PHÚT THĂNG HOA

- tiểu thuyết -

Nguyễn Văn Thịnh

CHƯƠNG BẢY

Từ Hà Nội theo Quốc lộ I đi về hướng nam chừng hơn chục kilômét tới Chợ Tía, rẽ theo tỉnh lộ 73 dăm ba kilômét nữa là đến  đập Đồng Quan. Đập này nằm trong hệ thống thuỷ nông điều chỉnh nước từ sông Nhuệ vào con sông đào tưới tiêu cho vùng đồng ruộng phía tây bắc tỉnh Hà Đông.

Từ cuối năm ngoái, người Hà Nội tản cư về đây nườm nượp. Nó thuận vì là đường bộ liên thông không bị đò giang trắc trở. Nó như một nơi tạm lánh chờ xem thế cuộc. Nếu kháng chiến gay go trường kỳ, ai ngại ngùng dặm dài gian khó thì khăn gói quảy về cũng tiện. Còn như ai muốn thử sức mình hoặc tự nguyện dấn thân trên con đường trường chinh vạn dậm thì cứ lui sâu dần vào vùng rừng núi Hoà Bình, tìm đường ngược lên chiến khu Việt Bắc hoặc xuôi vào xứ Thanh-Nghệ-Tĩnh miền Trung.

Dọc theo bờ sông từ Đồng Quan đến Văn Trai tấp nập trên bến dưới thuyền, chợ búa, hàng quán đông vui. Bà con tản cư gọi nơi đây là Hà Nội mới. Đêm đêm, nhìn về hướng đông bắc, chỉ chừng hơn chục kilômét đường chim bay thôi, luồng ánh sáng vàng vàng hắt lên nền trời. Ấy là Hà Nội! Bao nhiêu cõi lòng rộn rực, cồn cào, thao thức.  

Tuy không sinh trưởng ở đây nhưng ông Phán Thanh không lạ vùng này vì đó là gốc quê nội trên ngoại dưới chẳng mấy xa nhau cha con ông vẫn đi về. Từ Đồng Quan xuôi theo con sông đào chạy song song với đường cái lớn chừng vài ba kilômét là tới làng Yên Cốc. Làng có ba thôn, nửa “lương” nửa “giáo”. Thôn Hạ có ngôi đình lớn, toàn gia thờ cúng ông bà. Thôn Trung công giáo toàn tòng, có nhà thờ với tháp chuông cao ngất nghểu. Thôn Thượng nửa đời nửa đạo, có ngôi chùa thâm u kín đáo ở đầu thôn. Ngoài việc đồng áng, làng còn có nghề làm giấy dó cổ truyền nổi tiếng.

Ông Phán gặp lại vợ con trong sự chờ mong phấp phỏng và sự đón mừng của anh em con cháu họ hàng. Tuy là nửa quen nửa lạ nửa gần nửa xa nhưng được ăn một cái Tết dưới mái nhà còn hơi hướng ông bà giữa chốn quê cha dầu có thiếu thốn về vật chất nhưng ấm đậm tình gia tộc thiêng liêng trong lòng cũng thấy lâng lâng.

Nhưng dần dà rồi cũng không yên lòng được mãi. Trong khi bà con anh em mỗi người một việc tất bật từ lúc sớm trời còn chạng vạng cho tới khi mặt trời khuất dạng lâu rồi mới hò nhau í ới quây lại quanh mâm cơm thanh bần mà gia đình mình thì cứ sòng sõng dẫn vào dẫn ra, ngày ăn ba bữa. Hỏi rằng ai có thể nhắm mắt làm ngơ cho đành? Riêng bà Phán còn nỗi băn khoăn dằn vặt chỉ bà mới hiểu: Bà nắm nguồn lực kinh tế của gia đình và bà thắc thỏm cái cảnh chực chờ này sẽ diễn đến bao giờ?      

Hai ông bà bàn tính lên chợ Đồng Quan mở cửa hàng buôn bán. Trước mắt bà  lo được những chuyện hàng ngày và ông cũng có dịp tìm hỏi tình hình thế sự, tin tức gia đình và cơ quan đơn vị.        

Cửa hàng vải vóc và quần áo của bà khá “chạy” vì người mua, người bán là dân Hà thành, quen nghề quen nết nhau nên dễ mua dễ bán.             

Ông Phán được biết từ sau ngày nổ súng kháng chiến, Cụ Hồ vẫn kiên trì nhẫn nại kêu gọi nhân dân Pháp hành động để chấm dứt cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn và mong năm 1947 mang lại hoà bình và hữu nghị giữa nước Pháp và nước Việt Nam. Chính phủ Léon Blum cử Bộ trưởng Marius Mutet sang thị sát Đông Dương nhưng ông đã bị D’Argenlieu lừa gạt và vô hiệu hoá. Ông quay trở lại Paris với lời tuyên bố nước đôi trước đó tại Sài Gòn: “Bao giờ quân đội (Pháp) lập lại trật tự khi đó có thể xem xét lại vấn đề chính trị”! Một giải pháp chính trị không xong, Chính phủ đầu tiên của nền Đệ Tứ Cộng hoàRamadier lên thay thế. D’Argenlieu tăng cường sức ép với Chính phủ mới đòi đẩy mạnh giải pháp quân sự đã bị cách chức Cao uỷ. Ngày 01 tháng 4, Bollaert là một viên chức dân sự đến Sài Gòn thay thế. Tuy nhiên quân số của đội quân viễn chinh ở chiến trường Bắc và Trung bộ cũng được tăng lên ồ ạt tới 110 ngàn so với 30 ngàn quân vào cuối năm 1946 nhằm giải vây thế bị phong toả ở các thành phố, kiểm soát các đường giao thông và vùng duyên hải, làm chủ vùng mỏ Đông Bắc và vùng Tây Bắc Việt Nam thông với nước Lào…

Một chiều hè oi nồng, hai thằng Nhân Trí và Nhân Tín níu kéo theo một người đàn ông cao lớn, từ ngoài đường đã gào tướng lên:

- A… A! Cậu mợ ơi, bác Tham… bác Tham đây này!

Ông bà Phán chạy ùa ra ôm chầm lấy người anh em thân thiết. Bà Phán không cầm được nước mắt khóc lên thành tiếng. Hai ông cùng cười nhưng vẫn phải ghìm lại niềm cảm xúc. Theo sau là mấy người đàn ông dáng dấp thị thành. Ông Tham giới thiệu là bạn bè đồng sự.

Chẳng là hai thằng con rủ nhau đi dọc bờ sông hái cỏ gà chơi chọi, lò mò tít mãi dưới chân đê. Chúng thấy mấy người đàn ông bơi lội dưới sông như dậm dò cái gì mà chốc chốc lại ngụp xuống ngoi lên rồi ném vật chi lên bờ vẻ vui thích lắm. Chúng tò mò lần tới thì ra mấy ông vừa tắm vừa mò bắt trai, được con nào các ông reo lên và ném vào bờ. Chúng nhanh nhẩu lượm từng con gom lại.

Tắm xong, các ông lên bờ gọi bảo:

- Được bữa canh trai. Cho mấy đứa!

Hai đứa lúng túng không biết làm cách nào. Một thằng nhanh ý cởi phăng ra chiếc áo. Hai thằng túm hai đầu khoái chí chạy về khoe mẹ. Được mấy bước, chúng đụng vào ngưới đàn ông to lớn, một thằng ngã quay lơ, văng ra mớ trai lổng nhổng. Ông ta cúi xuống đỡ thằng bé dậy, vừa cười vừa dỗ:

- Từ từ thôi các cháu, có ai tranh mất đâu!

Thằng bé đang ngồi bệt dưới đất bỗng nhẩy phắt lên, ôm chầm lấy cổ ông ta:

- Ô…! Ô…! Bác Tham!

- Cháu là con nhà ai? – Ông Tham ngạc nhiên

- Chúng cháu là con cậu mợ cháu đây mà!

- Mà cậu mợ cháu là ai? – Ông Tham ngờ ngợ.

- Cậu mợ… Phán… Thanh! Bác quên rồi à?

Bác cháu rối rít lôi kéo nhau đi.

Mấy ông bạn thu gom mớ chiến lợi phẩm lững thững theo sau.                       

Bữa cơm tối dưới ánh sáng của ngọn đèn bão và ngọn đèn hoa kỳ quả là quá sang không thua gì những ngọn đèn nến chùm lung linh trong các phòng khách sang trọng ở đô thành. Dầu hỏa thật khan hiếm và là món hàng quốc cấm. Người ta thắp đèn bằng những đĩa dầu lạc, dầu bưởi… với một cây bấc leo lét nhưng cũng chỉ dùng nó vào lúc chập tối ăn cơm rồi vội vã tắt đi, sống âm thầm lặng lẽ hoặc leo lên giường ngủ sớm.

Các ông đây cũng như bác Tham, đều độc thân. Có khác chăng ở cảnh các bà không chịu rời bỏ đô thành, các ông đành phải tạm lánh xa nơi binh lửa để xem thế cuộc binh tình ra sao đã.

Mới mấy tháng trời mà sao thấy đằng đẵng xa vời. Mỗi ngày qua đi chậm rì rì, tưởng như mặt trời không chuyển động. Nhưng đêm mới thực là dài. Nằm trong ổ rơm ngứa ngáy hay trên chiếc giường tre cọt kẹt theo cái cựa mình, thao thức nghĩ tới con đường dài xa lắc, bật dậy mò mẫm ra sân nhìn trời… Trời cao vòi vọi. Sao trời lờ mờ xa xăm. Đêm đen dầy sâu thăm thẳm. Bao nhiêu sự việc dồn dập tới. Gian truân, nguy hiểm, lạ lùng. Ngỡ ngàng, nghi ngại mà cũng háo hấc, hào hứng, vui vui. Gặp bạn tâm giao, các ông tha hồ giãi niềm tâm sự. Ông Tham là người thảnh thơi ít phải ưu tư về gia cảnh:

- Cháu Hương Giang theo đơn vị đi rồi. Công sở cử một số người đi trước tìm căn cứ. Anh em còn lại tự động phân tán, sẽ liên hệ với nhau sau. Một thân một mình nhẹ tếch, tôi xung vào Liên Khu I. Mình không trực tiếp cầm súng thì cũng không thiếu gì công việc: xây dựng chiến luỹ, thông tin tuyên truyền, cứu thương, tiếp tế… Chà, vui đáo để! Cả vợ chồng nhà Cát Lợi phố Hàng Gai cùng ở lại.

Như còn bị khích động trong những ngày khói lửa của Thủ đô kháng chiến, ông Tham nói chưa dứt mạch:

- Mấy dịp được sục vào thâm cung của hàng trăm hàng ngàn ngôi nhà trong khu phố cổ xưa nhất của Hà thành – từ những nhà giầu sụ ở Hàng Đào, Hàng Bạc đến những nhà nghèo xơ xác trong những ngóc ngách lầm lội tối tăm. Mấy thằng giầu ham của không dám bỏ đi, đến khi súng đạn nổi lên ầm ầm mới thấy sợ, run rẩy đến đái cả ra quần, rầu rĩ thảm thiết như cha chết. Mấy ả giăng há lợi dụng nhà vô chủ đú đởn làm tình như chỗ không người. Mấy thằng có máu đỏ đen súng nổ ở đâu mặc xác cứ chúi đầu vào chiếu bạc, lúc tỉnh ra thì mò mẫm quơ quào thượng vàng hạ cám. Mấy chú khách sẵn sàng mâm quả hàng khô, thuốc bắc… ta tây gì cũng Hảo! Hảo! rồi tìm cách tống khứ hoặc thoát cho mau. Nhiều thằng trông oai ra phết, nói như thánh sống nhưng trong túi lúc nào cũng thủ sẵn chiếc khăn trắng làm cờ. Trong những ngày ấy mình nghiệm ra rằng lúc nguy nan điều đáng khinh nhất là hèn. Liều không phải là dũng cảm. Thằng hăng máu ba hoa thường nhát. Thằng lầm lì nhiều khi được việc. Nhân cách không lấy gì che giấu được. Cái lõi con người lim táu hay ruỗng mục phơi ra hết. Cái ranh giới vinh nhục thật mong manh! Mình cảm nhận như mình sống thật hơn với cả chính mình.

Ông Tham gặp người trút được nỗi niềm bấy lâu chất chứa trong lòng:

- Cái đêm 17 tháng 2, hàng ngàn người âm thầm vượt ra bãi ngoài, luồn dưới gầm cầu Long Biên lội qua sông Hồng gió bấc tê người, nước giá săn da trong khi trên cầu xe lính nó tuần phòng, bắn vu vơ tứ phía. Không may trúng ai người nấy cắn răng mà chịu. Tiếng một đứa bé vừa bật khóc ré lên lập tức chìm lỉm ngay trong gió thổi vù vù. Đêm tối mịt mù căng thẳng nặng nề… Nào ai biết lòng sông chỗ nào rộng hẹp nông sâu, nước êm nước xoáy?

- Nghe nói giáo sư Dương Quảng Hàm, chết trong đêm ấy? – Ông Phán thăm dò.

Hết vẻ sôi nổi, ông Tham trùng giọng:                 

 - Ông hiệu trưởng trường Bưởi (Chu Văn An) biệt tăm tích ngay từ đêm đầu nổ súng! Lúc nhộn nhạo, ông cứ nấn ná mãi với trường! Nghe nói đêm 19 còn thấy bóng ông ở nhà. Có người đoán sáng sớm hôm sau ông trong đoàn người chạy vào nhà thương Phủ Doãn lánh nạn vì nhà ông ở phố Hàng Bông kề sát bên. Lúc ấy lính Pháp đã chiếm đường Tràng Thi và từ đó bắn xẻ ra dữ dội chế ngự các ngả đường. Người ta chết nhiều lắm! Có thể ông trong số những người không may trúng đạn ở đây? Nhưng mấy anh học trò trường Bưởi tham gia Tự vệ thành lại quả quyết rằng mấy ngày sau đó họ tình cờ gặp ông thầy ở mặt trận Liên khu Hai giữa lúc quân Pháp đánh nống ra phía Nam Hà Nội. Trong lúc chiến sự xảy ra ác liệt, họ mục sở thị ông thầy gục xuống dưới làn đạn ở khu vực ngã năm Hàm Long – Lò Đúc mà không làm gì được. Dù sao thì từ đó không ai còn gặp lại ông! Khi chiến sự lắng xuống, thi hài bách tính được gom lại chôn chung trong nấm “Mồ nạn nhân chiến tranh” khổng lồ dọc con đường hông bên trái Tòa án đối diện với Hỏa Lò. Giữa phen thay đổi sơn hà, mảnh thân chiếc lá biết là làm sao? Buổi chiến trận mạng người như rác! Con người kinh luân chứa một túi đầy phút chốc bỗng hồn đơn phách chiếc. Còn chi ai khá ai hèn. Còn chi mà nói kẻ hiền người ngu. Mắt ông ngấn lệ cảm khái rưng rưng mấy câu thơ chiêu hồn: “Khi thất thế tên rơi đạn lạc / Bãi sa trường thịt nát máu tươi / Bơ vơ góc biển chân trời / Nắm xương vô chủ biết vùi nơi nao”?!

Trở về thực tại với vẻ suy tư, ông Tham tiếp dòng tâm sự:

- Qua Phúc Yên, nghe nói trại ấp trên nhà tôi đã thành trụ sở của địa phương rồi. Lâu nay gia đình mình không về đó, gửi lại mấy người anh em. Chắc là bị mang tiếng theo tây! Mình lộ mặt ra sao tránh được những sự hạch hỏi eo sèo. Biết thanh minh với ai và liệu họ có nghe không. Lúc can qua sóng gió cái lý nó nằm trên họng súng mũi đao. Mấy người rủ tôi lên mạn ngược nhưng mình vẫn lưu luyến với thành phố nên tìm đường vòng qua Sơn Tây về đây nghe ngóng xem sao. Trên đường gặp mấy ông bạn này cũng là chỗ quen biết xưa nay. Bỗng nhiên thành một đoàn lãng tử viễn du. Gặp mấy tay nhà văn là có khối chuyện ra trò đấy. Kể ra dân quê mình tốt thật, có đồng bào tản cư về là niềm nở đon đả lắm. Người ta nhường cho ở nhà trên, nhường cả giường rộng chiếu hoa…

Một ông cười khùng khục cướp lời:                               

- Cũng chỉ tại thằng Ký IDEO léng phéng với con vợ bé lão Hàn nhà bên nên họ nghi ngờ đám mình mới mách tới Ủy ban… 

Ông ta vẻ còn xít xoa tiếc rẻ:

- Con bé vợ ba ham chuyện cứ quấn lấy người ta, cười tít mắt, nảy tung cái ngực… Ôi mà nó trắng ngồn ngộn, đẹp hơ hớ, phây phây, phốp pháp… Lão già suốt ngày nằm bẹp bên cái bàn đèn ở nhà trên, mắt ti hí tưởng nó mơ màng nhưng vẫn nhìn ra sân, xuống nhà dưới dè chừng. Thấy gì lạ là mắt nó mở trừng ra, láo liêng, miệng phát ra tiếng “hứnhư chó tru, réo gọi ngay con bé lên, kéo vào buồng. Cái ngữ ấy còn làm ăn đếch gì được nữa! Chỉ tội nghiệp cho con bé trắng ngồn ngộn, đẹp hơ hớ, phây phây, phốp pháp, cái đít núng na núng niếng…

- Mấy bố xa vợ nhớ con không biết làm gì, buồn tình nên suốt ngày tổ tôm lá chắn, lâu lâu xồ ra một tràng tiếng Pháp họ tưởng là các ông nói xấu nông dân, nói xấu chính quyền, hoặc là dùng tiếng lóng tán tỉnh đàn bà con gái, hứng lên còn nhịp trầu hồng hồng tuyết tuyết, nhắc tới toàn những ông Tuần, ông Tham, ông Phán đã lỗi thời rồi nên họ mới nghĩ là một lũ tay sai đế quốc quen thói ăn chơi còn lưu luyến thời quá khứ! Ủy ban triệu cả đám lên. Phúc nhờ có cái Sự vụ lệnh làm bùa hộ mệnh chứ không họ điệu đi là gặp ông bà ông vải rồi!

Một ông vẫn còn tấm tức:              

- Thằng cha Thư ký mặt non choẹt, nói ngọng líu lưỡi: Trên Hà “lội” các ông “nàm”gì? Cứ chĩa cái hàm răng bàn cuốc như muốn cào vào mặt mình, vừa phun nước bọt vừa “cười” suốt một buổi sáng những là: Địch mạnh hay ta mạnh? Điểm yếu của địch là gì? Điểm mạnh của ta là gì? Địch tuy có vũ khí tối tân nhưng không có tinh thần! Ta tuy vũ khí thô sơ nhưng có toàn dân đồng lòng thi đua giết giặc! Vừa tự tạo vũ khí vừa cướp súng giặc đánh giặc. Toàn dân kháng chiến là sao? Toàn diện kháng chiến thế nào? Vừa tích cực thực hiện “đồng không nhà trống” lại vừa gặt (hăng!) hái tăng gia sản xuất có hậu (mâu!) thuẫn với nhau không? Muốn tăng gia thì phải “nàm” gì? Tại sao phải cần kiệm? Là “cần” phải “tiết kiệm” để kháng chiến! Lại nói qua cả văn hoá kháng chiến nữa mới chết chứ. Đó là thứ văn hoá mới, không giống như văn hoá cũ! Rượu chè, hút sách, bài bạc, thơ truyện nhảm nhí, hát xướng cô đầu “nêu nổng”, trai gái thì thụt điếm đàng… đều là thứ văn hoá cũ đầu độc tiêu diệt giống “lòi”, làm cho mất “lước”! Muốn xây dựng “lền” văn hoá mới là phải tích cực tham gia vừa kháng chiến vừa tiến (kiến) quốc. Người có chữ nghĩa không cầm súng được thì phải tích cực xung phong vào phong trào Bình dân học vụ xoá “lạn” mù chữ… Ối trời đất ơi! Bây giờ mà bắt tôi tối tối ra lớp bình dân lố nhố người gìa, người trẻ, đàn bà, con nít ngồi xổm, ngồi phệt, ngồi dạng háng… ê a bi bô loạn xạ những i… tờ… tờ… i… ti… sắc tí… chắc là tôi phát điên lên!   

- Tôi ớn nhất là lúc vừa được cha thư ký tha cho, quay ra gặp ngay một ông hai tay hai quả tạc đạn, mắt ông ấy nhìn đi đâu mà cứ xông thẳng vào mình. Mình né ra thì ông ấy chặn lại: Các ông là trí thức thành phố về tham gia kháng chiến hả? Hoan hô nhiệt liệt! Nhưng các ông có biết phương châm kháng chiến là gì không đã? Là du kích chiến tranh! Và ông ấy cho một trái tạc đạn vào túi, tay kéo mình sang cái bàn bên. Ông ta đặt cả hai trái tạc đạn trên bàn mà mắt ông ấy nhìn đâu đâu. Mình chỉ sợ nó lăn xuống đất. Thật tình tôi chuẩn bị thế ngồi, nếu nó lăn là tôi bỏ chạy! Thì ra đấy là ông chỉ huy Đội du kích xã và mắt ông ta… hiếng! Ông ấy thao thao thuyết giảng những là: Đánh du kích nghĩa là vừa chơi vừa đánh. Địch mạnh ta tránh. Địch tiến ta lùi. Địch lùi ta tiến. Địch thức ta đề phòng. Địch ngủ ta khuấy rối. Địch ngó đằng trước ta thúc đằng sau. Địch quay lại phía sau ta chọc phía trước. Địch chú ý bên “lày” ta quay sang bên khác. Địch ngẩng lên nhìn trời ta gài bẫy dưới chân. Địch ngó xuống đất ta choảng vào đầu… Cứ tìm chỗ sơ hở của địch mà đánh, đánh ngày đánh đêm, làm cho nó mất ăn mất ngủ, thất điên bát đảo, rối “noạn” tinh thần, hao mòn sức “nực” mà ta thì vẫn hoàn (bảo!) toàn “nực nượng”. Đánh bằng đủ mọi thứ ta có trong tay. Con dao, cái gậy, đòn gánh, đòn càn, hòn đá, mũi chông… đều đánh được. Nếu tay không có gì thì đánh bằng mồm bằng “nưỡi”! Ông cười à? Ông tưởng tôi xui các ông các bà xông vào ôm lấy thằng giặc mà cắn hả? Có mà gẫy răng toi mạng! Tôi “lói” thế các ông trí thức không quen đánh giặc phải hiểu “nà” ta tuyên truyền cổ (tác!) động tinh thần cho thằng giặc nhớ nhà mà chán “lản”. Những việc ấy “lam” phụ “não” ấu đều “nàm” được hết huống chi các ông “nà” người có học!... Ông ta nói như đọc bài học thuộc lòng, tài thật!

- Suy cho cùng thì họ nói đều đúng cả! – Ông Thanh cười hiền hoà.

- Mà ai cũng thích nói và nói thật nhiều, tưởng như chỉ mình họ hiểu. Phải chăng là họ nói cho đã khẩu vì chưa từng được ai ngồi nghe họ nói.

- Họ nói mà họ làm thật đấy! – Ông Phán vẻ nghiêm chỉnh.         

- Đúng là họ làm những điều không tưởng tượng nổi đâu. Cứ nghe đám con trai con gái hát mà không hiểu được là chúng đang vui hay buồn nữa? Này nhé lúc chiều anh lên đường đi bộ đội thì em lưu luyến “tiễn đưa ra tận cuối đồi, nghe dặn lời rằng kháng chiến còn trường kỳ và còn gian khổ” với những là “máu còn rơi, xương còn rơi”… Đúng không nào? Đến tối nam nữ lại tụ họp nhau hát váng lên những là gì?... À… “Đi đốt nhà, cùng nhau ta đi đốt nhà” … Vui đáo để!   

Ông Thanh cười, nhẹ vỗ lên đùi bạn:                

- Chẳng có gì khó hiểu cả đâu. “Kháng chiến trường kỳ gian khổ nhất định thắng lợi” là đấy! “Tiêu thổ kháng chiến” là đấy!

Những điều đó với các ông tuy có  bực mình mà cũng vừa là cái mới lạ hay hay.

Nhưng dù sao các ông cũng mau mau rủ nhau lên phố Văn Trai tìm mua một ngôi nhà lá tạm trú chờ thời. Vì thế mới có sự trùng phùng tương ngộ hôm nay.

Nghe tin ông Trịnh Huy đang nằm trong một Bệnh viện Quân y ở Cầu Dặm – cửa ngõ tỉnh Hoà Bình, ông Thanh rủ ông Phú đi thăm, tiện thể tìm hỏi đặng liên lạc với cơ quan.

Không ngờ chưa đầy năm mà ông Trịnh thể lực sa sút thế. Đó là ông đã từng nhiều năm nằm gai nếm mật ở vùng rừng xanh núi đỏ rồi mà con bệnh sốt rét ngã nước nó vẫn hành ông. Da ông xanh bủng. Môi ông thâm xịt. Hai con mắt sâu hoắm chỉ còn thấy đôi lòng trắng. Tay ông chống gậy mà chân đi còn run rẩy…

Hai ông ái ngại xót xa khâm phục nhìn người anh, người bạn từng chịu đựng trong mọi tình huống để rồi lại bình thản vượt qua, tưởng như ông dửng dưng với sự mất còn của bản thân mình.                

Ông Trịnh hay cười khiến mặt ông càng dăn dúm lại. Ông đưa cho các bạn xem mấy khổ thơ:

Tiếng động canh khuya bừng tỉnh giấc

Tiếng súng rền vang hay sấm xa?

Chớp loé ngang trời rồi chợt tắt

Thao thức nằm nghĩ nỗi đường xa…

       ……

Không gì buồn bằng những ngày đau ốm

Nằm rán trên giường lòng nghĩ vẩn vơ

Cơn sốt rét kéo dài tai ác quá

Ngày hai lần cô y tá… tiêm hoài!

……

Ông nói kiểu người đoản hơi, từng khúc một:

- Thế mới biết ông Cụ có tầm nhìn xa thật. Ngày rời căn cứ về Thủ đô, Cụ vẫn cử người tin cẩn ở lại. Cụ căn dặn anh em nên nhớ rằng Cách mạng phải có đường tiến, có đường lui. Phải giữ mối quan hệ với bà con vùng căn cứ cho tốt, biết đâu có ngày ta phải quay lại nhờ vả bà con. Bây giờ ta trở về vùng căn cứ  không còn trắng tay như trước: Ta đã có chính quyền, có quân đội… khác nào như hổ về rừng. Bố thằng tây cũng không làm gì được! –  Cái cười méo xẹo và lạc quan của ông lây sang cả hai người.

Hai ông cần những thông tin cụ thể và tham khảo ý kiến của người anh.

- Thằng kẻ cướp đã vào nhà, không bao giờ nó chịu trở ra tay không đâu. Chúng nó còn hung hăng lắm. Ngày12 tháng năm, Bollaert cử cố vấn riêng Paul Mus, một giáo sư nổi tiếng về Đông phương học, tới Thái Nguyên gặp Hồ Chủ tịch và Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám, đưa ra những điều kiện mà Chính phủ Pháp đòi:

Một là: Ngừng ngay mọi hành động chiến tranh, khủng bố và tuyên truyền.

Hai là: Nộp một phần quan trọng vũ khí.

Ba là: Tự do đi lại cho quân Pháp trong toàn bộ lãnh thổ của Việt minh.

Bốn là: Trả lại các con tin, tù binh và hàng binh.

Hồ Chủ tịch đã trả lời khiêm nhường nhưng thẳng thắn rằng: “Trong khối Liên hiệp Pháp không có chỗ cho những kẻ hèn nhát. Tôi sẽ là kẻ hèn nhát nếu tôi chấp nhận!”

Ông Tham Phú tỏ thái độ đồng tình:

- Chẳng lẽ mình lại quì gối như triều đình nhà Nguyễn đã làm?              

- Cuộc kháng chiến này là sự thử thách với cả dân tộc và với từng người. Tất cả mới chỉ là bước đầu. Mọi người tự lượng sức mình để có những đóng góp thiết thực cho kháng chiến.

Ba anh em mải ngồi ngoài lán nói chuyện. Ông Trịnh quên giờ tiêm cữ thuốc. Cô y tá bước ra tìm ông và đột ngột để rơi cái ống thuốc tiêm, chạy nhào đến ôm chầm lấy một người:        

- Cậu…! Cậu… Phán!...  Cậu ơi! – cô gục vào vai ông khóc nức nở.               

Sau phút ngỡ ngàng, ông Phán nhận ra Nga. Ông cũng rất cảm động trước sự gặp gỡ đường đột này. Ai cũng cảm như đã từng thân thiết lắm. Ông vỗ về an ủi Nga và giới thiệu rất tự nhiên với hai người anh em:    

- Đây là đứa cháu con bà chị họ!   

Hai ông anh lảng xa để hai cậu cháu chia sẻ cho nhau tình cảm…          

- Ở đây mọi người gọi cháu là Hà! Hồng Hà, cậu ạ! – Nước mắt cô lại ràn rụa ra và cô nói trong tức tưởi :

- Cậu ơi! Chị Hồng cháu chết rồi! Thế cậu biết tin bà chưa?                   

Ông Thanh giật mình, mặt biến sắc. Ông linh cảm một điều gì tai họa.

- Bà bị nó bắn chết cùng với chị Hồng cháu ở ngay nhà cậu!

Ông Thanh rụng rời và mặt ông xanh lét đi. Nga luýnh quýnh vẫy mọi người đến vực ông cậu vào trong lán.

Ông sắp vào tuổi tứ thập rồi. Ở độ tuổi nhi bất hoặc thì cái sự tồn vong theo luật trời sinh-lão-bệnh-tử ai cũng nhận ra nó là sự thường tình. Nhưng ông đau đớn là mẹ ông chết thật thảm thương và ông không lo cho mẹ được chu toàn. Lòng ông quặn thắt xót xa nghĩ tới tấm áo ông sắm sẵn, vạt đất bên cha ông dành cho mẹ và bà rất vừa lòng nếu được ra đi trong sự chăm lo của con cháu cho bà. Ông không dám tưởng tượng ra trong cảnh loạn lạc bối rối, người ta vội vã vùi nông một nấm những người tử nạn trong đó có mẹ ông! Lòng ông dầy vò và nóng như lửa đốt.

Mọi người giữ ông nằm lại dưỡng sức ít ngày. Ông Trịnh có dịp giúp các bạn nhận ra con đường chông gai phía trước:

- Từ đây bắt đầu cuộc trường chinh! Ta muốn kéo dài thời gian chuẩn bị nhưng chẳng đặng đừng, giờ ta như người đứng trong chiến hào thủ thế, nhằm chỗ sơ hở của giặc mà tiêu hao chúng. Khi chúng dồn sức tấn công thì ta phải tạm lánh đi. Lúc này thế giặc mạnh hơn. Ta chủ động phòng ngự để bảo tồn và bổ xung lực lượng của mình. Khi có sức, ta chuyển sang cầm cự, giằng co với địch. Có chỗ giặc đẩy được ta, có chỗ ta xô được nó. Thời gian này lâu hơn nhưng ta mạnh dần lên và giặc yếu dần đi, tới lúc ta có thể phản công từng phần, tiến tới tổng phản công toàn diện. Mỗi thời điểm ta có cách đánh thích hợp. Đó là đường hướng quyết định thắng bại của cuộc chiến tranh.

Nhìn gương mặt lo âu của các bạn, người chiến sỹ dầy dạn đấu tranh cười hồn nhiên với thái độ rất tự tin, ông khích lệ:

- Nói trường kỳ kháng chiến không có nghĩa là vô thời hạn. Thời cơ do ta tạo nên vì chúng ta thừa thiên hành đạo nên đắc nhân tâm. Thời gian luôn ủng hộ chúng ta! 

Đúng lúc đơn vị nhận lệnh khẩn cấp đối phó với tình hình mới. Ông Trịnh nắm được tin tức nói lại với các bạn:       

- Địch chủ trương tốc chiến tốc thắng. Ta dự đoán trước thế nào nó cũng tập trung đánh lớn. Tướng Salan, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương vạch Kế hoạch Léa nhằm mục tiêu bịt kín biên giới, ngăn chặn không cho Việt minh tiếp xúc với Trung quốc… Loại trừ mọi sự chi viện từ ngoài vào. Truy lùng Việt minh đến tận cùng sào huyệt, đánh tan tác mọi tiềm lực kháng chiến! Những tháng cuối năm 1947, chúng tập trung đại quân đánh vào toàn bộ vùng căn cứ Cao-Bắc-Lạng-Thái-Hà-Tuyên với niềm tin chỉ cần ba tuần lễ là đập tan đầu não của Việt minh…

Và ông nhắc nhở:                          

- Bây giờ vùng đồng bằng tạm yên ổn. Anh em quay trở lại sắp xếp công việc gia đình để có thể yên tâm tham gia trường kỳ kháng chiến.

Họ bịn rịn chia tay nhau kẻ xuôi người ngược.

Ông Phú, ông Thanh quay trở lại Đồng Quan.

Xa nhau mới hơn tháng trời mà bây giờ gặp lại ai cũng tần ngần ngơ ngẩn.

Bà Phán xót ruột như bào thấy chồng âu sầu thiểu não như người mất hồn, đôi mắt lờ đờ nằng nặng.

Ông Thanh ân hận thấy vợ gầy tọp đi, đôi mắt sâu và quầng thâm. Nhìn nhà cửa tuyềnh toàng thay đổi lại càng ngao ngán: Cái sạp hàng đầy những vải vóc, quần áo, khăn mũ… biến đi đâu? Thay vào đấy là mấy cái ghế chỏng chơ, cái chõng tre lổng chổng mấy đĩa xôi với món đồ ăn, mấy thứ bánh trái, mấy lọ kẹo bột, kẹo lạc, kẹo vừng, mấy cái bát sấp ngửa với nồi nước chè xanh ủ ấm!

Ông Tham Phú cũng ngơ ngác lạ lùng.

Thì ra các ông đi được ít ngày, địa phương thực hành nghiêm ngặt chủ trương “bao vây kinh tế địch”. Từng đoàn người gồm cả chính quyền, công an, thuế vụ, dân quân, du kích tới từng hộ kinh doanh kiểm tra các mặt hàng. Đánh địch trên mặt trận kinh tế thiết thực là phong toả không cho tiêu thụ hàng hoá của thực dân đế quốc. Mọi thứ hàng ngoại đều là đồ quốc cấm, bị tịch thu, hẹn lên trụ sở Ủy ban làm biên bản.

Bà không quen tới chỗ công quyền, đành chờ đợi ông về. Nhưng tính bà cả lo và thói quen tần tảo. Vốn liếng bao nhiêu đã bị khuân đi như cá lọt đăng trông gì ngày trở lại. Bà xoay ra bán mấy thứ hàng ăn uống dành cho khách qua đường khát nước đói lòng. Vốn tay nội trợ căn cơ, khéo léo, quán hàng của bà cũng có nhiều khách vào ra, lo được đắp đổi qua ngày tuy nhiên vất vả hơn nhiều.

Hai anh em kéo nhau lên xã. Chầu trực cả buổi, ông Phó Chủ tịch Ủy ban đi họp mới về. Các ông lại được nghe thuyết giảng tràng giang đại hải về thế nào là “kháng chiến trường kỳ, toàn dân toàn diện” và đã vô tình tiếp tay cho giặc là sao? Rồi ông kết luận:         

- Vì là đồng bào tản cư, các ông cũng là cán bộ nên Chính quyền chỉ phạt nhẹ tịch thu hàng hoá thôi. Nếu làm thẳng băng thì xử lý theo như tội nối giáo cho giặc khác nào như Việt gian phản quốc!

Ông Thanh cam chịu, rút lui.

Ông Phú lại muốn làm cho ra lẽ:

- Một là những tang vật tịch thu này để làm gì? Các ông hãy nhìn xem trên người những ai có mặt ở đây: áo, quần, khăn, mũ, cái kính thị, cái bút, đôi dép, đôi giày, hoặc khi đau ốm cần dùng tới thuốc liệu có dính dáng tí gì tới hàng của đế quốc hay không?  Hai là ta phong tỏa những gì địch nó cần mà không làm ra được như lương thực và thực phẩm. Còn những hàng hóa nông thôn ta không sản xuất ra được thì ta phải phá thế phong toả của địch để dân có cái mà dùng. “Bế quan tỏa cảng” chỉ thiệt mình thôi! Nếu cần ta tích cực thu thuế để có tiền góp vào ngân quĩ kháng chiến. Ba là Chính phủ hô hào thực hiện “vườn không nhà trống”. Đồng bào thành phố tản cư về nông thôn lâu dài họ làm gì sống? Buôn bán là cách trước mắt họ tự đắp đổi qua ngày. Các ông làm thắt ngặt quá là dồn họ phải quay trở về thành phố!

Vị đại diện Chính quyền trừng mắt lên:

- Chúng tôi có người lãnh đạo chỉ huy. Không cần ai dạy khôn đâu! Chúng tôi quyết đánh và chúng tôi nhất định thắng! Nông dân chúng tôi làm quần quật hai sương một nắng mà vẫn phải ăn đói mặc rách. Các ông các bà ở thành phố nắng không rát mặt, mưa không lấm chân, quen ăn sung mặc sướng, mới xa thành phố ít ngày mà đã kêu rên những là khó khăn gian khổ, ngãng ra. Sao không chịu tăng gia sản xuất mà vẫn quen thói làm ít ăn nhiều, một vốn bốn lời mát mày mát mặt…

Ông Tham chạm tự ái không kiềm chế được nữa, đứng bật dậy chỉ vào vị quan chức nọ:

- Các anh tưởng những ai ở thành phố là ăn không ngồi rồi cả sao? Chúng tôi cũng phải rát cổ bỏng họng, ngồi chai đít, lồi con mắt ra, đau đầu nhức óc mới có cái mà ăn mà mặc chứ đâu có thì giờ đi hội họp suốt ngày đêm. Đừng tưởng chỉ có các anh mới là người yêu nước thôi đâu!

Cả hai ông đều không giữ được bình tĩnh nữa. Nhưng là người có quyền thì phải giữ thế và bao giờ cũng có quân quả hỗ trợ cho mình. Ông Phó Chủ tịch đập bàn, thét gọi du kích bắt trói tống giam kẻ dám đối chọi Chính quyền. Ông Thanh phải vội vã chạy đi tìm ông Chủ tịch và hết sức nhã nhặn, khôn khéo, trình đủ mọi thứ giấy tờ của hai người ra mới được vị đương chức để cho yên.

Trên đường về ông Tham Phú còn hậm hực. Ông Thanh an ủi người anh:

- Đã định dấn thân thì phải chấp nhận thôi anh ạ!

- Sợ nhất là kẻ cầm quyền nhân danh công lý, luôn cho rằng lẽ phải thuộc về mình. Những hôn quân bạo chúa thời xưa và quân phiệt phát xít thời nay đều từ đấy mà ra cả!

Cái nỗi đau mất mẹ vẫn luôn dằn vặt dằy vò lại thêm tình thế gia cảnh hiện nay buộc ông Thanh phải có một quyết đoán dứt khoát chứ không thể lưỡng lự nước đôi được nữa. Ông đang đứng giữa một con đường: Bước đi tiếp hay quay trở lại?

Con đường đang đi, ông không thấy có gì ân hận. Đó là con đường chính đại quang minh. Suy ra ông cũng là lớp người may gặp thời thế cho mình được đứng thẳng lên. Trước đấy, bao nhiêu người tài ba tâm huyết nhưng thời vận chưa đến nên đành phải ngậm ngùi nuốt hận hoặc gửi nắm xương tàn ở những nơi vô định. Cớ sao bây giờ mình lại tự khòm lưng quay về chuồng cũ? Người ta sinh ra cần phải sống. Nhưng sống để làm NGƯỜI. Con người ấy phải được sung sướng, ấm no, tự do, bình đẳng và hạnh phúc. Đành rằng trên con đường ấy còn nhiều gai góc và khúc khuỷu nhưng người xưa đã chẳng nói rồi sao: Người ta cứ đi thì thành đường thôi. Người đi càng đông con đường càng bằng phẳng và rộng rãi ra!

Nhưng cuộc sống của ông bây giờ liên quan thiết thực tới sự tồn tại của mấy mạng người mà ông thương yêu nhất. Ông thèm được như ông Tham lúc này quá. Nhẹ thênh thênh. Cuộc kháng chiến sẽ là bao lâu? Gia đình sinh sống làm sao. Các con ông đang ở tuổi cần sự học.             

Ông cũng đã nghĩ đến phương sách để bà đem các con trở về nhưng chưa dám nói ra vì từ ngày lấy nhau cả chục năm trời, vợ chồng con cái lúc nào cũng quấn quýt, mỗi người đã là một phần cuộc sống của nhau. Chưa chắc bà đã chịu đâu. Vả như bà chấp nhận thì một bà nách ba đứa con xoay sở làm sao? Nuôi con ăn! Nuôi con học! Lại làm sao cho con thành người! Ông dồn lên vai bà cái gánh nặng quá! Trong lòng ông nhoi nhói nỗi niềm thương vợ.           

Ông Tham như người bạn chân thành chia sẻ những lo toan và giúp bạn vượt qua những điều trăn trở:

- Toa chấp nhận sự dấn thân. Được thôi! Đó là lẽ sống! Hãy để cho người khác tự chọn lẽ sống của họ ngay cả với vợ con mình. Mình muốn bình đẳng tự do tại sao lại muốn người khác cũng làm theo ý của mình? Đã lựa chọn chỉ được một thôi, làm sao còn băn khoăn bối rối?!    

Bà Phán là người giầu tình cảm nhưng không yếu đuối:

- Sông có khúc, người có lúc! Tôi với mình vừa qua một khúc sông bình lặng êm đềm. Bây giờ đến khúc thác gềnh nước xoáy. Phải tùy cơ định liệu. Mình một con đò. Tôi một con đò. Kẻ ngược người xuôi nhưng cùng hẹn nhau nơi bến cuối. Trách nhiệm của tôi với các con dầu nặng nhưng so với trách nhiệm của người đàn ông nơi chiến trận thì có thấm vào đâu! Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi! Tôi rất thương mình và sẽ làm tròn bổn phận của người mẹ và thay cả đấng phụ thân dậy con đèn sách nữa. Việc mình làm bây giờ như là điều nhân để quả cho các con. Bằng như nếu tôi với mình không được gặp nhau nữa thì còn các con, chúng nó sẽ ghi tâm khắc cốt tấm lòng của cha mẹ tận tình với chúng. Cầu xin Bề trên ban sự bằng an cho tín hữu và cho gia đình mình!

Ông Thanh càng cảm phục và thêm nặng lòng với vợ.

Ông Tham Phú như người anh lo toan chu đáo cho các em :

- Trở về thành, thím hãy lên nhà tôi ở phố Hàng Bè mà ở, chỉ cần sửa sang chút ít thôi. Cửa hàng ở phố Hàng Đào thím cứ dùng thương hiệu của nhà tôi mà buôn bán. Mọi chuyện về sau anh em mình tính tiếp.

Ông Thanh tạm yên tâm, dặn thêm vợ mấy điều: Trước hết là hỏi tìm mộ mẹ, được ngày được tháng thì cải táng mẹ về yên nghỉ bên cha cho vong hồn bà toại nguyện. Dò tìm các cháu chắp nối lại cho các con cháu giữ mối thân tộc lâu dài. Và ông nhắc khéo vợ nhớ rằng mình là con gái đã xuất gia, giữ cho đừng có điều tiếng gì ảnh hưởng đến danh giá nhà chồng.        

- Khi bước chân ra khỏi cửa về tới nhà chồng là tôi hiểu được mình đã là con người ta rồi. Mọi chuyện tôi phải lo đắp đổi bù trì giữ gìn cho ngôi nhà mới ấy. Ngay cả niềm tin với Đấng bề trên tôi cũng san sẻ với mình. Danh giá nhà chồng là danh giá của chồng tôi, cũng là của tôi rồi.

Ông không nói gì được nữa.

Việc đã quyết rồi đấy nhưng ngày nào chia tay thì cứ lần lữa lưu luyến mãi.

Trong khi ấy dư luận xầm xì: Đại quân Pháp huy động tổng lực Hải-Lục-Không quân vây ép toàn bộ chiến khu Việt Bắc. Quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn, đánh chiếm toàn bộ khu trọng điểm Bắc Cạn – Chợ Đồn – Chợ Mới, bắt gọn toàn bộ Chính phủ Việt minh kháng chiến!

Mọi người lo lắng, hoang mang và chờ đợi.

Trong chiến tranh, sự thắng bại của cả hai bên chỉ những người trong cuộc mới minh chứng được.

Mục tiêu của Kế hoạch Léa là bắt gọn cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến. Chiến tích lớn nhất của nó là ngày 07 tháng 10, trong một cuộc đột kích chớp nhoáng theo chỉ điểm vào một cơ quan trung ương đóng ở Chợ Đồn, quân viễn chinh bắt được một số người trong đó có một ông già tuổi chạc lục tuần, dáng người gày dong dỏng, trán cao, thái độ đĩnh đạc, nói giỏi tiếng Pháp, cứng cỏi phản đối cuộc chiến tranh tái xâm lược Việt Nam và kêu gọi đàm phán hòa bình. Viên sỹ quan chỉ huy tưởng đã bắt được lãnh tụ Hồ Chí Minh, không ngờ đó là cụ Nguyễn Văn Tố – học giả hàng đầu của Viện Viễn đông bác cổ, vị Hội trưởng đức độ đầy uy tín của Hội Truyền bá quốc ngữ, vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên, đương nhiệm chức Quốc vụ khanh Bộ trưởng Cứu tế xã hội trong chính phủ kháng chiến. Biết bị mừng hụt, chúng vừa dụ dỗ vừa cưỡng ép ông già học thức khảng khái này về thành hợp tác với quân xâm lược, lại bị cự tuyệt quyết liệt, chúng thẳng tay sát hại! Kế hoạch đánh dập đầu não kháng chiến chẳng những không thành lại bị tổn thất nhiều cả về Hải-Lục-Không quân. Ngày 19 tháng 12, Bộ Tư lệnh quân viễn chinh Pháp hạ lệnh rời  quân khỏi vùng rừng núi, chỉ để lại một bộ phận án ngữ trên tuyến đường biên giới Cao-Bắc-Lạng và vớt vát bằng Kế hoạch Ceinture càn quét vùng trung du: Tuyên Quang-Thái Nguyên-Phú Thọ-Bắc Giang trên đường rút về đồng bằng. Thế nhưng đầu đã không xuôi thì đuôi sao lọt? Kết cục là quân Pháp chỉ quấy rối phá phách được một số bản làng và kho tàng căn cứ của đối phương để đổi lấy thảm bại: hàng chục máy bay bị bắn  rơi mất xác trong vùng rừng sâu núi thẳm, hàng chục tầu chiến bị nhận chìm dưới lòng thượng nguồn sông Lô và sông Gâm, hàng trăm xe quân sự bị thiêu rụi trên các nẻo đường thượng du và trung du hiểm trở và bỗng nhiên lại cung cấp cho đối phương thêm nhiều vũ khí các loại mà họ đang cần.

Mục tiêu đánh nhanh thắng nhanh không đạt!

Không ai ngờ rằng mới chỉ một năm thôi, từ tay không mà lực lượng vũ trang kháng chiến có thể đương đầu với một đội quân nhà nghề chẳng những đông hơn rất nhiều lại được trang bị hùng hậu hơn mình gấp bao nhiêu lần như thế. Những ngày đầu kháng chiến, nhiều người dù thiết tha với độc lập tự do của Tổ quốc nhưng lượng sức mình đọ với giặc không kham! Trông vào đâu để có được phép thần? Họ đành ngậm ngùi bỏ cuộc hoặc như đi bên lề cuộc chiến. Bây giờ người ta hả hê khích lệ nhau: Nó không dễ gì nuốt chửng mình đâu!

Nghĩa từ một đơn vị chiến đấu vừa ngưng tay súng, anh trở về vùng rừng núi Tuyên Quang thăm Hương Giang đang nằm trị bệnh. Đây là một bệnh viện thực tập của Trường Đại học Y khoa kháng chiến.

Tình cờ không hẹn mà nên. Nghĩa gặp Bác sỹ Viện trưởng Bửu Quốc và anh sinh viên Đức Phúc đang kết thúc năm cuối của chương trình Đại học. Mọi người đều vui vẻ và phấn chấn. Không ai nhắc tới những trận sốt rét mà chính người thầy thuốc cũng không tránh được nhưng khi vừa dứt cơn họ lại đến từng giường bệnh chăm sóc chữa trị cho người bệnh, những bữa ăn kham khổ cùng chia sẻ cho nhau. Họ náo nức kể về những chiến công của đội quân non trẻ và thiếu thốn đủ đường mà dám quyết chiến và quyết thắng một đội quân dầy dạn từng một thời là niềm kiêu hãnh đã làm mưa làm gió trên khắp Châu Âu với những chiến công gắn liền với tên tuổi của các danh tướng lẫy lừng. Một giọng ai đó yếu ớt run run mà vẫn cố kéo dài ra lời hát:  “Sông Lô… sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u / Thu du bên sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu / Sông Lô… sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang / Ai qua bên nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa…” lây sang mọi người niềm vui phơi phới.  

Bác sỹ Bửu Quốc còn xúc động:

- Gia đình nhiều lần nhắn gọi tôi trở về thành và nếu muốn tôi có thể qua Paris mà không có một sự trở ngại nào. Trong những ngày giặc càn quét Khu căn cứ, chúng tôi cùng với anh em thương bệnh binh cứ quanh quẩn lánh né nó thôi. Có khi ta với địch chỉ cách nhau vài trăm mét. Tôi nghe rõ nó bắc loa kêu gọi đích danh mình và nhiều đồng nghiệp hãy rời khỏi nơi ẩn nấp sẽ được tiếp đón trọng thị và đưa về thành, có ngay những ghế vị danh giá đang chờ. Nó mềm mà mình không nghe thì nó rắn. Súng liên thanh nó bắn vãi đạn tứ tung, tưởng như sẽ có viên đạn găm trúng mình. Nhưng chúng tôi không nao núng. Nếu cần thì sẵn sàng đón nhận cái chết của ngưới chiến sỹ đấu tranh cho Độc lập - Tự do - Bình đẳng - Bác ái, chứ nhất định không chịu làm thân nô lệ một lần nữa. Như người đồng nghiệp Nguyễn Văn Luyện của tôi lúc nào, ở đâu cũng một lòng hướng về Tổ quốc. Dù đã là vị đại biểu Quốc hội nhưng ngay trong đêm đầu nổ súng kháng chiến, cả ba cha con ông quyết không rời Thủ đô, cùng với các chiến sỹ tự vệ thành chiến đấu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”!

Ông trầm ngâm như một triết nhân:

- Anh bạn nhà văn Thiếu Sơn của tôi hiện đang ở bưng biền Nam Bộ nói rất đúng: “Bọn xâm lăng không nhằm cá nhân tôi mà xúc phạm. Chúng đã xúc phạm tới cả một dân tộc và dân tộc Việt Nam đã trả lời đích đáng cho sự vô lễ của họ! Tôi thấy tôi không thể tách rời khỏi dân tộc mà có được sự kính nể của ngoại bang”. Vợ tôi đã mang con về Pháp. Cô ấy để lại những lời đau khổ trong thư: “Ở đây hiện em không có chỗ đứng. Với người Việt Nam thì em là người Pháp! Với người Pháp thì em là người Việt Nam vì có liên hệ với Việt minh như bao nhiêu người Việt Nam sống quanh em! Em cần tình thương nên không thể sống giữa sự kỳ thị được mặc dù em vẫn yêu anh và chia sẻ với anh. Em mang con về Tổ quốc của em để cho chúng hiểu thế nào là  văn minh Pháp và cũng là dịp để em nói với những người đồng chủng của em hiểu là vì sao người Việt Nam đứng lên chống Pháp. Chưa biết ngày nào gia đình mình xum họp nhưng anh, em và các con lòng vẫn bên lòng dù phải xa nhau nửa vòng trái đất. Chúa có phép màu ban cho mọi sự bình an và công bằng dưới thế!”. Sẽ đến lúc nhân dân Pháp hiểu ra sự thật. Phép màu làm nên thắng lợi cho cuộc kháng chiến hiện nay là lòng quyết tâm vượt mọi hy sinh gian khổ vì mục tiêu chính nghĩa của chúng ta.

Ở phương Tây người ta hay nói tới lòng bác ái. Ở phương Đông người ta nói từ bi quảng độ. Tôi yêu thương con người nên tôi chọn nghề y là một nghề nhân ái. Tôi đã cứu nhiều người thoát chết. Nhưng ai cứu tôi khỏi thân phận của kẻ vong quốc? khỏi nỗi nhục của dân nô lệ? Chúng ta chọn sự yêu thương và nhân ái nhưng họ lại chọn sự hận thù và bạo lực. Bằng cấp của tôi do nước Pháp cấp cho nhưng với người Pháp ở đây tôi chỉ là một tên mũi tẹt da vàng ương ngạnh. Trong huyết quản tôi mang dòng máu Lạc Hồng với cái tên Bửu Quốc chính dòng Nguyễn Phước. Tôi không thể để cha mẹ anh chị em đồng bào gọi tôi là thằng Bửu Quốc quên cả tổ tiên, vong ân bội nghĩa giống nòi! Ông Nguyễn Văn Thinh lại là một bi kịch! Ông ấy thuộc lớp trên tôi nhưng là đồng môn, đồng cảnh với tôi. Tôi tin ông ấy tham chính không phải vì tiền. Vì lầm lạc mà ôm lấy mối ân hận cô đơn để đến nỗi phải chết treo mà bia miệng vẫn còn để lại! Người trí thức bước vào chính trường phải tỉnh táo, đừng bị lung lạc vì một lý do nào để thành kẻ “a dua” (à jour). Trong đời người, có những giây phút quyết định vận mệnh của mình và nếu như cùng giây phút ấy đồng thời quyết định cả vận mệnh của Tổ quốc mình thì người đó thật là hạnh phúc. Tôi thật sung sướng được sống trong giây phút trùng hợp hiếm hoi ấy. Lúc này tôi cảm thấy Tổ quốc vừa gần gũi thân yêu lại vừa thiêng liêng rộng lớn.

Nghe bạn kể về cái chết của em Nghĩa Sỹ. Anh sinh viên Đức Phúc lộ rõ vẻ buồn rầu suy tư :

- Tôi luôn cảm thấy thằng bé sẽ làm một việc gì vượt ngoài trí tưởng tượng của mình. Lúc ấy tôi đang bế tắc. Thực dân, đế quốc tôi cũng ghét. Việt minh Cộng sản tôi cũng không ưa. Phật Thích ca, Chúa Jésus chỉ là những ông Thần ông Thánh ở trên trời tin cũng được, không tin cũng chẳng làm sao. Gia đình tôi đầy đủ. Tôi chẳng phải lo toan gì cho hôm nay và cả cho ngày mai. Tôi muốn sống ở đâu cũng được: nơi đô thành náo nhiệt, nơi đồng quê thanh vắng yên bình thậm chí muốn xuất dương lúc nào cũng dễ. Tôi lao vào các thú vui chơi tiêu khiển mãi rồi cũng chán ngắt. Tôi cảm nghĩ như giữa cái sống và cái chết chẳng khác gì nhau. Trước  làn súng đạn tôi cứ đi bừa giữa hai bên chiến tuyến. Dường như không ai thèm giết tôi! Hay là súng đạn nó khinh tôi? Mọi người khinh tôi! Anh khinh tôi! Thằng bé cũng khinh tôi! Tới lúc tôi chợt nhận ra cái nỗi đau đến tận cùng của một sinh linh bé bỏng. Tôi linh cảm một điều gì và bỗng dưng nghĩ tới con la của vị giáo hoàng Bonitaque xứ Provence. Anh nhớ không? Cùng lúc ấy thức dậy trong tôi một tình yêu thương, một niềm căm hận…

 Anh xúc động chớp chớp đôi hàng mi :

- Cuối cùng thì cú đá của con la ấy bọn Tistée Védel lãnh trọn rồi! Tôi tin rằng ở mãi xứ Pampériguste xa xôi mọi người đều nhìn thấy dấu tích của những tên xâm lược trong đám khói bom lơ lửng trên trời!

Anh vỗ vào bao súng anh bạn Nghĩa đeo bên hông

- Chắc hẳn trong giờ phút cuối thế nào thằng bé cũng nói: « Ceci ganster, à toi…  Accepptez »! (Này thằng côn đồ, của mày đây… Nhận lấy!) – và anh kéo người bạn sát vào mình.

Những người ngồi nghe câu chuyện dù là hư hư thực thực ấy vẫn đồng cảm với người thầy thuốc trẻ. Hương Giang quay qua Nghĩa:

- Anh ấy còn kiêm cả nhà văn nữa đấy!  

Hương Giang cảm nhận được Nghĩa dấu cô một điều gì. Thời binh lửa này, những điều người ta giữ kín không muốn nói cho nhau nghe thường là những chuyện buồn nên cô không dám gặng hỏi người yêu. Nghĩa bảo Hương Giang đưa cho anh cuốn sổ lưu niệm mà thường cô gái học sinh nào cũng có:

- Anh không biết làm thơ nhưng anh chép tặng em một bài với điều kiện anh ra đi rồi em mới được coi.

Chia tay Nghĩa, Hương Giang trao cho anh một chiếc phong bì và dặn:                                           - Chỉ khi nào xa thấy nhớ em thì anh mới được đọc thôi đấy nhé!

Điều linh cảm của Hương Giang là đúng. Nghĩa được điều đi công tác xa, xa lắm. Chưa biết tháng năm nào mới gặp lại nhau.

Anh quyết định trên đường đi ghé về quê nội tìm chú thím.

Một buổi chiều anh đi đò ngang qua bến Trung Hà. Trời cuối năm, sông mênh mông, nước chảy xiết. Gió hun hút lạnh. Hai con đò qua lại sát nhau, bỗng tiếng kêu cứu gần như tuyệt vọng của một giọng nữ thét lên:

- Anh Nghĩa! Cứu… em!  

Cùng lúc một người từ con đò bên nhẩy vội sang đò anh.

Cả hai con đò cùng chòng chành và người ấy rơi tòm xuống nước. Nghĩa không chần chờ, anh chỉ kịp buông tuột chiếc ba lô và nhẩy ào theo.        

Mấy chiếc đò quây lại và phải vất vả lắm người ta mới lôi được cả hai người lạnh cóng gần như chết đuối lên bờ.                                     

Cô gái hai tay bị trói giật ra sau. Anh bộ đội quần áo, súng, giầy… lẵng nhẵng.

Người con gái ấy là Nhài, đang là tù nhân trên đường áp giải đi.

Sau khi mấy người áp giải xem xét giấy tờ của Nghĩa và anh hỏi Nhài phạm tội lỗi gì. Anh nhận:      

- Nó là đứa em con bà dì, lên thành phố sống với gia đình tôi đã nhiều năm.   

Đương nhiên mấy anh đây chỉ là người thừa hành nhiệm vụ. Nghĩa xin được cùng theo em về điểm đến.

Thật là Trời giúp vì anh Trưởng ty công an từng là đồng đội với Nghĩa. Việc anh xin cho em thoát nạn không khó khăn gì.

Hai anh em thêm vui bạn đường đi tìm chú thím.         

Nhài thổn thức kể nỗi đoạn trường: Nó tìm về quê Thái Bình  thì cả làng tứ tán vì nạn đói. Không ai biết cha mẹ anh chị em nó sống chết hoặc phiêu bạt nơi nào. Nó qua Hưng Yên thì những người quen cũng đang ngắc ngoải. Tứ cố vô thân. Người ta khuyên nó quay lên thành phố. Trên đường đi nghe nói chiến tranh đã nổ ra rồi, nó không biết tìm về đâu nữa. Đã lên thành phố mấy năm dù là đi ở nhưng nó cũng không lẫn với những người nhà quê đựơc. Có lần nghe lõm bõm nếu cậu mợ Phán có tản cư thì sẽ về quê nội ở Hà Đông, thế là nó quyết lặn lội đi tìm. Con gái mười tám đôi mươi hơ hớ, vô công rồi nghề, cứ lang thang bến đò, đường này xã nọ, xóm chợ phố đông,  ghé đây tạt đó, dò hỏi lung tung thì sao tránh được người ta không nghi ngờ là gián điệp. Rồi đến lúc nó bị bắt với đầy đủ tang chứng trên người: Ba bốn cái áo mặc đụp mặc kép với các màu trắng, xanh, nâu, đỏ. Đúng là màu cờ “tam tài” của Pháp! Chiếc nón trắng với dây quai xanh, đỏ cũng là mối oan khiên khó giải. Gương lược của người con gái cũng là mối nghi ngờ! Cuộn chỉ thêu đủ màu cũng là tai họa! Các vật dụng vô hồn ấy không thể thanh minh cho chủ của chúng có dùng để làm ám hiệu hoặc công cụ của bọn chỉ điểm tay sai! Người ta lục soát trong người còn lôi ra cái túi nhỏ giấu kỹ càng kín đáo với  mớ tiền Đông Dương thời Pháp thuộc và bài thơ dấm dớ tỏ tình cổ lỗ tân thời lẫn lộn của tên Trần Thanh Nho nào đó đã thành nỗi oan nghiệt mà Nhài không thể nào gỡ ra cho mình cái tội tày đình: Việt gian do thám! Sau mấy tháng tạm giam, bây giờ chắc là họ dẫn đi đến chỗ tận cùng!

Nhài ôm lấy Nghĩa khóc nức nở nhiều lần, coi anh như vị thần hộ mạng. Nhiều đêm ngủ nó còn giật mình thảng thốt thét lên khi nghĩ tới một đoàn năm bẩy người cùng với nó hai tay bị trói giật ra sau lầm lũi ngày đêm mà không biết làm gì để tìm ra người cứu mạng.

Hai anh em gặp được chú và cả bác Tham trong khi đang chuẩn bị cho thím và các em trở về thành phố vào những ngày giáp Tết.

Nhài xin đi theo bà Phán:

- Cháu xin được làm con cậu mợ. Cháu sẽ coi mình như đứa con gái lớn của gia đình.

Lúc chia tay, Nhài nói riêng với anh Nghĩa:

- Nếu anh có gặp anh Nhỏ à quên, anh Nho của em thì đừng kể chuyện em suýt chết vì anh ấy nhé. Anh nhớ nói hộ em là giá như biết chỗ anh ấy ở đâu thì em cũng lặn lội đi tìm. Nhưng bây giờ thì em chỉ biết một lòng chờ cho dù anh ấy thế nào! Anh đừng quên  đấy nhé!

(trang 362)

 

Link http://sachhiem.net/NGVTHINH/NguyenvThinh_PTHf.php

ngày 24-Dec-2016

_________________

• Các bài của Nguyễn Văn Thịnh: link http://sachhiem.net/NGVTHINH/ListNVTh.inc.php

Trang Văn Học