LTS. Qua bài viết Nguyễn Trường Tộ và vấn đề
chủ hòa (/BUIKHA/BuiKha7.php) đăng trên Hồn Việt số 30 (tháng 12/2009), TS. Bùi Kha đã cho chúng
ta thấy rằng, Nguyễn Trường Tộ luôn thuyết phục triều đình nhà Nguyễn không
nên chống lại thực dân Pháp, bằng những chiêu bài hoa mỹ như canh tân, đổi
mới… Sau khi đăng bài viết này, BBT đã nhận được sự đồng tình của nhiều bạn
đọc trong và ngoài nước. Để vấn đề được sáng tỏ hơn, chúng tôi tiếp tục đăng
bài Nguyễn Trường Tộ và kế hoạch “làm cho dân giàu nước mạnh”, rất mong các
nhà nghiên cứu và bạn đọc góp thêm ý kiến.
Trong Di thảo số 5 có tên Lục lợi từ (Sáu điều lợi),
Nguyễn Trường Tộ dùng cụm từ rất quyến rũ “Kế hoạch làm cho dân giàu nước
mạnh”, được viết ngày 18/7/1864, và bắt đầu bằng những lập luận như sau:
“... Tạo vật sinh ra muôn vật để cho con người sử dụng mà không
tiếc một thứ gì... Kể từ khi có loài người, loài vật đến nay đã gần 7.000
năm...
Theo khoa học, các sinh vật xuất hiện cách đây đã hơn 3 tỉ năm chứ không
phải bảy ngàn năm như Nguyễn Trường Tộ dựa theo Kinh Thánh mà hiểu sai.
HỢP TÁC VỚI PHÁP
Cũng nhằm mục đích khuyên dân Việt Nam nên cộng tác với Pháp, ông viết
sai lầm về sử như sau:
“Cho đến thời Minh, bước tiến Tây Âu ngày một lên cao vùn vụt, đến
nỗi không có chỗ để thử cái tài dũng của họ nữa. Do đó, họ chuyển dần về
phía Tây, và bỗng nhiên tìm được Tây Châu (tức là Tân Thế Giới, BK)
và chiếm lấy làm đất của mình, khai thác vùng đất đai mấy ngàn năm hoang vu,
cải tiến phong tục tập quán mấy ngàn năm hủ lậu. Lúc đầu, người dân bản xứ
còn xem họ như thù địch, dần dần đã chịu gần gũi và ngày càng trở nên thân
thiết, những người dân ở đây đã học được hết những kỹ xảo của người phương
Tây, cho nên không đầy 100 năm sau đã đuổi được người phương Tây ra khỏi đất
mình...” (Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ con người và di thảo,
trang 136-137).
Nhận định:Tây Châu, tức Tân Thế Giới mà ông
muốn nói là Hoa Kỳ ngày nay. Quá trình hình thành của dân tộc Hoa Kỳ, cách
đây khoảng 250 năm, thì không phải như Nguyễn Trường Tộ viết.
Hiệp Chủng Quốc nguyên sơ là của thổ dân da đỏ, đất hoang nhưng trù phú,
nhiều mỏ kim loại, được hợp thành bởi:
-Thổ dân da đỏ (American Indians) đã sống từ lâu trên vùng
đất trù phú này.
Sau đó, 3 thành phần di dân từ Tây Âu đi chinh phục đất mới gồm:
-Thành phần phạm pháp ở các quốc gia khác bị chính phủ họ
đuổi ra khỏi nước cho đỡ gánh nặng. Một số thì thất nghiệp ở các nước châu
Âu đến lập nghiệp.
-Những người phiêu lưu, mạo hiểm thích làm giàu, từ châu Âu
đi tìm vàng.
-Những người bỏ xứ ra đi để tránh sự ngược đãi tôn giáo,
chính trị, và nhất là chính sách thuế khóa hà khắc của triều đình Anh.
Với khoảng bốn triệu người mới trên vùng đất lạ trù mật, những di dân Tây
Âu đã phải chiến đấu với thiên nhiên, đánh nhau hoặc hòa hoản với thổ dân da
đỏ bản địa và đấu tranh với hoàn cảnh để tồn tại. Lúc đầu trong những năm
đói, họ được người bản địa giúp. Vì vậy mà hằng năm người Hoa Kỳ tổ chức
ngày lễ long trọng vào tháng 11, gọi là lễ Tạ Ơn (Thanksgiving vào ngày thứ
Năm thứ bốn hằng năm).
Phải chinh phục thiên nhiên và chiến tranh với thỏ dân bản địa để tồn tại
và phát triển. Vì thế, số người mới này rất tích cực giúp những ai có sáng
kiến chế tạo được máy móc, hoặc có phương pháp để cải tiến cuộc sống của họ.
Nhờ thế mà vùng Tân Thế Giới ngày càng có nhiều nhân tài qui tụ.
Về mặt chính trị, họ dần dần tách rời khỏi sự thống trị của người Anh.
Sau những năm chiến tranh, nhờ Pháp và Hà Lan giúp, nên họ đã thắng vương
quốc Anh và tuyên bố độc lập vào ngày 4/7/1776. (Xin xem thêm Nguyễn Hiến
Lê, Lịch sử thế giới, trang 444-446).
Đoạn sử rõ ràng ấy, chúng ta đã thấy không có chuyện người dân ở đây đã học được hết những kỷ xảo của người phương Tây, cho nên không đầy 100 năm
sau đã đuổi được người phương Tây ra khỏi xứ mình.
Ngược lại, “người dân ở đây” (tức là thổ dân da đỏ), cả trước và
sau khi Hoa Kỳ thành hình, đều bị dần dần tiêu diệt (nay chỉ còn lại một vài
bộ lạc) thì làm gì có chuyện “học được kỹ xảo”, lại càng không có
chuyện “100 năm sau đuổi được người phương Tây”.
Đó là chưa nói đến, về mặt phương pháp luận, so sánh tương quan lực lượng
giữa thổ dân Da đỏ và nhóm Di dân với dân tộc ta và thực dân Pháp thì không
tương xứng.
Mặc dù, bản Điều trần có tên là Sáu điều lợi cần phải
làm để dân giàu nước mạnh nhưng mục đích của Nguyễn Trường Tộ dẫn sai lịch
sử như thế, là với hậu ý khuyên triều đình Tự Đức và dân Việt Nam hãy bỏ
súng xuống, gần gũi và thân thiết với thực dân Pháp.
Năm miền Ấn Độ
Cũng nhằm hậu ý thuyết phục dân Việt Nam cộng tác với Pháp, Nguyễn Trường
Tộ tiếp tục viết sai sử liệu: “Năm miền Ấn Độ đã gần có dấu hiệu bắt đầu
sắp đánh bại phương Tây” để đưa ra một nhận định sai lầm khác: “Lấy
cái lợi vô cùng chưa dùng của núi sông chúng ta mà đổi lấy cái trí của họ,
thì họ là kẻ vỡ hoang mà ta thì hưởng cái thành quả như các nước Tây Âu vậy”.
Thực dân Pháp đâu có khờ đến nỗi họ là kẻ vỡ hoang mà ta thì hưởng cái thành
quả! Chính sách của thực dân Pháp, cụ Phan Bội Châu nhận định rất đúng:
“Họ coi mình như trâu như chó,
Họ coi mình như cỏ như rơm.
Cỏ thì nhổ cỏ, trâu làm thịt trâu”.
Chứ làm gì có được cái thiên đàng, họ là kẻ vỡ hoang mà ta thì hưởng cái
thành quả!
Chúng ta đừng quên rằng, những bản Điều trần của Nguyễn Trường
Tộ luôn luôn đi song hành với tình hình chính trị và quân sự của thực dân
Pháp tại Việt Nam lúc bấy giờ để hỗ trợ cho kẻ thù. Thật vậy, ông viết bản
Điều trần này vào tháng 6/1864, lúc người dân Nam Kỳ sử dụng kế
hoạch nhà không đồng vắng; không chịu hợp tác với Pháp. Còn
triều đình thì sau khi ký hòa ước Nhâm Tuất năm 1862, nhường ba tỉnh miền
Đông Nam Kỳ cho Pháp, nhưng vua Tự Đức cố trì hoãn không chịu phê chuẩn hiệp
ước.
Đoạn dưới đây sẽ cho thấy dân Việt Nam đã tỏ thái độ như thế nào đối với
Pháp. Từ đó, chúng ta sẽ thấy mối nguy cơ lúc Nguyễn Trường Tộ khuyên nên
thỏa hiệp.
Đoạn sử của Chesneaux trong cuốn Đóng góp vào lịch
sử dân tộc Việt Nam để thấy rõ tình hình ở Nam Kỳ rồi đối chiếu với lời
khuyên hợp tác của Nguyễn Trường Tộ: “Ngay khi vừa phê
chuẩn, triều đình Huế đã cho biết… không thừa nhận việc nhượng ba tỉnh Nam
Kỳ là dứt khoát, vĩnh viễn. Còn dân chúng Việt Nam… không chấp nhận chế độ
thực dân… những phong trào nổi dậy chống Pháp tại Nam Kỳ ngày càng phát
triển. Nông dân vẫn thù địch với Bonard và những người thay chân ông. Phần
lớn các quan lại từ chối hợp tác với chế độ mới...”.
Theo sử gia Cultru thì “Tầng lớp có khả năng cai trị
thì, hoặc vắng mặt, hoặc xấu bụng. Đó là cuộc ra đi hàng loạt của các bậc sĩ
phu và của dân chúng, rời bỏ các tỉnh miền Đông Nam Kỳ bị người Pháp chiếm
đóng, để về vùng tự do, ở miền Tây, và tổ chức kháng chiến”.
Thái độ bất hợp tác chung khắp nơi đó, buộc các Đô đốc toàn quyền,
muốn duy trì bộ máy hành chính Pháp tại Nam Kỳ, chỉ còn sử dụng được tối
thiểu những công chức Việt Nam (phiên dịch, thư ký...) mà thôi. Và duy chỉ
có những phần tử kém hạnh kiểm nhất trong dân, tình nguyện đứng ra phục vụ
cho những ông chủ mới…”.
Đề đốc Rieunier cũng nói rằng: “Chúng tôi chỉ có
những giáo dân và bọn du thủ du thực”.
Đại tá Bonard viết: “Xô về đây với cái lưng mềm dễ
uốn, họ tham sống sợ chết; họ hoàn toàn hững hờ với cuộc đấu tranh của dân
tộc, sẵn sàng phụng sự bất cứ những ông chủ nào... Người ta sẽ tuyển dụng,
trong số họ, tất cả nhân viên hành chính cần thiết cho nhà nước, hoặc những
người giúp việc gia đình: làm đầy tớ, làm khuân vác, làm người chạy giấy, và
cả những tên phiên dịch, hoặc những người ghi chép, được đào tạo thô sơ qua
các nhà trường của Hội truyền giáo, chính là qua sự tiếp xúc với những kẻ
khốn nạn này mà thực dân và công chức, vừa mới đổ bộ lên, làm quen với dân
tộc Việt nam....
… “Những phong trào cách mạng lớn tiếp tục, chú ý nhất là các phong
trào Quản Định, Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương, Quản Lịch, Quản Thanh, không
ngừng giương cao ngọn cờ kháng chiến, và gây nhiều khó khăn cho kẻ chiếm
đóng…”, Cité par J. Chesneaux, trong cuốn Contribution à l'Histore
de la Nation Vietnamienne, p.115 (Nguyễn Xuân Thọ, p. 126 & 127).
Đọc đến đây chúng ta thấy rõ, Nguyễn Trường Tộ khuyên nên hợp tác với
Pháp là rất có lợi cho chương trình ổn định tình hình và kiện toàn guồng máy
cai trị của kẻ xâm lăng.
LÀM HỘT NỔ VÀ KHAI THÁC MỎ THAN
Bằng một hàng chữ lớn trong bản Điều trần này, Nguyễn Trường Tộ
viết: “Xin kê ra các phương pháp làm hột nổ và đúc súng, đúc kim loại,
cùng các môn quang học, cơ học, hóa học, khai thác mỏ than”.
Với hàng chữ lớn ấy, người đọc cảm thấy sung sướng vì hy vọng sau khi đọc
đoạn này (dài khoảng 1.800 chữ) là có thể biết được, ít nhất là lý thuyết,
về “phương pháp làm Hột nổ và đúc súng...” nhưng chúng ta
không hề thấy trong bài ông trình bày phương pháp nào cả!
PHƯƠNG PHÁP LÀM GIÀU
Đoạn chính thứ hai trong bản Điều trần, Nguyễn Trường Tộ viết: “Sau
đây, tôi xin đưa ra một khoản về việc làm sao cho nước nhà giàu có để cứu
giúp lúc khẩn cấp: Một là nguồn lợi về biển. Về biển thì không có nguồn lợi
nào lớn bằng cá với muối. Hai là nguồn lợi về rừng. Rừng thì không có gì lớn
bằng gỗ. Ba là nguồn lợi về đất đai. Đất đai thì không có gì lớn bằng tơ
gai. Bốn là nguồn lợi về mỏ. Về mỏ thì không có gì lớn bằng đồng và thiếc...”.
Đó là những nhận định sai. Vì Việt Nam là một nước nông nghiệp, « đất
đai » để trồng lúa gạo cho đủ ăn là chính, nếu gạo còn dư thì xuất
khẩu. Còn tơ lụa là phụ chứ không thể chính được.
Hầm mỏ thì nếu có được mỏ bạc, mỏ vàng chắc chắn sẽ quý hơn mỏ đồng, mỏ
thiếc. Lúc nói biển có cá và muối, rừng có gỗ, đất trồng dâu nuôi tằm có tơ
lụa và đất có quặng mỏ, ai lại không biết các điều đó. Và nước ta, lúc bấy
giờ, cũng đã khai thác những khoáng sản và tài nguyên đó rồi.
Cho nên, điều chúng ta thất vọng là, Nguyễn Trường Tộ đã không đưa ra một
phương pháp nào để có được nhiều cá hơn, nhiều muối hơn, để vừa dùng vừa
xuất khẩu. Làm thế nào để có nhiều gỗ quý hơn để dùng và sản xuất? Và chính
sách gì để khai thác được hầm mỏ mà không bị ngoại bang chi phối trong một
hoàn cảnh đất nước đang bị Pháp xâm lăng, đô hộ. Thế thì canh tân chỗ nào?
SÁU ĐIỀU LỢI CẦN LÀM
Như quý độc giả đã thấy, bản Điều trần số 5 này có tên là Kế
hoạch làm cho dân giàu nước mạnh cũng gọi Lục lợi từ (sáu điều
lợi) viết ngày 18/7/1864.
Sở dĩ tôi nhắc lại tháng năm ông viết bài này, vì thời gian tính rất quan
trọng. Bối cảnh chính trị của thế giới trong giai đoạn này sẽ giúp chúng ta
đánh giá thâm ý sáu điều lợi lớn mà Nguyễn Trường Tộ khuyên nên áp
dụng. Sáu điều lợi đó là:
1. Nhờ nước Anh để ngăn chặn Pháp: “Anh và Pháp
xưa nay vốn thù hằn nhau. Vì: - Anh đày vua Napoléon Bonaparte của Pháp ra
tận đảo xa xôi. - Pháp giúp Hợp Chủng Quốc làm cho Anh bại trận. Do đó, nên
nhờ Anh giúp và qua Anh nhờ thông báo với Nga và Áo để nhờ các nước giải
quyết giúp ta”.
2. Xúi Anh gây sự với Pháp: Nước ta phải dùng lời
lẽ thật từ tốn và tiền bạc thật hậu, sang nước Anh, nói hết những điều sai
trái của Pháp... Nay người Anh đến giúp chúng tôi một tay khôi phục lại,
chúng tôi sẽ vui lòng nhường quý quốc một thương cảng lớn, ký thác vĩnh viễn
và sống như anh em với nhau...”.
3. Nhờ Anh để ly gián Pháp: “Anh và Pháp xưa nay
vẫn ghen ghét, nghi ngờ nhau, tuy tạm thời cộng tác nhưng Anh vẫn giành phần
hơn. Pháp hay đa nghi. Nay nếu ta năng đi lại với người Anh, hoặc thăm viếng
hoặc mua bán... thì người Anh cũng sẽ đối xử với ta một cách xứng đáng...
Pháp thấy vậy ắt sinh nghi... mà xa lìa người Anh…”.
4. Nhờ Anh và Nga đề phòng nước Pháp: “Nếu ngày
nay ta biết giao hảo với người Anh trước để đề phòng đường biển, sau sẽ
thông thương với nước Nga để đề phòng đường bộ…”.
5. Thông hiếu với Giáo hoàng: “Ngày nay nếu ta
biết qua lại giao thiệp với các nước lớn phương Tây... Rồi ta lại qua nước
La Mã thông hiếu với Giáo hoàng... Nếu Giáo hoàng cho việc giúp ta là phải,
thì mọi người đều vui lòng thực hiện, ta không lo người Pháp không nghe...”.
6. Dùng số người Anh lưu vong để huấn luyện: “...Chiêu
mộ những người Anh sống lưu vong ở hải ngoại, cho họ tiền của, cư xử tốt để
được lòng họ, rồi nhờ họ huấn luyện binh lính quân ngũ cho ta. Binh Pháp của
người Anh rất giỏi…”.
Ông viết tiếp: “Vậy muốn áp dụng kế này phải gấp rút khai thác các
nguồn lợi và nhờ người khác giúp sức... Còn như sẽ làm theo đường lối nào và
sử dụng ngôn ngữ gì thì tôi sẽ cùng với ông Nguyễn Hoằng (Linh mục, BK)
xin hết sức làm để giúp muôn một”. (Điều trần số 5, TBC,
SĐD, trang 145-151).
Đọc sáu điều lợi của Nguyễn Trường Tộ đề nghị trên, nếu không lồng chúng
vào bối cảnh các phong trào đi chiếm thuộc địa, và không thấy được hoàn cảnh
của nước Việt Nam thời bấy giờ, người đọc sẽ có thể kết luận rằng Nguyễn
Trường Tộ là một chiến lược gia, một người có lòng yêu nước. Nhưng nếu đem
sáu đề nghị này đối chiếu với tình hình thế giới lúc bấy giờ, chúng ta sẽ
thấy sáu đề nghị của Nguyễn Trường Tộ không những là vô ích mà còn rất tai
hại.
NHẬN ĐỊNH SÁU ĐIỀU LỢI
Tìm hiểu các phong trào đi chiếm thuộc địa để thấy những sai lầm cố ý của
ông.
Vùng châu Phi
Đầu thế kỷ 19, châu Phi là một vùng hầu như bí mật mà Tây phương chưa để
ý tới vì rừng quá già, khí hậu quá nóng. Sa mạc rộng, người châu Âu chỉ biết
một dải đất phía Bắc nằm theo Địa Trung Hải tức là các nước Maroc, Algerie,
Tunisie, Lybie, Ai Cập và vùng trên bờ Đại Tây Dương.
Năm 1840, Livingstone tới châu Phi để nghiên cứu y học, thám hiểm cả một
vùng mênh mông từ Congo tới Mũi Hảo Vọng. Pháp, Đức cũng sai người thám hiểm
như thế.
Dần dần, họ vẽ các bản đồ sơ sài trên vùng đất này, và căn cứ vào bản đồ
đó mà chia nhau đất đai. Pháp đồng ý, nên đem binh vào đánh thổ dân. Thổ dân
chưa từng nghe tiếng súng bao giờ, cứ tưởng là sấm sét đua nhau chạy tán
loạn. Do đó, vùng châu Phi trở thành thuộc địa của Anh và Pháp dễ dàng.
(theo Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử thế giới, NXB Văn Nghệ, Hoa Kỳ, 1994,
trang 610)
Ấn Độ
Ấn Độ là thuộc địa quý nhất của Anh. Để bảo vệ, Anh chiếm các xứ xung
quanh. Tuy nhiên, phía Tây họ chỉ chiếm được Bélontchista, mà không lấn được
Afghanistan vì sợ đụng độ với Nga. Phía Bắc, Anh chiếm một phần Tây Tạng,
còn phần kia thì chia quyền lợi với Trung Hoa. Phía Đông, Anh chiếm Miến
Điện (theo Nguyễn Hiến Lê, sđd, trang 614).
Sau khi bị hất ra khỏi Ấn, Pháp chiếm Việt Nam (năm 1862), Cao Miên và
Lào, làm chủ cả bán đảo Đông Dương. Còn Xiêm (Thái Lan) trở thành vùng trái
độn chịu ảnh hưởng của Pháp lẫn Anh (theo Nguyễn Hiến Lê, sđd, trang 615).
Trung Hoa và Hồng Kông
Năm 1838, triều vua Đạo Quang, Tổng đốc Lâm Tắc Từ chém một số người
nghiện thuốc phiện và đem đổ xuống biển tất cả các thuốc phiện tịch thu được
của các thương gia ngoại quốc như Bồ Đào Nha, Pháp, Hà Lan. Vì thế Anh chống
Trung Hoa. Năm 1840, quân Anh tấn công Chiết Giang, Trực Lệ rồi Thiên Tân,
quân Lâm Tắc Từ thua. Triều đình Trung Hoa hoảng sợ, cách chức Lâm Tắc Từ để
nghị hòa với Anh, ký hiệp ước Nam Kinh, chịu bồi thường số nha phiến bị tiêu
hủy, mở năm cảng: Quảng Châu, Hạ Môn, Phúc Châu, Ninh Ba, Thượng Hải cho
người Anh và cắt đứt Hồng Kông tặng cho Anh.
Qua đoạn tóm lược tình hình chiếm thuộc địa của các nước châu Âu như
trên, chúng ta có vài nhận xét sau đây:
- Anh quốc đã thỏa mãn những gì họ muốn nhờ hai cuộc chiến tranh Nha
phiến, thứ nhất (1839) và thứ hai (1856-1860). Các cường quốc đua nhau chia
phần để xâm lấn Trung Hoa nhưng không đụng độ nhau bằng vũ lực.
- Trong các quốc gia đi chiếm thuộc địa, Anh chiếm được nhiều nhất: từ
Phi Châu, đến Ấn Độ, Tây Tạng, Miến Điện, Hồng Kông và nhiều phần đất quan
trọng của Trung Hoa. Do đó, người ta nói rằng: Mặt trời không bao giờ
lặn trên Đế quốc Anh. (The sun never set on the British empire).
- Với số thuộc địa quá rộng lớn như thế, Anh chưa đủ thì giờ để khai
thác, cần gì phải xen vào Việt Nam để phải đổ máu vô ích với Pháp.
Do đó, bốn điều Nguyễn Trường Tộ viết trong bản Điều trần là Nhờ Anh để ngăn chặn Pháp, gây sự với Pháp, ly gián Pháp và cùng với Nga để
đề phòng Pháp là những đề nghị không thực tế, không hiểu và không đúng
với bối cảnh lịch sử thời bấy giờ. Đó là chưa nói đến tình trạng nếu Anh
bằng lòng giúp thì Việt Nam sẽ gặp phải cảnh đuổi chó sói ra đường
trước, rước cọp vào ngã sau.
Kế hoạch thứ 6: Dùng người Anh lưu vong ở hải ngoại để huấn luyện
quân đội Việt Nam đánh Pháp cũng là một giải pháp ngây thơ. Thực vậy,
thuộc địa của Anh quá nhiều và quá béo bở, dân Anh hưởng thụ dư thừa, dại gì
phải đi giúp một nước Việt Nam đã bị Pháp chiếm để mang họa vào thân? Vả
lại, người Anh lưu vong ở hải ngoại cũng phải chịu sự chi phối điều hành của
chính phủ họ…
Còn nước Nga thì quá xa đối với Việt Nam, hơn nữa, chúng ta cũng đã thấy
cách đối xử của Nga với Trung Hoa qua đoạn trích dẫn trên: rất khăng khít
với nhau để chia quyền lợi.
Bang giao với Vatican
Đây là một trong hai chủ đích chính trong bản Điều trần này của
Nguyễn Trường Tộ, còn 5 đề nghị kia chỉ là hoa lá cành, là củ cà rốt rỗng
ruột không ăn được, nhằm che đậy hậu ý khuyên triều đình thỏa hiệp
với Pháp và bang giao với Vatican để thực hiện sách lược tôn giáo hóa Việt
Nam. Điều đó cũng có nghĩa là để cho Pháp dễ cai trị Việt Nam.
Với nhận định và chứng minh bằng những sử liệu chính xác như trên, chúng
ta có thể đổi tên bản Điều trần lục lợi từ của Nguyễn Trường Tộ
thành lục hại từ mới đúng nghĩa.
Bùi Kha
[Source : Hồn Việt số 31, tháng 1/2010, có hiệu đính với sự đồng
ý của tác giả]