●   Bản rời    

Bồi Đắp Văn Hoá Và Bảo Toàn Những Giá Trị Tinh Khôi

Bồi Đắp Văn Hoá Và Bảo Toàn Những Giá Trị Tinh Khôi

Cao Huy Thuần

http://sachhiem.net/CAOHT/CHT3.php

21-Apr-2013

Trong các số báo trước, Sinh Viên Việt Nam đã đề cập đến vấn đề chất lượng văn hóa, qua phân tích thực trạng của các lễ hội hiện nay. Tuần này, câu chuyện được tiếp tục, với cuộc trò chuyện cùng GS. Cao Huy Thuần.

Nhìn văn hóa một cách... văn hóa

=> Thưa ông, theo ông, khái niệm "văn hóa" nên được hiểu như thế nào?

Từ "văn hóa" được dùng rất phổ thông và hầu như ai cũng hiểu, nhưng sự thực, không có một định nghĩa nào được mọi người nhất trí đồng ý. Có tác giả đã làm một liệt kê các định nghĩa đã được đưa ra và danh sách ấy dài đến cả hơn trăm định nghĩa khác nhau. Tại sao vậy? Nói tóm tắt, thứ nhất, tại vì khó phân biệt giữa hai khái niệm gần nhau, khái niệm "văn hóa" và khái niệm "văn minh". Tại châu Âu, hai khái niệm đó được dùng lẫn lộn với nhau trong lịch sử, đến nỗi Hegel, dạy ở ĐH Berlin năm 1830, đã dùng cả hai khái niệm không phân biệt. Thứ hai, "văn hóa" bao trùm cả hai chiều rộng, tập thể và cá nhân. Khi ta nói "văn hóa của ta", "văn hóa Việt Nam", "văn hóa Huế", "văn hóa miệt vườn"... ấy là ta muốn nói đến văn hóa của tập thể. Khi ta phê phán "anh chính trị gia này thiếu văn hóa", "cô tiếp viên hàng không kia thiếu văn hóa", ấy là ta muốn nói đến trình độ của một cá nhân. Nhưng dựa trên tiêu chuẩn nào để phê phán cái "trình độ" ấy? Anh kia và cô kia đều đã thừa hưởng được một gia tài "văn hóa Việt Nam" như mọi người Việt Nam khác. Vậy "thiếu văn hóa" là thiếu cái văn hóa gì? Thứ ba là tương quan giữa văn hóa và kỹ thuật. Văn hóa có bao trùm luôn cả lĩnh vực kỹ thuật không? Ở đây, lại vấp vấn đề thứ nhất, lẫn lộn giữa văn hóa và văn minh. Kỹ thuật là vật chất; tiến bộ kỹ thuật là tiến bộ vật chất. Người ta thường nghĩ "văn hóa" liên quan đến chiều sâu trí óc, tâm linh; "văn minh" bao gồm luôn cả văn minh kỹ thuật. Nhưng ai dám nói cái máy vi tính tôi đang dùng trước mắt, Internet tôi đang "ngao du" với con chuột trong bàn tay, không phải là văn hóa? Chỉ sơ lược chừng ấy thôi, cũng thấy định nghĩa văn hóa là khó, không những giữa tác giả này với tác giả nọ, mà còn giữa nước nọ với nước kia. Chữ "culture" của Pháp chẳng hạn, mà ta dịch là văn hóa, có nguồn gốc la-tinh, colere (trồng, vun trồng) mà ta không có. Nhưng săn sóc cho cây mọc lên tươi tốt, nào có khác gì vun trồng tính thiện, kiến thức, óc thẩm mỹ nơi con người? Khái niệm "tu thân" của ta cũng tương tự như thế chăng? Và như vậy thì anh chính trị gia, cô tiếp viên khi nãy đã có một gia tài văn hóa chung tốt nhưng không biết "tu thân"? Hay là thiếu học vấn? Thiếu mỹ cảm?

Tôi dài dòng như vậy là để nói lên điều này: Khác với các định nghĩa trong khoa học chính xác, các từ trong khoa học nhân văn không cho phép những định nghĩa xác quyết, chắc nịch. Nhà nhân chủng học danh tiếng Lévi-Strauss căn dặn: "Từ ngữ là những khí cụ mà mỗi chúng ta tự do sử dụng tùy theo mong muốn, với điều kiện là phải nói rõ dùng như thế là có ý định gì". Tôi trích câu nói đó để tán thưởng hai chữ "theo ông" trong câu hỏi của anh. Hai chữ đó hàm chứa tính cách chủ quan trong mỗi định nghĩa, mỗi cách hiểu và tất nhiên, trong câu trả lời của tôi. Tôi mượn câu định nghĩa của UNESCO vì nó có tính cách quốc tế, vì nó đơn giản, dễ hiểu và vì nó tóm tắt được những điều tôi vừa nói: "Văn hóa, trong nghĩa rộng nhất, được hiểu như toàn thể những nét đặc thù, về tâm linh và vật chất, tri thức và tình cảm, diễn tả đặc tính của một xã hội hay một tập thể trong xã hội. Văn hóa gồm, ngoài nghệ thuật và văn chương, cách sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống giá trị, những tập tục và tín ngưỡng".

=>Thưa ông, có người nói văn hóa của một thời kỳ là biểu hiện chất lượng xã hội tương kỳ, kiểu "xã hội nào văn hóa ấy". Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đương nhiên là như thế. Văn hóa không bao giờ đứng ì một chỗ mà luôn luôn biến chuyển dưới ảnh hưởng của môi trường chung quanh - môi trường chính trị, xã hội, kinh tế. Xã hội thiếu kỷ cương, tham nhũng hoành hành, văn hóa làm sao mà không khỏi xuống cấp nghiêm trọng? Chính trị thiếu tầm nhìn, mắt dán vào ích lợi riêng, làm sao mở mang văn hóa vốn cần có một cái nhìn xa? Kinh tế bất bình đẳng, người giàu chỉ biết phung phí, kẻ nghèo chỉ biết kiếm ăn, lấy ai, lấy gì bồi bổ văn hóa? Chỉ cần lấy một ví dụ cụ thể thôi về mối tương quan anh đặt ra: Tương quan giữa giáo dục và văn hóa. Bao nhiêu người đã than phiền: Ở Thái Lan, sao người ta nhã nhặn, lịch sự thế; còn ở ta, sao mà lố nhố lăng nhăng... Ấy là giáo dục để làm người. Ta cũng đã từng nói: Tiên học lễ. Còn hậu học văn thì sao? Để khỏi phải chảy nước mắt, tôi mượn chuyện xứ người. Thế hệ của tôi, hồi những năm 1950, 1960, chúng tôi rất coi thường Hàn Quốc, họ thua ta! Ấy vậy mà bây giờ, họ vượt ta những mấy chục năm.

Nhờ đâu? Một trong những lực đã vực họ dậy và làm họ mọc cánh nơi đôi chân là giáo dục. Họ đã đặt tất cả sức lực để động viên giáo dục, trước hết là từ tiểu học, từ giai đoạn xóa nạn mù chữ. Họ học bài học ấy từ kinh nghiệm Nhật Bản, từ quyết tâm của vua Minh Trị, một quyết tâm chính trị của một tầm nhìn xuyên suốt thời đại mới. Chỉ ba năm sau khi lên ngôi, năm 1872, ông vua ấy đã ban hành một bộ luật căn bản về giáo dục với điều khoản sau đây: "Từ nay về sau, không một làng xóm nào được còn một gia đình không biết chữ, không một gia đình nào được còn một người không biết chữ". Một trong những người lãnh đạo có uy tín nhất trong thời gian đó, Kido Takayoshi, tuyên bố sắc như gươm võ sĩ: "Dân tộc ta không khác gì các dân tộc Hoa Kỳ hay Âu châu cùng thời đại với ta: Tất cả là vấn đề giáo dục hay thiếu giáo dục".

Từ 1906 đến 1911, giáo dục chiếm đến 43% ngân sách các thành phố và các làng xã ở Nhật. Năm 1913, dù hãy còn rất nghèo và kém mở mang, Nhật đã trở thành một trong những nước sản xuất nhiều sách nhất trên thế giới, xuất bản mỗi năm nhiều sách hơn cả nước Anh, hơn gấp đôi nước Mỹ. Kinh tế Nhật mở mang phần lớn là nhờ thế, nhờ giáo dục và đào tạo nghề nghiệp nhanh chóng và quyết tâm. Quyết tâm sắt đá, sáng suốt chính trị, nhìn rộng nhìn xa, biết giáo dục là động cơ của tiến bộ, nước Nhật trở thành hùng cường. Hàn Quốc trở thành hùng cường. Hãnh diện về nước của mình, về lãnh đạo của mình, về ông vua của mình, người Nhật, người Hàn, người Thái phát triển văn hóa trong một môi trường lành mạnh, tân tiến.

Ở Việt Nam ta, đã có một thời, miền Bắc được quốc tế biểu dương như một nước nghèo đã xóa tan nạn mù chữ. Đâu phải vì nghèo mà làm không được! Ta đã sáng suốt và quyết tâm. Giáo dục sáng thì văn hóa sáng. Giáo dục tối thì văn hóa chẳng thấy đường đi. Ấy chỉ là lấy một yếu tố giáo dục làm ví dụ. Còn nhiều yếu tố khác nữa trong môi trường xã hội, chính trị. Một môi trường không phát triển đầu óc sáng tạo chẳng hạn thì văn hóa suy thoái là lẽ tất nhiên.

Tinh thần và văn hóa bao dung

=>Cuối thời Trần, văn hóa (trong đó có tôn giáo) suy vi, tạo cơ hội cho thời hậu Lê phát triển. Có khi nào, phẩm tính của nền văn hóa là một tín hiệu của đời sống chính trị - xã hội?

Cái này cũng quá rõ và ngay trong câu hỏi của anh đã hàm chứa câu trả lời. Cái tinh túy trong văn hóa đời Trần là bao dung tất cả dưới tinh thần của thiền tông. Bao dung giữa thiền và tịnh độ trong nội bộ Phật giáo, bao dung với Khổng giáo, Lão giáo trong tam giáo cổ truyền. Đời Trần dạy ta một bài học lớn: Bao dung là chính thể tốt nhất. Cái tinh thần bao dung đó, tiếc thay, đã nhường chỗ cho vị thế lãnh đạo của Khổng giáo, đưa văn hóa Việt Nam xa dần với văn hóa độc đáo thời Trần, gần dần với "cục nam châm" văn hóa phương Bắc. Sau đó thì... ý thức hệ đã đưa ta vào quỹ đạo của phương Bắc.

Tuy vậy, không nên lấy yếu tố văn hóa để giải thích tất cả, cũng như đừng lấy yếu tố kinh tế để giải thích tất cả. Sự suy vong của nhà Trần, cũng như sự suy vong của các triều đại quân chủ ở nước ta, phải được giải thích bằng nhiều yếu tố khác nhau, có khi văn hóa là chính, có khi kinh tế là chính, có khi chính trị là chính, thường thường là các yếu tố tương tác lẫn nhau. Một ví dụ nổi tiếng gần đây là quyển sách đã gây nhiều năm tranh cãi sôi nổi trên thế giới, The Clash of Civilisations (Sự va chạm giữa các nền văn minh) của Samuel Huntington, trong đó, tác giả đã giải thích và tiên đoán những tranh chấp trên thế giới từ yếu tố văn minh. Lập luận của tác giả, tuy rất hấp dẫn, vẫn không thuyết phục.

cảnh đi chùa Hương

=>Đầu thế kỷ XX, Việt Nam có một "bầu sinh quyển" văn hóa trong lành: "Hôm nay đi chùa Hương/ Hoa cỏ mờ hơi sương/ Cùng thầy me em dậy/ Em vấn đầu soi gương..." (Nguyễn Nhược Pháp). Tính chất văn hóa tương hỗ, hài hòa với thiên nhiên. Nhưng nay đi chùa Hương, toàn những hòm công đức, những dãy hàng bán thịt thú rừng... Ông nghĩ thế nào về chuyện này?

Đứt ruột! Văn hóa tuột dốc đến mức không thể chấp nhận được. Cái lạ là cơ quan chức năng của ta vẫn dửng dưng. Tôi có thể nói gì thêm nữa ở đây? Thêm một giọt nước mắt trong biển nước mắt? Nếu ở đây không phải là chuyện trò với các bạn trẻ thì tôi không muốn nói gì thêm nữa. Nhưng vì các bạn là người trẻ, đầy nhiệt huyết, tôi bắt buộc phải lấy bầu máu nóng của tôi tâm sự với các bạn. Các bạn biết không, ở các nước phát triển, thanh niên tình nguyện đi hốt rác, làm sạch các bãi biển bị ô uế vì du khách. Họ tình nguyện, họ tự lấy sáng kiến, họ chủ động.

Vậy tại sao các bạn không xem vấn đề làm trong sạch hóa môi trường chung quanh các đền chùa, các lễ hội, là một việc làm ý nghĩa của các bạn? Nếu các tâm hồn trẻ không cồn cào sự lo lắng trước nguy cơ xuống cấp trầm trọng văn hóa của dân tộc thì còn ai thắp lửa để xua đuổi cái xấu? Tự các bạn hãy lấy sáng kiến để phản ứng với cái xấu và có hành động hợp lý để cải tạo cái xấu. Các bạn là cả một lực lượng lấp biển vá trời trên mặt trận văn hóa này. Hãy biết lo lắng!

Hãy bắt tay ngay!

Stéphane Hessel

Các bạn có biết Stéphane Hessel? Chắc không ít bạn có nghe tên vì ông là người nổi danh trên khắp thế giới gần đây. Ông vừa mất ngày 27/2, lúc 95 tuổi. Nhưng cho đến lúc chết, ông vẫn là một chàng thanh niên, tranh đấu không mỏi mệt, như hồi trai trẻ. Tham gia kháng chiến chống phát xít, bị tù đày, vượt ngục, gia nhập lực lượng đồng minh, tiến vào giải phóng Paris (tháng 5/1945), rồi trở thành nhà văn, nhà triết học, nhà ngoại giao, không lúc nào ông ngừng tranh đấu chống bất công, mọi thứ bất công, để xây dựng một thế giới công bằng, liên đới. Cuối tháng 10/2012, ông xuất bản cuốn Hãy lên tiếng! (Indignez-vous!), sách mỏng 32 trang, in hàng triệu cuốn trên thế giới, được giới trẻ khắp nơi hưởng ứng nồng nhiệt, xem như bài hịch phất phới trên đầu tuổi trẻ, mọi tuổi trẻ, ở mọi nơi.

Ông nói với giới trẻ: "Tôi ước mong các bạn, mỗi người trong các bạn, có một duyên cớ để lên tiếng. Điều này quý lắm. Khi một điều gì đó làm bạn lên tiếng như tôi đã lên tiếng trước chủ nghĩa phát xít, khi đó ta trở thành một người tranh đấu, mạnh mẽ, dấn thân. Ta gia nhập vào dòng chảy đó của lịch sử và dòng lịch sử lớn lao ấy sẽ tiếp tục chảy nhờ mỗi người trong các bạn. Và dòng chảy đó đưa đến công bằng hơn, tự do hơn nhưng không phải là thứ tự do vô kiểm soát của con chồn trong chuồng gà".

Ông nói thêm, cũng với các bạn trẻ: "Thái độ xấu nhất là thờ ơ. Là nói: Tôi chẳng làm được gì, tôi xoay xở. Nếu các bạn có thái độ như vậy, các bạn mất đi một trong những thành tố cơ bản làm nên con người. Một trong những thành tố không thể không có: Khả năng lên tiếng mà dấn thân là hệ quả".

Các bạn hãy làm trong sạch môi trường chung quanh chùa Hương, đem văn hóa đạo hạnh tẩy sạch ô uế thiếu văn hóa trước cổng chùa của bài thơ xưa. Tự các bạn làm! Tự các bạn dấn thân! Không có việc gì mà sức trẻ không làm nổi! Hãy lên tiếng! Tôi sẽ đứng vào hàng ngũ các bạn cho đến 95 tuổi.

=>Xin cảm ơn và chúc ông sức khỏe!

Lê Ngọc Sơn (Thực hiện)

nguồn http://www.svvn.vn/vn/news/thoisu/5374.svvn



Trang Tôn Giáo




Đó đây


2024-04-25 - Phóng Sự: Thiếu Tướng Hoàng Kiền -Ahllvtnd Nói Chuyện Thời Sự Về Đường Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh -

2024-04-25 - CHẾ ĐỘ TAY SAI - BÀI VIẾT CỦA TIẾN SỸ MỸ T.P.WINKINSON -

2024-04-20 - KHÔNG BIẾT NHỤC - Nhóm Việt Nam vinh danh các liệt sĩ Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam - Chủ nhật ngày 17/3/2024, 1 nhóm Việt Nam đến viếng mộ 5.099 quân nhân Hàn chết trong chiến tranh ở Việt Nam. Dòng chữ trên một tấm có nội dung: “Bởi vì các chiến sĩ của các bạn yên nghỉ ở đây, đất nước chúng ta đứng vững với niềm tự hào.” Thật là không biết nhục!!

2024-04-19 - Israel Tấn Công Trả Đũa Iran -

2024-04-19 - 80 Năm Thực Dân Pháp Đô Hộ Việt Nam - Văn minh hay bóc lột? -

2024-04-19 - HOÀNG NAM: DÂN TA ĐÃ QUÁ NHÂN TỪ VỚI HỌ NGÔ - Gửi Hoàng Nam, chủ kênh Challenge Me.

2024-04-18 - "THUẾ THUỘC ĐỊA" - 60 NĂM CHÂU PHI VẪN LÀ BÒ SỮA NUÔI BÉO NƯỚC PHÁP -

2024-04-18 - Ổi Xanh: 274. Ông Võ Văn Thưởng từ chức. Thái độ của HDH và một số YouTuber... bố đời. -

2024-04-17 - Sidney, Úc: 1 Giám mục bị đâm trong lúc làm lễ - Không biết Chúa làm gì mà bắt các giám mục của Chúa phải đổ vỏ! Các đây mấy năm, có viên chức chính phủ đề nghị treo bảng ở các nhà thờ "Đây là nơi nguy hiểm cho trẻ con"

2024-04-16 - Đọc báo QĐND - Bài viết: Không "chính trị hoá" các vụ án kinh tế -



▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 >>>




Thư, ý kiến ngắn
● 2024-04-21 - KHÔNG BIẾT NHỤC - Một Nhóm Việt Nam vinh danh các lính Hàn trong chiến tranh Việt Nam! - SH sưu tầm -

● 2024-04-19 - “CỬA LÒ - KHÁT VỌNG TOẢ SÁNG” - Nguyễn Tiến Trung -

● 2024-04-16 - Bất bình trước sự san bằng, trộn lẫn CHÍNH /TÀ của những người mù sử: HOÀNG NAM - Chủ kênh Challenge Me - FB Lý Thái Xuân -

● 2024-04-01 - Phim ĐÀO PHỞ & PIANO -Tại sao không nên đánh dấu người yêu nước bằng biểu hiệu của một tập thể thiểu số - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-21 - CHỐNG CỘNG: Chuyện cười ra nước mắt ở Sở Học Chánh Tacoma, Wa - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-09 - Tổng thống Nga, Vladimir Putin đọc thông điệp gửi Quốc hội Liên bang (29/2/2024) - Gò Vấp -

● 2024-03-09 - Các hoạt động của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc trong những năm 1942-1954 - trích Hồi ký Nguyễn Đình Minh -

● 2024-03-08 - Hồi ký lịch sử 1942-1954 - Liên Quan đến Giám mục Lê Hữu Từ, Khu tự trị Phát Diệm, Công Giáo Cứu Quốc - VNTQ/ Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư -

● 2024-02-15 - Trương vĩnh Ký dưới con mắt của người dân - Trần Alu Ngơ -

● 2024-02-14 - Các nhà hoạt động ẤN ĐỘ GIÁO phản đối chuyến viếng thăm của Giáo hoàng John Paul II - FB An Thanh Dang -

● 2024-02-09 - “KHÁT VỌNG NON SÔNG” của VTV1 và chuyện Trương Vĩnh Ký - Nguyễn Ran -

● 2024-02-05 - Góc kể công - Đồng bào Rô ma giáo cũng có người yêu nước vậy! Đúng. - Lý Thái Xuân -

● 2024-02-01 - Câu Lạc Bộ Satan Sau Giờ Học Dành Cho Trẻ 5-12 Tuổi Sắp Được Khai Trương Ở Cali, Hoa Kỳ - Anh Nguyen -

● 2024-01-29 - Giáo hội Rô ma giáo Đức "chết đau đớn" khi 520.000 người rời bỏ trong một năm - The Guardian -

● 2024-01-29 - Một tên Thượng Đế-Chúa ngu dốt về vũ trụ, nhưng thích bốc phét là tạo ra vũ trụ - Ri Nguyễn gửi Phaolo Thai & John Tornado -

● 2024-01-29 - Kinh "Thánh" dạy Con Chiên Giết Tất Cả Ai Theo Tôn Giáo Khác - Ri Nguyễn vs John Tomado -

● 2024-01-29 - Nhân Quyền Ở Nước Mỹ: Vụ Án Oan, 70 Năm Sau Khi Tử Hình Bé George Stinney - - Giác Hạnh sưu tầm -

● 2024-01-29 - NOEL - Ba Giáo Hoàng John Paul II, Benedict XVI, Francis I Thú Nhận Đã Bịp Chiên- Cừu Chuyện Jesus Ra Đời - Ri Nguyen -

● 2024-01-29 - Một dàn đồng ca, ngày càng đặt câu hỏi về quyền lực của Giáo hoàng - John L. Allen Jr. -

● 2024-01-29 - Tỷ lệ phá thai nơi người công giáo lại cao hơn nơi người ngoài công giáo! - Lê Hải Nam -


▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 >>>