●   Bản rời    

 Giấu Đầu Lòi Đuôi

Giấu Đầu Lòi Đuôi

Trần Tiên Long

http://sachhiem.net/TTL/TranTL20.php

May-2012

Bài Một Sự Quan Phòng của tác giả Lữ Giang (http://vietlyhuong.net/2012/05/chu-e-toi-ac-vgcs-mot-su-quan-phong.html) đã xác nhận một đôi điều khá lý thú mà từ xưa nay những tác giả hoài Ngô, tàn dư của Cần Lao Công Giáo hoặc có liên hệ tới chế độ Ngô Đình Diệm (NĐD), vẫn thường hay to tiếng phủ nhận, đó là một chế độ gia đình trị và tôn giáo trị. Và hơn thế nữa, bài đó còn tố cáo tác giả có một não trạng tư duy của một con chiên Ca-tô đã bị tẩy não nên những dữ kiện lịch sử đã được tác giả trình bày theo thành kiến giáo điều Thiên Chúa Giáo (TCG).

Việc mang những dữ kiện lịch sử để gán cho sự quan phòng của Thiên Chúa có thể đưa đến kết quả làm nhẹ trách nhiệm của con người, hoặc đem lại sự an ủi cho những người liên hệ sau những hành vi sai lầm nghiêm trọng, có ảnh hưởng rộng lớn đến quốc gia và dân tộc. Người ta thường chủ quan đi tìm những điều tích cực để gán cho ý muốn của Thiên Chúa, nhưng người ta lại dễ dãi bỏ qua những nét tiêu cực đầy dẫy trước mắt mà bất cứ ai có trái tim của một con người bình thường, chẳng cần phải trái tim của một Thiên Chúa “lòng lành và nhân từ vô cùng”, cũng không thể chấp nhận.

Nếu tất cả chỉ là sự quan phòng của Thiên Chúa toàn năng thì tại sao Ngài không để sự việc đừng xảy ra ngay từ lúc ban đầu, chẳng hạn việc giam cầm GM Nguyễn Văn Thuận và những đau khổ Ngài đã phải trải qua? Chúa cứu ngài Giám Mục như thế nào mà chỉ sau khi rời khỏi đất nước VN được dăm ba năm thì Ngài bị bạo bệnh và đã qua đời đau đớn trên giường bệnh. http://www.chinadaily.com.cn/english/doc/2006-01/09/xin_23010309085022658792.jpgNgười ta cũng không quên khi đức Giáo Hoàng John Paul II bị ám sát nhưng không chết, Ngài đã lên tiếng công khai cám ơn Đức Mẹ đã cứu thoát Ngài mà quên cám ơn các bác sĩ đã chữa lành các vết thương cho Ngài. Xe cứu thương đã chở Ngài vào thẳng bệnh viện cấp cứu để gặp các bác sĩ, không phải chở Ngài vào bất cứ một ngôi thánh đường nào để Ngài cầu xin cùng Đức Mẹ. Và Giáo Hội đã và đang rao giảng về sự quan phòng của Thiên Chúa, nhưng khi Giáo Hoàng xuất hiện ở những chốn công cộng thì Ngài luôn luôn ngồi ở trong một cái xe có kính chống đạn và được tiền hô hậu ủng bởi một đội quân bảo vệ rất chặt chẽ. Có một điều gì đó không bình thường giữa sự thể hiện lòng tin không lay chuyển vào sự quan phòng của Thiên Chúa và việc lừa đảo nhân danh lòng đạo đức cho quyền lợi của phe nhóm.

Nhưng thôi, khỏi cần phải bàn sâu hơn nữa việc mang niềm tin tôn giáo để giải thích những sự kiện lịch sử. Ở bài viết này, người viết cố ý muốn trình bày những sai lầm căn bản của một chế độ mà các tác giả hoài Ngô luôn luôn cố gắng đi tìm những lý do để biện minh. Họ đã vô tình để lộ ra rằng đó rõ rệt là một chế độ độc tài gia đình trị và tôn giáo trị. 

--o0o--

Tác giả Lữ Giang viết ở ngay phần nhập đề trong bài Một Sự Quan Phòng như sau:

“Năm 1961, khi ông Trần Văn Lắm được Tổng Thống Ngô Đình Diệm cử đi làm Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Úc Đại Lợi, ông đã năn nỉ thân phụ và thân mẫu Linh Mục Thuận cho một người trong gia đình đến làm việc trong Tòa Đại Sứ Úc ở Canberra với ông. Ông Lắm hy vọng rằng nếu có một người cháu của ông Diệm cùng làm việc với ông, ông có thể dùng người cháu này để nói chuyện với Tổng Thống Ngô Đình Diệm mỗi khi gặp rắc rối với Phủ Tổng Thống VNCH. Vì trong gia đình của cụ Ấm ai cũng đã có công ăn việc làm nên không ai muốn đi. Cuối cùng, gia đình quyết định gởi cô Nguyễn Thị Hàm Tiếu, lúc đó mới 20 tuổi, đến làm việc ở Tòa Đại Sứ Úc.” (Hết trích).

Đoạn nhập đề ngắn ngủi trên đã khẳng định cách dùng người và cách hành xử việc nước của chế độ NĐD được đặt trên sự quan hệ cá nhân, gia đình, và tôn giáo, thay vì trên khả năng chuyên môn của những người cộng tác.

Tôi tự hỏi, một cô bé vừa mới 20 tuổi thì biết gì về vấn đề ngoại giao và việc nước mà được cử đi làm ở tòa đại sứ? Ông Trần Văn Lắm khéo chọn người dựa trên lý do liên hệ gia đình thân thuộc với TT NĐD. Có vẻ như cháu Nguyễn Thị Hàm Tiếu chỉ đóng vai trò của một con tin để bảo vệ quyền lợi cá nhân ông Trần Văn Lắm hơn là một nhân viên phục vụ quyền lợi quốc gia và dân tộc ở một tòa đại sứ. Và TT NĐD lại chỉ tin tưởng ở một cô bé hơn là ở nơi ông đại sứ về những vấn đề quốc gia đại sự, chỉ vì lý do duy nhất cô ấy là cháu ruột của mình. Như vậy, bé gái vừa 20 tuổi này mới thực sự có vai vế cao trọng hơn cả một ông đại sứ. Sự việc này càng xác định thêm những phàn nàn của những nhân viên chính phủ về một ông lãnh chúa miền Trung không mấy có học thức, Ngô Đình Cẩn, không phải là không thuyết phục. Đó chính là độc tài gia đình trị vậy.

Khả năng dùng người của chế độ NĐD cũng đã được Tiến sĩ Phạm Văn Lưu khẳng định ở bài Hiến Pháp 26.10.1956 và Thực Tại Chính Trị Dân Chủ Miền Nam, một bài viết cốt để biện minh những lỗi lầm của chế độ NĐD, như sau:

“Theo ông Ngộ Đình Luyện, trong nội các của Ông Diệm năm 1955, chỉ có 2 đến 3 tổng trưởng là dám nhận lãnh trách nhiệm để điều hành các công việc thuộc phạm vi quyền hạn của họ. Còn những người còn lại, vì sợ trách nhiệm hoặc không đủ hiểu biết chuyên môn để giải quyết các vấn đề khó khăn; do đó, đã tìm mọi cách để tránh né và chuyển gánh nặng hành chánh của họ lên vai Tổng Thống Diệm. Chính vì tình trạng nầy, vào những năm sau cùng của chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa, Tổng Thống Diệm đã phải gởi hang núi hồ sơ cho ông Ngô đình Nhu, người cố vấn thân tín nhất của Tổng Thống để giải quyết. Đó là lý do giải thích tại sao hằng ngày Tổng Thống Diệm đã phải làm việc hết sức cực nhọc từ 5 giờ sáng đến nửa khuya và đôi khi đến 1 hy 2 giờ sáng ngày hôm sau.” (Hết trích).

Những lời biện hộ như trên đã tố cáo khả năng yếu kém trong công việc tuyển dụng nhân viên của một chế độ. Việc điều hành quốc gia thực sự chỉ đặt trên vai hai anh em ông tổng thống và vài ba ông tổng trưởng thì làm sao có thể đưa đến một hiệu quả tốt đẹp cho phúc lợi của dân tộc. Điều khẳng định có tính thuyết phục hơn cả là TT NĐD không phải là một nhà lãnh đạo tài ba để có thể đưa miền Nam VN tới phú cường như Nam Hàn và Đài Loan. Đạo đức cá nhân của ông Diệm thừa hưởng từ một nền giáo dục cực đoan TCG đã không giúp ích gì cho công việc cai trị một đất nước có hơn 90% người dân không thuộc TCG.

Có một sự khác biệt căn bản giữa TT Kennedy và TT NĐD, mặc dù cả hai đều là tín đồ Ca-tô Rô-ma.

Tổng Thống Ngô Đình Diệm đang đón tiếp Hồng Y Agagianan tại Sài Gòn (1959) nhân dịp Tòa Thánh Vatican nâng nhà thờ Đức Bà lên hàng Vương Cung Thánh Đường.

Sau khi Kennedy thắng cuộc bầu cử, người ta lo sợ các chính sách của quốc gia Hoa Kỳ rồi đây sẽ phải lệ thuộc hoàn toàn vào giáo triều Vatican; nhưng việc này đã không xảy ra như vậy; hoặc đã xảy ra, nếu có, chỉ ở một mức độ không đáng kể. Còn TT NĐD thì ngược lại. Ông đã biến một chính quyền miền Nam VN thành phương tiện để phục vụ cho đạo Chúa, một tôn giáo bị điều khiển hết sức chặt chẽ bởi một thế lực ngoại lai, đó là quốc gia Vatican. Về điều này, Linh Mục Trần Tam Tỉnh, một viện sĩ Viện Hàn Lâm Hoàng Gia Canada, trong cuốn Thập Giá Và Lưỡi Gươm mà tác giả Hoàng Thục An đã chuyển một chương Giáo Hội Chiên Thắng (http://sachhiem.net/TONGIAO/TTTINH/TTT_30.php) vào diễn đàn, đã nhận định như sau:

“Từ 1955 đến 1963 là thời vàng son của chủ nghĩa cha chú, với những lợi ích thật chẳng bao nhiêu, nhưng với những hà lạm gây nhiểu tiếng tăm hơn, nhất là trong khi công chúng gồm 90% là ngoài Công Giáo mà bị kiểm hãm dưới một thứ «chính phủ Công Giáo». Khắp nơi, ở thành phố cũng như nông thôn, chiếc áo chùng thâm là biểu tượng của quyền thế.

Tại các vùng Công Giáo di cư, cha xứ là toàn quyền, là những ông vua tuyệt đối. Giám mục Ngô Đình Thục cũng phải thừa nhận những chuyên hà lạm của các nhà độc tài áo đen. Trong một lá thư gởi cho một bạn cũ, ông viết: «Người ta có cả trăm hồ sơ, tố cáo các linh mục ăn cắp tiền của di cư, bằng những danh sách ma, bằng cách tẩy xóa sổ sách, bằng cách thu xếp để chiếm đoạt tiền bạc của chương trình Cải cách ruộng đất, hoặc bán hàng viện trợ Mỹ (theo các lời tố cáo của chính bà con di cư) hay là giữ tiêu riêng các khoản tiền họ nhận để xây dựng nhà ở cho bà con di cư: Nhà nước (và cả Giáo quyền) dễ dãi cứ nhắm mắt làm ngơ cái vụ đó, bởi vỉ linh mục rất cần cho việc huy động dân chúng trong cuộc chống Cộng.

Tại thành thị, các linh mục chẳng có bằng cấp, chẳng tài giỏi gì, mà vẫn điều khiển các trường tư thục, được tổ chức những áp phe vơ vét tiền bạc. Hai linh mục đã được cử làm viện trưởng của hai trong ba đại học của toàn miền Nam, trong đó có đại học Đà Lạt. Đại học này chỉ là Công Giáo nơi danh nghĩa thôi. Đất đai và cơ sở kiến trúc của nó đều do Nhà nước đài thọ. Để có nguồn thu nhập cho đại học, giám mục Thục đã giành được độc quyền các vùng đốn cây tại Định Quán, là điểm ngon nhất nước. Ông cũng xin được những thửa đất ruộng mênh mông dọc bờ biển, để trồng dương liễu và dừa; công viện này được tiến hành nhờ có tiền vay được hàng triệu đồng của chính phủ. Đã có đại học Công Giáo thì phải có sinh viên. Song Đà Lạt là một thành phố nhỏ miền cao nguyên, ở xa các trung tâm đô thị lớn và nhất là nó chỉ là một thành phố biệt thự dành cho hạng giàu có. Muốn cho đại học Công Giáo này hoạt động, chính phủ quyết định dời khoa sư phạm Sài Gòn lên, đem theo toàn bộ sinh viên, anh chị em nào cũng có học bổng Nhà nước cấp.” (Hết trích)

Đấy là bức tranh xã hội của miền Nam VN trước năm 1963 được vẽ rất chính xác bởi một linh mục lúc đó đang phục vụ cho một tôn giáo có nhiều ưu đãi nhất từ chính quyền NĐD. Những lý do để phản bác tác giả thường bắt gặp ở những bài viết hoài Ngô của tàn dư Cần Lao Công Giáo, chẳng hạn như không có bằng cấp chuyên môn, không ở trong tôn giáo mà phán xét về vấn đề tôn giáo, là một kẻ vô lại, chẳng có địa vị gì trong xã hội, viết do động cơ tâm lý xấu xa, hoặc viết theo đơn đặt hàng của Bắc Bộ Phủ, nâng bi Cộng Sản, v/v… không còn thuyết phục đối với con người tác giả Linh Mục Trần Tam Tỉnh. Lịch sử là vấn đề của sự kiện, và sự kiện thì bao giờ cũng vẫn là sự kiện, cho dù cất giấu nó bằng cách nào. Cây kim cất giấu trong bọc áo từ bao lâu nay bây giờ đã lòi ra.

Tác giả vẽ tiếp:

“Bên cạnh chủ nghĩa hiếu thắng bề ngoài đó, phải nói thêm một thứ hiếu thắng khác về «mục vụ» như là đặc điểm của Giáo hội thời kỳ này, đó là việc đưa dân ngoại vào đạo. Giám mục Angxen (Ancel) phụ tá địa phận Lyon, đã nhắc lại lời giám mục Thục: «có những làng nguyên vẹn xin chịu phép rữa tội. Người ta không làm sao dạy giáo lý kịp cho họ… Và ông kết luận: «Đây là nước duy nhất tại Viễn Đông (không kể Philippin) đang trên đà trở lại đạo cả nước». Những con số người lớn chịu rữa tội, nhất là tại địa phận Qui Nhơn xem ra phù hợp với cảm tưởng của vị giám mục Pháp: 16.323 năm 1956-1957, 27.385 năm 1958-1959, 37.429 năm 1960-1961. Năm 1959, tại Qui Nhơn, chỉ trong một tháng, 61.000 người xin chịu phép rửa tội. Ơn Chúa hình như, đùng một phát, tuôn xuống như mưa trên địa phận của giám mục Phạm Ngọc Chi, giám mục phụ trách di cư những năm 1954-1956, ông đã nhận được từ cơ quan Viện trợ Công Giáo Hoa kỳ 38 triệu đô la, của tổ chức viện trợ Pháp cũng như Caritas quốc tế còn nhiều triệu khác nữa.”

Đó là công lao của một con chiên đối với giáo hội Ca-tô Rô-ma, không phải là thành quả của một tổng thống đối với quốc gia và dân tộc. Và đó chính là lý do tại sao đã một nửa thế kỷ qua mà những tàn dư Cần Lao Công Giáo vẫn còn hoài Ngô, cuồng vọng nuối tiếc một thời từng làm mưa gió trên quê hương VN. Nếu cần phải tìm một nhân vật để phong thánh dựa trên những việc làm lợi ích cho giáo hội Ca-tô Rô-ma thì chắc chắn TT NĐD là một ứng viên xứng đáng nhất, bỏ xa cả cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Những nét tích cực của chế độ NĐD đã được nhóm hoài Ngô trình bày bằng cách viết lại lịch sử trong vài chục năm qua thì ngày nay đã được vạch trần trước ánh sáng của công luận, phần lớn do những tác giả hiện đang được sưu tập lại ở hai trang nhà giaodiemonline.com và sachhiem.net.

Người ta dễ dàng nhận ra ngay rằng, những điều tâng bốc quá mức của những kẻ cực đoan mang bệnh sùng bái lãnh tụ thực ra chỉ là những điều bình thường mà bất cứ một lãnh tụ nào nếu ở vào hoàn cảnh đặc biệt đó cũng có thể đạt được. Hoàn cảnh đó là gì? Đó là sự trợ giúp vô điều kiện của Hoa Kỳ và thế giới tự do; niềm hy vọng và phấn khởi của người dân miền Nam vừa thoát khỏi chế độ đô hộ của thực dân, cùng đồng lòng chung sức xây dựng đất nước theo mô hình xã hội dân chủ, tự do; và tình trạng chính trị của chính quyền miền Bắc chưa sẳn sàng thực hiện một cuộc chiến tranh toàn diện. Những năm tháng đầu tiên còn thanh bình là hệ quả tất yếu của một hoàn cảnh như vừa nêu.

Làm sao người ta có thể khẳng định được TT NĐD là một nhà lãnh đạo anh minh, tài giỏi, trong khi ông không thể giữ vững ngôi vị sau chín năm cầm quyền? Trong tay hai anh em ông nắm gọn mọi quyền lực, bao gồm cả ba quyền hành pháp, lập pháp, và tư pháp, nhưng vẫn không tránh khỏi một cuộc đảo chánh bởi những phần tử thuộc hạ thân tín? Làm chính trị thì phải đạt cho được quyền lực. NĐD đã có quyền lực trong tay bằng cách thủ tiêu các lãnh tụ của các đảng phái quốc gia đối lập, nhưng ông không có đủ tài trí để giữ nó, ít nhất đủ để có thời gian chuyển quyền cho một kẻ kế vị, và kết quả là cái chết của cả một chế độ.

Dĩ nhiên, không ai lấy thành bại để luận anh hùng, nhưng người ta có thể lấy nó để xác định mức độ khả năng trí tuệ của một nhà lãnh đạo. Những thành quả tích cực do các thuộc hạ đạt được sẽ là những lời khen lên tận mây xanh dành cho một lãnh tụ; nhưng những sai lầm của họ thì mãi mãi là những lời nguyền rủa cho riêng họ suốt đời, làm như không mắc mớ gì tới vị lãnh tụ anh minh của họ. Mới hay, việc dùng người là cả một nghệ thuật không thể thiếu ở bất cứ một nhà lãnh tụ tài ba nào. Và cố TT NĐD đã không có tối thiểu một khả năng nghệ thuật cần thiết này. Sự độc tài gia đình trị và tôn giáo trị là nguyên nhân chính yếu dẫn đến cái chết tức tưởi của nguyên một gia đình và chế độ.

Trần Tiên Long