●   Bản rời    

VATICAN:CH43- Việt Minh Cướp Chính Quyền Từ Tay Nhật

GIÁO HỘI LA MÃ:

LỊCH SỬ VÀ HỒ SƠ TỘI ÁC

- Nguyễn Mạnh Quang -

http://sachhiem.net/NMQ/HOSOTOIAC/CH43.php

15-May-2013

 

Các Chương trong Mục XIII: (chưa đăng: Lời đầu, Chương 39, 40, 41) 42  43  44

 

CHƯƠNG 43


VIỆT MINH CƯỚP CHÍNH QUYỀN TỪ TAY NHẬT


 

Trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, toàn thể lãnh thổ chính quốc Pháp bị quân Đức Quốc Xã chiếm đóng kể từ ngày 22/6/1940 và cho ra đời một chính quyền thân Đức (bù nhìn) dưới quyền lãnh đạo của Thống Chế Henri  Philippe Pétain (1856-1951). Đế Quốc Vatican rơi vào tình trạng leo giây đu đưa giữa Pháp và Đức, rồi đi hẳn với Đức và Ý để thủ lợi. Nhờ vậy mà Giáo Hội La Mã mới có thể đưa các tên tay sai thiết lập chế độ đạo phiệt Da-tô như Francisco Franco (1892-1975) ở Tây Ban Nha vào giữa thập niên 1930, và Ante Palvelich (1889-1959) ở Croatia vào năm 1941. Những nhân vật này thi hành Kế Hoạch Ki-tô hóa  tại quốc gia nói trên bằng những cuộc tắm máu với hơn 700, 000 (7 trăm ngàn) nạn nhân bị sát hại.

Francisco Franco Ante Palvelich

Francisco Franco (trái), và Ante Palvelich (phải) đang bắt tay với Alojzije Stepinac, Giám mục ở Zagreb, Croatia

Trong khi đó, tại Á Châu, Nhật Bản, một nước đồng minh của Đức, hùng cứ toàn thể Đông Á và Đông Nam Á uy hiếp chính quyền liên minh Pháp – Vatican ở Đông Dương. Dưới sức ép của Đức Quốc Xã (qua chính quyền bù nhìn Pétain), chính quyền Pháp tại Đông Dương phải ký thoả hiệp với Nhật vào ngày 30/8/1940, theo đó thì:

1.-  Nhật công nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương và cam đoan tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Đông Dương.

2.- Pháp phải công nhận ưu thế của Nhật tại Viễn Đông và sẽ dành mọi sự dễ dàng cho quân đội nhật trú đóng tại miền Bắc Việt Nam để có thể chấm dứt cuộc xung đột Hoa - Nhật.

3.- Một thỏa ước về quân sự sẽ được thảo luận và ký kết giữa hai phái bộ Pháp và Nhật để quy định thể thức thi hành thoả ước này.

Ngày 22//9/1940, Nhật và Pháp lại ký kết một thỏa hiệp khác gồm những điều khoản:

1).- Nhật được quyền sử dụng ba phi trường tại miền Bắc.

2).- Nhật sẽ gửi sáu ngàn quân trú đóng tại phía Bắc sông Hồng.

3).- Nhật sẽ gửi viện quân tới Vn Nam qua ngả Hải Phòng – Hà Nội – Vân Nam. Tuy nhiên, số quân Nhật trú đóng tại Đông Dương sẽ không vượt quá 25 ngàn.

4).- Các sư đoàn Nhật chiến đấu tại Quảng Đông, Quảng Tây sẽ có thể hồi hương qua ngả sông Hồng theo một thể thức qui định giữa hai nước.(1)

Ảnh Hưởng Hai Bản Thỏa Hiệp Nhật - Pháp Đối Với Chính Tình Việt Nam

Hai bản thoả hiệp Nhật Pháp trên đây có ảnh hưởng trực tiếp đến hai vấn đề:

- tinh thần các chính đảng và các đảng cách mạng Việt Nam đang họat động ở trong nước lúc bấy giờ (Đảng Cộng Sản Việt Nam, Mặt Trận Việt Minh, Việt Nam Quang Phục Hội, Cao Đài, Hòa Hảo),

- chính sách của Hoa Kỳ và chính quyền  Tưởng Giới Thạch đối với các đảng cách mạng Việt Nam đang hoạt động ở tại các tỉnh  Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam ở vùng ven biên Việt Hoa (Việt Quốc, Việt Cách, Đảng Cộng Sản Việt Nam).

1.- Chính sách của Hoa Kỳ và chính quyền Tưởng Giới Thạch đối với các Cách Mạng Việt Nam.

Hai bản thỏa hiệp ký kết giữa Nhật và Pháp trên đây cho thấy rằng Nhật đang tiến hành sách lược sử dụng Đông Dương nói chung, miền Bắc Việt Nam nói riềng, như là một hành lang  chuyển quân và lương thực cho các chiến dịch bao vây và tấn công thẳng vào lãnh thổ Trung Hoa qua ngả biên giới Việt - Hoa.

Để trả đũa,  Hoà Kỳ và chính quyền Tưởng Giới Thạch tìm cách thống hợp các đảng phái cách mạng  Việt Nam (đã  và đang hoạt động lẻ tẻ ở các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây và Quảng Đông từ mấy năm trước) thành một chính đảng thống nhất; và tích cực giúp đỡ họ cả tiền bạc lẫn vũ khí. Hành động trước mắt của chính đảng này được giao phó là lén trở về Bắc Việt để quấy rối quân Nhật mà nhiệm vụ quan trọng là dò la tin tức những hoạt động chuyển quân của Nhật ở Việt Nam, đặc biệt nhất là ở miền Bắc. Sự kiện này được cụ Ngô Văn ghi lại trong cuốn Việt Nam 1920-1945 với nguyên văn như sau:

Trong khi đó, tháng 10 năm 1942, họ Trương [Trương Phát Khuê, một lãnh chúa trong chính quyền Tưởng Giới Thạch ở vùng biện giới Hoa Việt - NMQ] tái lập những người lãnh đạo các nhóm tổ chức người Việt thường xuyên đối nghịch nhau như Đồng Minh Hội, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Phục Quốc, Việt Minh và bẩy nhóm nhỏ nữa. Trương Phát Khuê áp đặt các nhóm này phải kết hợp lại dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Hải Thần nếu như họ muốn được giúp đỡ. Chính lúc đó, các đảng phái cách mạng liên minh thành Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, gọi tắt là Việt Cách. Không có một đại biểu nào của Việt Minh được bầu vào ban chấp hành.

Họ Trương hứa cùng Nguyễn Hải Thần sẽ xuất cho mỗi tháng 100.000 (100 ngàn) đồng tiền Trung Quốc để tổ chức ở Bắc Kỳ hoạt động phá hoại và tình báo chống quân Nhật.

Các đảng phái thành phần Việt Cách lưu trú ở Trung Quốc không có liên hệ gì mấy ở  trong nước. Chỉ có một mình Việt Minh là hiện diện xuyên qua các “tổ cứu quốc” và du kích quân đóng căn cứ ở giữa những vùng dân tộc thiểu số chống đối chính quyền: Thổ, Mán, Mèo, Tầy, Nùng, ẩn lánh trong các dẫy núi đá vôi, nơi khu rừng sâu khắp hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn…

(Sự kiện này cho chúng ta thấy rằng, ngoài Việt Minh ra, các đảng phái cách mạng chính trị khác ở Trung Hoa chỉ là “những tổ chức hữu danh vô thực” và các thành phần trong các tổ chức này là những là các “nhà chính khách sa lông”, giống như các ông “chính trị gia trong bàn nhậu” trong các tổ chức và hội đoàn của người Việt ở hải ngoại ngày nay. )

Như vậy, chỉ có Việt Minh là có khả năng cung cấp tin tức tình báo đáng tin cậy cho Trương Phát Khuê. Trên danh nghĩa đó, Hồ Chí Minh, mặc dù vẫn còn bị giam giữ, vẫn có thể liên lạc được với các đồng chí còn tự do, và thậm chí còn tham gia, một cuộc đại hội mới của Việt Cách do Trương Phát Khuê triệu tập ở Liễu Châu vào tháng 3 năm 1944. Tại hội nghị, ông Hồ (Chí Minh) cùng Phạm Văn Đồng đại diện Việt Minh. Một lãnh tụ Đại Việt là Nguyễn Tường Tam đang bị giam cũng được tham dự.

Tại đại hội, Viêt Minh bị chỉ trích gay gắt vì hành động riêng rẽ và đầu óc tranh thắng, song Liên Minh để giải phóng Việt Nam vẫn sống còn. Trương Phát Khuê đỡ đầu liên minh thành lập một chính phủ cộng hòa Việt Nam lâm thời gồm các ông Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Hồ Chí Minh, Bồ Xuân Luật… cùng lão Trương Bội Công chủ tịch.

Hồ Chí Minh được tha vào ngày 9 tháng 8 năm 1944, bèn đề nghị cùng Trương Phát Khuê cấp cho (để xây dựng hai cơ sở du kích dọc theo biên giới), một ngàn khẩu súng và 25.000 đồng bạc Đông Dương để chu cấp trong hai tháng đầu, và cấp riêng cho ông một giấy thông hành thường kỳ có ghi danh nghĩa là đại biểu Việt Cách có nhiệm vụ ở Việt Nam, và một khẩu súng lục tự vệ. Ông được cấp giấy thông hành và 76.000$. Ngày 20/9/ (1944), ông rời Liêu Châu cùng 18 cán bộ Việt Minh về biên giới Bắc Kỳ.

Trong bức “Thư gửi đồng bào” (tháng 10 năm 1944), Hồ Chí Minh bày tỏ lòng tin tưởng “Trung Quốc sẽ tích cực giúp đỡ cuộc giải phóng dân tộc chúng ta.”

Vào tháng 11, quân du kích Việt Minh tấn công các đồn bót do quân cảnh vệ bản địa đóng  tại biên giới để cướp vũ khí. Chính phủ Decoux ra lệnh đánh trả đũa trấn áp thường dân bản địa, tố cáo họ là đồng lõa. Bọn chỉ huy Pháp xua các đội cảnh vệ bản địa và các liên đội lính chiến Bắc Kỳ triệt hạ các vùng, đốt làng, phá hủy kho thóc, bắn vào những người tình nghi. Chắc chắn trong lúc những cuộc trả thù vô cùng tàn bạo do các đội quân phe Vichy (quân Pháp – NMQ) thực hiện ở Bắc Kỳ (Sainteny) đến điểm cực kỳ dã man cùng những vụ xử án vội vã tiếp đó đã khích cảm J. M Pêdrazani kể lại: “Chỉ trong hai tuần lễ, các toà án đặc biệt của Decoux) kết án tử hình hàng trăm người bị tình nghi.”Cuộc đàn áp không dập tắt được ngọn lửa nổi loạn bùng cháy đỏ trời Thượng Du Bắc Việt.” (2)

2.- Ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần các chính đảng và các đảng cách mạng Việt Nam.-

Theo hai thỏa hiệp trên đây, năm 1940,  quân đội Nhật tràn vào Đông Dương, Pháp bị Nhật khống chế và biến thành công cụ phục vụ cho Nhật, bọn Việt gian bán nước  làm tai  mắt cho Đế Quốc Thập Ác Vatican cũng như tại các xóm đạo  co giúm lại, lo sợ cho ngày mai đen tối. Cũng vì thế mà chúng không còn tung hoành và ngang tàng hung hãn như những ngày trước đó.  Nhờ vậy mà các chính đảng và các đảng cách mạng trước kia hoạt động bí mật gần như bắt đầu công khai họat động mạnh ở nhiều nơi. Ở đâu cũng nghe đến những họat động của các phong trào giải phóng đất nước.

Lợi dụng  sự hiện diện quân Nhật ở Đông Dương, các đảng phái thân Nhật chống Pháp tiến lên hoạt động công khai:

- Phục Quốc Quân do Trần Trung Lập và Đoàn Kiểm Điểm lãnh đạo, chiếm Lạng Sơn. Nhưng ngay sau đó, Pháp và Nhật bắt tay và Nhật làm lơ để cho Pháp  đàn áp nghĩa quân dữ dội. Đoàn Kiểm Điểm tử trận, Trần Trung Lập bị bắt và bị tử hình.

- Rồi Nam Kỳ khởi nghĩa do đảng Cộng Sản lãnh đạo bùng nổ ở miền Nam vào năm 1940 cũng bị thực dân Pháp đàn áp dữ dội. Hầu hết các cán bộ đảng bị bắt hay bị xử tử.

Sau những vụ đàn áp này, ở trong Nam, chỉ có hai giáo phái Cao Đài và Hoà Hảo (có Nhật đỡ đầu), còn các đảng phái khác đều phải rút vào bí mật. Ở miền Bắc và miền Trung, các đảng cách  mạng  phân tán mỏng, một số lẩn trốn ở trong nước, một số chạy  sang Trung Hoa sống lưu vong ở mấy tỉnh Vân Nam, Quảng Tây và Quảng Đông vừa tránh khỏi bị bắt, vừa tìm cách quy tụ lại với nhau, và họ rất ngại về Việt Nam vì sợ bị bắt.

Riêng Đông Dương Cộng Sản Đảng, vẫn còn hoạt động từ nhiều năm trước tại các vùng rừng núi ở các tỉnh Bắc Cạn, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Ngoài ra, họ còn có những tổ hoạt động bí mật trong những nơi nào có nhiều công nhân lao động như các đồn điền cao su, trà, cà phê ở miền Nam và Cao Nguyên Nam Trung Bộ, ở các công trường khai thác mỏ than Hòn Gay, Cẩm Phả, Uông Bí, tại các nhà máy kỹ nghệ ở trong các thành phố lớn, và ở trong đám nông dân nghèo ở trong nông thôn.  Nhờ vậy, vào thời điểm năm 1945, đảng này đã có thể lợi dụng tình hình thế giới và tại Đông Dương đang bất lợi cho Pháp, ban hành lệnh nổi dậy ở nhiều nơi.

Việt Minh Cướp Chính Quyền, Giành Lại Được Chủ Quyền Độc Lập Cho Dân Tộc

Tháng 9/1940, Nhật đổ quân vào trú đóng ở Đông Dương. Kể từ đó, chính quyền liên minh giặc Pháp – Thập Ác Vatican thành chính quyền tay sai cho người Nhật và triều đình  nhà Nguyễn trở  thành một tên đầy tớ làm tôi cho ba ông chủ, tính theo thứ bậc quan trọng là Nhật, Pháp  rồi đến Vatican. Đêm 9/3/1945, Nhật làm đảo chính hất cẳng cả Pháp và Vatican ra khỏi chính quyền. Tất cả các viên chức và quân đội Pháp nếu không bị bị bắt giam thì cũng  lẩn trốn.

Riêng về Đế Quốc Vatican,  sau khi nhận thấy người Nhật không đưa con bài Da-tô Cường Để về Việt Nam làm vua bù nhìn thay thế Bảo Đại, và  cũng không đưa ông Da-tô Ngô Đình Diệm làm thủ tướng, giới tu sĩ áo đen người Âu và người Việt đều cảm thấy rét run lên, co vòi lại, thu gọn ở trong các giáo khu và các xóm đạo, không còn dám ngang tàng, hống hách, phách lối, xấc xược ngược ngạo như bọn cố đạo Antôn và Giăng trong thời 1862-1945. (Xin xem Trần Tam Tỉnh, Thập Giá Và Lưỡi Gươm (Paris: Nhà Xuất Bản Trẻ, 1978),  51-52.)

Ngày 15/8/1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh. Theo lệnh của Đồng Minh, quân Nhật phải đóng quân tại chỗ và có trách nhiệm duy trì an ninh trật tự.

Như dã trình bày trong Chương 41 và 42, các đảng bí mật như Việt Nam Quốc Dân Đảng (gọi tắt là Việt Quốc), Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội (gọi tắt là Việt Cách), các giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo, không có đủ tổ chức và nhân lực dàn ra để cướp chính quyền trên toàn lãnh thổ, và ngay cả ở các thành phố quan trọng như ở Hà Nội, Huế, Sàigòn, Đà Nẵng, v.v… cũng không có người hoạt động để chớp lấy thời cơ mà cướp chính quyền. Vì thế, khi quân Nhật đầu hàng Đồng Minh vào ngày 15/8/1945, các đảng phái này trở thành gần như bất động.

Trong khi đó, Đảng Cộng Sản Việt Nam (thế lực ở hậu trường Mặt Trận Việt Minh) có tới 5.000 (năm ngàn) đảng viên được tổ chức thành các chi bộ, huyện bộ, tỉnh bộ hay thành bộ ở rải rác khắp nơi trong toàn quốc. Những đảng viên Cộng Sản đều là những người có đầy đủ kinh nghiệm cũng như khả năng về cách mạng và  về chính trị, đều là những người dấn thân cương quyết sống chết chiến đấu cho lý tưởng giành lại độc lập cho dân tộc. Quan trọng hơn nữa, vào thời điểm nghiêm trọng của lịch sử, Đàng Cộng Sản đã có sẵn những lực lượng xung kích để hành động khi hữu sự. Họ có cả đội ngũ tuyên truyền với trách nhiệm giáo dục, khích lệ, hô hào và cổ võ nhân dân hăng hái tham gia nhập cuộc vào phong trào cứu quốc của họ. Đồng thời, họ cố gắng vận động phe Đồng Minh ủng hộ và viện trợ vũ khí. Hơn nữa, Mặt Trận Việt Minh còn chú tâm vào việc theo dõi tình hình quốc tế, theo dõi diễn biến những trận đánh lớn giữa phe Đồng Minh và quân Nhật tại mặt trận Á Châu, nhất là quân Đồng Minh đang tấn công vào nội khu phòng thủ của Nhật Bản.  Nhờ vậy mà họ tiên liệu được ngày tàn của quân Nhật khiến cho chính phủ Đông Kinh phải đầu hàng. Cũng vì thế mà ngay từ trung tuần tháng 4/1945 họ đã chuẩn bị hành động tiến hành tổng khởi nghĩa.

Tình hình này làm cho nhân dân Việt Nam vô cùng phấn khởi và hết sức tin tưởng vào cuộc khởi nghĩa do Việt Minh lãnh đạo đang tiến hành ở vùng rừng núi Việt Bắc. Nghiễm nhiên, Mặt Trận Việt Minh trở thành nguồn hy vọng của nhân dân ta lúc bấy giờ, và mọi người đều hướng về vùng Việt Bắc và tin rằng thời cơ đã đến cho nhân dân ta nhất tề vùng lên đánh đuổi quân cướp xâm lăng Pháp – Vatican ra khỏi đất nước, giành lại chủ quyền độc lập cho dân tộc.  Vì lý do này mà phần lớn các nhà ái quốc Việt Nam ở trong nước cũng như ở hải ngoại đều hướng về miền Bắc mà lòng tràn đầy hy vọng và tin tưởng vào đại cuộc cứu nước xuất phát từ nơi đây.

Việt Bắc! Việt Bắc!
Đây non cao trùng điệp,
Đây rừng thẳm thâm u, 
Đây oai hùng vững trấn mốt chiến khu
Giang sơn cũ của đoàn quân giải phóng…

(của một tác giả mà người viết không nhớ tên.)

Chiến khu Việt Bắc - họp chính trị khoảng 1944-45

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì một phiên họp của Chính phủ tại chiến khu Việt Bắc.

Hai ngày trước khi chính quyền Nhật đầu hàng (vào ngày 15/8/1945), ngày 13/8/1945, họ tổ chức đại hội ở Tân Trào (Tuyên Quang), thành lập Ủy Ban Khởi Nghĩa, ban hành lệnh tổng khởi nghĩa. Sự kiện này được sách Street Without Joy ghi lại như sau:

Theo  Trường Chinh, ngày 13/8/1945, Đảng Cộng Sản Đông Dương nhóm họp tại làng Tân Trào nằm trong tỉnh Tuyên Quang… ban hành lệnh tổng khởi nghĩa và thành lập chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà…. Đảng Cộng Sản Đông Dương có một chương trình rõ rệt: Hướng dẫn những thành viên trong lực lượng nổi dậy về phương cách tước khí giới quân Nhật trước khi quân đội Đồng Minh tới Đông Dương; tiếp nhận chính quyền từ trong tay người Nhật và  chính quyền bù nhìn tay sai của Nhật, nắm quyền quyển soát toàn quốc trước khi quân đội Đồng Minh đế giải giới quân Nhật.” (3)

Sự kiện này cũng được tác giả Nghiêm Kế Tổ viết trong cuốn Việt Nam Máu Lửa như sau:

Các cán bộ Việt Minh lãnh đạo Việt Nam nhận thấy nếu để khí giới lọt vào tay các đảng phái khác, Việt Minh sẽ thất thế. Do đó trong các cuộc họp, các lãnh tụ Cộng Sản đã khôn khéo thuyết phục các nhóm khác với lý luận: “Nếu những đảng phái thân Nhật đứng ra tiếp thu khí giới, Đồng Minh sẽ viện cớ là đã hợp tác với Nhật từ trước, chủ quyền vì thế khó lòng đạt được, tốt hơn hết Đồng Minh đã biết Mặt Trận Đồng Minh là phong trào duy nhất kháng Nhật, nên để Việt Minh tiếp nhận những vũ khí đó.” Các đảng phái đều đồng ý, cho rằng để Việt Minh đại diện là hợp lý. Được thể, Việt Minh ra mặt công khai, tuyên truyền sự hoạt động và hiện diện của Việt Minh trên toàn lãnh thổ, sự thành công chống Pháp, chống Nhật từ mấy năm nay.”(4)

Đồng thời, tất cả các cán bộ tại các địa phương trong toàn quốc cũng được lệnh phải lanh tay chớp lấy thời cơ, tạo áp lực và thuyết phục các chính quyền bù nhìn tay sai của Nhật ở khắp mọi nơi đang ở trong tình trạng như "rắn không đầu" phải cộng tác với họ trong việc thành lập ủy ban hành chánh lâm thời theo chế độ mới dân chủ cộng hòa và tích cực huy động nhân dân tham gia Mặt Trận Việt Minh để cùng chung lo việc nước. Họ cũng lanh tay đưa người về hoạt động ở Hà Nội. Nhờ vậy mà khi có anh em công chức biểu tình vào ngày 17/8/1945, họ có thể nắm thế chủ động ở trên diễn đàn biến cuộc biểu tình thành một phong trào nhân dân vùng lên của Mặt Trận Việt Minh.

meeting tại nhà hát lớn ngày 17Aug1945

Mít tinh (cuộc họp) tại nhà hát lớn ngày 17 tháng 8, 1945

Việt Minh chiếm Bắc Bộ Phủ ngày 19 tháng 8, 1945

Thừa thắng xông lên, họ lại tổ chức biểu tình tiếp theo để biểu dương thanh thế với khoảng 20 ngàn người hăng say tham dự, và chiếm được chính quyền tại Hà Nội vào ngày 19/8/1945, rồi buộc vua bù nhìn Bảo Đại phải thoái vị và thiết lập được chính quyền từ trung ương đến các địa phương trên toàn lãnh thổ từ thành thị đến nông thôn. Ở đâu, họ cũng có cán bộ kêu gọi nhân dân hăng hái nhập cuộc để cùng với họ cướp chinh quyền, và họ đã thành công.

Sách Lịch Sử Đảng Cộng Sản Việt Nam viết đầy đủ về diễn biến những việc làm trong những ngày lịch sử này kể từ khi Nhật lật đổ Liên Minh Pháp – Vatican vào ngày 9/3/1945 cho đến ngày 19/8/1945  như sau:

 “Giữa lúc phong trào đang sục sôi khí thế cách mạng, nạn đói đã diễn ra nghiêm trọng ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Đảng đề ra khẩu hiệu: “Phá kho thóc của Nhật, giải quyết nạn đói”, đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng đưa hàng triệu quần chúng vào cao trào khởi nghĩa, đánh đổ chính quyền đế quốc tay sai.

Ngày 15/4/1945, Hội Nghị Quân Sự Bắc Kỳ do Ban Thường Vụ Trung Ương triệu tập đã họp ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) “đặt nhiệm vụ quân sự lên trên tất cả nhiệm vụ cần kíp khác”. Hội  nghị quyết định thống nhất Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân với Cứu Quốc Quân thành Việt Nam Giải Phóng Quân.

Ngày 16/4/1945, Tổng Bộ Việt Minh ra chỉ thị tổ chức Ủy Ban Dân Tộc Giải Phóng các cấp, chuẩn bị thành lập Ủy Ban Dân Tộc Giải Phóng Việt Nam, tức Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời. Đầu tháng 5, Hồ Chí Minh từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước.

Theo chỉ thị của Người, ngày 4/6/1945, khu giải phóng bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên… ra đời, trở thành căn cứ địa của cả nước. Trong tháng 5 và tháng 6/1945, các cuộc khởi nghĩa từng phần bùng nổ liên tục, hàng loạt chiến khu mới ra đời. Tại đây, các chính quyền nhân dân đã tồn tại song song với chính quyền tay sai của Nhật.

Cao trào kháng Nhật cứu nước bùng lên mạnh mẽ góp phần vào thắng lợi chung của Liên Xô và Đồng Minh trong sự nghiệp chống chủ nghĩa phát xít. Ngày 9/5/1945, Đức ký văn bản đầu hàng Liên Xô và Đồng Minh không điều kiện. Ngày 9/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật, trong vòng một tuần lễ đã đánh tan đội quân Quan Đông, buộc Nhật phải xin đầu hàng vào ngày 13/8/1945. Một trang sử mới đã mở ra đối với các dân tộc bị áp bức, vùng lên giành độc lập.

3.- Tổng Khởi Nghĩa Tháng Tám 1945: Từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945. Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào khẳng định: điều kiện tổng khởi nghĩa đã chín muồi. Đảng phải lãnh đạo toàn dân nổi dậy giành chính quyền cả nước trước khi quân Đồng Minh kéo vào Đông Dương. Việc khởi nghĩa tiến hành theo nguyên tắc tập trung, thống nhất, kịp thời.

Ngày 16/8/1945, tại Tân Trào, Đại Hội Quốc Dân khai mạc, gồm hơn 60 đại biểu Bắc, Trung, Nam tham dự. Đại hội nhiệt liệt hoan nghênh chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng và 10 chính sách của Việt Minh: quyết định thành lập Ủy Ban Giải Phóng Dân Tộc, do Hồ Chí Minh (tên mới của đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ 1942) làm chủ tịch. Đại hội quy định quốc kỳ, quốc ca của nước Việt Nam mới.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, 25 triệu đồng bào ta đã nhất tề vùng dậy “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Sức mạnh như triều dâng thác đồ, cuốn sạch lũ cướp nước và bán nước, tiến hành tổng khởi nghĩa oanh liệt, giải phóng toàn bộ đất nước.

Từ 14/8/1945, cuộc khởi nghĩa lần lượt nổ ra trong cả nước, thắng lợi quyết định ở Hà Nội (19/8), Huế (23/8), Sàigòn (25/8/). Vua Bảo Đại thoái vị. Chính quyền về tay nhân dân ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Chế độ phong kiến hàng ngàn năm và chế độ thực dân gần 80 năm đã chấm dứt. Ngày 2/9/1945, tại Quảng Trường Ba Đình, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên Ngôn Độc Lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới về nền độc lập dân tộc và sự ra đời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.”

Học Viện  Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh…, Lịch Sử Đảng Cộng Sản Việt Nam (Hà Nội: Đại Học Quốc Gia Hà Nội, 2002), tr. 68-70.

Những diễn biến này cũng được nhà viết sử ghi lại đầy đủ trong các sách giáo khoa về lịch sử ở bậc trung học. Sách Lịch Sử Lớp 9 – Tập 2 (TP Hồ Chí Minh: Bộ Giáo Dục và Đào Tạo,1999) viết:  

Từ sau thất bại ở chính quốc, thực dân Pháp ở Đông Dương đã chấp nhận những yêu sách của phát xít Nhật. Để làm áp lực buộc thực dân Pháp phải hoàn toàn khuất phục, cuối tháng 9/1940, quân Nhật từ Quảng Tây (Trung Quốc) tấn công Lạng Sơn. Quân Đội Pháp chạy tán loạn, dự định qua đường Bắc Sơn rút về Hà Nội. Đảng bộ Cộng Sản Đông Dương tại Bắc Sơn đã kịp thời phát động nhân dân địa phương vùng dậy tước khí giới của quân Pháp  đang tháo chạy (27/9/1940). Quân khởi nghĩa tiến đánh Mỏ Nhài, Bình Gia, giải tán chính quyền phản động, tổ chức bảo vệ an ninh, trật tự trong vùng. Tiếp đấy, quân khởi đánh chiếm Vũ Lăng. Trước khí thế tiến công của nghĩa quân, phát xít Nhật và chính quyền phản động Pháp vội vàng thỏa hiệp với nhau, dàn xếp nhanh chóng sự kiện Lạng Sơn. Được tạm yên với Nhật, thực dân Pháp tập trung sức đàn áp quân khởi nghĩa Bắc Sơn. Một bộ phận nghĩa quân đã rút vào rừng núi, tạo thành những hạt nhân đầu tiên của chiến tranh du kích do Đảng Cộng Sản lãnh đạo sau này.

Trong khi khởi nghĩa bùng lên ở Bắc Sơn thì tại Nam Kì, phong trào chống động viên, bắt lính diễn ra sôi nổi. Lúc bấy giờ được sự hậu thuẫn của phát xít Nhật, Thái Lan đòi thực dân Pháp cắt  giao cho mình vùng đất phía tây bắc Biển Hồ của Campuchia và vùng đất của Lào ở bờ phải sông Mê Công. Nhiều đơn vị lính Việt Nam đã bị thực dân Pháp đẩy đến vùng biên giới để chống nhau với quân Thái Lan. Lòng căm phẫn tràn ngập trong số binh lính người Việt còn đóng tại Sàigon, họ quyết định khởi nghĩa. Quyết định này được Đảng Bộ Đảng Cộng Sản Đông Dương tại Nam Kì ủng hộ vì từ tháng 6 năm 1940, đảng bộ đã tích cực chuẩn bị khởi nghĩa. Đảng bộ lập kế hoạch hành động trên toàn bộ Nam Kì, phối hợp hoạt động của binh lính với sự vùng lên của công nhân và nông dân.

Thời gian khởi nghĩa là đêm 22 rạng ngày 23/11/1940. Nhưng trước đó một ngày, kế hoạch khởi nghĩa bị lộ. Thực dân Pháp lập tức đối phó. Một  mặt lùng bắt những người cầm đầu, một mặt tước khí giới người Việt và nhốt chặt trong trại. Cuộc khởi nghĩa ở Sagon – Chợ Lớn mà chủ lực quân là binh lính bị bóp nghẹt, nhưng tại các tỉnh khác như Gia Định, Tân An, Mĩ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng... nghĩa quân vãn vùng lên đúng theo như ngày đã định. Nhiều đồn bót và châu quận bị tấn công. Nhiều quãng đường giao thông bị phá hoại. Tại nhiều vùng, chính quyền nhân dân và tòa án cách mạng được thành lập. Trong cuộc khởi nghĩa này, lần đầu tiên, lá cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện ở Nam Kì.

Thực dân Pháp đàn áp rất dã man. Nhiều làng mạc bị ném bom triệt hạ, có thôn xóm không còn một ai sống sót. Nhà tù, trại giam không chứa hết người bị bắt, thực dân Pháp nhốt cả vào những chiếc tàu hỏng hoặc xà lan ở giữa sông.  Xiềng xích cũng không đủ, chúng dùng giây thép gai xâu qua bàn tay, hoặc bắp chân của đàn ông đàn bà, trẻ em giam giữ một chỗ hoặc ném xuống sông. Đảng bị tổn thất nặng nề nhưng một số cán bộ và quần chúng thoát được đã rút vào rừng, chờ cơ hội trở lại hoạt động.

Dư âm của cuộc khởi nghĩa Nam Kì chưa tan hẳn thì tại Nghệ An, ngày 13/1/1941, binh lính ở đồn Chợ Rạng dưới sự chỉ huy của Đội Cung (Nguyễn Văn Cung) đã vùng dậy chiếm đồn rồi tiến đánh Đô Lương. Họ dùng súng và xe cướp được kéo về Vinh, dự định sẽ kêu gọi binh lính ở đây cùng nổi dậy chiếm thành. Nhưng kế hoạch không thực hiện được. Đội Cung cùng một số đồng đội bị bắt và bị xử tử.”(5)


Lán Khuổi Nậm ở Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng,
tỉnh Cao Bằng, nơi họp Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản
Đông Dương lần thứ tám (tháng 5-1941), quyết định đặt
nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và thành lập Mặt trận
Việt Minh. Ảnh http://www.qdnd.vn

Tháng 5 năm 1941, tại Pác Bó (Cao Bằng), Trung Ương Đảng Cộng Sản Đông Dương đã họp dưới sự chủ tọa của Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài mới về. Hội nghị quyết định đặt lên hàng đầu nhiệm vụ đánh đuổi Nhật, Pháp, giành lại độc lập cho dân tộc và tạm gác khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày”. Hội nghị chủ trương thành lập một mặt trận dân tộc thống nhất mới lấy tên là Viêt Nam Độc Lập Đồng Minh gọi tắt là Việt Minh. Việt Minh sẽ tổ chức tất cả những người yêu nước vào những hội cứu quốc như Công Nhân Cứu Quốc, Nông Dân Cứu Quốc, Thanh Niên Cứu Quốc, Phụ Nữ Cứu Quốc... Hội nghị còn gấp rút xây dựng lực lượng vũ trang và nửa vũ trang để khi thời cơ đến, cùng toàn dân đã được tập hợp trong Việt Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát động tổng khởi nghĩa, giành lấy chính quyền...

Về mặt vũ trang, những đội du kích của khởi nghĩa Bắc Sơn đã từ miền biên giới trở lại hoạt động, khôi phục được căn cứ Bắc Sơn – Vũ Nhai và thống nhất thành đội Cứu Quốc Quân. Đến cuối năm 1943, những hoạt động “vũ trang tuyên truyền” của Việt Minh lan rộng trên mấy tỉnh vùng Thượng Du phía bắc sông Hồng. Ngày 22/12/1944, đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng ra đời và trách nhiệm chỉ huy được giao phó cho Võ Nguyên Giáp. Chỉ sau hai ngày thành lập, đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân đã hạ được hai đồn giặc là Phay Khắt và Nà Ngần (Cao Bằng) làm kẻ địch hoang mang, lo sợ, và cổ vũ mạnh cho phong trào cách mạng của quần chúng.

Trong khi những hoạt động vũ trang đang phát triển ở vùng Thượng Du thì ở các thành thị và ở vùng đồng bằng, phong trào đấu tranh cũng lên rất cao. Nông dân nhiều nơi họp mít tinh chống tăng thuế, chống bắt phu, chống khủng bố. Có nơi nông dân đã dùng giáo mác, gậy gộc, liềm hái biểu tình, vây chặt bọn tay chân của Nhật- Pháp và ngay cả bọn lính Nhật để chống thu thóc, chống nhổ lúa,  nhổ ngô, trồng đay, trồng lạc (đậu phọng). Tại các thành phố những cuộc bãi công của công nhân đòi tăng lương, chống đánh đập thường xuyên xẩy ra.”(6)

Qua những bản văn sử trên đây, chúng ta thấy rằng ngay từ tháng 3/1945, Mặt Trận Việt Minh đã biết rõ thời cơ đã đến và họ đã chuẩn bị đủ mọi thứ để tiến hành tổng khởi nghĩa cướp chính quyền từ trong tay Nhật. Nhờ vậy mà họ đã thành công trong đại cuộc cứu nước giành là quyền độc lập cho dân tộc.

Song song với việc cướp chính quyền, họ cho cán bộ đi hô hào thành lập các đoàn thể  cứu quốc (Nhi Đồng, Thiếu, Nhi, Thiếu Niên, Thanh Niên, Phụ Nữ, Nông Dân, Phụ Lão) để đoàn ngũ hóa nhân dân quy tụ thành Mặt Trận Việt Minh tại các địa phương trong toàn quốc.

Đất nước quả thật đã trở mình. Từ Ải Nam Quan đên Mũi Cà Mâu, đâu đâu cũng thấy những cảnh tưng bừng rộn rã với các đoàn thể cứu quốc tụ họp nhau trương cao  cờ đỏ sao vàng với biểu ngữ “Việt Nam Độc Lập Muôn Năm”. 

Non sông trong khắp ba miền
Loa vang thét gọi “Vùng lên diệt thù”.
Vùng lên đòi lại cơ đồ,
Vùng lên giữ vững ngọn cờ Việt Nam.

(NMQ - Bài Thơ Cho Con)

Đi đến cũng thấy cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới, người nguời vui tươi hớn hở với niềm tin mãnh liệt vào tương lai của đất nước. Sách Việt Nam Máu Lửa ghi nhận:

Cờ đỏ sao vàng mọc lên như nấm, đối ngoại Việt Minh tiếp nhận quyền hành và võ khí của Nhật Bản, đối nội Việt Minh thành lập cấp tốc các Ủy Ban Nhân Dân địa phương, các sư đoàn Dân Quân, tăng cường lực lượng Thanh Niên Tiền Phong (Lực lượng cốt cán, do Bác-sĩ Phạm Ngọc Thạch, lãnh tụ Đỏ lãnh đạo), lấn át dần các đảng phái khác.”(7)

Ngày 2/9/1945, họ huy động được cả năm trăm ngàn người (8) đến tham dự buổi mít tinh tại Vườn Hoa Ba Đình để nghe ông Hồ Chí Minh công bố bản Tuyên Ngôn Độc Lập . Ngoại trừ một thiểu số người có quyền lợi gắn liền với liên minh giặc xâm lăng Pháp – Vatican, bản tuyên ngôn này đã đáp ứng được nguyện vọng của toàn thể nhân dân ta. Chính vì vậy mà đồng bào khắp nơi từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mâu đều nhiệt liệt ủng hộ Mặt Trận Việt Minh, công nhận ông Hồ Chí Minh là người lãnh đạo chính quyền của nước Việt Nam Độc Lập, đang tranh đấu chống xâm lăng bảo vệ chủ quyền độc lập của dân tộc.

Việt Nam về với Việt Nam!
Từ đây người Việt hiên ngang với đời,
Từ đây hết kiếp tôi đòi,
Từ đây vĩnh biệt cuộc đời vong nô.
Người người gào thét tung hô,
Dân như ngụp lặn trong giờ vinh quang.

(NMQ - Bài Thơ Cho Con)


CHÚ THÍCH

(1) Nguyễn Mạnh Quang, Đệ Nhị Thế Chiến Và Chiến Tranh Lạnh (Tacoma, WA: Tacoma Public Schools, 1994), tr. 122-123.

(2) Ngô Văn, Việt Nam 1920- 1945 (Amarillo, TX: Hải Mả, 2004) tr. 292-293. 

(3) Bernard. B. Fall, Ibid., p 26.

"On August 13, 1945, the ICP met at the village of Tan Trao, in the province of Tuyen Quang. According to Truong Chinh: " .. the ICP met in a National Congress decreed the general uprising and put into place the Vietnamese democratic republic regime.... The National Congress began at very moment when the order of general insurrection had been given. Thus, its session was  rapidly closed... In the course of this history making Congress, the ICP proposed a clear-cut program: guide the rebels so as to disarm the Japanese before the arrival of the Allies in  Indochina; to take over the power that was on the hands of the Japanese and their puppets, and to reiceive, as the authority in control of the country, the Allied Forces coming demobilize the Japanese."

(4) Nghiêm Kế Tổ, Việt Nam Máu Lửa (Los  Alamitos, CA: Xuân Thu, 1989), tr. 44.

(5) Hồ Song – Nguyễn Kiên. Lich Sử 9, T. 2 (TP Hồ Chí Minh: Bộ Giáo Dục Và Ðào Tạo, 1999), tr. 32-34.

(6) Hồ Song – Nguyễn Kiên. Sđd., tr. 37-38.

(7)  Nghiêm Kế Tổ, Sd ., tr. 44.

(8)   Joseph Buttinger, Vietnam: A Political History (New York: Frederick A. Praeger, 1968, p. 210.

 

Phụ chú:

Hình ảnh hoạt động ở chiến khu Việt Bắc trong tập:

- Chiến Khu Việt Bắc

- Năm ấy Bác về nước (Đại Tướng Võ Nguyên Giáp)

- Những Mẩu Chuyện Về Tấm Gương Đạo Đức HCM

 

© sachhiem.net