●   Bản rời    

Phải Hiểu Kinh Thánh Như Thế Nào

Phải Hiểu Kinh Thánh Như Thế Nào?

Trần Tiên Long

http://sachhiem.net/TTL/TranTL41.php

24-Mar-2013

 

Việc mỗi người hiểu mỗi ý khác nhau về cùng một đoạn Kinh Thánh (KT) là điều không thể tránh. Đó là lý do Ca-tô Rô-ma giáo muốn độc quyền giải thích KT ngheo nghĩa duy văn tự bảo thủ từ mấy ngàn năm nay. Đối với họ, KT là lời Chúa và không thể sai lầm. Vatican là đại diện của Chúa ở trần gian nên chỉ có họ mới có quyền giải thích KT. Những giải thích có nguồn gốc từ nơi khác, đối nghịch với những giải thích của họ, đều phải bị nghiêm cấm và trừng trị thích đáng. Lối giải thích KT theo truyền thống bảo thủ Duy Văn Tự (Fundamentalism) là lối giải thích chính thức của Ca-tô Rô-ma giáo. Nhưng ngày nay, cây gươm và bó cũi không còn nằm trong tay họ nữa. Việc ngăn cấm thiên hạ đọc và hiểu KT ở thời đại văn minh có tự do ngôn luận là điều vô phương. Đó là công việc nằm ngoài khả năng của Vatican luôn luôn có Chúa Thánh Thần phù hộ, ngay cả khả năng của các tòa án xử dị giáo.

Nhưng khoa học và tri thức con người càng ngày càng tiến bộ. Nhiều chuyện kể trong KT đã trở thành huyền thoại, hoang tưởng. Chuyện ông Adam và bà Eve ăn trái cấm phạm tội tổ tông, trận lụt đại hồng thủy, tuổi của trái đất và các sinh vật, trái đất là trung tâm điểm của vũ trụ, trái đất phẳng, mặt trời xoay quanh trái đất, v/v…, tất cả không còn giá trị dưới ánh sáng của khoa học, nhất là các khoa Vũ Trụ học, Nhân Chủng học, và Sinh Vật học. Lý thuyết Tiến Hóa hiện nay thay thế thuyết Sáng Tạo, là căn bản cho các bộ môn khoa học để giải thích các hiện tượng quan sát. Như vậy, truyền thống giải thích KT theo nghĩa duy văn tự của Ca-tô Rô-ma giáo không còn thích hợp ở thời hậu hiện đại.

Thần học Giải phóng

Từ một hoàn cảnh đặc biệt như vậy, chúng ta thấy xuất hiện một lối giải thích khác, đó là lối giải thích KT theo nghĩa biểu tượng của Thần học Tự do Hiện đại. Lối giải thích này là căn bản của phong trào Thần học Giải phóng. Xin chuyển một đoạn của Bách khoa Wikipedia về sự hình thành Thần học Giải phóng từ cái nguồn sau:

http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%A7n_h%E1%BB%8Dc_gi%E1%BA%A3i_ph%C3%B3ng

“Thần học Giải phóng bắt đầu hình thành vào cuối thập niên 1960 trong Giáo hội Công giáo La Mã ở Mỹ Latinh. Thuyết thần học này đưa ra quan điểm mới là giáo hội có trách nhiệm giúp đỡ con người tự giải phóng cho chính mình khỏi sự đói nghèo và bất công đang xảy ra và đặc biệt phổ biến trong các nước Thế giới thứ ba. Những luận điểm chính của thần học giải phóng tán thành sự nhấn mạnh của Karl Marx về bất công xã hội:

-   Sự đau khổ của con người có thể nhận thức được một cách rõ ràng khi mà trên toàn thế giới, 80% dân số chỉ sống bằng 20% số của cải. Kết quả là trong 80% dân số ấy tình trạng thiếu ăn, bệnh tật, tỷ lệ tử vong cao tràn lan.

-   Sự đau khổ của con người với quy mô và mức độ như thế mâu thuẫn với nguyên tắc đạo đức của Kitô giáo và trái với cái nhìn của Chúa đối với loài người về sự thương yêu đồng loại và mục tiêu hợp nhất toàn bộ nhân loại.

  Để bày tỏ đức tin cũng như lương tâm, các tín đồ phải hành động để làm giảm bớt sự đau khổ ấy. Phương tiện để làm điều đó là những phát biểu có hệ thống và thường đòi hỏi hành động chính trị kèm theo.

Số lượng tín đồ liên minh với người nghèo trong các hành động đấu tranh chính trị ngày càng gia tăng và có lúc đã dẫn đến một số thành viên của giáo hội bị giết chết trong khung cảnh bạo lực bao trùm. Năm 1980, Oscar Arnulfo Romero, tổng giám mục San Salvador (thủ đô El Salvador), bị bắn gục trong nhà thờ trong khi đang làm lễ mass. Từ đó về sau, nhiều lãnh tụ khác trong giáo hội cũng chịu số phận tương tự (Macionis, Tr. 528). Vatican cũng phản kháng đối với thần học giải phóng vì cho rằng nó dẫn đến nguy cơ lôi kéo giáo hội vào tranh chấp chính trị cũng như xa rời những quan tâm của Kitô giáo về thế giới bên kia.” (Hết trích).

Đó là lý do về sự hình thành Thần học Giải phóng trong nổ lực giải quyết những bất công của xã hội. Nhưng điều nguy hiểm của nó không phải chỉ đơn giản nằm ở chỗ nó đi theo lời giảng dạy của Đức Ki-tô để bênh vực người nghèo đói, thế cô, song song với Chủ nghĩa Xã hội để chống Tư bản Chủ nghĩa. Sự kình chống này đã đưa đến những trả đủa bạo động như đã trình bày ở trên và được Vatican tiếp tay bằng những huấn lệnh cảnh cáo của Bộ Tín Lý Đức Tin (Congregation for the Doctrine of the Faith) năm 1984 và 1986, để bóp chết ngay phong trào Thần học Giải phóng.

Điều nguy hiểm khác nữa người viết muốn đặt trọng tâm trong bài này là lối giải thích KT theo nghĩa biểu tượng của Thần học Giải phóng, nếu được công khai chấp nhận, sẽ là viên đạn phá nát toàn bộ Ca-tô Rô-ma giáo đã được thiết lập hơn mấy ngàn năm nay, ít ra trên lý thuyết của luận lý học. Nếu lối giải thích theo nghĩa biểu tượng đó có thể giải quyết được những thắc mắc tạm thời về những điều vô lý, phản khoa học, và những điều tàn ác, vô luân trong KT thì nó lại đưa đến những hệ quả khó lường, không thể giải quyết nỗi, nhiều khi còn nguy hiểm hơn cả điều chúng ta muốn giải quyết.

Những hệ quả giải thích KT theo nghĩa biểu tượng

Những hệ quả căn bản của lối giải thích KT theo nghĩa biểu tượng là Giáo hội Ca-tô Rô-ma không còn độc quyền giải thích KT nữa, bởi vì theo nghĩa biểu tượng hay tượng trưng thì ai ai muốn hiểu và giải thích thế nào cũng được, miễn sao thuận tai. Cuốn KT mà Ca-tô Rô-ma giáo hãnh diện làm nền tảng để xây dựng chỉ còn là một cuốn thần thoại hoang đường như bao chuyện hoang đường thần thoại khác ở trong chốn dân gian có niềm tin mê tín dị đoan. Nó chẳng còn mấy giá trị, cũng giống như bao cuốn sách thiêng khác của các tín ngưỡng thời cổ đại. Sẽ không có một tiêu chuẩn nào để xác định phải hiểu như thế nào mới đúng. Cũng không có cách gì để biết chính xác rằng chỗ này trong KT thì phải hiểu theo nghĩa đen, còn chỗ kia thì phải hiểu theo nghĩa bóng, nghĩa biểu tượng.

1. Độc quyền giải thích KT của Vatican sẽ không còn nữa.

Nghĩa biểu tượng thì chỉ có tính tượng trưng, một hình ảnh biểu tượng mà ai ai muốn bàn ra tán vào thế nào cũng được. Thiên hạ sẽ có quyền tự do giải thích KT theo ý riêng của mình, chẳng cần bất cứ một người nào giải thích dùm.

Nhưng Vatican tự cho mình độc quyền đại diện Thiên Chúa ở trần gian, có toàn quyền cầm buộc hay tháo gỡ mọi chuyện dưới đất cũng như trên trời. Tất cả những gì mà họ gán ghép cho Ý Chúa thì đều được diễn dịch từ ý của họ. Họ cho rằng họ có đường dây trực tiếp để hiệp thông, tiếp xúc với Chúa. Luật của Hội Thánh cũng có giá trị cưỡng hành, hoàn toàn giống như luật của Thiên Chúa. Người Tin Lành đặt trọng tâm vào KT vì họ tin tất cả lời Chúa đang nằm trong đó. Nhưng người Ca-tô tin rằng ngoài KT còn có Truyền thống Thánh (Sacred Tradition) và Truyền thống Thánh còn cao trọng và đứng trên KT để Vatican có toàn quyền thay đổi KT tùy theo nhu cầu. Kinh Thánh chỉ là một phần nhỏ nằm trong Truyền thống Thánh.

Cái ý niệm Truyền thống Thánh ở đây không đơn giản chỉ là phong tục, tập quán, nhưng là thứ truyền thống mà họ cho là được Thiên Chúa trao thẳng xuống cho họ, được xác định qua thư của thánh Phao-lô Tông đồ gửi cho các tín hữu Thessalonians:

“Hỡi anh em, vậy thì hãy đứng vững, hãy vâng giữ những điều dạy dỗ mà chúng tôi đã truyền cho anh em, hoặc bằng lời nói, hoặc bằng thư từ của chúng tôi.” (Therefore, brethren, stand fast, and hold the traditions which ye have been taught, whether by word, or our epistle.) (2 Thessalonians 2:15)

Người Tin Lành không đồng ý và nghĩ rằng người Ca-tô hiểu sai câu KT trên. Trái lại, người Tin Lành chỉ tin vào KT (sola scriptura) và cho rằng chỉ cần có đức tin (sola fide) thì sẽ được cứu rỗi. Đó là một trong những khác biệt quan trọng giữa Ca-tô Rô-ma và Tin Lành.

2. Cuốn KT trở thành tầm thường, vô giá trị.

Ca-tô Rô-ma giáo nói riêng và Ki-tô giáo nói chung luôn luôn coi trọng hai cuốn KT Cựu ước và Tân ước. Các giáo hội Ki-tô giáo được xây dựng dựa trên nền tảng của hai cuốn KT này. Có thể khẳng định dứt khoát rằng nếu không có hai cuốn KT Cựu ước và Tân ước thì sẽ không có các tôn giáo thuộc nhóm Ki-tô giáo, bao gồm Ca-tô Rô-ma giáo, Anh giáo, Chính Thống giáo, và các hệ phái Tin Lành.

Trong khi trao đổi trong diễn đàn về những câu KT mang tính độc ác và vô luân để xin được một lời giải thích, có một đọc giả (ohmyboss@aol.com) trả lời như sau, ngày 18-2-2013:

“Con người ngày nay quá nhiều người quá đần độn đã quá đần độn lại còn kiêu căng hỗn láo ...

có ai thật sự tin người Việt Nam thật sự là con của con rồng cháu của bà tiên không ?

có ai thật sự tin là người Việt phát sanh từ bọc trăm trứng của bà Âu Cơ không?

Có ai thật sự tin Đức Phật mới sanh ra đã có thể nhảy tưng tưng 7 bưóc ra bảy búp hoa sen không?

Vân vân và vân vân  ......

Tất cả Kinh thánh Bible hay trong các sách dạy của Phật Giáo hay Hồi Giáo chỉ lá những hình ảnh gợi ý dạy đời và bổn phận của con người phải học hỏi để tìm ra những ý nghĩa trong Kinh thánh hay những câu chuyện thần tiên lịch sử....

Cụ thể nhất là trong Tử Vi 12 con giáp là gì tại sao lại là Tý Sửu Dần Mão v.v...  Các nhà chiêm tinh gia thông thái thời xa xưa nhìn ngắm mặt trời thấy có một chu kỳ là 12 năm ... trong thời gian 12 năm đó từ lực mặt trời thay đổi mỗi năm khác nhau ảnh hưởng đến sanh hoạt con người .... nhưng các vị thông thái đó không biết làm sao có thể cắt nghĩa cho mọi người hiểu dễ dàng để giúp cho các người dân về phương diện đạo đức và trong việc canh tác.. vì dân trí con người thời xa xưa thấp kém quá .... nên dùng 12 con giáp để ví von cho con người vốn đần độn không hiểu nổi những sự cao siêu...

Đến nay thời buổi tân tiến văn minh điện tử phi thuyền bay tới mây xanh rồi mà vẫn có nhiều người cũng vẫn đần độn như xưa có khi còn quá hơn xưa nữa vì lại thêm tính kiêu căng khinh mạn thánh thần Thượng Đế như bọn Vẹm, Việt gian Giao Điểm ngu si không hiểu những ý nghĩa trừu tượng của thánh nhân muốn dạy đời ...nên hỗn xược xúc phạm..... Thật là tội nghiệp...” (Hết trích).

Hoặc bài Những Tiên Đoán Sai Lầm Về Ngày Tận Thế (Nguồn: http://sachhiem.net/index.php?content=showrecipe&id=5486 ) sẽ xảy ra ở thế hệ này đã được ông Trương Minh Sơn phản biện lại ngày 23/03/2013 như sau:

“Tôi xin chứng minh rằng chữ "thế hệ này" được Chúa Jesus dùng là để chỉ một "dòng dỏi tội lỗi" kéo dài từ thời xa xưa khi loài ngưòi bắt đầu phạm tội phản Chúa cho đến mãi tận tương lai xa vời khi loài người vẫn chưa chịu chấp nhận Chúa Jesus là Đấng Cứu Tinh của nhân loại, chữ "thế hệ này" không phải là chỉ một giai đoạn 100 năm của một lớp người sống vào thời điểm của Chúa Jesus.” (Hết trích)

Cái lối giải thích KT như vậy chỉ có giá trị ở trong nhà thờ, nơi mà người tín hữu chỉ có quyền nghe, không được thắc mắc hoặc nêu những câu hỏi. Nhưng khi nó được đưa vào diễn đàn công cộng, nơi mà các đọc giả thì thuộc đủ mọi thành phần và có đủ mọi trình độ trí thức, thì nó lại trở thành ngớ ngẩn, ngây ngô, phi lý. Tại sao?

Thứ nhất, đoạn KT Chúa tiên đoán sai lầm về ngày tận thế sẽ xảy ra ngay ở thế hệ này được xử dụng từ “this generation” và dịch sang tiếng VN là “thế hệ này” [Amen, I say to you, this generation will not pass away until all these things have taken place. Heaven and earth will pass away, but my words will not pass away.] (Matthew 24:29-35 NAB). Không có bất cứ một cuốn tự điển nào, VN cũng như ngoại quốc, diễn dịch dịch từ “generation” là “dòng dỏi tội lỗi” như ông TMS đã giải thích.

Thứ hai, nếu hiểu thế hệ này là “'dòng dỏi tội lỗi' kéo dài từ thời xa xưa khi loài người bắt đầu phạm tội phản Chúa”, nghĩa là từ ngày có tổ tiên loài người là ông Adam và bà Eve phạm tội tổ tông, "đến mãi tận tương lai xa vời khi loài người vẫn chưa chịu chấp nhận Chúa Jesus là Đấng Cứu Tinh của nhân loại”, thì sẽ chẳng bao giờ có ngày tận thế. Chẳng cần phải là một nhà tiên tri có Chúa linh ứng và mạc khải, một người có trình độ trung bình cũng có thể khẳng định được rằng sẽ chẳng bao giờ có ngày toàn thể nhân loại “chịu chấp nhận Chúa Jesus là Đấng Cứu Tinh của nhân loại”;  cho dù đã có ít nhất bảy cuộc thánh chiến và các tòa án xử dị giáo, thiêu sống các nhà khoa học bằng những tội danh tưởng tượng như phù thủy.

Thứ ba, như vậy thì tốt hơn loài người không nên “chịu chấp nhận Chúa Jesus là Đấng Cứu Tinh của nhân loại” để sẽ không có ngày tận thế. Không ai trong chúng ta, nếu còn là một con người có trí tuệ, lại muốn có ngày khủng khiếp này xảy ra cho loài người.

Thứ tư, nếu hiểu thế hệ là “dòng dỏi tội lỗi” muôn đời muôn kiếp như ông TMS giải thích thì phải hiểu như thế nào về những câu KT khác Chúa đã tiên đoán sai lầm, chẳng hạn trong các câu Chúa khẳng định chi tiết ngày tận thế sẽ xảy ra khi có nhiều kẻ đang đứng trước mặt Ngài vẫn còn đang sống, hoặc ngày đó sẽ xảy ra khi thánh Gio-an tông đồ vẫn còn sống. Ngày nay, tất cả họ đã chết hơn 2.000 năm rồi nhưng vẫn chưa thấy tận thế.

Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải chết trước khi thấy Nước Thiên Chúa." [Truly I say to you, there are some standing here who will not taste death until they see the kingdom of God.] (Luke 9:27 NAB)

Đức Giê-su còn nói với họ: Tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực." [Amen, I say to you, there are some standing here who will not taste death until they see that the kingdom of God has come in power."] (Mark 9:1 NAB)

Đức Giê-su đáp: Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy." [Jesus saith unto him, if I will that he tarry till I come, what is that to thee? follow thou me. ] (John 21:22)

Và cuối cùng, chúng ta có thể tự hỏi về tính chính đáng của một lời tiên tri về một tương lai xa vời, chỉ có thể xảy ra vào khoảng mấy chục triệu năm sau, hoặc cũng có thể sẽ không bao giờ xảy ra vì sẽ chẳng có ngày toàn thể nhân loại “chịu chấp nhận Chúa Jesus là Đấng Cứu Tinh của nhân loại”. Có cần phải một Đấng Sáng Tạo xuống thế làm người để dạy bảo về một điều mà thiên hạ chẳng cần phải bận tâm, được các thánh tông đồ nhắc đi nhắc lại nhiều lần để dạy dỗ muôn dân? Tiên tri thì phải tiên tri về điều sắp xảy ra, không phải về điều còn lâu mới xảy ra, có thể phải đợi đến cả hằng mấy chục triệu năm sau.

Những cách lối giải thích như trên tiêu biểu là một lối giải thích theo nghĩa biểu tượng của Thần học Tự do Hiện đại, được tiếp nối bởi phong trào Thần học Giải phóng. Đó cũng là lối giải thích tiêu biểu của những tín đồ Ca-tô VN thường hay bắt gặp trong các diễn đàn mỗi khi họ ở thế bí. Như vậy, hai cuốn KT Cựu ước và Tân ước chỉ là những chuyện thần thoại hoang đường như các chuyện Tấm Cám, Thạch Sanh, Cô Bé Lọ Lem, Bạch Tuyết và 7 Chú Lùn, chuyện con rồng cháu tiên của VN… Nó cũng giống như các chuyện vớ vẩn, mê tín dị đoan trong dân gian thần thoại cổ Hy Lạp hoặc cổ Ai Cập. Hoặc nó cũng giống như các sách thiêng mà bất cứ tôn giáo thời cổ đại nào cũng có. Ai muốn hiểu thể nào thì hiểu, tin hay không cũng chẳng sao. Không lẽ cuốn KT chỉ tầm thường như vậy thôi sao? Như vậy thì Ca-tô Rô-ma giáo có cái gì đặc biệt hơn các tôn giáo khác trong dân gian để đặt nền tảng, để hãnh diện? Tôn giáo này chắc chắn cũng chỉ tầm thường như bao tôn giáo khác đã một thời có mặt trong lịch sử loài người.

3. Chỗ nào theo biểu tượng, chỗ nào theo duy văn tự?

Một hệ quả khác của phương pháp giải thích KT theo nghĩa biểu tượng là sẽ không có một tiêu chuẩn nào để xác định chỗ nào trong KT thì phải hiểu theo nghĩa biểu tượng, chỗ nào thì phải hiểu theo nghĩa duy văn tự. Nó sẽ lộn tùng phèo, chẳng còn luật lệ gì để dạy dỗ hay cấm đoán thiên hạ, bởi lẽ biểu tượng thì không có tính ép buộc. Chỗ nào đúng, cần theo; chỗ nào chỉ là hình thức, hiểu theo nghĩa bóng, chẳng cần phải theo? Tuyệt đối không có phương pháp hay tiêu chuẩn nào để có thể áp dụng giải quyết khó khăn này. Ai muốn hiểu sao, tùy ý.

Mặc dù có thể hiểu KT theo nghĩa biểu tượng, người ta cũng phải bó tay, không biết phải giải thích theo nghĩa biểu tượng như thế nào ở những câu KT sau, được trích từ bài THƯ NGỎ Kính gởi: - Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - Hội Thánh Tin Lành Việt Nam ( http://tongiaovadantoc.com/c1043/20130221170430440/thu-ngo-gui-hoi-dong-giam-muc-viet-nam-hoi-thanh-tin-lanh-viet-nam.htm) của tác giả Nguyễn Sâm đã chuyển vào diễn đàn ngày 20-2-2013:

- Phục Truyền luật lệ ký [Chương12, đoạn 2-7] dạy: Phải vằm nát và đốt tất cả những nơi thờ tự của những kẻ ngoại đạo, phá bỏ tất cả những ông Thần mà họ thờ…

- Thi Thiên [Psalm, 137: 9]: Phúc cho những ai bắt con trẻ của người Ba-bi-lon mà đập vào đá cho chết.

- 1 Samuel [15: 2-3]: Hãy đánh dân A-me-léc và phải giết mọi súc vật của chúng, nam nữ giết hết, con trẻ còn bú, bò, chiên, lạc đà phải giết hết.

- Nhất là cuốn Dân Số Ký, chương 31, tóm lược: Chúa Trời chỉ đạo cho ông Mai-sen (Moses) mộ binh chống dân Ma-đi-an. Quân của Mai-sen cướp vàng bạc, kim loại, bắt hằng trăm ngàn gia súc của dân Ma-đi-an đem về chia nhau. Đàn ông và trẻ thơ bị giết sạch hết. Nhưng 32 ngàn cô gái còn trinh bắt về làm quà cho các lính ra trận. Chúa Trời bảo ông Mai-sen nộp cho Chúa súc vật và 32 cô gái còn trinh”. [Theo “Kinh Cựu Ước (NGŨ THƯ), trang 453-457, do Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ thực hiện, Tòa Tổng Giám Mục Việt Nam chuẩn y”. Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội cấp giấy phép – 2010. Bán tại Nhà thờ đường Kỳ Đồng. TP.HCM. Tôi có mua một cuốn, giá 60 ngàn đồng]. (Hết trích).

Và người ta cũng không biết phải giải thích theo nghĩa biểu tượng như thế nào về những câu KT sau của trang nhà  http://www.evilbible.com/ :

Chúng ta cũng có thể đọc bài Thần học Tự do-Hiện đại do Trần Tiên Long dịch ở cái nguồn

http://sachhiem.net/index.php?content=showrecipe&id=865

để nhận ra rằng các ông thần học cãi lộn nhau chí chóe như thế nào về muôn vàn ý nghĩa biểu tượng. Những gì họ bàn thì vô nghĩa, ngớ ngẩn, chẳng ai hiểu nỗi. Có thể nói được rằng có 100 nhà thần học thì có 100 ông Thượng đế khác nhau. Vẽ người thì khó; nhưng vẽ ma quỉ thì dễ vô cùng, ai muốn vẽ thế nào, tùy ý. Nhưng vấn đề xuất phát từ chỗ ai ai cũng tưởng chỉ có mình mới vẽ đúng.

4. Ca-tô Rô-ma giáo đã sai lầm từ hơn 2.000 năm nay

Nếu chúng ta chấp nhận lối giải thích KT theo nghĩa biểu tượng của Thần học Giải phóng thì hệ quả đương nhiên là Ca-tô Rô-ma giáo đã sai lầm từ hơn 2.000 năm nay. Tôn giáo này từ xưa nay chỉ chấp nhận quan điểm bảo thủ của trường phái Duy Văn Tự và đã chính thức cấm đoán lối giải thích KT theo nghĩa biểu tượng của Thần học Giải phóng. Chính phong trào giải thích KT theo nghĩa biểu tượng của Thần học Giải phóng đã làm mồ chôn trường phái bảo thủ Duy Văn Tự. Như vậy, tín lý giáo hoàng không thể sai lầm trong những vấn đề đức tin và luân lý (infallibility) đã trở thành ngớ ngẩn và rất khôi hài. Nhiều điểm giải thích của Ca-tô Rô-ma giáo về KT trước đây thì nay hoàn toàn mâu thuẫn với lối giải thích theo nghĩa biểu tượng. Đó là một trong những lý do dễ hiểu tại sao Vatican đã mau mắn chính thức lên án và khai tử phong trào Thần học Giải phóng, cho dù nó đi theo con đường của Đức Ki-tô bảo vệ giới nghèo.

Tạm Kết

Trong thực tế, để đối phó với những khám phá mới của khoa học đã chứng minh những điều sai lầm trong KT, Ca-tô Rô-ma giáo ngày nay thường hay diễn dịch KT tùy tiện theo nhiều cách khác nhau, có khi còn mâu thuẫn lẫn nhau, miễn sao có lợi, cho dù đã chính thức lên án lối giải thích theo nghĩa biểu tượng. Mỗi cách giải thích đều có những sai lầm đặc thù đưa đến những hệ quả khó lường ở những đoạn KT khác. Chỗ này thì họ bắt người tín hữu phải hiểu theo nghĩa đen, nghĩa duy văn tự; chỗ kia thì phải hiểu theo nghĩa bóng, nghĩa biểu tượng. Nhưng toàn bộ KT đều là lời của Chúa nên không có tiêu chuẩn nào để xác định chỗ nào mới là lời của Chúa, chỗ nào không; và chỗ nào phải hiểu theo nghĩa biểu tượng, chỗ nào phải hiểu theo nghĩa duy văn tự. Có lẽ đó cũng là lý do tại sao Ca-tô Rô-ma giáo có một thời rất lâu dài đã ngăn cấm các tín đồ tự do phổ biến và đọc KT. Ngày nay, điều cấm đoán này thì hoàn toàn vô phương.

Nếu chúng ta thẳng thắn chấp nhận KT là sản phẩm của con người phàm tục, thường hay sai lầm, cũng giống như bao chuyện thần thoại hoang đường khác, không phải là lời của Chúa toàn năng, thì những thắc mắc như vừa trình bày ở trên sẽ tự động được giải tỏa một cách thỏa đáng; bởi vì không có cách hiểu duy nhất nào có thể thỏa mãn được toàn bộ hai cuốn KT Cựu ước và Tân ước. Điều này thì thật vô cùng hiển nhiên nếu chúng ta chấp nhận mở mắt ra nhìn và dùng lý trí của một con người có ý chí tự do để suy luận.

Trần Tiên Long

Havelock, NC

24/03/2013