●   Bản rời    

Những Điều It Dược Biết Trong Cách Mạng Pháp 1789

Những Điều It Dược Biết Trong Cách Mạng Pháp 1789

Trần Trọng Sỹ

http://sachhiem.net/TTS/LS/TranTrongSy_ls.php

15-May-2017

Nếu Thế Kỷ Ánh Sáng là lưỡi guơm trí tuệ (Enlightenment) chém vào quyền bính độc tôn của thần giáo Kitô ngự trị hằng thiên niên kỷ tại Âu châu, thì ta không thể nào nói rằng trí tuệ này là của Kitô giáo được.... Giả thiết nếu Công giáo "có công" trong sự phát triển văn minh của nhân loại như ngày nay, thì đó chính là công đã cầm tù nhân loại trong hơn 1000 năm. Nhờ vậy, khi bùng vỡ, con người đã bùng vỡ thành một thanh gươm đầy trí tuệ và lòng bao dung, hoàn toàn đi ngược lại với những gì mà Giáo Hội nung đúc trong Thời Kỳ Đen Tối . (TTS)

Đối với người Pháp, nhất là giới trí thức, cuộc cách mạng 1789 luôn bảo vệ nhân quyền và sự bình đẳng của dân tộc Pháp dù nó đã xảy ra cách đây hơn hai thế kỷ. Tuy nó tạo ra nhiều cực đoan đáng tiếc, đã gây ra biết bao tang thương, nhưng nó luôn là ngọn đuốc soi sáng sự khởi đầu của các nền cộng hòa trên thế giới cũng như nêu cao quyền bình đẳng của các giai cấp xã hội trong tư tưởng cộng hòa mới mẻ này.

Người VN học về Cách Mạng Pháp thường chỉ biết rằng nó đã xóa bỏ chế độ phong kiến, và cũng như đa số các nhà giáo khoa, họ tán dương cuộc cách mạng này như là chiếc đầu tàu nhân loại trên đường giải phóng các quốc gia khỏi phong kiến thế tập. Wikipedia Anh ngữ cho rằng Inspired by liberal and radical ideas, the Revolution profoundly altered the course of modern history, triggering the global decline of absolute monarchies while replacing them with republics and liberal democracies (được cảm hứng bởi tư tưởng tự do và cấp tiến, cuộc Cách Mạng đã sửa đổi đường đi của lịch sử hiện đại, làm bùng vỡ sự thoái trào của các chế độ phong kiến chuyên chế mà thay thế chúng bằng các nền cộng hòa và dân chủ tự do)

Phá ngục Bastille - Tâm điểm của bức họa là cuộc bắt giữ Bernard Rene Jourdan, the Marquis de Launay. Ông ta là viên quản ngục cuối cùng, sau đó đám đông cùng nhau túm vào đánh ông ta.
Họa sĩ: Jean-Pierre-Louis-Laurent Houel, 1789 - Thư Viện Quốc Gia Pháp

Tuy nhiên, có những điều mà ngay cả người Pháp cũng ít ai biết qua cuộc Cách Mạng này.

Trước hết, ai cũng biết Cách Mạng Pháp phát sinh từ một cuộc khủng hoảng kinh tế, do mất mùa, giá bánh mì và nhu yếu phẩm gia tăng, nhân dân đang trên đà chết đói, trong khi đó, giới quý tộc và tăng lữ của giáo hội Công giáo La Mã vẫn ăn trên ngồi trước, thừa hưởng nhiều đặc quyền ưu tiên từ cả thiên niên kỷ. Nhưng đó chỉ là nguyên nhân gần, nguyên nhân xa chính là xã hội Âu châu từ lúc được bao trùm bởi văn minh thống trị La Mã mà đặc biệt là văn minh Kitô giáo, từ khi Constantin thừa nhận Kitô giáo, tự mình chịu cải đạo làm tín đồ tôn giáo này, và cháu nội của ông, hoàng đế Theodose đã chính thức nâng cấp Kitô giáo lên làm quốc giáo, sau đó thì tất cả các tôn giáo khác đều bị cấm đoán, ngay cả đạo Kitô không phải là Công Giáo (Chrétienté non Catholique) đều không được tụ tập, dạy học, tranh luận trước công chúng hay tấn phong tu sĩ... Tất cả mọi sách vở, mọi nền văn hóa nào không được Công Giáo La Mã thừa nhận đều là ngoại đạo hay dị giáo, đều bị đốt, các tu sĩ bị bắt bớ tù đày giết tận diệt tuyệt, nên người ta cho rằng Âu Châu đã ngủ quên trong bóng tối suốt hơn nghìn năm, đó là thời kỳ không có phát minh, không có tư tưởng nào khác ngoài tư tưởng của các cha cố nhà thờ dạy dỗ, thời kỳ này sách sử gọi là Thời Đại Đen Tối (Dark Age). Nước Pháp gọi Giáo Hội La Mã là Tutelle (người giám hộ) trước Cách Mạng, nghĩa là chịu mọi điều hành quản lý đến từ Giáo Hoàng.

Thời Đại Đen Tối cả nghìn năm như cái bong bóng căng cứng, đã đến lúc phải bùng nổ, nên các triết gia Âu Châu thời bấy giờ như Denis Diderot, Voltaire, Jean Jacques Rousseau, Francis Bacon, René Descartes, John Locke và Baruch Spinoza đều là những tư tưởng gia cột trụ của một thời đại mới, được mệnh danh là Thế Kỷ Ánh Sáng (Age of Enlightenment, the Century of Lights). Thời đại mới này kéo dài từ 1715 đến 1789, cho nên có thể nói, đỉnh điểm của Thế Kỷ Ánh Sáng, chính là cuộc Cách Mạng Pháp.

Nếu ta nghiên cứu sơ lược về Age of Enlightenment, ta sẽ thấy một trong những cải cách cốt lõi của thời đại này là sự phân định thế quyền với giáo quyền (separation of church and state) và sự chống lại chế độ phong kiến chuyên chế và các giáo điều xơ cứng của Giáo Hội Công Giáo La Mã (opposition to an absolute monarchy and the fixed dogmas of the Roman Catholic Church).

Rất ít người để ý cụm từ ''separation of church and state'' trong sách của Samuel Huntington mà Nguyễn Gia Kiểng đã sao chép lại một cách bất minh trong cuốn Tổ Quốc Ăn Năn, cho đó là tư tưỏng vĩ đại của người Tây Phương, nhưng thực ra, nó không hề vĩ đại gì với các nền văn minh Phi Kitô.

Trung Hoa, Ấn Độ và Việt Nam đã chưa bao giờ phải bị xiềng chân trong xà lim và ngủ vùi cả thiên niên kỷ như Âu Châu, với một nền thống trị mà không biết đâu là biên giới giữa quốc gia hay giáo hội Công Giáo. Tuy nhiên đối với Âu châu, đó lại là một sự giải phóng vĩ đại, nó tháo tung xiềng xích cho các tư tưởng gia, các dân tộc. Thế kỷ XIX đã thừa thắng xông lên với các tên tuổi sáng chói như Nietzche, Feuerbach, họ tuyên bố rằng Thượng Đế đã chết, họ giải phóng con người thoát khỏi nghìn năm bị thần quyền trói chặt từ tư tưởng đến cách sống.

Trước Thế Kỷ Ánh Sáng, Copernic tìm ra hệ Nhật Tâm nhưng chả dám tuyên bố, và Galilée tìm ra kính thiên văn, quan sát các thiên tượng và khám phá ra 4 mặt trăng quay quanh Jupiter nhưng các khám phá của Galilée bị bức tử với các giáo điều của La Mã. Nếu không phải là bạn thân với giáo hoàng Urbain VIII thì e rằng số phận ông không khác gì Bruno Giordano phải bước lên giàn hỏa, nhưng tội chết có thể tha, mà tội sống không thể thoát, ông bị giam suốt đời cho đến khi bị mù và chết.

Bruno lên giàn hỏa

Nhà khoa học Giordano Bruno bị lên giàn hỏa
- ảnh http://lanaveva.files.wordpress.com/

ảnh http://www.art-prints-on-demand.com/kunst/joseph_nicolas_robert_fleury/Galileo_Galilei_1015956.jpg

Họa phẩm "Galileo Galilei trước Tòa Án Dị Giáo ở Vatican năm 1632" của Họa sĩ Joseph Nicolas Robert-Fleury. Ảnh của http://www.art-prints-on-demand.com

Giả thiết các nhà khoa học thiên tài này được sinh ra sau Cách Mạng 1789 thì họ không cần lén lút khám phá khoa học, mà không chừng các công trình nghiên cứu của họ còn đi xa hơn trong lãnh vực thiên văn vật lý nữa. Điều đáng hâm mộ là, sau khi Gioan Phaolồ II xưng thú những đại tội của giáo hội Công giáo trước nhân loại, thì tên tuổi của các khoa học gia này, những người mà trước kia Công giáo nguyền rủa là dị giáo, phản giáo, bị cầm tù, bị thiêu sống, lại trở thành niềm kiêu hãnh ngang ngửa với Descarte, Newton, Lemaître, Mendel. Thái độ sửa sai của Giáo Hội La Mã cũng phải và cũng nên được kể là do công lớn của Cách Mạng Pháp.

Cho nên, Cách Mạng Pháp không thể chỉ được xem là một cuộc đổi đời chính trị, nó còn là hiện thân của sự ''giác ngộ'' (Enlightenment) cho toàn thể nhân loại, nó không chỉ giải phóng loài người ra khỏi chế độ chuyên chế cha truyền con nối, nó còn giải phóng con người ra khỏi xiềng xích mà toàn Âu châu bị làm nô lệ văn hóa hơn cả nghìn năm vào các giáo điều của tôn giáo, tựa như Mustafa Kemal giải phóng dân tộc Turc ra khỏi chiếc khăn trùm của văn hóa Hồi Giáo, biến nước Thổ Nhĩ Kỳ thành quốc gia phi tôn giáo (laïque) đầu tiên trong khối các quốc gia Hồi Giáo Trung Đông.

Cách Mạng Pháp không những có công với khoa học hiện đại, nó còn có công với các khám phá khoa học trước Công Nguyên, phục hồi lại vị trí đích thực của văn hóa Hy Lạp mà cả nghìn năm bị văn hóa La Mã chôn vùi. Tỉ dụ như Ératosthène (-276 đến -194) đã tính được chu vi của trái đất, hoặc Aristarque de Samos (-310 đến -240) đã tính được khoản cách giữa trái đất và mặt trăng. Héraclide du Pont đưa ra luận án về một hệ thống địa tâm mà trên đó Vénus và Mercure quay chung quanh mặt trời, và trái đất thì tự quay quanh mình để giải thích hiện tượng các vì sao bị xoay vào ban đêm, trong khi kinh thánh Cựu Ước cho rằng mặt trời quay quanh trái đất, còn mặt đất thì đứng yên tại chỗ. Các phương pháp luận mà cho đến ngay nay vẫn còn nhiều giá trị cũng là khám phá của văn minh cổ Hy Lạp bị chôn vùi, như Biện chứng pháp (dialectique) do Platon hay Socrate đưa ra, phương pháp quy nạp (induction) hay diễn dịch (déduction) cũng do văn minh Hy Lạp cống hiến. Pythagore tính ra số Pi và là tác giả của thuyết cho rằng trái đất hình cầu (sphéricité). Nếu văn hóa La Mã không chôn vùi các khám phá Hy Lạp này thì sự tiến bộ của khoa học có lẽ đã nhảy vọt sớm hơn 2000 năm, và trong gần 2000 năm đó, cả Âu châu phải học theo thánh kinh rằng trái đất hình dẹt được chúa trời đặt trên các cột chống và bầu trời là một cái vòm ngăn nước ở phía trên được gắn nhật nguyệt tinh tú; và thiên đường cũng ở trên cái vòm đó, nơi Chúa trời ngự trị, và sẽ cũng là nơi mà Giêsu sẽ rước cả hồn lẫn xác những ai được Chúa lựa chọn cho về hưởng nhan ngài vào ngày Chúa Tái Lâm như được viết trong Tân Ước!

Catherine Fahringer, nhà vận động chia cách thế quyền ra khỏi thần quyền tôn giáo tại Hoa Kỳ cho rằng chúng ta đã có thể tiến xa 1500 năm hơn nếu giáo hội Công giáo không kềm hãm và tiêu diệt các khám phá khoa học. (We would be 1,500 years ahead if it hadn't been for the church dragging science back by its coattails and burning our best minds at the stake)

John Burroughs, nhà thiên nhiên học, bạn của Henry Ford, Thomas Edison, cũng nhận định Khoa học đã khiến cho văn minh tây phương phát triển chỉ trong100 năm hơn hẵn những gì Kitô giáo phát triển trong 1800 năm. (Science has done more for the development of western civilization in one hundred years than Christianity did in eighteen hundred years.)

Trong sự chống lại các giáo điều xơ cứng của Giáo Hội Công Giáo La Mã (opposition to an absolute monarchy and the fixed dogmas of the Roman Catholic Church), việc đầu tiên mà Cách Mạng Pháp đã làm là :

- loại bỏ ngay số tiền nguyệt liễm 10% thu nhập của dân Pháp cho nhà thờ gọi là Dime,

- tuyên bố nước Pháp không chịu dưới quyền Tutelle (giám hộ) của La Mã,

- tịch biên toàn bộ các bất động sản của giáo hội, trong đó có Nhà Thờ Đức Bà để dùng làm đền thờ Lý Trí (Temple de la raison),

- tách rời giáo hội Pháp không cho lệ thuộc vào La Mã,

- đưa lên máy chém hằng chục nghìn cha cố có tội với nhân dân,

- bỏ lịch Grégoire,

- cấm giảng dạy kinh thánh và đi lễ ngày Chủ Nhật,

- hô hào bài trừ Kitô giáo (Déchristianisation).

Một nghiên cứu gần đây, khi đánh giá về cuộc Cuộc Cách Mạng Pháp, đã cho rằng đó là thời kỳ lịch sử mà Giáo Hội Công Giáo bị Nhà Nước đánh dẹp mãnh liệt nhất (La Révolution française est la période de notre histoire où l’Église catholique fut le plus fortement réprimée par l’État).

Ngày nay giáo hội tìm đủ mọi cách phong Thánh Tử đạo cho các tu sĩ bị giết trong Cách Mạng Pháp, cũng như họ đã phong Thánh cho các con chiên bị các đảng phái cách mạng VN giết do phản quốc theo giặc chống lại kháng chiến trong thời kỳ Pháp sang xâm lăng và đô hộ Việt Nam.

Bài viết ngắn này không nhằm mục đích chống phá tôn giáo, mà chỉ đưa ra một vài khía cạnh ít được biết qua cuộc Cách Mạng 1789.

Tóm lại, ta có thể thâu gọn các công trình nổi bật mà Cách Mạng Pháp cống hiến cho nhân loại như sau :

- Chấm dứt chế độ phong kiến thế tập, thiết lập nền Cộng Hòa

- Chấm dứt phân biệt giai cấp, đem lại giá trị bình đẳng cho mọi công dân

- Chấm dứt sự bất minh giữa thế quyền và giáo quyền

- Chấm dứt sự liên minh giữa quý tộc và tăng lữ để trục lợi và đàn áp kẻ yếu.

- Chấm dứt sự thống trị tàn bạo của Giáo Hội Công Giáo La Mã.

- Chấm dứt tín điều, thay vào đó là đề cao lí trí, phán đoán khoa học

Đưa ra bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền.

Ảnh http://history-world.org/french_revolution.htm

Trước khi kết luận, ta có nên tự hỏi: Tại sao các nền văn minh khác lại không có những cống hiến vĩ đại cho nhân loại như những khám phá khoa học mà các nước Âu Mỹ đem lại ?

Xin thưa, nền Văn Minh cổ đại Hy Lạp, Ai Cập có trước văn minh Âu Mỹ, nhưng để trả lời một cách minh bạch cho câu hỏi này, cần nên phân biệt văn minh Âu Châu trong Thời Kỳ Đen Tối do Kitô giáo thống trị mà tôi đề nghị nên đặt tên là thời kỳ La Âu (Roman European) trải dài từ cuộc Thánh Chiến Kitô Giáo thứ I do giáo hoàng Urbain II triệu tập năm 1096 cho đến Kỷ Nguyên Ánh Sáng, theo sau là văn minh Âu Mỹ từ Kỷ Nguyên Ánh Sáng đến ngày nay.

Người Kitô giáo cố tình sáp nhập văn minh Âu Mỹ vào với văn minh Kitô giáo, và hãnh diện rằng nó đem lại các thành quả khoa học ngày nay. Lương tri nhân loại khó có thể tưởng tượng được một nhân danh khoa học, lại có thể đưa lên giàn hoả thiêu sống những bước khám phá đầu tiên, những bước đi chập chững của khoa học !

Sự thực cho đến ngày nay, dù rất khó nuốt trôi, nhưng các học giả đều biết rõ chính cơn lốc mãnh liệt của Thế Kỷ Ánh Sáng đã đánh thức nhân loại kể từ sau Cách Mạng 1789. Nếu Thế Kỷ Ánh Sáng là lưỡi guơm trí tuệ (Enlightenment) chém vào quyền bính độc tôn của thần giáo Kitô ngự trị hằng thiên niên kỷ tại Âu châu, thì ta không thể nào nói rằng trí tuệ này là của Kitô giáo được. Chữ giác ngộ nên được hiểu là giác ngộ từ một sự u tối, mê mờ, lầm lạc; chứ không thể giác ngộ từ một nền văn hóa nhân văn sang một nền văn hóa nhân văn hơn; nếu là vậy, lịch sử đã gọi đó là thời kỳ chuyển tiếp hay bước nhảy vọt chứ không thể dùng chữ ''giác ngộ'' (Enlightenment) ! Dù sao thì sau đó, nhất là từ sau thế chiến, Công giáo đã biết sống im lặng, chịu cúi mình hòa nhập với giòng chảy của nhân loại, và khi quyền bính bị tước khỏi bàn tay đẫm máu, giáo hội đã biết ăn năn, các giáo hoàng đã tìm đủ mọi cách để tô vẽ lại những bức ảnh tang thương mà họ đã gây ra cho nhân loại, nhất là qua lời thú tội của giáo hoàng Gioan Phaolồ II vào năm 2000, thì Công giáo đã có một bộ mặt khá nhu nhuận không còn dám ngang nhiên áp đặt luật chơi của nó.

Giả thiết nếu Công giáo "có công" trong sự phát triển văn minh của nhân loại như ngày nay, thì đó chính là công đã cầm tù nhân loại trong hơn 1000 năm. Nhờ vậy, khi bùng vỡ, con người đã bùng vỡ thành một thanh gươm đầy trí tuệ và lòng bao dung, hoàn toàn đi ngược lại với những gì mà Giáo Hội nung đúc trong Thời Kỳ Đen Tối; và thanh gươm ấy đã làm mũi nhọn tiên phong, đưa con người đến lí trí; và cũng nhờ vào phán đoán của lí trí mà chưa đầy hai thế kỷ sau, con người đã có những bước nhảy vọt vượt trội trên mọi lãnh vực.

Nếu người Âu châu chỉ sống bằng đức tin, áp dụng đúng câu PHÚC CHO AI KHÔNG THẤY MÀ TIN, thì có lẽ dù có kéo dài thêm 2000 năm hay 3000 năm nữa, nhân loại vẫn sẽ ngủ im lìm trong Thời Kỳ Đen Tối mà không bao giờ thức dậy.

Viết xong tại Paris ngày 18 Avril 2017.

Trần Trọng Sỹ

__________________

Bài đọc thêm:

- Những Vụ Án Lừng Danh Trong Tòa Án Vatican -Khổ Nạn Của Các Nhà Trí Thức Âu Châu Khi Nói Lên Sự Thật (Nguyễn Mạnh Quang)

___________________

Các bài của Trần Trọng Sỹ: link http://sachhiem.net/TTS/ListTTS.inc.php

Tác Giả Trần Trọng Sỹ

Thư Mục Trần Trọng Sỹ