●   Bản rời    

Ý kiến về bài: “Nguyễn Trường Tộ và Khát Vọng Canh Tân" (Bùi Kha)

Ý kiến về bài:

“Nguyễn Trường Tộ và Khát Vọng Canh Tân” (*)

GS-NGND Trần Thanh Đạm

http://sachhiem.net/BUIKHA/BuiKha13_NTT.php

| bản in |  ¿   toàn bộ NTT | 09 tháng 3, 2010

 

Sau Tết, ngày 16/2/10, một người bạn ở Huế gửi cho tôi bài viết của tác giả Thanh Hải nói trên. Đúng ra, tôi không nên viết bài đối luận vì tác giả, cũng như một số bài của các tác giả khác gần đây trên các báo, viết quá tùy tiện không cần nghiên cứu, không cần sử liệu; nghĩ sao viết vậy.

Nhưng Vietnamnet là một trong số những báo điện tử uy tín có nhiều độc giả. Và đặc biệt là ban Chủ trương có “mời gọi”: (Bạn đọc gửi bài, ảnh cho chuyên mục tại: tuanvietnam@vietnamnet.vn) nên tôi có một số phản biện kính gửi đến quý ban, để rộng đường dư luận, về một nhân vật lịch sử được ca tụng sai lầm hơn 100 năm qua.

 

1. Ông Thanh Hải viết:

“Từ nhỏ, ông (Nguyễn Trường Tộ, Bùi Kha chú thích) đã được Giám mục Ngô Gia Hậu (Gauchier) dạy cho tiếng Pháp cùng với các môn khoa học thường thức của Tây phương. Ngoài ra, ông lại được cho đi du học…”.

 


Nguyễn Trường Tộ.

- Bùi Kha: Ông Thanh Hải viết mà không biết mình viết cái gì. NTT sinh năm 1828, và theo sử liệu, ông tiếp xúc với Ngô Gia Hậu năm 1848 thì ông cũng đã được 20 tuổi, không thể gọi là nhỏ. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nói là trong suốt hơn 20 năm ròng rã, cho đến lúc chết, 41 tuổi, NTT đi đứng, ăn ở bên cạnh một người tình báo Pháp thì ông Thanh Hải và một số tác giả khác cũng không biết. Và do đó, Ngô Gia Hậu không thể dạy NTT các môn khoa học Tây phương như ông Thanh Hải ca tụng, làm như NGH có lòng huấn luyện một giáo dân để có thể canh tân cải cách cho Việt Nam. Mà thực ra NGH dạy NTT mánh lới lừa gạt triều đình để phục vụ cho đế quốc thực dân Pháp. Tôi có sáu tài liệu để cho thấy Ngô Gia Hậu là tên tình báo, nhưng chỉ đơn cử 2 để độc giả thấy.

Trong thư đề ngày 15/01/1874 ông Philaster gởi cho Đô đốc Dupré chúng ta thấy:

1a. Gauthier (Ngô Gia Hậu) muốn có một chính phủ Ki Tô giáo tại Bắc Kỳ.

“Tôi tin rằng Giám mục Gauthier và Giám mục Puginier, nhất là ông thứ nhì, không chịu nổi ý kiến một giải pháp hòa bình cho vấn đề: Giải pháp này sẽ phá tan hy vọng của họ mong muốn thấy một chính phủ riêng biệt, chính phủ này có lẽ sẽ là một chính phủ Ki Tô giáo”.

Nguyên văn tiếng Pháp:

Mgr. Gauthier et Mgr Puginier, celui-ci surtout, je le crois, ne peureusement supporter l'idée d'une solution pacifique de la question: cette solution est la ruine des espérances qu'ils nourrissaient de voir créer au Tonkin un gouvernement particulier, lequel serait un gouvernement catholique”. (Philastre à Dupré, dépêche du 15-1-1874 précité par Cao Huy Thuần “Christianisme et Colonialisme au Viet Nam 1857 – 1914” Paris, France, 1968, ronéo copy, P.306).

Tại sao Gauthier muốn có một chính phủ Ki Tô tại Bắc Kỳ?

Trả lời: Sẽ dễ dàng biến người Bắc Kỳ trở thành Ki Tô giáo hoàn toàn. Có ích gì lúc người Bắc Kỳ trở thành Ki Tô? Giám mục Puginier trả lời thế cho chúng ta:

“Tôi xác nhận rằng, khi nào Bắc Kỳ trở thành Ki Tô, thì nó cũng trở thành một nước Pháp nhỏ, hoàn toàn giống như các đảo Philippines đã thành một nước Tây Ban Nha nhỏ…”. Nguyên văn tiếng Pháp:

“J’affirme que du moment où le Tonkin deviendra chrétien, il deviendra aussi la petite France de l'Extrême-Orient, absolument comme les iles Philippines sont une petite Espagne…” (Lettre de Mgr. Puginier au ministre de la Marine et des Colonies, 6-5-1887. Archives du ministère de la F.O.M., AOO (30) ou N.F.541, Cité par CHT, p. 421 & 422).

1b. Giám mục Gauthier cũng thuyết phục, nhưng Dupré không thay đổi ý kiến:

“Chắc chắn tôi sẽ không làm vừa lòng hoàn toàn Giám mục Gauthier được, ông ta quá hăng say và trong nhiều trường hợp tôi nhận thấy thật sự quá nguy hiểm nếu nhắm mắt nghe lời của ông giám mục này”.

Nguyên văn tiếng Pháp:

Mgr. Gauthier ne pouvait non plus changer les idées de Dupré:

“Il me sera certainement impossible de donner une entière satisfaction à Mgr. Gauthier; son ardeur est extrême, et en maintes circonstances, j'ai pu reconnaitre combien il serait dangereux d'accepter sans réserves les appréciations de ce prélat”.

(Dupré au ministre de la Marine et des Colonies, 26-7-1876, Archives du ministère de la F.O.M. A 30 (26) carton 14. CHT, P. 367).

2. Ông Thanh Hải viết không cần sử liệu:

“Ngoài ra, ông lại được cho đi du học ở nhiều nơi như Singapore, Malaisia, Pháp, La Mã… Trong những chuyến đi đó, ông đã tìm tòi và lĩnh hội được nhiều tri thức khoa học mới, trong lòng nung nấu đem những điều mình đã học hỏi được về phục vụ cho lợi ích nước nhà”.

-Bùi Kha: Thực tế không phải như vậy. Sử liệu cho thấy:

Ngày 16/10/1858, ông cùng với ông tình báo Gauthier (Cố Hậu) đến cửa Mành Sơn, Đà Nẵng. Ở đó, đã có các tu sĩ Pháp tập trung khá đông đảo, đứng đầu là Giám mục Pellerin, đã cùng nhau làm áp lực để quân Pháp chiếm đánh thẳng Huế cho chóng dứt điểm, nhưng Đô đốc Charles Rigault de Genouilly thấy không dễ như họ tưởng, nên tất cả đều bị Genouilly đuổi sang Hồng Kông. Trong số đó có Nguyễn Trường Tộ.

Năm 1861, từ Hồng Kông, cùng với Phó Đô đốc Léonard Charner, về lại Việt Nam, ông được thuê làm thư ký cho Tổng hành dinh của quân thực dân Pháp để mở rộng vùng chiếm đóng (theo Linh mục Trương Bá Cần trong cuốn Nguyễn Trường Tộ con người và di thảo.


Ảnh bìa của cuốn Nguyễn Trường Tộ con người và di thảo.

 

Ông biết chữ Nho nhưng tiếng Pháp kém, chỉ đủ để làm Từ hàn (thư ký thường) cho Pháp mà thôi (theo cụ Đào Duy Anh trong Tạp chí Tri Tân số 7, trang 167, xb. 1941.Vai kề vai lòng cạnh lòng với ông tình báo Gauthier hơn 20 năm và, có thể, cùng với ông này, viết 58 bài Điều trần gửi đến triều vua Tự Đức đầy hậu ý.

3. Ông Thanh Hải viết:

“Tháng 6 năm 1864 (tức tháng 5 năm Tự Đức thứ 17), ông có bài viết bày tỏ mục đích về những lần xuất ngoại của mình: “Từ 15 năm nay, tôi đã biết rõ tất phải có mối lo như ngày hôm nay, nên tôi đã ra sức tìm tòi học hỏi trí khôn của mọi người để thêm sự hiểu biết cho mình”.

Trong bản Trần tình (8/5/1863) ông lại viết: “Về việc học thì không môn nào không để ý tới, cái cao của thiên văn, cái sâu của địa lý, cái phiền toái của nhân sự, cho đến luật lịch, binh quyền, tạp giáo, dị nghệ, các môn cách trí, thuật số, không môn nào tôi không khảo cứu”.

-Bùi Kha: Muốn triều đình tin dùng nên NTT đại ngôn như vậy, chứ thực tế tri thức của ông rất giới hạn. Ngay cả việc võ bị cũng cóp nhặt của gười khác mà không đề xuất xứ.

Thực vậy, một trong tám kế hoạch cần làm gấp (Di thảo số 27- Tế cấp bát điều, viết tháng 11/1867- Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ Con người và di thảo) là chỉnh trang võ bị theo “Mốt Tây”.

Đọc cuốn Tôn Ngô Binh Pháp, chúng ta thấy ông lấy ý trong cuốn sách này nhưng không đề xuất xứ. Đã vậy, ý của ông so ra còn kém xa cuốn Tôn Ngô Binh Pháp, sau đây là sáu dẫn chứng:

a. Nguyễn Trường Tộ viết:

“Cái khó của môn học này là người học võ học các sách binh thư đồ trận. Học sách xong phải thể nghiệm tập tành. Học cái gì tập luyện cái đó. Óc sáng suốt, cái nhìn nhanh như thần mới nắm được cốt cách mau lẹ…”.

Tôn Ngô Binh Pháp:

“Việc binh, lấy trá mà thành. Lấy lợi mà động. Lấy hợp tan làm biến hóa. Nhanh như gió. Thong thả như rừng. Lấn cướp như lửa. Bất động như núi. Khó biết như mây. (Tôn Ngô Binh Pháp, Ngô Văn Triện dịch, trang 121& 122).

b. Nguyễn Trường Tộ:

“Kẻ học võ học các phép động tĩnh đánh đấm đúng chân truyền mới không sai khi ứng dụng…”.

Tôn Ngô Binh Pháp:

“Tính giỏi thì biết cái thế đắc thất. Tác động để biết cái động tĩnh. Nghiên cứu địa hình để biết sống chết. So đọ để biết chỗ thiếu thừa” (TNBP, trang 108 &109).

c. Nguyễn Trường Tộ:

“Kẻ học võ đối với những nơi hiểm yếu có tính cách sinh tử, những hình thể có tính cách quyết định thắng bại, phải giả tạo hiện địa, lập trận đồ đích thân luyện tập (Binh pháp phương Tây như thế) mới thể nhận được rõ ràng…”.

Tôn Ngô Binh Pháp:

Ứng biến về địa thế: “Tránh chỗ bằng, đón chỗ nghẽn, lấy một đánh mười đâu bằng chỗ nghẽn, lấy mười đánh trăm đâu bằng chỗ hiểm, lấy trăm đánh nghìn đâu bằng chỗ ngẵng”. (TNBP, trang 281).

d. Nguyễn Trường Tộ:

“Kẻ học võ quan sát đồn bót xem mặt nào có thể đánh được giữ được, hướng nào có thể ra được vào được, phải chính mắt xem xét rõ ràng hình thế địa lý và ghi nhớ trong lòng (Võ quan phương Tây như thế”).

Tôn Ngô Binh Pháp:

“Người giỏi đánh quân địch không biết đâu mà giữ, người giỏi giữ quân địch không biết đâu mà đánh”.(TNBP, trang 89).

e. Nguyễn Trường Tộ:

“Con nhà võ khi ra trận tên đạn trước mặt, gươm giáo sau lưng, tiến lên thì chết vào tay giặc, thoái lui thì luật nước không cho. Lệnh xuất quân đã ban thì quên nhà, trống thúc quân đã giục thì quên mình…”.

Tôn Ngô Binh Pháp: “Ra đến cửa như thấy quân địch, khi lâm trận không nghĩ đến sự sống, phá được quân địch mới tính chuyện ra về” (TNBP, trang 278).

g. Nguyễn Trường Tộ:

“Con nhà võ biết bắc cầu đắp đường, dựng đồn lập lũy. Công việc của họ làm thiên biến vạn hóa. Nương theo địch mà tìm cách thắng địch, tùy theo địa thế mà lập cách phục binh, xuất quỷ nhập thần không theo một phương thức sẵn có hay một khuôn khổ nhất định. Cho nên cái kỳ diệu của nhà binh không thể báo trước được”.

Tôn Ngô Binh Pháp: “Việc dụng binh hễ được thế thì mạnh mất thế thì yếu. Mạnh thì hăm hở, yếu thì rụt rè (TNBP, trang 89). Dọa phía Đông, đánh phía Tây, nhử phía trước đánh úp đằng sau, biến hóa không cùng. (TNBP, trang 98). Tiến mà họ không chống được bởi ta xông vào chỗ thực, lui mà họ không đuổi kịp vì ta nhanh chóng mà họ không thể theo” (TNBP, trang 100).

“Tránh lúc địch hung hăng, đánh úp lúc chúng trễ biếng. Lấy gần đợi xa, lấy nhàn đợi nhọc, lấy no đợi đói”. (TNBP, trang 128 & 129). Mồi nhử chớ ăn, giặc cùng chớ bách (trang 133 & 134).

Sáu đoạn so sánh trên có lẽ đã cho chúng ta biết ý kiến về võ bị của Nguyễn Trường Tộ phát xuất từ đâu. Vậy mà ông luôn luôn “cổ võ” theo lối học thực dụng, tổ chức theo kiểu Tây. Và đại ngôn mà ông Thanh Hải hớn hở ca tụng như trên.

Qua Di Thảo này, NTT còn đề nghị đào một con kênh trong đất liền băng qua rừng núi (**) để vận tải lương thực, từ Hải Dương (gần Hải Phòng) đến kinh đô Huế, dài khoảng 800-900km.

Với khí cụ tối tân ngày nay, chúng ta quả quyết rằng không thể làm được huống hồ là hơn 130 năm trước, dụng cụ chỉ là tay chân và mấy cái cuốc cán bằng tre.

NTT không biết nạn chày vôi! Với hai câu vè:

Vạn niên là vạn niên nào,
Thành xây xương lính hào đào máu dân.

Nếu đào kênh như ông đề nghị, chắc chắn dân chúng cả nước đều nổi loạn chống triều đình. Cảnh thù trong: dân nổi loạn, giặc ngoài: Pháp thừa cơ hội tấn công và chiếm toàn lãnh thổ một cách nhanh chóng hơn.

4. Ông Thanh Hải tiếp:

“Cũng vì mến mộ tâm lực của ông trong việc xây cất tu viện ở Sài Gòn nên trong Ký sự của dòng thánh Paul (Phao Lô) đã có những đoạn chép hết lòng ca ngợi: “Ông rất thông minh linh hoạt và vô vị lợi đến mức tuyệt đối, vì ông không nhận một đồng lương nào, chỉ ăn cơm không và tiêu vặt chút ít. Không có ông, chúng tôi không bao giờ xây dựng được những tu viện, nguyệt đường…”.

-Bùi Kha : Việc con làm cha khen là chuyện thường tình. Nhưng để công bằng chúng ta nên biết thêm ý kiến của GS Lê Cung, ĐHSP Huế, một đoạn trong bài viết dưới đây và ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề này:

 

Bàn về lập trường chính trị của Nguyễn Trường Tộ
qua một số đề nghị cải cách

Lê Cung

 

“Nguyễn Trường Tộ là một người yêu nước chăng? Hãy nhìn vào việc làm của ông sau khi thôi làm từ dịch. Theo Trương Bá Cần:“Trong lúc chờ đợi, ở Sài Gòn, sau khi thôi làm phiên dịch cho Pháp, Nguyễn Trường Tộ đã giúp xây cất tu viện Dòng Thánh Phaolô, số 4 Tôn Đức Thắng hiện nay.

Công việc bắt đầu từ tháng 9/1862 và hoàn tất ngày 18/7/1864”.

Đánh giá công trình này, Trương Bá Cần viết: “Cơ sở của Dòng Thánh Phaolô do Nguyễn Trường Tộ xây cất nổi lên giữa Sài Gòn năm 1864 như một công trình kiên cố tầm cỡ. Ngoại trừ ngôi nhà hai tầng của Hãng hàng hải dân dụng ở Bến Nhà Rồng hiện nay, tất cả, ở Sài Gòn vào thời điểm đó, tất cả đều bằng gỗ, tạm bợ: Dinh Toàn quyền Pháp chỉ được đặt viên đá đầu tiên tháng 3/1888 và nhà thờ Đức Bà chỉ được hoàn tất vào năm 1884”.

Một quan chức thực dân, trung úy hải quân Richard, trong bài viết: “Sài Gòn và phụ cận đầu năm 1866” đã nhận xét như sau:

“Chúng tôi rời đan viện này và thích thú đi thăm tu viện xinh xắn của Dòng Thánh Phaolô, với một ngôi nhà nguyện nhỏ, nhưng tuyệt diệu, trên cao là một ngọn tháp duyên dáng nổi bật giữa tất cả vùng này, như báo tin cho chúng ta biết thủ đô của nước Pháp ở Á Đông. Một Thánh giá trên chóp đỉnh của công trình này, và bên cạnh là lá cờ của nước Pháp như là sự bảo trợ cho dấu hiệu linh thiêng này của văn minh. Tu viện giống lối kiến trúc của nước Ý, pha lẫn những trang trí tự tiện của người Việt Nam.

Nhà nguyện được xây theo kiểu Gotic và được trang trí bằng những bức vẽ thẩm mỹ đáng nghi ngờ, mà mưa gió và thời gian sẽ xóa nhào đi? Tất cả là do công của một linh mục? Việt Nam, người Bắc Kỳ, là một kiến trúc sư bất đắc dĩ, không học hành gì, nhưng đã phác thảo và thực hiện đồ án của công trình này…”.

“Trong khi ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ đã bị Pháp chiếm đóng qua hòa ước Nhâm Tuất (5/6/1862), đất nước đang đứng trước tình thế “ngàn cân treo đầu sợi tóc”, cả dân tộc đang vùng lên chống xâm lăng, một người được gọi là thức thời như Nguyễn Trường Tộ có nên tham gia thi công xây cất tu viện Dòng Thánh Phaolô đạt quy mô là “thủ đô của nước Pháp ở Á Đông” như vậy không? Chưa nói nhân - vật - lực lấy từ đâu mà hoàn thành Dòng Thánh Phaolô trong một thời gian tối thiểu. (Nhà thờ lúc bấy giờ cũng là chỗ trú ngụ cho những tên thực dân và gián điệp, BK).

“Hẳn Nguyễn Trường Tộ đã thừa biết triều đình Tự Đức và nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ đã và đang nghĩ gì về hàng giáo sĩ. Trong Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) cho chúng ta những dòng tư liệu vô giá, giúp chúng ta hiểu bản chất của hàng giáo sĩ:

“Hàng giáo sĩ thuộc địa không những phải chịu trách nhiệm gây ra chiến tranh thuộc địa mà còn là bọn kéo dài chiến tranh, bọn chủ trương đánh đến cùng, không chịu điều đình ‘non’. Đô đốc R. Đờ Giơ-nui-y trong một báo cáo với Bộ Hải quân đã viết rằng:

“Tôi muốn tìm cách giao thiệp với nhà cầm quyền Việt Nam để ký kết một hòa ước, nhưng đã gặp những trở ngại rất lớn do các nhà truyền giáo gây ra… Một hòa ước với người Việt Nam, dù có lợi bao nhiêu, cũng chẳng thỏa mãn được lòng ham muốn của các ông ấy. Họ muốn đánh chiếm hết cả nước và lật đổ triều đại đang trị vì. Giám mục Pen-lơ-ranh đã nhiều lần nói như thế và đó cũng là ý kiến của Giám mục Lơ-phe-vơ-rơ”.

“Vậy, Nguyễn Trường Tộ được xem là một con người sáng suốt có nên tích cực trong việc xây cất Dòng Thánh Phaolô như đã đề cập ở trên không? Một người “yêu nước”, một người am hiểu về chính trị chắc Nguyễn Trường Tộ phải tạm gác lại niềm tin tôn giáo, dù cho là mãnh liệt, để lo cho đất nước; hoặc giả có lo cho tôn giáo mình chăng nữa thì cũng ở mức độ vừa phải, mới mong thuyết phục triều đình Huế chấp nhận những điều trần của mình (giá như những điều trần của Nguyễn Trường Tộ là hợp lý).

“Với lập trường chính trị được thể hiện qua quan điểm và hành động như đã trình bày ở trên làm sao triều đình Tự Đức có thể tin dùng và chấp nhận được những điều trần của Nguyễn Trường Tộ. Riêng ở mặt này, chúng tôi cho rằng triều đình Tự Đức hết sức sáng suốt. Điều này là hiển nhiên. Bởi bất cứ thời đại nào, một con người bị nhà nước nghi ngờ về thái độ chính trị, chứ chưa nói là bị liệt vào loại phản động thì việc nhà nước đó sử dụng họ không dễ dàng chút nào”.

 

5. Ông Thanh Hải:

“Tháng 5 năm 1863, ông đã soạn xong ba văn bản để gửi lên Triều đình Huế: bản thứ nhất là Tế cấp luận, bản thứ hai là Giáo môn luận và bản thứ ba Thiên hạ phân hợp đại thế luận”.

-Bùi Kha : Tôi bắt đầu bài Giáo môn luận. Trong Giáo Môn Luận, Nguyễn Trường Tộ viết:

Xét ra đạo Công Giáo vào nước ta từ thời Lê. Trước tiên các giáo sĩ Bồ Đào Nha đến giảng đạo ở tỉnh Hưng Yên, tiếp đến có các giáo sĩ người Pháp, người Y Pha Nho đến, được nhiều người tin theo. Lúc bấy giờ giáo dân và những người trong ba đạo (Phật, Lão, Khổng) tuy tín ngưỡng khác nhau nhưng vẫn ân ái tiếp đón nhau, lễ nghĩa đối đãi nhau, năng lui tới với nhau không có gì hiềm nghi, đều là con dân của nước nhà mà thôi. Từ khi ban hành lệnh nghiêm cấm thì mới sinh ra ghen ghét kỳ thị nhau, do ghen ghét kỳ thị nhau mới sinh ra tội lệ. Từ đấy giáo dân bị phiền nhiễu đến nỗi phải lưu ly thất sở mà mắc vào vòng hình phạt. Nước vốn trong, có quấy lên mới bị đục nếu ngừng thì chốc lát sẽ trong trở lại”. Bản Điều Trần số 2 Giáo Môn Luận. (TBC, SĐD, trang 116).

-Bùi Kha : 5.1. Để đánh giá nhận xét trên của Nguyễn Trường Tộ, chúng ta nên nghe lời than phiền của Đô đốc Rigault de Genouilly về các giáo sĩ Pháp:

“Không một nền cai trị nào, dù là phục vụ cho đạo Ki Tô, lại có thể dung thứ cho sự xâm phạm thường xuyên và ngu xuẩn vào các vấn đề chính trị, dân sự, và quân sự vốn không được và không phải thuộc quyền hạn của họ (các giáo sĩ, BK). Nếu cũng vì những yếu tố buộc tội đó mà Giám mục Pellerin bị nhà cầm quyền An Nam trục xuất thì báo chí của người truyền đạo lại kêu la om sòm là họ bị bạo hành”.

(Fut - elle au service de l'intérêt chrétien, ne pouvait tolérer leur intrusion permanente et insolente dans les affaires politiques, civiles et militaires qui ne sont et ne doivent pas être de leur ressorts. Si l'expulsion du Mgr Pellerin avait été prononcée, pour les mêmes chefs d'accusation, par une autorité Vietnamienne, la presse des missionnaires aurait crié partout persécutio. (Correspondance, 29.1.1859, CHT, p.113).

-Bùi Kha : 5.2. Một đoạn trong mật thư, ngày 24/7/1862, Đô đốc Bonard gởi cho Chasseloup Laubat như sau:

“Ai (các giáo sĩ, BK) cũng ôm ấp lý tưởng trở lại thời kỳ mà Giám mục Bá Đa Lộc được xem như ông vua thực sự của xứ An Nam, thời kỳ mà mọi việc chỉ có thể được thực hiện theo lời khuyến cáo của ông giám mục này, hoặc được ông cho phép. Để đạt mục đích đó, các nhà truyền giáo đã dùng kế hoạch sau đây: nếu những ai nối vị vua Gia Long mà không theo ý của các ông giáo sĩ, thì họ sẽ tìm cách phủ nhận tính chính thống của vua này, và khi lật đổ được triều đình hiện tại thì sẽ bầu lên một ông vua khác theo ý họ”.

Nguyên văn tiếng Pháp:

“Tous caressent l'idée de revenir au temp où l'Évêque d'Adran était le véritable souverain du royaume d'Annam, temps où rien ne se faisait que par ses conseils ou sa permission. Pour parvenir à ce but voici quels moyens ils ont employés: les unes et les autres, ne trouvant pas que les successeurs de la dynastie de Gia Long obtempérassent assez à leurs désirs, ont contesté la légitimité de ceux-ci et ont cherché à mettre en avant un candidat qui, s'il renversait la dynastie régnante, leur offrit plus de garanties pour arriver à leurs fins”. (Archives du Ministère des Affaires Étrangères, Asie, Mémoires et Documents, Vol, 28, Fol.85 - 88: CHT, p. 150).

-Bùi Kha : 5.3. Một đoạn khác trong thư đó viết về hành động của các giáo sĩ dòng tu Đô-Mi-Níc người Tây Ban Nha:

“Còn tu sĩ dòng Dominique Tây Ban Nha thường chiếm cứ nhiều vùng miền Thượng Du Bắc Việt, họ lại còn bất trị hơn: hăng hái và quá cuồng tín, đa số trong bọn này phát xuất từ các đoàn du kích và phe Carlistes, họ rời bỏ Tây Ban Nha và sẵn sàng mang gươm, súng và thánh giá chữ thập dốc toàn lực tham dự vào các cuộc nổi loạn gây tai họa cho xứ Bắc Kỳ”.

Nguyên văn tiếng Pháp:

Quant aux Dominicains espagnols qui occupent généralement le haut Tonkin ils sont beaucoup plus ingouvernables: ardents et fanatiques au dernier degré, un assez grand nombre d'entre eux sortant des bandes de guérillas et de carlistes ayant abandonné l'Espagne portent assez volontiers le sabre et le mousquet avec la croix et sont mêlés, et de coeur et le corps, aux révoltes qui affligent le Tonkin (CHT, p. 152).

Một vài trích dẫn ý kiến của các Đô đốc thực dân Pháp cho thấy, chính họ cũng ngao ngán những hành động của các giáo sĩ. Thế mà ông Thanh Hải cứ cúi đầu ca tụng NTT.

6. Ông Thanh Hải lại viết:

“Thế nhưng đứng trước tình thế bất lợi (Triều đình Huế đã ký hòa ước 5/6/1862 nhưng không muốn thi hành hay sửa đổi), Nguyễn Trường Tộ nhận thấy rằng chúng ta cần phải tạm thời hòa hoãn để củng cố mọi mặt đất nước, sau đó sẽ dốc lực đấu tranh, trong bối cảnh đó, ông đã viết Thiên hạ phân hợp đại thế luận.

Ông Thanh Hải cứ nhắm mắt ca tụng vô tội vạ. Mời ông tìm hiểu một số sử liệu sau đây để thấy ông viết hết sức tùy tiện.

Đà Nẵng mất ngày 1/9/1858 vì cuộc xâm lăng của quân đội Pháp do Đô đốc Rigault de Genouilly chỉ huy. Ngày 21/6/1859, triều đình đành phải chấp nhận thương thuyết với Pháp. Tháng 3/1860, Pháp rút khỏi Đà Nẵng vào Sài Gòn để chiếm ba tỉnh miền Đông Nam kỳ. Với Hòa ước Nhâm Tuất 1862 giữa Pháp, Tây Ban Nha và Việt Nam, Pháp được thỏa mãn tất cả những gì mà họ đòi hỏi. Tình hình dân Việt Nam lúc bấy giờ chia làm hai phe: Quần chúng thì chủ chiến, nhưng triều đình thì chủ hòa mà đứng đầu và tích cực nhất của phe chủ hòa là Phan Thanh Giản.


Đô đốc Rigault de Genouilly.

Trong bối cảnh lịch sử ấy, Nguyễn Trường Tộ viết bản Điều trần số 1 Bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ (Thiên hạ phân hợp đại thế luận) gửi cho triều đình vua Tự Đức vào tháng 3-4 năm 1863. Lồng nội dung bản Điều trần này vào tình hình chính trị và quân sự của đất nước lúc bấy giờ, chúng ta có thể đánh giá khá chính xác về tư duy của Nguyễn Trường Tộ. Ông viết:

“…Trộm nghĩ việc trong thiên hạ chỉ có Thế mà thôi. Chữ Thế là nói bao gồm cả thiên thời nhân sự. Cho nên, người biết rõ Thế thì không trái trời, không mất thời, không hại người, không hỏng việc.

Hãy nói về thiên đạo trước. Khí đất là từ Bắc đến Nam, vận trời từ Tây sang Đông, theo Hà đồ thì thủy ở về phương Bắc, hỏa ở về phương Nam, kim ở về phương Tây, mộc ở về phương Đông. Thủy thì diệt hỏa, kim diệt mộc, ấy là lẽ tự nhiên của trời đất luôn luôn như vậy.

Ngày nay, các nước phương Tây, đã bao chiếm suốt từ Tây Nam cho đến Đông Bắc, toàn lãnh thổ Châu Phi cho tới Thiên Phương, Thiên Trúc, Miến Điện, Xiêm La, Tô Môn Đáp Lạp, Trảo Oa, Lữ Tống, Cao Ly, Nhật Bản, Trung Quốc và các đảo ở ngoài biển, kể cả Tây Châu, không đâu là không bị họ chẹn họng bám lưng… Ở trên lục địa, tất cả những chỗ nào có xe thuyền đi đến, con người đi qua, mặt trời mặt trăng soi chiếu, sương mù thấm đọng thì người Âu đều đặt chân tới, như tằm ăn cá nuốt, ở đâu thuận với họ thì phúc, chỗ nào trái với họ thì họa; ai hòa với họ thì được yên, ai cự lại thì dùng binh lực giao tranh; trong thiên hạ không ai dám kháng cự lại họ. Như thế, nếu đó không phải là ý trời định, địa thế xoay vần, thì sao không lấy số đông của bốn đại châu mà kháng cự lại người Tây phương? Huống hồ nước Việt ta là một nước bé nhỏ, tại sao lại muốn trái đạo trời mà làm những việc thiên hạ khó làm được?

… Còn như ta là một xứ nóng, gần kề Quế Hải, là trạm nghỉ chân của người Tây phương trên đường sang Đông. Con giao long khi thấy đầm vực thì nghĩ cách đầm mình chứ không thể nào chịu bỏ mà đi.

Mới đây người Pháp thừa thế đánh xong tỉnh Quảng Đông, đã đưa quân tinh nhuệ xuống phía Nam, làm Đà Nẵng thất thủ. Khi ấy giả sử ta có 10 vạn quân, cũng không đánh nhau được với họ. Phàm việc binh cốt ở thần tốc, họ đã biết rõ rằng quân ta mới nghe thanh thế họ đã phách lạc hồn xiêu rồi” (TBC, SĐD).

Nhận định:

Tàu diệt Việt, Pháp diệt Đông Dương.

Nguyễn Trường Tộ muốn ám chỉ: Trung Hoa (thủy, phương Bắc) diệt Việt Nam (hỏa, phương Nam), và Pháp (kim, phương Tây) diệt Đông Dương (mộc, phương Đông), trong Đông Dương có Việt Nam. Nguyễn Trường Tộ dùng một định luật Ngũ hành, tương khắc tương sinh, của triết học Cổ Trung hoa và từ tiền đề đó biện minh cho một lý luận chính trị hoang tưởng. Nhưng thực tế sai lầm qua một số dẫn chứng sau đây:

Thật vậy, nước dập tắt được lửa, nhưng lửa cũng làm cho nước bốc hơi khô cạn sông ngòi. Kim và mộc cũng thế. Vàng sợ gì “củi” nhưng “củi” đun nóng cũng làm cho vàng chảy hết.

Trên cơ sở sử học cũng thế. Ngàn năm bị đô hộ giặc phương Bắc, nhưng nhân dân ta đã giành lại độc lập. Suốt thời Lý-Trần, quân Nguyên Mông đánh chiếm cả thiên hạ, nhưng lúc đến Việt Nam họ không những thua trận một lần mà thua trận đến ba lần.

Một cuộc chiến thắng phương Bắc (Trung Hoa) khác, là vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã đuổi 20 vạn quân Thanh về Tàu năm 1789. Đó là bằng chứng trong nhiều chứng cớ lịch sử cho ta thấy làm gì có chuyện Tàu diệt Việt (Thủy diệt Hỏa) như Nguyễn Trường Tộ khẳng định. Còn Kim diệt Mộc hay Pháp diệt Á đông trong đó có Việt Nam, là thêm một nhận xét khác thiếu cơ sở sử học của NTT.

Thật vậy, trận Điện Biên Phủ năm 1954 đã kết thúc chính sách thuộc địa gần 100 năm của Pháp. Cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc mà cuối cùng Hoa Kỳ cũng phải rời bỏ Việt Nam vào tháng 4/1975.

Sử liệu dưới đây cho thấy năm 1858 Pháp đánh Đà Nẵng và lúc Pháp mới chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ năm 1860, nếu triều đình Tự Đức không giảng hòa và hô hào toàn dân kháng chiến thì Pháp đã thua trận ngay từ đầu. Như thế không những lý luận Kim diệt Mộc hay Pháp diệt Việt Nam bị diễn dịch hoang đường mà trái lại, Mộc còn diệt Kim hay Việt nam còn diệt Pháp. Bằng chứng:

6.1. Ngày 4/01/1859 Đô đốc Rigault de Genouilly gởi cho viên Thượng thư Bộ Hải Quân một văn thư bi thảm như sau:

… Quả thật tôi thấy cần thiết và hết sức đau đớn xác nhận với ngài về tình trạng tồi tệ về sức khỏe chung. Thiếu tá Levêque, Đại úy Hải quân Virot, phó kỹ sư Delautel đều đã đi Ma-cao và chắc phải đưa về Pháp. Tôi không biết phải đối phó thế nào với các lỗ trống đó. Mỗi ngày lại có nhiều người chết, và thời tiết xấu mà các nhà truyền giáo bảo là sẽ chấm dứt vào đầu tháng 12 vẫn tiếp tục với những trận mưa dầm dề không tưởng tượng nỗi. Chỉ nội sự kiện đó, ngài cũng có thể đánh giá về các tin tức đang đến với tôi về mặt này và lòng tin tưởng của tôi đối những cuộc hành quân phải thực hiện.

Dù thế nào đi nữa, thưa ngài Thượng Thư, chúng ta đang nhanh chóng tuột dốc đến kiệt quệ và đến lúc phải bất động tại Đà Nẵng. Mọi phương cách để cải thiện tình trạng quân sĩ đều đã được sử dụng hết và không kết quả. Các Y sĩ, trước tình trạng bệnh tật, đã kết luận là người Âu không nên làm việc gì trong khí hậu này, nhưng làm sao được khi ở đây, phải làm những việc cần thiết cho sự phòng vệ, xây cất bệnh viện, lều trại v.v… Đó là một cái vòng luẩn quẩn khiến chúng ta phải điên đầu”.

6.2. Trước tình hình nguy ngập như trên, ngày 8/4/1859 một chỉ thị khác của Bộ Hải Quân và Thuộc Địa gởi cho Đô đốc R. de Genouilly như sau:

“…Vì thế Hoàng thượng tin cậy ở kinh nghiệm và sự sáng suốt của Ông trong mọi quyết định, với lực lượng dưới quyền Ông điều khiển, có nên theo đuổi việc thiết lập nền bảo hộ trên Vương quốc An Nam không; hay chỉ nên cưỡng bức Chính phủ họ, nhờ vào việc chiếm đóng Đà nẵng và nhiều cứ điểm khác mà Ông đã chiếm hay sẽ chiếm được. Cùng với việc phong tỏa một hay nhiều cảng ở Nam Kỳ để đi đến sự ký kết một hiệp ước trên nền tảng kế hoạch 25/11/1857; hay cuối cùng là chúng ta đành bỏ các vị trí mà chúng ta chiếm đóng và từ bỏ hẳn mọi mưu toan rõ ràng ngoài tầm các phương tiện hoạt động mà Ông có”.

6.3. Sau khi Phan Thanh Giản và Lê Duy Hiệp đại diện triều đình Huế ký Hòa ước Nhâm Tuất 1862 với Pháp, hai ông đã bị phần lớn dân chúng lên án là hai kẻ phản quốc. Triều đình Huế bỏ rơi phong trào kháng Pháp. Nhưng toàn dân Nam Kỳ đã kháng cự kịch liệt dưới sự điều khiển của Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Thủ Khoa Huân v.v… và đã làm cho quân Pháp vô cùng khốn đốn. Một đoạn trong bản báo cáo của Bonard ngày 18/12/1862 viết như sau:


Tượng Thủ khoa Huân
tại Mỹ Tho.

“Các tàu tôi hiện có, trừ hai chiếc Forbin và Cosmao, đều không thể ra khơi… Đoàn quân viễn chinh bị bệnh tật, chết chóc, sự giảm quân làm cho yếu kém, đang bị sử dụng quá sức: Tôi hoàn toàn bị tê liệt về các phương tiện hành động; tàu bè thì thiếu và bị hư… Tình trạng thảm hại đó nếu không sửa chữa sẽ đưa thẳng chúng ta đến một tai họa không xa! Tôi thấy có bổn phận phải báo cho ngài biết… Thật là đau đớn, sau bao cố gắng quá sức con người mà tôi đã làm từ 15 tháng nay, bây giờ thì mọi thứ đều phải xem xét lại, do sự bỏ rơi các vấn đề của Nam Kỳ… các cuộc khởi nghĩa đồng loạt nổi lên khắp nơi… Tôi bị đẩy vào thế tự vệ, không có phương tiện để lập một đoàn quân chỉ 200 người… Tôi yêu cầu Đô đốc Jaurès gửi ngay cho một số viện quân. Nếu lực lượng tăng viện đến ngay, tôi có thể làm chủ được tình hình, nếu không thì đành bất lực”.

 

6.4. Ngày 27/01/1863 Bonard cũng than thở:

“Lực lượng chúng ta giảm dần vì chết, vì bệnh, vì rút quân, đang bị đuối sức từng ngày, rõ ràng không thể tiếp tục trong sáu tháng một chiến trận như thế này. Chúng ta thiếu Bộ binh, thiếu Hải quân, thợ máy, phương tiện chuyên chở, tất cả trang bị Hải quân chúng ta hoàn toàn cũ mèm mà không có phương tiện sửa chữa; sự vận tải trên đất cũng thành vô hiệu, vì thiếu tài xế cho xe bộ binh, thiếu xe cứu thương, thiếu thực phẩm v.v…”.

Qua bốn chứng liệu của chính các viên chức cao cấp Pháp trong bộ Hải Quân và Thuộc Địa chứ không phải của ai khác, chúng ta thấy rõ triều đình Huế đã không nắm vững tình hình của Pháp, bằng không, thì Pháp đã bị bại trận từ đầu.


Đền thờ Cụ Nguyễn Trung Trực tại Kiên Giang.

Trong lúc số phận của quân đội thực dân Pháp sắp cáo chung như chúng ta thấy ở trên, thì Nguyễn Trường Tộ lại viết:

“Nay các nước phương Tây, đã bao chiếm từ Tây Nam cho đến Đông Bắc,… ở đâu thuận với họ thì phúc, chỗ nào trái với họ thì họa, ai hòa với họ thì được yên,…”. Từ đó, Nguyễn Trường Tộ dõng dạc khuyên dân Việt Nam: “Huống hồ nước Việt Nam ta là một nước nhỏ bé, tại sao lại muốn trái đạo trời mà làm những việc thiên hạ khó làm được”.

Ở đây có hai giả thuyết: Hoặc ông, nhờ có quan hệ với Pháp, nhất là với ông gián điệp Ngô Gia Hâu (Gauthier), biết rõ tình hình suy kiệt của quân Pháp nhưng cố tình báo cáo láo. Hoặc ông không biết rõ tình hình, chỉ suy luận bừa bãi theo cái biết về ngũ hành. Trong cả hai trường hợp, điều ông trình bày đều nói lên rõ ràng tâm trạng chủ bại bán nước của ông và ý đồ đầu hàng giặc vì chính quyền lợi của giặc.

Nguyễn Trường Tộ viết tiếp:

“Quân ta mới nghe thân thế họ đã phách lảng hồn xiêu rồi…

… Nếu họ dùng súng trường từ xa bắn suốt tới, thì quân ta chưa xáp trận mà gươm giáo đã tan tành. Khi họ đến gần thì dùng lưỡi lê xung phong một người đương được cả 100 người, xông lên như nước chảy xiết. Lúc ngừng lại thì như núi dựng, xông vào chẳng qua cũng như chuồn chuồn lay cột đá mà thôi”.

Nguyễn Trường Tộ bi thảm hóa tình hình rất sai lạc chỉ có lợi cho Pháp. Sau đây là bằng chứng.

6.5. Trong văn thư đề ngày 21/9/1859, Đô đốc R. de Genouilly viết:

“Càng đi sâu vào tình hình Vương Quốc An Nam, các bức màn càng vén lên, những lời khẳng định dối trá (của các giáo sĩ, BK) càng tan biến, không thể không thừa nhận rằng cuộc chiến tranh chống lại xứ này còn khó hơn cuộc chiến tranh chống lại Thiên triều…”.

 


Thương binh Pháp sau một trận đánh nghĩa quân.

 

6.6. Bonard cũng lo âu kêu cứu:

“Người An Nam đã tỏ ra dày dạn chiến đấu, họ đã làm đảo lộn vai trò, giờ đây họ tấn công chúng ta ngay những vị trí của chúng ta”. (Poyen - Notice sur l'Artillerie de la Marine, Thái Hồng Nguyễn Trường Tộ với vấn đề canh tân đất nước, Viện KHXH, 1992, TP.HCM, trang 263).

Thêm hai dẫn chứng vừa nêu cho thấy sự đánh giá tệ mạt của Nguyễn Trường Tộ về tình hình chiến đấu của quân dân Việt Nam là hoàn toàn sai lầm, và hầu như cố tình lạc dẫn để cứu vãn tình thế nguy ngập của quân đội Pháp.

Tóm lại, vài phản biện của tôi như trên cũng chỉ để góp phần vào việc soi sáng thêm lịch sử. Tôi sẵn sàng lắng nghe, nếu sai tôi sẽ học hỏi. Tôi không muốn phê bình thêm vì bài viết của ông Thanh Hải không có cái gì đúng. Câu nói thông thường của người miền Nam là “Nói dậy nhưng không phải dậy”. Điều sơ đẳng này mà ông Thanh Hải cũng không lưu tâm để biết rằng NTT nói thế nhưng không phải thế. Phải truy tìm nguyên nhân và bằng chứng. Đặt các đề nghị của ông vào bối cảnh lịch sử, tình hình chính trị, quân sự, xã hội và và kinh tế thời bấy giờ để tìm hiểu hậu ý của NTT là gì? Ông núp sau bức màn canh tân với dụng tâm nào…?

Sử liệu còn đó, mà ông Thanh Hải lại viết một bài vô căn cứ và vô trách nhiệm đến thế để ca tụng một “người Pháp” tay trong - Nguyễn Trường Tộ. Thật đáng tiếc.

 

TS BÙI KHA

20/2/2010

 

(*) Đăng trên Báo điện tử http://tuanvietnam.net/, mục Nhân vật. Tác giả: THANH HẢI, ngày 13/02/2010

(**) Việc NTT chỉ huy đào Thiết Cảng là một điểm đáng ca ngợi

 


Bài liên quan: