●   Bản rời    

Thái Thanh

THÁI THANH

Trần Trọng Sỹ

http://sachhiem.net/TTS/VH/TranTrongSy_vh9.php

27-Mar-2020

... nhưng tiếng hát lại vang đến từ một nơi nào trong xóm...tựa như có sự ráp nối rất siêu nhiên để cho tôi biết được hương vị tuyệt vời của giọng hát mà khi tôi đặt bút viết những giòng này, có thể nói, chưa có ai hội đủ tầm cỡ để thay thế...

Tiếng xưa chợt vút ngang trời

Băng Thanh một đóa vạn đời vẫn ngân

Có một người ảnh hưởng lớn lên đời tôi ngay tự thuở thiếu thời. Tự lúc nào tôi thuộc thơ Hàn Mặc Tử, biết đến truyện Kiều, biết đến cả tên của Nietzsche và Heidegger, biết đến nhạc Phạm Duy, và nhất là biết rằng đạo Phật có một nền tảng triết lý nhân bản nhất vũ trụ...tất cả những cái biết ban đầu rỗng tuếch ấy, đều đến từ anh, anh có cái tên khiêm tốn và bình dị: "Cư".

Chính anh tiêm chích vào tôi, thông thường qua những mũi kim "miễn cưỡng" hơn là "tự nguyện", nhưng dần lớn lên, tôi dựa vào các "từ khóa được chích vào" mà phát triển và tự làm phong phú mình thêm. Cái tên Thái Thanh cũng đến với tôi trong quãng thời gian ấy.

Từ sau 1975, tôi và anh Cư chỉ gặp lại nhau có một lần khi tôi về VN năm 2006. Anh ẩn cư một mình trên núi, sáng cháo chiều khoai tối trà nhạt, vài giò lan treo cột quanh thảo am...

Lần đầu tiên nghe Thái Thanh hát, là bị anh Cư quảng cáo rầm rộ rằng thay vì chiều chiều đi nô đùa vật lộn trên bãi cát, hãy ngưng lại vài hôm, đi nghe Trường Ca Mẹ Việt Nam của Phạm Duy vừa mới "ra lò".

Anh Cư làm tôi xiêu lòng chẳng phải vì tôi thích nghe nhạc, mà vì anh ấy thường bênh vực mỗi khi tôi bị hiếp đáp. Tôi ít khi dám làm anh ấy buồn, đa phần tôi miễn cưỡng theo anh, nhưng cũng đôi khi tôi cảm thấy chiều chiều song song bên anh nói chuyện "người lớn" cũng không phải là không thú vị. Lũ trẻ trong xóm thường rủ nhau đi tắm biển sáng chủ nhật, anh là người sẵn sàng cho tôi mượn chiếc xe đạp để đạp ra bãi tắm cách xóm chúng tôi ở chừng 6 km. Thuở ấy, chiếc xe đạp rất có giá trị. Cỡ nghèo như nhà tôi chỉ đứng nhìn mà mơ.

Thế là, trong quãng nhạt nhòa nào đó của tuổi thơ, anh Cư đã cùng tôi chiều chiều đến nhà ông hàng xóm để nghe nhạc Phạm Duy, và chiều nào cũng vậy, số người hâm mộ âm nhạc đã chực sẵn, mạnh ai tự tìm một góc, lẳng lặng ngồi xuống và lắng nghe, trong số đó, tôi là thính giả nhỏ tuổi nhất, và đó là lần đầu tiên tôi nghe giọng hát Thái Thanh.

Trong khi tôi lơ đễnh nhìn quanh nhìn quất một cách kín đáo khi "làm bộ" nghe nhạc, anh Cư nhắm lim dim mắt mà nghe, còn tôi, thỉnh thoảng tôi liếc anh ấy xem anh thấy cái gì hay nơi Phạm Duy. Nhờ bị "cưỡng bức", tôi nghe chừng vài lần thì thuộc được một số ca từ, như “..Mẹ Việt Nam không son không phấn, mẹ Việt Nam chân lấm tay bùn…” với tiếng hát eo éo nghe chát chúa lỗ tai của đại danh ca Thái Thanh.

Thú thật khi còn trẻ chưa bước lên ngưỡng cửa đại học, tôi chả bao giờ thấy cái gì hay ho nơi giọng Thái Thanh dù anh Cư không ngừng rót vào tai tôi nghìn lời ca tụng.

Thuở ấy, ca sĩ tôi thích nhất là Thanh Thúy.

Cứ mỗi lần bọn chúng tôi tụm lại nghe "nhạc yêu cầu", khi có Thanh Thúy hát, lũ trẻ vỗ tay reo hò ầm ĩ, còn ngược lại với Mai Hương, Thái Thanh hay Hà Thanh, lũ trẻ "ồ" lên một tiếng rồi lãng ra xa chơi trò gì đó để yên cho người lớn nghe các giọng ca mà lũ trẻ không thích. Vài năm sau, có thêm Phương Dung, Hoàng Oanh trong số ca sĩ mà lũ trẻ thích.

Khi lên đại học, tôi cứ nghe các anh lớn trí thức, các nhà văn mà tôi cũng chỉ quen do môi giới mỗi khi có dịp tụ tập đều mở nhạc của Thái Thanh hoặc Khánh Lý rồi ngồi im hít từng hơi thuốc bên tách cà phê. Tôi bắt đầu thấy mình có vẻ "phi trí thức" quá, vì mãi đến lúc bấy giờ, dù đã trưởng thành, giọng the thé của Thái Thanh vẫn chưa lọt qua bên kia màng nhĩ cục mịch của tôi, dù tôi rất thích nhạc Trịnh Công Sơn và chết mê chết mệt với giọng hát Khánh Ly.

Cho đến một hôm....

Đạp xe về đi lạc qua căn nhà xiêu vẹo ở một con hẻm Gò Vấp, trời đã tối đen, đèn điện đằng xa mờ mờ, bỗng trong một ngôi nhà có tiếng võng đưa với lời hát của Thái Thanh từ đâu đó vang lên như nhát dao đâm thẳng vào tim tôi:

« …Giông tố lầm than, con ơi, nơi kia giông tố lầm than
Gây nên bao cảnh điêu tàn thảm thương
Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời giặc Pháp có thương dân mình
Trách ai uốn lưỡi cầu vinh
Bán quê hương nỡ quên tình nước non.
À ạ ơi! À ạ ời!...»

Tôi kinh hoàng nhận ra tiếng hát Thái Thanh, không the thé như lúc xa xưa tôi thường mắc dị ứng, không chát chúa đóng vào tai một cách khó chịu, và chả tí nào còn "eo ẻo" như tôi vẫn thường mặc cảm mỗi khi nghe Thái Thanh...ngược lại, mọi ác cảm, mọi thành kiến, mọi từ chối đều đồng loạt tan biến. Tôi như đứng sững giữa con hẻm nghèo nàn, qua khe vách gỗ, loáng thoáng có bóng một người đàn bà ngồi ôm con đong đưa chiếc võng, nhưng tiếng hát lại vang đến từ một nơi nào trong xóm...tựa như có sự ráp nối rất siêu nhiên để cho tôi biết được hương vị tuyệt vời của giọng hát mà khi tôi đặt bút viết những giòng này, có thể nói, chưa có ai hội đủ tầm cỡ để thay thế. Hôm ấy, tôi như tan chảy vào tiếng hát ấy, khẽ rùng mình, tựa như bị dòng ngọc tuyền từ thiên nhai chảy xuống và lơ lửng dừng lại giữa thinh không hớp lấy hồn. Tôi đứng lặng yên như thế rất lâu. Vào thời ấy, vùng Gò Vấp còn rất nhiều các con hẻm nhỏ nghèo lẹp xẹp đầy nhà tôle vách ván dành cho giới lao động kiếm ăn từng ngày.

« …Trách ai uốn lưỡi cầu vinh
Bán quê hương nỡ quên tình nước non. »

Thái Thanh hát âm "nỡ" hay tuyệt vời, như nỗi nghẹn u uất của hồn thiêng sông núi đối với bọn bán nước cầu vinh trong mọi thời mọi chốn, nịnh hót theo giặc và sống sang giàu trên chiếc lưng còng sáng sắn chiều khoai trĩu nặng gót giày đế quốc của dân tộc....

«Đêm khuya trăng tà, mẹ ru con ngủ…à à ơi! à à ơi!»

Đêm khuya mà nghe Thái Thanh hát ru con, như ru cả dân tộc nghèo đói VN khố rách áo ôm, cuộc đời dưa cà mắm muối, trong suốt thế kỷ Pháp thuộc và trường kỳ kháng chiến.

Bài thứ hai mà tôi say mê qua giọng cao vút của Thái Thanh, là "Tình Ca" Phạm Duy.

Ngay câu đầu: « Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi, mẹ hiền ru những câu xa vời … », vỏn vẹn trong một mệnh đề, Phạm Duy đã biến tình yêu tổ quốc thành huyền thoại, thành một thứ tôn giáo thiêng liêng cho tất cả người Việt. Bài hát quá hay và quá khó diễn đạt nên ít ai dám hát Tình Ca ngoài Thái Thanh. Sau này, sau 1975, nam ca sĩ Đức Tuấn có hát, nhưng không đủ sức vang xa như phiên bản thiên thu do Thái Thanh thực hiện.

« Lý, Lê, Trần và còn ai nữa ?
Những anh hùng của ngày xa xưa
Những anh hùng của một ngày mai
...
………….

Một yêu câu hát Truyện Kiều
Lẳng lơ như tiếng sáo diều (ư diều) làng ta… »

Đã có lúc cả Phạm Duy và Thái Thanh đều vào vùng kháng chiến mà hát khi Thái Thanh chưa được 20 tuổi. Sau này, cũng chính Phạm Duy đã dẫn Thái Thanh vào Sài Gòn vì Phạm Duy được đài Pháp Á trả lương cao để làm việc cho Pháp, đánh dấu việc từ bỏ tham gia kháng chiến của họ. Không biết lúc ấy có bao giờ Thái Thanh nghe câu hát thơm mùi lúa kháng chiến đượm tình dân tộc như sau của Văn Cao:

Ngày mùa vui thôn trang,
cũng như trên cánh đồng.
Nhớ công ơn già Hồ,
khi mùa vàng quê hương.
Ngày mùa quân du kích
đặt từng gánh trước sân,
dân làng vui như tết,
qua mùa này không lo…

Hình ảnh ngày mùa của nhạc Văn Cao rộn ràng phấn khởi đầy ắp tình tự dân tộc trong vùng kháng chiến không biết có gợi cho Phạm Duy và Phạm Thị Băng Thanh điều gì không.

Trong Tình Ca Phạm Duy, có lẽ ai ai cũng thuộc lòng câu hát

« Lý, Lê, Trần và còn ai nữa ?
Những anh hùng của ngày xa xưa
Những anh hùng của một ngày mai
... »

Câu hỏi này chứng tỏ trong nội tâm sâu thẳm của Phạm Duy, có một ngọn lửa ấm và nồng nàn dành cho tình yêu nước, nhưng Phạm Duy say mê sự nghiệp âm nhạc hơn là say mê kháng chiến.

Và Văn Cao đã trả lời câu hỏi của Phạm Duy bằng bài hát Ngày Mùa: Ngày mùa vui thôn trang, cũng như trên cánh đồng. Nhớ công ơn già Hồ, khi mùa vàng quê hương.

Lúc Văn Cao hát Ngày Mùa, có lẽ hình ảnh Hồ Chí Minh chưa in đậm như ngày nay. Nhưng khi Thái Thanh qua đời cách đây ba hôm, vào ngày 17/03/2020, hẵn rằng tất cả mọi người VN, kể cả các công dân Mỹ có gốc Việt như Trịnh Quốc Thiên, Hoàng Duy Hùng, Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Phương Hùng, và ngay cả nhà báo bị đạn cả hai bên bắn là Hà Văn Sơn, cũng có thể trả lời được câu hỏi Lý, Lê, Trần và còn ai nữa ?

Ai đã đem Độc Lập về cho Việt Nam ?

Ai đã đuổi Pháp bằng ngọn cờ hồng giành lại quyền tự chủ ?

Ai đã đuổi Mỹ để thống nhất đất nước ?

Và ngày nay, viên gạch độc lập mà HCM đặt ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Hà Nội đang vươn mình đứng thẳng thành các tòa nhà chọc trời trên khắp nẻo đường đất nước một cách ngạo nghễ, như thách đố với lời hát buồn thương cho thân phận nổi trôi của đất nước trong Tình Ca:

«Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi … »

Mỗi lần nghe Thái Thanh hát những lời trên, nước mắt tôi luôn rướm chảy thương cho kiếp nghèo của dân tộc, nhưng ngày nay, khi nghe Thái Thanh hát, nước mắt tôi không rướm chảy vì buồn tủi, mà vì vui mừng cho cả dân tộc từ khi nhà Trần suy sụp mãi đến nay mới có cơ hội phục hưng.

Dù từ bỏ kháng chiến, nhưng Phạm Duy đã biết tự an ủi đời mình bằng cách trở về rảo bước trên "Hà Nội Phố", nghe lòng mình rung lên khúc tình ca:

«…Đất nước tôi! Dẫy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn.
Đất miền Tây chờ sức người vươn, đất ơi!
Đất nước tôi! Núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng.
Lúa miền Nam chờ gió mùa lên, lúa ơi!

Tôi yêu những sông trường.
Biết ái tình ở dòng sông Hương.
Sống no đầy là nhờ Cửu Long
Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong… »

Người anh hùng Hồ Chí Minh đã làm cho máu sống Hồng đáp được nỗi chờ mong của riêng Phạm Duy và của cả dân tộc. Rất tiếc Thái Thanh không có tầm nhìn xa như nhạc sĩ họ Phạm, biết trở về nghe trái tim Thăng Long đập những nhịp êm ả cuối cùng của cuộc đời "Làm sao chắp cánh chim ngàn, nhìn Trung Nam Bắc kết hàng mến nhau"

Nhưng tôi say mê tiếng hát Thái Thanh lúc bà còn rất trẻ, hát những bài hát kháng chiến của anh rể Phạm Duy, khó có ai hát hay hơn được Thái Thanh, như bài "Bà Mẹ Gio Linh :

« …Mẹ già cuốc đất trồng khoai
Nuôi con đánh giặc đêm ngày
Cho dù áo rách sờn vai
Cơm ăn bát vơi bát đầy
Hò ơi ơi ới hò! Hò ơi ơi ới hò!
Nhà thì nó đốt còn đây
Khuyên nhau báo thù phen này
Mẹ mừng con giết nhiều Tây
Ra công sới vun cầy cấy
Hò ơi ơi ới hò! Hò ơi ơi ới hò!
Con vui ra đi, sớm tối vác súng về
Mẹ già một con yêu nước có kém chi
Đêm nghe xa xa có tiếng súng lắng về
Mẹ nguyện cầu cho con sống rất say mê. »

Không khí kháng chiến tràn ngập hai tâm hồn nghệ sĩ lúc họ còn trẻ. Quả thật danh vọng, kim tiền đã làm họ biến đổi, đó là điều đáng tiếc, nhưng đó cũng có chổ thủ đắc.

Nếu họ ở lại kháng chiến, thì Phạm Duy không thể là nhạc sĩ có mặt cùng khắp trên mọi thể tài, trên từng ngọn cây, đầu suối, từng mảnh áo nâu rách vá đến bữa cơm khoai sắn bên nương, từ mảnh trăng vàng xuống chơi với ông Bụt, đến con đường lầy lội phố buồn dưới hạt mưa, từ « Biết ái tình ở dòng sông Hương », đến biết « nửa đêm anh đến bến bờ yêu đương », biết tình ca, biết hoan ca, bình ca, nữ ca, tục ca, và biết cả đạo ca.

Thái Thanh không hát tục ca.

Chả ca sĩ nào dám hát tục ca của Phạm Duy.

Nhưng tục ca của PD mang đậm nét châm biếm xã hội và có cái nhìn xuyên thấu, và cũng chỉ có anh nhạc sĩ đa tài cao ngạo Phạm Duy mới dám viết và dám hát, như bài tục ca số 1 :

Ớ này anh ời ớ này anh ơi
Em như cục cứt trôi sông<
Anh như con chó đứng trông trên bờ

.....................

Ớ này em ời ớ này em ơi
Em đ ừng n ói vậy em khờ
Ba em hồi đó cũng chờ như anh

Bài tục ca số 2 "TÌNH HÔI" thì tôi dám cá cả vũ trụ này chả ai dám hát.

Bài tục ca số 8 "EM ĐỊT" nói tất tần tật vũ trụ càn khôn không ai thoát khỏi bị cái lồng của phái nữ chụp vào và nhốt kín.

Viết về Thái Thanh, tôi không thể không viết về Phạm Duy.

Nhưng viết về Thái Thanh, cũng không nên đi sâu quá vào tục ca.

Thái Thanh hát Đạo Ca rất hay.

So sánh Thái Thanh với Sumi Jo, giọng soprano trứ danh Hàn Quốc, nhất là lúc Sumi trình diễn bài Ave Maria của Franz Schubert, được Vincenzo Scalera đệm Dương cầm tại Paris vừa lúc nghe tin cha mất tại Hán Thành, Sumi hát trong lệ ứa, và giọng hát đã vang lên thành lời kinh nguyện cao vút đâm xuyên qua bầu trời.

Đạo Ca có những lời đẹp tựa suối ngọc của Phạm Thiên Thư, như sau:

Xưa em làm kiếp ao, ưu tư mùa cuối Hạ
Anh làm chim bói cá, đậu soi mấy mùa trăng
Xưa em là chữ biếc, nằm giữa lòng cuốn kinh
Anh là thiền sư buồn, ngồi tụng dưới ánh trăng


Xưa ta hẹn với nhau, tìm nhau giữa vô thường
Anh hoá thân làm mực, thấm vào cuốn kinh thơm
Mai sau chờ nhau nhé, đầu thai vào kiếp hoa
Chốn mây mờ phiêu bạt, chờ đợi... chim hót ca

Làm ao mùa Hạ nhăn trán ưu tư. Làm chim bói cá canh soi dấu trăng.

Khó có lời thơ nào nhẹ và đẹp dường ấy.

Một sự trùng phức tấu xảo giữa hai nhà thơ, một đạo, một đời, vào trước 1975, qua hình ảnh con chim bói cá.

« Như loài chim bói cá
Trên cọc nhọn trăm năm
Tôi tìm đời đánh mất
Trong vũng nước cuộc đời
Trong vũng nước cuộc đời
Thụy ơi và tình ơi ! »
 (thơ được phổ nhạc của Du Tử Lê)

Chàng tu sĩ trẻ làm chim bói cá đậu soi rình ánh đạo mấy mùa trăng. Đây là một loại công án thường được thấy qua cách dạy của thiền sư Triệu Châu, khiến hành giả nuốt vào không được, nhả ra không xong, có khi cả cuộc đời chẳng bắt được ánh trăng, bỏ đi thì công cóc, đứng rình mãi cũng chả chụp được, đến chết khô chỉ có bóng trăng in trong tâm khảm.

Chàng thi sĩ thế tục ôm mãi một bóng hình, làm thân chim bói cá, nhưng chẳng phải chỉ mấy mùa trăng nhẹ nhàng như chàng tu sĩ trẻ, mà là cọc nhọn trăm năm, một thứ đau nhức suốt kiếp người (of human bondage) soi tìm trên mặt nước lăn tăn dấu đời đánh mất.

Đời đánh mất, là thứ đã mất ngay trong bào thai khi ta chưa sinh ra. Trong vũng nước cuộc đời, hay trong bào thai của mẹ.

Thụy ơi và tình ơi ! chỉ là cách gọi, cách thể hiện nội tâm, hay nói khác đi, cách tự mình độc thoại nhìn dòng sinh diệt như con lũ cuốn phăng hiện tại vào dĩ vãng.

Đạo ca là sự quy tụ ba nhà họ Phạm tài năng của đất Việt: Phạm Duy, Phạm Thiên Thư và Phạm Thị Băng Thanh.

Thái Thanh đã ra đi cách đây 3 hôm.

Tôi hoàn toàn không buồn khi viết những giòng này, chỉ cảm thấy cảm mến và xúc động dâng trào

Thái Thanh đã sống rất hạnh phúc trọn vẹn đời mình.

Cuộc đời của một vedette sinh ra để ca hát đã cháy hết mình, đã sống tròn trịa, đã nhận hết và hiến hết, nên không còn vướng bận, và khi ra đi, đã vút xa như một tia sáng Băng Thanh.

Nhưng Thái Thanh không chỉ nghèo nàn như tôi vừa kể.

Ngoài nhạc Phạm Duy, Thái Thanh hát nhạc Văn Cao cũng rất tuyệt vời.

Tôi từng viết về Văn Cao và cho rằng có hai giọng hát ngang ngửa với Thái Thanh khi hát "Thiên Thai".

Ở đây thì tôi phải thêm rằng, không ai qua mặt được Thái Thanh trong bài Buồn Tàn Thu.

Ánh Tuyết hát Buồn Tàn Thu có lẽ không thua Thái Thanh, nhưng tôi vẫn cảm nhận được nơi Thái Thanh một nét buồn man mát và một sự vững chải tự tin khi hát về mùa thu. Tuy nhiên, vẫn không thể phủ nhận sự lả lơi quyến rũ của Ánh Tuyết qua những câu như « từ từ xa đường vắng, đếm mùa thu chết, nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng... »

Có thêm một giọng hát tuyệt vời khác hát Buồn Tàn Thu nữa, đó là Lê Dung. Giọng Lê Dung như tiếng kinh đời, buồn buồn, kể lể, tha thiết...nhưng lối hát récitatif của Lê Dung không hợp với Buồn Tàn Thu bằng Ánh Tuyết và Thái Thanh vốn đầy bản chất expressif. Tôi sẽ so sánh Lê Dung với Ánh Tuyết trong một bài đặc biệt về Từ Linh Đoàn Chuẩn. Ở đây tôi không đề cập đến Ngọc Hạ, vì trong cách thái mà Ngọc Hạ hát nhạc xưa, tôi lại thấy thiếu vắng hơi hướng cổ kính rất cần thiết cho ai muốn hát nhạc tiền chiến.

Bên trên, tôi tiếc nuối việc Phạm Duy và Thái Thanh đã bỏ vùng kháng chiến mà về vùng do Pháp chiếm đóng, nhưng nếu họ ở lại như Văn Cao, thì nhạc của Phạm Duy không thể bay xa. Điều này cũng có nghĩa rằng, nếu Văn Cao cũng bỏ kháng chiến, thì có lẽ gia tài âm nhạc của ông để lại cho đời không ít và hiếm đến như vậy. Tuy nhiên, nếu ai đều bỏ kháng chiến mà đi tìm hạnh phúc riêng, thì ngày nay cờ Pháp đang phất phới tại VN chứ không thể có cờ vàng hay cờ đỏ gì cả để mà tranh với chả cãi.

Nhưng tôi không muốn bàn nhiều về chính trị trong bài viết về văn nghệ này.

Viết về Thái Thanh, tôi bất chấp bà sinh ra ở đâu, bao nhiêu tuổi, lấy ai làm chồng. Vào thời đại 4.0, bác Gúc có thể trả lời tường tận và chi tiết các thông tin ấy. Tuy nhiên Thái Thanh có một người con gái có giọng hát và lối trình diễn độc đáo ngang tầm cỡ của mẹ, đó là giọng hát Ý Lan, con gái đầu lòng của Thái Thanh, một danh ca khác mà có dịp có lẽ tôi sẽ bàn đến.

Tác phẩm để đời cả về giọng ca và giai điệu cùng ca từ mà chúng ta cần thu âm và trân quý, đừng nên để sứt mẻ, dù chỉ là một hạt bụi, đó là bài "Đôi Mắt Người Sơn Tây" của Phạm Đình Chương do em gái Thái Thanh trình bày.

Tôi ít khi nghe nhạc phẩm nào nhiều lần mà không hề biết chán như nhạc phẩm này.

Đối với tôi, nhạc hay là nhạc mới đầu có vẻ không gì quen thuộc và đôi khi rất khó tiếp thu, nhưng càng nghe càng hay. Sự tuyệt vời gia tăng theo thời gian thẩm thấu.

Đa số nhạc nghe mà có sự đồng cảm liền, đều là nhạc mau vào cũng mau phai đi.

Nhạc nghe quen thuộc và thích thú ngay, như mì gói hoặc hamburger để ăn nhanh.

Nhạc nghe lạ lẫm và dọ dẫm vào lúc khởi đầu, nhưng khi "biết nghe" thì sẽ đâm ra nghiện, thường là món ăn văn hóa đầy công phu của đầu bếp trứ danh dành cho người sành điệu.

Nhạc cổ điển khó tiếp thu nhất, kết tiếp là đa số nhạc của Phạm Duy, Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn... là món sau.

Nhạc sến, nhất là nhạc boléro, là món trước.

Tôi nghiện âm nhạc cổ điển của Chopin, Beethoven, Mozart, Schubert, Enrico Toselli...có lần vợ tôi cằn nhằn tôi sao cả gần 2 tháng trời, ở nhà, hay lên xe hơi, tôi đều chỉ nghe có mỗi một Concerto số 1 cung Mi thứ Op. 11 của Chopin do Martha Argerichy trình tấu dương cầm cùng với dàn nhạc đại hòa tấu quốc gia Ba Lan. (Seong-Jin-Cho đậu giải dương cầm Varsovie nhờ bài này, anh người trẻ Hàn quốc này chơi không kém đại sư mẫu Martha Argerichy người Argentine).

Nghe hoài một bản nhạc, nhất là người ít chất văn nghệ như vợ tôi, bà ấy than điếc lỗ tai ! Có khi tôi nghe hòa tấu khúc Pastorale của Beethoven theo kiểu này, ăn cũng nghe, viết lách cũng nghe, nấu bếp cũng nghe, lái xe cũng nghe, ngồi métro cũng nghe, vợ tôi thường than là ồn quá !

Giọng hát Thái Thanh còn dễ nghe hơn giọng Sumi Jo hát Ave Maria hay Diana Damrau hát Queen of the Night của Mozart. Tôi bảo đảm các bà con cô bác quen nghe nhạc Thái Thịnh, Trúc Phương, Lam Phương...không thể chịu đựng nổi dù chỉ một nốt của Diana Damrau chứ không cần nghe hết bài.

Tuy nhiên, tôi nhân tiện nhắn với ca sĩ Sao Mai ở đây một lời khuyên chân thành, hãy thâu bài hát Queen of Night do Diana Damrau hoặc do Sumi Jo hát, mỗi ngày mở ra nghe và luyện tập hát theo, nhất là phải hát đoạn staccato (ngắt âm) cho thật nguyễn.

Hiện nay, có hai ca sĩ Việt Nam có chất giọng của Diana Damrau là Trần Hồng Nhung (Sao Mai), và Võ Hạ Trâm, đáng tiếc rằng Hồng Nhung không được gặp các đại sư phụ để trở thành danh ca quốc tế, và Hạ Trâm lại theo đuổi lối trình diễn mang cung cách cao trào.

Không phải ai cũng thích nghe Thái Thanh.

Theo tôi, muốn thẩm thấu được âm nhạc của Thái Thanh, cần đòi hỏi trình độ đại học. Nói nghe buồn cười lắm, nhưng không đủ trình độ văn hóa thì không thể nghe Thái Thanh hát.

Thái Thanh cũng rất lựa chọn nhạc để mình hát.

Hầu hết nhạc Phạm Duy đều do Thái Thanh xử lý.

Sau này nam ca sĩ Đức Tuấn hát cũng rất hay.

Có thể nói Phạm Duy và Thái Thanh hẹn nhau từ muôn kiếp, cùng đến để hòa âm cho cuộc đời. Có những ca khúc mà sau Thái Thanh, không ai có thể thành công, như bài Ngày Xưa Hoàng Thị, Mùa Thu Paris, Tình Hoài Hương, Bà Mẹ Gio Linh, Ru Con và đặc biệt Đạo Ca, Đôi Mắt Người Sơn Tây.

Tuy nhiên có một bài mà khi nghe Thái Thanh, tôi không cho là dở, nhưng dám bạo gan cho là bình thường, đặc biệt là không hay bằng Mỹ Thể, đó là bài Đường Xưa Lối Cũ của Hoàng Thi Thơ.

Thái Thanh còn nổi danh với những nhạc khúc như Giòng sông Xanh, Thiên Thai, Hòn Vọng Phu, Hội Trùng Dương, Biệt Ly, Cỏ Hồng..bài nào Thái Thanh hát trong số này đều tuyệt vời, nhưng vẫn còn chỗ cho các ca sĩ khác chen chân lên bục như Ánh Tuyết, Anh Thơ, Thái Hiền, Lệ Thu, Khánh Ly...

Tuy nhiên, tôi không thưởng thức Thái Thanh hát nhạc Trịnh.

Thái Thanh đã ra đi.

Như con hạc vàng của Thôi Hiệu ra đi, nhưng cái bóng của nó vẫn rạng ngời bạch vân thiên tải không du du 黄鹤一去不复返,白云千载空悠悠 từ thời Đường đến nay. Cái bóng vàng của Thôi Hiệu không chỉ bao phủ vùng Ngũ Đại Hồ và sông Hoàng Hà, mà bao phủ cả văn hóa nhân loại; không chỉ trải dài trong thời Thịnh Đường Trung Quốc, mà bay xa vào các thiên niên kỷ nhân văn.

Bóng hạc Thái Thanh không cần bao phủ lớn thế, mà tôi chắc Thái Thanh cũng chả màng được vang xa đến thế, chỉ cần ấm áp bao phủ nơi nào có "cảo thơm lần dở trước đèn" thì nơi ấy sẽ vang lên tiếng hát của Thái Thanh là đủ, dù ở Việt Nam, ở Âu châu, Úc châu hay Bắc Mỹ...

Tôi được tin Thái Thanh ra đi khá trễ vì bị nhốt kín tại gia trong chiến dịch cách ly gần như toàn thể Âu Châu, đang ở giai đoạn đỉnh cao của sự lây lan Covid 19. Người chết như rạ tại 3 nước Ý, Tây Ban Nha và Pháp. Những cái chết mà theo lời kể rất thống khổ kinh hoàng. Nên tôi càng cám ơn sự ra đi bình yên của Thái Thanh.

Tiếng xưa chợt vút ngang trời
Băng Thanh một đóa vạn đời vẫn ngân

_______________________

Nhận xét của một bạn đọc:

Lâm Phú Châu: Đọc mấy đoạn đầu mô tả cảm xúc của anh đối với các ca sĩ, tôi thấy giống y như chính tôi. Mà sự thật, cho tới giờ, trình độ nghe của tôi cũng không mấy "tiến bộ" đối với tiếng hát Thái Thanh. Vì bà luôn dùng giọng óc làm giọng bình thường, cho nên ít gây xúc cảm cho những người tầm thường như tôi. Khía cạnh này cho phép tôi suy nghĩ, có lẽ giọng của con gái bà, Ý Lan nghe khá hơn.

Tuy nhiên, cũng không hiểu vì sao, tôi lại có nhiều lần thú nhận rằng, “nhiều bài Thái Thanh hát rồi thì đừng ai nên hát lại bài đó, vì ca sĩ ấy đã làm phép trên các âm điệu của nó rồi hay sao ấy.” Đó là vì có lần tôi nghe Thanh Lan hát bài “Buồn Tàn Thu” Khi Thanh Lan vừa dứt câu đầu “Ai lướt đi ngoài sương gió”,… là tôi tắt máy ngay lập tức: Cô ấy làm hư chữ “Ai” và chữ “lướt”, là dấu ấn mà Thái Thanh đã để lại trong tai của mọi người rồi.

Nay nghe anh giới thiệu thêm bài Ru Con, tôi mới chú ý. Bình thường tôi chỉ thích nghe mấy bài về Mẹ của Trịnh Công Sơn. Đọc những lời bình của anh, với đầy đủ kiến thức về âm nhạc, và ngôn ngữ của nó, tôi thấy Thái Thanh rất xứng đáng được đứng trên tượng đài ngôn ngữ mà anh vừa xây.

Tôi say đắm khi đọc cách anh dùng chữ “sự ráp nối rất siêu nhiên” để mô tả sự liên hệ giữa cảnh đời và bài hát trong câu:

.. “nhưng tiếng hát lại vang đến từ một nơi nào trong xóm...tựa như có sự ráp nối rất siêu nhiên để cho tôi biết được hương vị tuyệt vời”

Tôi luôn tìm thấy lý thú khi nghe những bài nhạc, bài thơ gói ghém ý tưởng nói lên những giai đoạn oan khiên của lịch sử nước nhà bị ngoại thuộc. Gần đây, tôi thấy cảm khái khi đọc những bài viết như Sự thâm thúy ẩn trong bài ca trù Hồng Hồng Tuyết Tuyết của Nhạc sĩ Dân Huyền. Trước giờ tôi chỉ biết bài ca đó tiêu biểu cho loại ca trù của văn hóa miền Bắc, mà không hiểu gì hoàn cảnh và tâm trạng của tác giả, bối cảnh lịch sử cụ thể mà cụ Dương Khuê đã trải qua. Hồng Tuyết ngoài nghĩa “đen” là tên một cô đào hát hoặc hai cô đào hát, còn chứa đựng cái nghĩa “bóng” mà tác giả gửi gắm.

À,quên không nghe anh nhắc đến bài “Ngày Về” của Phạm Duy nhỉ? Bài này có dấu ấn chiến tranh thiêng liêng lắm, không thua gì bài Bà Mẹ Gio Linh,..

Nếu Phạm Duy không từ bất cứ loại nhạc nào, thì anh cũng không quên nhắc lại tất cả những loại đó. Nghe anh đọc mấy câu tục ca mà ôm bụng cười một hơi.

Cũng lạ, chỉ có ông Phạm Duy là đủ thứ món ăn chơi. Phải nói là ông như một phù thủy âm nhạc. Nhưng tôi nghĩ trong lòng nhiều người, Phạm Duy không hề đứng cao hơn những nhạc sĩ trung trinh với niềm thổn thức của một người trai thời chinh chiến, cùng lắm là cộng với những bài tình ca, là thứ mà không ai có thể bỏ qua. Tôi muốn nói đến Văn Cao, Trịnh Công Sơn.

Anh thích bài "Đôi Mắt Người Sơn Tây" hả? Bài thơ đó của nhà thơ Quang Dũng. Mấy câu trong đó làm người ta quặn lòng, sởn tóc, không còn cách nào hay hơn để diễn tả tâm trạng của người lính thời chiến tranh:

Mẹ tôi em có gặp đâu không?
Những xác già nua ngập cánh đồng !
Tôi nhớ một thằng em bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông
!

Nhưng tôi có một kỷ niệm vui liên quan đến tựa bài hát nổi tiếng này. Ngày tôi đi học năm thứ 3 ở trường đại học UW, có lần được báo S. Times đến phỏng vấn, và họ đăng hình cặp mắt tôi lên tờ bìa. Thế là vợ chồng anh bạn gọi điện thoại cho ông xã tôi hay và gọi đùa là “Đôi Mắt người Sơn Tây” ! Bỗng thấy "hoang mang" khi nhớ câu chuyện người bạn nào đó kể, có lẽ ở Sơn Tây người ta hay bị đau "mắt hột" nên đôi mắt ... Không biết chuyện có thật hay chỉ là đùa giỡn?

Anh sắp hạng rất ngộ nghĩnh:

Nhạc cổ điển hay đa số nhạc của Phạm Duy, Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn... là món sau. Nhạc sến, nhất là nhạc boléro, là món trước.

Nhưng tôi chỉ thích các món ăn “khai vị” thôi. Bụng no rồi còn đâu mà ăn món chính nhỉ? Đùa thôi, người nghiêm túc phải biết cái nào chính, và cái nào “lót dạ” chứ.

Lúc nào anh cũng nhắc đến ca sĩ Sao Mai của anh hết trơn! Hôm về, tôi có đi vào quán Karaoke với Trần Ly. Tôi tin rằng Ly hát rất hay, có nội lực. Nhưng vấn đề ở đây không phải là lãnh vực mà Trần Ly cần phát triển đâu nhé. Đừng hòng dành TL của tui à nhe.

À, còn hai nàng mà anh nhắc tới là Anh Thơ và Ánh Tuyết. Anh Thơ cũng kén người nghe lắm. Ông xã tôi là người ngoại đạo về bình luận âm nhạc, nhưng ông ấy lại mê đủ loại ca sĩ. Từ Hoàng Oanh, Giao Linh, Quang Lê, Mai Thiên Vân đến Thái Thanh, Ánh Tuyết, Anh Thơ. Tôi cũng thưởng thức tất cả, nhưng có điều mau chán, với bát cứ loại nào. Lâu lâu nghe lại thì được!

Anh nói Văn Cao chấm Ánh Tuyết thì chắc chắn không lầm. Tôi thì cho rằng tại vì Văn Cao không có được Thái Thanh nên chọn Ánh Tuyết mà thôi. Ánh Tuyết có vị thế riêng của nàng, nhưng theo tôi thì không thể so sánh với Thái Thanh.

Dùng hai câu trong bài "Thiên Thai" của Văn Cao mà kết thúc cho giờ bình luận về Thái Thanh lại thấy hợp.

Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc lối đào nguyên

Cám ơn anh về tất cả những đóa hoa lời, làm người đọc luôn cảm thấy như được tham dự một bữa yến tiệc linh đình vậy.

 

Trang Văn Học




Đó đây


2024-04-25 - Phóng Sự: Thiếu Tướng Hoàng Kiền -Ahllvtnd Nói Chuyện Thời Sự Về Đường Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh -

2024-04-25 - CHẾ ĐỘ TAY SAI - BÀI VIẾT CỦA TIẾN SỸ MỸ T.P.WINKINSON -

2024-04-20 - KHÔNG BIẾT NHỤC - Nhóm Việt Nam vinh danh các liệt sĩ Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam - Chủ nhật ngày 17/3/2024, 1 nhóm Việt Nam đến viếng mộ 5.099 quân nhân Hàn chết trong chiến tranh ở Việt Nam. Dòng chữ trên một tấm có nội dung: “Bởi vì các chiến sĩ của các bạn yên nghỉ ở đây, đất nước chúng ta đứng vững với niềm tự hào.” Thật là không biết nhục!!

2024-04-19 - Israel Tấn Công Trả Đũa Iran -

2024-04-19 - 80 Năm Thực Dân Pháp Đô Hộ Việt Nam - Văn minh hay bóc lột? -

2024-04-19 - HOÀNG NAM: DÂN TA ĐÃ QUÁ NHÂN TỪ VỚI HỌ NGÔ - Gửi Hoàng Nam, chủ kênh Challenge Me.

2024-04-18 - "THUẾ THUỘC ĐỊA" - 60 NĂM CHÂU PHI VẪN LÀ BÒ SỮA NUÔI BÉO NƯỚC PHÁP -

2024-04-18 - Ổi Xanh: 274. Ông Võ Văn Thưởng từ chức. Thái độ của HDH và một số YouTuber... bố đời. -

2024-04-17 - Sidney, Úc: 1 Giám mục bị đâm trong lúc làm lễ - Không biết Chúa làm gì mà bắt các giám mục của Chúa phải đổ vỏ! Các đây mấy năm, có viên chức chính phủ đề nghị treo bảng ở các nhà thờ "Đây là nơi nguy hiểm cho trẻ con"

2024-04-16 - Đọc báo QĐND - Bài viết: Không "chính trị hoá" các vụ án kinh tế -



▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 >>>




Thư, ý kiến ngắn
● 2024-04-21 - KHÔNG BIẾT NHỤC - Một Nhóm Việt Nam vinh danh các lính Hàn trong chiến tranh Việt Nam! - SH sưu tầm -

● 2024-04-19 - “CỬA LÒ - KHÁT VỌNG TOẢ SÁNG” - Nguyễn Tiến Trung -

● 2024-04-16 - Bất bình trước sự san bằng, trộn lẫn CHÍNH /TÀ của những người mù sử: HOÀNG NAM - Chủ kênh Challenge Me - FB Lý Thái Xuân -

● 2024-04-01 - Phim ĐÀO PHỞ & PIANO -Tại sao không nên đánh dấu người yêu nước bằng biểu hiệu của một tập thể thiểu số - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-21 - CHỐNG CỘNG: Chuyện cười ra nước mắt ở Sở Học Chánh Tacoma, Wa - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-09 - Tổng thống Nga, Vladimir Putin đọc thông điệp gửi Quốc hội Liên bang (29/2/2024) - Gò Vấp -

● 2024-03-09 - Các hoạt động của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc trong những năm 1942-1954 - trích Hồi ký Nguyễn Đình Minh -

● 2024-03-08 - Hồi ký lịch sử 1942-1954 - Liên Quan đến Giám mục Lê Hữu Từ, Khu tự trị Phát Diệm, Công Giáo Cứu Quốc - VNTQ/ Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư -

● 2024-02-15 - Trương vĩnh Ký dưới con mắt của người dân - Trần Alu Ngơ -

● 2024-02-14 - Các nhà hoạt động ẤN ĐỘ GIÁO phản đối chuyến viếng thăm của Giáo hoàng John Paul II - FB An Thanh Dang -

● 2024-02-09 - “KHÁT VỌNG NON SÔNG” của VTV1 và chuyện Trương Vĩnh Ký - Nguyễn Ran -

● 2024-02-05 - Góc kể công - Đồng bào Rô ma giáo cũng có người yêu nước vậy! Đúng. - Lý Thái Xuân -

● 2024-02-01 - Câu Lạc Bộ Satan Sau Giờ Học Dành Cho Trẻ 5-12 Tuổi Sắp Được Khai Trương Ở Cali, Hoa Kỳ - Anh Nguyen -

● 2024-01-29 - Giáo hội Rô ma giáo Đức "chết đau đớn" khi 520.000 người rời bỏ trong một năm - The Guardian -

● 2024-01-29 - Một tên Thượng Đế-Chúa ngu dốt về vũ trụ, nhưng thích bốc phét là tạo ra vũ trụ - Ri Nguyễn gửi Phaolo Thai & John Tornado -

● 2024-01-29 - Kinh "Thánh" dạy Con Chiên Giết Tất Cả Ai Theo Tôn Giáo Khác - Ri Nguyễn vs John Tomado -

● 2024-01-29 - Nhân Quyền Ở Nước Mỹ: Vụ Án Oan, 70 Năm Sau Khi Tử Hình Bé George Stinney - - Giác Hạnh sưu tầm -

● 2024-01-29 - NOEL - Ba Giáo Hoàng John Paul II, Benedict XVI, Francis I Thú Nhận Đã Bịp Chiên- Cừu Chuyện Jesus Ra Đời - Ri Nguyen -

● 2024-01-29 - Một dàn đồng ca, ngày càng đặt câu hỏi về quyền lực của Giáo hoàng - John L. Allen Jr. -

● 2024-01-29 - Tỷ lệ phá thai nơi người công giáo lại cao hơn nơi người ngoài công giáo! - Lê Hải Nam -


▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 >>>