Tôi vẫn thường thắc mắc tại sao ở thời đại văn minh điện tử này mà vẫn còn
có nhiều người trong chúng ta lại còn tin vào thuyết sáng tạo, một giả thuyết
của những người tiền sử được ghi chép lại trong cuốn kinh Sáng Thế Ký của
Thiên Chúa giáo, trong khi thuyết tiến hóa dựa trên các sự kiện giải thích
rõ ràng nguồn gốc của sự sống đã được toàn thể cộng đồng khoa học thế giới
xác nhận đúng đắn nhất, không có một lý thuyết nào khả dĩ thay thế, để làm
căn bản cho nhiều bộ môn khoa học khác nhau, thì họ lại tuyệt đối không chấp
nhận. Có lẽ câu trả lời hợp lý hơn cả là do những chiến dịch vận động mánh
mung của các tổ chức tôn giáo núp dưới chiêu bài khoa học đã làm cho việc
chấp nhận sự kiện tiến hóa gần như bất khả thi. Như vậy, việc bàn về những
hoạt động này của các tổ chức tôn giáo là điều cần thiết để làm sáng tỏ cho
thắc mắc nêu trên.
Trước khi đi vào vào chủ đề, tưởng cũng cần bàn sơ qua lập trường của
cộng đồng khoa học hiện nay về hai lý thuyết đối nghịch là sáng tạo và tiến
hóa để chúng ta có sự so sánh đâu là một lý thuyết khoa học khả tín, và đâu
là chuyện hoang tưởng của thần thoại, một vấn đề của đức tin, không có một
chút bằng chứng nào hỗ trợ.
Lập Trường Của Cộng Đồng Khoa Học
Giả thuyết sáng tạo và phó sản của nó, lập luận thiết kế thông minh,
đã bị cộng đồng khoa học bác bỏ vì họ cho đó chẳng phải là một giả thuyết
đúng đắn, phù hợp với tinh thần khoa học, cho dù nó đã được ngụy trang dưới
những danh từ mang vẻ khoa học, như khoa học sáng tạo (creation science)
hoặc lập luận thiết kế thông minh (intelligent design). Lập luận này đã được
mánh khóe trình bày dưới những dạng từ ngữ mang tính thế tục, cố ý tránh
né việc nhắc đến một tác nhân thiết kế mà ai ai cũng thừa hiểu đó là Thiên
Chúa của Thiên Chúa giáo. Tác nhân thiết kế đó được ngụ ý trong phần giả
thiết của lập luận để cho phép can thiệp theo cách thức mà chỉ có thần thánh
mới có thể làm nổi. Những cỗ vũ cho giả thuyết này chỉ là những vận động
ồn ào của các nhà tôn giáo, mang nặng màu sắc chính trị hành lang vì động
lực tôn giáo, hoàn toàn không có tâm ý để thăng tiến khoa học. Những vận
động của họ ở mọi lĩnh vực đã đưa đến những hệ lụy khó khăn cho cộng đồng
khoa học nói riêng, và cho phúc lợi an sinh của xã hội nói chung, và đã được
kết thúc bằng những phán quyết của các tòa án, tiểu bang cũng như liên bang,
không còn cho phép thuyết sáng tạo và phó sản của nó được dạy trong các trường
trung học công lập ở Hoa Kỳ.
Edwards v. Aguillard là một vụ án liên quan về việc giảng dạy thuyết
sáng tạo đã được kháng cáo lên Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ năm 1987. Tòa án
đã phán quyết chung cuộc rằng luật lệ của tiểu bang Louisiana đòi hỏi khoa
học sáng tạo (creation science) phải được dạy chung với lý thuyết tiến hóa
ở các trường trung học công lập thì vi hiến, bởi vì luật đó đã rõ ràng có
mục đích đề bạt một tôn giáo riêng biệt. Phán quyết cũng khẳng định rằng
“việc giảng dạy các lý thuyết khoa học khác nhau về nguồn gốc của con người
cho trẻ em học sinh thì được phép nếu có ý định trong sáng muốn thăng tiến
hiệu quả của việc giảng dạy khoa học.” [1]
Như vậy, cái mà chúng ta hay gọi là “khoa học sáng tạo” hoàn toàn chẳng
có một chút gì dính dáng đến khoa học. Đó không phải là một cách giải thích
khoa học khác về nguồn gốc của con người. Khi đòi hỏi mang nó vào học trình
cũng không phải vì “có ý định trong sáng muốn thăng
tiến hiệu quả của việc giảng dạy khoa học”, nhưng chỉ vì mục đích đề bạt cho một tôn giáo riêng
biệt.
Để hỗ trợ cho quan điểm của Aguillard, có 72 khoa học gia Mỹ từng thắng
giải Nobel về vật lý, hóa học, sinh lý học, hoặc y khoa, và 17 học viện hàn
lâm chuyên nghiệp khoa học của tiểu bang, và 7 tổ chức khoa học khác đã ký
vào bản tuyên cáo chung, rằng khoa học sáng tạo chỉ là những giáo lý căn
bản của một tôn giáo có nguồn gốc từ cuốn kinh Sáng Thế Ký như sau:
Đó là đấng Sáng tạo thần thánh đã tạo dựng thế giới từ hư không.
Đấng Sáng tạo đã tạo dựng các loài thực vật và động vật, những thứ không
thể tiến đến việc tự tạo ra các loài thực vật và động vật mới khác.
Có một trận lụt đại hồng thủy trên khắp địa cầu đã tạo ra các hóa thạch,
các hiện tượng thuộc cỗ sinh vật học và địa chất học.
Vũ trụ được tạo dựng tương đối mới, khoảng chừng 10.000 năm nay. [2]
Như vậy, số đông gần như tuyệt đối cộng đồng khoa học và các viện hàn lâm
hỗ trợ thuyết tiến hóa như là lý thuyết duy nhất để giải thích các quan sát
về sự sống được ghi nhận trong các ngành vạn vật, cỗ sinh vật, nhân chủng
và những ngành khoa học khác. Vào năm 1987, chỉ có chừng 700 khoa học gia
trong tổng số 480.000 khoa học gia về địa chất và sinh học Hoa Kỳ là còn
tin vào thuyết sáng tạo, một tỉ số nhỏ nhoi 0,146% các nhà khoa học. [3]
Giáo sư Brian Alters, một chuyên viên về tranh cãi giữa thuyết tiến hóa và
sáng tạo, cho rằng có đến “99,9% các nhà khoa học chấp nhận thuyết tiến hóa”. [4] Một
thống kê nghiên cứu của viện Gallup cũng khẳng định rằng chỉ chừng 5% các
nhà khoa học, kể cả những sinh viên đang thực tập ngoài lĩnh vực của ngành
Vạn vật, tự cho mình là những người tin theo thuyết sáng tạo. [5][6]
Ở Mỹ, có một sự khác biệt đáng ghi nhận giữa những nhà khoa học và
đại chúng có trình độ học thức thấp. Những người càng có nhiều kiến thức
về khoa học thì họ càng chấp nhận thuyết tiến hóa. Nghiên cứu thống kê của
cơ quan PEW ghi nhận năm 2009 rằng, gần như tất cả các nhà khoa học (97%)
cho rằng con người và các loài có sự sống đã tiến hóa theo thời gian, 87%
thì cho rằng tiến hóa thuận theo diễn trình tự nhiên, chẳng hạn như sự chọn
lọc tự nhiên; trong khi chỉ có 32% đại chúng thì cũng tin như vậy. [7]
Ngày nay, nghiên cứu thống kê của cơ quan PEW cho biết mức độ tin
theo thuyết tiến hóa khoa học để giải thích nguồn gốc của con người trên
trái đất càng ngày càng tăng nhanh trong các tôn giáo khác nhau như sau:
[8]
Phật
giáo
81%
Ấn
giáo
80%
Do
thái giáo
77%
Không
có tôn giáo
72%
Công
giáo
58%
Chính
thống giáo
54%
Tin
lành giòng chính
51%
Hồi
giáo
45%
Tin
lành Hist. Black
38%
Tin
lành Evang.
24%
Mormon
22%
Jehovah's
Witnesses
8%
Hơn nữa, cộng đồng khoa học còn khẳng định lập luận thiết kế thông
minh, một chi nhánh họ hàng của thuyết sáng tạo, không phải là khoa học, [9] nhưng
là ngụy khoa học (pneudoscience) [10][11] hoặc
thứ đồ khoa học phế thải (junk science) [12][13].
Hàn Lâm Viên Khoa Học Quốc Gia Hoa Kỳ (U.S. National Academy of Sciences),
một tổ chức cao cấp nhất và có tiếng nói quyết định trong các vấn
đề khoa học, cũng đã công khai xác quyết rằng:
“Thuyết sáng tạo, lập luận thiết kế thông minh, và những tuyên bố
khác về sự can thiệp siêu tự nhiên vào nguồn gốc của sự sống đều
không phải là khoa học bởi vì chúng không được thử thách bằng những cuộc
thí nghiệm theo các phương pháp khoa học. Những tuyên bố này thì phụ
thuộc vào các dữ kiện quan sát dựa theo thẩm quyền, sự mạc khải, hoặc
niềm tin tôn giáo. Những tài liệu đưa ra để hỗ trợ cho các tuyên bố này
thì tiêu biểu giới hạn trong các sách báo sản xuất riêng biệt của những
người bênh vực cho các lời tuyên bố. Những tài liệu này không trưng ra
những giả thiết có thể bị thay đổi dưới ánh sáng của các dữ kiện mới,
cách giải thích mới, hoặc dưới ánh sáng của việc chứng minh là chúng
sai lầm. Điều này mâu thuẫn với khoa học ở đó bất cứ giả thiết hoặc lý
thuyết nào cũng luôn luôn có thể bị loại bỏ hoặc thay đổi dưới ánh sáng
của kiến thức.
Không có niềm tin của bất cứ ai có nguồn gốc từ các giáo điều hơn
là từ sự quan sát khoa học, sự giải thích, và sự thử nghiệm, lại
đáng được chấp nhận là khoa học trong bất cứ bộ môn khoa học nào.
Mang những giáo lý như vậy vào chương trình giảng dạy khoa học là làm
tổn hại mục đích của việc giáo dục quần chúng. Khoa học đã thành công
lớn trong việc giải thích các tiến trình tự nhiên, và điều này không
những đã làm tăng sự hiểu biết về vũ trụ mà còn làm cải tiến ngành kỹ
thuật, y tế và phúc lợi an sinh công cộng. Nhiệm vụ tăng dần của khoa
học trong đời sống hiện đại là đòi hỏi khoa học, không phải tôn giáo,
được giảng dạy trong các lớp về khoa học.”[14]
Vào tháng 9, năm 2005, còn có 38 khoa học gia thắng giải Nobel đã
đưa ra tuyên cáo rằng “lập luận thiết kế thông minh không có căn
bản khoa học; nó không thể được thử nghiệm như là một lý thuyết khoa
học bởi vì kết luận của nó được dựa trên niềm tin vào sự can thiệp của
một tác nhân siêu tự nhiên.”[15] Và
tháng 10 cùng năm, một liên kết gồm hơn 70.000 các khoa học gia và
giáo sư người Úc cũng đã đưa ra một tuyên cáo rằng “lập luận thiết
kế thông minh không phải là khoa học” và khuyến cáo “tất cả mọi
trường học không được giảng dạy lập luận thiết kế thông minh như là một
môn khoa học, bởi vì nó thất bại trong mọi trường hợp để được chứng
nhận như là một lý thuyết khoa học”. [16]
Và còn có hơn 70 hiệp hội hay các định chế khoa học, và những nhóm
chuyên nghiệp khác đại diện hằng mấy chục ngàn các khoa học gia cũng
đã ra tuyên cáo ủng hộ việc giảng dạy thuyết tiến hóa và chống đối
lập luận thiết kế thông minh. Tiến hóa là sự kiện, còn những tranh cãi
về thuyết tiến hóa chỉ là những tranh cãi nhỏ nhặt về cơ chế giải thích
tiến hóa như thế nào. [17][18]
Ủy Ban Văn Hóa, Khoa Học và Giáo Dục thuộc Quốc Hội Âu Châu, hồ sơ
số 11375, ngày 17 tháng 9 năm 2007, cũng đã có một bản báo cáo về
“Những Nguy Hiểm Của Thuyết Sáng Tạo Trong Nền Giáo
Dục” (The dangers
of creationism in education) với những khẳng định như sau:
“Hiện nay, các khoa học gia của tất cả mọi quốc gia, mọi chủng tộc
và mọi tôn giáo, đồng ý về sự hiện hữu của tiến hóa, và như vậy,
không còn cố gắng tìm kiếm xem có sự tiến hóa đã xảy ra hay không,
nhưng là để tìm hiểu sự tiến hóa đã xảy ra như thế nào. Một số câu
hỏi vẫn còn trong cộng đồng khoa học về việc nắm vững tất cả mọi tiến
trình dẫn đến sự tiến hóa. Đặc biệt, công việc này bao gồm khám phá cơ
chế đã điều hành cấu trúc hiện tại của sự đa dạng sinh học. [19]
Tuy nhiên, không có khoa học nào được xem như đã hoàn tất và những
khám phá mới thường xuyên làm tăng tiến sự hiểu biết về các sự vật
làm sao chúng đạt được như chúng đang là.
…Thuyết sáng tạo ở mọi hình thức, chẳng hạn như lập luận “thiết kế
thông minh”, không dựa trên các sự kiện, không dùng bất cứ lý luận
nào của khoa học, và nội dung của nó thì hoàn toàn không phù hợp
với các lớp khoa học.
Mặc dù vậy, một số người đòi hỏi thuyết sáng tạo phải được dạy chung,
hoặc ngay cả thay thế thuyết tiến hóa. Từ một quan điểm khoa học,
tuyệt đối không có sự nghi ngờ tiến hóa là lý thuyết chính yếu để
chúng ta có hiểu biết về sự sống trên trái đất.
Quốc hội kêu gọi các thẩm quyền về giáo dục của
các quốc gia hội viên khuyến khích sự hiểu biết về khoa học, dạy thuyết
tiến hóa, và mạnh mẽ chống đối, bằng mọi cách, việc giảng dạy thuyết
sáng tạo như là một bộ môn khoa học.” [20]
Những Thủ Đoạn Mánh Mung
Vậy rõ ràng chỉ có thuyết tiến hóa mới là khoa học; còn thuyết sáng
tạo và phó sản của nó, lập luận thiết kế thông minh, không phải là
khoa học, nhưng là ngụy khoa học hoặc thứ đồ khoa học phế thải. Nhưng
tại sao số đông quần chúng vẫn không chấp nhận sự kiện này, kể cả
một số đông không ít những trí thức khoa bảng VN, cứ tiếp tục ngày
đêm chống phá thuyết tiến hóa khoa học để cỗ vũ cho thứ đồ khoa học
phế thải?
Những thủ đoạn mánh mung ở đây là những chiến dịch vận động không
ngừng và rất tốn kém của những nhà tôn giáo theo thuyết sáng tạo
cho những thay đổi xã hội, giáo dục, và cả chính trị để quảng bá
lập luận thiết kế thông minh. Họ cho rằng những nét đặc trưng của
vũ trụ và của sự sống được giải thích tốt nhất bằng lập luận thiết
kế thông minh, chứ không phải bằng tiến trình không trực tiếp như
sự chọn lọc tự nhiên. Công việc chính yếu của họ là đẩy mạnh quần
chúng ý thức về lập luận thiết kế thông minh, vận động hành lang
chính trị để thúc ép việc giảng dạy lập luận này ở những trường trung
học, và tạo áp lực để có những luật lệ cấm đoán, hoặc tạo rào cản, ngăn
trở việc giảng dạy thuyết tiến hóa khoa học.
Mục đích nhắm tới của các chiến dịch vận động cho lập luận thiết
kế thông minh là để đánh đổ học thuyết duy vật và vô thần. Những
thủ đoạn mánh mung được thực hiện bởi những tổ chức hiệp hội mang
danh nghĩa khoa học nhưng lại cho mục đích tôn giáo. Họ tin tưởng
sai lầm rằng xã hội đang trên đà băng hoại về luân lý và đạo đức
vì chấp nhận chủ nghĩa duy vật, và khoa học là nguyên nhân chính
yếu gây nên sự băng hoại này bởi nó đi tìm sự giải thích tự nhiên;
do đó, sẽ dẫn đến chủ nghĩa vô thần. Họ tin rằng thuyết tiến hóa
hàm ý con người không có bản chất tâm linh, không có mục đích luân
lý, và không có ý nghĩa nội tại. Họ làm mọi cách để phá đổ quan điểm về
một thế giới vật chất, được đại diện bởi thuyết tiến hóa, và thay vào đó
là thứ khoa học phù hợp với niềm tin tưởng duy thần của Thiên Chúa giáo. [21]
Vì có sự cấm đoán dạy thuyết sáng tạo của Tối Cao Pháp Viện năm 1987
trong vụ Edwards v. Aguillard như đã trình bày ở phần trên, nên họ
đã thay đổi chiến thuật bằng cách theo đuổi hai chiến dịch song song:
cỗ vũ lập luận thiết kế thông minh và tuyên truyền một cách sai lầm,
dèm pha, làm giảm uy tín và giá trị thuyết tiến hóa khoa học. Bằng
những luận điệu chỉ trích những thiếu sót nhỏ mọn, không đáng chỉ
trích, hoặc trưng ra những bất đồng của các nhà khoa học trong lối
giải thích cơ chế tiến hóa, họ đã thành công trong việc đòi hỏi dạy
cho các học sinh ý thức về sự tranh cãi này, cho dù chỉ thành công
trong một giai đoạn ngắn.
Dạy Sự Tranh Cãi (Teach
the Controversy) trong lý thuyết tiến hóa là tên riêng của chiến
dịch cỗ vũ lập luận thiết kế thông minh do Viện Khám Phá (Discovery
Institute), một tổ chức tôn giáo núp dưới danh nghĩa khoa học, và
Trung Tâm Khoa Học và Văn Hóa (Center for Science and Culture), một
tổ chức ngoại vi của Viện Khám Phá, đặt ra để làm giảm giá trị thuyết
tiến hóa được giảng dạy trong các trường trung học ở Mỹ. Vì họ đã
hoàn toàn thất bại trong việc chứng minh thuyết sáng tạo bằng những
dữ kiện thâu thập khi quan sát nên họ phải thay đổi chiến thuật bằng
cách tìm đủ mọi lý lẽ để công phá thuyết tiến hóa. Họ khuyến khích
việc phê phán thuyết tiến hóa để đòi quyền được giảng dạy một cách
thức giải thích khác về nguồn gốc của sự sống, hàm ý cách giải thích
bằng lập luận thiết kế thông minh, dựa trên lý lẽ cần phải khuyến
khích cho sự tự do phê phán ở học đường.
Mặc dù Dạy Sự Tranh Cãi được những người hỗ trợ trình bày như là
để khuyến khích cho sự tự do học thuật, nó lại được cộng đồng khoa
học xem như là một sự đe dọa nguy hiểm cho sự tự do học thuật và
đã bị Hiệp Hội Các Nhà Giáo Khoa Học (National
Science Teachers Association), bao gồm 55.000 các giáo sư và khoa
học gia, và Hiệp Hội Thăng Tiến Khoa Học (American Association for
the Advancement of Science) thẳng tay khước từ. [22] Báo Thẩm Tra
Bệnh Lý (Journal of Clinical Investigation) của Hiệp Hội Mỹ Về Sự
Thẩm Tra Bệnh Lý (The American Society for Clinical Investigation)
giải thích các hoạt động cỗ vũ cho việc Dạy Sự Tranh Cãi như là trò
đánh lừa (hoax), và sự tranh cãi là do người ta bịa đặt ra. [23]
Phillip E. Johnson, kiến trúc sư của phong trào vận động cho lập
luận thiết kế thông minh và cố vấn của Trung Tâm Khoa Học và Văn
Hóa, đã tóm tắt chiến lược vận động của phong trào, có tên là Mũi
Nhọn (Wedge), hàm ý là để chém thuyết tiến hóa, như sau:
Mục đích của phong trào vận động cho lập luận thiết kế thông minh là
để tuyên truyền cho thuyết sáng tạo như là một ý niệm khoa học.
Chiến lược của chúng tôi là phải thay đổi đề tài một chút để chúng tôi
mới có thể có được lập luận thiết kế thông minh, đúng theo nghĩa Thiên
Chúa thực tế, trước thế giới hàn lâm và trong các trường học. [24]
Đó thực không phải và chưa bao giờ là một cuộc tranh luận về khoa học.
Đó chỉ là về tôn giáo và triết học. [25]
Nếu chúng ta hiểu biết về thời đại của chúng ta, chúng ta sẽ biết rằng
chúng ta nên khẳng định về Thiên Chúa thực tại bằng cách thách thức sự
thống trị của chủ nghĩa duy vật và duy nhiên trong thế giới tinh thần.
Nhờ sự trợ giúp của nhiều bạn bè, tôi đã phát triển được một chiến lược
để đạt điều này… Chúng tôi gọi chiến lược của chúng tôi là “Mũi Nhọn” (Wedge). [26]
Như vậy, câu hỏi là “làm sao để thắng?” Đó là khi tôi đã bắt đầu khuếch
trương cái điều mà bạn hiện đang nhìn thấy đủ lông cánh trong chiến lược
“Mũi Nhọn”: “Cứ dính chặt với điều quan trọng nhất” – cơ chế và việc xây
dựng thông tin. Dụt bỏ cuốn Kinh thánh và cuốn Sáng thế ký ra khỏi cuộc
tranh luận bởi vì bạn không muốn nhắc đến sự phân chia giữa Kinh thánh
và khoa học. Hãy lập luận làm sao để cộng đồng hàn lâm thế tục lắng nghe,
và làm sao để kết hợp những người không theo nhà thờ dòng chính thống ngồi
lại với nhau. Đó có nghĩa là chú tâm vào câu hỏi “Bạn
có cần một đấng Sáng tạo để làm công việc sáng tạo, hoặc thiên nhiên
có thể tự nó làm được không?”
và từ chối để khỏi bị dẫn lạc vào những chủ đề khác mà thiên hạ thường
hay cố gắng dẫn dắt. [27]
Thành công của họ là vào tháng 10, năm 2004, Bộ Học Chánh Khu Vực Dover
(Dover Area School District), tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, đã thay đổi
học trình của môn vạn vật bằng cách bắt buộc dạy thuyết sáng tạo như là một
lối giải thích khác về nguồn gốc của sự sống, song song với thuyết tiến hóa.
Họ còn bắt buộc các em học sinh lớp 9 phải đọc to trong lớp rằng lập luận
thiết kế thông minh “là một lối giải thích khác quan điểm của Darwin về nguồn
gốc của sự sống” từ cuốn sách giáo khoa “Of
Pandas and People” trong giờ học về lý thuyết tiến hóa khoa học. Điều
này đưa đến sự việc 11 phụ huynh các em học sinh trong khu vực đã đệ đơn
kiện Bộ Học Chánh Khu Vực Dover ngay tại tòa án liên bang. Đó là vụ kiện
nổi tiếng có tên là Tammy Kitzmiller, et al. v. Dover Area School District,
et al. (400 F. Supp. 2d 707, Docket no. 4cv2688).
Vào ngày 20, tháng 12, năm 2005, chánh án Judge Jones đã phán quyết
rằng, điều bắt buộc của khu học chánh Dover phải đọc trong lớp là
vi hiến. Phán quyết kết luận rằng lập luận thiết kế thông minh không
phải là khoa học, và cấm đoán vĩnh viễn Bộ Giáo Dục không được “duy
trì chính sách dạy lập luận thiết kế thông minh trong bất cứ trường nào
ở khu học chánh Dover, không được đòi hỏi các giáo viên phải dèm pha
hoặc làm giảm uy tín lý thuyết tiến hóa khoa học, và không được bắt buộc
các giáo viên phải nhắc đến một học thuyết tôn giáo khác có tên là lập
luận thiết kế thông minh.” [28] Tất
cả 8 vị trong Bộ Giáo Dục khu học chánh Dover đã bỏ phiếu cho lập
luận thiết kế thông minh đã bị thất cử trong kỳ bầu cử ngày 8 tháng 11
năm 2005. Tất cả các vị thắng cử đều là những người đã ủng hộ thuyết
tiến hóa. [29]
Bản báo cáo của Ủy Ban Văn Hóa, Khoa Học và Giáo Dục thuộc Quốc Hội
Âu Châu như đã dẫn chứng phía trên cũng có sự nhận định như sau:
“Những người tin theo thuyết sáng tạo hiện đang tấn công hai mặt:
hoặc họ từ chối bản chất khoa học của sự tiến hóa hoặc họ đặt sự
nghi ngờ vào trọng điểm của cuộc tranh luận để đọ sức với những người
hỗ trợ thuyết tiến hóa. Để đạt mục đích này, họ dựa vào sự kiện rằng
khoa học tiến hóa, cũng như bất cứ một khoa học nào khác, thì chưa đóng
khép, nghĩa là để tạo sự nghi ngờ ở một vài yếu tố hoặc mô tả chi tiết
những yếu tố khác mà chẳng cần đặt vấn đề những căn bản dựa vào.
Đối với những người theo thuyết sáng tạo có sự thuyết
phục ở tất cả mọi mức độ, yếu tố không chắc chắn chung quanh công việc
của khoa học về chủ đề sáng tạo và tiến hóa thì quá lớn để cho lý thuyết
này được tin tưởng. Họ có cần được nhắc nhở rằng điều này phải được áp
dụng cho tất cả mọi khoa học không? Chỉ cần trưng ra một thí dụ về hạt
nguyên tử là thứ không thể thấy và rồi được phân chia thành hạt nhân
và hạt điện tử, sau đó thì hạt “quarks” được khám phá. Tuy nhiên, những
khám phá khoa học này không bao giờ thách thức nền tảng của lý thuyết
nguyên tử. Một lý thuyết khoa học là mang lại kiến thức mới về những
gì mà nó cố gắng giải thích để phù hợp với những dữ kiện mới này. Mặc
dù vậy, việc duyệt xét lại và thay đổi một lý thuyết không có nghĩa là
đặt lại vấn đề nguyên tắc căn bản của nó, và điều này cũng phải được
áp dụng cho lý thuyết tiến hóa.”
Richard Dawkins, một nhà sinh vật học lừng danh chuyên về thuyết
tiến hóa và cũng là giáo sư đại học Oxford, so sánh việc giảng dạy
lập luận thiết kế thông minh ở nhà trường giống như việc giảng dạy
thuyết quả đất phẳng (flat earthism): hoàn toàn đúng nếu trong lớp
dạy về lịch sử, nhưng sai nếu ở lớp dạy về khoa học. “Nếu
bạn cho rằng có hai trường phái trong khoa học, một trường phái dạy quả
đất thì tròn và một trường phái khác dạy quả đất thì phẳng, là bạn đang
làm các trẻ em lầm đường lạc lối.” [30]
họa đồ trái đất phẳng, có vòm trời
- theo thánh kinh
trái đất thực sự ngày nay -
nhìn được từ các vệ tinh
Như vậy, cuộc chiến giữa thuyết sáng tạo và thuyết tiến hóa đã thật
sự kết thúc. Thuyết sáng tạo và phó sản của nó, lập luận thiết kế
thông minh, chỉ là vấn đề của đức tin, mà đức tin là thứ được dựa
trên Kinh thánh, sự mạc khải thần thánh, và thẩm quyền độc đoán của
các Giáo hội Thiên Chúa giáo; trong khi tiến hóa được xác định như
là một sự kiện dựa trên sự quan sát và khám phá của những bộ môn
khoa học khác nhau, bằng những phương pháp khoa học có thể kiểm chứng
một cách khách quan, để đưa ra được những tiên đoán. Những cố gắng của
các nhà biện giải VN cho Thiên Chúa giáo viết về thuyết sáng tạo thường
là chỉ để đả phá thuyết tiến hóa khoa học bằng những thứ đồ phế thải,
sản phẩm một thời của những hoạt động chống phá thuyết tiến hóa.
Khi mà Giáo Hoàng Benedict XVI đã tuyên bố rằng “Giáo
hội đã chấp nhận tiến hóa như là một lý thuyết khoa học”, và Giáo
hội Công Giáo La Mã không còn giảng dạy thuyết sáng tạo cho
các tín đồ nữa, và Hàn Lâm Viên Khoa Học Quốc Gia Hoa Kỳ đã đưa
ra lời khuyến cáo của họ năm 1998 rằng, “Trong
cộng đồng khoa học, không còn có sự tranh luận về sự tiến hóa có xảy ra
hay không, và không có bằng chứng nào chứng tỏ là sự tiến hóa đã không
xảy ra.”,
và các ông chánh án Hoa Kỳ đã có quyết định không cho dạy thuyết
sáng tạo cho các học sinh trường công lập, thì một số nhà biện
giải VN cho Thiên Chúa giáo vẫn hằng ngày ra rả chống phá thuyết tiến
hóa và nhục mạ các nhà khoa học. [31]
Vậy
có nghĩa là những trình bày của các tác giả VN núp dưới cái dù bảo
vệ tôn giáo, bất chấp sự thật mà họ luôn luôn tuyên bố muốn cỗ vũ, chỉ
là những đồ phế thải mà tôi tin những người có trách nhiệm
cho các quyết định như đã trình bày ở trên không phải họ không biết.
Những thứ phế thải này là sản phẩm một thời của các hoạt động Thiên Chúa
giáo đã phí công sức hơn 100 năm qua cho việc chống phá thuyết tiến hóa.
[2] These four tenets are enumerated, among other places, in McLean
v. Arkansas Board of Education, 529 F. Supp. 1255, 1264 (E.D. Ark.
1982) (quoting the Arkansas statute struck down in that case);
Distinction Between Scientific Creationism and Biblical Creationism,
Acts& Facts 4 (December
1978) (setting forth Wendell R. Bird's summary of the model); and Morris,
The Tenets of Creationism, Impact, July 1980, at ii. Impact and Acts & Facts
are published by the Institute for Creation Research. Although these particular
articles distinguish "Scientific Creationism" from "Biblical
Creationism," the tenets of both types of creationism include the four
listed above. Impact, supra, at ii-iv; Acts& Facts, supra, at 4.
[3] As reported by Newsweek: "By one count
there are some 700 scientists with respectable academic credentials (out
of a total of 480,000 U.S. earth and life scientists) who give credence
to creation-science, the general theory that complex life forms did not
evolve but appeared 'abruptly'."Martz & McDaniel
1987, p. 23
[10] National Science Teachers Association, a professional
association of 55,000 science teachers and administrators in
a 2005 press release: "We
stand with the nation's leading scientific organizations and scientists,
including Dr. John Marburger, the president's top science advisor,
in stating that intelligent design is not science.…It is simply
not fair to present pseudoscience to students in the science
classroom." National
Science Teachers Association Disappointed About Intelligent Design Comments
Made by President Bush National Science Teachers Association Press
Release August 3, 2005
[12] "Biologists aren’t alarmed by intelligent design’s arrival in Dover
and elsewhere because they have all sworn allegiance to atheistic materialism;
they’re alarmed because intelligent design is junk science." H. Allen
Orr. Annals of Science. New Yorker May 2005.Devolution—Why
intelligent design isn't. Also, Robert
T. Pennock Tower of Babel: The Evidence Against the New Creationism.
[13] Junk science,
Mark Bergin. World Magazine, Vol. 21, No. 8 February 25, 2006.
[15] The Elie Wiesel Foundation for Humanity Nobel
Laureates Initiative. Intelligent design cannot be tested as a scientific
theory "because
its central conclusion is based on belief in the intervention of
a supernatural agent." Nobel
Laureates Initiative
[22] Some bills seek to discredit evolution by
emphasizing so-called "flaws" in
the theory of evolution or "disagreements" within the scientific
community. Others insist that teachers have absolute freedom within their
classrooms and cannot be disciplined for teaching non-scientific "alternatives" to
evolution. A number of bills require that students be taught to "critically
analyze" evolution or to understand "the controversy." But
there is no significant controversy within the scientific community
about the validity of the theory of evolution. The current controversy
surrounding the teaching of evolution is not a scientific one." AAAS
Statement on the Teaching of EvolutionAmerican
Association for the Advancement of Science. February 16, 2006