Nửa Thế Kỷ Đi Về

Lý Thái Xuân

http://sachhiem.net/LTX/LyThaiXH09.php

22 tháng 3, 2009

Toàn tập:  1   2  3  4  5  6  7  8  9  10

Hành Lý Mang Theo

 

Ngày thứ hai mươi bốn -

Ngày cuối ở thành phố.

Y lời hẹn với chúng tôi, Thao, người bạn thời trung học với tôi lái Honda đến khách sạn. Chúng tôi chỉ nói chuyện khan, không đầu đuôi, thế mà kéo dài cũng được cả tiếng. Chúng tôi mời Thao đi ăn sáng, Thao từ chối vì có việc phải lo. Chúng tôi lại dắt cậu mợ và Diên ra ngồi góc phố ăn sáng nơi cậu thích món hủ tiếu. Hôm nay gọi bánh canh. Ăn xong, chúng tôi nhờ người chỉ dẫn để Diên dẫn ba má đi siêu thị chơi.

Đứa cháu khác, Lân, con người anh họ chú bác của Tinh đến thăm vì hôm trước chưa gặp. Tôi để Lân nói chuyện với chú, còn tôi lo đi ra tiệm may để lấy áo mà tôi đặt may trước khi về miền Tây. Trở về khách sạn, Tinh và Lân rủ tôi cùng đi thăm một người bạn văn nghệ, anh Xuân. Anh Xuân mời ăn trưa và hàn huyên trong một căn nhà hẹp ở một hẽm nhỏ trong đường Lê văn Sỹ. Dường như nhà ở thành phố (cả Bắc lẫn Nam) đều ở trong hẽm, chỉ có các cửa tiệm mới ở mặt tiền trên đường chính. Cầu Trương Minh Giảng trên con đường đi hôm nay không còn nhìn xuống dòng nước ô uế của ngày xưa. Còn nhớ cô cháu làm kỹ sư có nói trong lần về trước: "Việc này còn nằm trong danh sách phải xử lý của sở con đó chú ạ." Lần này gặp cháu quên khuấy, không cho vài lời khuyến khích về việc đã thực hành dần dần những công tác làm sạch thành phố.

Về đến khách sạn, tôi lại gọi taxi đến tiệm may vì áo chưa ưng ý, phải sửa lại. Chẳng mấy chốc đã gần 5 giờ chiều, chúng tôi lại đi tìm tiệm sửa chiếc máy ảnh Olympia bị hư nắp gần suốt đoạn đường nhưng chưa có cơ hội lo sửa chửa. Tiệm nằm trên đường Nguyễn Thái Học, khoảng 3 căn phố từ khách sạn chúng tôi đang ngụ. Tôi vẫn lê chân đau đi được đến đó. Cậu thanh niên trong tiệm xem qua cái nắp máy ảnh bị rời ra và hẹn sàng mai lấy. Tôi xin hẹn 7 giờ sáng vì 7 giờ rưỡi chúng tôi bắt đầu đi ra phi trường. Tiệm bằng lòng, tôi xin số phone để gọi nhỡ lúc tiệm còn chưa mở cửa.

Gia đình cậu mợ, Diên và vợ chồng Liên, Trung đều hẹn đông đủ để ăn chiều. Tụ họp lại, chúng tôi mới khám phá ra, vì nhút nhát quá, lúc sáng Diên không dám ra đến siêu thị, sợ lạc đường, nên cả Cậu Mợ và Diên suốt ngày nằm ở khách sạn chờ! Đúng là người nhà quê có khác! Chúng tôi ăn ở tiệm Bảo cùng con đường với tiệm sửa máy ảnh. Quán này cũng bình dân, nhưng có vẻ sạch hơn quán Hoa Tèo. Chúng tôi gọi rau muống xào tỏi, dặn không được bỏ lá, vì ở đây người ta thường lặt bỏ hết lá. Thấy trên bảng có món "Cá Rô Bí chiên xù", tôi gọi thử xem ra sao.

Dĩa cá rô đem ra làm tôi bật cười và ngạc nhiên. Tôi chưa từng thấy cá rô nào bé đến như thế. Mỗi con chỉ bằng đầu ngón tay giữa mà thôi. Vừa ăn chúng tôi vừa nghĩ đến việc đi câu ở Mỹ. Người ta bảo "Phú quí sinh lễ nghĩa" cũng đúng. Câu cá hay câu cua câu đều phải biết lứa nào mới hợp lệ. Nếu cá hay cua nhỏ hơn lứa tối thiểu phải được thả trở lại, cho chúng có cơ hội sinh sản thêm. Điều này rất hợp lý, nhưng chắn chắn những khó thực hiện cho một Việt Nam hiện nay.

Chỉ còn đêm nay. Chúng tôi hỏi thăm ca nhạc ngoài trời, người ta chỉ Trống Đồng cách đó 4, 5 căn phố. Chúng tôi dẫn gia đình cậu mợ, Trung Liên, Diên và Sơn, chồng của em Chính, tản bộ đi đến Trống Đồng. Giá vé mỗi người là 20 ngàn đồng (khoảng 1 đô và 25 cents). Tan hát độ 10 giờ khuya. Bây giờ tôi mới cảm thấy cái chân đã than phiền âm thầm từ sáng đến giờ, nhưng nhất không nuông chiều nó. Trên đường đi bộ về, Thao lại gọi, nói tiếc quá, "không kịp" hàn huyên gì cả. Ngày xưa Thao học giỏi văn chương nhất trường. Mỗi lần làm luận là y như Thao viết không ngừng. Thế nhưng mỗi lần nói chuyện, thì dường như Thao ít nói nhất, có lẽ phải có sự im lặng thì Thao mới có ý kiến được. Lần nào gặp nhau, chúng tôi cũng làm kín bầu không khí, không còn cơ hội để có sự im lặng nên Thao vẫn không kịp nói gì.

Tôi nhờ cậu bé quản lý gọi dùm taxi cho chúng tôi đi phi trường sáng mai, và thanh toán trước tiền phòng.

 

Ngày thứ hai mươi lăm -

Sáng sớm, tôi nhờ Tinh ra tiệm hình lấy máy chụp ảnh đã sửa, tiệm tính ra khoảng 450 nghìn (tức độ 30 đô). Tinh trở về phòng trong lúc tôi đã ràng xong các chiếc vali. Không biết giá này là đắt hay rẻ, nhưng biết chắc nếu tôi mang về Hoa kỳ chắc khó tìm được tiệm sửa máy hình một cách dễ dàng như thế. Tôi luôn miệng khoe với Tinh về số lượng việc làm của tôi trong ngày cuối ở Thành phố. Các em trai quản lý khách sạn tiếp chúng tôi khuân các vali xuống phòng khách chờ vali. Cậu mợ và Diên cũng đã ở đó, tháp tùng theo chúng tôi đi Taxi trực chỉ ra phi trường. Liên và Trung chạy xe Honda theo sau. Chúng tôi lại gặp nhau ở cổng phi trường và chia tay ngay.

Liên và Trung với tay lên trái đào tiên trong khu du lịch Suối Tiên

Hành lý mang về.

Lần về kỳ này, chúng tôi không còn chút thời giờ hay cơ hội nào để đi chợ tìm các vật linh tinh như nhạc, sách truyện, sản phẩm thủ công nghệ, hay các tác phẩm nghệ thuật. Mấy thứ vải gửi nhà may là do từ Mỹ mang về, ngoài ra hành lý chỉ toàn là sách vỡ của bạn bè tặng và gửi tặng. Chúng tôi sẽ không có tí quà nào để chia cho các người thân, như họ từng cho chúng tôi mỗi lần về Việt Nam trở qua.

Có một kiện hành lý to nhất của chúng tôi không thể gói lại và không thể chia xẻ một cách dễ dàng. Đó là những cảm xúc, nhiều tưởng như không thể xài hết được, và nặng tưởng chừng như nó đang làm tim của chúng tôi mãi xôn xao. Chúng tôi chỉ xin để lại nơi đây một ít hương vị của nó. Cám ơn cháu Chương đã cho chú thím một món quà bất ngờ, thích thú, và quá to tát.

Hai mươi lăm ngày tuyệt vời trên quê hương thương mến. Tình cảm lẫn lộn, thương nhớ đầy vơi...

Vì những oan nghiệt của lịch sử, chúng tôi đã phải xa quê hương nghìn trùng, nhưng chắc chắn tình quê thì lúc nào cũng lai láng. Từ địa đầu của tổ quốc, chúng tôi đã đi xuyên Việt để về lại miền Nam mưa nắng hai mùa. Sơn hà gấm vóc như dải lụa đào, hồn lịch sử xôn xao trong từng luống đất.

Máy bay rời phi đạo, luồn qua mây trắng, chao nghiêng lần chót để trực chỉ biển Đông. Lòng tôi quặn lại: Việt Nam thương mến ơi, xin chào tạm biệt và hẹn một ngày trở lại ...

 

Tháng mười hai, 2006

Lý Thái Xuân