●   Bản rời    

Thần học Tự do-Hiện đại (Trần Tiên Long dịch)

Thần học Tự do-Hiện đại

Trần Tiên Long dịch

http://sachhiem.net/TTL/TranTL08.php

13 tháng 3, 2011

Kính thưa quí đọc giả,

Bài này cho chúng ta thấy có nhiều cách hiểu Kinh Thánh tùy theo quan điểm của người đọc. Mỗi cách hiểu đều có những sai lầm đặc thù đưa đến những hệ lụy khó lường ở những đoạn khác trong Kinh Thánh.

Thiên chúa giáo thường diễn dịch tùy tiện Kinh Thánh theo nhiều cách khác nhau, nhiều khi còn mâu thuẫn lẫn nhau, miễn sao có lợi. Có lẽ đó cũng là lý do tại sao Thiên chúa giáo có một thời rất lâu dài đã ngăn cấm các tín đồ phổ biến và đọc Kinh Thánh. Vậy lựa chọn cách hiểu nào thì tùy thuộc vào mỗi người trong chúng ta, bởi vì không có cách hiểu duy nhất nào có thể thỏa mãn toàn bộ hai cuốn Kinh Thánh: Cựu Ước và Tân Ước.

Nếu chúng ta chấp nhận Kinh Thánh là sản phẩm của con người hay sai lầm, không phải là lời của Chúa toàn năng, thì những thắc mắc về nó sẽ tự động được giải tỏa một cách thỏa đáng.

TTL

Saturday, December 25, 2010 6:40 AM

 

Thần học Tự do-Hiện đại

Trần Tiên Long dịch

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9279&rb=0303, ngày 21.2.2007


Ghi chú của người dịch:

Vì đây là một bài tiểu luận bàn về thần học Ki-tô giáo, tôi dịch chữ “God” có khi là Thượng đế có khi là Thiên chúa tùy theo văn cảnh. Những chỗ liên quan tới Kinh thánh hoặc Đức Giê-su thì tôi nghĩ nhất thiết phải dịch là Thiên chúa.

 

Các nhà thần học theo chủ nghĩa Tự do hay chủ nghĩa Hiện đại là những người chấp nhận rằng Kinh thánh không phải là không sai lầm, rằng đa số những câu chuyện liên quan tới Chúa Giê-su thì không phải lịch sử. Thật vậy, nhiều người trong họ có lẽ còn bác bỏ giáo lý Thiên chúa Ba Ngôi, và có người thậm chí còn bác bỏ hoàn toàn niềm tin vào sự tồn tại của Thượng đế. Tuy nhiên, dẫu có lạ với một ngưòi bình thường thì những nhà thần học này vẫn nhìn nhận mình là những tín đồ Ki-tô giáo. Quả thật, đa số các nhà thờ Tin lành thuộc dòng chính ngày nay đều theo một hình thức nào đó của thần học tự do-hiện đại. Các thần học gia này có lẽ sẽ vui vẻ thừa nhận phần lớn những phát hiện trong website này, nhưng chắc chắn họ cũng muốn gạt bỏ chúng như là những phản đối “vô nghĩa” đối với đức tin của họ. Mục đích của chúng ta trong phần này là khảo sát những giáo lý cốt lõi của các thần học gia tự do để xem những giáo lý đó nói gì, hay chúng có gì là sự thực. Nhưng trước khi chúng ta bắt đầu, việc điểm qua lịch sử của phong trào tự do-hiện đại có lẽ sẽ rất có ích cho việc đánh giá đúng mức phong trào này. Sau đó, chúng ta sẽ xem xét những lối giải thích về Kinh thánh, Giê-su và Thượng đế trong thần học tự do.

  • Lịch sử của Thần học Tự do-Hiện đại
  • Quan điểm Tự do về Kinh thánh
  • Quan điểm Tự do về Giê-su
  • Quan điểm Tự do về Thượng đế

Chúng ta sẽ thấy rằng thần học tự do-hiện đại không hề dựa trên nền tảng lý trí. Thực vậy, việc họ không ngừng diễn đạt những tư tưởng của mình bằng những thuật ngữ mơ hồ cho thấy một điều chỉ có thể miêu tả là một hành động bất lương tri thức và không muốn đối diện với một sự thực dễ nhận thấy - đó là tri thức hiện đại đã chứng minh rằng Ki-tô giáo như được biết đến suốt hai ngàn năm nay là sai lầm.

Lịch sử của Thần học Tự do-Hiện đại

Nhìn từ quan điểm của thần học, thế kỷ 19 đã kế thừa một số vấn đề khó khăn từ những thế kỷ trước. Những khó khăn này chủ yếu xuất phát từ những lãnh vực ngoài thần học Ki-tô giáo truyền thống. Do đó, những triết gia theo chủ nghĩa hoài nghi, chẳng hạn như David Hume (1711-1776) và ở một chừng mực nào đó là Immanuel Kant (1724-1804), đã đặt ra rất nhiều khó khăn cho các thần học gia. Trong tác phẩm Nghiên cứu về hiểu biết con người (1748) của ông, Hume đã chứng minh sự phi lý của những phép lạ trong triết học. Và trong cuốn Đối thoại về tôn giáo tự nhiên (1779) được xuất bản sau khi ông mất, Hume đã chứng minh rằng những lập luận truyền thống về sự tồn tại của Thượng đế, nhất là lập luận thiết kế, là không thể dẫn đến những kết luận những người hữu thần mong muốn. Trong kiệt tác đồ sộ của mình, Phê phán lý tính thuần túy (1781), Immanuel Kant đã chứng minh rằng những lập luận ủng hộ sự tồn tại của Thượng đế là không hề có giá trị. Thậm chí còn nhức nhối hơn cho ngành thần học chứ không phải cho triết học là vấn đề triết học tự nhiên mà sau này được gọi là khoa học. Khoa học đã khiến các nhà thần học bối rối khi nó lấn sang những lĩnh vực vốn lâu nay được coi là sân chơi riêng của họ. Cuộc cách mạng Copernicus đã chứng minh rằng mặt trời chứ không phải trái đất mới là tâm điểm mà tất cả những gì được biết đến trong vũ trụ đều xoay quanh. Điều này làm trái đất, rồi tiếp đó là con người, mất đi vị thế là trung tâm của vũ trụ. Khi con ngưòi bị đặt ở một góc độ vô nghĩa trong vũ trụ thì việc con người là vương miện vinh quang của tạo hóa lại càng trở nên khó tin hơn. [1]

David Hume (1711-1776) Immanuel Kant (1724-1804)

Ở thế kỷ 19, những khó khăn ngày một trở nên chồng chất. Việc xuất bản học thuyết tiến hóa của Charles Darwin (1809-1882) qua tác phẩm Nguồn gốc các loài (1859) có nghĩa là khoa học đã dấn thêm một bước trong việc chống lại các nhà thần học. Thuyết tiến hóa của Darwin đã chứng minh rằng con người chẳng qua chỉ là một con vật đã tiến hóa, không hơn không kém. Nếu tiến hóa là đúng, và bằng chứng được Darwin trưng ra trong sách của ông là thuyết phục, thì Sáng thế ký (Genesis) phải là sai lầm; và khác xa với việc là hình ảnh của Thượng đế, loài người mang đầy đủ các dấu vết của thủy tổ loài vật. Trong cộng đồng Ki-tô giáo, sự phát triển của những phê phán nhắm vào Kinh thánh, nhất là theo hình thức “tự do hơn”, đã bắt đầu cho thấy rằng Kinh thánh không phải là một văn bản độc nhất. Bằng những phương pháp phê phán thường được sử dụng trong việc nghiên cứu các tài liệu lịch sử, các nhà phê bình đã chứng minh rằng 5 cuốn Kinh thánh đầu tiên không phải do một nhà tiên tri Do thái có tên là Mai-sen (Moses) viết như người ta vẫn tin lâu nay. Những cuốn Kinh thánh này chứa đựng dấu vết của ít nhất 4 tác giả khác nhau. Chúng còn cho thấy rằng một số sách tiên tri, chẳng hạn như cuốn Da-ni-en (Daniel), thực ra đã được viết sau khi những tiên tri mà nó dự báo đã xảy ra rồi. Ngay cả cuốn Kinh Tân Ước cũng không tránh khỏi tình trạng đó. Người ta bắt đầu nhận thấy rằng các cuốn Kinh thánh đâu phải được viết gần thời điểm xảy ra các biến cố được miêu tả trong đó, mà đã được viết hàng thập kỷ, thậm chí có thể đến hàng thế kỷ sau đó. Kết quả của việc phê phán tự do đã cho thấy niềm tin Kinh thánh không thể sai lầm không còn đứng vững được nữa. [2]

Như vậy, đến giữa thế kỷ 19, rõ ràng là đa số các nhà thần học đã không còn coi Kinh thánh là “chuyện thường ngày ở nhà thờ” đối với thần học Ki-tô giáo nữa. Bức bình phong vững chắc của nền thần học Ki-tô giáo đã bị xé rách, không bao giờ có thể vá lại được nữa. Thần học Ki-tô giáo đã tách thành hai nhánh: chủ nghĩa bảo thủ duy văn tự và chủ nghĩa tự do-hiện đại. [a] Những người duy văn tự là những người đi theo con đường phi lý rành rành và họ bác bỏ bất cứ khám phá khoa học nào trái với giải thích theo nghĩa đen của Kinh thánh. Còn chủ nghĩa phê phán tự do thì bị họ lên án là khí cụ của ma quỷ. [b] Trái lại, những nhà thần học tự do-hiện đại đã chấp nhận một cách rất lý trí những khám phá khoa học và những phê phán Kinh thánh. Họ cũng đã cố gắng thử nhiều phương pháp khác nhau để làm cho đức tin của họ tiếp tục có ý nghĩa và sống động, bằng việc vận dụng những phương pháp giải thích khác nhau về Kinh thánh và về các quan điểm truyền thống trong thần học chính thống.

Người tiến hành những bước đi đầu tiên của thần học tự do là Friedrich Schleiermacher (1768-1834), một nhà thần học người Đức. [c] Khi cố gắng giành lại những tầng lớp có học thức về cho Ki-tô giáo, ông đã dạy rằng tranh luận về các bằng chứng ủng hộ sự tồn tại của Thượng đế, về tính bất khả sai lầm của Thánh kinh và về các phép lạ, cùng lắm chỉ là tranh luận về những vấn đề bên lề. Vấn đề quan trọng nhất, theo Schleiermacher, là cảm nhận Thiên chúa hiện diện trong tâm hồn người tín đồ. Một nhà thần học người Đức khác, Albrecht Ritschl (1822-1889), cũng dạy rằng nền tảng của một tôn giáo chân thực phải là một đức tin chứ không phải là lý trí. Theo ông, tôn giáo quan tâm đến việc phán xét giá trị chuẩn tắc, còn lý trí, gồm cả khoa học và phê phán, thì chú trọng đến các vấn đề thực chứng. Như vậy, ngay cả khi việc phê phán Kinh thánh chứng minh được rằng những câu chuyện về Đức Giê-su sinh từ người nữ đồng trinh, về các phép lạ của ngài, về thời kỳ trước khi ngài giáng thế đều sai lầm thì điều đó cũng không làm thay đổi giá trị của con người Giê-su. Theo Ritschl, điều quan trọng về Giê-su là ngài đã dẫn đưa nhân loại tới “Thiên chúa của những giá trị”; nói cách khác, Giê-su đã làm những tín đồ của ngài ý thức được các giá trị cao nhất của cuộc đời. Quan điểm của Ritschl được phổ biến bởi một nhà thần học người Đức khác, Adolf Von Harnack (1851-1930). Harnack đã phê phán hầu hết những giáo lý truyền thống của Ki-tô giáo và đã quy trách tông đồ Phao-lô (Paul) đã làm băng hoại những giáo huấn đơn giản của Giê-su bằng cách biến tôn giáo của Giê-su thành một tôn giáo về Giê-su. Harnack bác bỏ các phép lạ trong Kinh thánh và dạy rằng Giê-su không bao giờ nhận mình là Thiên chúa. Harnack dạy rằng có thể quy Ki-tô giáo về một vài nguyên lý đơn giản: Niềm tin vào Đức Chúa Cha và Kinh thánh trong đó Giê-su chỉ là một “con người hiện thực.” Về cuối đời, Harnack đã vận động đòi loại bỏ Kinh Cựu Ước ra khỏi hệ thống Kinh thánh Ki-tô giáo. [4]

Những người bảo thủ-duy văn tự phản bác lại theo cách thức đã trở thành nét đặc trưng cho phong cách của họ: họ dùng tới biện pháp chính trị để hất những nhà giảng đạo tự do ra khỏi bục giảng của các nhà thờ Tin lành, và loại những giáo sư tự do ra khỏi các chức vụ giáo dục trong các chủng viện thần học. Họ đã giành được một số thành công ban đầu, nhưng cuối cùng ở vào thập niên thứ 3 của thế kỷ 20, phần nhiều do sự áp đảo về số lượng của những nhà thần học không thuộc phái bảo thủ duy văn tự, họ đã buộc phải rút lui vào những giáo phái nhỏ và các chủng viện có liên quan. [5]

Đến lúc này thì rõ ràng là ngay cả những nhà thần học nặng tình với truyền thống tự do cũng thấy rằng phong trào tự do không thể tiếp tục cuộc hành trình của nó nữa. Rồi thể nào nó cũng sẽ đi đến chỗ bác bỏ hoàn toàn Kinh thánh và những nguyên tắc cơ bản của Ki-tô giáo: con đường chắc chắn dẫn đến chủ nghĩa vô thần. Có thể nói rằng điều cần thiết lúc đó là phải chuyển trọng tâm từ những thành quả của tư duy phê phán sang những vấn đề “ngon ăn”, chẳng hạn như những vấn đề về sự tồn tại của con người. Điều này được nhận thấy trong các bài viết của nhà thần học người Đan Mạch ở thế kỷ 19, Soren Kierkegaard (1813-1855). Triết lý của ông, sau này trở thành chủ nghĩa hiện sinh, có vẻ như giải quyết được những vấn đề về sự tồn tại của con người. Ông dạy rằng sự tồn tại của con người là không thể lý giải bằng lý trí được. Do vậy cũng không thể dùng một hệ thống chân lý khách quan dựa trên lý trí để lý giải cho sự tồn tại của Thượng đế, một hữu thể không thể tách rời khỏi sự tồn tại của con người. Như vậy, là một tín đồ Ki-tô giáo có nghĩa là bước một bước bằng đức tin vào vùng tối, để phó thác toàn vẹn đời mình cho Chúa Ki-tô. [6]

Bởi vậy, khi nhà thần học người Thụy Sĩ, Karl Barth (1886-1968), phản ứng lại những giáo huấn “cực đoan” hơn của những thần học gia tự do và khẳng định đa số những giáo lý của thần học truyền thống, chẳng hạn như giáo lý về Thiên chúa Ba Ngôi và về niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô như Ngôi Lời nhập thế, ông đã không bác bỏ chủ nghĩa phê phán tự do. Ông chỉ đơn giản chuyển trọng tâm sang những vấn đề hiện sinh. Giống như nhiều nhà thần học tự do khác, ông không tin rằng lý trí có nhiều tác dụng trong lãnh vực tư duy thần học. [7]

Một đại diện quan trọng nữa của chủ nghĩa truyền thống tự do là nhà thần học người Đức Rudolf Bultmann (1884-1976). Bultmann chắc chắn là một trong những học giả lớn của thế kỷ 20 về Kinh Tân Ước . Ông nổi tiếng vì hai điều liên hệ tới phê phán Kinh thánh: “Hóa giải thần thoại” và “Phê phán hình thức”. Đối với ông và những người theo ông, những câu chuyện thần thoại trong Kinh thánh phản chiếu rõ ràng thế giới quan của các tín đồ ngày xưa. Ngày nay, những thần thoại trong Kinh thánh không còn được con người hiện đại thực lòng tin nữa. Bởi vậy, những thần thoại này, chẳng hạn như niềm tin rằng những hữu thể siêu tự nhiên (Sa-tăng, thiên thần, ma quỷ và Thiên chúa) thường hay can thiệp vào vận động tự nhiên của thế giới, rằng Giê-su là một hữu thể vốn tồn tại từ trước được sai đến để chuộc tội cho con người qua sự hiến thân của ngài, tất cả không phải là lịch sử khách quan. Chúng là những thần thoại phản chiếu sự hiểu biết về thế giới của các tín đồ Ki-tô giáo ngày xưa.

Karl Barth (1886-1968) Rudolf Bultmann (1884-1976)

Hóa giải thần thoại là một chương trình đưa đến sự cứu độ hoặc tuyên xưng đức tin của những tín đồ ngày xưa đằng sau các thần thoại. Đây là điểm làm Bultmann khác với các thần học gia tự do ở đầu thế kỷ 20 vốn là những người thẳng thừng gạt bỏ thần thoại ra khỏi thần học của họ. Phê phán hình thức là phương pháp hỗ trợ cho quá trình hóa giải thần thoại. Nhận thấy rằng những câu chuyện trong Kinh thánh khởi đầu là những câu chuyện truyền miệng, rằng chúng thường có những hình thức nhất định nào đó, những người phê phán hình thức đã tìm ra được bối cảnh lịch sử của lần kể chuyện đầu tiên. Phê phán hình thức đã chứng minh rằng đa số các câu chuyện về Giê-su trong Kinh thánh, ngay cả những câu chuyện không mang tính thần thoại, đều không phải là lịch sử có thực, mà chúng là kết quả của niềm tin và kỳ vọng của cộng đồng Ki-tô giáo về Chúa Giê-su.

Tuy nhiên, từ vị trí này, Bultmann, cũng như Barth, đã khẳng định niềm tin của ông vào Giê-su qua một quan điểm hiện sinh. Ông tuyên bố rằng tất cả những gì người tín đồ cần biết là Giê-su đã từng tồn tại và chịu đóng đinh. Đối với Bultmann, việc những câu chuyện về Giê-su trong Kinh thánh có thực hay không thì không có gì là quan trọng. Điều quan trọng về những câu chuyện này là chúng cho thấy ý tưởng về Chúa Giê-su đã có ý nghĩa gì đối với những người đầu tiên truyền tụng những câu chuyện đó. Như vậy theo Bultmann, điều Kinh thánh trình bày không phải là một chân lý lịch sử hay khoa học mà là một chân lý hiện sinh. [8]

Cùng thời với Bultmann, Paul Tillich (1886-1965) đã phát triển một ngành thần học hiện sinh riêng biệt. Điều thú vị đối với mục đích của chúng ta là Tillich đã khẳng định rằng không có tồn tại một Thượng đế như miêu tả trong thần học Ki-tô giáo. [9] Chúng ta sẽ bàn thêm về vấn đề này ở phần sau.

Sự phát triển tư duy tự do cuối cùng đã khai sinh ra những nhà thần học như Dietrich Bonhoeffer (1906-1945). Ông tin rằng Ki-tô giáo truyền thống đã tồn tại vượt quá lợi ích thực sự của nó, và ông cổ vũ cho một “Ki-tô giáo phi tôn giáo”. Bonhoeffer, chết trong trại tập trung Quốc xã, dường như tin là không có đời sau, không có thông điệp về sự cứu rỗi mang tính cá nhân trong Kinh thánh. Bonhoeffer, và những người thừa kế tri thức của ông, đã bác bỏ quyền hạn truyền thống, nghi thức phụng vụ và lý thuyết siêu hình của Giáo hội, và ông kêu gọi thế tục hóa hoàn toàn Ki-tô giáo. [10] “Thần học cấp tiến” này, như cách gọi sau này, là những người cầm cờ đi tiên phong cho phong trào giải phóng Ki-tô giáo.

Đến đây, chúng ta chấm dứt cuộc tham quan ngắn ngủi vào hậu trường lịch sử của thần học tự do-hiện đại. Cũng nên nhắc lại rằng các thần học gia tự do đã không đạt được vị trí của họ bằng những lý luận thần học thâm thúy: Những hoàn cảnh ngoại tại như những khám phá của khoa học, khoa tôn giáo đối chiếu, triết học khai sáng đã buộc họ phải tìm đến một phương pháp lý luận như vậy, vì những phương pháp khác đều đẩy chủ nghĩa chính thống vào tình trạng hoàn toàn phi lý và dẫn đến sự bác bỏ hoàn toàn của chủ nghĩa vô thần đối với thần học. Mối quan tâm chính của chúng ta là những giả định nhận thức luận căn bản của thần học tự do có giá trị hay không. Chúng ta sẽ lần lượt khảo sát các quan điểm tự do về Kinh thánh, Đức Giê-su, và Thượng đế.

Quan điểm Tự do về Kinh thánh

Những người bảo thủ duy văn tự tin rằng trừ những ngụ ngôn cố ý rõ ràng ra thì mọi điều trong Kinh thánh đều đúng theo nghĩa đen. Do đó, đối với những người biện giải Kinh thánh theo nghĩa đen này thì đã tồn tại ông A-đam và bà E-va, đã xảy ra một trận lụt đại hồng thủy trên toàn trái đất, và quả thực là đã có sự kiện Chúa Giê-su Phục sinh ở thế kỷ đầu tiên. Từ việc nghiên cứu Kinh thánh của chúng ta trước đó, chúng ta có thể thấy rằng quan điểm bảo thủ duy văn tự về những điều này là không thể đứng vững: nghĩa là các môn khoa học về tiến hóa đã chứng minh rằng không thể có ông A-đam và bà E-va, địa chất học và khảo cổ học đã chứng minh rằng nạn lụt đại hồng thủy đã không thể xảy ra mà thực ra là có xuất xứ từ một câu chuyện thần thoại trước đó của xứ Sumer (thuộc Iraq ngày nay - N.D). Phê phán lịch sử cũng đã chứng minh rằng những cách lý giải khác nhau trong Kinh thánh về sự Phục sinh của Chúa Giê-su chứa đầy những mâu thuẫn đến mức không thể tin cậy được. Tuy vậy, những người bảo thủ duy văn tự cũng đã đúng và nhất trí được với những người hoài nghi về một vấn đề quan trọng: phần lớn Kinh thánh được viết bởi các tác giả với chủ ý công khai là để chuyển tải những sự kiện lịch sử, chứ không phải là những thần thoại.

Quan điểm của các thần học gia tự do về Kinh thánh có thể được chia thành 2 nhánh lớn, không nhất thiết loại trừ nhau: nhánh thứ nhất cho rằng thần thoại trong Kinh thánh chuyển tải những chân lý biểu tượng; nhánh thứ hai cho rằng Kinh thánh là văn bản rất con người và có thể sai lầm, nhưng có một số đoạn được Thiên chúa linh ứng và những đoạn này chỉ ra con đường đi đến chân lý. Chúng ta sẽ lần lượt xem xét những quan điểm này.

Quan điểm của Bultmann dĩ nhiên là đại diện tiêu biểu cho nhánh thứ nhất. Giải mã thần thoại công khai chấp nhận rằng nhiều câu chuyện trong Kinh thánh là không đúng theo nghĩa đen. Phê phán hình thức cố gắng tìm ra những chân lý biểu tượng đằng sau các thần thoại này. Nếu độc giả nghĩ rằng quan điểm này không phổ thông, tôi xin trích ra dưới đây một đoạn trong báo cáo xuất bản năm 1938 của Ủy ban Giáo lý Ki-tô giáo – báo cáo này đã được Giáo hội Anh phê chuẩn:

Có thể thấy những phát biểu khẳng định những sự kiện riêng biệt có giá trị như những cách biểu đạt các chân lý tinh thần bằng hình ảnh cho dù bản thân những cái được coi là những sự kiện thì đã không xảy ra trên thực tế. Trong trường hợp đó, những phát biểu như vậy phải được gọi là chân lý biểu tượng. Do đó, việc chấp nhận và khẳng định những điều khoản riêng biệt trong những tín điều khi hiểu chúng theo nghĩa biểu tượng này không nhất thiết phải là điều không chính đáng. [11]

Báo cáo trên có lẽ đã cố tình không nói rõ những điều khoản nào trong tín điều Anh giáo phải được hiểu theo nghĩa biểu tượng.

Nhánh thứ hai nhận định rằng Kinh thánh, trong khi có thể sai lầm - với nhiều phần không đúng và một số phần không thể chấp nhận được - trên nguyên tắc, là lời linh ứng của Thiên chúa. Trong cuốn Kinh thánh không ảo giác của mình (Nhà xuất bản SCM, Luân Đôn, 1989), hai nhà thần học tự do người Anh, R.P.C. và A.T. Hanson, đã trình bày đầy đủ ý tưởng này. Dưới đây, tôi xin trích tóm tắt của Carl Lofmark về quan điểm của họ.

Họ nhận thấy rằng Kinh thánh chứa đựng những sai lầm và không thể được Thiên chúa linh ứng, rằng thế giới quan của Kinh thánh là “tiền khoa học” và các câu chuyện về lịch sử trong Kinh thánh lại chủ yếu là thần thoại, truyền thuyết hoặc tiểu thuyết, rằng những phép lạ trong đó đã chẳng bao giờ xảy ra và có những đoạn có ngụ ý xấu xa nếu không muốn nói là kinh tởm. Họ thấy rằng việc cố gắng đọc những chân lý biểu tượng sẽ chẳng có tác dụng gì. Họ thấy rằng không có gì là tốt đẹp việc cố gắng đọc những chân lý biểu tượng, hoặc không có ý nghĩa cao đẹp gì hơn từ phần đông những cuốn Dân số (Numbers), Lê-vi (Leviticus), Thần mệnh ký (Deuteronomy) hoặc ngay cả Thánh thư thứ 2 của Phê-rô (Peter). Họ đồng ý rằng văn bản Kinh thánh là không đáng tin cậy và những lời nguyên thủy (kể cả lời của Giê-su) thường hay bị sửa đổi. Tuy nhiên, họ vẫn còn tin rằng sự “lôi cuốn chung chung” hoặc “ấn tượng” của Kinh thánh là “nhân chứng thực sự về bản chất của Thiên chúa”. Bù lại cho những văn bản xấu xa là những văn bản vén màn chân lý. Họ không thấy ý nghĩa sâu đậm ở bất cứ chỗ nào trong Kinh thánh, trừ những “điểm cao” của nó (trang 138). Họ không đồng ý khi Thiên chúa ra lệnh tàn sát người A-ma-lịch (1 Sa-mu-en 15) hoặc tiên tri Ê-lia (Elijad) giết các tiên tri của tôn giáo Ba-an (1 Các Vua 18), nhưng câu chuyện trong 2 Sa-mu-en 12, trong đó Na-than kết án vua Đa-vít về lối đối xử với U-ria, đã cho thấy một cái nhìn thấu đáo về bản tính của Thiên chúa” (trang 93). Đây là lối giải quyết có tính chiết trung: Họ chọn lọc từ Kinh thánh những đoạn mà họ thấy có giá trị khai trí và từ đó xây dựng những ấn tượng riêng của họ về sự “lôi cuốn chung chung” của Kinh thánh, trong khi lại bác bỏ phần lớn nội dung của Kinh thánh. Chỉ có những đoạn tốt hơn mới là những nhân chứng thực sự cho bản tính và mục đích của Thiên chúa. [12]

Đối với quan điểm về “chân lý biểu tượng thần thoại”, điều đầu tiên phải nghĩ tới là trong suốt hai nghìn năm, các tín đồ Ki-tô giáo đã luôn tin rằng ở những chỗ không có dấu hiệu ngụ ý thì Kinh thánh là đúng theo nghĩa đen, không có úp mở những ẩn dụ. [d] Ngày nay, nếu các thần học gia tự do-hiện đại nhận định rằng nhiều phần trong Kinh thánh không thể hiểu theo nghĩa đen thì điều đó có nghĩa là họ muốn nói rằng suốt gần 2000 năm người tín đồ Ki-tô giáo đã không hiểu đúng đắn thông điệp của Thiên chúa. Sứ mệnh của những nhà thần học tự do xuất sắc của thế kỷ 20 là khám phá ra thông điệp đó. Nói theo cách đó thì quan điểm của các thần học gia tự do lại nghe có vẻ thiển cận và phách lối, nếu không muốn nói là lố bịch.

Vấn đề thứ hai là người ta vẫn chưa rõ đoạn nào trong Kinh thánh phải hiểu theo nghĩa đen và đoạn nào thì phải hiểu theo nghĩa biểu tượng. Nếu ý định rõ ràng của các tác giả Kinh thánh bị loại bỏ không thể dùng làm phương pháp lựa chọn (điều này dẫn đến quan điểm bảo thủ duy văn tự) thì sẽ dẫn đến tình trạng tùy ý lựa chọn đoạn nào cần có biểu tượng và đoạn nào thì không.

Thứ ba, những đoạn đó phải được giải thích một cách biểu tượng như thế nào? Nếu không có một kim chỉ nam hay một phương pháp diễn giải biểu tượng được mọi người chấp nhận thì làm sao người ta có thể hiểu lối giải thích biểu tượng nào là đúng: tất cả các thần học gia nổi tiếng, như Barth, Bultmann, Tillich và Bonhoeffer, đều không nhất trí trên nhiều vấn đề quan trọng khi họ giải thích về thông điệp trong Kinh thánh.

Thứ tư, việc các nhà thần học tự do coi những câu chuyện trong Kinh thánh là chỉ có tính biểu tượng không hẳn có nghĩa rằng họ đã tránh được vấn đề tiêu chuẩn của chân lý. Điều gì sẽ xảy ra khi hai nhà thần học tự do lại đi đến hai chân lý biểu tượng loại trừ nhau, xuất phát từ cùng một đoạn trong Kinh thánh? Làm sao người ta có thể phân biệt được những chân lý biểu tượng của Kinh thánh với những chân lý biểu tượng được nhắc đến trong Thánh kinh Ấn giáo? Và cuối cùng, rất nhiều cái gọi là những diễn giải về chân lý biểu tượng của Kinh thánh thực ra không có bất cứ ý nghĩa nhận thức nào. Thí dụ sau đây là bài giảng của một Giám mục Anh giáo viết cho một tờ báo ở Anh quốc vào năm 1969:

Sự Thăng thiên của Chúa Giê-su không phải là một tiểu luận nguyên thủy trong vật lý học thiên thể, mà là một biểu tượng của trực giác sáng tạo vào trong ý nghĩa nội tại của Giê-su và vị trí của ngài trong vận mệnh của con người. Có thể gọi đó là sự diễn tả bằng hình ảnh của niềm tin ngày xưa rằng Giê-su là Thiên chúa... Tín lý và Kinh thánh đang nói bằng chính ngôn ngữ của nó, rằng đây là điều cuối cùng và có tính quyết định, chân lý và ý nghĩa cuộc sống của con người và vận mệnh – chân lý không phải trong lý thuyết mà là trong đời sống của một con người với phẩm giá tột bậc của nó, đó là sự sống của Thiên chúa. [14]

Điều duy nhất rõ ràng qua đoạn trên là ông Giám mục tốt lành không tin rằng câu chuyện Thăng Thiên được diễn tả trong chương đầu tiên của cuốn Công vụ Tông đồ là phải được hiểu theo nghĩa đen. Ngoài điều này ra, thật khó có thể hiểu được ông muốn nói gì và tại sao điều ông muốn nói lại có nguồn gốc từ câu chuyện được kể trong 3 khổ thơ trong cuốn Công vụ. Phần còn lại của đoạn văn nếu xét theo nghĩa đen thì vô nghĩa. Cũng cần nhắc lại ở đây rằng nếu đọc sách Công vụ thì người ta có thể nhận thấy rõ ràng rằng tác giả của nó không hề muốn câu chuyện có ngụ ý gì khác ngoài nghĩa đen của nó. Dĩ nhiên, tác giả đã sai lầm, bởi vì phía trên những đám mây không phải là trời để Chúa Giê-su bay lên. Mặc dù chúng ta có thể thông cảm với tác giả của cuốn Công vụ Tông đồ về việc ông không có kiến thức về vật lý học thiên thể, thật khó có thể biết phải làm gì với vị Giám mục kia. [15]

Đối với cách thức “lấy một ít, bỏ một ít” từ Kinh thánh, câu hỏi chính vẫn còn đó: Nếu Kinh thánh có những đoạn sai và không thể chấp nhận được thì lấy gì để bảo đảm rằng những đoạn khác lại là chân lý và có giá trị đặc biệt? Và ngay cả những đoạn khác đó có đúng đi nữa thì làm sao có thể phân biệt được Kinh thánh với các Sách thiêng của các tôn giáo khác? Nếu kinh sách của những tôn giáo khác bị gạt bỏ vì bị coi là những tuyển tập thần thoại, truyền thuyết, có một ít lịch sử và cũng có một ít giáo huấn, thì có nên làm như vậy đối với Kinh thánh của Ki-tô giáo hay không? Do đó, một khi người ta đã thú nhận một vài phần trong Kinh thánh là không đúng và không thể chấp nhận thì quan điểm về Kinh thánh như Lời Linh Ứng của Thiên chúa trở nên không thể bào chữa được nữa. Bởi vì rất có thể những chỗ tác tác giả viết đúng, dù đó là một sự thực lịch sử hay một nhận thức luân lý thâm sâu, chẳng qua chỉ là những chỗ ăn may theo kiểu ngưòi ta trúng số độc đắc. [16] Trong nhiều trường hợp, những thần học gia tự do này chẳng bận tâm tới các đoạn trong Kinh thánh làm họ phải rắc rối. Thí dụ, đoạn trích sau đây là từ cuốn Người Ki-tô giáo Vô thần (Nhà xuất bản Abingdon, Nashville, 1965) của Leslie Weatherhead, một thần học gia tự do người Mỹ:

... khi người ta viết Giê-su giáng sự hành hạ muôn đời xuống những ai làm sai ý ngài hoặc không tin điều ngài dạy, trong thâm tâm tôi biết rằng có điều gì không ổn ở chỗ nào đó. Hoặc là ngài đã bị trình bày sai hoặc là ngài đã bị hiểu lầm. Như vậy, tôi xin giữ kín trong lòng cái điều mà người ta cho là ngài nói, để chờ thêm ánh sáng. Theo phán quyết của toà án trái tim, tôi bác bỏ những lời nói như vậy. [17]

Câu hỏi ở đây rất đơn giản: nếu ông ta không thể sử dụng phán đoán riêng của mình để chấp nhận hay bác bỏ một số đoạn nào đó trong Kinh thánh thì tại sao lại tin cậy vào Kinh thánh như vậy?

Quan điểm Tự do về Giê-su

Tiếp theo, chúng ta sẽ bàn đến những quan điểm về Giê-su của các thần học gia tự do. Một điều hiển nhiên là kể từ cuối thế kỷ 19, các thần học gia, dù họ có tự gọi bằng bất cứ những tên thời trang nào, tự do hay tân tự do hay tân chính thống hay hiện đại, thì tất cả cũng đều không còn tin rằng những biến cố chủ yếu trong Kinh thánh chính là những sự kiện lịch sử: chuyện Chúa Giê-su là con của một nữ đồng trinh hay những câu chuyện liên quan tới Giáng sinh, các phép lạ hay những chuyện kể về việc Chúa Phục sinh, tất cả đều được xem là những câu chuyện thần thoại không có thực, không có nền móng lịch sử. Nhận xét sau đây của John Shelby Spong, Giám mục địa phận Newark thuộc Giáo hội Anh giáo ở Mỹ, là một thí dụ. Trong cuốn Phục sinh: Thần thoại hay Thực tế (1994), ông viết:

Khi tôi bắt đầu nghiên cứu những câu chuyện kể về việc Chúa ra đời, tôi thấy rằng chẳng có học giả tầm vóc nào lại hiểu chúng theo nghĩa đen cả ... vậy thì tại sao những người có học của thế kỷ 20 lại cứ tiếp tục hiểu theo nghĩa đen những chuyện như việc thụ thai đã xảy ra đối với một cặp vợ chồng đã quá thời mãn kinh, chuyện về chuyến viếng thăm của thiên thần Gáp-ri-en (Gabriel), chuyện thụ thai không có tác nhân đàn ông, chuyện về một ca đoàn thiên thần ca hát trên các tầng trời, chuyện về một ngôi sao bay lang thang trong bầu trời, chuyện về các mục đồng tìm thấy Chúa Hài đồng một cách dễ dàng ở trong một thành phố đầy ắp những người bị gọi kiểm tra dân số, rồi chuyện một ông vua có tên là Hê-rô-đê (Herod) lại tin tưởng vào 3 người mà ông chưa hề gặp khi họ mang đến cho ông tin tức về một kẻ dám thách thức ngôi vị của ông nghe nói vừa mới sinh ra chỉ cách đó 6 dặm? Nếu thần tính của Giê-su lại gắn liền với những chi tiết nghĩa đen về truyền thống sinh đẻ thì đó là một quan niệm phải chịu số phận bi đát. [18]

Như vậy thì các nhà thần học đã tìm thấy ý nghĩa gì trong câu chuyện Giáng sinh? Sau đây là một cách hiểu về thứ chân lý biểu tượng này:

Các câu chuyện về sự hạ sinh từ một trinh nữ là những cố gắng mang tính thần thoại nhằm diễn tả ý nghĩa của Chúa Giê-su cho mục đích đức tin. Chúng muốn nói rằng Đức Ki-tô đến với chúng ta qua tác động của Thiên chúa. [19]

Ở đây người ta dễ bị cuốn vào hai cách bắt bẻ. Nếu những thần thoại không phải là lịch sử thì việc khẳng định “Đức Ki-tô đến... bằng tác động của Thiên chúa” sẽ có ý nghĩa gì? Đoạn trên muốn nói đến tác động nào của Thiên chúa, nếu đó không phải là việc Chúa Giê-su là con của một trinh nữ? Rõ ràng là phát biểu trên về cái được xem là thông điệp hạ sinh từ một trinh nữ chẳng cho chúng ta biết thêm điều gì.

Nhưng Phục sinh chính là đề tài mà các nhà thần học tự do đã thêu dệt bằng những từ vô nghĩa. Một điều rõ ràng là tất cả các thần học gia tự do có tiếng tăm đều không hiểu câu chuyện Phục sinh theo nghĩa đen: nghĩa là họ đều chấp nhận câu chuyện đó là sai về mặt lịch sử. Chẳng hạn như Karl Barth đã cho rằng sự thẩm định của lịch sử chẳng có tầm quan trọng gì đối với “phán quyết của Thiên chúa” tức là sự Phục sinh. [20] Giả thuyết của Paul Tilllich về Phục sinh được gọi là “sự phục hồi”; được gọi như vậy bởi vì Phục sinh đối với Tillich là “sự phục hồi tước hiệu Chúa Ki-tô cho Giê-su (Giê-su là một với Thiên chúa) trong tâm trí của các Tông đồ.” Điều này, theo Tillich, là một trải nghiệm “xuất thần” của các Tông đồ. [21] Rõ ràng là mặc dù Rudolf Bultmann tin vào lịch sử tính của việc đóng đinh nhưng ông lại không tin Phục sinh là một biến cố lịch sử. Một trong những đệ tử của Bultmann đã viết về Phục sinh như sau:

Không nên hiểu Phục sinh theo cách hướng ngoại hay hướng nội, như một hiện tượng mầu nhiệm hay siêu tự nhiên hay có tính lịch sử. [22]

Vậy thì ngưòi ta có thể bảo rằng nếu Phục sinh không là một trong những điều trên thì điều đó có nghĩa là không thể hiểu Phục sinh theo bất cứ nghĩa nào hết. [23] Hãy lấy một thí dụ khác, thí dụ này là của Giám mục Spong trong cuốn sách của ông, Phục sinh: Thần thoại hay Thực tế (1994). Cho rằng lối giải thích Kinh thánh bằng những ý nghĩa tiềm ẩn chính là phương pháp để hiểu những chân lý biểu tượng về cuộc đời Giê-su, ông tiến hành cắt nghĩa phương pháp đó như sau:

Đó là lối tư duy theo thần thoại về những chiều kích của thực tế trong đó ngôn ngữ của thời gian và không gian đơn giản không phù hợp. Đó là một cố gắng nhằm tập hợp những ngôn từ lý trí và những ý niệm xung quanh những khoảnh khắc mà vĩnh cửu vỡ thành ý thức của những con người sống trong thời gian. [24]

G.M. Shelby Spong

Tôi đã viết nghiêng một số phần ở trên để nhấn mạnh. Vậy phải hiểu thế nào về “những chiều kích của thực tế” là thứ không thể diễn tả đúng đắn bằng ngôn ngữ của thời gian và không gian? Chiều kích là từ được dùng trong khoa học và trong giao tiếp hàng ngày để nói đến những thứ có thể đo đếm: như vậy, thời gian có thể đo bằng cái đồng hồ và không gian có thể đo bằng cây thước. Do đó, “ngôn ngữ của thời gian và không gian” rõ ràng có nghĩa là địa hạt của những vật có thể đo đếm được. Bởi vậy, ông Giám mục tốt lành đang nói rằng thần học của ông bàn về “những chiều kích của thực tế” mà lại không thể đo đếm. Theo định nghĩa, chiều kích bao hàm địa hạt những thứ có thể đo đếm. Một “chiều kích của thực tế” mà lại không thể đo đếm được thì rõ ràng là vô nghĩa lý. [25]

Câu cuối cùng thậm chí còn bí hiểm hơn nữa: không biết phải hiểu “vĩnh cửu vỡ thành ý thức của những con người sống trong thời gian” là thế nào đây? Việc dùng những chữ “vĩnh cửu”, “ý thức”, và “thời gian” có vẻ như chỉ để loè người ta rằng cái đang được đề cập đến là một cái gì đó rất thâm sâu. Nhưng chúng ta hãy mổ xẻ đoạn văn trên thành những bộ phận cấu thành của nó. Trong giao tiếp hàng ngày, “vĩnh cửu” có nghĩa là “thời gian không có chấm dứt”, dù là hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng. “Vỡ thành ý thức” chỉ có thể có nghĩa là “bắt buộc phải hiểu” và “những con người sống trong thời gian” đơn giản có nghĩa là “một số người” vì theo định nghĩa thì ai mà chả “sống trong thời gian”. Do đó, đoạn văn kia chỉ đơn giản có nghĩa là “Sự hiểu biết về thời gian không có chấm dứt đã được áp đặt lên một số người.” Như vậy, mặc dù chúng ta không muốn nói rằng câu trên không có ý nghĩa gì thì chúng ta cũng có thể nói rằng cùng lắm thì nó cũng chỉ là một câu tầm thường chứ đâu có gì sâu sắc. Những thí dụ về những câu văn như vậy thì đầy rẫy trong văn chương thần học tự do.

Rõ ràng là các thần học gia tự do đã dẫm đạp lên nhau khi cố gắng tránh nói ra một chân lý đích thực: rằng nếu Phục sinh không phải là lịch sử thì Ki-tô giáo truyền thống, dù dưới bất cứ hình thức nào, cũng không còn giá trị nữa. Đó dĩ nhiên là quan điểm của người hoài nghi. Nhưng các thần học gia tự do còn nói thêm rằng, Phục sinh phải được hiểu theo nghĩa khác, nhưng chính xác là theo nghĩa nào thì họ lại không nói rõ ràng. Luận thuyết của họ có quá nhiều chỗ méo mó xuyên tạc đến mức thật khó có thể biết họ đồng thuận hay bất đồng ý kiến với nhau.

Vấn đề cốt lõi là thế này: nếu Phục sinh không phải là lịch sử thì việc tuyên bố nó là đúng theo nghĩa khác không có nghĩa là các nhà thần học tự do có thể tránh được việc phải đưa ra bằng chứng. Phần lớn những giải thích của các thần học gia tự do đều bao hàm việc chấp nhận Phục sinh như là một thứ thần khải nội tâm của các Tông đồ. Họ tuyên bố rằng trải nghiệm này mới là điều thực sự quan trọng chứ không phải Phục sinh có là một sự kiện lịch sử có thực hay không.

Nhưng người ta có thể hỏi: tại sao lại như thế? Tại sao ảo giác của một số người nhà quê ít học thức ở thế kỷ thứ nhất thuộc xứ Ga-li-lê (thuộc Israel ngày nay - N.D) lại cần phải có ý nghĩa và phải được đối xử khác hơn bất cứ ảo giác nào khác trên toàn thế giới xuyên suốt chiều dài lịch sử? Vì nó liên quan tới Chúa Giê-su chăng? Nhưng nếu bỏ đi tất cả các nhận định về những cái được cho là uy lực siêu tự nhiên của ngài, những phép lạ ngài làm và sự Phục sinh của ngài thì chúng ta còn lại cái gì? Chỉ là một ông nhà quê khác ít học thức và cuồng tín ở thế kỷ thứ nhất thuộc xứ Ga-li-lê.

Nếu các nhà thần học lại cần nhiều sách đến thế để diễn giải lại những điều răn dạy của Giê-su cho thế kỷ 20, rồi cùng lắm thì cũng chỉ đạt mức thu gom những góp nhặt về các giáo lý cực kỳ mơ hồ thì tại sao lại không thể vất bỏ tất cả đi? Hẳn là các nhà thần học tự do đã có câu trả lời cho những câu hỏi này, nhưng có nhiều khả năng là chỉ có họ mới hiểu được những câu trả lời đó.

Quan điểm Tự do về Thượng đế

Các nhà thần học tự do cũng rất miễn cưỡng khi trình bày quan niệm của họ về Thượng đế. Rõ ràng là họ đã vứt bỏ quan niệm truyền thống về Thượng đế như là một hữu thể siêu tự nhiên: một quan niệm ít nhất cũng phù hợp với Kinh thánh. Để thay thế cho quan niệm đó, có vẻ như có bao nhiêu các nhà thần học thì cũng có bấy nhiêu quan niệm khác nhau về Thượng đế. Chúng ta hãy thử điểm qua một số quan niệm này. Ở đầu thế kỷ 20, thần học gia tự do, A.N. Wiemann, đã định nghĩa Thượng đế như là “đặc tính của các biến cố mà con người phải điều chỉnh theo đó để đạt được sự chân thiện cao nhất và tránh được những cái ác khủng khiếp nhất.” [26] Đối với Karl Barth, Thượng đế đơn giản chỉ là “một thứ hoàn toàn khác”. [27] Có lẽ định nghĩa về Thượng đế được hoan nghênh nhất là định nghĩa của Paul Tillich. Theo ông, Thượng đế là “cái nền của hữu thể”, nhưng ông càng cố gắng làm sáng tỏ định nghĩa này bao nhiêu thì lại càng làm nó trở nên huyền bí bấy nhiêu:

Thượng đế với tư cách là cái nền của vạn vật trải dài ra vô tận vượt quá cả cái mà Thượng đế làm nền cho. Ngài sẽ chống cự lại thế giới chừng nào thế giới còn chống cự lại ngài, và vì ngài đang bênh vực thế giới do đó làm thế giới phải bênh vực lại ngài. Chỉ theo nghĩa đó thì chúng ta mới có thể nói đến tính “siêu nghiệm” trong mối quan hệ giữa Thượng đế và thế giới. [28]

Paul Tillich

Thật khó có thể gán cho đoạn trên một ý nghĩa rõ ràng nào. Không biết một quan niệm huyền bí như vậy về Thượng đế thì sẽ có ưu điểm gì? Câu trả lời là, cũng giống như quan niệm tự do về các chân lý biểu tượng trong Kinh thánh và sự Phục sinh của Giê-su, quan niệm trên đã đưa vấn đề về sự tồn tại của Thượng đế vượt ra khỏi lãnh địa của lý trí. Và chính Tillich đã thừa nhận như vậy trong đoạn văn sau đó:

... câu hỏi về sự tồn tại của Thượng đế là không thể đặt ra và dù có đặt ra thì cũng không thể trả lời được. Nếu được đặt ra, đó là câu hỏi về điều vượt trên sự tồn tại vì bản chất của nó, và do đó, câu trả lời dù phủ định hay khẳng định cũng đều ngầm phủ nhận bản chất của Thượng đế. Xác nhận hay từ chối sự tồn tại của Thượng đế thì cũng đều là vô thần. Thượng đế là hữu-thể-tự-tại, chứ không phải là hữu thể. [29]

Như vậy, việc Tillich không muốn quan niệm của mình được phân tích theo lý trí đã tóm tắt thái độ của những thần học gia tự do đối với ý niệm về Thượng đế (chẳng hạn như “một thứ hoàn toàn khác” của Barth được định nghĩa là cái gì đó nằm ngoài tầm hiểu biết của lý trí con người). Chúng ta có thể hỏi, sao các thần học gia này lại có thể có những quan niệm ''tùy tiện một cách trắng trợn'' (chữ của triết gia vô thần George H. Smith) như thế về Thượng đế? Nếu nó nằm ngoài lý trí, vậy thì họ lấy ý niệm đó từ đâu? Từ Kinh thánh chăng? Nhưng làm sao chúng ta có thể tin được Kinh thánh bởi vì nó không đúng theo nghĩa đen như chính họ cũng đã thừa nhận. Dĩ nhiên, nếu bạn buộc phải tin vào thần khải thì ít ra bạn cũng mong lý trí có thể xác nhận với bạn rằng những phần đó của thần khải là đúng. ▪

 


Ghi chú

[a] Mặc dù đoạn này chủ yếu liên quan đến thần học tự do Tin lành, cũng cần nhắc lại rằng đã có một phong trào tương tự trong Giáo hội Công giáo La mã ở cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 về thần học được gọi là “Chủ nghĩa Hiện đại”. Những người cổ vũ nó công khai chấp nhận những khám phá của phê phán Kinh thánh và nói chung họ bác bỏ nền thần học kinh viện truyền thống Ki-tô giáo. Nhóm này đã bị trấn áp bằng một Thông Điệp của Giáo hoàng Pius X năm 1907. [3] Kể từ đó đến nay, Giáo hội Công giáo La mã vẫn duy trì một quan điểm bảo thủ là chính, mặc dù không hoàn toàn duy văn tự, đối với Kinh thánh.

[b] Thực vậy, toàn bộ website này chủ yếu phê phán quan điểm bảo thủ duy văn tự. Tôi dùng từ “tự do” theo nghĩa rộng để chỉ những thần học gia có khuynh hướng tự do-hiện đại. Ở đây chỉ xin nêu một số khuynh hướng đại diện: chủ nghĩa tự do, hiện đại, tân tự do, tân chính thống, Ki-tô giáo hiện sinh, thần học duy nghiệm, thần học cấp tiến và thần học về sự khủng hoảng. Tất cả những khuynh hướng này giống nhau ở chỗ họ đều chấp nhận chủ nghĩa phê phán Kinh thánh và đều bác bỏ các giáo lý bảo thủ duy văn tự.

[c] Mặc dù ngày xưa một số thần học gia Ki-tô giáo, chẳng hạn như Clement Alexandria (150-200) và Origen (185-254), đã cố gắng giải thích Kinh thánh theo nghĩa bóng, phương pháp của họ là Kinh thánh chứa đựng nhiều tầng chân lý với nghĩa đen nằm ở tầng trên cùng. Họ không công khai bác bỏ các thông điệp theo nghĩa đen. Dù thế nào đi nữa thì những cách diễn giải mang tính ẩn dụ của các thần học gia này cũng đã chẳng bao giờ được chấp thuận rộng rãi trong Giáo hội. [23]


Tham khảo

  1. Hordern, A Layman's Guide to Protestant Theology: p31-33
  2. ibid: p40-42
  3. Bullock, Dictionary of Modern Thought: p540

    Livingstone, Oxford Dictionary of the Christian Church: p341

  4. Cunliffe-Jones, Christian Theology Since 1600: p144-145

    Hordern, A Layman's Guide to Protestant Theology: p44-49

    Livingstone, Oxford Dictionary of the Christian Church: p231, 441, 461

  5. Hordern, A Layman's Guide to Protestant Theology: p52-54
  6. ibid: p113-118
  7. Livingstone, Oxford Dictionary of the Christian Church: p287-288
  8. Bullock, Dictionary of Modern Thinkers: p43-44

    Cnliffe-Jones, Christian Theology Since 1600: p146-147

    Hordern, A Layman's Guide to Protestant Theology: p130-149

    Livingstone, Oxford Dictionary of the Christian Church: p51

  9. Bullock, Dictionary of Modern Thinkers: p111-112

    Cnliffe-Jones, Christian Theology Since 1600: p150-151

    Hordern, A Layman's Guide to Protestant Theology: p130-149

    Livingstone, Oxford Dictionary of the Christian Church: p51

  10. Hordern, A Layman's Guide to Protestant Theology: p170-190
  11. ibid: p210-229

    Zaehner, The Hutchinson Encyclopedia of Living Faiths: p126-127

  12. quoted in Knight, Honest to Man: p172
  13. Lofmark, What is the Bible?: p61-62
  14. Chadwick, The Early Church: p107-108

    Smith, Atheism, Ayn Rand And Other Heresies: p93

  15. quoted in Knight, Honest to Man: p173
  16. ibid: p173
  17. Lofmark, What is the Bible?: p62-63
  18. quoted in Smith, Atheism, The Case Against God: p79
  19. Spong, Resurrection: Myth or Reality: p14, 18
  20. Hordern, A Layman's Guide to Protestant Theology: p205
  21. ibid: p142-143
  22. Hughes (ed), Creative Minds in Contemporary Theology: p461-462
  23. MacKinnon et.al., Objections to Christian Beliefs: p77
  24. ibid: p78
  25. Spong, Resurrection: Myth or Reality: p16
  26. Clements, Science Vs. Religion: p146
  27. Hordern, A Layman's Guide to Protestant Theology: p89
  28. ibid: p134
  29. quoted in Smith, Atheism: The Case Against God: p34
  30. Ibid: p33

Nguồn: http://www.geocities.com/paulntobin/liberal.html