Kỳ 17: Vai Trò Của Giáo Hội La Mã Quanh Việc Pháp Tấn Công Đà Nẵng

Đề tài nói chuyện thứ 17:

Vai Trò Của Giáo Hội La Mã Quanh Việc Pháp Tấn Công Đà Nẵng

Nguyễn Mạnh Quang

http://sachhiem.net/NMQ/NMQ95_Hoithao.php

10-Aug-2018

Bài viết này gồm có các tiết mục dưới đây:

1.-/ Dẫn Nhập

2.-/ Tham vọng thống trị toàn cầu của của giáo triều Vatican.

3.-/ Kế hoạch hành động đánh chiếm Việt Nam làm thuộc địa

4.-/ Năm lần Vatican nỗ lực vận động Pháp & Mỹ cấu kết với Vatican đánh chiếm Việt Nam

5.-/ Những chiến dịch Liên Quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng.

6.-/ Kết luận

I.  Dẫn Nhập

Việc Liên Quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng trong thời gian 1/9/1858 - 18/11/1859  nằm trong (1) tham vọng thống trị toàn cầu của Vatican như sẽ được chứng minh, (2) Kế hoạch đánh chiếm Việt Nam làm thuộc địa do giáo triều Vatican biên soạn  và (3) 5 lần Giáo Hội La Mã kiên trì nỗ lực vận động Pháp và Hoa Kỳ liên kết với giáo triều Vatican xuất quân đánh chiếm Việt Nam. Như vậy, thảo luận vấn đề Liên Quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng vào ngày 1/9/1858 và các lần kế tiếp, thiết tưởng cũng cần phải nói đến những sự kiện nói trên, và do đó đề tài này được chọn cho buổi tham luận.

II.  Tham Vọng Thống Trị Toàn Cầu Của Vatican

[Tiết mục này cũng trả lời cho câu hỏi: Có phải "cấm đạo" là nguyên nhân khiến Pháp và Tây Ban Nha mở cuộc tấn công Đà Nẵng năm 1858?]

Giáo Hội La Mã vốn đã có tham vọng thống trị toàn cầu và nô lệ hóa bằng hệ thống tín lý Ki-tô. Tham vọng này đã được thể hiện ra bằng những lời tuyên bố cùng những quyết định và các sắc chỉ mà giáo trều Vatican đã ban hành từ thế kỷ thứ 5 cho đến kỷ 15.

Giáo Hoàng Leo I (440 - 461) đã tuyên bố: "Quyền hành của giáo hoàng phải bao trùm lên tất cả quyền hành của các nhà cầm quyền thế tục". (Anh ngữ: "He has declared the authority of the Roman Bishop over all temporal rulers as well." Cựu Giáo sĩ Martin Malachi, Decline and Fall, p. 64)

Vấn đề này đã được chúng tôi trình bày đầy đủ trong Chương 13 sách Tâm Thư Gửi Nhà Nước Việt Nam, có tựa Chủ Trương Thống Trị Toàn Cầu Và Nô Lệ Hóa Nhân Loại Của Nhà Thờ và bài “Vơ Vét Quyền Lực – Bản Tuyên Cáo,”Dictatus papae” Thời Giáo Hoàng Gregory VII”, [trong đó, rõ ràng nhất là Sắc Chỉ Romanus Pontifex được ban hành vào ngày 8/1/1454 trong thời Giáo Hòang Nicholas V (1447-1455).(1)

Để có thể  đạt được tham vọng trên đây, giáo triều Vatican quyết định thi hành chính sách cấu kết với (1) các cường quyền bản địa để cùng cố và duy trì quyền lực tại các quốc gia địa phương, và (2) các đế quốc Âu Mỹ để bành trướng thế lực ra ngoài lục đia Âu Châu. Chính sách này cũng đã được chúng tôi trình bày khá đầy đủ trong Chương 6 có nhan đề là “Vatican Các Cấu Kết Với Cường Quyền Và Đế Quốc Âu Mỹ Để Đánh Chiếm Đất Đai Làm Thuộc Địa” .

Trước vụ tấn công Đà Nẵng năm 1858, các nhà truyền giáo cũng đã công khai nói ra ý đồ xâm chiếm nước Việt Nam như sau:

Gíam mục Retord tuyên bố:

Nếu nước Pháp chinh phục xứ này (và việc này không khó) và cai trị trực tiếp, người dân Bắc Kỳ sẽ khá hài lòng, nhưng họ thích sống dưới sự bảo hộ và ảnh hưởng của Pháp với một ông Vua riêng của nước họ hơn". (2) [Thư của GM Retord gửi ông Kleczibukowski]”

Linh mục Huc còn đi xa hơn: Chế độ bảo hộ chỉ là giai đoạn đầu, mục đích là chiếm luôn cả xứ làm thuộc địa. Ông giải thích trước Ủy Ban Nam Kỳ:

Có một gia đình xưng là thuộc ngành vua chính thống mà có lẽ chúng ta có thể xử dụng để lật đổ triều đại hiện giờ…nên ngay từ nguyên tắc phải thiết lập chế độ bảo hộ cùng với việc giữ yên nhà Vua lại trên ngôi, nghiên cứu việc tổ chức xứ sở ấy (xứ này tổ chức gần giống chúng ta) và cuối cùng chúng ta tuyên bố chúng ta là chủ của xứ đó”[Trả lời của linh mục Huc biên bản buổi họp thứ năm].(2)

Tại Việt Nam, việc khinh thị văn hóa dân tộc ta đã có từ khi cố đạo Alexandre De Rhodes viết sách miệt thị các tôn giáo và nếp sống văn hóa cổ truyền của nước ta (cuốn Phép Giảng Tám Ngày, in năm 1651). Chuyện cấm đạo chỉ là một “phản ứng tất yếu của triều đình” khi các nhà truyền giáo xúi giục bọn con chiên bản địa nổi loạn, bất tuân luật pháp triều đình nhà Nguyễn (sẽ được trình bày thêm ở sau). Chính những sự việc gây bất bình và bất ổn này là nguyên nhân để triều đình phải dùng biện pháp mạnh hầu tái lập trật tự an ninh. Trong lúc đó, các nhà truyền giáo cho rằng chính quyền ta đã bách hại đạo Thiên Chúa, và lấy cớ đó mà đem quân tấn chiếm nước ta. Do đó, trong vụ Pháp và Tây Ban Nha tấn công vào Đà Nẵng năm 1858 lấy cớ rằng Vua nước ta “cấm đạo” chỉ là thủ đoạn để che đậy tham vọng của liên minh Vatican và Pháp mà thôi.

III.  Kế Hoạch Đánh Chiếm Việt Nam Làm Thuộc Địa Của Vatican

Để có thể có một kế hoạch đánh chiếm Việt Nam làm thuộc địa một cách hoàn hảo, giáo triều Vatican đã điều nghiên biên soạn một kế hoạch hành động theo từng bước một như sau:

BƯỚC THỨ 1:

Sai phái một đạo quân điệp viên chuyên nghiệp đến vùng mục tiêu đã được chiếu cố, trong đó có Việt Nam để:

a.- Lân la tiếp xúc với những người dân cùng khổ hay những người đang ở trong hoàn cảnh khó khăn để mua chuộc họ bằng vật chất, tiền mặt, hoặc thuốc men như thuốc Kí-ninh để chữa bệnh sốt rét. Họ luôn nhắc nhở phải và cầu nguyện Chúa, và cám ơn Chúa..

b.- Thuyết phục để mua con em của những người cùng khổ đem về nuôi dưỡng, và hứa hẹn một tương lai xán lạn . (3)  Tìm kiếm những đứa trẻ mồ côi, không cha, không mẹ lượm đem về nuôi ở trong các viện mồ côi rồi rửa tội cho chúng theo đạo.

Những người được giúp đỡ về vật chất như vậy rất sẵn sàng tin và theo đạo Ki-tô

BƯỚC THỨ 2:

Qui tụ tất cả các tín đồ đã dụ khi được vào cư ngụ chung với nhau trong một khu riêng biệt, gọi là xóm đạo hay làng đạo hoặc họ đạo. Làm vậy họ đã cô lập con chiên hoàn toàn cách biệt với nếp sống văn hóa cổ truyền của đại khối nhân dân bản địa.

Mục đích đầu tiên của việc gom giáo dân là để dễ dàng thi hành chính sách ngu dân, cấy vào đầu óc họ:

- những tín lý Ki-tô phản tiến hóa như: "Niềm tin không cần đến lý trí," “Phúc cho ai không thấy mà tin”.

- những chuyện phản nhân luân, như “Thà mất nước, chứ không thà mất Chúa!(4) ,

- dạy tín đồ “Phải giấu kín những chuyện tội lỗi, dù có thật, xẩy ra ở trong các giáo xứ, không nên để cho người ngoại đạo được biết. (5) ,

- Can thiệp vào chính trị hết sức trơ trẽn bằng cách dạy các tín đồ:  

Không thừa nhận quyền lực Nhà Vua và luật pháp nước sở tại. Họ nói với các “con chiên”: Đức Giáo Hoàng ở La Mã (Rome) mới là vị vua tối cao duy nhất của họ, và chỉ tuân phục quyền lực Tòa Thánh Vatican.”(6) ,

Căn cứ vào những lời dạy tín đồ trên đây của các nhà truyền giáo, chúng ta có thể khẳng định rằng, những tín đồ Ki-tô ngoan đạo đã trở thành:

- những người không còn lý trí  để phân biệt giữa những hành động yêu nước và những hành động phản quốc

-  mất hết lương tâm, nhân tính và trở thành  “những tên sát nhân cuồng nhiệt” (Trần Tam Tình, Thập Giá Và Lưỡi Gươm (TP Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Trẻ, 1978), tr 104.  

Mục đích thứ hai của xóm đạo là dễ dàng đoàn ngũ hóa giáo dân thành các đạo quân thập tự bằng những danh xưng tàng hình như Đạo Binh Đức Mẹ, Hội Con Đức Mẹ, Hội Công Giáo Tiến Hành, Đạo Binh Xanh, Hội Các Bà Dòng Ba,Hội Thánh Giuse Lao Công, v.v... Nhiệm vụ của các đạo quân nội trùng này là:

a.- Giúp đỡ hay tiếp tay các tay tổ điệp viên của giáo triều Vatican (phần lớn là các giáo sĩ truyền đạo) trong công việc dò la và thâu thập tin tức cho giáo sĩ gián điệp gửi về giáo triều Vatican để họ điều nghiên kế hoạch đánh chiếm Việt Nam;

b.- Nằm tiềm phục trong họ đạo và chuẩn bị sẵn sàng khi có lệnh thì nổi dậy hoặc là đánh phá chính quyền ta, hoặc là tiếp tay cho quân giặc.

BƯỚC THỨ 3:

Sai phái các nhà thuyết khách đến Paris trổ tài uốn lưỡi Tô Tần thuyết phục triều đình Pháp cấu kết với Giáo Hội La Mã và xuất quân đánh chiếm Việt Nam làm thuộc địa. Mục đích của họ là cướp đoạt tài nguyên, cùng cưỡng bách dân ta làm nô lệ và cung bóc lột dân ta đến tận xương tận tủy bằng nhiều thứ thuế khóa và rất nhiều thứ đóng góp khác về nhân lực và vật lực.

IV.  5 Lần Vatican Vận Động Pháp và Mỹ Cấu Kết Với Vatican Đánh Chiếm Viêt Nam Làm Thuộc Địa

Các tài liệu mà chúng tôi tham khảo cho thấy rằng từ giữa thế kỷ 16 cho đến đầu thập niên 1950, giáo triều Vatican đã 5 lần gửi các nhà thuyết khách đến kinh thành Paris và Kinh Thành Washington D.C. để thuyết phục chính quyền Pháp và chính quyền Hoa Kỳ cấu kết với Giáo Hội La Mã dùng sức mạnh quân sự để đánh chiếm Việt Nam làm thuộc địa.

Dưới đây là 5 lần giáo triều Vatican vận động Pháp và Hoa Kỳ đánh chiếm Việt Nam:

1. Lần thứ nhất

được tiến hành vào khoảng mùa thu năm 1652, người được Vatican phái đi làm thuyết khách là Linh-mục gián điệp Alexandre de Rhodes. (7)

Tuy nhiên, sứ mạng của Linh-mục Alexandre de Rhodes tại triều đình Vua Louis XIV (1643-1715) thất bại. Lý do là nước Pháp lúc đó vừa ở trong tình trạng tài chính thiếu hụt do việc xây cất tòa lâu đài Versailles gây ra, vừa mới thoát ra cuộc chiến (1618-1648) giữa các hệ phái Tin Lành và hệ phái Ki-tô La Mã. (8)

Rồi sau đó, Pháp lại lao vào cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng với Tây Ban Nha ở Bỉ và Hòa Lan. Vì thế mà triều đình Pháp Hoàng Louis XIV (1643-1715) không để tâm đến những lời thuyết phục của Vatican. Vấn đề này đã được chúng tôi là trình bày với đầy đủ với nhiều chi tiết được dẫn chứng chứng bằng các tài liệu lịch sử rất khả tín trong Chương 21 có nhan đề là “Giáo Hội Vận Động Lần Thứ Nhất, Nhưng Không Thành Công sách Lịch Sử và Hồ Sơ Tội Ác Của Giáo Hội La Mã.

2. Lần thứ 2

được tiến hành vào những năm 1785-1787 và người được Vatican phái đi thuyết phục chính quyền Pháp là Giám-mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc). Lần này tưởng như đã thành công vì vị giám mục này đã nhân danh Nguyễn Ánh ký với chính quyền Pháp Thỏa Hiệp Versailles vào ngày 21/11/1787, theo đó thì Pháp sẽ viện trợ quân sự cho Nguyễn Ánh để đánh bại nhà Tây Sơn, đổi lại Nguyễn Ánh phải chấp nhận một số điều kiện do Pháp đưa ra có lợi cho cả Pháp và Vatican theo như ý muốn của hai thế lực này. Các nhà viết sử cho rằng hiệp ước này tạo lý do cho Liên Minh Pháp -Vatican sau này tiến quân đánh chiếm Việt Nam.

Thế nhưng, Thỏa Hiệp Versailles vừa mới ký xong, thì vào đầu năm 1788 (mùa đông), nước Pháp rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chánh, nhân dân Pháp đói khổ, xã hội Pháp rối loạn và tình hình chính trị tại Pháp càng ngày càng trở nên bất ổn, rồi Cách Mạng Pháp 1789 bùng nổ, và chính quyền Cách Mạng 1789 không  thi hành Hiệp Ước Versailles. Đứng trước tình trạng này, Vatican dồn nỗ lực vận động gây quỹ và bỏ tiền riêng của Vatican ra sắm tầu, mua khí giới và tuyển mộ lính thập tự đánh thuê đem sang giúp Nguyễn Ánh để đánh bại Nhà Tây Sơn với dã tâm sẽ dùng Nguyễn Ánh hay Hoàng Tử Cảnh làm con bài Ki-tô hóa Việt Nam theo hệ thống dọc từ trên xuống dưới, nghĩa là sẽ biến Nguyễn Ánh thành Constantine ở Việt Nam.

Nhưng rồi, “thiên bất dung gian”. Khi Nguyễn Ánh đang trên đà chiến thắng thì Bá Đa Lộc qua đời đột ngột vào ngày 9/10/1799 và Hoàng Tử Cảnh cũng đi theo bố nuôi (Godfather) Bá Đa Lộc về nước Chúa vào ngày 20/3/1801 vì bị bệnh đậu mùa. Sau khi thành công lên ngai vàng tại Phú Xuân vào tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802), lấy đế hiệu là Gia Long, Nguyễn Ánh lại tìm cách lảng tránh các ông giáo sĩ Ca-tô đàn em của Bá Đa Lộc. Vì thế mà âm mưu của Vatican định biến Nguyễn Ánh hay Hoàng Tử Cảnh thành một Constantine ở Việt Nam bị thất bại.

3. Lần thứ 3:

(Tiết mục này cũng trả lời cho câu hỏi: Vai trò của các giáo sĩ Pháp trong việc thúc giục Triều đình Pháp mở cuộc tấn công Đà Nẵng năm 1858).

Đối với Vatican, việc đánh chiếm Việt Nam để tiến hành kế hoạch Ki-tô hóa dân ta từ trên xuống dưới là một kế hoạch trường kỳ mai phục. Vì thế mà việc thất bại trên đây cũng không làm cho Vatican nản lòng chùn bước, họ vẫn tiếp tục theo đuổi mưu đồ bất chính này bằng một kế hoạch khác, đó là mỹ nhân kế, cách gài người rất tinh vi.

Mỹ nhân kế đã từng được Vatican sử dụng trong thời Vua Louis XIV (1643-1715) để lôi kéo triều đình Pháp cùng với giáo hội đem quân tấn công nước Anh.

Đối với Việt Nam, trong lần vận động thứ ba, Vatican gài con chiên ngoan đạo của mình vào chốn phòng the của Hoàng Đế Napoléon III.  Hoàng Hậu Eugénie Marie de Montijo de Guzman trẻ đẹp (1826-1920) so với ông chồng Napoléon III già hơn 18 tuổi (sinh năm 1808). Hoàng hậu ỏn thót với Hoàng Đế Napoléon III để chấp thuận đề nghị do các tay tổ thuyết khách của Vatican đề xuất. Đó là Giám Mục Pellerin, Giám Mục Retord, Linh Mục Legrand de la Liraye, Linh Mục Libois, và Linh Mục Huc.

Trong những bức thư vận động của các giáo sĩ kể trên, mỗi người vẽ ra những bức tranh ở Đông Dương dưới mỗi khía cạnh khác nhau về sự có lợi khi chiếm Việt Nam, nhưng tựu trung là thuyết phục Vua Napoleon III phải quyết định nhanh chóng.

Linh mục Huc đưa ra 3 điều lợi: chiến lược, kinh tế và thương mại, và tôn giáo: “Dân chúng hiền hòa, cần mẫn, rất dễ dãi đối với việc truyền bá đức tin. Chỉ cần một ít thời gian là có thể cải hóa toàn bộ thành tín đồ Gia tô và con dân trung thành với Pháp”.  (Cao Huy Thuần, sđd, trang 39)


Giám Mục Pellerin

Giám mục Pellerin theo lời khuyên của đồng sự, đi Pháp để trình bày trình trạng thê thảm của các phái bộ thừa sai “Nếu bây giờ chẳng ai làm gì cả cho chúng tôi, e rằng Gia tô giáo sẽ bị tiêu diệt tại các vùng đất có vẻ rất sẵn sàng đón nhận ân đức của tôn giáo này và của văn minh…” (Cao Huy Thuần, sđd, trang 41)

Giám mục Retord thì viết: “Nước Pháp sẽ tìm thấy ở xứ sở đẹp đẽ này nhiều mỏ vàng, bạc, đồng, sắt và than đá, nhiều gỗ tốt để đóng tàu…” (Cao Huy Thuần, sđd, tr. 47)

Còn linh mục Le Grand de la Liraye gởi cho Vua Napoléon III bản luận cương rất thuyết phục khoảng tháng 12 năm 1857 (nhưng Napoléon III đã ra lệnh can thiệp vào Việt Nam 1 tháng trước đó rồi). Trong các nhận định tình thế ở Việt Nam thuận lợi cho việc xâm chiếm, linh mục LeGrand còn đề nghị cuộc tấn công ngoại giao, kế hoạch hành quân, chỉ rõ các địa điểm nên chiếm, ước lượng luôn cả số tàu và quân đội cần đưa đến Việt Nam.

Giám Mục RetordLM Legrand de la Liraye

Trái: tiểu sử của Giám Mục Retord trong danh sách hàng giáo phẩm trong Gia-tô giáo.
Phải: [đoạn văn có ghi LM Legrand de la Liraye giúp quân Pháp đánh Nhà Nguyễn năm 1858]

Rõ ràng sự can thiệp và chính sách của các giáo sĩ đưa ra đề nghị với Pháp hoàng là chủ trương xâm chiếm thuộc địa vĩnh viễn ở Việt Nam.

4. Lần thứ 4:


cựu Linh-mục và là
Đô Đốc Georges Thierry d' Argenlieu

Vatican Cấu Kết Với Pháp Đem Quân Tái Chiếm Đông Dương vào mùa thu năm 1945. Lúc đó cả Tổng Thống Charles de Gaulle và giáo triều Vatican đều có chủ tâm tái chiếm Đông Dương để phục hồi quyền lực cho cả Pháp và Giáo Hội La Mã. Vì thế mà ngay sau khi Nhật Bản vừa mới đầu hàng Đồng Minh vào ngày 15/8/1945, thì ngày 17/8/1945, Tòa Thánh Vatican và Pháp đồng thuận bổ nhậm một cán bộ trung kiên của Giáo Hội La Mã là cựu Linh-mục Georges Thierry d' Argenlieu làm Cao Ủy Đông Dương (tức là chức vụ Toàn Quyền Đông Dương trong thời kỳ 1887-1945). Việc bổ nhậm này được coi như là một “thông điệp” gửi cho gần hai triệu tín đồ Ca-tô người Việt với thâm ý nhằm khích lệ họ hăng hái nổi lên tiếp tay Đoàn Quân Viễn Chinh Liên Minh Pháp - Vatican trở lại tái chiếm Đông Dương. (9)


Giám Mục Anthony Drapier

Ghê gớm hơn nữa, hơn 3 tháng sau đó, cuối tháng 12/1945, người đại diện của giáo triều Vatican là Tổng Giám Mục Antoni Drapier với chức vụ khâm sứ của Tòa Thánh Vatican tại Huế lại đề xuất ngược ngạo đưa Bảo Đại lên thành lập chính quyền bù nhìn làm tay sai cho chúng để  chống lại chính quyền Kháng Chiến Việt  Nam dưới quyền lãnh đạo của nhà ái quốc lão thành Hồ Chí Minh.. (10)

Vì thế mà toàn thể nhân dân Việt Nam phải lao vào cuộc chiến đánh đuổi Liên Minh Pháp – Vatican. Cuộc chiến này kéo dài cả 9 năm, buộc Pháp phải công nhận chủ quyền độc lập của dân tộc Việt Nam rồi rút quân về nước. Sự kiện này khiến cho Liên Minh Xâm Lược Pháp tan vỡ.

5. Lần Thứ 5:


Hồng Y Francis Spellman và Giáo Hoàng Pius XII

Mặc dù Pháp công nhận chủ quyền độc lập của dân tộc Việt Nam và rút quân về nước, nhưng Vatican vẫn còn có tham vọng bám chặt lấy Việt Nam. Đây là nguyên nhân khiến cho Giáo Hoàng Pius XII (1939-1958) ra lệnh Giám Mục Ngô Đình Thục dẫn ông Ngô Đình Diệm sang Mỹ để tìm thế lực qua Hồng Y Francis Spellman. Hồng y này là bạn của Giáo Hoàng Pius XII lúc cùng tu học ở Rome. Ông cũng là Tổng Tuyên Úy quân đội Hoa Kỳ, nằm trên đỉnh mạng lưới siêu quyền lực gồm siêu quí tộc/tài phiệt/chính trị/tình báo/quân sự liên quốc gia (viết tắt là SMOM).

[Ở Khách Sạn Mayflower ở Washington D.C. vào tháng 10 năm 1950, khi các nhà chính khách Hoa Kỳ hỏi ông Ngô Đình Diệm về kế hoạch hành động nếu được đưa lên cầm quyền ở Việt Nam. Ông Diệm trả lời, “Tôi tin tưởng vào quyền lực của Vatican và tôi chống Cộng một cách cực lực,” [COO. Tr. 242]. (11) Sư kiên này cho thấy rõ ông Ngô Đình Diệm chỉ biết hành động theo lệnh truyền của Vatican, chứ không có một khả năng chính trị gì cả để đảm nhiệm chức vụ thủ tướng của một chính quyền.]

Kể từ đây Vatican kết hợp với Hoa Kỳ tách rời phần đất miền Nam vĩ tuyến 17 để biến phần đất này thành một quốc gia riêng biệt để cải đạo toàn miền như lời ông Ngô Đình Nhu đã tuyên bố  “chỉ trong mười năm cầm quyền thì toàn thể nhân dân sẽ sẽ theo đạo Công Giáo hết(12)

V.  Liên Quân Pháp – Tây Ban Nha Tấn Công Đà Nẵng

A. Sơ Lược Vụ Tấn Công.

Sau khi điều nghiên các tin tức tình báo do các giáo sĩ thừa sai như  Pellerin, Retord, Dubois, Huc, Libois, Legrand de la Liraye, v.v… cung cấp nhiều nguồn tin, và qua hai lần thử sức với quân lực nhà Nguyễn trước đó vào giữa tháng 4 năm 1847 và cuối tháng 9 năm 1857, Ủy Ban Nam Kỳ (Commission de la Cochinchine) dưới quyền chủ tọa của Nam Tước Brenien quyết định đúc kết thành một kế sách chọn Đà Nẵng làm mục tiêu khởi điểm tấn chiếm để làm bàn đạp tiến lên đánh chiếm kinh thành Huế. Nếu thành công, thì sẽ thừa thắng xông lên cưỡng bách Vua Tự Đức hay triều đình Huế phải cúi đầu nhận chịu tất cả những điều kiện do họ đưa ra.

Trong lúc đó, “phe Công Giáo được Hoàng Hậu Eugénie thúc đẩy, Napoléon III quyết định chiếm lấy một vị trí làm căn cứ trên bờ biển Việt Nam. (13) Chính vì thế mà vua Napoléon III mới chấp thuận rồi ra lệnh (vào tháng 8 năm 1858) cho Đô Đốc Rigault de Genouilly đảm nhiệm việc tấn công Đà Nẵng. Lúc đó, ông đô đốc này đang chỉ huy đạo quân Pháp phối hợp với quân Anh trong chiến dịch tấn công Thượng Hải ở Trung Hoa. Chiến dịch hành quân này vừa mới kết thúc bằng Hiệp Ước Thiên Tân ký kết ngày 28/6/1858, giữa một bên là Liên Minh Quân Sự Anh – Pháp và một bên là chính quyền Trung Quốc.

Sở dĩ họ chọn Đà Nẵng làm mục tiêu đầu tiên để tấn công là vì Đà Nẵng (1) nằm ngay trên hải cảng rất tốt thuận tiện cho tầu thuyền ghé bến, (2) chỉ cách Huế có 100 cây số, rất dễ dàng tiến ra chiếm Huế, và (3) nằm trên trục giao thông ra Bắc, vào Nam cũng như tiến sang Ai Lao và Cao Mên. Ngoài ra, gần Đà Nẵng lại còn có cánh đồng Nam– Ngãi được coi như là vựa lúa có thể dùng để nuôi quân và có nhiều giáo dân thân Pháp (theo thông tin của các nhà truyền giáo).


Đô Đốc Rigault de Genouilly

Cuối tháng 8/1858, xuất phát từ Đảo Hải Nam, Đô Đốc Rigault de Genouilly đem một lực lượng khoảng hơn 3 ngàn quân chính quy và 14 chiến tầu được trang bị đầy đủ bằng những loại vũ khí được coi như là hiện đại vào đầu thế kỷ 19 (trước đó khoảng 30-40  năm). Lực lượng này được phối hợp với gần 500 quân chính quy của Y Pha Nho, tức là Tây Ban Nha (dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Landarot) đến bỏ neo ở ngoài khơi Đà Nẵng. Chiều tối ngày 31/8/1858 lực lượng Liên Minh Xâm Lược Pháp – Tây Ban Nha nằm dưới quyền chỉ huy của Đô Đốc Genouilly đã sẵn sàng trong tư thế tấn công vào Đà Nẵng. (14)

Sáng ngày 1/9/1858, Genouilly gửi tối hậu thư cho quan trấn thủ Đà Nẵng đòi hỏi trong hai giờ đồng hồ phải giao nộp Đà Nẵng cho liên minh giặc. Quan trấn thủ Đà Nẵng không trả lời. Lực lượng phòng thủ của quân ta tại Đà Nẵng lúc đó có vào khoảng gần 2100 quân chính quy dưới quyền chỉ huy của Tổng Đốc Nam Ngãi Trần Hoằng, và sau đó được tăng viện thêm 2000 quân dưới quiyên chỉ huy của quan Đô Thống Lê Đình Lý từ Huế đến..

Đúng hai giờ sau khi gửi tối hậu thư, liên quân giặc cho nã đại pháo như mưa vào cửa sông Đà Nẵng và các đồn của quân ta ở Sơn Trà (còn gọi là Tiên Sa). Ngày 2/9/1858, liên quân giặc tiếp tục nã đại pháo vào các mục tiêu trên đây và đổ bộ tiến chiếm bán đảo Sơn Trà, đồn An Sáng và đồn Điện Hải. Quân ta không chống nổi, phải lui vào trong nội địa và lập phòng tuyến ở Liêu Trì gần kế hụyện Hoa Vang để ngăn chặn địch quân.


bán đảo Sơn Trà

Sau khi chiếm Sơn Trà, liên quân giặc tiến vào nội địa chọc thủng phòng tuyến của quân ta tại Mỹ Thi rồi tiến chiếm Cẩm Lệ. Đô Thống Lê Đình Lý bị trọng thương và chết tại trận. Được tin buồn này, Vua Tự Đức cử Thống Chế Chu Phúc Minh (có tài liệu ghi là Tống Phúc Minh) ra tạm thời thay thế Đô Thống Lê Đình Lý. Sau đó nhà vua lại cử Tướng Nguyễn Tri Phương (đang giữ chức Kinh Lược Sứ Nam Kỳ) chính thức làm Tổng Thống Quân Vụ Quảng Nam, và cử thêm ông Phạm Thế Hiển làm tham tán bên cạnh tướng Nguyễn Tri Phương để cùng nhau tìm phương kế chống lại liên quân giặc. Ngay khi vừa ra nhận nhiệm vụ, Nguyễn Tri Phương liền quan sát tình hình tại chỗ và điều nghiên sách lược chống giặc, rồi ông quyết định phải lợi dụng ưu thế về thiên thời, địa lợi và nhân hòa, thi hành chíến thuật du kích gần giống chiến thuật du kích mà sau này chính quyền Kháng Chiến Việt Minh thi hành để chống lại Liên Minh giặc Pháp – Vatican trong những năm 1945-1954. Ông quyết định không đem quân trực tiếp đối đầu với quân địch, mà chỉ phục kĩch, đột xuất tấn công địch vào những khi nắm chắc lợi thế. Đồng thời, ông ra lệnh thiết lập phòng tuyến chặn địch ở Đèo Hải Vân nếu chúng dùng con đường này tiến ra Huế.

Nhờ chiến thuật này mà quân ta có thể cầm chân được quân giặc. Vì thế, giặc chỉ có thể mở các cuộc hành quân nhỏ đánh chiếm mấy đồn lân cận ở gần đảo Sơn Trà và một vài đồn gần cửa sông Hàn, chúng không thể mở cuộc hành quân vượt qua được Đèo Hải Vân để tiến ra đánh chiếm kinh thành Huế, và đành phải bất động, nằm yên tại các đồn đóng quân ở Đà Nẵng.

B. Những khó khăn chồng chất của quân đội Pháp:

Những khó khăn của quân Pháp là do: a) thời khì bất tương hợp (15) , b) địa thế thiên nhiên bất lợi vì lòng sông Hàn nông cạn, không thuận lơi cho việc sử dụng tầu thuyền để chuyển quân (16), c) không có giáo dân xuất hiện để tiếp tay quân giặc như các thừa sai đã hứa hẹn, cùng lúc đó, d)  triều đình Vua Napoléon III đa đoan, hăng say can thiệp vào nội tình nước Ý Đại Lợi và nước Mễ Tây Cơ với ý đồ phục vụ cho cả quyền lợi của giáo triều Vatican và của nước Pháp, cho nên mới rơi vào tình trạng không thể đáp ứng được cho nhu cầu đòi hỏi tại chiến trường Đà Nẵng. Hai khó khăn chót sẽ được giải thích thêm như dưới đây.

- Không có giáo dân bản địa xuất hiện để tiếp tay:  

Để lôi kéo nước Pháp vào cuộc xâm lăng, chiến thuật của các thừa sai là khẳng định cầm chắc như thể “rằng cuộc xâm lăng càng trở nên dễ dàng hơn khi dân chúng bị đè nén dưới sự áp bức của triều đình và quan lại Huế, sẽ đón tiếp người Pháp như kẻ giải phóng”. [Thư giám mục Retord gởi Klezkowsky trong công văn 12-10-1857 của đề đốc Rigault de Genouilly, thư khố quốc gia (tài sản hải quân) BB4 752]

Các giáo sĩ Gia-tô đó xác nhận rằng chắc chắn người Pháp sẽ nhận được sự giúp đỡ và hợp tác của người giáo dân bản địa. Linh mục Huc chưa bao giờ sống tại Việt nam, vẫn nói đại rằng “600.000 con chiên bản xứ, tuyệt đối trung thành với các thừa sai, vẫn còn giữ truyền thống hữu nghị đối với Pháp.” (Cao Huy Thuần, sđd, trang 39)

Những lời tuyên bố trên đây đã gây ảnh hưởng to lớn đến Ủy ban. Đề đốc Fourichon và Đại tá Jaures khẳng định rằng sự đón tiếp của dân chúng sẽ tuyệt diệu, người Pháp nhất định “chờ đợi một cuộc tiếp đón đầy thân thiện” họ sẽ được dân chúng đón tiếp như “những người giải phóng”, cần “tin vào sự giúp đỡ của 600.000 con chiên” bản xứ, và có thể “có một số sẽ gia nhập quân đội chúng ta”.  Cintrat cũng thế, dựa vào các báo cáo của người truyền giáo “cảm tình lâu đời”‘ của dân chúng đối với Pháp từ thời Giám mục Bá Đa Lộc và ý của họ muốn thay đổi chế độ vì sự “tàn bạo ghê gớm nghiền nát họ”, y tin rằng về phía dân chúng , sự tiếp đón chỉ có thể là thuận lợi cho người Pháp.

Nhưng điều đó đã không xảy ra. Vào thời điểm 1858-1860, con số giáo dân ở vùng Đà Nẵng rất ít vì vùng này gần triều đình Huế, họ được ưu đãi nhiều hơn người dân ở nhiều nơi khác, cho nên ở đây vào lúc đó có rất ít người theo đạo. Vả lại cũng vào thời điểm này việc cấm đạo rất gắt, cho nên không có bóng dáng một giáo dân Ki-tô nào, nói chi 600,000 người nghênh đón “những nhà giải phóng!” “và các lời cam kết cùng các hứa hẹn của những thừa sai, rằng giáo sĩ sẽ có mặt trong đoàn viễn chinh Pháp, đã không được chứng thực tí nào.”(17).  

Sử gia Vũ Ngự Chiêu cũng viết:

Sư hờ hững này phần nào do hậu quả chính sách bài đạo trước đó, và mới được tăng cường bằng nghiêm lệnh ngày 15/9/1858 của vua Tự Đức, mật chỉ cho các tổng đốc phải ngăn chặn và nghiệm trị giáo dân liên lạc với Pháp. Hơn nữa, Quảng Nam là một trong những tỉnh lân cận kinh đô (tả trực kỳ), ảnh hưởng triều đình rất lớn. Đa số dân địa phương được hưởng nhiều ân sủng của nhà Nguyễn. Số dân Ki-tô cũng rất giới hạn.” (18)

- Triều đình Vua Napoléon III đa đoan.

Sở dĩ có tình trạng này là vì bị ảnh hưởng của giáo triều Vatican qua  các thừa sai và đặc biệt nhất là sự ỏn thót ngày đêm của Hoàng Hậu Eugénie như đã nói trên. Vì thế, triều đình Paris mới tuyên chiến với nước Áo vào tháng 5/1859, và can thiệp vào nội tình nước Mexico cũng vào mấy năm này:

Thứ nhất, một mặt, Hoàng Đế Napoléon III gửi đoàn quân viễn chinh tới Châu Mỹ, can thiệp vào cuộc nội chiến ở Mễ Tây Cơ vào năm 1857 (19)  để chống lại Phe Cấp Tiến vừa mới thắng thế và ban hành một bản hiến pháp bất lợi cho Giáo Hội La Mã. Bản Hiến Pháp 1857 do chính quyền phe Cấp Tiến ban hành mang tính chất cách mạng quyêt liệt chống lại Giáo Hội La Mã có những điểm chính như: “ (1) Giải tán tất cả các tu viện nam cũng như nữ, (2) Các nam tu sĩ bị cấm, không được mặc áo dòng khi xuất hiện ở nơi công cộng, (3) Tịch thu toàn bộ tài sản của Giáo Hội Công Giáo. Tinh thần bản Hiến Pháp 1857 của Mexica được nhiều nước Châu Mỹ La-tinh noi theo.” (20)

Thứ hai, mặt khác, Napoléon III tuyên chiến với nước Áo vào tháng 5 năm 1859 để ăn có ở Ý và bảo vệ quyền lợi của Vatican tại đây. Về đại cuộc thống nhất nước Ý Đại Lợi, xin quý vị đọc thêm Tiết Mục 1 “Dân Tộc Ý Chiến Đấu Chống Nhà Thờ Vatican” (http://sachhiem.net/NMQ/TAMTHU/NMQtt_18.php), sách Tâm Thư Gửi Nhà Nước Việt Nam của tác giả Nguyễn Mạnh Quang.

Thấy rằng, không thể vượt Đèo Hải Vân tiến ra Huế vì không đủ quân số chọc thủng phòng tuyên án ngữ tại đây của quân ta, Đô Đốc Genouilly viết thư gửi về triều đình Paris thỉnh cầu xin thêm viện quân, vũ khí, đạn dược, quân lương, và quân cụ, đặc biệt là cần có tầu thuyền đáy bằng để có thể đi ngược sông Hàn tiến quân sâu vào nội địa. Trong khi chờ quân viện, ông quyết định rút quân ra khỏi Đà Nẵng vào Nam để tấn chiếm Sàigòn vì ông tin rằng đánh chiếm Sàigòn sẽ rất dễ dàng, và vì vị trí Sàigòn rất có lợi về kinh tế và thương mại.

Việc rút quân như vậy hoàn toàn trái ngược với ý kiến của Giám-mục Pellerin. Viên thừa sai này muốn rằng Genouilly phải đem quân tấn chiếm miền Bắc vì ông ta cho rằng ở đó có nhiều con chiên hơn và bọn con chiên này sẽ nổi lên chống chính quyền nhà Nguyễn ngay khi quân Pháp tiến vào sông Hồng. (21)

C. Chiếm Sài gòn.

Mặc cho Giám-mục Pellerin muốn nói gì thì nói, ngày 2/2/1859, Genouilly để lại một số quân lính dưới quyền chỉ huy của Đại-tá Faucon để bảo vệ những cứ điểm đã chiếm được ở Đà Nẵng, đem khoảng hơn 2 ngàn quân lính vào Nam với chủ tâm tấn chiếm Sàigòn.  

Ngảy 18/2/1859, quân Pháp chiếm thành Sàigòn. Rigault de Genouilly biện minh cho tính các quan trọng của sự chiếm“cứ này khi ông tuyên bố: “Sàigòn có triển vọng trở thành trung tâm của một nền thương mại rộng lớn sau khi thương cảng này được mở cho người Âu Châu. Xứ này giầu có về mọi sản phẩm: gạo đường, thuốc lá, gỗ rừng, mọi thứ đều đầy dẫy.." (22)

D. Trở Lại Chiếm Đà Nẵng.

Ngày 8/5/1859, Đô Đốc Genouilly phóng ra cuộc hành quân đại quy mô. Quân ta hỏa lực kém quá nên đương cự rất khó khăn.  Nguyễn Tri Phương liệu thế không thể nào chống giữ được, liền ra lệnh bỏ phòng tuyến thứ nhất, rút về cố thủ phòng tuyến thứ hai. Toàn thể được lệnh tử chiến, không cho quân Pháp tiến sâu vào nội địa cũng như tiến ra Huế. Đến hơn 10 giờ sáng thì trận đánh kết thúc. (23)

Giai Đoạn Đô Đốc Page Thay Genouilly (1/11/1859 ĐẾN 23/3/1860):


Đô Đốc Théogène François Page
(31 March 1807 – 2 February 1867)

Dù rằng Đô Đốc Genouilly gửi đơn về Paris xin giải nhiệm từ tháng 6 năm 1859, nhưng mãi khoảng 4 tháng sau, Vua Napoléon III mới đề cử người thay thế là Đô Đôc Page đến Đà Nẵng nhận chức vào ngày 19/10/1859. Thấy rằng dùng Đà Nẵng làm bàn đạp để tiến quân đánh chiếm kinh thành Huế không dễ dàng như đã tiên liệu, triều đinh Paris mới ra chỉ thị cho Đô Đốc Page chỉ được lo việc triệt thoái khỏi Đà Nẵng và rút lui về Sàigòn. Thế nhưng, vì nổi máu anh hùng để khỏi mang tiếng là hèn nhát chưa đánh đã chạy, cho nên trước khi triệt thoái khỏi Đà Nẵng, sáng sớm ngày 18/11/1859, Đô Đốc Page dùng các chiến tầu Némésis và Phlégeton khởi binh tấn công đồn Chơn Sáng và đồn Định Hải của quân ta.

Trận đánh này bị quân ta chống cự vô cùng dũng càm. Vì thế mà quân lính của cả hai bên cũng tổn thất nặng. Về phía địch, Thiếu-tá Công Binh Dupré-Déroulède cùng với 10 quân lính tử thương và hơn 40 quân lính bị thương.

Pháp rút quân vào Nam: Sau cuộc hành quân này, theo lệnh của triều đình Napoléon III, Đô Đốc Page rút quân vào miền Nam. Cuối cùng đến ngày 22 tháng 3 năm 1860, số liên quân kia cũng rút đi hết, sau khi phá hủy tất cả pháo đài và công sự.  

“Tính từ khi đoàn quân xâm lược của Rigault de Genouilly đến Đà Nẵng cho đến khi người lính viễn chinh cuối cùng của Page xuống tàu rời khỏi nơi này ... (1-9-1858 đến 23-3-1860).  Thời gian đó quá ngắn trong chiều dài của lịch sử nhưng lại đầy dẫy những biến cố, mở đầu cho một thời kỳ vong quốc khá dài của Việt Nam cận đại.”   (23)

VI. Kết Luận

Tham vọng thống trị toàn cầu  và đánh chiếm Việt nam làm thụộc đia là chủ trương cố hữu của Vatican. Nhưng vì không có lực lượng quân sự, Vatican phải thi hành sách lược vận động các ngoại cường như Pháp, Mỹ cấu kết với họ để xuất quân đánh chiếm Việt Nam làm thuộc địa. Họ dùng đủ mọi thủ đoạn và lợi dụng tất cả mọi cơ hội. Từ chiêu dụ bằng vật chất, ngu dân hóa tinh thần, tập trung giáo dân như binh lính riêng của họ, cho đến gài người từ thượng tầng quyền chính ở địa phương, tạo sự chống đối trong giáo dân với chính quyền/ triều đình, vân vân… Và khi chính quyền hay triều đình phản kháng thì họ lu loa rằng đạo Thiên Chúa bị đàn áp, bị kỳ thị….  Tất cả các chiêu trò này vẫn còn được sử dụng cho tới ngày nay.

Tuy nhiên, vấn đề tố cáo đạo Thiên Chúa bị kỳ thị ngày nay có vẻ khó khăn hơn xưa. Thứ nhất, vấn đề tôn giáo được lan tỏa ra cho các đạo khác, đạo Chúa vẫn được hành đạo một cách bình đẳng. Thứ hai, vấn đề Giáo Hội La Mã đã trở nên phổ biến ở khắp thế giới, dân chúng càng ngày càng hiểu rõ lịch sử của họ, và vấn đề sùng đạo ở các quốc gia tiên tiến ngày càng trở nên hiếm hoi. Các nhà thờ càng ngày càng trống vắng, và linh mục không được xem trọng như xưa.

Các quốc gia Âu Mỹ đều tách rời tôn giáo ra khỏi chính quyền, và qui định việc hành xử tôn giáo chỉ nằm trong khuôn viên thờ tự. Ở Anh, quốc hội ban hành Đạo Luật Ổn Định 1691. Đạo luật này cấm không cho tín đồ của Giáo Hội La Mã lên cầm quyền ở Anh quốc. Ái Nhĩ Lan ra luật trên 21 tuổi mới đc quyền gia nhập 1 tôn giáo nào đó. Ở Nga, tháng 7/2016, Tổng Thống Vladimir Putin đã ký đạo luật được coi như là một biện pháp trừng phạt bất kỳ việc truyền đạo nào ở ngoài nhà thờ, ở bất kỳ nơi nào không được chính quyền chuẩn nhận là giáo đường. Ở Mễ Tây Cơ năm 1857, ban hành một đạo luật cấm các tu sĩ của Vatican, không cho hành nghề dạy học và không được mặc áo tu sĩ ở ngoài Nhà Thờ. Ở Pháp, gần đây người ta thấy trên mạng xã hội phổ biến một video cho thấy một cảnh tượng nhân viên công lực kéo lê một linh mục dưới sàn để giải tỏa nhà thờ St. Rita ở Paris ngày 3 tháng 8, 2016.

Vì bị khinh rẻ ở Âu Mỹ, Giáo Hội La Mã rất chú tâm đến các nước Á Châu.  Phi Châu hiện đã bị cải đạo rất đông rồi. Giáo Hội La Mã ở Việt Nam xoay sở thêm một kiểu phá rối chính quyền bằng cách ngụy trang dưới chiêu bài Dân Chủ, Nhân Quyền theo hình thức của phương Tây.  Tôi nghĩ có lẽ chính quyền cũng đã thấy được mưu đồ này thể hiện qua rất nhiều sự kiện phát xuất từ nhà thờ trong gần mấy chục năm qua, như đòi đất, dựng tượng để lấn đất, lợi dụng các tiêu cực xã hội để làm lớn chuyện ra thêm.

Ngày nay đất nước được độc lập khá vững bền, nếu nhà thờ tìm cách phá rối để thực hiện mưu đồ thầm kín của họ,  chính quyền nên thẳng tay thi hành luật pháp để ổn định xã hội và để bảo đảm an ninh cho tổ quốc.

Nhân đây cũng xin giới thiệu quí bạn đọc tiết mục "Một Số Biện Pháp Đã Được Đề Nghị" (trong bài Cấp Thời Trong Tình Thế Của Đất Nước) đã được phổ biến trên http://sachhiem.net sachhiem.org. Mong rằng với các biện pháp này, tín đồ Thiên Chúa giáo nói chung, Ca-tô Rô-ma giáo nói riêng sẽ nhận thức được rằng, “quốc có quốc pháp, gia có gia quy” và sẽ hành xử giống như tất cả mọi công dân Việt Nam khác.

___________

CHÚ THÍCH

(1) Trần Tam Tình, Thập Giá Và Lưỡi  Gươm (TP Hồ Chí Minh: NXBn Trẻ, 1978), trang 14-15.

(2) Cao Huy Thuần, Giáo Sĩ Thừa Sai và Chính Sách Thuộc Địa của Pháp tại Việt Nam - 1857-1914 (TP Hồ Chí Minh: Công ty TNHH Sách Phương Nam, 2014), trang 50.

(3) Nguyên Vũ, Ngàn Nam Soi Mặt (Houston, Texas: Văn Hóa, 2002), tr 196-197:

"Vào giữa thế kỷ XIX, "bán con" là một hủ tục quen thuộc tại Đại Nam (cũng như Trung Hoa). Cho đến thập niên 1940, tức khoảng 100 năm sau ngày Petrus Key làm con nuôi các cố đạo, vẫn còn tục lệ bán con nói trên. Trong khi đó, vì chính sách bài đạo của nhà Nguyễn, các giáo sĩ Kitô tìm đủ mọi cách để gia tăng số tín đồ. Trong kế họach gia tăng giáo dân trên có việc dùng tài lợi mua chuộc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, và mua con nít của những gia đình Lương nghèo khổ (như ăn mày) để huấn luyện làm thày kẻ giảng, và nếu đứa trẻ thông minh, có thể huấn luyện làm giáo mục bản xứ. Tại Cao Miên, số tiền các giáo sĩ bỏ ra để rửa tội cho mỗi người ngoại đạo lên tới 100 quan vào năm 1858..... Số trẻ em mồ côi hoặc con nhà nghèo bán cho các nhà tu hàng năm cũng khá quan trọng. Đa số "các chú" trong các "nhà Chúa Blời" đều là cô nhi hay con nhà nghèo được giáo sĩ bỏ tiền ra mua về."

(4) Chu Văn Trình, Văn Sử Địa (Tavares, Florida: Ban Tu Thư Tự Lực, 1989), tr. 80.

(5) Nguyễn Ngọc Ngạn, Xóm Đạo (Đông Kinh: Tân Văn, 2003), tr 320.

(6) Nguyễn Xuân Thọ, Bước Mở Đầu Của Sự Thiết Lập Thuộc Địa Pháp ở Việt Nam 1858–1897 (Saint Raphael, Pháp: TXB, 1995), tr.17.

(7) Nhiều tác giả, Ki Tô Giáo: Từ Thực Chất Đến Huyền Thoại (Wesminster, California, Văn Nghệ, 1996), tr 331 và 334." Nguyên văn:"J'ai cru que la France, écrivait il, étant le plus pieux royaume du monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l' Orient, que j'y trouverais moyen d'avoir des évêques qui fussent nos Pères et nos Maitres en ces Eglises. Je suis sorti de Rome à ce dessein, le 11 Septembre 1652.

(8) Arnold Schrier & T. Walter Wallbank, Living World History (Glenview, Illinois: Scott, Foresman and Company, 1974) p.324 và pp. 360-361. Nguyên Văn: (1) The last phase of religious warfare was a savage struggle waged in Germany from 1618 to 1648, known as the Thiry Years’ War. An important cause of the war was the failure of the Peace of Augsburg to settle all the religious problems of Germany. It had recognized only Lutheranism among the Protestant sects and had ignored Calvinism. Nor did it prevent struggles for Church property. Some of of the clergy who became Lutheran after 1552 kept the lands they held as Catholics. Protestant princes had continued to take over Church territory,…” (2) “Versailles was an example of the imprudence of some of Louis’ policies. For one thing, it involved enormous expense. Its construction required the labor of 35 thousand men and may have cost as much as $100 million – the king himself destroyed the accounts so no one would know how much he had spent. Maintaining the large court was also  a severe financial drain on France. Louis islated himself and his successors from contact with the French people, an isolation that had serious consequences for Louis’ successors.”   

(9) Trần Tam Tình, Sđd., tr. 61.

(10)  Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu (Houston, TX: Văn Hóa, 1996) tr. 295.

(11) Lương Minh Sơn, Bài Học Chiến Tranh Việt Nam Nhìn Từ Hậu Trường Chính Trị Hoa Kỳ, đăng trong Sự Thật, Đặc San Xuân Định Sửu 1997 (Fremont, CA: TXB, 1997), tr. 23.

(12) Hoàng Trọng Miên, Đệ Nhất Phu Nhân,Tập I (Los Alamitos, CA: NXB Việt Nam, 1989), tr. 428.

(13) Lê Thành Khôi, Lịch Sử Việt Nam Từ Nguồn Gốc Đến Giữa Thế Kỷ 20 (Hà Nội: NXB Thế Giới, 2014), tr.466.

(14) Nguồn: “Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia”). (http://www.baotanglichsu.vn/portal/vi/Tin-tuc/Theo-dong-lich-su/2013/09/3A923AE0/)

(15) Cao Huy Thuần, Giáo Sĩ Thừa Sai Và Chính Sách Thuộc Địa Của Pháp Tại Việt Nam 1857-1914 (Paris: Công Ty TNHH Sách Phương Nam, 2002), tr 71-72.

(16) Cao Huy Thuần, Sđd., tr 72-73.

(17) Cao Huy Thuần, Sđd., tr 49, 69-70. Công văn của Rigault De Genouilly ngày 17/9/1857: “Dù có những lời hứa của Giam Mục Pelerin, không một con chiên nào đến với chúng ta, đên nỗi chúng ta không thể liên lạc gì với những thùa sai trong nội địa dù rằng, theo người ta nói, có nhiều vị chỉ ở cách Đàn Nẵng 5,6 dặm; vì thế, mọi thứ đều mù mịt về các vùng phục cận của kinh đô.”

(18) Vũ Ngự Chiêu, Các Vua Cuối Nhà Nguyễn 1883-1945 – Tập 1 (Houston, TX: Văn Hóa, 1999), tr 94-95.

(19) Nguồn: “War Of Reform In Mexico 1858-1861” (https://www.onwar.com/aced/chrono/c1800s/yr50/fmexico1858.htm).

(20) Charlie Nguyễn, Thực Chất Đạo Công Giáo và Các Đạo Chúa (Garden Grove, CA: Giao Điểm, 2003), tr 159.

(21) Joseph Buttingger, Ibid., Pp, 1197-1198. “Monsignor Pellerin, his so.called expert on Vietnam, suggested that in the interim Genouilly invade the north. Pellerin’s argument was that the Christians were more numeorus in Tonking than in any other part of Vietnam, and that they would surely rise against their government as soon the French approached the Red River. But Genouilly refused to accede to Pellerin’s urgings.”

Napoléon III đã tuyên chiến với nước Áo vào tháng 5/1859. Hành động này của nhà vua làm cản trở những cố gắng của Genouilly trong việc đánh bại quân đội kháng cự của triều đình Huế hay buộc Huế phải chấp nhận điều kiện của Genouilly đưa ra. Cuối cùng, tháng 6 năm 1859, ông  thỉnh cầu được giải nhiệm chức vụ tư lệnh đoàn quân viễn chinh Pháp.  ” (Pp 1198)

(22) Nguyễn Thế Anh, Việt Nam Thời Pháp Đô Hộ (Sàigòn: Lửa Thiêng, 1970), tr. 29:

(23) Đà Nẵng Và Bước Đầu Của Lịch Sử Vong Quốc Việt Nam Cận Đại (Võ Văn Dật, Lịch Sử Đà Nẵng) Chương 9

______________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Arnold Schrier & T. Walter Wallbank, Living World History. Glenview, Illinois: Scott, Foresman and Company, 1974.

Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia. Liên Quân Pháp – Tây Ban Nha Nố Súng Đánh Thành Đà Nẵng Mở Đầu Cuộc Xâm Lược Viêt Nam Lần Thứ Nhất 9/1858. Nguồn (http://www.baotanglichsu.vn/portal/vi/Tin-tuc/Theo-dong-lich-su/2013/09/3A923AE0/

Võ Văn Dật.  Lịch Sử Đà Nẵng (1306-1975). Nam Việt 2007

Charlie Nguyễn, Thực Chất Đạo Công Giáo và Các Đạo Chúa. California: Giao Điểm, 2003.

Chính Đạo. Việt Nam Niên Biểu .Houston, TX: Văn Hóa 1996.

Chu Văn Trình. Văn Sử Địa. Tavares, Florida: Ban Tu Thư Tự Lực, 1989.

Hoàng Trọng Miên: Đệ Nhất Phu Nhân – Tập I. Los Alamitos, CA: Nhà Xuất Bản Việt Nam,1989.

Joseph Buttinger. Vietnam: A Dragon Embattled. New York: Frederick A. Praeger, Publishers, 1967.

Lê Hữu Dản. Sự Thật, Đặc San Xuân Đinh Sửu 1997.(Fremont, CA: TXB, 1997.

Lê Thành Khôi. Lịch Sử Việt Nam Từ Nguồn Gốc Đến Giữa Thế Kỷ 20 (Hà Nội: NXB Thế Giới, 2014, tr.466.

Long Ân. Thiên Hạ Phong Trần: Nguyệt San Việt Nam Mới, Số 207 ra ngày 23/12/ 1994 và số ra ngày 30/12/1994.

Nguyễn Ngọc Ngạn. Xóm Đạo. Đông Kinh: Tân Văn, 2003.

Nguyễn Thế Anh, Việt Nam Thời Pháp Đô Hộ. Sàigòn: Lửa Thiêng, 1970.

Nguyễn Xuân Thọ. Bước Mở Đầu Sư Thiết Lập Thuộc Địa Pháp Ở Việt Nam 1858-1897. Raphael: TXB, 1995.

Nguyên Vũ. Ngàn Năm Soi Mặt. Housston, TX: Văn Hóa, 2002.

Rand McNally. World Facts & Maps 1995 Edition. U.S.A: Rand McNally & Company.

Trần Tam Tỉnh. Thập Giá Và Lưỡi Gươm. TP Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Trẻ, 1978.

Tuyển Tập Ki Tô Giáo: Từ Thực Chất Đến Huyền Thoại. Westminster, CA: Văn Nghê, 1996.

Ngự Chiêu. Các Vua Cuối Nhà Nguyễn 1883-1945 – Tập 1 .Houston, TX: Văn Hóa, 1999.

War Of Reform In Mexico 1858-1861. Nguồn: (https://www.onwar.com/aced/chrono/c1800s/yr50/fmexico1858.htm)