●   Bản rời    

NTKDV - Ngôi Trường Xưa, Cô Láng Giềng, Người Khuyết Tật (Lý Thái Xuân)

Nửa Thế Kỷ Đi Về

Lý Thái Xuân

http://sachhiem.net/LTX/LyThaiXH07.php

22 tháng 3, 2009

Toàn tập: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10

Ngôi Trường Xưa, Cô Láng Giềng, Người Khuyết Tật

Trở về khách sạn, tôi cùng với Lương, con Dì Ba tôi, hẹn nhau đi xe thùng gắn máy trở về nhà cậu lúc 10:00 AM để dự lễ giỗ ông ngoại tôi. Con đường này từ xưa vẫn là đường đất, nay được đổ nhựa, xe chạy rất nhanh. Về đến nơi thấy trong bếp còn chưa xong, tôi nhờ Hào, đứa con trai lớn của cậu tôi, đưa đi thăm trường Trung Học Cơ Sở Phú Thạnh. "Trung học cơ sở" là tiếng gọi mới cho các trường cấp hai (từ lớp sáu đến hết lớp chín). Nơi đây ngày xưa tôi từng bước khắp các dãy lớp để dạy các đứa trẻ mộc mạc quê mùa. Sau khi Hào tìm được ông Hiệu Trưởng, tôi chậm rãi đi theo.

Ông Hiệu Trưởng còn rất trẻ, cũng là cựu học sinh trường này, vào lớp sáu lúc tôi đã đi. Tôi tâm sự với ông về sự lo ngại học sinh không có tiền mua sách, sự ao ước các học sinh thích học sử nước nhà để biết yêu nước, … và trao cho ông phần sách tôi dành cho ngôi trường này. Hào đưa tôi về trong lúc các học sinh đang đến đầy sân chuẩn bị buổi học chiều. Mới 7 năm trước đến đây, trường chưa có hai tầng, sàn chưa lát gạch, nền chưa đắp cao. Nền trường ngày nay đã được nâng cao, rộng, và lớn, có thêm tầng lầu, rất đồ sộ. Tôi chào giả biệt ngôi trường với một nụ cười mãn nguyện.

Trở về nhà cậu, đi ngang chợ, thấy có cơ sở mang tên: "Nhà Văn Hóa", chúng tôi nhớ những chữ này đã gặp qua ở các thị xã khác ở miến Nam, nhưng không rõ nhiệm vụ là gì. Hào giải thích thắc mắc của chúng tôi: "Văn phòng đó có nhiệm vụ nhắc nhở người dân sống lành mạnh. Thí dụ các trường hợp nghiện hút hay nghiện rượu, … đều có thể được chú ý để được khuyên giải tri liệu,…" Tinh nói nếu việc làm có hiệu quả thì đúng là chương trình rất tốt. Tất cả bà con đến ăn đám giỗ đã sẵn sàng chờ ngồi vào bàn.

Cô bé học trò miền quê ở Phú Lâm

Làm phước thôi.

Mấy tiếng đồng hồ sau, người đàn ông nổi tiếng nắn tay chân bị trẹo đến. Thì ra cậu tôi đã gọi ông này từ lúc trưa. Cậu tôi dặn ông ta đừng làm tôi đau (!). Khi tôi chuẩn bị lấy tiền tặng cho ông, cậu mợ tôi đều khua tay bảo ông thầy bẻ chân này không hề lấy tiền của ai, chỉ "làm phước thôi". Cái tiếng "làm phước thôi" này chỉ có ở Việt Nam quê tôi, từ Bắc xuống Nam, một nước nghèo có hạng. Sang Mỹ hơn 30 năm, tôi không còn nghe nữa, mặc dù người tốt cũng không thiếu chi.

Xong xuôi, mợ tôi đâm lá me trộn cơm bó chân tôi lại. Thấy Tinh thích ăn cá rô, chiều nay, mấy em nướng mấy con cá rô thật to bằng than, vàng đều, thơm ngon đặc biệt. Bé Chít, cháu ngoại của Cậu Út đang cài cẩn thận chiếc áo dài trắng và dẫn chiếc xe đạp chậm rải đi ngang, khoanh tay vòng thưa chúng tôi để đi học. Nhìn gương mặt thẹn thùng của nó tôi đoán chắc nó cũng tự biết nó rất xinh xắn trong chiếc áo dài. Mợ tôi bảo "Con nhỏ học giỏi lắm", "ngày nay nhà nào con cái cũng phải đi học, chỉ có học được hay không mà thôi." Buổi chiều lại đến, chúng tôi đón xe thùng gắn máy trở ra khách sạn. Trên đường, học sinh tan học ra về đồng phục như đàn cò trắng, tung tăng đầy đường. Chúng tôi bỗng dưng cảm thấy phơi phới trong lòng.

Xe bỗng ngừng lại, thì ra một em học trò trai đón đi vì xe đạp của em bị xẹp bánh. Ông tài xế tắt máy, bước xuống vác xe của cậu bé lên và ràng phía sau cẩn thận. Chúng tôi cổ võ việc cậu bé đạp xe đi học đường xa và hành động của ông chủ xe, nên dành trả tiền cho em. Cậu bé cảm ơn rối rít, nhưng ông tài xế rốt cuộc cũng không chịu lấy tiền đó.

Mỵ Châu đã chờ sẵn, cùng tôi đi Internet Service (cũng gần khách sạn độ 1 dãy nhà) vì tôi hứa sẽ chỉ cho Châu cách check mail mà không cần đợi mấy đứa con mở máy. Thư em tôi bên Mỹ nhắn Châu dẫn tôi tìm thăm gia đình chị em Nguyệt, Nga. Về khách sạn chúng tôi lại gặp Lương đến chơi mang cho tôi lá ngãi đâm sẵn để đắp chân tôi. Thế là có 2 chiếc xe Honda, Châu chở tôi, Lương chở Tinh đi tìm nhà Nguyệt, Nga. Lúc bấy giờ đã hơn 8 giờ khuya. Nga đang ngồi trông tiệm Internet Services. Con nít ngồi đầy.

Người xưa không còn nữa

Nga nhìn ra thấy chúng tôi đến, nhận ra và gọi tên tôi ngay. Thuở bé, Nguyệt và Nga là hai đứa bé mồ côi mẹ, ở với ba là ông thư ký Diều đối diện với nhà tôi, còn đứa em trai chưa biết chạy, tên Thinh. Chẳng hiểu sao ông lại đặt tên Thinh, chẳng ăn nhập gì với Nguyệt hay Nga cả. Tôi lớn hơn vài Nguyệt vài tuổi, thường chải tóc cho hai cô như một người chị lo cho em. Trong xóm còn có gia đình ông Bảy, có hai người con trai lớn hơn chúng tôi khá nhiều, anh hai Đơ và anh ba On, cũng săn sóc chúng tôi như là bổn phận của người anh. Còn nhớ lúc còn học lớp ba, mỗi lần phải sơn bản đồ các quốc gia trên thế giới để nộp cho cô giáo giờ địa lý, tôi thường bắt anh vẽ dùm vì bàn tay tôi dễ bị mỏi khi phải vẽ lâu. Anh On không hề từ chối lần nào. Ba tôi đi làm ăn xa, căn nhà mẹ tôi trống trải, nhưng không cô đơn, vì lúc nào cũng có cả đám con nít từ xóm vựa lá vào chơi, đủ thứ trò, nhảy chang cháng, thảy banh đánh đũa chiền chiền, nhảy cò cò, bắn trái tràm, bịt mắt bắt dê, bao chiển xùm, hát ca kịch giả,.. tiếng hò reo lúc đó còn như dội trong tai tôi hôm nay. Sau lần hỏa hoạn, người trong xóm tản lạc nhiều nơi, ông Bảy và anh Đơ chết từ lâu, ông thư ký Diều cũng chết, anh ba On tiếp tục bảo bọc mấy chị em Nguyệt Nga cho đến mãi về sau. Trước khi tôi xa xứ, mỗi lần đi ngang nhà, anh ba On thường gọi vào chơi, đôi khi anh khoe với tôi về những thành công trong sở của anh. Vợ của anh rất đẹp, nhưng đã mất trước anh.

Lần này về, gặp được Nga, tôi hỏi thăm hết người này đến người kia. Nguyệt bệnh bao tử và chết mấy năm trước. Mất người chị, Nga và Thinh không ai lập gia đình, cùng nhau mở tiệm làm ăn. Tôi hỏi thăm Nga về anh ba On, Nga nói anh On cũng đã chết mấy năm nay rồi. Nga bảo, lúc chết, anh ba On có nhắc chị em chúng tôi. Tôi thở dài, cảm thấy bất lực trước những mất mát của cuộc đời. Như nối dài thêm cái cảm giác đó, Nga nói thêm:

- "Chị biết thầy Thiện không? Ổng cũng chết rồi!"

Tuy không thân, nhưng Thiện là một trong những người bạn đồng song với tôi dạo còn đi học trung học bán công Tân Châu. Nga bảo "ông bị xe ôm thắng gấp quá, văng lên và chết ngay."

Ngày thứ hai mươi hai -

Trung Tâm Khuyết Tật Cần Thơ

Liên và Trung đã mướn một chiếc xe Van từ Phú Lâm dùm chúng tôi, rước Cậu Mợ và em Diên lên đến khách sạn chúng tôi lúc 6:00 giờ sáng để cùng đi lên Sài Gòn. Tôi có hứa cho Cậu Mợ tôi một chuyến đi đặc biệt, vì cả đời hai người chỉ biết có Phú Lâm mà thôi. Cậu tôi bảo: "Tao giống như Tư Ếch đi Sài Gòn." Thế là đoàn lữ hành lần này có 7 người chưa kể tài xế.

Bến đò Châu Giang đã dời về ngang nhà thờ Châu Đốc từ năm nào. Qua Bắc, xe chạy thênh thang trên con đường mới "nâng cấp" từ Châu Đốc đến Long Xuyên. Bảy năm trước đây, con đường này còn chật chội lắm. Trời đã xế trưa, chúng tôi dặn ông tài xế khi đến Cần Thơ cứ ghé vào một quán ăn nào đó để giải quyết yêu sách của bao tử. Ông tài xế ghé vào nhà hàng "Hoa Cau", tên đã thơ mộng, vị trí cũng đẹp, mà thiết kế cũng sang trọng.

Ăn xong, mấy đứa con cậu tôi đều bảo rằng họ tính cho tôi đắc quá mức, trong khi thức ăn không có gì ngon. Tôi xem lại hóa đơn, quả thật giá mỗi món quảng cáo trên bảng không đắc lắm, nhưng chủ nhà hàng đã "khéo léo" tính thêm vào đó tiền mỗi khăn lau mặt, mỗi bao đậu phọng rang để trên bàn, mỗi viên nước đá ! Thôi thì lại phải học thêm một bài học vậy.

Ông tài xế, tên Phú, liên tục hỏi thăm đường đi đến địa chỉ mà chúng tôi trao cho ông lúc sáng. Trung Tâm Khuyết Tật của cô Bùi Thị Hồng Nga. Đến nơi thì đó là nhà của cô. Cô Nga mời tất cả chúng tôi uống nước dừa và chậm rãi kể lại chuyện cô bỗng nhiên trở thành khuyết tật và những biến chuyển tâm lý. Sau cùng là ý chí phấn đấu để sống còn, và cô bắt đầu bảo bọc cho tất cả những người cùng số phận với tất cả những cố gắng của cô. Sau đó, cô dẫn đi thăm lô đất mà cô đang làm nền nhưng bị người có thế lực tranh chấp. Cuối cùng mới đến thăm được trung tâm.

Nơi đây chúng tôi gặp 4, 5 người khuyết tật đang ở trong một mái nhà "tôn" không có trang bị gì cả ngoài mấy chiếc giường để ngủ. Trong một góc phòng, các rỗ tre mới đan được chồng chất lên chờ cơ hội bán ra lấy tiền.

Phía ngoài mái tôn là một cửa hàng chưng bày sản phẩm mỹ thuật chế tạo bằng sọ dừa, sơn màu. Cô Nga nói: "Vì không tiện nghi thế này, các anh em khuyết tật tản mác khắp nơi, nên thày cô không gặp tất cả được." Những người bị khuyết tật dường như chỉ biết tranh đấu để sống với định mệnh, không hề biết đến nguyên nhân khoa học, hay môi trường liên quan đến lý do chính trị nào cả.