●   Bản rời    

NTKDV - Xe Đò Từ Hà Nội vào Sàigòn (Lý Thái Xuân)

Nửa Thế Kỷ Đi Về

Lý Thái Xuân

http://sachhiem.net/LTX/LyThaiXH05.php

22 tháng 3, 2009

Toàn tập:  1   2  3  4  5  6  7  8  9  10

Xe Đò Từ Hà Nội vào Sàigòn

Chuyến xe buýt - Hà Nội - Huế - Sài Gòn

Chiều nay trả phòng lúc 6:00 giờ chiều để đi chuyến xe đêm vào Nam. Tiền vé là 23 đô cho một người. Xe chở khách đến trung tâm Trekking Travel ở Ba Đình, Hà Nội thì chuyển sang xe lớn có 45 chỗ ngồi, khởi hành lúc 7:35 tối. Chuyến xe buýt ghé nhiều nơi, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Phan Thiết, .khách có thể xuống chỗ nào tùy ý, miễn là liên lạc với hãng du lịch về ý định và nơi nghỉ của mình để người ta rước đi đoạn đường kế. Khoảng 9:30 tối, xe đã đến Ninh Bình, nghỉ xả hơi cho mọi người ăn uống. Đến hôm nay chúng tôi mới biết ra, tất cả việc ăn uống hay các phương tiện tối thiểu đều có thể xoay sở trên đường. Vì lỡ nghe một kinh nghiệm của đứa cháu đã đi buýt mấy năm trước, cho rằng xe chạy không nghỉ nên sẽ bị đói lắm. Chúng tôi đã phải đặt mua ở nhà hàng khách sạn hai bịch thức ăn đem theo, cao ngồng, giờ đây đem ra, tất cả đã bị móp méo trông thảm hại vô cùng. Nhìn quanh mình, ai cũng gọi tô phở nóng ăn ngon lành, tôi thẹn quá vì mình trông giống như cặp vợ chồng nhà quê nhất xứ, cứ tưởng như mình sống vào thời xưa không bằng. Chúng tôi ăn được một ít, rối tìm cách bỏ hết các phần còn lại cho rảnh của nợ, thôi thì đành học một bài học khá buồn cười.

Ngày thứ mười bốn -

Huế

Sáng sớm xe đã gần đến Huế. Tôi vén màn cửa nhìn ra, bên đường còn dấu vết của trận bão tơi bời, cây cối ngả nghiêng trốc gốc, nhiều nhà bị bay nóc, thảm thương.

Học sinh chạy xe đạp trắng xóa trên đường. Những chiếc áo dài của các O dường như mua cùng thứ hàng lụa, màu trắng lóa mắt, và rất tinh khôi. Học sinh ở Bắc mà chúng tôi thấy dọc đường cũng đều mặc đồng phục màu trắng cả, nhưng ở Huế thì trắng toát: làm tôi nhớ hai câu thơ của Hàn Mặc Tử :

"Mơ khách đường xa, khách đường xa"

"Áo em trắng quá nhìn không ra".

Xe ngừng lại ở phòng du lịch Hà Phương. Các cô cậu quảng cáo khách sạn chạy lên tận xe để chào khách. Chúng tôi theo một cô gái mặc áo dài xinh xắn đon đả mời. Tôi bảo rằng chỉ muốn ghé khách sạn ở mặt đường vì chân đau. Cô gái liên miệng: đây rồi, ngay đây thôi. Rốt cuộc chúng tôi phải vào trong hẽm của đường Nguyễn Tri Phương, khách sạn tên Phong Nha, tên một cái động, một thắng cảnh ở Quảng Ninh. Nghỉ ngơi xong, chúng tôi hỏi ngay một chuyến du lịch thăm thành phố kẻo qua mất ngày. Khách sạn liền gọi công ty du lịch lấy vé dùm chúng tôi. Họ đòi 10 đô mỗi người. Xe du lịch là một xe buýt có máy điều hoà không khí. Chúng tôi đi với khoảng 20 người khách ngoại quốc.

Chân của tôi chỉ có thể đi theo được đến cổng thành nội, rồi chia tay họ, và lê chân vào điện Thái Hòa, lân la ở đó chờ. Cái điện thoại cầm tay reo lên, tôi thoáng thấy tên giáo sư Lê ở Huế gọi, nhưng không thể gọi lại vì đã hết tiền. Tôi chậm rãi trở ra gần cổng rồi ngồi bệt xuống sân để chờ đoàn người trở ra. Có lẽ một tiềng đồng hồ đã qua trước khi gặp lại Tinh. Xe du lịch đi đến đồi Vọng Cảnh, lăng Tự Đức, Minh Mạng, Khải Định. Trên đường thấy có rất nhiều vườn thông. Người ta không hiểu làm sao các cây thông nhiều như thế lại có thể mọc đều đặn trên các sườn đồi mênh mông như thế.

Mỗi nơi, tôi chỉ có thể ở ngoài cổng. Có lần một người đàn bà thấy tôi ngồi chờ trong quán nọ, bất chợt bà bắt đứa con 4, 5 tuổi khoanh tay xin tôi cho nó tiền đi học. Tôi từ chối ngay vì thấy đây là một lối giáo dục hư cho con nít. Hơn nữa, đây là một hiện tượng bất thường vì cả nửa tháng nay tôi chưa hề thấy có một người nào xin tiền như thế.

Ít lâu sau, có thêm vài cô gái nói tiếng Anh ra ngồi chờ ngoài gốc cây với tôi, qua các câu trao đổi của họ, tôi khám phá ra rằng khách sạn đã tính lời rất nhiều trong vụ du lịch này. Người bạn đồng hành khuyên nên tiếp xúc thẳng với công ty du lịch, họ tính chỉ có 5 đô hay 7 đô là cùng. Cũng trong dịp này, chúng tôi biết được rằng các khách sạn tính cho các anh chị Tây Ba-lô rẻ hơn tính cho người Việt. Một vài câu dọ hỏi những người Việt Nam hướng dẫn, chúng tôi được biết lý do người Việt bị quản lý khách sạn tính giá cao hơn là vì nhiều người chưa "hội đủ tư cách" của một du khách. Tư cách của du khách, theo con mắt của chủ khách sạn là phải biết xài những dịch vụ khác, như là bỏ quần áo cho khách sạn giặt là (ủi), là phải nhờ khách sạn lo cho các chuyến du lịch, v.v.,…Tất cả những dịch vụ mà chúng tôi nghĩ là tất cả du khách như chúng tôi đều đã phải xài vì rất cần thiết. Không hiểu những du khách kia nếu giặt quần áo thì phơi ở đâu, và làm sao còn giờ nào mà đi du lịch nữa. Vậy có lẽ mấy bánh xà bông đã xài hết cho việc giặc áo trong phòng! Thảo nào bây giờ họ đặt mấy "viên xà bông" nhỏ như thế ! Nhưng tại sao họ phải áp dụng giá cao cho tất cả mọi người Việt như thế này, làm cho chúng tôi thực sự cảm thấy bị chính người mình "kỳ thị" một cách đáng buồn phiền.

Bữa ăn cầu kỳ nhất

Công ty du lịch bao chúng tôi đi ăn trưa ở nhà hàng "Red Apple". Trước khi thức ăn dọn ra, tôi vội vàng ghé ngang tiệm bán tạp hóa để nạp thêm tiền điện thoại và liên lạc với giáo sư Lê. Cứ 4 người một bàn. Chúng tôi được sắp ngồi với cặp vợ chồng trẻ người Úc. Cô chủ nhà hàng ra phòng ăn giải thích từng món ăn. Các món đặc biệt nhất trong chuyến đi này:

- Vả trộn tôm thịt, ăn với bánh tráng, có đủ thứ hương vị khó nhớ, ăn nguội như kiểu salad. Mỗi ngụm nhai vào thấy đầm đầm, mát mát cổ họng. Ngon khó tả.

- Bánh khoái (giống bánh xèo, nhưng không giòn bằng, nhỏ và tròn hơn.)

- Cơm lá sen, ăn thịt kho cà trong tộ. Hai món này tuyệt vời nhất.

- Bánh xu xê (phu thê) tráng miệng gói rất mỹ thuật trong lá dừa thành hình lục giác, hai bên có thẻ chập vào đậy lên nhau.

Thực khách trầm trồ, ai cũng khen hết lòng.

Buổi chiều đi Chùa Thiên Mụ và du thuyền rồng trên sông Hương. Sông Hương rộng thênh thang, gió thổi dịu dàng. Cả mấy tuần nay mới có cơ hội được thở không khí trong lành, tôi không để lỡ cơ hội, hít thở thật nhiều vào phổi. Thuyền chui qua cầu Phú Xuân, cầu Trường Tiền, và đỗ bến Tòa Khâm. Cậu trai hướng dẫn nói tiếng Anh còn ngập ngọng, cố giảng nghĩa cho khách ngoại quốc câu thơ:

"Gió đưa càng trúc là đà, Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương."

Chiều tối, giáo sư Lê đến thăm chơi, nói chuyện không bao lâu thì đã tối. Chúng tôi ngủ một giấc ngon lành.

 

Ngày thứ mười lăm -

Hội An

Sáng nay ra tiệm gần khách sạn ăn bún bò Huế, đương nhiên ngon nhưng có lẽ không chắc có hơn những tô bún bò của các bạn ở Mỹ nấu. Chúng tôi trả phòng và đón chuyến xe búyt của công ty du lịch Hà Phương đi Hội An (không hiểu sao tự nhiên họ đổi công ty, chúng tôi cũng không hỏi, miễn là được đi tiếp đoạn đường). Xe khởi đi lúc 8:30AM nên chúng tôi có thể nhìn cảnh vật hai bên đường nhiều hơn.

Đất ruộng ở hai bên đường có nhiều nơi trắng xóa như có tuyết phủ. Nhà cửa nơi đây có vẻ ngăn nắp và mỹ thuật hơn khoảng đường trước đây. Chúng tôi có cảm tưởng những kiến trúc của các đền đài lăng tẩm đã ảnh hưởng đôi chút đến mỹ thuật này. Những dấu vết xác xơ của trận bão hãy còn đậm nét. Qua thị trấn Lăng Cô, xe cho nghỉ xả hơi, chúng tôi mua hai lon nước bí giải khát. Bờ biển có những ruộng hình vuông chứa đầy nước, có lẽ là ruộng muối hay ruộng nuôi tôm. Một người Mỹ đã đi Hội An mấy năm trước nói với chúng tôi rằng Hội An là nơi phải ghé, và đường chạy từ Huế vào Hội An có nhiều bờ biển rất tuyệt vời, ở 4 ngày không đủ.

Xế chiều đã đến Hội An. Kinh nghiệm hôm qua ở Huế, chúng tôi không theo những người chào mời trên xe, mà chất hành lý xuống văn phòng của cơ quan du lịch để tự đi chọn khách sạn một mình.

Trong lúc chờ Tinh đi tìm phòng, trao đổi với một vài người ở đó, tôi khám phá thêm được một lý do mà các khách sạn "kỳ thị" người Việt. Họ nói rằng người Việt thường không để ý đến việc tiết kiệm năng lượng điện, đi khỏi phòng cũng vẫn cứ để mặc máy lạnh chạy triền miên, tốn công xuất nhiều hơn các người ngoại quốc. Điều này có lẽ hơi mới lạ đối với chúng tôi. Âu cũng là lời thật mất lòng.

Tâm lý người Việt cũng lạ đời. Một mặt thì kỳ thị ngoại quốc, nhưng về nhiều phương diện thì lại kỳ thị chính người mình. Ở ngoại quốc, tuy rằng người Việt cần có những tiệm Á châu để mua thức ăn quen, cần có vài gương mặt quen để tâm sự xa quê, để chén anh chén tôi những lúc nhớ quê. Nhưng rồi, những ai biết nói tiếng nước người thì vẫn thích mua nhà ở chung với người ngoại quốc, tránh vào chung xóm với người Việt Nam. Lý do: đỡ phiền toái !

Tinh trở về và quyết định dọn vào khách sạn "Mỹ Châu" ở cách văn phòng một căn phố.

Không để mất thì giờ, chúng tôi ra phố cổ Hội An, ăn "cao lầu" theo lời quảng cáo của cô quản lý khách sạn. Thì ra, đó chỉ là một loại mì khô, có để tàu hủ chiên mỏng và dòn. Chúng tôi nhìn nhau hơi thất vọng vì sự tưởng tượng quá sai lệch của mình. Ăn xong, chúng tôi đi bộ chậm rãi ra dần đến đường Bạch Đằng. Tôi mua một đôi sandal khác để cho cái chân đau được thoải mái hơn. Vì không muốn thêm gánh nặng vào hành lý đã đầy, tôi cho cô chủ đôi giày mua ở Mỹ, và cô mừng rở ra mặt.

Thấy người ngoại quốc rất thích thú may và mặc áo quần ở thành phố này, chúng tôi cũng bắt chước may vài bộ quần áo. Cô thợ may hẹn tối sẽ xong. Thật ra, thử và sửa chửa vài lần, cô lại hẹn đến hôm sau. Tinh mua thêm cho tôi 3 viên thuốc kháng sinh uống cho hết cảm, đủ liều theo lời dặn của cháu Huyền. Mỗi tối về khách sạn, lại thấy chân tôi đã sưng tự lúc nào chẳng hay.

 

Ngày thứ mười sáu -

Một vòng thành phố

Tinh đi bộ hỏi thăm xe du lịch thành phố, người ta chỉ nên hỏi chỗ này chỗ nọ, rốt cuộc không có kết quả. Tôi ở lại phòng lo bóp chân với mật gấu pha cồn, cảm thấy bớt đau. Chúng tôi quyết định mướn một chiếc xích lô dạo vòng quanh theo bản đồ vừa mua hôm qua. Xe ngừng ở bờ biển cửa Đại, chúng tôi chỉ bước ra hàng dừa nhìn ra biển hít thở không khí rồi quay lại đi tiếp đến cầu An Bằng, ghé Trà Quế thăm vườn "rau sạch". Hoá ra, vườn rau được vun bằng rong biển, chứ không phải phân súc vật, nên gọi là "rau sạch." Trở ra, chúng tôi đến thăm làng Đồ Gốm, và đường về đi ngang đền thờ Đức Khổng Tử. Quang cảnh còn tiêu điều sau trận bão, nhiều cây còn sập ngã, nhiều nhà vẫn còn tróc nóc, nhiều bức tường gạch bể đổ tan hoang, để lộ gạch bọng xây bên trong tường. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên về phẩm lượng của vật liệu, người phu xích lô nói: "Người ta dùng đúng vật liệu xây cất đó mà."

Gần đến cầu, đường lên dốc, tôi bảo xe ngừng lại để chúng tôi đi xuống cho nhẹ xe, người phu xe cám ơn. Đến một nơi gập ghềnh khác, chúng tôi lại đòi xuống, người phu xe cố gắng đạp nhanh thêm để chứng tỏ mình có khả năng, nhưng chúng tôi rất e ngại. Người phu xe trở lại vụ bão, giảng giải: -"Cây tre có thể gãy, nhưng các cây dừa thì không, vì thân nó dẻo dai lắm." Quả đúng như thế. Hẹn với nhà may Tường lúc 11:30, chúng tôi trở về thử áo lần chót.

Sau khi ăn trưa ở nhà hàng gần đó, chúng tôi đi xe ôm thăm Chùa Cầu (chùa xây trên cầu), nhộn nhịp du khách, đền Quan Công, âm u. Có lẽ ở Hội An, theo mắt chúng tôi, không có nơi nào sáng sủa bằng đền thờ Khổng Tử. Trở về khách sạn, thấy vài cậu thanh niên ngoại quốc nhảy lên xe Honda hai bánh nhấn ga vọt đi với gương mặt có vẻ thành thạo và vui thú. Nghe nói các anh Tây Ba lô này thích mướn xe gắn máy và tự đi thăm các nơi họ thích. Ngồi ở phòng khách để check email, chúng tôi thấy các cô cậu du khách trẻ tuổi đang ngồi nghiên cứu các nơi đáng thăm viếng trong các quyển sách nhỏ dành cho Tourists ở Vietnam. Chiều đến ngồi quán bên đường cách khách sạn vài căn phố, chúng tôi ăn thử món Mì Quảng.

Nơi trồng Rau Sạch ở Hội An

Bỏ xương dưới bàn

Quán có nhiều khách, chúng tôi ăn gần xong, có mấy miếng xương lúng túng không biết để đâu. Nhìn qua các bàn khác, thấy họ bỏ xương xuống gầm bàn, lền khên. Chúng tôi không quen như thế, và quyết định bỏ trên bàn cho … dễ dọn, như thói quen thuờng làm ở các nhà hàng Tàu hay Việt bên Mỹ khi thiếu chén đĩa đựng xương. Nhưng khi người dọn bàn ra dẹp, thấy mấy miếng xương trên bàn thì … vừa lau sạch vừa có vẻ ngạc nhiên.

Một lần nữa, chúng tôi cảm thấy chính mình bị xem là …"lạc hậu" cũng không chừng. Ôi, văn hóa và tập quán, không thể nói ai văn minh hơn ai được. Chiều tối, chúng tôi thấy đói, qua hàng quán bên cạnh có bán cháo lươn, ngon đáo để, trở về khách sạn, trả tiền và chuẩn bị hành lý.

Quán Dừng Chân

6:30 chiều, xe buýt hãng du lịch đến khách sạn rước chúng tôi cùng đi Nha Trang. Trên xe có màn ảnh chiếu DVD hát kịch. Xe khởi hành, bóp còi liên tục, tiếng động mà chúng tôi nghe đã quen khi ra đường. Ngang Tam Kỳ, Quảng Nam, xe ngưng lại cho hành khách nghỉ xả hơi (7:30), cũng có quán ăn, toilet hẳn hoi như tất cả các chỗ nghĩ khác. Xe chạy tiếp đến thị trấn Núi Thành, Quảng Ngãi, ngưng ở Sa Huỳnh ăn tối vào khoảng 10 - 11 giờ. Mới tuần trước, tôi định khoe với Chương về những Rest Areas ở Mỹ, cũng may mà tôi chưa nói ra. Đến hôm nay chúng tôi mới liên kết được những quán nghĩ này chính là các Rest Areas mà người Mỹ làm dọc các xa lộ, nhưng quán nghỉ đầy đủ tiện nghi hơn nhiều.

 

Ngày thứ mười bảy -

Biển miền Trung

Xe chạy ngang thị trấn Ninh Hòa, nghỉ giải lao 10 phút. Nơi đây có nhiều ruộng nuôi tôm bên bờ trông khá đẹp mắt. Nhìn ra phía biển, tôi thấy một điạ điểm có rất nhiều nhà mái ngói đỏ còn mới, san sát gần nhau như một khu nhà mới lập, và môt ngôi chùa ở cuối xóm, trông rất ngăn nắp. Xe rẻ trái vào đường 2 tháng 4 Vĩnh Hải (Nha Trang). Nhiều người xuống đây nghỉ. Chúng tôi phải đổi xe khác lúc 7:30 sáng.

Xe khởi hành lúc 8:30 được 15 phút thì bể bánh, phải ngưng lại thay bánh ở Suối Hiệp (Diên Khánh). Qua Phước Mỹ (Phan Rang), xe ngưng ở Tháp Chàm, di tích tháp Poklongarai, chúng tôi lại phải đổi xe vì từ đây xe này sẽ đi Đà Lạt, còn chúng tôi đi ngả Sài Gòn. Vào địa phận Phan Thiết, biển gần kề bên tầm mắt, nhiều bãi biển phơi bày ra như khêu gợi du khách. Thật là tuyệt vời. Tôi nhớ đến lời bà bạn người Mỹ đã nói về biển ở miền Trung. Các ngọn núi nhô ra nhiều hòn đá to lởm chởm chất chồng lên nhau, có lẽ chỉ để nhìn, chắc chắn không ai có thể leo lên được.

Mũi Né.

Chúng tôi được nghỉ ăn trưa ở Mũi Né. Phong cảnh ở đây rất đẹp, biển đã dạt dào, mà cây cối cũng sung túc, xanh tươi. Nhà hàng không có gì đặc biệt, nhưng những ngôi biệt thự gần đó kiến trúc rất sang trọng, lại có vẻ classics. Dọc theo đường Trần Hưng Đạo, phố xà tương đối ngăn nắp hơn các vùng từ Huế vào. Tiếp theo quốc lộ 1A về Sàigòn có các bảng "cấm chở người trên mui xe và người đeo bên hông xe đò." Tôi nhớ lời ông tài xế xe ôm ở Hội An nói rằng cảnh sát sẽ phạt nếu thấy xe ôm chở hai người khách. Đối với người kiếm tiền thì những việc ngăn cấm này là do chính quyền khó khăn, nhưng đối với người đã từng ở Mỹ, những việc này lại là điều tốt, vì nó bảo vệ sự an toàn cho người khách.

Ngang Long Khánh chúng tôi thấy những vườn cao su vẫn còn, vô số cây trồng đều đặn trong rừng thênh thang. Tôi chạnh lòng nhớ đến một thời người Pháp ở đây đã thu hết lợi nhuận và dân công của ta để vinh thân, thầm mong cho các công nhân ngày nay không còn bị ai đánh đập hay bóc lột. Xe ngừng ở Hưng Lộc, Thống Nhất (Đồng Nai), ở đây các nhà vệ sinh có thể được xem như sạch sẽ nhất.