●   Bản rời    

NTKDV - Trên Con Đường Quê (Lý Thái Xuân)

Nửa Thế Kỷ Đi Về

Lý Thái Xuân

http://sachhiem.net/LTX/LyThaiXH01.php

22 tháng 3, 2009

Toàn tập:  1   2  3  4  5  6  7  8  9  10

Trên Con Đường Quê

Quán "Ngon"

Chiều nay, Thanh, Huyền, các đứa cháu ngoại cháu nội của anh cả rủ chúng tôi đi ăn quán "Ngon". Huyền đang làm nghề Dược, đã lên 26 tuổi nhưng nhìn chỉ độ 20. Cô bé nhìn thật là xinh, tóc dài hớt tỉa kiểu thời đại, phủ xuống vai, nụ cười rất tươi, đặc biệt giọng nói rất nhanh, và rất nhẹ. Ngay cả Tinh cũng nghe không kịp. Giọng nói này làm tôi nhớ đến cô tiếp viên ở khách sạn Camelia trên đường Lương Ngọc Quyến., giọng Hà Nội ngày nay, tôi rất thích thú nên cố gắng chạy theo vận tốc của cô để hiểu. Quán Ngon là một nơi có khách tấp nập, vô số các món ăn tụ tập như một phiên chợ triễn lãm thực phẩm, vừa bình dân vừa sang trọng, tùy theo mình chọn vị trí phía ngoài hay bên trong để ngồi ăn. Chung quanh chúng tôi, những đám tiệc sinh nhật cũng kéo nhau vào đây họp mặt. Thật là một nơi ăn uống đặc biệt rất vui.

Con nít trong các máy chơi games

Trở về khách sạn, tôi hỏi thăm và đi bộ ra chỗ Internet Services để email và gọi điện thoại về Mỹ. Tiệm có hơn hai mươi chỗ ngồi, mỗi chỗ là một bộ computer. Con nít khoảng dưới 14 tuổi ngồi trong các ghế chơi games đầy nghẹt. Trò chơi thuờng là các điệu khiêu vũ bằng hình (cartoons) của giới thiếu niên. Trong lúc viết email, tôi nghe các đứa trẻ này nói chuyện với nhau, dùng tiếng chửi thề chen đủ chỗ, đầu câu, giữa câu, cuối câu. Chắc chắn rằng con cái gửi đến đây mà tôi gặp hôm nay không phải là tiêu biểu cho giới trẻ hiện nay, vì trong các trường hợp khác, tôi không hề thấy như thế.

Ngày thứ ba -

Con đường quê

Thăm bạn cũ, bạn mới xong xuôi, chúng tôi nói với Chương về ước muốn đi thăm các di tích lịch sử văn hóa, và bỏ qua các nơi danh lam thắng cảnh cho nhẹ chương trình. Phát xuất từ Hà Nội, chúng tôi chất hành lý lên cúp xe và đi Phủ Lý, rồi Nam Định. Con đường này đã đem lại cho chúng tôi cảm giác như gặp được những nhân vật và các giai thoại trong văn chương. Chương nhắc quê của nhà thơ Trần Tế Xương ở nơi đây. Mỗi người chúng tôi luân phiên đọc vài câu của ông:

"Lúc túng toan lên bán cả trời, Trời cười thằng bé nó hay chơi,…" (Than Cùng)

"Quanh năm buôn bán ở ven sông, Nuôi đủ năm con với một chồng, Lặn lội thân cò khi quãng vắng, Eo sèo mặt nước buổi đò đông…" (Khen Vợ)

"… Gạo cứ lệ đong ăn bữa một, Vợ quen dạ dẻ cách năm đôi,…" (Than Thân)

Chúng tôi đùa: "Giá ông Tú ở thời nay thì nhà nước không cho vợ ông quen dạ đẻ một cách bất cần đời, mà phải kế hoạch hẳn hoi để khỏi đòi bán trời loạn cả lên như thế."

Vượt cầu Tân Đệ bắt qua sông Hồng, rồi đến Thái Bình, xe lướt trong bụi mờ, rồi quấn quét từng mảng mây bụi ập vào những hàng quán hai bên lề. Gần như trước mỗi nhà đều có cây bàng, giống như những cây dù để giữa bàn mà người Mỹ thường bày phía sau nhà vào mùa hè. Nhiệm vụ chính của cây bàng có lẽ để che nắng, không thể che được lớp cát bụi trong không khí mịt trời. Tôi mơ hồ trong trí hai câu, nghe như của Nguyễn Bính, nhưng dường như không phải:

- "Cây bàng trước ngỏ nhà tôi, Nó bảo rằng thu đã đến rồi"

Xe tiếp tục bấm còi "tin tin…. tin tin… tin tin " như một động tác gắn liền với tay lái. Thỉnh thoảng có những chợ quê bày trên đường làm lối đi bị nghẽn lại. Người đi chợ cứ đi đầy đường, bất kể xe ô tô là nguy hiểm chi cả. Chúng tôi phản ứng như một người công dân "hay đòi quyền lợi" ở Mỹ:

- "Sao chính quyền không vẽ lối đi dành riêng, và giáo dục cho người đi bộ phải bảo vệ mạng sống của mình?"

Như đã nắm hết tình hình và hoàn cảnh của quê nhà, Chương đáp ngay :

- "Đường ở đây chỉ đủ một chíếc xe, lấy đâu có đất dư mà vẽ riêng! "

Câu nói đó làm tôi se lòng và hối hận về lời đề nghị vô tội vạ của mình. Ở xứ Mỹ này, đường là của xe ô tô, nhưng ở Việt Nam, chỉ trừ những quốc lộ rộng lớn mới tu bổ thêm sau này, nhất là đường quê, xưa nay chỉ là để cho người và xe đạp. Lâu lâu mới có xe chở khách bấm còi inh ỏi, mỗi ngày chỉ độ 1 hay 2 chuyến là cùng, còn xe ô tô du lịch là chuyện hiếm vô cùng. Nay việc mở mang đường xá và xe cộ trong thời gian ngắn, quá đột ngột, những hoàn cảnh và vấn đề chung quanh không thể ăn nhịp theo được, việc dời nhà dân cư ra khỏi lộ để mở rộng đâu phải là chuyện vài năm, ngay cả vài chục năm cũng không thể. Tôi bỗng nhớ lần về trước đây, trên đường chỉ toàn là xe đạp. Nay chỉ thấy xe Honda 2 bánh nhiều hơn. Xe đạp dường như chỉ còn có học sinh chạy thôi. Lòng tôi cảm thấy mát mẻ trở lại.

- "Kia chợ Bo Thái Bình đấy chú", Chương kêu lên trong lúc chúng tôi còn đang lan man nghĩ ngợi .

Cậu tài xế thông minh, hiểu ý chủ mình, cho xe ngừng lại cho chúng tôi ghé thăm chợ. Chợ ở Việt Nam không mang tên siêu thị nhưng cũng đâu khác gì lắm, nếu chỉ so sánh sự hiện diện đầy đủ các mặt hàng. Chợ nơi đây còn tiện hơn siêu thị ở Mỹ nếu xét về sự gần gũi của các mặt hàng. Không cần phải đi sang tiệm khác, cách cả hàng chục hàng trăm thước, đứng một nơi nguời ta cũng có thể thấy đủ thứ các mặt hàng. Nào là võng, rổ, rá, vật dụng cho nhà nông, vật dụng cho các nhà xây cất, thức ăn khô, thức ăn tươi, san sát nhau… Đang cơn khát, lại thấy táo, bưởi, và các loại trái cây trưng bày đầy các quán hàng, tôi định mua vài cân, nhưng lại ngại làm trễ giờ hẹn ở nhà chú em sắp đến. Một mặt, sợ ăn trên xe không có nước rửa miệng thì càng khó chịu thêm, một mặt thấy Chương vội vã lên xe, tôi mau mắn bước trở lại lên xe.

Quê anh

Xe chạy thêm gần một giờ đường là đến làng Tô Xuyên, còn gọi là Tò. Có lẽ đây là một trong những làng quê hẻo lánh, cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của Tinh. Chúng tôi về đây để thăm họ hàng xa gần và mồ mã tổ tiên. Con đường từ nhà này đến nhà khác nhỏ bé gầy guộc nằm giữa các ao nước . Một số nhà bên đường có ngăn vách tường đá, bên trên gắn miễng ve chai lởm chởm. Có lẽ chỉ là dấu vết còn lại của một vài nhà giàu có thuở xa xưa nào đó, vì chính những vách tường này ngày nay cũng không còn nguyên vẹn. Xét ra nhà bên trong hàng rào cũ kỹ đó cũng chẳng có gì để phòng trộm cả. Một vài căn nhà vách đất mái rơm bé xíu vẫn còn tồn tại như làm dấu tích cho những cuộc đời khó nghèo. Không thấy dấu hiệu có người đang ở. Kỳ về lần trước tôi đã hãnh diện chụp được một tấm ảnh kỷ niệm. Các bạn trong sở tôi rất thích tấm ảnh đó, xem như một mái lều thơ mộng (!).

Xe của Chương vào làng quê

Thấy các mảnh ve chai trên tường, tôi kinh hãi định kêu lên, nhưng rồi một vài hình ảnh trong thuở ấu thơ như sống lại, nhắc tôi nhớ một lối sống cũ. Sực nhớ, xứ của mình, không ai lại đi bảo vệ cho những tên trộm, hay những trẻ nhịch ngợm dám trèo qua tường nhà người khác. À nhỉ, chỉ có những xứ giàu có sinh lễ nghĩa, mới đặt ra những luật lệ kỳ khôi, bảo vệ tội phạm đến độ nạn nhân gần mất quyền tự vệ. Bên kia biển Thái Bình Dương là tội ác, mà bên này là hữu lý.

Những thửa ruộng èo ọt, những ao nước nằm hai bên đường, ứ đọng, óc ách, như muốn tháo vào nơi khác nhưng không được. Một vài con vịt ốm lội bơ phờ trên mặt ao. Tội nghiệp những bụi tre ốm cằn cỗi, u buồn cong mình nhìn xuống mặt ao như đành phận vì gốc rễ đã lỡ dại chôn xuống đất này, trăm năm không thể bước đi đâu được nữa. Người ở đây không có cách nào khá giả được, vì đất đai không màu mỡ, nhưng họ có niềm an bình trong tâm hồn rằng họ là những người chung thủy, ôm ấp được mảnh đất quê cha, và chia sớt ấm lạnh với quê hương.

Cháu Huyền đang nấu lẩu hải sàn trên bếp cồn khô

Chúng tôi quên hỏi, các nhà quê xa lắc xa lơ như nhà San, con của người em trai đã bắt đầu có điện thoại từ lúc nào. Việc thông báo cho gia chủ chuẩn bị đãi khách, để cứ vào đến nơi là có ăn ngay, là một việc chúng tôi không ngờ được. Nhờ Chương gọi báo tin từ sáng, gia đình San đã chuẩn bị gỏi gà, và một vài món đậu xào, thức ăn nhà quê nhưng rất đậm đà. Chắc ai ở Mỹ cũng biết, thịt gà ở Việt Nam luôn luôn ngon hơn gà mua ở các siêu thị bên Mỹ. Nồi cơm bây giờ, không có chi khác biệt với nồi cơm chúng tôi thường ăn bên Mỹ. Chúng tôi mường tượng một dạo nào trước đây có lẽ người dân phải ăn độn bo bo hay khoai ngô vào cơm.

Thằng bé 4 tuổi của San đang đòi theo các chị đi học, bà nội của nó (thím Đào) bảo thế. Tôi có chút ngạc nhiên vì nhớ ngày xưa các trẻ em rât sợ đến trường. Quyền uy của thầy cô ngày xưa cũng lớn lắm, có thể đánh học trò mà không ai can dự.

Em dâu chúng tôi bảo: "Bây giờ ở quê ai cũng phải cho con đến trường học." Tôi bảo "Vậy thì tốt chứ." Nhưng thím Đào than: "Con hai này học giỏi lắm anh chị, nhưng cho 3 đứa nó đi học thật là tốn kém." Tôi bảo: "Đóng tiền trường chắc?"

- "Không, nhà trường bắt phải mua quần áo đồng phục."

Nói xong, thím Đào quay ra bảo mấy đứa con lo dọn rửa mâm chén bát.

Nhìn vào bếp và phòng tắm thấy các cháu đang xài nước máy, Tinh bảo "tiện nghi không ngờ hơn xưa quá nhiều." San ra quầy hàng điện tử mới thiết lập mấy năm nay để sửa chửa các máy điện, một nghề mà ngày xưa ở nông thôn không hề có. Chẳng biết có khách đủ để cháu kiếm tiền cho con đi học hay không, nhưng San tỏ ra rất yêu nghề: "Còn đỡ hơn cày ruộng bác ạ."

Nghe nhắc đến chuyện học đường, anh cả than phiền rằng hiện nay có nhiều đứa lên đến lớp chín chưa biết đọc chữ cho xuôi. Tinh nói "trời cho mỗi người một khả năng, một sở thích." Anh cả tiếp tục than phiền rằng đó là do giáo viên phải theo "chỉ tiêu" của nhà nước đặt ra cho nên cứ cho học sinh lên lớp bừa. Do kinh nghiệm dạy học nhiều năm, nhiều nơi, Tinh phân giải:

- "Em dạy ở Mỹ lúc trước cũng thế, không may có những đứa học trò không chịu học, nhưng nếu cho nó điểm kém, thì cả cha mẹ nó cũng gọi đến than phiền khổ lắm. Vả lại, giáo dục bên Mỹ cho rằng tuổi nào thì cho học theo tuổi đó. Đâm ra các thầy cô phải xí xóa để cho học sinh lên lớp. Bằng cấp trung học đâu có là gì, mặc dù tiền bạc chính phủ đã dành khá nhiều cho việc nghiên cứu và thực hiện làm sao cho học sinh thích học. Nhưng học được hay không là tùy sự chuyên cần và khả năng cá nhân của nó. Lên đến đại học người ta mới thực sự chọn lọc. Cùng tốt nghiệp lớp 12 như nhau, nhưng kiến thức của đứa này có thể làm thầy hai ba lần đứa khác."

Thấy anh cả vẫn bất mãn, Tinh nói tiếp:

- "Anh thấy rõ trước mắt nhé. Cùng đi học thời buổi này, cùng hoàn cảnh như thế, mà con Huyền ra trường Dược sĩ, thằng Tuấn được du học, tất cả chúng nó ăn nói khôn ngoan, việc làm trôi chảy ai cũng thích. Trong lúc đó, theo anh nói, có đứa đọc chữ không chạy. Do đó, truyền thống gia đình và cá nhân học sinh có lẽ là yếu tố quan trọng cho việc thành bại của học sinh, trách nhiệm của các thầy giáo hay nhà trường chỉ là một phần khác mà thôi."

Thăm mộ gia tộc

Sau bữa ăn trưa ở nhà cháu San. Tôi nhờ cậu tài xế chở đi mua một ít trái cây và nước uống. Chú Đào hướng dẫn ra chợ quê gần đó. Không có nhiều chọn lựa, nhưng tôi cũng có thể mua mấy trái cam, thùng bia, và một ít nước ngọt. Có trái cây cũng tiện cho việc ra mộ cúng tổ tiên, chúng tôi men theo đường đất sâu vào ruộng nơi có khu nghĩa địa Ma San. Chiếc ô tô phải ngừng lại ngay bìa ruộng vì đường đất đi vào chỉ có 1 mét ngang, hai bên là ao hồ. Trên mỗi ngôi mộ đều có xây một ngôi miếu bé con sơn đỏ trên mái, để thắp nhang và dựng bia bên trong kể lai lịch người quá vãng.

Đa số các ngôi mộ miền Bắc đều làm theo thiết kế tương tự như thế. Bước từ mộ này sang mộ khác (dường như không theo thứ tự ngang dọc nào cả, hoặc vì đám cỏ đã mọc cao quá gối làm cho chúng tôi không còn nhận được ra mô hình. Cỏ may bám vào quần áo chúng tôi, đâm lít chít đen nghịt. San giải thích: "Mỗi năm cứ vào tháng ba có lễ tảo mộ thì mấy cây cỏ này bị cắt sạch. Mấy tháng sau chúng lại lên nhanh như thế."

Ngôi mộ tổ tiên

Trở ra cổng nghĩa địa, thấy có một khu miếu thờ, Chương đề nghị vào thăm ông từ một chút. Ông từ ở đây giữ gìn miếu và các ngôi mộ gần bên. Nghe Chương nói ông từ sống bằng thửa ruộng của chính ông và số tiền đóng góp của khách đến miếu tặng cho. Gọi là miếu nhưng các ngôi nhà chễm chệ trên vùng đất có bề thế, có cây đa rủ bóng rất ra nét một cảnh chùa. Miếu ngoài miếu trong đều to đủ để cho người ta bước vào trong thắp hương cúng kiến. Góc trái ngôi miếu chúng tôi thấy có môt cây đa nhỏ rủ bóng bên chiếc ao tĩnh lặng. Trông cảnh thiên nhiên lôi cuốn như thế, chúng tôi tụ nhau chụp một vài ảnh dưới tàng cây. Trở về nhà người em trai, Tinh bắt đầu theo anh cả đi thăm vài người bạn ngày xưa. Ai ai cũng đã già, nhăn nheo, một số đông người không còn nữa, chỉ nghe những người còn lại kể về họ như những chuyện trong cổ tích.

Anh cả nói: - "Ngược lại, người trong làng xem chuyện của chú như một huyền thoại (!). Họ nói rằng chú mới học xong lớp ba, lúc còn là nhi đồng đã đi khỏi làng để được đi học. Mãi cho đến một thời gian, nghe đồn rằng chú ở miền Nam, thi cử, đỗ đạt trong hoàn cảnh gieo neo, chật vật, rồi đi du học, và bước chân ngày càng xa. Nghe như là một huyền thoại, vì chưa bao giờ thấy lại chú."

Hôm nay chàng thực sự đã trở về quê, nhìn cảnh này có khác nào Lưu Nguyễn lúc về lại trần gian: "không còn ai."