ta nghĩ rằng không thể đánh được Pháp thì anh Vy Dân, Trung đoàn trưởng người Hà Nội Nam tiến thành lập một trung đội đặc biệt, chọn lựa toàn là cán bộ gan dạ quyết đánh chiếm bằng được một đồn địch. Nhưng rồi đơn vị hy sinh gần hết kể cả Trung đoàn trưởng. May mà anh Tâm chỉ bị thương, bò ra bờ ruộng, được mấy bà mấy chị đi làm đồng phát hiện mang về. Những chuyện chiến đấu hy sinh của đồng bào trong đó cảm động lắm. Có nhiều tấm gương yêu nước cháu nghe mà thật không ngờ. Như ông điền chủ họ Lâm ở huyện Mỏ Cày tỉnh Bến Tre: Ông du tây học, lấy bằng Tú tài trưng trong tủ. Vốn chữ nghĩa chỉ để chống kẻ làm càn. Khi quân Pháp tái chiếm Nam bộ, chúng kêu ông ra làm Quận trưởng nhưng ông không chịu. Ép nhiều lần vẫn không khuất phục được ông. Cuối cùng lính Pháp bắt ông và người con trai trưởng trói vào cây cọc giữa chợ và ra điều kiện: Ông phải nhận làm Quận trưởng nếu không thì cả hai cha con đều bị xử bắn. Hai cha con ông đã chấp nhận cái chết chú ạ!

Mắt cô nhìn đâu đâu trong khu rừng rậm rạp âm u, để mặc cho hàng nước mắt chảy ra đầm đìa. Trong suy tư cô mải miết với sự xả thân của những người trí thức đi trước trên con đường hôm nay cô đang đi:

- Trong lớp chỉnh huấn vừa rồi chúng cháu được biết nhiều tấm gương tiêu biểu của các vị trí thức ở miền Nam, địa vị cao, giàu có, vào “làng tây” nhưng sẵn sàng từ bỏ phú quý vinh hoa, đứng về phia nhân dân, tham gia kháng chiến kiên cường lắm. Với họ, vết nhơ nô lệ chỉ có thể được rửa bằng máu! Như luật sư Thái Văn Lung, xuất thân trong một gia đình trí thức công giáo, nhập quốc tịch Pháp, được đào tạo thành sỹ quan quân đội Pháp. Nhưng ông đã từ bỏ tất cả, đứng về phía nhân dân, được tín nhiệm bầu vào Quốc hội. Trong một trận chỉ huy đánh giặc, ông bị bắt, bị tra tấn dã man nhưng không chịu đầu hàng, chấp nhận cái chết vô cùng oanh liệt. Như ông kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt xuất thân từ một gia đình đại điền chủ, cha làm quan đầu tỉnh lại có chức sắc cao trong đạo Cao Đài. Trường Pháp đào tạo ông từ nhỏ và cấp cho ông văn bằng kỹ sư cao cấp ở Paris. Ông lấy vợ đầm giàu có và sản nghiệp của ông rất lớn. Thế nhưng ông cũng bỏ lại tất cả mọi sự phù hoa, theo Bác Hồ về nước và ra bưng biền kháng chiến. Ông mặc đồ bà ba, ngủ nóp, bơi xuồng như một người nông dân. Ông dùng vốn kiến thức chuyên môn của mình trong công binh xưởng để chế tạo ra vũ khí cho bộ đội đánh giặc. Không may bị địch bắt trong một trận càn vào Đồng Tháp Mười. Quân giặc biết rõ về ông, chúng dụ dỗ lôi kéo, hứa cho ông cả ghế Bộ trưởng trong Chính phủ tay sai. Chúng gọi người vợ đầm từ Paris sang lung lạc được ông thì cho bà bảo lãnh. Nhưng không gì khuất phục được ông. Chúng dùng cực hình tra tấn cưỡng bức ông đến điên loạn rồi thảy ông vào nhà thương điên cho đến chết!

Cô muốn chứng minh với chú con đường cô đi có những tấm gương lớn đồng hành:

- Còn nhiều vị trí thức tiếng tăm đang ở bưng biền hoặc lên chiến khu tham gia kháng chiến bên cạnh Bác Hồ. Như ông Trần Văn Giàu có tài, có chí, đi du học hứa với cha sẽ lấy hai bằng tiến sỹ. Nhưng sang Pháp ông lại hăng hái đấu tranh đòi độc lập cho tổ quốc và gia nhập Đảng Cộng sản. Bị trục xuất về nước, ông nhận lỗi với cha nhưng lại được cha an ủi “tận trung cũng như tận hiếu”. Ông dấn thân vào con đường cách mạng. Được qua Liên Xô học trường quốc tế Đông Phương. Về nước làm báo, dạy học, nổi tiếng về tài diễn thuyết, người có tài hùng biện như Phan Văn Hùm cũng nể, vào tù ra khám không biết mấy lần. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, ông là người phát lệnh cho Nam bộ nổ súng kháng chiến chống Pháp đầu tiên. Đặc biệt là cả gia đình bác sỹ Phạm Ngọc Thạch xuất thân quyền quý cao sang mà cũng hết lòng với nước. Mẹ ông gốc hoàng tộc, cha làm Đốc học ở Qui Nhơn nhưng nhà ông lại là chỗ dựa của nhiều sỹ phu yêu nước. Cụ Nguyễn Sinh Sắc và người con trai khi mới lưu lạc vào Nam từng trú ngụ ở nhà ông. Ông học trường tây, lấy vợ đầm mà lại hoạt động chống Pháp, là đảng viên cộng sản, là thủ lĩnh của Thanh niên Tiền phong và trong số những người lãnh đạo chủ chốt ở Nam bộ ngày đầu kháng chiến. Ông là một thầy thuốc giỏi, tâm huyết, thương dân, được Bác Hồ vời ra chiến khu Việt Bắc và rất quý trọng.

Hương Giang xúc động lắm.

- Chú nghĩ người trí thức khi đã ngộ ra trách nhiệm của mình trước tổ quốc và nhân dân thì họ sẵn sàng hiến dâng tất cả. Một khi phải trực diện với quân thù thì ba cháu cũng thừa dũng khí…  

Ông Thanh kịp dừng lại, nói ra cũng khó và có nói ra thì cháu cũng không hiểu được. Không trách gì cháu đâu. Cháu còn trẻ quá. Dĩ nhiên ở đời có kẻ tối người sáng, có người trung kẻ gian, người dũng kẻ hèn nhưng đem từng người ra mà so sánh thì khó lắm. Mỗi người có một hoàn cảnh, một cái nhìn, một phản ứng khác nhau. Ông nhớ lại cha ông ngày xưa bảo con: Sau này ra đời cần nhớ lấy chữ NGỘ và chữ NHẪN. Có Ngộ mới biết Nhẫn. Không Nhẫn thì khó Ngộ. Ngộ mà không Nhẫn là ngu. Nhẫn mà không Ngộ bất thành sự! Biết vậy mà ứng vào đời khó lắm vì người ta quen thói nhìn nhau và lấy tháng năm của đời mình làm thước đo vận mạng. Không ai nói hay được đâu con ạ! Bây giờ ông chỉ có thể nói gọn lại một câu:

- Chú tin là dù ở đâu, lúc nào ba cháu cũng là người tốt!

Hương Giang nhìn chú, không hiểu cô nghĩ đó chỉ là lời an ủi hay cô đồng tình với chú nói về cha mình. Bây giờ cô chỉ còn chú đây là người tin cẩn có thể nói ra những khúc mắc của mình:

- Chú ạ,  qua lớp học kỳ này cháu có nhiều suy nghĩ lắm. Anh chị em thảo luận góp ý cho nhau làm thế nào để trở thành người cách mạng thực sự nhất là với số người xuất thân từ những gia đình như cháu. Anh Bí thư có nêu ra một chuyện thực để cùng tranh luận: Hồi đầu kháng chiến có ông Đốc Phủ xứ họ Phan ở Sài Gòn không chịu hợp tác với thực dân Pháp. Ông tìm ra bưng biền tham gia kháng chiến. Trước khi ra đi, ông viết thư để lại trên bàn đại ý nói là: “Tôi được người Pháp đào tạo làm quan cai trị dân tôi. Những ngày làm quan, điều lợi cho dân tôi không làm được mà chỉ làm được điều lợi cho người Pháp thôi. Vậy là tôi có tội với ông bà tổ tiên và dân tộc của tôi. Nay tôi từ bỏ tước quan ra bưng biền tham gia kháng chiến cùng với Cụ Hồ đòi lại giang sơn đất nước và độc lập cho tổ quốc tôi. Tôi bàn giao lại ấn tín và toàn bộ ngân quỹ cùng với sổ sách chứng thư của cơ quan công sở cho chính quyền đô hộ. Chúng tôi không đánh dân tộc Pháp mà chỉ đánh bọn thực dân Pháp xâm lược thôi! Tư tưởng Tự do–Bình đẳng–Bác ái bất diệt! Nước Việt Nam của người Việt Nam!” Dưới  chữ ký tên ông còn ghi lời xác định mình là: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa!”. Anh đặt vấn đề là trong khi Cách mạng đang nghèo, số tiền đó suy cho cùng cũng là do lũ thực dân cướp bóc của nhân dân ta. Vậy thì tại sao ta không mang nó góp vào cho Cách mạng? Đích thực là kiểu cách sỹ khí phong kiến tư sản đấy!

Chúng cháu tranh cãi sôi nổi lắm không ai chịu ai. Sau mời bác Trịnh đến dự, bác ngồi nghe lâu lắm rồi bác nói gọn thế này:

- Cách mạng là quy luật lịch sử tất yếu không gì cưỡng lại được nên người cách mạng làm việc gì cũng phải quang minh chính đại. Nếu như ông Đốc phủ mang theo số tiền ấy đi thì kẻ địch sẽ có cớ phao lên rằng ông ta vì biển thủ công quỹ phải bỏ trốn. Vậy là sự ra đi của ông không còn thuyết phục được ai mà Cách mạng lại mang tiếng là nơi dung dưỡng những việc làm mờ ám. Nhiều khi vì cái nhìn thiển cận mà hỏng cả đại nghiệp. Cách mạng mạnh lên bằng sự phát triển tự thân mới vững chứ bằng sự giành giật thì chỉ được nhất thời thôi. Của ăn rồi sẽ hết. Trí tuệ và sức lực của chính mình mới là vô tận… Có việc làm lợi trước mắt cho Cách mạng mà không đẹp, không thu phục được nhân tâm ta cũng không làm. Theo Cách mạng là ta vươn tới điều Chân – Thiện – Mỹ! Thật ra cháu chưa hiểu hết ý của bác nói gì đâu.

- Bác Trịnh là người học rộng hành nhiều và tâm huyết lắm, xưa nay chú vẫn kính phục.

Ông rút ra một gói nhỏ đưa cho Hương Giang:                              

- Lúc chia tay chú, bác Tham gửi cho cháu cái này, căn dặn cháu giữ gìn sức khoẻ và theo Kháng chiến đến cùng.

Đó là số vàng vợ ông giao để chuyển cho bác Tham, bà giải thích:

- Anh chị tận tâm tận tình với mình, cái ân nghĩa ấy không gì trả được.

Ông Thanh cùng cô Thảo Tâm vào bệnh viện thăm ông giáo. Cả hai người cùng sửng sốt không nhận ra người anh. Ông giáo còm nhom khẳng khiu như một cành cây khô gẫy, nước da xám xạm, đôi môi thâm đen nổi lên đôi mắt to vàng khè và hàm răng trắng xác trông đến sợ. Ông bị cơn sốt rét ác tính nó quật tưởng chết. Cô Thảo Tâm chỉ ngồi nhìn mà nước mắt cứ chảy ra. Ông Thanh giữ ý lâu lâu mới hỏi một câu nhưng ông giáo trả lời như người hết hơi, phải ghé sát vào mặt mới nghe thều thào câu nói theo làn hơi yếu ớt.

Ông cũng không ngờ gặp lại những người quen trong lúc này thật là quý hơn được vàng.

Cô Nga em cô Hồng mừng quýnh ôm chầm lấy ông và reo ầm lên:                  

- Cậu ơi… Cháu tưởng không bao giờ gặp cậu nữa!

Cô khóc hu… hu như trẻ con. Trong lòng cô đã coi ông bà Phán Thanh như  người ruột thịt của mình. Bây giờ là lúc cô cần người thân thích thì có còn ai biết rõ chị em cô từ thuở ấu thơ và cư xử thật là tử tế. Cô giới thiệu với mọi người:

- Đây là ông cậu của tôi!

Cô chạy đi kéo đến mấy người và chỉ vào ông:

- Đây là chú ruột của anh Nghĩa. Các anh nhớ không?

Mấy người tỏ ra rất lễ phép chào ông Thanh trong khi cô rối rít giới thiệu từng người một:

- Đây là Bác sỹ kiêm nhà văn Nguyễn Đức Phúc, thủ trưởng của cháu… Và đây là anh Bắc Hà, Chính trị viên Bệnh viện…

Bác sỹ Phúc cũng không vừa chỉ vào hai người:

- Bây giờ đây là nữ y tá Hồng Hà, người vừa đẹp vừa có duyên nhất bệnh viện, đã khéo tay lại hát hay dỗ ngọt xứng đáng là Chiến sỹ thi đua. Hai con sông này sắp nhập vào một dòng rồi đấy.

Anh vui vẻ vỗ vai cả hai người:

- Có nhập vào một dòng cũng phải chờ ngày chiến thắng vui chung có cậu mợ tôi mới được – Cô Hồng Hà thanh minh.

Ông Thanh bắt tay các bạn và nói với nhà văn:

- Tôi đã được đọc truyện ngắn “Ngọn lửa căm thù” của anh, cảm động lắm. Nó làm tôi nhớ đến đứa cháu…                            

- Chính em bé ấy khơi dậy cho tôi lòng căm giận bọn sát nhân và tình thương với những người đau khổ mà đi theo kháng chiến.

Cuộc gặp gỡ bao nhiêu người ở đây ao ước.

Ông Thanh hỏi về bệnh tình của anh mình. Bác sỹ Phúc giải thích:                 

- Cơn nguy kịch đã qua rồi. Tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét trong máu chỉ còn một croix (+) thôi, rồi sẽ hết dần. Mức độ suy gan cũng giảm rất nhiều. Phải nói rằng anh ấy có một sức đề kháng phi thường chứ như người khác thì chắc là không chịu nổi. Bây giờ chỉ còn chờ lại sức thôi. Anh ấy có tiêu chuẩn của cán bộ cao cấp đấy nhưng chưa đáp ứng nổi. Chúng tôi đã báo cáo cụ thể rồi nhưng ở trên gửi lại bệnh viện chăm sóc chừng nào có điều kiện sẽ đón anh đi an dưỡng.

Ông Thanh lo lắng. Cô Thảo Tâm sốt sắng bàn với ông:

- Nếu như về bệnh tật không còn lo gì nữa chỉ chờ bình phục mà ở mãi trong rừng sâu âm u mù mịt thế này sợ lỡ tái nhiễm thì không chịu nổi. Hay là bây giờ ta xin đưa anh về dưới đó nghỉ ngơi, có điều kiện bồi dưỡng cho anh mới mau lại sức.

- Điều này phải báo cáo lên trên – Bác sỹ Phúc nói.

- Để tôi sang bên ấy xin ý kiến xem sao – Ông Thanh lĩnh trách nhiệm ngay.                    

Cấp trên đồng ý với đề xuất của người anh em đồng chí Trịnh Huy. Tuy là Tổ chức có quan tâm tới cán bộ đấy nhưng trong hoàn cảnh kháng chiến còn nghèo quá, tiêu chuẩn bồi dưỡng cho cán bộ cũng chẳng thấm tháp tới đâu. Có anh em gia đình tự nguyện nhận giúp đỡ thì cũng là hợp lý hợp tình. Cơ quan tính cho một cần vụ đi theo giúp đỡ nhưng ông Thanh từ chối vì bỗng nhiên phải “cáng” thêm một người nữa sẽ phiền hơn. Mọi chuyện liên lạc thường xuyên với cơ quan ông Thanh lo được.

Ông giáo còn ngại sợ làm phiền người khác:

- Mình tuy là người duy vật nhưng cũng tin phần nào vào số mệnh đấy. Mình từng trải qua nhiều lần hút chết nhưng đều có thần nhân che chở. Nếu chưa tới số thì Trời có đánh vẫn sống nhăn răng – Ông nhăn răng ra cười mặt mày méo mó trông càng thảm hại.

Cô Thảo Tâm lựa lời nói khéo:

- Anh đừng ngại gì. Chúng em cũng không đến nỗi vất vả lắm đâu. Lo cho anh mau bình phục để sớm trở về công tác trong lúc này cũng là một cách đóng góp thiết thực cho kháng chiến.

Ông giáo xuôi lòng vì thực ra ông thấy sức mình đuối thật. Mỗi tuổi một khác, càng lớn tuổi cái sự bình phục nó càng ì ạch. Ông không trông chờ một sự đãi ngộ nào cả. Ngày còn hoạt động bí mật, lúc nào suy yếu quá thì ông tạm ghé về nhà, vợ nuôi. Bà hai vai cáng đáng cả một gia đình lớn thì cũng suy sụp đâu có kém gì ông lại gánh thêm ông chồng bệnh tật! Từ ngày giành được chính quyền ông cũng là người phải gánh vác lo toan việc nước nên ông hiểu. Tiếp thu cái ngân khố trống rỗng như thế nào thì ông cũng biết trong khi ngân sách thì như cái thùng không đáy. Bấy giờ ông mới thấm thía câu nói từ bao đời truyền lại: Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Cả một nền kinh tế quốc dân lệ thuộc khốn đốn trong trào lưu khủng hoảng kinh tế thế giới thì trông cậy gì vào nền sản xuất? Bao nhiêu sự đóng góp hằng tâm hằng sản một lòng với nước của nhân dân vẫn như đem muối đổ vào biển cả. Rồi cuộc kháng chiến bùng nổ và kéo dài đã ngót chục năm. Nhân dân nhiều nơi vẫn đói. May mà có sự chi viện quốc tế nhưng chủ yếu là lo cho quân đội có vũ khí, ăn no thì mới đánh giặc được. Mừng là ngày thắng lợi đang tới gần rồi nhưng còn bao nhiêu là những nỗi lo toan. Ngay từ buổi đầu bỏ lại mộng công danh xếp bút nghiên thoát ly gia đình đi làm Cách mạng ông đã xác định là đi vào con đường ấy tất  nhiên phải chấp nhận mọi nỗi gian lao vất vả hiểm nguy thậm chí là cái chết. Không phải một lần ông thanh thản mỉm cười nhìn thần chết tiến dần tới trước mặt mình. Thế mà lão thần quỷ quái ấy lại thua ông, vứt liềm bỏ chạy!                     

Ông giáo lấy tay ra hiệu để lại những quà cáp cho người bạn nằm bên. 

Cô Hồng Hà ghé sát tai ông Thanh nói nhỏ:

- Đây là giáo sư Trần đang dậy Đại học ở Paris cũng bỏ kinh thành hoa lệ tìm đường về nước tham gia kháng chiến. Con người tiếng tăm như vậy mà hiền lành ít nói lắm.                                                    Ông Thanh quay sang bắt tay chào người bạn mới. Bàn tay mềm mềm hâm hấp nóng. Đôi tròng kính dầy cộm tưởng sắp lồi ra, nước da trắng xanh bung bủng, dáng người mảnh khảnh khô cứng tưởng như không chịu nổi cơn gió mạnh, đôi mắt mở to ngơ ngác cứ như nhìn vật gì cũng thấy lạ lùng, cái miệng lúc nào cũng muốn cười nhưng chưa thấy một nụ cười thật sự. Ông đã nghe danh vị giáo sư  này. 

Ông Thanh cử mấy dân công theo cô Thảo Tâm đưa ông giáo về chỗ cô Bảo Ngọc. Ông căn dặn:

- Tuỳ Thảo Tâm xem công việc thế nào, có thể ở lại giúp cho Bảo Ngọc cũng được!

- Để em xem sao đã. Thế anh không cần em nữa à?

Ông Thanh lắc đầu nhè nhẹ không hiểu là ông muốn thanh minh hay ông đồng ý nữa. 

Cuộc họp của Ban Chỉ huy Tổng Đội Dân công Hỏa tuyến có đồng chí Đại diện Tổng Cục Cung cấp Tiền phương của Chính phủ về chỉ đạo:    

- Bây giờ đến lúc có thể tiết lộ với các đồng chí hướng chiến trường trọng điểm của ta là mặt trận Tây Bắc. Còn địa điểm cụ thể ở đâu thì khi nào bộ đội nổ súng sẽ rõ. Không phải đây là lần đầu ta đem quân lên Tây Bắc nhưng không thể so sánh với lần này được. Những lần trước ta đánh nhỏ, ngắn ngày, việc đảm bảo hậu cần không phức tạp, địa phương tại chỗ lo phục vụ là chủ yếu. Nhưng lần này ta đánh đại quân, có tới hàng chục ngàn người, khả năng chiến đấu dài ngày, việc đảm bảo hậu cần rất lớn, phải huy động tổng lực từ miền xuôi lên, miền trong ra, miền thượng xuống, kết hợp mọi phương tiện vận chuyển đa dạng: Ô tô, xuồng, bè, trâu, bò, ngựa, xe đạp thồ… nhưng không thể thay thế được đôi chân với đôi vai. Dân công đông ít ra gấp năm bẩy lần quân số chiến đấu, đi đường xa hàng mấy trăm kilômét, đèo cao dốc đứng đường mòn khúc khuỷu gập gềnh, lại dài ngày vất vả. Vấn đề đặt ra cho công tác hậu cần là không chỉ lo cho bộ đội mà phải lo cho cả dân công nữa. Phải tận dụng tối đa công suất của các phương tiện vận chuyển cả khi đi lẫn  khi về. Khi đi chuyển hàng, khi về chuyên chở thương bệnh binh và có khi cả tù binh địch nữa. Tổng Cục Cung cấp chia làm hai bộ phận lớn có trách nhiệm rõ ràng là Tổng Kho Thu Phát và Tổng Đội Dân công vận tải. Yêu cầu chung là: Đảm bảo bí mật chiến trường, không dể cho gián điệp trà trộn vào với dân công. Đảm bảo đúng số lượng và chất lượng hàng hóa, không được để hư hao mất mát. Và đảm bảo đúng tiến trình vận chuyển. Từng bộ phận các đồng chí triển khai cụ thể và chịu trách nhiệm với trên hay nói cho đúng chính là với Nhân dân và Tổ quốc lúc này.

Cô Thảo Tâm đến Tổng độitrình diện:   

- Báo cáo anh, em xin nhận công tác.

Ông Thanh vừa giúp cô đỡ chiếc balô nặng trịch xuống vừa hỏi:

- Mọi việc xắp xếp ổn thỏa chứ? Tưởng cô còn lâu mới lên.

- Mọi chuyện xuôn xẻ cả. Ôi, nhớ… công việc quá!

Một balô đầy sách…

- Em không ngờ anh chị em dân công lại mê sách truyện đến thế. Những lúc nghỉ em gom lại từng nhóm và đọc to lên. Họ nghe mê lắm. Toàn chuyện chiến đấu hay: Xung kích, Ký sự Cao Lạng, Người Xô viết chúng tôi, Thượng Cam Lĩnh… Và cả cái này nữa cho anh.

Cô đưa ra mấy bao thuốc điếu, gói thuốc lào Vĩnh Bảo và một gói ớt bột với lời giải thích:

- Thứ này chống sốt rét hay lắm đấy!

Ông Thanh cảm động lắm vì toàn là những thứ rất cần mà qúy hiếm.

- Bây giờ em đi theo một đội tải hàng miền trong ra. Số sách này em chia cho mỗi người mang một quyển sẽ nhẹ bớt đi để còn có sức mang thêm túi thuốc.

- Nhưng em chỉ sợ họ làm mất đi thôi!

- Em để ý xem những ai ham mê đọc sách thì giao cho họ vì những người ấy rất quý sách. 

- Em phục anh thật đấy, chuyện nhỏ thế mà em không nghĩ ra. Lần này em có kế hoạch xóa nạn mù chữ. Làm sao cho anh chị em mình sau một đợt đi dân công về là có thể đọc thông viết thạo được.    

- Tổng Đội hoàn toàn ủng hộ. Nếu làm được thì thật là tốt, ta sẽ nhân rộng ra. Nhưng điều chủ yếu là phải đảm bảo chất lượng hàng hoá vì gần đây bộ đội phản ảnh lại trong thực phẩm khô như mắm Thanh, thịt lợn muối… có độn lẫn vào sỏi đất! Nếu phát hiện ra cá nhân hoặc tập thể nào nhất định không tha thư, phải đưa ra Tòa án binh Mặt trận xử ngay tại chỗ để làm gương.

Lúc chia tay, ông đưa cho Thảo Tâm tấm bạt nằm là hàng của Trung Quốc viện trợ cho bộ đội mà cô Hồng Hà đã cho ông:

- Cậu mang theo cái này đi kẻo nằm rừng lạnh lắm.

Bây giờ ông nhường nó cho cô Thảo Tâm.   

                                   Dường như đối phương đã đánh hơi thấy bộ đội ta kéo quân lên Tây Bắc nên  những tuyến đường chính đều bị máy bay thả bom phá, bom cháy, bom nổ chậm… Khúc đường vượt qua sông Đà bộ đội công binh làm phà trong đêm trời rét căm căm mà anh em vẫn xoay trần đầm mình dưới nước. Ngước nhìn lên đèo dốc ngoằn ngoèo, những ngọn đuốc bập bùng đỏ rực trên triền núi: công binh và thanh niên xung phong đang bạt rừng xẻ núi mở đường kéo pháo.

Bộ đội với dân công cùng đi trên một con đường. Bộ đội vừa đi vừa hát:

Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa / Suối sâu đèo cao bao khó khăn vượt qua / Bộ đội ta… vâng lệnh cha già / Về đây giải phóng quê nhà…  

Tiếng hát vang vào vách núi dội lại nghe lòng nao nao. Đoàn quân đi trùng trùng rung lá ngụy trang trông oai hùng biết mấy trong khi đoàn dân công lặc lè ậm ạch, người gò lưng gùi hàng, người lệch vai vác nặng, người gồng tay xoải chân gân cổ đẩy chiếc xe kềnh càng lên dốc. Những con dốc dài trâu đi còn muốn khóc. Anh dân công đứng nghỉ ở lưng chừng dốc hổn hà hổn hển còn cố thở than với bạn:

- Người ta bảo: Ngày xưa ai ngược Sơn La / Đường thủy đường bộ những ba mươi ngày / Lưng đèo trắng xoá mây bay / Ngựa đi ba ngày chưa đến đỉnh non… Đi một chuyến này về nhà bu cháu tịt… mấy lứa đẻ!

Mùi khét lẹt của bom cháy âm ỉ làm ai nấy muốn nghẹt thở không thể cười lên được. Đoàn bộ đội dẻo chân nhẹ vai băng băng vượt qua quay lại động viên:

- Cố lên nào… anh chị em ơi!                  

Mấy cô dân công nhao nhao lên:

- Anh bộ đội ơi! Đánh thắng nhé… Chúng em chờ.

Mấy anh dân công thấy thế lại ganh: 

- Mình kè kè suốt ngày đêm mà chẳng được nghe một câu ngọt ngào. Con gái thấy bộ đội là mắt la mày lét!

Mấy anh bộ đội nghe được còn chọc tức thêm:

- Ba năm du kích nằm kề… Không bằng chủ lực nó về một đêm!

Một giọng nữ nói vuốt lòng cả hai bên:

- Một đêm đã nước non chi… Con gà vội gáy… đã mần gì đâu anh!

Cả bộ đội và dân công cười thoải mái.

Rạng sáng ngày 14 tháng ba, trong một cánh rừng bộ đội và dân công vừa dừng chân nghỉ bỗng thấy tiếng hò reo cứ lan dần lan dần. Người ta nghển cổ lên nghe rồi khi nghe được tin truyền thì ai cũng nhẩy dựng lên:

- Đêm qua bộ đội ta nổ súng tấn công Điện Biên Phủ và đã đánh chiếm được đồi Him Lam ở cửa ngõ phía đông do một tiểu đoàn lính lê dương chiếm giữ, giết chết cả tên Thiếu tá và tên Đại uý chỉ huy. Tên Trung tá chỉ huy pháo binh ở Điện Biên Phủ tự sát ngay tại chỗ vì không ngờ bộ đội ta có thể kéo nhiều pháo lớn lên tận đỉnh núi nã vào đầu chúng!

Người ta hò reo rát cổ, ôm chầm lấy nhau chia vui không kể thân sơ.

Cô Thảo Tâm rối rít chạy đi chạy lại. Cô bàn với mấy anh chị em nòng cốt của đội:

- Đội ta có thể ra một tờ báo lưu động để chào mừng chiến thắng được không?

Có ai nghĩ tới chuyện làm báo bao giờ. Cô động viên mọi người:  

- Đừng nghĩ chuyện làm báo là điều gì to tát lắm. Trong những lúc nghỉ này, ai mệt thì ngủ. Ngủ chán rồi, không làm gì, nghĩ vơ vẩn lại buồn chán thêm. Chi bằng ta nghĩ gì thì viết ra trên tờ giấy. Tôi gom lại, đóng thành một tập là Đội ta có được một tờ báo rồi. Chỉ nội bộ ta xem thôi, đừng sợ ai cười. Mà có tiếng cười thì càng vui thêm.

Tưởng chuyện làm báo cao xa thế nào chứ đơn sơ như vậy thì đâu có khó gì. Mọi người hưởng ứng. Việc đầu tiên họ bàn bạc sôi nổi đặt tên cho tờ báo. Mỗi người một ý, tên nào cũng kêu rôm rốp, ai cũng muốn theo ý của mình. Một cô gái trẻ ít nói nhưng là người nhận mang giúp Thảo Tâm nhiều sách nhất dụt dè nêu ra ý mình:           

- Em nghĩ các anh bộ đội chiến đấu phải có dạ sắt thì anh chị em mình ở hậu phương cũng phải có gan vàng đáp lại.

Cô chưa dứt lời thì mọi người đã hoan hô ủng hộ.

Tờ báo lưu động Gan Vàng ra đời như thế với câu thơ tựa do Thảo Tâm nghĩ ra:

Chàng dạ sắt ở nơi trận tuyến

Thiếp gan vàng ở chốn hậu phương

và trích đoạn bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của nhà thơ Minh Huệ cũng được  cô viết nắn nót đặt trang trọng ở trang đầu:

…Bác thương đoàn dân công

    Đêm nay ngủ ngoài rừng

    Trải lá cây làm chiếu

    Áo quần lấy làm chăn

    Trời thì mưa lâm thâm

    Làm sao cho khỏi ướt?!...

Tờ báo đã vượt ra ngoài biên giới Đội, có nhiều người đọc vì nó nôm na thiết thực đến mọi chuyện vui buồn có thật của người dân công hoả tuyến. Nó vang đến tai Tổng Đội. Ông Thanh đọc câu thơ tựa biết là của Thảo Tâm, có dịp biểu dương cô:

- Em là người chinh phụ mới. Ai có hạnh phúc được làm chinh nhân đây?

Thảo Tâm nhìn ông với đôi mắt vương một ánh buồn nhưng cô không thấy ánh mắt ông nhìn theo cô.

Tin thắng trận dồn dập đưa về.

Đến lượt đồi Độc Lập ở phía bắc cùng với một tiểu đoán lính Âu Phi nữa chung số phận với đồi Him Lam. Rồi một tiểu đoàn quân Thái đóng ở Bản Kéo phía bắc sợ quá kéo cờ trắng ra hàng.  

Máy bay địch quần thảo suốt ngày dội bom ngăn chặn đường tiếp tế, thả dù tiếp viện cho căn cứ bị vây. Lần đầu tiên ta có cao sạ 37 ly bắn máy bay ở tầm cao và đã bắn cháy máy bay địch ngay trên bầu trời Điện Biên buộc chúng phải bay tít trên cao thì chiếc dù thả xuống lại lạc ra ngoài biến thành hàng viện trợ cho ta.

Thương binh chuyển về ngày càng nhiều.

Dân công vận chuyển hàng từ hậu phương ra tiền tuyến thường đến điểm giao hàng, rẽ vào trạm quân y nhận thương binh đưa về tuyến sau là xong nhiệm vụ. Nhưng vì chiến trường ác liệt dù ở tuyến sau nhưng cũng chịu nhiều bom pháo nên có một số người mất tinh thần cáo đủ thứ lí do để lẩn tránh thậm chí là đào ngũ. Tổng Đội kêu gọi số anh chị em trẻ có tinh thần xung phong ở lại làm nòng cốt cho các đội. Cô gái gan vàng cũng trong số đó.

Ông Thanh đi về như con thoi trên dọc tuyến đường để kiểm tra đốc thúc. Ông tình cờ gặp Bác sỹ Bửu Quốc trên khúc suối vắng gần một bệnh viện dã chiến tiền phương. Mấy thầy trò đang tắm trần kiểu người thượng cổ. Cố nhân gặp nhau lúc này mừng lắm. Bác sỹ cười khà khà:

- Tắm thế này tuyệt trần hơn cả tắm trên bờ biển Địa Trung Hải. Muông thú trong rừng nhìn mình thèm lắm! Được hòa mình vào thiên nhiên là về với chính mình!

- Bác sỹ gầy đi nhiều nhưng dáng nhanh nhẹn vui tươi không có vẻ trầm cảm suy tư như trước.

- Béo là hiện tượng dư thừa nước và mỡ bởi sự trì trệ của hoạt động tinh thần và thể xác. Bây giờ trong tôi lục phủ ngũ tạng đều hữu dụng. Đó là giá trị thực của một cơ thể sống. Càng gian khổ càng phải vui lên, đó là liều thuốc tốt nhất chữa bệnh bi quan bạc nhược.

Bác sỹ cùng thân chủ cũ đi trên một quãng đường rừng và dùng dằng tâm sự:

- Từ xưa, cổ nhân đã dạy: “Vua lấy dân làm trời”. Phận làm quan phải trung quân suy tới cùng là «lấy dân làm gốc». Dân ấm no hạnh phúc ắt thiên hạ thái bình, xã tắc thịnh trị, bậc vương giả được tiếng hiền minh. Nhưng vua quan bản triều bao lâu nay lấy cái tôi làm gốc, coi cái ngai làm trọng, bỏ mặc dân chúng điêu linh thì làm sao đòi bách tính tôn thờ đấng quân vương được nữa? Mình tuy thoát ly cảnh luồn cúi chốn quan trường nhưng lại khép mình trong tháp ngà khoa học, say sưa với công việc mình làm họa chăng cứu được mấy mạng người thoát khỏi cái chết vì bệnh tật nhưng rồi họ cũng chết yểu vì đói khổ. Vậy mà có lúc mình từng hài lòng và coi những việc đã làm được ấy như là quả phúc!

Giọng ông thật chân thành:

- Năm ngoái mình được dự một lớp chỉnh huấn cùng nhiều anh em trí thức, đấy là dịp để mọi người thành khẩn bộc bạch lòng mình sau một quá trình hòa nhập với cộng đồng. Đa phần cùng chung một suy nghĩ như nhau: Có thấm thía cái nhục mất nước thì mới thấm thía cái vinh dự của độc lập; có đau xót vì bị kìm hãm, áp bức mới thiết tha sống còn với tự do! Tuy vậy cũng có người nghi ngại hỏi mình: Anh là hoàng thân quốc thích, được nhồi sọ lâu dài ngay tại Paris, lại ngày đêm ăn ngủ với một bà đầm, vậy anh theo Cộng Sản có thật lòng không?

Ông coi như mình đang tâm sự với một người bạn tâm giao:                            

- Ai đã để hai chữ Việt-Nam bị xoá tên trên bản đồ thế giới nếu không phải chính hoàng triều này? Những người trọng liêm sỉ phải thấy trách nhiệm trong việc phục hưng đất nước trước tiên có phải là con cháu dòng tộc Nguyễn Phước hay không? Ai cũng biết Paris là tâm điểm giao lưu và hội tụ của nhiều nền văn hoá, văn minh nhân loại và ở đấy, bản Tuyên ngôn Cộng Sản lần đầu tiên được nhiều người biết đến! Mọi triều đại, tổ chức, cá nhân dù lâu mau rồi cũng qua đi, chỉ có tổ quốc là trường tồn trong ý thức. Nó hưng suy do ở con người! Bất cứ ai làm cho tổ quốc Việt Nam này hồi sinh và chấn hưng lên tôi đều ủng hộ và hợp tác nhiệt tình. Cũng may, người ta đã nhồi cho tôi nhiều thứ và tôi biết lựa chọn cái gì thích nghi cho mình để tiêu hoá được nên lúc nào tôi cũng chính là tôi! Giả như tôi chỉ được nhồi nhét chỉ một món ăn thôi, không dưng muốn tồn tại tôi sẽ thành… con vẹt! Lịch sử xưa nay, những trào lưu văn minh tiến bộ chuyển động như quả lắc đồng hồ. Ta sẽ không ngạc nhiên gì cả trước mọi biến thiên thế sự! Đi theo ai vì tham phú cầu vinh chỉ là phường giá áo túi cơm thôi. Người trí thức chân chính thời nào cũng vậy, luôn thiết tha vơí Độc lập-Tự do-Bình đẳng-Bác ái bởi chỉ trong những điều kiện ấy trí tuệ mới thật sự được giải phóng và phát huy lên!

Ông mải mê trào ra những suy tư thầm kín:

- Trên con đường trường chinh kể ra cũng nhiều trắc trở. Có lúc nản chí mình cũng định về thành. Dạy học và trị bệnh là nghề tự do, tôi sẽ không hợp tác với ai! Cơ quan mình đóng cùng căn cứ của Trung ương. Một hôm Ông Cụ ghé thăm, đem cho mớ rau Cụ tăng gia tự túc được. Cụ thăm hỏi gia đình, sức khoẻ, tình hình công tác và sự học tập của anh em. Thấy Ông Cụ gầy hom hem mà xót ruột. Khi ra về, Cụ trao cho mình một gói quà và nói rất chân tình: Kháng chiến nhất định thắng lợi nhưng phải trường kỳ, gian khổ. Tuy nhiên hoàn cảnh của mỗi người một khác nhưng dù ở đâu, lúc nào ai cũng đều một lòng với nước. Tôi tặng chú bộ quần áo này để mặc nếu như có trở về thành. Anh em, bạn bè ngày đầu gặp gỡ trông cũng thấy đàng hoàng!

Mắt ông chớp chớp cảm động lắm:

- Từ đó tôi đoạn tuyệt với những thắc mắc vẩn vơ và bộ quần áo ấy tôi tặng lại cho một chiến sỹ bị thương.

Ông tỏ ra phấn chấn:

- Nhờ có đi vào kháng chiến, tầm mắt mình được nhìn rộng ra, tấm lòng mình cởi mở chan hoà và niềm vui, nỗi buồn của mình cũng rộng lớn hơn. Trước kia mình yêu nước nhưng tình yêu ấy chỉ luẩn quẩn trong gia tộc, bạn bè và số hoàng thân quốc thích quần thần. Khi bộc phát lên dữ dội là bởi chạm vào lòng tự ái cá nhân! Bây giờ mình cảm thấy đất nước và nhân dân gắn bó máu thịt với mình. Mình hoàn toàn tự nguyện cống hiến tài năng và sức lực cho nhân dân, cho tổ quốc, thỏa chí bình sinh như ước vọng từ thời còn trai trẻ. Chưa đầy một năm sau khi phải rời Thủ đô đi kháng chiến, chúng mình đã tiếp tục mở trường Đại học Y khoa trong những điều kiện cực kỳ khó khăn. Thế mà bây giờ ta có hàng trăm Bác sỹ đủ trình độ và năng lực phục vụ bộ đội, phục vụ dân công, phục vụ nhân dân, đáp ứng được cho cuộc chiến đấu tự giải phóng của Tổ quốc mình.

Ông say sưa nói những điều tâm huyết trong tâm trạng đầy phấn chấn:

- Điều lý thú nhất là gì ông có biết không? Chúng mình giảng bài cho sinh viên toàn dùng tiếng mẹ đẻ của chúng ta! Từ bước đầu thử nghiệm tiến dần tới hoàn thiện. Tuyệt vời lắm! Ngôn ngữ Việt hoàn toàn đủ khả năng diễn đạt mọi trạng thái và biến thái trong mọi lĩnh vực đời sống, xã hội, khoa học và tâm thức. Điều này với nhiều quốc gia dù đã có độc lập vẫn không dễ gì làm được. Chúng mình đang đi những bước đầu xây dựng một nền y học mới theo phương châm từ  ông cha truyền lại: Thuốc Việt Nam trị người Việt Nam!

Ông tỏ ra hào hứng:                       

- Anh bạn tôi ở bên Nhật khi bí mật tìm đường về nước tham gia kháng chiến có mang theo một ít nấm kháng sinh. Nó cần được nuôi cấy trong môi trường đặc biệt đòi hỏi phải có trình độ công nghệ cao lắm nhưng anh chị em ta đã sáng tạo dùng những nguyên liệu ta sẵn có làm được loại dung môi thích hợp. Từ đó chiết xuất ra chế thành dung dịch kháng sinh dùng rửa các vết thương và trị bệnh đường ruột rất hiệu quả. Tiến tới ta sẽ sản xuất kháng sinh dạng bột để cung cấp cho chiến trường toàn quốc. Anh chị em còn dự kiến chế tạo ra các loại vaccin, máu khô, đạm tổng hợp… trong khi nhu cầu thì vô hạn. Dù rằng cuộc kháng chiến của chúng ta được các nước bầu bạn chi viện to lớn nhưng một dân tộc muốn đứng vững trên đôi chân của mình là phải biết tự lực tự cường.

Ông trở nên trầm ngâm như  nói với chính mình:

- Tổ quốc mình giàu và đẹp lắm. Người tài và tâm huyết không thiếu đâu mà nhân dân mình cực khổ gian nan quá! Mình không có thì giờ để nghĩ riêng cho mình nữa. Chỉ thấy trách nhiệm cá nhân thật nặng nề vì thế mới thấy mình có vinh dự lớn lao. 

Hai người nắm chặt tay nhau như tâm đầu ý hợp lắm.

Một đoạn đường dài phía trước bị bom cày phá hồi chiều, phải chờ công binh tháo gỡ hết bom nổ chậm, thanh niên xung phong san lấp mặt đường. Cả đoàn bộ đội và dân công tản ra tắp vào rừng nghỉ lại đêm nay. Người mừng thì nhiều, người lo thì ít. Dòng dã hàng tháng trời không có được một giấc ngủ đêm, con cú mắt nó vẫn sáng nhưng con người thức mãi mắt như mờ tịt, đi theo tiếng bước của những người đi trước. Những cán bộ phụ trách lại lo chậm trễ, chiến trường càng thúc giục khẩn trương hơn.

Thảo Tâm mừng quá níu ông Thanh lại:

- Chút nữa anh xuống ăn cơm với em nhé. Có cái này đặc biệt.

Đặc biệt, đó là món canh rau ớt rừng! Rau tầu bay bạt ngàn, nấu canh ăn có mùi ngai ngái hôi hôi, ăn mãi thấy nhợn nuốt khó trôi. Bát canh rau ớt cay cay ngọt ngọt nuốt vào như thấm tới gan ruột tưởng như chưa từng có món canh nào ngon hơn thế. Cô giúi vào tay ông bao thuốc lá Gaulois:

- Em xin của mấy anh bộ đội từ mặt trận trở về…

Đó là chiến lợi phẩm quân ta thu được ngay tại trận vì ban ngày địch thả dù tiếp tế lạc sang trận địa ta hoặc rơi ngay giữa trận địa nhưng lính nó trong công sự không dám dò ra lấy vì bị bộ đội ta bắn tỉa chết nhiều. Thế là đến khuya anh em yểm trợ nhau bò ra cắt bỏ dù lại khuân về đủ thứ: đạn súng các loại, thực phẩm hảo hạng như bánh quy bơ, đồ hộp thịt, cá, đường, cà phê, thuốc hút và cả… rượu room nữa. Lính ta từ trận địa trở về hầu như anh nào cũng có thứ này thứ nọ. Chị em tải thương, quân y hay được anh em ưu đãi.

Mọi người nhanh chóng kiếm cho mình một chỗ ngả lưng. Đã có những tiếng ngáy khò khò như kéo bễ. Ông Thanh vun một đống lá khô lại thì Thảo Tâm đã nhanh nhẹn trải tấm bạt lên, vuốt cho nó thẳng ra:

- Anh nằm đây đi!                         

Ông ngồi xuống, Thảo Tâm ngồi sát bên ông. Không ai nói gì, họ nghe rõ từng tiếng thở. Trong bóng tối của tán lá bao trùm trên đầu bỗng phát lên tiếng xoạt… xoạt… Thảo Tâm ôm chầm lấy ông:

- Anh ơi… em sợ quá!

Bao năm nay mới có một người con gái ôm chặt lấy ông chờ đợi sự chở che. Thoang thoảng hương thơm lá rừng của tóc, mùi da thịt của đàn bà ngầy ngậy và ngàn ngạt lâu nay tưởng chỉ có trong mơ thì bây giờ nó đang áp sát bên ông. Con chồn bay lúc lúc lại loạt xoạt… loạt xoạt… thì người con gái càng nép chặt vào ông. Ngực cô phập phồng áp vào sườn ông. Ông cứ ngồi ngây ra như tượng đá. Chung quanh tối đen và im ắng quá. Thảo Tâm du nhẹ ông xuống:

- Anh nằm đây… ngủ đi! 

 Ông nằm xuống, thẳng người ra nhưng ông không ngủ. Thảo Tâm nằm sát vai ông. Người nọ chờ người kia. Tiếng thở của người con gái mạnh hơn phà hơi ấm bên má ông. Đầu óc ông quay cuồng. Chân tay ông cứng đờ ra. Thời gian không trôi đi nữa. Mấy ngôi sao trên trời nhấm nháy nhìn ông. Thảo Tâm vừa trở mình lại phía ông thì… ở góc kia có ai ngủ mơ rú lên hú!… hú!… Ông Thanh chợt tỉnh ra, ngồi bật dậy. Thảo Tâm một lúc mới ngồi dậy theo ông. Ông thở dài thật mạnh quay lại nói với Thảo Tâm:

- Thôi, em ngủ đi để lấy sức cho ngày mai!

Và ông từ từ đứng dậy, nhè nhẹ bước đi.

Cái phút giây ấy cho mãi lúc về già ông vẫn cảm thấy như mới ngày hôm nào nó cứ lâng lâng. Ông thấy mình có lỗi và ông ân hận mãi. Giá như ông mạnh dạn lên, chỉ một vòng tay thôi, cuộc đời cả hai người sẽ khác!

Ông Thanh vừa chợp chờn thiêm thiếp đi thì đã nghe tiếng người lao xao. Ông ngồi dậy, hé mắt ra. Trời còn nhá nhem tối và sáng. Bóng người lố nhố. Tiếng người đàn ông hăng hái ồm ồm: 

- Báo cáo anh! Trong khi anh em đang ngủ, chúng tôi đi cảnh giới phát hiện thấy hai bóng đen đi từ bìa rừng vào phía nhà kho. Chúng tôi nghi là gián điệp mò vào do thám nên bí mật bám sát theo. Đến một bụi cây thì hai bóng đen ngồi xuống và lủi vào đấy. Chúng tôi nghi chúng giấu điện đài nên kiên trì theo dõi. Chúng rì rầm chuyện gì lâu lắm. Chúng tôi quyết định bắt sống ngay tại trận, cùng xông lên thét: “Bắt lấy nó! Gián điệp!”. Hai bóng đen ấy chạy vọt ra nhanh quá, đuổi theo không kịp. Chúng tôi cho lục soát bụi cây đó và chung quanh thì chỉ phát hiện ra… cái này!

Anh Trưởng ban Bảo vệ ném toạch xuống trước mặt ông một chiếc quần bộ đội và một chiếc quần đen!

Ông Thanh lắc đầu. Anh bảo vệ vẫn hăng hái:

- Đề nghị anh lệnh cho các Đội trưởng kiểm tra ngay quân số!

Ông Thanh đứng bật dậy, nói như quát lên:

- Giải tán hết! Anh đem ngay mấy của nợ này về chỗ cũ, treo ra chỗ trống cho người ta dễ thấy rồi bỏ đấy, không được rình rập gì cả.

Có người thở phào. Có người lắc đầu giậm chân không chịu. Anh bảo vệ hậm hực bước ra chửi đổng:

- Mẹ cha nó… Đồ nỡm!

Ông Thanh run giọng nói với mấy người chung quanh:

- Người ta không sợ hiểm nguy, bỏ nhà cửa gia đình đi tới đây là họ đã biết trọng việc nghĩa lắm rồi. Mình làm quá họ sợ bỏ đi, mình mất người mà lỡ họ làm sao là mình có tội. Nhưng nếu họ quay lại làm tròn nhiệm vụ mà mình còn làm to chuyện ra là mình bất nhẫn quá lắm.               

Cả ngày hôm đó các Đội nghỉ ngơi chờ chiều tối lại lên đường.              

Không thấy Gan vàng đi ăn cơm sáng, Thảo Tâm tìm đến thấy cô em nằm úp chụp chiếc nón lên mặt than mệt không ăn. Thảo Tâm gỡ chiếc nón ra thấy mặt cô bé sưng vù lên với nhiều vết xước nhưng dỗ thế nào cũng không chịu dậy.       

Ông Thanh ra suối tắm. Có mấy anh bộ đội đang chụm đầu lại loay hoay làm việc gì. Ông tò mò ghé qua thì ra các anh hành quân xa, bàn chân bị nẻ toác ra, đi không được, họ rủ nhau lấy kim chỉ… khâu vết nẻ lại. “Bác sỹ” phải nhăn mặt cắn răng vì da gan chân chai dầy, chiếc kim may xuyên qua không dễ trong khi khổ chủ há miệng, nhắm mắt, hai tay bóp chặt lấy chân cố giấu nỗi đau đi để được ra mặt trận. Một anh trách bạn:

- Thằng Tý lỳ lợm quá! Bàn chân nứt nẻ như cánh đồng ngày hạn thế này mà không chịu ngồi một chỗ, cứ đi lồng lên như ngựa để đến nỗi mặt mày xây xước hết cả ra!

Ông Thanh bước vội đi.

Chiều ngày 7 tháng 5, tin không biết từ đâu lan ra:

- Thắng lợi rồi! Ta thắng ở Điện Biên Phủ rồi! Tây thua rồi! Chúng nó kéo cờ trắng ra hàng nhiều lắm! Bắt sống tướng De Castrie!            

Tiếng reo hò vang dội núi rừng. Mấy thương binh đang được khiêng về tuyến sau truồi ra khỏi võng lồm cồm bò ngược lại về hướng chiến trường. Dân công vứt lỏng chỏng cáng võng, xe, hàng… nhẩy lên tưng tưng hò la rầm rĩ.

Đánh giặc ai mà không mong thắng nhưng thắng lợi đến rồi vẫn thấy bàng hoàng. Ban Chỉ huy Tổng Đội tổ chức mít tinh chào mừng chiến thắng ngay tại chỗ. Người nói chẳng ai nghe nhưng vẫn hăng say nói . Người nghe mặc sức reo hò cười khóc.

Mấy đơn vị hành quân tiếp ứng nhỡ tàu đua nhau chạy ào ào ra phía trước. Công việc của dân công chuyển sang thu dọn chiến trường và vận chuyển ngược chiều trở lại.

Có điện khẩn từ trên về Tổng Đội: Tạm trưng dụng số anh chị em biết tiếng Pháp đi làm công tác tù binh.

Ông Thanh vội bàn giao công việc, dẫn anh chị em tới thẳng chiến trường vừa im tiếng súng.

Cô Thảo Tâm không kịp thu lại số sách truyện nữa, chỉ mang theo tập báo Gan vàng Số 3 là số cuối cùng trong đó có một bài thơ không ghi tên tác giả:

Chém cha cái lũ thực dân

Không dưng mày nỡ xua quân hại bà

Đàn ông đánh giặc xa nhà

Dân công bà phải xông pha dặm trường

Trai khôn tìm vợ chợ đông

Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân

Gặp nhau giữa chốn đèo mây

Kẻ đây người đấy giãi bày lòng son

Cho dù cách trở nước non

Ước gì em có đứa con cho chàng

Cô Thảo Tâm đã cho ông Thanh xem bài thơ ấy:      

- Em nghi là của Gan vàng. Tên cô ta là Ngọt. Chuyện hôm ấy xì xào các Đội đều biết cả nhưng lại có người bảo anh là hữu khuynh tiểu tư sản đấy!  

Ông Thanh bảo:                            

- Thôi, hãy quên chuyện ấy đi!      

Lòng chảo Mường Thanh là một chiến địa hoang tàn. Không một mái nhà. Không một bóng cây. Cả một vùng đất bị bom đạn cầy xới loang lổ đỏ quạch, xám xịt màu thuốc đạn, đó đây còn nghi ngút khói. Lổn nhổn những mầm chết chóc: chiến hào, ụ súng, các loại súng lớn nhỏ ngổn ngang, xác máy bay, xác xe tăng nham nhở ngả nghiêng, vỏ đạn các cỡ giải đầy như đi trên sỏi, các hàng rào kẽm gai chỗ tung thành đống có chỗ còn giăng giăng. Trên nóc hầm Sở chỉ huy bại quân lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” đỏ rực tung bay phần phật

Những chiếc dù lớn căng chi chít, mấy anh bộ đội khoác súng đi lại thủng thỉnh ngắm nhìn chung quanh, lác đác bóng người vào ra vội vã. Đó là những trại tạm giữ tù binh. Ông Thanh dẫn anh em đi thẳng vào khu đó.     

Chưa quen nhưng họ gặp nhau như người thân thiết vì ai cũng hiểu rằng những việc họ đang làm tại đây có tầm ảnh hưởng rất lớn đến hội nghị Genève vừa khai mạc một ngày sau khi Điện Biên Phủ thất thủ. Hoà bình đang đến với mọi người trong niềm khao khát bấy lâu.

Ông Thanh được qua một lớp tập huấn cấp tốc về công tác tư pháp quản lý và khai thác tù binh. Thảo Tâm về tổ Cứu thương chăm sóc tù binh.

Những binh lính Pháp bị thương do Hội Hồng Thập Tự Quốc tế đứng làm trung gian được trao trả ít ngày sau khi ngừng tiếng súng ngay tại nơi mới hôm qua còn là chiến địa  đầy chết chóc này.

Một nhóm phóng viên được phép cùng theo các nhân viên y tế tới chứng kiến việc giao chuyển thương binh. Ông Jean Debue rất cảm động gặp lại các ân nhân của mình: Bác sỹ Bửu Quốc và ông Phán Thanh. Ông ta ríu rít nói với các đồng nghiệp:

- Được các vị này chăm sóc thương binh thì chúng ta hoàn toàn tin tưởng. Chính tôi đã được cứu sống bằng việc làm nhân đạo của các vị đây khi công việc ấy còn là mối đe dọa tính mạng cho bản thân và gia đình các vị.

Bác sỹ như đã quên chuyện cũ:

- Nếu phải chết vì nghề nghiệp tôi cũng không ân hận điều gì!

Một phóng viên trông thấy chiếc «can» cấp tướng để trên chiếc bàn dã chiến, lễ phép hỏi:

- Thưa… ngài là sỹ quan… cấp tướng ?

Bác sỹ Bửu Quốc vui vẻ giơ chiếc «can» lên:    

- Nó chính là của tướng De Castrie đấy! Một vị tướng của chúng tôi bị thương, tôi đã chữa lành và lính của ông bắt sống được viên tướng này. Thế là ông đem nó lại tặng cho tôi.

Người phóng viên kính cẩn:

- Vinh quang đã thuộc về ngài!

Bác sỹ nghiêm trang, xúc động:

- Không! Vinh quang trước hết thuộc về những chiến sỹ yêu nước của chúng tôi đã ngã xuống ở đây, thuộc về vị tướng Tổng chỉ huy trận chiến thắng này và hơn hết cả thuộc về con người tuyệt vời đã làm tan vỡ giấc mộng thực dân là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người bệnh được cứu sống năm xưa cũng là viên quan thực dân cũ hé lộ một chút tuổi thanh xuân của vị Bác sỹ tài hoa mà chưa mấy ai được biết:

- Thưa… quý phu nhân của ngài đương kim Thủ tướng Pierre Mandès France vẫn không quên tiếng đàn violon du dương trầm lắng của vị công tước trẻ phương Đông lịch thiệp và trí tuệ…

Bác sỹ đặt ngón tay lên trán, chau mày, nét mặt rạng lên:

- Ô... Eve Curie! Người con gái Pháp dịu dàng, nhân ái, thông minh…

Một phóng viên nói xen vào:

- Ông bà Jolio Curie cũng ủng hộ những người Việt Nam kháng chiến!

- Vâng… Eve và chị Hélène Curie, cả Jolio nữa… Họ rất xứng đáng với đấng song thân học thức uyên bác đầy lòng vị tha Pierre và Marie Curie tôn kính. Tôi luôn ghi nhớ những kỷ niệm ngọt ngào êm ái ở Paris với những người bạn Pháp tuyệt vời!      

Jean Debue hăng hái:          

- Tôi nghĩ rằng khi đến Genève ký vào bản Hiệp ước hòa bình cho Đông Dương, ngài Thủ tướng Mandès France cũng biết ở đây có người bạn quý của phu nhân.

Bác sỹ trở lại bình tĩnh và dứt khoát:

- Không! Tôi với ngài Mandès France mỗi người đều vì Tổ quốc của mình. Chúng tôi cảm ơn tình cảm thân thiện của nhân dân Pháp trong đó có những người bạn thân quý của tôi. Nhưng để có hòa bình, độc lập và tự do chúng tôi đã phải hao tổn máu xương rất nhiều như ông đã thấy.

Ông Thanh nhìn những người ngoại quốc đứng quanh đấy bổ xung thêm:

- Và cả bao nhiêu xương máu của thanh niên Pháp nữa!

Ông Jean Debue nhìn hai vị ân nhân với vẻ kính phục chân thành:

- Mặc dù rất đau buồn nhưng tôi thành thật chúc mừng những người du kích Việt Nam dũng cảm! 

 Bác sỹ nét mặt không vui: 

- Không ai muốn sự vinh quang phải đổi bằng xương máu của mình hay của đồng loại. Tôi chia sẻ cái tang này với nước Pháp của tôi.

Trước khi chia tay, Debue nói:

- Hoà bình sẽ đến với nhân dân Việt Nam. Nước Pháp sẽ rời khỏi Đông Dương với hai bàn tay trắng và những vết thương trầm trọng trên mình. Nhưng các ông sẽ phải đối đầu với một địch thủ khủng khiếp nhất thời đại trong khi xứ Đông Dương thống nhất của người Pháp trước đây nay bị chia rẽ thành bốn quốc gia nhỏ bé được gọi là độc lập nhưng chịu sức ép quyết liệt của các cường quốc tranh giành nhau ảnh hưởng. Tôi thật sự lo cho các ông.

Ông Thanh nói:                    

- Ông từng là chứng nhân. Chính các ông đã bỏ mất xứ Đông Dương vì các ông vừa nhát vừa tham! Ngày ấy chúng tôi có muốn cầm súng đâu khi chúng tôi vừa thoát cơn đại hồng thủy của nạn đói và bệnh dịch với một chính quyền mà các ông mai mỉa: không tiền, không lính và không tấc sắt trong tay! Lịch sử từ xưa đến nay cũng thế, nhân dân chúng tôi đều buộc phải đứng lên thôi. Một nước nhỏ phải chống lại một nước lớn, điều gì sẽ xảy ra chúng tôi từng biết. Để có ngày hôm nay, chúng tôi thấm thía nhiều hơn các ông cái giá mình phải trả. Chúng tôi rất tha thiết với hòa bình và mong muốn được sống thân thiện với mọi người. Nhưng không có sự yên ổn và bình đẳng cho những kẻ ươn hèn khiếp nhược!

Ký giả Debue ghé tai docteur hỏi nhỏ:

- Bây giờ ngài có đủ điều kiện trở lại Paris đoàn tụ gia đình và nơi ấy cũng là thiên đường của những nhà khoa học, ngài sẽ được thỏa mãn tiếp tục những ước mơ nhân ái của mình?

Bác sỹ vỗ vai người bệnh đã từng được ông cứu chữa :                                            

- Dù ở đâu, lúc nào nước Pháp cũng là một phần của riêng tôi… Nhưng ông cũng biết từ tay không chúng tôi đã vươn mình đứng dậy thế nào? Tổ quốc Việt Nam đã là của chúng tôi. Dân tộc chúng tôi tự quyết định vận mệnh của mình. Đó là điều tôi thỏa mãn. Tôi cảm thấy vẫn còn đủ sức đi tiếp con đường tôi đã chọn bởi đó là những việc làm có ý nghĩa nhất của đời tôi.

Debue trân trọng bắt tay và lưu luyến :

- Ngài bác sỹ và thế hệ của ngài xứng đáng nhận sự kính trọng không chỉ của riêng tôi!

Bác sỹ Bửu Quốc chủ xướng việc tổ chức đám cưới cho thuộc cấp của mình ngay tại nơi chiến địa chưa phai mùi thuốc súng. Ông nói:

- Cụ Hồ có cách ví von thật tài tình: “Nực cười châu chấu đá voi – Đến nay voi đã bị lòi ruột ra”! Đây là niềm tự hào sung sướng của cả dân tộc! Mỗi người chúng ta thật hạnh phúc được có mặt ở đây vào những ngày này. Nhân dịp ta tổ chức đám cưới cho anh chị em sẽ là kỷ niệm đẹp tuyệt vời không mấy ai trên đời có được.            

Cấp trên chuẩn y. Hai cặp dâu rể tổ chức đã duyệt từ trước chiến dịch rồi chỉ chờ dịp tiến hành thôi.

Trang trí cho đám cưới toàn là các thứ phế phẩm của chiến tranh còn ngổn ngang đây đó: Mấy chiếc dù căng lên phần phật đung đưa trong gió, những hòm đạn rỗng kê  làm bàn ghế, những chiếc vỏ đạn pháo làm bình hoa. Những cụm hoa coban mọc lên trong những chiếc vỏ đạn còn sáng ánh đồng thoang thoảng hương thơm của hoa và mùi khét của thuốc đạn tạo nên cảm giác kỳ thú khó tả. Động phòng là mấy căn hầm chỉ huy của giặc còn sót lại. Cục Hậu cần mặt trận gửi tặng mấy thùng lương khô, bánh kẹo và thuốc lá Gaulois là hàng chiến lợi phẩm làm đồ sính lễ cho cả hai bên. Khi trời chiều vừa nhá nhem đã có mấy bóng đèn điện bật lên sáng loà từ chiếc máy phát mới tinh còn đậm hàng chữ “Mỹ quốc viện trợ”. Chưa có đám cưới nào sang như thế. Chủ khách đều là của chung hai họ. Nhiều thương binh băng trắng trên đầu, trên tay chân cũng dìu nhau tới dự. Duy nhất cô Hồng Hà có người cậu là ông Thanh cùng đi chiến dịch này thay mặt  nhà gái ngồi trên hàng chủ lễ với ông Bửu Quốc.

Cặp Bắc Hà–Hồng Hà mặt tươi roi rói. Dường như họ có mối duyên tiền định. Không thể ngờ rằng họ gặp nhau trong những ngày khói lửa Thủ đô kháng chiến năm ấy rồi những cơ hội tình cờ gắn kết họ với nhau. Anh bị thương mấy lần đều có bàn tay cô chăm sóc. Rồi khi anh không còn khả năng xông xáo theo bộ đội thì dừng lại một chỗ với cô. Anh là người dìu dắt tinh thần cho cô ngày một trưởng thành. Cô nhiều lần được bình bầu làm Chiến sỹ thi đua…

Cặp Nguyễn  Đức Phúc – Lò Thị Mén không ai hiểu tâm trạng họ ra sao. Cô gái vùng cao đi dân công hoả tuyến. Cô nhanh nhẹn, khoẻ mạnh, xốc vác, hiền lành ít nói. Mỗi khi đưa thương binh vào Bệnh viện cô chăm lo anh em tận tình, chu đáo nên lọt mắt cán bộ tổ chức tuyển cô vào làm hộ lý phục vụ thương binh. Cô làm việc ở khoa do Bác sỹ Phúc làm Chủ nhiệm. Vốn chân thật khép mình, cô chưa bao giờ mơ sẽ làm vợ anh Bác sỹ Thủ đô hay mơ mộng và có tài văn thơ như thế.

Những buổi chiều hết giờ làm việc, anh em trong đơn vị thường rủ nhau đi tắm tập thể vì trong rừng rậm hổ báo hay rình rập bên bờ suối. Một đoạn suối, con trai con gái chia nhau khúc trên khúc dưới. Con gái không chịu khúc dưới vì sợ những chuyện vớ vẩn không đâu. Con trai không chịu nhường vì sợ có ngày rụng tóc! Bác sỹ Phúc quyết định phải dành cho nữ phần ưu tiên nhưng mỗi phe chỉ được một bên bờ đối diện. 

Một buổi chiều, những người từ suối tản mạn về rồi. Trời tối nhá nhem. Bác sỹ lững thững đi trên những giẻo đá mấp mô chợt nghe tiếng «huỵch» và giọng người con gái kêu lên: Úi trời! Anh quay lại cúi xuống nâng cô gái dậy. Hai người áp sát nhau quá. Tấm thân cô gái đổ vào anh. Anh vòng tay choàng ôm tấm thân nóng hổi ấy vào lòng và đột ngột hai đôi môi hít chặt vào nhau. Phút giây ấy chợt đến mà sao ngây ngất thế. Và họ không kịp rời nhau ra, vẫn đứng giữa đường khi có mấy đồng đội về sau vượt qua đều nhìn thấy rõ.

Chi đoàn họp kiểm điểm cô Mén vì tình yêu không lành mạnh:

- Có yêu nhau không mà sâu sắc thế?

- Không biết nữa!

- Hai người có tình cảm đặc biệt với nhau từ bao giờ?

- Không biết nữa!

- Có hò hẹn gì với nhau không?

- Không biết nữa!

- Tại sao lại để cho người ta hôn?

- Không biết nữa!

- Tại sao không bỏ chạy?

- Không chạy được!

- Tại sao không kêu lên?

- Không kêu được!

Anh Bắc Hà phải đứng ra kiểm điểm Bác sỹ Phúc:

- Cậu có yêu cô ấy không?

- Không!

- Sao cậu làm vậy?

- Giá như cô ấy đừng ngã và tôi không nâng cô ấy dậy!

- Thế bây giờ ông tính sao? 

- Ông tính hộ tôi đi! 

- Chỉ một cách nói hai người có tình cảm với nhau nhưng chưa kịp báo cáo với tổ chức. Hành động đó trong phút giây bồng bột không kiềm chế được.

- Rồi sao nữa?

- Từ nay coi như hai người báo cáo với tổ chức rồi. Chờ dịp nào đó thôi!

Phúc phì cười:

- Vậy là tôi phải cưới vợ!

Anh Bắc Hà không biết nói gì nữa. Anh nói lại với Bác sỹ Bửu Quốc:

- Anh này còn chất tiểu tư sản đặc sệt lại pha máu văn nghệ sỹ.

Bác sỹ bảo:

- Mỗi khi bế tắc chỉ có thời gian là cứu cánh!

Bẵng đi cả năm trời cũng chẳng thấy hai người có biểu hiện gì đặc biệt.

Và nhân dịp này ông bàn với anh Bắc Hà nêu chuyện đó ra. Nhà văn cười khì:                

- Vui thế này dại gì không cưới!              

Hàng vạn tù binh được giải về tuyến sau. Số binh lính quân đội ngụy quyền đa phần được phóng thích ngay tại chỗ. Số còn lại được giải về khu căn cứ trong đó có hàng ngàn tù binh Âu Phi. Các cán bộ có trách nhiệm tranh thủ vừa đi đường vừa khai thác.

Viên quan tư cao gầy, mặt lúc nào cũng rầu rầu, khi được gọi hỏi, y mào đầu lý lẽ:

- Đề nghị các ông đối xử với chúng tôi theo luật tù binh quốc tế!

- Đây là cuộc chiến tranh không tuyên chiến. Nhưng nếu chúng tôi không tôn trọng những công ước quốc tế thì tất nhiên các anh đã không còn! Anh là sỹ quan Phòng Nhì? Vậy sau khi khai thác tù binh của chúng tôi anh có biết số phận họ làm sao không?

- Việc đó không thuộc trách nhiệm của tôi.

- Khi Chính phủ các anh cho quân đội nổ súng bắn vào những người yêu nước chúng tôi, giày xéo lên đất nước chúng tôi có nghĩa là các anh đã coi dân tộc Việt Nam không được quyền sống bình đẳng vơí các dân tộc khác thì còn có cơ sở nào để các anh tôn trọng luật pháp với chúng tôi?

- …!                                               

- Tôi hỏi anh một số điều cần thiết và yêu cầu anh hãy tỏ ra thiện chí bằng sự trả lời đúng các câu hỏi của tôi.

- Là sỹ quan quân đội Pháp, tôi sẵn sàng trả lời ông những điều tôi tự thấy có thể trả lời được.

Ông Thanh nghiêm nét mặt, ngắt lời y:

- Ở trên đất Pháp trước đây, nếu có một tù binh quân phát xít Hitler trả lời một sỹ quan quân đội của Chính phủ kháng chiến De Gaulle như vậy thì anh xử thế nào?

Hắn cúi đầu xuống, mặt tái đi và tỏ ra lúng túng.      

- Tôi yêu cầu anh hãy trả lời đúng như anh đã biết. Những điều gì anh không biết vì không thuộc phạm vi trách nhiệm của anh thì đã có hàng trăm sỹ quan tù binh Pháp khác kể cả cấp Tướng đang ở trong các trại giam của chúng tôi trả lời thay anh. Là tù binh, anh không được nói là anh muốn hay không muốn trả lời các câu hỏi của chúng tôi và chúng tôi có cách kiểm chứng những câu trả lời của anh có đúng hay không.

Hai tay hắn run run, trong ánh mắt hắn lộ vẻ bối rối.

Trở lại vẻ bình tĩnh, ông Thanh đưa ra câu hỏi:

- Là sỹ quan chuyên nghiệp, anh có bao giờ nghĩ tới một kết cục xấu cho trận chiến này không?

- Từng trận đánh, thậm chí từng chiến dịch chúng tôi cũng nghĩ tới kết quả không như mong muốn. Nhưng với tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ này thì khác! Không phải là chúng tôi kiêu ngạo và khinh địch đâu. Trải nghiệm qua hai cụm cứ điểm Hoà Bình năm 1952 và Nà Sản 1953, ở đấy chúng tôi có mấy tiểu đoàn thôi nhưng các ông chỉ dám đánh tiêu hao bên ngoài, đụng đến cứ điểm trung tâm các ông đã bị tổn thất nặng nề. Huống chi ở đây chúng tôi giăng cái bẫy lớn khủng khiếp với những phương tiện chiến tranh tối tân mà nhiều nhân vật nổi tiếng như Tướng Charles Loewen – Tư lệnh quân Anh-Ấn ở Viễn Đông, Ngài Tổng Cao uỷ Đông Nam Á Mac Donald và Cố vấn Stewart, người Mỹ có Trung tướng Trapnell, Đại tướng O’ Daniel – chỉ huy Bộ binh Mỹ ở Thái Bình Dương… đều đến thăm Điện Biên Phủ và cùng một nhận định như tướng Navarre: Đó là một căn cứ bất khả chiến thắng!

- Vì thế ở Tổng hành dinh Hà Nội, các anh đã thay mặt De Castrie cho máy bay giải truyền đơn khiêu khích Đại tướng Võ Nguyên Giáp có giỏi hãy đem quân đến đó?     

- Đúng, Tướng De Castrie không biết việc này! Chúng tôi tin Điện Biên Phủ sẽ là mồ chôn quân chủ lực Việt minh. Khi ấy toàn chiến trường Đông Dương chúng tôi làm chủ!

- Trái lại nó là mồ chôn chủ nghĩa thực dân Pháp!

- Đại tướng của các ông giỏi thật và binh lính của các ông rất dũng cảm. Giá như binh lính của Bảo Đại cũng được như vậy thì các ông không thắng nổi!

- Người Pháp thích khôi hài! Làm sao có chuyện lừa mang xương Thánh được!

- …!

- Anh có nghĩ rằng sau thất thủ này, Bộ Tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương có thể vẫn tiếp tục cho xây dựng thêm nhiều tập đoàn cứ điểm còn mạnh hơn gấp mấy lần Điện Biên Phủ và nhất định sẽ giành thắng lợi như Tướng Navarre tuyên bố?         

Viên sỹ quan tù binh cười mai mỉa:         

- Những cái đầu điên rồ vẫn được tự do suy nghĩ để cái miệng phát ra thành lời. Nhưng thực tế thì đào ở đâu ra những tiểu đoàn quân mạnh như thế? Và tiền của thì lấy ở đâu ra? Nước Pháp không đủ sức trừ khi có sự viện trợ cấp thời to lớn toàn diện của một đại cường quốc…

- Người Mỹ bỏ Dollar vào Việt Nam ngày một nhiều. Riêng năm nay đã lên con số tỷ. Tại sao người Mỹ không cứu các anh?

- Đó là một câu hỏi lớn. Tôi chỉ có thể nói với ông suy nghĩ của riêng tôi.

- Anh được tự do nói ra suy nghĩ của mình!

- Thứ nhất là nước Pháp không gánh nổi cuộc chiến tranh này nên rất cần sự viện trợ của người Mỹ nhưng không đồng nghĩa là người Pháp sẽ giao xứ Đông Dương cho họ. Trong khi đó áp lực đòi hoà bình làm lung lay giới cầm quyền nước chúng tôi. Họ lưỡng lự muốn vớt vát cho nước Pháp còn có ảnh hưởng ở đây. Đó là bi kịch cho nước Pháp và là sự may mắn cho các ông. Thứ hai là người Mỹ không muốn máu của họ đổ ra thay cho người Pháp trừ khi họ được toàn quyền hành động mà người Pháp lại không muốn thế. Thứ ba là người Mỹ vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh ở Triều Tiên, họ không muốn một mình gánh lấy những tổn thất tuy rằng họ không muốn cho Trung Cộng tràn xuống vùng Đông Nam Á châu này nên họ muốn quốc tế hóa cuộc chiến tranh, lôi kéo thêm đồng minh và các nước trong khu vực, coi đó như một liên minh quốc tế do họ cầm đầu để ngăn chặn làn sóng đỏ. Nhưng làm việc đó không dễ và Chúa đã rủ lòng nhân từ dành thời gian cho các ông!

- Người Pháp lãng mạn đến mức ảo tưởng. Năm 1940 khi người Nhật sang chiếm Đông Dương, lẽ ra họ hợp tác với chúng tôi chống Nhật thì họ vẫn còn có chỗ đứng ở đây. Năm 1946 nếu như họ chấp nhận thực tế Việt Nam đã là một nước độc lập và sẵn sàng nằm trong khối Liên hiệp Pháp thì họ không đến nỗi đổ ra bao nhiêu xương máu rồi vẫn trắng tay!  

- Vâng, lẽ ra ông La Fontaine của chúng tôi sinh vào thời này mới đúng!

- Anh có hy vọng gì vào Hội nghị đang họp ở Genève?          

- Nếu không có Điện Biên Phủthì hội nghị chỉ là nơi các nhà ngoại giao trổ tài đấu khẩu để đánh lạc hướng dư luận nước Pháp và thế giới. Nhưng bây giờ Điện Biên Phủ đã là một hậu quả bi thảm thì chính giới Pháp phải thực tâm thôi! Sớm muộn là tùy thuộc vào cuộc thương lượng của hai bên, họ có chịu nhìn nhận thực tế để nhân nhượng nhau như thế nào. Các ông nên hiểu rằng mất Đông Dương không chỉ là mất một xứ thuộc địa giàu có và để nó lọt vào vòng tay Cộng sản, là người Pháp không làm tròn sứ mệnh với Đồng minh. Tất nhiên vai trò của nước Pháp sẽ giảm đi rất nhiều trên trường quốc tế!   

- Anh nghĩ rằng hoà bình sẽ đến và anh mong muốn điều gì?

- Tôi mong chóng được về gặp vợ con tôi. Điều này đang tùy thuộc ở các ông. Tôi sẽ giải ngũ về với vườn nho và những thùng rượu vang. Tôi sẽ không tham gia bất cứ cuộc chiến tranh nào nữa.     

- Giả như nước Đức quốc xã hồi sinh và lại giày xéo lên nước Pháp? Liệu anh sẽ theo De Gaulle hay Pétaine?   

- Lúc đó là bắt buộc. Pétaine đã làm nhơ nhuốc hình ảnh quân đội Pháp!       

- Anh có nghĩ rằng giới thực dân Pháp cũng đã từng dồn dân tộc chúng tôi tới con đường cùng đó hay không? 

- Và nước Pháp đã phải trả giá bằng hàng chục ngàn sinh mệnh thanh niên, bằng sự chậm hơn con rùa bò trong phát triển xã hội, bằng sự mất niềm tin về những giá trị tinh thần của mình và bây giờ đang là sự chia rẽ trong nội bộ nước Pháp. Nó kéo theo hàng loạt những phản ứng dây truyền không lường trước được trong khối Liên hiệp Pháp hiện nay!

- Tôi tin rằng không lâu đâu anh sẽ đạt được điều mong muốn.

- Cám ơn ông!                                

- Khi rời mảnh đất đã làm cho anh khốn khổ thế này anh có suy nghĩ gì không?

- Thật là khủng khiếp! Năm mươi lăm ngày đêm sống ở Điện Biên Phủ là thời gian dài sống trong địa ngục! Tôi như từ cõi chết trở về. Nhưng tôi cần nói rõ rằng không phải là các ông đẩy chúng tôi tới thảm bại này. Chính là do những cái đầu hung hăng hiếu thắng trong giới cầm quyền ở nước chúng tôi! Lậy Chúa…

Y làm dấu thánh:

- Không lý gì nền văn minh Pháp lại sinh ra những cái đầu như thế!                

- Nước Pháp từng là cái nôi của nền văn minh nhân loại. Anh nghĩ gì về lời nhận xét của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào trước ngày cuộc chiến tranh Pháp – Việt này bùng nổ: “Nước Pháp là một xứ sở kỳ lạ. Nó đã sản sinh ra những tư tưởng tuyệt diệu nhưng khi xuất cảng, chẳng bao giờ nước Pháp cho đưa ra những tư tưởng đó”?

- Tôi nghĩ rằng Chủ tịch Hồ Chí Mính là đối thủ nguy hiểm nhưng chưa bao giờ là kẻ thù của nước Pháp! Tôi thật không hiểu nổi tại sao trước lưới lửa đạn khủng khiếp của chúng tôi mà những người du kích Việt Nam vẫn xông lên với tiếng thét xung phongđáng sợ… Và khi ngã xuống họ còn vươn lên hô to HỒ CHÍ MINH! HỒ CHÍ MINH! như con chiên gọi Chúa?!

- Điều ấy thật đơn giản vì nhân dân chúng tôi tha thiết với một nước VIỆT NAM độc lập mà Chủ tịch HỒ CHÍ MINH là biểu tượng! Nước Việt Nam từng nhiều lần bị ngoại bang xâm chiếm. Người Việt Nam không bao giờ quên tội ác của quân xâm lược đã gây ra trên đất nước mình nhưng sẵn sàng tha thứ và sống hiếu hòa một khi họ thật lòng tôn trọng nền độc lập và toàn vẹn biên cương lãnh thổ của mình. Đó là kế sách giữ nước vững bền muôn thuở từ xa xưa ông cha chúng tôi truyền lại!      

- Tôi nhận ra người trí thức Việt Nam am hiểu khá sâu văn hóa Tây phương. Những ai giữ được truyền thống văn hoá Á Đông làm nền tảng tinh thần họ xứng đáng là người dẫn dắt của một nước Việt Nam mới. Rời bỏ đất nước này tôi vỡ ra một điều như là nguyên lý: Khi một dân tộc thiết tha với Tổ quốc của mình thì họ không sợ bất kỳ sự dọa dẫm nào!                  

Ông Thanh thương hại nhìn theo viên sỹ quan bại trận của đội quân danh tiếng một thời lủi thủi đi vào trong hang đá.

Con đường ngày nào người xe nườm nượp vượt suối trèo đèo cheo leo lên núi rừng Tây Bắc hôm nay lại đổ về xuôi. Dòng người lũ lượt chảy cùng chiều với những con sông nên càng nhanh hơn. Nơi cuối kia là những cánh đồng quánh đỏ phù sa lơ thơ gốc rạ, là quê hương thân yêu với những rặng tre xơ xác tiêu điều, dưới những mái tranh xiêu vẹo bao người mẹ còm cõi ngóng chờ, những người con gái, những đứa trẻ thơ trong cơn mê ú ớ giật mình – bóng giặc dày vò những nét môi xinh (!), là kinh thành quay cuồng trong tiếng nhạc thác loạn với những tiếng giày đinh khủng khiếp khiến bao nhiêu người thao thức trong đêm.

Bộ đội, dân công, tù binh chen nhau trên con đường trở về xuôi. Đoàn quân chiến thắng trùng điệp hối hả tiến về giải phóng quê hương. Quân đi không cần lá ngụy trang, không cần chờ trời tối, hát vang theo nhịp bước hành quân:

Vì nhân dân quên mình / Vì nhân dân hy sinh / Anh em ơi vì nhân dân quên mình / Thề giệt hết đế quốc kia vì tự do hoà bình / Đoàn Vệ quốc quên mình vì nhân dân…

Đèo Phạ-Đin (Trời-Đất) trập trùng quanh co sao mà hùng vĩ. Đôi bờ sông Đà bãi cát nâu vàng mịn màng trải dài theo cánh rừng xanh ngằn ngặt soi bóng xuống dòng nước trong xanh êm ả lững lờ trôi. Ôi, Tổ quốc ta đẹp biết bao nhiêu. Đoàn dân công vừa đi vừa hò vang dậy núi rừng:

Sông Đà nước chảy về xuôi / Hù hò khoan… Mang theo chiến thắng / Hù hò khoan… Điện Biên cùng về… là hù hò khoan a lý khoan hò khoan…

Đám tù binh đi thất thểu ngơ ngác nhìn theo dòng người cuồn cuộn chảy như nước lũ…  

Tới chân đèo Lũng Lô người ta ùn lại. Có lệnh phân tán nhỏ ra. Vừa có máy bay oanh kích trên đường. Người ta rải ra tản mạn.

Một anh bộ đội chạy tới nắm chặt tay ông Thanh giật mạnh:

- Ôi… bác Phán Thanh! Bác có nhớ cháu không?

Nhìn anh bộ đội trẻ măng hớn hở mừng rỡ quá, ông Thanh hơi sượng:

- Xin lỗi anh bạn… đừng buồn. Trên đường kháng chiến người quen biết bao nhiêu  không sao nhớ nổi!

- Cháu là thằng Miều. Bây giờ anh em gọi là Hoàng Tuấn. Thày cháu là ông phó cạo đấy mà!

Hai người nằm gọn trong vòng tay của nhau không nề hà tuổi tác, cùng vụt lên bao kỷ niệm vui buồn một thời xa lắc. Anh bộ đội trẻ nét mặt rạng rỡ đầy phấn chấn:

- Trung đội của cháu được giao nhiệm vụ áp giải toàn bộ Ban chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên phủ về Bộ Tư lệnh tiền phương. Quan tướng thằng nào cũng gầy còm hốc hác nhếch nhác ủ ê chứ không phủ phê phè phỡn hung hăng hống hách như ngày ở trong Thành tha hồ hoành hành ngang ngược. Kỳ này nhất định quân ta tiến về giải phóng Thủ đô!

Tiếng cười vui ríu rít của chàng trai hào hứng trong trẻo quá. Cái chết đau thương của người cha chắc anh ta chưa biết. Chẳng nên nói ra làm thằng bé mất vui đi! Ông Thanh nghĩ vậy mà mắt ông rơm rớm. Anh bộ đội trẻ trung nghĩ rằng ông xúc cảm nhớ tới bà con phố phường xưa, anh cũng trầm lắng xuống chia sẻ nỗi lòng với người quen cũ:

- Thày đẻ cháu ở trong thành chẳng có tin tức gì! Chị Mỹ cháu bị sốt rét nặng lắm. May mà được một nhà Chùa cưu mang. Cháu cũng không biết giờ chị ấy ra làm sao nữa!     

Tiếng bộ đội dân công ồn ào. Phía trước có thương vong! Tiếng một phụ nữ phẫn uất:            

- Tiên sư cha chúng nó… chết đến nơi rồi mà còn hung hăng. Phen này phải cho chúng mày đền tội!       

- Ông Thanh dịch lại cho đám tù binh nghe. Chúng đưa mắt lấm lét nhìn nhau.                          

Xem chừng đã yên, đoàn người rục rịch. Có lệnh hành quân.                           

Đám tù binh đi nhớn nhác. Tới lưng chừng đèo thấy một đám người xúm lại. Ông Thanh rẽ ngang ra xem. Tấm giá vẽ đổ nằm ngang giơ một cái chân gẫy lên. Mấy người đang giơ lên một bức tranh vẽ dở cảnh bộ đội hành quân. Bức tranh nhoe nhoét máu lẫn với đất và rách một góc. Cách đấy một khoảng, cuộn chăn loang lổ máu bọc kín một thi thể. Mấy người trẻ tuổi ngồi bên cúi đầu ủ rũ. Tiếng ai nói nhỏ nghẹn ngào:

- Họa sỹ Tô Ngọc Vân! Ông ấy đứng đây, đang vẽ…

Lúc ấy đoàn tù binh vừa tới chân đèo đột nhiên nghe tiếng nổ và tiếng rú của máy bay. Nhìn lên đèo chỉ thấy khói đen đặc.                      

Ông Thanh đi tới bên thi hài người họa sỹ tài danh cúi đầu lặng lẽ. Rồi ông trở ra trầm lặng đi bên đám tù binh Pháp. Mãi tới lúc lên tới đỉnh đèo bóng người mờ mờ như đi trong sương, ông Thanh buồn rầu nói với mấy tên sỹ quan đi bên ông:    

- Một họa sỹ danh tiếng của chúng tôi – ông Tô Ngọc Vân, vừa bị máy bay của các anh sát hại trong khi ông đang vẽ!

Mấy tên âu sầu cúi đầu làm dấu thánh. Một tên nói:

- Ở Hà Nội tôi có vào thăm Trường Mỹ Thuật và biết tiếng ông.

Ông Thanh nói to cho cả đám tù binh cùng nghe:      

- Những bức tranh nổi tiếng của ông vẽ người đẹp với hoa huệ, hoa sen… Ông từng được vời vào trang trí cung đình Huế. Ông là người nhiệt tâm xây dựng nền văn hoá mới của nước Việt Nam độc lập. Ông từng nói với đồng nghiệp: “Có vay thì có trả. Nhận của nhân dân cơm áo chúng ta phải trả lại nhân dân bằng hội họa”. Ông đã trả nợ nonsông bằng máu của mình!

Thời gian lúc này sao băng băng đi nhanh thế.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ phong trào du kích chiến tranh ở vùng đồng bằng như được tiếp sức trở nên vô cùng sôi động trong khi quân chủ lực ào ào đổ về xuôi. Tinh thần binh lính ngụy suy sụp, bỏ ngũ rã ngũ hàng loạt. Nhiều đồn bót kéo nhau bỏ chạy. Vùng giải phóng mở rộng ra nhanh chóng áp sát nhiều đô thị lớn. Giới chỉ huy quân sự Pháp biết là đã đến lúc tàn cuộc chiến, trông chờ một giải pháp chính trị ở Hội nghị Genève.

Ngày 20 tháng 7 năm 1954 tại Genève đã ký kết Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Đông Dương, cụ thể là: Trên toàn lãnh thổ Việt Nam sẽ im tiếng súng lần lượt từ Bắc – Trung – Nam bắt đầu từ lúc 8 giờ ngày 27 tháng 7, ngày 01 tháng 8 và ngày 11 tháng 8. Lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời, phía Bắc là nơi tập kết các lực lượng Kháng chiến Việt Nam, phía Nam là nơi tập kết các lực lượng Liên hiệp Pháp. Thời hạn chuyển quân 300 ngày. Trong thời gian đó dân chúng hai miền được quyền tự do di chuyển nơi cư trú. Sau hai năm kể từ ngày ký sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Niềm vui tràn ngập lòng người tuy rằng chưa trọn: Anh chị em ở phía Nam tuy còn phải chia ly nhưng chỉ có hai năm thôi mà được sống trong cảnh thanh bình.

Kể từ ngày nổ tiếng súng kháng chiến ở miền Nam đã là chín năm. Kể từ khi tiếng súng kháng chiến lan ra cả nước đã là tám năm. Ông Thanh giơ tay bấm từng đốt tính từ đêm hôm 19 tháng 12 năm 1946 đến nay đúng là bẩy năm bẩy tháng một ngày. Ông cồn cào nôn nao nhớ các con ông. Không hiểu các con có nhận ra cha?! Lúc cha con xa nhau bé lớn mới bẩy tuổi, bây giờ Cẩm Nhung 14 tuổi rồi, đã bước vào thời con gái. Lần vợ ông tìm lên thăm kể ra cũng ngót hai năm. Vậy mà sao ông cảm thấy như lâu lắm. Nghĩ lại những ngày đã qua xa xăm thế.                  

Người ta ríu rít chạy loăng quăng cười, nói, hát hò… Bàn cãi mãi một chủ đề quên ăn, quên ngủ mà không thấy chán.

Các cán bộ nòng cốt về tiếp quản Thủ đô được tập trung gấp để học tập chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ.

Tình cờ làm công việc khai thác tù binh, ông Thanh được xếp vào khối tiếp quản ngành Tư pháp. Mãi sau này khi trở thành một cán bộ có thâm niên và được sự tín nhiệm của ngành, cho đến lúc về hưu ông vẫn nghĩ rằng cuộc đời đẩy đưa mỗi người như là một duyên nghiệp vậy.

Mọi người trong lớp học đều phấn chấn. Không ít người chân thành mong mỏi: Trong lúc quân địch hoang mang rệu rã sao ta không thừa thắng xông lên đánh thẳng một lèo giành thắng lợi hoàn toàn? Cán bộ tuyên huấn đả thông tư tưởng bằng những lời giải thích:

- Cuộc chiến tranh đã kéo dài, tiềm lực của ta cạn kiệt, nhiều nơi dân tình đói kém. Dù rằng ta có sức người, có ý chí quyết chiến quyết thắng nhưng những phương tiện chiến tranh và đảm bảo hậu cần cho cuộc chiến đều dựa vào sự chi viện quốc tế trong khi các đồng minh lớn của ta đều muốn hoà hoãn với đối phương theo ý đồ chiến lược toàn cầu riêng của họ, đồng thời ta cũng không lường hết được sự can thiệp của đế quốc Mỹ sẽ tới mức độ nào. Thôi, ta đành phải chấp nhận một thắng lợi hạn chế để củng cố lực lượng rồi sẽ có những bước đi tiếp theo.          

Vấn đề trước mắt đặt ra được thảo luận sôi nổi ở các tổ là phải làm gì để tránh viên đạn bọc đường? Những người về đây đã được chọn lọc kỹ lắm rồi nhưng vẫn cần phải cảnh giác với những cám dỗ vật chất nơi thành phố. Sinh ra, lớn lên và từ đó ra đi bây giờ trở lại mà sao vẫn thấy mình phải tự hỏi mình nhiều thế? Cảm như mình sống ẩn dật từ lâu bây giờ đến một nơi phồn hoa đô hội đầy những cạm bẫy giăng giăng.           

Ông Thanh có cảm giác như mình sắp bước vào một nơi xa lạ.                        

Ông Bí thư chi bộ cơ quan cũ cùng học lớp này. Bị mất ông Thanh ông cũng tiếc nhưng là yêu cầu công tác phải chịu thôi. Ông Thanh cũng lưu luyến ông lắm vì tính tình ông kín đáo chân chất thật thà khiêm nhường nhưng giữ đúng nguyên tắc trong công việc. Một buổi tối sau khi thảo luận ở tổ xong, ông rủ ông Thanh đi dạo bên bờ sông Thao. Hai người ngồi trên bờ đê vừa gỡ những bông cỏ may dính trên ống quần vừa nói chuyện. Cơn gió đầu thu về đêm lành lạnh, hai người ngồi sát vào nhau.

- Này, cậu có biết chuyện anh Trịnh Huy không?

- Dễ tới cả năm rồi tôi chưa nhận được tin anh ấy.

- Lẽ ra Sếp có trong phái đoàn đi Genève đấy nhưng đến phút cuối cùng bị ách lại. Suy cho cùng là lỗi tại cậu đấy!

Và ông kể liền một mạch:

- Cậu đem gửi anh ấy về chỗ cô Bảo Ngọc chứ gì? Mấy tháng sau người khoẻ mạnh, trở lại đơn vị rồi về trên nhận nhiệm vụ mới. Khi Đoàn chuẩn bị lên đường thì ông anh báo cáo thật với tổ chức là hai người chót ăn ở với nhau và cô ấy đã mang thai! Thế là người bị ở lại! Sếp có về Chi bộ làm kiểm điểm và bàn giao công việc cho người khác. Nội dung bản kiểm điểm, ông anh ghi mấy điều: Một là tình cảnh của chúng tôi thật trớ trêu! Hai là tôi có lỗi với người vợ tào khang! Ba là trái tim tôi vẫn thuộc về Tổ quốc! Vì người thuộc diện quản lý của trên nên mình gửi theo tổ chức. Nghe nói Sếp bị khiền ghê lắm. Đáng tiếc thật. Trồng cây đến ngày ăn quả lại bị ngã vì… tật trèo leo đấy! Mà kể ra cũng oái oăm thật! Cô Bảo Ngọc có đến cơ quan trình bầy với mình: Ông Trịnh không phải là hạng người thừa cơ ép liễu nài hoa mà chính bởi cuộc đời sôi nổi của con người tài ba can tràng tâm huyết ấy đã quyến rũ cô từ lâu rồi. Cô không dám tranh chồng của bà chị hiền thảo ở nhà nhưng cô không cầm lòng được trong khi cô đã là góa phụ! Tai ách là ở đấy, ông hiểu chứ? Cô chịu nhận hết lỗi với tổ chức, với bà chị cả. Mình có ghi thành biên bản và gửi về trên cho thủ trưởng mình nhẹ tội.

Ông hít hà tỏ lòng cảm thông và tiếc nuối cho bậc đàn anh:

- Trai thanh gái lịch mà quan hệ mập mờ đã là vi phạm đạo đức cách mạng rồi. Đã có nơi có chốn mà còn ham hố đèo bòng giăng gió là điều không tha thứ được huống chi lại dây dưa dính dấp với những thành phần đối tượng thì khó gỡ lắm!

Ông Thanh chép miệng bật ứng khẩu một câu Kiều:

- Càng tài ba lắm càng oan trái nhiều!     

Ông chột dạ chợt nghĩ tới Thảo Tâm và thở ra một cái thật dài.             

Ông Bí thư kéo ông đứng dậy. Trên đường về ông còn nói chân tình:     

- Ông có vợ con ở thành phố nhưng lúc nào cũng phải cảnh giác với bản thân. Là người Cách mạng phải tránh được những cám dỗ của dục vọng, tiền tài và danh vị.

Ông nắm tay bạn cùng đi, thủ thỉ:

- Lúc này, từ Trung ương đến các cơ quan Quân-Dân-Chính-Đảng đều tập trung dồn sức lo công việc tiếp quản sắp tới đây. Bác Hồ vừa về đến Đền Hùng, đã gặp và nói chuyện với đơn vị bộ đội trên đường hành quân về xuôi. Bác nói trước đây giao nhiệm vụ thì không e ngại gì vì cán bộ chiến sỹ ta đã được thử thách. Nhưng bây giờ thì có e ngại vì ở những nơi địch mới rút đi thật khó phân biệt địch ta tốt xấu. Bác căn dặn mỗi người phải giữ vững phẩm chất người chiến sỹ cách mạng, giữ kỷ luật nghiêm minh, đoàn kết rộng rãi, làm tốt công tác dân vận mà phải cảnh giác phân biệt rõ bạn thù, tránh được những “viên đạn bọc đường”. Phải luôn nhớ rằng nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc và giải phóng hoàn toàn tổ quốc của ta còn lâu dài, khó khăn và rất nặng nề. Cuối cùng Bác nói: “Ngày xưa các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Hai người lững thững song hành. Ông Bí thư tiếp mạch suy nghĩ của mình:

- Dựng nước rồi thì phải giữ nước và giữ nước cũng là dựng nước. Đó là quá trình liên tục, lâu dài, lưu truyền từ đời trước tới đời sau như việc trồng cây, quả chín rồi thì phải biết ươm trồng cây tiếp. Một phút lơ là sơ xảy đại nghiệp khó bền. Gây dựng cơ đồ là cả một quá trình cam go xương máu...

Ông Thanh dừng lại ngập ngừng:

- Vậy thì cuộc Cải cách ruộng đất ta đang tiến hành có tiếp tục không?

Ông Bí thư đặt tay lên vai bạn:

- Chiến thắng Điện Biên Phủ là nhờ có Cải cách ruộng đất ở những vùng tự do nhất là Khu Bốn làm hậu thuẫn vô cùng mạnh mẽ chi viện sức người sức của cho tiền tuyến. Bây giờ tuy hòa bình nhưng còn nửa nước chưa được giải phóng mà kẻ thù sắp tới có tiềm lực rất lớn lại có thời gian chuẩn bị lực lượng thì ta càng phải phát động khí thế cách mạng mạnh hơn nữa là thiết thực củng cố và phát triển thành quả cách mạng ở nửa phần phía Bắc và là niềm hy vọng cho nhân dân lao động đang sống ở phía Nam.

- Nhưng chấn động của nó lan tới thành thị và những vùng tạm chiếm càng làm cho dân tình hoang mang bỏ ta theo giặc… – Ông Thanh nhìn người cấp trên lớn tuổi và từng trải mà bao lâu nay ông vẫn tin tưởng và tâm tình mỗi khi có điều gì khúc mắc.

- Tất nhiên điều đó không thể tránh khỏi nhất là lúc này các thế lực phản động càng tìm mọi cách xuyên tạc bôi xấu chúng ta. Thực ra công cuộc Cải cách ruộng đất ta đã tiến hành từng bước ngay từ thời gian đầu kháng chiến trong cả nước. Từ giảm tô, giảm tức, tịch thu ruộng đất của điền chủ thực dân và tay sai theo giặc, xung công ruộng đất bỏ hoang chia cho dân cày từ hình thức ôn hòa đến áp lực bằng mệnh lệnh. Nhưng các đồng chí bạn vẫn phê phán ta còn biểu hiện hữu khuynh, chưa phóng tay triệt để phát động quần chúng đấu tranh. Năm ngoái, Quốc hội ta đã thông qua luật Cải cách ruộng đất và lập tức được triển khai qua từng đợt, nâng dần từ cuộc đấu tranh trong nội bộ nhân dân thành cuộc đấu tranh với kẻ thù giai cấp. Chắc rằng cùng với việc tiếp quản các vùng tạm chiếm rồi đây cuộc đấu tranh sẽ triệt để hơn nữa, quyết liệt hơn nữa mới có thể xóa sạch mọi tàn dư của chế độ thực dân phong kiến và tay sai, đặt nền tảng cho việc xây dựng xã hội mới ở miền Bắc làm hậu thuẫn vững chắc cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.

Ông Thanh im lặng thở dài và lầm lũi bước đi không nói thêm một lời nào.    

Trước ngày kết thúc lớp học, để học viên nắm được tình hình chung trong cả nước, Ban chỉ đạo mời cán bộ Đoàn Cải cách ruộng đất tới nói chuyện về cuộc đấu tranh giai cấp cũng vô cùng quyết liệt đang và còn diễn ra mạnh hơn nữa ở những vùng nông thôn giải phóng.       

Đồng chí cố vấn của Đảng bạn ôn tồn khiêm tốn nói vắn tắt với mọi người:   

- Cuộc Cách mạng ở Châu Á có đặc thù riêng, do các Đảng Cộng sản lãnh đạo nhất thiết phải tiến hành đồng thời triệt để hai cuộc đấu tranh phản Đế và phản Phong.    

Với hai kẻ thù ấy là mâu thuẫn đối kháng không điều hoà được, giữa ta và chúng xác định sự tồn vong. Kẻ thù Đế quốc bị nhận diện dễ dàng vì chúng không giấu mặt đi đâu được. Nhưng kẻ thù Phong kiến tồn tại lâu đời và nằm sâu trong nội bộ nhân dân nên nó dễ trá hình dấu mặt. Nếu ta chưa đủ nhiệt tình cách mạng, thiếu ý thức lập trường giai cấp thì khó nhận ra. Nó còn có những mối quan hệ thân tộc, bằng hữu, sắc tộc, ân nghĩa… nên ta dễ vị tình bỏ qua. Cuộc đấu tranh này là thước đo phẩm chất về giác ngộ lý tưởng Cộng sản chủ nghĩa và lòng trung thành với Đảng của mỗi đảng viên Cộng sản. Ở nước chúng tôi, cuộc đấu tranh ấy gay go quyết liệt không chỉ là sự thủ tiêu một giai cấp lỗi thời phản động mà còn là một quá trình đấu tranh gian khổ kéo dài để xóa sạch những tàn dư tư tưởng của nó còn tồn tại trong nhân dân thậm chí cả trong tổ chức của chúng ta nữa.

Trong cuộc đấu tranh này, các đồng chí Việt Nam tuy có đi chậm một bước và lúc đầu có lúng túng trong việc phóng tay phát động bần cố nông vạch mặt bọn cường hào ác bá và những tên phản động giấu mặt chui luồn vào tổ chức của ta nhưng các đồng chí kịp thời chấn chỉnh và đã có từng bước tiến vững vàng tỏ rõ khí phách của người Cộng sản không những chỉ trong đấu tranh phản Đế và bây giờ là cả trong đấu tranh phản Phong nữa.

Chúng tôi hân hạnh được các đồng chí yêu mến gọi là cố vấn nhưng thực ra kinh nghiệm không bao nhiêu, trình độ hạn chế, chỉ dám mạo muội nêu ra vài thiển ý từ  những bài học xương máu của chúng tôi để các đồng chí xem xét liệu có vận dụng được chăng. Chúng tôi nhận thấy các đồng chí thừa bản lãnh để thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh giai cấp phức tạp này, cụ thể như một đồng chí cán bộ lãnh đạo trẻ trong Đoàn ủy “thổ ty cải cách” cùng có mặt ở đây mà chúng tôi khâm phục như một người anh hùng trên cả hai mặt trận chống Đế quốc và Phong kiến…                                                        

Trong khi đồng chí cố vấn quay vào phía hậu trường, ông Thanh nghe tiếng rì rầm ở hàng ghế sau:

- Người Tàu dạy mình lắm điều khôn mà cũng nhiều điều dại!                         

- Những nước trong phe ta đều làm như thế cả!

Trên kia tiếng loa thật to và dõng dạc át đi mọi tiếng lào xào: 

- Trân trọng giới thiệu đồng chí Trần Quyết Tâm…

Ông Thanh mang máng như  đã nghe tên đó ở đâu.

Anh cán bộ chạc tuổi ba mươi, dáng mặn mòi từng trải nhanh nhẹn bước ra đứng bên đồng chí cố vấn, giơ cao hai tay cùng vỗ chào khối cử tọa đang đứng dậy hướng về anh như  người anh hùng từ chiến tuyến ác liệt trở về. Mọi người chưa an tọa hết, anh tranh thủ nói luôn:

- Thưa các đồng chí…                    

Ông Thanh nhìn lên chợt giật mình. Ông định thần nhìn kỹ lại. Đúng rồi, ông lầm bầm: 

- Trần Quyết Tâm… Trần Thanh Nho… thằng Nhỏ!

Một bàn tay vỗ vào vai ông nhắc nhở. Ông quay lại, người ngồi bên nhìn ông như dò hỏi. Nhận ra mình lỡ nói hơi to ông lắc đầu thanh minh, ngồi ngay ngắn lại vẻ tập trung lắng nghe…         

Diễn giả nói mạch lạc, lưu loát kể những thủ đoạn bóc lột thâm độc tàn tệ của địa chủ với nông dân, thái độ ngoan cố và những âm mưu chống phá cách mạng rất xảo quyệt và quyết liệt của chúng và nỗi vui mừng của người nông dân được đổi đời, được nhận về mình phần quả thực mà trước đây trong mơ họ cũng không nghĩ tới: ngôi nhà, con trâu, con bò, mảnh vườn, thửa ruộng… Thế Cách mạng ở nông thôn đang áp đảo làm hậu thuẫn mạnh mẽ cho những bước đi lên của cả nước. Anh hùng hồn nói lên viễn cảnh tương lai:

- Địa chủ, tư sản là tay sai đắc lực và nguy hiểm của thực dân đế quốc. Giai cấp địa chủ là chỗ dựa của tư sản ở nông thôn. Giai cấp tư sản là đại diện của địa chủ trên thành phố. Chúng ta đồng thời đánh đuổi Đế quốc, đánh gục uy thế của địa chủ ở nông thôn, tiến tới đánh sụp mọi sự đầu cơ thao túng của tư sản ở thành thị. Mọi tư liệu sản xuất về tay người lao động. Có Chính quyền công nông do Đảng ta độc quyền lãnh đạo với thứ vũ khí sắc bén là chuyên chính vô sản, con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội thênh thang rộng mở trước chúng ta.

Giờ nghỉ giải lao, ông Thanh đi loanh quanh rồi đứng chụm lại với mấy anh em trong khối Thông tin Văn hóa. Ông Bí thư tay kéo anh diễn giả về phía ấy vẻ hồ hởi lắm:

- Tôi sẽ mời đồng chí về nói chuyện với anh em Văn hóa!                               

Diễn giả vui vẻ bắt tay mọi người. Đến lượt ông Thanh, anh khựng lại hơi lúng túng. Ông Thanh tươi cười nắm chặt tay anh:                    

- Chào đồng chí!                            

Diễn giả dường như gỡ được thế bí về cách xưng hô, anh nắm chặt tay ông Thanh giật giật:

- Đồng chí cũng… ở đây à? 

 Sau này ông Thanh thắc mắc mãi ý của câu hỏi ấy: Anh mà cũng đi theo kháng chiến? Anh mà cũng là đảng viên Cộng sản?

Ông Bí thư ngạc nhiên:

- Hai người đã biết nhau à?

Ông Thanh vui vẻ gật đầu.

Mọi người coi đó là một vinh dự cho ông.

Diễn giả đã bình tĩnh lại, nói với mọi người:

- Người cộng sản phải được rèn luyện trong đấu tranh giai cấp, cụ thể là qua cuộc đấu tranh “phản đế” và “phản phong” này mới là toàn diện. Cũng như ở bên Trung Quốc!

Vừa lúc tiếng còi cất lên nhắc nhở mọi người trở về vị trí của mình.

Cả hội trường vang lên tiếng hát:

Kết đoàn chúng ta là sức mạnh / Kết đoàn chúng ta là sắt gang / Đoàn kết ta bền vững / Dù sắt hay là gang / Mà sắt với gang còn kém bền vững / Chúng ta thề phá tan quân thù: thực dân, đế quốc, sài lang với phe phản động / Ta đập tan hoang!…                                                 

(trang 511)

Link http://sachhiem.net/NGVTHINH/NguyenvThinh_PTHi.php

ngày 24-Dec-2016

_________________

• Các bài của Nguyễn Văn Thịnh: link http://sachhiem.net/NGVTHINH/ListNVTh.inc.php

Trang Văn Học