●   Bản rời    

NTKDV - Ải Chi Lăng và Những Quả Na Giai (Lý Thái Xuân)

Nửa Thế Kỷ Đi Về

Lý Thái Xuân

http://sachhiem.net/LTX/LyThaiXH03.php

22 tháng 3, 2009

Toàn tập:  1   2  3  4  5  6  7  8  9  10

Ải Chi Lăng và Những Quả Na Giai

Ngược về theo quốc lộ 1 dọc theo sông Thương, qua Ải Chi Lăng, xe dừng lại ghé thăm quang cảnh, nơi có đền biểu tượng các anh hùng. Quanh đây núi rừng trùng diệp như ngăn quân ngoại nhập bảo vệ lấy đất nước ta. Chúng tôi rùng mình cảm thấy được khí thiêng sông núi và các trận đánh oai hùng của các bậc tiền nhân. Chương bảo: " Chú xem, núi non nơi này như thế, vị trí chiến lược vô cùng lợi hại, bao nhiêu lần quân Tàu sang đều bị quân ta phục kích bắn ngã không còn một mạng." Chúng tôi đứng lại chụp vài ảnh dưới tượng đài.

Bên đường có quán bày bán các thúng Na giai. Chương băng ngang đường hỏi cô gái đang ngồi với chú em trai, rồi mua hết cả thúng. Chúng tôi ngồi ăn tại chỗ, ngọt và giai chưa từng thấy, còn độ một bịch đem theo xe. Cô gái bán Na nói Na này trồng trên núi đá mới có thể sống lâu và mùi vị ngon ngọt, nếu trồng trên đất thường chỉ được vài năm là chết. Trên đường về Bắc Giang ngang qua Kép nhìn thấy đền Thánh Gióng. Trong lòng tưởng như mình được đi ngược thời gian.

Đêm nay ngụ lại khách sạn Bắc Giang và sáng mai sẽ tháp tùng bất ngờ một đám cưới bên vợ của cậu cháu trai. Có cả 15 người bên vợ đến ngụ cùng khách sạn, và kéo nhau đi ăn tối ở quán "Cây Xanh" gần đó. Chủ quán cho người xếp các bàn lại cho dài ở ngay sân trước cửa quán. Giữa sân có chùm cây thật lớn và cao uốn cành che một nửa mặt sân, chúng tôi quên xem là cây gì vì bận chào mời mấy đứa em và cháu bên vợ của Chương. Chúng tôi lại xúm xít ngồi xuống các chiếc ghế con.

Ở đây họ làm thức ăn rất ngon. Món đậu phụ chiên giòn bên ngoài mà đượm bên trong rất tuyệt vời. Món gà chiên giòn cũng độc đáo. Ngoài ra còn phải kể đến dê tái và thịt trâu xào xả ớt. Gớm, bên đó sao họ cứ tái dê khắp nơi. Bữa ăn vui nhộn, các em trai bên vợ Chuơng cứ cụng ly với chúng tôi mãi. Bữa ăn tàn lúc đêm đã khuya, chúng tôi đã trở nên những người thân thiết. Chương đem bọc Na giai còn lại lúc trưa cho đàn em vợ ăn tráng miệng. Về phòng, tìm trong vali không thấy chiếc áo nào khả dĩ có thể chuẩn bị đi dự đám cưới, tôi gõ cửa phòng mấy cô mượn chiếc bàn là để làm cho thẳng thớm một chiếc áo ngắn.

 

Ngày thứ sáu (10/01/06) -

Đám rước dâu

Trước khi rước dâu, đàng trai mời ăn sáng với món "bún sauce vang", màu hồng của sauce trông đẹp mắt, nhưng hương vị lạ lạ không mấy hợp khẩu (đối với riêng tôi). Nhìn đồng hồ hãy còn 1 giờ trước khi xe khởi hành, tôi cùng Tinh vội vàng đi bộ ra một tiệm Internet Service ở góc đường cách khách sạn một vài căn bên góc phải để check và gửi email. Khi trở về, đoàn xe rước dâu đã chuẩn bị khởi hành, Hùng tiếp chúng tôi khuân hành lý từ lầu 3 của khách sạn chất vào cúp xe, như mỗi ngày đã làm. Xe nào cũng đơn giản, không giăng hoa kết lá hoặc màu mè chi cả.

Cảnh nhà đàng gái tuy rất thanh đạm, nhưng tiệc vu qui được tổ chức tươm tất ở sân trước. Chương đại diện cho đàng trai đứng ra nói những lời nghi thức, rất đầy đủ nhưng nội dung chặc chẽ, không có chữ nào dư, tôn trọng ý kiến về nghi thức của đàng gái. Đàng gái cho đôi trai gái thắp hương vái bàn thờ tổ tiên trong nhà. Nhạc được bắt loa phát thanh đủ cho một xóm nhỏ cùng nghe, hát những bài tân nhạc Việt Nam thuần túy, vui hay mùi mẫn, không có những bài Âu hóa như "Ngày Tân Hôn" của Phạm Duy dịch từ bài Ave Maria của Schubert mà các đám cưới ở Mỹ đều hát giống nhau.

Thức ăn do các thợ quen nấu nên rất công kỹ mà không có vẻ phô trương, màu mè như ở nhà hàng. Người ta dựng lều vải trong sân trông rất dễ thương, tựa như những lều nylon mà chúng tôi đã thấy một vài đám cưới ở Mỹ. Xe rước dâu bắt đầu đi thì chúng tôi cũng vội vã lên đường trực chỉ Tuyên Quang. Không biết hôm nay là ngày lành thế nào, trên đường đi chúng tôi lại gặp thêm gần mười đám cưới tổ chức cùng ngày.

Đình Tân Trào

Đoạn đường lên Tuyên Quang khá xa. Chương bảo Hùng lái qua Sơn Dương, và nói với chúng tôi: đây là chiến khu của cụ Hồ, nơi ông hội họp, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp. Kế đến xe chạy qua An Toàn Khu và tiến lên Tân Trào. Chương kể cho chúng tôi nghe mức độ "an toàn" của ATK, không một chút sơ hở. Nhìn cảnh đồi núi cheo leo, cây cối ở đó cũng hoang sơ, chỉ có người ở địa phương mới có thể biết ngõ ngách mà đi. Ngày nay, việc đi lại tự do làm cho người ta khó tưởng tượng được những gì có thể xảy ra trong thời chiến, hẳn là dân lạ đến đây sẽ bị "tiền trảm hậu tấu" để bảo vệ an toàn cho mật khu.

Đến đình Tân Trào, chúng tôi chụp vội vài tấm ảnh với cây đa rất độc đáo ở trong khu đất cao được rào chắn bằng tường đá thấp. Rể của cây đa rủ xuống một hàng song song với thân đa kết thành một bức màn cây, hùng vĩ và thiêng liêng. Có cô gái chụp ảnh dạo chạy theo đòi chụp cho vài tấm, chúng tôi từ chối vì đang dùng chiếc máy ảnh Sony vừa mới mua ở biên giới hôm trước. Bỗng nhiên thẻ nhớ (memory card) bị trục trặc, không thể chụp nữa. Thẻ nhớ sơ-cua có thể thay vào, nhưng kẹt bên trong vali. Thế là cô chụp ảnh dạo có cơ hội "giúp đỡ" người du khách xui xẻo này. Không sợ tốn kém, nhưng tôi cứ thẩn thờ tiếc những bức ảnh quan trọng nhất mà tôi hãnh diện có được từ hôm qua khi chụp ở cột mốc số 0 km tại Mục Nam Quan cho đến núi Tô Thị, Thành Nhà Mạc, Động Tam Thanh, rồi Ải Chi Lăng, … cho đến hôm nay như công dã tràng xe cát..

Lán Nà Lửa

Sợ màn đêm lại xuống, chúng tôi vội tiến bước. Chương nói "đi lên Lán Nà Lửa". Nơi đây có người Tày buôn bán chung quanh vùng núi hoang vu. Họ bán những ve mật ong, và những áo quần màu sắc dân tộc, nhưng những người mà chúng tôi thấy bên đường mặc y phục đơn giản hơn. Một cô gái Tày, người thon nhỏ, nhanh nhẹn dắt Chương và chúng tôi lên Lán. Chương hỏi tại sao nay lại có cái ao to thế. Cô gái nói:

- Mấy anh em đào ao để đắp đường mình đang đi cho sạch sẽ, dễ dàng hơn .

- "Sao lại thế, di tích này lẽ ra phải để nguyên như cũ mới phải!" Chương phê bình nhỏ nhẹ. Cô gái cũng không nói gì hơn.

Qua đoạn đường ngắn chúng tôi leo lên đồi cao, trước mặt là một rừng nứa dày đặc, mọc đều đặn từng chòm xanh ngát, vừa đẹp mắt và cũng vừa thơ mộng vô cùng. Dừng lại ngay bia đá trước lối đi lên lán, chúng tôi mới được đọc rõ ba chữ "Lán Nà Lửa" này. Chương dừng lại và giải thích thêm: "tiếng Tày gọi cái lều là Lán, chữ Nà là ruộng, và chữ Lửa có nghĩa là trên." Thì ra Lán Nà Lửa là chiếc lều ở ruộng trên. Đó là chiếc lều của cụ Hồ trú ngụ. Trong chốc lát, chuyện tiếc rẻ các bức hình trong thẻ nhớ hư bị quên lãng. Chúng tôi nhìn chiếc lều đơn giản tột bực trong rừng nứa, chẳng phải dinh thự, và thoắt hiểu ngay sự thành công của người lãnh tụ là chuyện ắt phải có, đó là do cách sống gần với dân. Các bậc vua chúa giàu có, người nào cũng cố làm cho lâu đài hay lăng tẩm của mình to lớn nhất nước hay nhất vùng. Những kỳ quan thế giới: Vạn Lý Trường Thành, Kim Tự Tháp, lăng tẩm đền đài,… phải chăng chỉ là những kiến trúc phô trương chỉ có thể làm cho du khách tấm tắc khen ngợi, cảm phục nhưng không cảm động. Có thể du khách sẽ nghĩ đến những kẻ khổ sai không tự nguyện,

- "Nhất tướng công thành vạn cốt khô".

Nhưng chiếc lều này nhất định sẽ làm cho các du khách cảm xúc trong lòng. Chiếc lều trên ruộng cao này là nơi mà người lãnh tụ kháng chiến đã sống nhiều ngày đêm để cùng dân chúng đòi lại giang sơn cho dân tộc, một công trình tâm huyết vĩ đại mà hiếm người trên thế giới có thể làm được. Đây không phải là "nhất tướng công thành", mà là "vạn dân công thành". Chúng tôi tự hỏi rất có thể những lãnh tụ chống Pháp của chúng ta ngày xưa cũng sống đơn giản, khó nghèo tương tự như thế . Thấy thương dân mình, khổ cực quá đỗi, gian lao quá đỗi, nhưng nhẫn nại sống chỉ vì hai chữ "bất khuất"

Suối khoáng

Rời Tuyên Quang, trên đường đi Yên Bái, ngang thị xã Phú Lâm có một suối nước nóng, Chương cho xe ngưng lại. Nghe nói rằng tắm suối khoáng này sẽ được khỏe mạnh, và có thể chữa bệnh gì đó (!), nhiều người mướn phòng gần đây để được tắm cho đến hết bệnh. Chương đốc thúc: "Chú thím vào tắm đi, khỏe lắm, mỗi người một phòng." Thế là tất cả chúng tôi quyết định vào tắm. Cô gái phục vụ ở đó vào từng phòng vặn nước cho chảy vào bồn. Nước nóng vô cùng, pha nước nguội vào không kịp, tôi dùng chân khoa nước thử, mãi chập lâu mới quen với nhiệt độ. Tưởng chừng sau khi tắm sẽ được trắng da dài tóc, thực tình thấy da dẻ trơn tru một cách lạ thường chưa từng có. Khi lên xe đi tiếp, người nào cũng phát biểu cảm giác như thế.

Chúng tôi hớn hở vì có nhiều lúc xe chạy vượt ngang cầu bắt ngang sông Lô hoặc nhìn thấy sông thấp thoáng qua các xóm nhà, cây cối. Sông Lô đã ghi các chiến tích oai hùng chống giặc Pháp, tên của nó đã đi vào âm nhạc và lịch sử nước nhà. Qua nhiều ngày chạy loằng ngoằng trên các con đường quanh co, xe mệt mỏi nhưng ráo riết tiến về Yên Bái, sang cầu sông Chảy, thác Bà trong thị trấn của quận Yên Bình.

Chuyện vãn với Chương thật là thú vị. Tôi không nhớ rõ Tinh và Chương đã bắt đầu câu chuyện về "nạn ăn hối lộ" từ chỗ nào, vấn đề đã được xem như một quốc nạn trong thời gian hiện tại, bỗng tôi nghe Chương kể lại một giai thoại vui. Một anh cán bộ trong buổi họp về vấn đề này bắt đầu bài diễn văn:

- "Kính thưa các đồng chí chưa bị lộ !"

Chương giải thích thêm, "Các ông đó mới thoát được cảnh khó nghèo đã kéo dài gần cả đời họ trong thời chiến và hậu chiến. Cám dỗ của kim tiền đến với họ trong thời bình rất dễ lôi cuốn. Cho nên những người trong buổi họp đó đều biết ngầm các anh em kia đều có cùng bệnh "ăn hối lộ" như mình, nhưng ai cũng nhắm bớt con mắt để thông cảm nhau."

Tinh dã lã:

- "Dù sao, vấn đề được mạnh dạn đem ra bàn trong chính phủ cũng là một hiện tượng rất khá. Có nói đến vẫn hơn là không dám đề cập đến. Có nhiều người nói "bây giờ ăn hối lộ còn hơn gấp mấy miền Nam ngày xưa (trước năm 1975)". Nhưng chỉ là những câu nói không có dữ kiện làm chứng cớ, vì ngày xưa có ai dám đem vấn đề ra bàn cãi đâu. "

Bỗng Chương chỉ ra phía Nam: "Sông Lô gặp sông Chảy ở Đoan Hùng bên kia, nếu đi con đường ngang đó sẽ phải mất giờ lâu hơn". Chúng tôi về đến Lục Yên ăn tối. Chương báo trước: "Quán nhà quê nhưng thức ăn nấu tuyệt vời." Quả đúng như thế. Khứa cá trấm (nhìn vảy giống cá chép nhưng rất to) khoảng hơn một tấc chiều ngang, hấp rất ngon thơm, đã làm cho mọi người ăn hết mà vẫn còn thèm thuồng nên gọi thêm khứa khác.

Tiến về miền Tây Bắc.

Trên đường đi Lào Cai có rất nhiều người dân tộc (Mèo, theo Chương, tiếng tôn trọng gọi là H'Mông, người Mán gọi là Dao). Những người này ăn mặc rất cầu kỳ, màu đen điểm thêm các viền màu đỏ xanh, nếu không có những y phục đó, thật khó phân biệt với người Kinh. Về đến Lào Cai lúc 11 giờ khuya, ngụ tại khách sạn mới xây của Chương.

Sáng sớm, người anh cả dẫn đi thăm Đền thượng nơi thờ Đức Trần Hưng Đạo. Đền đặt trong một khu đất cao, rất biệt lập. Trong đền có trống có nhạc và người đàn ông ngồi ca những bài mang âm điệu ca trù, những câu hát về các anh hùng chống giặc. Trước đền có một bùng binh dựng 12 con giáp bằng ngọc thạch đứng vòng quanh: Tí Sửu Đần Mẹo,… Thấy có du khách người Tàu lai vãng, tôi rắn mắc trộm nghĩ chẳng hiểu họ nghĩ thế nào về đền thờ này, vì Đức Trần Hưng Đạo đã đánh họ thua xiểng liểng.

Lào Cai là nơi có cửa khẩu nhộn nhịp, nhưng đường phố có vẻ sạch hơn phố cổ Hà Nội. Định chụp ảnh, tôi thay thẻ nhớ nhỏ vào máy ảnh, nhưng pin không đủ lên đèn.

Ngày thứ bảy :

Thắng Cố

Vợ Chương mời ăn phở ở nhà hàng Việt Hoa, có bánh ngọt tráng miệng, hương vị rất khá . Ăn trưa tại nhà Chương, canh rau đay, tái dê tương gừng, nậm dê chiên giòn, buổi ăn nhà thanh đạm mà ngon miệng nhất. Tôi lo tìm bưu điện để gửi về Mỹ 5 kg trà Thái Nguyên của cô Xuyến cho, vì chúng tôi không còn cách nào để đem nó theo cùng với ba chiếc vali nặng nề trong từng đoạn đường sắp tới. Vị chi tiền bưu chính lên đến 35 Mỹ kim đường tàu (!). Chiều về, anh cả lại dắt đi thăm nhà bà sui gia, mẹ của vợ Chuơng. Bà già về hưu, con cái làm nên cả, bị đau xương hông, bà không đi nhiều được, bà chỉ đi lại trong phòng, nên cũng buồn, bèn đọc sách, làm thơ. Bà nói đang đọc cuốn thơ của cụ Hồ.

Tối đến, trở về nhà Chuơng, bốn người em trai của vợ Chương, Hồng, Lạc, Vinh, Linh đang quảng cáo món "thắng cố" thịt ngựa. Linh nướng thêm khô trâu, vừa đập mấy miếng khô vừa kêu cứng như đá. Vơ Chương nướng hẹ bôi mỡ nghe thơm lừng. Hồng trộn trở món xào. Chúng tôi trải chiếu ngồi tụm quanh nồi thắng cố. Lạc giải thích: bất cứ thịt nào, hầm xương, đồ lòng kiểu này đều gọi là "thắng cố", tiếng của dân tộc H'mong. Một buổi ăn chiều rộn ràng và thương mến.

Ngày thứ tám :

Chuyến hành trình không có Chương

Trước khi tiếp tục Tây tiến sang Điện Biên Phủ, cả nhà Chương tiễn đưa chúng tôi bằng bữa ăn sáng với món phở chua, người địa phương gọi là "củng xù". Dường như các vị chua ở miền Tây Bắc không mấy hấp dẫn với tôi, nhưng lòng người ở đây thì tuyệt vời lắm. Có các con của Chương, Huyền Tuấn đáp xe đò về Lào Cai thăm từ đêm qua, cả nhà cùng chụp ảnh kỷ niệm trước nhà Chương.

Từ đây, Chương sẽ ở lại để còn làm những công việc ứ đọng cả tuần nay. Chúng tôi bùi ngùi ra đi, ngầm hiểu trên đoạn đường tới đây, không khí sẽ loãng hơn, và những bữa ăn sẽ nhạt đi mấy phần. Dù sao, hãy còn có được người anh cả lặn lội theo chúng tôi để anh em có giờ tâm tình thêm, vẫn còn Hùng, tài xế của Chương, cho nên hy vọng sẽ không đến nỗi nào.

Từ Lào Cai đi Lai Châu bằng quốc lộ 4D ngang qua Sa Pa, nơi có tiếng là đẹp. Lẽ ra phải ghé thăm, nhưng không phải là trọng điểm của chương trình. Có lẽ vì trời mưa suốt buổi, nhìn quanh chỉ thấy ướt nước khắp nơi, nên chúng tôi chỉ ngừng lại chụp ảnh ở nhà thờ Sa Pa. Không biết bình thường ngày cuối tuần có sinh hoạt hay không, chứ hôm nay, nhà thờ chỉ đứng im lặng đàng sau cái sân đá mênh mông và lạnh lẽo.

Trời vẫn mưa, chúng tôi đi ngang thác Bạc, không chút hứng thú để ghé xem. Tài xế Hùng vẫn tỉnh táo, liên tục uốn xe qua lại quanh các đường đèo trong dãy Fansipan. Hai bên đường có những lằn ruộng bậc thang xanh mướt cắt rời theo từng sọc bên sườn núi. Người Dao (Mán) ở quanh đây, y phục dùng màu đen làm nền, chạy điểm thêm tí màu xanh hay đỏ. Trời đã nắng gay gắt bắt đầu từ lúc nào không ai hay. Chúng tôi nghỉ ở thị xã Lai Châu để ăn trưa. Các món ăn không có gì đặc sắc. Sau khi ăn, anh cả ra phía bàn góc trái nhâm nhi uống trà. Tôi tạt sang cô hàng bán trái cây, mua một ít bưởi và táo đem theo xe.