●   Bản rời    

PHẬN NƯỚC, PHẬN CỜ

PHẬN NƯỚC, PHẬN CỜ

Nguyễn Văn Thịnh

Link http://sachhiem.net/NGVTHINH/NguyenvThinh_30.php

07-May-2020

Trong bối cảnh lịch sử khắc nghiệt đã qua, người Việt Nam không dễ chọn một lá cờ theo tâm nguyện của mình. Nhưng khi đất nước đã thống nhất độc lập rồi thì quốc kỳ không thể theo ý của một ai, cũng không thể đại diện riêng của phe này phái nọ. Nó được định đoạt bởi quyền lực của nhân dân thông qua hiến pháp. (NVT)

Người Việt xưa không có khái niệm “quốc kỳ”. Bà con ta quen gọi “cờ vua” –  biểu trưng cho một hoàng triều hoặc một vương triều và “cờ xí” – biểu trưng cho một đạo quân. Cờ và xí thường có ký tự bằng chữ Hán. Trong các dịp lễ hội còn được trang trí bằng những lá cờ vuông ngũ sắc có diềm tua và những giải phướn đủ màu.

Lễ hội ở Đền Hùng. Ảnh: baohoabinh.com.vn

Sau khi Pháp bình định xong Đông Dương, lá cờ tam tài ra đời từ thời cách mạng 1789 ngạo nghễ phủ khắp xứ Đông Pháp xa xôi. Sang thế kỷ XX mới thấy xuất hiện những lá cờ biểu trưng một đoàn thể, một chính thể, một vùng lãnh thổ hay một quốc gia. Để tìm hiểu xuất sứ và ý nghĩa của những lá cờ biểu trưng đáng nhớ xuất hiện trong lịch sử Việt Nam cận hiện đại, người viết sưu tra tư liệu, đọc hồi ký của nhiều nhân vật lịch sử, tham khảo ý kiến của hiếm hoi vị lão niên từng là chứng nhân qua các thời kỳ, giới thiệu với bạn đọc. Dù chưa thỏa ý nhưng chí ít cũng giúp bạn đọc hiểu được phần nào

1/ Cờ đỏ sao vàng:

Khởi thủy, lá “cờ đỏ sao vàng” (ngôi sao vàng năm cánh nằm chính giữa nền đỏ) xuất hiện trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (23/11/1940) lúc ấy là xứ Cochinchine trực trị của Pháp. Dù bị dìm trong biển máu nhưng lá cờ thật sự là biểu tượng của truyền thống yêu nước Việt Nam, ý chí quật cường đấu tranh giành thống nhất non sông, độc lập quốc gia và chủ quyền dân tộc.

Theo Sơn Tùng thì tác giả của lá cờ là nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến (5/3/1901 – 28/8/1941, quê Hà Nam), là một trong tám chiến sỹ bị giặc Pháp tử hình ở Ngã ba Giồng, Hóc Môn. Khi phác họa lá cờ tổ quốc, tác giả giải thích trong thơ:

Ảnh: Baoangiang.com

Hỡi những ai máu đỏ da vàng

Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc

Nền cờ thắm máu đào vì nước

Sao vàng tươi, da của giống nòi

Đứng lên mau hồn nước gọi ta rồi

Hỡi sỹ-nông-công-thương-binh

Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh.

Theo Lê Tú Lệ thì tác giả là nhà cách mạng Lê Quang Sô, quê Gò công, Mỹ Tho.

Lúc đầu, một số người cực đoan quyết liệt phản đối, tới mức đòi tử hình người “vẽ” ra lá “cờ đỏ có sao vàng năm cánh” vì theo họ, cờ cách mạng chỉ có thể là “cờ đỏ búa liềm” biểu trưng của phong trào cộng sản quốc tế! Nhưng rồi cũng qua. Việc xác minh những sự kiện lịch sử trong điều kiện hết sức khắc nghiệt thật vô cùng khó khăn vì sự việc phải giữ kín tuyệt đối mà chứng nhân phần lớn đã hy sinh trong chiến đấu hoặc theo quy luật nhân sinh và người còn lại thì khiêm nhường không muốn kể công mình. Lá “cờ đỏ sao vàng” theo cao trào cách mạng từ Nam ra Bắc, lại từ Bắc vào Nam. Vượt bao gian khó hy sinh, lá cờ tung bay trên khắp non sông Việt Nam từ địa đầu phía Bắc tới cực Nam tổ quốc kêu gọi những ai con Lạc, cháu Hồng hãy kề vai sát cánh cùng đứng lên giành độc lập quốc gia, chủ quyền dân tộc. Tại “Quốc dân hội nghị” họp ở Tân Trào chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đã đề xuất lấy “cờ đỏ sao vàng” và bài hát “Tiến quân ca” làm biểu trưng cho nước Việt Nam mới.

Ảnh: bqllang.gov.vn

Cách mạng tháng Tám thành công. Sau non thế kỷ mất nước, lần đầu tiên người Việt Nam được hưởng quyền “phổ thông đầu phiếu” bầu ra cơ quan lập pháp quốc gia. Quốc hội của nước Việt Nam độc lập, thống nhất họp kỳ đầu tiên vào ngày 2/3/1946, quyết định lấy tên nước là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, lấy lá “cờ đỏ sao vàng” làm biểu tượng quốc gia và bài hát “Tiến quân ca” của Văn Cao làm quốc ca. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Lá cờ đỏ sao vàng đã thấm máu đồng bào ta trong Nam kỳ khởi nghĩa”. Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trên trường quốc tế, phái đoàn Quốc hội của nước VNDCCH do Phó trưởng Ban Thường vụ Quốc hội Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang thăm Cộng hòa Pháp quốc (từ 16/4 đến 23/5/1946) đã giương cao lá cờ đỏ sao vàng tại quảng trường La Nation – Paris (Palace de La Nation), trước sự chào đón nồng nhiệt của đông đảo bạn bè Pháp và bà con Việt kiều yêu nước (Cục văn thư và tư liệu nhà nước). Dưới ngọn cờ ấy toàn dân Việt Nam “thề đem xương máu hết lòng chiến đấu cho tương lai”, đã lập nên bao chiến công kỳ tích để có được một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, và độc lập. Năm 1954, lá cờ được phất phới tung bay trên chiến trường Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta, đồng thời làm dấy lên cao trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trên toàn thế giới.

Ngày 30/4/1975, trời Sài Gòn lại ngợp bóng cờ đỏ sao vàng, chứng kiến sự bất lực của đội quân viễn chinh hùng hậu nhất trong lịch sử loài người cùng với đội quân tay sai hàng triệu người thảm bại, trước sự kính phục của nhân dân yêu chuộng tự do công lý trên toàn thế giới.

Quốc hội khóa VI họp ngày 24/6/1976, quyết định đổi tên nước là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và đều nhất trí lấy lá “cờ đỏ sao vàng” làm biểu tượng quốc gia và bài hát “Tiến quân ca” của Văn Cao làm quốc ca.

Trong lịch sử Việt Nam, đó là lá cờ duy nhất biểu tượng cho một nước Việt Nam thống nhất và độc lập.

Trong lịch sử loài người có lá cờ nào biểu trưng cho lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất giành độc lập tự do, lại trải qua bão tố phong ba, thăng trầm mà oanh liệt vẻ vang như thế?

2/ Cờ long tinh:

Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sau khi bình định xong xứ viễn đông, người Pháp thành lập Liên bang Đông Dương còn gọi là Đông Dương thuộc Pháp, gồm các vùng lãnh thổ: Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (An Nam), Nam kỳ (Cochinchine), Campuchia, Lào, và Quảng Châu Loan (nhượng địa của nhà Thanh). Hà Nội được đặt làm thủ phủ xứ Đông Pháp xa xôi. Riêng ba vùng lãnh thổ An Nam, Campuchia và Lào, được người Pháp cho duy trì chế độ quân chủ dù chỉ là về hình thức vì trên mỗi ông vua còn có một nhiếp chính quan người Pháp gọi là Khâm sứ quyết định mọi việc kể cả đặt ai ngồi trên cái ngai hoàng đế. Họ để cho mỗi vương triều được có một lá cờ làm biểu tượng riêng. Cụ thể hoàng triều An Nam kể từ đời vua Thành Thái (1889-1907) có “long tinh kỳ” (hai giải bên màu vàng, giải giữa màu đỏ), mang ý nghĩa trên đất hoàng triều này có dòng máu của người Lạc Việt và Quốc thiều là bản “Đăng đàn cung(Không có lời ca). Thực sự“long tinh kỳ” chỉ được thượng lên tại hoàng thành Huế và vùng lãnh thổ Trung kỳ hoặc theo nhà vua mỗi khi xa giá, nên chỉ xuất hiện đôi lần ở Bắc kỳ, chưa từng được xuất hiện ở Nam kỳ. Vì thế “long tinh kỳ” không thể là biểu trưng cho một quốc gia Việt Nam thống nhất và độc lập.

3/ Cờ quẻ ly:

Thời kỳ đầu của Thế chiến II, chỉ sau chín tháng tuyên chiến với Đức quốc xã, đế quốc Pháp mau chóng đầu hàng. Ngày 25/6/1940 Pháp chính thức mất nước! Chính quyền thực dân ở Đông Pháp xa xôi vội vàng mở rộng cửa rước quân phát xít Nhật vào! Để rảnh tay lo việc chiến tranh, Nhật sử dụng Đông Dương như một căn cứ tiền phương mở đường hành quân và cung cấp hậu cần cho vùng Đông Nam Á miễn là bộ máy cai trị thực dân ở đây muốn tồn tại phải phục vụ đắc lực ý đồ của Nhật. Chính quyền tay sai bản sứ nhẫn nhục cam phận bù nhìn. Nhân dân Đông Dương lâm vào cảnh một cổ ba tròng (đế quốc Nhật, Pháp và Phong kiến tay sai), càng thêm điêu đứng! Giữa năm 1944, nước Pháp được quân Đồng minh giải phóng, cùng với sức phản công mãnh liệt của Hồng quân Liên Xô trên mặt trận Đông và Tây Âu, phe trục phát xít đến ngày tàn!

Tháng 2/1945, Thủ tướng Nhật Bản–Hoàng tử Fumimaro Konoe, viết thư trình Hoàng đế Hirohito: “Nhi thần rất tiếc phải kính bẩm với Đức Kim Thượng rằng thất bại của Nhật Bản là không thể tránh khỏi”! Không chịu để bị đâm từ phía sau lưng nên ngày 9/3/1945 phát xít đảo chính thực dân và bày trò trao trả độc lập cho mấy nước Đông Dương. Ông thầy già dạy sử Phạm Cao Dương cũng phải nói ra sự thật bi hài là: “Được trao trả độc lập trong một hoàn cảnh không nhận không được, vô cùng tế nhị và phức tạp”!

Hoàng đế Bảo Đại đưa ra tờ chiếu với lời tuyên cáo hão huyền: “Theo tình hình thế giới nói chung và hiện tình Á châu, chính phủ Việt Nam long trọng công bố rằng: Kể từ ngày hôm nay, Hòa ước bảo hộ ký kết với nước Pháp được hủy bỏ và vô hiệu hóa. Việt Nam thu hồi hoàn toàn chủ quyền của một Quốc gia độc lập”! Ngài sao không biết trên mình vẫn là bộ máy cai trị của Nhật thay thế hoàn toàn ách cai trị của Pháp trước kia! Dưới sự thúc ép của chính quyền phát xít, ngày 17/4, danh sách thành viên tân chính phủ được đệ trình hoàng đế Bảo Đại trước sự có mặt của tối cao cố vấn Nhật Yokohama. Ngày 8/5/1945, tân nội các do Trần Trọng Kim làm Tổng trưởng chính thức tổ chức lễ ra mắt quốc dân, đặt quốc hiệu là “Đế quốc Việt Nam”! Ông Lưu Văn Lang, người xứ Đông Dương đầu tiên đậu trường Bách khoa kỹ nghệ Paris được mời ngồi ghế Bộ trưởng Công chánh nhưng từ chối khéo: “Tôi già rồi không thể làm tay sai được nữa

Cả triều thần vua quan há không biết đến “Tuyên Bố Cairo” ngày 27/11/1943 của phe Đồng minh đã cảnh báo: “Sẽ không công nhận bất cứ chính phủ nào do Đế Quốc Nhật thành lập tại các lãnh thổ chiếm đóng”, hoặc là cứ liều nhắm mắt đưa chân, để xem con Tạo xoay vần ra sao và đã đưa cả dân tộc sa vào thảm họa?! Cái gọi là “ĐẾ QUỐC VIỆT NAM” của Hoàng Đế Bảo Đại và Chính phủ Trần Trọng Kim hoàn toàn không có tư cách pháp lý nào để đứng trong cộng đồng thế giới dân chủ tự do. Vua nào tôi nấy, toàn là những nhà nho học, tây học đầy bụng chữ mà sao mụ mẫm dở hơi ra lời tuyên cáo với đồng bào: “Quốc dân phải cố gắng sức làm việc, chịu nhiều hy sinh hơn nữa và phải thành thật hợp tác với nước Đại Nhật Bản”!

Cờ long tinh” được thay thế bằng “Cờ quẻ ly” (là chủ phương Nam, biểu tượng cho lửa, chỉ sự sáng suốt của đấng quân vương). “Quẻ ly” (có ba sọc đỏ mà sọc giữa thì đứt ra làm hai khúc) bị người Huế  biếm ngôn là “vương rút ruột”, ám chỉ một thực tế là vương triều Nguyễn lúc đó chẳng còn giá trị gì! Quốc thiều vẫn là bản Đăng đàn cung” và lời bài “Long vân ca (không rõ tác giả) được lấy làm quốc ca. Người viết may mắn được hai nhà giáo lão thành Trần Thanh Đạm và Đinh Nho Hoan giúp hoàn chỉnh lời bài quốc ca thời đó:

Kìa núi vàng bể bạc. Có sách trời, sách trời định phân/

Một lòng ta gây dựng non sông vững chắc/ Đã ba ngàn mấy trăm năm/

Bắc Nam cùng một nhà con Hồng cháu Lạc/

Văn minh đào tạo, màu gấm hoa càng đượm/

Rạng vẻ dòng giống Tiên Long/

Ấy công gây dựng từ xưa đà khó nhọc/

Nhớ ơn dày nặng, lòng trung quân đã sẵn/

Có yêu nhau thương nhau một niềm/

Nguyện nhà Việt muôn đời thịnh trị”*.

Cái Chính phủ của ông Trần Trọng Kim khác nào đứa hài nhi lọt lòng lúc mẹ nó đang hấp hối. Một số trí thức do muốn giúp đồng bào trong lúc quốc gia hữu sự cũng chỉ hợp tác cầm chừng. Trước sự kìm kẹp chặt chẽ của Nhật cả về chính trị lẫn kinh tế và quân sự, nội các thành vô dụng và ngày 5/8/1945, các thành viên đồng loạt đệ đơn từ chức. Một ngày sau, nhà vua chấp nhận nhưng yêu cầu tạm ở lại làm việc, chờ tìm người lập nội các mới. Trước sự thắng lợi của các lực lượng dân chủ trên toàn thế giới và sự suy yếu của các thế lực xâm lược ngoại bang, khắp cả nước sôi động phong trào đấu tranh giành độc lập, tự do, dân chủ. Người thức thời không ai chịu hợp tác với đám vua quan bù nhìn chờ phút cáo chung! Vậy là cái nội các lọt ra từ tay phát xít Nhật trong cơn hấp hối chỉ tồn tại hơn ba tháng (từ 17/4 đến 5/8/1945, nếu tính đến khi nhà vua tuyên cáo thoái vị thì được 4 tháng 14 ngày)!

Lúc này, nước Nhật đã kiệt quệ lại bị người Mỹ dội hai trái bom nguyên tử đẩy nhanh quá trình suy sụp. Quân đội Mỹ đặt được chân lên đất Nhật, cùng lúc Hồng quân Liên Xô đánh tan đội quân Quan Đông, chiếm được vùng lãnh thổ Mãn Châu rộng lớn. Trong khi tại Việt Nam, thừa cơ lúc quân Pháp bỏ chạy, quân Nhật đầu hàng, chính quyền phong kiến tay sai gần như tê liệt, phong trào Việt Minh phát triển nhanh và rộng khắp, lôi cuốn nhân dân cả nước nhất tề đứng lên tự giải phóng mình.

Ngày 31/8/1945, lễ thoái vị của vua Bảo Đại tại quảng trường Ngọ môn, trước quốc dân đồng bào, nhà vua tuyên bố: “Trẫm quả quyết thoái vị để nhường quyền điều khiển quốc dân lại cho một Chính phủ dân chủ cộng hòa”. Lá “cờ quẻ ly” bị kéo xuống và thay thế bằng lá “cờ đỏ sao vàng” trước sự hân hoan phấn chấn của hàng vạn người dân, chứng kiến sự chấm dứt của chế độ phong kiến hàng ngàn năm và hàng trăm năm của một vương triều nô lệ tay sai.

4/ Cờ Thanh niên tiền phong:

Khi Thế chiến thứ II sắp kết thúc, phát xít Nhật ngoài trò trao trả độc lập cho mấy nước Đông Dương, còn muốn nắm lực lượng thanh niên để phục vụ cho mưu đồ riêng của họ.

Theo hồi ký của Trần Văn Giàu, qua sự quen biết của Bác sỹ Phạm Ngọc Thạch với Minoda, Tổng lãnh sự Nhật ở Nam kỳ và Taurachi, Thống chế Tư lệnh quân đội Nhật ở Nam Đông Dương – Bọn Nhật hoàn toàn không biết anh là đảng viên cộng sản và càng không biết đứng sau anh là Xứ ủy Nam kỳ đang tìm kiếm một hình thức tổ chức công khai trong hoạt động của thanh niên không đi theo phương hướng Đại Đông Á, mà nằm trong phương hướng chính trị yêu nước và độc lập dân tộc. Được sự chấp thuận của Hà Huy Giáp và Trần Văn Giàu, bác sỹ Phạm Ngọc Thạch mời kỹ sư Ngô Tấn Nhơn đứng ra vận động tập hợp thanh niên. Cũng phải nói thật nếu không được sự đồng ý của Xứ ủy thì dầu có ai đó đứng ra làm cũng không gây được một phong trào rộng lớn. Và nếu việc quan trọng đó không được một đồng chí có nhân cách, tài ba như Phạm Ngọc Thạch và các bạn thân thiết của anh đứng ra phụ trách, thì Xứ ủy cũng không biết lấy ai đảm nhiệm công việc lớn lao này.

Tháng 5/1945, tại vườn Ông Thượng Sài Gòn, tổ chức Thanh niên tiền phong do Xứ ủy gợi ý ra đời với một ban lãnh đạo đầy uy tín, nhiều năng lực. Lá “cờ nền vàng sao đỏ” trong tay lớp thanh niên mang “tinh thần mới, theo mục đích mới” cùng những từ mới gây rạo rực lòng người như “giải phóng dân tộc”, “cách mạng”, “độc lập”, “thống nhất” vang lên, tiếp theo là cuộc diễu hành khí thế trong nhịp bài Đoàn ca “Lên đàng” rộn rã, tạo không khí rất sôi động, cuốn hút giới thanh niên.

5/ Cờ Thanh niên tiền tuyến:

Cùng thời gian đó, nhà cầm quyền Nhật cũng vận động luật sư Phan Anh là Bộ trưởng Thanh niên trong chính phủ Nam triều lập tổ chức thanh niên. Lúc này ở Bắc Kỳ đã có “Đoàn Thanh niên cứu quốc” trong đoàn thể Việt Minh. Tổ chức “Thanh niên Phan Anh” ra đời ở Huế. Qua số bạn bè trí thức, Luật sư Phan Anh đã gia nhập Đảng Dân chủ, ủng hộ Việt Minh. Ông bàn với giáo sư Tạ Quang Bửu là người có ảnh hưởng rất lớn trong giới học sinh ở Huế đứng ra mở trường “Võ bị thanh niên tiền tuyến” và mời ông Phan Tử Lăng – võ quan chỉ huy lực lượng Bảo an binh ở kinh đô Huế và cả Trung kỳ, làm Hiệu trưởng. Các ông đều có tinh thần dân tộc. Nhà trường kêu gọi: “Đất nước ta sẽ rất cần thanh niên có học, có hiểu biết về quân sự” và hứa: “Học xong không bắt buộc ra làm việc cho chính phủ”! Thực chất là chủ động chuẩn bị bổ sung cho lực lượng vũ trang yêu nước khi cần. Số người ghi danh vào học khá đông, có cả một số sinh viên từ Hà Nội vào theo học. Lá “cờ quẻ kiền” (ba sọc đỏ, tượng trưng cho người quân tử trên nền vàng), được lấy làm biểu tượng của thanh niên Võ bị.

Vị lão tướng Mai Xuân Tần đậu thủ khoa tú tài Toán tại trường Quốc học Huế năm 1945, dự học khóa đầu tiên của trường Võ bị, kể rằng: Lúc ấy phong trào Việt Minh lan rộng khắp miền Trung. Ngày 5/8, chính phủ Trần Trọng Kim đổ nhưng trước đó giáo sư Tạ Quang Bửu và ông Phan Tử Lăng đã tiếp xúc với Việt Minh Nguyễn Tri Phương (Huế). Trường Võ bị hầu như đã được Việt Minh hóa. Số vũ khí của nhà trường coi như đã nằm trong tay quân cách mạng. Học sinh của trường chủ yếu là con em các gia đình trong phố, có học thức, có đạo đức và hoạt động rất sôi nổi nhiệt tình, được nhân dân Huế tin tưởng, thương yêu. Cách mạng thành công, đổi tên là “Trường võ bị Thuận Hóa” và mở rộng thành phong trào “Thanh niên tiền tuyến”, góp phần đẩy mạnh phong trào “Nam tiến” sôi động trong cả nước, bổ sung tiếp ứng kịp thời cho mặt trận phía Nam. Cuộc trường kỳ kháng chiến giành thống nhất, độc lập kết thúc thắng lợi, tám học viên khóa đầu của Trường võ bị được phong quân hàm cấp tướng.

Điều cần lưu ý bạn đọc là thời tiền khởi nghĩa, nhiều đoàn viên của phong trào thanh niên học sinh, sinh viên là những “tráng sinh” của tổ chức Hướng đạo sinh do nhà giáo Hoàng Đạo Thúy xuất thân từ một gia tộc nho giáo có truyền thống yêu nước, sáng lập ra từ năm 1930, có nhiều hoạt động phong phú mang tinh thần yêu nước rất hấp dẫn giới thanh niên ở cả ba kỳ. Số đông thanh niên học thức này đều trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và nhiều vị trở thành những cán bộ cao cấp trong các lĩnh vực quân sự, khoa học, văn hóa và giáo dục. Trước mắt, những phong trào Thanh niên này đã đào tạo ra nhiều cán bộ làm nòng cốt trong việc xây dựng và phát triển lực lượng võ trang cách mạng ở Nam bộ và Trung bộ hồi đầu kháng chiến.  Nước nhà vừa độc lập thì bước ngay vào cuộc kháng chiến từ Nam lan nhanh ra Bắc. Tổ chức thanh niên Tiền phong và Tiền tuyến chấm dứt vai trò lịch sử, hợp nhất vào tổ chức “Thanh niên cứu quốc” trong “Mặt trận Việt minh”.

6/ Cờ quốc gia:

Trước khi quân Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược ra Bắc kỳ, cố vấn Vĩnh Thụy được cử đi công cán ở Trùng Khánh – thủ phủ của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, để tranh thủ dư luận thế giới ủng hộ Việt Nam, nhưng đã đào tẩu qua Hồng Kông. Chủ trương “tốc chiến tốc thắng” thất bại, buộc quân viễn chinh phải chuyển sang đánh lâu dài với chiến lược “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh – Dùng người Việt đánh người Việt”.

Giữa năm 1948, nhằm gạt bỏ chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh ra, tìm đại diện cho nhân dân Việt Nam theo mưu tính của mình, Pháp ký với đại diện của Bảo Đại dù là lúc này phế đế không đại diện cho ai (!) cái hiệp định Hạ Long, công nhận nền độc lập của Việt Nam (?) nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Lập tức, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tuyên bố cảnh cáo rằng: “Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ theo pháp luật nước nhà trừng trị bọn phản quốc ấy. Đối với các nước trên thế giới, tôi thay mặt chính phủ và nhân dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trịnh trọng tuyên bố không bao giờ thừa nhận những giấy tờ gì do bọn bù nhìn ấy ký kết với bất cứ nước nào”. Đồng thời, một Tòa án lưu động ở Liên Khu III của Chính phủ Việt Nam kháng chiến tuyên bố tử hình tên Cố vấn Vĩnh Thụy phản quốc.

Cố vấn Vĩnh Thụy

Bọn thực dân xâm lược “cố đấm ăn xôi”, chúng lôi từ tay áo ra cái chính phủ Việt Nam thống nhất lâm thời, do Nguyễn Văn Xuân làm thủ tướng. Ông tướng thuộc địa này quên hết tiếng mẹ đẻ, chỉ biết nói tiếng vợ đầm. Trong đám quân sư có người từng tham gia các phong trào thanh niên ở Hà Nội, Sài Gòn và Huế đề xuất phục dựng lá “cờ quẻ kiền” (nền vàng có ba sọc đỏ) làm quốc kỳ và lấy bài hát “Tiếng gọi thanh niên” của Lưu Hữu Phước nghe hào hùng khí thế làm quốc ca. Đám quân sư hưởng ứng tán vào: “Quẻ kiền” tượng trưng người quân tử trọng điều nghĩa hiệp; Màu vàng gợi nhớ thuở hoàng triều và  Ba sọc là ba dòng máu Bắc-Trung-Nam hợp lại, người theo Chúa thì nghĩ tới ba ngôi trong kinh Thánh! Ông Thủ tướng mất gốc chỉ biết nghe và gật. Mối tình chủ tớ gá cạp dễ hợp dễ tan! Ngồi chưa nóng chỗ, ông chủ lại đặt Bảo Đại lên ngai Quốc trưởng kiêm luôn vai Thủ tướng! Cái gọi là “Quân đội quốc gia” gấp rút được nặn ra. Với lệnh Tổng động viên, học sinh trung học ở các thành thị trong vùng tạm chiếm bị dồn vào các trường sỹ quan trừ bị Nam Định, Thủ Đức và Võ bị Đà Lạt. Từng được theo học trường chính trị ở nước mẹ Đại Pháp nhưng vốn tính háo sắc, mê bài bạc và ham săn bắn, chuyện chính sự đã có “nước mẹ” lo, cựu vương chẳng quan tâm! Đúng như nhận xét của ông Nguyễn Cao Kỳ: “Là một người dễ dãi, ít yêu sách đòi hỏi cho quyền lợi của người Việt và nuôi vài hy vọng hão huyền, Bảo Đại hoàn toàn không có khả năng cầm quyền”. cờ quẻ kiềnđương nhiên đại diện cho chính thể quốc gia trong hoàn cảnh ấy. Từ đấy nó hết đi sau những lá “cờ tam tài” rồi lá “cờ hoa” trong những cuộc trà sát khủng bố của quân ngoại bang xâm lược trên khắp đất nước ta.

Gần ba mươi năm sau, hết trào thuộc Pháp tới trào thuộc Mỹ, hết thể chế phong kiến rồi qua thể chế cộng hòa mà chưa có văn bản pháp quy nào hợp hiến xác nhận quốc kỳ với quốc ca biểu trưng cho một quốc gia! Lá cờ với bài ca vốn ra đời từ phong trào yêu nước sôi nổi chống ngoại xâm nhưng đã bị những kẻ phản bội bắt làm con tin cho cái chính phủ quốc gia ngụy tạo! Bà con ta mỉa mai gọi là “cờ ba que” như cách nói nhạo báng dân gian. Chiến tranh càng kéo dài, hận thù càng sâu.

Cái danh “quốc gia”, “cộng sản” càng bị ngộ nhận và xuyên tạc. Theo hiệp nghị Genève, tháng 10/1955, quân đội Liên hiệp Pháp bao gồm quân viễn chinh Pháp và quân đội Quốc Gia Việt Nam rút khỏi miền Bắc Việt Nam kể từ giới tuyến 17 thì lá cờ “ba sọc” cũng theo lá cờ “tam tài” tập kết ở phía Nam. Và khi quân đội Pháp mất chỗ đứng ở Việt Nam thì có quân lực đồng minh Mỹ thế vào. Nhưng khi Mỹ cút thì ngụy tất phải nhào! Kết cục là ngày 30/4/1975, trong khi lá “cờ hoa” được viên đại sứ già “nhét vội” vào cặp, ôm chặt vào lòng cùng con chó cưng lên máy bay lao ra tàu đợi ở ngoài khơi, thì bà con ta ở phía Nam khắp chợ cùng quê chứng kiến cảnh lá “cờ quốc gia” tả tơi rách nát rụi theo những đồn bót, căn cứ quân sự trước những đống vũ khí, quân dụng, áo quần, giầy mũ… rải khắp đường mòn, lộ lớn, những bãi trống, những bến tàu xe… giữa hàng triệu sỹ quan, binh lính quân lực Việt Nam cộng hòa mình trần chân đất theo nhau tháo chạy! Người viết xin phép dẫn nhận xét của giáo sư Nguyễn Mạnh Quang trên trang WEB SÁCH HIẾM / Cali để bạn đọc tham khảo:

Nhà giáo Nguyễn Mạnh Quang

Vì tính cách ô nhục của lá cờ này (nền vàng ba sọc đỏ), cho nên suốt thời gian từ ngày nó được cho ra đời (5/6/1948) đến khi nó bị khai tử chung số phận với cái “chính quyền quốc gia” đã lấy nó làm biểu tượng, không một nhạc sĩ nào tìm thấy nơi lá cờ này một nguồn cảm hứng để sáng tác ra một bài quốc ca, dù rằng trong thời gian từ ngày 5/6/1948 cho đến ngày 30/4/1975, có hàng trăm nhạc sĩ tài ba sống trong vùng do Liên minh xâm lược Pháp - Vatican kiểm soát và ở miền Nam vĩ tuyến 17. Vô kế khả thi, thế lực “đen” ở hậu trường sân khấu cái “chính quyền quái đản” này mới “cuỗm” bài hát “Tiếng Gọi Thanh Niên” do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã sáng tác trước đó hơn 6 năm trời để làm quốc ca. Đây là một trong những đặc tính nghịch thường trong tiến trình hình thành quốc kỳ và quốc ca của cái gọi là "chính quyền Quốc gia Việt Nam”. Không ít người đương thời nhớ đến một bài hát do nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác trong đó có hai câu:Trách ai bán nước cầu vinh / Bán quê hương lại quên tình nước non”!

7/ Cờ Nam kỳ quốc:

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, nhân dân ta giành lại độc lập thống nhất giang sơn. Dù đã yếu thế trong khối Đồng minh nhưng thực dân Pháp vẫn dã tâm tái chiếm Việt Nam. Năm 1946, trong khi đại diện chính quyền Việt-Pháp đang bàn việc kiến tạo hòa bình và nối tình hữu nghị giữa hai dân tộc thì thế lực hiếu chiến Pháp cho ra đời cái gọi là Cộng hòa Nam Kỳ quốc, với lá cờ biểu trưng “hai giải vàng kẹp giải trắng ở giữa có ba sọc xanh” tượng trưng cho ba con sông Tiền, sông Hậu và sông Đồng Nai – huyết mạch của vùng lục tỉnh, nơi trước đó gần một trăm năm, Phan Thanh Giản đã lừa vua dối dân cắt dâng cho giặc! Cái chính phủ này người Việt Nam coi chẳng ra gì! Tám câu mở đầu bản trường thi “Chinh phụ ngâm” do bà Đoàn Thị Điểm diễn Nôm từ thơ chữ Hán của ông Phạm Đình Hổ (Thuở trời đất nổi cơn gió bụi / Khách má hồng nhiều nỗi truôn chuyên / Xanh kia thăm thẳm tầng trên / Vì ai gây dựng cho nên nỗi này / Nước thanh bình ba trăm năm cũ / Áo nhung trao quan vũ từ đây / Chín tầng gươm báu trao tay / Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh )  được Võ Văn Lúa phổ nhạc và lấy làm quốc ca như cái điềm đoản mệnh ứng ngay vào ông bác sỹ Thủ tướng Nguyễn Văn Thinh sớm chết treo ngay tại phòng mạch của mình lấy làm Văn phòng chính phủ ở giữa Sài Gòn mà chẳng ai cần biết vì lý do gì!

Đầu năm 1949, ông chủ mắt xanh mũi lõ lại bày trò ký hiệp định Élysée, giải thể cái Nam kỳ quốc, trao cho Bảo Đại một quốc gia Việt Nam gọi là đã hoàn toàn thống nhất. Khác nào xé đi cái bánh vẽ thay vì một cái bóng “mỹ nhân” trao cho “phế đế”! Nhưng lá cờ “quốc gia” ba sọc đỏ vẫn không đủ tư cách đại diện cho cả nước Việt Nam vì lúc đó chính phủ hợp hiến, hợp pháp Hồ Chí Minh đang lãnh đạo kháng chiến được nhân dân cả nước sôi nổi hưởng ứng khiến đội quân viễn chinh xâm lược bị đồn vào thế bí! 

 Sự thật lịch sử là trong năm 1945, đất Nam kỳ đã ba lần đổi chủ: Đầu tháng 3, Nhật đảo chính Pháp, lấy gọn Việt Nam trong đó có cả Nam kỳ, giao cho Nam triều. Ông vua An Nam mơ được tháo cũi sổ lồng dù biết nền độc lập ấy chỉ là giả hiệu! Bốn tháng sau, Nhật thua trận, quân Đồng minh ở phía Nam là Anh, ở phía Bắc là Tàu, vào giải giáp đám hàng binh Nhật đưa về cố quốc! Nhân dân Việt Nam ủng hộ và hợp tác với Đồng minh, gặp vận hội kết đoàn vùng lên tự giải phóng mình. Ngày 31/8, Tại Huế, trước thần dân trăm họ, vị hoàng đế giãi tỏ nỗi lòng: “Sau hai mươi năm ngai vàng bệ ngọc, đã biết bao ngậm đắng nuốt cay. Từ nay Trẫm lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập”.

Ngày 2/9, giữa thủ đô Hà Nội, trước hàng chục vạn công chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân danh Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam phát lời Tuyên ngôn độc lập: “Sự thật là nhân dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp… Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập.” Nhân dân cả nước và thế giới đều nghe. Nước Việt Nam thật sự đã là của người Việt Nam. Người Pháp không còn cơ sở pháp lý nào dính dấp đến xứ sở xa xôi này nữa. Tổng thống Pháp trao cho Quốc trưởng bù nhìn của ăn cướp mà họ không giữ được! Ngài Quốc trưởng đa tình ôm vào lòng cái bóng mỹ nhân!

Sách sử còn ghi: Khi được Cụ Hồ thành tâm mời ra giữ chức Cố vấn tối cao của Chính phủ, ông Vĩnh Thụy đã gửi thư cho chính phủ Pháp nói sự thật rành rành:

“Hànội, 16 Septembre 1945 “Trước hết, tôi gửi lời sang cho Chánh phủ Cộng-hòa Pháp quốc. Tôi trịnh trọng báo cáo cho Chánh-phủ biết rằng Chánh-phủ Cộng-hòa Dân-chủ Việt-nam đã thành lập.

  “Năm 1940, Chánh-phủ Pháp ở Đông-dương đã hiến một cách vô sỉ đất đai của chúng tôi cho phát-xít Nhật, nhưng chúng tôi đã giành được nền độc-lập hoàn-toàn ngày 2 tháng chín năm 1945”... (Điều 15 trong hòa ước Patenôtre  ghi: “Nước Pháp cam kết từ đây sẽ bảo đảm sự nguyên vẹn lãnh thổ của Đức vua An Nam, bảo vệ Đức vua chống lại những cuộc tấn công từ bên ngoài và những vụ nổi loạn bên trong”, rõ ràng một cách gián tiếp, Hiệp ước này đã bị người Pháp xé bỏ).

Từng học Trường cao cấp chính trị ở Paris, làm sao ông Bảo Đại không biết về mặt pháp lý, nước Việt Nam chẳng còn giàng buộc gì với nước Pháp nữa?! Đây chỉ là trò bịp thiên hạ của kẻ phi nghĩa nhắm mắt nói càn.

8/ Cờ Hoàng triều cương thổ:

Quốc sách của quân xâm lược thời nào cũng thế: vừa dùng vũ lực vừa thực hiện chính sách chia để trị. Năm 1948, quân chiếm đóng Pháp dựng lên tại biên giới tây-bắc một khu gọi là Liên bang Thái tự trị gồm các cư dân Thái, Lôlô, Hmông… Năm 1950, sáp nhập thêm cao nguyên Trung phần, gọi chung là Hoàng triều cương thổ, lấy biểu tượng lá “cờ hai giải bên màu lam, kẹp giải trắng giữa có ngôi sao đỏ 16 cánh”. Mỗi cánh biểu thị một vùng thổ cư các sắc tộc sinh sống giữa núi rừng xa xôi trùng điệp. Cờ chỉ được treo tại mấy trại “lính thổ” vùng sơn cước của Đèo Văn Long, Nùng Văn Vân…. Năm 1955 khi quân Pháp rút khỏi Việt Nam thì đám tàn quân thổ phỉ này bầy đàn tan tác. Lá cờ ấy quăng ở sườn đồi khe suối nào không ai còn nghĩ tới!

9/ Cờ Mặt trận dân tộc giải phóng:

Theo hiệp định Genève 1954, nước ta tạm chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 có sông Bến Hải làm giới tuyến và hai năm sau, hai miền Nam-Bắc sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Năm 1956, chính quyền miền Nam được Mỹ hậu thuẫn, không chấp nhận hiệp thương tổng tuyển cử. Ngô Đình Diệm tuyên bố: “Lãnh thổ Hoa Kỳ kéo dài từ Alaska tới vĩ tuyến 17”! Đám tay sai vong bản ngang ngược hô hào “Lấp sông Bến Hải” mở đường “Bắc tiến”! Để “giành lại chính nghĩa từ tay cộng sản”, chính quyền tay sai ngoại bang ra sức đàn áp khốc liệt những người từng tham gia kháng chiến chống Pháp và đòi hòa bình thống nhất đất nước. Tính sơ bộ từ 1954 đến 1959 có khoảng 400.000 người bị bắt bớ tù đày, gần 70.000 người bị giết hại. Năm 1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, lấy biểu tượng lá “cờ giải phóng” (nửa xanh nửa đỏ, có ngôi sao vàng chính giữa) với sự hưởng ứng của nhiều tầng lớp nhân dân và những nhà trí thức, tiêu biểu như Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát… Lá cờ tập hợp đông đảo dân chúng phía Nam. Nhạc sỹ Lưu Hữu Phước lại là tác giả bài ca “Giải phóng miền Nam” vang lên mỗi khi lá cờ mặt trận thượng lên trong vùng kháng chiến cũng như cả nước và trên chính trường quốc tế (Ngày 19/1/1969, khi Hội nghị Paris bàn về hòa bình ở Việt Nam với bốn thành phần tham dự, người ta thấy lá cờ này tung bay trên đỉnh tháp cao nhất của nhà thờ Đức Bà – Tuổi trẻ số 98/2019). Được sự chia sẻ chi viện tối đa của hậu phương phía Bắc, sau 15 năm chiến đấu cực kỳ gian khổ mà anh dũng, lá cờ đã hoàn thành sứ mạng giải phóng miền Nam, hòa bình thống nhất nước nhà. Từ đây tổ quốc Việt Nam sang trang sử mới.

**Lời bàn:

Mỗi lá cờ đều có xuất xứ riêng, mang một ý nghĩa riêng và có tác động tới xã hội khác nhau. Hoàn cảnh đến dưới cờ của mỗi người một khác. Trong bối cảnh lịch sử khắc nghiệt đã qua, người Việt Nam không dễ chọn một lá cờ theo tâm nguyện của mình. Nhưng khi đất nước đã thống nhất độc lập rồi thì quốc kỳ không thể theo ý của một ai, cũng không thể đại diện riêng của phe này phái nọ. Nó được định đoạt bởi quyền lực của nhân dân thông qua  hiến pháp.

Dù sao những lá cờ cần được lưu giữ trong các bảo tàng như những chứng tích lịch sử, có ghi chú rõ ràng. Khi lớp người sau được biết tận tường sự tích mỗi lá cờ hẳn sẽ không có chuyện một lá cờ nào đó xuất hiện lạc lõng vô duyên giữa nơi công chúng.

Tiến sỹ vật lý Trần Chung Ngọc là một nhà khoa học chân chính mà  hoàn cảnh lại trớ trêu. Nhưng ông dám nói: “Tôi đứng trong đội quân thua cuộc nhưng khi nói Việt Nam thắng Pháp ở Điện Biên Phủ và thắng Mỹ, tôi rất tự hào!”. Tuy nhiên tại bàn làm việc của ông, ngoài tấm hình Phật Thích Ca đặt nơi trang trọng, ở một góc kệ vẫn treo lá cờ nhỏ “ba sọc đỏ nền vàng” – Đó là kỷ niệm một thời của riêng ông. Tuy vậy, thái độ ông dứt khoát: “Quốc kỳ là biểu tượng của một quốc gia có chủ quyền, có một lãnh thổ riêng biệt. Những người dân trong một quốc gia thường có cùng một nguồn gốc, và theo nghĩa lịch sử, có cùng tổ tiên và các hậu duệ. Vì lẽ đó lá “cờ vàng ba sọc đỏ” đã không đại diện cho bất cứ ai, khoan nói là đại diện cho hơn hai triệu người Việt di cư”. Đó là một trí thức sở học căn cơ, nhân cách, bản lĩnh vững vàng.

GS Trần Chung Ngọc (bên trái) - Cố PTT VNCH Nguyễn Cao Kỳ

Hai ông Trần Chung Ngọc và Nguyễn Cao Kỳ đều là học sinh cùng thời ở trường Chu Văn An Hà Nội, cùng lứa học viên khóa đầu trường sỹ quan Nam Định. Vào Sài Gòn, mỗi người một địa vị khác nhau. Sau năm 1975, định cư ở Mỹ, mỗi người một nghề. Bởi cá tính mỗi người một khác nên không bao giờ quan hệ với nhau. Tuy nhiên, hai ông có cùng cách nhìn về một lá cờ. Trong hồi ký “Đường về”, ông Nguyễn Cao Kỳ viết: “Ngày xưa tôi đã từng phục vụ dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ. Từ Tổng thống Mỹ cho đến vua Thái Lan… đều phải đứng nghiêm chào khi lá cờ được thượng lên. Việc giữ gìn màu cờ sắc áo không phải là chuyện muốn đem cờ ra múa may ở đâu cũng được, mà là vẫy ở chỗ nào và vẫy như thế nào? Nếu không làm tăng được giá trị của nó, tại sao không mang cất đi trong tâm khảm, trong một chỗ nào mình trân quý, có phải hay hơn không?”.

Lẽ phải bao giờ cũng dễ thuyết phục lòng người. Một người Mỹ gốc Việt ở Quận Cam viết: “Bất cứ tổ chức chính quyền nào ủng hộ lá cờ cũ (vàng ba sọc đỏ) là lá cờ chính thức của Việt Nam đều vi phạm luật quốc tế. Những người chống Cộng quên rằng Mỹ đã coi lá cờ đó như là một cái gì expendable, muốn bỏ đi lúc nào thì bỏ. Trước khi lên án các quốc gia khác về vi phạm nhân quyền, nên nhìn vào hồ sơ nhân quyền của nước Mỹ. Kỳ thị chủng tộc chắc chắn là vi phạm nhân quyền, và kỳ thị chủng tộc thì vừa là hệ thống vừa là định chế ở nước Mỹ. Về tham nhũng thì ở Mỹ cũng không thiếu gì các viên chức tham nhũng, nhưng họ che đậy kỹ hơn. Ai cũng biết rằng phải có rất nhiều tiền, thường là từ những tổ chức đóng góp để mưu lợi, để thắng trong một cuộc bầu cử ở Mỹ”.

Một sinh viên USC trao đổi với bạn: “Cuộc tranh đấu ngày nay tuyệt đối không thể là cuộc tranh đấu Quốc –  Cộng như khi xưa mà phải là cuộc tranh đấu để xây dựng, cải thiện xã hội”.

Từ chuyện những lá cờ rút ra bài học: Chính là phận người, phận nước quyết định phận cờ.

  Thành phố Hồ Chí Minh

 Tháng 5 năm 2020

Nguyễn Văn Thịnh

*Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử Quốc hội Việt Nam
- Hồi ký Trần Văn Giàu
- Nửa thế kỷ hành quân cùng đồng đội – Hồi ký
Mai Xuân Tần – Thiếu tướng QĐNDVN
- Hồi tưởng – NGND, GS Trần Thanh Đạm
- Người vẽ cờ đỏ sao vàng – Bài viết của Sơn Tùng
- Chỉ cờ đỏ sao vàng ở lại – Bài viết của Lê Tú Lệ
- Các bài viết của Trần Chung Ngọc
- Đường về – Hồi ký Nguyễn Cao Kỳ
- Hồi ký Đỗ Mậu – Thiếu tướng QLVNCH
- Wikipedia: Hình ảnh cờ Việt Nam qua các thời kỳ

_____________

Bài đọc thêm:

- Cờ đỏ sao vàng của Việt Nam có phải là “cờ Phúc Kiến”?

 

Trang Lịch Sử




Đó đây


2024-04-25 - Phóng Sự: Thiếu Tướng Hoàng Kiền -Ahllvtnd Nói Chuyện Thời Sự Về Đường Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh -

2024-04-25 - CHẾ ĐỘ TAY SAI - BÀI VIẾT CỦA TIẾN SỸ MỸ T.P.WINKINSON -

2024-04-20 - KHÔNG BIẾT NHỤC - Nhóm Việt Nam vinh danh các liệt sĩ Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam - Chủ nhật ngày 17/3/2024, 1 nhóm Việt Nam đến viếng mộ 5.099 quân nhân Hàn chết trong chiến tranh ở Việt Nam. Dòng chữ trên một tấm có nội dung: “Bởi vì các chiến sĩ của các bạn yên nghỉ ở đây, đất nước chúng ta đứng vững với niềm tự hào.” Thật là không biết nhục!!

2024-04-19 - Israel Tấn Công Trả Đũa Iran -

2024-04-19 - 80 Năm Thực Dân Pháp Đô Hộ Việt Nam - Văn minh hay bóc lột? -

2024-04-19 - HOÀNG NAM: DÂN TA ĐÃ QUÁ NHÂN TỪ VỚI HỌ NGÔ - Gửi Hoàng Nam, chủ kênh Challenge Me.

2024-04-18 - "THUẾ THUỘC ĐỊA" - 60 NĂM CHÂU PHI VẪN LÀ BÒ SỮA NUÔI BÉO NƯỚC PHÁP -

2024-04-18 - Ổi Xanh: 274. Ông Võ Văn Thưởng từ chức. Thái độ của HDH và một số YouTuber... bố đời. -

2024-04-17 - Sidney, Úc: 1 Giám mục bị đâm trong lúc làm lễ - Không biết Chúa làm gì mà bắt các giám mục của Chúa phải đổ vỏ! Các đây mấy năm, có viên chức chính phủ đề nghị treo bảng ở các nhà thờ "Đây là nơi nguy hiểm cho trẻ con"

2024-04-16 - Đọc báo QĐND - Bài viết: Không "chính trị hoá" các vụ án kinh tế -



▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 >>>




Thư, ý kiến ngắn
● 2024-04-21 - KHÔNG BIẾT NHỤC - Một Nhóm Việt Nam vinh danh các lính Hàn trong chiến tranh Việt Nam! - SH sưu tầm -

● 2024-04-19 - “CỬA LÒ - KHÁT VỌNG TOẢ SÁNG” - Nguyễn Tiến Trung -

● 2024-04-16 - Bất bình trước sự san bằng, trộn lẫn CHÍNH /TÀ của những người mù sử: HOÀNG NAM - Chủ kênh Challenge Me - FB Lý Thái Xuân -

● 2024-04-01 - Phim ĐÀO PHỞ & PIANO -Tại sao không nên đánh dấu người yêu nước bằng biểu hiệu của một tập thể thiểu số - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-21 - CHỐNG CỘNG: Chuyện cười ra nước mắt ở Sở Học Chánh Tacoma, Wa - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-09 - Tổng thống Nga, Vladimir Putin đọc thông điệp gửi Quốc hội Liên bang (29/2/2024) - Gò Vấp -

● 2024-03-09 - Các hoạt động của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc trong những năm 1942-1954 - trích Hồi ký Nguyễn Đình Minh -

● 2024-03-08 - Hồi ký lịch sử 1942-1954 - Liên Quan đến Giám mục Lê Hữu Từ, Khu tự trị Phát Diệm, Công Giáo Cứu Quốc - VNTQ/ Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư -

● 2024-02-15 - Trương vĩnh Ký dưới con mắt của người dân - Trần Alu Ngơ -

● 2024-02-14 - Các nhà hoạt động ẤN ĐỘ GIÁO phản đối chuyến viếng thăm của Giáo hoàng John Paul II - FB An Thanh Dang -

● 2024-02-09 - “KHÁT VỌNG NON SÔNG” của VTV1 và chuyện Trương Vĩnh Ký - Nguyễn Ran -

● 2024-02-05 - Góc kể công - Đồng bào Rô ma giáo cũng có người yêu nước vậy! Đúng. - Lý Thái Xuân -

● 2024-02-01 - Câu Lạc Bộ Satan Sau Giờ Học Dành Cho Trẻ 5-12 Tuổi Sắp Được Khai Trương Ở Cali, Hoa Kỳ - Anh Nguyen -

● 2024-01-29 - Giáo hội Rô ma giáo Đức "chết đau đớn" khi 520.000 người rời bỏ trong một năm - The Guardian -

● 2024-01-29 - Một tên Thượng Đế-Chúa ngu dốt về vũ trụ, nhưng thích bốc phét là tạo ra vũ trụ - Ri Nguyễn gửi Phaolo Thai & John Tornado -

● 2024-01-29 - Kinh "Thánh" dạy Con Chiên Giết Tất Cả Ai Theo Tôn Giáo Khác - Ri Nguyễn vs John Tomado -

● 2024-01-29 - Nhân Quyền Ở Nước Mỹ: Vụ Án Oan, 70 Năm Sau Khi Tử Hình Bé George Stinney - - Giác Hạnh sưu tầm -

● 2024-01-29 - NOEL - Ba Giáo Hoàng John Paul II, Benedict XVI, Francis I Thú Nhận Đã Bịp Chiên- Cừu Chuyện Jesus Ra Đời - Ri Nguyen -

● 2024-01-29 - Một dàn đồng ca, ngày càng đặt câu hỏi về quyền lực của Giáo hoàng - John L. Allen Jr. -

● 2024-01-29 - Tỷ lệ phá thai nơi người công giáo lại cao hơn nơi người ngoài công giáo! - Lê Hải Nam -


▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 >>>