|
11 tháng 11, 2007
|
Đất nước hiện nay cần phải phát triển kinh tế
để dân giàu nước mạnh. Muốn vậy, người dân Việt phải tăng gia sản xuất tất cả
các ngành nghề, cần phải cạnh tranh trong tất cả các lãnh vực kinh tế. Chăn nuôi
gia súc, nuôi cá, nuôi tôm là các ngành không thể thiếu để cung ứng thị trường
nội địa và xuất khẩu để thu ngoại tệ.
Nhưng phần lớn dân Việt Nam lại theo đạo Phật. Phật khuyên con người nên giữ
giới không sát sanh và không tham lam trộm cắp thì làm thế nào để phát triển
kinh tế? Vì nuôi gia súc nuôi cá, nuôi tôm mà không làm thịt để đóng thành hộp –
xuất khẩu. Không tham lam làm sao cạnh tranh với thị trường? Do đó có thể nói
giáo lý Phật trở thành vô dụng trong lãnh vực kinh tế, hay nói cách khác, đạo
Phật là tảng đá cản đường cho việc canh tân đất nước.
Trên đây là lời phát biểu nửa thật nửa đùa của
tôi lúc gặp 40 tăng ni sinh của trường Cơ Bản Phật Học về ở lại tối thứ Bảy tại
Chùa Phúc Viên Biên Hòa để chuẩn bị ngày giỗ tổ Liễu Quán, tuần cuối tháng 12,
2000.
Bị "tấn công" bất ngờ , tôi đọc được phần nào sự
lúng túng trên khuôn mặt trẻ trung của một số tăng ni sinh hiện diện. Mỗi người
hầu như đều có câu trả lời cho những lời chỉ trích thẳng thừng của tôi, nhưng
không ai dám nói ra, ngoại trừ một sư chú bận y phục tiểu thừa muốn chứng minh
lời phê bình của tôi là sai nhưng sư vẫn còn thiếu nhiều lý lẽ do tuổi đạo và
tuổi đời chỉ quá độ trăng tròn.
Sự chỉ trích đầy tính động não và bất ngờ làm cho
không khí trong phòng trai soạn có vẻ nặng nề, ít ai nói chuyện với ai. Tôi cũng
từ giả phòng nầy đi bộ ra trước sân chùa, mặc cho ai có thể bàn tán hoặc suy tư
những lời "đả kích" Phật Giáo như thế.
Chưa chịu bỏ cuộc, một sư chú khác, tuổi dưới 20
theo tôi ra ngồi trên cái ghế đá cạnh hòn long bộ và yêu cầu tôi giải tỏa thắc
mắc điều tôi mới phê bình ban nảy. Tôi trịnh trọng thưa rằng: "Đó là công việc
của bậc trưởng tử Như Lai, còn hàng cư sĩ chúng tôi xin y giáo phụng hành. Đâu
dám múa rìu qua mắt thợ". Sau vài lời trao đổi thân tình, tôi bắt buộc phải đóng
vai thí sinh, và việc trả lời được tóm lược như sau:
Về giới không sát sanh.
Nếu ôn lại hai cuộc Thế Giới Chiến Tranh, chúng
ta có biết được bao nhiêu chục triệu người chết? Cuộc chiến tại Việt Nam trước
đây cũng có trên ba triệu sinh linh ra đi không có ngày trở lại. Và hiện nay
những cuộc chiến tranh tôn giáo, giữa Tin Lành và Công Giáo vẫn còn tiếp diễn
tại Ái Nhĩ Lan, giữa Hồi Giáo và Công Giáo tại Indonesia. Nội chiến còn âm ỉ tại
Tích Lan, Colombia, Nam Tư ... Nếu tất cả nhân lọai, hoặc ít nhất là thủ lảnh
các đại cường, nguyên thủ các quốc gia, cấp lãnh đạo các tôn giáo Tây phương đều
giữ giới không sát sanh như Phật đã khuyên thì chiến trranh đã không thể xảy ra,
và hàng trăm triệu người đã không bị chết một cách vô lý. Đó là chưa nói đến các
hệ quả đau thương do chiến tranh để lại.
Đức Phật không những khuyến khích đừng sát sanh,
mà còn khuyên nên tôn trọng mạng sống của tất cả vạn loại hữu tình và vô tình
như cây cối, môi trường thiên nhiên, rừng núi, ao hồ, sông biển... Trong cuộc
chiến Việt Nam, Hoa Kỳ thả thuốc khai quang trên vùng rừng núi. Hậu quả của
thuốc khai quang, có chất độc Da Cam trong đó, đã làm cho nhiều người Việt bệnh
ung thư, nhiều trẻ em sinh ra bị khuyết tật. Thảm cảnh nầy còn kéo dài nhiều thế
hệ cho cả con người lẫn động vật và cây cối vì chất độc Da Cam (Orange Agent) đã
thấm vào lòng đất .
Nạn phá rừng, nạn hóa chất bị thải vào không khí,
vào đất, vào nước từ các nhà máy kỹ nghệ, làm môi trường thiên nhiên bị tàn phá
bị ô nhiễm. Vì thế, khí hậu xung quanh quả địa cầu đã nóng thêm 10 độ F. Hậu quả
của nạn phá rừng và bầu khí quyển nóng thêm đã tạo ra những nạn lụt lớn khắp thế
giới trong năm qua. Nhiều ngàn người chết, cây màu, hoa quả bị tàn phá thiệt hại
hàng ngàn triệu USD.
Do đó, mục đích của đức Phật khuyên không
nên sát sinh và tôn trọng sự sống của vạn vật chủ yếu là nhắm vào các vấn đề mà
tôi vừa mô tả, nhắm vào việc ngăn ngừa chiến tranh, tôn trọng mạng sống của con
người. Và các hành động này thuộc về "trọng giới". Còn như nuôi gia súc,
nuôi cá, nuôi tôm để sản xuất đồ hộp là thuộc về "khinh giới" (ít quan trọng
hơn). Phật khuyên con người nên giữ cả trọng lẫn khinh giới. Hoặc ít nhất là giữ
trọng giới trước, sau đó sẽ giữ thêm khinh giới lúc hoàn cảnh cho phép. Ngoài
ra, con người có thể xử dụng khoa học kỹ thuật để chế biến các thảo mộc thành
những món ăn giống thịt cá, bổ dưỡng và ngon hơn thịt cá nữa là khác, thì việc
nuôi gia súc, cá, tôm có lẽ không còn quá cần thiết.
Thật vậy, ngày nay các bác sĩ tại các quốc gia
tân tiến thường khuyên con người nên ăn nhiều rau cải trái cây thay thế thịt cá
để tránh bệnh tật. Tại Hoa Kỳ, nhiều năm qua, bác sĩ Dean Ornish đã chữa cho
những người mắc bệnh tim trầm trọng bằng ba phương pháp: Ăn chay, tập thể dục và
ngồi thiền. Kết quả đạt được 85%. Nhiều hãng bảo hiểm sức khỏe như Blue Cross,
Blue Shield, Mutual of Omaha... tài trợ mỗi bệnh nhân 3.500 USD để chữa trị theo
phương pháp này. Xem thế, giới không sát sanh sẽ tạo cho thế giới hòa bình, muôn
dân an lạc, kinh tế phát triển, dân giàu nước mạnh, người người hạnh phúc.
Tôi "trả bài" đến đây, thầy "chủ khảo" có vẻ đắc
ý lắm, và muốn tôi trình bày về giới Không Tham Lam Trộm Cắp trong tương
quan về việc phát triển kinh tế.
Giữ giới không tham lam trộm cắp không
những đã không có hại cho việc phát triển kinh tế, mà còn làm cho dân giàu nước
mạnh. Tham có mấy loại chính: tham tài, tham sắc, và tham quyền.
Ôn lại vài nét lịch sử thế giới, chúng ta thấy
rõ. Các phong trào chiếm thuộc địa trong thế kỹ 19 chủ yếu là phát xuất từ lòng
tham của các quốc gia tư bản. Họ xử dụng sức mạnh khí giới và kỷ thuật khoa học
để xâm chiếm các quốc gia yếu kém hơn, nhằm thu về các món lợi quí giá như: tơ
tằm, đồng chì, gỗ qúi, vàng bạc. Thêm vào đó, các nước thuộc địa có các nguồn
lợi béo bổ khác như nhân công rẻ, thị trường tốt, tài nguyên phong phú mà các
con buôn tư bản sẽ làm giàu nhanh chóng trên xương máu của người dân bị trị. Dân
trong các quốc gia thuộc địa cũng không chịu kiếp sống nô lệ đọa đày bởi ngoại
bang. Các phong trào giải thực đã rầm rộ nỗi lên cùng khắp. Những cuộc kháng
chiến và đàn áp kháng chiến đã làm cho nhiều vùng đất bị tắm máu, triệu triệu
con người thiệt mạng, nhà cửa bị đốt cháy, ruộng vừơn bỏ hoang, nhân công chết,
nhà máy sản xuất bị tàn phá. Đứng về phương diện kinh tế thì đó là một thảm họa!
Ngày nay, nhiều quốc gia đang nội chiến vì tham
lam tranh giành quyền lực, tranh giành tín đồ tranh giành đủ thứ. Nhiều kẻ cuồng
tín trong quá khứ toa rập với các phong trào chiếm thuộc điạ để cưỡng bách dân
chúng trong các quốc gia bị trị cải đạo. Họ nghĩ như vậy là làm đẹp ý Chúa (God)
và được lên thiên đàng lúc chết. Tham cái bánh vẽ thiên đàng cũng đã cướp đi
hàng trăm triệu mạng sống của con người. Nhiều cuộc chiến tranh tôn giáo đang
xảy ra cũng phát xuất từ lòng tham mang tính tôn giáo.
Nước Việt ngày nay lâm vào tình trạng nguy hiểm.
Tham nhũng đã trở thành quốc nạn. Vì lòng tham, con người muốn làm giàu nhanh,
giàu lớn mà không muốn đỗ mồ hôi. Ngân khố quốc gia sẽ không bao giờ thỏa mãn
con người tham nhũng. Hậu quả của vấn đề nầy sẽ tùy thuộc vào mức độ và địa vị
mỗi người mà họ có thể bị tù chung thân hay bị án tử hình. Các viên chức cao
cấp, nếu vào đường tham nhũng, họ có thể thanh trừng lẫn nhau vì quyền lợi. Hậu
quả của nó là nước nhà có thể bị nội chiến. Ngoại quốc sẽ bỏ tiền mua chuộc cán
bộ cao cấp nhằm lũng đoạn guồng máy chính trị để trục lợi.
Nếu con người giữ giới không tham lam, không
trộm cắp như Phật dạy thì nạn tham nhũng sẽ hết, ngân quỹ thặng dư, xã hội
văn minh tiến bộ, không bị ngoại quốc khinh rẻ chê cười.
Tham sắc là một yếu tố khác của tham lam như vừa
được trình bày. Tham sắc nên có người thấy vợ người khác đẹp hơn vợ mình, thấy
chồng bạn bảnh trai và dễ thương hơn chồng mình. Kết quả là gia đình tan nát,
hạnh phúc đỗ vỡ. Thời gian chiến tranh trước 1975 có câu nói nữa đùa nữa thật:
"Trai thời loạn năm thê bảy thiếp,
Gái dung nhan có đến mười chồng".
Tình yêu như thế chẳng khác nào "cái chai và
cái nút chai". Nhiều vua chúa ngày xưa tham sắc đến nỗi người ta ví sắc đẹp
của người đàn bà có sức mạnh không phải làm nghiêng nước đỗ thùng, mà "Nghiêng
Nước Đỗ Thành".
Nhiều triều đại sau khi vua chết, các hoàng tử
tranh nhau ngai vàng dẫn đến cảnh anh em chém giết nhau. Ngày nay, các quốc gia
tân tiến và có nhiều dân chủ tự do, nhưng đến mùa bầu cử các ứng cử viên thóa mạ
lẫn nhau để tranh phiếu cử tri. Trông thật tồi tệ và bỉ ổi. Ngay tại Mỹ, kỳ bầu
cử tổng thống cuối năm vừa qua, cảnh gian lận phiếu giữa hai đảng Dân Chủ và
Cọng Hòa cũng làm cho chúng ta cần chú ý đến tư cách và tác phong con người
trong một xã hội tự cao về dân chủ. Nhờ có dân chủ hơn, nên họ chỉ mới vác luật
ra tòa để tranh chức, chứ chưa phải vác súng thanh toán nhau để tranh quyền.
Nói gọn, vì không giữ giới Tham Lam,
Trộm Cắp, thế giới đã tạo ra biết bao cuộc chiến đẫm máu, quốc gia loạn lạc,
xã hội điêu linh, gia đình tan rả. Hệ quả của nó dĩ nhiên là không riêng gì đời
sống kinh tế, mà các lãnh vực khác như chính trị, xã hội... cũng đều bị khủng
hoảng. Còn như Cạnh Tranh Chính Đáng để sản xuất, để kiếm thị trường
v.v.. thì không thuộc về Tham Lam Trộm Cắp mà thuật ngữ Phật Giáo gọi đó
là Tinh Tấn, tức là tấn tới, vươn lên trong sự trong sạch chính
đáng.
Hy vọng lời chỉ trích có tính động não của tôi và sự góp ý để trả lời cho vấn
nạn ấy, sẽ góp một phần nhỏ cho những ai chưa thấy rõ cách áp dụng thực tiễn lời
Phật dạy vào sự sống cho chính mình và cho cả quốc gia và nhân loại. Đến đây,
bảng đánh báo hiệu giờ dùng điểm tâm của tăng chúng trong chùa. Thầy trò chúng
tôi chia tay nhau trong niềm vui tương kính.