PHÚT THĂNG HOA

- tiểu thuyết -

Nguyễn Văn Thịnh

CHƯƠNG CHÍN

Không phong tỏa được biên giới Việt-Trung, để hậu cứ của Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh liên thông với hệ thống các nước Dân chủ, người Pháp thấy rõ càng trắc trở cho mục tiêu cuộc chiến tranh của họ. Chính trường nước Pháp, phe chủ chiến và phe chủ hoà cãi nhau kịch liệt. Nhưng Đông Dương là lợi là danh, người Pháp không dễ gì để mất! Đó cũng là cố tật của giới thực dân đã gây nên tấn bi kịch cho chính họ và thảm kịch cho người bản xứ.

Nước Pháp xuất ra những tướng tài.

Năm 1950, Tướng Jean De Lattre de Tassigny – người thay mặt Đế quốc Pháp ký vào Hiệp ước đầu hàng của nước Đức Quốc Xã, sang nắm Toàn quyền cả quân sự và dân sự ở Đông Dương. Với uy tín của mình, viên tướng kiêu hãnh này tiến hành chiến tranh tổng lực: vừa tăng cường sức mạnh của quân đội viễn chinh vừa đẩy mạnh cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt của người bản địa bằng cách xây dựng rộng khắp những phòng tuyến boong ke, với một vành đai trắng rộng hàng chục kilômét, ra sức dồn dân vào các khu chiếm đóng để bắt được thật nhiều lính da vàng đổ máu thay cho người da trắng. Giới thực dân hài lòng với những hình mẫu như “đại xã Đồng Quan” ở ngay cửa ngõ phía tây-nam Hà Nội hoặc như “giáo khu tự trị”Bùi Chu – Phát Diệm ở phía nam đồng bằng Bắc bộ chắn ngang đường đi vào Khu IV tự do. Ở những vùng “bình định” ấy trắng xoá những khăn tang, dân tình ai oán thốt lên những lời than thở: Đất này buồn lắm ai ơi / Chẳng có cờ hồng, chẳng có lời ca / Xóm làng đìu hiu xơ xác / Ngày tháng mỏi mòn / Chỉ biết chờ trông…

Để phá thế kìm kẹp ấy, chiến tranh du kích tiếp tục phát triển trên cả nước và ở chiến trường chủ yếu Bắc bộ, chủ lực quân kháng chiến mở các chiến dịch Trần Hưng  Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Lý Thường Kiệt từ giáp ranh Trung bộ tới châu thổ sông Hồng lên miền đồi núi phía tây, tiêu hao nhiều sinh lực và thu hẹp phạm vi chiếm đóng của đối phương. Viên Trung uý trẻ Bernard De Lattre đã bỏ mạng ngay tại chiến trường vì sự ngạo mạn của cha!

Từ thế phòng ngự chuyển qua thế chủ động phản công, tháng 11 năm 1951, De Lattre tập trung phần lớn lực lượng quân cơ động viễn chinh đánh chiếm và xây dựng cứ điểm Hoà Bình. Quân kháng chiến lại có cơ hội kéo địch ra mà đánh. Đến lượt lão tướng De Lattre cũng bị trúng đạn tại chiến trường phải bỏ cuộc, trở về đến quê hương thì toi mạng! Kết cục là binh lính Âu Phi bị tiêu diệt nhiều hơn, hệ thống đồn bót bị bức rút hàng loạt, các vùng giải phóng ở Việt Bắc, Tây Bắc càng vững chắc, các khu du kích được mở rộng khắp miền đồng bằng Bắc bộ thông thương với Trung bộ và Tây Nguyên.

Nước Pháp lúng túng. Danh tướng thay liên tục. Henri Navarre – viên tướng được coi là nhà chiến lược sắc sảo của quân đội Pháp đang giữ chức Tư lệnh lực lượng Trung Âu của khối NATO bị điều vội sang thay tướng Salan.

Ông Thanh vừa đi phục vụ chiến dịch Hoà Bình trở về báo cáo công việc và chờ nhận nhiệm vụ mới.

Một buổi chiều, ông Bí thư Chi bộ cơ quan rủ ông đi dạo chơi. Đường rừng chiều xâm xẫm, thật thanh thản và thư thái. Ông Bí thư được mọi người nể trọng. Ít ai biết rõ về ông vì ông không nói với ai về quá khứ của mình nhưng người ta biết mang máng rằng ông có một quá khứ hoạt động lâu dài và nhiều năm tháng tù đầy mà vẫn giữ được lòng trung kiên với Cách mạng. Đột nhiên ông hỏi:

- Này, mình hỏi thật: Cậu nghĩ thế nào về Đảng Lao động Việt Nam?

Ông Thanh trả lời thật thà:

- Tôi đi công tác xuống các địa phương và cơ sở. Ngay từ khi Đảng chưa công khai, tôi cũng đã nhận ra rằng limh hồn của cuộc kháng chiến này là Đảng cộng sản Việt Nam. Tôi đi theo kháng chiến dĩ nhiên cũng có sẵn tiềm thức yêu nước trong lòng nhưng cũng nhờ có sự hoạt động hăng hái của những người cộng sản đã cảm hóa tôi.

- Chúng mình cũng đã biết hoàn cảnh gia đình của cậu. Trong mấy năm công tác cậu làm việc tận tâm tận lực, cần cù chịu khó, hòa đồng với mọi người nên những công việc được giao cậu hoàn thành khá tốt.

- Những lúc xuống công tác dưới cơ sở, ban đầu anh em họ tin mình lắm, việc gì cũng đem ra bàn bạc. Nhưng khi biết mình không phải là đảng viên thì họ lại ngại ngùng thậm chí có người còn coi thường không tin mình nữa. Nhiều lúc cũng thấy khó chịu. Ta vẫn nói kháng chiến là sự nghiệp của toàn dân mà khi cùng bắt tay nhau làm việc lại cứ nửa tin nửa ngờ thì dần dần người ta cũng xa mình!

- Đương nhiên trình độ đảng viên của mình còn nhiều chuyện phải bàn. Lòng yêu nước thì tuyệt đại đa số nhân dân mình bất luận là quan hay dân, giàu hay nghèo, ai cũng ghét quân xâm lược vì đã thấm nỗi nhục mất nước truyền đời truyền kiếp rồi, chỉ khác nhau ở chỗ bộc lộ ra như thế nào thôi. Bây giờ khi đã cầm súng đấu tranh một mất một còn lại rất cần đến lòng trung thành và dũng cảm mà sự gan dạ và kiên tâm thì cũng tuỳ cảnh, tuỳ người. Dù sao thì sự thiếu hiểu biết sẽ ngày càng tai hại. Cậu có khúc mắc gì với Đảng hay không?

- Thật ra chủ thuyết Cộng sản đã có hàng trăm năm rồi. Vua quan, Tư bản, Nhà thờ săn đuổi và chống đối nó kịch liệt. Cuộc thế chiến vừa qua lúc đầu tưởng là sự tranh mồi xâu xé lẫn nhau giữa các cường quốc nhưng cuối cùng thì nó lại quay đầu súng ngọn giáo sang diệt trừ Cộng sản. Tôi thấy cuộc chiến tranh ở Việt Nam mình cũng đang bị hút vào vòng xoáy ấy.

- Thế cậu đứng vào phe nào?

- Bây giờ không có sự lựa chọn nữa rồi. Tất cả dồn cho sự thắng lợi của cuộc kháng chiến này. Mình đã tự nguyện dấn thân thì không thể giữa đường bỏ cuộc! Độc lập chủ quyền trước đã rồi mới nói đến hạnh phúc tự do. Bây giờ mọi người đều bình đẳng chống ngọại xâm – Đó là sự thử thách lương tâm, là thước đo lòng yêu nước của công dân!

- Mình thông cảm với những người trí thức, lúc này họ giằng xé lắm đây. Hoàn cảnh đất nước mình thật là đặc biệt, không cho phép người ta ngồi tính toán chần chờ. Phải đứng hẳn về một phía là con đường ngắn nhất để đi đến mục tiêu của mình. Lịch sử của một dân tộc không chỉ là năm năm, mười năm đâu nhưng trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy mình phải có sự quyết đoán vì đại nghiệp. Các thế hệ sau sẽ điều chỉnh bước đi của họ.

Hai người nắm chặt tay nhau.

Ông bí thư dặn:

- Đợt này cậu tạm ở nhà, sắp tới theo học lớp đối tượng Đảng.

Trong buổi lễ kết nạp Đảng, ông Thanh trang nghiêm nói lời tâm huyết :       

- Gia đình tôi không giầu nhưng cũng không đến nỗi khốn khổ vì miếng cơm manh áo, song tôi vẫn thấy dấm dứt trong cảnh là người dân vong quốc. Tôi biết Đảng vì sự tình cờ và tôi theo Đảng vì lòng yêu nước. Việc làm của những người Cộng sản cuốn hút tôi vào sự nghiệp chung của dân của nước. Đây là cơ hội để những người lương thiện được sống cho mình và sống cho người trong danh dự, công bằng và bác ái. Trong công tác, tôi có điều kiện hoà nhập với đời sống của người bình dân, tôi càng thấy gắn bó với họ. Sự nghiệp giải phóng dân tộc là của toàn dân nhưng trong đấu tranh những người Cộng sản luôn đi hàng đầu. Được đứng trong hàng ngũ ấy là một vinh dự, tôi tự nguyện từ bỏ những tham vọng cá nhân ích kỷ, nguyện một lòng trung thành với tổ quốc Việt Nam, với Đảng tiền phong yêu nước, tích cực rèn luyện mình thành người lao động hữu ích phấn đấu không ngừng cho hạnh phúc của nhân dân!

Ông Bí thư chi bộ căn dặn:            

- Sự nghiệp kháng chiến đang có những thắng lợi lớn đồng thời cũng có những chuyển biến lớn về tư tưởng. Mục tiêu giành độc lập cho Tổ quốc và giải phóng khỏi ách nô lệ cho đồng bào mới chỉ là bước khởi đầu. Hồ Chủ Tịch đã nói : “Có độc lập tự do mà không có ấm no hạnh phúc thì đấu tranh để làm gì?”. Vì mục tiêu ấy mới có Đại hội lần thứ hai của Đảng mùa xuân năm 1951. Sau năm năm rút vào hoạt động hậu trường, Đảng ta lại chính thức hoạt động công khai, trực tiếp lãnh đạo nhân dân ta vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Con đường đi lên còn dài và nhiều trắc trở nhưng nếu mỗi chúng ta từ cán bộ lãnh đạo cho đến từng đảng viên luôn hướng về quần chúng, lấy mục tiêu độc lập thống nhất của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân làm trọng thì chúng ta đều có thể phấn đấu vượt qua. Đảng ta ngày một đông đảo để gánh vác công việc ngày một lớn lao và khó khăn hơn. Chi bộ ta thêm người thêm sức. Mong đồng chí Thanh hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.

Ông Trịnh Huy là người phụ trách cấp cao của ngành và cũng là đại diện của Đảng cấp trên chia sẻ tình cảm với mọi người:

- Tôi rất xúc động thấy Đảng ta phát triển như ngày nay. Khi chúng tôi bước vào con đường đấu tranh thì chưa có Đảng. Chúng tôi không chấp nhận cái trật tự phi lý của xã hội đương thời mà một số người có tâm huyết hăng hái tập hợp nhau lại tìm đường tranh đấu. Trên con đường ấy chúng tôi có vấp ngã thậm chí có người lạc hướng rẽ ngang. Chúng tôi đến với chủ nghĩa Cộng sản khởi đầu chỉ vì Quốc tế Ba tuyên bố ủng hộ những người bị áp bức bóc lột trong đó có các dân tộc thuộc địa. Coi như mình có được đồng minh lớn! Dần dà chúng tôi hiểu ra rằng dù có giải phóng dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa thực dân thì những người lao động vẫn còn phải sống trong tối tăm nghèo đói chứ chưa nói gì đến tự do, bình đẳng bởi những kẻ bóc lột cũng chính là những người quanh họ. Vẫn là xã hội bất công! Muốn tự do, bình đẳng và hạnh phúc thì phải xoá bỏ bóc lột dưới mọi hình thức. Đó là xã hội mà chúng ta hướng tới. Chúng tôi tán thành chủ nghĩa Cộng sản với cả lòng ngưỡng vọng! Đó là sự gặp gỡ trên con đường đi tìm chân lý không khác gì là sự đi tìm phương cách cứu khổ cứu nạn cho đồng bào mình. Chúng ta không mơ tưởng hão huyền. Ở nước Nga xa xôi, một nhà nước xô viết của những người lao động đã hình thành, đang phát huy tác dụng và ảnh hưởng. Nó đã cứu loài người khỏi thảm họa phát xít và nhân cơ hội ấy chúng ta đã giành được chính quyền. Nó đã phát triển thành một hệ thống các nước dân chủ mà ở đấy những người lao động thật sự làm chủ vận mệnh của mình, xoá bỏ bóc lột bất công, xây dựng cuộc sống bình đẳng, tự do, ấm no, hạnh phúc. Nó đã là một thực thể đầy sức sống khiến những thế lực thực dân đế quốc phải hoảng sợ và liên kết với nhau điên cuồng chống lại. Bây giờ chúng ta đang đi những bước khởi đầu. Có độc lập dân tộc rồi mới nói tới sự giải phóng cho những người lao động và tự do hạnh phúc của nhân dân. Con đường chúng ta đi còn dài và lắm chông gai. Không ít người đồng hành cùng ta vì mục tiêu quốc gia độc lập, dân tộc tự quyết nhưng không chấp nhận xóa bỏ bóc lột có nghĩa là vẫn tồn tại xã hội bất công dưới hình thức mới. Việc làm của họ hiện nay tuy có xuất phát từ lòng yêu nước nhưng suy cho cùng vẫn là hẹp hòi, ích kỷ. Xoá bỏ cái tôi đi không đơn giản chút nào, nhiều khi đau đớn lắm. Mỗi người khi đứng vào hàng ngũ của Đảng cộng sản sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách và quyết chí vượt qua. Những người thực tâm chấp nhận sự dấn thân vì nghĩa cả vốn sẵn lòng vị tha. Chỉ một bước nhẩy quyết định họ sẽ vượt qua rào cản. Đồng chí Thanh tôi biết, vốn là người nhân hậu khiêm nhường và không đeo nặng cái ba lô giai cấp nên đồng chí ấy có được bước nhẩy nhẹ nhàng.

Bà Thanh lên khu du kích tìm chồng.

Bà xót ruột nhìn ông đen, gầy và già đi nhiều quá.

Xa nhau năm sáu năm trời rồi, đằng đẵng.

- Cậu nó có ốm đau bệnh tật gì không mà sọm người đi thế?!

- May là mình ít ở rừng sâu nên ma sốt rét lâu lâu mới đến hỏi thăm sơ sơ thôi. Tôi trông vậy mà khoẻ ra trò đấy…

Ông cười… Bà liếc nhìn chồng rồi quay mặt đi.   

Việc làm ăn của bà suôn sẻ. Bà thuộc lớp người hồi cư sớm, lại sẵn cửa hàng cửa hiệu ở nơi trung tâm, quen mối lái, quen nghề nên việc buôn bán thuận buồm xuôi gió:         

- Ngoài chỗ cửa hàng của chị Tham, tôi sang thêm một sạp hàng ở chợ Đồng Xuân nữa.  

Ông gạt phắt đi ngay:          

- Ôi dào… Làm gì nhiều thêm cực! Đủ ăn đủ mặc là được rồi. Đừng có ham giàu mà thêm tội.

Bà thở dài nhìn chồng:

- Là tôi phải chuẩn bị trước đi. Lỡ khi anh chị Tham cần đến mình khỏi phải lệ thuộc vào người ta. Với lại chả lẽ loạn lạc mãi sao để ai ai cứ sống tạm bợ qua ngày mãi thế này thì còn gì để mà thiết tha nữa chứ? Sạp hàng tôi để cho con Nhài nó coi. Con bé được lắm. Nó đã coi mình như cha mẹ thì mình phải gây dựng cho nó chứ. Với lại biết thế nào gọi là đủ ăn đủ mặc? Con cái ngày một lớn, học ngày một cao lên, gia đình nội ngoại trăm thứ việc. Những việc gì ông căn dặn tôi đều làm đâu vào đấy cho mát mặt chồng. Đâu có đơn giản như các ông sống ở trong rừng.   

- Những ngày giỗ ông bà, thầy u tôi vẫn nhớ. Nhưng để trong tâm. Đấng tiền nhân nào không thương con cháu.  

- Sao ông bây giờ giản dị thế? Mà hình như các ông ai cũng ghét giàu? Cách mạng thù người giàu? Ông có nhớ hồi mới nổi lên, bao nhiêu nhà giàu ở Hà Nội họ đóng góp những gì không? Ngày mới chạy tản cư, bao nhiêu cơ quan đoàn thể cứ chọn nhà giàu vào đóng vẫn được người ta chu cấp đỡ đần.   

Ông Thanh lảng sang chuyện khác. Bà buồn bã lắc đầu:

- Tôi phải lần dò tìm bằng được gặp mình vì mấy chuyện cần lắm đây: Thứ nhất là chị Tham ở bên kia ốm nặng lắm. Chị ấy mong gặp chồng. Có thư của chị ấy nhờ mình chuyển đây. Tôi muốn gặp anh Tham nhưng nếu không gặp được thì mình phải tìm gặp anh ấy ngay đi, đừng để người ta ôm hận lúc sinh ly tử biệt. Với anh chị ấy vừa là tình nghĩa vừa là ân huệ. Ơn trả nghĩa đền, mình phải làm cho bằng được. Thứ hai là việc trong nhà…

Bà lưỡng lự suy tính điều gì:

- Từ khi chị Cả đem con ở nhà quê ra thì thằng Chu lên ở với các con nhà mình. Năm nay đang học Tú tài hai nhưng giữa giờ học thì cảnh sát tới vây trường bắt lính. Nó nhẩy qua cửa sổ mà không trốn thoát. Nó nhắn tôi phải tìm cậu để cho nó đi theo…

Bà ngừng lại hồi lâu rồi thở dài như điều bà không muốn nói nhưng phải đành lòng nói ra với chồng:

- Chuyện này tôi phân vân mãi vì là chuyện bên nhà mình, nói ra sợ cậu nó buồn, nhỡ người ta biết lại nghĩ tôi là dâu mà sinh chuyện… Là chuyện của chị Gái ấy… Mới sinh đứa bé rồi! 

- Nó sinh con với ai? –  Ông Thanh giật mình hỏi vợ.

- Kể ra thì cũng tội! Gặp thời buổi chẳng ra sao. Cái chuyện từ ngày đầu chạy loạn thành ra cô cháu không nhìn mặt nhau. Cô Út xấu hổ vì chồng nên từ bỏ hắn rồi. Nhưng ăn ở với người ta một bầy con, nó chẳng từ mình thì thôi chứ mình từ mà nó không chịu thì người đàn bà cũng chẳng làm gì được. Thế là nó cứ đi về nhởn nhơ trêu ngươi như thế. Nó vẫn làm thơ, không Qúy Hoa nữa thì nó Qúy Kim! Vợ chồng như ông chẳng bà chuộc mà vẫn sinh con. Chị em con cháu mỗi người một nơi. Ai cũng rối beng vào công việc. Trai gái gần nhau như lửa gần rơm. Con gái lớn rồi phải biết tự lo thân. Mãi đến lúc cô Út nói ra thì mọi chuyện đã rồi. Tôi cũng phải tảng lờ đi. Chứ tôi có quyền gì? Trong xóm ngoài làng xì xào bàn tán rát mặt lắm! Rồi người tò mò, kẻ ác ý rình rập lúc nào đâu có ai hay. Khi con bé mới sinh thằng cu được mấy ngày thì lính nó ập đến nhà lùng sục và moi ra được một ông Việt minh ở dưới hầm bí mật… Là anh Bình chứ ai! Khốn khổ con bé. Chồng thì bị bắt bớ tra tấn tù đầy trong khi vợ thì ẵm đứa con đỏ hon hỏn trên tay. Người ta đồn là người chồng cô Út nó thù đi báo. Thế là trong nhà mình nồi da xáo thịt! Tôi cũng không dám ra mặt giúp đỡ. Thỉnh thoảng chỉ len lén gửi cho chị ấy ít tiền thôi. Hai mẹ con ra ở riêng rồi, nhà ngay đầu ngõ. Chuyện trong nhà tôi nẫu ruột lắm. Nay mai con mình lớn lên, cái ăn cái mặc của nó tôi lo được nhưng làm sao cho nó nên người thì lòng tôi nhiều khi cứ rối lên như canh hẹ…

Bà nói thế chứ lòng ông cũng rối tung lên.

Chợt nhớ ra điều gì hệ trọng, bà xích lại gần chồng:

- Này… cậu nó còn nhớ ông phó cạo không?

Giọng bà trầm xuống vẻ xúc cảm lắm:

- Khi tôi về thì đã thấy bà vợ đem hai đứa con nhỏ về trước mình rồi. Ông ấy hỏi han vồn vã lắm và vẫn đi hớt tóc rạo quanh các phố phường cửa ô mình đó. Chắc là có chỉ điểm thế nào mà một hôm bọn lính tây bắt ông ấy ở gần nhà Bác Cổ. Quả tang trong thùng đồ nghề có lựu đạn với bản đồ. Chúng nó đánh chết ngay tại chỗ rồi giòng dây cột vào xe dzeep kéo lê dọc bờ đê xuống bến Phà Đen rồi vứt xác ở mãi dưới bót Vĩnh Tuy!                 

Giọng bà nghẹn lại. Cả hai ông bà không cầm được những dòng lệ chảy.

Bà chỉ ở với ông được hai ngày thôi, vắng nhà lâu bất tiện nhiều chuyện lắm.

Chuyện của bác Tham Phú ông có thể làm được nhưng phải về báo cáo cơ quan.         

Chuyện nhà ông chẳng giúp gì được cho bà.

Thằng Chu bị bắt lính là sự đã rồi. Có muốn bắt mối cho nó tìm đến với ông cũng khó. Với lại đi vào cuộc trường chinh này là sự tự nguyện dấn thân chứ đâu có phải là chuyện rủ rê kéo nhau tìm chỗ an thân. Các cơ quan hậu phương đang tích cực giản chính, người trẻ khoẻ bổ xung vào lực lượng vũ trang, người già yếu thì động viên họ đi tăng gia sản xuất. Trai trẻ bây giờ phải xông pha chiến trận. Lỡ như nó làm sao thì ông ân hận với vong hồn chị. Nhưng để vậy đương nhiên là nó cầm súng chống lại những người ruột thịt và đồng bào mình rồi, lỡ có chuyện gì còn mang tai mang tiếng nữa mà ông vẫn phải chịu trách nhiệm vì là người đỡ đầu cho nó.

Còn chuyện con cháu gái đã lỡ thế rồi. Nghĩ tình thì thương nhưng nghĩ đến cái lệ làng phép nước xưa nay thì cũng chẳng đẹp đẽ gì. Con gái không chồng mà chửa trong dòng họ ông chưa thấy có ai, cũng là dịp để cho người ta bia miệng. Nhưng mấy năm nay ông gặp những cảnh trớ trêu ấy thiếu gì. Ông bảo vợ:

- Người ta hay dở nhiều khi cũng do thời thế. Suy cho cùng nó cũng ở vào nghịch cảnh. Tưởng là gặp loại trăng hoa nào chứ thằng Bình là người tử tế. Ai nói sao mặc họ, có rơi vào mới biết. Mình châm chước cho con cháu và thương lấy nó. Chỉ buồn là nội bộ gia đình mình xào xáo… Mà sao chúng nó không nghĩ rằng một giọt máu đào còn hơn ao nước lã?!

Lá thư ngắn ngủi con gái gửi cho cha, ngoài thời gian vợ chồng tâm sự là ông lại giở ra đọc không biết đã bao nhiêu lần. Bà khoe với chồng:        

- Mấy đứa tôi đều nhờ ông ngoại xin cho vào học trường petit lycée. Bây giờ vào đấy không còn khó khăn lắm như thời xưa đâu

Và bà giận dỗi trách ông:

- Giá mà là thư của tôi chắc ông chỉ đọc lướt có một lần!

- Không! Tôi sẽ nhai ngấu nghiến nuốt ngay vào bụng để giữ mãi trong lòng!

- Khiếp! Nghe mấy ông nói đùa mà sợ!

Ngày chia tay bà ít nói lắm. Hình như bà khóc thầm.

- Không hiểu đến bao giờ mình mới lại gặp nhau chứ tôi thấy mệt mỏi quá rồi. Gia đình không có người đàn ông như nhà không nóc!

Ông biết bà muốn nói gì rồi…

Thư con gái ông nó viết:

                 Cậu ơi!

 Mợ không chịu cho con đi thăm  cậu. Con nhớ cậu lắm, cậu ơi!            

Mợ thì tíu tít suốt ngày chỉ buôn với bán, con muốn hỏi gì thì mợ lờ đi, có khi lại gắt toáng lên. Con chẳng biết tìm ai mà hỏi nữa!               

Thằng Nhân Trí và Nhân Tín càng lớn càng bướng, con bảo gì nó cũng không nghe. Con dọa đi mách cậu thì chúng nó thách con: Xì… Dám lên tận rừng xanh núi đỏ không? Có con ma cà rồng nó chỉ hút một phát người trắng bệch ra về đến nhà hết máu là chết đấy! Có đúng không hả cậu? Nếu con mách mợ thì mợ tức lên có khi lại đánh các em. Con lại thương chúng nó nên không mách nữa thành ra chúng nó càng được nước coi thường con!

Con mà biết cậu ở đâu thì nhất định con sẽ đi tìm cậu. Con không sợ gì đâu!                     

Cậu ơi!

Cậu về với các con đi!

Cậu chỉ ở nhà vài ngày thôi rồi lại đi cũng được cho chúng con đỡ nhớ, cậu nhé!

                 Con  yêu cậu nhất trên đời.

                          CẨM NHUNG

Ông đã thuộc lòng và nhớ như in trong đầu vị trí từng câu từng chữ. Bà nói như muốn khóc:            - Tôi không muốn cản trở con đường công danh sự nghiệp của mình đâu. Tôi chỉ lo các con mỗi ngày một lớn, không biết phải dậy bảo chúng nó ra làm sao nữa!  

Ông hiểu ý vợ giận dỗi mà nói vậy thôi chứ công danh sự nghiệp cái nỗi gì. Làm gì suy cho cùng cũng áo ấm cơm no, gia đình êm ấm là phúc lắm rồi nhưng ngặt nỗi mình sinh ra trong lúc vận nước long đong, dân tình điêu linh thống khổ, không biết thì thôi, biết rồi mà ngoảnh mặt làm ngơ thoái thác thì không ra cái thể thống một con người. Bấy nhiêu năm vất vả lận đận, chia sẻ đói no, ấm lạnh, vui buồn với mọi người, ông càng cảm thấy cái sự gắn bó ấy cũng như là máu thịt. Ông không dám nghĩ lớn lao đến chữ “tình nhà nợ nước” nhưng ông thấy lúng túng làm sao giữa những chữ tình. Và nói làm sao để cho vợ hiểu lòng ông:

- Mình ạ! Tôi có lỗi với mình. Mong mình hiểu cho tôi. Tôi rất thương mình, thương các con…

Lúc chia tay, bà cố gắng lắm mới nói được một câu:

- Suốt đời tôi lúc nào cũng chỉ vì chồng!

Rồi bà cắm cúi bước đi không quay đầu lại.

Ông đứng bất động như cây mùa đông nhìn theo bóng vợ cho đến lúc khuất sau lùm tre dưới chân đồi…

Ông Thanh hỏi ý kiến bác giáo:

- Em nghĩ là mình báo tin này thế nào anh Tham cũng quay về thành. Mà không báo thì không được.

- Chú có nghĩ rằng anh ấy sẽ vượt qua được tình cảm riêng tư không?

- Anh ấy không như bác. Anh ấy là người cương trực, quả quyết, thích rạch ròi phải trái. Trước những chuyển biến hiện thời chắc là anh ấy dằn vặt trăn trở lắm. Có thêm nguồn tác động tinh thần là anh ấy có lý do để bỏ dở chừng thôi.

Ông giáo thở dài:                           

- Cũng tiếc thật… Con người ấy trí tuệ và quả đoán lắm. Khi cần cũng có thể làm được như Danton đấy!

- Ông Danton khi lên đoạn đầu đài còn lấy tay bẻ ve áo thấp xuống cho lộ rõ cái cổ ra? Ông Phó Đức Chính nhà mình chẳng kém đâu. Trước máy chém còn  không chịu cho bịt mắt và đòi nằm ngửa để nhìn lưỡi đao rơi xuống cổ!

- Đúng thế đấy! Những người vì sự nghiệp cao cả họ chẳng nề chi. Nhưng đành vậy thôi. Thật ra Cách mạng thành công cũng không phải vì có thêm một người giỏi giang và dù có mất đi một nhân tài cũng không phải vì thế mà thất bại. Nó là xu thế, là qui luật rồi. Những người thức thời đều nhận ra tuy nhiên dấn thân được đến đâu là tùy thuộc ở mỗi người. Nhưng trong tình cảm anh em thì mình tiếc. Chú cứ đi đi. Tùy anh ấy quyết. Đừng ngăn cản. Tôi sẽ đánh điện tín vào trong Khu Bốn nhắn anh ấy ra Ninh Bình, chú đi theo đường Hoà Bình, anh em có thể gặp nhau ở Nho Quan hoặc Lạc Thủy, ở đấy dễ đường vào ra, muốn về hay ở đều thuận cả.

Hai anh em gặp nhau ở Đầm Đa.

Ông Tham gầy đi và tóc bạc nhiều.         

Hai người ghé vào tạm trú tại nhà người quen của ông Tham:

- Anh này là cai đồn điền bất đắc dĩ!       

Chủ nhà đang xoay trần từ vườn sau, rửa vội đôi tay, để nguyên quần cộc vào nhà đón khách:   

- Mình uống chè xanh quen rồi. Sáng sớm làm một tuần thật đậm, bụng cứ lưng lửng đến trưa mới thấy đói, ăn cơm là vừa.

- Ông Ký Sở Finance(Tài chính)  đấy! – Ông Tham giới thiệu.

Ông chủ lững thững rít một hơi thuốc lào, thót ngực lại lộ rõ từng cái xương sườn, phà khói thuốc um nhà, khuơ khuơ cái tay:

- Đồn điền Chi nê này là của sừ Đỗ Đình Thiện đấy!

- Nhà Cát Lợi – Hàng Gai, toa nhớ không? Từng cùng với Vũ Đình Huỳnh làm thư ký riêng và sỹ quan tùy tùng của Hồ Chủ tịch lúc Cụ sang Pháp năm 1946 đấy –  Ông Tham giải thích.

Ông Thanh gật đầu tỏ ý biết rồi. Ông chủ dẫn liền một hơi:                             

- Năm 1942 sừ mua lại của thằng chủ tây về nước những hai ngàn lạng vàng cái đồn điền này dài 13 kilômét, rộng 9 kilômét trồng toàn cà phê. Từ ngày Hà Nội rục rịch, sừ đã đem về đây toàn bộ nhà máy in Taupin tân tiến lắm để in tiền Cụ Hồ. Giữ bí mật lắm mà vẫn lộ. Đầu năm 1947 nó cho hàng chục máy bay tới ném bom bắn phá cả ngày, nhà cửa đổ nát, cây cối gẫy đổ ngổn ngang, súc vật chết hàng bầy, các vật liệu và nhà kho chứa đầy cà phê cháy cả tháng trời vẫn còn âm ỉ khói. Cơ quan máy móc lại chuyển hết lên chiến khu, các sừ cử mình ở lại trông coi. Lúc đầu còn thu hoạch này nọ được chút ít nhưng rồi số gia súc thì cấp cho bộ đội và úy lạo địa phương, chả mấy hồi mà hết. Cây cối thì có sức đâu mà tưới tắm, chăm bón nên thoái hoá dần. Dân tứ xứ mò vào kiếm củi. Mấy sừ gọi mình lên căn cứ nhưng ở đây lâu quen rồi vả lại vào rừng sâu sợ sốt rét lắm. Mình có bàn giao cho địa phương quản lý nhưng thời buổi này ai trông? Dân tản cư đến xin ở rải rác khắp nơi, ai có sức khai phá trồng trọt được gì cứ làm thoả thích. Mình giờ thành anh gác rừng không lương, tự cấp tự túc, lâu lâu có anh nào đi công tác ghé qua vào ngủ nhờ rồi đi –  Ông cười hì hì.

Mải chuyện với người bạn mới mãi rồi hai anh em mới nói được chuyện riêng:

- Tôi linh cảm ông vào đây gặp tôi chắc chỉ có chuyện gia đình?

Ông Thanh moi từ túi áo trong ra phong thư:

- Em không dám để ở ba lô, coi nó như vật bất ly thân.

Ông Tham ngồi tại chỗ mở thư ra đọc. Tay ông run run.

Ông Thanh nhận ra ông anh thân thiết bây giờ không còn cái vẻ sôi nổi ào ào của ông tây An Nam như hồi xưa nữa mà có vẻ đăm chiêu tư lự và đôi mắt thì mệt mỏi. Ông Tham rầu rĩ hỏi:

- Chú đã biết chuyện gì chưa?

- Vợ em định đi tìm gặp bác đấy nên em phải báo cáo cơ quan xin đi vào đây ngay?

- Anh Trịnh Huy có biết chuyện này không?

- Em có nói. Ngay lập tức anh ấy giao cho em công tác kết hợp đi vào Khu IV để gặp anh.

Ông Tham đưa cho chú em xem thư của vợ:

- Toa cứ đọc đi!                    

Lá thư  chưa đầy trang giấy, nét chữ run rẩy như là người viết phải cố gắng nhiều, nghỉ từng khúc một:               

Gửi anh,

 Em yếu lắm…                                

Tim ngày càng to ra, khó thở, muốn đi mà không đứng lên được, phải dùng xe lăn có người đẩy mà cũng chỉ ngồi được một lúc thôi. Mệt lắm!

Đường và mỡ trong máu cứ tăng, không giảm mặc dầu em kiêng cữ rất kỹ theo như lời khuyên của thầy thuốc.                                                           Em mong chóng khỏi bệnh để về với anh và con nhưng chắc là không được rồi anh ạ mặc dù các con và gia đình lo cho em chu đáo lắm.

 Chắc là cái số của em chỉ được vậy thôi!

 Bây giờ em phải nói thật là em muốn được nhìn thấy anh và con gái một lần cuối.

 Em mong nhớ anh và thương con bé quá!

                              Em

                 Nguyễn Nữ ĐẠM TÂM

Ông Thanh xếp phong thư lại cẩn thận đặt lên bàn.

Trong khi ông anh ngồi yên như tượng đá thì ông không biết làm gì để chia sẻ với nỗi ưu phiền, ngoài việc ôm khư khư chiếc điếu cầy và rít liên tục từng hồi phả khói mù mịt cho nó quên đi cái thời gian nặng nề cứ ì ạch dậm chân tại chỗ trong ngôi nhà lụp xụp tối tăm này.

Suốt ngày, suốt đêm ông Thanh sáp với ông bạn mới cai đồn điền hì hụi đủ thứ việc để cho ông anh trầm mặc suy tư.

Nghe tin có mấy ông bạn Hà Nội ở chiến khu ghé chơi, mấy ông tản cư, mấy anh cán bộ cơ sở ở gần quanh đây rủ nhau kéo đến. Biết khách thế nào cũng có đường, họ đem cà phê đến. Chủ nhà dí dỏm:

- Người có đường, người có cà phê, chúng ta liên minh bình đẳng. Cà phê này ở thành khó mà có được. Ông đã nghe nói đến thứ cà phê cứt chồn, cứt chim rồi chứ gì? Suy cho cùng là chúng nó ăn quả cà phê chín mà cái hột quá già không tiêu hoá được nên thải ra thôi. Bây giờ ông ra mấy gốc cà phê đại trong rừng… cả đống, vốc vào rổ đem xuống suối đãi, hạt mẩy chắc như hạt rẻ, rang lên, cả tổng ngửi mùi mà cồn cào gan ruột. Tiếc rằng hữu cà phê bất hữu suých cơ (sucre: đường) thành ra có của ngon mà không dùng được chẳng khác gì mấy anh đàn ông ở với nhau mãi súng cũng tịt ngòi! Mà mấy chị đàn bà ở không mãi khác gì cánh rừng cà phê hoang này đâu! Tất cả đều vô dụng!

Một ông hàng xóm rỉ tai ông Thanh:      

- Nghe nói quý phu nhân ở nhà léng phéng sinh giùm cho thầy Ký một mụn con nên hai người không muốn gặp nhau.

Chuyện tếu táo mãi cũng chán nhạt dần. Chuyện làm ăn có gì đâu mà bàn, loanh quanh tỉa mấy luống rau, nuôi mấy con lợn, con gà, trồng vài bụi sắn… chờ thời. Chuyện thời sự xóm làng là mấy cậu thanh niên tạch tạch sè (tiểu tư sản) ngao ngán chiến tranh lâu dài gian khổ đảo ngũ nhưng không dám về thành vì sợ bị mang tiếng đầu hàng, sợ bị bắt làm lính ngụy nên cứ luẩn quẩn tá túc ở đây, đêm đêm đi vào vùng tề buôn lậu mớ mũ bêrê, mớ khăn choàng cổ, mấy cái áo len, khúc vải… lúc gặp du kích chạy thục mạng, bỏ của thoát thân. Ban ngày thì ngủ dài, hát nghêu ngao, chúi đầu vào đánh cờ, làm thơ chán chường bi lụy. Một ông rút trong túi ra tờ giấy chép một bài thơ đọc cho mọi ngưòi nghe:  

  Thôi thế từ nay là dứt tình    

Vấn vương gì nữa nợ đao binh      

Muốn học người xưa làm ẩn sỹ

Vách núi đề thơ với một mình

Còn đấy ai đi thì mặc ai

Mặc ai ai đó áo chưa phai

Mình về mình biết mình thôi nhỉ

Tiếc gì tơi tả áo cầu vai

Mới độ hai-ba mùa xuân thôi

Mà thấy hình như tóc bạc rồi

Bụi bậm đua chen là thế đấy

Hay gì người hỡi, hỡi ta ơi

Bút đã từng phen làm gió mưa

Từng lui giặc nước một lời thơ

Cũng thôi tàn mộng bình thiên hạ

Sự nghiệp ơ hờ cơn gió đưa

Nghề súng thua gì ai nữa đâu

Từng thét ba quân trận thắng đầu

Cũng không mơ nữa làm nguyên soái

Nấm mồ chiến tướng biết nông sâu

U ẩn hằn lên vầng trán cao

Hết Chiến Khu Ba sang đất Lào

Rồi lại quay về mơ Việt Bắc

Đi mãi đi hoài… Đi đến đâu

Đi mãi để mà đi đến đâu

Có dễ mà đi đến bạc đầu

Vẫn ở lưng chừng đường lỡ dở

Mà nhìn kẻ trước ngắm người sau

Đã chót đầu thai phận lỗi thời

Thì dù đi mãi cũng là thôi

Tìm một cô thôn mà ẩn giật

Lại đẹp lung linh một góc trời

Mình biết thương mình mình về thôi

Còn bao thằng nữa nhớ thương ôi

Từng đêm dằng dặc buồn không ngủ

Đốm lửa đầu tay cũng tắt rồi

Chẳng học ai xưa làm hàng thần

Đẹp gì Từ Hải lúc sa chân

Thà như Từ Thức trong rừng vắng

Danh lợi bao nhiêu cũng chẳng cần

Rồi đến khi nào tóc bạc phơ

Đời đã quên người trai thuở xưa

Chẳng làm thi bá không danh tướng

Vuốt bộ râu tiên đánh ván cờ…

Mọi người truyền tay chiếc điếu cầy và thi nhau rít... Cà phê giã ra bọc trong mấy lớp vải sô, ngâm vào cái bát ô-tô, gọi là cà phê bít-tất, cùng nhấm nháp chung…

Ông Thanh lên tiếng muốn phá đi cái tâm trạng u uẩn ấy:

- Suy cho cùng thì cả nước Pháp cũng chán chường mệt mỏi. Họ đã  phải ngả vào lòng người Mỹ. Năm 1950 nhận viện trợ của Mỹ 10 triệu Dollar. Năm 1951 là 30 triệu. Năm 1952 vọt lên trên 500 triệu và năm nay chắc chắn phải hơn nhiều vì hàng trăm cố vấn Mỹ dưới danh nghĩa là những chuyên gia kỹ thuật đã có mặt ở nhiều nơi… Càng nhận viện trợ nhiều thì xứ Đông Dương này càng mau tuột ra khỏi vòng tay mặc dù người Pháp không muốn thế.

Câu chuyện chuyển sang khí thế . Ông Ký nắm khá chắc tình hình thế sự:

- Xem chừng chiến tranh Triều Tiên sắp mãn cuộc rồi. Khởi sự từ giữa năm 1950, quân Bắc Triều Tiên tưởng chừng nuốt chửng quân Lý Thừa Vãn nên Mỹ phải vội nhẩy vào dồn một lèo quân ông Kim Nhật Thành còn mấy bước nữa là bật qua bên Trung Quốc. Nhưng khi ông Bành Đức Hoài dẫn quân vượt sông Áp Lục lại đẩy lùi được quân Liên hiệp quốc về ranh giới cũ. Rồi hai năm nay cứ trầy trật mãi quanh cái vĩ tuyến 38 ấy và bây giờ đang bật signal cùng ngừng bắn. Thì ra Mỹ cũng không phải là ghê gớm lắm!

Chuyện khơi đúng mạch, các ông sôi nổi hẳn lên:

- Ở Á châu này, khu vực Đông Bắc mà xong thì khu vực Đông Nam mình cũng dễ dàng thôi.  

- Chưa chắc đâu! Có khi còn quyết liệt hơn. Trước đây thực dân Pháp gây chiến là vì lòng tham cố chiếm lại xứ thuộc địa đã mất. Bây giờ nó lại núp sau chiếc lá chắn hiệp sỹ để ngăn chặn làn sóng đỏ!

- Nhưng nó dựa vào Bảo Đại thì lôi kéo được ai? Quốc trưởng bù nhìn cứ như con rối. Mỗi năm một lần thay trợ thủ. Hết Nguyễn Văn Xuân đến Trần Văn Hữu rồi Nguyễn Văn Tâm, tên nào cũng khét tiếng Việt gian tay sai bán nước, dân chúng không ai lạ mặt!

Một ông vốn là thầy giáo lý giải một hơi:

- Lịch sử có thể khoan dung cho Bảo Đại khi ông bất lực trước Nhà nước Bảo hộ Pháp để giữ lấy ngai vàng và vương miện của các bậc tiên đế. Lịch sử cũng có thể mủi lòng nếu ông quyết không chịu trút bộ hoàng bào mà bị treo cổ lên trước sự phẫn uất của muôn dân. Lịch sử đồng cảm khi ông nhận ra xu thế dân chủ đang nhấn chìm thể chế các vương triều, chấp nhận « thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ », đành rằng ai cũng biết Chiếu thoái vị ấy là do người thư ký giác ngộ viết cho nhưng dám chấp nhận đọc nó lên trước thần dân bách tính cũng là can đảm lắm. Ông không bị mất vị trí lịch sử của mình khi ông được vời ra làm Cố vấn tối cao cho Chính phủ Dân chủ Cộng hoà. Nhưng lịch sử lên án ông trước cảnh non nước điêu linh, dân tình thống khổ mà ông chọn con đường đào tẩu, tiếu ngạo giang hồ, ăn chơi sa đọa để lại sà vào lòng chủ cũ thì rõ ràng là ông đã rũ sạch đi chút liêm sỷ còn lại của bậc đế vương. Trước lịch sử, ông hiển nhiên là mẫu một tên vua bù nhìn bán nước!

- Nhưng đó là thời Đảng Cộng sản không nắm chính trường. Bây giờ Đảng tái xuất hiện với cương vị là người duy nhất lãnh đạo cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thì vua quan nào có cần gì!

Ông Thanh ôn tồn giải thích:

- Các vị đó tham gia kháng chiến không với tư cách vua quan. Kinh nghiệm điều hành và tri thức của các vị ấy vẫn được trọng dụng. Nhiều vị vẫn có cương vị trong Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan Nhà nước như  cụ Bùi Bằng Đoàn, cụ Phan Kế Toại, luật sư Phan Anh, ông Phạm Khắc Hoè và nhiều vị trí thức nhân sỹ khác…

- Thế cuộc Cải cách ruộng đất bây giờ có sợ rút dây sẽ động đến rừng không? Bên Thái Nguyên, chủ hãng tơ lụa-sắt thép nổi tiếng Cát-Hanh-Long kiêm đại điền chủ Nguyễn Thị Năm vẫn bị đem ra đấu tố và xử tử hình mặc dù gia đình họ đã ủng hộ, phục tùng và đi theo kháng chiến. Quan lại, trí thức, thương nhân, dân thị thành mấy ai không có gốc gác ở thôn quê?

- Hay dở chưa biết thế nào nhưng không khí nông thôn sôi sục rung trời chuyển đất. Người mừng kẻ sợ nháo nhác. Mai kia rồi sẽ đến lượt mình đây.  

- Thôi, làm gì thì làm miễn kháng chiến mau thành công là tốt rồi. Đất nước hoà bình độc lập sẽ tính sau. Cứ ngồi bàn ra tán vào chẳng được tích sự gì mà lại càng thêm rối rắm.Khuya lắm rồi mọi người mới lục tục ra về. Hình như ông Tham chưa ngủ vì vẫn thấy ông trở mình trằn trọc.

Hai anh em ngồi trên một gốc cây đổ chắn ngang con đường mòn vắng dấu chân người. Những quả trẩu khô rụng quay tít đôi cánh như chong chóng nhẹ rơi đây đó lẫn trong những đốm nắng lung linh tưởng như những bông hoa trẩu đầu mùa nằm đây đợi bạn. Ông Thanh nhìn người bạn, người anh thân thiết mà lòng dấm dứt. Chưa bao giờ thấy ông anh trầm tư đăm chiêu khác thường như thế. Ông Tham nói chậm rãi đều đều:

- Tôi về là không có dịp quay lại nữa đâu!

Đôi mắt ông anh đượm buồn.                

Ông Thanh đoán biết truớc rồi nhưng không ngờ sự quyết định của ông anh nặng nề đến thế.

- Cuộc kháng chiến này mất mát nhiều lắm. Những người hy sinh đáng cảm phục đã đành. Những người như Phạm Quỳnh, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu… có đáng chết không? Lôi những chuyện cũ ra tạo án mới để thỏa lòng thù hận có là những việc làm bất minh? Những người còn sống cũng biết bao nhiêu thân phận. Tướng Nguyễn Sơn lẫy lừng như thế cũng có nỗi niềm riêng khó giải. Vợ tôi đang nằm chờ chết còn cố níu lại chờ tôi. Trong khi người ta làm nhục hình và lôi ra pháp trường bắn bỏ một người đàn bà đã qui thuận mình vẫn được hàng ngàn con người reo hò hưởng ứng! Ở trong Khu Bốn, người ta tụ hội thật đông, trương lên khẩu hiệu “Địa chủ nhất thời – Nông dân vạn đại”, bên cái hố to đào sẵn, đắp bờ cao lên, địa chủ đứng dưới, khổ chủ đứng trên chỉ tay ray trán vạch tội thằng bóc lột từ mấy đời, mấy mươi năm về trước. Tội nhân chỉ được trả lời một rằng: Có! hai rằng: Không! Nếu Có thì nhận hàng ngàn tiếng hô “Đả đảo cường hào ác bá”! Nếu Không cũng nhận hàng ngàn tiếng thét “Đả đảo địa chủ ngoan cố”! Có hay Không đằng nào cũng chết! Phán quyết đã định sẵn rồi. Quan toà là những người hôm qua đi làm thuê làm mướn, vay nợ đợ con, hôm nay là người tuyên án. Không thanh minh. Không bào chữa. Quyết án được thi hành ngay trước sự thỏa mãn quay cuồng của khối người đang trong cơn hận thù sôi sục!

Ông Thanh nhớ lại cảnh ở đồn điền Đồng Bẩm, người ta lôi người đàn bà nổi tiếng Nguyễn Thị Năm cùng hai người con trai và mấy người phụ tá ra trước đấu trường bắt cúi đầu nghe vạch đủ điều tội ác từ những người gọi là bị áp bức tước đoạt tới mức cùng khổ, kể cả không ít người từng được hàm ơn! Ông vẫn còn cảm giác thảng thốt trong lòng nhưng không dám kể ra. Ông cảm thấy khiếp đảm trước khối người bị kích động bởi những món nợ không văn tự dây dưa truyền kiếp lẫn lộn giữa ân và oán tạo nên cái sức mạnh được người ta gọi là “triều dâng thác đổ” của quần chúng nông dân, đành thở dài như một sự cam lòng:

- Dân như nước… Nước triều dâng, thác lũ không ai cản được!              

- Ở Nga nghe nói bọn cu lắc cũng bị hành hình hàng loạt. Bên Trung Hoa bọn địa chủ quân phiệt quan liêu cũng bị cách cái mạng đi không thương tiếc. Người ta nói: Cách mạng là ánh sáng trí tuệ của thời đại! Nguồn sáng ấy tự nó có mãnh lực cuốn hút mọi người đi tới chân lý chứ không phải là nó huỷ diệt người ta cả về thể xác lẫn tinh thần. Cách mạng là sự thay đổi xã hội xấu thành xã hội tốt chứ không phải là cuộc trả thù khủng khiếp. Pháp đình là nơi biểu trưng cho một thể chế, một xã hội, được thẩm định bằng cán cân công lý rạch ròi không thiên lệch. Nông thôn Việt Nam bao đời nay vẫn là cái hồn quê mộc mạc mà nhân hậu, nó là gốc gác của luân thường đạo lý, nó là chỗ dựa tinh thần cho chúng ta mà bây giờ nó đang đảo lộn!

Mặt ông thật sầu khổ:          

- Nhưng bây giờ mình lại về ngồi chung chiếu với những thằng xe xua quanh tên vua đốn mạt! Lại bắt tay với bọn thực dân mà mình tưởng rằng đã “cạch” mặt nó rồi! 

Ông nhìn người bạn như mong được sự cảm thông:                                                                          - Đổ lỗi cho bất kỳ một nguyên do nào là tự dối mình! Tại sao mình không thể vượt qua? Nhưng đúng là mình không có gan để dửng dưng quay mặt nhắm mắt bước qua những trái ngang trên con đường trường chinh khúc khuỷu này…

Ông như muốn khóc, nắm chặt bàn tay người em lắc lắc:

- Bây giờ tôi tin là kháng chiến sẽ thắng lợi nhưng đến lúc đó tôi không biết sẽ sống ra sao?

Ông nhìn người em, người bạn thân thiết bằng đôi mắt chan chứa yêu thương, giọng ông lạc đi:

- Cuộc chiến này chưa chấm dứt thì cuộc chiến nọ đã bắt đầu. Ta vừa đánh giặc lại vừa đánh nhau. Trong kẻ chiến bại có cả những người chiến thắng!

Ông Thanh hiểu rằng những điều ông Tham đã quyết là cả một sự dày vò day dứt lắm nhưng không đổi được, chỉ nhắc nhở thôi:

- Anh đã quyết rồi thì tiến hành ngay đi kẻo chị chờ.

Hai anh em chia tay vội vã với chủ nhà. 

Ở đây những người đi chợ ra vùng giáp ranh ngày nào chả có. Chỉ cần trà trộn vào với họ đi qua vùng trắng ra đến đường cái quan, gặp xe khách vẫy lại, vọt lên. Xe phóng vèo một lúc đã là vùng tề rồi, thẳng ngay ra Quốc lộ Một là nhẹ thênh thênh…

Ông Tham dặn lại:      

- Moa định biên mấy lá thư nhờ toa chuyển nhưng thôi! Cơ quan nhất định sẽ coi mình là thằng đào ngũ! Riêng với cháu Hương Giang thì chú cứ kể như chú biết và tôi gửi chú bảo ban động viên cháu thích nghi được với cuộc sống mới này.

Ông Thanh đưa tiễn người anh thân thiết từ thuở ấu thơ một chặng đường dài. Tới cánh đồng trống thì dừng lại bên một lùm cây. Hai anh em nắm tay nhau không ai nói được lời nào. Ông Tham tự ngắm bộ quần áo tươm tất mình đang mặc và ông tránh qua góc khuất lúi húi thay đồ. Ông trao lại cái túi cho người anh em, giọng ông nghẹn lại:

- Mình chỉ cần một bộ quần áo cũ với ít tiền để về đến nhà thôi. Tất cả còn lại trong này, chú cho ai tùy chú. Anh em ở ngoài này thiếu thốn rất nhiều!

Ông Tham hối hả đi những bước dài, không ngoái lại. Một khúc xa, kịp toán người đi trước, ông ghé vai gánh đỡ cho một người đàn bà. Dáng ông cao lớn, cái lưng lòng khòng, chân bước phăng phăng. Ruộng đồng đìu hiu xơ xác, lác đác bóng người đi lại ngẩn ngơ. Trên con đường lớn ngoài kia xa tít tắp loáng thoáng lờ mờ bóng chiếc xe bon bon hốt hoảng chạy hết tốc lực cho mau vượt qua vùng giáp ranh thưa vắng kẻo đã xế  trưa rồi.

Ông Thanh quay trở lại trong lòng bâng khuâng.

Ông nhớ đến vợ con ông. Chợt nhớ tới bức thư của con gái, ông sờ lên túi áo ngực. Cái bọc cồm cộm. Nó vẫn còn ở đây!   

                                             

(trang 436)

 

Link http://sachhiem.net/NGVTHINH/NguyenvThinh_PTHh.php

ngày 24-Dec-2016

_________________

• Các bài của Nguyễn Văn Thịnh: link http://sachhiem.net/NGVTHINH/ListNVTh.inc.php

Trang Văn Học