●   Bản rời    

NTKDV - Chủ mới ngôi nhà cũ (Lý Thái Xuân)

Nửa Thế Kỷ Đi Về

Lý Thái Xuân

http://sachhiem.net/LTX/LyThaiXH06.php

22 tháng 3, 2009

Toàn tập:  1   2  3  4  5  6  7  8  9  10

Chủ mới ngôi nhà cũ

Sài Gòn

Xe đến Sài Gòn thì trời đã về khuya, . Biết khu Phạm Ngũ Lão có nhiều khách sạn cho Tây Ba Lô rẻ tiền, chúng tôi ghé vào nghỉ ở khách sạn Đại Dương. Gặp phải tầng lầu thứ 5, nửa đêm điện cúp, chúng tôi mới hay rằng phòng thiếu điện thoại. Tinh định xuống lầu hỏi thăm, nhưng thang máy lại cũng không chạy được. Nản quá, chúng tôi nhất định đổi khách sạn dù là đã quá nửa đêm. Và chúng tôi dời sang Peace Hotel ở Đề Thám.

 

Ngày thứ mười tám -

Gặp thân nhân ở miền Nam

Nửa đêm còn lại nghỉ ở Peace Hotel rất bình yên. Sáng ra chúng tôi liên lạc với chị Diệu để trao tiền học bổng của anh bạn, và liên lạc với cháu Thành, rễ của người anh con chú bác. Thành mướn chiếc xe Van Mercedes 14 chỗ ngồi cho chúng tôi cùng đi thăm các gia đình người anh và người em ở vùng phụ cận. Quân, một trong ba đứa con của người em trai kế Tinh mấy năm sau này làm ăn được thời đã đứng ra bao biện đi Long Thành. Nhà hàng nằm trên bờ sông, ngồi trong bàn có thể nhìn ra thấy nước. Quân gọi sò huyết, cá bóng thái chấm Wasaki (mù tạt Nhật), cua rang me, cháo sò, và sấu riêng. Các anh em lại có một bữa nói chuyện không biết trời đất là ai.

Cùng sống chung một xã hội, một hoàn cảnh, các người con của em trai từ tay trắng lúc di cư vào miền Nam năm 1975 dần dà đã gầy dựng được cơ ngơi. Các đứa con người anh kế thì tuột dốc từ trên đống vàng của người cha xuống thành những người bập bềnh trên sóng đời không định hướng. Thời buổi này, nếu không kể những kẻ làm ăn thiếu lương thiện, những người cùng hoàn cảnh như nhau, làm nên hay không là do tài cán và vận mạng của mỗi cá nhân mà thôi.

Điện thoại cầm tay của tôi lại sắp hết tiền, tôi bước ra tiệm tạp hóa gần khách sạn nạp thêm 100 nghìn (độ hơn 6 đô) để có thể gọi cho đến hết tháng.

 

Ngày thứ mười chín -

Lại thêm sách vỡ

Ở thành phố, tiệm Internet lúc nào cũng có thể tìm quanh mình. Chúng tôi ra đó gửi email và gọi điện thoại về Mỹ cho gia đình, và nhân tiện ghé ngang tiệm hình rửa vội mấy tấm ảnh. Tiệm hình có thể rửa đủ các loại thẻ nhớ của máy ảnh "kỷ thuật số" (digittal cameras), và để vào album gọn gàng. Không thể không ghé tiệm sách dù những chiếc vali đã đầy nhóc, chúng tôi ghé vào nhà sách lớn trên đường Lê Lợi. Chợt nhớ những gương mặt thơ ngây của mấy đứa học sinh nghèo ngày xưa, tôi lựa mua một ít sách giáo khoa bỏ vào hai bịch.

Hồi tưởng lại lần về bảy năm về trước, và thêm lần này nữa, chúng tôi không còn thấy những người cùi hủi ngồi lê lết xin ăn ở nhiều nơi như ngày xưa, điều mà Tinh rất sợ hãi mỗi khi gặp phải. Nếu thực sự hoàn cảnh đó đã được "xử lý" hẳn hoi, thì đây là điều đáng mừng, vì quốc thể được tôn trọng và chú ý. Ai cũng biết, Hà Nội và Sài Gòn là nơi gặp gỡ nhiều đại diện của các quốc gia trên thế giới.

Cháu Thành lại đến rước đi về nhà ăn chiều với Khánh và Tim. Tối, Thành dẫn đi nghe nhạc thính phòng đường Lê Duẩn. Đêm nay cô Thanh Hoa hát nhạc ngoại quốc tuyệt vời, ly kem bạc hà của tôi cũng "ấn tượng" không kém. Có lẽ tôi đã học được khá nhiều tiếng nói thời đại ở đây. Đêm về, tôi gọi Liên để chuẩn bị chuyến về miền Tây ngày mai.

 

Ngày thứ hai mươi -

Xa cảng Miền Tây

Liên và Trung, chồng của Liên, đi taxi đến khách sạn chúng tôi lúc 5:00 giờ sáng và cùng chất hành lý lên xe và đi ra Bến Xe Miền Tây. Dọc đường bị ngập lụt, người ta xăng quần cao hơn gối lội bì bõm đun đẩy những xe bị chết máy. Trung nói: "đây là thủy triều, mực nước ngoài sông cao hơn mặt đường." Chạy thêm một đỗi, thấy tình hình càng tồi tệ, Trung đề nghị với người tài xế quay lại đường khác, và dùng điện thoại cầm tay gọi bến xe để hẹn gặp ở Xa Cảng. Không hiểu thành phố đã có những chương trình nào cho vấn đề này hay chưa, nhưng chắc chắn đây là vấn đề khó khăn.

Đến xa cảng trước 6:00 giờ sáng, phải đợi thêm 1 tiếng nữa. Trung dẫn đi vào nhà lồng ăn sáng, và tiếp Tinh vận chuyển các vali nặng nề đi trước, tôi và Liên cũng khệ nệ thêm vài túi xách tay chạy theo sau. Lối đi phải vòng qua một lối ra vào. Ở đó, có vài người chận chúng tôi lại không cho vào và hỏi vé, chúng tôi bảo rằng người đi trước đã giữ. Chưa quen với những luật "giang hồ" nơi bến xe, tôi đứng lại định giải thích cho người đó, Liên vội vã kéo đi. Chúng tôi ăn hủ tiếu và mua một ít nem Lai Vung đem theo.

Đường Sài Gòn về Tân Châu ngày nay không phải qua Bắc Mỹ Thuận, Bắc Vàm Cống như ngày xưa, mà đi theo ngả qua Cao Lãnh Hồng Ngự, qua bắc ở An Long qua phía trên Chợ Vàm, nên chỉ đến trưa là tới Phú Lâm cách chợ Tân Châu khoảng 15 km. Xe ngừng ở Bắc, các em bé bán vé số tràn vào xe nài nỉ mua vé. Có thể nói từ Bắc vào đến đây chúng tôi không thấy người hành khất như ngày xưa. Một đôi khi cũng có vài người chỉ vì thấy Việt kiều như một món mồi cám dỗ, xin tiền để cầu may, những cảnh như thế rất hiếm. Trung xài điện thoại cầm tay một cách triệt để, báo tin về quê nhà ba má vợ để chuẩn bị thức ăn sẵn sàng. Tôi cũng nhờ nhắn thêm Mợ Tư ở gần Chợ Vàm để cùng ra nhà cậu tôi gặp gỡ. Tất cả mọi người ở nhà quê dường như có thể liên lạc được qua điện thoại, một việc mà chúng tôi không ngờ.

Xe đến ngõ trước đường vào nhà cậu, đã có tất cả mọi người đứng chờ sẵn bên đường, có đến mười người lớn không kể trẻ con. Ăn uống xong, tôi ngồi xe ôm với đứa em con cậu để ngược về Chợ Vàm thăm mộ của Cậu Tư chôn phía sau đồng bên nhà Mợ Tư. Từ mộ Cậu Tư nhìn ra đồng, tất cả là một vùng nước ngập mênh mông. Mợ nói, "mùa này là mùa nước ngập." Đứa con rễ của Mợ Tư đang bỏ lá so đũa cho bầy dê trong chuồng ở phía trong cách mộ Cậu Tư chừng chục thước. Mợ Tư cũng ghé chuồng heo gần đó vài bước. Bé (con gái Mợ Tư) nói: "Mộ Ba ở đây cũng không cô đơn." Mợ Tư dắt tôi trở ra căn nhà ọp ẹp bên bờ sông, nhánh sông Tiền Giang. Trong những giấc mơ viễn vông của tôi là được ở trong một căn nhà bờ sông, sàn tre bóng láng, nhìn xuống thấy nước, thọc chân tay được vào nước. Như nắm lấy được một cơ hội ngàn vàng, tôi chạy ngay ra phía sau nhà, thò hai chân xuống vọc nước chơi như lúc còn bé.

Chiều đến, tất cả chúng tôi lại mướn xe Van cùng lên nhà Dì tôi ở Long Phú (khỏi chợ Tân Châu vài cây số). Dì tôi mất được 4 tuần, và Lương, con trai Út của Dì đang cúng làm tuần hôm nay. Gia đình cậu trở về Phú Lâm, còn chúng tôi ghé lại khách sạn Mai Phước Hạnh ở chợ Tân Châu để nghỉ đêm. Lúc này đã 8 giờ tối, nhưng tôi không để mất giây phút nào, bèn gọi cho vài người bạn để gặp lại. Chỉ 15 phút sau hai người bạn cũ Tài và Đô đã kéo đến khách sạn. Tôi hỏi thăm cô giáo Thơm, thầy Khương, họ bảo đã mất lâu rồi, chỉ còn thầy Tho dạy Việt Văn lúc trước. Định nhờ hai bạn chuyển tặng số sách giáo khoa mà tôi mua cho học sinh ở trường cấp hai, nhưng họ bảo tôi nên gặp Hiệu Trưởng sáng mai.

 

Ngày thứ hai mươi mốt -

Chủ mới ngôi nhà cũ

Hôm nay là thứ hai, ngày đầu tuần. Nâu, người bạn thứ ba, gõ cửa sáng sớm đến thăm chúng tôi trước khi đi làm. Nâu chở tôi đi đến trường cấp hai, không gặp hiệu trưởng, cô Nguyệt, Nâu chở thẳng đến nhà cô. Tinh đi bộ theo sau. Cô Nguyệt nói ngày xưa có học với mẹ tôi. Tôi nói với cô hiệu trưởng về động lực để tôi mua sách tặng học sinh, rằng thuở tôi đi học không có tiền mua sách, chỉ một quyển toán mỏng mẹ tôi mua về đã làm tôi trở thành cây toán cừ khôi của lớp tôi ngày xưa.

Dặn dò xong chúng tôi từ biệt Nâu trở về khách sạn. Đúng lúc, Mỵ Châu, đứa bạn của em gái tôi gọi đến mời ăn sáng. Châu kể lể chuyện gửi tiền nuôi con ăn học và chuyện làm ăn khó khăn. Tôi nhìn cửa tiệm nhỏ bé của Châu, thấy có các món hàng điện tử, thầm nghĩ, những món hàng này dễ bị xưa vì kỹ nghệ điện tử thay đổi mặt hàng rất nhanh. Không dám nói ra vì tôi chưa nghĩ ra một đề nghị nào hay hơn. Vả lại tôi cũng chẳng rành về buôn bán cho lắm.

Châu gọi chiếc xe đạp cùng chúng tôi đi thăm nhà cũ của ba mẹ tôi, nơi mà Mỵ Châu đã đến chơi với em tôi một vài lần. Đất bên bờ sông đã lỡ dần dần làm mất hết cả mấy xóm nhà bên kia ngả tư. Lâu quá không quen ngồi xe lôi, tôi vịn cứng chặt vành thùng mà vẫn thấy như sắp bị nhồi ra ngoài.

Châu chỉ tay bên trái: "Quẹo đây nè chú." Nếu đi một mình, tôi không tài nào tìm được con đường vào nhà, nơi chôn cất cái tuổi mộng mơ thời mới lớn của tôi.

Bánh xe lôi vừa quẹo vào bên trong con đường đất tôi đã nhận ra lối cũ. Đường "Đề Thám" ngày nay hẹp thế này sao? Ngôi nhà kia kìa, nhà đối diện cũng còn kia. Có lẽ ngày xưa mình thấy đường này rộng, nhưng ở Mỹ, những con đường thênh thang đã đi vào thói quen của thị giác từ lâu cho nên về nhà thấy mọi vật đều bé lại.

Bên hàng xóm có tiếng: "Ai như con bà Hai về kìa." Không nhận ra ai, tôi xuống xe bước vào cửa hỏi thăm ai là người chủ mới. Cô chủ ra chào và giới thiệu là một trong những người con của cô Diệp ngày xưa, tên Khịn, là hàng xóm phía đàng sau nhà tôi. Tôi mừng rỡ vì được người chủ mới là xóm láng quen thân đã mua lại người chủ thứ nhì sau khi ba mẹ chúng tôi ra đi. Gia đình chị Diệp là người làm ăn chăm chỉ, chất phác. Trước đây chị bán cháo lòng ở đầu ngả tư, chồng làm thợ bạc.

Khịn dắt tôi vào nhà, từ trước ra sau, chụp hình các ngõ ngách mà tôi muốn kỷ niệm, bảo tôi cứ leo lên gác. Với một chút ái ngại, tôi chậm rãi bước lên, chiếc giường cũ to tướng mà ba chị em chúng tôi thường ngủ không biết về đâu, cái giường mới hơi bé, còn giăng mùng vàng khè. Tôi bước ra hiên, sờ tay vào khung cửa sổ hình chữ nhật mà cha tôi đã tự đúc lấy khoảng 40 năm về trước. Chỉ là cái khung hình chữ nhật, không có thêm một chút mỹ thuật nào, sao bỗng trở thành một kho tàng đánh mất đang hiện lại trước mặt.

Cô Diệp lớn tuổi không còn buôn bán nữa, và đã đi tu theo Phật giáo. Tôi hỏi thăm Khịn về những cô gái hàng xóm cạnh nhà của chúng tôi. Khịn chỉ hai người đàn bà còn trẻ đang ngồi bên, nhìn lại một thoáng chúng tôi nhận ra ngay.