●   Bản rời    

NTKDV - Qua Núi Đôi, Đi Ải Nam Quan, Ghé Thăm Tô Thị (Lý Thái Xuân)

Nửa Thế Kỷ Đi Về

Lý Thái Xuân

http://sachhiem.net/LTX/LyThaiXH02.php

22 tháng 3, 2009

Toàn tập:  1   2  3  4  5  6  7  8  9  10

Qua Núi Đôi, Đi Ải Nam Quan, Ghé Thăm Tô Thị

Xuất cảng lao động

Chú Đào em trai Tinh dẫn đến thăm nguời láng giềng ngày xưa hay sang nhà phụ thân xin mỡ, ngày xưa Tinh gọi là Cu Biều. Ông đang ngồi than cho thằng con trai đã để cho vợ đi Đài Loan ở giúp cho người ta, giờ không ai lo bữa ăn bữa uống cho đàn con trong nhà. Nghe nói mấy năm gần đây, nông nghiệp cũng được cơ khí hóa, đến trâu cũng thất nghiệp. Nông dân ngày càng ít việc, cần phải chuyển đổi nghề nghiệp để thích ứng. Những người có tài học nghề

Chúng tôi nhìn nhau trong ánh mắt thương tâm như ngầm nhớ lại ngày máy bay ghé phi trạm Đài Bắc.

Lúc đó chúng tôi gặp rất đông các cô gái Việt Nam trạc hơn hai mươi nhăm, ba mươi tuổi hay hơn đôi chút, đang xôn xao chờ chuyến bay về. Chúng tôi hỏi thăm và được biết các cô đã mãn hạn ba năm làm công, đa số là từ miền Bắc. Thấy chúng tôi ân cần, các cô tâm sự: "Chúng em ở nhà quê không tìm ra được việc làm, trồng trọt không được mùa, nghèo quá."

- "Nghe nói các cô thường bị chủ đánh đập xử tệ lắm phải không ?", tôi hỏi.

- Dạ, cũng có người gặp trường hợp đó, em thì không. Có lẽ nhờ em thường hay hỏi chủ thật kỹ và làm theo ý muốn của họ, nên chủ rất hài lòng và cho thêm tiền.

Cùng câu hỏi cho một cô gái khác, chúng tôi được nghe: "Họ nói tiếng mà chúng em không hiểu, rồi họ mắng nhiếc la quát, làm gì cũng không vừa lòng. Cực khổ lắm cô chú ơi."

- "Làm sao các cô biết ở đâu có việc mà đi ?" Tôi thắc mắc.

- Có nhiều công ty lắm, họ quảng cáo cùng đầu thôn cuối xóm.

- "Họ có giao kèo không?"

- Dạ có chứ, họ giao kèo đủ thứ: tiền máy bay, tiền lương, thời hạn làm công,..

- "Trường hợp chủ nhân xử tệ, các cô có gọi công ty để giải quyết không?"

- Có chứ, Có trường hợp họ cho về nửa chừng.

- "Mỗi tháng cô làm được bao nhiêu?"

- Lúc đầu họ cho rất ít, nhưng năm sau thì họ tăng lên, và chúng em trung bình được 5,000NT (tiền Đài Loan, 1US dollars= 32.3 NT). Thật ra được đi làm như thế này cũng kiếm được chút ít cho gia đình.

- "Vậy từ khi nộp đơn đến lúc có việc, các cô phải đóng cho công ty bao nhiêu?"

- Có thể nói các tốn kém gồm đơn từ, huấn luyện để làm việc, dạy tiếng nói để nghe chủ nói,… trong vòng hai tháng, cả thảy tốn khoảng 800 đô.

Tôi sốt ruột: "Trời đất ơi, các em đã không có việc làm thì lấy đâu mà có tiền đóng cho công ty?"

- Thì cố gắng thôi, bán cái này, cầm cái khác, vườn tược, cái gì bán được thì bán, vì sau này sẽ có tiền gỡ lại sau này. Kể ra thì dù sao thế này cũng còn đỡ hơn cứ ở quê nhà cô chú ạ.

Cô khác xen vào: "Nói đến tiền thì càng tức, tụi công ty chắc đã toa rập với mấy người chủ, nhiều người không chịu mua vé máy bay cho tụi em về, lẽ ra họ phải mua mới phải"

- "Vậy theo tờ cam kết thì ai phải mua, công ty, hay là chủ?" tôi muốn hỏi rõ rệt.

Các cô gái lúng túng không hiểu rõ rệt, chỉ biết là "họ" phải mua, hoặc chủ hoặc công ty. Nhưng đến hết hạn, không ai mua cả, các cô bắt buộc phải tự lo mua cho mình. Tôi hỏi thêm: "Sao các cô không gọi công ty hỏi" ?

- Có chứ, nhưng họ chỉ nói: "Nếu chủ không chịu thì đành vậy." Rồi họ không lo nữa ! …

Trong chớp mắt, tôi nhớ đến những gương mặt tủi thân của các cô ở phi trường Nội Bài lúc gặp lại thân nhân, những tiếng nấc nghẹn ngào, những giọt lệ nuốt lại vào trong cổ không hết vì nhiều nguyên do … hãy còn rõ rệt như mới hôm qua. Mong rằng các cô truyền lại người khác những kinh nghiệm, và các hợp đồng công ty sản xuất lao động ý thức trách nhiệm và lương tâm, can thiệp để bảo vệ người của mình đi lao động ở nước ngoài.

Quay về nhà San, chúng tôi lên xe chào biệt. Các đứa cháu vẫy tay chào chúng tôi trong niềm luyến tiếc. Xe trở ngược lên đường số 10 đi Kiến An, vào Hải Phòng, ngược lên Hải Dương để trở về Hà Nội. Qua Hải Dương một đổi lâu, chúng tôi nhìn ngang bên đường thấy những lọ tương vàng sánh bày chất ngất trên những dàn giá. Thì ra, xe đang chạy ngang làng Bần Yên Nhân, làm ai cũng buộc miệng "Tương Bần" Nem Báng, tương Bần; nước mắm Vạn Vân, cá rô đầm Sét. Đêm nay ngụ ở Hà Nội.

Các cô gái Việt Nam gặp ở Đài Bắc

 

Ngày thứ tư -

Ngồi quán

Sáng sớm, chúng tôi đi bộ ra khu chung cư ngồi xuống những chiếc ghế con con bằng nhựa của các tiệm ăn bình dân và ăn sáng. Ăn như thế này chúng tôi cảm thấy lạ lạ và hơi ngượng. Mấy hôm trước chúng tôi ghé vào tiệm phở, hôm nay ghé hàng bánh cuốn. Bảy năm về trước, có lẽ vì lý do tâm sinh lý, chiếc bao tử mới "đi" Hà Nội lần đầu tiên, và sau 25 năm xa xứ, chúng tôi không tìm ra được một chỗ bình dân nào ăn ngon miệng, nên thường vào các nhà hàng ăn cho đỡ đói.

Không hiểu sao, các món ăn nhà hàng không có hương vị thuần túy dân tộc cho lắm. Nhưng lần này, được người nhà dẫn vào các quán bình dân, dường như quán nào cũng có thức ăn ngon. Hôm nay ăn bánh cuốn và chả chiên. Chúng tôi có năm người, ăn no nê, cô chủ tính tổng cộng là 28 nghìn đồng (tức 1.75 đô theo giá chính thức)

Chương dẫn đi thăm học viện nghiên cứu sử, chúng tôi được nói chuyện với giáo sư trưởng viện và một anh tiến sĩ trẻ ở đó, một cách tự nhiên và thoải mái. Vì đã có hẹn về thăm người em chiều nay, chúng tôi không còn giờ để gặp thêm nơi khác.

Núi Đôi

Trực chỉ đi Thái Nguyên, 80 km từ Hà Nội, chúng tôi đến thăm nhà cô em chồng. Xe ngang huyện Sóc Sơn xã Phù Linh, có các địa danh Xuân Dục Đoài Đông chứng tích của câu chuyện của một cô gái oanh liệt được lưu truyền, bỗng nhiên Chương nhắc bài thơ "Núi Đôi" của Vũ Cao, và nhẩm đọc vài đoạn rời rạc .

Bẩy năm về trước em mười bẩy,

Anh mới đôi mươi, trẻ nhất làng

Xuân Dục Đoài Đông hai cánh lúa,

Bữa thì anh tới bữa em sang.

Lối ta đi giữa hai sườn núi,

Đôi ngọn nên làng gọi Núi Đôi

Em vẫn đùa anh: sao khéo thế,

Núi chồng núi vợ đứng song đôi!

Anh ngước nhìn lên hai dốc núi,

Hàng thông bờ có con đường quen.

Nắng lụi bổng dưng mờ bóng khói,

Núi vẫn đôi mà anh mất em!

....

Anh đi bộ đội sao trên mũ,

Măi măi là sao sáng dẫn đường

Em sẽ là hoa trên đỉnh núi,

Bốn mùa thơm măi cánh hoa thơm.

Nhà thơ Vũ Cao sáng tác bài này sau khi nghe đồng đội và dân làng Phù Linh kể lại câu chuyện về một cô gái (Trần thị Bắc) đã hy sinh anh dũng ở Núi Đôi để bảo vệ một đoàn cán bộ khi cô mới chỉ chừng 20 tuổi. Vào thời đó, nhiều chuyện thực xung quanh cuộc sống riêng và hoạt động cách mạng của cô gái ít ai được biết rõ. Và thế là câu chuyện người ta lưu truyền bằng tình cảm khâm phục và tự hào đã tạo nên một huyền thoại đối với thế hệ trẻ được biết câu chuyện. Tối đến, chúng tôi mới khám phá ra rằng trước đây Chương có một người yêu, thường đem cô gái này về nhà cô Xuyến ở Thái Nguyên chơi. Mối tình dang dở không thành, và cho đến nay vẫn đẹp như mơ dù hai tâm hồn đôi khi vẫn héo hắt nhớ nhau. Vì thế con đường này có lẽ là lối đi thơ mộng nhất của Chương.

Sống trong cát bụi

Về đến Thái Nguyên, bên kia đường đối diện nhà của cô Xuyến, công ty xi măng đang đổ đất định xây một khu kỹ nghệ, nên bụi đất bay vào nhà không ngớt. Sống trong bụi bặm như thế chắc chắn tình trạng sức khỏe không tốt. Nhưng người Việt Nam quen gần gũi thôn xóm, việc dời nhà là cả một vấn đề sinh tử cho tâm lý. Thêm nữa ở một xứ đang mới mở mang, những luật lệ về môi trường trong sạch cho người dân như Âu Mỹ ngày nay dường như vẫn còn là thứ xa xỉ, chưa được ai biết đến hay bảo vệ. Chúng tôi chỉ thở dài ngao ngán.

Mặt trời chỉ còn vài tia nắng yếu ớt trên ngọn cây mít trước nhà cô Xuyến. Tôi vội kêu gọi mọi người ra sân chụp ảnh kỷ niệm. Máy hình bỗng nhiên không lên nữa. Tôi loay hoay một cách không kết quả hơn 5 phút với chiếc Opympus Digital Camera mà trước đây bao giờ cũng ngoan ngoãn với tôi, giờ thì như con ngựa chứng. Chúng tôi tẽn tò trở vào nhà ăn cơm tối. Gà luộc luôn luôn có mặt cùng với các món linh tinh khác, đặc biệt ở nhà quê, gà nuôi tự nhiên, không phải gà công nghệ, nên rất ngon, nhất là được chấm muối chanh ớt và lá chanh.

Trời đã tối lúc nào chẳng hay, chúng tôi trở ra xe về tìm nghỉ ở một khách sạn cách đó độ 20 km. Cảm tưởng như ở một nước thanh bình khi dông xe tìm khách sạn bất cứ lúc nào trong đêm tối mà không bị còi hụ hay ai chặn đường. Ở đây người ta dùng chữ "Nhà nghỉ" cho khiêm tốn, thật ra tiện nghi y như khách sạn, có nhiều nhà nghỉ được trang bị chu đáo hơn nhiều "khách sạn". Nhà nghỉ mọc như nấm. Chỉ cần có chợ là có nhà nghỉ, tìm không khó khăn gì cả. Khách sạn Hồng Hoa được chúng tôi ghi nhớ vì thiết bị sang trọng và rộng rãi hơn các khách sạn trước. Đến nay chúng tôi đã quen với mấy "viên" xà bông dễ thương trong phòng tắm, và nhận thấy vị trí cái vòi xịt ở ngay bên toilet là một thiết kế rất thục dụng và độc đáo ở đây, có lẽ theo thiết kế của Nga. Dường như tất cả các phòng tắm đều làm theo kiểu này.

Ngày thứ năm - Cột mốc ở Ải Nam Quan -

Sáng sớm, lại chất hành lý ra xe, đi trở lên nhà cô Xuyến ăn cháo sáng vội vàng. Chia tay trong quyến luyến, cô Xuyến ngậm ngùi, dúi vội bọc trà Thái Nguyên to tướng vào xe cho chúng tôi như để bắt đền cái tội ra đi nhanh như thế. Cậu tài xế, tên là Hùng, cho xe lui ra từ từ quay ra đi lên hướng Đông Bắc, qua Đình Cả, Võ Nhai, Bắc Sơn, Văn Quan, Đồng Đăng bằng quốc lộ 1B.

Chương hướng dẫn cho Hùng rẽ sang quốc lộ 4 lên cổng khẩu tiểu Ngạch, chúng tôi ăn trưa ở đó. Ăn trưa xong, Chương dắt chúng tôi vào chợ Tân Thanh, sát ngay cửa khẩu. Nơi đây thiết kế y như một siêu thị. Hàng hóa nhiều vô số. Nhất là các món hàng điện tử, các máy báo động, nồi điện, máy quạt, máy lạnh, các đầu máy, Ti Vi, đồ chơi điện tử, máy ảnh, đủ loại… phần lớn nhập cảng từ Trung Cộng. "Mua bán ở đây cần phải biết trả giá", Chương nhắc nhở chúng tôi. Nghe thế tôi vội nhờ Chương đi theo để mua một chiếc máy ảnh Sony thay thế chiếc đang bị hư, kèm theo một "thẻ nhớ" (tức miếng memory card của máy ảnh) 512 Megabytes. Những loại hàng Digital ở bên nhà gọi là "kỷ thuật số". Chương bảo hàng điện tử bên Trung Cộng nhập vào ta thường là hàng mã, nên giá rẻ mạt, nhưng không bảo đảm gì cả.

Người anh cả và Tinh không tháp tùng vào chợ, hai người ngồi dưới một tàng cây nói chuyện. Mua máy ảnh xong, thấy họ còn chờ đợi, Chương và tôi vội vàng lên xe. Hùng rẻ sang quốc lộ 1 để đến Mục Nam Quan. Đến nơi Hùng cho chúng tôi xuống để đi ra cổng gác. Vừa đi vừa lò mò làm quen với máy ảnh vừa mua, tôi chen chúc giữa mấy xe hàng để được chụp hình với cột mốc 0 km, và để nhìn thấy Cổng Nam Quan của Trung Hoa. Khoảng giữa Cổng Nam Quan và cây cản làm ranh ngay gần sát phía trên cột mốc, người Tàu đã phá rừng và đang dàn dựng kiến thiết thêm tòa nhà gì đó, có vẻ trấn áp sát biên giới ta. Nhưng cây si ngày xưa (tả trong địa lý nước ta) vẫn còn trong địa phận Việt Nam, tuy đã gãy chỉ còn gốc, trông rất thảm.

Tôi hồi hộp quan sát cột mốc và nhận dạng vành xi măng cũ kỹ chung quanh cây si và cột mốc, thực sự còn dấu vết của hình ảnh ngày xưa, bất giác tôi thở ra nhẹ nhõm. Vì chưa được thấy suối Phi Khanh ngày xưa, chúng tôi không biết tìm nơi nào để xác nhận giờ nằm ở đâu hay đã cạn rồi chăng. Gần đầu tháng 10 mà nắng vẫn còn gay. Bụi bay mịt trời đất Bắc, đã hối thúc chúng tôi trở vào xe tìm hơi điều hòa để lánh hơi nóng quái ác đang oà vào mặt.

Có nàng Tô Thị ..

Từ Lạng Sơn chúng tôi ngược về khoảng 18, 19 km có chợ Đông Kinh, đến Thành Nhà Mạc gần núi Tô Thị. Nhìn từ dưới mặt đường không dễ thấy tượng Tô Thị vì tượng đá hơi bé lại ở trên đỉnh rất cao, phải đứng từ xa xa mới trông thấy. Nghe nói ngọn này được làm lại vì trước đây mấy năm đã bị một quan chức đã phá mất vùng núi để lấy vôi (!). Câu chuyện của nàng Tô Thị ôm con đợi chồng chinh chiến trở về giống với câu chuyện mà nhạc sĩ Lê Thương lấy làm ý nghĩa cho liên khúc "Hòn Vọng Phu" còn sống mãi với thời gian.

Trước thành Nhà Mạc là một con đường nhiều bậc thang. Bước lên độ vài chục bậc, thấy còn cao quá, chúng tôi dừng lại ngăm nghía chỉ vài phút rồi trở xuống đi tiếp vì sợ không về đến điểm đã định kịp giờ. Tiện đường chúng tôi đi viếng động Tam Thanh gần bên, gặp một số cậu trai trẻ từ đâu đến viếng.

"Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,

Có nàng Tô Thị, có Chùa Tam Thanh"